Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 6 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần ba »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 6 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần ba

Donate

(Lượt xem: 13.379)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 6 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần ba

Phật dạy: “Thiện nam tử! Theo kinh Đại Niết-bàn vi diệu này, có bốn hạng người có thể ủng hộ Chánh pháp, kiến lập Chánh pháp, nghĩ tưởng đến Chánh pháp, có thể thương xót và làm lợi ích nhiều cho thế gian, là chỗ nương theo cho thế gian, làm cho loài người và chư thiên đều được yên vui.

“Bốn hạng người ấy là những ai? Thứ nhất là những người ra đời có đủ tánh phiền não. Thứ nhì là các vị Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm. Thứ ba là các vị A-na-hàm. Thứ tư là các vị A-la-hán. Bốn hạng người này xuất hiện ở đời có thể thương xót và làm lợi ích nhiều cho thế gian, là chỗ nương theo cho thế gian, làm cho loài người và chư thiên đều được yên vui.

“Sao gọi là có đủ tánh phiền não? Như người có thể vâng giữ giới cấm, đầy đủ các oai nghi, kiến lập Chánh pháp, theo Phật nghe pháp, hiểu được nghĩa lý rồi phân biệt giảng rộng với người khác. Chẳng hạn như nói rằng: ít ham muốn là hợp đạo, nhiều ham muốn là trái đạo... giảng rộng tám điều giác ngộ của bậc đại nhân như vậy, đối với kẻ phạm tội liền dạy họ phát lộ sám hối để diệt trừ tội lỗi, hiểu rành những phép phương tiện và sở hành bí mật của Bồ Tát. Gọi là phàm phu thì chẳng phải là người có đủ tám điều giác ngộ. Người có đủ tám điều giác ngộ thì chẳng gọi là phàm phu, gọi là Bồ Tát, chẳng gọi là Phật.

“Hạng người thứ nhì là các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm. Các vị này nếu được Chánh pháp, thọ trì Chánh pháp, theo Phật nghe pháp, liền y như chỗ đã nghe mà ghi chép, thọ trì, đọc tụng, đem giảng giải với người khác. Như với các vị này mà bảo rằng nghe pháp rồi chẳng ghi chép, chẳng thọ trì, chẳng đem giảng giải cho người khác, lại nói rằng Phật cho phép chứa trữ nô tỳ, những vật bất tịnh, đều là chuyện vô lý. Như vậy là hạng người thứ nhì. Các vị này chưa được như hạng người thứ ba. Được như hạng người thứ ba gọi là Bồ Tát đã được thọ ký.

“Hạng người thứ ba là các vị A-na-hàm. Nếu bảo rằng các vị A-na-hàm phỉ báng Chánh pháp, như nói: Như Lai cho phép chứa trữ nô tỳ, tôi tớ, những vật bất tịnh; hoặc nói các vị thọ trì kinh sách, luận thuyết của ngoại đạo; hoặc nói các vị bị phiền não khách trần ngăn trở, bị các phiền não từ trước che lấp; hoặc nói các vị giấu giếm xá-lỵ chân thật của Như Lai; hoặc nói các vị bị các bệnh ở ngoài gây não hại, hoặc bị rắn độc bốn đại xâm tổn; hoặc nói các vị theo luận thuyết chấp ngã, đều là những việc vô lý.

“Nếu bảo rằng các vị A-na-hàm giảng thuyết pháp vô ngã, đó là việc có lý. Nếu bảo rằng các vị giảng lẽ chấp trước theo pháp thế gian, đó là việc vô lý. Nếu bảo các vị giảng pháp Đại thừa tiếp nối chẳng dứt, đó là việc có lý.

“Nếu bảo rằng các vị A-na-hàm có cái thân chứa tám vạn loại trùng, đó cũng là việc vô lý. Nếu bảo rằng các vị đã vĩnh viễn xa lìa sự dâm dục, cho đến trong giấc mộng cũng không phạm việc bất tịnh, đó là việc có lý. Nếu bảo rằng các vị A-na-hàm đến ngày lâm chung sanh lòng sợ sệt, đó cũng là việc vô lý.

“Vậy A-na-hàm có nghĩa là gì? Như trước đây ta có nói, bậc A-na-hàm chẳng còn phải trở lại thế gian này; những lỗi lầm tai hại từ trước chẳng còn có thể nhiễm ô. Nếu vị ấy còn tới lui ở cõi thế gian này, đó gọi là Bồ Tát đã được thọ ký, chẳng bao lâu sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là hạng người thứ ba.

“Hạng người thứ tư gọi là A-la-hán. Vị A-la-hán là người đã dứt hết phiền não, đã trút bỏ gánh nặng, đã được sự lợi ích cho mình, đã làm xong việc phải làm, trụ ở địa vị thứ mười. Bậc ấy được trí tự tại, tùy theo sự ưa thích của chúng sanh có thể thị hiện ra mọi thứ hình sắc, ảnh tượng. Như chỗ trang nghiêm của vị này, nếu muốn thành Phật đạo liền có đủ khả năng để thành. Có thể thành tựu vô lượng công đức như vậy nên gọi là A-la-hán.

“Đó gọi là bốn hạng người xuất hiện ở đời có thể thương xót và làm lợi ích nhiều cho thế gian, là chỗ nương cậy cho thế gian, làm cho loài người và chư thiên đều được yên vui. Các vị này đều là bậc tối tôn, tối thắng trong cõi trời người, không khác gì đức Như Lai. Gọi là bậc cao trổi trong loài người, tức là chỗ quay về nương theo của cả nhân loại và chư thiên.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nay con chẳng nương theo bốn hạng người ấy. Vì sao vậy? Như trong kinh Cồ-sư-la, Phật dạy ông Cồ-sư-la rằng: ‘Như có thiên ma hay Phạm thiên, vì muốn phá hoại nên biến ra hình Phật có đủ 32 tướng tốt trang nghiêm, 80 vẻ đẹp, hào quang chiếu quanh một tầm, khuôn mặt tròn đầy như trăng rằm sáng rỡ, có lông trắng ở khoảng giữa hai chân mày màu trắng như ngọc, như tuyết. Nếu có người hình thể trang nghiêm như vậy đi đến chỗ ông, thì ông nên xét kỹ xem là thật hay là giả. Khi biết rõ [là ma giả dạng] rồi thì nên hàng phục nó.’

“Thế Tôn! Bọn ma ấy có thể hóa làm thân Phật được, huống chi là các thân như A-la-hán, A-na-hàm... của bốn hạng người trên, hoặc những việc như nằm ngồi giữa không trung, hông trái phun nước, hông phải phun lửa, thân thể tuôn ra khói lửa như một đám lửa. Vì nhân duyên ấy, với những hạng người này con chẳng sanh lòng tin, hoặc như có thuyết giảng điều chi, con cũng không thể nhìn nhận, cũng không sanh tâm cung kính mà nương theo họ.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đối với những điều chính ta giảng thuyết, nếu có lòng nghi còn chẳng nên nhận, huống chi là với những hạng người ấy. Cho nên phải khéo phân biệt biết rõ là điều lành hay dữ, nên làm hay chẳng nên làm. Nếu được như vậy thì sẽ thọ hưởng sự yên vui lâu dài.

“Thiện nam tử! Ví như con chó hoang ban đêm vào nhà người ta. Kẻ tôi tớ nhà ấy nếu hay biết được, liền đuổi mắng rằng: ‘Mày mau đi khỏi đây. Nếu mày chẳng đi ngay tao sẽ giết mày.’ Chó hoang nghe vậy liền bỏ đi không dám trở lại. Từ nay trở đi các ông cũng nên làm như vậy để hàng phục ma Ba-tuần. Nên nói như thế này: ‘Ba-tuần! Nay ông không nên biến ra hình tượng như vậy. Nếu ông còn cố ý hóa hiện như vậy nữa, ta sẽ dùng năm sợi dây mà trói buộc ông.’ Ma nghe lời ấy ắt sẽ ra đi, cũng như con chó hoang kia không còn dám trở lại.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy trưởng giả Cồ-sư-la rằng: ‘Nếu ông có thể dùng cách ấy mà hàng phục ma thì cũng có thể đến gần Đại Niết-bàn.’ Như Lai cần chi phải nói rằng bốn hạng người ấy là chỗ quay về nương theo? Bốn hạng người như vậy có giảng thuyết điều chi, chưa chắc đã là đáng tin.”

Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ngay như những điều ta thuyết dạy, cũng là như vậy, chẳng ra ngoài lẽ ấy.

“Thiện nam tử! Ta vì hàng Thanh văn mắt thịt mà nói việc hàng phục chúng ma, không phải vì những người tu học Đại thừa mà nói. Hàng Thanh văn dẫu có thiên nhãn cũng gọi là mắt thịt. Người tu học Đại thừa tuy mang mắt thịt nhưng gọi là Phật nhãn. Vì sao vậy? Kinh Đại thừa này gọi là Phật thừa, cao quý hơn hết, vượt trội hơn hết.

“Thiện nam tử! Ví như có người mạnh mẽ, oai dũng. Những kẻ yếu đuối nhút nhát thường đến nương tựa người ấy. Người mạnh mẽ ấy thường dạy những kẻ yếu đuối nhút nhát rằng: ‘Các ông nên cầm cung tên như thế này, luyện tập múa giáo, móc câu, quăng dây trói như thế này...’ Rồi lại dạy rằng: ‘Trong việc chiến đấu, tuy như đi trên mũi nhọn cũng không được sợ sệt. Hãy nhìn người khác với ý tưởng coi khinh là yếu ớt. Tự mình nên có tư tưởng là người mạnh mẽ. Như gặp người vốn không can đảm dũng mãnh nhưng giả làm bộ dạng mạnh mẽ, cầm cung xách đao cùng mọi thứ khí giới bước ra giữa trận lớn tiếng quát thét; đối với người ấy đừng sanh lòng sợ sệt. Hạng người như vậy, nếu thấy ông chẳng khiếp sợ, nên biết rằng chẳng bao lâu họ sẽ tự tan rã, bại hoại, cũng như con chó hoang kia vậy.’

“Thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, thường dạy các vị Thanh văn rằng: ‘Các ông chớ nên sợ ma Ba-tuần. Nếu ma Ba-tuần hóa làm thân Phật và đi đến chỗ các ông, các ông nên tinh cần giữ tâm vững chãi, hàng phục ma ấy. Khi ấy ma sẽ phải lo sầu chẳng vui, theo đường cũ mà rút lui.

“Thiện nam tử! Như người dũng mãnh kia, không chịu bắt chước theo kẻ khác. Người tu học Đại thừa cũng thế, khi nghe được đủ các kinh điển sâu xa bí mật, trong lòng lấy làm vui sướng, chẳng hề kinh sợ. Vì sao vậy? Vì người tu học Đại thừa như vậy vốn đã từng cúng dường, cung kính, lễ bái vô số đức Phật trong quá khứ, dẫu có vô số ma muốn đến quấy rối, phá hoại thì đối với việc ấy người cũng chẳng hề kinh sợ.

“Thiện nam tử! Ví như có người được món thuốc a-kiệt-đà, chẳng còn sợ bất cứ loài rắn độc nào. Loại thuốc này có thể giải trừ tất cả các loại chất độc. Kinh Đại thừa này cũng như vậy, có công năng như loại thuốc kia, không sợ tất cả các thứ độc hại của chúng ma, lại còn có thể hàng phục khiến cho không còn dấy lên được nữa.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có một con rồng tánh hay ganh ghét, xấu xa. Khi muốn hại người thì lấy mắt mà nhìn hoặc dùng miệng mà phun, cho nên tất cả những giống sư tử, cọp, beo, sói, chó đều sợ sệt. Các loài thú dữ ấy, hoặc nghe tiếng nó, hoặc nhìn thấy nó, hoặc đụng chạm với nó đều phải mất mạng.

“Nhưng có một người giỏi về chú thuật, có thể dùng sức của thần chú mà làm cho các loài rồng độc, chim kim sí cùng với voi dữ, sư tử, cọp, beo, sói thảy đều trở nên hiền hòa, dùng để cưỡi hoặc kéo xe. Những loài thú ấy thấy người giỏi về chú thuật kia liền chịu khuất phục.

“Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng thế, nhìn thấy ma Ba-tuần thì thảy đều khiếp sợ. Còn ma Ba-tuần lại chẳng hề sợ sệt, cứ làm việc của ma.

“Người tu học Đại thừa lại cũng như người giỏi chú thuật kia, thấy hàng Thanh văn khiếp sợ những việc của ma, đối với Đại thừa chẳng đem lòng tin tưởng, ưa thích, nên trước dùng phương tiện hàng phục chúng ma, khiến cho trở nên hiền hòa, có thể điều khiển được, rồi nhân đó mới giảng rộng đủ các môn diệu pháp. Hàng Thanh văn, Duyên giác thấy người điều phục chúng ma rồi, không còn sợ sệt, đối với Chánh pháp Vô thượng Đại thừa mới sanh lòng tin tưởng, ưa thích mà nói rằng: ‘Chúng ta từ nay đối với Chánh pháp này không nên ngăn trở nữa.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác đối với phiền não sanh lòng sợ sệt. Những người tu học Đại thừa thảy đều không khiếp sợ. Người tu học Đại thừa có sức mạnh như vậy. Vì nhân duyên này, nên những điều ta thuyết dạy trước đây là vì muốn cho hàng Thanh văn, Duyên giác điều phục các ma, chẳng phải vì hàng Đại thừa mà nói.

“Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này không thể tiêu mất, không thể thua kém, rất kỳ diệu và đặc biệt! Nếu có người nghe được kinh điển này rồi sanh lòng tin tưởng, thọ trì, có thể tin rằng Như Lai là pháp thường trụ, đó là người rất ít có, ví như hoa ưu-đàm.

“Sau khi ta nhập Niết-bàn, nếu như có người được nghe kinh điển Đại thừa vi diệu như thế này rồi đem lòng tin tưởng, kính trọng, nên biết rằng những người ấy trong đời vị lai, cho đến trăm nghìn ức kiếp không còn rơi vào các nẻo dữ.”

Bấy giờ, Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết-bàn, sẽ có trăm ngàn vô lượng chúng sanh phỉ báng và không tin vào kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, sau khi Phật nhập Niết-bàn bao lâu thì những chúng sanh ấy sẽ phỉ báng kinh này? Lại có những chúng sanh thuần thiện nào có thể cứu vớt những kẻ phỉ báng giáo pháp?”

Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ta nhập Niết-bàn rồi, trong 40 năm kinh Đại thừa này sẽ được truyền bá rộng rãi trong cõi Diêm-phù-đề. Nhưng sau đó lại đành mai một.

“Thiện nam tử! Ví như các loại mía đường, nếp hương, đường phèn, sữa, bơ sữa, đề-hồ, tùy theo mỗi xứ mà người dân đều chọn một món trong đó cho là ngon nhất. Lại có những người chỉ ăn toàn cháo kê. Những người ấy cũng nói rằng: ‘Món mà chúng tôi ăn là ngon nhất.’ Ấy là những người ít phước nên phải chịu nghiệp báo. Nếu là người có phước thì tai chẳng hề nghe đến cháo kê, chỉ ăn toàn các loại gạo ngon, mía ngọt, đường phèn, đề-hồ.

“Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này cũng thế. Những kẻ căn cơ đần độn, ít phước chẳng hề thích nghe. Cũng như những kẻ ít phước kia không ưa các loại gạo ngon, đường phèn... Hàng Nhị thừa cũng thế, không ưa kinh Đại Niết-bàn cao trổi nhất này. Như có những chúng sanh sẵn lòng ưa thích nghe và thọ trì kinh này, nghe rồi vui vẻ, không sanh lòng phỉ báng, cũng như những người có phước kia, được ăn toàn các loại gạo ngon.

“Thiện nam tử! Ví như có một vị vua ở giữa vùng núi non hiểm trở. Tuy vua ấy có các món mía đường, gạo ngon, đường phèn... nhưng cho là khó kiếm nên tham tiếc mà tích trữ, chẳng dám ăn vì sợ hết đi, chỉ ăn toàn món cháo kê mà thôi. Có một vị vua nước khác nghe được chuyện ấy, lấy làm thương xót và buồn cười, liền cho xe chở gạo ngon, mía đường đến biếu tặng. Vua kia nhận được rồi, liền phân phát rộng ra khắp nước để cùng ăn. Dân chúng ăn xong, lấy làm vui sướng, nói rằng: ‘Nhờ có vị vua kia nên chúng ta mới được ăn những món ít có này.’

“Thiện nam tử! Bốn hạng người kia lại cũng như vậy. Họ là những tướng soái của Đại pháp Vô thượng này. Trong bốn hạng người ấy, như có một người nhìn thấy ở phương khác có vô số Bồ Tát, dẫu tu học kinh điển Đại thừa này, tự mình sao chép hay khiến người khác sao chép, vì lợi dưỡng hay vì danh dự, hoặc vì muốn hiểu rõ pháp, hoặc vì muốn làm người cho kẻ khác nương theo, hoặc vì muốn trao đổi rộng rãi với các kinh khác, nhưng lại chẳng đủ sức vì người khác mà giảng thuyết. Nhìn thấy như vậy rồi, vị ấy liền mang kinh điển vi diệu này đến phương ấy mà tặng cho các Bồ Tát kia, khiến cho các vị ấy phát tâm bồ-đề vô thượng, trụ yên nơi bồ-đề. Các Bồ Tát ấy được kinh này rồi, liền vì người khác mà giảng rộng, khiến vô lượng chúng sanh được hưởng thọ vị pháp của Đại thừa như thế này. Đó đều là nhờ sức của một vị Bồ Tát mà những ai chưa nghe kinh này thảy đều được nghe, cũng như nhờ sức của vị vua kia mà ai nấy đều được món ăn ngon ít có.

“Lại nữa, thiện nam tử! Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này lưu hành ở xứ nào, nên biết rằng vùng đất đó hẳn là kim cang, người ở đó cũng như kim cang. Nếu ai có thể nghe được kinh này liền không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, có cầu nguyện việc chi ắt đều được thành tựu. Như hôm nay ta tuyên thuyết ra đây, tỳ-kheo các ông nên khéo thọ trì. Nếu những chúng sanh nào chẳng thể nghe được kinh điển như thế này, nên biết là những người ấy rất đáng thương xót. Vì sao vậy? Vì những người ấy chẳng đủ sức thọ trì kinh điển Đại thừa nghĩa lý rất sâu xa này.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai nhập Niết-bàn rồi, trong 40 năm kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này sẽ được lưu hành rộng rãi trong cõi Diêm-phù-đề, sau đó thì đành mai một. Nhưng rồi bao lâu sau nữa sẽ được xuất hiện trở lại?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Cho đến khi Chánh pháp của ta còn ở cõi thế được 80 năm, thì trong 40 năm đầu kinh này sẽ đổ cơn mưa pháp lớn ở cõi Diêm-phù-đề.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Vào lúc Chánh pháp đã diệt, Chánh giới bị tiêu hủy, phi pháp tăng trưởng, không có chúng sanh nào làm theo đúng pháp, liệu còn ai có thể nghe nhận, phụng trì, đọc tụng kinh này cho thông thuộc, cùng là cúng dường, cung kính, sao chép, giảng thuyết kinh này? Xin Như Lai thương xót chúng sanh, phân biệt thuyết rộng, khiến chư Bồ Tát nghe rồi thọ trì; thọ trì rồi liền không còn thối chuyển đối với tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Lúc ấy, Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông khéo có thể hỏi ta về nghĩa như vậy.

“Thiện nam tử! Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát sông Hy-liên mà phát tâm bồ-đề, thì mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà thọ trì kinh điển như thế này, chẳng sanh lòng phỉ báng.

“Thiện nam tử! Như người có thể ở nơi chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát một con sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại ưa thích kinh điển này, nhưng không thể vì người khác mà phân biệt giảng rộng.

“Thiện nam tử! Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát hai sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại hiểu đúng và tin tưởng, ưa thích, thọ trì, đọc tụng, nhưng cũng không thể vì người khác mà phân biệt giảng rộng.

“Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát ba sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh. Tuy có thể vì người khác giảng thuyết nhưng chưa giảng được nghĩa sâu.

“Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát bốn sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh, vì người khác mà giảng rộng được một phần trong mười sáu phần nghĩa lý của kinh này. Tuy là giảng thuyết nhưng cũng chưa được đầy đủ.

“Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát năm sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh, vì người khác mà giảng rộng được tám phần trong mười sáu phần nghĩa lý của kinh này.

“Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát sáu sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh, vì người khác mà giảng rộng được mười hai phần trong mười sáu phần nghĩa lý của kinh này.

“Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát bảy sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh, vì người khác mà giảng rộng được mười bốn phần trong mười sáu phần nghĩa lý của kinh này.

“Như có chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát tám sông Hằng mà phát tâm bồ-đề, rồi mới có thể ở vào đời xấu ác ấy mà không phỉ báng pháp này, lại thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh, khuyến khích và làm cho người khác sao chép. Tự mình có thể nghe và thọ nhận, lại khuyến khích và làm cho người khác nghe và thọ nhận, đọc tụng thông thuộc, kiên trì ủng hộ; vì lòng thương xót chúng sanh trong thế gian mà cúng dường kinh này, lại khuyến khích và làm cho người khác cúng dường. Đối với các việc như cung kính, tôn trọng, đọc tụng, lễ bái kinh này, lại cũng thực hiện đầy đủ như vậy. Người ấy có thể giảng trọn ý nghĩa kinh này, như là: Như Lai là thường trụ, không biến đổi, rốt ráo yên vui; giảng rộng nghĩa tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; hiểu rõ được chỗ pháp tạng của Như Lai. Người ấy đã cúng dường chư Phật như vậy rồi, kiến lập Chánh pháp vô thượng như thế này và thọ trì, ủng hộ.

“Như có người vừa mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nên biết rằng trong đời vị lai người ấy sẽ có khả năng kiến lập được Chánh pháp như thế này và thọ trì, ủng hộ. Cho nên hiện nay các ông có thể biết được những người hộ pháp trong đời vị lai. Vì sao vậy? Vì người vừa mới phát tâm ấy trong đời vị lai ắt sẽ đủ sức hộ trì Chánh pháp vô thượng.

“Thiện nam tử! Có những tỳ-kheo xấu, nghe ta vào Niết-bàn chẳng sanh lo buồn, lại nói rằng: ‘Hôm nay Như Lai nhập Niết-bàn, thật vui thích biết bao! Như Lai ở đời này luôn ngăn trở sự lợi dưỡng của chúng ta. Nay Như Lai đã nhập Niết-bàn, còn ai ngăn trở làm mất sự lợi dưỡng của chúng ta nữa? Nếu chẳng có ai ngăn trở thì chúng ta lại sẽ được sự lợi dưỡng như cũ. Như Lai ở đời này đưa ra những giới cấm rất nghiêm khắc. Nay Như Lai nhập Niết-bàn, chúng ta sẽ buông bỏ hết. Áo cà-sa vốn là pháp thức chúng ta đã thọ lãnh, từ nay chúng ta sẽ bỏ đi như tháo bỏ lá phướn trên ngọn cây.’ Những kẻ như vậy sẽ phỉ báng, chống lại kinh Đại thừa này.

“Thiện nam tử! Nay ông nên ghi nhớ lấy điều này: ‘Chỉ có chúng sanh nào thành tựu đầy đủ vô lượng công đức mới có thể tin được kinh điển Đại thừa này, tin rồi thọ trì. Ngoài ra, trong các chúng sanh khác còn có những người ưa thích pháp. Nếu có thể rộng vì những người ấy mà giảng thuyết kinh này, họ được nghe rồi thì những ác nghiệp đã tạo ra trong vô lượng vô số kiếp đã qua thảy đều tiêu diệt.

“Những ai không tin kinh điển này, ở đời hiện tại sẽ chịu vô số bệnh khổ não hại, nhiều người trong số ấy thường bị người mắng nhiếc, làm nhục. Sau khi qua đời sẽ bị người ta khinh chê, lại sanh làm người mặt mũi hình tướng xấu xí, việc mưu sinh vất vả khó khăn, thường không được đầy đủ, tuy có kiếm được đôi chút cũng chỉ là những món thô xấu, tồi tệ. Rồi đời này qua đời khác họ luôn sanh ra trong những cảnh bần cùng, hạ tiện, sanh vào những nhà tà kiến phỉ báng Chánh pháp. Cho đến lúc lâm chung, hoặc gặp buổi loạn lạc đao binh, vua chúa bạo ngược, hoặc là bị việc xâm hại bức bách bởi những kẻ oán thù hiềm khích. Dẫu họ có bạn lành nhưng phải xa cách không được gặp gỡ. Những thứ cần dùng trong cuộc sống, mong cầu đều chẳng được. Dẫu có được đôi chút lợi lạc nhưng thường phải đói khát. Chỉ những kẻ tầm thường, hạ tiện mới giao du với họ; hàng quốc vương, đại thần đều khinh rẻ không biết đến tên tuổi họ. Như họ có nói ra điều gì rất hợp lý cũng chẳng ai tin nhận. Người như vậy không thể sanh về những nơi tốt đẹp, cũng như con chim bị chặt cánh không thể bay đi. Người này cũng thế, trong đời vị lai không thể được sanh về những nơi tốt đẹp trong cõi trời người.

“Nếu ai có thể tin vào kinh điển Đại thừa này, tuy đáng phải thọ hình tướng thô xấu nhưng nhờ công đức của kinh nên sẽ được hình dung đoan chánh, oai nghiêm, sức mạnh ngày càng tăng. Người và chư thiên đều muốn được gặp gỡ, cung kính, yêu mến, chẳng muốn rời xa người ấy. Các bậc quốc vương, đại thần cùng với thân thuộc của họ, nếu nghe người ấy nói ra điều gì đều kính trọng tin theo.

“Trong hàng đệ tử Thanh văn của ta, như ai muốn làm nên việc ít có hơn hết, thì nên vì thế gian mà giảng rộng kinh điển Đại thừa như thế này.

“Thiện nam tử! Ví như sương mù, dù tồn tại cũng khg qua khỏi lúc mặt trời mọc. Khi mặt trời hiện ra liền tan biến chẳng còn gì. Thiện nam tử! Nghiệp ác của chúng sanh lại cũng như vậy, tồn tại ở đời cũng khg qua khỏi lúc chúng sanh được thấy mặt trời Đại Niết-bàn. Khi mặt trời Đại Niết-bàn xuất hiện liền có thể tiêu trừ hết thảy các nghiệp ác.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có người cạo tóc xuất gia, tuy mặc áo cà-sa nhưng chưa được thọ mười giới sa-di. Nếu có người trưởng giả đến thỉnh chúng tăng thì người chưa thọ giới ấy cũng được đi cùng đại chúng. Tuy chưa thọ giới cũng đã được dự vào hàng tăng chúng. Thiện nam tử! Nếu có những chúng sanh phát tâm bắt đầu tu học kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn, sao chép và thọ trì, đọc tụng kinh thì cũng giống như vậy, tuy chưa được đầy đủ các địa vị trong Thập địa nhưng cũng đã dự vào trong hàng Bồ Tát Thập trụ.

“Như có những chúng sanh là đệ tử Phật, hoặc chẳng phải đệ tử Phật, hoặc vì tham lam, hoặc vì sợ sệt, hoặc vì lợi dưỡng mà nghe và thọ trì kinh này, nghe rồi không chê bai, thậm chí chỉ là một bài kệ trong kinh, nên biết rằng những người ấy đã được đến gần quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, ta dạy rằng có bốn hạng người là chỗ nương theo của thế gian. Thiện nam tử! Không có lý nào bốn hạng người ấy đối với những điều Phật đã thuyết dạy lại nói rằng không phải Phật thuyết. Vì vậy mà ta nói rằng bốn hạng người ấy là chỗ nương theo của thế gian. Thiện nam tử! Các ông nên cúng dường bốn hạng người ấy.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Làm sao chúng con nhận biết được bốn hạng người ấy để cúng dường?”

Phật dạy Ca-diếp: “Nếu như có người kiến lập, hộ trì Chánh pháp thì những hạng người này sẽ đi theo thưa thỉnh, nên bỏ cả thân mạng mà cúng dường. Như ta thuyết dạy trong kinh Đại thừa này:

Nếu có người biết pháp,
Dù người già, người trẻ,
Nên thành tâm cúng dường,
Cung kính và lễ bái,
Như người bà-la-môn,
Thờ phụng vị thần lửa.
Nếu có người biết pháp,
Dù người già, người trẻ,
Nên thành tâm cúng dường,
Cung kính và lễ bái,
Cũng như hàng chư thiên,
Hầu hạ vị Đế-thích.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy, cúng dường bậc sư trưởng nên làm như vậy. Nay con có chỗ nghi, xin Phật giảng rộng. Như có bậc trưởng lão nghiêm trì giới luật, theo người trẻ tuổi để học hỏi và thọ nhận những điều chưa biết, làm sao vị trưởng lão ấy lại nên lễ kính [người trẻ tuổi]? Nếu như [vị ấy] lễ kính [người trẻ tuổi] thì không thể gọi là bậc trì giới.

“Lại như người trẻ tuổi nghiêm trì giới luật, theo người cao niên không giữ giới để học hỏi và thọ nhận những điều chưa biết, vậy có nên lễ kính [kẻ phá giới kia] chăng?

“Như có người xuất gia theo người tại gia để học hỏi và thọ nhận những điều chưa được nghe, có nên lễ kính [người tại gia ấy] hay không?

“Theo lý thì người xuất gia không nên lễ kính người tại gia; trong Phật pháp thì người nhỏ tuổi phải cung kính bậc cao niên, vì bậc cao niên đã thọ giới cụ túc trước và thành tựu các oai nghi, cho nên phải cung kính cúng dường. [Nhưng] Phật có dạy: ‘Phật pháp không chấp nhận những kẻ phá giới, họ như cỏ dại trong đám ruộng tốt.’

“Lại như Phật vừa dạy: ‘Nếu có người biết pháp, dù người già, người trẻ, nên thành tâm cúng dường...’ cho đến ‘như hàng chư thiên hầu hạ vị Đế-thích.’ Hai bài kệ ấy là nghĩa thế nào? Lẽ nào Phật lại nói ra điều sai trái hay sao? Như Phật có nói: ‘Tỳ-kheo trì giới cũng có chỗ sai phạm.’ Vì sao Như Lai nói ra lời ấy? Lại trong các kinh khác Thế Tôn có nói: ‘Ta cho phép trừng trị những kẻ phá giới.’ Những lời dạy như thế ắt là không rõ nghĩa.”

Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ta vì các vị Bồ Tát tu học Đại thừa trong đời vị lai mà dạy hai bài kệ trên, chẳng phải vì hàng đệ tử Thanh văn.

“Thiện nam tử! Như ta đã nói, vào lúc Chánh pháp đã diệt, Chánh giới bị tiêu hủy, những kẻ phá giới tăng trưởng, những sự phi pháp phát triển rất mạnh, hết thảy các bậc thánh đều ẩn dật không xuất hiện, những tôi trai, tớ gái và những vật bất tịnh đều được thọ nhận và chứa trữ. Vào lúc ấy, ắt sẽ có một trong bốn hạng người trên xuất hiện ở thế gian, cạo bỏ râu tóc xuất gia tu đạo. Vị ấy nhìn thấy các tỳ-kheo thọ nhận và chứa trữ tôi trai, tớ gái và những vật bất tịnh, lại không biết thế nào là thanh tịnh hay không thanh tịnh, cũng không biết thế nào là đúng luật hay không đúng luật. Vị ấy vì muốn điều phục các tỳ-kheo như vậy nên cùng họ giao tiếp gần gũi, nhưng không nhiễm lấy những thói xấu của họ. Từ chỗ sở hành của bản thân cho đến chỗ sở hành của chư Phật, vị ấy đều khéo phân biệt rõ. Tuy thấy những người phạm các giới ba-la-di nhưng vị ấy lặng thinh chẳng nêu tội ấy ra. Vì sao vậy? Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta ra đời là để kiến lập và hộ trì Chánh pháp.’ Cho nên vị ấy lặng thinh chẳng nêu tội ấy ra.

“Thiện nam tử! Người như vậy là vì sự hộ pháp, nên dù có chỗ phạm giới cũng chẳng gọi là phá giới.

“Thiện nam tử! Ví như có vị quốc vương mang bệnh băng hà. Vị trừ quân còn non nớt chưa đủ sức nối ngôi cai trị. Bấy giờ, có một người chiên-đà-la giàu có vô cùng, lại có nhiều quyến thuộc, bèn dùng sức mạnh của mình, nhân lúc đất nước suy yếu mà cướp ngôi vua. Người này làm vua chẳng bao lâu thì những người trong nước, cư sĩ, bà-la-môn... thảy đều chẳng phục, bỏ trốn sang nước khác. Tuy có những người ở lại, họ cũng chẳng muốn nhìn thấy vua ấy. Nếu có những người trưởng giả, bà-la-môn... không rời xứ ấy, chỉ như cây cối sanh trưởng ở nơi nào rồi cũng chết tại nơi ấy.

“Vị vua chiên-đà-la biết rằng người trong nước trốn đi rất nhiều, bèn sai những người chiên-đà-la đi tuần trên các nẻo đường trọn bảy ngày, đánh trống truyền lệnh của vua rằng: ‘Trong hàng bà-la-môn, nếu có ai chịu làm vị thầy ban lễ quán đảnh cho ta, ta sẽ đem phân nửa đất nước mà phong thưởng.’

“Nghe được lời ấy, trong hàng bà-la-môn chẳng có ai tìm đến. Thảy đều nói rằng: ‘Không khi nào có một người dòng bà-la-môn lại chịu làm việc ấy!’

“Vua chiên-đà-la lại nói rằng: ‘Nếu trong hàng bà-la-môn chẳng có ai chịu làm thầy ta, ta sẽ buộc những người bà-la-môn và chiên-đà-la ăn ở chung cùng với nhau, cùng làm việc với nhau. Còn nếu có ai đến làm phép quán đảnh cho ta, ta sẽ đem phân nửa đất nước mà phong thưởng. Lời nói ấy chẳng phải là giả dối. Thuốc trường sanh thượng diệu cam lộ của cõi trời Tam thập tam thiên do chú thuật mà có được, ta cũng sẽ chia đều cho người ấy cùng hưởng với ta.’

“Lúc ấy có một thầy bà-la-môn tuổi vừa được hai mươi, vâng giữ hạnh thanh tịnh, để tóc dài, thông thạo chú thuật, tìm đến chỗ vua tâu rằng: ‘Đại vương! Tôi chịu làm theo lệnh của ngài.’

“Lúc ấy, vị đại vương lấy làm vui sướng, liền nhận người thanh niên bà-la-môn ấy làm thầy ban phép quán đảnh. Nghe được việc ấy, các vị bà-la-môn đều nổi giận, chê trách người trẻ tuổi ấy rằng: ‘Ông là dòng bà-la-môn, sao lại làm thầy truyền pháp cho người dòng chiên-đà-la?’

“Bấy giờ, vua liền chia phân nửa nước cho thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy, cả hai cùng trị nước qua một thời gian dài. Rồi thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy mới bảo vua rằng: ‘Tôi đã bỏ cả phép nhà đến đây làm thầy của vua, đã đem chú thuật vi mật truyền dạy cho vua, nhưng nay vua chưa xem tôi là người thân.’ Vua hỏi: ‘Như hiện nay chẳng phải tôi đã thân với thầy rồi sao?’ Thầy bà-la-môn nói: ‘Đến nay chúng ta vẫn chưa cùng hưởng vị thuốc trường sanh của vua trước để lại.’ Vua nói: ‘Lành thay, lành thay! Đại sư! Thật tôi chẳng biết điều ấy, nếu thầy cần xin cứ lấy đi.’

“Thầy bà-la-môn trẻ tuổi nghe vua nói lời ấy rồi liền lấy thuốc mang về nhà, mời các đại thần cùng đến dùng với mình. Các quan dùng xong, đồng tâu với vua rằng: ‘Vui thay! Đại sư có thuốc cam lộ bất tử.’ Vua biết điều đó, liền trách thầy: ‘Tại sao đại sư chỉ cùng các quan dùng thuốc cam lộ ấy mà không thấy chia cho trẫm?’

“Lúc ấy thầy bà-la-môn trẻ tuổi liền lấy loại thuốc trộn lẫn rất nhiều chất độc đưa cho vua uống. Vua uống xong, chỉ trong giây lát thì hơi thở rối loạn, mê man té nhào xuống đất, chẳng còn biết gì cả, dường như người đã chết.

“Thầy bà-la-môn trẻ tuổi khi ấy liền tôn vị trừ quân của vua trước lên ngôi, bảo vị ấy rằng: “Nơi tòa sư tử không nên để cho chiên-đà-la lên ngồi. Xưa nay, ta chưa từng nghe thấy người chiên-đà-la làm vua bao giờ. Nếu người chiên-đà-la trị nước, chăn dân, đó là việc vô lý! Nay ngài nên kế vị tiên vương, lấy Chánh pháp mà trị nước.”

“Bấy giờ, thầy bà-la-môn trẻ tuổi sắp đặt mọi việc xong rồi, liền lấy thuốc giải độc cho người chiên-đà-la, khiến cho được tỉnh lại, rồi đuổi ra khỏi nước. Lúc ấy, thầy bà-la-môn trẻ tuổi tuy làm mọi việc như vậy nhưng chẳng để mất khuôn phép dòng bà-la-môn. Những vị cư sĩ, bà-la-môn khác, khi nghe biết được việc người ấy làm đều khen là việc chưa từng có, ca ngợi rằng: ‘Lành thay, lành thay! Nhân giả có tài khéo léo đuổi được vua chiên-đà-la.’

“Thiện nam tử! Sau khi ta vào Niết-bàn, các vị Bồ Tát hộ trì Chánh pháp cũng làm như thế, dùng sức phương tiện ở chung với những kẻ phá giới, giả làm vị tăng thâu nhận và chứa trữ tất cả những vật bất tịnh, cùng làm công việc giống như họ. Lúc bấy giờ, nếu Bồ Tát thấy có người phạm nhiều cấm giới nhưng lại có thể trừng trị những tỳ-kheo xấu ác phá hủy giới cấm, liền đến chỗ người ấy, cung kính lễ bái, cúng dường đủ bốn việc, dâng lên cho họ đủ thứ kinh sách và mọi vật. Như tự mình chẳng có của cải, liền dùng phương tiện đến tìm cầu ở người đàn-việt để có mà dâng cho họ. Vì làm việc như vậy, cho nên phải chứa trữ tám thứ vật bất tịnh. Vì sao vậy? Vì người ấy muốn sửa trị những tỳ-kheo xấu ác, cũng như thầy bà-la-môn trẻ tuổi kia đuổi người chiên-đà-la vậy. Lúc bấy giờ, vị Bồ Tát tuy cung kính lễ bái người ấy, chứa trữ tám thứ đồ vật bất tịnh, nhưng không có tội. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát ấy muốn xua đuổi, trừng trị những tỳ-kheo xấu, làm cho những vị tăng thanh tịnh được sống yên ổn, rộng truyền kinh điển phương đẳng Đại thừa, làm lợi ích cho tất cả chư thiên và loài người.

“Thiện nam tử! Bởi nhân duyên ấy, nên trong kinh ta thuyết hai bài kệ trên, khiến chư Bồ Tát đều khen ngợi người hộ pháp, cũng như các hàng cư sĩ, bà-la-môn kia khen ngợi thầy bà-la-môn trẻ tuổi kia, nói rằng: ‘Lành thay, lành thay! Bồ Tát hộ pháp phải là như vậy!’

“Nếu ai thấy người hộ pháp cùng làm công việc với kẻ phá giới mà cho là có tội, nên biết rằng kẻ ấy tự chịu lấy tai ương. Người hộ pháp ấy thật không có tội.

“Thiện nam tử! Như có thầy tỳ-kheo đã phạm giới cấm, nhưng vì lòng kiêu mạn bèn che giấu tội lỗi, chẳng chịu sám hối, nên biết rằng người như vậy mới thật là kẻ phá giới. Còn vị Đại Bồ Tát, vì việc hộ pháp, dù có chỗ phạm giới cũng chẳng gọi là phá giới. Tại sao vậy? Vì không có lòng kiêu mạn, biết bày tỏ và sám hối.

“Thiện nam tử! Cho nên trong kinh ta che lấp chỗ hình tướng mà nói kệ rằng:

Nếu có người biết pháp,
Dù người già, người trẻ,
Nên thành tâm cúng dường,
Cung kính và lễ bái,
Như người bà-la-môn,
Thờ phụng vị thần lửa.
Lại như đệ nhị thiên,
Hầu hạ vị Đế-thích.”

“Vì nhân duyên ấy, ta không phải vì người tu học trong hàng Thanh văn mà chỉ vì hàng Bồ Tát nói ra kệ ấy.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Các vị Đại Bồ Tát như vậy đối với giới luật có phần chểnh mảng. Vậy giới luật mà họ đã thọ từ trước có còn được nguyên vẹn hay chăng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên nói ra lời ấy. Vì sao vậy? Giới luật mà các vị Bồ Tát ấy đã thọ vẫn còn nguyên vẹn chẳng mất. Ví như có phạm điều chi, vị ấy liền tức thời sám hối. Sám hối rồi liền trở nên thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Ví như cái bờ đê cũ, có lỗ thủng bên này xuyên qua bên kia, tất nhiên nước phải rỉ chảy. Vì sao vậy? Vì không có ai sửa chữa. Nếu có người sửa chữa, ắt nước không còn chảy ra. Bồ Tát cũng thế, tuy cùng với những người phá giới mà bố-tát, thọ giới, tự tứ, làm các việc tăng với họ, nhưng về giới luật của mình thì không để cho như bờ đê bị thủng lỗ. Vì sao vậy? Nếu không có những người giữ giới thanh tịnh thì chúng tăng phải tổn giảm, những kẻ kiêu mạn, chểnh mảng, biếng nhác ngày càng nhiều hơn. Nếu có những người giữ giới thanh tịnh thì có thể làm cho đầy đủ, không mất đi giới luật căn bản.

“Thiện nam tử! Đối với [việc tu tập] giáo pháp mà trì trệ mới gọi là chểnh mảng; đối với giới luật nếu có chỗ chậm trễ không gọi là chểnh mảng. Vị Đại Bồ Tát đối với giáo pháp Đại thừa này không có tâm biếng nhác, ngạo mạn, đó gọi là giới căn bản. Vì bảo vệ Chánh pháp nên vị ấy dùng nước Đại thừa để tự tắm rửa. Vì vậy nên Bồ Tát tuy thị hiện phá giới cũng không gọi là chểnh mảng.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Trong chúng tăng có bốn hạng người mà Phật đã dạy. Nhưng ví như trái am-la, rất khó phân biệt trái sống với trái chín. Làm sao nhận biết được là người trì giới hay phá giới?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nhờ kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này, có thể dễ dàng biết được. Vì sao mà nhờ kinh Đại Niết-bàn này có thể biết được? Ví như người làm ruộng gieo trồng lúa nếp, nhổ bỏ cỏ dại. Lấy mắt thường mà xem thì ai cũng gọi là đám ruộng sạch cỏ, nhưng đến khi có hạt thì cỏ và lúa ắt phải khác nhau.

“Cũng vậy, tám việc bất tịnh có thể ô nhiễm chúng tăng. Như vị nào có thể trừ bỏ được tám việc ấy thì dùng mắt thường mà xem cũng biết được đó là vị tăng thanh tịnh.

“Như có những người trì giới và phá giới, trong khi không làm việc ác thì khó dùng mắt thường mà phân biệt. Nếu như việc ác đã biểu hiện ra, liền có thể biết được một cách dễ dàng. Cũng như cỏ dại kia đến lúc có hạt thì dễ phân biệt. Trong chúng tăng cũng thế. Nếu như ai có thể lìa xa tám việc bất tịnh, các pháp độc hại, thì những người ấy gọi là thánh chúng phước điền, xứng đáng cho loài người và chư thiên cúng dường. Chỗ quả báo thanh tịnh không thể lấy mắt thường mà phân biệt được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như trong rừng ca-la-ca, thứ cây ấy chiếm đa phần, chỉ xen có một cây trấn-đầu-ca. Hai loại trái cây ấy tương tợ như nhau, không thể phân biệt. Vào mùa trái chín, có một cô gái đến hái. Cô hái được chỉ một phần là trái trấn-đầu-ca mà đến mười phần là trái ca-la-ca. Cô chẳng biết việc ấy, liền mang hết ra chợ bán. Có những đứa nhỏ ngu dại chẳng biết phân biệt, mua lấy những trái ca-la-ca, ăn xong thì chết.

“Những người có trí nghe được chuyện ấy, bèn hỏi cô gái ấy rằng: ‘Chị hái những trái cây ấy ở đâu mang lại đây?’ Lúc ấy, cô gái liền nói ra chỗ hái trái cây. Những người ấy liền nói rằng: ‘Chỗ ấy có rất nhiều cây ca-la-ca, nhưng chỉ có một cây trấn-đầu-ca mà thôi.’ Biết như vậy rồi liền cười chê mà bỏ đi.

“Thiện nam tử! Tám pháp bất tịnh ở trong đại chúng lại cũng như vậy. Trong chúng này có rất nhiều người thọ dụng tám phép ấy, chỉ có một người thanh tịnh trì giới, chẳng thọ nhận tám phép bất tịnh. Mặc dầu biết rằng những người khác thâu nhận và chứa trữ vật phi pháp, nhưng người ấy cũng làm việc với họ, chẳng rời bỏ họ, như cây trấn-đầu-ca duy nhất đứng giữa rừng kia.

“Có người ưu-bà-tắc thấy trong chúng tăng có nhiều người không theo đúng pháp, cho nên đối với tất cả đều chẳng cung kính cúng dường. Người ấy nếu muốn cúng dường, trước hết nên hỏi rằng: ‘Đại đức! Tám việc như vậy có nên thâu nhận và chứa trữ hay chăng? Phật có cho phép hay chăng? Nếu nói rằng Phật cho phép, thì những người như vậy có được chung cùng với người thanh tịnh mà thi hành các pháp bố-tát, yết-ma và tự tứ chăng?’

“Người ưu-bà-tắc ấy hỏi như vậy rồi, chúng tăng đều đáp rằng: ‘Đức Phật vì lòng thương xót, có cho phép chứa trữ tám việc như vậy.’ Người ưu-bà-tắc ấy nói rằng: ‘Ở Kỳ-hoàn tinh xá có những tỳ-kheo nói rằng: Phật cho phép chứa trữ vàng, bạc. Lại có những tỳ-kheo khác nói rằng: Phật không cho phép chứa trữ. Những tỳ-kheo nói rằng ‘cho phép’ và những tỳ-kheo nói rằng ‘không cho phép’, hai nhóm tỳ-kheo ấy chẳng ở chung, chẳng thuyết giới chung và chẳng tự tứ với nhau, cho đến chẳng uống nước chung một dòng sông. Và đồ vật lợi dưỡng họ cũng chẳng hưởng chung. Như vậy, vì sao các vị lại nói rằng Phật có cho phép? Đức Phật là bậc cao quý nhất trong tất cả các cõi trời, dẫu có thâu nhận đi nữa thì chúng tăng cũng chẳng nên chứa trữ. Nếu có vị nào thâu nhận tám món bất tịnh, thì chớ nên thuyết giới, tự tứ, yết-ma, làm tăng sự chung với vị ấy. Nếu chung cùng với vị ấy mà thuyết giới, tự tứ, yết-ma, làm tăng sự, thì khi thác sẽ đọa nơi địa ngục, cũng như những người kia ăn nhằm trái ca-la-ca mà chết vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như ở thành thị có người bán thuốc. Người ấy có món thuốc rất hay, có vị ngọt, lấy ở Tuyết sơn. Người ấy còn bán nhiều món thuốc tạp nhạp khác, cũng có vị ngọt tương tự.

“Lúc ấy, có những người muốn mua thuốc nhưng chẳng biết phân biệt. Họ đến chỗ bán thuốc, hỏi rằng: ‘Ông có món thuốc ở Tuyết sơn chăng?’ Người bán thuốc đáp là có. Người này dối trá, lấy những món thuốc tạp nhạp mà nói với người mua rằng: ‘Đây là món thuốc rất hay ở Tuyết sơn, có vị ngọt.’ Bấy giờ, những người mua thuốc lấy mắt thường mà nhìn nên không thể phân biệt được, liền mua lấy mang về, lại nghĩ rằng: ‘Nay ta đã có được món thuốc Tuyết sơn rất hay và có vị ngọt.’

“Ca-diếp! Như trong số tăng ở hàng Thanh văn, có kẻ giả danh là tăng, cũng có những vị tăng chân thật, có chư tăng hòa hiệp, hoặc trì giới, hoặc phá giới. Ở trong chúng đây thì hết thảy đều nên cúng dường, cung kính, lễ bái. Người ưu-bà-tắc kia với mắt thường không thể phân biệt, cũng như người mua thuốc chẳng phân biệt được món thuốc ở Tuyết sơn. Ai là người trì giới? Ai là kẻ phá giới? Ai là tăng chân chính? Ai là tăng giả danh? Chỉ người có thiên nhãn mới phân biệt được.

“Ca-diếp! Như người ưu-bà-tắc biết rằng tỳ-kheo nào đó là người phá giới, thì chẳng nên cung cấp đồ thí, chẳng nên lễ bái cúng dường. Nếu biết rằng người ấy thâu nạp và chứa trữ tám vật phi pháp, thì cũng chẳng nên cấp thí những đồ cần dùng, chẳng nên lễ bái, cúng dường. Nếu trong chúng tăng có người phá giới, chẳng nên vì lẽ người ấy mặc áo cà-sa mà cung kính lễ bái.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Việc Như Lai nói đó là chân thật, chẳng có giả dối. Con sẽ cúi đầu thọ lãnh, dường như kim cang, vật lạ trân bảo.

Như Phật có dạy, các tỳ-kheo nên y theo bốn pháp. Bốn pháp đó là gì? Đó là: (1) Y theo pháp chẳng y theo người, (2) y theo ý nghĩa chẳng y theo văn tự, lời nói; (3) y theo trí tuệ, chẳng y theo [nhận] thức, (4) y theo kinh thật nghĩa rốt ráo, chẳng y theo kinh [quyền thừa] không rốt ráo trọn nghĩa. Bốn pháp như vậy cần phải rõ biết [để nương theo], không [nương theo] bốn hạng người [như Phật đã nói].”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Y theo pháp ấy, tức là Đại Bát Niết-bàn của Như Lai. Hết thảy pháp Phật đều là tánh pháp. Tánh pháp ấy tức là Như Lai. Cho nên Như Lai là thường trụ, không biến đổi. Như có ai nói rằng: ‘Như Lai là vô thường’, người ấy không biết, không thấy tánh pháp. Nếu người đã không biết, không thấy tánh pháp thì chẳng nên nương theo.

“Như trên ta đã nói về bốn hạng người ra đời để bảo vệ giữ gìn Chánh pháp, cần nên rõ biết để nương theo họ. Vì sao vậy? Vì những người ấy hiểu rõ tạng bí mật, sâu kín của Như Lai, nên có thể biết Như Lai là thường trụ, chẳng biến đổi. Như nói rằng Như Lai là vô thường, biến đổi, thật không có lý như vậy.

“Bốn hạng người như vậy tức là Như Lai. Vì sao vậy? Vì những người ấy có thể hiểu rõ những mật ngữ của Như Lai và có thể giảng thuyết. Như ai có thể hiểu rõ tạng bí mật sâu thẳm của Như Lai và biết Như Lai là thường trụ không biến đổi, nếu nói rằng người như thế mà vì lợi dưỡng mới nói rằng: ‘Như Lai là vô thường’ thì thật vô lý. Những người như vậy còn có thể nương theo, huống chi lại chẳng nương theo bốn hạng người mà ta đã nói?

“Y theo pháp, tức là tánh pháp; chẳng y theo người, tức là hàng Thanh văn. Tánh Pháp là Như Lai, hàng Thanh văn là hữu vi. Như Lai là thường trụ, hữu vi là vô thường.

“Thiện nam tử! Nếu như người phá giới, vì lợi dưỡng mà nói rằng: ‘Như Lai vô thường, biến đổi’, thì không nên nương theo người ấy. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa quyết định.

“Y theo nghĩa chẳng y theo văn tự, lời nói. Nghĩa tức là sáng suốt, hiểu biết trọn vẹn. Hiểu biết trọn vẹn gọi là không thiếu sót, yếu kém. Không thiếu sót, yếu kém tức là đầy đủ. Nghĩa đầy đủ đó, gọi là Như Lai thường trụ không biến đổi. Nghĩa Như Lai thường trụ không biến đổi tức là pháp thường. Nghĩa pháp thường tức là Tăng thường. Đó gọi là y theo nghĩa chẳng y theo lời nói.

“Những văn tự, lời nói như thế nào là không nên nương theo? Đó là những văn từ trau chuốt trong các sách luận, cũng nhiều vô số như kinh điển Phật đã thuyết, nhưng toàn nói những việc tham cầu không chán, gian trá nịnh hót, giả vờ thân cận bợ đỡ để cầu lợi, thường đến nhà cư sĩ mà làm công việc cho họ. Lại còn nói rằng: ‘Phật cho phép các tỳ-kheo chứa trữ tôi tớ và các vật bất tịnh như: vàng, bạc, trân bảo, lúa gạo, kho lẫm, bò, dê, voi, ngựa, buôn bán kiếm lời; rằng vào thời mất mùa đói kém, vì thương xót đệ tử nên Phật cho phép tỳ-kheo để dành đồ vật, tay làm hàm nhai, không thọ nhận mà vẫn có ăn.’ Những lời như vậy đều chẳng nên nương theo.

“Y theo trí tuệ chẳng y theo nhận thức. Nói trí tuệ tức là Như Lai. Như có những người Thanh văn không thể biết rõ công đức của Như Lai, chỗ nhận thức như vậy không nên nương theo. Như người biết rằng Như Lai tức là pháp thân, chỗ trí tuệ chân thật như vậy là nên nương theo.

“Như có người thấy cái thân phương tiện của Như Lai bèn nói rằng thân ấy là do các ấm, giới, nhập khống chế, là do thức ăn mà được nuôi lớn. Chỗ nhận thức như vậy chẳng nên nương theo. Do đó mà biết được những chỗ nhận thức chẳng nên nương theo. Như có người nói những lời như trên, cho đến những kinh sách nào nói như vậy đều chẳng nên nương theo.

“Y theo kinh thật nghĩa rốt ráo, không y theo kinh [quyền thừa] không rốt ráo trọn nghĩa. Kinh không rốt ráo trọn nghĩa là nói hàng Thanh văn, nghe đến tạng bí mật sâu xa của Phật Như Lai ắt sanh tâm nghi ngờ, sợ sệt, không biết rằng tạng ấy từ nơi biển đại trí tuệ mà ra, cũng như trẻ con chưa biết phân biệt. Đó gọi là không trọn nghĩa. Kinh thật nghĩa rốt ráo là nói hàng Bồ Tát trí tuệ chân thật, tùy theo đại trí vô ngại nơi tự tâm, cũng như người người đã trưởng thành hiểu biết tất cả. Đó gọi là rốt ráo trọn nghĩa.

“Lại nữa, Thanh văn thừa gọi là không rốt ráo trọn nghĩa, Đại thừa vô thượng mới gọi là rốt ráo trọn nghĩa. Như nói rằng: ‘Như Lai là vô thường, biến đổi’, đó gọi là không rốt ráo trọn nghĩa. Như nói rằng: ‘Như Lai là thường trụ, chẳng biến đổi’, đó gọi là rốt ráo trọn nghĩa.

“Chỗ thuyết dạy của hàng Thanh văn nên rõ biết, gọi là không rốt ráo trọn nghĩa. Chỗ thuyết dạy của hàng Bồ Tát nên rõ biết, gọi là rốt ráo trọn nghĩa. Nếu nói rằng: ‘Như Lai nhờ ăn uống mà được nuôi lớn’, đó là không rốt ráo trọn nghĩa. Nếu nói: ‘Như Lai là thường trụ, chẳng biến đổi’, đó là rốt ráo trọn nghĩa. Nếu nói rằng: ‘Như Lai nhập Niết-bàn, như củi hết thì lửa tắt’, đó gọi là không rốt ráo trọn nghĩa. Nếu nói rằng: ‘Như Lai thể nhập pháp tánh’, đó gọi là rốt ráo trọn nghĩa.

“Không nên nương theo pháp của Thanh văn thừa. Vì sao vậy? Như Lai vì muốn hóa độ chúng sanh nên dùng sức phương tiện giảng thuyết Thanh văn thừa, cũng như trưởng giả kia dạy con những điều sơ học.

“Thiện nam tử! Thanh văn thừa cũng ví như lúc mới cày ruộng, chưa gặt lúa. Như vậy gọi là không rốt ráo trọn nghĩa. Vì vậy chẳng nên nương theo Thanh văn thừa. Nên nương theo pháp Đại thừa. Vì sao vậy? Vì Như Lai muốn độ chúng sanh nên dùng sức phương tiện giảng thuyết Đại thừa, vì vậy nên nương theo. Như vậy gọi là rốt ráo trọn nghĩa.

“Bốn pháp y theo như vậy, cần phải rõ biết.

“Lại nữa, nói y theo nghĩa, nghĩa đó gọi là thật thà thẳng thắn. Thật thà thẳng thắn gọi là sáng tỏ rõ ràng. Sáng tỏ rõ ràng gọi là không thiếu kém. Không thiếu kém gọi là Như Lai.

“Lại nữa, sáng tỏ rõ ràng gọi là trí tuệ. Thật thà thẳng thắn gọi là thường trụ.

“Như Lai thường tồn, gọi là y theo pháp. Pháp gọi là thường, cũng gọi là không bờ bến, không thể nghĩ bàn, không thể cầm nắm, không thể bị trói buộc, nhưng có thể thấy được. Như có người nói rằng: “không thể thấy được”, thì chẳng nên nương theo người ấy. Vì vậy cho nên y theo pháp chẳng y theo người. Như có người nào dùng lời nói vi diệu mà thuyết lẽ vô thường, thì chớ nên nương theo lời ấy. Vì vậy cho nên y theo nghĩa chứ chẳng y theo lời nói, văn tự.

“Nói y theo trí, đó là: chúng tăng là thường, vô vi, không biến đổi, không chứa trữ tám thứ vật bất tịnh. Vậy nên y theo trí tuệ chẳng y theo thức. Như có kẻ nói rằng: ‘Do thức tạo tác nên thức nhận chịu. Không có chúng tăng hòa hiệp. Vì sao vậy? Hòa hiệp đó gọi là không sở hữu gì cả. Không sở hữu gì cả thì sao gọi là thường?’ Vì thế nên chỗ nhận thức như vậy không thể nương theo.

“Nói y theo chỗ rốt ráo trọn nghĩa, rốt ráo trọn nghĩa đó gọi là biết đủ, không bao giờ giả hiện oai nghi thanh bạch, không kiêu mạn tự cao, không tham cầu lợi dưỡng. Lại cũng không chấp trước các pháp mà Như Lai tùy nghi phương tiện thuyết dạy. Đó gọi là rốt ráo trọn nghĩa. Như ai có thể trụ ở chỗ như vậy thì nên biết rằng người đó đã trụ ở đệ nhất nghĩa. Vì vậy nên gọi là: y theo kinh rốt ráo trọn nghĩa, chẳng y theo kinh không rốt ráo trọn nghĩa.

“Chỗ không rốt ráo trọn nghĩa đó, như trong kinh nói rằng hết thảy đều cháy thiêu, hết thảy đều vô thường, hết thảy đều là khổ, hết thảy đều là không, hết thảy đều là vô ngã, đó gọi là không rốt ráo trọn nghĩa. Vì sao vậy? Vì không hiểu trọn những nghĩa như vậy, nên chúng sanh đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao vậy? Vì chấp trước nên không hiểu được rốt ráo trọn nghĩa. Hết thảy đều cháy thiêu, lại hiểu rằng Như Lai dạy Niết-bàn cũng cháy thiêu; hết thảy đều vô thường, lại hiểu rằng Như Lai dạy Niết-bàn cũng là vô thường. Đối với những lẽ khổ, không, vô ngã cũng hiểu sai như vậy! Cho nên gọi là hiểu không rốt ráo trọn nghĩa kinh, chẳng nên nương theo.

“Thiện nam tử! Như có người nói rằng: ‘Như Lai thương xót tất cả chúng sanh, khéo biết rõ lúc nào nên làm việc gì. Vì biết được lúc thích hợp, nên nói việc khinh là trọng, việc trọng là khinh. Như Lai xét biết có những đệ tử được đàn việt cung cấp những vật cần dùng, không hề thiếu hụt. Đối với những người ấy, Phật không cho phép thâu nạp và chứa trữ tôi tớ, vàng, bạc, của cải, vật báu cùng là buôn bán đổi chác những vật bất tịnh. Nếu những đệ tử không có đàn việt cung cấp những vật cần dùng, gặp khi mất mùa đói khổ, khó tìm món ăn vật uống; vì muốn kiến lập, hộ trì Chánh pháp, Phật cho phép những đệ tử ấy thâu nạp và chứa trữ tôi tớ, vàng, bạc, xe cộ, ruộng vườn, lúa thóc và đổi chác mua bán để chi dùng. Mặc dầu được phép thâu nạp và chứa trữ những vật như vậy, nhưng cần phải tịnh thí, làm cho đàn việt thêm lòng tin tưởng.’ Nói như vậy là hợp với bốn pháp như trên, hãy nương theo đó. Như có kinh, luật, luận nào chẳng trái với bốn pháp trên thì cũng nên nương theo.

“Như có người nói rằng: ‘Dù là lúc thích hợp hay không thích hợp, dù là người có thể hộ pháp hay không thể hộ pháp, Như Lai đều cho phép tất cả tỳ-kheo thâu nạp và chứa trữ các vật bất tịnh kia.” Lời nói như vậy chẳng nên nương theo. Như trong các kinh, luật, luận nào có chỗ nói như vậy thì cũng chẳng nên nương theo.

“Ta vì những chúng sanh mắt thịt mà giảng thuyết bốn pháp nương theo này, chẳng phải vì người có tuệ nhãn.

“Vì vậy mà nay ta giảng thuyết bốn chỗ nương theo: (1) pháp tức là tánh pháp, (2) nghĩa tức là Như Lai thường trụ không biến đổi, (3) trí tức là biết rõ tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, (4) hiểu nghĩa rốt ráo trọn vẹn là thông đạt hết thảy kinh điển Đại thừa.”

Chapter Eight: On the Four Dependables

"The Buddha further said to Kasyapa: "O good man! In this all-wonderful "Mahaparinirvana Sutra", there appear four kinds of men. These well protect, establish and think of Wonderful Dharma. They benefit others very much and pity the world. They become the refuges of the world and give peace and bliss to man and god. What are the four [categories]? A man appears in the world and possesses illusion. This is the first category. Those persons of the grades of srotapanna and sakridagamin are the second. Those of the grade of anagamin are the third. Those of the stage of arhat are the fourth. Such four kinds of person appear, benefit and pity the world. They become the refuges of the world and give peace and bliss to man and heaven.

"What do we mean by those garbed in illusion? Such people uphold the prohibitions, observe [moral] deportment, and uphold Wonderful Dharma. They accord with what the Buddha says, understand what is said and expound it to others, and say: "Coveting little is the Way; desiring much is not the Way", and expound the "eight awakened minds of a great man". To one who transgresses, the Way is shown, so that he confesses and repents. These people make away with sins and know the expedients and secrets of the teachings of the Bodhisattvas. Such [of this category] is a common mortal, not the eighth person [one who has arrived at the stage of attainment called "eighth-person stage"]. The eighth person is no common mortal. He is called " Bodhisattva" , but not Buddha.

"The people of the second category are those of the stages of srotapanna and sakridagamin. Having encountered Wonderful Dharma, they uphold it. They follow and listen to the words of the Buddha and act as they have heard. Having heard, they write down what they have heard, uphold what they have heard, recite it and expound the teaching to others. There can be [with these people] no such thing as not writing down, not receiving, upholding and expounding the teaching to others. With them there could never be anything such as saying that the Buddha allows them to keep servants and what is impure. This refers to the people of the second category. They have not as yet attained the second and third places of abode. They are called "Bodhisattvas". They have already received the Buddha’s prophecy that they will [one day] attain Buddhahood.

"The people of the third category are those of the stage of anagamin. With them there can never be such things as slandering Wonderful Dharma, keeping servants, male or female, having impure things, or holding [keeping] the books of the tirthikas, being hindered by foreign ["guest" - minor] illusions, or being bound up by various old [inherent] illusions, saving for themselves the true sharira [relics] of the Tathagata, getting attacked by eternal illnesses or the four great poisonous serpents [greed, anger, ignorance and arrogance], and insisting upon self. They talk about selflessness, but never talk about, or cling to, worldly things. They speak about, and uphold, Mahayana, but their body is never soiled by the 80,000 germs. They are forever removed from sensual appetite, and even in their dreams they never ejaculate impure things. At the last moment of their life, they are never afraid. What does "anagamin" mean? [It means that] this person never comes back. As already stated, no wrongs or illnesses ever catch hold of him. He goes, returns and cycles around. He is called a Bodhisattva. Receiving his prophecy [to Buddhahood], he, not long after that, attains unsurpassed Enlightenment. This is the person of the third category.

"The fourth is the arhat. An arhat is he who cuts through the bonds of illusion and who has made away with the heavy weight that rests on his shoulders, and who has attained what he wanted to have. All things having been accomplished, he lives on the tenth level. Attaining an unmolested state of Wisdom, he does what others desire to have and manifests various images. If he desires to accomplish the Buddha-Way as it should be accomplished, he can well do so. One who can so accomplish innumerable virtues is an arhat.

"Such are the four kinds of people who appear, benefit and pity the world. They thus become the refuges of the world and give peace and bliss to man and god. They are the most honoured and the most superb of all men and gods. It is as in the case of the Tathagata, who is the most superb of men and gods and is the Refuge of the world."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I do not take refuge in these four beings. Why not? It is as stated in the “Ghosila Sutra”, in which the Buddha addresses Ghosila. There you say: "Devas, Maras, and Brahma may desire destruction, present themselves in the forms of Buddhas, perfectly adorn themselves with such as the 32 signs of perfection [which the Buddha is said to possess] and the 80 minor marks of excellence, and the light of a halo, measuring 8 feet, a face perfectly round as at the time of the full moon, and a white tuft of hair in the centre of the brow, whiter than horse-shoe shell or snow. Should they appear thus adorned, look carefully to see if these are genuine. Having made sure [that these are not genuine], subdue them." O World-Honoured One! Maras and others can present themselves as Buddhas. Why might they not be able to present themselves as the four sages, the arhat to begin with, as sitting or sleeping in the air, emitting water from the left-hand side of their body and fire from the right, and emitting blazing flames from their body like a fire-ball? For these reasons, I cannot have faith in this; I dare not accept such, even when taught. I shall not take refuge in them." The Buddha said: "O good man! “If you have doubt in what I say, it is for you not to accept it”. Even more so when you have to deal with such people. This being so, weigh up a thing well and find out if it is good or not, if it is for you to do or not. Acting thus, one becomes blessed with peace and bliss in the long night [i.e. our life in samsara]. O good man! There is here a dog with his mind set upon stealing. At night he enters a man's house. When the servants come to know of this, they angrily shout: "Get out this instant, or we will kill you!" The burglar-dog hears this, runs out of the house and never comes back again. From now on, act like this, and drive away the Papiyas [Evil One, Devil], saying: "O Papiyas! Do not present yourself in such a form. Should you dare, we shall bind you up with five ropes." On hearing this, Mara will hide away. He will never again show himself like some burgler-dog." Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is as you, the Buddha, said to the rich man, Ghosila. Anybody who can thus conquer Mara will surely draw close to Parinirvana.

O Tathagata! How is it that you particularly speak of these four kinds of people and say that we should take refuge in them? What such people say cannot be trusted." The Buddha said to Kasyapa: "O good man! I address the sravakas who have [only] fleshly eyes and say that

O subdue Mara. I do not say this to those of the Mahayana. Those of the sravaka class fall under the category of the fleshly eye, though they may possess the heavenly eye. Those who practise Mahayana may also possess fleshly eyes, but they are those who have the Buddha-Eye. How so? These Mahayana sutras are called the Buddha vehicle. Such a Buddha vehicle is most superb. O good man! There are, for example, brave and courageous people and also those who are cowardly and weak and who come and hang on. The strong always teach the weak and say: "Take the bow like this, the arrow like this, and learn [how to handle] the halberd, the long hook, and the policeman’s lassoo." Also, the strong man will say: "Now, the fate of those who fight is like walking on sword-blades. But one must not have fear. When one sees man or god, think that they are petty and weak. One must be brave at heart." There may also be a man who, though not brave, presents himself as brave and, armed with a bow, a sword and many other things, goes to the battlefield. Then that person will cry out loudly: "Don’t fear these people. If they see that you are not afraid, they will know and soon disperse like the robber-dog." O good man! The same is the case with the Tathagata. To all sravakas, he says: "Do not be afraid of Marapapiyas. If Marapapiyas, clad as a Buddha, comes to you, make effort and harden your mind, so that he will draw back?"

"O good man! It is as in the case of a strong man who does not give ear to what others say. The same is the case with one who learns Mahayana. He hears the teachings of the various sutras of deep thought; he has joy and is not afraid. Why? Because one such who abides in Mahayana has in the past made innumerable offerings to innumerable millions and billions of Buddhas and worshipped them, and he has no mind that fears Maras, who might be as innumerable as billions and thousands and who may come and attack that person. He is not afraid. O good man! For example, a man possesses agasti [a healing plant] and does not fear any poisonous snakes. Through this drug, poison loses all its power. The same with this Mahayana sutra. Just as in the case of the drug, no person will fear any Maras or poisons. It thoroughly crushes the enemy, who can never stand up again. Also, next, O good man! For example, there is a naga who, by nature, is very evil-minded. When it desires to harm people, it approaches with the eye or cheats with the breath. Hence, the lion, tiger, leopard, jackal, wolf and dog all fear [it]. When all these evil animals hear its voice, see its form or touch its body, there is not one that does not lose its life. But there is one who knows a good spell, which enables all such evil and poisonous ones as nagas, garudas, elephants, lions, leopards and wolves to be tamed, so that one can well ride on them. These creatures, as they encounter this marvellous spell, become tamed. It is thus with sravakas and pratyekabuddhas. Seeing Marapapiyas, they all become frightened. And [so] Marapapiyas does not feel afraid and does evil. The same is the case with those who practise Mahayana. They see that all sravakas are afraid of evil acts and do not have faith in this Mahayana. First, expedients are resorted to, as a result of which all Maras are conquered, so that they become tame and can now stand [function] as vehicles to carry things in. Through this, they variously teach wonderful doctrines. Seeing the Maras are afraid, the sravakas and pratyekabuddhas become wonder-struck and gain faith and joy in the Wonderful Dharma of this unsurpassed Mahayana. They say: "From now on, we must not cause obstruction to Wonderful Dharma." Also, next, O good man! The sravakas and pratyekabuddhas entertain fear regarding all illusions. Those who study Mahayana have no such fears. By practising Mahayana, one gains such power. As a result, all that was said above is for sravakas and pratyekabuddhas to do away with Maras, and not for Mahayana itself. This all-wonderful Mahayana sutra cannot easily be made away with. All is extremely wonderful. One who hears it and knows that the Tathagata is Eternal is very rare. Such a person is like the udumbara [bloom]. There may appear people who, after my death, listen to the teachings of such a wonderful Mahayana sutra and gain faith. Know that such people will not fall into the unfortunate realms in the ages of the future, for 100 thousand billion kalpas to come."

Then the Buddha said to Bodhisattva Kasyapa: " O good man! After my entering Nirvana, there may be 100 thousand innumerable people who will slander and not believe in this all-wonderful Great Nirvana Sutra." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World- Honoured One! Sooner or later, people will slander this sutra. O World-Honoured One! What good and pure people will come and save such as those who commit slander?" The Buddha said to Kasyapa: "O good man! For 40 years after my entering Nirvana, this sutra will flourish in Jambudvipa. Then, it will disappear. O good man! In a land, for example, where one can get sugar cane, rice, rock candy, butter, cream and sarpirmanda, people will say: " This is the best of the most tasty [food]." Or there may be people who may be living on maize and panic grass and who may say that what they eat is the best of all food. Such are people of poor fortune, due to their karmic results. The ears of the fortunate will never hear of millet or barnyard grass. What they will eat will be rice, bran, sugar cane, rock candy, and sarpirmanda. It is the same with this wonderful Sutra of Great Nirvana. Those born dull-minded and unfortunate will not wish to listen, just like those dull and little-fortunate people who hate rice bran and rock candy. It is thus with the two vehicles [i.e. sravakas and pratyekabuddhas], the people of which will hate this unsurpassed Nirvana Sutra. [But] there are people who are gladdened on hearing this sutra and who, having heard it, feel pleased and do not slander it. This is like those of good fortune who eat rice bran. O good man! For example, there is a king who lives in the depths of the mountains, located in a precipitous place, difficult of approach. He has sugar cane, rice bran, and rock candy, but since these are difficult to obtain, he begrudges and stores them away, and does not eat them. Fearing that they may run out, he only eats millet and barnyard grass. Then, the king of a different land, hearing of this and feeling pity, sends rice bran and sugar cane to him. The king receives these and divides them amongst the people of his land, who all eat them. Having eaten them, they are all gladdened and say: "Because of that king, we have now been blessed with this food." O good man! It is the same with the four kinds of people. They become the generals of this great teaching. One of the four kinds of people sees that countless Bodhisattvas of other countries study, copy, or have others copy, Mahayana sutras of this kind, for gain, fame, understanding, reliance, for trading for other sutras, but that they do not speak of it to others. Hence, he takes this all-wonderful sutra over there and gives it to the Bodhisattvas, so that they might aspire to unsurpassed Bodhichitta [Enlightenment-mind] and rest peacefully in Enlightenment. A Bodhisattva, on obtaining this sutra, speaks of it to others, who, through it, become blessed with the amrta [ambrosia] of the Mahayana teaching. All of this is what has been brought forth by this single Bodhisattva. He enables others to hear what they have not heard before. This is like the people who, through the power of that king, enjoy rare dishes. The case is similar.

"Also, O good man! Wherever this all-wonderful Great Nirvana Sutra goes, that place - you may know - is indestructible. The people living there are also alike adamantine. Any person who hears this sutra will attain unsurpassed Enlightenment and never draw back from it. Such persons will gain whatever they wish to have. O you Bhiksus! Uphold well what I say to you today. Any persons who do not hear this sutra, are, you should know, much to be pitied. Why so? Because such cannot uphold the deep meaning of such a Mahayana sutra as this."

Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is is the case that after the Tathagata’s decease this Mahayana Great Nirvana Sutra will flourish in Jambudvipa for a period of 40 years and that after that it will disappear; when and how will it come back again?" The Buddha said: "O good man! For a period of 80 years after the ending of the age of Wonderful Dharma and during the 40 years preceding it, this sutra will greatly flourish in Jambudvipa."

Kasyapa further said to the Buddha: "O World-Honoured One! When the age of Wonderful Dharma has ended and when the correct observance of the precepts no longer prevails, when unlawful teachings prevail, when there is no longer any person to be found who takes the right path - who might be the ones who will give good ear to the teaching, uphold and recite it, and cause this sutra to circulate in the world, so that people make offerings, respect, copy and expound such a sutra? Please have pity on beings, O Tathagata, and analyse and expound this widely, so that all Bodhisattvas may hear Dharma, uphold it and never pull back from unsurpassed Bodhichitta."

Then the Buddha praised Kasyapa and said: "Well said, well said, O good man! You now put such a question. O good man! If beings, at the river Hiranyavati, at the seat of the Tathagata, aspire to Enlightenment, they will, in this evil world, uphold a sutra such as this and not slander it. O good man! There may be beings at the seats of all Tathagatas as many as the sands of the Ganges who aspire to Enlightenment and do not slander Dharma in the evil world, but love this sutra, [yet] are not able to analyse and expound it to others. O good man! There may be beings at the seats of all Buddhas as numerous as the sands of two Ganges who aspire to Enlightenment, do not slander Dharma in this evil world, rightly understand it, have faith, are gladdened, uphold and recite it, [but] are not able, for the sake of the world, to expound and speak about it to others. Or there may be beings who at the seats of all Tathagatas as numerous as the sands of three Ganges aspire to Enlightenment, slander Dharma in this evil world, uphold, recite and copy this sutra and expound it to others, [yet] are not able to gain the depths of its meaning. Or there may be beings who, at the seats of all Tathagatas, as numerous as the sands of four Ganges, aspire to Enlightenment and in the evil world do not slander but uphold, reicte and copy this sutra and expound one-sixteenth part of its meaning, [although they are as] yet not perfect. Or there may be beings who, at the seats of all Tathagatas as numerous as the sands of five Ganges, aspire to Enlightenment, do not slander in this evil world, but uphold, recite and copy this sutra and speak about eight sixteenths of it. Or there may be beings who, at the seats of all Tathagats as numerous as the sands of six Ganges, aspire to Enlightenment and, in the evil world, do not slander this Dharma, but uphold, recite, and copy this sutra and expound twelve sixteenths of it to others. Or there may be beings at the seats of all Tathagatas as numerous as the sands of seven Ganges who, in the evil world, do not slander the Dharma, but uphold, recite, and copy this sutra and speak about fourteen sixteenths of it. Or there may be beings who at the seats of all Tathagatas as numerous as the sands of eight Ganges aspire to Enlightenment and, in this evil world, do not slander, but uphold, reicte, and copy this sutra and also cause others to copy it, they themselves listening well to what is said in this sutra and making others listen well too, reciting and protecting, strongly upholding and - as they pity all beings - making offerings to this sutra, urging others also to make offerings, to honour, respect, recite, and worship it and thus perfectly understand and penetrate its meaning. “That is to say that the Tathagata is Eternal and Unchanging, that he is the utmost peace itself, and that” “all beings have the Buddha-Nature” [“buddhata”]. They well attain all the teachings of the Tathagata, make offerings to all such Buddhas and build up a house of unsurpassed Wonderful Dharma, uphold and protect it. If a person, for the first time, aspires to unsurpassed Enlightenment, know that such a person will assuredly, in the days to come, well build up the house of Wonderful Dharma, uphold and protect it. This you should know of the persons who become the guardians of Dharma. Why? Because such persons will, in the days to come, surely protect Wonderful Dharma.

"O good man! There may be an evil-minded bhiksu who, on hearing that I am now going to enter Nirvana, may not feel any apprehension or sadness, but instead will say: "The Tathagata is now entering Parinirvana. How pleasing is it that he does so! When the Tathagata was alive, he stood in the way of our profit. He is now entering Nirvana. Who else will get in our way? If nobody hinders [me], I shall come to profit as in former days. While in life, the Tathagata was too strict regarding the prohibitions. When he now enters Nirvana, we shall discard all of these. The kasaya [Buddhist robe] given me was originally simply meant as a matter of form. I will now discard it, as I would a banner the size of a head." Such a person slanders this Mahayana sutra and transgresses.

"O good man! You, now, should uphold [this sutra] and think: "If beings are perfect in innumerable virtues, they will indeed believe in this Mahayana sutra and, having faith in it, will uphold it. There may also be other beings apart from these who may feel joy in Dharma, and if this sutra is widely expounded to such persons they will, after listening to it, well make away with all the sins amassed during past innumerable asamkhyas of kalpas. Those who do not believe in this sutra will, in this life, get attacked by innumerable illnesses and will be spoken ill of by all people. After [death], they will be disparaged by others. [In life] they will look ill and their finances will not go well. Or they may gain a little, but that will be very coarse and of bad quality. They will be poor and of low social rank, all their life long. They may gain life [get reborn] in families where slandering and evil relations obtain. The time comes when one must depart this life, when it may be the age of wars or when people may be taking up arms; or when emperors and kings may be practising tyranny; or enmity and vengeance may incessantly visit one. There may be a good friend [a good Buddhsit teacher], but they [i.e. those disbelievers in this sutra] will not have occasion to meet him. It will be hard for them to earn their living. They may gain to some extent, but the apprehension of hunger will bear down upon them. They will only be known to people of low standing, and kings and ministers will not look back [give them a second glance]. They may have occasion to talk with reason, but nobody will believe them. Such people do not go to good places. It is like a bird whose wings are broken. The same with such a person. In the life to come, he will not be able to gain a good place in the world of man or heaven. If one well believes in such a Mahayana sutra as this, the rough and coarse form that one may have had at birth will come to look right and correct, by virtue of the power of the sutra; dignity and colour will increase day by day, and man and god will be pleased to look at him. They will respect and love him, and not a moment will be lost in their regard of him. Kings, ministers and family people will listen to, respect and believe him. If any of my sravaka disciples are desirous of doing the first rare thing [most rare act], they should preach such a Mahayana sutra to all the world. O good man! Frost and mist may strongly desire to remain as they are, but this is only up until the time of the sunrise. Once the sun is out, all goes away and nothing remains behind. O good man! The evil acts done by these people also amount to the same. The power [which one may have] in the present life only continues up to seeing the rise of the sun of Great Nirvana. When the sun of this Great Nirvana has risen, all the evils that have been done will die out. Also, next, O good man! For example, one might abandon one’s home, shave one’s head, put on the kasaya robe, and might not yet receive the ten precepts of a shramana. Or a rich person might come and invite all the priests [to his house], and those who have not received the precepts may get invited, along with the others. They may not have received the precepts as yet, and yet may still be counted as priests. O good man! It is like this with a person who first aspires to Enlightenment, studies this Mahayana Great Nirvana Sutra, keeps, copies and recites it. He may not yet have attained the level of the ten stages [of a Bodhisattva], and yet he will be counted as being one of those of the ten stages. If a person, whether a disciple or not, [even] out of greed or fear or for profit, [chances to] hear just one gatha of this sutra and, having heard it, does not slander it - know that this person is already close to unsurpassed Enlightenment. O good man! For this reason, I say that the four persons will become the refuges of the world. Thus I say, O good man, that such persons will never say that what the Buddha said is not what he said. Nothing of the kind occurs. That is why I say that such four kinds of people become the refuges of the world. O good man! Make offerings to these four kinds of people." "O World-Honoured One! How am I to know who such are, and how am I to make offerings?" The Buddha said to Kasyapa: "Anyone who upholds and protects Wonderful Dharma should be invited. One should abandon one’s life [become a monk] and make offerings. This is as I say in my Mahayana sutra:

"To any person versed in Dharma,
No matter whether young or old,
Offerings should be made;
One should respect and worship him,
As the Brahmin worships fire.
To anyone versed in Dharma, young or old,
Offerings should be made.
Such a person should be respected and worshipped,
As all devas serve Shakra."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "Things must proceed as you, the Buddha, say, and we should pay respect to teachers and elders. I have a doubt, which you will [perhaps] kindly dispel for me. If there is an aged person who has long been upholding the precepts and who asks a young person to tell him what he has not heard before - does this [young] person have to be given respect? If so, this cannot be an upholding of the precepts. Or, there may be a young person who has been upholding the precepts and who may ask about what he has not heard from a person who has broken the precepts. Has one to pay respect to such a person? Or, a world-fleeing person might give ear to what a layman says regarding things he has not heard before. Should one pay respect to such a person? The obverse of this would be that the world-fleeing person should not pay respect to the layman, but the young and small should pay respect to the aged, because these aged persons have received the upasampada earlier and their deportment is accomplished. Hence one should pay them respect and make them offerings. According to the Buddha, violation of the precepts is not permitted in the house of the Buddha. It is as in the case of a paddy-field grown over with panic-grass. Also, just as the Buddha says, there is one who abides in Dharma, to whom offerings must be made, whether that person is old or young, in such a way as people serve Shakra. How can these two cases be understood? Now, could it not be that those were false words of the Tathagata which stated that even the precept-obseving person may well transgress? Why does the Tathagata say such a thing? Also, the World-Honoured One says in other sutras that violation of the precepts can certainly be cured [atoned]. It is not easy to understand the meaning of suchlike [statements]."

The Buddha said to Kasyapa: "O good man! I speak thus in the gatha for the sake of those Bodhisattvas of the days to come who will study Mahayana; I do not do so for the sake of sravakas. As I said above, when the days of Wonderful Dharma come to an end and when the right precepts are violated, when violation of the precepts increases in extent and when evil deeds go unchecked, when [saints] are hidden and not one is to be met with, when bhiksus accept or keep impure things and servants, there will appear one of these four who will shave his head and practise the Way. All the bhiksus [of that time] will receive and keep impure things and servants, knowing no difference between the pure and impure, rules and non-rules. This person, intending to teach such bhiksus, softens the light and does not get mixed up with evil and well knows what needs to be done and what the Buddha does. He sees others committing grave offences, yet he sits silent and does not take part [in such offences]. Why not? Because I appear in the world to establish and protect the right teaching. That is why I sit silently and do not reproach [the offenders]. O good man! Such a person, though violating [the rules], is not classed as one who violates the rules of a disciple, because of his protecting of the teaching.

"O good man! A king dies from an illness, for example, and his son, the crown prince, is still young and not yet able to ascend the throne. There is a candala [a despised mixed- caste person, born of a Sudra father and Brahmin mother] who is rich and whose wealth is inestimable. He has many relatives. In the end, using force, he takes advantage of the weak condition of the state and usurps the throne. Before long, the people, upasakas, Brahmins and others revolt and flee to far-distant countries. There are people who do not flee, but who do not wish to see the king, such as the rich and the Brahmins who will not leave their native land, just like the trees, which grow where they find themselves and where they die. The candala king, seeing the subjects leaving the country, sends candala men to block all the roads. Also, after seven days, he has men beat drums and proclaim to all the Brahmins: " To any person who performs the ceremony of abhiseka [a consecration ceremony, involving sprinkling water on the head], half of the land will be given!" They hear this, but no Brahmin comes forward. All say: " How could a Brahmin do such a thing? " The candala king further says: " If no Brahmin comes to be my teacher, I shall assuredly make the Brahmins live, eat, sleep and work together with the candalas. If any Brahmin comes and sprinkles water on my head, I will give him half my land. As it is said, so shall it be done. Also, all-wonderful amrita [ambrosia], that thing of Trayastrimsa Heaven which works all the miracles of deathlessness, will also be given to such a man." At that time, there was the son of a Brahmin, one very young. He was perfect in pure actions, wore his hair long, and was well versed in incantations. He went to the king and said: "O great King! What you, King, say will all be carried out by me." The king was pleased and let this boy perform the abhiseka. All the Brahmins heard about this and were vexed. They reproached the boy, saying: " You, the son of a Brahmin! How could you perform the abhiseka on a candala?" Then the king gave the boy half of his kingdom. And together they reigned over the kigdom. A long time passed. Then the Brahmin boy said to the king: " I rejected my family tradition and came to you to become your teacher, and I taught you, King, all the intricate contents of incantation. And yet you do not befriend me." Then the king answered: "In what way do I not befriend you?" The Brahmin boy said: "I have not yet tasted the amrita which the late king left in your hands." The king said: "Well said! O my great teacher! I did not know. If you desire to use it, please take this [amrita] to your home." Then the Brahmin boy, at the king’s word, took the amrita home and invited all the ministers, and partook of it. All the ministers, having had it, said to the king: " It is wonderful that the great teacher has the amrita." On hearing this, the king said to his teacher: "How is it, O great teacher, that you taste the amrita with all the ministers and yet do not show any of it to me?" Then the Brahmin boy gave the king a poisonous potion. On taking the poison, the king became mad and fell to the ground. He lay there unconscious, like a dead man. Then the Brahmin boy called back the previous king, restored him to the throne and said: "The lion’s seat [i.e. throne] cannot, by law, be occupied by any candala. I have not yet heard since of old that a candala ever sat on the royal throne. It can never be that a candala could reign over the state and govern the people. O great King! You should now succeed the former king and govern the state righteously and lawfully." Having thus disposed of things, he gave an antidote potion to the candala and let him awaken. After he had awoken, he was driven out of the country. Now, this boy, acting as he did, did not lose the prestige of the Brahmins. And others, on hearing of what had happened, praised his deed and said that this was a thing unheard of. They said: "Well done, well done! You have indeed got rid of the candala king." It is the same with me. O good man! After my entry into Nirvana, the Bodhisattvas who guard Wonderful Dharma will also act thus. Using expedient means, they will behave just like those priests who transgress against the precepts, who are priests only in name and who receive and store up impure things. And when they see a person who, though [seemingly] violating the precepts, nevertheless cures those evil bhiksus who are transgressing against the prohibitions, they will go to him, respect and worship him, and do all such things as offering the four things [i.e. clothing, drink, bedding, and medicine] and sutras and utensils. If these things are not ready at hand, they should devise means and go to danapatis, beg from them and then give [their gifts]. To do this, they may store up the eight impure things [i.e. such as gold, silver, manservants, maidservants, cows, sheep, grain, and storehouses]. Why? Because this can mend [the ways of] the evil-acting bhiksus. This is as in the case of the boy who conquered the candala. Then, the Bodhisattvas may again respect and worship this person. Though the person may also receive and store up the eight things, this can well pass by with impunity. Why? Because this Bodhisattva desires to reject and cure all wicked bhiksus and to enable the pure-hearted bhiksus to live in peace and to enable the vaipulya Mahayana sutras to prevail in the world and benefit heaven and earth. O good man! That is why I put the two gathas in the sutra and had all Bodhisattvas praise those who protect Dharma. This is similar to the upasakas and Brahmins who all praised the boy, saying: "Well done, well done!" The same will also apply to Dharma-protecting Bodhisattvas. Should anyone see a Dharma-protecting person working with precept-breaking persons, and say that that person is committing a sin, know that the person [who says this] is himself inviting misfortune upon his own self, and that the person who protects Dharma has no connections with sin. O good man! If any bhiksu breaks the precepts and, out of arrogance, does not repent, such is really a breach of the prohibitions. A Bodhisattva who, while committing a violation, does so to protect Dharma, is not called one who commits a violation. Why not? Because he has no arrogance, but confesses and repents. That is why I repeat in the sutra and say in the gatha:

"If there is a person who knows Dharma,
Whether that person is old or young, such a one should be revered,
Respected and worshipped, just as in the case
Of the Brahmins who pay worship to fire and serve
Shakra of the second heaven [i.e. Trayastrimsa]."

On account of this, not for those wishing to learn the sravaka teaching, but for Bod- hisattvas do I speak thus in the gatha."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If it is the case that the Bodhisattva-mahasattva may thus act without restraint as regards the precepts, can the shila [precepts] originally received remain intact and genuine?" The Buddha said: "O good man! Do not speak thus. Why not? The shila first received remains intact and is not forfeited. If one transgresses, one repents. Having repented, one is pure. O good man! When a bank [riverbank, dam] is old and has holes in it, water inevitably leaks out. Why? Because nobody has had it repaired. When once repaired, water cannot leak out. It is the same with the Bodhisattva. When shila is violated, there follows posadha [confession], receiving [anew] shila, and the hours of freedom come. The monastic duties are carried out, but the vinaya rules are not as in the case of the bank with holes in it through which water leaks out. Why not? If there is no one who upholds shila, the size of the Sangha will decrease and there will come about moral laxity and indolence, which will grow. If there are those who are pure in their deeds and who observe the precepts, the original shila remains perfect and holds good. O good man! A person who is loose [careless] in the Vehicle [i.e., overall direction of Mahayana Buddha-Dharma] is [indeed] loose, and a person who is loose regarding the precepts is not loose. The Bodhisattva-mahasattva is not loose regarding the teachings of this Mahayana [i.e. awakening to the real state of existence]. This is the observance of the precepts. He guards well Wonderful Dharma and bathes himself in the waters of Mahayana. Thus, though the Bodhisattva violates the precepts, he is not [truly] loose as regards the precepts."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "There are four kinds of people in the Sangha. It is as with the mango, where it is difficult to know when it is ripe. How can we know the difference between a violation and a non-violation of the precepts?" The Buddha said: "O good man! Basing oneself on the all-wonderful Great Nirvana Sutra, it is easy to know. How can one know by looking into the Great Nirvana Sutra? As an example: a farmer plants rice, and weeds out the tares [weeds] in the paddy-field. One looks at the field with the fleshly eye and says that it is a fine field. But when harvesting comes around, we now see that the tares and rice are different. Thus, eight things indeed defile the priest. If thoroughly done away with, we see that he is pure. When a person observes the precepts and does not violate them, this is hard to distinguish with the fleshly eye. If evil arises, this is easy to see. It is as in the case of the tares in the paddy-field, which can easily be seen. The same with the bhiksu. If he is able to make away with the eight impure poisonous serpents, we call him pure and a holy field of weal. He will be made offerings by man and god. It is not easy to see the karma-results of pure deeds clearly with the fleshly eye.

"Also, next, O good man! [Imagine that] there was a forest of kalaka [bambusa vulgaris]. The trees were numerous, among which there was one called tinduka [diospyros embryoteris]. The fruits of the kalaka and tinduka look alike, and it is difficult to distinguish them one from the other. When the fruit was ripe, a woman picked it all. Only one part was tinduka, ten parts being kalaka. The woman, not knowing [the difference], took these to the market and spread them out for sale and sold them. Dull-minded people and children, not knowing [such] things well, bought the kalaka, ate it and died. A learned person heard about this and asked the woman: "O woman! Where did you get this from?" At that, the woman pointed out the direction. Everybody said: "In that direction, there are innumerable kalaka trees; only one is tinduka." All the people, learning of this, laughed, cast away the fruit and went away. The case is thus.

"O good man! It is the same with the eight impure things regarding beings. Amongst people, there are many who take eight such things. Only one is pure, he who observes the precepts and does not take the eight impure things. He knows well that all people receive and store up things contrary to the precepts, and yet he acts together [with them] and does not leave them. He is like the one tinduka amongst all the trees in the forest. There is an upasaka who sees bhiksus all transgressing. So he does not pay respect or make offerings along with [the other people]. If this person does desire to offer something [however], he first asks: "O great ones! Is it right to receive and store up eight such things? Are these things which the Buddha has permitted or not?" If the answer is that the Buddha has permitted them, he will ask: "Can you attend the posadha and pravarana?" Thus does this upasaka ask. At this, all answer: "The Tathagata pities and permits us eight such things." Then, the upasaka says: "In Jetavana, there were many bhiksus who said that the Buddha had permitted the possession of gold and silver, or that he did not. If any bhiksus said that the Buddha had permitted [such things], those persons in the "not permitted" camp did not live together [with those who said gold, etc. was permitted], did not talk [with them] about the precepts, or confess [to them], or drink the water of the same river and did not share with those others what brought in profit. How can you say that the Buddha gave permission? The Buddha, the god of all gods, may well receive such, but you, the Sangha, may not." If there are those who receive such, do not talk about the precepts [with them], or confess or do karman [the ritualistic actions of a bhiksu when receiving shila or making confession], but act as the Sangha should act. If one talks together [with the unrighteous monks] about shila, confesses [to them], or does karman, and thus participates in the works of the Sangha, one will, after death, assuredly fall into hell. This is like all those who lost their life through eating the kalaka.

"Also, next, O good man! For example, there is in the city a drug merchant. He has a wonderfully sweet medicine which comes from the Himalayas. He also sells many other drugs. All of them taste sweet and look alike. People very much desire to buy [the drugs], but cannot distinguish [the different types]. They go to the druggist and ask: "Do you sell the drug from the Himalayas?" The druggist says: "Yes!" A man picks up a drug which is not the one from the Himalayas. The merchant cheats the customer and says to him: " This is the sweet drug that I have from the Himalayas." But the buyer is unable to tell the difference. He buys it and takes it back home, thinking: "I have got the drug from the Himalayas." The situation is like that.

"O Kasyapa! Among the sravaka priests, there are those who are priests in name only, and there are the true ones, or those who stick together in harmony; also, those who observe the precepts and those who violate them. All will be made offerings, will be respected and worshipped. But this upasaka cannot, just by looking, make out which is which. This is like the situation of the man who could not see whether the drug he had was from the Himalayas. Who are the ones who observe, and who those who violate, the precepts? Who is a true priest, and who a priest in name only? One with the heavenly eye can well see this. O Kasyapa! If this upasaka knows that [such-and-such] a person is one who transgresses, he will not give him anything, bow or worship him. If he knows that [such-and-such] a person receives and stores the eight impure things, he will not give what he has, not worship or make offerings. Any [bhiksu] who violates the precepts should not be respected or worshipped just because of the kasaya-robe which he wears."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "Well said, well said! What the Tathagata says is true, not false. I shall accept [your] word with the greatest respect, for example, just as if I had received an adamantine treasure. Just as the Buddha says, these bhiksus should stand [base themselves] on four things.

"What are the four? They should be based on Dharma, not the person; on the meaning, not the letter; on Wisdom, not on consciousness; on import-embracing sutras, not on nonimport-embracing sutras. They should well know these four things, but not four such persons."

The Buddha said: " Being based on Dharma means nothing other than basing oneself on the Mahaparinirvana of the Tathagata. All Buddhist teachings are none but “Dharmata” [essence of Dharma, essence of Reality]. This “Dharmata” is the Tathagata. Hence, the Tathagata is Eternal and Unchanging. Any person who says that the Tathagata is non-eternal does not know “Dharmata”. Such a person is not one to base oneself upon. All the four persons mentioned above appear in the world, protect, realise and become a refuge [for all beings]. Why? Because they thoroughly understand the deepest points of what the Tathagata says and know that the Tathagata is Eternal and Unchanging. It is not good to say that the Tathagata is non-eternal and that he changes.

"The four persons, when they are such, are the Tathagata. Why? Because such well understand and speak about the undisclosed words of the Tathagata. One who well understands what is deeply hidden and knows that the Tathagata is Eternal and Unchanging will never, for profit, say that the Tathagata is non-eternal. Such a person is one to base oneself upon - why not on those four persons?

"Basing oneself upon Dharma means basing oneself upon “Dharmata”; not basing oneself on man refers to the sravaka. “Dharmata” is the Tathagata, and the sravaka is the created. The Tathagata is Eternal, but the sravaka is non-eternal.

"O good man! A man might violate the precepts and, for gain, say that the Tathagata is non-eternal and that he changes. Such a person is not one to take refuge in. O good man! This is a definite rule.

"We say that we base ourselves on the meaning, not the words. The meaning connotes being fully Enlightened. Full Enlightenment means non-weak. Non-weak is satisfaction. Sats- faction means that the Tathagata is Eternal and Unchanging. That the Tathagata is Eternal and Unchanging means that Dharma is eternal. That Dharma is eternal mens that the Sangha is eternal. This is basing oneself on the meaning. Do not base yourself on the words. What words are we not to base ourselves on? These are discursive and decorative words. They [people sticking to the letter, rather than the spirit] seek out all too greedily and unendingly all the innumerable sutras of the Buddha. Wickedly, skilfully and flatteringly, they cheat and put on the semblance of friendliness, and displaying thus, they seek profit. Garbed in white, they take up posts [run errands]. They also loudly proclaim: "The Buddha allows the bhiksus to keep all [kinds of] menials and impure things, to trade in gold, silver, rare gems, to store rice, to trade in cows, sheep, elephants, and horses, and thus to seek profit. And also there may arise a famine, and out of pity for the children, the bhiksus may look for gain [profit], store things up, and put up in a house, prepare food by their own hand, and support themselves, instead of from receiving [the alms of others]." All such words are not to be depended upon.

"We say that we base ourselves [depend] upon Wisdom and not upon consciousness. The Wisdom alluded to is the Tathagata. If any sravaka does not well understand the virtues of the Tathagata, such a consciousness is not to be depended upon. If he knows that the Tathagata is the Dharma-Body, such true Wisdom can indeed be depended upon. If a person sees the expedient body of the Tathagata and says that it belongs to the five skandhas, the eighteen realms [i.e. the six sense-organs, the six sense-fields, and the six consciousnesses], and the twelve spheres [the six sense-organs and the six sense-fields], and that it arises from feeding, such is not to be depended upon. This means that even consciousness is not to be depended upon. If a sutra says thus, it cannot be depended upon.

"We say that we should base ourselves on the import-embracing sutras [those which dig deep into the true spirit of Buddha-Dharma], and not on the non-import-embracing sutras. The non-import-embracing sutras are the sravaka vehicle. Hearing even the depth-plumbing storehouse of the Buddha-Tathagata, doubts raise their heads as regards all things and the person does not realise that this storehouse arises from the sea of great Wisdom, as in the case of a child who cannot distinguish one thing from another. This is the non-grasping of the meaning.

"The attainment of the meaning is nothing other than the true Wisdom of the Bod- hisattva. It flows forth from out of the unhindered great Wisdom of his mind, as with an adult, for whom there is nothing not known. This is attainment of the meaning.

"Also, the sravaka vehicle is the non-grasping [non-understanding] of the [real] meaning, and unsurpassed Mahayana is the grasping of the meaning. If a person says that the Tathagata is non-eternal and that he changes, this indicates that this person has not yet arrived at [an understanding of] the meaning. If a person says that the Tathagata is Eternal and Unchanging, this shows that that person has arrived at the meaning. If a person says that what the sravaka says can be understood, this indicates non-grasping of the meaning. If a person says that the Tathagata is a product of feeding, this is non-grasping of the meaning. If a person says that the Tathagata is Eternal and Unchanging, this is full grasping of the meaning. If a person says that the Tathagata enters Nirvana as in the case of fuel that has burnt out, this is non-grasping of the meaning. If a person says that the Tathagata enters the world of “Dharmata”, this is grasping the meaning.

"We cannot depend upon the teaching of the sravaka. Why not? Because the Tathagata, through expediency, articulates the teaching of the sravaka just to save beings. This is like the rich man who teaches his son the alphabet. O good man! The sravaka vehicle is analogous to the situation where a person first tills his land, but has not yet arrived at the harvest. Such is the non-grasping of the meaning. For this reason, one cannot depend upon the sravaka vehicle. One should take refuge in the teachings of Mahayana. Why? In order to save beings, through expediency the Tathagata expounds Mahayana. Hence, one cannot depend. This is grasping the meaning. One should well know of these four things to depend upon.

"Also, next, we say that we base ourselves upon meaning. Meaning is the honest mind. "Honest mind" means "light". Light means "non-weak". Non-weak is the Tathagata.

"Also, "light" is Wisdom. The honest mind is the Eternal. The Eternal is the Tathagata. [Knowing] that the Eternal is the Tathagata is to depend upon Dharma.

"Dharma is the Eternal. It also means boundless. It is hard to know. One cannot hold or bind it. And yet one may well see it. If a person says that he cannot see it, one cannot depend upon such a one. That is why we say that we can depend upon Dharma and not upon the person.

"Also, if a person says that the all-wonderful world is non-eternal, such is not to be depended upon. That is why we base ourselves upon the meaning and not the words. To say that "true" depends upon "Wisdom" means that the Sangha is eternal, non-created, and unchanging, and that they do not store away the eight impure things. For this reason, we depend upon Wisdom and not on consciousness. If a person says that consciousness makes and consciousness receives, there is no harmony of the Sangha. Why not? Now, harmony means non-possession. If it is non-possession, how could one say "eternal"? On account of this, consciousness is not to be depended upon.

"We say " meaning". " Meaning" means " being satisfied" . This is never, to the end,

seeking to cheat, to display deportment, pureness and with arrogance to show that one is of a high position, and thus greedily to seek profit. Also, it is not to show attachment to what the Tathagata says for reasons of expediency. This is arriving at the meaning. If a person abides in this, we may say that this person abides in “Paramartha-satya” [Ultimate Reality]. That is why we say that we base ourselves on the meaning of the sutras and not on the non-grasping of the meaning.

"Non-grasping of the meaning relates to what is stated in the sutras saying that all can be snuffed out, all is non-eternal, all is suffering, all is void, and all is selfless. This is non-grasping of the meaning. How so? Because such a person is not able to grasp the intended meaning, only the appearance of [literal] meaning. This causes all beings to fall into Avichi Hell. Why? Because of attachment, as a result of which a person does not grasp the meaning.

"A person [might] say that all gets extinguished, implying that the entrance of the Tatha- gata into Nirvana constitutes extinction.

"A person [might] say that all is non-eternal, meaning that even Nirvana is non-eternal, and the same with suffering, void, and non-self too. That is why we say that such is non-grasping of the import of the sutras. One cannot depend upon such. O good man! There might be a person who says that the Tathagata, pitying all beings, looks to what is apt for the occasion. As he knows what is right for the occasion, he speaks of what is light as heavy and what is heavy as light. The Tathagata knows that all his disciples are supplied with whatever they need by danapatis. So the Buddha does not allow such persons to receive or keep menials, male or female, gold, silver and gems, or to trade in impure things. When the disciples are not thus supplied by danapatis, as when there is a famine and food is scarce, he allows them, for the purpose of establishing and protecting Wonderful Dharma, to receive menials, male or female, gold, silver, vehicles, fields, houses and rice, and to trade in what they have. Although one is allowed to receive and keep such things, these must be given by faithful danapatis. Then, all such four things are what can be depended upon. If the precepts, abhidharma and sutras do not differ from these four, one may depend upon these. If a person says that there are times and non-times, Dharma to be protected and Dharma not to be protected, and that the Tathagata allows all bhiksus to receive and keep such impure things, such should not be depended upon. If the precepts, abhidharma and sutras agree with these, such three cannot be depended upon. I speak about these four things for the sake of all beings with fleshly eyes, but it is not for those who have the eye of Wisdom. That is why I speak about these four things and say that they are the things to be depended upon. "Dharma" is “Dharmata”; "meaning" is saying that the Tathagata is Eternal and Unchanging; "Wisdom" is knowing that all beings have Buddha-Nature [“Buddhata”]; "grasping the meaning" means being well versed in all Mahayana sutras."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Phật Giáo Yếu Lược


Giai nhân và Hòa thượng


Kinh Đại Bát Niết-bàn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.199.54 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...