Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 19 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần năm »»
Bấy giờ, trong thành lớn Vương Xá có vua A-xà-thế là người tánh tình xấu ác, ưa làm việc giết hại, lời nói phạm vào đủ bốn điều ác, tham lam, giận dữ, ngu si, trong lòng luôn hung hăng, sôi sục. Vua chỉ nhìn thấy hiện tại, chẳng quan tâm việc về sau, dùng toàn những người xấu ác làm thân thuộc.
Vì tham đắm vướng mắc vào năm món dục lạc trước mắt nên vua cha là Tần-bà-sa-la không có tội mà A-xà-thế ngang ngược giết đi. Nhân việc giết cha rồi mới bị lòng hối hận nung nấu, không còn muốn trang sức trên thân, cũng chẳng thấy vui với việc đàn ca múa hát. Do lòng hối hận nung nấu nên khắp người vua phát sanh ghẻ độc, dơ nhớp hôi hám, không thể đến gần được. Vua liền tự nghĩ rằng: “Nay thân ta đây đã chịu sự báo ứng ngay trước mắt, quả báo địa ngục cũng không còn xa nữa.”
Mẹ vua là bà Vi-đề-hy dùng đủ mọi thứ thuốc mà thoa xức cho vua, nhưng ghẻ độc ngày càng tăng thêm, không giảm bớt chút nào. Vua thưa với mẹ rằng: “Những ghẻ này từ trong tâm mà sanh ra, chẳng phải sanh ra do bốn đại. Nếu nói rằng trong chúng sanh có người có thể trị dứt được thì thật vô lý.”
Lúc ấy, có một viên đại thần tên là Nguyệt Xưng, đi đến chỗ vua, đứng bên mà tâu rằng: “Đại vương! Vì sao lại ưu sầu tiều tụy, dung nhan chẳng vui? Ngài đau đớn trong thân chăng? Hay là đau đớn ở trong tâm?”
Vua đáp rằng: “Nay cả thân và tâm của ta làm sao có thể không đau đớn? Cha ta không có tội, ta lại ngang ngược giết hại. Ta từng nghe những bậc trí giả nói rằng: ‘Ở đời có năm hạng người không thể thoát khỏi địa ngục, đó là những người phạm vào năm tội nghịch.’ Nay tội của ta đã là vô lượng vô biên, làm sao thân tâm ta lại có thể không đau đớn? Đã vậy, lại không có lương y nào có thể chữa trị được thân tâm của ta.”
Quan đại thần Nguyệt Xưng liền nói: “Xin Đại vương chớ quá sầu khổ.” Rồi ông liền đọc bài kệ rằng:
Nếu thường sầu khổ,
Sầu khổ càng tăng.
Như người ham ngủ,
Ngủ càng thêm nhiều.
Tham dâm, nghiện rượu,
Cũng đều như vậy.
“Như lời vua nói, ở đời có năm hạng người không thể thoát khỏi địa ngục. Có ai đã đến [địa ngục] nhìn thấy rồi trở về nói lại với vua chăng? Nói địa ngục đó, chỉ là lời nói của người thế gian nhiều mưu trí.
“Như lời vua nói, trong đời không có lương y nào chữa trị được thân tâm của vua. Nay có một vị đại lương y tên là Phú-lan-na, thấy biết tất cả, được phép định tự tại, đã tu tập xong Phạm hạnh thanh tịnh, thường vì vô số chúng sanh mà diễn thuyết đạo vô thượng Niết-bàn. Người vì các đệ tử mà thuyết dạy các pháp như thế này: ‘Không có nghiệp ác, không có quả báo của nghiệp ác. Không có nghiệp thiện, không có quả báo của nghiệp thiện. Không có nghiệp vừa thiện vừa ác; không có quả báo của nghiệp vừa thiện vừa ác. Không có nghiệp cao và nghiệp thấp.’
“Vị thầy ấy nay đang ở trong thành Vương Xá. Xin đại vương ngự giá đến đó để vị thầy ấy chữa trị thân tâm cho đại vương.”
Vua liền đáp rằng: “Nếu quả thật người ấy có thể dứt trừ được tội của ta, ta sẽ quy y.”
Lại có một vị quan khác tên là Tạng Đức cũng đi đến chỗ vua, tâu rằng: “Đại vương! Vì sao dung nhan ngài tiều tụy, môi miệng khô bỏng, giọng nói nhỏ yếu dường như người nhút nhát khi gặp phải kẻ đại thù địch? Nay da mặt của ngài nhăn nhó, khô nứt, ắt có điều gì khổ sở lắm chăng? Là sự đau đớn nơi thân hay đau đớn nơi tâm?”
Vua đáp: “Nay thân tâm của ta làm sao có thể không đau đớn? Ta thật là ngu si mù tối, không có mắt tuệ nên gần gũi thân cận với kẻ ác, nghe theo lời kẻ ác là Điều-bà-đạt, ngỗ nghịch muốn giết hại vị vua Chánh pháp. Trước đây ta từng nghe bậc có trí thuyết kệ rằng:
Người đối với cha mẹ,
Phật và đệ tử Phật,
Nếu sanh lòng bất thiện,
Làm những việc ác hại,
Ắt phải chịu tội báo,
Sanh địa ngục A-tỳ.
“Vì việc như thế nên lòng ta sợ sệt, sanh khổ não lớn, lại không có vị lương y nào để ta tìm đến chữa trị.”
Đại thần ấy tâu rằng: “Xin Đại vương đừng ưu sầu sợ sệt. Pháp có hai loại, một là pháp của hàng xuất gia, hai là pháp của vua. Đối với pháp của vua thì kẻ giết hại cha ắt cai trị được cả đất nước, nên tuy nói như thế là ngỗ nghịch nhưng thật không có tội! Như loài sâu ca-la-la cần phải phá thủng bụng mẹ rồi mới sanh ra được. Sự sanh ra như vậy, tuy phá thủng bụng mẹ nhưng thật không có tội. Con la khi mang thai cũng giống như vậy. Về phép trị nước cũng nên như vậy. Dù có giết cha, giết anh cũng không có tội. Còn đối với pháp của hàng xuất gia thì cho đến con muỗi, con kiến mà giết chết cũng là có tội. Xin Đại vương mở lòng đừng sầu khổ nữa. Vì sao vậy?
Nếu thường sầu khổ,
Sầu khổ càng tăng;
Như người ham ngủ,
Ngủ càng thêm nhiều.
Tham dâm, nghiện rượu,
Cũng đều như vậy.
“Như lời vua nói, trong đời không có lương y nào chữa trị được thân tâm của vua. Nay có một vị đại sư tên là Mạt-già-lê Câu-xá-ly tử, thấy biết tất cả, thương xót chúng sanh đều như con mình. Vị ấy đã lìa khỏi phiền não, có thể nhổ bật mũi tên nhọn ba độc cho chúng sanh. Hết thảy chúng sanh đối với các pháp đều không thấy, không biết, không hiểu được, chỉ duy nhất một vị này có thể thấy, biết và hiểu được.
“Vị đại sư ấy thường vì đệ tử mà thuyết pháp rằng: ‘Cái thân của hết thảy chúng sanh đều có bảy phần. Những gì là bảy? Đó là đất, nước, lửa, gió, khổ, vui và mạng sống. Bảy pháp ấy chẳng phải do biến hóa mà có, chẳng phải do tạo tác mà thành; không thể bị hủy hoại, như loài cỏ y-sư-ca; trụ yên chẳng động như núi Tu-di; chẳng buông bỏ, chẳng làm ra được như sữa hay kem sữa. Hết thảy đều không cần tranh cãi cho là khổ hay là vui, thiện hay bất thiện, [thân này dù] ném vào lưỡi đao sắc cũng không bị thương tích, tổn hại. Vì sao vậy? Vì bảy phần nói trên là ở giữa hư không, chẳng bị ngăn ngại. Mạng sống cũng không bị tổn hại. Vì sao vậy? Vì không có người làm hại, không có người chết, không có người tạo tác, không có người nhận chịu, không có người nói, không có người nghe, không có người ghi nhớ, không có người thuyết dạy.’
“Đại sư ấy thường thuyết pháp như vậy, có thể khiến cho chúng sanh diệt trừ hết thảy vô số tội nặng. Nay vị thầy ấy đang ở tại thành lớn Vương Xá. Xin Đại vương ngự đến chỗ ở của vị ấy. Nếu vua gặp được vị ấy rồi, mọi tội lỗi đều sẽ được tiêu diệt.”
Vua nói: “Nếu thật vị ấy có thể dứt trừ được tội lỗi của ta, ta sẽ quy y.”
Lại có một vị quan khác tên là Thật Đức, cũng đi đến chỗ vua, đọc kệ rằng:
“Đại vương vì sao,
Chẳng đeo chuỗi ngọc?
Đầu tóc rối bời,
Cho đến nỗi này?
Thân vua vì sao,
Run rẩy chẳng yên,
Như cơn gió lớn,
Lay động cành hoa?
“Hôm nay vì sao vẻ mặt của vua lại buồn rầu tiều tụy, như người làm ruộng gieo giống rồi không gặp được cơn mưa? Ngài sầu khổ như vậy, là đau đớn trong tâm hay đau đớn nơi thân?”
Vua đáp rằng: “Nay thân tâm ta làm sao lại có thể không đau đớn? Đấng tiên vương cha ta vốn một lòng từ ái, đặc biệt thương yêu ta, thật không có tội lỗi chi cả. Ngày trước khi sanh ta ra, người có đến hỏi thầy tướng, thầy tướng nói rằng: ‘Đứa trẻ ấy sanh ra rồi, chắc chắn sẽ giết hại cha.’ Dù nghe nói như vậy nhưng người vẫn cưng chiều nuôi dưỡng ta. Ta từng nghe bậc có trí nói rằng: ‘Kẻ nào gian dâm với mẹ hoặc tỳ-kheo ni, hoặc trộm lấy tài vật của Tam bảo, hoặc giết hại người phát tâm vô thượng Bồ-đề, hoặc giết hại cha mình, những kẻ ấy nhất định phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Nay thân tâm ta làm sao lại có thể không đau đớn?”
Đại thần ấy tâu: “Xin Đại vương chớ nên sầu khổ. Về chuyện vua cha, nếu là người tu đạo giải thoát mà giết hại thì có tội, nếu theo phép trị nước mà giết thì không có tội. Đại vương! Không đúng pháp thì gọi là phi pháp, không có pháp thì gọi là vô pháp.
“Ví như không có con thì gọi là không con, có con xấu ác cũng gọi là không con. Tuy nói là không con, nhưng thật chẳng phải không có con. Như trong thức ăn không có muối gọi là không muối, nếu thức ăn có ít muối, cũng nói là không muối. Như sông không có nước gọi là không nước, nếu sông có ít nước cũng nói là không nước. Như mỗi một khoảnh khắc đều nối nhau diệt mất gọi là vô thường, tuy tồn tại được một kiếp cũng gọi là vô thường. Như người chịu khổ gọi là không vui, tuy được vui ít cũng gọi là không vui. Như người không được tự tại gọi là không có ngã, tuy có ít tự tại cũng gọi là không có ngã. Như khi đêm tối gọi là không có mặt trời, khi có nhiều mây mù, cũng nói là không có mặt trời.
“Đại vương! Tuy nói rằng ít pháp cũng gọi là không có pháp, nhưng thật chẳng phải là không có pháp. Xin vua lắng nghe thần diễn thuyết. Hết thảy chúng sanh đều có nghiệp đời trước còn lại. Do duyên có nghiệp nên phải chịu nhiều đời sanh tử. Ví như tiên vương có nghiệp đời trước còn lại, nay vua giết đi thì xét cho cùng đâu có tội gì? Xin đại vương mở lòng đừng sầu khổ. Vì sao vậy?
“Nếu thường sầu khổ,
Sầu khổ càng tăng.
Như người ham ngủ,
Ngủ càng thêm nhiều.
Tham dâm, nghiện rượu,
Cũng đều như vậy.
“Như lời vua nói, trong đời không có lương y nào chữa trị được thân tâm của vua. Nay có một vị đại sư tên là San-xà-da Tỳ-la-chi tử, thấy biết tất cả, trí tuệ uyên thâm như biển lớn, có oai đức lớn, đủ phép thần thông lớn, có thể khiến cho chúng sanh lìa khỏi mọi sự nghi ngờ. Hết thảy chúng sanh đối với các pháp đều không thấy, không biết, không hiểu được; chỉ duy nhất một vị này thấy, biết và hiểu được. Hiện nay vị ấy ở gần thành Vương Xá, vì các đệ tử mà thuyết pháp như thế này: ‘Nếu là vị vua của dân chúng thì [có thể] tùy ý làm các việc thiện hay ác. Tuy làm các việc ác cũng không có tội. Như lửa thiêu đốt mọi vật, không kể là dơ hay sạch. Vị vua cũng vậy, cùng một tính chất với lửa.
“Như cõi đất lớn, mọi thứ dơ sạch đều dung chứa. Tuy dung chứa như vậy mà không hề có sự giận tức hoặc vui mừng. Vị vua cũng vậy, cùng một tính chất với đất.
“Như tính chất của nước, mọi thứ dơ sạch đều có thể rửa. Tuy rửa như vậy mà không hề có sự buồn lo hoặc vui mừng. Vị vua cũng vậy, cùng một tính chất với nước.
“Như tính chất của gió, mọi thứ dơ sạch đều thổi như nhau. Tuy thổi như vậy mà không hề có sự buồn lo hoặc vui mừng. Vị vua cũng vậy, cùng một tính chất với gió.
“Như mùa thu xén tỉa cây cối, đến mùa xuân cây sanh trưởng trở lại. Tuy xén tỉa cành cây nhưng thật không có tội. Hết thảy chúng sanh cũng là như vậy, chết đi ở nơi này, rồi sanh trở lại cũng ở nơi này. Vì sanh trở lại nên đâu có tội gì?
“Hết thảy những quả báo khổ hoặc vui của chúng sanh đều không phải do nơi nghiệp của đời hiện tại. Do nhân từ quá khứ mà hiện tại mới chịu quả báo. Hiện tại không có nhân, tương lai không có quả. Vì có quả báo hiện tại nên chúng sanh phải trì giới, chuyên cần tu tập tinh tấn để ngăn ngừa quả xấu trong hiện tại. Nhờ trì giới nên được vô lậu. Nhờ được vô lậu nên dứt hết nghiệp hữu lậu. Vì dứt hết nghiệp nên mọi khổ não đều dứt hết. Vì mọi khổ não đều dứt hết nên được giải thoát!
“Xin đại vương mau mau đến chỗ đại sư, để vị ấy liệu trị những nỗi đau đớn khổ não trong thân tâm của ngài. Nếu vua gặp được vị ấy rồi, mọi tội lỗi đều sẽ tiêu diệt.”
Vua đáp: “Nếu thật vị ấy có thể dứt trừ được tội của ta, ta sẽ quy y.”
Lại có một vị quan tên là Tất Tri Nghĩa, đi đến chỗ vua tâu rằng: “Vì sao hôm nay hình dung của vua không được đoan nghiêm, giống như kẻ mất nước, như suối cạn khô, như ao hồ không có hoa sen, như cây không hoa lá, như tỳ-kheo phá giới thân không có oai đức? Là đau đớn nơi thân chăng? Hay đau đớn trong tâm?”
Vua đáp: “Nay thân tâm ta làm sao lại có thể không đau đớn? Đấng tiên vương cha ta là người từ hòa trắc ẩn, luôn thương yêu ta, nhưng ta đây bất hiếu, chẳng biết báo ơn. Người thường làm cho ta được yên vui, nhưng ta lại bội ơn, dứt mất sự yên vui của người. Tiên vương không có tội, ta lại ngỗ nghịch giết hại. Ta từng nghe bậc có trí nói rằng: ‘Nếu có người giết hại cha mình, người ấy sẽ phải chịu khổ báo lớn trong vô số kiếp. Không bao lâu nữa ắt ta phải đọa vào địa ngục. Lại không có vị lương y nào cứu chữa được [căn bệnh] tội lỗi của ta.”
Đại thần tâu rằng: “Xin đại vương hãy buông bỏ đi sự sầu khổ. Lẽ nào đại vương không nghe việc ngày xưa có vua La-ma giết cha rồi nối ngôi. Lại còn các vị vua như Bạt-đề, Tỳ-lâu-chân, Na-hầu-sa, Ca-đế-ca, Tỳ-xá-khư, Nguyệt Quang Minh, Nhật Quang Minh, Ái, Trì-đa-nhân, đều đã giết hại cha để nối ngôi vua, nhưng không có một vị vua nào phải đọa vào địa ngục cả! Hiện nay có các vị vua như Tỳ-lưu-ly, Ưu-đà-na, Ác Tánh, Thử, Liên Hoa, đều đã giết hại cha, nhưng không một vị vua nào sanh tâm sầu não. Tuy nói có địa ngục, ngạ quỷ, cõi trời, nhưng có ai thấy được chăng?
“Đại vương! Chỉ có hai cõi mà thôi: một là cõi người, hai là cõi súc sanh. Tuy có hai cõi ấy, nhưng không phải do nhân duyên mà sanh, không phải do nhân duyên mà chết. Nếu không do nhân duyên, làm sao lại có những việc thiện, ác? Xin Đại vương chớ ôm lòng lo buồn sợ sệt. Vì sao vậy?
“Nếu thường sầu khổ,
Sầu khổ càng tăng.
Như người ham ngủ,
Ngủ càng thêm nhiều.
Tham dâm, nghiện rượu,
Cũng đều như vậy.
“Như lời vua nói, trong đời không có lương y nào chữa trị được thân tâm của vua. Nhưng nay có một vị đại sư tên là A-kỳ-đa Sí-xá Khâm-bà-la, thấy biết tất cả, xem vàng với đất đều bình đẳng không sai khác. Đối với kẻ dùng dao chém vào hông bên mặt với kẻ lấy bột thơm chiên-đàn thoa phết lên hông bên trái, đều xem như nhau, không phân biệt sai khác. Đối với kẻ oán, người thân đều xem như nhau. Vị thầy ấy quả thật là bậc lương y trong đời. Khi đi, đứng, ngồi, nằm đều thường ở trong Tam-muội, không phân tâm tán loạn. Vị ấy có dạy đệ tử rằng: ‘Như tự mình làm hoặc khuyên bảo kẻ khác làm, tự mình chém hoặc khuyên bảo kẻ khác chém, tự mình đốt hoặc khuyên bảo kẻ khác đốt, tự mình làm hại hoặc khuyên bảo kẻ khác làm hại, tự mình trộm cắp hoặc khuyên bảo kẻ khác trộm cắp, tự mình dâm dục hoặc khuyên bảo kẻ khác dâm dục, tự mình nói dối hoặc khuyên bảo kẻ khác nói dối, tự mình uống rượu hoặc khuyên bảo kẻ khác uống rượu, hoặc giết chết dân trong một làng, một thành, một nước, hoặc dùng vòng đao giết hết thảy chúng sanh, hoặc về phía nam sông Hằng bố thí cho chúng sanh, về phía bắc sông Hằng giết hại chúng sanh... hết thảy đều không có tội, không có phước. Không có bố thí, trì giới và định!
“Hiện nay vị thầy ấy đang ở gần thành Vương Xá, xin vua mau mau đến đó. Nếu vua được gặp vị ấy, mọi tội lỗi sẽ dứt trừ.”
Vua liền đáp: “Nếu thật vị ấy có thể dứt trừ được tội lỗi của ta, ta sẽ quy y.”
Lại có một vị đại thần tên là Cát Đức, cũng đến chỗ vua tâu rằng: “Hôm nay vì sao vẻ mặt vua không được tươi sáng, như ngọn đèn giữa ánh nắng, như mặt trăng giữa ban ngày, như ông vua mất nước, như ruộng đất bỏ hoang? Đại vương! Hiện nay bốn phương thanh bình vui vẻ, không có kẻ thù địch, sao ngài lại sầu khổ như thế? Ngài đau đớn nơi thân chăng? Hay đau đớn nơi tâm? Có những vương tử thường luôn nghĩ rằng: ‘Như ta biết đến bao giờ mới được tự do tùy ý thích?’ Còn đại vương đã toại ý nguyện, tự do tùy ý cai trị đất nước Ma-già-đà, kho báu của tiên vương ngài đã có được đầy đủ. Chỉ nên thích ý, mặc tình hưởng sự vui sướng, sao lại ôm lòng buồn đau khổ sở như vậy làm gì?”
Vua đáp: “Nay ta sao lại có thể không sầu não? Đại thần! Ví như người ngu chỉ tham vị ngon mà chẳng thấy con dao bén, như người ăn các món độc chẳng thấy sự tai hại. Ta cũng như vậy. Như con nai thấy cỏ, chẳng thấy hố bẫy sâu; như con chuột tham ăn chẳng thấy con mèo. Ta cũng như vậy, thấy sự vui sướng trong hiện tại mà chẳng thấy quả báo bất thiện, khổ não trong tương lai. Ta từng nghe bậc có trí nói rằng: ‘Thà trong một ngày chịu đâm ba trăm mũi giáo, chứ không nảy sanh dù chỉ một ý tưởng ác đối với cha mẹ. Nay ta đã ở kề bên lửa nóng địa ngục, làm sao có thể không sầu não?”
Đại thần liền tâu: “Ai đã đến đây dối gạt đại vương rằng có địa ngục? Như mũi gai nhọn, ai là người làm ra? Lại như các giống chim có màu khác nhau, nào ai làm ra như vậy đâu? Như tính chất của nước là thấm ướt, tính chất của đá là cứng chắc, tính chất của gió là chuyển động, tính chất của lửa là nóng ấm... hết thảy muôn vật đều tự sanh ra, tự chết đi. Ai là người làm ra những việc ấy? Nói địa ngục đó, chính là lời bịa đặt của những người có trí. Nói địa ngục đó là có nghĩa gì? Thần sẽ nói đây:
“Chữ địa gọi là đất, chữ ngục gọi là phá; vì phá địa ngục không có tội báo nên gọi là địa ngục. Lại nữa, chữ địa gọi là người, chữ ngục gọi là trời; vì giết hại cha nên sanh lên cõi người, cõi trời.
“Vì những nghĩa ấy nên vị tiên nhân Bà-tẩu nói rằng: ‘Giết dê được hưởng sự vui sướng ở cõi người, cõi trời.’ Cho nên gọi là địa ngục. Lại nữa, chữ địa gọi là mạng sống, chữ ngục gọi là lâu dài. Nhờ giết hại mạng sống nên được mạng sống lâu dài, cho nên gọi là địa ngục. Đại vương! Vậy nên biết rằng thật không có địa ngục.
“Đại vương! Như gieo lúa thì được lúa, gieo lúa mì thì được lúa mì. Giết hại địa ngục lại mắc vào địa ngục; giết hại con người ta phải được trở lại làm người. Nay xin đại vương nghe thần nói đây: ‘Thật không có việc giết hại. Nếu có cái bản ngã thì thật chẳng có việc giết hại, như không có cái bản ngã thì cũng không có việc giết hại. Vì sao vậy? Nếu có bản ngã thì đó là thường còn, không biến đổi. Vì thường còn nên không thể giết hại, không thể phá hoại, không thể trói buộc, không giận tức, không vui mừng, dường như hư không. Như vậy làm sao có tội giết hại?
“Nếu là không có bản ngã thì các pháp đều là vô thường. Vì là vô thường, nên mỗi khoảnh khắc đều nối nhau hoại diệt. Vì mỗi khoảnh khắc đều nối nhau hoại diệt nên kẻ giết, kẻ bị giết chết đều mỗi khoảnh khắc nối nhau hoại diệt. Nếu mỗi khoảnh khắc đều nối nhau hoại diệt thì ai là người có tội?
“Đại vương! Như lửa đốt cháy cây, lửa không có tội; như rìu đốn củi, rìu cũng vô tội; như liềm cắt cỏ, liềm thật vô tội. Như dao giết người, dao thật chẳng phải người; dao đã không có tội, người sao lại có tội? Như thuốc độc giết người, thuốc độc thật chẳng phải người; thuốc độc không có tội, người sao lại có tội? Hết thảy vạn vật cũng đều như vậy, thật không có việc giết hại, làm sao có tội? Xin đại vương đừng sanh sầu khổ. Vì sao vậy?
Nếu thường sầu khổ,
Sầu khổ càng tăng.
Như người ham ngủ,
Ngủ càng thêm nhiều.
Tham dâm, nghiện rượu,
Cũng đều như vậy.
“Như lời vua nói, trong đời không có lương y nào chữa trị được thân tâm của vua. Nay có một vị đại sư tên là Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên, thấy biết tất cả, hiểu rõ cả ba đời, chỉ trong một khoảnh khắc có thể thấy được vô lượng vô biên thế giới, nghe được âm thanh cũng nhiều như vậy, có thể khiến cho chúng sanh lìa xa những việc lỗi lầm, hung ác.
“Như sông Hằng có thể làm cho những sự dơ nhớp ở trong hoặc ở ngoài đều trở nên trong sạch, vị đại sư ấy lại cũng như vậy, có thể trừ dứt mọi tội lỗi ở bên trong và bên ngoài của chúng sanh. Vị ấy vì các đệ tử mà thuyết pháp rằng: ‘Nếu có người giết hại hết thảy chúng sanh mà lòng không hổ thẹn thì không bao giờ đọa vào đường ác, cũng như hư không chẳng tiếp nhận nước và bụi bặm. Nếu có hổ thẹn liền đọa vào địa ngục, cũng như nước thấm vào lòng đất. Hết thảy chúng sanh đều là do vị Tự Tại Thiên tạo ra. Vị Tự Tại Thiên vui thì chúng sanh được an vui; vị Tự Tại Thiên giận thì chúng sanh phải khổ não. Tội hay phước của hết thảy chúng sanh đều do vị Tự Tại Thiên làm ra. Sao lại nói rằng người ta có tội, có phước?
“Ví như người thợ khéo làm ra người gỗ có máy móc, có thể đi, đứng, ngồi, nằm, chỉ không biết nói thôi. Chúng sanh cũng như người gỗ ấy. Vị Tự Tại Thiên ví như người thợ khéo, người gỗ ví như thân chúng sanh. Biến hóa tạo ra như vậy thì ai là người có tội?
“Vị đại sư ấy hiện nay đang ở gần thành Vương Xá. Xin đại vương mau ngự giá đến đó. Nếu vua gặp được vị ấy thì mọi tội lỗi đều sẽ diệt mất. ”
Vua đáp: “Nếu quả thật vị ấy có thể dứt trừ được tội của ta, ta sẽ quy y.”
Lại có một vị quan tên Vô Sở Úy, đi đến chỗ vua tâu rằng: “Đại vương! Ở đời có kẻ ngu, trong một ngày mà trăm lần vui, trăm lần buồn, trăm lần ngủ, trăm lần thức, trăm lần sợ, trăm lần khóc. Người trí không có những việc như vậy. Vì sao đại vương ưu sầu đến thế, như kẻ đi đường lạc lối, như kẻ sa xuống bùn sâu chẳng ai cứu vớt, như kẻ khát cháy không gặp được nước, như kẻ mê lầm không ai dắt dẫn, như kẻ bệnh nặng không thầy cứu chữa, như thuyền đắm trên biển không người cứu vớt? Nay đại vương đau đớn nơi thân, hay là đau đớn trong tâm?”
Vua đáp: “Nay thân tâm ta làm sao có thể không đau đớn? Ta gần gũi bạn ác mà chẳng xét điều sai trái trong lời nói. Tiên vương vốn không có tội, ta ngỗ nghịch dựng chuyện giết hại. Nay ta biết chắc sẽ phải vào địa ngục, lại không có vị lương y nào để ta tìm gặp xin cứu giúp.”
Vị quan ấy liền tâu: “Xin đại vương đừng sanh lòng sầu khổ. Dòng sát-lợi là dòng vua chúa, nếu vì đất nước, vì hàng sa-môn hoặc bà-la-môn, vì sự an ổn của nhân dân, dù có giết hại cũng không có tội. Tiên vương tuy có cung kính hàng sa-môn, nhưng chẳng phụng sự hàng bà-la-môn, lòng không bình đẳng. Vì lòng không bình đẳng nên chẳng phải dòng sát-lợi. Nay đại vương vì muốn cúng dường các thầy bà-la-môn mà giết hại tiên vương thì nào có tội gì?
“Đại vương! Thật không có việc giết hại. Nói giết hại là giết hại mạng sống. Mạng sống ấy là hơi gió. Tánh của hơi gió không thể giết hại được, vậy làm sao giết hại mạng sống mà có tội? Xin đại vương đừng sầu khổ nữa. Vì sao vậy?
Nếu thường sầu khổ,
Sầu khổ càng tăng.
Như người ham ngủ,
Ngủ càng thêm nhiều.
Tham dâm, nghiện rượu,
Cũng đều như vậy.
“Như lời vua nói, trong đời không có lương y nào chữa trị được thân tâm của vua. Nhưng nay có một vị đại sư tên là Ni-kiền-đà Nhã-đề tử, thấy biết tất cả, thương xót chúng sanh, khéo biết được căn tánh lanh lợi và chậm lụt của chúng sanh, đạt đến chỗ thấu hiểu tất cả, biết tùy nghi phương tiện, tám pháp thế gian không thể làm ô nhiễm, tu tập Phạm hạnh thanh tịnh vắng lặng. Vị ấy vì các đệ tử mà thuyết dạy rằng: ‘Không có bố thí, không có việc thiện, không có cha, không có mẹ, không có đời này, không có đời sau, không có A-la-hán, không có tu tập, không có đạo. Hết thảy chúng sanh [sau khi] trải qua đủ tám muôn kiếp trong vòng sanh tử rồi tự nhiên sẽ được thoát ra. Dù có tội hay không có tội cũng đều như nhau. Cũng như bốn con sông lớn: Tân-đầu, Hằng hà, Bác-xoa, Tư-đà, thảy đều chảy vào biển cả, không có sai khác. Hết thảy chúng sanh cũng như vậy, khi được giải thoát thì đều như nhau, không có gì sai khác.
“Vị thầy ấy nay đang ở tại thành Vương Xá. Xin đại vương mau mau đến đó. Nếu vua gặp được vị ấy, mọi tội lỗi đều sẽ diệt mất.”
Vua đáp: “Nếu quả thật vị ấy có thể dứt trừ được tội lỗi của ta, ta sẽ quy y.”
Bấy giờ có một vị đại lương y tên là Kỳ-bà, đến chỗ vua ngự và tâu rằng: “Đại vương! Ngài ngủ có được yên giấc chăng?”
Vua liền đọc kệ đáp rằng:
“Nếu ai trừ dứt được,
Hết thảy mọi phiền não,
Chẳng tham đắm Ba cõi,
Mới được giấc ngủ yên.
Nếu đạt Đại Niết-bàn,
Diễn thuyết nghĩa rất sâu,
Đích thật bà-la-môn,
Mới được giấc ngủ yên.
Thân không các nghiệp ác,
Miệng lìa bốn lỗi lầm,
Lòng không có nghi nan,
Mới được giấc ngủ yên.
Thân tâm không nóng nảy,
Trụ yên nơi vắng lặng,
Được chỗ vui cao nhất,
Mới được giấc ngủ yên.
Lòng không có đắm chấp,
Lìa xa mọi oán thù,
Hiền hòa không tranh chấp,
Mới được giấc ngủ yên.
Nếu không tạo nghiệp ác,
Lòng thường biết hổ thẹn,
Tin việc ác có báo,
Mới được giấc ngủ yên.
Cung kính nuôi cha mẹ,
Không giết hại vật sống,
Không cướp tài vật người,
Mới được giấc ngủ yên.
Điều phục được các căn,
Gần gũi thiện tri thức,
Phá hoại Bốn chúng ma,
Mới được giấc ngủ yên.
Chẳng thấy việc lành, dữ,
Chẳng phân biệt khổ, vui,
Chỉ vì mọi chúng sanh,
Mà luân chuyển sanh tử.
Ai làm được như vậy,
Mới được giấc ngủ yên.
Ai được ngủ yên giấc?
Đó chính là chư Phật,
Quán sâu Không Tam-muội
Thân tâm yên chẳng động.
Ai được ngủ yên giấc?
Là bậc có từ bi,
Thường tu không buông thả,
Thương muôn loài như con.
Chúng sanh do vô minh,
Không thấy quả phiền não,
Thường tạo các nghiệp ác,
Chẳng được giấc ngủ yên.
Nếu là vì thân mình,
Hoặc vì thân người khác,
Mà làm Mười nghiệp ác,
Chẳng được giấc ngủ yên.
Nếu nói: ‘Vì được vui,
Giết cha không có tội.’
Tin theo kẻ ác này,
Chẳng được giấc ngủ yên.
Ăn nhiều không điều độ,
Uống nước lạnh rất nhiều,
Như vậy phải bệnh khổ,
Chẳng được giấc ngủ yên.
Nếu có lỗi với vua,
Gian dâm vợ người khác,
Hoặc đi đường vắng vẻ,
Chẳng được giấc ngủ yên.
Giữ giới chưa thành tựu,
Thái tử chưa nối ngôi,
Kẻ trộm chưa được của,
Chẳng được giấc ngủ yên.
“Kỳ-bà! Nay ta bệnh nặng, đối với vị Vua Chánh pháp lại khởi lên việc ác làm hại, nên hết thảy lương y, thuốc hay, chú thuật, cùng việc giỏi chẩn đoán bệnh đều không thể trị được [bệnh của ta]. Vì sao vậy? Đấng tiên vương cha ta trị nước đúng phép tắc, thật không có lỗi, ta lại ngỗ nghịch giết hại. Ta nay như con cá nằm trên cạn, có vui sướng gì? Như con hươu mắc bẫy, có vui sướng gì? Lại cũng giống như người tự biết mình sắp chết trong ngày, như ông vua mất nước trốn sang nước khác, như người nghe biết bệnh mình không thể trị dứt, như kẻ phá giới nghe người khác nói ra tội lỗi.
“Trẫm từng nghe bậc có trí nói rằng: ‘Nếu ba nghiệp thân, khẩu và ý không được thanh tịnh, nên biết rằng người ấy chắc chắn phải đọa địa ngục.’ Ta nay cũng vậy, làm sao được ngủ yên giấc? Nay ta lại không được vị Vô thượng đại y diễn thuyết cho bài thuốc Chánh pháp để dứt trừ bệnh khổ của ta.”
Kỳ-bà nói: “Lành thay! Tuy vua đã tạo tội nhưng sanh tâm hối hận mạnh mẽ, biết ôm lòng hổ thẹn.
“Đại vương! Chư Phật Thế Tôn thường dạy rằng: ‘Có hai pháp lành có thể cứu được chúng sanh, một là biết xấu hổ với người khác, hai là biết tự thẹn. Biết xấu hổ thì tự mình không làm điều tội lỗi; biết tự thẹn thì không xúi giục người khác làm điều tội lỗi. Biết xấu hổ thì tự trong lòng mình thấy nhục, thấy xấu; biết tự thẹn thì [sẵn sàng] bày tỏ sự lỗi lầm của mình với người khác [để hối cải].
“Biết xấu hổ là cảm thấy xấu với mọi người khác; biết tự thẹn là cảm thấy xấu với chư thiên, [những người làm điều lành]. Đó gọi chung là hổ thẹn.
“Nếu ai không biết hổ thẹn thì không đáng gọi là người, nên gọi là loài súc sanh. Nếu biết hổ thẹn ắt sẽ biết cung kính các bậc cha mẹ, sư trưởng... Nhờ có sự hổ thẹn nên có thể nói là có đủ cha mẹ, anh em, chị em... Lành thay! Đại vương thật có đầy đủ lòng hổ thẹn.
“Xin đại vương hãy lắng nghe. Hạ thần có nghe đức Phật dạy rằng: Người trí có hai điều, một là không làm việc ác, hai là nếu lỡ làm rồi liền sám hối. Người ngu cũng có hai điều, một là làm những việc tội lỗi xấu ác, hai là [đã làm rồi lại] che giấu tội lỗi. Tuy trước có làm việc ác, nhưng sau đó nếu có thể bộc lộ, hối tiếc rồi hổ thẹn, [thì sẽ] không dám phạm vào nữa. Cũng như đặt hạt minh châu vào nước đục, nhờ công dụng của hạt châu nên nước liền lắng trong. Như khói mây tan hết thì vầng trăng sáng tỏ. Người làm việc ác rồi biết hối tiếc cũng giống như vậy. Nếu vua có thể sám hối, ôm lòng hổ thẹn thì tội lỗi ắt sẽ được dứt trừ, trở nên trong sạch như trước.
“Đại vương! Những người giàu sang có hai hạng. Một là có nhiều voi, ngựa và mọi thứ vật nuôi; hai là có nhiều vàng bạc và mọi thứ châu báu. Voi ngựa tuy nhiều cũng không thể sánh bằng chỉ một hạt châu. Đại vương! Chúng sanh cũng vậy, một là có nhiều việc ác, hai là có nhiều việc thiện; làm nhiều việc ác không bằng làm một việc thiện. [Vì thế,] thần có nghe Phật dạy rằng: ‘Tu tập một tâm thiện phá được trăm việc ác.’
“Đại vương! Cũng như một ít kim cương có thể phá hoại cả núi Tu-di, lại như một chút lửa có thể đốt cháy tất cả, như một chút thuốc độc có thể làm hại mạng chúng sanh. Việc thiện dù ít cũng vậy, có thể phá trừ được việc ác lớn. Tuy gọi là ít, nhưng thật ra lại là lớn. Vì sao vậy? Vì phá trừ được việc ác lớn.
“Đại vương! Như Phật có dạy, che giấu tội lỗi là phiền não, không che giấu tội lỗi ắt không có phiền não. Nhờ bộc lộ và hối lỗi nên không có phiền não. Vậy nên, nếu đã lỡ phạm các tội lỗi thì đừng che giấu. Nhờ không che giấu, ắt tội [nặng] có thể thành ra nhẹ. Nếu biết ôm lòng hổ thẹn, ắt tội ấy có thể được trừ diệt mất.
“Đại vương! Giọt nước tuy nhỏ, nhưng dần dần làm đầy vật chứa lớn. Tâm lành cũng như vậy, mỗi một tâm lành đều có thể phá được điều ác lớn. Nếu mình che giấu tội, ắt tội càng lớn thêm. Nếu bộc lộ và biết hổ thẹn, ắt tội phải diệt mất. Vì thế nên chư Phật dạy rằng: ‘Người có trí không che giấu tội lỗi.’
“Lành thay! Đại vương có thể tin vào nhân quả, tin vào nghiệp báo. Xin Đại vương đừng ôm lòng buồn rầu lo sợ. Nếu có chúng sanh nào làm những việc tội lỗi rồi che giấu, lòng không hối tiếc, không biết hổ thẹn, không thấy nhân quả và nghiệp báo, không biết thưa hỏi người có trí tuệ, không gần gũi những người bạn tốt, thì dù tất cả lương y có chẩn đoán bệnh cũng không điều trị được cho người như vậy. Cũng như bệnh ca-ma-la, thầy thuốc ở thế gian đành phải bó tay! Kẻ che giấu tội lỗi cũng giống như vậy!
“Thế nào là những kẻ có tội phải gọi là nhất-xiển-đề? Nhất-xiển-đề là kẻ không tin nhân quả, không biết hổ thẹn, không tin nghiệp báo, không thấy có đời hiện tại và đời vị lai, không thân cận gần gũi những người bạn tốt, không vâng theo những lời răn dạy của chư Phật. Những kẻ như vậy gọi là nhất-xiển-đề. Chư Phật Thế Tôn không thể cứu chữa được. Vì sao vậy? Như người đã chết, y thuật thế gian không thể cứu chữa được. Kẻ nhất-xiển-đề cũng giống như vậy, chư Phật Thế Tôn cũng không thể cứu chữa gì được. Nay đại vương không phải kẻ nhất-xiển-đề, sao lại nói rằng không thể cứu chữa được?
“Như lời đại vương nói là không ai có thể chữa trị được [khổ não trong thân tâm đại vương]. Nhưng đại vương nên biết, có người con của vua Tịnh-phạn ở thành Ca-tỳ-la, họ Cồ-đàm, tên là Tất-đạt-đa, không có thầy mà tự mình có thể giác ngộ, đạt được quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Ngài có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân hình. Ngài có đủ Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, thấy biết rõ ràng tất cả, có lòng đại từ, đại bi thương xót muôn loài đồng như con một của ngài là La-hầu-la. Ngài luôn theo giúp những chúng sanh có lòng lành, cũng như nghé con luôn theo bò mẹ; ngài biết thuyết giảng đúng lúc, khi không thích hợp thì không nói ra, và chỉ nói những lời chân thật, trong sạch, tốt đẹp, có ý nghĩa, đúng Chánh pháp, không thay đổi và có thể giúp cho chúng sanh mãi mãi xa lìa phiền não. Ngài khéo biết mọi cội nguồn tâm tánh của chúng sanh, tùy nghi sử dụng nhiều phương tiện, tất cả đều thông đạt. Trí tuệ ngài cao lớn như núi Tu-di, sâu rộng mênh mông như biển lớn.
“Vị Phật Thế Tôn này có trí tuệ kim cương, có thể làm tiêu tan hết thảy mọi tội ác của chúng sanh, nếu nói Phật không thể [giải trừ tội lỗi cho đại vương] thì thật là vô lý!
“Hiện nay đức Phật đang ở cách đây 12 do-tuần, tại thành Câu-thi-na, chỗ có hai cây sa-la mọc sóng đôi, vì vô số các vị tăng Bồ Tát mà diễn thuyết đủ các pháp như: pháp có hoặc pháp không, hữu vi hoặc vô vi, hữu lậu hoặc vô lậu, quả báo của phiền não hoặc quả báo của pháp lành; hoặc pháp thuộc về hình sắc, hoặc pháp chẳng thuộc về hình sắc, hoặc pháp chẳng phải sắc cũng không phải chẳng phải sắc; hoặc ngã, chẳng phải ngã hoặc chẳng phải ngã cũng không phải chẳng phải ngã; hoặc thường, chẳng phải thường, hoặc chẳng phải thường cũng không phải chẳng phải thường; hoặc lạc, chẳng phải lạc, hoặc chẳng phải lạc cũng không phải chẳng phải lạc; hoặc tướng, chẳng phải tướng, hoặc chẳng phải tướng cũng không phải chẳng phải tướng; hoặc dứt đoạn, chẳng phải dứt đoạn, hoặc chẳng phải dứt đoạn cũng không phải chẳng phải dứt đoạn; hoặc thế gian, xuất thế gian, hoặc chẳng phải thế gian cũng chẳng phải xuất thế gian; hoặc giáo pháp, chẳng phải giáo pháp, hoặc chẳng phải giáo pháp cũng không phải chẳng phải giáo pháp; hoặc tự mình làm tự mình chịu; hoặc tự mình làm người khác chịu, hoặc không có tạo tác không có nhận chịu...
“Nếu đại vương đến chỗ Phật và được nghe giáo pháp không tạo tác, không nhận chịu, thì những tội nặng của đại vương sẽ tức thời diệt mất.
“Nay xin đại vương hãy nghe qua việc này. Khi thọ mạng của Thích-đề-hoàn-nhân sắp hết liền có năm tướng suy mất hiện ra. Một là y phục nhơ nhớp; hai là hoa trên đầu héo rũ; ba là thân thể hôi hám nhơ nhớp; bốn là mồ hôi thường ra dưới nách; năm là không còn ưa thích chỗ ngồi của mình.
“Bấy giờ vị Thiên Đế-thích ấy thấy ở những nơi vắng vẻ tịch tĩnh có vị sa-môn hoặc bà-la-môn nào đều tìm đến, nghĩ rằng những vị ấy là Phật. Nhưng những sa-môn hoặc bà-la-môn ấy khi nhìn thấy Đế-thích đều lấy làm mừng rỡ, nói rằng: ‘Thưa đức vua cõi trời, nay tôi xin được quy y với ngài.’ Đế-thích nghe như vậy liền biết họ không phải là Phật, tự nghĩ rằng: ‘Nếu họ không phải là Phật thì không thể cứu chữa được năm tướng suy mất của ta.’
“Bấy giờ, vị quan đánh xe cho vua trời Đế-thích là Bát-già-thi liền tâu rằng: ‘Kiều-thi-ca! Có vị vua càn-thát-bà tên là Đôn-phù-lâu, có người con gái tên Tu-bạt-đà. Nếu ngài chịu ban cô công chúa ấy cho hạ thần, hạ thần sẽ chỉ cho ngài nơi có thể trừ dứt các tướng suy mất.’
“Đế-thích liền đáp: ‘Thiện nam tử! Vua a-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa có công chúa Xá-chỉ là người ta yêu kính nhất; nếu khanh có thể chỉ cho ta nơi trừ dứt được các tướng xấu thì ta sẽ ban công chúa ấy cho khanh, huống chi là công chúa Tu-bạt-đà?’
“Quan đánh xe tâu rằng: ‘Kiều-thi-ca! Có đức Phật Thế Tôn là Thích-ca Mâu-ni nay đang ở tại thành lớn Vương Xá. Nếu ngài có thể đến đó thưa hỏi những điều chưa biết thì chắc chắn sẽ có thể diệt trừ được những tướng suy mất kia.’
“Đế-thích nói: ‘Thiện nam tử! Nếu quả đức Phật Thế Tôn có thể trừ dứt được các tướng suy cho ta thì khanh hãy đưa ta đến ngay chỗ của ngài.’
“Quan đánh xe vâng lời, liền quay xe hướng đến thành Vương Xá, núi Kỳ-xà-quật. Khi đến chỗ Phật, Đế-thích cúi đầu lễ bái dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Trong hai cõi trời người, có những gì là trói buộc?’
“Phật dạy: ‘Kiều-thi-ca! Tham tiếc keo lận và ganh ghét ghen tỵ [là những sự trói buộc].’
“Đế-thích lại thưa hỏi: ‘Tham tiếc keo lận và ganh ghét ghen tỵ do đâu sanh ra?’
“Phật dạy: ‘Do vô minh sanh ra.’
“Lại hỏi: ‘Vô minh do đâu sanh ra?’
“Phật dạy: ‘Do phóng túng buông thả sanh ra.’
“Lại hỏi: ‘Phóng túng buông thả do đâu sanh ra?
“Phật dạy: ‘Do điên đảo sanh ra.’
“Lại hỏi: ‘Điên đảo do đâu mà sanh ra?’
“Phật dạy: ‘Do lòng nghi ngờ sanh ra.’
“Đế-thích liền bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Quả đúng như lời Phật dạy, pháp điên đảo là do lòng nghi ngờ sanh ra. Vì sao vậy? Vì con đây quả thật có lòng nghi, vì có lòng nghi nên sanh ra điên đảo, chẳng phải Thế Tôn lại tưởng là Thế Tôn. Nay con được gặp Phật, lòng nghi liền dứt trừ; lòng nghi dứt trừ nên sự điên đảo cũng dứt hết; điên đảo dứt hết nên không có lòng tham lam, cho đến không ghen tỵ.’
“Phật dạy: ‘Ông nói rằng không có lòng tham lam, ghen tỵ, vậy đã đắc quả A-na-hàm rồi chăng? Người đắc quả A-na-hàm không có lòng tham. Nếu không có lòng tham, sao lại vì mạng sống mà tìm đến chỗ ta? Nếu thật là đắc quả A-na-hàm thì không tham cầu mạng sống.’
“Đế-thích thưa: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu có điên đảo ắt có mong cầu mạng sống, người không điên đảo ắt không mong cầu mạng sống. Nay con thật không còn mong cầu mạng sống, chỉ cầu được pháp thân Phật và trí tuệ Phật mà thôi.’
“Phật dạy: ‘Kiều-thi-ca! Người cầu pháp thân Phật và trí tuệ Phật thì trong tương lai chắc chắn sẽ được.’
“Lúc ấy, Đế-thích nghe Phật thuyết pháp rồi, năm tướng suy tức thời diệt mất, liền đứng dậy kính lễ, đi quanh Phật ba vòng, cung kính chắp tay bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nay con vừa chết đi sống lại, mạng sống mất rồi nay có lại, còn được nghe Phật thọ ký sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó chính là được sanh ra lần nữa, được mạng sống lần nữa.
“Bạch Thế Tôn! Như tất cả [chúng sanh] trong loài người và chư thiên, phải làm thế nào để được tăng ích, lại do nhân duyên gì phải bị tổn giảm?’
“Phật dạy: ‘Kiều-thi-ca! Đấu tranh giành giật là nhân duyên làm tổn giảm trong cả hai cõi trời, người. Khéo tu tập phép hòa kính ắt sẽ được sự tăng ích.’
“Đế-thích thưa: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu sự đấu tranh làm tổn giảm thì từ nay con sẽ không đánh nhau với loài a-tu-la nữa.’
“Phật dạy: ‘Lành thay, lành thay! Kiều-thi-ca, chư Phật Thế Tôn dạy rằng pháp nhẫn nhục là nhân của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân liền lễ bái trước Phật rồi quay về.
“Thưa đại vương! Như Lai có thể dứt trừ các tướng xấu ác, vì thế nên tôn xưng Phật là đấng không thể nghĩ bàn. Nếu đại vương đến đó ắt là có bao nhiêu tội nặng đều sẽ được dứt trừ.
“Lại xin đại vương hãy nghe qua việc này.
“Có người dòng bà-la-môn tên Bất Hại, vì đã giết chết rất nhiều người nên mọi người đều gọi anh ta là Ương-quật-ma. Người này lại muốn giết mẹ, khi lòng ác khởi lên thì thân cũng theo đó mà động; thân tâm đều động [như thế] tức là nhân của Năm tội nghịch; do nhân là Năm tội nghịch nên chắc chắn phải đọa địa ngục.
“Sau đó, khi [người này] gặp Phật thì thân tâm cũng đều động, liền muốn làm hại Phật. Thân tâm đều động tức là nhân của Năm tội nghịch; do nhân là Năm tội nghịch nên chắc chắn phải đọa vào địa ngục.
“Nhưng khi người ấy được gặp bậc thầy lớn là đức Như Lai, tức thì được trừ dứt nhân duyên vào địa ngục, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên tôn xưng Phật là bậc lương y cao trổi nhất, không giống như bọn Sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Lại có vị vương tử là Tu-tỳ-la bị vua cha nổi giận sai chặt hết tay chân rồi xô xuống giếng sâu. Người mẹ thương xót, sai người cứu lên và đưa đến chỗ Phật. Khi vừa gặp Phật, tay chân liền được lành lặn như cũ, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đại vương! Nhờ gặp Phật mà được những quả báo [tốt lành] ngay trong hiện tại như vậy, nên tôn xưng Phật là bậc lương y cao trổi nhất, không giống như bọn Sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Như trên bờ sông Hằng có năm trăm ngạ quỷ, trải qua vô số năm không hề nhìn thấy nước. Tuy đứng trên dòng sông nhưng chỉ thấy toàn lửa đỏ cuộn chảy, bức bách vì đói khát nên kêu gào than khóc. Lúc ấy, Như Lai đang ở trong khu rừng Uất-đàm-bát ven sông, ngồi dưới một cội cây. Những ngạ quỷ này đi đến chỗ Phật, bạch rằng: ‘Thế Tôn! Chúng con quá đói khát, chẳng sống được bao lâu nữa!’ Phật dạy: ‘Nước chảy dưới sông Hằng, sao các ngươi không uống?’ Bọn ngạ quỷ đáp: ‘Như Lai thấy đó là nước, nhưng chúng con thấy đó là lửa.’ Phật dạy: ‘Nước sông Hằng trong mát, thật không phải lửa! Vì nghiệp xấu ác của các ngươi nên trong lòng tự điên đảo cho đó là lửa. Ta sẽ vì các ngươi trừ dứt sự điên đảo, khiến các ngươi nhìn thấy nước.’
“Lúc ấy, đức Thế Tôn vì bọn ngạ quỷ mà giảng thuyết chỗ sai lầm tai hại của lòng tham lam keo lận. Bọn quỷ thưa rằng: ‘Nay chúng con đang khát nước, tuy được nghe giảng pháp nhưng chẳng thể nào đưa vào trong tâm.’ Phật dạy: ‘Các ngươi khát nước thì trước hết có thể xuống sông, tùy ý mà uống.’ Khi ấy, bọn quỷ nhờ sức Phật liền uống được nước. Khi uống nước rồi, đức Như Lai lại vì chúng mà giảng thuyết đủ mọi pháp. Nghe thuyết pháp rồi, hết thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, liền xả bỏ thân hình ngạ quỷ, [sanh về cõi trời] được thân chư thiên. Đại vương! Vì thế nên tôn xưng Phật là bậc lương y cao trổi nhất, chẳng phải như bọn Sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Tại nước Xá-bà-đề có bọn cướp năm trăm người, bị vua Ba-tư-nặc móc mắt, không nhìn thấy đường đi nên không thể tìm đến chỗ Phật. Đức Phật thương xót liền hiện đến chỗ bọn cướp ấy, an ủi khuyên bảo rằng: ‘Thiện nam tử! Hãy khéo giữ gìn thân và miệng, đừng bao giờ làm việc ác nữa.’
“Bọn cướp nghe được giọng nói của Như Lai trong trẻo, mầu nhiệm, thấu suốt mọi nơi, trong phút chốc được sáng mắt trở lại, liền đến trước đức Phật, chắp tay lễ kính, bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay chúng con biết rằng Phật đem lòng từ che chở tất cả chúng sanh, chẳng riêng gì trong hai cõi trời người.’
“Lúc ấy, đức Như Lai liền vì họ mà thuyết pháp. Nghe thuyết pháp rồi, họ đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Vì thế nên đức Như Lai quả thật là bậc lương y cao trổi nhất của thế gian, chẳng phải như bọn Sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Tại nước Xá-bà-đề có người dòng chiên-đà-la tên là Khí Hư, đã giết hại rất nhiều người. Khi gặp được đệ tử Phật là ngài Đại Mục-kiền-liên liền trừ dứt nhân duyên địa ngục, được sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Vì có hàng đệ tử bậc thánh như vậy nên đức Phật Như Lai được tôn xưng là vị thầy thuốc cao trổi nhất, chẳng phải như bọn sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Tại thành Ba-la-nại có người con nhà trưởng giả tên A-dật-đa, lén lút loạn dâm với mẹ, rồi vì việc ấy mà nhẫn tâm giết cha. Người mẹ sau đó lại thông dâm với người ngoài. Khi biết được sự việc, người ấy liền giết chết mẹ.
“Người ấy có quen biết với một vị A-la-hán, lại sanh lòng xấu hổ, thẹn nhục nên giết cả vị A-la-hán ấy. Giết xong, liền đi đến tinh xá Kỳ-hoàn xin xuất gia. Lúc ấy, chư tỳ-kheo đều biết rằng người ấy có ba tội nghịch nên không dám nhận cho. Không được phép xuất gia, người ấy càng thêm tức giận, ngay trong đêm liền phóng hỏa thiêu rụi chỗ ở của chư tăng, làm chết rất nhiều người vô tội.
“Sau đó, người ấy lại vào thành Vương Xá, tìm đến chỗ Phật, cầu xin Phật thương xót cho được xuất gia. Như Lai liền chấp thuận, vì người ấy diễn thuyết pháp yếu, khiến cho tội nặng dần dần thành nhẹ, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên tôn xưng Phật là bậc lương y của thế gian, chẳng phải như bọn Sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Tánh tình của ngài vốn là hung bạo độc ác, lại tin lời kẻ xấu ác là Đề-bà-đạt-đa mà thả con voi lớn đang say rượu, muốn đạp chết Phật. Nhưng khi voi thấy Phật liền tức thời tỉnh táo, Phật đưa tay ra xoa đầu, lại thuyết pháp cho voi nghe, khiến nó phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đại vương! Loài súc sanh được thấy Phật còn phá trừ hết nghiệp quả súc sanh, huống chi loài người? Đại vương nên biết, nếu được gặp Phật thì có bao nhiêu tội nặng cũng đều trừ diệt hết.
“Đại vương! Khi đức Thế Tôn chưa đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Ma vương cùng với vô số quyến thuộc cùng đến chỗ của Bồ Tát. Bấy giờ, Bồ Tát dùng sức nhẫn nhục để trừ hết tâm ác của ma, khiến ma nhận lãnh Chánh pháp, mau chóng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đức Phật có sức công đức lớn lao đến như vậy!
“Đại vương! Có quỷ Khoáng Dã đã giết hại rất nhiều chúng sanh. Bấy giờ, Như Lai vì trưởng giả Thiện Hiền nên hiện đến thôn Khoáng Dã, thuyết pháp với quỷ. Lúc ấy, quỷ Khoáng Dã nghe pháp rồi hoan hỷ, liền đem trưởng giả dâng cho Như Lai, rồi sau đó phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đại vương! Ở thành Ba-la-nại có người đồ tể tên là Quảng Ngạch, mỗi ngày đều giết chẳng biết bao nhiêu con dê. Đến khi gặp ngài Xá-lợi-phất, người ấy liền thọ giữ Tám giới trong suốt một ngày một đêm. Nhờ nhân duyên ấy, đến khi mạng chung được làm con của vị Thiên vương Tỳ-sa-môn ở phương bắc. Đệ tử của Như Lai còn có công đức lớn lao như vậy, huống chi là Phật?
“Đại vương! Ở miền bắc nước Thiên Trúc có thành Tế Thạch, trong thành có vua Long Ấn. Vua ấy trước vì tham muốn ngôi vua nên giết hại cha mình. Giết cha rồi trong lòng sanh ra hối hận, bỏ cả việc nước tìm đến chỗ Phật, cầu Phật thương xót cho xuất gia. Phật dạy: ‘Lành thay, ông đã đến đây!’ Lời nói vừa dứt thì vua lập tức hóa thành một vị tỳ-kheo, tội nặng diệt mất, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đại vương nên biết, đức Phật có công đức lớn lao vô lượng vô biên như thế!
“Đại vương! Như Lai có người em họ là Đề-bà-đạt-đa phạm ba tội nghịch là phá hoại chúng tăng, làm thân Phật chảy máu và hại bà tỳ-kheo ni Liên Hoa. Như Lai vì ông ấy mà thuyết giảng mọi lẽ pháp yếu, khiến cho tội nặng chẳng bao lâu đã thành ra nhẹ. Vì thế nên đức Như Lai là bậc đại lương y, chẳng phải như bọn Sáu thầy [ngoại đạo].
“Đại vương! Nếu có thể tin lời hạ thần, xin mau mau đến chỗ Như Lai. Nếu chưa tin được cũng xin suy xét kỹ.
“Đại vương! Lòng đại bi của chư Phật Thế Tôn bao trùm khắp cả, chẳng trừ bất cứ một ai. Chánh pháp trải rộng, chẳng nơi nào là không bao quát. [Đức Thế Tôn có lòng] bình đẳng đối với người thân, kẻ oán, lòng không phân biệt thương ghét, chẳng bao giờ thiên vị người nào để khiến cho riêng người ấy được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà những người khác lại không được. Như Lai không chỉ là thầy của Bốn chúng, mà cũng là thầy của tất cả chư thiên, nhân loại, các loài rồng, loài quỷ, địa ngục, súc sanh, quỷ đói... Hết thảy chúng sanh nhìn thấy Phật đều khởi sanh tư tưởng [cung kính thương yêu] như [nhìn thấy] cha mẹ mình.
“Đại vương nên biết, Như Lai không chỉ vì những người giàu có cao quý như vua Bạt-đề-ca mà thuyết pháp, Ngài cũng vì cả những người hạ tiện như Ưu-ba-ly. Như Lai không chỉ nhận thức ăn do Tu-đạt-đa A-na-bân-đàn dâng cúng, mà cũng nhận thức ăn của ông Tu-đạt-đa rất nghèo khó; không chỉ thuyết pháp vì những người căn tánh sáng suốt như Xá-lợi-phất, mà cũng vì những người căn tánh ngu độn như Châu-lợi-bàn-đặc; không chỉ cho những người tánh không tham lam như Đại Ca-diếp xuất gia cầu đạo, mà cũng cho những kẻ rất tham lam như Nan-đà cũng được xuất gia; không chỉ nhận những người ít phiền não như nhóm ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp xuất gia cầu đạo, mà cũng cho những kẻ nhiều phiền não, tạo tội nặng như em vua Ba-tư-nặc là Tu-đà-da cũng được xuất gia.
“Ngài không phải vì ông Sa Thảo cung kính cúng dường mà dứt trừ tận gốc lòng sân hận, còn như Ương-quật-ma-la có lòng ác muốn làm hại thì buông bỏ không cứu độ; ngài không chỉ thuyết pháp vì những nam nhân có trí tuệ, mà cũng vì những nữ nhân rất kém trí nữa. Ngài không chỉ giúp cho người xuất gia được bốn quả đạo, mà cũng giúp cho người tại gia được ba quả đạo. Không chỉ thuyết pháp vì những người như Phú-đa-la, đã buông bỏ hết mọi việc, chuyên tâm suy xét ở nơi vắng vẻ yên tĩnh, mà cũng vì những người như vua Tần-bà-sa-la, đang [bận rộn] cai quản việc nước, làm vua cai trị một nước. Ngài không chỉ thuyết pháp vì những người đã bỏ uống rượu, mà cũng vì những người đang nghiện rượu như trưởng giả Úc-già. Ngài không chỉ thuyết pháp vì những người nhập thiền định như Ly-bà-đa, mà cũng vì những người rối loạn tâm trí bởi mất con như cô bà-la-môn tên Bà-tư-tra.
“Như Lai không chỉ thuyết pháp vì đệ tử của ngài, mà cũng vì ngoại đạo như phái Ni-kiền; không chỉ thuyết pháp vì những người thanh xuân tráng kiện, tuổi chưa quá hai mươi lăm, mà cũng vì những người già suy ở tuổi tám mươi. Ngài không chỉ thuyết pháp vì những người căn tánh thuần thục, mà cũng vì cả những người căn lành chưa thuần thục. Ngài không chỉ thuyết pháp vì hàng phu nhân cao quý như bà Mạt-lợi, mà cũng vì hạng dâm nữ như cô Liên Hoa. Ngài không chỉ thọ nhận các món ngon quý thịnh soạn của vua Ba-tư-nặc, mà cũng thọ nhận cả thức ăn hỗn tạp có độc của trưởng giả Thi-lợi-cúc-đa. Đại vương nên biết, Thi-lợi-cúc-đa thuở trước cũng tạo nhân duyên tội nghịch, nhưng nhờ gặp Phật và nghe pháp, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đại vương! Ví như trong suốt một tháng thường dùng y phục, vật thực để cúng dường cung kính hết thảy chúng sanh, cũng không bằng người niệm Phật chỉ trong một khoảnh khắc; công đức có được của người cúng dường kia so với người niệm Phật chỉ bằng được một phần mười sáu mà thôi!
“Đại vương! Ví như đúc vàng thành hình người, dùng xe ngựa chở đồ quý báu, mỗi thứ đều đến số trăm, rồi mang hết ra bố thí, cũng không bằng người phát tâm tìm đến chỗ Phật [nhưng chỉ vừa] nhấc chân đi một bước.
“Đại vương! Lại ví như dùng một trăm cỗ xe kéo bằng voi để chở các thứ trân bảo của nước Đại Tần, cùng hàng trăm nữ nhân thân đeo vòng chuỗi, mang hết ra bố thí, cũng không bằng người phát tâm tìm đến chỗ Phật [nhưng chỉ vừa] nhấc chân đi một bước.
“Lại ví như dùng đủ bốn thứ nhu yếu mà cúng dường cho hết thảy chúng sanh trong cõi Tam thiên đại thiên, cũng không bằng người phát tâm tìm đến chỗ Phật [nhưng chỉ vừa] nhấc chân đi một bước.
“Đại vương! Ví như ngài cung kính cúng dường vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng cũng không bằng một lần đến chỗ giữa hai cây sa-la mọc sóng đôi, gặp đức Như Lai và thành tâm nghe thuyết pháp.”
Lúc ấy, vua A-xà-thế đáp rằng: “Kỳ-bà! Như Lai Thế Tôn tánh đã điều hòa nhu thuận, nên quanh ngài chỉ toàn những người đã được điều hòa nhu thuận; cũng như rừng chiên đàn chỉ có toàn những cây chiên-đàn bao quanh. Như Lai là thanh tịnh nên chung quanh ngài cũng toàn là những người thanh tịnh, cũng như con rồng lớn, chung quanh đều là rồng. Như Lai là vắng lặng yên tĩnh, nên chung quanh ngài cũng chỉ toàn là những người vắng lặng yên tĩnh. Như Lai không tham lam, nên chung quanh ngài cũng chỉ toàn là những người không tham lam. Phật không có phiền não, nên chung quanh ngài cũng chỉ toàn là những người không có phiền não. Nay ta đã là người hết sức xấu xa, mang nặng nghiệp ác, thân thể hôi thối, thuộc về cảnh địa ngục, làm sao có thể đến chỗ Như Lai? Dù ta có đến đó e cũng không được tiếp đón chuyện trò. Tuy khanh khuyên ta đến chỗ Phật, nhưng hôm nay ta rất lấy làm xấu hổ, đau xót, không lòng dạ nào mà đi đến đó.”
Bấy giờ, giữa không trung liền phát ra tiếng nói rằng: “Pháp Phật cao cả nhất nay sắp suy mất rồi! Con sông Chánh pháp sâu thẳm nay sắp cạn khô! Ngọn đèn Đại pháp cũng gần tắt! Ngọn núi Chánh pháp gần sụp đổ! Con thuyền Chánh pháp sắp chìm mất! Nhịp cầu Chánh pháp sắp hư gãy! Ngôi đền Chánh pháp sắp sập đổ! Ngọn cờ Chánh pháp sắp ngã! Cội cây pháp sắp gãy đổ! Bậc giúp ta sanh khởi mọi điều lành đã sắp ra đi! Mối lo sợ lớn sắp tới rồi! Cơn đói thiếu Chánh pháp của chúng sanh sắp đến! Bệnh dịch phiền não sắp hoành hành! Thời tối tăm u ám sắp đến! Thời khát khao Chánh pháp sắp tới! Ma vương vui mừng cởi bỏ áo giáp! Mặt trời Phật pháp sắp lặn khuất sau núi Đại Niết-bàn!
“Đại vương! Nếu đức Phật rời khỏi thế gian này, tội ác nặng nề của vua sẽ không còn ai trừ diệt được. Đại vương! Nay vua đã tạo nghiệp nặng nề nhất, ắt phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Do nghiệp duyên ấy nên phải thọ tội báo, không còn nghi ngờ gì nữa.
“Đại vương! A-tỳ nghĩa là không gián đoạn. Vì không có lúc nào được tạm an vui, nên gọi là không gián đoạn. Đại vương! Ví như chỉ có một người đọa vào ngục ấy, thì thân thể cũng tự nhiên dài rộng ra choán trọn cả ngục, không có chỗ hở, và khắp thân thể đều phải chịu mọi nỗi khổ. Dù khi có nhiều người vào ngục, thân thể của mỗi người cũng choán đầy cả ngục, không chướng ngại nhau.
“Đại vương! Trong địa ngục lạnh, nếu tạm thời gặp cơn gió nóng liền cho là vui sướng. Trong địa ngục nóng, nếu tạm thời gặp cơn gió lạnh cũng cho là vui sướng. Trong địa ngục Đẳng hoạt, ví như chết rồi mà nghe một âm thanh sống liền sống lại. Trong địa ngục A-tỳ hoàn toàn không có những việc ấy!
“Đại vương! Trong địa ngục A-tỳ, bốn hướng đều có cửa, phía ngoài mỗi cửa đều có lửa dữ, lửa từ bốn hướng đông, tây, nam, bắc qua lại giao nhau khắp hết. Tường sắt bao quanh đến tám vạn do-tuần, phía trên có lưới sắt che trùm, mặt đất cũng toàn bằng sắt. Lửa trên phủ xuống tận bên dưới, lửa dưới bùng lên tận bên trên. Đại vương! Như con cá bị chiên nóng thì mỡ chảy ra cháy sạch, tội nhân trong địa ngục ấy cũng giống như vậy!
“Đại vương! Ai phạm vào một tội nghịch, sẽ phải vào đó chịu đủ hình phạt của một tội. Nếu phạm vào hai tội nghịch, phải chịu tội gấp hai lần. Người phạm vào năm tội nghịch sẽ phải chịu tội gấp năm lần.
“Đại vương! Nay ta biết chắc rằng nghiệp ác của vua sẽ không tránh khỏi [đọa vào địa ngục A-tỳ], nên chỉ cầu mong cho vua mau đến chỗ Phật. Trừ đức Phật Thế Tôn ra không còn ai khác có thể cứu vớt được vua. Nay ta thương vua nên mới khuyên bảo dẫn dắt. như vậy!”
Lúc ấy, vua A-xà-thế nghe những lời đó rồi, trong lòng khiếp sợ, toàn thân run rẩy, năm vóc gieo xuống đất như cây chuối đổ, nhưng cố ngẩng mặt lên hỏi rằng: “Người là ai, sao chẳng hiện hình chỉ nghe tiếng nói?”
[Liền có tiếng đáp rằng:] “Đại vương! Ta là Tần-bà-sa-la, cha của con đây. Nay con nên nghe theo lời khuyên của Kỳ-bà, đừng tin lời sáu viên quan tà kiến.”
Vua A-xà-thế vừa nghe xong liền té nhào xuống đất, ghẻ độc nơi thân bộc phát kịch liệt, hôi thối gấp nhiều lần trước đó. Tuy dùng nhiều loại thuốc mát thoa lên mà ghẻ nóng cứ bộc phát, không giảm bớt chút nào!
At that time, there was in the great castle of Rajagriha a great king called Ajatasatru [son of Bimbisara and his royal consort, Vaidehi], one who was very evil-natured, who took pleasure in taking life and who was fully accomplished in the four evil actions of the mouth [i.e. lying, flattering, speaking maliciously, and speaking with a "double tongue"]. Greed, ill-will and ignorance ruled his mind. He only saw the present and not the days to come. All evil persons were of his group. He abandoned himself to the five desires [wealth, lust, food and drink, fame, and sleeping] and the pleasures of life. As a result of this, he harmed his own innocent father. After having harmed his father, repentance [remorse] brought down a fever upon his mind. No adornment or necklaces or music could help him. With his mind in a fever of repentance, there came about boils all over his body. These sent forth stinking, evil smells and none could come near him. Then he said to himself: "Now I am receiving these karmic results in this present life. It will not be long before the punishments of hell press down upon me." Then his mother, Queen Vaidehi, applied various medicines. But the boils only increased in number and there was no sign of a cure. The king said to his mother: " Such boils come from the mind, and not from the four elements. People may claim to [be able to] cure me, but such cannot be."
At that time, there was a minister called Candrayasas. He went to the king and stood to one side and said: "O great king! Why are you so crestfallen and why are you so sorrowful? Do you have any pain in your body? Or is it in your mind?" The king said to his minister: "How could I not have pain in my body and mind? My father did nothing wrong, and I committed deadly sins against him. I once asked a wise man about this. There are five persons in the world who have to be born in hell. These are those who have committed the five deadly sins. I now have innumerable, boundless, asamkhyas of sins. How could I not have pain in body and mind? And there can be no good doctor who can effect a cure for my body and mind."
The minister said: "O great king! Do not be so sorrowful." He said in a gatha:
"If one always worries,
The worry ever increases and grows.
If one is pleased and sleeps,
One’s sleep ever increases and grows.
So does it stand with greed, lust, and drinks.
"You, King, say that there are five persons who cannot escape from hell. Who is it who went there, saw this, and came and told you, the King, so? Hell is what is called thus by the intellectual mind. You, King, say that there is no doctor who can cure your body and mind. There is a great doctor called Purana. He knows everything and abides in unmolested [unassailed, inviolable] dhyana [meditation]. He has practised pure actions and always speaks to innumerable beings about unsurpassed Nirvana. To all disciples, he says: " There can be no black actions and no black results from black actions; there can be no white actions and no white results from white actions. There are no black and white actions and no black and white results. There are no high actions and no low actions." This master is now in Rajagriha. O great King! Please condescend to go and see him, and let this master cure you." Then, the king answered and said: "If he can definitely cure me, I shall take refuge in him."
And there was a minister called Virtue-Store, who also went to the king and said: "O great King! Why is it that you look so emaciated, with your lips and mouth so dried up and your voice so low that you look like a coward facing a great enemy, and you look so changed? What are you worried about? Is it that your body gives you pain, or your mind?" The king anwered and said: " How could it be that I should not now have pain in body and mind? I am ignorant and blind and have no eye of Wisdom. I have associated with all bad friends and befriended them. Caught by the words of the evil-minded Devadatta, I wilfully committed deadly actions against the rightful king. I once heard a wise man say in a gatha:
"Any ill-will and action
Towards one’s parents, the Buddha, or his disciples Buy one a life In avichi hell."
"On account of this I fear and have great worries. No good doctor can ever cure me." The minister said: "O great King! Have no fear for a while. Of law, there are two kinds. One is that of the world-fleeing, and the other is the king’s law. In the king’s law, if one harms one’s father, this is a deadly sin. But, truth to tell, it does not constitute a sin. it is like the case of the kalala insect, which gains birth by breaking out of the belly of its mother insect. As this is the law of its birth, the harming of one’s mother, in truth, does not buy one any sin. It is the same with the conception of a mule. Thus must it obtain with state law, which is [concerned with] governing. Though one may kill one’s parents, there can be no sin. With the law of the world-fleeing, the killing of even a mosquito or an ant buys one sin. O great King! Please broaden your mind and have no worry! Why? Because:
"If one always worries,
The worry ever increases and grows.
If one is pleased and sleeps,
One’s sleep ever increases and grows.
So do things go with greed, lust, and drinks."
"You, King, say that there is no good doctor who can cure your body and mind. Now there is a great master called Maskarigosaliputra. He knows all and pities beings as one would one’s own child. Himself already away from illusion, he thoroughly extracts the sharp arrows of the three poisons. All beings cannot see, know, and realise all things. Only this person sees, knows, and realises. So, the great master always speaks to his disciples. All beings have seven things with their body. What are the seven? These are: 1) earth, 2) water, 3) fire, 4) wind, 5) sorrow, 6) bliss, and 7) life. These seven are no phantoms, not things that have been made, and they cannot be destroyed. These are like the isika reed [hard and strong reed, from which arrows are made]; they are as static and immovable as Mount Sumeru. And they do not abandon [one], and like milk and cream, do not come into conflict. One may strike with a sword at sorrow, bliss, good, or non-good, and they cannot be harmed. Why not? This is like the seven categories of the Void , where there is nothing that obstructs. Thus life, too, can never be destroyed. Why not? For there are no people that cause harm and none that dies. Nothing is done and there is nothing that suffers being done; nothing is said and nothing is heard; there is nothing thought about and none that teaches. He always teaches thus, and well enables beings to do away with innumerable grave sins. This master is now in the great castle of Rajagriha. O great King! Please condescend to go to him. If you see him, all your sins will die away." Then the king answered: "If he definitely can make away with all my sins, I shall certainly take refuge in him."
Also, there was a minister called Real-Gain, who went to the king and spoke thus in a
gatha:
"O great King! Why is it
That you have no jewellery on your body,
That your hair is dishevelled?
Why do you show yourself thus?
Why do you shake so and look frightened
As when a strong wind shakes a tree full of blossom?"
"O King! Why do you look so sorrowful? You look like a farmer who is all sorrow when the rain does not fall after his having sown seed. Do you have pain in your body or your mind?" The king replied: " How could my body and mind not have pain? My late father and king was compassionate and gracious and particularly felt pity for me. There really was nothing wrong. He went and consulted an augur, who said: "After he has been born, this child will surely kill his father." Despite being told this, he raised me. Once a wise man said: "If a person has carnal intercourse with his mother, violates a bhiksuni [nun], or steals that which belongs to the Sangha, causes harm to one who aspires after Enlightenment or kills his own father, such a person will assuredly fall into Avichi Hell." How could I not have pain in my body and mind?" The minister said further: "O great King! Please do not be sorry for a time. If your father killed a person who was in quest of emancipation, there could be sin. If one kills following state law, there can be no sin. O great King! What does not accord with law is no law. No-law is no law. If one has no son, we say sonless. Also, a bad son is called no son. Though we say " no son" , this does not mean that the person does not have a son. If food contains no salt, we say saltless. Even when there is not much salt, we say saltless. When there is no water in the river, we say waterless. Even when the amount of water is small, we say waterless. When a thing dies out moment after moment, we say impermanent. Even if a thing exists for a kalpa, we say impermanent. When a person has sorrow, we say blissless. Even when the bliss he has is only small, we say blissless. The molested [i.e. un-free] state is called selfless. Even when there is a little freedom, we say selfless. The dark night is called sunless; even at the time when we have cloud and mist, we say sunless. O great King! Little law may be called lawless. And yet it is not the case that there is no law [there]. O great King! Listen carefully to what I say. All beings have remnant karma. Because of karma, a person often repeats birth and death. If the late king had remnant karma and you killed your father, how could you have committed a crime? O great King! Broaden your mind and do not be sad. Why? Because:
"If one always worries,
The worry ever increases and grows.
If one is pleased and sleeps,
One’s sleep ever increases and grows.
So do things go with greed, lust, and drinks."
"You, King, say that there is no good doctor in the world who can cure your body and mind. Now, there is a great teacher called Sanjaya-vairatiputra. He knows and sees all. His wisdom is deep and wide and is like the great sea. He has great virtue and divine powers. He well enables people to make away with all doubts. All beings do not know, see, and realise. Only this person knows, sees, and realises. He now lives near Rajagriha and speaks thus to his disciples: "Of all beings, if a king, he performs good and evil unmolestedly. Any evil that one commits has no sin. It is as with fire, which burns things, and there is no calling it pure or impure. It is the same with the king. He is like fire. For example, the great earth supports things both clean and dirty. Acting thus, it is neither angry nor glad. The same with the king. He shares the same nature as the earth. For example, the nature of water is to wash things pure or not pure. Thus acting, it has neither worry nor pleasure. The same with the king. He shares the same nature as water. For example, the nature of the wind is to blow things away, be they pure or impure. Thus acting, it has neither worry nor pleasure. The same with the king. Also, an autumnal stub [bulb, seed] calls forth buds in spring. Also, a stub may be cut and there is no sin. The same with all beings. They die here in this life and gain life here again. What sin is there in getting life back again? All the fruits of suffering and bliss of all beings arise out of what has been done in this life. The cause was in the past and one harvests the result in this life; if there is no cause in the present life, there cannot be any result in the life to come. Because of the results that arise in this life, beings uphold sila [morality]. Severely practising the Way and with effort, a person prevents the arising of bad fruits in the present life. By upholding sila, one harvests non-”asrava” [non-defilement]. When one attains the non-”asrava”, one puts an end to the karma of the “asravas”. When karma ends, all sorrows end. When all sorrows end, one attains emancipation. O great King! Please be quick and go there, and make away with the suffering of your body and mind. If you see him, all your sins will die out." The king answered: "If this teacher can clearly make away with sin, I shall take refuge in him."
Also, there was a minister called "All-Knowing", who also went to the king and said: "O King! Why do you look so austere? You look quite like one who has lost his kingdom or a spring that has dried up, or a pond without lotuses, or a tree without leaves, or a bhiksu who has violated sila and lost dignity. Does this come from pain in your body or your mind?" The king replied: " How could I not have pain in my body and mind? My father, the late king, was compassionate and kind-hearted. But I was undutiful and forgot all that I owed him. The only happiness he cared about was solely my own. But I acted against him and put an end to his bliss. Though he had no faults, I wilfully committed a deadly sin against him. I, also, once heard a wise man say: " If one kills one's own father, one will suffer from great pains for innumerable asamkhyas of kalpas." Soon, before long, I shall fall into hell. And no good doctor can cure me of my sin." The minister said: "O great king! Please discard your worries and pains. O King! Did you not hear of a king called Rama? He killed his father and came to the throne. All such kings as Bhadrika, Virucin, Nahusa, Karttika, Visakha, Bright-Moonlight, Bright-Sunlight, Love, and Many-Possessing did away with their fathers and came to the throne. At present, all such kings as Vidudabha, Udayana, Evil-Natured, Rat, and Lotus-Blossom have all killed their fathers. Not one king has suffering or worry. We can indeed look into the realms of hell, hungry ghosts, and heaven [animals], and there are none such. O great King! There are two existences. One is that of the humans, and the other is that of the animals. Though these are two, they have not come out of cause and effect, nor do these die out by cause and effect. If not from cause and effect, how could there be anything good or non-good? Please, O great King, do not entertain worry and sorrow. Why not?
"If one always worries,
The worry ever increases and grows.
If one is pleased and sleeps,
The sleep ever increases and grows.
So do things stand with greed, lust, and drinks."
"You, King, say: "There isn’t any good doctor who can cure both my body and mind." There is now a great teacher called Ajitakesakambara, who knows and sees everything. He views gold and dirt with an equal eye; they are not two. He cuts his right-hand side with a sword, and smears sandalwood on his left-hand side. Between two persons, he sees no difference. He looks upon enemy and friend with an equal eye, and his mind sees no difference. This teacher is truly a good doctor of this world. Whether walking, standing, sitting, or reclining, his mind is not in disorder. He speaks to many of his disciples thus: " Whether by my own hand or by instigating others, whether I kill or get others to kill, whether I expose [someone] to heat or cause others to do so, whether I commit immoral deeds or have others do so, whether I tell lies or get others to lie, whether I drink liquor or cause others to do so, whether I kill the people of a village, a castle-town, or a state, whether I kill all beings with a war chariot, or whether I give offerings to all who live to the south of the Ganges or kill those to the north of the Ganges - in none of any of this can there be any talk of crime or weal, giving, sila or meditation." He also lives near to Rajagriha. O King! Please go [to him] at once. If you see him, your sin will all disperse." The king said to the minister: "If he cures me of my sin, I shall surely take refuge in him."
Also, there was a minister called Auspicious-Virtue, who came to the king and said: " O King! Why has your mien no lustre? You look like a lamp at mid-day, or like the moon in daytime, or a king who has lost his kingdom, or the earth in a waste-land. O great King! The four quarters of the state are pure and at peace, and there is no enemy. And why do you now look so worried and pained? Is the pain in your body or mind? There are princes who always think: "When will I be able to gain the unmolested [unlimited, unconstrained] state?" O you, great King, have now attained your wish and reign over Magadha unmolested, and you possess the storehouse of the late king, full of treasure. Cheer up and please yourself as you will! How do you come to be so worried and pained?" The king answered: "How could I not be worried. It is as with the ignorant, who only cling to the taste and do not see the sharp sword, or take poison and do not see the harm that ensues. It is the same with me. It is like the case of a deer, who only sees grass, not the deep hole [trap], or the rat, who carries on devouring without seeing the cat and the fox. I am like that. I saw [only] the pleasure that dangled before me, and not the evil that will ensue in days to come. I once heard a wise man say: "Even if one were hit in one day by 300 halberds, one should not have an evil thought about one’s own parents." I am now close to the fire of hell. How could I not be worried?" The minister said further: "Who has come and cheated the king and said that there is hell? Who makes the sharp points of the thrusting spears? Who makes the rare colours of flying birds? Who makes the watery marshes, the hardness of stone, the moving power of the wind, the heat of fire, how do all things die and get born of their own accord? And who makes all of these? Hell is nothing but a fiction of intellectuals. I shall now explain. "Ji" means "earth"; "goku" means "to break". The earth breaks the earth. There can be no return to crimes. This is the meaning of "jigoku" [“naraka” - hell]. Also, "ji" means "man"; "goku" means "heaven". By killing one’s father, one gains birth in heaven. That is why the rishi, Vasu, says that by killing a sheep, one is blessed with the bliss of man and heaven. This is hell. Also, "ji" means "life"; "goku" means "long". By killing, one arrives at a long life. Hence, hell. O great King! For this reason, know that, in truth, there is no such thing as hell. O great King! We sow barley and we gain barley; we plant rice and we gain rice. He who kills hell gains hell in return. By killing man, one gains man in return. O great King! Listen to what I, your vassal, say. Truth to tell, there is no such thing as killing or harmony. If there is a Self, then in truth there is no such thing as harming. If there is no Self, then again there cannot be any harming. Why not? If there is a Self, what there is is the eternal and no change. Because of the eternal, there cannot be any killing. What there is is non-breaking-up, non-destroying, non-tying, non-binding, non-anger, non-joy. It is like the Void. How can there be any sin in killing? If there is no Self, then all things are non-eternal. Because of impermanence, extinction proceeds moment after moment. Through the extinction that occurs moment after moment, he who kills and he who dies [both] die off moment after moment. If there is extinction every moment, who is there to be punished for the sin? O great King! Fire burns wood, but fire commits no crime. An axe cuts a tree, but no sin attaches to the axe. A scythe cuts grass, but the scythe does not have any sin. A sword kills a man, but the sword, truth to tell, is not a man and has no sin. How can man sin? Poison kills a man. The poison, truth to tell, is not a man. The poison has no sin. It is like this with all things. Truth to tell, there is no sin of killing. How could there be any sin? Please, O great King, have no worry. Why not?
"If one always worries,
The worry ever increases and grows.
If one is pleased and sleeps,
One’s sleep ever increases and grows.
So does it obtain with greed, lust, and drinks."
"You, King, say: "There is no good doctor who can cure this vile karma." Now, there is a great doctor, called Kakudakatyayana, who knows and sees everything. In the flash of a moment, he sees clearly the Three Times [past, present and future] and the innumerable, boundless worlds. With his hearing it is the same. He thoroughly enables beings to segregate themselves from wrong and vile actions. This is like the Ganges that thoroughly washes away and cleanses all sins, in and out. It is the same with this good teacher. He does away thoroughly with all evil sins, in and out. He speaks to all his disciples thus: "One kills all beings, and if there is no repentance in one’s mind, one never falls into evil realms. This is like space, which does not suffer from dust and water. If one feels repentance, one falls into hell. This is like a great volume of water wetting the great earth. All beings are made by Ishvara [God]. If Ishvara is pleased, beings will have peace and happiness; if he becomes angry, all beings will suffer from pain and worry. Any sin or weal of any being goes back to Ishvara, who makes them. How can man say that man has sin or weal? It is like a mechanical appliance or wooden man, which can walk, stand, sit, or lie on a bed, as made [capable of doing so] by the artisan; yet, it cannot speak. It is the same with beings. Ishvara is, for example, like an artisan; the wooden man may can be compared to beings. How can there be any sin with such a creation?" Such a great teacher now lives close to Rajagriha. Please hasten! Just one glimpse of him will cleanse you of all your sins." The king answered: "If I am quite sure that this person can indeed do away with my sins, I shall certainly take refuge in him."
Also, there was a minister called Fearless, who came to the king and said: " O great King! There are ignorant people in the world who, in the course of a day, are happy and sad 100 times, sleep and wake up 100 times, and become frightened and weep 100 times. With the wise, nothing such as this occurs. O great King! How is it that you look worried and sorrowful? You look like a man who has lost his comrade, or a man who has lost his feet in deep mud, with no hope of being saved, or like a thirsty man who cannot expect a drink, or one who has lost his way and cannot find a guide, or a man with an incurable illness, or like a shipwrecked ship, with no one else on the sea to provide rescue. O great King! Is it your body or your mind that gives you pain?" The king replied: "How could my body and mind not give me pain? I associated with a bad friend and encountered evilness of speech. There was nothing in the late king for which one could reproach him, and yet I wilfully committed a deadly sin [against him]. I know for sure that I shall fall into hell. And there is no good doctor who can cure." The minister said: " O great King! Please do not let the poison of suffering raise its head! Now, the Kshatriya belongs to the kingly caste. There cannot be any talk of sin if he kills for the sake of the state, for the sake of sramanas or Brahmins, or for the sake of giving peace to people. Although the late king respected the sramanas, he did not serve the Brahmins. There was no fairness in his mind. Being unfair, he was no Kshatriya. Now, you, great King, desire to serve all Brahmins, and you have killed the late king. What sin have you committed? O great King! There really is no killing. Now, killing means taking life. Life has the nature of the wind. The nature of the wind cannot be killed. How, then, can one kill life? Could there be any sin [here]? Please, O great King! Do not worry and be sorrowful. Why not?
"If one always worries,
The worry ever increases and grows.
If one is pleased and sleeps,
One’s sleep ever increases and grows.
So is it also with greed, lust, and drinks."
"You say, King, that there is no good doctor who can cure your body and mind. Now, there is a great teacher called Nirgrantha-Jnatiputra [the best-known of the "six masters"], who knows, sees, and pities all beings. He knows all the sharp and dull natures of all beings and fully knows all kinds of expedients fitting for the occasion. The eight things of the world [profit, weakening, breaking up, honour, praise, slander, suffering, and bliss] cannot defile him. Silently, he practises pure actions. To his disciples, he says: " There cannot be any such thing as dana [charitable giving], good, father, mother, present life, after-life, arhat, practising, or the Way. All beings, after 80 thousand kalpas, wil spontaneously be relieved from the wheel of birth and death. It is the same with sin and non-sin. It is like the four great rivers, namely, the Indus, Ganges, Vaksu, and Sita. All of them enter the sea, and then there is no difference. It is the same with all beings. There is no difference once one is liberated." This teacher is now living in Rajagriha. O great King! Please speed to him. If you see him, all your sins will go away." The king answered: "If this teacher can make away with my sins, I shall surely take refuge in him."
At that time, there was a great doctor called Jivaka, who went to the king and said: "O great King! Do you sleep well or not?" The king replied in a gatha:
"If all defilements are done away with eternally
And one has no greed in the defiled three realms,
There can be sound sleep.
If one has attained Great Nirvana And speaks of its deep meaning,
Such a person is a true Brahmin.
And such a person can gain sound sleep.
If one's body knows no evil actions that have been committed,
And if one's mouth is far from the four wrongs,
If one's mind has no doubts,
One can get sound sleep.
If the body and mind have no fever,
And if one lives in a peaceful quarter,
And is blessed with unsurpassed bliss,
One can have sound sleep.
If one's mind has no clinging,
And if one is far away from all enmity,
And if the mind is in harmony And has no quarrels,
One can have sound sleep.
If the body does not do any evil,
And if the mind always repents,
And believes that evil has karmic fruit,
One can have sound sleep.
If one respects and serves one's parents,
And does not spoil life, all the way through,
And one does not steal others' possessions,
One can have sound sleep.
Repress all sense-organs
And befriend a good teacher of the Way
And crush out the four Maras,
And one can have sound sleep.
If one does not care about good or bad fortune,
Or if one has no sorrow or bliss,
And for all beings' sake
Rides on the wheel of birth and death,
And if things proceed thus,
One can have sound sleep.
Who has sound sleep?
worry of illusion in body and mind; the five skandhas; death; Mara himself, who cannot rest, seeing others doing good
It is all the Buddhas,
Who deeply sit in the samadhi of the All-Void And whose body and mind are in peace And are unshakable.
Who is it that sleeps in peace?
It is the person who is all-compassionate.
Always practising non-indolence,
He views beings as he views his own son.
Beings are in the darkness of ignorance And do not see the karmic fruits of defilement.
They always do all kinds of evil actions And cannot have sound sleep.
If one commits the ten evil deeds,
For oneself or for others,
No sound sleep will come about.
If one, out of a desire for ease and pleasure,
Commits deadly acts against one's own father And says that one has done no wrong,
And befriends bad teachers,
One cannot have sound sleep.
If one acts beyond what is proper And drinks too much cold water,
Such will end in illness
And no sound sleep will come to one.
If the king has an evil mind And thinks of others' females,
And goes across a wilderness,
No sound sleep will come.
The upholding of sila [morality] is
Not yet perfect with the fruition
And the crown prince is not yet on the throne,
And the robbers have not yet gained wealth,
And there can be no sound sleep."
"O Jivaka! I am seriously ill. I have committed a deadly sin against my law-abiding king. No good doctor, no wonders of medicine, no charms or the best of care can cure me. Why not? My father, the law-abiding king, governed the state lawfully. There was nothing in him that one could complain about, and I killed him without reason. I am like a fish on land. What pleasure can I have? I am like a deer caught in a trap, and nothing pleases me. I am just like a man who knows that his life is going to end within a day, just like a king who has taken refuge in a foreign land, just like a man who is told that he is suffering from an incurable illness, just like a man who has broken the moral rules and is now told of his punishment. I once, in the past, heard a wise man say: " A person whose action is not pure in body, mouth and mind - know that this person will surely fall into hell." I am now thus. How can I sleep peacefully? There is nobody who can now give me the unsurpassed medicine of Dharma and relieve me of my illness."
Jivaka replied: "Well said, well said! You have sinned, but you repent and feel ashamed. O great King! The All-Buddha-World-Honoured One says: "There are two white dharmas which save beings. One is "zan" [feeling ashamed], and the other "gi" [feeling ashamed]. "Zan" is not committing sin, and "gi" not having others commit sin. "Zan" is feeling ashamed of oneself, and "gi" is to confess to others. "Zan" is feeling ashamed [guilty] towards man, and "gi" is feeling ashamed towards heaven. This is "zan-gi" [repentance, remorse]. One without repentance is no man. Such is an animal. When one has repentance, one respects father and mother, teachers and elders. When one has repentance, there are father, mother, elder brother, younger brother, elder son, and younger sister." Well said, O great King! Listen for a moment! I have heard the Buddha say: Of the wise, there are two kinds. One is the person who does not do evil, and the other is the person who repents after having committed evil. Of the ignorant, there are again two kinds. One is he who does evil, and the other is he who conceals it. First, one does evil, but later one thoroughly confesses it and repents, and does not repeat it. This is as in the case of muddy water, in which, if the "Bright-Moon" mani [jewel] is placed there, the water becomes clear, due to the wonderful power of the gem. Or it is as when the clouds disperse and the moon reveals itself in its brightness. It is also the same with the repentance of evil acts which one has done. O King! If you repent and feel remorse, the sin will go away and you will be pure as before. O great King! There are two kinds of wealth. One is [having] such various animals as elephants, horses, etc., and the other such various treasures as gold, silver, etc. One might possess many elephants and horses, but these cannot equal one piece of a gem. O great King! It is the same with beings. One is vile wealth, and the other good wealth. Many evil acts performed cannot compare with an act that is good. I have heard the Buddha say: "If one gains a single good mind [state of mind, volition], this destroys 100 evil deeds." O great King! This is comparable to a small piece of a diamond, which can well crush Mount Sumeru, or like a small fire which can well reduce everything to ashes, or like a small amount of poison that can harm beings. It is the same with a small amount of good, too. It well crushes out great evil. We say a small amount of good. But actually, it is big. Why? Because it crushes out great evil. O great King! As the Buddha says, hiding [one’s sin] is what leaks out [i.e. is an “asrava”]; not hiding is [the state where] nothing more leaks out. One bares the evil and repents of it. Hence, non-leakable. A person does many evil things, but if he does not hide and store them up, the sin will be small, because of this non-concealment. If there is repentance for the evil that has been done, and if one feels ashamed, the sin dies out. O great King! Even small drops of water fill a big vessel. It is the same with the good mind. Each good mind [good volition] thoroughly crushes out a great evil. If one hides the evil, it augments and grows. If one bares it and repents, the sin will die out. Because all Buddhas say that the wise do not hide their sins. Well done, well done, O great King! You believe in the law of causality, in karma, and in the result that comes about. Please, O great King, have no worry or fear! There are beings who, performing all evil deeds, do not repent and feel ashamed, and do not see the law of causality and the result that is to follow. They do not ask others for guidance, and do not approach a good teacher of the Way. Such people cannot be cured by a good doctor or by nursing. It is like leprosy? ["kamala"], for which most secular doctors can devise no cure. A person who conceals his sin is like that. Why do we say that the icchantika is sinful? The icchantika does not believe in causality, has no repentance, does not believe in karma, does not see the present and the days to come, does not befriend a good teacher of the Way, and does not act in accordance with the injunctions of all Buddhas. Such a person is an icchantika. Such a person is one whom the All-Buddha-World-Honoured One cannot cure. Why not? Even doctors cannot cure a body that is dead. It is the same with the icchantika. Such a person is one whom the All-Buddha-World-Honoured One cannot cure. O great King! You are no icchantika. How could you not be cured?
"You, King, say: "There is no means of cure." Know, O great King! In Kapilavastu, there was a prince, the son of Suddhodana. His family name is Gautama, and his personal name Siddhartha. Without anyone to teach him, he awakened to Truth and spontaneously attained unsurpassed Bodhi, adorning his body thereby with the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence, gaining the 10 powers and the four fearlessnesses. He knows and sees all. Greatly compassionate, he pities all beings as he does his own son, Rahula. He truly follows the way of life of beings, just as a calf walks after its mother. He knows when to speak and when not to. His words are true, pure, wonderful and lawful, and a single word from him well cuts away the bond of defilement of all beings. He thoroughly knows the nature of the sense-organs and the mind of all beings. He acts in a manner fitting to the occasion and enacts expedients, and there is nothing that is not known to him. His Wisdom is great, like Sumeru. It is deep and vast like the great sea. This Buddha-World-HonouredOne has Adamantine Wisdom, which thoroughly crushes out all the evils of beings. There is nothing that is not possible to him. Now, 12 yojanas from here, in the castle town of Kusinagara, between the twin sal trees, he is addressing innumerable asamkhyas of Bodhisattvas all about such things as: "is" or "is-not", the created or the uncreated, the leakable [“asrava”], the karma-results of defilement or the karma-results of the Good Dharma, matter or non-matter, or non-matter-not-non-matter, Self or non-Self, or non-Self-not-non-Self, the eternal, or the non-eternal, or the non-eternal-not-non- eternal, Bliss, or non-bliss, or non-bliss-not-non-bliss, characteristics or non characteristics, or non-characteristics-not-non-characteristics, segregation or non-segregation, or non-segregation- not-non-segregation, the secular or the non-secular, or the non-secular-not-non-secular, vehicle or non vehicle, or vehicle-not-non-vehicle, self-doing and self-receiving, or receiving from others, and non-doing and non-receiving. O great King! You should hear at the place of the Buddha all about doing and non-receiving. All grave sins will be expiated.
"O King! Hear me a while! When Sakrodevendra was about to see the end of his life, five things were seen, which were: 1) clothing giving out a bad, oily smell, 2) fading of the flower on his head, 3) his body issuing an evil smell, 4) perspiration under the armpits, 5) not finding pleasure where he was sitting. Then, Sakra, as he sat in a quiet place, saw a sramana or Brahmin and gained the thought that this was the Buddha. Then the sramana or Brahmin, seeing Sakra come, was glad and said: "O Sakra! I now take refuge in you." Hearing this, Sakra saw that this person was not the Buddha. He also thought to himself: " If this person is not the Buddha, I cannot change the five signs of extinction." At that, the charioteer, Pancashiki, said to Sakra: "O Kausika! There is a gandharva whose name is "Mirage". He has a daughter called Subhadra. If you give me this woman, I shall tell you how to make away with the signs of decline." Sakra replied: "Vemacitra, the asura king, has a daughter called "Saci", whom I respect. If you can tell me who can make away with these signs of my decline, I shall give her to you, how much more than Subhadra!" "O Kausika! There is a Buddha-World-Honoured One who is called Sakyamuni. He is now at Rajagriha. If you go there and ask him about the signs of decline, these will assuredly disappear." "O good man! If the Buddha-World-Honoured One can indeed do away with these, drive me there." At that, the charioteer, at these words, drove Sakra to Rajagriha, to Grdhrakuta. Reaching the place where the Buddha was, Sakra prostrated himself and, touching the Buddha's feet, thus paid the Buddha homage. Drawing back, he took his seat on one side. Sakrodevanam-Indra said to the Buddha: "Of all the devas, who is it that binds one?" The answer came: "O Kausika! The miserly mind, greed, and jealousy!" He further asked: "Where does the miserly, greedy and jealous mind come from?" The answer came: "It comes from ignorance." Again he asked: "From where does ignorance come?" The answer was: "From indolence." Again the question: "From where does indolence come?" The answer was: "From an inversion [of truth]." A renewed question: "Where does the inversion come from?" The answer stated: "From a doubting mind." "O World-Honoured One! You say that the inversions arise from a doubting mind. It is like the Buddhist teaching. Why? Because I have a doubting mind within me. With such doubt, I have an inversion. I mistook one who was not the World-Honoured One for such. I now see the Buddha and all my doubts leave me. As my doubts leave me, the inversion also departs. Through the ending of the inverted mind, the miserly mind, down to jealousy, depart." The Buddha said: "You now say that you have no miserly mind and no jealous mind. Are you an anagamin? An anagamin has no greedy mind. If you have no greedy mind, why is it that you come to me, seeking life? Any anagamin does not truly seek life." "O World-Honoured One! If there is an inversion, there is a seeking of life. If there is no inversion, there is no seeking of life. What I seek is the Buddha-Body and the Buddha-Wisdom." "O Kausika! If you seek the Buddha-Body and the Buddha-Wisdom, you will surely gain these in the life to come."
"Then, as Sakrodevendra heard the Buddha’s sermon, the five signs of decline all at once faded away. And he stood up, paid homage, walked around the person of the Buddha three times [as a sign of respect], respectfully folded his hands and said: "O World-Honoured One! I am now dead and am born; I have lost my life and gained it. I have now been told that, as I take to the Buddha’s Path, I will gain unsurpassed Bodhi. This is a rebirth. This is gaining life again. O World-Honoured One! Why do humans and gods increase in number? And why do they decline in number?" "O Kausika! Because of quarrelling and disputing, the number of humans and gods decreases; through living harmoniously, their number grows." "O World-Honoured One! Since by quarrelling we decrease in number, from now on I shall not fight with the asuras." The Buddha said: "Well said, well said, O Kausika! The All-Buddha-World-Honoured One says that forbearance is the cause of unsurpassed Enlightenment." Then Sakrodevendra stepped forwards, paid homage to the Buddha, drew back, and went on his way.
"O great King! As the Tathagata thoroughly makes away with the evil characteristics, we say that the Buddha is inconceivable. The grave sin that you amassed in days gone by will unfailingly die out.
"O great King! Hear me a while! A Brahmin had a son called "Non-Harming". Because he had killed so many people, he was called “Angulimalya”. He also thought of killing his own mother. When he gained an evil state of mind, his body also shook. The shaking of body and mind is a sign of the five deadly sins. In consequence of the five deadly sins, one unfailingly falls into hell. Later, on seeing the Buddha, his body and mind shook. He thought of harming the Buddha. The shaking of body and mind bespeaks the five deadly sins. Due to the five deadly sins, one unfailingly falls? ?into hell. This person, having met the great teacher Tathagata, was able to do away with the cause of hell and aspire to unsurpassed Enlightenment. For this reason, we say that the Buddha is the unsurpassed doctor; he is not of the kind of the six masters.
"O great King! There was a prince called “Suvira". His father cut off the hands and legs of this prince in anger and threw him into a deep pit. His mother, feeling sorrow and pity for him, had someone pulll him out and took him to the Buddha. On seeing the Buddha, his hands and legs were restored, and he gained the unsurpassed Bodhichitta. O great King! From seeing the Buddha, there was actual reward in this present life. Hence, we say that the Buddha is the unsurpassed doctor; he is not of the kind of the six masters.
"O great King! There were many hungry pretas [ghosts] on the bank of the Ganges, to the number of 500. For an uncountable number of years, they were unable to see any water. Even when in water, what they saw was a flow of fire. Oppressed by thirst, they cried and wept. At that time, the Tathagata was in the udumbara forest, and was musing under a tree. Then the hungry pretas came to the Buddha and said: "O World-Honoured One! We are oppressed by hunger and thirst and will die before long." The Buddha replied: "Why do you not drink the water of the Ganges?" The pretas answered: "The Tathagata sees water, but we see fire." The Buddha said: "The water of the Ganges is not fire. Through the karma of evil actions performed, your mind is inverted and you make of this fire. I shall relieve you of this inversion and let you see water." Then the Buddha, for the sake of the pretas, expansively taught them the wrongs of the miserly and greedy mind. Then the pretas said: "We are now thirsty. We hear you speak of Dharma, but our mind is away [from it]." The Buddha said: "If you are thirsty, get into the river and drink your fill!" All those pretas, due to the power of the Buddha, were able to drink the water. When they had drunk the water, the Tathagata, for their sake, spoke variously about Dharma. On hearing this, they asppired to unsurpassed Enlightenment. Casting away their bodily forms as pretas, they gained heavenly forms. O great King! Because of this, we say that the Buddha is the unsurpassed doctor; he is not of the kind of the six masters.
"O great King! In the state of Sravasti, there was a band of robbers, who numbered 500 in all. King Prasenajit took out their eyes. As there was no one to guide them, they were unable to go to the Buddha. Pitying them, the Buddha went to them. He consoled them and said: "O good people! Guard your body and mind well and do not do evil!" The robbers listened to the wonderful voice of the Tathagata, and they regained their eyes. They came to the Buddha, folded their hands together, worshipped him and said: "O World-Honoured One! We now see that your all-compassionate heart embraces all beings, not just the worlds of gods and humans." Then the Tathagata spoke about Dharma. When his sermon had ended, all aspired to unsurpassed Enlightenment. For such reason, the Tathagata is truly the unsurpassed doctor. He is not of the kind of the six masters.
"O great King! In the state of Sravasti, there was a candala by the name of "False-Air". He killed an innumerable number of people. Having met the great Maudgalyayana, he at once broke off the cause of hell and was born in Trayastrimsa Heaven. As he has such a holy disciple, we call the Buddha-Tathagata the unsurpassed doctor. He is not ot the kind of the six masters.
"O great King! There was in Varanasi the son of a rich man who was called Ajita. He had unlawful relations with his mother and killed his father. His mother had further bad relations with other people. So he killed her also. There was an arhat who was his good teacher of the Way. As he felt ashamed in fromt of him, he killed this arhat. Having killed this arhat, he went to Jetavana to get ordained. But, since all the bhiksus knew that he had committed three deadly sins, none of them wanted to accord with his wish. When his wish was not granted, he became all the more angry and set fire to the vihara, and many innocent people were killed. Then he went to Rajagriha, to the Tathagata, and sought ordination. The Tathagata allowed him to get ordained and delivered some sermons to him. By degrees, his grave sins began to lessen in weight and he came to aspire to unsurpassed Bodhi. For this reason, we say that the Buddha is the good doctor. He is not of the kind of the six masters.
"O great King! Being by nature very evil in your heart, you believed in the words of an evil person and allowed Devadatta to let loose a big, intoxicated elephant upon the Buddha, so as to have it trample him. On seeing the Buddha, the elephant became sane. So the Buddha stretched out his hand to it and gave it a stroke on the head, spoke of Dharma, as a result of which it aspired to unsurpassed Enlightenment. O great King! An animal sees the Buddha, and this destroys the animal's karmic results. How could it not be so with a human being? O great King! Know that any person who sees the Buddha can indeed make away with grave sin."
"O great King! When the World-Honoured One had not yet attained unsurpassed Bodhi, Mara came to the Buddha with an innumerable and boundless number of kindred. At that time, the Bodhisattva, with his power of forbearance, crushed the evil mind of Mara and made him aspire to unsurpassed Enlightenment and accept Dharma. The Buddha possesses that much great virtue.
"O great King! Some atavakas [i.e. field demons] were causing harm to the people. The Tathagata, at that time, went to the wasteland village and delivered a sermon for the sake of the rich man, Subhadra. Then, the atavakas, on hearing the sermon, were greatly gladdened and gave the rich man to the Tathagata. Later, they aspired to unsurpassed Enlightenment.
"O great King! In the state of Varanasi, there was a butcher called "Broad-Forehead" , who every day killed an innumerable number of sheep. Having encountered Sariputra, he received the eight precepts and then a day and night passed. Because of this, after his death, he was born as the son of Vaisravana, the king of the northern heaven. Even a disciple of the Tathagata possesses such great virtue. How could things be otherwise with the Buddha?
"O great King! In North India, there was a castle called "Small-Stone". There was a king in that castle named "Naga-Mark". He usurped the state. Desperate for the crown, he killed his own father. Having killed his father, remorse filled his breast. He abandoned the state, came to the Buddha and wished to be ordained as a monk. The Buddha welcomed him and made him a bhiksu. His sins died out and he aspired to unsurpassed Enlightenment. Know, O great King, that the Buddha possesses such innumerable amounts of great virtue.
"O great King! Devadatta was the Tathagata’s disciple. He harmed many a monk and caused blood to flow from the Buddha’s body and killed Utpalavarna, thus committing the three deadly deeds. The Tathagata spoke in diverse ways about Dharma and caused his grave sins to lessen by degree in their weight. Hence, we say that the Tathagata is a great doctor. He is not of the kind of the six masters.
"O great King! If you believe in my words, please speed to the Tathagata. If you believe in my words, weigh up well what I say. O great King! The All-Buddha-World-Honoured One covers all with great compassion. He does not love only one person. Wonderful Dharma reigns widely. There is no one who is not taken in [by it]. His mind is all-equal towards the hostile and the friendly. His mind does not hate and does not love. It is not the case that only one person gains the Way and others do not. The Tathagata is not merely the teacher of the four classes of the Sangha alone; he is the teacher of all gods, humans, nagas, demons, hell-dwellers, animals and hungry ghosts. And all beings should look up to the Buddha as they look up to their own father and mother. O great King! Know that it is not the case that the Tathagata only speaks of Dharma to the noble king, Bhadrika; he even addresses the lowly Upali. He does not only accept offerings from Sudatta-Anathapindada, but also accepts food from the poor man, Sudatta. He does not only speak of Dharma to sharp-witted Sariputra, but also to dull-witted Suddhipanthaka. He does not only allow such a greedless person as Mahakasyapa to enter the Order, but also such a person as greedy Nanda. He does not only allow such an illusion-free person as Uruvilva-Kasyapa to seek the Way, but also one full of illusion who has committed grave deadly sins, like Sudaya, the younger brother of King Prasenajit. It is not the case that he extracts the root of anger because one offers him the galingale [an aromatic spice] but abandons a person who means to do harm. He does not only speak of Dharma to intellectual males, but also to the lowest in life, those who are married, and females. He not only enables sramanas to attain the four fruitions of the Way, but also enables lay people to gain the three fruitions of the Way. He does not only present Dharma to a person who has abandoned the odd duties of life such as the Puttala and others and who seeks to meditate in quiet quarters, but also to such as King Bimbisara, who has to reign over a state. It is not the case that Dharma is spoken only to teetotallers, but it is also spoken to those lost in strong drinks, like the rich man, Ugravati, and the intoxicated. It is not the case that Dharma is spoken of only to those who sit in dhyana [meditation] like Revata, but also to the Brahmin woman, Vasistha, who is now mad after losing her child. It is not the case that his sermons are only preached to his own disciples, but also to tirthikas, Nirgranthas, and others. It is not the case that Dharma is preached only to those of full [i.e. strapping] manhood aged 25, but also to the elderly as old as 80, who are weak in physique. He does not only preach to those who are closely connected with Buddha-Dharma, but also to those who are not very well up in the practice of the Way. He does not only preach to Mallika, but also to such a prostitute as Utpala. He does not only receive the offerings of best dishes and sweet things from King Prasenajit; he also receives those of the rich man, Srigupta, which contain poison. O great King! Srigupta, in days gone by, sowed the seeds of deadly sins. But after having met the Buddha and having listened to his sermons, he aspired to unsurpassed Enlightenment.
"O great King! Even if one were to make offerings for a month to all beings, the merit would not compare to one-sixteenth of that of meditating single-mindedly upon the Buddha. O great King! Though one were to work gold and make a man, and put on [bestow, display] vehicles and horse-treasures 100 in number, this could not compare to a person who aspires to Enlightenment and takes a step towards the Buddha. O great King! Even though one might put on 100 carts drawn by elephants, bearing various rare treasures from Roman lands and women with items of jewellery as many as 100, such could not compare to aspiring to Bodhi and taking a step towards the Buddha. Or even if one were to give this and the four things [i.e. food, clothing, decoctions, and accommodation] to all the beings of the 3,000 great-thousand worlds, this could not compare to aspiring to Enlightenment and taking a step towards the Buddha. Furthermore, even if we gave dana [alms] to beings as innumerable as the sands of the Ganges, this would never be better than the great King's going to where the twin sal trees stand, to where the Tathagata is, and listening with the sincerest heart to what he says."
Then the great king answered: "The Tathagata-World-Honoured One is by nature mellow and soft. By reason of this, he has as his kindred all who are mellow and of a soft nature. Just as a forest of sandalwood is surrounded by sandalwood trees, so is the Tathagata pure and pristine and surrounded by people who are also pure and pristine. This is like a great naga [serpent] having kindred who are nagas; the Tathagata is silent and quiet, and his people, too, are silent and quiet. The Tathagata does not covet, nor do any of his people, either. The Buddha has no illusion, nor do any of his people. I am the most wicked of men. Lined with evil karma, my body issues an evil smell and is tethered to hell. How can I dare to hope ever to go to where the Tathagata is? I may well go, but words may not get connections. You wish to have me go to the Buddha. And yet, I am now of a base constitution and despair of my own self and have no mind to go."
Then there came a voice from above: " The unsurpassed Buddhist teaching is weak and is now about to die out. The great river of full water is about to dry up. It will not be long before the bright lamp of Dharma goes out. The mountain of Dharma is about to crumble, and the ship of Dharma is about to sink to the bottom. The bridge of Dharma is about to break, and the palace of Dharma is about to be levelled to the ground. The banner of Dharma is about to fall, and the tree of Dharma is about to snap and break. The good friend is about to leave us, and a great fear is about to raise its head. It will not be long before beings will inevitably feel the lack of Dharma. The epidemics of illusion are about to run amok. The time of great gloom is arriving, and people will have to feel thirst for Dharma. King Mara will be gladdened and will ungarb all his armour. The sun of Buddha-Dharma is about to sink behind the mountain of Great Nirvana. O great King! If the Buddha is gone, there will never be anyone who can undo your grave sins. O great King! You have committed deadly sins that will take you to Avichi Hell. There is no doubt that this karma will do its work. O great King! “A “ means "nothing"; “bi” means "in- between". As there is no moment of pleasure in-between, we say “abi”. O great King! If only a single person falls into this hell, the height of his body will measure 80,000 yojanas. It will fill [the place] up, and there will be no space there in-between. The body is surrounded all around and is subject to various pains. If there are many people, the bodies fill up, and there is no space in-between and nothing separates them. O great King! When one is in the cold hell, hot air will come for a moment, and this is a cause of pleasure; in the hot hell, a momentary blast of cold air becomes a cause of pleasure. One's life comes to an end in hell, but if one hears a living voice, it is restored. In Avichi Hell, such never occurs. O great King! There are four gates in Avichi Hell. Outside each gate there is a great fire which burns. It goes through everything, to east, west, south and north. Iron walls go all around for 8,000 yojanas. Above is an iron net; the ground, too, is made of iron. The fire passes from above to down below; it goes from bottom to top. O great King! This is like a fish on a frying pan whose fat and oil are burning. It is the same with the criminal, too. O great King! One who has committed one deadly sin has fully to suffer thus for one sin. One who has committed two deadly sins has to answer for two. If five, the sin goes [reaps] five times as much [pain]. O great King! I know that you will definitely have to experience your karmic results. Please speed to where the Buddha is. Other than the Buddha-World-Honoured One, no one can save you. I feel sorry. Hence, I urge you thus."
Then, on hearing this, fear overtook the king; a shudder ran through his whole body; his five limbs shook like a plantain. Looking up, he asked: " O you god! Who are you? You show no form; only your voice comes down." "O great King! I am your father, Bimbisara. You should now do as Jivaka tells you. Do not give ear to the twisted views of your ministers."
On hearing this, the king fell to the ground. The pain of his boils increased, and the bad smell became twice as great as before. Cold medicine was applied and smeared over his body. But the boils burned; the poison increased its heat. And there was no whit of decrease felt.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.161.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập