Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 27 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một - Phần một »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 27 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một - Phần một

Donate

(Lượt xem: 9.668)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 27 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một - Phần một

Lúc ấy, Phật bảo tất cả đại chúng: “Thiện nam tử! Nếu các ông còn hoài nghi những việc như có Phật hay không có Phật, có Pháp hay không có Pháp, có Tăng hay không có Tăng, có khổ hay không có khổ, có tập hay không có tập, có diệt hay không có diệt, có đạo hay không có đạo, có thật hay không có thật, có ngã hay không có ngã, có lạc hay không có lạc, có tịnh hay không có tịnh, có thường hay không có thường, có thừa hay không có thừa, có tánh hay không có tánh, có chúng sanh hay không có chúng sanh, có hiện hữu hay không có hiện hữu, có chân chánh hay không có chân chánh, có nhân hay không có nhân, có quả hay không có quả, có tạo tác hay không có tạo tác, có nghiệp hay không có nghiệp, có quả báo hay không có quả báo, nay cho phép các ông tùy ý thưa hỏi, ta sẽ vì các ông phân biệt giảng giải.

“Thiện nam tử! Ta thật không thấy có bất cứ ai, dù là trong hàng chư thiên, loài người, chúng ma, Phạm thiên, sa-môn hay bà-la-môn, có thể đến đây thưa hỏi mà ta không trả lời được.”

Bấy giờ, trong hội có một vị Bồ Tát tên là Sư Tử Hống liền đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, chỉnh trang y phục, dung mạo, đến lễ kính dưới chân Phật, rồi quỳ xuống chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Con vừa muốn hỏi, Như Lai đại từ đã đoái thương cho phép con được hỏi.”

Lúc ấy, Phật bảo Đại chúng rằng: “Các thiện nam tử! Nay các ông nên sanh lòng cung kính sâu xa, tôn trọng, ngợi khen xưng tán vị Bồ Tát này. Nên dùng mọi thứ hương hoa, kỹ nhạc, chuỗi ngọc, cờ phướn, lọng che, y phục, món ăn thức uống, mền gối, thuốc thang, phòng xá, điện đường mà cúng dường vị này, cung kính tiếp đón khi [vị này] đến và lễ tiễn khi [vị này] đi. Vì sao vậy? Vì người này đối trước chư Phật quá khứ đã từng trồng sâu căn lành, thành tựu phước đức, nên hôm nay mới đối trước mặt ta muốn cất tiếng [thỉnh pháp hùng hồn như tiếng] sư tử rống.

“Thiện nam tử! Như sư tử chúa tự biết sức của thân mình, [cùng với] sức của răng nanh, vuốt nhọn, liền ngồi xổm bốn chân trên đất, vững vàng trong động núi cao, đập đuôi và phát lên tiếng rống. Nếu có đủ những tướng như vậy, nên biết là có thể phát tiếng rống như sư tử.

“Nếu quả thật là chúa sư tử thì vừa rạng sáng đã ra khỏi động, duỗi thẳng mình, hả họng thật to, nhìn khắp bốn hướng, rồi vì mười một nguyên do mà phát tiếng rống lớn. Những gì là mười một nguyên do?

“Một là vì muốn phá trừ những loài chẳng phải sư tử mà giả làm sư tử.

“Hai là vì muốn thử sức lực của chính mình.

“Ba là vì muốn làm cho chỗ ở của mình được yên ổn [không bị quấy nhiễu].

“Bốn là vì muốn cho các sư tử con biết chỗ ở của mình.

“Năm là vì muốn cho cả bầy sư tử không có sự sợ sệt.

“Sáu là vì muốn cho những kẻ ngủ mê được tỉnh giấc.

“Bảy là vì muốn cho những con thú lười nhác thôi không lười nhác nữa.

“Tám là vì muốn cho các loài thú đều đến nương dựa với mình.

“Chín là vì muốn điều phục những con voi tơ sung sức to lớn.

“Mười là vì muốn dạy bảo con cái.

“Mười một là vì muốn tạo sự oai nghiêm cho quyến thuộc của mình.

“Tất cả cầm thú khi nghe tiếng sư tử rống thì loài ở dưới nước liền lặn xuống vực sâu, loài sống trên cạn liền chạy núp vào hang động, loài bay trên không liền rơi xuống, những con voi tơ sung sức to lớn đều sợ chạy vãi cả phẩn!

“Này các thiện nam tử! Như loài chồn hoang dù đi theo sư tử đến cả trăm năm cũng không thể rống được như sư tử. Nếu là sư tử con thì vừa đủ ba tuổi đã có thể gầm rống như sư tử chúa.

“Thiện nam tử! Như Lai có Chánh giác, trí tuệ là nanh vuốt, Bốn như ý là chân, Sáu Ba-la-mật là thân đầy đủ, Mười sức hùng mạnh, Đại bi là đuôi, an trụ nơi Bốn thiền là hang động thanh tịnh, nên vì chúng sanh phát tiếng [thuyết pháp hùng hồn như] sư tử rống, phá dẹp binh ma, chỉ bày cho đại chúng Mười sức, rộng mở công hạnh Phật, vì những kẻ tà kiến làm chỗ [cho họ] quay về nương tựa; an ủi vỗ về những kẻ sợ sệt trong vòng sanh tử; giác ngộ những chúng sanh ngủ mê trong vô minh; khiến cho những kẻ làm việc ác phải sanh lòng hối tiếc.

“Vì muốn khai mở chỉ bày cho tất cả những chúng sanh tà kiến biết rằng [sự giảng thuyết của] bọn sáu thầy ngoại đạo không phải tiếng sư tử rống; vì muốn phá tan lòng kiêu mạn của bọn Phú-lan-na; vì muốn làm cho những người trong hàng Nhị thừa sanh lòng tự hối [mà quay sang Đại thừa]; vì muốn dạy cho các vị Bồ Tát trong hàng Ngũ trụ sanh tâm Đại lực; vì muốn làm cho Bốn bộ chúng có chánh kiến không sanh lòng sợ sệt đối với những đệ tử tà kiến; nên [vị sư tử chúa Như Lai] từ nơi hang động là Thánh hạnh, Phạm hạnh và Thiên hạnh duỗi thẳng mình đi ra; vì muốn cho tất cả chúng sanh phá tan lòng kiêu mạn nên hả miệng thật to; vì muốn cho chúng sanh khởi sanh các pháp lành, nên quay nhìn khắp bốn hướng; vì muốn chúng sanh được Bốn vô ngại nên ngồi xổm bốn chân trên mặt đất; vì muốn chúng sanh an trụ đầy đủ trong Trì giới Ba-la-mật nên phát tiếng rống như sư tử.

“Tiếng rống như sư tử có nghĩa là giảng thuyết một cách rõ ràng chắc chắn: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; Như Lai là thường trụ không hề biến đổi.’

“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác dù đi theo Như Lai Thế Tôn cho đến vô lượng trăm ngàn a-tăng-kỳ kiếp cũng không thể [thuyết pháp hùng hồn như] tiếng sư tử rống. Hàng Bồ Tát Thập trụ nếu tu hành Ba hạnh như trên, nên biết là có thể phát ra tiếng [thuyết pháp hùng hồn như] như sư tử rống.

“Các thiện nam tử! Đại Bồ Tát Sư Tử Hống đây, nay muốn làm đại sư tử phát tiếng rống lớn như vậy. Cho nên các ông phải hết lòng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen xưng tán.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Sư Tử Hống: “Thiện nam tử! Nếu ông muốn hỏi, nay có thể tùy ý hỏi.”

Bồ Tát Ma-ha-tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Thế nào là tánh Phật? Vì nghĩa gì mà gọi là tánh Phật? Sao lại gọi là thường, lạc, ngã, tịnh? Nếu tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, vì sao không thấy được tánh Phật của tất cả chúng sanh? Hàng Bồ Tát Thập trụ trụ ở những pháp nào mà không thấy được [tánh Phật] một cách rõ ràng? Chư Phật trụ ở những pháp nào mà thấy được [tánh Phật] rõ ràng? Bồ Tát Thập trụ dùng con mắt nào mà không thấy được [tánh Phật] một cách rõ ràng? Chư Phật dùng con mắt nào mà thấy được [tánh Phật] rõ ràng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Nếu ai có thể vì pháp thưa hỏi, người ấy ắt có đủ hai sự trang nghiêm: một là trí tuệ, hai là phước đức. Bồ Tát nào có đủ hai sự trang nghiêm ấy ắt rõ biết được tánh Phật, cũng rõ biết được vì sao gọi là tánh Phật, cho đến có thể biết rằng Bồ Tát Thập trụ dùng mắt gì để thấy, chư Phật Thế Tôn dùng mắt gì để thấy.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là trí tuệ trang nghiêm? Thế nào gọi là phước đức trang nghiêm?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trí tuệ trang nghiêm là nói từ Địa vị thứ nhất cho tới Địa vị thứ mười [của hàng Bồ Tát]. Đó gọi là trí tuệ trang nghiêm. Phước đức trang nghiêm là nói từ Bố thí Ba-la-mật cho tới Bát-nhã, [nhưng] không phải Bát-nhã Ba-la-mật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Trí tuệ trang nghiêm là nói chư Phật, Bồ Tát. Phước đức trang nghiêm là nói hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát trụ ở chín địa vị đầu tiên.

“Lại nữa, thiện nam tử! Phước đức trang nghiêm là hữu vi, hữu lậu, có quả báo, có chướng ngại, chẳng phải thường, là pháp phàm phu. Trí tuệ trang nghiêm là vô vi, vô lậu, không có quả báo, không có chướng ngại, là thường trụ.

“Thiện nam tử! Nay ông có đủ hai sự trang nghiêm ấy nên mới có thể thưa hỏi nghĩa lý sâu thẳm nhiệm mầu. Ta cũng có đủ hai sự trang nghiêm ấy nên mới có thể giải đáp nghĩa này.”

Bồ Tát Ma-ha-tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào đầy đủ hai sự trang nghiêm như vậy, ắt không nên thưa hỏi về một việc, hai việc. Vì sao Thế Tôn nói rằng có thể giải đáp một việc, hai việc? Vì lẽ gì? Vì tất cả các pháp không có [sự phân chia thành] một việc, hai việc. Nếu có [sự phân chia thành] một việc, hai việc, đó là tướng phàm phu.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát nào không có [đủ] hai sự trang nghiêm, ắt không thể rõ biết về [lẽ] một việc, hai việc. Nếu Bồ Tát nào có đủ hai sự trang nghiêm mới [có thể] rõ biết về [lẽ] một việc, hai việc.

“Nếu nói rằng các pháp không có [sự phân biệt] một, hai; nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu [các pháp] không có [sự phân biệt] một, hai, làm sao có thể nói rằng tất cả các pháp là không có một, không có hai?

“Thiện nam tử! Nếu ai nói rằng: ‘Một, hai là tướng phàm phu’, đó phải gọi là Bồ Tát Thập trụ, chẳng phải hạng phàm phu. Vì sao vậy? Một, gọi là Niết-bàn; hai, gọi là sanh tử.

“Vì sao một gọi là Niết-bàn? Vì đó là thường. Vì sao hai gọi là sanh tử? Vì đó là tham ái, vô minh.

“Sự thường tồn của Niết-bàn chẳng phải tướng phàm phu; sự [phân] hai của sanh tử cũng chẳng phải tướng phàm phu. Vì nghĩa ấy, người có đầy đủ hai sự trang nghiêm thì có thể hỏi, có thể đáp.

“Thiện nam tử! Ông có hỏi: ‘Thế nào là tánh Phật?’ Hãy lắng nghe, lắng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói.

“Thiện nam tử! Tánh Phật gọi là nghĩa Không theo đệ nhất nghĩa. Nghĩa Không theo đệ nhất nghĩa gọi là trí tuệ. Chỗ nói không đó là không thấy cả cái không và chẳng phải không.

“Người trí vẫn thấy cả cái không và chẳng phải không, thường và vô thường, khổ và vui, vô ngã và ngã. Không là tất cả các pháp trong sanh tử; chẳng phải không là Đại Niết-bàn... cho đến vô ngã là sanh tử; ngã là Đại Niết-bàn.

“[Nếu] thấy tất cả là không mà không thấy chỗ chẳng phải không, như vậy không gọi là trung đạo. Cho đến [nếu] thấy tất cả là vô ngã mà không thấy ngã cũng không gọi là trung đạo.

“Trung đạo gọi là tánh Phật. Vì nghĩa ấy, tánh Phật là thường hằng, không hề biến đổi, chỉ vì vô minh che lấp nên chúng sanh không thể thấy được.

“Hàng Thanh văn, Duyên giác thấy tất cả là không mà không thấy chỗ chẳng phải không; cho đến thấy tất cả là vô ngã mà không thấy [có chân] ngã. Vì nghĩa ấy, họ không đạt được nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. Vì không đạt được nghĩa không theo đệ nhất nghĩa nên họ không thực hành trung đạo. Vì không [thực hành] trung đạo nên không thấy được tánh Phật.

“Thiện nam tử! Có ba hạng [người] không thấy được trung đạo. Một là [những người] theo hạnh lúc nào cũng vui, hai là [những người] theo hạnh lúc nào cũng khổ, ba là [những người] theo hạnh có khổ có vui.

“Tu theo hạnh lúc nào cũng vui chính là các vị Đại Bồ Tát. Vì thương xót tất cả chúng sanh nên tuy vào địa ngục A-tỳ vẫn luôn vui thích như ở cõi trời Tam thiền.

“Trường hợp lúc nào cũng khổ là nói tất cả những người phàm phu.

“Tu theo hạnh có khổ có vui là hàng Thanh văn, Duyên giác. Hàng Thanh văn, Duyên giác tu tập theo hạnh có khổ có vui, [lầm] cho đó là trung đạo. Vì nghĩa ấy nên tuy [họ] có tánh Phật nhưng không thể thấy được.

“Như lời ông hỏi: ‘Vì nghĩa gì mà gọi là tánh Phật?’ Thiện nam tử! Tánh Phật là hạt giống trung đạo dẫn đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của tất cả chư Phật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đạo có ba hạng, đó là bậc thấp, bậc cao và khoảng giữa.

“Bậc thấp là [những người đối với] Phạm thiên vô thường mà sai lầm thấy là thường.

“Bậc cao là [những người đối với] sanh tử vô thường mà sai lầm thấy là thường; Tam bảo là thường mà sai lầm cho là vô thường.

“Vì sao gọi đó là bậc cao? Vì [những người ấy] có khả năng đạt đến quả tối thượng là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Đạo thuộc về khoảng giữa là nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. [Đó là những người] đối với vô thường thấy biết là vô thường, thường thấy biết là thường.

“[Người hiểu] nghĩa không theo đệ nhất nghĩa chẳng gọi là bậc thấp. Vì sao vậy? Vì tất cả phàm phu không thể đạt đến. Cũng chẳng gọi là bậc cao. Vì sao vậy? Vì [gọi như thế] tức là [thuộc về] bậc cao [theo nghĩa nói trên]. Đạo của chư Phật và Bồ Tát tu hành không phải bậc cao, không phải bậc thấp, vì nghĩa ấy nên gọi là trung đạo.

“Lại nữa, thiện nam tử! Cội gốc của sanh tử có hai loại, một là vô minh, hai là tham ái. Ở giữa hai thứ [vô minh và tham ái] này ắt phải có những nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết. [Thấy biết] như vậy gọi là trung đạo. Trung đạo như thế có thể phá trừ sanh tử, nên gọi là trung. Vì nghĩa ấy nên pháp trung đạo gọi là tánh Phật.

“Vì thế, tánh Phật là thường, lạc, ngã, tịnh; chúng sanh vì không thể thấy được [tánh Phật] nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh; nhưng tánh Phật thật không phải là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.

“Thiện nam tử! Ví như trong nhà người nghèo khổ có một kho báu, nhưng người ấy không thấy biết. Vì không thấy biết nên [phải chịu bần cùng khốn khổ, ví như chúng sanh] chỉ biết vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Rồi có vị thiện tri thức đến bảo người ấy rằng: ‘Trong nhà ông có kho báu, vì sao phải chịu bần cùng khốn khổ, không có những sự thường, lạc, ngã, tịnh?’ [Vị thiện tri thức này] liền dùng phương tiện khiến cho người ấy được thấy biết. Sau khi thấy biết rồi, người ấy liền được [giàu có sung sướng, ví như chúng sanh đạt được] thường, lạc, ngã, tịnh.

“Tánh Phật cũng giống như vậy, chúng sanh không thấy được. Vì không thấy được tánh Phật nên chỉ biết là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nhờ có bậc thiện tri thức là chư Phật, Bồ Tát dùng sức phương tiện với nhiều cách dạy bảo, khiến cho chúng sanh thấy được tánh Phật. Sau khi thấy được tánh Phật rồi, chúng sanh liền đạt được thường, lạc, ngã, tịnh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Chỗ thấy biết của chúng sanh khởi lên gồm có hai loại: một là thường kiến, hai là đoạn kiến. Hai cách thấy biết ấy không gọi là trung đạo. Không phải thường cũng không phải đoạn mới gọi là trung đạo. Không phải thường cũng không phải đoạn tức là trí tuệ quán chiếu Mười hai nhân duyên. Trí tuệ quán chiếu ấy gọi là tánh Phật.

“Hàng Nhị thừa tuy cũng quán xét nhân duyên nhưng chưa được gọi là tánh Phật.

“Tánh Phật tuy là thường nhưng vì chúng sanh bị vô minh che lấp nên không thể thấy được. Chúng sanh lại cũng như con thỏ, con ngựa, chưa đủ sức lội qua dòng sông lớn Mười hai nhân duyên. Vì sao vậy? Vì không thấy được tánh Phật.

“Thiện nam tử! Trí tuệ quán chiếu Mười hai nhân duyên đó chính là hạt giống A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy, Mười hai nhân duyên được gọi là tánh Phật. Thiện nam tử! Ví như có loại dưa chuột được gọi là ‘bệnh nhiệt’. Vì sao vậy? Vì loại dưa ấy có thể là nguyên nhân gây bệnh nhiệt. Mười hai nhân duyên cũng thế, [có thể là nguyên nhân dẫn đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên được gọi là tánh Phật.]

“Thiện nam tử! Tánh Phật có nhân, lại có nhân của nhân; có quả và có quả của quả.

“Nhân của tánh Phật là Mười hai nhân duyên. Nhân của nhân ấy là trí tuệ.

“Quả của tánh Phật là [quả vị] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Quả của quả ấy là Vô thượng Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như vô minh là nhân, các hành là quả; hành là nhân, thức là quả... Vì nghĩa ấy nên thể của vô minh ấy là nhân, mà cũng là nhân của nhân; thức là quả, mà cũng là quả của quả. Tánh Phật cũng thế.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên Mười hai nhân duyên là không hiện ra, không diệt mất, không thường không đoạn, chẳng một chẳng hai, chẳng đến chẳng đi, không phải nhân không phải quả.

“Thiện nam tử! Có trường hợp là nhân mà không phải quả, chẳng hạn như tánh Phật. Có trường hợp là quả mà không phải nhân, chẳng hạn như Đại Niết-bàn. Có trường hợp vừa là nhân, vừa là quả, chẳng hạn như các pháp sanh bởi Mười hai nhân duyên.

“Không phải nhân không phải quả gọi là tánh Phật. Vì không phải nhân quả nên thường hằng, không biến đổi.

“Vì nghĩa ấy nên trong các kinh ta dạy rằng ý nghĩa [rốt ráo] của Mười hai nhân duyên là rất sâu xa, không thể biết, không thể thấy, không thể suy xét. Đó là cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể đạt đến.

“Vì nghĩa gì mà hết sức sâu xa? Hành vi tạo nghiệp của chúng sanh là không thường không đoạn, nhưng [thật] có quả báo; tuy mỗi một ý niệm đều liên tục theo nhau diệt mất, nhưng [thật] không có gì mất đi; tuy không có người tạo tác, nhưng [thật] có nghiệp được tạo ra; tuy không có người thọ lãnh, nhưng [thật] có quả báo; người thọ báo tuy mất đi nhưng quả báo [thật] không hề mất; [tuy] không có sự toan tính nhận biết nhưng tự hòa hợp [các nhân duyên] mà có.

“Tất cả chúng sanh tuy sống trong Mười hai nhân duyên nhưng không thấy biết. Vì không thấy biết nên [mãi mãi luân chuyển,] không có khởi đầu, không có kết thúc.

“Hàng Bồ Tát Thập trụ chỉ thấy chỗ kết thúc mà không thấy được chỗ khởi đầu. Chư Phật Thế Tôn thấy rõ chỗ khởi đầu, chỗ kết thúc. Vì nghĩa ấy, chư Phật thấy được tánh Phật một cách rõ ràng.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh vì không thấy rõ được Mười hai nhân duyên nên phải chịu luân chuyển [mãi mãi trong sanh tử].

“Thiện nam tử! Ví như con tằm tạo ra cái kén, tự nó sanh ra, tự nó chết đi. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, vì không thấy tánh Phật nên tự tạo nghiệp trói buộc, luân chuyển mãi trong sanh tử, khác nào như trái cầu [bị người chơi đánh qua lại mãi]!

“Thiện nam tử! Cho nên trong các kinh ta có dạy rằng: ‘Ai thấy được Mười hai nhân duyên tức thấy Chánh pháp. Thấy Chánh pháp tức là thấy Phật.’ Phật, đó chính là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì hết thảy chư Phật đều lấy đó làm tánh.

“Thiện nam tử! Trí tuệ quán chiếu Mười hai nhân duyên có bốn bậc: bậc thấp, bậc vừa, bậc cao và bậc cao nhất.

“Trí tuệ quán chiếu bậc thấp không thấy được tánh Phật. Vì không thấy [tánh Phật] nên [người tu] chỉ đạt đến quả Thanh văn mà thôi.

“Trí tuệ quán chiếu bậc vừa cũng không thấy được tánh Phật. Vì không thấy [tánh Phật] nên [người tu] chỉ đạt đến quả vị Duyên giác.

“Trí tuệ quán chiếu bậc cao tuy thấy tánh Phật nhưng không thật rõ ràng. Vì thấy [tánh Phật] không thật rõ ràng nên [người tu] trụ ở hàng [Bồ Tát] Thập trụ.

“Trí tuệ quán chiếu bậc cao nhất thấy được tánh Phật một cách rõ ràng nên đạt được đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Vì nghĩa ấy nên Mười hai nhân duyên gọi là tánh Phật. Tánh Phật tức là nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. Nghĩa không theo đệ nhất nghĩa gọi là trung đạo. Trung đạo gọi là Phật. Phật gọi là Niết-bàn.”

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Phật và tánh Phật chẳng khác gì nhau thì tất cả chúng sanh cần gì phải tu hành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông hỏi như vậy là không hợp lý. Tuy Phật và tánh Phật chẳng khác gì nhau, nhưng tất cả chúng sanh thảy đều chưa được đầy đủ.

“Thiện nam tử! Ví như có người sanh lòng ác giết hại mẹ. Giết mẹ rồi mới sanh tâm hối cải. Bấy giờ, tuy Ba nghiệp đều lành, nhưng vẫn gọi là người của địa ngục. Vì sao vậy? Vì chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục. Tuy các ấm, nhập, giới [tạo thành] người ấy hiện không ở trong địa ngục, nhưng vẫn gọi là người của địa ngục.

“Thiện nam tử! Cho nên trong các kinh ta có dạy: ‘Nếu thấy người tu hành điều thiện, đó gọi là thấy chư thiên và loài người; nếu thấy kẻ làm điều ác, đó gọi là thấy địa ngục.’ Vì sao vậy? Vì chắc chắn sẽ thọ quả báo [tương ứng như vậy].

“Thiện nam tử! Vì tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên ta nói: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Nhưng thật ra tất cả chúng sanh đều chưa có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp... Vì nghĩa ấy nên trong kinh này ta có nói kệ:

Vốn là có mà nay thành không,
Vốn là không mà nay thành có;
Nếu nói trong Ba đời có pháp,
Thật không thể có nghĩa như thế!

“Thiện nam tử! Về pháp có, chia ra ba loại: một là có trong tương lai, hai là có trong hiện tại, ba là có trong quá khứ.

“Tất cả chúng sanh trong tương lai đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó gọi là tánh Phật.

“Tất cả chúng sanh trong hiện tại đều có phiền não trói buộc, cho nên hiện nay không có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.

“Tất cả chúng sanh trong quá khứ đều có dứt trừ phiền não, nhờ vậy nên trong hiện tại được thấy tánh Phật.

“Vì nghĩa ấy, ta thường dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; cho đến hạng nhất-xiển-đề cũng có tánh Phật.’

“Hạng nhất-xiển-đề không có pháp lành, nhưng tánh Phật vẫn là lành, vì trong tương lai sẽ có [pháp lành].

“Tất cả hạng nhất-xiển-đề đều có tánh Phật. Vì sao vậy? Vì hạng nhất-xiển-đề chắc chắn rồi cũng sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Ví như trong nhà người kia hiện có kem sữa. Có người hỏi: ‘Ông có bơ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Tôi có.’ Kem sữa thật không phải là bơ, nhưng người ấy phương tiện khéo léo biết chắc mình có thể làm ra được nên đáp là có bơ.

“Chúng sanh cũng vậy, hết thảy đều có tâm. Đã có tâm thì chắc chắn sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên ta thường dạy: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Về chỗ tất cánh có hai loại, một là tất cánh trang nghiêm, hai là tất cánh cứu cánh; hoặc một là tất cánh thế gian, hai là tất cánh xuất thế.

“Tất cánh trang nghiêm là sáu pháp ba-la-mật; tất cánh cứu cánh là chỗ đạt được giáo pháp cao trổi nhất của tất cả chúng sanh. Giáo pháp cao nhất gọi là tánh Phật. Vì nghĩa ấy, nên ta dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Tất cả chúng sanh đều có giáo pháp cao trổi nhất, nhưng vì vô minh che lấp nên không thấy.

“Thiện nam tử! Chúng sanh ở cõi này vì bị quả báo che lấp nên không thể thấy châu Uất-đan-việt và cõi trời Ba mươi ba. Cũng giống như vậy, chúng sanh bị các phiền não che lấp nên không thấy tánh Phật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Tánh Phật tức là Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Tánh ấy ví như đề-hồ, tức là mẹ của hết thảy chư Phật. Nhờ sức của Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm nên khiến cho chư Phật được thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả chúng sanh cũng đều có Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm nhưng vì không tu hành nên không thấy được, và vì thế mà không thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm có năm tên gọi. Một là Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, hai là Bát-nhã Ba-la-mật, ba là Tam-muội Kim cang, bốn là Tam-muội Sư tử hống, năm là tánh Phật. Tùy theo công năng ở mỗi nơi mà có tên gọi khác nhau.

“Thiện nam tử! Như một tam-muội có rất nhiều tên. Như thiền gọi là tứ thiền; căn gọi là định căn; lực gọi là định lực; giác gọi là định giác; chánh gọi là chánh định; bát đại nhân giác gọi là định giác. Phép định Thủ-lăng-nghiêm cũng vậy.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có đủ ba mức định: bậc cao, bậc trung và bậc thấp.

“Bậc cao là nói tánh Phật. Vì vậy ta nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Bậc trung là nói tất cả chúng sanh đều có định lực ở mức Sơ thiền, khi gặp nhân duyên liền có thể tu tập; nếu không có nhân duyên thì không thể tu. Nhân duyên có hai loại, một là gặp hỏa tai, hai là dứt trừ được những phiền não trói buộc trong Dục giới. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có đủ định lực bậc trung.’

“Bậc thấp là nói nhiều mức định khác nhau của tâm trong Mười đại địa. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có đủ định lực bậc thấp.’

“Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng vì phiền não che lấp nên không thấy được. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy thấy được giáo pháp cao trổi nhất [là tánh Phật], nhưng không biết được Như Lai là pháp thường trụ. Vì vậy nên nói rằng: ‘Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy thấy tánh Phật nhưng không thật rõ ràng.’

“Thiện nam tử! Thủ-lăng-nghiêm có nghĩa là ‘hết thảy mọi việc đều hoàn tất rốt ráo’. Nghiêm có nghĩa là kiên cố. Hết thảy mọi việc đều hoàn tất rốt ráo và được kiên cố, nên gọi là Thủ-lăng-nghiêm. Cho nên nói rằng: ‘Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm gọi là tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Thuở trước, khi ta ở bên bờ sông Ni-liên-thiền có bảo A-nan rằng: ‘Nay ta muốn tắm, ông hãy cầm áo và mang nước làm sạch đến.’ Khi ta đã xuống nước, tất cả những loài chim bay, các loài dưới nước, trên cạn đều tụ tập đến để chiêm ngưỡng thân ta. Khi ấy lại có năm trăm Phạm-chí cũng vừa đến bờ sông. Nhân khi đến chỗ ta, họ bảo nhau rằng: ‘[Ông ấy] làm sao lại được thân kim cang [tốt đẹp đến] như thế? Giá như ông Cồ-đàm ấy không thuyết lẽ đoạn kiến ắt chúng ta sẽ theo ông ấy mà thỉnh thọ giáo pháp.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta dùng Tha tâm trí biết được suy nghĩ của các Phạm-chí ấy, liền hỏi họ rằng: ‘Vì sao các ông cho rằng ta thuyết lẽ đoạn kiến?’

“Vị Phạm-chí ấy đáp: ‘Trước đây, khi giảng kinh ngài luôn nói rằng tất cả chúng sanh đều không có ngã. Đã nói là vô ngã, sao còn nói không phải đoạn kiến? Nếu là vô ngã thì ai là người giữ giới, ai là người phá giới?’

“Ta đáp: ‘Ta không chỉ nói ‘Tất cả chúng sanh đều không có ngã’, ta còn tuyên thuyết: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật’. Tánh Phật đó, há chẳng phải ngã sao? Vì nghĩa ấy, ta không hề thuyết lẽ đoạn kiến. Tất cả chúng sanh vì không thấy tánh Phật cho nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Như vậy mới gọi là thuyết lẽ đoạn kiến.’

“Khi ấy, các Phạm-chí nghe nói tánh Phật tức là ngã, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tức thời xuất gia tu học đạo Bồ-đề. Tất cả các loài chim bay cùng các loài dưới nước, trên cạn cũng đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Phát tâm rồi, liền được xả bỏ thân cầm thú.

“Thiện nam tử! Tánh Phật ấy thật chẳng phải ngã, nhưng vì chúng sanh nên gọi đó là ngã.

“Thiện nam tử! Vì có nhân duyên nên Như Lai nói vô ngã là ngã, nhưng thật ra đó là vô ngã. Tuy nói như vậy nhưng không có sự hư dối.

“Thiện nam tử! Vì có nhân duyên nên nói ngã là vô ngã, nhưng quả thật đó là ngã. Tuy nói vô ngã nhưng vì [tùy thuận] thế gian nên không hề có sự hư dối.

“Tánh Phật là vô ngã, Như Lai nói là ngã, vì [tánh Phật] đó là thường.

“Như Lai là ngã nhưng nói là vô ngã, vì [Như Lai đã] được [hoàn toàn tự do] tự tại.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, cũng như lực sĩ kim cang, vì sao tất cả chúng sanh lại không thấy được?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như hình sắc tuy có xanh, vàng, đỏ, trắng khác nhau, hoặc hình dáng dài, ngắn... nhưng người mù không thấy được. Cho dù [người mù] không thấy nhưng cũng không thể nói rằng không có những màu xanh, vàng, đỏ, trắng hoặc hình dạng dài, ngắn... khác nhau. Vì sao vậy? Vì người mù tuy không thấy nhưng người sáng mắt vẫn thấy.

“Tánh Phật cũng vậy. Tất cả chúng sanh tuy không thấy được, nhưng Bồ Tát Thập trụ thấy được một phần nhỏ; đức Như Lai thấy được trọn vẹn. Bồ Tát Thập trụ thấy tánh Phật ví như người ta thấy hình sắc vào ban đêm; đức Như Lai thấy tánh Phật rõ ràng như người ta thấy hình sắc vào ban ngày.

“Thiện nam tử! Ví như mắt bệnh kéo mây thì nhìn thấy hình sắc không rõ. Gặp thầy thuốc giỏi trị liệu cho mắt; nhờ tác dụng của thuốc liền được thấy rõ ràng. Bồ Tát Thập trụ cũng vậy, tuy thấy tánh Phật nhưng không thật rõ, nhờ tác dụng của Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm nên mới thấy được rõ ràng.

“Thiện nam tử! Nếu ai thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, lại thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp cũng là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, người ấy không thấy được tánh Phật.

“Tất cả các pháp đó gọi là sanh tử; không thuộc về tất cả các pháp đó gọi là Tam bảo.

“Hàng Thanh văn, Duyên giác thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; lại thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp cũng là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Vì nghĩa ấy họ không thấy tánh Phật.

“Hàng Bồ Tát Thập trụ thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp có một phần là thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nghĩa ấy, trong mười phần tánh Phật liền thấy được một phần.

“Chư Phật Thế Tôn thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh. Do đó các ngài thấy rõ tánh Phật như người ta nhìn trái a-ma-lặc đặt trong lòng bàn tay. Vì nghĩa ấy nên phép định Thủ-lăng-nghiêm gọi là hoàn tất rốt ráo.

“Thiện nam tử! Ví như mặt trăng trong đêm đầu tháng, tuy không thể nhìn thấy nhưng không thể nói là không có. Tánh Phật cũng thế, tất cả phàm phu tuy không thấy được nhưng không thể nói rằng không có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Tánh Phật đó là nói Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ba chỗ niệm của tâm đại bi. Tất cả chúng sanh đều có ba thứ ấy; nếu phá trừ hết phiền não sẽ được thấy tánh Phật. Hạng nhất-xiển-đề thì sau khi phá trừ tánh nhất-xiển-đề mới có thể đạt được Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ba chỗ niệm của tâm đại bi. Vì nghĩa ấy, ta thường tuyên thuyết: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có đủ Mười hai nhân duyên, cả trong lẫn ngoài. Những gì là mười hai?

“Phiền não đời quá khứ gọi là vô minh.

“Nghiệp đời quá khứ gọi là hành.

“Lúc mới thọ thai trong đời hiện tại này gọi là thức.

“Vào thai năm phần, bốn căn chưa đủ, gọi là danh sắc.

“Bốn căn đầy đủ lúc chưa xúc chạm thì gọi là lục nhập.

“[Tiếp cận trần cảnh mà] chưa phân biệt khổ, vui gọi là xúc.

“Quen nhiễm huân tập sự ưa mến, đó gọi là thọ.

“Gần gũi ưa muốn năm dục, đó gọi là ái.

“Tham cầu [những đối tượng] bên trong và bên ngoài, đó gọi là thủ.

“Vì các sự việc bên trong và bên ngoài mà khởi lên ba nghiệp thân, khẩu và ý, đó gọi là hữu.

“Thức của đời hiện tại chuyển sang đời sống kế tiếp gọi là sanh.

“Các yếu tố danh sắc, lục nhập, xúc, thọ của đời hiện tại [chấm dứt để] chuyển sang đời sống kế tiếp gọi là lão bệnh tử.

“Đó gọi là Mười hai nhân duyên.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tuy có Mười hai nhân duyên như vậy, nhưng cũng có những chúng sanh không đầy đủ. Như những đứa trẻ chết khi còn ở trong thai ắt không có đủ Mười hai nhân duyên. Trải từ lúc sanh ra cho đến khi [già] chết thì có đủ Mười hai nhân duyên.

“Chúng sanh Sắc giới không có ba loại thọ, ba loại xúc, ba loại ái, không có lão bệnh, nhưng cũng gọi là đủ Mười hai nhân duyên. Chúng sanh Vô sắc giới không có từ [danh] sắc cho đến lão bệnh, nhưng cũng gọi là đủ Mười hai nhân duyên. Vì lẽ nhất định [rồi sẽ] có [trong luân hồi]. Vì những lẽ đó nên nói là tất cả chúng sanh đều có đủ Mười hai nhân duyên bình đẳng như nhau.

“Thiện nam tử! Tánh Phật cũng thế. Vì lẽ tất cả chúng sanh nhất định rồi sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên ta nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Trên Tuyết sơn có một thứ cỏ gọi là nhẫn nhục. Bò ăn cỏ ấy thì vắt sữa ra thành đề-hồ. Lại có những loại cỏ khác, nếu bò ăn vào thì vắt sữa không thành đề-hồ. Tuy [vắt sữa bò ra] không thành đề-hồ, nhưng cũng không thể [vì thế mà] nói là Tuyết sơn không có cỏ nhẫn nhục.

“Tánh Phật cũng thế. Tuyết sơn ví như Như Lai, cỏ nhẫn nhục ví như kinh Đại Niết-bàn, những cỏ khác ví như Mười hai bộ kinh. Nếu chúng sanh có thể nghe và thọ nhận, thưa hỏi về kinh Đại Bát Niết-bàn, ắt sẽ thấy được tánh Phật. Trong Mười hai bộ kinh tuy không nghe nói có tánh Phật, nhưng cũng không thể [vì thế mà] nói rằng không có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Tánh Phật vừa là sắc, vừa chẳng phải sắc, vừa không phải sắc cũng không chẳng phải sắc; vừa là tướng, vừa chẳng phải tướng, vừa chẳng phải tướng cũng không chẳng phải tướng; vừa là duy nhất, vừa không duy nhất, vừa không duy nhất cũng không chẳng phải duy nhất; vừa không phải thường, vừa không phải đoạn, vừa không phải chẳng thường, không phải chẳng đoạn; vừa có, vừa không, vừa chẳng phải có, chẳng phải không; vừa dứt mất, vừa chẳng dứt mất, vừa chẳng phải dứt mất cũng chẳng phải không dứt mất; vừa là nhân, vừa là quả, vừa chẳng phải nhân cũng chẳng phải quả; vừa là nghĩa lý vừa không phải nghĩa lý, vừa không phải nghĩa lý cũng không chẳng phải nghĩa lý; vừa là văn tự, vừa không phải văn tự, vừa không phải văn tự cũng không chẳng phải văn tự; vừa là khổ, vừa là vui, vừa chẳng phải khổ cũng chẳng phải vui; vừa là ngã, vừa không phải ngã, vừa không phải ngã cũng không chẳng phải ngã; vừa là không, vừa chẳng phải không, vừa không phải không cũng không chẳng phải không.

“Vì sao [tánh Phật] là sắc? Vì [chư Phật] có thân kim cang. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải sắc? Vì Mười tám pháp bất cộng [của chư Phật] không thuộc về sắc pháp. Vì sao [tánh Phật] là không phải sắc cũng không chẳng phải sắc? Vì sắc và chẳng phải sắc đều không có tướng nhất định.

“Vì sao [tánh Phật] là tướng? Vì [chư Phật] có Ba mươi hai tướng tốt. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải tướng? Vì những tướng ấy không hiện ra ở tất cả chúng sanh. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải tướng cũng không chẳng phải tướng? Vì tướng và chẳng phải tướng đều không [có sự] quyết định chắc chắn.

“Vì sao [tánh Phật] là duy nhất? Vì tất cả chúng sanh chỉ [hướng theo] một thừa duy nhất mà thôi. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải duy nhất? Vì [Như Lai phương tiện] thuyết giảng thành Ba thừa. Thế nào là không duy nhất cũng không chẳng phải duy nhất? Vì có vô số pháp.

“Vì sao [tánh Phật] là không phải thường? Vì [chúng sanh] do duyên mà thấy [được tánh Phật]. Vì sao [tánh Phật] là không phải đoạn? Vì [tánh Phật] lìa khỏi đoạn kiến. Vì sao [tánh Phật] là không phải chẳng thường cũng không phải chẳng đoạn? Vì [tánh Phật] không có khởi đầu, không có kết thúc.

“Vì sao [tánh Phật] là có? Vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì sao [tánh Phật] là không? Vì [chúng sanh] phải nhờ phương tiện mới thấy được [tánh Phật]. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải có, chẳng phải không? Vì [tánh Phật đồng] như tánh hư không.

“Vì sao [tánh Phật] là dứt mất? Vì [thấy tánh Phật là] đạt được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải dứt mất? Vì tánh Phật là thường. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải dứt mất cũng chẳng phải không dứt mất? Vì [thấy tánh Phật là] đã trừ bỏ tất cả các tướng dứt mất.

“Vì sao [tánh Phật] là nhân? Vì [thấy tánh Phật là] đã thấu rõ được nhân. Vì sao [tánh Phật] là quả? Vì [thấy tánh Phật là] đã quyết định chắc chắn. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải nhân chẳng phải quả? Vì tánh Phật là thường.

“Vì sao [tánh Phật] là nghĩa lý? Vì [thấy tánh Phật là] có thể nắm bắt nghĩa lý một cách không ngăn ngại. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải nghĩa lý? Vì không thể [dùng lời lẽ để] giảng thuyết [tánh Phật]. Vì sao [tánh Phật] là không phải nghĩa lý cũng không chẳng phải nghĩa lý? Vì [xét đến chỗ] rốt ráo [thì tất cả] đều là không.

“Vì sao [tánh Phật] là văn tự? Vì [tánh Phật] có tên gọi. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải văn tự? Vì [tên gọi đó cũng chỉ là] gọi tên cái không tên. Thế nào là không phải văn tự cũng không chẳng phải văn tự? Vì [thấy tánh Phật là] đã dứt trừ hết thảy văn tự.

“Vì sao [tánh Phật] là vừa khổ, vừa vui? Vì các cảm thọ đều do duyên mà sanh khởi. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải khổ cũng chẳng phải vui? Vì đã dứt trừ hết thảy mọi cảm thọ.

“Vì sao [tánh Phật] là ngã? Vì tánh Phật là thường. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải ngã? Vì [thấy tánh Phật rồi nhưng vẫn] chưa được đầy đủ tám đức tự tại. Vì sao [tánh Phật] là không phải ngã cũng không chẳng phải ngã? Vì [tánh Phật là] không tạo tác, không lãnh chịu.

“Vì sao [tánh Phật] là không? Vì [tánh Phật] là nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải không? Vì tánh Phật là thường. Vì sao [tánh Phật] là không phải không cũng không chẳng phải không? Vì có thể tạo tác gieo nhân cho mọi pháp lành.

“Thiện nam tử! Nếu ai có thể suy xét hiểu rõ những ý nghĩa như vậy của kinh Đại Niết-bàn, nên biết người ấy ắt sẽ thấy tánh Phật. Tánh Phật đó không thể suy xét luận bàn, chính là cảnh giới chư Phật Như Lai, không phải chỗ hiểu biết của hàng Thanh văn, Duyên giác!

“Thiện nam tử! Tánh Phật không phải ấm, giới, nhập; không phải vốn là không mà nay thành có; không phải đã có rồi trở lại không; [nhưng là] do nhân duyên lành mà chúng sanh thấy được [tánh Phật].

“Ví như sắt vốn màu đen, cho vào lửa nung thành màu đỏ; khi lấy ra để nguội thì trở lại màu đen. Màu đen ấy chẳng phải ở trong [sắt], chẳng phải ở ngoài [sắt], là do nhân duyên mà có vậy.

“Tánh Phật cũng thế. Tất cả chúng sanh khi dập tắt ngọn lửa phiền não ắt có thể nghe thấy được tánh Phật.

“Thiện nam tử! Như khi hạt giống vỡ, mầm cây sanh ra. Mầm cây ấy chẳng phải ở trong [hạt giống], chẳng phải ở ngoài [hạt giống], cho đến hoa, trái cũng là như vậy, đều do nhân duyên mà có.

“Thiện nam tử! Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này thành tựu đầy đủ vô lượng công đức. Tánh Phật cũng thế, đều là chỗ thành tựu của vô lượng vô biên công đức.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát thành tựu đầy đủ bao nhiêu pháp mới thấy được tánh Phật mà vẫn chưa thấy được rõ ràng? Chư Phật Thế Tôn thành tựu bao nhiêu pháp mà thấy được rõ ràng tánh Phật?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu đầy đủ mười pháp, tuy thấy tánh Phật nhưng chưa được sáng rõ. Những gì là mười? Một là ít ham muốn, hai là tự biết đủ, ba là tịch tĩnh, bốn là tinh tấn, năm là chánh niệm, sáu là chánh định, bảy là chánh tuệ, tám là giải thoát, chín là tán thán giải thoát, mười là dùng pháp Đại Niết-bàn giáo hóa chúng sanh.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Ít ham muốn và tự biết đủ có gì khác nhau?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ít ham muốn là không mong cầu, không nắm giữ; tự biết đủ là khi có được [món gì] dù ít trong lòng cũng không bực tức tiếc nuối. Ít ham muốn là [trong lòng] có ít sự ham muốn; tự biết đủ là [đối với] mọi sự vật [dù được ít hay nhiều] trong lòng cũng không buồn bực.

“Thiện nam tử! Ham muốn có ba loại: ham muốn xấu ác, ham muốn quá nhiều và ham muốn [thỏa mãn] sự ham muốn.

“Ham muốn xấu ác là [những trường hợp] như có tỳ-kheo sanh tâm tham dục, mong muốn được làm bậc thượng thủ trong đại chúng để tất cả chúng tăng đều nghe theo mình; để cho cả Bốn bộ chúng đều cúng dường, cung kính, tán thán, tôn trọng mình; để mình được thuyết pháp trước hết với Bốn chúng, khiến cho hết thảy đều tin nhận lời mình; cũng để cho vua chúa, đại thần, trưởng giả đều cung kính mình; để mình được nhiều y phục, đồ ăn thức uống, giường ghế, thuốc thang, phòng ốc, nhà cửa cao đẹp. Đó là sự ham muốn [dẫn đến] sanh tử, nên gọi là ham muốn xấu ác.

“Thế nào là ham muốn quá nhiều? Như có tỳ-kheo sanh tâm tham dục, mong muốn làm thế nào cho Bốn bộ chúng đều biết rằng mình đã chứng đắc địa vị Sơ trụ, cho đến Thập trụ; chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán; chứng đắc Bốn thiền, cho đến Bốn trí vô ngại, [mà thật chưa hề có những sự chứng đắc như vậy.] Đó là vì [tham cầu] lợi dưỡng nên gọi là ham muốn quá nhiều.

“Thế nào là ham muốn [thỏa mãn] sự ham muốn? Như có tỳ-kheo mong muốn sanh lên các cõi Phạm thiên, Ma thiên, Tự tại thiên, hoặc muốn làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc sát-lỵ, cư-sĩ, bà-la-môn... [chỉ là để] mọi sự đều được tùy theo ý thích của mình. Đó là vì [tham cầu] lợi dưỡng, [không có mục đích gì khác] nên gọi là ham muốn [thỏa mãn] sự ham muốn.

“Nếu ai không bị ba loại ham muốn xấu xa đó làm hại thì gọi là ít ham muốn.

“Ham muốn tức là sự ưa thích luyến mến hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Nếu không ưa thích luyến mến hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu thì gọi là ít ham muốn.

“Không mong cầu những sự tham muốn trong tương lai, đó gọi là ít ham muốn. Có được mà không trói buộc vướng mắc, đó gọi là tự biết đủ.

“Không cầu được sự cung kính, đó gọi là ít ham muốn. Có được mà không tích lũy, gom giữ, đó gọi là tự biết đủ.

“Thiện nam tử! Có những trường hợp ít ham muốn mà không gọi là biết đủ. Có những trường hợp biết đủ mà không gọi là ít ham muốn. Cũng có trường hợp vừa ít ham muốn vừa biết đủ. Lại cũng có trường hợp không biết đủ cũng không ít ham muốn.

“Ít ham muốn [mà không gọi là biết đủ] là nói các vị Tu-đà-hoàn.

“Biết đủ [mà không gọi là ít ham muốn] là nói các vị Phật Bích-chi.

“Vừa ít ham muốn vừa biết đủ là nói các vị A-la-hán.

“Không ít ham muốn cũng không biết đủ là nói các vị Bồ Tát.

“Thiện nam tử! Lại có hai loại ít ham muốn và biết đủ. Một là thiện, hai là bất thiện. Bất thiện là nói hạng phàm phu; thiện là nói các bậc thánh nhân, Bồ Tát.

“Tất cả thánh nhân tuy chứng đắc đạo quả nhưng không tự xưng mình chứng đắc. Vì không tự xưng nên lòng không buồn giận. Đó gọi là biết đủ.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu tập kinh Đại thừa Đại Niết-bàn, vì muốn thấy tánh Phật nên tu tập ít ham muốn, biết đủ.

“Thế nào là tịch tĩnh? Tịch tĩnh có hai loại: một là tâm tịch tĩnh, hai là thân tịch tĩnh.

“Thân tịch tĩnh là thân chẳng bao giờ tạo tác ba nghiệp ác.

“Tâm tịch tĩnh, là ý chẳng bao giờ tạo tác ba nghiệp ác.

“Đó gọi là thân tâm tịch tĩnh.

“Thân tịch tĩnh là chẳng bao giờ gần gũi với Bốn chúng, chẳng tham dự công việc của Bốn chúng.

“Tâm tịch tĩnh là chẳng bao giờ nhiễm tập những sự tham dục, sân khuể, si mê.

“Đó gọi là thân tâm tịch tĩnh.

“Có những tỳ-kheo, thân tuy tịch tĩnh nhưng tâm không tịch tĩnh; hoặc thân không tịch tĩnh nhưng tâm tịch tĩnh. Hoặc có những trường hợp thân và tâm đều tịch tĩnh. Lại có những trường hợp thân và tâm đều không tịch tĩnh.

“Thân tuy tịch tĩnh nhưng tâm không tịch tĩnh, đó là trường hợp các tỳ-kheo ngồi thiền ở chốn vắng lặng, lìa xa Bốn chúng, nhưng lòng thường chất chứa tham dục, sân khuể, si mê. Đó gọi là thân tuy tịch tĩnh nhưng tâm không tịch tĩnh.

“Thân không tịch tĩnh mà tâm tịch tĩnh, đó là trường hợp các tỳ-kheo thân cận Bốn chúng, vua chúa, đại thần... nhưng lòng đã dứt hẳn tham dục, sân khuể, si mê. Đó gọi là thân không tịch tĩnh nhưng tâm tịch tĩnh.

“Thân tâm tịch tĩnh, đó là chư Phật, Bồ Tát.

“Thân tâm đều không tịch tĩnh, đó là phàm phu. Vì sao vậy? Những kẻ phàm phu tuy thân tâm an tĩnh nhưng không thể quán xét sâu xa những lẽ vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Vì nghĩa ấy, những nghiệp về thân, khẩu, ý của phàm phu đều không thể tịch tĩnh. Hàng nhất-xiển-đề, những kẻ phạm bốn trọng cấm, làm năm tội nghịch, những kẻ như thế cũng không gọi là thân tâm tịch tĩnh.

“Thế nào là tinh tấn? Như có tỳ-kheo vì muốn cho các nghiệp thân, khẩu, ý được trong sạch, bèn lìa xa tất cả những nghiệp ác, tu tập tất cả các nghiệp lành. Đó gọi là tinh tấn.

“Người siêng năng tinh tấn luôn chú tâm nhớ nghĩ đến sáu điều. Đó là: Phật, Pháp, Tăng, trì giới, bố thí và chư thiên. Như vậy gọi là chánh niệm.

“Người có đầy đủ chánh niệm, đạt được tam-muội, như vậy gọi là chánh định.

“Người có đầy đủ chánh định, quán chiếu và thấy các pháp [thể tánh] dường như hư không. Như vậy gọi là chánh tuệ.

“Người có đầy đủ chánh tuệ, lìa xa hết thảy mọi sự trói buộc của phiền não. Đó gọi là giải thoát.

“Người đạt được giải thoát rồi, vì chúng sanh mà ca ngợi sự tốt đẹp của việc giải thoát, giảng nói cho [chúng sanh] biết rằng giải thoát ấy là thường còn, không biến đổi. Đó gọi là tán thán giải thoát.

“Giải thoát tức là Vô thượng Đại Niết-bàn. Niết-bàn tức là ngọn lửa phiền não trói buộc đã tắt hẳn. Lại nữa, Niết-bàn gọi là nơi trú ẩn. Vì sao vậy? Vì có thể ngăn che mưa gió độc hại phiền não. Lại nữa, Niết-bàn gọi là chỗ nương về. Vì sao vậy? Vì có thể vượt khỏi tất cả mọi sự sợ sệt. Lại nữa, Niết-bàn gọi là hải đảo. Vì sao vậy? Vì bốn con sông lớn hung bạo không thể cuốn trôi. Những gì là bốn con sông hung bạo? Một là sự hung bạo của tham dục, hai là sự hung bạo của chấp hữu, ba là sự hung bạo của kiến chấp, bốn là sự hung bạo của vô minh. Vì thế nên Niết-bàn gọi là hải đảo.

“Lại nữa, Niết-bàn gọi là chỗ rốt ráo quay về. Vì sao vậy? Vì có thể đạt được mọi niềm vui rốt ráo.

“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát thành tựu đầy đủ mười pháp như vậy sẽ thấy được tánh Phật, tuy chưa được sáng rõ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Người xuất gia có bốn thứ bệnh nên không đạt được bốn quả sa-môn. Bốn thứ bệnh đó là gì? Đó là nói bốn sự ham muốn xấu: một là ham muốn y phục, hai là ham muốn thức ăn, ba là ham muốn chỗ ngồi nằm, bốn là ham muốn sở hữu. Đó gọi là bốn sự tham muốn xấu.

“Có bốn phương thuốc hay có thể trị những bệnh ấy của người xuất gia. Một là dùng phấn tảo y có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn là y phục. Hai là theo pháp khất thực có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn thức ăn. Ba là ngủ dưới gốc cây có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn chỗ ngồi nằm. Bốn là thân tâm tịch tĩnh có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn sở hữu.

“Dùng bốn phương thuốc ấy, người xuất gia trừ được bốn thứ bệnh. Đó gọi là Thánh hạnh. Có Thánh hạnh ấy thì được gọi là thiểu dục, tri túc.

“Tịch tĩnh có bốn niềm vui. Những gì là bốn? Một là niềm vui xuất gia, hai là niềm vui vắng lặng an tĩnh, ba là niềm vui dứt tuyệt mãi mãi, bốn là niềm vui rốt ráo trọn vẹn. Có được bốn niềm vui ấy gọi là tịch tĩnh.

“Vì có đủ Bốn tinh tấn nên gọi là tinh tấn.

“Vì có đủ Bốn niệm xứ nên gọi là chánh niệm.

“Vì có đủ Bốn thiền nên gọi là chánh định.

“Vì thấy được Bốn Thánh thật, nên gọi là chánh tuệ.

“Vì dứt trừ mãi mãi những phiền não trói buộc nên gọi là giải thoát.

“Vì chê trách hết thảy lỗi lầm phiền não nên gọi là tán thán giải thoát.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát an trụ đầy đủ nơi mười pháp kể trên sẽ thấy được tánh Phật, nhưng vẫn chưa được rõ ràng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát nghe được kinh này rồi liền thường gần gũi tu tập theo [nghĩa lý trong] kinh, lìa xa tất cả những việc thế gian. Đó gọi là thiểu dục. Sau khi xuất gia chẳng sanh lòng hối tiếc. Đó gọi là biết đủ.

“Bồ Tát có được sự biết đủ rồi, thường ở những nơi vắng vẻ cô tịch, lìa xa chốn náo nhiệt ồn ào. Đó gọi là tịch tĩnh.

“Người không biết đủ thì không thích những nơi vắng vẻ cô tịch. Nếu là người biết đủ ắt thường ưa thích những nơi vắng vẻ cô tịch. Ở những nơi vắng vẻ cô tịch, người ấy thường suy xét rằng: ‘Hết thảy người đời đều cho rằng ta đã chứng đắc đạo quả sa-môn, nhưng nay ta thật chưa chứng đắc. Vậy làm sao ta lại dối gạt mọi người?’ Suy xét như vậy rồi, người ấy liền tinh cần tu tập đạo quả sa-môn. Đó gọi là tinh tấn.

“Gần gũi tu tập theo kinh Đại Niết-bàn, đó gọi là chánh niệm. Tùy thuận hạnh chư thiên, đó gọi là chánh định. Trụ yên trong định ấy với chánh kiến, chánh tri, đó gọi là chánh tuệ.

“Người có chánh tri kiến, lìa xa các phiền não trói buộc, đó gọi là giải thoát.

“Bồ Tát ở hàng Thập trụ, vì chúng sanh nên khen ngợi Niết-bàn, đó gọi là tán thán giải thoát.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát an trụ đầy đủ trong mười pháp nói trên sẽ thấy được tánh Phật, nhưng vẫn chưa được rõ ràng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ít ham muốn là [nói trường hợp] như có tỳ-kheo ở chỗ vắng vẻ, ngồi ngay ngắn không nằm; hoặc trụ yên dưới gốc cây; hoặc ở những bãi tha ma; hoặc ngồi trên bãi cỏ nơi trống trải; khất thực nuôi thân, tùy chỗ xin được [dù ít hay nhiều] đều thấy đủ; hoặc chỉ ngồi ăn duy nhất một lần [trong ngày]; chỉ giữ dùng ba tấm y, là loại áo xấu may bằng vải vụn hoặc dệt bằng lông. Đó gọi là ít ham muốn.

“Tu hành như vậy rồi, trong lòng không thấy hối tiếc. Đó gọi là biết đủ.

“Tu pháp Tam-muội Không, đó gọi là tịch tĩnh.

“Chứng đắc Bốn quả thánh rồi nhưng đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề lòng vẫn mong cầu không ngừng nghỉ. Đó gọi là tinh tấn.

“Chú tâm suy xét ý nghĩa Như Lai là thường tồn, không biến đổi; đó gọi là chánh niệm.

“Tu tập Tám giải thoát, đó gọi là chánh định.

“Chứng đắc Bốn vô ngại, đó gọi là chánh tuệ.

“Lìa xa Bảy lậu hoặc, đó gọi là giải thoát.

“Khen ngợi Niết-bàn không có mười tướng, đó gọi là tán thán giải thoát. Mười tướng ấy là: sanh, lão, bệnh, tử, sắc, thanh, hương, vị, xúc và vô thường.

“Lìa xa mười tướng ấy gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát Ma-ha-tát trụ yên đầy đủ trong mười pháp nói trên, tuy thấy tánh Phật nhưng vẫn chưa được rõ ràng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vì nhiều ham muốn nên gần gũi các hàng vua chúa, đại thần, trưởng giả, sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà, tự xưng rằng mình chứng đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán. Vì muốn được lợi dưỡng nên trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến đang lúc đại, tiểu tiện, nếu thấy kẻ đàn-việt đi đến liền tỏ sự cung kính đón tiếp chuyện trò.

“Trừ bỏ mọi ham muốn xấu ác nên gọi là ít ham muốn.

“Tuy chưa thể dứt sạch mọi phiền não trói buộc, nhưng có thể cùng dự vào chỗ làm của Như Lai, đó gọi là biết đủ.

“Thiện nam tử! Hai pháp ít ham muốn và biết đủ là nhân duyên gần gũi của niệm và định. Người có hai pháp ấy thường được bậc thầy trong tông môn và các bạn đồng học khen ngợi. Khắp trong các kinh điển ta cũng thường khen ngợi hai pháp ấy. Nếu ai có đủ hai pháp ấy ắt được đến gần chỗ vào Đại Niết-bàn và được hưởng năm sự vui thích. Đó gọi là tịch tĩnh.

“Kiên trì giới luật gọi là tinh tấn.

“Biết sanh lòng hổ thẹn gọi là chánh niệm.

“Không thấy có tướng của tâm gọi là chánh định.

“Không mong cầu nơi các pháp, tánh, tướng, nhân duyên, đó gọi là chánh tuệ.

“Vì không có tướng nên phiền não phải dứt mất, đó gọi là giải thoát.

“Khen ngợi kinh Đại Niết-bàn này gọi là tán thán giải thoát.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát Ma-ha-tát trụ yên trong mười pháp kể trên được thấy tánh Phật, nhưng vẫn chưa thấy được rõ ràng.

“Thiện nam tử! Theo như lời ông hỏi: ‘Hàng Bồ Tát Thập trụ dùng con mắt nào để thấy tánh Phật mà không được rõ ràng; chư Phật Thế Tôn dùng con mắt nào mà thấy được tánh Phật một cách rõ ràng.’

“Thiện nam tử! Dùng tuệ nhãn mà thấy tánh Phật thì thấy không được rõ ràng. Dùng Phật nhãn mà thấy mới được rõ ràng.

“Vì còn tu hành đạo Bồ-đề nên thấy chẳng rõ ràng. Nếu không còn có chỗ phải tu hành, ắt được thấy rõ ràng.

“Trụ nơi mười địa vị, tuy thấy nhưng vẫn không được rõ. Không có chỗ trụ, không có chỗ đi nên thấy được rõ ràng.

“Bồ Tát Ma-ha-tát dùng trí tuệ làm nhân nên thấy chẳng rõ. Chư Phật Thế Tôn dứt hết nhân quả nên thấy được rõ.

“Bậc đã giác ngộ tất cả gọi là tánh Phật. Hàng Bồ Tát Thập trụ chưa gọi là giác ngộ tất cả nên tuy thấy mà không được rõ.

“Thiện nam tử! Có hai cách thấy biết. Một là dùng mắt thấy, hai là do nghe biết mà thấy. Chư Phật Thế Tôn dùng mắt thấy tánh Phật, như nhìn trái a-ma-lặc giữa lòng bàn tay. Hàng Bồ Tát Thập trụ nghe biết mà thấy tánh Phật, nên thấy chẳng rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ chỉ có thể tự biết chắc mình sẽ được chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nhưng không thể [thấy] biết rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Lại có trường hợp dùng mắt thấy tánh Phật. Đó là chư Phật Như Lai và hàng Bồ Tát Thập trụ. Lại có trường hợp nhờ nghe biết mà thấy tánh Phật. Đó là tất cả chúng sanh cho đến hàng Bồ Tát trụ ở Cửu địa.

“Nếu Bồ Tát nghe rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật nhưng không sanh khởi lòng tin thì không gọi là nghe thấy.

“Thiện nam tử! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn được thấy Như Lai, cần phải tu tập Mười hai bộ kinh, thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng giải.”

Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Tất cả chúng sanh không thể biết được tướng [trạng] của tâm Như Lai, nên quán sát như thế nào để biết được?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh thật không thể biết được tướng trạng của tâm Như Lai. Nếu muốn quán sát để biết được thì có hai nhân duyên: Một là dùng mắt thấy, hai là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy thân nghiệp của Như Lai liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. Nếu quán xét khẩu nghiệp của Như Lai liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy dung mạo hình sắc của tất cả chúng sanh đều không thể sánh được liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. Nếu nghe giọng nói vi diệu tối thắng không giống với âm thanh của tất cả chúng sanh liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy Như Lai biến hóa thần thông chỉ vì chúng sanh mà không vì lợi dưỡng liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. Nếu thấy khi Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát chúng sanh, vì chúng sanh mà thuyết giảng, không vì lợi dưỡng nên biết đó là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“[Nếu Bồ Tát quán xét những việc] Như Lai thọ thân như thế nào? Vì sao thọ thân? Vì ai mà thọ thân? Đó gọi là dùng mắt thấy. Nếu quán xét [những việc] Như Lai thuyết pháp như thế nào? Vì sao thuyết pháp? Vì ai mà thuyết pháp? Đó gọi là nghe biết mà thấy.

“[Vì thấy người] tăng thêm nghiệp ác của thân mà không có lòng sân hận nên biết đó chính là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. [Vì thấy người] tăng thêm nghiệp ác của miệng mà chẳng có lòng sân hận nên biết đó chính là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy Bồ Tát vào lúc mới sanh ra hướng về mười phương, mỗi phương đều bước đi bảy bước, có hai vị Đại tướng quỷ thần là Ma-ni-bạt-đà và Phú-na-bạt-đà cầm phướng, lọng theo che, làm chấn động vô số thế giới, chiếu tỏa hào quang vàng chói sáng đẹp khắp hư không; có hai vị Long vương là Nan-đà và Bạt-nan-đà dùng sức thần thông mà tắm gội thân thể Bồ Tát; hình tượng chư thiên đều [đứng dậy] nghênh tiếp, lễ bái; tiên nhân A-tư-đà chắp tay cung kính; đến tuổi trưởng thành Bồ Tát lìa bỏ mọi sự ham muốn như những thứ nhơ nhớp, không bị những niềm vui thế tục làm mê hoặc, xuất gia tu đạo, ưa thích những nơi vắng vẻ tịch tĩnh; vì muốn phá trừ tà kiến nên trải qua sáu năm khổ hạnh; đối với chúng sanh bình đẳng không phân biệt; tâm thường an định, không chút tán loạn; đầy đủ các tướng tốt và vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân; Bồ Tát đi đến nơi nào thì mặt đất mấp mô đều trở nên bằng thẳng; y phục cách thân bốn tấc chẳng rơi xuống; khi đi nhìn thẳng chẳng quay nhìn hai bên; bất cứ món gì Bồ Tát ăn vào đều [có vị ngon] hoàn hảo; chỗ Bồ Tát ngồi rồi đứng dậy, cỏ không giập rối; vì điều phục chúng sanh nên Bồ Tát hiện đến thuyết pháp với tâm không kiêu mạn; nếu thấy [tất cả những sự việc] như vậy gọi là dùng mắt thấy được tướng trạng của tâm Như Lai.

“Nếu nghe rằng Bồ Tát sau khi bước đi bảy bước rồi nói rằng: ‘Thân này của ta là thân cuối cùng’; [lại nghe rằng] tiên nhân A-tư-đà chắp tay nói: ‘Đại vương nên biết, thái tử Tất-đạt chắc chắn sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không bao giờ ở lại thế tục mà làm Chuyển luân Thánh vương. Vì sao vậy? Vì có các tướng quý sáng rõ. Chuyển luân Thánh vương [tuy có] các tướng quý [nhưng] không được sáng rõ, còn thái tử Tất-đạt thân tướng xán lạn rõ ràng, nên chắc chắn sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“[Lại cũng nghe rằng] khi nhìn thấy những sự già, bệnh, chết, Bồ Tát liền nói: ‘Tất cả chúng sanh thật đáng thương thay! Thường mãi chạy theo những sự khổ sanh, già, bệnh, chết mà không thể quán xét biết được mình đang chịu khổ. Ta sẽ trừ dứt sự khổ đau ấy.’ Bồ Tát theo vị tiên nhân ngũ thông A-la-la thọ học phép định Vô tưởng. Học thành tựu rồi liền chỉ ra chỗ sai lầm của phép định ấy. Sau đó Bồ Tát theo vị tiên Uất-đà-già thọ học phép định Phi hữu tưởng phi vô tưởng. Thành tựu phép định ấy rồi liền giảng rõ đó chẳng phải Niết-bàn, chỉ là pháp sanh tử. Bồ Tát trải qua sáu năm khổ hạnh mà không đạt được gì, liền nói rằng: ‘Tu khổ hạnh như vậy chỉ là rỗng không, chẳng đạt được gì. Nếu là pháp thật, hẳn ta đã có chỗ đạt được. Vì là hư dối nên ta không có chỗ đạt được. Đó là tà thuật, chẳng phải chánh đạo.’

“[Lại nghe] sau khi [Bồ Tát] thành đạo, Phạm thiên khuyến thỉnh rằng: ‘Cầu xin Như Lai vì chúng sanh mở rộng bầu cam lộ, thuyết giảng pháp vô thượng!’ Phật dạy rằng: ‘Phạm vương! Tất cả chúng sanh thường bị phiền não che lấp, không thể thọ nhận lời dạy Chánh pháp của ta.’ Phạm vương lại thưa thỉnh: ‘Thế Tôn! Trong tất cả chúng sanh có ba hạng. Hạng căn trí lanh lợi, hạng căn trí trung bình và hạng ngu độn. Những chúng sanh căn trí lanh lợi có thể thọ nhận, xin Phật thuyết giảng.’ Phật dạy: ‘Phạm vương! Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Nay ta sẽ vì tất cả chúng sanh, khai mở pháp môn cam lộ.’ Liền đó, Phật chuyển bánh xe Chánh pháp tại thành Ba-la-nại, tuyên thuyết trung đạo.

“Tất cả chúng sanh không phá trừ phiền não trói buộc, không phải không thường phá trừ. Không phá trừ, cũng không phải không phá trừ [phiền não], đó gọi là trung đạo.

“Không hóa độ chúng sanh, cũng không phải không thường hóa độ, đó gọi là trung đạo.

“Không phải là thành tựu tất cả, cũng không phải là không thành tựu, đó gọi là trung đạo.

“Mỗi khi có thuyết giảng đều không tự xưng là thầy, cũng không [thấy người nghe] là đệ tử, đó gọi là trung đạo.

“Thuyết giảng không vì lợi ích nhưng không phải là không đắc quả, đó gọi là trung đạo.

“[Nghe biết rằng] lời nói của Như Lai là chân chánh, đúng thật, hợp thời, không hư dối, nhiệm mầu sâu xa bậc nhất, như vậy gọi là nghe biết mà thấy được tướng trạng của tâm Như Lai.

“Thiện nam tử! Tướng trạng của tâm Như Lai thật không thể thấy! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn thấy Như Lai, phải y theo hai loại nhân duyên nói trên [mới có thể thấy được].”

Chapter Thirty-Three: On Bodhisattva Lion’s Roar

Then the Buddha said to all those gathered there: "All of you good men! Should you have any doubt as to whether there is the Buddha or not, whether there is Dharma or not, whether there is the Sangha or not, whether there is suffering or not, whether there is the cause of suffering or not, whether there is extinction or not, whether there is the Way or not, whether there is Reality or not, whether there is the Self or not, whether there is sorrow or not, whether there is purity or not, whether there is Eternity or not, whether there is a vehicle or not, whether there is nature or not, whether there is the being or not, whether there is " is" or not, whether there is the True or not, whether there is causation or not, whether there is the result or not, whether there is action or not, whether there is karma or not, or whether there is the karmic result or not, I shall now allow you freely to ask. I shall explain to you in detail. O good man! All such as devas, humans, Maras, Brahmas, sramanas, and Brahmins have come to ask, and I have never been unable to answer."

Then, there was amongst the congregated a Bodhisattva called "Lion’s Roar". He stood up and adjusted his robe, touched the Buddha’s feet, prostrated himself, folded his hands, and said to the Buddha: "O World-honoured One! I wish to ask [a question]. Please permit me to ask, O great Compassionate One!"

Then, the Buddha said to all the congregation: "O you good men! You now should greatly honour, respect and praise this Bodhisattva. Make offferings of incense and flowers, of music, of necklaces, banners, parasols, clothes, food, drink, bedding, medicine, houses and palaces, and attend upon his comings and goings. Why? Because this Bodhisattva has in the past greatly accomplished all good deeds at the sites of the Buddhas, and he is replete with virtues. Because of this, he now desires to utter a lion’s roar before me. O good man! He is like a lion-king. He knows his own power, has sharp teeth, and his four legs stand [firmly] on the ground. He lives in a rocky grotto; he shakes his tail and gives a roar. When he displays thus, he knows that he indeed gives out a lion’s roar. The true lion-king emerges from his den early in the morning. He stretches his body and yawns. He looks around, growls, and roars for eleven things. What are those eleven?

"First, he desires to crush a person who, not [truly] being a lion, makes the pretence of presenting himself as a lion.

"Second, he now desires to test his own physical strength.

"Third, he desires to purify the place where he lives.

"Fourth, he desires to know the places where all others are living.

"Fifth, he does not fear any other.

"Sixth, he desires to awaken those who are asleep.

"Seventh, he desires to make all indolent beasts non-indolent.

"Eighth, he desires all beasts to come and surrender [to him].

"Ninth, he desires to subjugate the great gandhahastin.

"Tenth, he desires to test all sons.

"Eleventh, he desires to adorn all those to whom he is related.

"All birds and beasts hear the lion’s roar; those of the water hide themselves down in the depths, and those on land in grottos and caves; those who fly fall to the ground; all those great gandhahastins become frightened and defecate. O all good men! A fox may pursue a lion for 100 years, and yet he cannot make him roar. The situation is like that. The son of a lion, at the age of three full years, can truly roar like a lion-king.

"O good men! The Tathagata, with the fangs and nails of the Wisdom of Right Enlight-enment, with the legs of the four-at-willnesses , with the full body of the six paramitas, with the manly courage of the ten powers, with the tail of Great Loving-Kindness, and living in the pure grottos of the four dhyanas, gives out a lion’s roar and crushes Mara’s army, revealing to all beings the ten powers and opening up the place where the Buddha goes. He becomes a refuge to all those fleeing from twisted views, he consoles beings who are in fear of birth and death, he awakens beings who drowse in ignorance, he proclaims to those of twisted views that what the six masters [i.e. teachers of the six non-Buddhist schools of belief] say is not the lion’s roar, he crushes the arrogant mind of Puranakasyapa [i.e. one of the six masters] and others, he causes the two vehicles to become repentant, he teaches all Bodhisattvas of the stage of the fifth abode and enables them to acquire a mind of great power, he causes the four classes of the Sangha who abide in right views not to be afraid of the four classes of the Sangha who abide in twisted views. He steps forth from the grottoes of holy actions, pure actions, and heavenly actions so as to crush the arrogance of all beings. He yawns so as to call forth Wonderful Dharma. He looks towards the four directions so as to cause beings to gain the four unmolestednesses in hindrances [i.e. the fourfold unhindered knowledge]. His four feet stand [firmly] on the ground, so that beings can peacefully abide in silaparamita. Thus, he utters a lion’s roar. To utter the lion’s roar means to make it known that all beings have the Buddha-Nature and that the Tathagata is Eternal and Unchanging.

"O good men! The sravakas and pratyekabuddhas follow the Tathagata-World-Honoured One for a period of an innumerable hundred thousand asamkhyas of kalpas, and yet are unable to utter the lion’s roar. If the Bodhisattvas of the stage of the ten abodes can practise these three actions [i.e. the three actions of body, mouth, and mind], know that they will be able to utter the lion’s roar. O all good men! Now, this Bodhisattva Lion’s Roar wishes to raise the great lion’s roar. This being so, make offerings to him with the deepest mind, and respect, honour and praise him."

Then, the World-Honoured One spoke to Bodhisattva-mahasattva Lion’s Roar: "O good man! If you desire to ask anything, do now put your questions." Bodhisattva-mahasattva Lion’s Roar said to the Buddha: "O World-Honoured One! What is the Buddha-Nature? Why do we speak of Buddha-Nature? Why do we say the Eternal, Bliss, Self, and the Pure? If all beings possess the Buddha-Nature, why is it that they do not see their own Buddha-Nature? In what do the Bodhisattvas of the stage of the ten “bhumis” live, and why can they not clearly see it [i.e. the Buddha-Nature]? Abiding in what dharma can the Buddha clearly see it? With what eye can the Bodhisattvas of the stage of the ten “bhumis” not clearly see it? With what eye can the Buddha clearly see it?"

The Buddha said: " Well said, well said, O good man! If any person pays homage to Dharma, he will be equal to two adornments. The one is Wisdom, and the other is weal. If any Bodhisattva is perfect in these two adornments, he will be able to know the Buddha-Nature and will know why we say "Buddha-Nature". Also, he can see with what eyes the Bodhisattvas of the ten “bhumis” see and with what eyes all Buddhas see."

Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-honoured One! What is the adornment of Wisdom?"

"O good man! The adornment of Wisdom refers to what pertains to the first “bhumi” up to the tenth. The adornment of weal refers to danaparamita [unsurpassed giving] up to prajna [Wisdom]. This is not prajnaparamita [transcendent Wisdom].

"Also, next, O good man! The adornment of Wisdom is none other than all Buddhas and Bodhisattvas. The adornment of weal refers to sravakas, pratyekabuddhas, and the Bodhisattvas of the nine “bhumis”.

"Also, next, O good man! The adornment of weal is the law [dharma] of the common mortal, being the created, the "asravic" [defiled], the existing, that which engenders karmic results, that which has hindrances, and is non-eternal.

"O good man! You now possess these two adornments. That is why you effectively put such deep-rooted questions. I, too, possess these adornments and I shall answer your query."

Bodhisattva-mahasattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If the Bodhisattva possesses these two adornments, there can be no asking of one or two questions. Why do you, the World-Honoured One, say that you answer one or two? Why? All things have no number of one or two kinds. To state one or two is to answer the need of the common mortal."

The Buddha said: "O good man! If the Bodhisattva did not have one or two adornments, we could not know that there are one or two adornments. If the Bodhisattva has two adornments, we can well know of the one or two kinds. You say that all things are not one or two. But you are wrong. Why? If there is not one or two, how can we say that all things do not have one or two? O good man! If you say that speaking of one or two relates to the phase of the common mortal, this refers to the Bodhisattva of the grade of the ten “bhumis”. Such a person is no common mortal. Why not? "One" refers to Nirvana; "two" relates to birth and death.

"Why is it that "one" is none other than Nirvana? Because it is the Eternal. Why is "two" birth and death? Because of craving [“trisna”] and ignorance. Eternal Nirvana is not a phase of the common mortal; the two of birth and death is again not a phase of the common mortal. Because of this, being perfect in the two adornments, one questions well and answers well.

"O good man! If you desire to know what the Buddha-Nature is, listen carefully, listen carefully. I shall now analyse and explain it to you.

"“O good man! The Buddha-Nature is none other than the All-Void of “Paramartha- satya” [Ultimate Truth]. The All-Void of “Paramartha-satya” is Wisdom. We say "All-Void". This does not refer to no Void [any Voidness], nor non-Void. Knowledge [“jnana”] sees the Void and the non-Void, the Eternal and the non-Eternal, Suffering and Bliss, the Self and the non-Self. The Void refers to all births and deaths. The Non-Void refers to Great Nirvana. And the non-Self is nothing but birth and death. The Self refers to Great Nirvana.

"If one sees the All-Void, but does not see the non-Void, we do not speak of this as the Middle Path. Or if one sees the non-Self of all things, but does not see the Self, we do not call this the Middle Path.

"The Middle Path is the Buddha-Nature. For this reason, the Buddha-Nature is Eternal and there is no change. As ignorance overspreads [them], all beings are unable to see. The sravaka and pratyekabuddha see the All-Void of all things. But they do not see the non-Void. Or they see the non-Self of all things, but they do not see the Self. Because of this, they are unable to gain the All-Void of “Paramartha-satya”. Since they fail to gain the All-Void of “Paramartha-satya”, they fail to enact the Middle Path. Since there is no Middle Path, there is no seeing of the Buddha-Nature."

"O good man! There are three seeings of the Middle Path [i.e. constituting the Middle Path]. The one is the definitely blissful action; the second is the definitely sorrowful action; the third is the sorrow-bliss action.

"We say " definitely blissful action" . This is as in the case of the so-called Bodhisattva- mahasattva, who, pitying all beings, lives in Avichi Hell and yet feels things as of the bliss of the third dhyana Heaven.

"We say " definitely sorrowful action" , referring to all common mortals.

"We say "sorrow-bliss action". This alludes to sravakas and pratyekabuddhas. The sravakas and pratyekabuddhas experience sorrow and bliss, and gain the thought of the Middle Path. For this reason, thouh a person possesses the Buddha-Nature, he cannot see it well.

"O good man! You say that we speak of the "Buddha-Nature". O good man! The Buddha-Nature is the seed of the Middle Path of the unsurpassed Enlightenment of all Buddhas.

"Also, next, O good man! There are three kinds of way, which are: low, top, and middle. The low refers to the non-eternal of Brahma, in which one mistakes the non-eternal for the Eternal. The top refers to the non-eternal of birth and death, which people wrongly conceive as the Eternal. The Three Jewels that are Eternal are wrongly conceived of as eternal [sic; noneternal]. Why do we call it the top? Because by it, one well gains unsurpassed Enlightenment.

"The Middle is the All-Void of “Paramartha-satya”. This sees the non-eternal as the non-eternal and the Eternal as the Eternal. The All-Void of “Paramartha-satya” is not made [i.e. designated] "low". Why not? For it is that which all common mortals do not have. We do not call it "top". Why not? Because it is the top1. The Way of all Buddhas and Bodhisattvas is neither the top nor the low. We call it the Middle Path.

"Also, next, O good man! There are two kinds of original abode of birth and death. The one is ignorance, and the other is clinging to what exists. In between [these] two are the sufferings of birth, old age, illness and death. We call this the Middle Path. This Middle Path well destroys birth and death. That is why we say " Middle" . That is why we call the teaching of the Middle Path the Buddha-Nature. Therefore, the Buddha-Nature is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. All beings do not see this. Hence there is [for them] no Eternity, no Bliss, no Self, and no Purity. The Buddha-Nature is not non-Eternal, not non-Bliss, not non-Self, and not non-Purity.

"O good man! “There is a poor man, in whose house there is a storehouse of treasure. But the man cannot see it. So, there is no Eternity, no Bliss, no Self, and no Purity. There is there a good teacher of the Way, who says to him: " You have a storehouse in your house, in which there is gold. Why is it that you are poor, have worries, and have no Eternity, no Bliss, no Self, and no Purity?" Utilising “[certain] “means, he enables the man to see this. On seeing this, the person gains the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. It is thus. The same is the case with the Buddha-Nature. Beings cannot see [it]. Its not being seen, no Eternity, no Bliss, no Self, and no Purity exists [for them]. The good teacher of the Way, all Buddhas and Bodhisattvas, by enacting the means and telling them various enlightening stories, enable them to see. Through seeing, these beings reach the Eternal, the Bliss, the Self, and the Pure”.

"Also, next, O good man! There are two ways in which beings see. One is "is", and the other is "is-not". Such two are not the Middle Path. When there is no "is" and no "not-is", we have the Middle Path. What sees as not "is" and not "is-not" is the Knowledge [“jnana”] that meditates and perceives the 12 links of interdependence. This kind of Knowledge that sees is the Buddha-Nature. The two vehicles may meditate on causal relations, but such cannot be called Buddha-Nature.

"The Buddha-Nature is Eternal. But all beings cannot see it because of the overspreading of ignorance. They cannot yet cross the waters of the 12 links of interdependence - it is as though they were like hares and horses. Why? Because they cannot see the Buddha-Nature.

"O good man! The Wisdom that can meditate on the 12 links of interdependence is the seed that gains one unsurpassed Enlightenment. For this reason, we call the 12 links of interdependence the Buddha-Nature.

"O good man! For example, we call the cucumber " fever" . Why? Because it bears on [relates to, cures] fever. The same is the case with the 12 links of interdependence.

"O good man! The Buddha-Nature has a cause and a cause of the cause; it has a result and a result of the result. "Cause" is the 12 links of interdependence. The cause of the cause is Wisdom. "Result" is unsurpassed Enlightenment. The result of the result is Mahaparinirvana.

"O good man! For example, ignorance is the cause and all actions the result. "Action" is the cause, and consciousness is the result. Because of this, the body of ignorance is the cause

another recension gives "low" here; either meaning is not clear - K. Yamamoto

and also the cause of the cause. Consciousness is the result and, also, the result of the result. The same is the case with the Buddha-Nature.

"O good man! Because of this, the 12 links of interdependence are no going-out and no dying-out, no eternality and no disruption, not one and not two, no coming and no going, no cause and no result. O good man! It is the cause and not the result, as in the case of the Buddha-Nature. It is the result and not the cause, as in the case of Great Nirvana; it is the cause and it is the result, as in the case of the 12 links of interdependence. Causeless and resultless is the Buddha-Nature. As it does not arise out of causality, it is eternal and it knows no change. That is why I say in the sutra: "The meaning of the 12 links of interdependence is deep-rooted and none can grasp, see or conceive it. All [these] are things of the world of all Buddhas and Bodhisattvas. It is not within the reach of sravakas and pratyekabuddhas to attain."

"Why is it that things are deep-rooted? What all beings do is non-eternal and non-disruptive. And yet results come about from actions performed. They go off moment after moment, and yet there is not anything that is lost. None may be living, yet there remains the karma. There may be none to receive, yet there is the karmic result. The one who harvests may be gone, but the result does not die out. Though not to be thought of or to be known, there is harmonization [i.e. coming together of cause and result]. All beings journey along with the 12 links of interdependence, which they do not see or know. Not seeing or knowing, there is no ending and no beginning. The Bodhisattvas of the stage of the ten abodes see only the end, but they do not see the beginning. The All-Buddha-World-Honoured One sees the beginning and the end. Thus do all Buddhas clearly see the Buddha-Nature.

"O good man! All beings are unable to see the 12 links of interdependence. Therefore, they ride on the wheel of transmigration. O good man! Just as the silkworm makes a cocoon, gains birth, and dies by itself, so do things proceed with all beings. As they do not see the Buddha-Nature, they generate karma out of defilement and repeat births and deaths, just as a person bounces a ball. O good man! That is why I say in the sutra: "One who sees the 12 links of interdependence sees Dharma; one who sees Dharma sees the Buddha. “The Buddha is none other than the Buddha-Nature.” “Why so? Because all Buddhas make this their own nature."

"O good man! There are four kinds of Knowledge that see the 12 links of interdependence. These are: 1)low, 2) middle, 3) top, and 4) topmost. A person of the low position does not see the Buddha-Nature. Not gaining [it], he gains the way of a sravaka. Those of the middle position also do not see the Buddha-Nature. Noting the Buddha-Nature, they gain the way of the pratyekabuddha. Those of the top see, but not clearly. Not being clear, they live in the soil of the ten abodes. The topmost [persons] see clearly. So they attain unsurpassed Enlightenment. Because of this, we call the 12 links of interdependence the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the All-Void of “Paramartha-satya”. The All-Void of “Paramartha-satya” is the Middle Path. The Middle Path is the Buddha. The Buddha is Nirvana."

Bodhisattva-mahasattva Lion’s Roar said to the Buddha: "O World-Honoured One! If no difference exists between the Buddha and the Buddha-Nature, why should all beings particularly need to practise the Way?" The Buddha said: "O good man! Your question is misplaced. “The Buddha and the Buddha-Nature are not different”. But beings are not yet armed therewith.

"O good man! For example, there is a man who abides in evil and kills his mother. Having killed [her], he repents. He is [here performing] one of the three good actions. But this one [i.e. another person] falls into hell. Why? Because this person surely gains hell. Even though this person has none of the five skandhas, the 18 realms and the 12 spheres, yet we call him a person of hell.

"O good man! That is why I say in all the sutras: " Any person who sees another doing good, this is worth [i.e. equal to] seeing a deva [god]; anyone who sees a person doing evil sees hell. Why? Because karmic results surely await such a person."

"O good man! “As all beings will definitely gain unsurpassed Enlightenment, I say that all beings possess the Buddha-Nature”. The beings actually do not possess the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. So, in this sutra, I say in a gatha:

"What originally was is now no longer;
What originally was not, now is;
There can be nothing such as " is"
That obtains in the Three Times."

"O good man! There are three kinds of what exists. One is what comes about in the days to come, the second what actually exists there [now], and the third what was there in the past. “All beings will gain unsurpassed Enlightenment in the days to come.” [This is the Buddha- Nature.] All beings now possess all bonds of defilement. So they do not possess at present the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. Thus, the beings who have cut off the bonds of defilement in the past see, in the present, the Buddha-Nature. So, I always say that beings all possess the Buddha-Nature. I even say that the icchantika [most spiritually blinded of persons] possesses the Buddha-Nature. The icchantika has no good dharma. The Buddha- Nature too is a good Dharma. As there are the days to come, there is also the possibility for the icchantika to possess the Buddha-Nature. Why? Because all icchantikas can definitely attain unsurpassed Enlightenment.

"O good man! As an example: there is a man who has some cream. People ask: "Do you have any butter?" He answers: " I have" . But, truth to tell, cream is not butter. Skilfully worked out [i.e. using skilful means], he is sure to gain it. So he says that he has butter. It is the same with beings. All have the mind. “Anyone with a mind will assuredly reach unsurpassed Enlightenment” [emph. added]. That is why I always say that all beings possess the Buddha-Nature.

"O good man! Of the absolute, there are two kinds. One is the absolute in adornment, and the other the ultimate of the absolute. One is the absolute in the secular sense, and the other the absolute in the supramundane sense. By the absolute in adornment is meant the six paramitas; the ultimate of the absolute is the One Vehicle which beings gain. The One Vehicle is the Buddha-Nature. That is why I say that all beings possess the Buddha-Nature. All beings possess the One Vehicle. As ignorance is spread all over them, they cannot see. O good man! In Uttarakuru, the fruition of Trayastrimsa Heaven cannot be seen by beings because there is [this] overspreading [of ignorance]. It is the same regarding the Buddha-Nature. Beings cannot see [it] because of the overspreading of defilement.

"Also, next, O good man! “The Buddha-Nature is the Suramgama Samadhi “[deepest state of meditative absorption]”. Its nature is like sarpirmanda “[most delicious and efficacious of all milk-medicines].” It is the mother to all Buddhas. By dint of the power of the Suramgama Samadhi, all Buddhas gain the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure” All beings possess the Suramgama Samadhi. Not practising, they cannot. see it. Hence, [there is then] no gaining of unsurpassed Enlightenment.

"O good man! The Suramgama Samadhi has five names, which are: 1) suramgama samadhi, 2) prajnaparamita [transcendent Wisdom], 3) diamond samadhi, 4) lion’s roar samadhi, 5) Buddha-Nature. According to the part it takes, it has various names. O good man! Just as a single samadhi gains various names, such as in [connection with] dhyana we say "four dhyanas" [“catvari-dhyanani”], in element "samadhi element", in power "samadhi power", in element "samadhi element" [sic], in rightness "right meditation", and in the eight awakened minds of a great man "right meditation". So does it obtain with the Suramgama Samadhi.

"O good man! All beings are perfect in three samadhis, which are: top, middle, and low. The top refers to the Buddha-Nature. So, we say that all beings possess the Buddha-Nature. By middle is meant that all beings possess the first dhyana. When causal relations are favourable, they can indeed practise; if not, they cannot. Of causal relations, there are two kinds. The one is fire, and the other the bond that destroys the things of the world of desire. So, we say that all beings are perfect in the middle-grade samadhi. The low-grade samadhi is none but the caitta samadhi of the ten mahabhumikas. Though possessing the Buddha-Nature, all beings are unable to see it, being overspread with defilement. The Bodhisattva of the ten abodes sees the One Vehicle, but he does not know that the Tathagata is Eternal. So, though the Bodhisattva of the ten abodes sees the Buddha-Nature, he cannot see it clearly.

“"O good man! “Shuryo” means "the ultimate of all things"; “gon” means "strong". As the ultimate of all things is strong, we say "suramgama". So, the Suramgama Samadhi is made to stand for the Buddha-Nature.

"O good man! I once lived by the River Nairanjana and said to Ananda: "I now intend to bathe in the river. Give me my robe and the washing powder “[soap]”. I then got into the water. All flying birds and those on water and land came and watched. Then there were also 500 Brahmacarins, who lived near the river. They came to me and said: "How can you hope to gain the Adamantine Body? If Gautama does not talk about "not-is", I shall follow him and accord with the rules of food."

"O good man! I, at that time, with mind-reading Wisdom, fathomed the mind of the Bramacarins and said to them: "What do you mean by saying that I talk of "not-is"? All the Brahmacarins said: "You, Gautama, have previously stated, here and there in the sutras, that all beings do not possess the Self. Now you say that there is no Self. How can you say that this is not the "not-is" theory? If “[there is]” no Self, who upholds the precepts and who violates “[them]”? I, the Buddha, said: "I have never said that all beings do not have the Self; I have always said that all beings have the Buddha-Nature. Is not the Buddha-Nature the Self? Thus, I have never spoken of "not-is". All beings do not see the Buddha-Nature. Hence, “[for them there is]” the non-Eternal, non-Self, non-Bliss, and non-Purity. Such are the views of "not-is". Then, all the Brahmacarins, on hearing that the Buddha-Nature is the Self, aspired to the unsurpassed Bodhi “[Enlightenment]” mind, and then, renouncing the world, practised the way of Bodhi. All flying birds and all those on water and land aspired to unsurpassed Bodhi, and having aspired, abandoned their bodies.

"O good man! This Buddha-Nature is, truth to say, no Self “[i.e. no defiled, circumscribed ego”]. For the benefit of beings, I say Self.

"O good man! The Tathagata, when there is reason for “[so]” saying, says that non-Self is the Self. But, truth to say, there is no Self “[there]”. Though I speak thus, there is nothing “[here]” that is false.

"O good man! On account of causal relations, I state Self to be non-Self, “and, yet, truth to tell, there is the Self. It constitutes the world. I state “[this]” as non-Self. But nothing is wrong. The Buddha-Nature is non-Self. The Tathagata says Self. Because there is the quality of the Eternal. The Tathagata is the Self. And yet he states “[this]” as non-Self. Because he has unmolestedness” [i.e. complete freedom, unrestrictedness, the ability to do what he wills].

Then, Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If it is the case that all beings possess the Buddha-Nature like any vajra-guardsman [i.e. a person who holds in his hand a vajra - diamond - and who thus protects the Buddhist teaching], why is it that all beings cannot see it?"

The Buddha said: "O good man! For example, "matter" [“rupa”] has such representa-tional qualities as blue, yellow, red, and white, and long or short, but a blind person cannot see it as such. Though it is not seen, we cannot say that there is no such quality as blue, yellow, red, white, long or short. Why not? Even though the blind person cannot see [it], one who has eyes can see [it]. It is the same with the Buddha-Nature. Even though all beings cannot see [it], the Bodhisattva at the level of the ten stages can see [it] somewhat; the Tathagata sees [it] completely. The Buddha-Nature seen by the Bodhisattva of the ten stages is like colour seen at night. What the Tathagata sees is like colour seen in the daytime.

"O good man! When the eye is blurred, one cannot see colour clearly. A good doctor can cure this. By [the use of] medicine, one comes to see things clearly. It is the same with the Bodhisattva of the ten stages. He can indeed see the Buddha-Nature, but not very clearly. By the power of the Suramgama Samadhi, a person can see [it] clearly.

“"O good man! If a person sees the non-Eternal, non-Self, non-Bliss, and non-Pure of "all" things”2,” and sees also the non-Eternal”, “non-Bliss, non-Self, and the non-Pure of the "non-all"3,” such a person does not see the Buddha-Nature. "All" alludes to birth and death; "non-all" alludes to the Three Treasures. The sravaka and pratyekabuddha see the non-Eternal, the non-Self, non-Bliss, and the non-Pure of the non-all. Due to this “[i.e. in this sense]”, they cannot see the Buddha-Nature. The Bodhisattva of the ten stages sees the non-Eternal, the non-Self, non-Bliss, and the non-Pure of all things, and sees, in part, the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure of the non-all. Because of this, he can see only one tenth. The All-Buddha- World-Honoured One sees the non-Eternal, non-Self, non-Bliss, and the non-Pure of all things and, also, the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure of the non-all. Because of this, he sees the Buddha-Nature just as one would see a mango that is “[resting] “in one’s own palm. Because of this, the Suramgama Samadhi is the Ultimate”.

"O good man! It is as when one cannot see the first moon. And yet, one cannot say that there is no moon. The same is the case with the Buddha-Nature. All beings may not [be able to] see it, yet we cannot say that there is no Buddha-Nature.

"O good man! The Buddha-Nature is none other than the ten powers, the four fearless-nesses, Great Compassion, and the three thinkings.

"All beings have the three destructions of defilement, and later, by [means of] this, they can see.

"The icchantika first crushes out the icchantika [i.e. ceases to be an icchantika within himself] and then he gains the ten powers, the four fearlessnesses, Great Compassion, and the three thinkings. That is why I always say that all beings posssess the Buddha-Nature.

"O good man! All beings have, all-equally, the 12 links of interdependence. These are the cases of the interior and the exterior.

"What are the 12?

"Defilement from the past is called ignorance [“avidya”].

"Karma from the past is called mental formation [“samskara” - i.e. mental volitions and impulses].

"In this present life, we first gain life in the womb. This is consciousness [“vijnana”].

"After entering the womb, the five parts [i.e. the five limbs or the five parts of the human body, made up of two hands, two feet, and one head] and the four roots [i.e. the four sense-organs of the eye, ear, nose, and mouth] are not yet perfectly formed. This state is called mind-and-body [“nama-rupa”].

"When one has the four roots and when one is not yet in the stage of touch [“sparsa”], this stage is called the six spheres [“sadayatana”].

"When no feeling of suffering or joy has as yet arisen, this stage is called that of touch.

"When one gets attached to a single love, this stage is called feeling [“vedana”].

"When one learns and befriends the five desires, this is craving [“trsihna”].

"When one looks in and out, and has cleaving [i.e. attachment], this is cleaving [“upadana” - clinging].

"When one raises actions in and out in the three categories of body, mouth and mind, this is existence [“bhava”].

"The consciousness that one has in this life is [one’s] birth for the days to come [i.e. one’s worldly consciousness provides the basis for one’s future rebirth], and the body-and-mind, the six spheres, touch, and feeling are the old age, illness, and death of the future. These are the 12 links of interdependence.

"O good man! Although there are these 12 links of interdependent arising, there are cases where things do not so come about. When one dies at the kalala stage, there cannot be the twelve. There can be the twelve when one gets into the stages beginning with birth and ending with old age and death.

"The beings of the world of form do not possess the three kinds of feeling, the three of touch, the three of craving, and there is no old age and no illness. And we can indeed say that there are the twelve.

"The beings of the world of non-form do not have anything of " matter" , and there is no ageing and no death. And we can also say that there are the twelve. Because this is gained through meditation. And we can indeed say that beings all-equally possess the 12 links of interdependence.

"O good man! The case is the same with the Buddha-Nature. As all beings can definitely gain unsurpassed Enlightenment, I teach and say that beings have the Buddha-Nature.

"O good man! There is a grass called “ninniku” in the Himalayas. If a cow eats it, that cow will bring forth sarpirmanda. There is a different kind of grass, which, when eaten, does not bring forth sarpirmanda. Although no sarpirmanda comes forth [in such an instance], we cannot say that there is no ninniku in the Himalayas. It is the same with the Buddha-Nature.

"The Himalayas are the Tathagata, the ninniku is Great Nirvana, the foreign grass is the 12 types of sutra. If beings give ear to, and respect and praise, Mahaparinirvana, they will see the Buddha-Nature. Even if it is not found in the 12 types of sutra, we cannot say that there is no Buddha-Nature.

"O good man! The Buddha-Nature is matter, non-matter, non-matter-and-not-non- matter.

"Also, it is a phase of appearance, no phase of appearance, no-phase-of-appearance-and- not-no-phase-of-appearance.

"Also, it is one, not-one, not-one-and-not-not-one.”

"Also, it is non-eternal and non-disruption, not-non-eternal-and-not-non-disruption.

"It is "is", "is-not", not "is"-and-not-"is-not".

"Also, it is an ending, non-ending, non-ending-and-not-non-ending.

"Also, it is cause, it is result, and it is no-cause-and-no-result.

"Also, it is signification, non-signification, non-signification-and-not-non-signification.

"Also, it is a letter, non-letter, non-letter-and-not-non-letter.

"Why is it matter? Because it is the Adamantine Body.

"Why is it non-matter? Because it is of the Buddha’s 18 independent characteristics and is of the category of non-matter.

"Why is it non-matter-and-not-non-matter? Because it has nothing to do with matter, non-matter, and because it has no fixed form.

"Why is it the phase of appearance? Because it has the 32 signs of perfection.

"Why is it that it has no phase of appearance? Because it displays no phase of showing the appearance of all beings.

"Why is it that it has no-phase-of-appearance-and-not-no-phase-of-appearance? Because there is no fixed phase of appearance or not no-fixed-phase-of-appearance.

"Why is it one? Because all beings ride in the One Vehicle.

"Why is it not one? Because three vehicles are spoken of.

"Why is it not-one-and-not-not-one? Because there is no way of counting.

"Why is it non-eternal? Because things are seen by causal relations.

"Why is it non-disruption? Because it is segregated from the world-view of disruption.

"Why is it not-non-eternal-and-not-non-disruption4? Because there is no-end and no-beginning.

"Why do we say " is" ? Because there do actually exist all beings.

"Why is it "not-is"? Because one can see it “[i.e. the Buddha-Nature]” by dint of the best expedient.

"Why is it "not-is" and "not-not-is"? This is because of the nature of the All-Void. "Why “[i.e. in what sense]” is it that it ends? Because one gains the Suramgama Samadhi. " Why is it non-ending? Because of the Eternal.

"Why is it non-ending-and-not-non-ending? Because all endings are done away with. "Why is it the cause? Because the cause is known.

"Why is it the result? Because the result is fixed.

"Why is it non-cause-and-non-result? Because it is the Eternal.

"Why is it signification? Because all are taken into the unhinderedness of signification. "Why is it non-signification? Because it is not possible to explain “[it].

"Why is it non-signification-and-not-non-signification? Because it is the ultimate All-Void.

"Why is it a letter? Because it has a name to represent “[it].

"Why is it a non-letter? Because the name has no name which it can have.

"Why is it non-letter-and-not-non-letter? Because it is segregated from the category of letters.

"Why is it non-Suffering-and-non-Bliss? Because it is away from feeling.

"Why is it non-Self? Because there is no arriving at the eight unmolestednesses.

"Why is it not non-Self? Because of the quality of the Eternal.

"Why is it non-Self and not non-Self? Because of non-doing and non-receiving.

"Why is it Voidness? Because of “Paramartha-satya”.

"Why is it non-Voidness? Because of the Eternal.

"Why is it non-Voidness-and-not-non-Voidness? Because it indeed serves as the seed of Wonderful Dharma.

"O good man! If any person can meditate upon and understand the signification of the Sutra of Great Nirvana, know that this person sees the Buddha-Nature.

"The Buddha-Nature is inconceivable. It is the world of the All-Buddha-Tathagata. It is not within the compass of conception of sravakas and pratyekabuddhas."

"O good man! The Buddha-Nature is not within the category of the five skandhas, the 18 realms, or the 12 spheres. It is not what originally was not but is now, nor is it what originally was but is now no longer. It is what beings can only see through causal relations.

"For example, it is like iron, which, when in the fire, is red, but when not and is cooled, is black as before. And this black colour does not exist inside or out. It comes about thus by causal relations. The same is the case with the Buddha-Nature. When the fire of defilement has gone, all beings can see [it].

"O good man! It is as in the case of a seed. The bud comes out and the seed dies. And the nature of the bud exists neither in nor out. It is the same with the flower and with the fruit. This comes out thus, since things are based on causal relations.

"O good man! This All-Wonderful Sutra of Great Nirvana is perfect in innumerable virtues. It is the same with the Buddha-Nature. It accomplishes and is perfect in innumerable virtues."

Then, Bodhisattva-mahasattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! How many laws [dharmas] does a Bodhisattva need to accomplish by [means of] which he can see the Buddha-Nature, yet not very clearly? How many laws does the All-Buddha-World-Honoured One need to accomplish by [means of] which he can see it clearly?"

"O good man! If the Bodhisattva accomplishes 10 things, he will be able to see the Buddha-Nature, and yet to a lesser degree. What are the 10? They are: 1) desiring little, 2) feeling satisfied, 3) quietude, 4) effort, 5) right remembrance, 6) right samadhi, 7) right Wisdom, 8) emancipation, 9) praising emancipation, 10) succouring beings with Great Nirvana."

Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! What difference is there between desireing little and feeling satisfied?"

"O good man! Desiring little is not seeking and not taking; feeling satisfied is not feeling regret when one gains little. Desiring little is having little; feeling satisfied means that the mind does not become worried by the things offered.

"O good man! Of desire, there are three kinds, which are: 1) evil desire, 2) great desire, 3) desire for desire’s sake. We say "evil desire". A bhiksu may gain greed in his mind, become the head of a great mass [of people], make all priests follow him, make all the four classes of the Buddhist Sangha make offerings unto him, respect, praise, and make much of him, make him preach, first of all others, before the four classes of the Sangha, make all believe in his words, make kings, ministers and rich people pay respect to him, so that they may give him an abundance of clothing, food, drink, bedding, medicine, and the very best types of accommodation. These are desires relative to the temporal life of birth and death. This is evil desire.

"What is great desire? For example, there is a bhiksu who gains greed in his mind, so that he makes himself known among the four classes of the Buddhist Sangha as one who has attained the stage of the first abode [stage] up to the tenth, unsurpassed Bodhi, arhatship, or such others as the [stage of] srotapanna, the four dhyanas, or the fourfold unhindered knowledge - all this is merely for the sake of profit. This is great desire.

"A bhiksu may desire to be born as a Brahma, as Marapapiyans, as an Isvara, a Chakravartin, a Kshatriya, or a Brahmin, so that he can have unrestrictedness. As this is but for profit, such a desire can well be called one for desire’s sake.

"If a person is not despoiled by these three evil desires, such a person is one with little desire to possess. By desire is meant the 25 cravings. If a person does not have these 25 cravings, such a person is called one who has little desire to possess. When a person does not seek to possess what he may well expect to have in the days to come, we call this seeking little to possess. The person gains, but does not cling. This is feeling satisfied. Not seeking to be respected is seeking little to possess. A person may obtain things, but if he does not seek to hoard them up, this is feeling satisfied.

"O good man! There is a situation where one has little seeking to possess, but which cannot be called a state where one is satisfied; and also there is a situation where one is satisfied, and yet this is not what one could well call a state where one is satisfied. Also, there is a situation where one has little seeking to possess and yet is satisfied; also, there is a situation where one does not have little seeking to possess and is not satisfied. Seeking little to possess refers to the srotapanna, and feeling satisfied refers to the pratyekabuddha. Seeking little to possesss and not feeling satisfied refers to the so-called Bodhisattva.

"O good man! There are two kinds of seeking little to possess and feeling satisfied. The one is good, and the other non-good. Non-good refers to the so-called common mortal, and good to the holy persons and the Bodhisattvas. All holy persons may gain the fruition of the way they have practised, but they will not praise what they have gained. As they do not praise, their minds do not have any worry. This is feeling satisfied.

"O good man! The Bodhisattva-mahasattva studies and practises the Mahayana Sutra of Great Nirvana and sees the Buddha-Nature. Because of this, he practises the way of seeking little to possess and feeling satisfied.

"What is quietude? There are two kinds of it. One is quietude of mind, and the other quietude of body.

"By quietude of body is meant not performing the three evils with the body; by quietude of mind is meant not committing the three evils with the mind. This is having quietude in body and mind.

"Quietude of body means not befriending the four classes of the Sangha, not taking part in the work done by the four classes of the Sangha. By quietude of the mind is meant not generating greed, anger or ignorance. This is quietude of body and mind.

"There may be a bhiksu whose body may find quietude, but whose mind does not find it. Or the mind may be in quietude, but not the body. Or there are cases where the body and mind are in quietude; or where the body and mind are not in quietude.

"We may say that the body is in quietude, but the mind is not. For example, a bhiksu sits in dhyana [meditation], segregating himself from the four classes of the Sangha. But the mind may yet always generate greed, anger and ignorance. This is what we call the body's being in quietude but the mind’s not.

"We say that the mind is in quietude, but the body is not. This alludes to the situation where a bhiksu might befriend the four classes of the Sangha, kings, and ministers, and segregates himself from greed, anger and ignorance. This is where we speak of the mind’s being in quietude but the body’s not.

"We say that body and mind are in quietude. This refers to the Buddha and Bodhisattvas.

"We say that the body and mind are both not in quietude. This refers to all common mortals. Why? Because common mortals may well enjoy quietude in body and mind. Yet they cannot meditate deeply on the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure. For this reason, common mortals cannot have quietude in their actions of body, mouth and mind.

"Such classes of people as the icchantika, those who have committed the four grave offences, and those of the five deadly sins also cannot be called those whose body and mind are in quietude.

"What is effort? There is a bhiksu who desires to purify the actions of his body, mouth and mind, and segregates himself from all evil deeds, amassing all good deeds. This is effort. One such focuses his mind on the six spheres, which are: 1) Buddha, 2) Dharma, 3) Sangha, 4) sila [moral precepts], 5) offerings, 6) heaven. This is right thinking. The samadhi resultant from right thinking is right meditation. One abiding in right meditation sees all things as Void. This is right Wisdom. One perfect in right Wisdom segregates his self from all the bonds of defilement. This is Emancipation.

"The person who has gained Emancipation praises it to all beings and says that this Emancipation is Eternal and Unchanging. This is the correct praising of Emancipation. This is unsurpassed Mahaparinirvana.

"Nirvana is none other than the extinction of the fire of all the bonds of defilement.

"Also, Nirvana is called a house. Why? Because it well protects one from the evil winds and rains of defilement.

"Also, Nirvana is a refuge. Why? Because it is well beyond all fears of the world.

"Also, Nirvana is a sand-dune. Why? Because the four madding floods of water cannot wash it away. What the these four? They are? 1) the storm of desire, 2) the storm of existence, 3) the storm of the “[wrong] “views of life, 4) the storm of ignorance. For this reason, Nirvana is called the sand-dune.

"Also, Nirvana is the final refuge. Why? Because one arrives at absolute Bliss. If a Bodhisattva-mahasattva accomplishes, and is perfect in, these ten things, he will see the Buddha-Nature, but not quite clearly”.

"Also, next, O good man! Those who have fled from worldly life suffer from four illnesses. Because of this, they are unable to arrive at the four fruitions of a bhiksu. What are the four illnesses? These are the four evil desires for: 1) clothing, 2) food, 3) bedding, 4) existence. These are the four evil desires. These are the illnesses of those who have abandoned worldly life.

"There are four good medicines which will cure these well.

"The pamsukula [i.e. Buddhist robe made from abandoned cloth] well cures the bhiksu’s evil craving for clothing.

"Alms-begging well cures the evil craving for food.

"The shade under a tree cures the evil craving for bedding.

"Quietude of body and mind well cures the bhiksu’s evil craving for existence.

"By these four good medicines, a person can indeed make away with the four illnesses. These are the holy actions. Such holy actions are seeking to possess little and feeling satisfied.

"Quietude comprises four blisses. What are the four? They are: 1) bliss of fleeing from worldly life, 2) bliss of quietude, 3) bliss of eternal extinction [of defilements], 4) ultimate Bliss. These four are quietude. These call forth four efforts. So we say "effort". It accompanies four thinkings. So, we speak of right thinkings. As it accompanies four dhyanas, we say right meditation. We see four Holy Truths. So, we say right Wisdom. This thoroughly makes away with all bonds of defilement. So, we speak of Emancipation. As it reproaches the wrongs of all defilements, we speak of the praising of Emancipation. O good man! The Bodhisattva- mahasattva peacefully abides in all these ten things., and he can see the Buddha-Nature, but not very clearly.

"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva, having listened well to this sutra, befriends it, practises the Way, and segregates himself from worldly life. This is seeking little to possess. Renouncing the world, he feels no regret. This is feeling satisfied. Feeling satisfied, he seeks lonely places and segregates himself from all noise. This is all-silent quietude. Those who do not feel satisfied do not desire to be in a lonely and quiet place; those who are satisfied seek a lonely and quiet place. In a quiet place, he [i.e. the Bodhisattva] always thinks: "People all say that I have attained the end of a sramana’s quest of the Way. But I have not yet reached it. How could I now deceive others?" Thinking thus, he makes effort and learns the end of a sramana’s attainment of the Way. This is effort.

"One who befriends and practises the Way of Great Nirvana is one who abides in right thinking. He follows the way of heaven. This is right meditation. He abides in this samadhi and sees things rightly. This is right Wisdom. One who sees things rightly thoroughly cuts off the bond of defilement. This is Emancipation. The Bodhisattva of the ten stages truly praises Nirvana. This is the praising of Emancipation. O good man! The Bodhisattva-mahasattva abides in these ten items and sees the Buddha-Nature, yet not clearly.

"Also, next, O good man! We speak of seeking to possess but little. A bhiksu sits in a lonely and quiet place. He sits rigidly and does not recline. Or he lives under a tree, or amidst graves, or in the open; or he sits on grass. He goes alms-begging, begs for food, and having partaken of it, he is satisfied. Or it may be one meal for a sitting. He only keeps three robes, which are those made from abandoned rags or woolen cloth. This is seeking to possess but little. Living thus, he does not feel regret. This is feeling satisfied. He practises the samadhi of the Void. This is quietude. Perfect in the four fruitions, he has no moment of rest from attaining unsurpassed Bodhi. This is effort.

"His mind set, he meditates on the fact that the Tathagata is the Eternal and that he is Unchanging. This is right thinking. He practises the eight emancipations. This is right dhyana. He gains the four unhinderednesses. This is right Wisdom. He segregates himself from the seven defilements. This is Emancipation. He praises Nirvana and says that Nirvana does not possess the ten aspects of life. This is praising Emancipation. The ten aspects of life are: birth, ageing, illness, death, colour, sound, smell, taste, touch, and impermanence. When one is segregated from these ten, we say that we have attained Nirvana. O good man! This is why we say that when the Bodhisattva-mahasattva abides in and perfects the ten items, he sees the Buddha-Nature, but not clearly.

"Also, next, O good man! Due to much craving, a person associates with kings, ministers, rich men, Kshatriyas, Brahmins, Vaishyas, and Sudras, and says: "I have attained the fruitions of the srotapanna up to arhatship" . For profit, he walks, stands, sits, reclines, and answers the call of nature. Seeing a danapati, he shows respect, approaches and talks. One who breaks away from evil cravings is one who has little craving. Although he has not done away with bonds and worries, he indeed goes where the Tathagata goes. This is feeling satisfied.

"O good man! The above two are the nearest causal relations for thinking of meditation. Teachers and students always praise them. I, too, in the sutras, have praised these two items. Any person who can be perfect in these two items draws close to the gates of Nirvana. This extends to the five blisses. This is quietude. One who rigidly upholds sila [morality] is called one who makes effort. One who repents is one of right thinking. One who sees no aspect of mind is one in right meditation. One who does not seek the characteristics and causal relations of all things is one of right Wisdom. As there is no exterior aspect, defilement goes away. This is Emancipation. Thus praising the Sutra of Gret Nirvana is called the praising of Emancipation. O good man! This is what [we mean when] we say that the Bodhisattva-mahasattva peacefully abides in the ten items and sees the Buddha-nature, though not yet quite clearly.

"O good man! You ask: " With what eye does the Bodhisattva of the ten stages see the Buddha-Nature, but see it not quite clearly, and with what eye does the World-Honoured One see the Buddha-Nature clearly?" O good man! With the Eye of Wisdom one sees it not quite clearly; with the Buddha-Eye, one sees it clearly. When one is in Bodhi practice, there is no clearness; with nothing to practise, one sees all clearly. When one has nothing more to practise, one sees clearly. When one abides in the ten stages, one does not see quite clearly. When one does not need to stand or move about, clearness comes about. Because of the causal relations of Wisdom, the Bodhisattva-mahasattva cannot see clearly. The All-Buddha-World-Honoured One is out of the realm of causal relations. It is due to this that he sees clearly. One awakened to all things is the Buddha-Nature. The Bodhisattva of the ten stages cannot be called awakened to all things. Because of this, though he sees, he does not see things clearly.

"O good man! Of seeing, there are two kinds. One is seeing with the eye; the other is hearing and seeing. The All-Buddha-World-Honoured One sees the Buddha-Nature with the eye, in the [same] way in which one sees an amra [mango] that is in one’s own hand. The Bodhisattva of the ten stages sees the Buddha-Nature through hearing. Hence, not quite clearly. The Bodhisattva of the ten stages knows well that he will definitely attain unsurpassed Enlightenment. And yet he does not know that all beings have the Buddha-Nature.

"O good man! Further, there is seeing by means of the eye. The All-Buddha-Tathagata and the Bodhisattva of the ten stages see the Buddha-Nature with the eye. Also, there is hearing and seeing. All beings and those of the ninth “bhumi” [stage] hear and see the Buddha-Nature. The Bodhisattva may hear that all beings possess the Buddha-Nature. But if he does not believe in this, this is no hearing and seeing." The Mahayana Mapaharinirvana Sutra Chapter Thirty-Four:

On Bodhisattva Lion’s Roar (b)

"O good man! If any good man or woman desires to see the Tathagata, he or she must study the 12 types of sutra, uphold, recite, copy and expound them".

Bodhisattva-mahasattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! All beings do not know the state of mind of the Tathagata. How do we meditate and come to know [this]?" "O good man! All beings, in truth, do not come to know of the mental state of the Tathagata. If they desire to meditate and know, there are two ways. One is to see with the eye and the other through hearing. If one sees the bodily actions of the Tathagata, know that this is the Tathagata. This is seeing with the eye. If one comes across the oral actions of the Tathagata, know that this is the Tathagata. This is to hear him, and see.

"One may come across a visage which is beyond that of man - know that this is the Tathagata. This is to see with the eye.

"One may hear a voice which is all so wonderful and superb and which is not of the human kind - know that this is that of the Tathagata. This is to see him through hearing.

"One may happen to see the Tathagata’s miraculous power manifested before one. How could it be other than for the sake of beings, rather than for profit? If it is for the sake of beings and not for profit, know that this is the Tathagata. This is seeing with the eye.

"One meditates upon the Tathagata, who sees humankind with mind-reading knowledge. Does he speak of Dharma for profit and not for beings’ sake? If it is for the sake of beings and not for profit, know that this is the Tathagata. This is seeing through hearing.

"How does the Tathagata gain the carnal body? Why does he gain it? For whom does he gain it? This is seeing with the eye.

"How does the Tathagata speak about Dharma? Why does he speak about Dharma? To whom does he speak about Dharma? Thus do we meditate. This is seeing him by hearing.

"Evil bodily actions are directed [at him], and there arises no anger. Know that this is the Tathagata. This is seeing with the eye.

"Evil oral actions are directed [at him]. But there is no anger. Know that this is the Tathagata. This is seeing by hearing.

"When the Bodhisattva is first born into the world, he takes seven steps in the ten directions, and the demon generals, Manibhadra and Purnabhadra, carry banners, at which innumerable boundless worlds shake and a golden light brightly fills the sky. The naga kings, Nanda and Upananda, with their divine powers, bathe the Bodhisattva’s body. All the gods show their bodies. They come and pay homage. Rishi Asita folds his hands and pays homage. In the prime of manhood, he [Siddhartha] abandons desires as if they were like tears and spittle. He is not bothered by worldly pleasures. He abandons his home, practises the Way, and seeks quietude. In order to crush twisted views, he undergoes austerities for six years. He sees all beings with an all-equal eye, not with two minds. His mind is always in samadhi and there is no moment in which his mind breaks. He looks serene and splendid; thus is his body adorned. Wherever he goes, the land is flat. His clothing parts from his body but by four inches and it does not drop down. When walking, he looks straight ahead, not looking to right or left. What he does is done with aptitude and nothing [is done which] goes beyond what is necessary. Where he sits and stands up, the grass does not move. To teach beings, he moves about and dwells upon Dharma. He displays no arrogance. This is seeing with the eye.

"The Bodhisattva, as he takes his seven steps, says: "The body that I now have is the last of all that I will have." Asita folds his hands and says: "Know, O great King! Prince Siddhartha is certain to gain unsurpassed Enlightenment. He will not remain at home and become a Chakravartin. Why not? Because his visage is clear and bright. The Chakravartin does not look clear and bright. The bodily form of Prince Siddhartha is bright and outstanding.

For this reason, he will unfailingly attain unsurpassed Enlightenment. He will see old age, illness, death, and will say: "I pity seeing all beings living thus. Birth, old age, illness and death follow one upon the other. And they cannot see; they always suffer. I shall now cut off the bond." Under Aradakalama, who is perfect in the five divine powers, he practises thoughtlessness samadhi [“asamjna-samapatti”]. Having attained it, he says that this is not the Way to Nirvana, but that of birth and death. For six years he practises this austerity, and gains nothing. If true, I must be able to gain it. Being false, I gain nothing. This is a twisted way, and not the right one. Having attained Enlightenment, Brahma comes and asks: " O Tathagata! Please open the gates of amrta [the deathless] and teach unsurpassed Dharma." The Buddha says: "O Brahma! All beings are always in the shadow of defilement. They are unable to give ear to my Wonderful Dharma." Brahma further says: "O World-Honoured One! There are three kinds of being, namely: 1) sharp-witted, 2) middle-witted, 3) slow-witted. The sharp-witted will be receptive. Please condescend to preach." The Buddha says: "O Brahma! Listen carefully, listen carefully! I shall now, for beings’ sake, open the gates of immortality." And at Varanasi, he turns the Wheel of Dharma and proclaims the Middle Path. All beings do not destroy the bond of defilement. It is not that they cannot destroy it. It is not that it is destroyed, nor is it that it is not destroyed. Hence, the Middle Path. It does not pass beings to the other shore, nor is it that it cannot pass beings to the other shore. Hence, the Middle Path. Whatever is taught, there is no saying that one is a teacher, nor is one the disciple. Hence, the Middle Path. Whatever is taught is not for profit, nor is it that fruition should come about there. This is the Middle Path. It is right speech, real words, timely words and true words. No word is spoken in a false way. It is all-wonderful and supreme. To hear such words is to see by hearing. " O good man! The state of the Tathagata’s mind truly cannot be seen. Should any good man or good woman desire to see [it], he or she must depend upon these two kinds of causal relations."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.110.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...