Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 9 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần sáu »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 9 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần sáu

Donate

(Lượt xem: 12.460)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 9 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần sáu

Phật dạy: “Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có những người thấy mặt trăng không hiện ra đều nói rằng trăng lặn, liền sanh ý tưởng rằng trăng đã lặn mất. Nhưng tánh của mặt trăng ấy thật không có lặn mất. Khi chuyển hiện ra ở nơi khác, chúng sanh nơi đó lại bảo rằng trăng mọc. Nhưng tánh của mặt trăng ấy thật không có mọc lên. Vì sao vậy? Vì núi Tu-di che khuất, nên chẳng hiện ra. Mặt trăng ấy thường có, tánh nó không có mọc lên hay lặn mất.

“Đức Như Lai, Ứng, Chánh biến tri cũng vậy, xuất hiện trong cõi Tam thiên Đại thiên thế giới này; hoặc ở Diêm-phù-đề thị hiện có cha mẹ, chúng sanh đều bảo rằng Như Lai sanh trong cõi Diêm-phù-đề. Hoặc ở Diêm-phù-đề thị hiện Niết-bàn, tánh Như Lai ấy thật không có Niết-bàn, nhưng chúng sanh đều nói rằng Như Lai thật có vào Đại Niết-bàn, ví như mặt trăng lặn mất.

“Thiện nam tử! Tánh Như Lai thật không có sanh diệt. Vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện sanh diệt.

“Thiện nam tử! Ví như mặt trăng tròn ở đây, nơi khác thấy là khuyết; mặt trăng khuyết ở đây, nơi khác thấy là tròn. Người ở Diêm-phù-đề khi thấy trăng non đều nói là ngày mồng một, liền sanh ý tưởng rằng trăng non. Khi thấy trăng tròn đều nói là ngày rằm, liền sanh ý tưởng rằng trăng tròn đầy. Nhưng tánh của trăng ấy thật không có tròn khuyết. Do núi Tu-di nên có sự tròn, khuyết.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, ở Diêm-phù-đề thị hiện vừa sanh ra, hoặc thị hiện Niết-bàn. Lúc thị hiện mới sanh, ví như trăng non, ai nấy đều bảo đó là đồng tử mới sanh. Ngài đi bảy bước, ví như mặt trăng đêm mồng hai. Rồi lại thị hiện vào thư đường học tập, ví như mặt trăng đêm mồng ba. Thị hiện xuất gia, ví như mặt trăng đêm mồng tám. Ngài phóng ánh sáng vi diệu của đại trí huệ, có thể phá dẹp vô lượng chúng ma, ví như mặt trăng tròn đầy đêm rằm. Hoặc thị hiện ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân mình, rồi thị hiện Niết-bàn, ví như nguyệt thực.

“Như vậy, chỗ thấy của chúng sanh chẳng đồng. Khi thấy trăng khuyết, khi thấy trăng tròn, hoặc có khi thấy nguyệt thực. Nhưng tánh của mặt trăng ấy thật không có tăng, giảm, không bị che khuất, vẫn luôn tròn đầy. Thân Như Lai cũng vậy, cho nên gọi là thường trụ, không biến đổi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như trăng tròn, hiện ra ở khắp mọi nơi, từ thành ấp, làng xóm, núi non, đầm nước, giếng, ao hồ, bồn chậu... hết thảy đều có trăng hiện. Có những chúng sanh đi được trăm do-tuần, trăm ngàn do-tuần, đều thấy mặt trăng thường đi theo mình. Kẻ phàm phu ngu si sanh ra ý tưởng sai lầm, nói rằng: ‘Khi ta còn ở nơi thành ấp nhà cửa, đã thấy mặt trăng ấy. Nay đến chỗ đồng hoang trống vắng này cũng thấy. Đó là mặt trăng trước, hay là mặt trăng khác?’ Có những kẻ nghĩ rằng mặt trăng có lớn, có nhỏ, hoặc như cái miệng chậu... Lại có kẻ khác nói rằng: ‘Nó lớn bằng bánh xe.’ Hoặc nói rằng: ‘Nó rộng bốn mươi chín do-tuần.’ Ai nấy đều thấy mặt trăng chiếu sáng, hoặc có kẻ thấy nó tròn trịa như cái mâm vàng. Tánh của mặt trăng ấy là duy nhất, nhưng chúng sanh mỗi người đều thấy tướng trạng của nó khác nhau.

“Thiện nam tử! Như Lai xuất hiện ở thế gian cũng vậy. Hoặc có người hay chư thiên nghĩ rằng: ‘Hiện nay, Như Lai ở trước mặt ta.’ Lại có những chúng sanh khác cũng nghĩ tưởng rằng: ‘Hiện nay, Như Lai ở trước mặt ta.’ Hoặc có những kẻ câm điếc thấy Như Lai cũng câm điếc như họ. Các loài chúng sanh khác nhau, tiếng nói khác nhau, thảy đều bảo rằng Như Lai nói cùng thứ tiếng với họ, ai nấy cũng đều nghĩ rằng: ‘Như Lai ở tại nhà tôi, thọ nhận sự cúng dường của tôi.’ Hoặc có những chúng sanh thấy Như Lai thân tướng rộng lớn vô lượng. Lại có kẻ thấy Như Lai hình tướng nhỏ bé. Hoặc có kẻ thấy Phật có hình tượng Thanh văn. Cũng có kẻ thấy Phật mang hình tượng Duyên giác. Lại có những kẻ ngoại đạo nói rằng: ‘Hiện nay Như Lai xuất gia học đạo ở trong pháp của chúng tôi.’ Hoặc có những chúng sanh lại nghĩ rằng: “Hiện nay Như Lai chỉ riêng vì tôi mà xuất hiện ở thế.’

“Tánh thật của Như Lai ví như mặt trăng kia, tức là pháp thân, là thân không sanh, là thân phương tiện, tùy thuận thế gian mà thị hiện vô số nhân duyên căn bản của nghiệp... Ngài ở khắp mọi nơi thị hiện có sanh ra, như mặt trăng kia. Vì nghĩa ấy cho nên Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như vị vua loài a-tu-la là La-hầu-la lấy tay che khuất mặt trăng, người thế gian đều bảo đó là nguyệt thực. Vua a-tu-la ấy thật không thể nuốt mất mặt trăng, chỉ che khuất ánh sáng thôi. Mặt trăng ấy vẫn tròn đầy không hao khuyết, chỉ vì bàn tay của vua a-tu-la che khuất nên chẳng hiện ra. Nếu bàn tay ấy rút đi, thế gian sẽ cho rằng mặt trăng lại sanh ra, đều nói rằng: ‘Mặt trăng chịu nhiều khổ não.’ Nhưng dù cho trăm ngàn vị vua a-tu-la cũng không thể làm cho mặt trăng khổ não!

“Như Lai cũng thế, ngài thị hiện có những chúng sanh đối với Như Lai sanh lòng thô ác, làm thân Phật chảy máu, phát khởi Năm tội nghịch, cho đến thành kẻ nhất-xiển-đề. Ngài vì các chúng sanh đời vị lai mà thị hiện những việc phá hoại Chúng tăng, đoạn dứt Chánh pháp và gây ra những khó khăn chướng ngại... [Thật ra, dù] có trăm ngàn vô lượng chúng ma cũng không thể làm cho thân Như Lai chảy máu. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai không có máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy. Như Lai là chân thật, không thể quấy nhiễu, phá hoại. Chúng sanh đều cho rằng Pháp, Tăng bị hủy hoại, Như Lai có diệt mất. Nhưng tánh Như Lai chân thật, không biến đổi, không thể phá hoại. Vì tùy thuận thế gian nên thị hiện như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như hai người giao đấu tranh tài. Nếu dùng dao gậy gây ra thương tích, làm chảy máu đối phương, tuy có làm chết người nhưng không hề khởi ý tưởng giết hại. Hình thức tạo nghiệp như vậy là nhẹ chứ không phải nặng. Người đối với Như Lai vốn không có tâm giết hại, tuy làm cho thân Phật chảy máu thì nghiệp này cũng như trên, nhẹ chứ không nặng. Như Lai vì giáo hóa chúng sanh đời vị lai nên thị hiện nghiệp báo như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có vị lương y cố sức dạy cho con những phương thuốc căn bản, dạy rằng: ‘Đây là rễ cây thuốc, đây là thân cây thuốc, đây là hoa cây thuốc... Con nên biết rành mọi thứ hình dáng.’ Người con kính vâng lời cha truyền dạy, tinh cần học tập, hiểu rành các thứ thuốc. Về sau, vị lương y ấy chết đi. Người con khóc kể và nói rằng: ‘Cha tôi từng dạy tôi: rễ thuốc như thế này, thân cây thuốc như thế này, hoa cây thuốc như thế này, màu sắc hình dáng như thế này.’

“Như Lai cũng thế, vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện chế định giới luật: ‘Nên thọ trì như thế này, đừng phạm vào tội Ngũ nghịch, phỉ báng Chánh pháp cùng là nhất-xiển-đề.’ Vì đời vị lai nên khởi ra những việc ấy. Cho nên thị hiện để khiến cho sau khi Phật nhập diệt, các vị tỳ-kheo đều biết như thế này: ‘Đây là Khế kinh, nghĩa lý thâm sâu. Đây là giới luật, có các hình thức nặng nhẹ khác nhau; đây là A-tì-đàm, phân biệt rõ ràng các pháp.’ Cũng như đứa con của vị lương y kia.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như loài người xem mặt trăng, cứ sáu tháng có một lần nguyệt thực. Nhưng trên cõi trời kia, chỉ trong một thời gian ngắn mà chư thiên đã thấy nhiều lần nguyệt thực. Vì sao vậy? Vì ngày ở cõi trời ấy rất dài, còn ngày ở cõi người thì ngắn.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, chư thiên thảy đều bảo rằng tuổi thọ của Như Lai là ngắn. Cũng như chư thiên kia trong một thời gian ngắn đã thấy nhiều lần nguyệt thực; Như Lai cũng thế, trong một thời gian ngắn đã thị hiện trăm ngàn vạn ức lần Niết-bàn, dứt trừ ma phiền não, ma ấm, ma chết. Cho nên trăm ngàn vạn ức thiên ma thảy đều biết rằng Như Lai vào Đại Niết-bàn. Lại còn thị hiện vô lượng trăm ngàn nhân duyên nghiệp đời trước, tùy thuận mọi tánh của thế gian mà thị hiện vô lượng vô biên như vậy, không thể nghĩ bàn. Cho nên Như Lai là thường trụ, không biến đổi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như mặt trăng sáng, chúng sanh đều muốn nhìn ngắm, nên khen mặt trăng là đáng nhìn. Chúng sanh nếu có tham lam, sân khuể, ngu si, thì chẳng được khen là đáng nhìn. Tánh Như Lai cũng như mặt trăng sáng ấy, thuần thiện, trong sạch không nhơ bợn, nên rất đáng xưng là đáng nhìn. Những chúng sanh hâm mộ Chánh pháp đều ngắm nhìn ngài không chán, những kẻ ác tâm chẳng thích ngẩng mặt nhìn ngài. Vì nghĩa ấy cho nên nói rằng: ‘Như Lai ví như trăng sáng.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như khi mặt trời xuất hiện, có ba mùa khác nhau: mùa xuân, mùa hạ, mùa đông. Ngày mùa đông ngắn, ngày mùa xuân vừa phải, ngày mùa hạ rất dài. Như Lai cũng thế, ở trong cõi Tam thiên đại thiên này, vì những người có đời sống ngắn ngủi và các vị Thanh văn nên thị hiện đời sống ngắn ngủi. Những người này thấy vậy đều nói rằng đời sống của Phật rất ngắn, ví như ngày mùa đông. Phật lại vì chư Bồ Tát mà thị hiện đời sống vừa phải, như trọn một kiếp hoặc một kiếp giảm, ví như ngày mùa xuân. Duy chỉ có [chư] Phật nhìn thấy Phật có đời sống vô lượng, ví như ngày mùa hạ.

“Thiện nam tử! Giáo lý sâu kín mầu nhiệm của kinh phương đẳng Đại thừa do Như Lai thuyết giảng, thị hiện nơi thế gian để đổ trận mưa pháp lớn. Trong tương lai, nếu có những người có thể thọ trì kinh điển này, mở bày chỉ bảo, phân biệt làm lợi ích chúng sanh, nên biết rằng những người ấy thật là Bồ Tát, ví như đang mùa hạ nóng bức được cơn mưa mát mẻ! Nếu có hàng Thanh văn, Duyên giác nghe được giáo pháp sâu kín mầu nhiệm của Phật Như Lai, ví như trong ngày mùa đông phải chịu nhiều khổ nạn buốt giá. Hàng Bồ Tát nếu nghe được lời dạy bảo sâu kín mầu nhiệm như thế này: ‘Như Lai là thường trụ, tánh không biến đổi, ví như ngày xuân cây cối đâm chồi nảy lộc. Nhưng tánh Như Lai vốn không dài ngắn, chỉ vì thế gian nên thị hiện như vậy, đó là tánh pháp chân thật của chư Phật.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như các ngôi sao, ban ngày chẳng hiện ra. Người ta đều cho rằng ban ngày sao lặn mất. Kỳ thật, sao ấy không có lặn mất. Sở dĩ không hiện ra là vì mặt trời chói sáng. Như Lai cũng thế, Thanh văn, Duyên giác không thể nhìn thấy được, cũng như người đời không nhìn thấy được các ngôi sao ban ngày.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như đang khi trời u ám, mặt trời, mặt trăng không hiện ra. Người ngu bảo rằng: ‘Mặt trời, mặt trăng đã mất.’ Nhưng mặt trời, mặt trăng thật không mất! Vào lúc Chánh pháp Như Lai diệt mất, Tam bảo cũng hiện ra tướng lặn khuất như vậy, thật không phải diệt mất hẳn. Vậy nên biết rằng Như Lai là thường trụ, không có biến đổi. Vì sao vậy? Vì tánh chân thật của Tam bảo chẳng bị những điều nhơ xấu làm nhiễm ô.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vào tuần trăng tối, sao chổi hiện ra lúc ban đêm, ánh sáng chói lòa, trong chốc lát rồi lặn mất. Chúng sanh thấy vậy rồi sanh ra ý tưởng cho là điềm chẳng lành. Các vị Phật Bích-chi lại cũng như vậy, ra đời vào lúc không có Phật. Chúng sanh thấy vậy rồi, thảy đều cho rằng Như Lai hẳn thật diệt độ, nên sanh lòng lo buồn. Nhưng thân Như Lai thật không có diệt mất, cũng như mặt trời và mặt trăng kia không hề lặn mất.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như khi mặt trời hiện, sương mù đều tan mất. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này lại cũng như vậy, hiện ra mạnh mẽ trong đời. Nếu như có chúng sanh nào tai nghe qua kinh này một lần, liền có thể diệt trừ được tất cả nghiệp ác vô gián. Cảnh giới rất thâm sâu của Đại Niết-bàn này không thể nghĩ bàn, khéo giảng bày tánh nhiệm mầu sâu kín của Như Lai.

“Vì nghĩa ấy, các thiện nam tử, thiện nữ nhân nên đối với Như Lai sanh tâm thường trụ, không biến đổi, Chánh pháp không dứt mất, Tăng bảo chẳng hề tiêu diệt. Vậy nên phải tu nhiều phương tiện, siêng học kinh điển này. Người như vậy không lâu sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Vì vậy nên kinh này gọi là chỗ thành tựu của vô lượng công đức, cũng gọi là Bồ-đề không thể cùng tận. Vì không cùng tận, nên mới xưng là Đại Bát Niết-bàn. Bởi có ánh sáng lành, nên ví như ngày mùa hạ, và bởi thân không hạn lượng nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng là hơn hết, tất cả các loại ánh sáng khác đều không sánh được; hào quang của kinh Đại Niết-bàn lại cũng như vậy, vượt trội hơn hết so với hào quang Tam-muội của các Khế kinh, tất cả đều không sánh được. Vì sao vậy? Vì hào quang của kinh Đại Niết-bàn có thể vào trong các lỗ chân lông của chúng sanh. Dù chúng sanh chẳng có tâm Bồ-đề, nhưng có thể vì họ mà tạo ra nhân duyên Bồ-đề. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật nói rằng hào quang của kinh Đại Niết-bàn vào tất cả những lỗ chân lông của chúng sanh, dù họ chẳng có tâm Bồ-đề cũng có thể vì họ tạo ra nhân Bồ-đề. Nghĩa ấy chẳng đúng! Vì sao vậy? Thế Tôn! Những kẻ phạm Bốn giới cấm nặng, những người làm Năm tội nghịch, những kẻ nhất-xiển-đề, nếu hào quang vào trong thân họ tạo ra được nhân Bồ-đề, thì những hạng người như vậy so với những người giữ gìn giới hạnh trong sạch, tu tập các điều lành có khác gì nhau? Nếu chẳng khác nhau, vì sao Như Lai lại giảng nghĩa Bốn pháp nương theo?

“Thế Tôn! Lại như Phật nói rằng: ‘Nếu có những chúng sanh, tai nghe qua kinh Đại Niết-bàn một lần, ắt dứt trừ được các phiền não.’ Vì sao trước đó Như Lai dạy rằng: ‘Có người đã phát tâm ở trước chư Phật nhiều như cát sông Hằng, khi nghe kinh Đại Niết-bàn cũng chẳng hiểu được nghĩa?’ Nếu chẳng hiểu nghĩa, làm sao dứt trừ được tất cả phiền não?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề, ngoài ra những chúng sanh khác khi nghe được kinh này rồi, thảy đều có thể tạo được nhân duyên Bồ-đề. Tiếng giảng pháp phát ra hào quang, vào nơi lỗ chân lông rồi thì nhất định người ấy sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Nếu ai có thể cúng dường cung kính vô lượng chư Phật, mới được nghe kinh Đại Niết-bàn. Những kẻ bạc phước ắt chẳng được nghe. Vì sao vậy? Người có phước đức lớn mới có thể được nghe việc lớn như thế này. Kẻ tiểu nhân hạ tiện ắt chẳng được nghe. Sao gọi là việc lớn? Đó là tạng rất sâu kín của chư Phật, đó là tánh Phật. Vì nghĩa ấy, cho nên gọi là việc lớn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao người chưa phát tâm Bồ-đề có thể tạo nhân Bồ-đề?”

Phật dạy: “Như ai có nghe kinh Đại Niết-bàn này rồi nói rằng mình chẳng cần phát tâm Bồ-đề, và phỉ báng Chánh pháp. Tức thời người ấy đến đêm nằm ngủ mộng thấy hình tượng La-sát, trong lòng kinh sợ. La-sát nói với người ấy rằng: ‘Này thiện nam tử! Nay nếu ông chẳng phát tâm Bồ-đề, tôi sẽ lấy mạng ông.’ Người ấy hoảng sợ, khi tỉnh giấc liền phát tâm Bồ-đề. Người ấy sau khi mạng chung, nếu ở trong Ba đường dữ cũng như ở các cõi trời, người, vẫn tiếp tục nhớ tưởng tâm Bồ-đề. Nên biết rằng đó là bậc Đại Bồ Tát ma-ha-tát. Vì nghĩa ấy, sức oai thần của kinh Đại Niết-bàn này có thể khiến người chưa phát tâm Bồ-đề tạo nên nhân Bồ-đề.

“Thiện nam tử! Đó gọi là nhân duyên phát tâm của Bồ Tát, chẳng phải không có nhân duyên. Vì nghĩa ấy, kinh điển Đại thừa mầu nhiệm này quả thật là do Phật thuyết dạy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như giữa hư không, khi kéo mây mưa lớn thì nước mưa trút xuống mặt đất. Trên những cây khô, núi đá, gò nổng, cao nguyên... nước chẳng đọng lại mà chảy dồn xuống nơi ruộng vườn, ao hồ, làm cho đầy tràn, lợi ích vô lượng chúng sanh. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng như vậy đó, tưới trận mưa pháp lớn, thấm nhuần khắp chúng sanh.

“Nhưng kẻ nhất-xiển-đề mà phát tâm Bồ-đề là việc không thể có! Lại nữa, thiện nam tử! Ví như hạt giống đã hư hỏng, dù gặp mưa xuống cho đến trăm, ngàn, vạn kiếp cũng không thể nảy mầm. Nếu mầm sanh ra được, đó là việc không thể có.

“Những kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, dù có được nghe kinh điển vi diệu Đại Bát Niết-bàn này, cũng không hề nảy sanh cái mầm tâm Bồ-đề. Nếu họ nảy sanh ra được, đó là việc không thể có! Vì sao vậy? Những người ấy đã dứt mất hết thảy căn lành, như hạt giống đã hư hỏng, không thể nảy sanh những mầm rễ là tâm Bồ-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như hạt minh châu đặt vào chỗ nước đục. Nhờ công năng của hạt châu, nước liền lắng trong. Nhưng nếu ném xuống chỗ bùn lầy, hạt châu cũng không thể làm cho bùn lầy trở nên trong sạch. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng vậy, đối với những chúng sanh phạm Năm tội vô gián cùng Bốn giới cấm nặng, cũng như nước đục, còn có thể lắng trong, [khiến họ] phát tâm Bồ-đề. Nhưng đối với bùn lầy như những kẻ nhất-xiển-đề, dù cho đến trăm ngàn vạn năm cũng không thể làm cho trong sạch, phát tâm Bồ-đề. Vì sao vậy? Những kẻ nhất-xiển-đề này đã dứt hết căn lành, không thể đón nhận giáo pháp. Ví như họ được nghe kinh Đại Niết-bàn này trong trăm ngàn vạn năm, rốt cùng cũng không thể phát tâm Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì chẳng có tâm lành.

“Thiện nam tử! Ví như có loại cây thuốc gọi là cây thuốc chúa, vượt trội hơn hết trong tất cả các loại thuốc. Nếu đem hòa với kem sữa, hoặc với mật, với bơ, với nước, với sữa, làm thành thuốc tán, thuốc hoàn, rồi bôi những chỗ ghẻ, xông mình, thoa mắt... khi nhìn thấy hoặc ngửi mùi [thuốc ấy] đều có thể trừ được hết thảy bệnh tật của chúng sanh. Nhưng cây thuốc ấy chẳng hề nghĩ rằng: ‘Tất cả chúng sanh, như ai muốn lấy rễ của ta thì chẳng nên lấy lá, như lấy lá thì đừng lấy rễ. Như ai lấy thân ta thì chẳng nên lấy vỏ, như lấy vỏ thì đừng lấy thân.’ Tuy cây ấy chẳng khởi ý nghĩ như vậy, nhưng nó có thể trừ diệt tất cả bệnh khổ.

“Thiện nam tử! Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng vậy, có thể dứt trừ tất cả nghiệp ác của chúng sanh, như bốn tội ba-la-di, năm tội vô gián, mọi điều ác của người ta, dù là ở trong hay ở ngoài. Những ai chưa phát tâm Bồ-đề, nhân đây liền phát tâm. Vì sao vậy? Vì kinh điển vi diệu này là vua trong các kinh, cũng như cây thuốc kia là vua trong các cây thuốc. Dù ai có tu tập kinh Đại Niết-bàn này hay là chẳng tu, nhưng nếu nghe được danh hiệu của kinh này rồi đem lòng kính tin, thì người ấy dù có bao nhiêu phiền não trọng bệnh cũng đều trừ hết. Chỉ là không thể làm cho những kẻ nhất-xiển-đề ở yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ví như món thuốc hay kia, dù trị được mọi thứ bệnh nặng, nhưng không thể chữa trị cho những kẻ nhất định phải chết.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người có ghẻ nơi bàn tay, cầm nắm thuốc độc, chất độc liền theo chỗ ghẻ mà vào trong người. Nếu không có ghẻ thì chất độc chẳng thể vào. Những kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, họ không có nhân Bồ-đề, cũng như người không có ghẻ, chất độc không vào được. Ghẻ đó là ví cho nhân duyên Bồ-đề vô thượng. Chất độc đó là ví cho thuốc hay bậc nhất. Người không có ghẻ đó là ví cho kẻ nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như kim cang, không gì có thể phá hoại nó được, nhưng nó lại có thể phá hoại tất cả mọi vật, chỉ trừ ra mu rùa và sừng dê trắng. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng vậy, có thể đặt yên vô lượng chúng sanh nơi đạo Bồ-đề, duy không thể khiến cho kẻ nhất-xiển-đề tạo lập nhân Bồ-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như loài cỏ răng ngựa, cây ta-la-sí, cây ni-ca-la, dù cho chặt đứt thân cây vẫn tiếp tục mọc lên như cũ, không phải như cây đa-la, bị chặt rồi thì không mọc lại được. Chúng sanh cũng vậy, nếu được nghe kinh Đại Niết-bàn, dù cho có phạm Bốn giới cấm nặng cùng Năm tội vô gián vẫn có thể phát sanh nhân duyên Bồ-đề. Những kẻ nhất-xiển-đề không phải như vậy, dù có được nghe kinh điển mầu nhiệm này cũng không thể phát sanh nhân duyên đạo Bồ-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây khư-đà-la, cây trấn-đầu-ca, nếu bị chặt ngang rồi chì chẳng mọc lên được nữa, cũng như những hạt giống đã bị hư hỏng. Những kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, dù có được nghe kinh Đại Niết-bàn này nhưng vẫn không thể phát sanh nhân duyên Bồ-đề, như những hạt giống bị hư hỏng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như mưa lớn, nước chẳng đọng lại giữa không trung. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng vậy, rưới cơn mưa pháp xuống khắp nơi, nhưng nước mưa pháp ấy chẳng đọng lại được nơi kẻ nhất-xiển-đề. Kẻ nhất-xiển-đề ấy toàn thể kín chặt, ví như kim cang không cho vật thể bên ngoài xen vào.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có thuyết kệ:

“Chẳng thấy thiện không làm,
Chỉ thấy ác nên làm,
Chỗ ấy là đáng sợ,
Như đường hiểm xấu ác.”

“Bạch Thế Tôn! Bài kệ đó có nghĩa thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chẳng thấy, đó là chẳng thấy tánh Phật. Thiện, tức là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chẳng làm, nghĩa là không gần gũi bạn hiền. Chỉ thấy, là thấy không có nhân quả. Ác, nghĩa là phỉ báng kinh điển phương đẳng Đại thừa. Nên làm, là kẻ nhất-xiển-đề nói không có kinh Phương đẳng. Vì nghĩa ấy cho nên kẻ nhất-xiển-đề không có lòng hướng về thiện pháp thanh tịnh. Thiện pháp là gì? Đó là Niết-bàn. Người hướng đến Niết-bàn là người có thể tu tập các hạnh hiền thiện. Nhưng kẻ nhất-xiển-đề không có hạnh hiền thiện. Vì vậy, kẻ ấy không thể hướng đến Niết-bàn. Chỗ ấy là đáng sợ, đó là nói sự phỉ báng Chánh pháp. Những ai nên sợ? Là những người có trí tuệ. Vì sao vậy? Vì kẻ phỉ báng Chánh pháp thì không có thiện tâm và không có phương tiện. Đường hiểm xấu ác, đó là nói các hành.”

Ca-diếp lại bạch Phật: “Như Phật có thuyết kệ:

“Sao biết việc đã làm?
Làm sao được pháp lành?
Ở đâu không sợ sệt,
Như đường lớn vua đi?”

“Ý nghĩa bài kệ này như thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Biết việc đã làm, nghĩa là bày tỏ, phát lộ các điều ác. Trải qua bao đời sanh tử đã làm các điều ác, nay bày tỏ phát lộ tất cả, cho đến chỗ không cùng tận. Vì nghĩa ấy, ở chỗ ấy là không sợ sệt. Ví như một vị vua, khi dạo chơi trên đường thì bọn trộm cướp ở đó đều chạy trốn hết. Phát lộ như vậy thì các điều ác sẽ dứt tuyệt. Lại nữa, không biết việc đã làm là nói kẻ nhất-xiển-đề đã làm mọi điều ác nhưng chẳng thấy việc họ đã làm. Đó là lòng kiêu mạn của kẻ nhất-xiển-đề. Tuy họ làm nhiều việc ác, nhưng đối với những việc ấy không hề sợ sệt. Vì lẽ ấy nên họ không thể chứng đắc Niết-bàn, ví như những con khỉ bắt lấy mặt trăng dưới nước.

“Thiện nam tử! Ví như có vô lượng chúng sanh cùng lúc đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, các đức Như Lai cũng không thấy kẻ nhất-xiển-đề kia thành đạo Bồ-đề. Vì nghĩa ấy, nên gọi là không biết việc đã làm. Lại nữa, không biết việc của ai đã làm? Đó là không thấy biết những việc mà Phật đã làm. Phật vì chúng sanh thuyết dạy có tánh Phật. Những kẻ nhất-xiển-đề lăn lộn trong vòng sanh tử, không thể thấy biết. Vì nghĩa ấy nên gọi là chẳng thấy những việc mà Phật đã làm.

Lại nữa, kẻ nhất-xiển-đề thấy Như Lai buông bỏ tất cả mà vào Niết-bàn, bèn cho rằng đó thật là vô thường, như dầu hết thì đèn phải tắt. Vì sao vậy? Vì nghiệp ác của kẻ ấy chẳng hề giảm bớt chút nào. Như có các vị Bồ Tát tạo những nghiệp lành, hồi hướng về quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tuy những kẻ nhất-xiển-đề chê bai, phá hoại, chẳng tin, nhưng các vị Bồ Tát vẫn bố thí cho họ, muốn họ cùng được thành đạo vô thượng. Vì sao vậy? Vì pháp của chư Phật là như thế!

“Làm ác, chẳng thọ liền,
Như sữa thành ra kem.
Như tro che phủ lửa,
Kẻ ngu khinh dể đạp.”

“Nhất-xiển-đề, gọi là không có mắt, nên không thấy con đường của bậc A-la-hán; như bậc A-la-hán thì chẳng đi theo đường sanh tử hiểm ác. Vì không có mắt nên phỉ báng kinh Phương đẳng, chẳng muốn tu tập; như bậc A-la-hán thì chuyên cần tu tập tâm từ. Những kẻ nhất-xiển-đề lại không tu tập kinh Phương đẳng như vậy.

“Như có người nói: ‘Nay tôi chẳng tin kinh điển Thanh văn, chỉ tin nhận Đại thừa, đọc tụng, giảng nói, như vậy tôi chính là Bồ Tát. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì có tánh Phật nên trong thân chúng sanh có đủ mười sức, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Chỗ tôi thuyết dạy cũng chẳng khác gì Phật thuyết. Nay ông và tôi cùng phá vô lượng phiền não độc dữ, ví như người ta đập bể cái bình đựng nước. Phá xong các mối trói buộc ấy rồi tất sẽ được thấy A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Tuy kẻ ấy giảng nói như vậy, nhưng tự tâm lại chẳng tin rằng mình có tánh Phật. Chỉ vì lợi dưỡng nên theo những gì được nghe mà nói lại thế thôi. Kẻ giảng thuyết như vậy gọi là ác nhân. Nhưng kẻ ác ấy không thọ nhận quả báo nhanh chóng, [mà cần có thời gian] như sữa biến thành kem.

“Ví như vị sứ giả của vua, có tài đàm luận, khéo léo về phương tiện, vâng lệnh đến nước khác. Thà chịu mất mạng chứ không quên nói những điều vua đã căn dặn. Người có trí tuệ cũng thế, ở giữa những người phàm phu, không tiếc thân mạng, chỉ cốt tuyên thuyết cho được kinh Đại thừa Phương đẳng, tạng sâu kín của Như Lai: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Có những kẻ nhất-xiển-đề giả hình dạng như A-la-hán, ở nơi trống trải vắng vẻ mà phỉ báng kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Những kẻ phàm phu thấy vậy đều cho rằng họ thật là A-la-hán, là Đại Bồ Tát ma-ha-tát. Những tỳ-kheo xấu nhất-xiển-đề ấy, ở nơi a-lan-nhã nhưng phá hoại pháp a-lan-nhã. Thấy người khác được lợi, họ liền sanh lòng ganh ghét, nói rằng: ‘Những kinh điển Phương đẳng Đại thừa thảy đều do thiên ma Ba-tuần thuyết dạy.’ Họ cũng nói rằng: ‘Như Lai là pháp vô thường.’ Họ hủy diệt Chánh pháp, phá hoại Chúng tăng, lại nói rằng: ‘Đó là thuyết của Ba-tuần, chẳng phải thuyết thuận theo điều lành.’ Họ tuyên thuyết những pháp tà ác như vậy. Họ làm ác nhưng không chịu quả báo tức thì, [cần có thời gian] cũng như sữa hóa thành kem; như đống lửa phủ tro kín, kẻ ngu [không biết nên] khinh dể giẫm lên. Những kẻ như vậy, gọi là nhất-xiển-đề. Cho nên phải biết rằng kinh điển vi diệu Phương đẳng Đại thừa chắc chắn thanh tịnh, ví như hạt châu ma-ni, ném vào nước đục thì nước liền lắng trong. Kinh điển Đại thừa lại cũng như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như hoa sen, khi ánh nắng soi chiếu thì nở ra. Tất cả chúng sanh lại cũng như vậy, nếu được nghe thấy mặt trời Đại Niết-bàn, người chưa phát tâm cũng sẽ phát tâm, tạo nhân Bồ-đề. Vì vậy nên ta nói rằng hào quang của kinh Đại Niết-bàn vào nơi lỗ chân lông rồi ắt tạo thành nhân duyên mầu nhiệm. Kẻ nhất-xiển-đề kia, dù có tánh Phật, nhưng bị vô số tội lỗi nhơ nhớp buộc trói, không thể ra khỏi, ví như con tằm ở trong cái kén. Vì nghiệp duyên ấy không thể phát sanh nhân Bồ-đề mầu nhiệm, phải xoay chuyển mãi trong vòng sanh tử, không lúc nào dứt được!

“Lại nữa, thiện nam tử! Như những loại hoa sen ưu-bát-la, bát-đầu-ma, câu-vật-đầu, phân-đà-lỵ thảy đều từ nơi bùn lầy mà sanh ra, nhưng chẳng hề bị bùn lầy làm nhiễm ô. Chúng sanh tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn lại cũng như vậy, tuy có phiền não, nhưng rốt cùng chẳng bị phiền não nhiễm ô. Vì sao vậy? Vì biết được tánh, tướng và lực của Như Lai.

“Thiện nam tử! Ví như ở xứ kia thường có nhiều luồng gió trong lành mát mẻ. Khi gió ấy chạm đến lỗ chân lông của chúng sanh thì có thể trừ được mọi sự bứt rứt nóng nảy. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, vào khắp các lỗ chân lông của chúng sanh, tạo ra nhân duyên vi diệu Bồ-đề, chỉ trừ đối với những kẻ nhất-xiển-đề. Vì sao vậy? Vì họ chẳng phải là pháp khí.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có vị lương y hiểu rõ tám loại thuốc, trị được tất cả các bệnh, chỉ trừ những kẻ nhất định phải chết. Các phép thiền định Tam-muội trong tất cả khế kinh lại cũng như vậy, có thể trị tất cả các bệnh phiền não như tham dục, sân hận, ngu si, có thể nhổ bật những mũi tên độc phiền não, nhưng không trị được những kẻ phạm Bốn giới cấm nặng và Năm tội vô gián.

“Thiện nam tử! Lại ví như vị lương y thông thạo cách dùng tám loại thuốc, có thể trừ mọi thứ bệnh khổ của chúng sanh, duy không thể trị cho kẻ nhất định phải chết. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, có thể trừ diệt tất cả phiền não của chúng sanh, khiến họ trụ yên nơi nhân mầu nhiệm thanh tịnh của Như Lai, khiến những kẻ chưa phát tâm liền được phát tâm, duy trừ những kẻ nhất định phải chết là nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vị lương y có thể dùng thuốc hay mà trị các người bệnh mù, khiến họ trông thấy được ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú và tất cả hình sắc, chỉ không thể trị cho những kẻ mù bẩm sinh. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, có thể khai mở mắt huệ cho người trong hàng Thanh văn, Duyên giác, khiến họ trụ yên nơi kinh điển Đại thừa vô lượng vô biên; đối với người chưa phát tâm, người phạm Bốn giới cấm nặng, Năm tội vô gián, đều có thể khiến cho phát tâm Bồ-đề, duy trừ ra kẻ mù bẩm sinh là nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vị lương y thông thạo tám cách dùng thuốc, muốn trị tất cả bệnh khổ của chúng sanh, bèn dùng đủ mọi phương thuốc như thuốc gây nôn, thuốc xổ, thuốc xoa, thuốc xông hơi, thuốc nhỏ vào mũi, thuốc tán, thuốc hoàn. Như có người ngu không muốn uống thuốc, vị lương y đem lòng thương xót liền đưa người ấy về nhà, ép phải uống thuốc. Nhờ sức thuốc nên bệnh được dứt. Như có người đàn bà đang lúc sanh con nhưng đứa bé chẳng lọt lòng, liền cho uống thuốc. Uống xong liền sanh con được, và đứa con cũng an ổn không bệnh. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, dù đến nơi nào, vào nhà nào cũng trừ được vô lượng phiền não của chúng sanh. Đối với những kẻ chưa phát tâm, phạm Bốn giới cấm nặng, Năm tội vô gián, đều có thể khiến cho phát tâm, chỉ trừ ra những kẻ nhất-xiển-đề.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Những kẻ phạm Bốn giới cấm nặng và Năm tội vô gián, gọi là phạm những điều ác nặng nhất, như cây đa-la bị chặt đứt ngọn, vĩnh viễn không mọc trở lại. Nếu những kẻ ấy chưa phát tâm Bồ-đề, làm sao có thể khiến họ tạo nhân Bồ-đề?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những chúng sanh ấy, như trong giấc mộng thấy mình đọa địa ngục, chịu các khổ não, liền sanh lòng hối hận: ‘Buồn thay cho chúng ta! Tự mình chuốc lấy tội này! Nếu nay tôi được thoát khỏi tội này, nhất định sẽ phát tâm Bồ-đề. Nay tự mắt tôi nhìn thấy, thật là nguy khổ quá mức!’ Sau khi tỉnh mộng, những kẻ ấy liền biết Chánh pháp, được quả báo lớn.

“Như đứa trẻ kia, dần dần lớn lên thường suy nghĩ rằng: ‘Vị thầy thuốc ấy rất hay, hiểu rõ các phương thuốc. Khi ta còn ở trong thai, ông ấy cho mẹ ta uống thuốc. Nhờ thuốc ấy, mẹ ta được an ổn. Nhờ nhân duyên ấy ta được toàn mạng. Lạ thay cho mẹ ta! Bà chịu khổ não lớn, mang ta trong thai trọn đủ mười tháng. Sau khi sanh ta ra rồi, bà đặt ta ở chỗ khô, tự bà nằm chỗ ướt, dọn bỏ những chất đại tiểu tiện dơ dáy của ta, cho ta bú mớm, nuôi dưỡng ta, chăm sóc ta. Vì lẽ ấy, ta phải báo ân, hết lòng nuôi mẹ, hầu hạ đêm ngày, tùy thuận phụng dưỡng.’ Những kẻ phạm Bốn giới cấm nặng và Năm tội vô gián, đến lúc lâm chung, nếu họ nhớ tới kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này, dù có phải đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ hay sanh lên cõi trời, cõi người, kinh điển này đều sẽ tạo nhân Bồ-đề cho họ, chỉ trừ bọn nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có vị lương y và người con của ông đều hiểu biết sâu sắc, giỏi hơn các vị lương y khác, thông thạo chú thuật vô thượng trừ độc. Như có rắn độc, rồng hay bò cạp, họ liền dùng chú thuật, niệm chú vào thuốc làm cho chúng trở nên hiền lành. Nếu dùng thuốc ấy mà bôi lên giày da, khi giày ấy chạm phải trùng độc thì chất độc tiêu tan, duy trừ một thứ độc gọi là nọc rồng lớn. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, như có chúng sanh phạm Bốn giới cấm nặng, Năm tội vô gián, kinh này có thể tiêu diệt tội báo, khiến các chúng sanh ấy trụ yên nơi Bồ-đề, cũng như thuốc bôi ở giày da làm tiêu các thứ độc. Đối với những chúng sanh chưa phát tâm, kinh này liền khiến cho phát tâm và trụ yên nơi đạo Bồ-đề. Món thuốc oai thần kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này có thể diệt trừ các độc, khiến chúng sanh được an vui, chỉ không trừ được một thứ độc nọc rồng lớn: đó là những kẻ nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có người kia, đem món thuốc độc còn mới, bôi lên một cái trống lớn, rồi đánh trống ấy lên giữa đám đông người. Mọi người tuy vô tình nghe tiếng trống ấy nhưng đều phải chết, chỉ trừ một người là không thể chết đột ngột. Kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, bất kỳ ở nơi đâu, giữa các chúng sanh, có ai nghe tiếng giảng kinh này thì các tham dục, sân khuể, ngu si thảy đều tiêu diệt. Trong đó tuy có người vô tình mà nghĩ tưởng đến kinh Đại Niết-bàn này, nhờ sức nhân duyên ấy vẫn có thể trừ diệt phiền não, làm cho các mối trói buộc phải tự tan biến. Cho đến những kẻ phạm Bốn giới cấm nặng và Năm tội vô gián, khi nghe kinh này rồi cũng tạo ra được nhân duyên Bồ-đề vô thượng, dần dần sẽ dứt hết phiền não, chỉ trừ kẻ không thể chết đột ngột là hạng nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như đêm tối, tất cả mọi công việc thảy đều ngừng nghỉ. Nếu công việc nào chưa xong, phải chờ đến trời sáng. Người học Đại thừa, tuy tu tất cả pháp thiền định trong Khế kinh, nhưng phải chờ đợi mặt trời Đại thừa Đại Niết-bàn, nghe giáo lý sâu kín của Như Lai, rồi mới có thể tạo nghiệp Bồ-đề, trụ yên nơi Chánh pháp. Ví như trời mưa thấm nhuần và làm nảy nở tất cả các hạt giống lớn lên kết thành trái ngọt, trừ dứt nạn đói, mọi người được no đủ, vui vẻ. Mưa pháp vô lượng của tạng Như Lai sâu kín cũng vậy, có thể trừ được tám thứ bệnh nhiệt. Kinh này ra đời, ví như trái cây kia, có nhiều lợi ích, làm cho tất cả được an lạc, khiến chúng sanh thấy được tánh Phật, như trong hội Pháp hoa có tám ngàn Thanh văn riêng được Phật thọ ký, sẽ được quả lớn.

“Ví như mùa thu thâu hoạch, mùa đông chứa trữ, rồi không còn công việc gì nữa cả. Những kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, đối với các pháp lành họ chẳng có công việc gì để làm nữa cả.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một vị lương y, nghe có con nhà kia bị loài phi nhân bắt, bèn lấy thuốc hay rồi sai bảo một người rằng: ‘Ông mau đem thuốc này cho người ấy. Nếu người ấy gặp các quỷ thần dữ, nhờ sức thuốc này chúng sẽ lánh xa. Nếu ông chậm trễ, tôi sẽ tự đi, chớ nên để người ấy phải chết uổng mạng. Nếu bệnh nhân ấy được thấy sứ giả và oai đức của tôi, thì liền dứt được khổ não, vui vẻ an ổn.’ Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy. Nếu trong hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cùng các ngoại đạo, có những người đủ sức thọ trì kinh điển này, đọc tụng thông thạo, lại vì người khác phân biệt giảng rộng, như tự mình sao chép hay nhờ người khác sao chép, thì những người ấy đều tạo ra nhân duyên Bồ-đề. Như những kẻ phạm Bốn giới cấm, Năm tội nghịch, hoặc bị tà quỉ độc ác bắt giữ, nếu nghe được kinh điển này thì tất cả những điều ác đều tiêu diệt, cũng như tà ma ác quỷ khi gặp lương y liền phải tránh xa. Nên biết rằng những người ấy thật là Đại Bồ Tát. Vì sao vậy? Nhờ được nghe kinh Đại Niết-bàn này trong chốc lát, lại sanh ra ý tưởng Như Lai là thường tồn.

“Được nghe kinh này trong chốc lát còn như vậy, huống chi là sao chép, thọ trì, đọc tụng? [Cho nên những người được nghe kinh này], chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề, còn lại đều là Đại Bồ Tát.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như những kẻ điếc chẳng nghe được âm thanh. Những kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, dù muốn lắng nghe kinh điển vi diệu này cũng không nghe được. Vì sao vậy? Là vì bị điếc.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một vị lương y thông đạt hết các phương thuốc, lại thêm biết rộng vô số chú thuật. Vị lương y ấy đến gặp vua, tâu rằng: ‘Đại vương! Nay ngài đang có bệnh phải chết.’ Vua đáp rằng: ‘Khanh chẳng thấy được những gì trong bụng trẫm, làm sao nói rằng trẫm có bệnh phải chết?’ Lương y đáp: ‘Như ngài không tin, vậy nên uống thuốc xổ. Sau khi xổ ra rồi, tự ngài sẽ thấy biết.’ Vua không chịu uống thuốc xổ. Lúc ấy, vị lương y dùng sức chú thuật, khiến hậu môn của vua lở lói, lại có cả trùng và máu lẫn theo ra khi vua đi tiêu. Thấy vậy rồi, vua lấy làm khiếp sợ, khen ngợi vị lương y ấy rằng: ‘Giỏi thay, giỏi thay! Trước khanh đã nói, nhưng trẫm không tin. Nay mới biết khanh làm chuyện lợi ích lớn cho thân trẫm đây vậy.” Vua liền cung kính vị lương y dường như cha mẹ.

“Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, đối với các chúng sanh, dù có tham dục hay không tham dục, kinh này có thể làm cho phiền não của họ đều rơi rụng. Các chúng sanh ấy, cho đến trong giấc mộng được thấy kinh này, thảy đều cung kính cúng dường, cũng như vị vua kia cung kính vị lương y. Vị đại lương y ấy, khi biết người bệnh nhất định phải chết thì không điều trị. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, không trị được những kẻ nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như lương y thông thạo tám phương pháp dùng thuốc ắt có thể liệu trị hết thảy các bệnh, chỉ không thể trị cho kẻ nhất định phải chết. Chư Phật và chư Bồ Tát cũng vậy, có thể cứu độ cho hết thảy những người có tội, chỉ không cứu được những kẻ nhất định phải chết là nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vị lương y thông thạo tám phương pháp mầu nhiệm trong sách thuốc, lại còn hiểu biết rộng hơn cả tám phương pháp ấy nữa. Trước hết, ông đem sự hiểu biết của mình mà dạy cho con, khiến con biết rõ tất cả mọi thứ cây thuốc trên cạn, dưới nước hoặc ở nơi núi rừng. Cứ như vậy, ông dần dần dạy cho con đủ tám phép trị bệnh, sau đó lại dạy đến những phương thuật khác mầu nhiệm và cao trổi hơn hết.

“Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cũng vậy, trước hết ngài dạy cho con là các vị tỳ-kheo về phương tiện dứt trừ tất cả phiền não, tu học quán tưởng toàn thân vốn không bền vững, đó là ví như dưới nước, trên cạn, hoặc ở nơi núi rừng. Dưới nước là ví thân chịu khổ [mong manh] như bọt nước. Trên cạn là ví thân không bền vững, như thân cây chuối. Ở nơi núi rừng là ví như ở trong phiền não mà tu tập phép tưởng vô ngã. Vì nghĩa ấy, thân được gọi là vô ngã. Như vậy, Như Lai dần dần dạy cho các đệ tử giáo pháp chín bộ kinh, khiến cho thông thuộc rõ biết. Kế đó, ngài mới dạy về tạng Như Lai sâu kín. Ngài thuyết cho các đệ tử nghe: ‘Như Lai là thường tồn.’ Như vậy, Như Lai thuyết Kinh Đại thừa Điển Đại Niết-bàn, ngài tạo nhân Bồ-đề cho các chúng sanh đã phát tâm hoặc chưa phát tâm, chỉ trừ bọn nhất-xiển-đề.

“Thiện nam tử! Kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này là vô lượng vô số như vậy, không thể nghĩ bàn, chưa từng có! Nên biết rằng kinh này là vị lương y cao trổi hơn hết, đáng tôn trọng nhất, đứng đầu trong tất cả kinh điển.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một chiếc thuyền lớn từ bờ biển bên này lướt sang bờ biển bên kia, lại từ bờ biển bên kia trở về bờ biển bên này. Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri lại cũng như vậy, ngài nương chiếc thuyền quý Đại thừa Đại Niết-bàn, đi qua lại mà cứu độ chúng sanh. Bất kỳ ở đâu, hễ có những chúng sanh có thể cứu độ, ngài đều khiến cho họ được thấy thân Như Lai. Vì nghĩa ấy, Như Lai được xưng là vị thuyền sư cao trổi hơn hết. Cũng giống như khi có thuyền tất phải có thuyền sư, đã có thuyền sư tất phải có những chúng sanh vượt biển. Như Lai thường trụ, hóa độ chúng sanh lại cũng như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có người ở giữa biển cả, dùng thuyền [buồm] vượt biển. Nếu được gió thuận, trong chốc lát có thể đi được vô số do-tuần. Nếu không có gió, dù bao nhiêu năm cũng chẳng rời khỏi vị trí ban đầu. Đến lúc thuyền hư hoại, sẽ bị chìm xuống nước mà chết. Chúng sanh cũng vậy, ở giữa biển lớn sanh tử ngu si, nương theo thuyền “các hành”. Nếu gặp được luồng gió Đại Bát Niết-bàn mạnh mẽ, ắt sẽ mau tới bờ đạo pháp Vô thượng. Nếu không gặp gió, ắt sẽ lưu chuyển lâu dài trong vô lượng sanh tử. Rồi khi thuyền “các hành” tan rã, sẽ đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có những người không gặp được gió lớn, phải ở lâu giữa biển cả, bèn tự nghĩ rằng: ‘Nay chúng ta chắc phải chết tại đây.’ Đang khi nghĩ như vậy thì bỗng gặp luồng gió thuận, liền theo đó mà vượt biển. Họ lại nói rằng: ‘Vui thích thay, ngọn gió này thật chưa từng có! Giúp chúng ta yên ổn qua khỏi được tai nạn giữa biển cả.’ Chúng sanh cũng vậy, ở lâu trong biển cả sanh tử ngu si, khốn khổ cùng lụy. Trong khi chưa gặp cơn gió Đại Niết-bàn này, hẳn phải nghĩ rằng: ‘Chúng ta chắc chắn sẽ phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.’ Đang khi nghĩ như vậy thì bỗng gặp luồng gió Đại thừa Đại Niết-bàn, liền thuận theo gió mà đi, vào được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, mới biết là chân thật, phát sanh ý tưởng cho là kỳ lạ, khen ngợi rằng: ‘Vui thích thay! Chúng ta từ xưa nay chưa từng nghe thấy tạng sâu kín như thế này của Như Lai.” Lúc ấy họ liền phát sanh lòng tin trong sạch đối với kinh Đại Niết-bàn này.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như con rắn lột da, có chết mất chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, ngài dùng phương tiện thị hiện xả bỏ thân độc dữ. Có thể nói rằng Như Lai là vô thường, diệt mất chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không thể.”

“Trong cõi Diêm-phù-đề này, Như Lai dùng phương tiện mà xả bỏ xác thân, cũng như con rắn kia lột bỏ bộ da cũ. Cho nên Như Lai gọi là thường trụ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người thợ vàng gặp được loại vàng ròng tốt, tùy ý làm ra đủ món đồ dùng. Như Lai cũng vậy, ở trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, ngài có thể thị hiện mọi thứ sắc thân, vì muốn giáo hóa chúng sanh vượt thoát khỏi sanh tử. Cho nên Như Lai gọi là thân không giới hạn. Tuy ngài thị hiện đủ mọi thân hình, nhưng vẫn gọi là thường trụ, không biến đổi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây am-la và cây diêm phù, mỗi năm thay đổi ba lần: trong khi nở hoa màu sắc sáng lên rực rỡ, lúc đâm chồi lá xanh um rậm rạp, vào mùa rụng lá lại trông giống như khô chết.

“Thiện nam tử! Ý ông thế nào? Cây ấy có thật là khô chết hay chăng?”

“Bạch Thế Tôn! Không phải.”

“Thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, ở trong Ba cõi ngài thị hiện ba loại thân: có khi sơ sinh, có lúc trưởng thành, đến lúc lại vào Niết-bàn. Nhưng thân Như Lai thật chẳng phải là vô thường.”

Bồ Tát Ca-diếp khen rằng: “Lành thay! Đúng như lời Phật dạy, Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi.”

Thiện nam tử! Lời sâu kín của Như Lai rất sâu xa, khó hiểu. Ví như vị đại vương bảo quần thần: ‘Đem tiên-đà-bà đến đây.’ Chỉ một tiếng tiên-đà-bà mà có bốn nghĩa: một là muối, hai là cái bát, ba là nước, bốn là ngựa. Bốn món ấy đều gọi cùng một tên. Vị quan có trí tuệ khéo hiểu được tiếng ấy. Như khi vua tắm rửa, gọi tiên-đà-bà thì dâng nước. Như khi vua dùng cơm, gọi tiên-đà-bà thì dâng muối. Khi vua ăn xong muốn uống nước, gọi tiên-đà-bà thì dâng bát. Khi vua muốn dạo chơi, gọi tiên-đà-bà thì dâng ngựa. Như vậy, vị quan có trí tuệ khéo hiểu được bốn cách nói sâu kín của đại vương.

“Kinh Đại thừa này cũng vậy, có đủ bốn lẽ vô thường... Vị quan Đại thừa có trí tuệ phải khéo hiểu được bốn lẽ ấy. Như khi Phật ra đời, vì chúng sanh thuyết giảng Niết-bàn của Như Lai, người có trí tuệ nên biết rằng đó là Như Lai vì những kẻ chấp lẽ thường còn nên mới thuyết dạy tư tưởng vô thường, khiến các vị tỳ-kheo tu tập phép quán tưởng vô thường.

“Hoặc khi Phật lại dạy: ‘Chánh pháp sắp diệt.’ Người có trí tuệ nên biết rằng đó là Như Lai vì những kẻ chấp lẽ vui thú nên thuyết dạy tư tưởng khổ, khiến các vị tỳ-kheo thường tu phép quán khổ.

“Hoặc khi Phật lại dạy: ‘Nay ta bệnh khổ, Chúng tăng bị phá hoại.’ Người có trí tuệ nên biết rằng đó là Như Lai vì những kẻ chấp ngã nên thuyết dạy tư tưởng vô ngã, khiến các vị tỳ-kheo tu tập phép quán vô ngã.

“Hoặc khi Phật lại dạy: ‘Cái gọi là không đó chính là giải thoát chân chánh. Người có trí tuệ nên biết rằng đó là Như Lai nói giải thoát chân chánh không có Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, khiến các vị tỳ-kheo tu học phép quán không. Vì nghĩa ấy, giải thoát chân chánh gọi là không, cũng gọi là chẳng động. Gọi là chẳng động, đó là trong giải thoát không có khổ não. Cho nên chẳng động tức là giải thoát chân chánh, không có hình tướng. Gọi là không có hình tướng, nghĩa là không có các loại hình sắc, âm thanh, hương vị, xúc cảm. Cho nên gọi là không hình tướng. Giải thoát chân chánh thường tồn không biến đổi. Trong giải thoát ấy không có sự vô thường, nóng bức, biến đổi. Cho nên giải thoát chân chánh gọi là thường trụ, không biến đổi, trong mát.

“Có khi Phật lại dạy: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Như Lai.’ Người có trí tuệ nên biết rằng đó là Như Lai thuyết dạy pháp thường tồn, khiến các vị tỳ-kheo tu pháp thường chân chánh. Nếu các vị tỳ-kheo có thể thuận theo đó mà tu học, nên biết rằng những người ấy thật là đệ tử của ta, khéo biết rõ tạng sâu kín của Như Lai, như vị quan có trí tuệ của đại vương kia hiểu rõ được ý vua.

“Thiện nam tử! Như vị vua kia còn có lời sâu kín, huống chi Như Lai lại chẳng có sao? Thiện nam tử! Cho nên giáo pháp sâu kín của Như Lai thật khó rõ biết được. Chỉ những người có trí tuệ mới có thể hiểu được pháp Phật rất thâm sâu, chẳng phải hạng phàm phu ở thế gian có thể đủ sức tin nhận.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây ba-la-xa, cây ca-ni-ca, cây a-thúc-ca, gặp khi nắng hạn chẳng sanh hoa trái. Cho đến các loài vật khác trên cạn dưới nước cũng đều khô héo, xác xơ, không được thấm nhuần ướt át, không thể tăng trưởng. Tất cả các loại cây thuốc đều không còn hiệu nghiệm.

“Thiện nam tử! Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy. Sau khi ta diệt độ, nếu có những chúng sanh không chịu cung kính thì kinh này không có oai đức. Vì sao vậy? Vì các chúng sanh ấy không biết được tạng sâu kín của Như Lai. Vì sao vậy? Vì các chúng sanh ấy kém phước đức.

“Lại nữa, thiện nam tử! Khi Chánh pháp Như Lai sắp diệt mất, bấy giờ sẽ có nhiều tỳ-kheo làm điều xấu ác, không rõ biết tạng sâu kín của Như Lai, lười nhác chậm chạp, không thể đọc tụng, tuyên dương, phân biệt Chánh pháp của Như Lai. Ví như kẻ trộm cướp ngu si, vất bỏ những món quý báu, lại đi gánh vác cỏ rơm! Vì họ chẳng hiểu tạng sâu kín của Như Lai, cho nên đối với kinh này lười nhác chẳng siêng năng. Thật nguy hiểm đáng thương thay! Đời vị lai đáng lo sợ thay! Khổ thay cho chúng sanh, không siêng năng nghe và thọ trì kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này. Chỉ có các vị Đại Bồ Tát mới có thể đối với kinh này nắm được nghĩa lý chân thật, không trói buộc nơi văn tự, tùy thuận không trái nghịch, vì chúng sanh mà thuyết giảng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cô gái chăn bò kia muốn bán sữa, vì tham lợi nên thêm vào hai phần nước, rồi bán cho cô chăn bò khác. Cô này mua được sữa rồi lại thêm vào hai phần nước nữa, đem bán cho một cô gái ở gần thành. Mua sữa rồi, cô gái ở gần thành lại thêm vào hai phần nước, rồi đem bán cho cô gái ở trong thành. Cô gái ở trong thành mua sữa rồi lại thêm vào hai phần nước, kế đem ra chợ bán. Lúc ấy, có một người cưới vợ cho con, cần loại sữa tốt để đãi khách liền đến chợ để mua, nhưng cô gái bán sữa ấy đòi giá đắt hơn gấp nhiều lần. Người ấy nói rằng: ‘Sữa của cô pha nhiều nước, chẳng đúng như lời hứa của cô. Nhưng ngay hôm nay tôi cần đãi khách nên mới mua.” Người ấy nhận lấy sữa, về nhà nấu thành món cháo sữa nhưng nếm chẳng có vị sữa. Tuy chẳng có vị sữa, nhưng so với vị đắng thì vẫn hơn cả nghìn lần. Vì sao vậy? Vì vị sữa là hơn hết trong tất cả các mùi vị.

“Thiện nam tử! Sau khi ta vào Niết-bàn, lúc Chánh Pháp chưa dứt, còn khoảng tám mươi năm, bấy giờ ở cõi Diêm-phù-đề kinh này sẽ được lưu truyền khắp nơi. Lúc ấy có những tỳ-kheo xấu ác cướp lấy kinh này rồi chia ra nhiều phần, có thể làm mất đi màu sắc, hương thơm và vị ngon của Chánh pháp. Những kẻ xấu ác ấy, tuy cũng đọc tụng kinh điển này, nhưng làm mất đi nghĩa lý cốt yếu sâu kín của Như Lai, đưa vào những lời lẽ hoa mỹ vô nghĩa của thế gian. Họ chép đoạn trước ra sau, đoạn sau ra trước, rồi lại chép đoạn trước và đoạn sau vào giữa, chép đoạn giữa vào nơi đoạn trước và đoạn sau. Nên biết rằng các tỳ-kheo xấu ấy là bạn hữu của ma. Họ thâu nhận và chứa trữ mọi vật bất tịnh, nói rằng: ‘Như Lai có cho phép tôi chứa trữ tất cả.’ Như cô gái chăn bò kia pha thêm nhiều nước vào sữa, các tỳ-kheo xấu ác cũng vậy, họ pha lẫn những lời thế tục làm sai lầm [ý nghĩa] kinh này, khiến nhiều chúng sanh chẳng nhận được sự thuyết dạy chân chánh, chẳng có được bản chép kinh chân chánh, cũng chẳng được nhận giữ kinh này một cách chân chánh để tôn trọng, ngợi khen, cúng dường cung kính. Các tỳ-kheo xấu ấc ấy vì lợi dưỡng nên không thể truyền bá, lưu hành kinh này một cách rộng rãi. Chỗ truyền bá lưu hành của họ thật quá ít oi, không đáng kể.

“Như cô gái chăn bò nghèo khổ kia bán sữa qua nhiều người, cho đến khi nấu thành cháo thì chẳng còn mùi vị của sữa. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, lưu chuyển nhiều nơi mà trở nên mỏng manh, nhạt nhẽo, chẳng còn khí vị. Tuy chẳng còn khí vị, nhưng vẫn còn hơn các kinh khác cả ngàn lần. Cũng như mùi vị sữa kia so với vị đắng vẫn còn hơn cả ngàn lần. Vì sao vậy? Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này, so với kinh điển của Thanh văn là bậc cao trổi, cũng như sữa bò là vị ngon hơn hết trong tất cả các mùi vị. Vì nghĩa ấy nên gọi kinh này là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả mọi người, ai cũng cầu được làm thân nam tử. Vì sao vậy? Vì tất cả người nữ đều phải chịu mọi sự xấu kém.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như nước tiểu của con muỗi thì không thể làm cho khắp cõi đất này thấm ướt. Lòng dục khó thỏa của người nữ cũng giống như vậy. Ví như mang hết thảy cõi đất này vo lại thành những viên nhỏ như hạt cải, với số đàn ông nhiều như số hạt cải ấy cùng ăn nằm với một người đàn bà cũng không thể đủ! Giả sử đàn ông nhiều đến như số cát sông Hằng cùng làm việc dâm dục với một người đàn bà, cũng không thể đủ!

“Thiện nam tử! Ví như biển cả, hết thảy nước mưa trên trời đổ xuống và nước ở trăm sông đều chảy dồn về, nhưng biển vẫn chưa từng đầy tràn. Người đàn bà cũng thế, ví như tất cả [loài người] đều là đàn ông, cùng ăn nằm với một người đàn bà cũng vẫn không đủ!

“Lại nữa, thiện nam tử! Như cây a-thúc-ca, cây ba-trá-la, cây ca-ni-ca, đến mùa xuân trổ hoa, loài ong đến hút lấy hết vị tinh tế trong sắc đẹp và hương thơm của các hoa ấy, nhưng vẫn không biết chán. Người đàn bà ham muốn đàn ông cũng như thế, chẳng hề biết chán.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên những kẻ nam người nữ được nghe kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này thường nên chê bỏ thân tướng nữ nhân và cầu được thân nam tử. Vì sao vậy? Vì kinh điển Đại thừa này có tướng trượng phu, ấy là tánh Phật. Nếu ai không biết tánh Phật ắt không có tướng nam tử. Vì sao vậy? Vì chẳng tự biết mình có tánh Phật.

“Như ai không biết được tánh Phật, ta gọi những người ấy là nữ nhân. Như ai tự biết mình có tánh Phật, ta nói rằng người ấy có tướng trượng phu.

“Như có những người nữ nào có thể biết rằng tự thân mình quyết có tánh Phật, nên biết rằng những người ấy tức là nam tử.

“Thiện nam tử! Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này gồm thâu các công đức vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thuyết giảng được tạng sâu kín của Như Lai. Cho nên những kẻ nam người nữ nào muốn mau chóng biết được tạng sâu kín của Như Lai thì nên tùy phương tiện mà siêng năng tu tập kinh này.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, như vậy! Đúng như lời Phật dạy, nay con nhờ có tướng trượng phu nên được vào tạng sâu kín của Như Lai. Hôm nay đức Như Lai vừa khai ngộ cho con, nhân đó con chắc chắn sẽ được thông đạt.”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông tùy thuận pháp thế gian mà nói như vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa: “Con chẳng tùy thuận pháp thế gian.”

Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Nay ông đã biết được mùi vị của pháp cao trổi hơn hết, rất thâm sâu khó biết, thế mà ông được biết. Như loài ong hút lấy mùi vị tinh tế nhất, ông cũng như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như nước tiểu của con muỗi chẳng thể thấm ướt khắp cõi đất này. Sự lưu hành phân bố của kinh này trong tương lai cũng vậy, [không thể nào đủ khắp]. Cũng như nước tiểu của loài muỗi, kinh này về thuở Chánh pháp sắp diệt sẽ bị mất đi ở cõi đất này trước hết. Nên biết rằng đó tức là tướng suy của Chánh pháp.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vừa qua hết mùa hạ, tháng đầu mùa thu trời mưa liên miên nhiều ngày. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng vậy, vì các vị Bồ Tát ở phương Nam mà sẽ tuôn mưa pháp thấm đẫm khắp nơi. Khi Chánh pháp sắp dứt mất, kinh này sẽ đến xứ Kế Tân, đầy đủ không thiếu, được chôn giấu trong lòng đất. Hoặc có người tin, hoặc có người không tin, pháp vị cam lộ của kinh điển Phương đẳng Đại thừa này cũng sẽ nằm sâu trong lòng đất. Kinh này mất đi rồi, tất cả các kinh điển Đại thừa cũng đều sẽ dứt mất. Nếu như ai có được kinh này, đầy đủ không thiếu, đó là bậc cao quý vượt trội giữa loài người. Các vị Bồ Tát nên biết rằng Chánh pháp vô thượng của Như Lai còn chẳng bao lâu nữa sẽ dứt mất.”

Chapter Fifteen: On the Parable of the Moon

The Buddha said to Kasyapa: "As an example: there is a man here who, as he sees that the moon is not yet out, says that the moon has departed, and entertains the thought that the moon has sunk down. But this moon, by its nature, does not sink down. When it appears on the other side of the world, the people of the other side say that the moon is out. Why? Since Mount Sumeru obstructs [vision], the moon cannot reveal itself. The moon is always out. It has, by nature, no coming out or sinking down. The same is the case with the Tathagata, the Alms-deserving, the All-Enlightened One. He manifests himself in the 3,000 great-thousand worlds; or he gives the semblance of having parents in Jambudvipa or of entering Nirvana in Jambudvipa. The Tathagata, by nature, does not enter Nirvana. But all beings say that he truly enters Parinirvana. The case is analogous to the sinking of the moon. O good man! The Tathagata, by nature, does not possess the nature of birth and death. To succour beings, he manifests [his] birth and death.

"O good man! On the other side of this full moon, we have the half-moon; on this side, we have the half-moon and on the other side, the full moon is seen. The people of Jambudvipa, when they see the first moon, say that it is the first day, and have in mind the idea of a new month. Seeing the full moon, they say that it is the 15th day of the month and entertain the notion of the full moon. But this moon has, truth to tell, no waxing or waning [with it]. Only due to Mount Sumeru does it show a semblance of waxing and waning. O good man! The same is the case with the Tathagata. In Jambudvipa, he manifests birth and enters Nirvana. His first coming out [appearance in the world] is the first of the month. Everybody says that this boy is first born. He strides seven paces. This is like the moon on the second day. Or he shows himself studying. This is like the moon on the third day. He displays renunciation. This is like the moon of the eighth day. He emits the all-wonderful light of Wisdom and subdues an innumerable number of beings and the army of Mara. This may be likened to the full moon of the 15th day. Or he manifests the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. He thus adorns himself and manifests Nirvana. He is like the eclipse of the moon. Thus, what beings see is not the same. Some see a half-moon, others a full moon, and still others an eclipse. But this moon, by its nature, knows of no waxing or eclipsing. It is always the full moon. The body of the Tathagata is like this. For this reason, we say eternal and unchanging.

"Also, next, O good man! For example, by the full moon, everything comes out [appears]. In all places as in towns, hamlets, mountains, swamps, under-water, wells or ponds, and in water utensils, the moon manifests itself. Beings may be travelling 100 or 100 thousand yojanas, and the moon always accompanies them. Common mortals and the ignorant think loosely and say: "I see all such in the castle town, in the house, and here in the swampy ground. Is it the true moon, or not the true one?" Each person thinks about the size of the moon and says: " It is like the mouth of a kettle." Or a person says: "It is like a wheel." Or some may say: "It is like 45 yojanas [in size]." All see the light of the moon. Some see it as round as a golden basin. The nature of this moon is one in itself, but different beings see it in different forms. O good man! The same is the case regarding the Tathagata. He appears in the world. Man and god might think: "The Tathagata is now before us and lives." The deaf and dumb see the Tathagata as one deaf or dumb. Diverse are the languages which beings speak. Eack thinks that the Tathagata speaks as he or she speaks, or thinks: "At my house, the Tathagata received offerings." Or a person might see the size of the Tathagata as being very large and immeasurable; or someone might see him as very small; or a person might mistake him for a sravaka, or a pratyekabuddha; or various tithikas might think and say: "The Tathagata is now in my line of thought [following my line of thought] and is practising the Way"; or a person might think: "The Tathagata has appeared for me alone." The true nature of the Tathagata is like that of the moon. That is to say that it is the Dharma-Body, the Body of birthlessness, or that of expediency. He responds to the call of the world, being innumerable in [his] manifestations. The original karma manifests itself in accordance with the differing localities. This is as in the case of the moon. For this reason, the Tathagata is eternal and unchanging.

"Also, next, O good man! Rahula-asura-raja covers the moon with his hands. The people of the world all then say that this is an eclipse of the moon. But Rahula-asura-raja cannot cause any eclipse to the moon. He merely obstructs the light of the moon. The moon is round. There is no part that drops away. Only as a result of the obstruction is the full play of light checked. Once the hands are withdrawn, the people of the world say that the moon has regained its power. All say that this moon suffers a lot. But even 100 thousand asura kings cannot cause it suffering. The case is like this. The same is the case with the Tathagata. Beings give rise to evil thoughts about the Tathagata, cause blood to flow, commit the five deadly sins, and act [as] icchantikas. Things are shown in such a way. For the sake of the beings to come, such things are displayed as acting against the Sangha, transgressing Dharma, and causing hindrances. Maras as innumerable as 100 thousand billion cannot hope to cause blood to flow from the body of the Buddha. Why not? Because the body of the Tathagata is not possessed of flesh, blood, sinews, marrow or bones. The Tathagata truly has no worry of disintegration. Beings say: "Dharma and Sangha have broken [disintegrated, dissolved] and the Tathagata is dead." But the Tathagata, by nature, is all true and there is no change or dissolution [with him]. Following the way of the world, he manifests himself thus.

"Also, next, O good man! Two people have a fight with a sword and staff, cause bodily injury and draw blood, and death results. But if they had no thought [intention] of killing, the karmic consequence will be light, not heavy. The same is the case [here]. Even in relation to the Tathagata, if a person has no intention of killing [him], the same applies to this action. It is light and is not heavy. The same is the case with the Tathagata. To guide beings in the days to come, he displays karmic consequences.

"Also, next O good man! This is like the doctor who makes effort and imparts basic medical knowledge to his son, saying that this is the root medicine, this is for taste, that is for colour [etc.], so as to enable his son to become familiarised with the various properties [of medicines]. The son pays heed to what his father says, makes effort, learns and comes to understand all the [different] types of medicine. The time comes when his father dies. The son yearns, cries, and says: " Father taught me, saying that this is root medicine, this is of the stem, this the flower, and this for colour." It is the same with the Tathagata. In order to guide us, he gives beings restrictions. So one should try to act in accordance [with those restrictions] and not contrary [to them]. For those people of the five deadly sins, for those slandering Wonderful Dharma, for the icchantika, and for those who may do such [deeds] in days to come, he manifests such. All this is for the days after the Buddha's death, for the bhiksus to know that these are important points in the sutras, these are the heavy and light aspects of the precepts, these the passages of the Abhidharma which are weighty and not weighty. This is to enable them [ i.e. beings] to be like the doctor's son.

"Also, next, O good man! Humans see, once every six months, a lunar eclipse. And in the heavens above, just for a time, we see the lunar eclipse. Why? Because the days are longer there in the heavens and shorter in the human world. O good man! It is the same with the Tathagata. Both gods and humans say: "The Tathagata’s life is short." This is as with the beings of the heavens who see the eclipse of the moon often for a short time. The Tathagata, likewise, for a short time manifests 100 thousand million billion Nirvanas, crushing out the Maras of illusion, of the skandhas, and of death. Hence, 100 thousand million billion heavenly Maras all know that the Tathagata enters Nirvana. Also, he displays 100 thousand innumerable karmas. All this comes from the fact that he follows the various natures of the world. Thus does it go with his manifestations. They are innumerable, boundless and inconceivable. For this reason, the Tathagata is eternal and unchanging.

"Also, next, O good man! Beings take delight, for example, in seeing the bright moon. That is why we call the moon " that which is pleasing to see" . If beings possess greed, malevolence and ignorance, there can be no pleasure in [such] seeing. The same with the Tathagata. The Tathagata’s nature is pure, good, clean and undefiled. This is what is most pleasing to behold. Beings who are in harmony with Dharma will not shun [such] seeing; those with evil minds are not pleased by [such] seeing. Hence we say that the Tathagata is like the bright moon.

"Also, next, O good man! Regarding sunrise, there are three differences of time, which are: spring, summer, and winter. In winter, the days are short; spring is in-between, and summer is the longest. The same with the Tathagata. In the 3,000 great-thousand worlds, to all those short-lived [beings] and sravakas, he manifests a short life. Those seeing it all say: "The Tathagata’s life is short." This is comparable to a winter’s day. To Bodhisattvas he manifests a medium-length life. It may last for a kalpa or less. This is similar to a spring day. Only the Buddha can know the life of the Buddha. This, for example, is like a summer’s day. O good man! The Tathagata’s delicate and undisclosed teaching of Mahayana vaipulya is given to the world like a great downpour of Dharma. If any person in the days to come upholds, reveals, understands [such teachings] and benefits beings, know that such a person is a true Bodhisattva. This is the sweet rain of heaven that falls in the summer. If sravakas and pratyekabuddhas hear the hidden teaching of the Buddha-Tathagata, this is like encountering great cold on a winter’s day. If a Bodhisattva hears the hidden teaching, i.e. that the Tathagata is eternal and unchanging, this is like the burgeoning that comes about in spring. And the Tathagata’s nature is neither long nor short; he only manifests himself for the sake of the world. This is the true nature of all Buddhas.

"Also, next, O good man! For example, stars are not seen in the daytime. But everybody says: "The stars die out in the daytime." But actually they do not die. The reason that they are not seen arises from the fact that the sun is shining brightly. The same with the Tathagata. The sravakas and pratyekabuddhas cannot see. This is as in the case of the stars that cannot be seen in the daytime.

"Also, next, O good man! For example, in the gloom of the night, sun and moon are not seen. The ignorant say: "The sun and the moon have died." But, in truth, the sun and moon are not lost. The case is like this. At the time when the Tathagata’s Wonderful Dharma dies out, the Three Treasures are also not seen. This is the analogous situation. It is not that they have eternally gone. Hence, one should know indeed that the Tathagata is eternal and that he does not change. Why not? Because the true nature of the Three Treasures does not get tainted by any illusions.

"Also, next, O good man! For example, in the dark half of the month, a comet may appear at night, shining brightly like a flame. And soon it will die away. Beings see this and [say that it] foreshadows ill-fortune. The case is analogous to all pratyekabuddhas, too. Coming out in the Buddha-less days, beings see and say: "The Tathagata has truly died." And they entertain thoughts of apprehension and sorrow. But, truth to tell, the Tathagata has not died. It is as with the sun and moon, which know of no extinction.

"Also, next, O good man! For example, when the sun rises, all the mist disperses. The situation is the same regarding this Great Nirvana Sutra. If one should once give ear to it, all ill and the karma of Avichi Hell will die out. Nobody can fathom what obtains in this Great Nirvana, which expounds the hidden store of the nature of the Tathagata. For this reason, good men and women entertain the thought that the Tathagata is Eternal, that he does not change, that Dharma does not cease to be, and that the Sangha Treasure does not die out. Hence, we should employ means, make effort, and learn this sutra. Such a person, in the course of time, will attain unsurpassed Enlightenment. That is why this sutra is said to contain innumerable virtues, and is also called one that knows no end of Enlightenment. Because of this endlessness, we can say Mahaparinirvana. The light of Good shines as in the sun’s days. As it is boundless, we say Great Nirvana.

Chapter Sixteen: On the Bodhisattva

"Also, next, O good man! Of all lights, the light of the sun and the moon is unsurpassed. No other lights are their equal. The same with the light of Great Nirvana, which is the most wonderful of all the lights of the sutras and samadhis. It is one which cannot be reached by any of the lights of any of the sutras and samadhis. Why not? Because the light of Great Nirvana thoroughly gets into the pores of the skin. Though beings may not possess Bodhichitta, it yet causes Bodhi. That is why we say "Mahaparinirvana."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You say that the light of Great Nirvana penetrates the pores of the skin of all beings and that it calls forth the Bodhi mind, if beings do not have it. This is not so. Why not? If that is so, what difference can there be between those who have performed the four grave offences, those who have committed the five deadly sins, and the icchantikas, and those who uphold the pure precepts and practise every good deed, if it is the case that the light penetrates the pores of the skin and causes Bodhi [Enlightenment] to come about? If there exists no difference, how is it that the Tathagata speaks about the significations of the four things to stand [rely] upon [“catvari-pratisaranani”]? O World-Honoured One! In contradiction of the fact that, as you the Buddha say, if one once hears Great Nirvana, all defilements will be annihilated, you, the Tathagata, stated before that even if a person gives rise to Bodhichitta [resolve to gain Enlightenment] at the place of Buddhas as numerous as the sands of the Ganges, there are [yet] those who do not gain the meaning of Great Nirvana. How could a person make away with the root of defilement without gaining the meaning?"

The Buddha said: "O good man! All people, other than the icchantikas, gain the cause of Enlightenment as soon as they hear this sutra. If the voice of Dharma and the light [of Great Nirvana] penetrate the pores of their skin, they [such people] will unfailingly attain unsurpassed Enlightenment. Why so? If anybody truly makes offerings and pays homage to all the Buddhas, they will surely gain occasion to hear the Great Nirvana Sutra. Persons not endowed with good fortune will not be blessed with hearing this sutra. Why not? A person of great virtue will indeed be able to give ear to something as important as this. Common mortals and those less in grade cannot easily give ear to it. What is that which is Great? It is nothing other than the hidden store of all Buddhas, which is the Tathagata-Nature. That is why we say important."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! How can a person who has not yet given rise to Bodhichitta hope for the cause of Enlightenment?"

The Buddha said to Kasyapa: "If anyone who has heard this Great Nirvana Sutra says that he will never give rise to Bodhichitta and [thus] commits slander, such a person will see a rakshasa in a dream and feel afraid. And the rakshasa will say: "Hey, O good man! If no Bodhichitta comes about in you, I shall assuredly take your life." Feeling afraid and awakening from his dream, the person will aspire to Bodhi. After death, that person will be born in the three evil realms or in the world of humans or gods, and he will think about Bodhichitta. Know that this person is a great Bodhisattva. Thus the great divine power of this Nirvana Sutra well enables a person who has not aspired to Enlightenment to attain the cause of Enlightenment. O good man! This is how a Bodhisattva aspires to Bodhi. It is not that there is no cause. Thus, the wonderful Mahayana sutras are what the Buddha spoke.

"Also, next, O good man! A great rain-cloud gathers in the sky, and the rain falls upon the earth. The water does not remain on the dead trees, rocky mountains, plateaux and hills. But as it flows down to the paddy-fields down below, all the ponds become full, benefiting innumerable people. The case is the same with this Great Nirvana Sutra. It pours down the great rain of Dharma, benefiting beings. Only the icchantika does not aspire to Enlightenment.

"Also, next, O good man! For example, a burnt seed will not call forth buds, even if the rain falls on it for a period of 100 thousand million kalpas. There can never be a situation in which this seed will bring forth buds. The same with the icchantika. No bud of Enlightenment springs forth, even if the icchantika gives ear to this all-wonderful Great Nirvana Sutra. Such can never happen. Why not? Because such a person has totally annihilated the root of good. As with the burnt seed, no root or bud of Bodhichitta will shoot forth.

"Also, next, O good man! For example, we deposit a bright gem in muddy water. But by virtue of the gem, the water of itself becomes clear. But even this, if placed in mud, cannot make the mud clear. The same with this all-wonderful Great Nirvana Sutra. If placed in the defiled water of people guilty of the five deadly sins and those who have committed the four grave offences too, it can indeed still call forth Bodhichitta. But in the mud of the icchantika, even after 100 thousand million years, the water cannot become clear and it cannot call forth Bodhichitta. Why not? Because this icchantika has totally annihilated the root of good and is not worth that much. The man could listen to this Great Nirvana Sutra for 100 thousand million years, and yet there could be no giving rise to the Bodhichitta [inside him]. Why not? Because he has no good mind.

"Also, next, O good man! For example, there is a medicinal tree, whose name is " king of medicines". Of all medicines, this is the best. It can well be mixed with milk, cream, honey, butter, water, or juice; or it can be made into powder or pills, or one can apply it to wounds, or cauterize the body with it, or apply it to the eyes; or one can look at it or smell it. It cures all illnesses and diseases of beings. This medicine tree does not say to itself: " If beings take [my] root, they should not take the leaves; if they take the leaves, they should not take the root; if they take the wood, they should not take the bark; if they take the bark, they should not take the wood." Although the tree does not think in this way, it nevertheless can cure all illnesses and diseases. The case is similar. O good man! The same is also the case with this Nirvana Sutra. It can thoroughly make away with all evil actions, the four grave offences and the five deadly sins, and any such evil actions in and out [of thought, word, or deed]. Any person who has not yet aspired to Bodhichitta, will indeed come to aspire to it. How so? Because this all-wonderful sutra is the King of all sutras, as the medicine tree is the king of all medicines. There may be those who have learnt this Great Nirvana Sutra or those who have not. Or they may have heard the name of this sutra and, on hearing it, may entertain respect and believe [in it]. And through this, all the great illnesses of defilement will be annulled. Only the icchantika cannot hope to attain unsurpassed Enlightenment, as in the case of the all-wonderful medicine, which, though it does indeed cure all illnesses and diseases, cannot cure those persons who are on the brink of death.

"Also, next, O good man! One may have a wound in one’s hand. If one pours poison into it, this poison will get in; if there is no wound, the poison will not get in. The same with the icchantika. There is no cause for Bodhichitta. It is like one who has no wound in his hand. So there can be no entry. The so-called wound is the cause of unsurpassed Enlightenment; the poison is the unsurpassed wonderful medicine. The one who has no wound is an icchantika.

"Also, next, O good man! A diamond is something which no one indeed can break. It truly cuts all things, excepting tortoise shell and goat’s horn. The same with this sutra. It indeed places all beings safely on the path to Enlightenment. Only, it cannot make the icchantika class of people gain the cause of Enlightenment.

"Also, next, O good man! One may well cut off the branch or stem of the urslane, sal or niskara [trees], but the branches will grow back, just as before; but with the tala [fan palm] tree, when a branch is cut off, no branch can grow back [in its place]. The case is analogous. If one hears this Great Nirvana Sutra, even those people of the four grave offences and the five deadly sins can still indeed cultivate the cause of Bodhichitta. With the icchantika, things cannot be thus. Even on hearing this beautiful sutra, he cannot arrive at the cause of Enlightenment. Also, next, O good man! The same is the case with khadira [acacia catechu] and tinduka [diospiros embryoteris], which when once their branches are cut off, never put forth shoots again. It is the same with the icchantika. He may hear this Great Nirvana Sutra, but no cause of Bodhichitta will ensue. Also, next, O good man! It is as in the case of the great rain that never remains in the sky. The same with this all-wonderful Great Nirvana Sutra. This sutra rains down the rain of Dharma. It does not stay upon the icchantika. The whole body of the icchantika is so minutely made as might well be compared to a diamond, which never allows other things to get in. The same is the case [here]."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "Just as you say in your gatha:

"A person does not see or do good;
What he does is evil.
This is much to be dreaded, as in the case
Of a road that is steep and hard to pass."

"O World-Honoured One! What is the meaning of this?" The Buddha said: "O good man! We say that we " do not see" , which means that we do not see the Buddha-Nature. "Good" refers to unsurpassed Enlightenment. We say that we "do not do", which means to say that we do not come near a good friend [good teacher of Buddhism]. We "but see" means to say that we see things as having no causal relations. By evil is meant slandering the vaipulya Mahayana sutras. "To do" corresponds to the icchantika’s saying that there cannot be any vaipulya. Because of this, there is no occasion for the icchantika’s mind to turn to what is pure and good. What is "Good Dharma"? It is Nirvana. One who walks along the way to Nirvana indeed practises what is wise and good. With the icchantika, there is nothing that is wise and good. As a result, there can be no turning towards Nirvana. That one should "dread" means the dread of slandering Wonderful Dharma. Whom do we fear? It is the wise. Why? Because a person who slanders, possesses no good mind and no expedients. The way that is hardgoing alludes to all practises."

Kasyapa said further: "You, the Tathagata, say:

"How do we see what is done?
How do we get to Good Dharma,
And where is the place that knows no dread?
It is as with the flat kingly road."

What does this mean?"

The Buddha said: " O good man! " To see what is done" is simply laying bare all evils done. When all the evils done since the beginning of birth and death have once been laid bare, one gains a place where there is nowhere further to go. As a result, what there is here is fearlessness. For example, this is as in the case of the royal road from which all robbers hide. Thus bared, evils all become annihilated, and there remains nothing behind.

"Also, next, " not to see what one does" means that the icchantika does not see all that he does. This icchantika, out of arrogance, does many an evil deed. And in doing so, he has no fear. As a result, he cannot gain Nirvana. For example, this is as in the case of a monkey that tries to grab at the moon reflected in a watery surface. O good man! Even if all innumerable beings attain unsurpassed Enlightenment at a time [at one time, eventually], none of the Tathagatas sees the icchantika attaining Enlightenment. For this reason, we say that " what is done is not seen". Also, whose action is not seen? It is that of the Tathagata. The Buddha, for the sake of beings, says that there is the Buddha-Nature. The icchantika, repeating lives, cannot know or see [the Buddha-Nature]. That is why we say that one does not see what the Tathagata does. Also, the icchantika thinks that the Tathagata enters Nirvana for good, saying that all is transient, just as, when the flame goes out, the oil too is spent. Why? Because this person’s evil actions have not come to an end. If there is here a Bodhisattva who transfers [the merit of] all the good deeds he has done towards unsurpassed Enlightenment, those of the icchantika class commit slander and do not believe. Despite even this, all Bodhisattvas carry on giving as ever and desire to attain Enlightenment. Why? This is how things proceed with the laws [dharmas] of all Buddhas.

"Evil is done, but the result does not
Appear at once. It appears
Like cream that comes from milk.
This is as when ash is placed over a fire
And the ignorant carelesly step on it."

"The iccantika is the eyeless. So he does not see the path of arhatship, the path along which the arhat does not take the steep and arduous path of life-and-death. Being eyeless, he slanders the vaipulya and does not desire to practise the Way, like the arhat who tries to learn compassion. Likewise, the icchantika does not practise the vaipulya. There may be a person who says: "I do not believe in the sutras of the sravaka. I believe in Mahayana, recite the sutras and expound [them]. So I am now a Bodhisattva. All beings possess the Buddha-Nature. Because of the Buddha-Nature, beings possess within themselves the 10 powers, the 32 signs of perfection, and the 80 minor marks of excellence. What I say does not differ from what the Buddha says. You now destroy, together with me, a countless number of defilements, just as in the case where one breaks a water pot. By destroying the bond of defilement, I can now see unsurpassed Enlightenment." The person may say this. Although he speaks in this way, he does not believe that people have within them the Tathagata-Nature. Just for the sake of profit, this person speaks in this way, following what is written. One who so talks is one evil. Such an evil person will not gain the result, as of milk becoming cream. For example, a king's emissary talks well and deftly practises expedients and has duties in foreign lands. Even if it means his life, he does not leave unsaid, to the end, what he has to say on behalf of the king. The same with the wise man, too. He does not care much about his own safety, but always talks about the hidden doctrine of Mahayana vaipulya and says that all beings possess the Buddha-Nature.

"O good man! There is an icchantika, who impersonates an arhat and lives in a quiet place, slandering the vaipulya Mahayana sutras. Everybody, on seeing him, says that he is a true arhat, a great Bodhisattva. This icchantika, an evil bhiksu, lives in a quiet place and breaks the law of [such] a quiet place. Seeing others obtaining benefit, he experiences jealousy and says: "All the vaipulya Mahayana sutras are what Marapapiyas speaks." Or he might say: "The Tathagata is non-eternal." He transgresses against Wonderful Dharma and causes disruption in the Sangha. Such words as these are those of Mara and not a doctrine that is good and meek. Such is what is evil. This person does evil, but the consequences of those evil actions do not manifest immediately, as cream [does not immediately] arise from milk; or when ashes are placed over a fire, the ignorant make light of it and step on it. The icchantika is such a person. Hence, we should know that the all-wonderful vaipulya sutras of Mahayana are definitely pure. This is as in the case of the mani [jewel, gem] which, when placed in muddy water, makes the water clean and transparent. It is the same with the Mahayana sutras, also.

"Further, O good man! For example, it is as in the case of a lotus bud, which, when the sun shines upon it, does not fail to open. The same is the case with beings. Should one encounter the sun of Great Nirvana, anyone unacquainted with Enlightenment will aspire to it and sow the seed of Enlightenment. That is why I say: " When the light of Great Nirvana penetrates the pores of the skin, this immediately begets the wonderful cause of Enlightenment." The icchantika possesses the Buddha-Nature, but overspread by innumerable defilements, he cannot hope to get out [of his cocoon of defilements], analogous to the silkworm. For this reason, he cannot gain the all-wonderful cause of Enlightenment, but repeats birth and death unendingly.

"Also, next, O good man! For example, it is as with the utpala, padma, kumuda or pundarika [lotuses], which even though born in the mud, do not get tainted by the mud. With any person who studies the all-wonderful Great Nirvana Sutra, the same is the case. The person has defilement, yet is not tainted by it. Why not? Because of the power which knows the nature of the Tathagata. For example, O good man! There is a land where there is a great deal of cool wind. If it comes into contact with the body and the pores of beings’ skin, it well makes away with all the worry [irritation, unpleasantness] of suppressed dampness. The same with this Mahayana Great Nirvana Sutra. It enters the pores of beings’ skin and engenders the delicate [causal] relations of Enlightenment. However, the situation is otherwise with the icchantika. Why? Because he is no vessel of Dharma.

"Also, next, O good man! For example, a good doctor knows eight kinds of medicine and cures illnesses, excepting the asadhya [illness which is incurable]. The same is the situation with all sutras, dhyanas and samadhis. These cure all the defilements of greed, ill-will and ignorance, and indeed extract the poisonous arrows, but cannot cure the four grave offences and the five deadly sins.

"O good man! Also, there is a good doctor who knows more than eight treatments, by which he thoroughly cures all beings’ illnesses. Only the asadhya he is unable to cure. The same is the case with this Mahayana Great Nirvana Sutra. It truly cures the worries of beings and allows them to rest in peace in the Tathagata’s all-wonderful cause [that cause which makes one become a Tathagata], and makes those aspire to Enlightenment who have not yet aspired to Enlightenment, except for the icchantika, who is sure to die.

"Also, next, O good man! A good doctor can indeed cure the blind with wonderful medicines, and the blind can see all the forms of the sun, moon and the constellations. Only those congenitally blind, he cannot cure. The case is like this. The same with this Mahayana Great Nirvana Sutra. It well opens the eyes of sravakas and pratyekabuddhas and bestows on them the eye of Wisdom and enables them to rest in peace in the innumerably large number of Mahayana sutras. Even those who have not aspired to Enlightenment, such as those who have committed the four grave offences and the five deadly sins, may also aspire to Enlightenment, excepting the congenitally blind icchantikas.

"Also, next, O good man! For example, a good doctor knows eight types of treatment and cures all illnesses and pains of beings. Various kinds of treatment and medicine are prescribed according to the illness. In the case of vomiting and loose bowels, medicine is smeared over the body and sprinkled on the nose, or cauterization or cleansing medicine is used, or given in pills and powders. Medicine is given in all such ways. Yet the poor and ignorant do not wish to take it. Pitying them, the good doctor takes them to his own house and presses the medicine upon them. Due to the power of the medicine, the illnesses disappear. There is a female patient, whose navel cord [umbilical cord] does not come out. After the medicine has been taken, it comes out at once and makes the child feel easy. The same with this Mahayana Great Nirvana Sutra. Wherever it may go, [if it ] be in the home of any being, all worries get extracted, such as those of the four grave offences and the five deadly sins, and those not yet aspiring to Enlightenment are made to awaken to it, except the icchantika."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The four grave offences and the five deadly sins are the gravest of all ill deeds. It is like cutting [a branch off] the tala tree, as a result of which no new branch will appear. How can the mind with no aspiration for Enlightenment harbour the cause of Enlightenment?" The Buddha said: "O good man! For example, these people have dreams in which they fall into hell and suffer pain there and repent, saying: "Oh, this pain! We have invited this upon ourselves. If we can only get out of this, we shall certainly care about Enlightenment. What we have is the worst [of suffering]." On awakening from their dream, they come to see the great recompense of Wonderful Dharma awaiting them. It is like the child who gradually grows up and thinks: " This is the doctor, who knows best about prescriptions and medicines. When I was still in the womb, he gave my mother medicine. As a consequence of this, she was in peace, and by reason of these circumstantial factors, I was out of danger. Oh, how dreadul that my mother had to undergo great pain. For ten months she guarded and carried me. After my birth, she took care that I should not be too dry or too damp, and saw to my excretions; she gave me milk and fed me.

For all of this, I must pay her back what I owe her, see to her feelings, be obedient to her and serve her".

"A person may have committed the four grave offences and the five deadly sins. But if at the moment of passing away from this world he thinks of this Mahayana Great Nirvana Sutra, this will engender the cause of Enlightenment, even if a person may be in hell, or born as an animal, hungry ghost, or be born in heaven or as a human, except the icchantika.

"Also, next, O good man! For example, a good doctor and his son know a great deal and far surpass others. They know wonderful charms and antidotes to poisons. The case may be as that of deadly snake venom, naga or adder, but their [the doctor and his son's] medicinal charms effect release. This good medicine is smeared on a leather boot, and if the boot touches the insect poison, the poison loses its virulence, except for that of the "mahanaga". The same with the Mahayana Great Nirvana Sutra. Those beings who have committed the four grave offences or the five deadly sins all get detoxified and attain Enlightenment. This is analogous to the detoxified leather footgear. A person who has no Bodhichitta gains it and awakens to unsurpassed Enlightenment. All this comes about through the working of the divine medicine of the Mahayana Great Nirvana Sutra. All beings are deposited in peace, except the mahanaga and the icchantika.

"Also, next, O good man! A man may have invented a new poison and smeared it on a drum, which, when it is beaten in a crowd, lets the sound come by [lets out a great sound]. No one wishes to hear it. But anyone who does hear it dies, except for him who is immune to death. The same is the case with this Mahayana Great Nirvana Sutra. Any person of any place or profession, on hearing this sound, makes away with all such [defilements] as greed, ill-will and ignorance. There may be those who do not think about it, yet, because of the great power generated by the Great Nirvana Sutra, defilement disappears and the bond breaks. Even those of the four grave offences and the five deadly sins, when they hear this sutra, engender the cause of unsurpassed Enlightenment and, by degrees, cut off the bonds of defilement, except for the icchantika, who is immune to dying.

"Also, next, O good man! For example, as twilight falls, all stop work. A person whose work is not completed always waits till sunrise. Those who practise Mahayana practise all kinds of sutras and samadhis, but they always wait till [for] the sunrise of the Mahayana Great Nirvana Sutra. On hearing this undisclosed teaching of the Tathagata, they give rise to actions for Enlightenment, and then abide in Wonderful Dharma. This is as in the case of the rain that falls from the sky upon all things, gives moisture, benefits and increases work, so that it does away with famine, and a rich harvest results. The same is the case with the innumerable amount of undisclosed rain of the Dharma of the Tathagata. It indeed makes away with fevers. The appearance in the world of this sutra is like fruit which benefits and makes all happy, enabling beings to see the Tathagata-Nature. Of all the flowers of Dharma, 8,000 sravakas get blessed with their prophecy [to Buddhahood] and accomplish the great fruition. In autumn, harvesting is done and in winter storing, and there is nothing more to do. The same with the icchantika. With all good laws [dharmas], there is nothing more to do.

"Also, next, O good man! There is a doctor, who hears that the son of a certain person has been taken [possessed] by a demon. So he sends a messenger with a wonderful medicine, saying to him: " Take this medicine and give it to the person. If the person encounters various demons of evil design, the virtue of this medicine will drive such away. Should you be late in going, I shall go myself. I will not have this boy die. If the person who is ill sees the messenger and this virtue of mine, all worries will disappear and there will be peace." The same is the case with this Mahayana Great Nirvana Sutra. If all bhiksus, bhiksunis, upasakas, upasikas, and even tirthikas hold this sutra, read, grasp and expound it to other persons, or copy or have others copy it, all such actions will become the cause of Enlightenment. Even those who have committed the four grave offences and the five deadly sins, or those who are caught by wicked demons or poison or evil, as soon as they hear this sutra, will do away with all evil. This is just as in the case of that doctor, on seeing whom all devils flee. Know that this person is a true Bodhisattva. Why? Because he has been able to hear the Great Nirvana Sutra even for a little while; also, because he thinks of the eternal nature of the Tathagata. Anyone who has it [i.e. this sutra] even for a little while gains such benefit. How could this not be all the more the case when one copies, upholds and reads it? Other than the icchantika, all [of the above] are Bodhisattvas.

"Also, next, O good man! It is as in the case of a deaf person, who cannot hear. The same is the case with the icchantika. Also, he may desire to hear the teaching of this wonderful sutra, yet he cannot. Why not? Because he has not sown the seed for it.

"Also, next, O good man! For example, a good doctor knows all about medicine and prescription. In addition, he has extensive knowledge of innumerable charms. This doctor, received in audience by the king, said: "O King! You have an illness that will take your life." The king replied: "You have not seen inside me. How can you say that I have an illness that will assuredly take my life?" The doctor said further: " If you don't believe me, please take this purgative. Once the purgative has been taken, you, King, can look into it [your body] yourself." And the king deliberately did not take the purgative. The good doctor, through charms, effected means [to show] that, in the [normally] hidden parts of the king's body, poxes and pimples came out, and also whites came out, mixed up with worms and blood. Seeing this, the king became greatly frightened and praised the skill of the doctor: " Well done, well done! I did not take up [accept, implement] what you said before. I now know that you do great things for me." He then respected the doctor like his own parent. The same with this Mahayana Great Nirvana Sutra. From all beings, whether greedy or not greedy, this sutra extracts defilements. All these beings see this sutra even in their dreams, respect it, and make offerings to it. This is similar to the king who respects the skilful doctor. This great skilful doctor does not diagnose a person who is sure to die. The same is the case with this Mahayana Great Nirvana Sutra. The exception is the icchantika: he has no means of being cured.

"Also, next, O good man! A good doctor knows eight ways of treatment and cures all illnesses. But he cannot cure a person who is on the brink of death. The same with all Buddhas and Bodhisattvas. They cure all sinful persons. Only a person on the brink of death, i.e. the icchantika, cannot be cured.

"Also, next, O good man! For example, a good doctor is versed in all sutras and arts. His knowledge is so extensive that it goes beyond the eight [types of medicine]. He teaches what he knows to his son. He makes his son become acquainted with all medicinal herbs of watery places, lands, mountains and valleys. He teaches him by degrees, expounding the eight kinds; and then, he further makes him acquainted with the supreme arts. The same is the case with the Tathagata, the Alms-deserving and All-Enlightened One. First, he resorts to an expedient and makes his children, i.e. his bhiksus, annihilate all defilements and learn to abide in the thought of the purity [impurity] of the body and also in the thought of instability [of all dharmas]. We speak of "watery places" and "mountain valleys". By water is meant that the suffering of the body is like watery foam, and by land the instability of the body, like that of the plantain tree. By mountain valley is meant one’s practising of selflessness, living as one does fully garbed in defilement. For this reason, the body is called selfless. The Tathagata thus, step by step, teaches his disciples the nine types of sutra and makes them thoroughly understand these, and after this he teaches the hidden Dharma of the Tathagata. For the sake of his sons, he speaks about the Eternal of the Tathagata. The Tathagata thus expounds the Mahayana Great Nirvana Sutra. For the sake of both the aspirant and the non-aspirant, he makes it the cause of Enlightenment, excepting the icchantika. Thus, O good man, this Mahayana Great Nirvana Sutra is an unnameably, boundlessly, and all-wonderfully rare thing. Know that this is the unsurpassed doctor, the most honoured, the most superior King of all sutras.

"Also, next, O good man! An illustration! It is like the case of a big ship that sails from this shore to the other and from the other shore to this. The true Enlightenment of the

Tathagata is also like this. Riding in the Mahayana treasure-ship of Great Nirvana, he sails and comes and goes back, saving all beings. In all places, wherever there are people qualified for being saved, he allows them to see the body of the Tathagata. Hence we call the Tathagata the unsurpassed master mariner. For example, a ship has a master mariner. If there is a master mariner, there are beings who [can] cross the great sea. Eternal is the Tathagata, who saves beings.

"Also, next, O good man! For example, there is a man who may desire to ride in the great sea in a big ship and cross that sea. If the wind is favourable, he can sail a distance of immeasurably long yojanas within a short period. If not, he has to stand and wait for a long time, never moving a whit from his former place. Or the ship may break up, and a person may have to drown in the water and die. Beings thus float on the great sea of life and death of ignorance. But if the ship of the created meets with the favourable wind of Mahaparinirvana, a person can well gain the further shore of unsurpassed Enlightenment. If not, he will have to repeat innumerable births and deaths, and, at times, the ship may break up and he will have to fall into such realms as those of hell, animals and hungry ghosts.

"Also, next, O good man! For example, there is a man who, not encountering the king of the wind, dwells for a long time upon the sea. He thinks: "I shall meet with my death here." As he thinks this, he encounters a goodly wind and, by means of it, crosses the sea. Or he may think: "This wind is good. It is a rare thing. We can now cross the sea safely, unbothered by any hardship." Thus, all beings, for a long time, live upon the sea of birth and death of ignorance, fight poverty and hardship, not yet encountering such a great wind of Nirvana as this, and think: "We shall surely fall into such realms as hell, animals, and hungry ghosts." As these beings think this, they encounter the wind of the Mahayana Great Nirvana Sutra and, in the course of time, gain unsurpassed Enlightenment, and arriving at Truth, they abide in a rare thought and express praise: " It is happy! I have, since of old, not once encountered or heard of such an undisclosed store of the Tathagata." And in this Great Nirvana Sutra they gain pure faith.

"Also, next, O good man! Do you think that death comes or not to the serpent as it sloughs off its skin?" "No, O World-Honoured One!" "O good man! The same is the case with the Tathagata. He works out an expedient and manifests himself, and discards the non-eternal, poisoned body. Do you think that the Tathagata is non-eternal and dies away?" "No is the word, O World-Honoured One! The Tathagata abandons his body in this Jambudvipa as an expedient. The case is like that of an adder that sloughs off its old skin. That is why we say that the Tathagata is eternal."

"Also, next, O good man! A goldsmith takes into his hand a piece of good gold and makes various things as he wills. The same is the case with the Tathagata. He manifests himself in the 25 existences, in various forms, and thus teaches beings and passes them across the sea of birth and death. That is why we say that the Tathagata is a boundless body. He thus manifests himself in various forms. But he is eternal; he does not change.

"Also, next, O good man! The mango and jambu trees change three times a year. At one time, the flowers come out and gloriously shine; at another, the leaves come out luxuriantly; and at yet another time, the leaves fall and all looks as though dead. O good man! What does this mean? Does this tree die?"

"No, O World-Honoured One!" "It is the same case with the Tathagata. He manifests himself in the three worlds in the three kinds [stages] of the body. At one time, he is born; at another, he grows up; at yet another, he displays death. And yet the Tathagata’s body is not non-eternal.

Bodhisattva Kasyapa praised [the Buddha] and said: "Well said! Everything is as you, Holy One, say. The Tathagata is eternal; no change arises." "O good man! What the Tathagata says in undisclosed terms is profound, not easy to grasp. It is like the case of a great king who orders his ministers to bring him "saindhava". The word, "saindhava", has four meanings. First, it means "salt"; secondly, "utensil"; thirdly, "water", and fourthly, "horse". Thus, four things have the same name. A wise minister knows the content of this word. When the king is washing and if he calls for saindhava, he gives him water. When he is eating and calls for saindhava, he gives him salt. When he has finished eating and desires to drink some juice and calls for saindhava, he gives him a utensil [goblet, vessel]. When he desire to indulge in recreation, he gives him a horse. Thus, the wise minister well grasps the meaning of the great king’s words. The same is the situation with this Mahayana Great Nirvana Sutra. There are four non-eternals. The wise minister of Mahayana should know [them] well. If the Buddha appears in the world and says that he is going to enter Nirvana, the wise minister should know that the Tathagata is speaking of the non-eternal for those who adhere to "is" and desires to teach the bhiksus to practise the non-eternal. Or he might say: "Wonderful Dharma is about to expire." The wise minister should know that the Tathagata is speaking of suffering to those whose mind adheres to "bliss", and to make the bhiksus abide in the thought of suffering. Or he might say: "I am ill now and am in pain; all bhiksus expire." The wise minister should know that the Tatahgata is addressing those attached to self on the matter of selflessness and desires to make the bhiksus practise the thought of selflessness. Or he might also say: "The so-called Void is true emancipation." The minister should know that the Tathagata [then] means to teach that there is no true emancipation and the 25 existences. This is for the bhiksus to practise the Void. Hence, right emancipation is the Void and, therefore, is immovable. "Immovable" means that in emancipation there is no suffering. Hence, immovable. This true emancipation is called " formlessness" . Formless means that there is no colour, voice, smell, taste or touch. Hence, no characteristics. Therefore, true emancipation is eternal and does not change. With this emancipation, there is no non-eternal, nothing hot, no worry, and no change. Hence, this emancipation is called eternal, unchanging, pure, and cool. Or he may say: "All beings possess the Buddha-Nature." The wise minister should well know that the Tathagata is speaking of eternal Dharma and desires the bhiksus to practise the right aspect of eternal Dharma. Any bhiksu who thus practises the Way may know that he is truly my disciple. He indeed fathoms the undisclosed store of the Tathagata, just as the minister well grasps the great king’s mind. O good man! Thus does the great king also have the undisclosed law. O good man! How could it be that the Tathagata would not possess any such? Hence, it is hard to know the hidden teaching of the Tathagata. Only a wise man can reach the great depths of what I teach. This is what common mortals can well believe.

"Also, next, O good man! In a great drought, the palasa [butea frondosa], kanika [premna spinosa] and asoka [saraca indica] flowers do not bear fruit; also, all things of watery places and on land die or grow weak [in such a drought]. Without moisture, nothing can grow. Even medicines may look [prove] worthless. O good man! The same is the case with the Mahayana Nirvana Sutra. After my death, people will not show respect and there will be no dignity or virtue. Why not? These people do not know the hidden store of the Tathagata. Why not? Because these people are born with little weal.

"Also, next, O good man! When the Wonderful Dharma of the Tathagata is about to disappear, there may be many bhiksus who do evil. They know nothing of the hidden store of the Tathagata; they are indolent and lazy and do not know how to read the sutras of Wonderful Dharma, how to disseminate and understand them. This is like an ignorant robber abandoning true treasure and carrying grass and plants away on his shoulder. This comes from the fact that they do not understand the undisclosed store of the Tathagata. They are lazy and make no effort in the sutras. How pitiful it is that there is great danger which this world is confronted with. This is much to be feared. How sorrowful it is that beings do not give ear to this Mahayana Great Nirvana Sutra. Only all the Bodhisattvas see the true meaning of what this sutra states and do not become worried [made anxious] by letters [words]. They obediently follow and do not transgress. And they speak for the sake of beings.

"Also, next, O good man! For example, a milking woman, intending to gain exorbitant profit, adds 20% water to the milk and sells it to another woman, who again adds 20% water and sells it to a woman living close to the castle town. This woman further adds 20% water and sells it to a woman living in the castle. This woman buys the milk and takes it to the market and sells it. At that time, there is a person who takes in a woman for the sake of his son. He chances to want to use good milk with which to serve his guest. He goes to the market and wants to buy some. The woman selling the milk demands the normal price. The man says: "This milk has a lot of water in it. So it is not worth the normal price. Today I have to treat a visitor. So I shall have it." Taking this [milk] home, he cooks some porridge, but it has no milk flavour. Though it does not have any taste of milk, it is far better than any bitter thing; so it is a thousand times better. Why? Because of all tastes, milk is the best.

"O good man! When I die, for 80 years when Wonderful Dharma has not yet expired, this sutra will be widespread in Jambudvipa. At that time, there will be many bhiksus of evil design who will cut this sutra into parts and simplify it, so that the colour, flavour, beauty and taste of Wonderful Dharma will be lost. All these evil persons will read this sutra, despoil the profound and essential meaning of the Tathagata, enshrine [insert] merely grand, decorative and meaningless words that belong to the world. They will lop off the front part and add it to the back part of the sutra, or take off the back part and add it to the front, or they will put the front and back parts in the middle and the middle at the front and back. Know that such bhiksus are friends of Mara. They will keep and store all impure things and say that the Tathagata gave permission [for bhiksus] to do so. This is like the milking woman who adds water to the milk. It will be the same with these wicked bhiksus. They will add words of worldly life and despoil the fixed and right words of the sutras, and obstruct beings from [getting] the right sermons, from [making] correct copies, [having] right understanding, honouring, praising, making offerings to, and respecting, [the sutras]. Because of [their desire for] seeking profit, such bhiksus of evil design will not disseminate this sutra. The world where its benefits obtain will be so limited as not to be worth mentioning. This is as in the case of the poor milk-woman who adds water to the milk and sells it on, so that the porridge that is later made has no milk flavour. The same is the case with this Mahayana Great Nirvana Sutra. Its taste will gradually diminish and [eventually] no flavour will remain. The spirit will have gone; yet it will still be 1,000 times better than other sutras. It is as with the diluted milk, which is still 1,000 times better than any bitter thing. Why so? Because this Mahayana Great Nirvana Sutra is the best of all the sravaka class of sutras. It is as with milk, which is the best of all tastes. Hence, we say Great Nirvana.

"Also, next, O good man! All good men and women desire to be born as a man. Why so? Because females are the nests of evil. Also, it is as in the case of the water of mosquitoes and sawflies, which cannot moisten this great earth. In addition, the sensual appetite of females cannot ever be satisfied. This is as though one were to make the great earth into a ball and then press it into a small pill. All such [vast numbers of] people may lustfully disport themselves with a female and [the female] will not ever be satiated. Even if as many people as the sands of the river Ganges disport themselves with a woman, there will be no satisfaction [on the part of the woman]. O good man! As an example, it is as with the great sea, into which flow the raindrops from the heavens and the waters of rivers, and yet the sea-water never indicates that it has had its fill. The same is the case with a woman. For example, even if all people were made male and had carnal sport with a woman, there would yet be no having had enough [on the part of the woman]. Also, next, O good man! The asoka, patala, and kanika put forth flowers in spring, when bees gather around the colour, smell, and the delicate taste, and there is no satisfying of them. It is the same with a female who desires to have a male. O good man! For this reason, all men and women who hear the teaching of this Mahayana Great Nirvana Sutra should always shun the female form and seek the male. Why so? This Mahayana sutra may be compared to a male. The point is that it has the Buddha-Nature. If one does not know the Buddha-Nature, one cannot be called a man. Why not? Because one does not realise that one has the Buddha- Nature within. Any person who does not realise that he has the Buddha-Nature is a woman. If he does so realise, he is a man. If any woman knows that she has the Buddha-Nature, she is a man. O good man! This Mahayana Great Nirvana Sutra is replete with innumerable, boundless and wonderful virtues. How so? Because it reveals the hidden store of the Tathagata. For this reason, O good men and women, if you desire swiftly to know of the hidden store of the Tathagata, you should devise means and study this sutra."

Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is so, it is so! It is as you, the Buddha, say. I now have the characteristics of a man, because I have now entered the hidden store of the Tathagata. The Tathagata has awakened me. In consequence, I shall now surely pass in." The Buddha said: "Well said, well said, O good man! What you know of the unsurpassed taste of Dharma is profound and difficult to fathom. And yet, you know well. You act like the bee.

Also, next, O good man! It is as in the case of swamp-water in which mosquitoes live and which is not able to wet this earth. The same will be the case in the future with the propagation of this sutra in the world. It is just like the swampy ground where the mosquitoes live. When Wonderful Dharma becomes extinct, this sutra will become extinct in this land. Know that this is the declining fortune of this sutra.

Also, next, O good man! For example, after summer comes autumn, when the autumnal rains fall one after another. The same with this Mahayana Great Nirvana Sutra. For the sake of the Bodhisattvas of the south, dissemination will proceed widely, and there will be the rain of Dharma, which will fully moisten the land. When Wonderful Dharma is about to become extinct, it goes to Kashmir and nothing lacks. It will get into the earth and become extinct. There may be a person who is faithful or a person who is not. The sweet taste of all such Mahayana vaipulya sutras then sinks into the ground. When the sutra [Mahaparinirvana] dies out, all other Mahayana sutras will die out too. If this sutra is perfect, this is none but the elephant king of men. All Bodhisattvas should know that the unsurpassed Wonderful Dharma of the Tathagata is about to die out before long."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Phật giáo và Con người


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Phật pháp ứng dụng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.227.187 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...