Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 40 - Phẩm KIỀU-TRẦN-NHƯ - Phẩm thứ mười ba - Phần hai »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 40 - Phẩm KIỀU-TRẦN-NHƯ - Phẩm thứ mười ba - Phần hai

Donate

(Lượt xem: 14.453)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 40 - Phẩm KIỀU-TRẦN-NHƯ - Phẩm thứ mười ba - Phần hai

Khi ấy lại có vị Phạm chí tên Độc Tử đứng lên nói: “Cồ-đàm! Nay tôi muốn hỏi, ngài có cho phép chăng?”

Đức Như Lai lặng thinh. Độc Tử lại hỏi đến lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, đức Như Lai vẫn lặng thinh [không đáp].

Độc Tử lại nói: “Cồ-đàm! Tôi với ngài là chỗ thân hữu đã lâu, ngài với tôi nghĩa tình như một; nay tôi muốn hỏi, tại sao ngài lặng thinh?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Vị Phạm chí này tánh tình nho nhã, hiền lành, thẳng thắn, thường vì sự hiểu biết mới đến thưa hỏi chứ không có ý quấy rối. Nếu ông ấy thưa hỏi, ta sẽ tùy ý đáp.”

Phật liền nói: “Lành thay, lành thay! Độc Tử, ông cứ tùy chỗ nghi ngờ mà hỏi, ta sẽ giải đáp.”

Độc Tử liền hỏi: “Cồ-đàm! Thế gian này có pháp thiện hay chăng?”

Phật đáp: “Phạm chí, có pháp thiện.”

Lại hỏi: “Có pháp bất thiện hay chăng?”

Phật đáp: “Phạm chí, có pháp bất thiện.”

Độc Tử liền nói: “Cồ-đàm! Xin ngài vì tôi giảng giải, giúp tôi hiểu biết được về các pháp thiện và bất thiện.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Về những nghĩa ấy ta có thể phân biệt giảng rộng, nhưng nay sẽ vì ông mà giảng giải sơ lược.

“Thiện nam tử! Tham dục là bất thiện, giải thoát khỏi tham dục là thiện. Sân khuể và ngu si cũng vậy, [đều là bất thiện, giải thoát khỏi hai pháp này là thiện].

“Giết hại là bất thiện, không giết hại là thiện... cho đến tà kiến cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Nay ta đã giảng với ông ba loại pháp thiện và bất thiện [là tham, sân, si], cũng đã giảng mười loại pháp thiện và bất thiện. Nếu trong các đệ tử của ta, ai có thể phân biệt được ba pháp thiện và bất thiện ấy, cho đến mười pháp thiện và bất thiện, nên biết rằng người ấy có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu.”

Phạm chí thưa rằng: “Cồ-đàm! Trong pháp Phật liệu có một tỳ-kheo nào có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu hay không?

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số các vị tỳ-kheo có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu như vậy.”

Phạm chí nói: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại chuyện một tỳ-kheo. Trong pháp Phật liệu có một tỳ-kheo ni nào có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu hay không?

Đức Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số các vị tỳ-kheo ni có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu như vậy.”

Độc Tử lại nói: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại chuyện một tỳ-kheo, một tỳ-kheo ni. Trong pháp Phật liệu có một ưu-bà-tắc nào giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi hay chăng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số ưu-bà-tắc giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, trừ được năm mối trói buộc, chứng đắc quả A-na-hàm, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi.”

Độc Tử lại hỏi: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại chuyện một tỳ-kheo, một tỳ-kheo ni, một ưu-bà-tắc. Trong pháp Phật liệu có một ưu-bà-di nào giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi hay chăng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số ưu-bà-di giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, trừ được năm mối trói buộc, chứng đắc quả A-na-hàm, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi.”

Độc Tử nói: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại những chuyện một tỳ-kheo, một tỳ-kheo ni dứt hết phiền não, một ưu-bà-tắc, một ưu-bà-di giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, dứt sạch mọi mối nghi. Trong pháp Phật liệu có một ưu-bà-tắc nào [đạt đến mức] thọ hưởng sự vui thích năm món dục mà lòng không có mối nghi nào hay chăng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số ưu-bà-tắc đã dứt trừ ba mối trói buộc, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn; lại làm cho các tâm tham, sân và si chỉ còn rất yếu ớt, chứng đắc quả Tư-đà-hàm.

“Cũng giống như ưu-bà-tắc, [có vô số] ưu-bà-di [đạt được] như vậy.”

Độc Tử thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con muốn nói ra một thí dụ.”

Phật dạy: “Lành thay! Ông đã muốn nói, vậy hãy nói đi!”

Độc Tử nói: “Bạch Thế Tôn! Ví như các vị long vương Nan-đà, Bà-nan-đà... đổ trận mưa lớn đều khắp; trận mưa Chánh pháp của Như Lai cũng giống như vậy, bình đẳng rưới xuống cho đến hàng ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

“Bạch Thế Tôn! Nếu những người ngoại đạo muốn đến đây xuất gia, không biết Như Lai sẽ thử thách họ trong mấy tháng?”

Phật nói: “Thiện nam tử! Thường thử thách trong bốn tháng, nhưng không nhất định chỉ có một hạng [như vậy].”

Độc Tử thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu không [nhất định] chỉ có một hạng [phải chịu thử thách trong bốn tháng], vậy nguyện đức Đại từ cho phép con xuất gia.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Kiều-trần-như: “Hãy nhận cho Phạm chí Độc Tử xuất gia thọ giới.”

Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy liền ở giữa chúng tăng làm pháp kiết-ma cho Độc Tử [xuất gia thọ giới]. Sau khi xuất gia được mười lăm ngày, Độc Tử chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Chứng đắc quả Tu-đà-hoàn rồi, Độc Tử lại suy nghĩ rằng: “Nếu thật có trí tuệ do sự học hỏi mà đạt được thì nay ta đã đạt được [trí tuệ ấy] rồi, ta có thể đến gặp Phật.”

[Nghĩ như vậy rồi,] ông liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu và mặt lễ kính, rồi lui xuống đứng sang một bên, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con đã đạt được trí tuệ do sự học hỏi, nguyện đức Thế Tôn vì con mà phân biệt thuyết dạy một lần nữa, giúp con đạt đến trí tuệ của bậc vô học.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông nên chuyên cần tu tập hai pháp, một là pháp chỉ, hai là pháp quán.

“Thiện nam tử! Nếu tỳ-kheo nào muốn chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, cũng phải chuyên cần tu tập hai pháp ấy. Nếu ai muốn chứng đắc các quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, cũng đều phải tu tập hai pháp ấy.

“Thiện nam tử! Nếu tỳ-kheo nào muốn đạt được Bốn mức thiền, Bốn tâm vô lượng, Sáu thần thông, Tám sự buông xả, Tám thắng xứ, Vô tranh trí, Đỉnh trí, Tất cánh trí, Tứ vô ngại trí, Tam-muội Kim cang, Tận trí, Vô sanh trí, cũng đều phải tu tập hai pháp ấy.

“Thiện nam tử! Nếu ai muốn đạt đến Thập trụ địa, Vô sanh pháp nhẫn, Vô tướng pháp nhẫn, Bất khả tư nghị pháp nhẫn, Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Bồ Tát hạnh, Tam-muội Hư không, Tam-muội Trí ấn, các Tam-muội Không, Vô tướng, Vô tác; Tam-muội Địa, Tam-muội Bất thối, Tam-muội Thủ Lăng Nghiêm, Tam-muội Kim cang, A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Phật hạnh, cũng đều phải tu tập hai pháp ấy.”

Nghe Phật dạy rồi, tỳ-kheo Độc Tử liền lễ bái lui ra. Ngay trong rừng sa-la, ông [chuyên cần] tu tập hai pháp chỉ và quán, không bao lâu liền chứng đắc quả A-la-hán.

Bấy giờ, lại có vô số tỳ-kheo muốn đi đến chỗ Phật. Độc Tử nhìn thấy liền hỏi: “Chư đại đức! Quý thầy muốn đi đến đâu?” Các vị tỳ-kheo đáp: “Chúng tôi muốn đi đến chỗ đức Phật.”

Độc Tử liền nói: “Chư đại đức! Nếu quý thầy đi đến chỗ Phật, xin vì tôi trình lên đức Thế Tôn rằng: ‘Tỳ-kheo Độc Tử đã tu tập hai pháp chỉ và quán, đạt được trí tuệ vô học. Nay muốn báo ơn Phật nên sẽ [xả bỏ thân này mà] nhập Niết-bàn.”

Lúc ấy, các vị tỳ-kheo đi đến chỗ đức Phật rồi liền bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Độc Tử nhờ chúng con trình lên đức Thế Tôn rằng: ‘Tỳ-kheo Độc Tử nhờ tu tập hai pháp chỉ và quán, đã đạt được trí tuệ vô học. Nay muốn báo ơn Phật nên sẽ [xả bỏ thân] nhập Niết-bàn.’”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tỳ-kheo Độc Tử đã chứng đắc quả A-la-hán, các ông nên đến đó cúng dường nhục thân.”

Các vị tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, trở lại chỗ tỳ-kheo Độc Tử [xả thân], tổ chức đại lễ cúng dường.

Bấy giờ lại có Phạm chí Nạp Y lên tiếng nói rằng: “Cồ-đàm! Ông nói rằng [người ta] trong vô số kiếp từng làm những việc thiện hay bất thiện, đến đời vị lai sẽ trở lại thọ lãnh các thân thiện và bất thiện [tương ứng với việc đã làm]. Nghĩa ấy là không đúng.

“Vì sao vậy? Như Cồ-đàm có nói: Nhân nơi phiền não mà có thân này. Nếu nhân nơi phiền não mà có thân, vậy thân có trước hay phiền não có trước? Nếu phiền não có trước, vậy ai tạo tác? [Khi chưa có thân thì] phiền não ấy ở nơi nào? Còn nếu thân có trước, sao lại nói rằng nhân nơi phiền não mà có thân?

“Cho nên, không thể nói là phiền não có trước thân, cũng không thể nói thân có trước phiền não. Cũng không thể nói hai thứ ấy có cùng một lúc. Như vậy, trước, sau hay cùng lúc đều không hợp nghĩa. Cho nên tôi nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều có tự tánh, không do nhân duyên.’

“Lại nữa, Cồ-đàm! Tánh chất của đất là cứng chắc, tánh chất của nước là ẩm ướt, tánh chất của lửa là nóng ấm, tánh chất của gió là chuyển động, tánh chất của hư không là không ngăn ngại. Tánh chất của năm đại ấy không phải do nhân duyên mà có. Nếu như ở thế gian có tánh của một pháp [nào đó] không do nhân duyên mà có, thì tánh của tất cả pháp lẽ ra cũng vậy, không do nhân duyên mà có. Nếu có một pháp [nào đó] do nhân duyên, vậy do nhân duyên gì mà tánh của năm đại lại không do nhân duyên?

“Cồ-đàm! Những thân thiện và bất thiện của chúng sanh đạt được sự giải thoát đều là do tự tánh, không do nhân duyên. Cho nên tôi nói: ‘Tất cả các pháp do tự tánh mà có, chẳng phải do nhân duyên sanh ra.’

“Lại nữa, Cồ-đàm! Các pháp thế gian đều có chỗ dùng nhất định. Ví như người thợ mộc nói: ‘Loại gỗ này dùng làm xe, làm kiệu... loại gỗ này dùng làm cửa, làm giường, ghế...’ Lại như người thợ kim hoàn làm ra những vật trang sức, đội trên trán gọi là tràng [hoa], đeo nơi cổ gọi là vòng cổ, đeo nơi tay gọi là vòng xuyến, đeo ở ngón tay lại gọi là nhẫn...

“Vì chỗ dùng đã sẵn định, nên gọi là tánh cố định. Nên biết rằng tất cả chúng sanh cũng vậy, vì sẵn có tánh của năm cảnh giới nên mới có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, cõi trời. Nếu là như vậy, sao lại nói rằng [sự thọ sanh là] do nhân duyên?

“Lại nữa, Cồ-đàm! Tánh của tất cả chúng sanh thảy đều khác nhau, cho nên nói là mỗi chúng sanh đều tự có tánh riêng.

“Cồ-đàm! Như con rùa sanh ở đất liền, nhưng tự nó có khả năng sống dưới nước. Con bê con vừa sanh ra tự có thể bú vú mẹ. Con cá thấy mồi ở lưỡi câu tự nhiên đớp ăn. Con rắn độc lúc sanh ra tự nhiên ăn đất... Những việc như vậy, có ai dạy chúng nó chăng? Như mũi gai khi sanh ra tự nhiên có đầu nhọn. Như loài chim tự nhiên bộ lông có những màu sắc khác nhau...

“Chúng sanh ở thế gian cũng vậy, có người lanh lợi, có kẻ ngu độn, có người giàu, kẻ nghèo; người đẹp, kẻ xấu, có người được giải thoát, có kẻ không được... Cho nên biết rằng: ‘Trong tất cả các pháp, mỗi pháp đều sẵn có tự tánh’.

“Lại nữa, Cồ-đàm! Như ông có nói: tham dục, sân khuể và si mê đều do nhân duyên sanh ra; ba độc này có nhân duyên là năm trần cảnh: [hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm]. Nghĩa ấy thật không đúng!

“Vì sao vậy? Chúng sanh trong lúc ngủ là lìa xa năm trần cảnh, nhưng vẫn sanh tham, sân, si. Lúc còn trong bào thai cũng vậy. Khi vừa mới ra khỏi bào thai, chưa thể phân biệt được sự tốt xấu của năm trần cảnh, nhưng vẫn sanh tham, sân, si. Các vị tiên, các bậc thánh hiền dù ở nơi vắng vẻ yên tĩnh, không hề có năm trần cảnh, cũng có thể sanh tham, sân, si. Lại có những người dù nhân ở năm trần cảnh mà không hề sanh ra tham, sân, si. Cho nên, không nhất thiết phải do nhân duyên sanh ra tất cả các pháp, đó đều là do tánh [của các pháp] tự sẵn có.

“Lại nữa, Cồ-đàm! Tôi thấy ở đời có những kẻ không đủ năm giác quan nhưng có nhiều tài sản, vật báu, được sống rất tự do; lại có những người tuy đầy đủ các giác quan nhưng nghèo túng, hèn hạ, không được sống tự do, phải làm tôi tớ hầu hạ người khác. Nếu có nhân duyên, vì sao lại như vậy? Cho nên các pháp thảy đều sẵn có tự tánh, không do nhân duyên.

“Lại nữa, Cồ-đàm! Những trẻ thơ ở thế gian chưa biết phân biệt năm trần cảnh, lúc khóc lúc cười. Khi thấy trẻ cười liền biết chúng vui; khi thấy khóc liền biết chúng buồn. Cho nên biết rằng: Trong tất cả các pháp, thảy đều sẵn có tự tánh.

“Lại nữa, Cồ-đàm! Pháp thế gian có hai loại, một là pháp có, hai là pháp không. Pháp có là như hư không..., pháp không là như sừng thỏ... Trong hai pháp ấy, pháp thứ nhất vì là có nên không do nhân duyên; pháp thứ hai vì là không nên cũng không do nhân duyên. Cho nên, các pháp đều sẵn có tự tánh mà không do nhân duyên.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ông vừa nói: ‘Tánh của tất cả các pháp lẽ ra cũng giống như tánh của năm đại.’ Nghĩa ấy không đúng.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Như trong pháp của các ông cho rằng năm đại là thường. Vậy do nhân duyên gì mà tất cả các pháp đều vô thường? Nếu sự vật thế gian thật là vô thường, vậy do nhân duyên gì mà tánh của năm đại không phải vô thường? Nếu năm đại là thường thì sự vật thế gian lẽ ra cũng phải là thường! Cho nên, lời ông nói rằng: ‘Năm đại sẵn có tự tánh không do nhân duyên’, lại cho rằng ‘tất cả các pháp cũng đồng như năm đại’, thật là vô lý!

“Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Vì [sự vật đều] có chỗ dùng nhất định nên [biết là] sẵn có tự tánh.’ Nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Tất cả đều do nơi nhân duyên nên mới có tên gọi. Nếu do nhân mà có tên, thì cũng do nhân mà có nghĩa. Sao gọi là do nhân mà có tên? Như [đều là] những cái vòng tròn, [nhưng] đội trên trán gọi là tràng hoa, đeo nơi cổ gọi là vòng cổ, đeo ở tay gọi là vòng xuyến, dùng trong xe lại gọi là bánh xe...; [lại như] lửa do cỏ khô, củi... đốt lên thì gọi là lửa cỏ khô, lửa củi...

“Thiện nam tử! Cái cây mới mọc lên không hề có tánh chất của mũi tên hay ngọn giáo. Do nhân duyên, người thợ làm thành những mũi tên; cũng do nhân duyên, người thợ làm thành những ngọn giáo... Vì thế, không nên nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều sẵn có tự tánh.’

“Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Con rùa sanh ở đất liền, tánh của nó là tự đi xuống nước; con bê con vừa sanh ra, tánh của nó là có thể bú vú mẹ.’ Nghĩa ấy cũng không đúng.

“Vì sao vậy? Nếu nói con rùa đi xuống nước không do nhân duyên, vậy cũng là không do nhân duyên, sao rùa chẳng đi vào trong lửa? [Nếu nói] con bê sanh ra rồi, tánh tự nhiên của nó là có thể bú vú mẹ chứ không do nhân duyên, vậy cũng là không do nhân duyên, sao con bê lại chẳng bú cái sừng?

“Thiện nam tử! Nếu nói các pháp thảy đều sẵn có tự tánh, không cần có sự giáo hóa học tập, không có sự tăng trưởng. Nghĩa ấy cũng không đúng.

“Vì sao vậy? Hiện nay trước mắt thấy rõ có sự giáo hóa, và nhờ giáo hóa nên được tăng trưởng. Vì vậy, phải biết rằng [các pháp thật] không có tự tánh [nhất định].

“Thiện nam tử! Nếu hết thảy các pháp đều sẵn có tự tánh [nhất định], thì tất cả các vị bà-la-môn không nên giết dê tế thần để làm trong sạch cái thân. Nếu còn vì [muốn làm trong sạch] thân thể mà tế thần, vậy nên biết rằng không hề sẵn có tự tánh [nhất định].

“Thiện nam tử! Trong ngữ pháp của thế gian có phân ra ba cách [diễn đạt sự việc], một là [nói về việc] muốn làm, hai là [nói về việc] đang làm, ba là [nói về việc] đã làm xong. Nếu tất cả các pháp đều sẵn có tự tánh [nhất định], vì sao trong thế gian lại có ba cách diễn đạt [khác nhau] ấy? Vì có ba cách diễn đạt [thay đổi khác nhau], nên biết rằng tất cả các pháp không hề sẵn có tự tánh [nhất định].

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng các pháp sẵn có tự tánh [nhất định], thì nên biết rằng mỗi pháp đều phải có tánh chất cố định. Nếu có tính chất cố định, vậy do duyên cớ gì mà từ cây mía lại có thể làm ra [các thứ khác nhau như] nước ngọt, đường, đường phèn, rượu, rượu thuốc...? Nếu chỉ có một tánh [cố định], vậy do duyên cớ gì [từ một sự vật mà] tạo ra được nhiều mùi vị khác nhau? Nếu từ một vật [có thể] làm ra nhiều loại như vậy, nên biết rằng trong các pháp không thể mỗi pháp đều có tính chất cố định.

“Thiện nam tử! Nếu tất cả pháp đều có tính chất cố định, tại sao bậc thánh nhân uống nước ngọt của mía, ăn các loại đường phèn, đường tán... nhưng khi mía làm ra rượu thì các vị không uống, sau đó chế thành rượu thuốc thì lại uống được? Cho nên phải biết rằng [các pháp đều] không có tính chất cố định. Nếu không có tính chất cố định, vì sao lại [nói là] không do nhân duyên mà có?

“Thiện nam tử! Ông nói các pháp [đều sẵn] có tự tánh, vậy vì sao [khi giảng] nói [có thể dùng] thí dụ? Nếu có các thí dụ, nên biết rằng các pháp là không có tự tánh [cố định]. Nếu [các pháp đều] có tự tánh [cố định], nên biết rằng không thể có thí dụ. Nhưng người có trí ở thế gian đều nói thí dụ, nên biết rằng các pháp không hề có tự tánh, không hề có một tánh cố định.

“Thiện nam tử! Ông có hỏi: ‘Thân có trước hay phiền não có trước?’ Câu hỏi ấy không hợp nghĩa. Vì sao vậy? Nếu ta nói rằng thân có trước, hẳn ông có thể vặn lại rằng: ‘Ngài cũng đồng như tôi.’ [Còn nếu ta nói] thân không có trước thì do nhân duyên gì ông lại vặn hỏi như thế?

“Thiện nam tử! Thân và phiền não của tất cả chúng sanh đều không có trước sau, đồng thời hiện hữu. Tuy đồng thời hiện hữu nhưng phải nhân nơi phiền não mà có thân, chứ không thể nhân nơi thân mà có phiền não.

“Nhưng nếu ông có ý cho rằng thân và phiền não cũng giống như hai con mắt người cùng lúc mà có, không nương chờ nhau; mắt trái không phụ thuộc mắt phải, mắt phải cũng không phụ thuộc mắt trái, thì nghĩa ấy không đúng.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Như ở thế gian, mắt tuy cùng lúc nhìn thấy tim đèn và ánh sáng, nhưng ánh sáng phải nhân nơi tim đèn [mà có], tuyệt đối không thể nhân nơi ánh sáng mà có tim đèn!

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng vì thân trước đó không có [nhân duyên] nên biết rằng [thân ấy] không do nhân [mà có], nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Nếu nói vì thân có trước nên không có nhân duyên, do đó gọi là không [nhân duyên] thì ông càng không nên nói [như vậy].

“Tất cả các pháp đều có nhân duyên. Nếu nói rằng vì không thấy nên không nói, thì hiện nay thật có nhìn thấy những vật [trước mắt] như cái bình.v.v... đều do nhân duyên mà có, vì sao không thể nói rằng những nhân duyên trước đó của thân cũng giống như [trường hợp] cái bình...?

“Thiện nam tử! Cho dù nhìn thấy hay không nhìn thấy, tất cả các pháp đều do nhân duyên, không sẵn có tự tánh.

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng tất cả các pháp đều có tự tánh, không do nhân duyên, vậy vì sao ông nói về năm đại? Tánh của năm đại ấy chính là nhân duyên.

“Thiện nam tử! Tuy rằng năm đại là nhân duyên, nhưng cũng không thể nói rằng các pháp đều có cùng nhân duyên là năm đại. Cũng như người đời nói rằng: ‘Tất cả những người xuất gia nên tinh cần giữ giới.’ Nhưng [thật ra đến cả] hạng chiên-đà-la cũng nên tinh cần giữ giới như vậy.

“Thiện nam tử! Ông nói rằng năm đại có tánh cố định là cứng chắc, [ẩm ướt] v.v... Ta quán xét thấy những tánh chất ấy là biến chuyển chứ không cố định.

“Thiện nam tử! Trong pháp của các ông gọi các thứ bơ, sáp ong, hồ, keo... là thuộc chất đất. Chất đất ấy không [có tính chất] nhất định, hoặc đồng với nước, hoặc đồng với đất, cho nên không thể nói rằng tánh của nó [cố định] là cứng chắc.

“Thiện nam tử! Trong pháp của các ông gọi các loại như hợp kim chì pha thiếc, chì, thiếc, đồng, sắt, vàng, bạc... là thuộc chất lửa. Chất lửa ấy lại có đủ bốn tánh chất là: khi chảy là tánh nước, khi động là tánh gió, khi nóng là tánh lửa, khi cứng là tánh đất. Sao có thể nói rằng tánh lửa là cố định?

“Thiện nam tử! Tánh của nước là tuôn chảy. Khi nước đông đặc, người ta không gọi là đất, nên gọi là tánh lửa, vậy do nhân duyên gì mà khi sóng nước động chẳng gọi là gió? Nếu khi nước động chẳng gọi là gió, thì khi nước đông đặc lẽ ra cũng không thể gọi là lửa! Nếu bốn tánh ấy đều do nhân duyên, vì sao lại nói rằng: ‘Tất cả các pháp không do nhân duyên?’

“Thiện nam tử! Nếu nói tánh của năm giác quan là có thể thấy, nghe, rõ biết, xúc chạm, đều là tự tánh sẵn có chứ không do nhân duyên. Nghĩa ấy cũng không đúng.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tự tánh là tánh chất không thể thay đổi. Nếu nói [tự] tánh của mắt là thấy, lẽ ra mắt phải thường thấy, không thể có lúc thấy lúc không. [Nhưng thật ra không phải vậy,] nên phải biết là do nhân duyên mà thấy, chứ không phải không có nhân duyên.

“Thiện nam tử! Ông nói rằng không phải nhân nơi năm trần cảnh: [hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm] mà sanh ra tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát. Nghĩa ấy cũng không đúng.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tuy việc sanh tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát không do nhân duyên là năm trần cảnh, nhưng do các suy niệm vọng tưởng xấu ác nên mới sanh tham dục...; và nhờ các suy tưởng tốt lành nên mới được giải thoát.

“Thiện nam tử! Do các nhân duyên bên trong mà khởi sanh tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát; do các nhân duyên bên ngoài mà tăng trưởng tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát. Cho nên lời ông nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều riêng có tự tánh, không do năm trần mà sanh tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát,’ đó là không hợp lý.

“Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Có những kẻ năm giác quan chẳng đủ, nhưng có nhiều tài sản, vật báu, được sống rất tự do; lại có những người tuy đầy đủ các giác quan nhưng nghèo túng, không được sống tự do. Do đó biết rằng họ sẵn có tự tánh, không do nhân duyên.’ Nghĩa ấy cũng không đúng.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Chúng sanh do nghiệp mà có quả báo. Quả báo ấy có ba loại, một là quả báo ngay trong đời hiện tại, hai là quả báo vào đời kế tiếp, ba là quả báo vào những đời sau nữa. Sự nghèo túng, giàu sang hoặc đầy đủ hay không đầy đủ các giác quan đều là những nghiệp khác nhau. Nếu là có tự tánh thì những người đầy đủ các căn lẽ ra cũng phải giàu có sung túc; những kẻ giàu có lẽ ra cũng phải đầy đủ các căn [vì là tự tánh tốt đẹp]. Nhưng thực tế trước mắt không phải như thế, nên biết chắc rằng không sẵn có tự tánh, thảy đều do nhân duyên.

“Thiện nam tử! Như lời ông nói: ‘Những trẻ con ở thế gian chưa biết phân biệt nhân duyên năm trần cảnh, nhưng chúng cũng khóc, cũng cười, cho nên tất cả đều sẵn có tự tánh.’ Nghĩa ấy cũng không đúng.

“Vì sao vậy? Nếu chúng sẵn có tự tánh thì nếu cười ắt phải cười luôn, nếu khóc thì phải khóc mãi, không thể có lúc cười lúc khóc. Nếu đã có lúc cười lúc khóc, nên biết rằng tất cả đều do nhân duyên. Vì vậy, không nên nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều sẵn có tự tánh, không do nhân duyên.’”

Phạm chí Nạp Y lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các pháp đều do nhân duyên mà có, vậy cái thân này do nhân duyên gì?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nhân duyên của thân này là phiền não và nghiệp.”

Phạm chí [Nạp Y] hỏi: “Thế Tôn! Như thân này là do phiền não và nghiệp, vậy phiền não và nghiệp ấy có thể dứt trừ chăng?”

Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thật có thể dứt trừ.”

Phạm chí [Nạp Y] thưa: “Bạch Thế Tôn! Xin ngài vì con phân biệt giảng thuyết, khiến con được nghe rồi có thể ngay tại nơi đây mà dứt trừ phiền não và nghiệp.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu ai rõ biết hoàn toàn thông suốt về hai bên và khoảng giữa, người ấy sẽ dứt trừ được phiền não và nghiệp.”

Phạm chí [Nạp Y] thưa: “Bạch Thế Tôn! Con đã rõ biết, đạt được cách nhìn theo đúng Chánh pháp.”

Phật hỏi: “Ông rõ biết như thế nào?”

Phạm chí [Nạp Y] thưa: “Bạch Thế Tôn! Hai bên đó là sắc và giải thoát khỏi sắc; khoảng giữa tức là Tám Chánh đạo. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông đã rõ biết về hai bên, dứt trừ được phiền não và nghiệp.”

Phạm chí [Nạp Y] lại thưa: “Bạch Thế Tôn! Xin cho phép con xuất gia thọ giới.”

Đức Phật liền gọi: “Lành thay, hãy đến đây, tỳ-kheo!”

Lời Phật vừa dứt, Phạm chí Nạp Y liền ngay khi ấy dứt trừ hết thảy phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả A-la-hán.

Lúc ấy, lại có một bà-la-môn tên là Hoằng Quảng lên tiếng hỏi rằng: “Cồ-đàm! Ngài có biết được ý nghĩ của tôi hiện giờ hay chăng?”

Phật nói: “Thiện nam tử! Niết-bàn là thường, các pháp hữu vi là vô thường, sự cong vạy là tà kiến, chánh trực là Thánh đạo.”

Bà-la-môn Hoằng Quảng hỏi: “Cồ-đàm! Do nhân duyên gì ngài nói ra như vậy?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ý ông thường cho rằng [việc người xuất gia] khất thực là thường, nhận cúng dường riêng tại nhà gia chủ là vô thường; sự cong vạy là ổ khoá cửa vào nhà, chánh trực là ngọn cờ của vua trời Đế Thích. Cho nên ta [nương theo đó mà] nói: ‘Niết-bàn là thường, các pháp hữu vi là vô thường, cong vạy là tà kiến, chánh trực là Tám chánh đạo. Như vậy chẳng phải đúng như chỗ suy nghĩ của ông trước đó hay sao?”

Bà-la-môn nói: “Quả thật Cồ-đàm biết được trong tâm tôi. Thưa Cồ-đàm! Tám Chánh đạo ấy có thể khiến cho chúng sanh được dứt trừ tất cả [phiền não và nghiệp] hay chăng?”

Lúc ấy, đức Thế Tôn lặng thinh không đáp.

Bà-la-môn [Hoằng Quảng] nói: “Cồ-đàm đã biết được trong tâm tôi, nay đối với câu hỏi của tôi vì sao lại lặng thinh không đáp?”

Bấy giờ, ngài Kiều-trần-như liền nói: “Đại bà-la-môn! Nếu có ai hỏi thế gian là giới hạn hay không giới hạn, thì đức Như Lai thường lặng thinh chẳng đáp. Tám Thánh đạo là con đường chánh trực, Niết-bàn là thường. Nếu ai tu tập Tám Thánh đạo liền được dứt trừ tất cả [phiền não và nghiệp]; nếu không tu tập Tám Thánh đạo, thì không thể được diệt trừ tất cả [phiền não và nghiệp].

“Đại bà-la-môn! Ví như có một thành lớn, tường thành bao quanh đều không có chỗ trống, chỉ có một cửa vào thành mà thôi. Người giữ cửa thành rất thông minh trí tuệ, biết phân biệt những ai nên cho qua thì cho qua, những ai nên ngăn lại thì ngăn lại. Tuy người ấy không thể biết được số người vào ra là nhiều hay ít, nhưng biết chắc rằng tất cả những ai muốn vào hay ra đều phải qua cửa ấy.

“Thiện nam tử! Đức Như Lai cũng thế. Thành lớn là ví với Niết-bàn, cửa thành ví với Tám Thánh đạo, người giữ cửa thành ví với Như Lai.

“Thiện nam tử! Nay tuy Như Lai không đáp với ông là dứt trừ hết hay không dứt trừ hết tất cả [phiền não và nghiệp], nhưng ai muốn được dứt trừ hết tất cả [phiền não và nghiệp] đều cần phải tu tập Tám Thánh đạo ấy.”

Bà-la-môn [Hoằng Quảng] nói: “Lành thay, lành thay! Đại đức Kiều-trần-như! Như Lai khéo giảng Chánh pháp vi diệu. Nay tôi thật lòng muốn rõ biết thành lớn Niết-bàn ấy, muốn rõ biết Tám thánh đạo để tự mình làm người giữ cửa thành.”

Kiều-trần-như nói: “Lành thay, lành thay! Bà-la-môn, nay ông có thể phát tâm Vô thượng rộng lớn thay!”

Phật dạy: “Thôi đi, Kiều-trần-như, ông không nên nói ra lời ấy! Vì chẳng phải đến hôm nay vị bà-la-môn này mới phát tâm như vậy.

“Kiều-trần-như! Vào thuở quá khứ, cách nay vô lượng kiếp, có một đức Phật Thế Tôn hiệu là Phổ Quang Minh, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Vị bà-la-môn này đã từng đối trước đức Phật ấy phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trong Hiền kiếp này, ông ấy sẽ thành Phật. Ông ấy từ lâu đã thông đạt, hiểu rành tướng trạng của các pháp, nhưng vì chúng sanh nên thị hiện vào trong chúng ngoại đạo, chỉ dạy cho họ những điều chưa biết.

“Kiều-trần-như! Vì nhân duyên ấy, ông không nên nói [với vị bà-la-môn này] rằng: ‘Nay ông có thể phát tâm lớn lao như vậy.’”

Lúc ấy, tuy đức Thế Tôn đã biết nhưng [phương tiện] hỏi Kiều-trần-như rằng: “Tỳ-kheo A-nan hiện đang ở đâu?”

Kiều-trần-như đáp: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo A-nan hiện ở ngoài rừng Sa-la, cách đại hội này mười hai do-tuần, nhưng đang bị sáu mươi bốn ngàn ức chúng ma nhiễu loạn. Chúng ma ấy thảy đều tự biến thân thành hình tượng Như Lai, một số nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh ra’; một số khác lại nói: ‘Tất cả các pháp đều không do nhân duyên sanh ra’; lại một số khác nữa nói: ‘Tất cả nhân duyên đều là pháp thường, những pháp do duyên sanh đều là vô thường’; lại có một số khác nói: ‘Năm ấm là chân thật’; hoặc nói: ‘Năm ấm là hư dối’; lại nói về các nhập, các giới cũng [mâu thuẫn] như vậy; hoặc có một số nói Mười hai nhân duyên, một số khác nói: ‘Thật ra chỉ có bốn duyên’; lại có một số khác nói: ‘Các pháp dường như huyễn hóa, như những gợn sóng lung linh sanh ra dưới trời nắng nóng’; lại có một số khác nói: ‘Nhân sự nghe mà đạt được Chánh pháp’; lại có một số khác nói: ‘Nhân sự suy xét mà đạt được Chánh pháp’; lại có một số khác nói: ‘Nhân sự tu tập mà đạt được Chánh pháp’; lại có một số khác dạy pháp quán bất tịnh; lại có một số khác dạy thở ra thở vào; lại có một số khác dạy pháp quán Tứ niệm xứ; lại có một số khác dạy ba cách quán xét nghĩa lý, bảy cách phương tiện; lại có một số khác dạy về Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế gian đệ nhất pháp, các địa vị Hữu học, Vô học, Bồ Tát Sơ trụ cho đến Thập trụ; hoặc có một số khác dạy về Không, Vô tướng, Vô tác; lại có một số khác dạy [các kinh] Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Tỳ-già-la-na, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, A-ba-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma, Ưu-ba-đề-xá; hoặc có một số khác dạy về Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác [chi], Bát Thánh đạo; hoặc lại dạy về Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Hữu vi không, Vô vi không, Vô thủy không, Tánh không, Viễn ly không, Tán không, Tự tướng không, Vô tướng không, Ấm không, Nhập không, Giới không, Thiện không, Bất thiện không, Vô ký không, Bồ-đề không, Đạo không, Niết-bàn không, Hành không, Đắc không, Đệ nhất nghĩa không, Không không, Đại không.

“Hoặc có một số ma thị hiện thần thông biến hóa, từ thân mình tuôn ra nước, lửa; hoặc phía trên thân tuôn ra nước, phía dưới thân phóng ra lửa; phía dưới thân tuôn ra nước, phía trên thân phóng ra lửa; hoặc [nằm nghiêng,] hông trái ở dưới, hông mặt phun nước [lên trên]; hoặc hông mặt ở dưới, hông trái phun nước [lên trên]; hoặc một hông phóng ra sấm sét, một hông tuôn mưa; hoặc có một số khác thị hiện các cảnh giới của chư Phật; một số khác lại thị hiện Bồ Tát sơ sanh, đi tới bảy bước, rồi ở trong cung vua hưởng thụ năm dục lạc; cho đến bắt đầu xuất gia, trải tu khổ hạnh, đến cây bồ-đề ngồi nhập Tam-muội, phá hoại quân ma, chuyển bánh xe Chánh pháp, hiện đại thần thông, nhập cảnh giới Niết-bàn.

“Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo A-nan thấy những việc như vậy rồi, tự suy xét rằng: ‘Từ trước đến nay ta chưa từng thấy những thần thông biến hóa như vậy. Ai đã làm ra như thế? Lẽ nào không phải đức Thế Tôn Thích-ca làm ra đó sao?’ [Tỳ-kheo A-nan] muốn đứng dậy, muốn mở miệng nói, nhưng không thể [làm được] theo ý muốn.

“Tỳ-kheo A-nan đã sa vào lưới ma, lại suy nghĩ rằng: ‘Chỗ thuyết dạy của chư Phật [này], mỗi vị đều khác nhau. Nay ta biết tin nhận vị nào?’

“Bạch Thế Tôn! Hiện nay A-nan chịu khổ não rất lớn. Tuy ông ấy nhớ tưởng đến Như Lai nhưng không ai có thể cứu được. Vì nhân duyên ấy nên A-nan không đến nơi đại chúng này.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Trong đại chúng này có đủ chư Bồ Tát, từ những vị đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề một đời, cho đến những vị đã từng phát tâm Bồ-đề trong vô lượng đời; thảy đều đã từng thường xuyên cúng dường vô lượng chư Phật, lòng dạ kiên cố, tu hành đầy đủ từ Bố thí Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật; thành tựu công đức, từ lâu đã được gần gũi vô lượng chư Phật, tu hành Phạm hạnh thanh tịnh, đạt được tâm Bồ-đề không thối chuyển, được pháp nhẫn không thối chuyển, pháp nắm giữ không thối chuyển, pháp nhẫn đúng như Chánh pháp, vô số tam-muội như tam-muội Thủ Lăng Nghiêm... Những bậc [Bồ Tát] như vậy, nếu được nghe kinh Đại thừa thì không hề sanh lòng nghi ngờ, khéo biết phân biệt, tuyên thuyết ý nghĩa Tam bảo cùng một tánh tướng, thường trụ không biến đổi; [các vị này] khi nghe những việc không thể nghĩ bàn không sanh lòng kinh quái; khi nghe mọi lẽ [chân thật] không sanh lòng sợ sệt; thông đạt rõ biết hết thảy tánh pháp; các vị có thể thọ trì hết thảy Mười hai bộ kinh, giảng rộng nghĩa lý; cũng có thể thọ trì Mười hai bộ kinh của vô lượng chư Phật.

“[Bạch Thế Tôn! Trong pháp hội này có đủ các vị Bồ Tát như vậy,] lo gì không có người thọ trì kinh điển Đại Niết-bàn này? Vậy do nhân duyên gì [Thế Tôn lại] hỏi Kiều-trần-như [về việc] A-nan hiện đang ở đâu?”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: “Thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ! [Lúc trước,] sau khi ta thành Phật được hơn ba mươi năm, trụ tại thành Vương Xá. Bấy giờ ta có hỏi các vị tỳ-kheo rằng: ‘Chư tỳ-kheo! Hiện nay, trong đại chúng này ai có thể vì ta thọ trì Mười hai bộ kinh của Như Lai, làm kẻ cận kề cung cấp mọi sự cần dùng cho ta mà không để mất phần lợi ích của tự thân?’

“Bấy giờ, Kiều-trần-như ở trong đại chúng, thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con có thể thọ trì Mười hai bộ kinh, làm kẻ cận kề phụng sự Thế Tôn mà không để mất phần lợi ích của tự thân.’ Ta nói: ‘Kiều-trần-như! Ông đã già yếu, cũng cần có người để sai khiến, sao lại muốn làm kẻ phụng sự cho ta?’

“Khi ấy, Xá-lợi-phất lại thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con có thể thọ trì tất cả lời Phật dạy, cung cấp mọi sự cần dùng cho Thế Tôn mà không để mất phần lợi ích của tự thân.’

“Ta nói: ‘Xá-lợi-phất! Ông đã già yếu, cũng cần có người để sai khiến, sao lại muốn làm kẻ phụng sự cho ta?’ Cho đến năm trăm vị A-la-hán [lần lượt thưa thỉnh] cũng đều như vậy, ta không chấp nhận một người nào.

“Bấy giờ, Mục-kiền-liên ở trong đại chúng có suy nghĩ rằng: ‘Như Lai hôm nay trong số năm trăm tỳ-kheo [A-la-hán] không nhận người nào làm thị giả, [không biết] ý Phật muốn ai làm công việc này?’

“Suy nghĩ như vậy rồi, Mục-kiền-liên liền nhập định, thấy được tâm Như Lai hướng về A-nan, [chấp nhận A-nan làm thị giả, rõ ràng] như mặt trời vừa mọc lên chiếu ánh sáng về bức tường phía tây. Thấy rõ như vậy rồi, Mục-kiền-liên liền xuất định, nói với Kiều-trần-như: ‘Đại đức! Tôi [nhập định] quán xét thấy Như Lai muốn A-nan làm thị giả cho ngài.’

“Bấy giờ, Kiều-trần-như và năm trăm vị A-la-hán cùng đi đến chỗ A-nan, nói rằng: ‘A-nan! Nay ông nên làm thị giả cho Như Lai, mong ông chấp nhận việc ấy.’

“A-nan nói: ‘Các vị đại đức! Tôi thật không làm nổi việc phụng sự Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai là đấng tôn trọng như chúa sư tử, như rồng, như lửa; nay tôi nhơ nhớp, yếu đuối, sao có thể lo liệu nổi việc ấy?’

“Chư tỳ-kheo liền bảo: ‘A-nan! Như ông nhận lời chúng tôi phụng sự Như Lai, ông sẽ được lợi ích lớn.’

“Thỉnh cầu như vậy đến lần thứ nhì, lần thứ ba, A-nan liền nói: ‘Các vị đại đức! Tôi cũng không dám cầu được sự lợi ích lớn, vì thật tôi không đủ sức cận kề phụng sự Như Lai.’

“Bấy giờ, Mục-kiền-liên liền nói: ‘A-nan! Ông còn có điều chưa biết.’

“A-nan nói: ‘Đại đức! Xin ông nói ra.’

“Mục-kiền-liên nói: ‘Hôm qua, Như Lai muốn chọn người làm thị giả trong chúng tăng. Năm trăm vị A-la-hán đều [lần lượt] xin làm việc ấy, nhưng Như Lai không chấp thuận ai. Tôi liền nhập định, quán xét biết ý Như Lai muốn ông làm việc ấy. Sao ông lại [trái ý] không nhận?’

“A-nan nghe vậy rồi liền chắp tay, quỳ xuống nói rằng: “Các vị đại đức! Nếu có việc ấy, xin Như Lai Thế Tôn chấp thuận ba lời thỉnh nguyện của tôi, tôi sẽ vâng theo ý chúng tăng mà làm người cận kề phụng sự Như Lai.’

“Mục-kiền-liên hỏi: ‘Ba lời thỉnh nguyện như thế nào?’

“A-nan thưa: ‘Một là, nếu Như Lai dùng áo cũ của ngài mà ban cho tôi, xin cho phép tôi không nhận; hai là, nếu Như Lai nhận lời thọ thỉnh cúng dường riêng tại nhà đàn-việt, xin cho phép tôi không đi cùng; ba là, xin cho tôi được vào ra [chỗ của Như Lai] bất kỳ lúc nào. Nếu Phật chấp thuận ba lời thỉnh nguyện ấy, tôi sẽ vâng lời chúng tăng mà làm người cận kề phụng sự Như Lai.’

“Bấy giờ, Kiều-trần-như và năm trăm vị tỳ-kheo trở lại trước Phật bạch rằng: ‘Chúng con đã khuyên tỳ-kheo A-nan [nhận làm thị giả], ông ấy có thỉnh cầu ba điều, nếu được Phật chấp thuận thì sẽ vâng theo ý chúng tăng mà làm người cận kề phụng sự Như Lai.’

“Này Văn-thù-sư-lợi! Lúc bấy giờ ta đã khen ngợi A-nan rằng: ‘Lành thay, lành thay! Tỳ-kheo A-nan có đủ trí tuệ, nhìn thấy trước [để tránh được] sự ghen ghét. Vì sao vậy? Vì sẽ có kẻ cho rằng ông ấy vì cơm ăn, áo mặc mà phụng sự Như Lai, nên xin trước việc không nhận áo cũ của Như Lai, không theo hầu Như Lai những khi thọ thỉnh cúng dường riêng tại nhà đàn-việt.

“Kiều-trần-như! Tỳ-kheo A-nan có đủ trí tuệ [nên biết rằng] nếu vào ra có giờ giấc ắt không thể rộng làm lợi ích cho Bốn bộ chúng, nên mới xin được vào ra [chỗ của Như Lai] bất kỳ lúc nào.

“Kiều-trần-như! Ta vì A-nan mà cho phép ba việc theo đúng ý nguyện của ông ấy.’

“Bấy giờ, Mục-kiền-liên trở lại bảo A-nan rằng: ‘Tôi đã vì ông thưa thỉnh ba việc. Đức Như Lai Đại từ đã chấp thuận cả rồi.’

“A-nan nói: ‘Đại đức! Nếu Phật đã chấp thuận, tôi xin đến làm người cận kề phụng sự.’

“Này Văn-thù-sư-lợi! A-nan theo phụng sự ta trên hai mươi năm, thường có đủ tám điều không thể nghĩ bàn. Những gì là tám điều?

“Một là, từ khi bắt đầu phụng sự ta cho đến nay đã trên hai mươi năm, ông ấy không hề đi cùng ta mỗi khi ta thọ thỉnh cúng dường riêng tại nhà đàn-việt.

“Hai là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, ông ấy chẳng hề thọ nhận y phục cũ của ta.

“Ba là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, ông ấy chưa bao giờ đến gặp ta không phải lúc.

“Bốn là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, mặc dù ông ấy vẫn còn chưa dứt sạch phiền não, nhưng khi theo ta vào ra nơi cung vua hay các nhà sang trọng quý tộc, nhìn thấy các mỹ nhân cùng thiên nữ, long nữ... ông ấy cũng không hề khởi sanh tham dục.

“Năm là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, ông ấy thọ trì Mười hai bộ kinh do ta thuyết giảng, mỗi khi được nghe thì không [bao giờ quên sót phải] hỏi lại, ví như người ta rót nước từ bình này sang bình khác [không chút hao hớt]. Trừ ra chỉ có một lần duy nhất ông ấy hỏi lại ta mà thôi. Thiện nam tử! Khi thái tử Lưu Ly tàn sát những người thuộc dòng họ Thích-ca, phá hoại thành Ca-tỳ-la, A-nan ôm lòng sầu não, cất tiếng khóc to, đi đến chỗ ta hỏi rằng: ‘Như Lai và con đều sanh ở thành ấy, đều là dòng họ Thích-ca, tại sao [gặp việc thảm thiết này mà] nhan sắc Như Lai vẫn chói sáng như thường, còn con thì [dung nhan] tiều tụy?’ Khi ấy ta đáp rằng: ‘A-nan! Ta có tu Không định nên không giống như ông.’ Qua ba năm sau, A-nan có hỏi lại ta: ‘Bạch Thế Tôn! Khi con đến thành Ca-tỳ-la từng được nghe rằng Như Lai có tu Không định, việc ấy có thật hay chăng?’ Ta đáp: ‘A-nan! Đúng vậy, đúng vậy! Quả như lời ông nói.’

“Sáu là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, tuy chưa đạt được Tha tâm trí [để thấu hiểu tâm người khác], nhưng ông ấy thường biết được các chỗ nhập định của Như Lai.

“Bảy là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, tuy ông ấy chưa đạt được Nguyện trí nhưng có thể rõ biết về những chúng sanh tìm đến với Như Lai, như có người trong đời hiện tại đạt được bốn quả sa-môn, có người qua đời sau mới đạt được, lại có người [đời sau] sẽ được thân người, có người sẽ được thân chư thiên.

“Tám là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, tất cả những lời dạy sâu kín của Như Lai ông ấy đều có thể hiểu rõ.

“Thiện nam tử! Vì tỳ-kheo A-nan có đủ tám điều không thể nghĩ bàn như thế, nên ta gọi ông ấy là Kho chứa Kinh điển.

“Thiện nam tử! Tỳ-kheo A-nan có đủ tám pháp để có thể thọ trì một cách trọn vẹn Mười hai bộ kinh. Những gì là tám? Một là cội gốc lòng tin kiên cố; hai là lòng dạ chân chất ngay thẳng; ba là thân không có bệnh khổ; bốn là thường chuyên cần tinh tấn; năm là có đầy đủ trí nhớ; sáu là lòng không kiêu mạn; bảy là thành tựu tâm an định; tám là có đủ trí tuệ sanh ra từ sự nghe nhận [Chánh pháp].

“Này Văn-thù-sư-lợi! Vào đời Phật Tỳ-bà-thi, đệ tử thị giả là A-thúc-ca cũng có đủ tám pháp ấy; đến đời đức Như Lai Thi-khí, đệ tử thị giả là Sai-ma-ca-la; qua đời Phật Tỳ-xá-phù, đệ tử thị giả là Ưu-ba-phiến-đà; đời Phật Ca-la-cưu-thôn-đại, đệ tử thị giả là Bạt-đề; đời Phật Ca-na Mâu-ni, đệ tử thị giả là Tô-trì; đời Phật Ca-diếp, đệ tử thị giả là Diếp-bà-mật-đa; tất cả đều là những vị thị giả có đủ tám pháp ấy. Nay thị giả của ta là A-nan cũng có đủ tám pháp ấy. Cho nên ta gọi tỳ-kheo A-nan là Kho chứa Kinh điển.

“Thiện nam tử! Như lời ông nói, trong đại chúng này có vô lượng vô biên Bồ Tát, nhưng các vị Bồ Tát này đều gánh vác trách nhiệm nặng nề là [tu tập] đại từ đại bi. Do nhân duyên từ bi ấy, ai nấy đều gấp rút lo việc [giáo hóa] điều phục những thân quyến chung quanh họ và tự [tu chỉnh] trang nghiêm bản thân. Vì lẽ ấy, sau khi ta nhập Niết-bàn, những vị Bồ Tát này đều không thể tuyên thuyết thông suốt Mười hai bộ kinh, hoặc nếu Bồ Tát nào có lúc tuyên thuyết thì lại không được người ta tin nhận.

“Văn-thù-sư-lợi! Tỳ-kheo A-nan vốn là em trai ta, đã theo phụng sự ta hơn hai mươi năm, những giáo pháp đã được nghe, ông ấy đều thọ nhận giữ gìn trọn vẹn, như người ta rót nước vào bình chứa. Vì thế, nay ta nhớ lại mà hỏi A-nan hiện thời ở đâu là [có ý] muốn cho ông ấy thọ trì kinh [Đại Bát] Niết-bàn này.

“Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết-bàn, nếu có những điều gì mà tỳ-kheo A-nan chưa được nghe thì Bồ Tát Hoằng Quảng có thể rộng truyền, còn những điều mà A-nan đã nghe thì tự ông ấy có thể tuyên thuyết thông suốt.

“Này Văn-thù-sư-lợi! Tỳ-kheo A-nan hiện ở nơi khác, cách đại hội này mười hai do-tuần, bị não loạn bởi sáu mươi bốn ngàn ức chúng ma. Ông nên đến đó, dùng âm thanh lớn tiếng phát ra lời này:

“Hỡi tất cả chúng ma! Hãy lắng nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Nay đức Như Lai [sắp] tuyên thuyết Đại Đà-la-ni, tất cả hàng chư thiên, rồng, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và loài chẳng phải người, thần núi, thần cây, thần sông, thần biển, thần nhà cửa... nghe đến danh hiệu của Đà-la-ni này thảy đều cung kính thọ trì. Chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát mười con sông Hằng đã cùng tuyên thuyết Đà-la-ni này, [khiến người thọ trì] có thể chuyển đổi thân nữ [thành thân nam], tự rõ biết những việc đời trước. Nếu có người thực hành đủ năm việc: Một là giữ gìn Phạm hạnh, hai là không ăn thịt cá, ba là không uống rượu, bốn là không ăn các món cay nồng, năm là thường thích ở nơi vắng lặng yên tĩnh; rồi hết lòng tin nhận, đọc tụng, sao chép Đà-la-ni này, nên biết rằng người ấy sẽ vượt qua khỏi bảy mươi bảy ức kiếp mang thân kém cỏi, xấu ác.”

[Ngay khi ấy,] đức Thế Tôn tuyên thuyết Đà-la-ni [gồm 16 phần] như sau:

“A-ma-lệ. Tỳ-ma-lệ. Niết-ma-lệ. Mông-già-lệ. Hê-ma-la-nhã-kiệt-bệ. Tam-mạn-na-bạt-đề-lệ. Ta-bà-la-đà-ta-đàn-ni. Ba-la-ma-tha-ta-đàn-ni. Ma-na-tư. A-chuyết-đề. Tỳ-la-chi. Am-ma-lại-trì. Bà-lam-ma. Sa-lệ-phú-la-nê. Phú-la-na. Ma-nô-lại-đề.”

Lúc ấy, ngài Văn-thù-sư-lợi thọ nhận Đà-la-ni do Phật tuyên thuyết rồi liền đến chỗ A-nan, ở giữa chúng ma lên tiếng nói rằng: “Này các quyến thuộc ma! Hãy nghe ta nói chú Đà-la-ni đã thọ nhận từ đức Phật.”

Ma vương nghe được Đà-la-ni ấy rồi, thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lìa bỏ nghiệp ma, lập tức buông tha A-nan.

Văn-thù-sư-lợi và A-nan cùng trở lại chỗ Phật. A-nan gặp Phật liền chí tâm lễ kính rồi lui xuống đứng sang một bên.

Phật bảo A-nan: “Phía ngoài rừng sa-la này có một Phạm chí tên Tu-bạt-đà, đã già đến một trăm hai mươi tuổi. Tuy ông ấy đã đạt được năm thần thông [của ngoại đạo], nhưng chưa trừ bỏ được tánh kiêu mạn. Ông ấy đạt được phép định Phi tưởng phi phi tưởng, ngỡ rằng đã đạt được Nhất thiết trí, chứng đắc Niết-bàn. Nay ông nên đến đó, nói với Tu-bạt-đà rằng: ‘Đức Như Lai ra đời [rất hiếm gặp] như hoa ưu-đàm. Hôm nay, vào lúc nửa đêm ngài sẽ buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Nếu ông có việc phải làm hãy làm cho kịp lúc, đừng để ngày sau phải sanh lòng hối hận.’

“Này A-nan! Lời ông nói ra chắc chắn ông ấy sẽ tin nhận. Vì sao vậy? Vì thuở trước trong suốt năm trăm đời ông đã từng làm con trai của Tu-bạt-đà. Lòng thương yêu của ông ấy [đối với ông tích tập lâu ngày] đến nay vẫn chưa dứt hết, vì nhân duyên ấy nên sẽ tin nhận lời ông.”

Lúc ấy, A-nan vâng lời Phật dạy đến chỗ Tu-bạt-đà, bảo rằng: “Thưa ông! Ông nên biết rằng đức Như Lai ra đời [hiếm gặp] như hoa ưu-đàm. Hôm nay, vào lúc nửa đêm ngài sẽ ngài sẽ buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Nếu ông có việc phải làm hãy làm cho kịp lúc, đừng để ngày sau phải sanh lòng hối hận.”

Tu-bạt-đà nói: “Lành thay, A-nan! Hôm nay tôi sẽ đến chỗ Như Lai.”

Lúc ấy, A-nan đưa Tu-bạt-đà trở về chỗ Phật. Đến nơi, Tu-bạt-đà kính lời vấn an đức Phật và thưa rằng: “Cồ-đàm! Nay tôi muốn thưa hỏi, xin ngài theo ý [câu hỏi của] tôi mà đáp.”

Phật dạy: “Tu-bạt-đà! Nay thật đúng lúc thích hợp. Tùy chỗ ông hỏi, ta sẽ dùng phương tiện mà đáp theo ý ông.”

Tu-bạt-đà liền nói: “Cồ-đàm! Có những sa-môn, bà-la-môn nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh thọ quả báo khổ hay vui, thảy đều do nhân duyên là gốc nghiệp ngày trước. Cho nên, nếu có người giữ giới tinh tấn, chịu khổ thân tâm, có thể phá trừ gốc nghiệp. Gốc nghiệp đã dứt, các khổ sẽ dứt hết. Các khổ đã dứt hết, ắt sẽ đạt được Niết-bàn. Nghĩa ấy là thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có sa-môn hay bà-la-môn nói thuyết như thế, ta sẽ lấy làm thương xót, thường đến chỗ người ấy và hỏi rằng: ‘Này ông! Có thật ông nói ra thuyết như thế hay chăng?’

“Nếu như người ấy lại đáp rằng: ‘Tôi có nói thuyết như thế. Vì sao vậy? Cồ-đàm! Tôi nhìn thấy có những chúng sanh quen làm việc ác mà có nhiều của cải và vật quý, được sống tự do; tôi lại thấy có những người tu thiện nhưng nghèo túng thiếu thốn, không được tự do. Tôi lại thấy có những kẻ ra sức nhọc nhằn nhưng không đạt được chỗ mong cầu, lại thấy có những người chẳng có lòng mong cầu mà tự nhiên đạt được. Tôi lại thấy có những kẻ có lòng từ không giết hại nhưng phải bị chết yểu, lại thấy những kẻ ưa thích việc giết hại nhưng được thọ mạng lâu dài. Tôi lại thấy có những người tu Phạm hạnh thanh tịnh, tinh cần giữ giới, nhưng trong số đó có người được giải thoát, có kẻ lại không được. Cho nên tôi nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh thọ quả báo khổ hay vui thảy đều do nhân duyên là gốc nghiệp từ ngày trước.’

“Này Tu-bạt-đà! Ta lại sẽ hỏi người ấy rằng: ‘Này ông! Quả thật ông có thấy được nghiệp quá khứ hay chăng? Nếu có, nghiệp ấy là nhiều hay ít? Khổ hạnh đời hiện tại có thể phá trừ nghiệp ấy nhiều hay ít? Ông có thể biết được nghiệp ấy đã dứt hay chưa dứt chăng? Như nghiệp ấy dứt rồi, có dứt hết tất cả chăng?’

“Nếu người ấy đáp rằng: ‘Tôi thật không biết.’ Khi ấy, ta sẽ vì người ấy nói thí dụ rằng: ‘Ví như có người thân trúng tên độc, những người thân trong nhà liền rước thầy thuốc đến nhổ mũi tên. Khi mũi tên đã nhổ ra rồi, thân người được an ổn. Mười năm sau, người ấy vẫn còn nhớ rõ: Ông thầy này đã nhổ mũi tên độc cho tôi, dùng thuốc bôi lên giúp tôi khỏi bệnh, yên vui. Các ông nay đã không thể rõ biết gốc nghiệp quá khứ [như người trúng tên độc này], làm sao có thể biết rằng khổ hạnh hiện tại nhất định có thể phá trừ được nghiệp quá khứ?’

“Nếu người ấy lại nói: ‘Cồ-đàm! Nay ông cũng có gốc nghiệp quá khứ, vì sao lại chỉ trích riêng nghiệp quá khứ của chúng tôi? Cồ-đàm! Trong kinh [của ông thuyết] cũng có nói: Nếu thấy người giàu sang như ý, nên biết rằng đời trước từng ưa làm việc bố thí. Như vậy chẳng gọi là nghiệp quá khứ đó sao?’

“Ta lại đáp rằng: ‘Này ông! Sự hiểu biết như vậy là nhờ so sánh mà biết chứ chưa phải sự rõ biết chân xác. Trong pháp Phật, có khi dựa theo nhân mà biết quả, có khi dựa theo quả mà biết nhân.

“Trong pháp Phật có nghiệp quá khứ, có nghiệp hiện tại; còn trong giáo pháp của các ông thì khác, chỉ có nghiệp quá khứ, không có nghiệp hiện tại.

“Giáo pháp của các ông không do nơi phương tiện mà dứt trừ nghiệp; pháp Phật thì khác, do nơi phương tiện mà dứt trừ nghiệp.

“Các ông cho rằng khi nghiệp dứt hết thì khổ cũng dứt. Pháp Phật không nói như vậy, mà dạy rằng phiền não dứt rồi, nghiệp và khổ đều phải dứt. Vì thế nay ta mới chỉ trích [thuyết sai lầm về] nghiệp quá khứ của các ông.’

“Nếu người ấy nói: ‘Cồ-đàm! Tôi thật không biết. Tôi đã theo thầy mà thọ nhận như vậy. Chẳng qua thầy tôi nói thuyết ấy, chứ thật không phải lỗi nơi tôi.’

“Ta sẽ hỏi: ‘Này ông! Thầy của ông là ai?’

“Nếu người ấy đáp là Phú-lan-na, ta lại hỏi rằng: ‘Vì sao ngày trước ông không hỏi rõ từng việc: Đại sư có thật rõ biết nghiệp quá khứ chăng? Nếu thầy ông nói: Ta không biết; thì tại sao ông lại thọ nhận lời của ông ấy? Nếu nói: Ta biết; lẽ ra ông nên hỏi thêm rằng: Do nhân duyên khổ mức thấp có phải chịu khổ mức vừa, mức cao hay chăng? Do nhân duyên khổ mức vừa có phải chịu khổ mức thấp, mức cao chăng? Do nhân duyên khổ mức cao có phải chịu khổ mức vừa, mức thấp hay chăng? Nếu đáp rằng: Không phải chịu; ông lại nên hỏi rằng: Vì sao thầy nói thọ quả báo khổ hay vui chỉ do nghiệp quá khứ, chẳng do nghiệp hiện tại? Lại nên hỏi rằng: Cái khổ hiện tại [này] có trong quá khứ hay chăng? Nếu là có trong quá khứ, thì nghiệp quá khứ đã dứt cả rồi; nếu nghiệp ấy đã dứt cả rồi, vì sao ngày nay còn thọ thân [này]? Còn nếu quá khứ không có khổ, chỉ có ở hiện tại mà thôi, vì sao lại nói rằng: Khổ hay vui của chúng sanh, thảy đều do nghiệp quá khứ?’

“Này ông! Nếu ông biết rằng sự khổ hạnh trong hiện tại có thể phá trừ nghiệp quá khứ, vậy biết lấy gì để phá trừ khổ hạnh hiện tại? Nếu khổ hạnh ấy không bị phá trừ, thì khổ tức là thường? Nếu khổ là thường, tại sao ông nói rằng được giải thoát khổ? Nếu lại có hành vi phá trừ khổ hạnh [thì khổ là vô thường], vậy quá khứ đã dứt, làm sao có khổ?

“Này ông! Khổ hạnh ấy có thể khiến nghiệp vui sẽ chịu quả khổ hay chăng? Lại có thể khiến nghiệp khổ sẽ chịu quả vui hay chăng? Có thể khiến nghiệp không khổ không vui chẳng phải thọ quả hay chăng? Có thể khiến quả báo hiện tại thành quả báo đời kế tiếp hay chăng? Có thể khiến quả báo đời kế tiếp thành quả báo đời hiện tại hay chăng? Có thể khiến hai loại quả báo đó thành không có quả báo hay chăng? Có thể khiến quả báo nhất định phải chịu trở thành không có quả báo hay chăng? Có thể khiến [trường hợp] không có quả báo thành quả báo nhất định phải chịu hay chăng?

“Nếu người ấy lại nói: ‘Cồ-đàm! Không thể.’ Ta sẽ hỏi tiếp rằng: ‘Nhân giả! Nếu là không thể, vậy do nhân duyên gì ông nhận chịu sự khổ hạnh ấy?

“Này ông! Nên biết rằng nhất định có nghiệp quá khứ, có nhân duyên hiện tại. Cho nên ta nói: ‘Nhân phiền não sanh nghiệp, nhân nghiệp phải chịu quả báo.

“Này ông! Nên biết rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp quá khứ, có nhân hiện tại. Tuy chúng sanh có thọ mạng do nghiệp quá khứ, nhưng phải nhờ nhân duyên ăn uống trong hiện tại [mới duy trì được thọ mạng đó].

“Này ông! Nếu ông nói: Chúng sanh chịu khổ hay vui nhất định là do nhân duyên gốc nghiệp trong quá khứ, việc đó không đúng.

“Vì sao vậy? Này ông! Ví như có một người, diệt trừ được kẻ oán thù cho nhà vua. Do nhân duyên ấy nhận được nhiều của cải, vật quí, được thọ hưởng khoái lạc trong hiện tại. Như người ấy là ngay trong đời hiện tại tạo nhân của sự vui, được hưởng quả báo vui. Ví như có người giết chết vị hoàng tử mà vua thương yêu. Do nhân duyên ấy phải chịu tội tử hình. Như người ấy là ngay trong đời hiện tại tạo nhân của sự khổ, phải chịu quả báo khổ.

“Này ông! Tất cả chúng sanh, hiện tại nhân nơi bốn đại, điều kiện môi trường, đất đai, nhân dân... mà nhận chịu những sự khổ, sự vui. Cho nên ta nói: ‘Tất cả chúng sanh không phải chỉ nhân ở gốc nghiệp đời quá khứ mà chịu khổ hay được vui.

“Này ông! Nếu nhờ ở sức nhân duyên dứt trừ nghiệp [quá khứ] mà được giải thoát, thì tất cả thánh nhân đều không được giải thoát. Vì sao vậy? Vì gốc nghiệp quá khứ của tất cả chúng sanh là không có khởi đầu, không có kết thúc. Cho nên ta nói: Trong khi tu tập Thánh đạo, nhờ đó có thể che ngăn nghiệp vô thủy vô chung.

“Này ông! Nếu chịu khổ hạnh mà đạt được đạo, thì tất cả súc sanh lẽ ra cũng đạt được đạo, [vì chúng đều chịu khổ]! Cho nên, trước hết phải điều phục tâm chứ không phải điều phục thân. Vì nhân duyên ấy, ta có nói trong kinh rằng: ‘Hãy đốn phá rừng, đừng chỉ đốn cây. Vì sao vậy? Do có rừng mới sanh ra lo sợ, chẳng phải do cây.’ Muốn điều phục thân, trước phải điều phục tâm. Tâm ví với rừng, thân ví với cây.”

Tu-bạt-đà nói: “Bạch Thế Tôn! Tôi đã có điều phục tâm trước rồi.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông làm thế nào có thể điều phục tâm trước?”

Tu-bạt-đà đáp: “Bạch Thế Tôn! Trước hết tôi suy xét: Dục là vô thường, vô lạc, vô tịnh. Kế tôi quán sắc tức là thường, lạc, ngã, tịnh. Tôi quán như vậy rồi, những phiền não trói buộc trong Dục giới bị dứt sạch, [thần thức] tôi đạt đến Sắc giới. Cho nên tôi nói là đã điều phục tâm trước rồi.

“Kế đó, tôi lại quán xét về sắc, [thấy rằng] sắc là vô thường, như ung nhọt, ghẻ lở, như chất độc, như mũi tên [gây hại]. Tôi thấy vô sắc là thường còn, thanh tịnh, vắng lặng an tĩnh. Tôi quán xét như vậy rồi, những phiền não trói buộc trong Sắc giới liền dứt sạch, [thần thức] tôi đạt đến Vô sắc giới. Cho nên tôi nói là đã điều phục tâm trước rồi.

“Tiếp theo, tôi quán xét về tưởng, [thấy rằng] tưởng là vô thường, như ung nhọt, ghẻ lở, như chất độc, mũi tên [gây hại]. Quán xét như vậy rồi, [thần thức] tôi đạt đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng. Cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng ấy là Nhất thiết trí, vắng lặng an tĩnh, thanh tịnh, không có sự sa đọa [xuống cảnh giới thấp hơn], thường còn không biến đổi. Cho nên tôi đã có thể điều phục tâm mình rồi.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông [như vậy mà] có thể điều phục tâm sao? Chỗ đạt được của ông hiện nay là mức định Phi tưởng phi phi tưởng, vẫn còn gọi là tưởng. Niết-bàn là vô tưởng, làm sao ông nói rằng đã đạt được Niết-bàn?

“Thiện nam tử! Trước ông đã chê trách cái tưởng thô kệch, nay sao lại vướng mắc ưa thích cái tưởng tinh tế? Vì không biết chê trách cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng nên vẫn gọi là tưởng, [vẫn là] như ung nhọt, ghẻ lở, như chất độc, như mũi tên [gây hại].

“Thiện nam tử! Thầy của ông là Uất-đầu-lam-phất, lợi căn thông minh, còn không thể dứt trừ cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng ấy, [rốt cùng còn] phải thọ thân xấu ác, huống chi là những người khác?”

Tu-bạt-đà thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vậy phải làm thế nào để dứt trừ được tất cả các cảnh giới hiện hữu?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu ai quán xét được tướng chân thật, người ấy có thể dứt trừ được tất cả các cảnh giới hiện hữu.”

Tu-bạt-đà thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng chân thật?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tướng của vô tướng gọi là tướng chân thật.”

Lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng của vô tướng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả các pháp [vốn] không có tướng của riêng mình, không có tướng từ bên ngoài, cũng không có tướng của riêng mình và bên ngoài; không có tướng không do nhân [mà có], không có tướng tạo tác, không có tướng thọ nhận; không có tướng chủ thể tạo tác, không có tướng chủ thể thọ nhận; không có tướng pháp và chẳng phải pháp; không có tướng nam nữ; không có tướng thần thức; không có tướng vi trần, không có tướng thời tiết; không là tướng của riêng mình, không là tướng của pháp khác, [cũng] không là tướng của riêng mình và pháp khác; không có tướng hiện hữu, không có tướng không [hiện hữu]; không có tướng sanh ra, không có tướng chủ thể sanh ra; không có tướng nguyên nhân, không có tướng nhân của nguyên nhân; không có tướng kết quả, không có tướng quả của kết quả; không có tướng ngày đêm, không có tướng sáng tối; không có tướng nhìn thấy, không có tướng chủ thể nhìn thấy; không có tướng nghe, không có tướng chủ thể nghe; không có tướng nhận biết, không có tướng chủ thể nhận biết; không có tướng Bồ-đề, không có tướng chủ thể chứng đắc Bồ-đề; không có tướng nghiệp, không có tướng chủ thể của nghiệp; không có tướng phiền não, không có tướng chủ thể của phiền não.

“Thiện nam tử! Tùy theo chỗ diệt mất [tất cả] các tướng như vậy mà gọi là tướng chân thật.

“Thiện nam tử! Tất cả các pháp đều là hư dối; tùy chỗ diệt mất của chúng mà gọi đó là thật, gọi là tướng chân thật, gọi là cảnh giới của pháp, gọi là trí tuệ rốt ráo, gọi là nghĩa lý chân thật đệ nhất, gọi là nghĩa không đệ nhất.

“Thiện nam tử! [Đối với] tướng chân thật, cảnh giới của pháp, trí tuệ rốt ráo, nghĩa lý chân thật đệ nhất, nghĩa không đệ nhất này, nếu biết quán xét thì những ai có trí tuệ bậc thấp sẽ đạt được quả Bồ-đề của hàng Thanh văn, những ai có trí tuệ bậc vừa sẽ đạt được quả Bồ-đề của hàng Duyên giác, những ai có trí tuệ bậc cao sẽ đạt được quả Vô thượng Bồ-đề.”

[Sau khi nghe] Phật thuyết pháp như vậy, có mười ngàn vị Bồ Tát đạt được tướng chân thật ngay trong một đời, mười lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được cảnh giới của pháp trong hai đời, hai mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được trí tuệ rốt ráo, ba mươi lăm ngàn vị Bồ Tát chứng ngộ nghĩa lý chân thật đệ nhất, cũng gọi là nghĩa không đệ nhất, cũng gọi là Tam-muội Thủ Lăng Nghiêm. [Lại có] bốn mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Hư không, cũng gọi là Tam-muội Quảng đại, cũng gọi là Tam-muội Trí ấn. [Lại có] năm mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được đức nhẫn không thối chuyển, cũng gọi là đức nhẫn theo đúng pháp, cũng gọi là đức nhẫn đúng cảnh giới của pháp. [Lại có] sáu mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Đà-la-ni, cũng gọi là tâm niệm lớn lao, cũng gọi là trí tuệ không ngăn ngại. [Lại có] bảy mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Sư tử hống, cũng gọi là Tam-muội Kim cang, cũng gọi là Tam-muội Ngũ trí ấn. [Lại có] tám mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Bình đẳng, cũng gọi là Đại từ Đại bi. [Lại có] vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm Duyên giác, vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm Thanh văn. [Lại có] hai mươi ngàn ức chúng sanh hai cõi trời, người ngay trong đời hiện tại được chuyển từ thân nữ thành thân nam.

Ông Tu-bạt-đà [ngay khi ấy] chứng đắc quả A-la-hán.



Chapter Forty-Five: On Kaundinya

Also, the Brahmacarin, Vatsiputriya, said: "O Gautama! I now wish to put some questions to you. Will you indeed allow me to do so?"

The Tathagata sat silently. At the second and third time, he said nothing.

Vatisiputriya said again: " O Gautama! I have long been on friendly terms with you. We could not be two [i.e. divergent] in our acceptations [understanding] in any way. I desire to ask. Why are you silent?"

The World-Honoured One thought: "It is thus, O Brahmacarin! Your nature is gentle and graceful, pure, good, and innocent. You always seek to know. This is not to cause worry to others. I shall answer, to accord with your wish."

The Buddha said: " Well said, well said, O Vatsiputriya! I shall answer what you desire to know."

Vatsiputriya said: " O Gautama! Is there in the world what may be termed " good" ?

"It is thus, O Vatsiputriya!"

"Is there "non-good?"

"Yes, that is so."

"O Gautama! Please expound the good and the non-good to me."

The Buddha said: "O good man! I shall speak extensively about it. I shall now analyse and explain [matters] to you in a concise way. Desire is non-good; getting emancipated is that which is good. So are anger and ignorance [non-good]. Killing is what is not good; non-killing is what is good. So does it proceed down to the twisted views of life. O good man! I now, for your sake, expound to you the three kinds of what is good and non-good; also the ten kinds of what is good and non-good. If any of my disciples can see the difference between the three kinds of good and non-good, down to the ten kinds of good and non-good, such will indeed do away with all such defilements as desire, anger, and ignorance, and will cut off what is "is" [i.e. samsarically driven, imperfect, ever-changing, phenomenal existence]."

The Brahmacarin said: " O Gautama! Is there any single bhiksu among those of the Buddhist Sangha who does away with all such defilements as desire, anger, and ignorance?"

The Buddha said: " O good man! There are not only one, two, three or five hundred, but innumerable bhiksus who do away with all such defilements and things of the " is" , such as desire, anger, ignorance and all such defilements."

"O Gautama! If we exclude the bhiksus, is there any bhiksuni among those of the Buddhist Sangha who has done away with all such defilements and things of the " is" , such as desire, anger, and ignorance?"

The Buddha said: " There are not only one, two, three, or five hundred such bhiksunis, but innumerable bhiksunis who have done away with all these defilements and things of the " is" , such as greed, anger, and ignorance."

Vatsiputriya said: " O Gautama! Let us leave aside the cases of individual bhiksus or bhiksunis. Is there among those of the Buddhist Sangha any upasaka who has been true to sila and made effort, and has been pure in his deeds, has crossed over the waters of doubt, and having cut away the web of doubt, has attained the other shore?"

The Buddha said: " O good man! There is not just one, two, three or five hundred, but countless upasakas who have been true to sila, who have made effort, whose deeds have been pure, and who, having rent asunder the web of doubt, have destroyed the five bonds of defilement [i.e. greed (or desire), ill-will, ignorance, jealousy, and stinginess, which cause one to get reborn into the three unfortunate realms of hell, ghosts, and animals], attaining thereby the fruition of the anagamin, and who have gained the other shore beyond doubt, doing away with the web of doubt."

Vatsiputriya said: "Let us leave aside the cases of bhiksus, bhiksunis, and upasakas. Is there any upasika among those of the Buddhist Sangha who has been true to sila, who has made effort, who has been pure in her deeds, and who has reached the other shore of doubt, having cut away the web of doubt?"

The Buddha said: "Of such there is not only one, two, three or five hundred, but there are countless upasikas who have been true to sila, who have made effort, who have destroyed the five fetters of defilement, who have attained the fruition of the anagamin, and who are now on the yonder shore of doubt, having cut away the web of doubt."

Vatsiputriya said: " O Gautama! Let us now leave aside the case of bhiksus or bhiksunis who have eliminated all defilements, and the case of upasakas and upasikas who have observed sila, made effort, and whose deeds have been pure, and who have cut away the web of doubt. Is there any upasaka among those of the Buddhist Sangha who enjoys the pleasures of the five [sensual] desires and who has no doubt in his mind? "

"O good man! Of such there is not only one, two, three or five hundred. There are countless people who have destroyed the three bonds, attaining thereby the fruition of the srotapanna and growing less in desire, ill-will, and ignorance, and thus gaining the fruition of the sakrdagamin. It is the same with the upasaka and upasika."

"O World-Honoured One! I would like now to draw an analogy."

The Buddha said: "Well said, well said! Speak out what you desire to say."

"O World-Honoured One! The naga kings, Nanda and Upananda, both provide us with great rains. So does it obtain with the Tathagata’s rain of Dharma. All-equally do you let the rain fall upon the upasakas and upasikas. O World-Honoured One! If any tirthikas were to come [here] and desire [to train under you], I wonder how many months you would keep them on probation?"

The Buddha said: "O good man! We test for four months. It is not necessarily to be of one kind [i.e. whatever the type of person who applies]."

"O World-Honoured One! If it is not of one kind, please admit me into the Order."

Then, the World-Honoured One said to Kaundinya: "See that this Vatsiputriya is admitted into the Order and that he receives sila."

At these words of the Buddha, Kaundinya stood up amidst the congregation and carried out the ritual of karman. Fifteen days later, the man attained the fruition of srotapanna. Having attained this fruition, he thought to himself: " If I am to practise the Way with Wisdom, I have now already gained it, and I shall indeed be able to see the Buddha."

Then, he went to where the Buddha was, prostrated himself on the ground, and having paid his homage, drew back and seated himself on one side. And he said to the Buddha: " O World-Honoured One! Whatever is to be attained by knowing, I have now attained. Please condescend again to expound [things] to me, so that I might gain the learninglessness knowledge."

The Buddha said: "O good man! Make effort and practise two things, namely: 1) samatha [calmness meditation] and 2) vipasyana [insight meditation]. O good man! If any bhiksu wishes to attain the fruition of the srotapanna, such a person should practise these two things. If anyone desires to attain the fruitions of the sakrdagamin, anagamin, and arhatship, such a person too should practise the same.

"O good man! Any bhiksus who desire to attain the four dhyanas, the four boundless minds, the six divine powers, the eight emancipations, the eight superior places, the nondisputing knowledge, the top knowledge, the ultimate knowledge, the four unhindered knowledges, the Adamantine Samadhi, the all-extinguished knowledge, and the birthlessness knowledge must all practise these two ways.

"O good man! If there is anyone who wishes to attain the ten-abode soil, the birth- lessness cognition, the all-wonderfulness cognition, holy actions, pure actions, heavenly actions, Bodhisattva practice, the All-Void samadhi, the jnana-mudra-samadhi, the samadhi of All-Void, formlessness and non-action, the bhumi-samadhi, the non-retrogression samadhi, the Suramgama Samadhi, the Adamantine Samadhi, and the Buddhist action of unsurpassed Bodhi, such a one must practise these two ways."

Vatsiputriya, having heard this, paid homage and left. He practised these two ways in the sal forest, and before long he had attained the fruition of arhatship.

At that time, there were innumerable bhiksus who were on the way to where the Buddha was. Vatsiputriya, on seeing them, asked: "O great ones! Where are you intending to go?"

All the bhiksus said: "We intend to go to the Buddha."

"O great ones! If you go to the Buddha, please tell him: " The Brahmacarin, Vatsiputriya, having practised the two ways, has now attained the learninglessness knowledge. Now, feeling grateful to the Buddha, he enters Nirvana."

Then all the bhiksus, on going to the Buddha, said: "O World-Honoured One! The bhiksu, Vatsiputriya, wanted us to report to you that, having now practised the two ways, he has attained the learninglessness knowledge and that, feeling grateful, he will now enter Nirvana."

The Buddha said: " The Brahmacarin, Vatsiputriya, has now attained the fruition of arhatship. Go now and make offerings to his remains."

Then the bhiksus, at these words of the Buddha, went to where the corpse lay and made great offerings.

The Brahmacarin, Kasaya, then said: "O Gautama! You Gautama say that a person does what is good and not good innumerable times, and in the future gains bodies again that are good or not good. This is not so, because, just as you Gautama say, a person gains a body through defilement. If a person gains his body, does the body come first or the defilement come first? If defilement comes about first, who creates it and where does it stay? If the body comes about first, how can we say that the person gains it through defilement? Because of this, if it is said that defilement comes about first, this does not fit well. It is also not good to say that the body comes about first. If it is said that both come about at the same time, this also will not be right. Any such speaking as of "before" and "after", or of "at the same time", is not acceptable. So I say: "Everything has its own nature, not depending on causal relations."

"Also, next, O Gautama! Hardness is the nature of the earth; moisture is the nature of water; heat is that of fire; movement is that of the wind; and not being obstructed is that of space. These five natures are existences which do not depend on causal relations. If there is in the world but one thing that does not depend on causal relations, it must be thus with all other things, too. What is is the existence that is not grounded on causal relations. If it is said that all depend on the single law of causal relations, why is it that the nature of the five elements does not depend on the law of causal relations?

"O Gautama! Beings gain emancipation from this body of good and non-good based on their own nature, and not on causal relations. So I say: " Everything exists based on its own nature and not on causal relations."

"Also, next, O Gautama! Things of the world have their own places of use. For example one says: " Such and such kinds of wood are for making wheels, and such and such are for making doors and benches."

"Also, it is as with the goldsmith, who calls what is worn above the brow a hair adornment, what one puts around one's neck a necklace, what is worn on the arm a bracelet, and what is worn on the finger a ring. As the place of use is fixed, we say that the nature is fixed. So go things with beings, too. There are the natures of the five realms. So we have hell, hungry pretas, animals, humans, and heaven. If things are thus, how can we say that they depend on causal relations?

"Also, next, O Gautama! Each being has a nature different from that of others. That is why we say that all things have their own natures. The tortoise is born on land but can easily go into the water; the calf, soon after its birth, easily drinks milk; the fish sees the bait on the hook and spontaneously and greedily bites at it; the viper, as soon as it is born, feeds on the earth. Whoever teaches such things? When a thorn appears, its point is always sharp; the colours of flying birds differ from each other. So is it with the beings of the world. There are those who are sharp-witted and those who are dull, those who are rich and those who are poor; there are those who are good-looking and those who are ugly; there are those who attain emancipation and those who get born into a lowly status. From this we can know that there is a nature to each existence.

"Also, next, O Gautama! If you say that desire, ill-will, and ignorance arise out of causal relations and that these three poisons are based on causal relations and the five sense-fields, the situation is not so. Why not? When one sleeps, one is away from the five sense-fields. And yet there come about desire, ill-will, and ignorance. Even in the womb, the same is the case. When one first emerges from it, one cannot feel the good or non-good of the five sense-fields. And yet, there appear desire, ill-will, and ignorance. All rishis and sages live in quiet and silent places, and there exist no five sense-fields. But still there are desire, ill-will, and ignorance.

"Also, a person, through the five sense-fields, gains non-desire, non-anger, and nonignorance. Hence, all things do not necessarily come about due to causal relations, but because of the nature of each thing.

"Also, next, O Gautama! We see people in the world who possess great wealth and much freedom, being yet imperfect in the five sense-organs, and those who are poor, mean, and not free, who serve other people, they themselves having perfect sense-organs. If things arise from causal relations, how could matters come about thus? So we say that all things have natures of their own and are not based on causal relations.

"Also, next, O Gautama! Children also are not clear as regards the five sense-organs, but they laugh and weep. When laughing, they feel joy, and when weeping sorrow. Because of this, we can know that all things have their own nature.

"Also, next, O Gautama! There are two kinds of thing in the world, which are: 1) the "is" and 2) the "is-not". The "is" is the Void and the "is-not" is the hairs of a tortoise. Of these, the one does not depend on the causal relations because of " is" , and the other does not depend on causal relations because of "is-not". So, all things depend on their own nature and not on causal relations."

The Buddha said: " O good man! You say that it is with all things as it is with the natures of the five great elements. But this is not so. Why not? O good man! You say that the five great elements are eternal. Why? All things are not eternal. If what exists in the world is non-eternal, how can these five great elements not be non-eternal? If the five great elements are eternal, all that exists in the world must also be eternal. Therefore, when you say that the five great elements have their own natures, that they do not depend on causal relations, and that the case of all things is like that of the five great elements, this has no basis [of truth] to stand upon. O good man! You say that as there are places where things can be of use, things must have natures of their own. But this is not so. Why not? Because they gain their denominations through causal relations. If a name comes about from a cause, the meaning must come about from a cause. Why do we say that the name comes about through a cause? What is worn on the brow is called a head ornament, what is on the neck a necklace, what is on the arm a bracelet, and what a cart has is wheels. If fire burns grass and plants, we speak of a grass and plant fire. O good man! A tree, when born, does not possess the nature of the arrow or halberd. Through causal relations, the artisan takes it and makes arrows; through causal relations he makes a halberd out of it. So, we cannot say that things possess natures of their own.

"O good man! You say that the tortoise is born on land and that by its own nature it goes into the water; that the calf, when born, drinks milk by its own nature, and that things proceed thus. But this is not so. Why not? If it is not through causal relations that it gets into the water, there is nothing in the world that is based on causal relations. So why is it that it does not go into fire? The calf drinks milk soon after birth. If this is not through causal relations, there cannot be any causal relations to talk about. Why does it not suck on the horn?

"O good man! You say that everything has its own-born nature, that there is no need for learning, and that there is no development. But this is not so. Why not? Now, there is teaching, and through this teaching there is growing up [development]. Hence, you must know that there is no nature of its own.

"O good man! If everything possessed its own original nature, no Brahmin would need to kill sheep to pray and arrive at a pure body. If a person prays for the sake of his own self, this tells us that he has no original nature of his own.

"O good man! There are three ways of speaking, which are: 1) the desire to do something, 2) the time of the doing, and 3) the completed doing. If it is the case that there is a nature of its own, how can there be in the world these three ways of speaking? The fact that there are these three ways of speaking tells us that there is no nature of its own in a thing.

"O good man! If you say that everything has its own nature, know that all things must have a fixed nature. If there is a fixed nature, how is it that the single thing, the sugar cane, can become juice, honey, rock candy, liquor, and vinegar? If there is a single nature, how could such things come about? If such things come about from a single thing, know that this indicates that everything cannot be fixedly one and of one nature.

"O good man! If everything has a fixed nature, why do the holy ones not take the juice of the sugar cane, the rock candy, and the molasses at the time of taking the liquor, and later take it when it has been made into vinegar? For this reason, we can know that there is no fixed nature. If there is no fixed nature, how could it be other than by causal relations?

"O good man! If everything has a fixed nature, how can there be any ground for analogies? If there are analogies, this tells us: know that there is no fixed nature in any thing. If there were a fixed nature, there could be - you should know - no analogies. All the wise persons of the world employ analogies. Know that there can be no nature of a thing and there is no single nature.

"O good man! You ask: "Does the body exist first or defilement?" This cannot obtain. Why not? If I say that the body comes first, you too will reprove me and say that with you too, as with me, the body cannot precede. Why do you reprove thus?

"O good man! There can be no before and after in the body of beings. Things happen at the same time. Though of the same time-relations, the body comes about due to defilement; it is not that there is defilement because of the existence of the body. What you make it is that a person gains two eyes at the same time and one is not the cause of the other, that the eye on the left-hand side does not stand on [depend on] the right-hand eye, and that of the right not on that of the left-hand side. Should you say that the situation is the same with defilement and the body, I would have to say that this is not so. Why not? What obtains in the world is that the eye sees that the wick and the light exist in the same time-relations. But the light always depends on the wick, but the wick does not depend on the light.

"O good man! You may say that the body does not exist before; that, therefore, there is no cause to speak of. But this is not so. Why not? If you mean that there is no cause to speak of because of the fact that the body came about first and that there are no causal relations, you cannot say that all things depend on causality. You may say that as you do not see, there is no cause to speak of. But now we see a pot that comes about from causal relations. Why cannot we say that the body comes about as in the case of the earthen pot?

"O good man! Whether we see or not, all things depend on causal relations and there cannot be any talk of something having its own nature.

"O good man! If you say that everything has its own nature and that there are no causal relations, how can you explain the five great elements? These five great elements are nothing but the result of causal relations.

"O good man! The five great causal relations are also thus. But one cannot say that all things are like the five great causal relations. We might say that all world-fleeing people make effort and uphold sila. But candalas also make effort and uphold sila.

"O good man! You say that the five great elements definitely have a concrete nature. But this nature changes. So I see that it is not static.

"O good man! Butter, wax, and glue must be soil according to your way of thinking. Soil is indefinite. It is like water, or is equal to soil. So, we cannot call them anything concrete.

"O good man! Solder, lead, zinc, copper, iron, gold, and silver would have to be fire, according to your way of thinking. Fire has four qualities. When it flows, it has the nature of water; when moving, the nature of wind; when hot, it has the nature of fire; and when hard, it has the nature of earth. How can one state it definitely possesses the nature of fire [alone]?

"O good man! The nature of water is that of flowing. Even when water gets frozen, we do not call it earth. If it is called water, why do we not call it the wind when it is moving? If it is still to be called water, why do we not call it wind when moving? If a thing, when moving, is not called wind, we may well call water not water when it is in a frozen state? If these two cases are grounded on causal relations, how can you say that all things are not based on causal relations?

"O good man! The five sense-organs by nature see, hear, sense, know, and touch. We may say that these all depend on their nature and not on causal relations. But this is not so. Why not? O good man! What something has by nature cannot be changed. If we say that the sense-organ of the eye can truly see, it must always be able to see. There cannot be any case where it sees and where it does not see. Hence, we can know that it truly sees through causal relations and that this is not through non-causal relations.

"O good man! You say that you gain greed from the five dusts [i.e. the five sense-fields] and that a person does not get emancipated. This is not so. Why not? O good man! A person gains desire and gets emancipated. Though this may not arise out of the causal relations of the five dusts, the person gains desire due to the evil sensing of the world, and he gains emancipation through the good sensing of the world. O good man! Through internal causal relations, the person gains desire and emancipation; through external causal relations comes about augmentation [growth]. So, it goes against reason to say that all things have natures of their own and that a person does not gain desire from the five dusts and that the person gains emancipation.

"O good man! You say that though perfect in all the sense-organs, a person has little wealth and is not free; and that lacking in all sense-organs, another person has abundant wealth and great freedom. This indicates that to say that a thing has its own nature and that there is no such thing as causal relations to speak of, is not right. Why not? O good man! A person reaps results through karma. There are three kinds of karma result, namely: 1) fruition that comes about in this life, 2) fruition which one reaps in the next life, and 3) fruition that one harvests in later lives. Poverty, great wealth, perfect sense-organs and imperfection of the sense- organs arise from different karmas. If there were any [single] nature of its own, those perfect in the sense-organs would have to be rich, and one who is rich would have to be perfect in all his sense-organs. But things do not obtain thus. So, one can definitely know that there can never be any fixed nature of its own and that all arises out of causal relations.

"O good man! You say that a child cannot discriminate the causal relations of the five dusts and yet it weeps and laughs, and that this indicates, you say, that everything has its own nature. But this is not so. Why not? If laughing goes by nature [i.e. if laughing exists based on a fixed nature], one would always have to be laughing; if weeping were based on a nature, one would always have to be weeping. There cannot be laughing at one time and weeping at another. If one laughs at one time and weeps at another, this tells us - we can know - that all is based on causal relations. Hence, you should not say that all things have their own nature and that causal relations have nothing to do with it."

The Brahmacarin said: "O World-Honoured One! If all things exist due to causal relations, how can such a body come into being?"

The Buddha said: " The causal relations of this carnal body are grounded on defilement and karma. "

The Brahmacarin said: " If this carnal body is based on defilement and karma, can we extirpate the defilement and karma?"

The Buddha said: "It is thus, it is thus!"

The Brahmacarin further said: "O World-Honoured One! Please be good enough to analyse and expound to me, so that I can truly hear and immediately cut away the bond."

The Buddha said: " O good man! If a person comes to know that the two sides and the in-between are unhindered [unobstructed], such a person indeed segregates [himself from] defilement and karma."

"O World-Honoured One! I now know and have gained the right Dharma-Eye."

The Buddha said: "In what manner do you know?"

"O World-Honoured One! The two sides are "material form" and "emancipation from material form", and the "in-between" is the Eightfold Right Path. So does it also obtain with feeling, perception, volition, and consciousness."

The Buddha said: " Well said, well said, O good man! You have now come to know of the two sides and have cut away defilement and karma."

"O World-Honoured One! Please admit me into the Order and let me receive sila!"

The Buddha said: "Welcome, O bhiksu!"

Immediately he extirpated the defilements of the three worlds and arrived at the fruition of arhatship.

Then there was a Brahmin, named " Wide-Wide" , who said: " O Gautama! Do you know what I have in my mind?"

The Buddha said: " O good man! Nirvana is Eternal and what is created is non-eternal. What is twisted is twisted views, and what is straight is the Noble Path."

The Brahmin said: " O Gautama! Why do you say so?"

"O good man! What you think is that to beg alms is eternal and singly-to-be-invited is non-eternal. What is twisted is to shut one's self in and what is straight is the imperial hanging-ensign. That is why I say: " Nirvana is Eternal; what is twisted is twisted views, and what is straight is the Eightfold Path." It is not as you think."

The Brahmin said: "O Gautama! You see well what is in my mind. Does this Noble Eightfold Path enable beings to attain extinction or not?"

Then, the World-Honoured One remained silent and did not answer.

The Brahmin said: "O Gautama! You see my mind well. Why do you remain silent and not answer me?"

Then Kaundinya said: "O great Brahmin! If any person asks about the limitedness or non-limitedness of the world, the Tathagata is silent and does not reply. The Noble Eightfold Path is what is straight, and Nirvana is what is Eternal. When the Noble Eightfold Path is practised, one attains extinction; if not, no such thing results.

"O great Brahmin! For example, a great castle has four walls, where there are no apertures, except for a gate. The gate-keeper is wise. He knows whom to let pass and whom to shut out. He may not know the number of those who come and go, but he knows that anyone who enters has to come through the gate. The situation is thus. O good man! It is the same with the Tathagata. The castle is Nirvana, the gate is the Noble Eightfold Path, and the gate-keeper is the Tathagata. O good man! Though the Tathagata does not reply [to questions] about [the world’s being] finite or infinite, what ends must needs practise the Noble Eightfold Path."

The Brahmin said: "Well said, well said, O greatly virtuous Kaundinya! The Tathagata truly expounds All-Wonderful Dharma. I now know the castle, and the Way to it, and I desire to be the gate-keeper."

Kaundinya said: "Well said, well said! You now well aspire to the Great Mind."

The Buddha said: "Say not thus, say not thus, O Kaundinya! It is not the case that this Brahmin now aspires for the first time to this Mind. A long, long time ago, far back in the days of countless Buddhas, there was a Buddha called " Tathagata All-Shining" , the Alms- Deserving, the All-Enlightened One, the All-Accomplished One, the Well-Gone, the All-Knower, the Unsurpassed One, the Best Trainer, the Teacher of Gods and Humans, the Buddha-World- Honoured One. This person [i.e. the Brahmin] had already aspired to unsurpassed Bodhichitta at the place of this Buddha. He will now attain Buddhahood in this Bhadrakalpa. He has long been versed in Dharma. For the sake of beings, he lives as a tirthika and presents himself as one

not versed in Dharma. For this reason, Kaundinya, you should not say: "Well said, well said! You now aspire to the Great Mind."

Then, seeing all, the World-Honoured One said to Kaundinya: "Is Ananda present?"

Kaundinya said: "O World-Honoured One! Ananda is away from the sal forest, 12 yojanas from this congregation, and is surrounded by 64,000 billion Maras. All these Maras are transforming themselves into the Tathagata. They say that all things arise from causal relations, or that all things do not arise from causal relations; or they say that all causal relations are eternal or that all that arises from causal relations is non-eternal. Or they say that the five skandhas are real, or that they are false. So also with the 18 realms and the 12 spheres. Or they say that there are the 12 links of interdependence or that there are rightly the four causal relations, or that all things are like phantoms or visions, or like mirages in the hot season; or they say that Dharma comes to one through hearing, or that one gains it through thinking; or they speak about the usmagata, murdhana, laukikagradharma, the stages of learning and learninglessness, or about the Bodhisattva's ten stages, from the first up to the tenth; or they speak about the All-Void, formlessness and non-action; or they speak about sutra, geya, vyakarana, gatha, udana, nidana, avadana, itivrttaka, jataka, vaipulya, adbhutadharma, and upadesa; or there are those who speak about the four remembrances, four right efforts, four at-willnesses, five roots, five powers, seven Bodhi elements, Noble Eightfold Path; or they may speak about the internal Void, the external Void, the internal-external Void, the Void of the created, the Void of the non-created, the Void of beginninglessness, the Void of nature, the Void of segregation, the Void of dispersion, the Void of the characteristics of self, the Void of formlessness, the Void of the skandhas, the Void of the [12] spheres, the Void of the [18] realms, the Void of good, the Void of non-good, the Void of indefinables, the Void of Bodhi, the Void of the Path, the Void of Nirvana, the Void of action, the Void of what one has gained, the Void of Ultimate Truth, Void-Void, and Great Void. Or they may display miracles and transformations. Their body emits water and fire; or water comes out from the upper body and fire from down below; or from down below water comes out and from the upper body fire. Or the left armpit is down and the right armpit gives out water; or the right armpit is down and the left armpit gives out water. On [from] one armpit thunder rolls and shakes, and on [from] the other armpit rain falls. Or there may be one who shows the worlds of all Buddhas; or the scene of the Bodhisattva as he first appears in the world and takes seven steps, lives in the depths of the palace, wherein he pursues a life of the five desires, or the scene in which he leaves the palace and performs austerities, or in which he advances towards the Bodhi Tree, sitting thereunder in samadhi, or the scene in which he defeats the army of Maras, or the scene in which he delivers the [first] sermon, or the scene in which he performs great miracles, or where he enters Nirvana.

"O World-Honoured One! Ananda, on seeing this, thinks to himself: "I have not seen such miracles. Who is working all of these? Or are these all of Sakyamuni Buddha?" He wishes to stand up, speak out, but the action will not follow his will. This is due to the fact that Ananda has been caught in Mara’s traps. He also thinks: "All that these Buddhas say is not the same. Whose words should I now give ear to?" O World-Honoured One! Ananda is now suffering greatly. Although he thinks of the Tathagata, none comes to save him. That is why he is not here amongst the congregated."

Then, the Bodhisattva-mahasattva Manjusri said to the Buddha: " O World-Honoured One! Among this great mass of people congregated here, there are many Bodhisattvas who have aspired to unsurpassed Enlightenment in one life or who have aspired to Bodhichitta over the course of innumerable lives. They truly make offerings to innumerable Buddhas. Their mind is firm-set and they practise danaparamita up to prajnaparamita. They have long come to innumerable Buddhas, practised pure actions, and are unretrogressive in their Bodhichitta. They have attained the unretrogressive state of cognition and have arrived at the avinivartaniya and are perfect in right cognition and are in the Suramgama Samadhi. Such people listen to the Mahayana sutras and do not doubt [them]. They understand well and speak about the oneness of the Three Treasures and that their nature and characteristics are Eternal and Unchanging. They hear of miraculous things, but their minds do not become surprised and do not shake. They hear about many kinds of Voidness and their minds are [not] in fear. They clearly grasp all kinds of Dharma-Nature. They uphold well all the 12 types of sutra and they understand their meaning extensively. Also, they uphold the 12 types of sutra of all the innumerable Buddhas. How could one be apprehensive as to their not being able to uphold the Great Nirvana Sutra? Why is it that you ask Kaundinya where Ananda is?"

Then, the World-Honoured One said to Manjusri: "Listen carefully, listen carefully! O good man! Since the day when I attained Buddhahood, I have lived for over 30 years in Rajagriha. At that time, I said to all the bhiksus: "Who of all those who are gathered here can uphold the 12 types of sutra of the Tathagata and attend to what one [i.e. the Buddha] may need to have and yet not lose his own profit?"

"At that time, Kaundinya was one of those in the congregation, and he came to me and said: "I can well uphold the 12 types of sutra, attend to all that there should be, and yet not lose what I may gain."

"I said: "O Kaundinya! You are already far advanced in age. You must use somebody else. How could you expect to serve me?"

"Then, Sariputra said: "I can certainly uphold all the words that the Buddha speaks, attend to what he needs to have, and I shall not lose whatever profit I may gain."

"I then said: "O Sariputra! You are already too old. Use somebody else. How can you wish to serve me?"

"Things proceeded thus with all 500 arhats. I did not accept [any of them]. Then, Maudgalyayana, being amongst their number, thought: " The Tathagata does not accept the attendance of the 500 arhats. Who might it be that the Buddha desires to have?" Thinking thus, he entered into dhyana and saw that the Tathagata’s mind was set upon Ananda, just as when the sun first rises and shines upon a western wall. Having seen this, he got up from his dhyana seat [from his meditation posture] and said to Kaundinya: "O greatly virtuous one! I now see that the Tathagata desires to have Ananda attend him."

"Then Kaundinya, along with the 500 arhats, went to Ananda and said: "O Ananda! You should go and serve the Tathagata. Accept this!"

"Ananda said: "O all you virtuous ones! I cannot well serve the Tathagata. Why not? The Tathagata is austere, like the king of lions; he is like the dragon and fire. I am as yet defiled and weak. How can I truly serve him?" All the bhiksus said: "You must take our word and serve the Tathagata. You will be blessed with great benefit." This went on for a second and third time.

"Ananda said: "All you greatly virtuous ones! I also do not seek any great benefit. Truth to tell, I am not able to serve him."

"Then Maudgalyayana said again: "O Ananda! Do you not yet know?"

"Ananda said: "O great one! Please tell me of it."

"Maudgalyayana said: "The Tathagata desired to have one from among us priests. All the 500 arhats wanted to meet his wish. But the Tathagata would not have it. I then sat in dhyana and saw that the Tathagata wishes you to be the one. Why do you not desire to accept the post?"

"On hearing this, Ananda folded his hands, prostrated himself on the ground and said: " O greatly virtuous one! If this actually took place, I shall act as you wish and serve him, as long as the Tathagata will permit me three things."

"Maudgalyayana said: " What are the three things?"

"Ananda said: "First, that the Tathagata will allow me not to accept - should he wish to give it me - any used clothing; secondly, that the Tathagata will permit me not to follow him when he receives private invitations; and thirdly, that the Tathagata will allow me freedom of movement. If the Tathagata permits me these three things, I am ready to concede to the words of all you priests."

"Then Kaundinya and the 500 bhiksus came back to me and said: "We have persuaded Ananda to accept, but in connection with this he desires three things to be permitted. If you will allow them, he will follow the words of the priests [i.e. he will do as they have asked him]."

"O Manjusri! I then applauded Ananda and said: " Well said, well said, O bhiksu Ananda! You have Wisdom and seek to foreguard [i.e. guard against future contingencies]. Why so? For people might say that you serve the Tathagata on account of the clothing and food that you might gain. That is why he does not wish to receive the used clothing and why he does not wish to accompany me on the occasion of any private invitations which I may have to accept. O Kaundinya! Ananda has Wisdom. If he should be restrained by time [i.e. if he has a rigid and constricting timetable to follow], he would not have time to give benefit to the four classes of the Buddhist Sangha. That is why he desires that there should be no fixed time for his service.

"O Kaundinya! I accede to these three requests for the sake of Ananda."

"Then Maudgalyayana went back to Ananda and said: " I entreated the Buddha for the three things you wished to have, and the Tathagata, out of his great pity, has consented." Ananda said: "O greatly virtuous one! If the Buddha has agreed, I shall go and serve him."

"O Manjusri! Ananda has served me for over 20 years and possesses eight wonders. What are the eight? These are: 1) for 20 years since he began to serve me, he has never eaten a meal [on the occasion] of any private invitation; 2) he has never once accepted used clothing; 3) since he began serving me, he has never come to me at the wrong hour; 4) since the time when he began serving me, he has had occasion to associate with all [kinds of] kings, Kshatriyas, nobles, and men of great clans, and he has met all [kinds] of females and naga females, and although he has defilements, he has never once yet given himself up to lustful thoughts; 5) since he began serving me, he has upheld the 12 types of sutra, and after having heard something once, he never asks me of it [i.e. to repeat it] a second time [i.e. he remembers whatever teachings the Buddha utters]. It is like shifting the water of [several] pots into one pot, except for one single question. O good man! Prince Vidudabha killed the people of the Sakya clan [i.e. the Buddha’s own clan] and demolished the castle [citadel] of Kapilavastu. Ananda, at that time, was of sorrowful mind and wept. Coming to me, he said: "I was born together with you in this castle, and I am of the Sakya tribe. How is it that the Tathagata looks radiant as on ordinary days, and I feel so awearied?" I then replied: "O Ananda! I practise the samadhi of the Void. So I am not like you." Three years passed by, and he came to me and asked: "O World-Honoured One! In days gone by, I heard at the castle of Kapilavastu that the Tathagata practised the samadhi of the Void. Is this true or not?" I said: "O Ananda! It is thus, it is thus! It is just as you say"; 6) since the day he began to serve me, he has not yet gained the ability to read others’ minds, but he always knew the dhyanas I was in; 7) since the day he began serving me, he has not as yet gained the knowledge [which would enable him] to know whatever he wishes to know, [yet] he well knew and would say: "Such and such people came to the Tathagata and such and such people have now gained the four fruitions of sramana and such and such have gained these later, such and such have gained human life, and such and such have gained a heavenly body"; 8) since his [first] day of serving me, he has understood all the unspoken words of the Tathagata.

"O good man! Bhiksu Ananda possesses these eight wonders. That is why I call Ananda the storehouse of rich hearing.

"O good man! Bhiksu Ananda is perfect in eight things and thus upholds in perfect ways the 12 types of sutra.

"What are the eight? They are: 1) his faith is strong, 2) his mind is straight, 3) his body is without illness or pain, 4) he makes effort unremittingly, 5) [he is] perfect in the praying mind, 6) his mind has no arrogance, 7) [he is] perfect in the settled mind, and 8) through hearing [Dharma], knowledge comes about.

"O Manjusri! The disciple and attendant of Buddha Vipasyin was called Asoka. He was also perfect in these eight things. The disciple and attendant of Tathagata Sikhin was called Samakara, the disciple and attendant of Buddha Visvabuk was called Upasanta, the disciple and attendant of the great Buddha Krakucchanda was called Bhadrika, the disciple and attendant of Buddha Kanakamuni was called Sotei , and the disciple and attendant of Buddha Kasyapa was called Yobamitta. They all posssessed these virtues. That is why I say that Ananda is a storehouse of rich hearing.

"O good man! Just as you say, there are amongst those gathered here innumerable Bodhisattvas. But as these Bodhisattvas have heavy tasks to perform, such as the works of Great Loving-Kindness and Great Compassion, they inevitably have busy hours to work, to train the retinues and to adorn their own bodies. So, after my entering Nirvana, they will not be able to propound the 12 types of sutra. Or there may be Bodhisattvas who may propound them, but people will not believe what they say. O Manjusri! Bhiksu Ananda is my younger brother1. Since the day when he began to serve me, 20 years have now passed. But he remembers what he has heard, like water stored in a pot. Because of this, I look back to [i.e. think of] Ananda and seek to know where he might be. And I desire to entrust this Nirvana Sutra to him.

"O good man! When I am gone, what Ananda did not hear will be propounded by " Bodhisattva Wide-Wide" ; what Ananda did hear will be promulgated by Ananda himself.

"O Manjusri! Ananda is now 12 yojanas distant from this congregation and is surrounded by 64,000 billion Maras. Make haste, go now, and say aloud: "O all you Maras! Listen closely, listen closely! The Tathagata now speaks a great dharani [spell]. All devas, nagas, gandharvas, asuras, garudas, kimnaras, mahoragas, humans, non-humans, mountain-gods, tree-gods, river- gods, sea-gods, and house-gods! Hear this dharani! There is none who does not respect and uphold this. This dharani is what all Buddhas, as many in number as the sands of ten Ganges, propound. This will indeed change the female form and enable one to read one’s own fortune. If any person receives [i.e. practises] well the five things, namely: 1) pure actions, and abstention from: 2) meat, 3) alcohol, 4) spices, and 5) happily abides in quietude, and after becoming perfect in these five things, believes in this dharani, recites it, and writes it, know that such a person can indeed discard the 77 billion ill-omened [i.e. inauspicious] bodies." Then, the World- Honoured One spoke thus: "Amarei bimarei nemarei bakyarei keimaranyakappi sanmanabaddai shabatashadanni baramatashadanni manashi asettai hiragi anraraitei baranmi baranmasharei fumi funamanuraitei"2.

Then, Manjusri, having been entrusted with this dharani, went to where Ananda was and, amidst the Maras, said: " O you Maras and retinues! Hear well the dharani which I have received from the Buddha and which I am now going to pronounce." The Mara King, on hearing this, aspired to unsurpassed Enlightenment and, casting aside evil actions, released Ananda. Manjusri, accompanying Ananda, returned to the Buddha. Ananda, on seeing the Buddha, paid the sincerest homage, stepped back and took his seat on one side.

The Buddha said to Ananda: "In this forest of sal trees, there is a Brahmacarin named Subhadra, who is 120 years old. He possesses the five miraculous powers. But he is not away from [i.e. has not yet overcome] arrogance. He has attained the stage of thoughtlessness-nonthoughtlessness dhyana. He has arrived at All-Knowledge and has a mental image of Nirvana. Go to him and say: "The Buddha’s appearance in the world is like that of the udumbara. He will, this [very] midnight, attain Parinirvana. If you wish to act, act immediately. Do not have

1 Ananda is actually the Buddha’s cousin, but is here called his brother to convey a sense of familiarity - K. Yamamoto meaning unknown - ed. regret in the days to come!" O Ananda! He will believe what you say. Why? Because, in the course of 500 years, you were once Subhadra’s son. The taint of the loving mind has not yet left him. For this reason, he will believe what you say."

Then, at these words of the Buddha, Ananda went to Subhadra and said: "Know that the Tathagata appears in the world as rarely as the [blossoming of the] udumbara. This night he will enter Parinirvana. If you wish to act, act meet to the occasion. Do not have any regrets for later days."

Subhadra said: "Well said, O Ananda! I shall now go to the place of the Tathagata."

Then Ananda went back to the place of the Buddha, accompanied by Subhadra.

Then, on arriving, Subhadra spoke thus: "O Gautama! I now wish to ask a question. Answer me as [i.e. in the spirit of how] I mean to ask."

The Buddha said: " O Subhadra! It is now time. I shall answer you. I shall employ the means and answer you."

"O Gautama! All sramanas and Brahmins say: "Everybody encounters karmic results; they are sad or happy; and all arise out of what they did before. Hence, if one upholds the moral precepts, makes effort, and undergoes bodily and mental pain, this will crush out the original karma. When the primary karma ends, all suffering ends. Suffering ending, Nirvana results." What do you think of this?"

"O good man! If there are any such sramanas or Brahmins, I shall feel pity and go to them. On arriving, I shall ask: "Do you speak thus?" If they say: "We do speak this. Why? O Gautama! We see all the people who do all kinds of evil and who [yet] are rich, and act as they will. And people who are very poor, although doing good. Or people who do not seek, and who [yet] somehow gain things. Or there are people who have compasion and do not kill, and yet they die at an untimely hour. Or people who enjoy killing, who gain a long life. Or there are those who perform pure actions, who make effort and uphold sila, and who gain - or do not gain - Emancipation. That is why we say that all people suffer from sorrow or are blessed with happiness due to the primary karma which they have engendered in the past."

"O Subhadra! I shall now ask: " Do you see or not the karma of the past? If there is this karma, is it many or few? Does the penance that one undergoes not crush out the suffering in any way? Do we know or not whether this karma has died our or not? Does all end when this karma ends?" Should the person say: " I really do not know" , I shall take up a parable. " Suppose, for example, that a man is struck by a poisoned arrow. The people of the house call for a doctor, so as to have the poisoned arrow extracted. Once the arrow has been removed, the [man’s] body is at peace. Ten years on, the person still recalls the event very clearly. "This doctor extracted the poisoned arrow for me, treated me with medicine, and I now enjoy peace." You do not know the past karma. How can you know whether the penance you now perform crushes out the karma done in the past?" Or he may well say: "O Gautama! Now, you yourself have karmic results from the past. Why should you reprove me in regard to my past karma? In Gautama’s own sutras, this thing is spoken of. You say: "If one sees a rich and noble person, and a person who enjoys freedom, one can indeed know that such a person has made good offerings in past lives]. Do you not say that they are the karmas of the past?" I shall reply: "Any such knowing is a comparative knowing and is not one that is true. In the Buddhist teaching of my house, there is the case of knowing the result from the cause or the cause from the result. In our Buddhist teaching, we speak of the karma of a past life and of this present life. With you it is not like that. What there is [with you] is past karma, but not karma of the present. Your [doctrine] does not handle karma by expediency. With us it is not like that. We see karma through the eyes of expedient means. With you, if you reach the end of karma, suffering comes to an end. But with us, that is not so. When defilement goes, the suffering of karma ends. That is why I criticise the karma of the past about which you speak." If the person says: "O Gautama! Truth to tell, I do not know about this - I got this from my teacher. My teacher says so; I am not to be reproved." Then I shall say: "Who is your teacher?" If he says: "He is Purana", I shall then say: "Why did you not ask each of your teachers whether they know the karma of the past? If your teacher says that he does not know, why should you take his word [i.e. believe what he teaches regarding karma]? If he says that he knows, you should ask whether the causal relations of the lowest grade of suffering call forth the causal relations of the top grade of suffering, or whether or not the causal relations of suffering of the middle grade harvest the suffering of the lowest or top-grade suffering. Or ask if the causal relations of the top grade gain one the suffering of the middle and low grades. If no, you may well ask: "How can you, the teacher, say that the result of bliss or suffering only rests in the past and not in the present? Also you could well ask whether or not the suffering of the present exists in the past? If it is in the past, it must be the case that the karma of the past is now ended. If it is ended, how is it possible for a person to harvest it in this present life? If it is the case that there is no past, but what there is is merely the present, how can one say that the being's suffering and bliss arise from past karma? If you know that penance in the present life can truly crush out the karma of the past life, how can one crush out the penance [suffering] of the present life? If it is not crushed out, suffering must be eternal. If suffering is eternal, how can one say that one attains Emancipation from suffering? If what one does crushes out suffering, then the past is already gone. How can there be any suffering? O you! Does penance cause the karma of bliss to harvest the fruit of suffering? Also, can the karma of suffering cause one to harvest the fruit of bliss? Does the karma of non-suffering and non-bliss become the fruition of non-receiving? Is it possible that whatever result one has to harvest now, becomes one to be harvested in the life to come or not? Is it possible or not that what one is to harvest in the next life can be harvested in this life? Is it possible or not to cause these two karmic returns to be of no-return? Is it possible or not? Is it possible or not to make a karmic return that is definite into one that is indefinite? Is it possible to make an indefinite return one that is definite? "If he says: "O Gautama! It is not possible" , I shall again say: "O you! If it is not possible, why should you suffer penance? You should well know that there are cases where past karma forms the causal relations of the present. That is why I say that karma arises out of defilement and that by karma one meets with the recompense. O you! Know that all beings have karma of the past and the cause of the present. Though beings have the past karma of life, they have to depend upon the causal relations of food in the present life. O you! One may say that beings suffer from sorrow and are blessed with bliss, all definitely grounded in the primary karmic causes from the past life. But the situation is not thus. Why not? O you! For example, it is as when a person does away with the enemy of the King, as a result of which he gains treasure and is blessed with bliss in the present life. Such a person generates the cause of bliss in this present life and reaps the recompense of bliss in this present life. For example, this is analogous to the man who kills the King’s son and through this loses his life. Such a person engenders the cause of suffering now and harvests the karmic return in this present life. O you! All beings, now in this present life, encounter suffering and bliss from the four great elements, the seasons, the land, and people. That is why I say that all beings do not necessarily harvest suffering and bliss primarily from their past karma. O you! If a person can arrive at Emancipation through the power of the causal relations of cutting off karma, we could say that all sages cannot attain it. Why not? Because the primary karma of beings has no beginning and no end. That is why I say that when one practises the Holy Way, this Way truly makes away with the karma that has no head or tail. O you! If one gained the Path through penance [austerities], all animals would have to attain it. That is why one first subdues the mind and not the body. Hence I say in my sutra that one must cut down the forest but not the tree. Why? From the forest, one gains fear, but not from the tree. If one wishes to adjust the body, one must first adjust the mind. The mind is the forest, and the body is the tree. So may we compare things."

The Bhagavat [Blessed One = the Buddha] said, "Noble son, how have you previously trained/ disciplined your mind?"

Subhadra replied, "Bhagavat, I reflected intensely upon the fact that the [Realm of ] Desire is impermanent, unpleasant, and utterly impure, and realised that the [Realm of] Form is permanent, pleasant, and utterly pure. Having realised thus, I severed the kleshas of the Realm of Desire and attained the sphere [ayatana] of Form. In that way, I previously trained / disciplined my mind.

"Then, when I investigated the [Realm of] Form, I realised that form is impermanent and is like a sore, an ulcer, poison, or a thorn. I saw that the [Realm of] Formlessness is permanent, pure and peaceful. Having realised this, I severed the kleshas of the Realm of Form and attained the sphere of Formlessness. In that way, I previously trained / disciplined my mind.

"Then, when I investigated ideation [samjna = the making of thoughts and ideas in the mind], I realised that it is impermanent and is like a sore, an ulcer, poison, or a thorn, and I attained the samadhi of the sphere of neither-ideation-nor-non-ideation [naivasa-njaanasa- njaa]. [I realised that] the sphere of neither-ideation-nor-non-ideation is all-knowing awareness [sarvajna-jnana], peaceful, pure, irreversible and unchanging. In that way, I previously trained / disciplined my mind."

The Bhagavat said, "Noble son, how have you trained / disciplined your mind? What you have attained is the samadhi of the sphere of neither-ideation-nor-non-ideation, but that is still ideation. If Nirvana is devoid of ideation, why do you term this 'Nirvana' ? Noble son, if you previously disdained coarse ideation, why are you attached to subtle ideation, not knowing that it is inferior? Even that sphere of neither-ideation-nor-non-ideation may be termed 'ideation'. It too is like a sore, an ulcer, poison, or a thorn. Noble son, though your teacher, Udraka- Ramaputra, has acute faculties and is prudent, he worships the sphere of neither-ideation-nor- non-ideation. If he still is embodied in a low-grade body, what need is there to say anything further!"

Subhadra asked, "How does one sever all [samsaric] existence?"

The Bhagavat replied, " Noble son, if any individual engages in the true / real ideation, all [samsaric] existence will be severed."

Subhadra asked, " Bhagavat, how should one know true / real ideation?"

"Noble son, the ideation of non-ideation should be known as the true / real ideation."

"Bhagavat, how is the ideation of non-ideation to be known?"

"Noble son, all phenomena [dharmas] are devoid of their own defining [external, distinguishing] attributes / characteristics [lakshanas], devoid of the defining attributes [lakshanas]of what is another, devoid of both their own and other defining attributes. They are devoid of the defining attribute of being without cause, devoid of the defining attribute of result, devoid of the defining attribute of being experienced, devoid of the defining attribute of being an agent, devoid of the defining attribute of being an experiencer; devoid of the defining attribute of being an entity/ thing [dharma] and devoid of the defining attribute of not being an entity / thing. They are devoid of the defining attributes of male or female, devoid of the defining attribute of a human being; they are devoid of the defining attribute of an atom, devoid of the defining attribute of time and season. They are devoid of the defining attribute of having been done for oneself, devoid of the defining attribute of being done for another, devoid of the defining attribute of being done for both oneself and another. They are devoid of the defining attribute of existence and they are devoid of the defining attribute of non-existence; they are devoid of the defining attribute of being a producer and devoid of the defining attribute of being a product. They are devoid of the defining attribute of cause and devoid of the defining attribute of being a secondary cause; they are devoid of the defining attribute of result and devoid of the defining attribute of being a secondary result. They are devoid of the defining attribute of day and night, devoid of the defining attribute of light and darkness. They are devoid of the defining attribute of what is seen and devoid of the defining attribute of being a seer; they are devoid of the defining attribute of what is heard and devoid of the defining attribute of being a hearer; they are devoid of the defining attribute of what is felt and known and devoid of the defining attribute of being a feeler and a knower. They are devoid of the defining attribute of awakening [bodhi] and devoid of the defining attribute of being one who attains awakening. They are devoid of the defining attribute of karma and devoid of the defining attribute of being one responsible for karma; they are devoid of the defining attribute of klesha [negative mental or behavioural mode] and devoid of the defining attribute of being one who is responsible for kleshas. Noble son, wherever lakshanas [defining attributes] are extinguished is termed the true / real lakshana.

"Noble son, all dharmas are not veridical. Wherever they are extinguished is termed the True / the Real, the true ideation, the Dharmadhatu [all-encompassing realm of Ultimate Reality] , the Culmination of Knowing [nistha-jnana], Ultimate Truth [paramartha-satya], Ultimate Emptiness [paramartha-sunyata = complete Openness and Non-Obstruction by any limitations or limits].

"Noble son, if one engages in the lakshana [or "ideation"?], the Dharmadhatu, the Culmination of Knowing [nistha-jnana], Ultimate Truth, Ultimate Emptiness with inferior insight [prajna], one will attain the awakening of the sravakas; if with middle-grade insight, [one will attain the awakening of the] pratyekabuddha, and if with Top-Grade Insight, one will attain Unsurpassed Awakening."

When this Dharma had been delivered, 10,000 Bodhisattvas attained the real mental image of one life, one-million-five-hundred Bodhisattvas attained the two-life Dharmadhatu, two- million-five-hundred Bodhisattvas attained to Ultimate Knowing, and 3,500 Bodhisattvas awoke to Ultimate Truth. This Ultimate Truth is also Paramartha-Sunyata, and also the Suramgama Samadhi. Forty-five thousand Bodhisattvas attained the All-Emptiness Samadhi. This allEmptiness Samadhi is also called the Vast and Great Samadhi, and the Knowledge-Impression Samadhi. Fifty-five thousand Bodhisattvas attained non-retrogression cognition. This non-retrogression Samadhi is Dharma-accorded cognition, and also the Dharma-accorded world. Sixty-five thousand Bodhisattvas attained the dharani. This dharani is also the Great-Praying Mind, and is also Unobstructed Knowledge. And seventy-five thousand Bodhisattvas attained the Lion's Roar Samadhi. This Lion's Roar is also called the Adamantine Samadhi, and also the Samadhi of Five-Knowledge Impression. Eighty-five thousand Bodhisattvas attained the All-Equal Samadhi. This All-Equal Samadhi is also called Great Loving-Kindness and Great Compassion. Beings as numerous as the grains of sand of countless Ganges aspired to unsurpassed Bodhichitta [Awakened Mind]; beings as numerous as the grains of sand of countless Ganges aspired to the pratyeka mind, and beings as numerous as the grains of sand of innumerable Ganges aspired to the sravaka mind. Two-million-billion females of the worlds of the humans and the gods discarded their female forms and became males. Subhadra attained arhatship.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thiếu Thất lục môn


Vào thiền


Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.191.241 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...