Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 32 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần sáu »»
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các nghiệp đều không nhất định có quả, nếu tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, lẽ ra phải tu tập Tám Thánh đạo. Vậy do duyên cớ gì mà tất cả chúng sanh đều không đạt được Đại Niết-bàn?
“Bạch Thế Tôn! Nếu như tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhất định rồi sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, vậy cần gì phải tu tập Tám Thánh đạo?
“Bạch Thế Tôn! Như trong kinh này đã dạy, có những bệnh nhân dù gặp thầy gặp thuốc, có người chăm sóc, tùy bệnh mà cho ăn uống; hoặc không có được [những điều kiện ấy], rồi cũng đều khỏi bệnh. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy; dù có được gặp hàng Thanh văn, Phật Bích-chi, Bồ Tát, các bậc thiện tri thức, được nghe thuyết pháp, tu tập Thánh đạo; hoặc không được gặp, không được nghe, không tu tập đạo, rồi cũng đều sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Vì [họ đều] có tánh Phật.
“Bạch Thế Tôn! Ví như không ai có thể ngăn chặn mặt trời, mặt trăng không cho đi về phía núi Át-đa; cũng không ai có thể ngăn chặn bốn con sông cái không cho chảy vào biển cả; cũng không ai có thể ngăn chặn hạng nhất-xiển-đề khiến họ không vào địa ngục. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, không ai có thể ngăn chặn khiến họ không đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Vì [họ đều] có tánh Phật.
“Bạch Thế Tôn! Vì nghĩa ấy, tất cả chúng sanh không cần tu tập đạo. Vì nhờ sức của tánh Phật mà có thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chứ không cần đến sức tu tập Thánh đạo.
“Bạch Thế Tôn! Nếu như hạng nhất-xiển-đề, những kẻ phạm Bốn trọng cấm, phạm Năm tội nghịch đều không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì mới nên tu tập. Nhưng nhờ có tánh Phật nên chắc chắn rồi bọn họ cũng đều sẽ đạt được [A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề]; không phải nhân nơi việc tu tập rồi sau mới đạt được.
“Bạch Thế Tôn! Ví như đá nam châm, tuy ở xa [mạt] sắt, nhưng do sức hút mà [mạt] sắt phải hướng theo nó. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, nên không cần phải tu tập [Thánh] đạo.”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Như ven bờ sông Hằng có bảy hạng người vì muốn tắm rửa, hoặc vì sợ giặc cướp, hoặc vì hái hoa mà [nhảy] xuống nước [để qua] sông.
“Hạng người thứ nhất vừa nhảy xuống nước thì bị chìm hẳn. Vì sao vậy? Vì yếu ớt không sức lực, không luyện tập bơi lội.
“Hạng người thứ nhì tuy bị chìm xuống nhưng rồi lại nổi lên; nổi lên rồi lại chìm hẳn xuống. Vì sao vậy? Vì có sức lực mạnh mẽ nên nổi lên được, nhưng không luyện tập bơi lội nên nổi lên rồi lại chìm trở xuống.
“Hạng người thứ ba chìm xuống rồi nổi lên; nổi lên rồi thì không chìm xuống nữa. Vì sao vậy? Vì thân thể nặng nên [vừa xuống liền bị] chìm, nhưng có sức lực mạnh mẽ nên nổi lên được, và nhờ có luyện tập bơi lội nên nổi lên rồi thì có thể ở lại trên mặt nước.
“Hạng người thứ tư tuy bị chìm xuống nhưng rồi lại nổi lên; nổi lên rồi thì ở yên trên mặt nước; rồi sau đó quay nhìn khắp bốn hướng. Vì sao vậy? Vì thân thể nặng nên chìm; vì có sức lực mạnh nên nổi trở lên; vì có luyện tập bơi lội nên ở lại được trên mặt nước, nhưng vì không biết mình nổi lên ở chỗ nào nên quay nhìn khắp bốn hướng.
“Hạng người thứ năm xuống nước liền chìm, chìm rồi lại nổi; nổi lên rồi thì ở lại trên mặt nước; sau đó quay nhìn các hướng rồi bơi đi. Vì sao vậy? Vì có lòng sợ sệt.
“Hạng người thứ sáu rơi xuống nước rồi liền bơi đi, gặp chỗ cạn liền dừng lại. Vì sao vậy? Để nhìn xem giặc cướp ở gần hay ở xa.
“Hạng người thứ bảy bơi được đến bờ bên kia rồi liền đi lên núi cao, không còn lo sợ nữa, xa lìa khỏi bọn giặc thù, [an ổn nên] hưởng được niềm vui sướng lớn.
“Thiện nam tử! Dòng sông lớn sanh tử cũng giống như vậy. Ở đó có bảy hạng người vì sợ bọn giặc cướp phiền não nên khởi ý muốn vượt qua sông lớn sanh tử.
“[Có những người] xuất gia, cạo tóc, mặc y phục người tu. Nhưng xuất gia rồi lại gần gũi bạn xấu, làm theo lời dạy của những kẻ ấy, nghe và thọ nhận những tà pháp như là: ‘Thân của chúng sanh tức là năm ấm. Năm ấm tức là năm đại. Nếu chúng sanh chết đi thì mãi mãi dứt bỏ năm đại. Vì năm đại đã dứt, cần gì phải tu tập các nghiệp thiện ác? Vì vậy nên phải biết rằng không có việc thiện, việc ác cùng những quả báo thiện, ác.’ [Tin hiểu] như vậy gọi là nhất-xiển-đề. Nhất-xiển-đề gọi là dứt mất căn lành. Vì dứt mất căn lành nên chìm hẳn xuống dòng sông sanh tử không thể nổi lên. Vì sao vậy? Vì nghiệp ác nặng và không có sức mạnh của đức tin. Cũng giống như hạng người thứ nhất ở ven sông Hằng [vừa nói ở trên].
“Thiện nam tử! Hạng nhất-xiển-đề có sáu nhân duyên khiến cho phải chìm sâu trong ba đường ác không thể ra khỏi. Những gì là sáu? Một là vì tâm xấu ác quá mạnh; hai là vì không thấy [có] đời sau; ba là vì ưa thích tích tập phiền não; bốn là vì lìa xa các căn lành; năm là vì nghiệp ác ngăn che cách trở; sáu là vì gần gũi những kẻ xấu ác.
“Lại nữa, có năm việc khiến cho [chúng sanh] phải chìm sâu trong ba đường ác. Những gì là năm? Một là vì ở bên cạnh vị tỳ-kheo mà làm việc trái Chánh pháp; hai là vì ở bên cạnh vị tỳ-kheo ni mà làm việc trái Chánh pháp; ba là vì tự do sử dụng những đồ vật cúng dường [cho chư Tăng], bốn là vì ở bên cạnh mẹ mình mà làm việc trái Chánh pháp, năm là vì đối với năm bộ Tăng gây ra những chuyện thị phi tranh cãi qua lại.
“Lại nữa, có năm việc khiến cho [chúng sanh] phải chìm sâu trong ba đường ác. Những gì là năm? Một là vì thường nói rằng không có quả báo thiện ác. Hai là vì giết hại những chúng sanh phát tâm Bồ-đề. Ba là vì vui thích nói ra những chuyện lầm lỗi của người thuyết pháp. Bốn là vì đối với việc đúng pháp mà nói là không đúng pháp, đối với việc không đúng pháp lại nói là đúng pháp. Năm là vì cầu tìm những pháp sai lầm để thọ nhận.
“Lại nữa, có ba việc khiến cho [chúng sanh] phải chìm sâu trong ba đường ác. Những gì là ba? Một là cho rằng Như Lai là vô thường, diệt mất mãi mãi. Hai là cho rằng Chánh pháp là vô thường, biến đổi. Ba là cho rằng Tăng-già thật có thể hoại diệt. Vì ba điều đó nên thường chìm sâu trong ba đường ác.
“Hạng thứ nhì là những người khởi ý muốn vượt qua dòng sông sanh tử, nhưng vì dứt mất căn lành nên phải chìm sâu không sao thoát ra được. Nói thoát ra được là chỉ cho việc gần gũi bạn lành, ắt sẽ có được lòng tin. Có lòng tin nghĩa là tin ở việc bố thí và quả báo [tốt đẹp] của việc bố thí, tin ở việc lành và quả báo [tốt đẹp] của việc lành, tin ở việc ác và quả báo [đáng sợ] của việc ác, tin rằng chốn sanh tử là khổ não, vô thường, bại hoại. Đó gọi là lòng tin. Có lòng tin rồi, lại tu tập theo giới hạnh thanh tịnh, thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói [Mười hai bộ kinh], thường ưa thích làm việc bố thí, khéo tu trí tuệ.
“[Những người này tuy đã được như vậy,] nhưng vì căn trí ngu độn, lại gặp những bạn xấu ác nên không thể tu tập thân, giới, tâm, tuệ; nghe nhận theo các pháp tà; hoặc khi gặp thời xấu ác, cõi nước xấu ác liền dứt mất các căn lành. Vì dứt mất các căn lành nên thường phải chìm sâu trong chốn sanh tử. Những người này cũng giống như hạng người thứ nhì ở ven sông Hằng [vừa nói ở trên].
“Hạng thứ ba là những người khởi ý muốn vượt qua dòng sông sanh tử, nhưng vì dứt mất các căn lành nên vẫn phải chìm đắm trong đó. [Vì họ] gần gũi bạn lành nên được gọi là thoát ra khỏi. Những người này tin rằng Như Lai là bậc có trí rõ biết tất cả, thường hằng không biến đổi, vì chúng sanh nên mới thuyết diễn những lẽ cao trổi nhất của Chánh đạo; rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; rằng Như Lai không hề hoại mất, Pháp và Tăng cũng là như thế, không hề hoại mất; rằng bọn nhất-xiển-đề nếu không dứt bỏ pháp xấu ác tà kiến thì không bao giờ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cần phải lìa xa những pháp xấu ác ấy thì sau đó mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Những người này sau khi khởi lòng tin rồi liền tu tập theo giới hạnh thanh tịnh. Tu tập giới thanh tịnh rồi liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh, truyền bá rộng ra khắp nơi cho các chúng sanh; họ lại ưa thích làm việc bố thí, tu tập trí tuệ. Nhờ căn trí lanh lợi nên họ [tuy chưa thoát khỏi sanh tử nhưng được] an trụ vững vàng trong đức tin và trí tuệ, tâm không còn thối chuyển. Những người này giống như hạng người thứ ba ở ven sông Hằng, [nổi lên rồi có thể ở lại trên mặt nước].
“Hạng thứ tư là những người khởi ý muốn vượt qua dòng sông sanh tử, nhưng vì dứt mất các căn lành nên vẫn phải chìm đắm trong đó. Nhờ gần gũi bạn lành nên có được lòng tin, gọi là thoát ra khỏi. Những người này có được lòng tin rồi liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh, truyền rộng ra khắp nơi cho chúng sanh; họ lại ưa thích làm việc bố thí, tu tập trí tuệ. Nhờ căn trí lanh lợi nên họ an trụ vững vàng trong đức tin và trí tuệ, tâm không còn thối chuyển, [có thể] ngoái nhìn khắp bốn phương. Bốn phương đó tức là bốn quả sa-môn: [Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán]. Những người này cũng giống như hạng người thứ tư ở ven sông Hằng [vừa nói ở trên].
“Hạng thứ năm là những người khởi ý muốn vượt qua dòng sông sanh tử, nhưng vì dứt mất các căn lành nên vẫn còn phải chìm đắm trong đó. Nhờ gần gũi bạn lành nên thay đổi có được lòng tin, gọi là thoát ra khỏi. Những người này có được lòng tin rồi liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh, truyền rộng ra khắp nơi cho chúng sanh; họ lại ưa thích làm việc bố thí, tu tập trí tuệ. Nhờ căn trí lanh lợi nên họ an trụ vững vàng trong lòng tin và trí tuệ, tâm không còn thối chuyển. Nhờ không thối chuyển nên vượt lên phía trước. Vượt lên phía trước là nói [quả] Phật Bích-chi. Tuy có thể tự cứu độ mình nhưng không thể cứu độ hết chúng sanh, nên gọi là ‘bơi đi’. Những người này cũng giống như hạng người thứ năm ở ven sông Hằng [vừa nói ở trên].
“Hạng thứ sáu là những người khởi ý muốn vượt qua dòng sông sanh tử, nhưng vì dứt mất các căn lành nên vẫn còn phải chìm đắm trong đó. Nhờ gần gũi bạn lành nên đạt được lòng tin, gọi là thoát ra khỏi. Những người này có được lòng tin rồi liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh, truyền rộng ra khắp nơi cho chúng sanh; họ lại ưa thích làm việc bố thí, tu tập trí tuệ. Nhờ căn trí lanh lợi nên họ an trụ vững vàng trong lòng tin và trí tuệ, tâm không còn thối chuyển. Nhờ không thối chuyển nên vượt lên phía trước rồi đi đến chỗ cạn. Đi đến chỗ cạn rồi liền trụ yên không đi nữa. ‘Trụ yên không đi nữa’ là nói hàng Bồ Tát, vì muốn độ thoát chúng sanh nên trụ yên quán xét các phiền não. Những người này cũng giống như hạng người thứ sáu ở ven sông Hằng [vừa nói ở trên].
“Hạng thứ bảy là những người khởi ý muốn vượt qua dòng sông sanh tử, nhưng vì dứt mất các căn lành nên vẫn còn phải chìm đắm trong đó. Nhờ gần gũi bạn lành nên đạt được lòng tin. Đạt được lòng tin rồi, gọi là thoát ra khỏi. Vì có lòng tin nên liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh, truyền rộng ra khắp nơi cho các chúng sanh; họ lại ưa thích làm việc bố thí, tu tập trí tuệ. Nhờ căn trí lanh lợi nên họ an trụ vững vàng trong lòng tin và trí tuệ, tâm không còn thối chuyển. Nhờ không thối chuyển nên vượt lên phía trước. Vượt lên phía trước rồi liền sang đến bờ bên kia, thẳng đường lên núi cao, lìa khỏi mọi sự sợ sệt, hưởng được nhiều sự an vui.
“Thiện nam tử! Núi ở bờ bên kia là ví với Như Lai; hưởng được nhiều sự an vui là ví với Phật thường an trụ. Đỉnh núi cao kia là ví với Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Những người ở ven sông Hằng ấy đều có đủ tay chân nhưng không thể bơi qua khỏi sông. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, quả thật sẵn có Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, những yếu nghĩa của các pháp mà Như Lai thường thuyết; có Tám Thánh đạo, Đại Niết-bàn, nhưng đều không thể đạt được những điều ấy. Đó không phải lỗi của Như Lai, cũng không phải lỗi nơi Thánh đạo, mà là lỗi của chúng sanh. Nên biết rằng đó đều là những tai hại xấu ác của phiền não. Vì nghĩa ấy nên tất cả chúng sanh không đạt đến Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như vị lương y biết rõ bệnh, chỉ bày phương thuốc, nhưng người bệnh không uống, đó chẳng phải lỗi của lương y.
“Thiện nam tử! Ví như có vị thí chủ, dùng những vật sở hữu của mình thí cho tất cả mọi người, nhưng nếu có kẻ không nhận thì đó chẳng phải lỗi của vị thí chủ.
“Thiện nam tử! Ví như mặt trời mọc lên, những chỗ tối tăm đều trở nên sáng rõ, nhưng người mù không thấy đường đi, đó chẳng phải lỗi của mặt trời.
“Thiện nam tử! Như nước sông Hằng trừ được sự khát, nhưng nếu kẻ khát không chịu uống, đó chẳng phải lỗi của nước sông Hằng.
“Thiện nam tử! Ví như mặt đất sanh ra đủ mọi thứ quả, hạt, vốn là bình đẳng không phân biệt, nhưng nếu người nông phu không gieo trồng, đó chẳng phải lỗi của đất.
“Thiện nam tử! Như Lai vì tất cả chúng sanh, mở bày phân biệt giảng giải Mười hai bộ kinh, nhưng nếu chúng sanh không thọ nhận, đó chẳng phải lỗi của Như Lai.
“Thiện nam tử! Nếu tu tập theo Chánh đạo tất nhiên sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Như lời ông nói: ‘Chúng sanh đều có tánh Phật, lẽ ra đều đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; [vì] tánh Phật ấy cũng như đá nam châm [sẵn có tính chất hút mạt sắt].
“Lành thay, lành thay! Nhờ có sức nhân duyên tánh Phật mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nhưng nếu nói rằng không cần tu Thánh đạo thì nghĩa ấy không đúng.
“Thiện nam tử! Ví như có một người đi qua vùng hoang vắng, đang khát nước và gặp được một cái giếng. Giếng ấy sâu tối, tuy không thấy được nước nhưng người ấy biết chắc rằng dưới giếng có nước, bèn dùng phương tiện tìm thùng, kiếm dây, múc lên và thấy được nước.
“Tánh Phật cũng như thế. Tất cả chúng sanh tuy có tánh Phật, nhưng cần phải tu tập Thánh đạo vô lậu, sau đó mới thấy được tánh Phật.
“Thiện nam tử! Ví như có mè ắt được dầu mè. Nhưng nếu lìa bỏ các phương tiện [ép dầu] thì không thấy được dầu. Ví như cây mía cũng vậy, [tuy sẵn có đường nhưng nếu không có phương tiện thì không có được đường.]
“Thiện nam tử! Như cõi trời Ba mươi ba và châu Uất-đan-việt ở phương bắc tuy là thật có, nhưng nếu không có thiện nghiệp, thần thông, đạo lực thì không thể thấy được.
“Cũng như rễ cỏ dưới mặt đất và nước ngầm nằm sâu dưới đất, vì mặt đất che lấp nên chúng sanh không thấy được. Tánh Phật cũng vậy, vì chúng sanh không tu tập Thánh đạo nên không thể thấy được.
“Thiện nam tử! [Như ông có thắc mắc về nghĩa này]: ‘Có những bệnh nhân cho dù được gặp thầy thuốc, được người săn sóc, dùng thuốc tốt, tùy bệnh mà ăn uống [thích hợp], hoặc là không gặp được những điều kiện ấy cũng đều khỏi bệnh.’
“Thiện nam tử! Ta vì hàng Bồ Tát trụ ở sáu địa vị đầu tiên mà nói nghĩa như vậy.
“Thiện nam tử! Như đối với chúng sanh thì hư không chẳng phải ở trong, cũng chẳng phải ở ngoài. Vì chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài nên không có sự ngăn ngại. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như có người hiện cất giữ tiền bạc ở nơi xa; tuy hiện thời không thể tùy ý sử dụng, nhưng có người hỏi đến ắt có thể hứa cho. Vì sao vậy? Vì đã chắc chắn là có tiền. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, chẳng phải ở chỗ này, chẳng phải ở chỗ kia, nhưng vì chắc chắn sẽ có được nên ta nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.
“Thiện nam tử! Ví như chúng sanh tạo tác các nghiệp, hoặc thiện, hoặc ác, đều không phải ở trong, cũng không phải ở ngoài. Tánh của các nghiệp như thế là chẳng phải có, chẳng phải không, cũng chẳng phải trước không mà sau có, lại chẳng phải không do nhân mà có; chẳng phải tạo tác thế này thọ nhận thế này, hoặc tạo tác thế này thọ nhận thế ấy; hoặc tạo tác thế ấy thọ nhận thế ấy, hoặc không tạo tác, không thọ nhận. Do có đủ các điều kiện hòa hợp và thời điểm thích hợp mà có quả báo.
“Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, cũng chẳng phải trước không mà sau có, chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài; chẳng phải có, chẳng phải không; chẳng phải chỗ này, chẳng phải chỗ kia, chẳng phải từ chỗ khác đến; chẳng phải không có nhân duyên; cũng chẳng phải tất cả chúng sanh đều không thấy. Có các vị Bồ Tát khi hội đủ các điều kiện nhân duyên hòa hợp liền thấy được tánh Phật. Các điều kiện, đó là nói hàng Đại Bồ Tát ở địa vị Thập trụ, tu tập Tám Thánh đạo, đạt được tâm bình đẳng đối với các chúng sanh, khi ấy thấy được tánh Phật, không gọi là tạo tác.
“Thiện nam tử! Như đưa ra ví dụ rằng [tánh Phật] giống như đá nam châm, nghĩa ấy chẳng đúng. Vì sao vậy? Đá không hút [mạt] sắt. Vì lý do gì? Vì nghiệp [của đá ấy] là không có tâm.
“Thiện nam tử! Có những pháp hiện hữu nên các pháp khác sanh ra; có những pháp không hiện hữu nên các pháp khác hoại diệt; [thật] không có ai làm cho chúng sanh ra, [cũng] không có ai làm cho chúng hoại diệt.
“Thiện nam tử! Như ngọn lửa mạnh thật không thể thiêu mất củi, chỉ vì khi lửa hiện ra, củi hoại mất, nên gọi là thiêu mất củi.
“Thiện nam tử! Ví như hoa hướng dương xoay theo mặt trời, nhưng hoa ấy không hề có lòng cung kính, không có nhận thức, cũng không có nghiệp. Chỉ vì có tánh pháp riêng biệt nên tự nhiên xoay theo.
“Thiện nam tử! Như cây chuối, nhân tiếng sấm mà lớn lên. Nhưng loài cây này không có tai nghe, cũng không có tâm ý, nhận thức. Chỉ vì có pháp này hiện hữu mà pháp kia tăng trưởng; vì pháp này không hiện hữu mà pháp kia hoại diệt.
“Thiện nam tử! Như cây a-thúc-ca, khi có nữ nhân chạm vào thì hoa nó nở ra. Cây ấy không có tâm ý, cũng không có cảm giác về sự đụng chạm. Chỉ vì có pháp này hiện hữu mà pháp kia sanh ra; vì pháp này không hiện hữu mà pháp kia hoại diệt.
“Thiện nam tử! Như cây quít dùng xác thú vật làm phân bón thì rất sai trái. Nhưng cây quít ấy không có tâm ý, cũng không có cảm xúc. Chỉ vì có pháp này hiện hữu mà pháp kia sanh ra; vì pháp này không hiện hữu mà pháp kia hoại diệt.
“Thiện nam tử! Như cây an-thạch-lựu, nhờ dùng xương nung làm phân bón nên trái sai hạt nhiều. Nhưng cây an-thạch-lựu cũng không hề có tâm ý, cảm xúc. Chỉ vì có pháp này hiện hữu mà pháp kia sanh ra; vì pháp này không hiện hữu mà pháp kia hoại diệt.
“Thiện nam tử! Đá nam châm hút mạt sắt cũng giống như vậy: vì có pháp này hiện hữu mà pháp kia sanh ra; vì pháp này không hiện hữu mà pháp kia hoại diệt. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, không thể do sức cuốn hút [của tánh Phật] mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vô minh không thể hấp dẫn các hành; các hành cũng không thể hấp dẫn các thức; nhưng có thể nói là vô minh duyên với hành, hành duyên với thức. Dầu có hay không có Phật, cõi pháp vẫn là thường trụ [diễn tiến như vậy].
“Thiện nam tử! Pháp thường tồn là không có chỗ trụ. Nếu nói rằng tánh Phật trụ nơi chúng sanh, ấy là có chỗ trụ, tức là vô thường.
“Thiện nam tử! Như Mười hai nhân duyên không có chỗ trụ nhất định; nếu có chỗ trụ thì Mười hai nhân duyên ấy không gọi là thường. Pháp thân của Như Lai cũng không có chỗ trụ. Các pháp giới, nhập, ấm và hư không, thảy đều không có chỗ trụ. Tánh Phật cũng thế, hoàn toàn không có chỗ trụ.
“Thiện nam tử! Ví như bốn đại tuy có năng lực cân bằng nhau, nhưng trong đó có chất cứng, có chất nóng, có chất ướt, có chất chuyển động; lại có nặng có nhẹ, có đỏ có trắng, có vàng có đen... Nhưng bốn đại ấy thật không có nghiệp, vì thuộc về các pháp khác nhau nên mỗi loại đều chẳng giống nhau. Tánh Phật cũng thế, vì thuộc về pháp khác nhau, nên đến lúc thích hợp ắt sẽ hiện ra.
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh vì không thối chuyển đối với tánh Phật nên gọi là có tánh Phật. Vì có trí tuệ không thối chuyển, nên sẽ có tánh Phật. Vì chắc chắn rồi sẽ được, nhất định rồi sẽ thấy, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.
“Thiện nam tử! Ví như có vị vua sai quan đại thần: ‘Hãy dắt một con voi đến cho những người mù xem.’ Bấy giờ, viên quan nhận lệnh vua, tập trung nhiều người mù lại rồi đưa voi đến cho họ. Những người mù ấy đều dùng tay để sờ voi. Viên quan đại thần trở về tâu lên vua rằng: ‘Thần đã cho họ xem voi rồi.’ Nhà vua liền cho gọi những người mù ấy đến, hỏi từng người rằng: ‘Các ông có thấy voi chăng? Những người mù ấy thảy đều đáp: ‘Tôi đã thấy rồi.’ Vua hỏi: ‘Con voi giống như vật gì?’
“Người mù đã sờ ngà voi liền đáp: ‘Con voi có hình dạng như củ cải.’ Người mù đã sờ nhằm tai voi tâu: ‘Con voi có hình dạng [tròn dẹp] như cái nia.’ Người mù sờ đầu voi lại nói: ‘Con voi hình dạng [to và cứng] như khối đá.’ Người mù đã sờ vòi voi nói: ‘Con voi có hình dạng [tròn và dài] như cái chày. Người mù sờ chân voi lại nói: ‘Con voi có hình dạng như cái cối gỗ.’ Người mù đã sờ lưng voi lại nói: ‘Con voi có hình dạng như cái giường nằm.’ Người mù sờ bụng voi thì nói: ‘Con voi có hình dạng [tròn to] như cái lu. Người sờ nhằm đuôi voi lại nói: ‘Con voi có hình dạng như sợi dây thừng lớn.’
“Thiện nam tử! Những người mù ấy thật không nói được [đủ] hình thể của con voi, nhưng cũng không phải là không nói được. Nếu là các tướng trạng [như họ nói] thì chẳng phải voi, nhưng lìa khỏi các tướng trạng ấy cũng không riêng có voi.
“Thiện nam tử! Vị vua ấy ví với đức Như Lai, bậc Chánh biến tri; viên quan đại thần là ví với kinh Phương đẳng Đại Niết-bàn; con voi là ví với tánh Phật; những người mù là ví với tất cả chúng sanh còn mê muội.
“Các chúng sanh ấy sau khi nghe Phật thuyết dạy, có kẻ liền nói rằng: ‘Hình sắc là tánh Phật. Vì sao vậy? Hình sắc này tuy diệt nhưng vẫn tuần tự nối nhau không dứt, do đó mới đạt được Ba mươi hai tướng cao trổi nhất của Như Lai. Sắc của Như Lai là thường, vì sắc của Như Lai là thường trụ, không dứt mất, cho nên nói rằng hình sắc là tánh Phật. Ví như vàng thật, tuy hình dạng thay đổi nhưng màu sắc vẫn không đổi khác; hoặc dùng làm vòng đeo tay, làm lược, làm mâm... nhưng màu sắc vẫn không thay đổi. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, hình chất tuy là vô thường nhưng sắc vẫn là thường. Cho nên nói rằng hình sắc là tánh Phật.’
“Lại có người nói rằng: ‘Cảm thọ là tánh Phật. Vì sao vậy? Do nhân duyên là cảm thọ mới đạt được sự vui chân thật của Như Lai. Cảm thọ của Như Lai là cảm thọ rốt ráo, là cảm thọ chân thật đệ nhất. Cảm thọ của chúng sanh tuy tánh là vô thường nhưng tuần tự tiếp nối không dứt nên mới có thể đạt đến cảm thọ thường tồn của Như Lai. Ví như có người mang họ Kiều-thi-ca, người tuy vô thường nhưng họ ấy là thường, dù trải qua muôn đời vẫn không thay đổi. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, cho nên nói rằng cảm thọ là tánh Phật.’
“Lại có người nói rằng: ‘Tưởng là tánh Phật. Tại sao vậy? Nhờ nhân duyên là niệm tưởng mà có thể đạt được tưởng chân thật của Như Lai. Cái tưởng của Như Lai gọi là cái tưởng không có niệm tưởng. Cái tưởng không có niệm tưởng đó chẳng phải niệm tưởng chúng sanh, chẳng phải niệm tưởng nam nữ, cũng chẳng phải niệm tưởng thuộc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng thuộc về những niệm tưởng dứt đoạn. Niệm tưởng của chúng sanh tuy là vô thường, nhưng nhờ niệm tưởng ấy tuần tự nối tiếp không dứt nên mới có thể đạt được cái tưởng thường tồn của Như Lai. Ví như Mười hai nhân duyên của chúng sanh; chúng sanh tuy diệt mất nhưng nhân duyên vẫn là thường. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy; cho nên nói rằng tưởng là tánh Phật.’
“Lại có người nói rằng: ‘Hành là tánh Phật. Vì sao vậy? Hành là thọ mạng. Do nhân duyên thọ mạng này mà đạt được thọ mạng thường trụ của Như Lai. Thọ mạng của chúng sanh tuy là vô thường nhưng tuần tự nối tiếp không dứt, nên [nhờ đó] mới đạt được cái thọ mạng thường trụ, chân thật của Như Lai. Ví như Mười hai bộ kinh, tuy kẻ nghe kinh và người giảng kinh đều là vô thường, nhưng kinh điển ấy vẫn là thường tồn, không biến đổi. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, cho nên nói rằng hành là tánh Phật.’
“Lại có người nói rằng: ‘Thức là tánh Phật. Vì sao vậy? Do nhân duyên là thức mà đạt được tâm bình đẳng của Như Lai. Ý thức của chúng sanh tuy là vô thường nhưng tuần tự tiếp nối không dứt, nên mới có thể đạt được tâm thường hằng và chân thật của Như Lai. Ví như tính chất của lửa là nóng ấm. Lửa ấy tuy vô thường nhưng tánh nóng chẳng phải vô thường. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, cho nên nói rằng thức là tánh Phật.’
“Lại có người nói rằng: ‘Lìa các ấm thì có ngã, ngã ấy là tánh Phật. Vì sao vậy? Do nhân duyên là ngã mà đạt được cái ngã có Tám đức tự tại của Như Lai. Có những ngoại đạo nói rằng: Những sự đi lại, thấy nghe, buồn vui, nói năng giảng thuyết... là ngã. Những tướng ngã ấy tuy là vô thường, nhưng cái ngã của Như Lai chân thật là thường. Như ấm, nhập, giới tuy là vô thường nhưng cũng gọi là thường. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy.’
“Thiện nam tử! Như những người mù kia, mỗi người đều nói về con voi. Tuy chưa đạt đến sự thật, nhưng quả thật đều là nói về con voi. Những kẻ nói về tánh Phật [như trên] cũng giống như vậy. Tánh Phật không phải là sáu pháp [sắc, thọ, tưởng, hành, thức và ngã], nhưng cũng không lìa ra ngoài sáu pháp ấy.
“Thiện nam tử! Cho nên ta có dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh chẳng phải sắc, chẳng lìa sắc... cho đến chẳng phải ngã, chẳng lìa ngã.’
“Thiện nam tử! Có những ngoại đạo tuy nói có ngã nhưng thật là vô ngã. Cái ngã [giả tạm] của chúng sanh tức là năm ấm; lìa ra ngoài năm ấm không riêng có ngã.
“Thiện nam tử! Ví như cọng sen, cánh sen, tua sen, gương sen cùng hợp lại thành đóa hoa sen; lìa khỏi các thứ này thì không riêng có hoa sen nào khác. Cái ngã của chúng sanh cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như những tường vách, cây cột, cỏ lợp [thành mái]... cùng hợp lại gọi là cái nhà; lìa khỏi những thứ ấy không riêng có cái nhà nào khác!
“Như các loại cây khư-đà-la, ba-la-xa, ni-câu-đà, uất-đàm-bát... cùng hợp lại thành khu rừng, lìa khỏi các thứ cây ấy không riêng có khu rừng nào khác.
“Ví như các loại quân dùng xe, quân cưỡi voi, quân cưỡi ngựa, quân đánh bộ cùng hợp thành quân đội; lìa khỏi các loại quân ấy không riêng có quân đội nào khác.
“Ví như những sợi chỉ dệt xen lẫn năm màu hòa hợp gọi là tấm lụa thêu; lìa khỏi những sợi chỉ năm màu ấy không riêng có tấm lụa thêu nào khác.
“Như cả bốn chủng tánh hợp lại gọi là đại chúng; lìa khỏi các chủng tánh ấy không riêng có đại chúng nào khác.
“Cái ngã của chúng sanh cũng giống như vậy; lìa khỏi năm ấm thì không riêng có cái ngã nào khác!
“Thiện nam tử! Đấng Như Lai thường trụ, ắt gọi là ngã. Pháp thân Như Lai không giới hạn, không ngăn ngại, không sanh, không diệt, có Tám đức tự tại, đó gọi là ngã. Chúng sanh quả thật không có cái ngã [chân thật] và những đức thuộc về ngã như vậy, chỉ vì chắc chắn họ sẽ đạt được nghĩa không chân thật rốt ráo đệ nhất, cho nên gọi là [có] tánh Phật.
“Thiện nam tử! Đại từ, đại bi gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì đại từ, đại bi thường theo Bồ Tát như bóng theo hình. Tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được đại từ, đại bi, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Đại từ, đại bi gọi là tánh Phật. Tánh Phật gọi là Như Lai.
“Đại hỷ, đại xả gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì nếu Bồ Tát ma-ha-tát không thể buông xả Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu ắt không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được quả ấy nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Đại hỷ, đại xả tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Đức tin lớn lao gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì nhờ đức tin mà Bồ Tát ma-ha-tát thể đạt được đầy đủ từ Bố thí Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật. Vì tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ có được đức tin nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Đức tin lớn lao tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Địa vị Nhất tử [của hàng Bồ Tát] gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì nhờ nhân duyên là địa vị này, Bồ Tát đạt được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt đến địa vị Nhất tử, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Địa vị Nhất tử tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Trí lực thứ tư [trong Thập lực] gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì nhờ nhân duyên là trí lực này, Bồ Tát có thể giáo hóa chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được trí lực thứ tư này, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Trí lực thứ tư tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Mười hai nhân duyên gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì nhờ những nhân duyên ấy mà Như Lai thường trụ. Vì tất cả chúng sanh chắc chắn đều có Mười hai nhân duyên như vậy nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Mười hai nhân duyên tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Bốn trí không ngăn ngại gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì nhờ nhân duyên là Bốn trí không ngăn ngại mà có thể giảng nói ý nghĩa từ ngữ một cách không ngăn ngại. Nhờ không ngăn ngại đối với ý nghĩa của từ ngữ nên có thể giáo hóa chúng sanh. Bốn trí vô ngại tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Đỉnh tam-muội gọi là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì tu tập pháp Đỉnh tam-muội ấy ắt có thể tổng nhiếp tất cả pháp Phật. Cho nên nói rằng Đỉnh tam-muội là tánh Phật. Hàng Bồ Tát Thập trụ tu tập phép tam-muội ấy nhưng chưa đạt được đầy đủ, nên tuy thấy được tánh Phật mà chưa được sáng rõ. Vì lẽ tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được phép Đỉnh tam-muội nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.
“Thiện nam tử! Như trên ta vừa giảng qua đủ mọi pháp khác nhau, [những pháp ấy] tất cả chúng sanh chắc chắn đều sẽ đạt được, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.
“Thiện nam tử! Nếu ta dạy rằng sắc là tánh Phật, chúng sanh nghe vậy ắt khởi sanh lòng tà vạy điên đảo. Vì tà vạy điên đảo nên khi mạng chung ắt phải sanh vào địa ngục A-tỳ. Như Lai thuyết pháp là muốn trừ dứt trừ [nghiệp] địa ngục, cho nên không nói rằng sắc là tánh Phật, cho đến [cũng không] nói thức [là tánh Phật].
“Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh thấy rõ tánh Phật ắt không cần tu tập Chánh đạo. [Nhưng] hàng Bồ Tát Thập trụ tu tập Tám Thánh đạo còn chỉ thấy được đôi chút tánh Phật, huống chi những kẻ không tu tập lẽ nào lại thấy được hay sao?
“Thiện nam tử! Như Văn-thù-sư-lợi và các vị Bồ Tát đã trải qua vô lượng kiếp tu tập Thánh đạo mới rõ biết tánh Phật, làm sao hàng Thanh văn và Phật Bích-chi có thể biết được tánh Phật? Nếu chúng sanh muốn rõ biết tánh Phật, cần phải hết lòng thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng thuyết, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán kinh Niết-bàn này. Như thấy ai thọ trì, đọc tụng... cho đến tôn trọng, tán thán kinh này thì nên dùng những thứ tốt đẹp như phòng ốc, y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men... để cung cấp cho người ấy, cũng như phải ngợi khen xưng tán, lễ bái, thường đến thăm hỏi.
“Thiện nam tử! Những ai đã từng trải qua vô lượng vô biên kiếp quá khứ gần gũi cúng dường vô lượng chư Phật, trồng sâu căn lành, mới có thể được nghe đến danh hiệu kinh này.
“Thiện nam tử! Tánh Phật là không thể nghĩ bàn; Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo cũng là không thể nghĩ bàn. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật nhưng không biết được, việc này cũng là không thể nghĩ bàn. Các pháp thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai cũng là không thể nghĩ bàn. Tất cả chúng sanh có thể tin vào kinh Đại Niết-bàn này, điều đó cũng là không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa nói: ‘Tất cả chúng sanh có thể tin vào kinh Đại Niết-bàn này, điều đó cũng là không thể nghĩ bàn.’
“Thế Tôn! Trong đại chúng này có tám vạn năm ngàn ức người không sanh lòng tin đối với kinh này. Cho nên nếu ai có thể tin vào kinh này, đó gọi là không thể nghĩ bàn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người [không sanh lòng tin] như vậy, trong đời vị lai chắc chắn rồi cũng sẽ có được lòng tin đối với kinh này, sẽ thấy được tánh Phật, đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Làm sao vị Bồ Tát không thối chuyển tự biết chắc chắn rằng mình có tâm không thối chuyển?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nên dùng sự khổ hạnh mà tự nghiệm biết tâm mình. Mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, trải qua bảy ngày; rồi tiếp đến là gạo, đậu xanh, hạt gai, lúa nếp, đậu trắng, mỗi thứ như vậy cũng chỉ ăn mỗi ngày một hạt trong suốt bảy ngày. Trong mỗi một giai đoạn bảy ngày như vậy đều giống như trong khi ăn mỗi ngày một hạt mè, Bồ Tát thường suy nghĩ rằng: ‘Khổ hạnh như thế này hoàn toàn không có lợi ích gì cả. Việc không lợi ích mà [ta] còn làm được, huống chi những việc có lợi ích lẽ nào lại không làm? Đối với việc không lợi ích mà tâm [ta] có thể nhẫn chịu, không hề thối chuyển, cho nên nhất định [ta] sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Những ngày tu hành khổ hạnh như vậy, tất cả da thịt Bồ Tát đều gầy tóp, nhăn nheo, như trái bầu tươi cắt đem phơi nắng; hố mắt lõm sâu vào [chỉ còn lấp lánh] như ngôi sao [nhìn thấy] dưới đáy giếng; thân không còn thịt, xương sườn lộ ra, như căn nhà tranh mục nát [bày ra các sườn tre]; các đốt xương sống liền nhau hiện ra, trông như một sợi dây thừng lớn xoắn lại; khi ngồi nơi nào thì [xương bàn tọa] lún vào mặt đất như hình móng chân ngựa; khi muốn ngồi thì gục xuống, khi muốn đứng lại ngã lăn. Tuy chịu đựng những nỗi khổ vô ích như vậy, nhưng Bồ Tát không hề thối mất tâm Bồ-đề.
“Lại nữa, Bồ Tát ma-ha-tát vì muốn phá trừ mọi sự khổ não, ban phát sự an vui, nên có thể xả bỏ hết mọi thứ quý giá ở trong và ngoài thân, cho đến cả thân mạng, như người ta vất bỏ nắm cỏ rơm. Nếu có thể không tham tiếc thân mạng, thì Bồ Tát tự biết rằng mình chắc chắn có tâm không thối chuyển, biết chắc rằng mình sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, Bồ Tát vì nhân duyên Chánh pháp mà khoét thân mình làm đèn, dùng da thịt đắp quanh nhiều lớp, tưới dầu vào mà đốt, dùng thân mình làm tim đèn. Bấy giờ, Bồ Tát nhận chịu sự khổ não lớn lao như vậy lại tự quở trách lòng mình rằng: ‘Sự khổ này so với sự khổ ở địa ngục chưa được một phần trong trăm ngàn muôn phần. Dù ta có chịu khổ não lớn lao trong vô lượng trăm ngàn kiếp cũng hoàn toàn không có lợi ích gì, nhưng nếu không chịu đựng được nỗi khổ nhỏ này, làm sao có thể ở trong địa ngục mà cứu khổ cho chúng sanh?’
“Đại Bồ Tát quán niệm như vậy rồi, tự thân không còn thấy khổ; tâm không thối lui, không lay động, không chuyển đổi. Khi ấy Bồ Tát nên tự rõ biết sâu xa rằng chắc chắn mình sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, vì Bồ Tát chưa trừ dứt được nên vẫn còn đủ các phiền não, nhưng vì nhân duyên Chánh pháp mà Bồ Tát có thể dùng đầu mắt, tủy não, tay chân, máu thịt của mình để bố thí cho kẻ khác; hoặc dùng đinh nhọn đóng vào thân, hoặc nhảy vào lửa đỏ. Lúc ấy, tuy Bồ Tát chịu đựng vô lượng khổ não, nhưng nếu tâm không thối lui, không lay động, không chuyển đổi thì Bồ Tát nên biết chắc rằng đã có được tâm không thối chuyển, chắc chắn sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát vì muốn trừ hết khổ não cho tất cả chúng sanh nên nguyện [sanh] làm thân súc vật to lớn thô kệch để dùng máu thịt của chính thân mình mà bố thí cho chúng sanh. Khi chúng sanh bắt được mình, Bồ Tát lại sanh lòng thương xót họ, liền tự mình nín thở, hiện tướng như đã chết, để những kẻ bắt giữ Bồ Tát không phải sanh tâm lo ngại rằng đã phạm tội giết hại. Tuy Bồ Tát thọ thân súc sanh nhưng thật không hề có tạo nghiệp súc sanh. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Bồ Tát đã được tâm không thối chuyển rồi thì không bao giờ tạo tác nghiệp [để phải sanh vào] trong ba đường ác.
“Nếu trong đời vị lai Bồ Tát ma-ha-tát có những quả báo của nghiệp ác nhiều như số hạt bụi nhỏ, cũng không nhất định phải thọ nhận, nhưng Bồ Tát dùng sức nguyện lớn, vì tất cả chúng sanh mà thọ nhận tất cả. Ví như người bệnh bị loài quỷ mị nhập vào, ẩn nấp trong thân [không ai thấy được]. Nhờ sức chú thuật liền hiện ra các tướng, hoặc nói năng, hoặc vui mừng, hoặc giận dữ, hoặc chửi mắng, hoặc kêu khóc. Những nghiệp [ác phải sanh] trong ba đường ác vào đời vị lai của Bồ Tát ma-ha-tát cũng giống như vậy.
“Vị Đại Bồ Tát khi thọ thân loài gấu vẫn thường giảng thuyết Chánh pháp với chúng sanh; hoặc thọ thân loài chim trĩ cũng là vì để giảng thuyết Chánh pháp với chúng sanh; hoặc thọ thân cồ-đà, thân hươu, thân thỏ, thân voi, thân dê đen, thân khỉ, thân bồ câu trắng, thân chim kim sí, các thân rồng, rắn... Đang khi thọ các thân súc sanh như vậy nhưng Bồ Tát không hề tạo tác các nghiệp ác của súc sanh, thường vì những chúng sanh súc sanh khác mà giảng thuyết Chánh pháp, khiến họ nghe pháp rồi liền được nhanh chóng chuyển hóa, lìa bỏ thân súc sanh. Bấy giờ, tuy Bồ Tát thọ thân súc sanh nhưng không hề tạo tác các nghiệp ác nên biết chắc rằng đã có được tâm không thối chuyển.
“Gặp thời đói kém, Bồ Tát ma-ha-tát nhìn thấy chúng sanh đói khổ bèn sanh làm thân rùa, thân cá, dài đến vô lượng do-diên; lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện khi chúng sanh cắt lấy thịt trong thân ta, liền ngay khi ấy sanh ra thịt khác; nhờ ăn thịt ta mà thoát được nỗi khổ đói khát, rồi tất cả đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’
“Bồ Tát phát nguyện rằng: ‘Những ai nhờ ta mà được lìa khỏi đói khát, nguyện cho trong đời vị lai cũng sẽ nhanh chóng được lìa xa nạn đói khát trong Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu!’
“Bồ Tát ma-ha-tát thọ khổ như vậy mà tâm không thối chuyển, nên biết chắc chắn rằng sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, gặp thời có dịch bệnh lan tràn, Bồ Tát nhìn thấy những kẻ bệnh khổ liền suy nghĩ rằng: ‘Như cây thuốc chúa, nếu người bệnh được dùng rễ, thân hay cành lá, hoa, quả của cây ấy đều được khỏi bệnh. Nguyện cho thân ta đây cũng giống như vậy! Nếu người có bệnh nghe được tiếng ta, chạm vào thân ta, hoặc ăn thịt, uống máu ta, cho đến dùng xương tủy của ta đều sẽ được khỏi bệnh. Nguyện cho các chúng sanh trong khi ăn thịt ta không sanh tâm độc ác, [thương xót] như ăn thịt con mình! Ta trị bệnh cho chúng sanh rồi lại thường vì họ thuyết pháp, nguyện cho họ sẽ tin nhận, suy xét và mang giáo pháp dạy cho những người khác!
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát vẫn còn đủ các phiền não, tuy thân chịu khổ nhưng tâm không thối lùi, không lay động, không chuyển đổi, nên biết chắc rằng đã được tâm không thối chuyển, sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những chúng sanh bị quỷ mị làm cho mắc bệnh, Bồ Tát thấy vậy rồi liền nói: ‘Ta nguyện làm thân quỷ to lớn, dũng kiện, có nhiều quyến thuộc, khiến những người kia hoặc nghe hoặc thấy [thân ta] liền được khỏi bệnh!’ Bồ Tát ma-ha-tát vì chúng sanh mà siêng tu khổ hạnh, tuy có phiền não nhưng không hề bị nhiễm ô trong tâm.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tuy cũng tu hành sáu pháp ba-la-mật nhưng không cầu được [hưởng] quả của sáu pháp ba-la-mật. Trong khi tu hành sáu pháp ba-la-mật không gì hơn được, Bồ Tát phát nguyện rằng: ‘Nay ta dùng sáu pháp ba-la-mật này bố thí cho tất cả chúng sanh. Nguyện cho mỗi chúng sanh sau khi thọ nhận bố thí của ta rồi đều được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chính ta cũng thực hành sáu pháp ba-la-mật, siêng tu khổ hạnh, nhận chịu các khổ não. Đang khi thọ nhận khổ não, ta nguyện không thối chuyển tâm Bồ-đề!’ Thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát quán tưởng như thế thì gọi là tướng Bồ-đề không thối chuyển.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát là không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Bồ Tát ma-ha-tát rõ biết sâu xa rằng cuộc sanh tử có nhiều tai hại, nhìn thấy Đại Niết-bàn có công đức lớn. Dù vậy, Bồ Tát vì chúng sanh mà thường ở chốn sanh tử, nhận chịu mọi thứ khổ não nhưng tâm không hề thối chuyển. Cho nên gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát không cần có nhân duyên gì mà vẫn sanh lòng thương xót [tất cả chúng sanh]; Bồ Tát không chịu [ơn] mà thường làm ơn [với kẻ khác]. Tuy Bồ Tát làm ơn nhưng không cầu sự báo đáp. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Hoặc có những chúng sanh vì lợi ích riêng mình mà tu hành khổ hạnh. Bồ Tát ma-ha-tát chỉ vì lợi ích cho người khác mà tu hành khổ hạnh, xem đó là lợi ích cho chính mình. Cho nên cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, Bồ Tát tuy còn đủ mọi phiền não, nhưng vì muốn phá trừ sự khổ não cho cả kẻ oán lẫn người thân, liền tu tập tâm bình đẳng. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, nếu Bồ Tát thấy những chúng sanh độc ác, không hiền lành, liền quở trách nặng nề, hoặc dùng lời dịu ngọt [khuyên răn], hoặc xua đuổi cách ly, hoặc bỏ mặc. Đối với kẻ tánh tình độc ác thì dùng lời dịu ngọt; đối với kẻ kiêu mạn thì tỏ vẻ kiêu mạn hơn [cả họ], nhưng trong lòng thật không có chút kiêu mạn nào. Đó gọi là phương tiện của Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, Bồ Tát tuy còn đủ mọi phiền não, trong khi chỉ có ít tài vật mà kẻ đến xin lại rất nhiều, lòng cũng không hẹp hòi. Đó gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, vào lúc có Phật ra đời, Bồ Tát rõ biết công đức của Phật. Bồ Tát lại vì chúng sanh mà sanh ra ở những nơi không có Phật, thọ thân ở những vùng xa vắng tối tăm; hoặc làm những người đui, điếc, què, cụt... Đó gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, Bồ Tát rõ biết sâu xa những tội lỗi, sai lầm của chúng sanh, nhưng vì muốn độ thoát chúng sanh nên thường cùng họ làm việc. Tuy thường tùy theo ý chúng sanh nhưng không bị tội lỗi xấu ác làm ô nhiễm. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, Bồ Tát thấy biết rõ ràng là không có tướng chúng sanh, không có phiền não nhiễm ô, không có kẻ tu tập Chánh đạo lìa xa phiền não. Tuy tu tập Bồ-đề nhưng không có hạnh Bồ-đề, cũng không có người thành tựu Bồ-đề; không có người chịu khổ và không có người phá trừ sự khổ. Dù vậy, Bồ Tát vẫn có thể vì chúng sanh mà phá trừ sự khổ, thực hành hạnh Bồ-đề. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Lại nữa, Bồ Tát thọ thân gần cuối ở cõi trời Đâu-suất, đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Cõi trời Đâu-suất là tốt đẹp hơn hết trong Dục giới. Những cõi trời thấp hơn thì có tâm buông thả, lười nhác; những cõi trời cao hơn thì các căn ám độn. Cho nên cõi trời Đâu-suất là hơn hết. Những ai tu tập bố thí, trì giới sẽ được sanh về những cõi trời ở bên trên hoặc bên dưới. Những ai tu tập bố thí, trì giới, thiền định mới được sanh về cõi trời Đâu-suất. Hết thảy Bồ Tát đều đã trừ bỏ những cảnh hiện hữu ấy, dứt hết các cảnh hiện hữu, không hề tạo tác những nghiệp sanh về cõi trời Đâu-suất [nhưng vẫn] thọ thân chư thiên ở cõi trời ấy. Vì sao vậy? Bồ Tát dù ở các cảnh giới hiện hữu khác cũng có thể giáo hóa thành tựu cho chúng sanh. Bồ Tát thật không có lòng tham dục nhưng vẫn sanh ra ở Dục giới, đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Bồ Tát ma-ha-tát sanh ở cõi trời Đâu-suất có ba việc vượt trội [hơn chư thiên ở đó]: một là thọ mạng, hai là hình sắc, ba là danh xưng. Bồ Tát ma-ha-tát thật không mong cầu được thọ mạng, hình sắc, danh xưng. Tuy không có tâm mong cầu nhưng vẫn có được những sự vượt trội ấy. Bồ Tát ma-ha-tát chỉ hết lòng ưa thích Niết-bàn, nhưng khi có nhân duyên thì cũng có ba việc vượt trội ấy. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Tuy Bồ Tát ma-ha-tát vượt trội hơn hẳn chư thiên về ba việc ấy, nhưng chư thiên đối với Bồ Tát không hề sanh tâm sân hận, đố kỵ, kiêu mạn, chỉ thường sanh tâm hoan hỷ. Bồ Tát đối với chư thiên cũng không có lòng kiêu mạn. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Bồ Tát ma-ha-tát không tạo nghiệp dẫn đến thọ mạng nhưng cũng hưởng trọn thọ mạng ở cõi trời kia, gọi là thọ mạng vượt trội. Bồ Tát cũng không có các nghiệp [tạo thành] hình sắc, nhưng vẫn được thân hình tốt đẹp kỳ diệu, tỏa sáng khắp nơi, gọi là hình sắc vượt trội. Bồ Tát ma-ha-tát ở nơi cung điện của cõi trời Đâu-suất không hề ưa thích năm món dục, chỉ vì thực hành những việc thuộc về Chánh pháp mà thôi, vì thế mà danh xưng đầy khắp mười phương, gọi là danh xưng vượt trội. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Khi Bồ Tát ma-ha-tát từ cõi trời Đâu-suất giáng hạ thì cõi đất chấn động sáu cách, nên cũng gọi là không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vào lúc Bồ Tát giáng hạ, chư thiên các cõi trời [thuộc] Dục giới và Sắc giới đều đến tiễn đưa, phát ra những âm thanh lớn xưng tán ngợi khen Bồ Tát; hơi gió phát ra từ miệng [chư thiên] làm cho cõi đất phải chấn động. Lại có vị Bồ Tát là bậc [cao quý nhất như] voi chúa giữa loài người. Bậc cao quý nhất như voi chúa giữa loài người được tôn xưng là Long vương. Khi [Bồ Tát] Long vương ấy mới nhập thai thì có các vị long vương ở bên dưới cõi đất ấy, hoặc kinh sợ, hoặc vui mừng. Vì thế mà cõi đất chấn động sáu cách. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Bồ Tát ma-ha-tát tự rõ biết lúc nhập thai, lúc ở trong thai, lúc ra khỏi thai; rõ biết cha, mẹ; không trong sạch cũng không ô nhiễm, như hạt châu quý màu xanh trên búi tóc của Đế-thích. Đó cũng gọi là không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Kinh Đại bát Niết-bàn cũng giống như vậy, cũng là không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Ví như biển cả có tám điều không thể nghĩ bàn. Những gì là tám? Một là từ [trong bờ] cạn mà [ra xa bờ] dần dần sâu thêm. Hai là đáy sâu khôn dò. Ba là [khắp trong biển] đều cùng một vị mặn. Bốn là thủy triều [lên xuống đều đặn] không bao giờ sai trễ. Năm là chứa đủ mọi thứ kho báu. Sáu là có những loài chúng sanh thân hình to lớn sống trong đó. Bảy là không chứa giữ xác chết. Tám là tất cả những dòng nước chảy, những cơn mưa lớn đều đổ vào trong biển cả, nhưng biển cũng không tăng thêm hay giảm bớt.
“Thiện nam tử! Có ba việc gọi là dần dần sâu thêm. Những gì là ba? Một là phước lực của chúng sanh. Hai là [thuyền buồm] thuận gió mà đi [ra xa bờ]. Ba là nước sông chảy vào [biển cả].
“Đối với những điều [khác, từ đáy sâu khôn dò] cho đến không tăng thêm hay giảm bớt, mỗi điều cũng đều có ba việc như thế.
“Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng giống như vậy, cũng có tám điều không thể nghĩ bàn.
“Điều thứ nhất: dần dần sâu thêm là nói [tuần tự từ] các giới ưu-bà-tắc, giới sa-di, giới tỳ-kheo, cho đến giới Bồ Tát; từ quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Phật Bích-chi, quả Bồ Tát, cho đến quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Kinh Đại Niết-bàn này dạy đủ các pháp như thế, gọi là dần dần sâu thêm. Cho nên kinh này gọi là [có tánh chất] dần dần sâu thêm.
“Điều thứ hai: đáy sâu khôn dò là [ví như] Như Lai Thế Tôn không sanh không diệt, không chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không chuyển Pháp luân, không ăn uống, không thọ nhận, không thực hành bố thí; cho nên gọi là thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Tánh Phật không phải sắc, cũng không lìa ngoài sắc; không phải thọ, tưởng, hành, thức; cũng không lìa ngoài thọ, tưởng, hành, thức; là thường có thể thấy, là nhân thành tựu, không phải nhân tạo tác. Từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến hàng Phật Bích-chi đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; cũng không có phiền não, cũng không có chỗ trụ. Tuy không có phiền não nhưng không gọi là thường. Vì thế nên gọi là sâu xa.
“Lại nữa, có chỗ rất sâu xa. Trong kinh này khi thì nói ngã, khi lại nói vô ngã; khi thì nói thường, có lúc lại nói vô thường; có khi nói tịnh, có khi lại nói bất tịnh; có khi nói lạc, có khi lại nói khổ; hoặc khi nói không, hoặc khi nói chẳng phải không; hoặc nói tất cả là có, hoặc nói tất cả là không; hoặc nói Hai thừa, hoặc nói Nhất thừa; hoặc nói năm ấm là tánh Phật; hoặc thuyết tam-muội Kim cang cùng với Trung đạo, tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, Mười hai nhân duyên, Đệ nhất nghĩa không, từ bi, bình đẳng đối với tất cả chúng sanh; hoặc thuyết đỉnh trí, tín tâm, rõ biết các căn, lực, trí tuệ không vướng ngại đối với tất cả các pháp. Tuy nói có tánh Phật nhưng không nói nhất định. Vì vậy nên gọi là sâu xa.
“Điều thứ ba: cùng một vị [mặn là ví với] tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, đều cùng một giáo pháp, cùng một sự giải thoát, một nhân, một quả, cùng một [vị] cam lộ; tất cả đều sẽ đạt được thường, lạc, ngã, tịnh. Đó gọi là cùng một vị.
“Điều thứ tư: thủy triều [lên xuống] không bao giờ sai trễ [là ví] như trong kinh này chế định các tỳ-kheo không được thọ nhận và tích chứa tám vật bất tịnh, nếu trong các đệ tử của ta, những ai có thể thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng giải phân biệt kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này, thà chịu mất thân mạng chứ không bao giờ phạm vào sự cấm chế ấy. Đó gọi là thủy triều không bao giờ sai trễ.
“Điều thứ năm: chứa đủ mọi thứ kho báu [là ví như] kinh này là kho báu vô lượng. Của báu [trong kho] ấy là nói Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy phần giác, Tám phần Thánh đạo, Anh nhi hạnh, Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, các phương tiện thiện xảo, tánh Phật của chúng sanh, công đức của Bồ Tát, công đức của Thanh văn, công đức của Duyên giác, Sáu pháp Ba-la-mật, vô số tam-muội, vô lượng trí tuệ. Đó gọi là [chứa đủ mọi thứ] kho báu.
“Điều thứ sáu: chúng sanh thân hình to lớn sống trong đó. Chúng sanh thân hình to lớn là ví với Phật và Bồ Tát. Vì các ngài có trí tuệ lớn nên gọi là chúng sanh to lớn. Lại vì các ngài có thân lớn lao, có tâm lớn lao, vì [các ngài] trang nghiêm rất mực, vì [các ngài] điều phục mạnh mẽ, vì [các ngài có] phương tiện to lớn, vì [các ngài] thuyết pháp rộng khắp, vì [các ngài có] thế lực mạnh mẽ, vì [các ngài có] đồ chúng rộng lớn, vì [các ngài có] thần thông lớn mạnh, vì [các ngài có] lòng từ bi trải khắp, vì [các ngài] là thường trụ không biến đổi, vì [các ngài] không vướng ngại đối với tất cả chúng sanh, vì [các ngài] bao dung thọ nhận tất cả chúng sanh, cho nên gọi là chúng sanh thân hình to lớn sống trong đó.
“Điều thứ bảy: [biển cả] không chứa giữ xác chết. Xác chết là ví với những kẻ nhất-xiển-đề, phạm vào bốn giới cấm nặng, năm tội vô gián, phỉ báng kinh Phương đẳng, điều không đúng Chánh pháp mà nói là Chánh pháp, điều đúng Chánh pháp lại nói là không đúng Chánh pháp, thu nhận và tích chứa tám thứ vật bất tịnh, tùy ý sử dụng tài sản [được cúng dường] Phật, [cúng dường] chúng tăng, làm những việc không đúng Chánh pháp đối với các vị tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo ni. [Những kẻ như thế] gọi là xác chết. Kinh Niết-bàn này lìa khỏi những kẻ ấy nên gọi là không chứa giữ xác chết.
“Điều thứ tám: không tăng thêm hay giảm bớt [là ví như kinh này] vì không có giới hạn, vì không có điểm khởi đầu hay kết thúc, vì không thuộc về hình sắc, vì không do tạo tác, vì là thường trụ, vì không sanh diệt, vì tất cả chúng sanh đều bình đẳng, vì tất cả tánh Phật là cùng một tánh; cho nên gọi là không tăng thêm hay giảm bớt.
“Vì [tất cả những ý nghĩa như] thế, kinh này cũng giống như biển cả, có đủ tám điều không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nói Như Lai không sanh không diệt là sâu xa, còn tất cả chúng sanh đều có đủ bốn cách sanh ra: sanh ra từ trứng, sanh ra từ bào thai, sanh ra từ sự ẩm thấp, sanh ra từ sự biến hóa. Trong loài người cũng có đủ bốn cách sanh ấy. Như tỳ-kheo Thi-bà-la, tỳ-kheo Ưu-bà-thi-bà-la; lại như các bà mẹ của trưởng giả Di-ca-la, trưởng giả Ni-câu-đà, trưởng giả Bán-xà-la, mỗi bà này đều có năm trăm đứa con sanh ra từ trứng. Vậy nên biết rằng trong loài người cũng có cách sanh ra từ trứng. Nói về việc sanh ra từ sự ẩm thấp, thì như Phật có kể chuyện thuở xưa khi còn làm Bồ Tát từng là vua Đỉnh Sanh và vua Thủ Sanh; hoặc như hiện nay Phật có nói về cô Am-la và cô Ca-bất-đa. Vậy nên biết rằng trong loài người cũng có cách sanh ra từ sự ẩm thấp. Vào thuở Kiếp sơ, tất cả chúng sanh đều sanh ra từ sự biến hóa. Như Lai Thế Tôn đã đạt được Tám đức tự tại, do nhân duyên gì không chọn cách hóa sanh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh được sanh ra do bốn cách sanh. Nhưng sau khi đã chứng đắc Thánh pháp rồi thì không còn sanh ra bằng những cách noãn sanh, thấp sanh... như trước.
“Thiện nam tử! Vào thuở Kiếp sơ chúng sanh đều là hóa sanh; thuở ấy không có Phật ra đời.
“Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh mang bệnh khổ mới cần đến thầy thuốc. Vào thuở Kiếp sơ chúng sanh đều do sự biến hóa mà sanh ra, tuy có phiền não nhưng bệnh chưa bộc phát, vì thế Như Lai không ra đời vào thuở ấy. Thuở Kiếp sơ, thân tâm chúng sanh không chứa đựng [được Phật pháp] nên Như Lai không ra đời vào thời ấy.
“Thiện nam tử! Những gì liên quan đến Như Lai Thế Tôn bao giờ cũng thù thắng hơn tất cả chúng sanh, chẳng hạn như dòng họ, quyến thuộc, cha mẹ... Do có sự thù thắng hơn nên những giáo pháp do ngài thuyết giảng đều được mọi người tin nhận. Vì [thù thắng hơn] nên Như Lai không chọn cách hóa sanh [giống như chúng sanh].
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều tạo nghiệp theo cách cha con trong gia đình noi theo nhau. Nếu Thế Tôn chọn cách hóa thân thì không có cha mẹ. Nếu không có cha mẹ thì làm sao có thể khiến cho tất cả chúng sanh [noi theo để] làm mọi nghiệp lành? Vì thế nên Như Lai không chọn cách hóa thân.
“Thiện nam tử! Trong Chánh pháp của Phật có hai sự phòng hộ, một là sự phòng hộ từ bên trong, hai là sự phòng hộ bên ngoài. Sự phòng hộ từ bên trong là nói các giới cấm; sự phòng hộ bên ngoài là [nhờ vào] thân tộc, quyến thuộc. Nếu Như Lai chọn cách hóa thân thì không có sự phòng hộ bên ngoài. Vì thế nên Như Lai không chọn cách hóa thân.
“Thiện nam tử! Có những người cậy nơi dòng họ [cao quý] của mình mà sanh ra kiêu mạn. Như Lai vì muốn phá trừ sự kiêu mạn như thế nên sanh ra trong dòng họ cao quý, không chọn cách hóa thân.
“Thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn thật có cha mẹ, cha tên Tịnh Phạn, mẹ tên Ma-da, thế mà có chúng sanh còn gọi [Như Lai] là huyễn hóa, vậy sao có thể chọn thân hóa sanh? Nếu Như Lai chọn cách hóa thân, làm sao [sau khi diệt độ] có thể để lại xá-lợi [cho chúng sanh]? Như Lai vì muốn cho chúng sanh được tăng thêm phước đức nên [thị hiện có] thân tan rã [để lại xá-lợi] cho chúng sanh cúng dường. Vì thế nên Như Lai không chọn cách hóa thân.
“Tất cả chư Phật đều không hóa sanh, vì sao riêng ta lại có thể chọn cách hóa thân?”
Lúc ấy, Bồ Tát Sư Tử Hống liền chắp tay quỳ xuống, đầu gối phải sát đất, đọc kệ xưng tán Phật rằng:
Công đức Như Lai thật vô lượng,
Nay con không thể nói cho cùng;
Xin vì chúng sanh lược đôi nét,
Nguyện Phật từ bi, mở lòng nghe.
Chúng sanh đi giữa màn tăm tối,
Nhận chịu vô vàn trăm nỗi khổ;
Thế Tôn cứu giúp xa lìa hết,
Nên đời xưng ngài bậc Đại bi.
Chúng sanh trói buộc trong sanh tử,
Buông thả, mê lầm, không an vui;
Như Lai mang an vui rộng thí,
Khiến mãi dứt lìa sợi tử sanh.
Vì Phật mang an vui rộng thí,
Không chuộng niềm vui cho riêng mình;
Vì khắp chúng sanh, tu khổ hạnh,
Nên người thế gian vui cúng dường.
Thấy người chịu khổ, lòng rúng động,
Dù vào địa ngục không đớn đau;
Vì khắp chúng sanh, chịu khổ lớn,
Nên chẳng ai hơn, thật khôn lường!
Như Lai vì chúng, tu khổ hạnh,
Thành tựu đủ sáu ba-la-mật;
Tâm giữa gió tà không lay động,
Nên hơn cả đại sĩ thế gian.
Chúng sanh thường muốn được an vui,
Nhưng chẳng biết tu nhân an vui;
Như Lai dạy dỗ khiến tu tập,
Như đấng cha lành yêu con một!
Phật thấy nạn phiền não chúng sanh,
Lòng khổ như mẹ lo con bệnh;
Thường nghĩ đủ mọi cách trị liệu,
Nên [biết] thân hệ thuộc ngoài thân.
Chúng sanh tạo tác mọi sự khổ,
Tâm thường điên đảo ngỡ là vui;
Như Lai dạy: khổ, vui chân thật,
Nên tôn xưng Phật là Đại bi.
Thế gian bọc giữa trứng vô minh,
Không sức trí tuệ phá vỏ bọc,
Trí tuệ Như Lai phá vỡ trứng,
Nên xưng là Mẹ cao quý nhất.
Không còn hệ thuộc trong ba đời,
Chẳng có tên gọi, danh xưng giả;
Rõ biết nghĩa Niết-bàn sâu thẳm,
Nên tôn xưng Phật là Đại giác.
Chúng sanh chìm đắm sông luân hồi,
Vô minh mù tối không vượt thoát;
Phật tự sang sông, đưa người sang,
Nên tôn xưng Phật: Đại thuyền sư.
Phật rõ biết hết mọi nhân quả,
Lại cũng thông đạt đạo tịch diệt;
Ban cho chúng sanh thuốc trị khổ,
Nên đời xưng là Đại y vương.
Ngoại đạo tà kiến nói khổ hạnh,
Bảo rằng nhờ đó được vui nhất;
Như Lai giảng hạnh vui chân thật,
Khiến chúng sanh được sự vui thích.
Như Lai phá dẹp đường sai lệch,
Chỉ bày chúng sanh đường chân chánh;
Đi theo đường ấy được an vui,
Nên tôn xưng Phật là Đạo sư.
Ta không, người cũng không tạo tác,
Không cùng tạo tác hoặc không nhân,
Như Lai giảng thuyết việc chịu khổ,
Vượt hơn tất cả các ngoại đạo.
Thành tựu đầy đủ giới, định, tuệ,
Lại đem pháp ấy dạy chúng sanh;
Rộng ban giáo pháp không tiếc giữ,
Nên tôn xưng Phật: Vô duyên từ.
Không chỗ tạo tác, không nhân duyên,
Đạt thấu không nhân, không quả báo;
Cho nên tất cả bậc trí giả,
Tôn xưng Như Lai: Bất cầu báo.
Thường sống cùng những kẻ buông thả,
Nhưng tự thân không hề buông thả;
Nên gọi là: không thể nghĩ bàn,
Tám pháp thế gian không ô nhiễm.
Như Lai Thế Tôn không oán, thân,
Nên tâm bình đẳng không phân biệt;
Nay con, Sư Tử Hống tán Phật,
Muôn tiếng rền vang, sư tử rống.
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If all actions do not definitely call forth [fixed] karmic results, and all beings have the Buddha-Nature and should practise the Noble Eightfold Path, why is it that all beings do not attain this Mahaparinirvana? O World- Honoured One! If all beings have the Buddha-Nature, they must definitely attain unsurpassed Enlightenment. Why is it that they definitely needs must practise the Noble Eightfold Path? O World-Honoured One! This sutra states: "There is a sick person who gains medicine, an attendant for the illness, and the food and drink needed for the illness; or there may by none such. But all will get cured. It is the same with all beings, too. They may encounter sravakas, pratyekabuddhas, all Buddhas and Bodhisattvas, and all good teachers of the Way, listen to sermons and practise the holy ways. Or they may not encounter, listen to and practise such, but they must [i.e. will unfailingly] all attain unsurpassed Enlightenment. Why? Because of the Buddha-Nature." Thus does it stand. O World-Honoured One! For example, it is not possible for the light of the sun and moon to get obstructed on the way, so that it cannot get around the Antarava [Anderab] Mountains, or for the waters of the four great rivers not to reach the great ocean, or for the icchantika not to go to hell. It is the same with all beings, too. There cannot be any situation where hindrances come about so that they cannot attain unsurpassed Enlightenment. Why not? Because of the Buddha-Nature. O World-Honoured One! Because of this, all beings do not practise the Way. Because of the power of the Buddha-Nature, they attain unsurpassed Enlightenment. There is no reason that one needs to fall [depend] on the power of the Holy Way. O World-Honoured One! If the icchantika, those of the four grave offences, and those of the four deadly sins cannot attain unsurpassed Enlightenment, one will surely practise the Way. Because one surely attains it by the power of the Buddha-Nature. It is not that one attains it by learning and practising. O World-Honoured One! For example, a magnet, though distant, attracts iron. It is the same with the Buddha-Nature of beings. Because of this, one need not practise the Way."
The Buddha said: "Well said, well said, O good man! By the Ganges there live seven kinds of men. They are afraid of robbers because they are now bathing. Or the case might be as with those who get into the river in order to pick flowers. The first person gets drowned as he gets into the water; the second person sinks in mid-water, but comes up and sinks down again into the water. Why? Because his body is powerful and strong, he is able to get out. The one who has not learnt to float comes up and then sinks again. The third comes up after sinking. Coming up, he does not sink again. Why not? Because his body is heavy, so he sinks, but as his power is great, he comes up. Having already learnt to float, he stays up. The fourth person, on getting into the water, comes up again. Coming up, he looks around. Why? As he is heavy, he sinks, as he has great power, he comes up; as he has learnt to float, he remains [up]; not knowing where to get out, he looks around. The fifth person, on going into the water, sinks, and having sunk, he comes up. Having come up, he looks around; having looked, he goes. Why? Because he fears. The sixth person goes into the water, and gets out, and stays in the shallow waters. Why? Because he sees the robbers who are nearby and [also] far off. The seventh person is already up on the other bank and is on a great mountain. He fears nothing; out of the reach of the robbers, he is blessed with great bliss. O good man! It is the same situation with the great river of birth and death, too.
"These are the seven kinds of people. As they fear the robbers of defilement, they make up their minds and wish to cross the great river of birth and death. They abandon their homes, shave their heads, and don priestly robes. Having renounced their homes, they associate with evil friends, follow their teachings, and give ear to their doctrines, which state: "Man’s body is the five skandhas. The five skandhas are none but the five great elements. When a man dies, he does away with the five great elements. When he parts with the five great elements, why does he any longer need to practise good or bad? Because of this, one may know that there can be no karmic returns of good or bad." Such a person is an icchantika. He is cut off from the root of good or bad. Cut off from the root of good, he sinks into the waters of birth and death and is unable to get out. Why? Because of the great weight of evil deeds, and he has no power of faith. He is like the first person of those on the banks of the river Ganges.
"O good man! The icchantika has six causal relations. He falls into the three unfortunate realms and cannot get out of them. What are the six? They are: 1) his evil mind burns, 2) he does not see the after-life, 3) he takes pleasure in seeking defilement, 4) he walks away from good, 5) evil actions hinder his way, and 6) he associates with an evil teacher of the Way.
"This again possesses five things, by which the person falls into the three unfortunate realms. What are the five? They are: 1) he always says that there can be no karmic results to come about in regard to good or bad actions, 2) he kills a person who has aspired to Bodhi, 3) he takes pleasure in speaking about the evils committed by priests, 4) he says that what is right is not right and what transgresses Dharma is lawful, and 5) he gives ear to Dharma just to pick up what goes against [i.e. to find fault].
"Also, there are three things by which the person falls into the three unfortunate realms. What are the three? These are saying that: 1) the Tathagata is non-eternal, and goes away eternally, 2) Wonderful Dharma is non-eternal and changes, and 3) the Sangha Jewel gets destroyed. For this reason, he always sinks into the three unfortunate realms.
"The second person aspires to cross the great river of birth and death, but devoid of amassed good sinks and is unable to get out. We speak of "getting out". This is associating with a good teacher of the Way, through which one gains faith. By faith is meant believing that dana [giving] evokes the fruition of dana, that any action that can be called good calls forth the fruition of good, and any action that is evil that of evil, and it is believing in the suffering of birth and death, and believing in impermanence and dissolution. This is faith. Gaining faith, the person practises pure sila, upholds, recites, copies and expounds [the sutras]. He always gives and well practises Wisdom. If dull, the person encounters an evil friend. He is unable to learn how to practise the sila of body and the Wisdom of mind. He gives ear to evil teachings. Or he may happen to be visited by an evil period of time and be born in an evil land and be cut off from good deeds. Cut off from the root of goodness, he always sinks into birth and death. His case is like that of the second person on the banks of the river Ganges.
"The third person looks forward to crossing the great river of birth and death. Devoid of good, he sinks in mid-water. His drawing near to a good teacher of the Way is his getting out. The Tathagata is the All-Knower. He is Eternal and suffers no change. For the sake of beings, he speaks about the unsurpassed Way. All beings have the Buddha-Nature. The Tathagata does not go into extinction. It is the same with the Dharma and Sangha, too. There is no extinction. Not having done away with his own quality, the icchantika cannot attain unsurpassed Enlightenment. He needs must do away with it, and then he will attain it [Enlightenment]. Thus does he believe. Through faith, he practises pure sila. Having practised pure sila, he upholds, recites, copies and expounds the 12 types of sutra and speaks of them extensively for the benefit of beings. He is pleased to give and to practise Wisdom. Born sharp-minded, he firmly abides in faith and Wisdom and does not draw back in his determination. This is like the situation of the third person on the banks of the river Ganges.
"The fourth person desires to cross the great river of birth and death. Devoid of good amassed, he sinks in mid-water. Coming close to a good teacher of the Way, he gains faith. This is getting out. As he gains faith, he upholds, recites, copies and expounds, and for the sake of beings he propounds Dharma widely. He takes pleasure in giving and practises Wisdom. Born sharp-minded, he firmly believes in faith and Wisdom. There is no drawing back with him from his resolve, and he looks all around in the four directions. The four directions mean the four fruitions of a sramana. This is like the fourth person on the banks of the river Ganges.
"The fifth person is one who aspires to cross the great river of birth and death, but with no good amassed, sinks in mid-water. Associating with a good teacher of the Way, he gains faith. This is gettiing out. With faith, he upholds, recites, copies, expounds the 12 types of sutras and speaks expansively for the sake of beings. He takes pleasure in giving, and he practises Wisdom. Sharp-born, he firmly abides in faith and Wisdom, and there is no regression in his mind. Not regressing, he makes progress. Making progress refers to the pratyekabuddha. Although good as regards the salvation of his own self, this does not extend to others. This is getting out. This is as with the fifth person on the banks of the river Ganges.
"The sixth person aspires to cross the great river of birth and death. Devoid of accumulated good, he sinks in mid-water. Coming close to a good teacher of the Way, he gains faith. Gaining faith is getting out. Due to faith, he upholds, recites, copies and extensively speaks about [Dharma] for the sake of beings. He takes pleasure in giving and practises Wisdom. Sharp-born, he bases himself firmly on faith and Wisdom, and his mind does not retrogress. Not retrogressing, he proceeds on and at last gains the shallow waters. Arriving at the shallow waters, he remains there and does not move about. We say that he remains. This means that the Bodhisattva, in order to save all beings, abides there and meditates on defilement. He is like the sixth person on the banks of the river Ganges.
"The seventh person aspires to cross the great river of birth and death. But with no good amassed up to thus far, he sinks in mid-water. On meeting a good teacher of the Way, he gains faith. This gaining of faith is what we call "getting out". Due to faith, he upholds, recites, copies and expounds the 12 types of sutra, and for the benefit of beings he speaks extensively of them. He takes pleasure in giving and practises Wisdom. Sharp-born, he firmly abides in faith and Wisdom, and he does not retrogress in mind. As he does not retrogress, he steps forward. Stepping forward, he reaches the other shore. Having gained the heights of a great mountain, he is now segregated from fear and is blessed with much peace. O good man! The mountain on the other shore can be likened to the Tathagata, peace to the Eternality of the Buddha, and the great and high mountain is Great Nirvana.
"O good man! Such persons on the banks of the river Ganges all have hands and feet, but they are difficult to save. It is the same with all beings, too. The Three Jewels of the Buddha, Dharma and Sangha truly exist, and the Tathagata always expounds the essentials of all laws [Dharma]. There are the Noble Eightfold Path and Mahaparinirvana. All beings can gain all of these. This is not what comes out of me or of those noble paths or of beings. Know that all these go back to defilement. Because of this, all beings cannot gain Nirvana.
"O good man! A good doctor knows about illness and speaks about medicine. If the sick person does not take it, the doctor is not to blame.
"O good man! A danapati [giver] gives things to all persons. There may be those who will not accept [the gifts]. The giver is not to blame for this.
"O good man! When the sun comes out, all gloom turns to brightness. But the blind cannot see this. The sun is not to blame for this.
"O good man! The water of the river Ganges indeed does away with thirst. There may be those who are thirsty, but who do not drink. The water is not to blame.
"O good man! The great earth brings forth fruit for everyone all-equally. But there may be farmers who do not plant [anything]. The earth is not to blame for this.
"O good man! The Tathagata gives and expounds the 12 types of sutra to all beings. But the Tathagata is not to blame if the beings will not take them. O good man! Those who practise the Way will all attain unsurpassed Enlightenment. O good man! You say that beings all have the Buddha-Nature and that it is as unfailing as a magnet that they will attain unsurpassed Enlightenment. It is well, it is well that because of the causal relations of the Buddha-Nature the person will attain unsurpassed Enlightenment. Should you say that there is no need to practise the Holy Path, this is not so.
"O good man! As an illustration: a man is journeying through a wilderness and feels thirsty, when he comes across a well. It is very deep, so that he cannot see the water. But we may know that there assuredly is water there. If the person brings forth the means and draws up the water with a rope and a bucket, then the water is assuredly there. It is the same, too, with the Buddha-Nature. All beings possess it. But only by practising the undefiled Noble Path can one truly see it.
"O good man! If there is sesame, we can get oil. If we do not have the means, we cannot get it. It is the same with sugar cane.
"O good man! Though the north of Uttarakuru of Trayastrimsa Heaven exists, one cannot see it other than by accumulation of good karma, miraculous power, and the power of the Way. The roots of trees and grass which are under the ground, and the water in the ground, cannot be seen by us, since the earth covers them. It is the same situation with the Buddha-Nature, too. If one does not practise the Holy Way, one cannot expect to see it.
"O good man! You say that the illnesses of the world will get cured with or without nursing, a good doctor, good medicine, and the food and drink needed for those illnesses. O good man! I spoke thus to all Bodhisattvas of the sixth stage.
"O good man! All the beings in space have no inside, no outside, and no in and no out. Hence, they are unmolested [unimpeded] in every way. It is the same with the Buddha-Nature of all beings, too.
"O good man! There is a man who possesses wealth in different places and not where he is. When asked, he may say that he has it. Why? Because he definitely possesses it. It is the same with the Buddha-Nature of beings, too. It is not this and not that. As one is sure to gain it in hand, we say that it all is.
"O good man! It is as in the case in which all beings make all things. They are not good, not bad, not in and not out. All such karmic natures are not existing and not non-existing. Also, it is not what once was not, but what is. It is not what has come about without any cause. It is not what I have done and I receive. It is not what I have done and he receives. It is not what he has and he receives. It is not what is done; it is not what one receives. Time agrees and fruition comes about. It is the same with the Buddha-Nature of all beings, too. It is again not what was not but what is now. It is neither in nor out. It is neither "is" nor "is-not". It is neither this nor that. It is neither what comes from without, nor is it of no causal relations. It is not that all beings do not see. All Bodhisattvas see as time and causal relations come to conjoin. We say time. The Bodhisattva-mahasattva of the ten stages practises the Noble Eightfold Path and gains an all-equal mind, when it [the Buddha-Nature] can be seen. It is not what is done.
"O good man! You say that it is like a magnet. But this is not so. Why not? A stone does not attract iron. Why not? Because there is no mental action that works. O good man! There are things of different nature, and so a thing of different nature comes about. And when there is no different thing, a different thing breaks off [goes into dissolution]. There is none doing and none that breaks. O good man! It is as in the case of a great fire which cannot burn the fuel. When the fire comes about, the fuel breaks [is used up, destroyed]. This we call the fuel burning. O good man! This is as with the sunflower, which turns by itself, following the sun. And this sunflower has no mind to respect, no consciousness, and no action to do. It is by the nature of a different thing that it turns by itself.
"O good man! It is as with the plantain tree which grows by thunder. This plant has no ears and no consciousness. When there is a different thing, this different thing grows; when there is no different thing, this different thing dies out. O good man! It is as in the case of the asoka tree, which puts out flowers when a female touches it. This tree has no mind, no sense of touch. When there is a different thing, a different thing comes about; when there is no different thing, a different thing dies out.
"O good man! This is as in the case of citrus nobilis, which bears no further fruits when it gains a corpse. Yet this plant has no mind and no sense of touch. By a different thing, there comes about a different thing; when there is no different thing, the different thing dies out. O good man! For example, the fruit of the pomegranate grows because of rotten calf-bones. But the pomegranate tree also does not possess a mind or touch. When there is a different thing, a different thing comes about, and when there is no different thing, a different thing dies out.
"O good man! The same applies to the case of the magnet attracting iron. When there is a different thing, a different thing comes about; when there is no different thing, the different thing dies out. It is the same with the Buddha-Nature of beings which cannot attract unsurpassed Enlightenment.
"O good man! Ignorance cannot attract all actions. Volition, too, cannot attract con-sciousness. And yet we can say that ignorance has a causal relationship with volition, and volition with consciousness. Whether there is the Buddha or not, the world is eternal.
"O good man! You may say that the Buddha-Nature lives in beings. O good man! You should know that what is Eternal has no place to dwell [i.e. is not confined to one limited place in space and time]. If there is a place where it dwells, this tells us that what there is there is something that is impermanent. O good man! You may know that the 12 links of interdependent arising have no place to stay. If they had, we could not say that the 12 links of interdependent arising were eternal. It is the same with the Dharmakaya [Dharma-Body] of the Tathagata. It has no place to dwell. All such as the 18 realms, the 12 spheres, the skandhas, and space do not have anywhere to stay. It is the same with the Buddha-Nature, too. All do not have any place to stay.
"O good man! For example, the four great elements have powers that are all equal. But there are such qualities as hardness, heat, moisture, movability, lightness, weightiness, red, white, yellow, and black. These four elements do not have karmic action. Being different in the realm of existence, there is no sameness. It is the same with the Buddha-Nature, too. Different in nature in the realm of existence, it comes out into existence when the time comes.
"O good man! All beings do not come away from [i.e. are not separate from] the Buddha- Nature. Hence, we say "is". Because of the unretrogressiveness of what can be "is" in the days to come, [because] of what is sure to be gained, and of what can definitely be seen. That is why we say that all beings possess the Buddha-Nature.
"O good man! For example, there is a king who says to his minister: " Fetch an elephant and show it to some blind persons." Then, following the royal command, the minister called in many blind persons, to whom he showed the elephant. The blind persons all touched the elephant with their hands. The minister said to the king: "I have got the blind people to feel the elephant." Then the king called in the blind persons and asked each of them: "Have you seen the elephant?" "Yes, sire! I have seen the elephant." The king asked: "What do you think the elephant is like?" The person who had touched its tusk said: "The elephant is like the root of a goosefoot or a mushroom." The man who had touched its ear said: "The elephant is like a winnow." The one who had touched its trunk said: "The elephant is like a pestle." The person who had touched its foot said: "The elephant is like a handmill made of wood." The one who had touched it by the spine said: "The elephant is like a bed." The man who had touched its belly said: "The elephant is like a pot." The man who had touched it by its tail said: "The elephant is like a rope."
"O good man! All these blind persons were not well able to tell of the form of the elephant. And yet, it is not that they did not say anything at all about the elephant. All such aspects of representation are of the elephant. And yet, other than these, there cannot be any elephant.
"O good man! The king is comparable to the Tathagata-Arhat-Samyaksambuddha, the minister to the vaipulya Great Nirvana Sutra, the elephant to the Buddha-Nature, and the blind persons to all beings who are ignorant. All of these people, on hearing what the Buddha says, may say: "Form [“rupa” - physical form, matter, body] is the Buddha-Nature. Why? Because this form, though it dies, continues to exist. Because of this, it attains the 32 unsurpassed signs of perfection of the Tathagata and the eternality of form of the Tathagata. Because the form of the Tathagata knows no disruption. That is why we say that form is the Buddha-Nature.
"For example, the form of true gold may well change, but the colour is always one and is not different. It can be made into a bracelet, a serpent, and a basin, and yet the yellow colour never changes. It is the same with the Buddha-Nature of beings, too. The form may not be one, but the colour is one. Thus we can say that "rupa" is eternal." So do they say.
"Or another might say: "Feeling [“vedana”] is the Buddha-Nature. Why so? Because through the causal relations of feeling, one gains the true bliss of the Tathagata. The feeling of the Tathagata is that of the absolute and is of “Paramartha-satya”. The nature of beings’ feeling is non-eternal, but continues to exist successively. it is because of this that one gains the eternal feeling of the Tathagata. For example, a man’s clan name is Kausika. The man himself is non-eternal, but his clan name goes on as it is and does not change, even in the course of thousands and millions of years. It is the same with the Buddha-Nature of beings, too. For this reason, feeling is the Buddha-Nature."
"And another one says: "Perception [“samjna”] is the Buddha-Nature. Why? By reason of the causal relations of perception, one attains the perception of the Tathagata. The perception of the Tathagata is that of non-perception. The perception of non-perception is not what obtains with man, is nothing of the male or female, of form, feeling, perception, volition or consciousness. It is non-perception, something cut off from perception. The perception of beings is non-eternal. But a perception is followed by another one, one after the other, so that there is no disruption and we gain the impression of perception which is of an eternal quality. O good man! For example, let us take up the case of the 12 links of interdependence of beings. Though the beings die out, the causal relations are eternal. It is the same with the Buddha-Nature of beings. For this reason, we say that perception is the Buddha-Nature." Thus do people speak.
"Further, they say: "Volition [“samskara” - mental impulses, will] is the Buddha-Nature. Why? Volition is life. By reason of the causal relations of beings, a person attains the eternal life of the Tathagata. The life of beings is non-eternal, but a life follows another successively, one after the other, so that there is no disruption. So, we gain the eternal life of the Tathagata, which is true. O good man! For example, those who speak about, and give ear to, the 12 types of sutra are now eternal, because these sutras eternally exist and do not change. So is it with the Buddha-Nature of beings. Hence, volition is the Buddha-Nature." So do they say.
"Also, they say: "Consciousness [“vijnana”] is the Buddha-Nature. By reason of the causal relations of consciousness, one gains the all-equal mind of the Tathagata. Although the consciousness of beings is non-eternal, a consciousness is followed by another successively, so that there is no disruption. Hence, one gets the eternal mind of the Tathagata, which is true. Fire has the property of heat. But the property of heat is eternal. It is the same with the Buddha-Nature of beings. Hence, consciousness is the Buddha-Nature." So do they say.
"Also, they say: "Other than the skandhas, there is the Self. Self is the Buddha-Nature. Why? By the causal relations of the Self, one gains the unmolested light of the Tathagata."
"There are various tirthikas who say: "Going and coming, seeing and hearing, sorrow and gladness, and words and speaking are the Self." All such notions of the Self are non-eternal. “But the Self of the Tathagata is truly Eternal."
"O good man! The five skandhas, the 18 realms, and the 12 spheres are also non-eternal. But we call them eternal. The same is the case with beings.
"O good man! Each of the blind men speaks about the elephant and what he says does not accord with the truth. Yet it is not that he does not speak about the elephant.” “It is the same with the person who speaks about the Buddha-Nature, too. It is not quite the six things, and yet it is not the case that it is away from them. O good man! That is why I say that the Buddha-Nature is non-form, and yet it is not segregated from form. It is not the Self, and yet, nor is it away from the Self. O good man! Many tirthikas say that there is the Self. But, truth to tell, there is no Self. The Self of beings is the five skandhas. Other than the skandhas, there is no Self. O good man! For example, the stem, leaf, and calyx combine and we get the bloom of the lotus. Other than this, there cannot be any flower. It is the same with the Self of beings.
"O good man! For example, the walls, grass, and wood combine, and we have a house. Other than this, there cannot be a house. The khadira, palasa, nyagrodha, and udumbara combine, and we have a forest. Other than this, there is no forest. For example, such things as chariots, soldiers, elephants, horses and infantry combine, and we have an army. Other than this, there can be no army. A good combination of the threads of five colours brings forth an “aya” . Other than this, there cannot be any aya. The harmonious combination of the four castes is called the "great populace". Other than this, there can be no "great populace". It is the same with the Self of beings, too. There is [with them] no Self other than the five skandhas.
"O good man! The Eternal of the Tathagata is the Self. The Dharmakaya “[Dharma- Body]” of the Tathagata is unboundedness, unobstructedness, birthlessness, undyingness, and the eight unmolestednesses. This is the Self. The beings, truth to tell, do not have such a Self and what the Self possesses. Only because of the fact that a person absolutely attains the absoute Void of “Paramartha-satya” do we say the Buddha-Nature.
"O good man! Great Loving-Kindness and Great Compassion are the Buddha-Nature. Why? Because Great Loving-Kindness and Great Compassion always accompany the Bod-hisattva. It is like the shadow that follows a form. All beings decidedly will attain Great Loving-Kindness and Great Compassion. So, we say that all beings possess Great Loving-Kindness and Great Compassion. Great Loving-Kindness and Great Compassion are the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata.
"Great Sympathetic Joy and Great Equanimity are the Buddha-Nature. Why? If the Bodhisattva-mahasattva cannot forsake the 25 existences, he cannot attain unsurpassed Enlightenment. As beings will all unfailingly gain it, we say that all beings possess the Buddha-Nature. Great Sympathetic Joy and Great Equanimity are the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is at once the Tathagata “.”
“"The Buddha-nature is great faith . “Why? Because of faith, the Bodhisattva- mahasattva can indeed be perfect in danaparamita up to prajnaparamita. As all beings un-failingly gain great faith, we say: "All beings have the Buddha-Nature." Great faith is the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata.
"The Buddha-Nature is the single son’s soil. Why? Because by the causal relations of the single son’s soil, the Bodhisattva is equal in his mind towards all beings. As all beings ultimately attain the single son’s soil, we say: "All beings possess the Buddha-Nature." The single son’s soil is the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata.
"The Buddha-Nature is the fourth power. Why? Through the causal relations of the fourth power, the Bodhisattva teaches all beings well. As all beings will ultimately gain the fourth power, we say: "All beings possess the Buddha-Nature." The fourth power is the Buddha- Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata.
"The Buddha-Nature is the 12 links of interdependent arising. Why? By reason of the causal relations, the Tathagata is Eternal. All beings definitely possess these 12 links of interdependent arising. That is why we say: "All beings possess the Buddha-Nature." The 12 links of interdependent arising are the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata.
"The Buddha-Nature is the fourfold unhindered knowledge. By reason of the four unhinderednesses, we say that he is unhindered in understanding words. Unhindered in understanding words, he indeed teaches beings. The four unhinderednesses are the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata.
"The Buddha-Nature is called vajropama-samadhi. By practising samadhi, one truly catches hold of the Buddhist doctrines. Because of this, we say: "The vajropama-samadhi is the Buddha-Nature." The Bodhisattva of the ten stages practises this samadhi and is not yet perfect. He sees the Buddha-Nature, but not clearly. As all beings will ultimately gain it, we say: "All beings have the Buddha-Nature."
"O good man! As all the doctrines [dharmas] referred to above will definitely be gained by all beings, we say: "All beings definitely have the Buddha-Nature." O good man! If I say that material form [“rupa”] is the Buddha-Nature, beings, on hearing this, will gain an inverted [view]. Being inverted, when life ends they will fall into Avichi Hell. The sermons of the Tathagata are to cut the person off from hell. So he does not say that material form is the Buddha-Nature. Also, the same applies down to consciousness.
"O good man! We say that when all beings gain the Buddha-Nature, they need not practise the Way. This comes from the fact that the Bodhisattva of the ten stages, as he practises the Noble Eightfold Path, can see the Buddha-Nature a little. How could a person who has not practised the Way well see it? O good man! Manjushri and all the Bodhisattvas have already practised the Holy Way over innumerable lives and they know the Buddha-Nature. How could the sravaka and pratyekabuddha know the Buddha-Nature? Any being who desires to know the Buddha-Nature must, with one mind, uphold, recite, copy and expound the Nirvana Sutra and make offerings, respect and praise it. If one should encounter a person who upholds and praises the Sutra, one ought to give such a person a good house to live in, clothing, and food and drink, bedding, and medicine; and also, one ought to praise, worship, and ask about the Way. O good man! A person who has in innumerable, boundless past lives associated with, and offered things to, innumerable Buddhas and has thus amassed a great deal of good can hope to hear the name of this Sutra.
"O good man! It is difficult to conceive of the Buddha-Nature. It is not possible to conceive of the Treasures of the Buddha, Dharma and Sangha. All beings possess the Buddha- Nature, but not all can know it. This, too, cannot easily be conceived of. The law [Dharma] of the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure of the Tathagata is also difficult to know. That all beings trust in the Great Nirvana Sutra is difficult to know, too."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! You say: "It is not possible to conceive that all beings truly believe in the Great Nirvana Sutra." O World-Honoured One! Among the mass of people here present, there are 85,000 billion people who have no faith in this sutra. It is a thing of wonder if there can be any who can believe in this sutra."
"O good man! All such people can, in lives to come, definitely believe in this sutra. They will see the Buddha-Nature and attain unsurpassed Enlightenment."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! How can the Bodhisattva of the unretro-gressive state come to know that he has the unretrogressive mind?"
The Buddha said: " O good man! The Bodhisattva-mahasattva tests his own mind by penance. He takes a single sesame seed a day and this proceeds for seven days. This proceeds also with such as rice, green beans, hemp seeds, millet, white beans, of which he takes one each day for seven days. When taking a hemp seed, he has to think: " All such penances help nothing. I am doing what does not benefit me. Why not do what gives benefit?" In what gives the person no benefit the mind well stands and does not draw back and change. Because of this, he is sure to attain unsurpassed Enlightenment. When the penance is practised in such days, the flesh and skin get so emaciated and shrink so that everything looks like a raw gourd cut and placed in the sun. The eyes become so drawn back that they look like stars floating in a well; the flesh is so sunken that it looks like a grass-thatched house. The bones of the spine so stick out, one above the other, that we might well think of juentan [the cover on a crown]; where he sits looks like a place stamped by a horse-shoe. Desiring to sit, he falls face down, and desiring to get up, he falls face down. Thus does he suffer from useless pains. Yet, his Bodhichitta [resolve for Enlightenment] does not recoil.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva fights against all pains. And to give peace to others, he casts away all the wealth that he has and abandons his own life as though it were fodder. Casting aside his body and mind, such a Bodhisattva unfailingly sees that he has an unretrogressive mind and that he will definitely attain unsurpassed Enlightenment.
"Also, next, the Bodhisattva, for Dharma, slices off his own body and makes it into a lamp. He rolls his skin and flesh in a woolen cloth, puts butter oil on it, burns it and makes it into a wick. The Bodhisattva suffers this great pain at the time and reproaches his own mind, saying: "Even such pains are not worth a hundred-thousand-millionth part. You have, over a period of an innumerable hundred thousand kalpas, undergone great pain and gained nothing. If you cannot stand this slight pain, how can you hope to save those in hell who are in pain?" When the Bodhisattva-mahasattva thinks thus, he has no pain in his body and his mind does not draw back. It does not move about or shift. The Bodhisattva then deeply thinks: "I shall surely attain unsurpassed Enlightenment." O good man! The Bodhisattva, at that time, is garbed in defilement. It is not yet cut off. For the sake of Dharma, he indeed gives away to beings all his head, eyes, marrow, hands and feet, blood and flesh. He strikes nails into his body, thows himself onto the rocks, and steps into fire. The Bodhisattva at that time suffers such innumerable pains. His mind does not draw back, does not move about, and does not shift. And the Bodhisattva knows: "I now have an unretrogressive mind, and I shall attain unsurpassed Enlightenment."
"O good man! The Bodhisattva-mahasattva, in order to crush out the suffering of all beings, takes a vow, gains the rough and great body of an animal and gives away his own body, blood and flesh to beings. When the beings take these, they will have a pitying mind. The Bodhisattva then suppresses his breathing, shows a dying face, and does not let a person who harms gain the thought of killing or doubt. The Bodhisattva, though now an animal in body, does not, to the end, perform any action of an animal. Why? O good man! When the Bodhisattva gains an unretrogressive mind, he does not perform any action of the three unfortunate realms. If there should be any bit of evil karmic returns not yet definitely suppressed in the life to come, the Bodhisattva-mahasattva takes a great vow and suffers himself all such for the sake of beings.
"For example, a sick person has within his body a devil which sits within, hidden. By the power of charms, it shows its form and talks, is happy, angry, slanders, weeps, and laughs. Things go thus. The actions in the days of the three unfortunate realms of the Bodhisattva-mahasattva also proceed in the same way.
"When the Bodhisattva-mahasattva gains the body of a brown bear, he speaks of Wonderful Dharma to beings. Or he may gain the body of a kapinjala, and speaks of Dharma to beings. Or he may gain such a body as that of the godha, the deer, hare, sheep, monkey, white dove, garuda, naga, or serpent. Gaining such a body, he does not ever think of performing the evil actions of a beast. Always, for the sake of all other beasts and beings, he speaks of Wonderful Dharma, so as to enable them quickly to discard their animal bodies. The Bodhisattva, although possessing the body of an animal, does not do any of the evil actions of an animal. So, one can know that he decidedly dwells in an unretrogressive mind.
"The Bodhisattva-mahasattva, at the time of a famine, sees the hunger-ridden beings and gains the body of a tortoise or fish, as big as innumerable yojanas. Again, he swears to himself: " I pray that when all beings take my flesh, as soon as they take it new flesh will come about, so much so that they will be able to segregate themselves from hunger and thirst and that all will aspire to unsurpassed Enlightenment." The Bodhisattva takes a vow: "If they make away with hunger and thirst because of me, they will in the days to come make away with the 25 existences." When the Bodhisattva undergoes such pains, he will not retrogress. Know that he will unfailingly attain unsurpassed Enlightenment.
"Also, next, the Bodhisattva, in the days of an epidemic, sees those who are suffering and thinks: "This is as in the case of a big medicine tree, and the sick come and take the roots, the stem, the branches, the leaves, the flowers, the fruit, and the bark, and they make away with their illness. I pray that my body, too, will serve in this way. Anyone who suffers from illness may hear [my] voice, touch [my] body, or partake of [my] blood and flesh, or the marrow of [my] bones, and their illness will depart. I pray that when all beings partake of my flesh, they will not gain evil thoughts and will feel as though they were partaking of the flesh of their own child. After curing their illness, I shall always speak of Dharma. I pray that they will believe, meditate, and then teach others."
"Also, next, O good man! The Bodhisattva, though clad in defilement and suffering bodily pain - his mind does not draw back, does not move or shift. Know that he will unfailingly gain the unretrogressive mind and accompany unsurpassed Enlightenment.
"Also, next, O good man! Beings may be suffering from illnesses because of a devil. The Bodhisattva sees this and says: " I pray that I will gain the body of a devil, great in size and powerful in physique, and one who has various kindred, so that he may see and give ear to what I speak and that the illness departs."
"The Bodhisattva, for the sake of beings, undergoes penance. Though clad in defilement, his mind does not become defiled.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the six paramitas [perfections]. But he does not seek to gain the fruit of the six paramitas. When practising the six paramitas, he prays: " I shall now offer all this action of mine of the six paramitas to the good of all beings, so that any person receiving what I give will achieve unsurpassed Enlightenment. I shall also, as I practise the six paramitas, undergo all pains. As I suffer, I pray that I shall not draw back in my aspiration to Enlightenment." O good man! When the Bodhisattva gains this [state of] mind, we call this unretrogressive.
"Also, next, O good man! It is difficult to conceive of the Bodhisattva. Why? The Bodhisattva-mahasattva knows very well all the sins of birth and death, and sees the great virtue of Great Nirvana. And for the sake of all beings, he lives where birth and death obtain, suffering there manifold pains. Yet, his mind does not pull back. This is why we say that the Bodhisattva is inconceivable.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva has pity where there is nothing to have pity on. Truth to tell, he owes nothing, and yet he always does favours [to beings]. Bestowing favours, he yet does not expect any return. For this reason, we say that he is inconceivable.
"Also, next, O good man! There are beings who practise various penances for their own good. The Bodhisattva-mahasattva practises penances so as to benefit others. This is "benefiting one’s own self." This is also what is difficult to conceive.
"Also, next, the Bodhisattva, clad in defilement, practises the all-equal mind, so that he can crush out all the pains that arise out of friendliness and enmity. Because of this, we say inconceivable.
"Also, next, the Bodhisattva sees beings who do evil and do what is not good. He reproaches them, speaks gently, rejects and abandons. To one who is evil-natured, he uses gentle words; to one who is arrogant, he becomes greatly arrogant. And, yet, at heart he is not haughty. This is what we call the inconceivability of the expedients of the Bodhisattva.
"Also, next, the Bodhisattva is clad in defilement. When he has little, many people come and ask. And his mind does not become narrow-minded. This is what is inconceivable in the Bodhisattva.
"Also, next, the Bodhisattva knows the virtue of the Buddha, when the Buddha appears in the world. For the sake of beings he gains birth even in remote places, where the Buddha is not. He is like a blind, deaf, lame, or crippled person. This is why we say that the Bodhisattva is inconceivable.
"Also, next, the Bodhisattva knows very well all the sins of beings, and for the sake of Emancipation, he always accompanies them. Although he follows the way of their mind, he does not get contaminated by sin and defilement. For this reason, we say inconceivable.
"Also, next, the Bodhisattva gains a body which still has defilement, and lives in Tusita Heaven. This, too, is inconceivable. Why? Tusita Heaven is the best of heavens in the world of desire. Those who live in the low heavens have minds that are indolent, and all the sense-organs of those in the high heavens are dull. Because of this, we say superb. Practising dana and sila, one gains a high or low body. Practising dana, sila, and samadhi, one gains the body of the Tusita Heaven. All Bodhisattvas despise and destroy all dharmas [impermanent things]. Never do they perform the actions of heaven and gain the body of that heaven. Why not? Though living in other existences, the Bodhisattva truly teaches and gains the end. Truth to tell, he has no greed, and yet is born into the world of desire. Because of this, we say inconceivable.
"The Bodhisattva-mahasattva, when he is born in Tusita heaven, has three superior things, namely: 1) life, 2) colour, and 3) fame. The Bodhisattva-mahasattva does not seek life, colour, or fame. Not seeking [these], what he gets is superior. The Bodhisattva-mahasattva seeks much Nirvana, and in the cause of " is" , too, he is superior. For this reason, we say inconceivable.
"Although the Bodhisattva-mahasattva thus supercedes the gods in these three things, they gain no [feeling of] anger, jealousy, or arrogance towards the Bodhisattva. They are happy. The Bodhisattva, too, does not become arrogant towards the gods. That is why we say inconceivable.
"Although the Bodhisattva-mahasattva does not perform any action to gain life, he gains life in that heaven ultimately. Thus we say that [his] life is superior. Although he has not done anything for [the sake of] colour, the light of his wonderful body fills all around. Thus he is superior to others in colour. Living in that heavenly world, the Bodhisattva-mahasattva does not seek the five desires. What he does relates to Dharma. On account of this, his name resounds in the ten directions. This is how his name [reputation, fame] is superior. This is how he is inconceivable.
"The Bodhisattva-mahasattva descends from Tusita Heaven, and the great earth shakes in six ways. So we say inconceivable. Why? When the Bodhisattva descends from heaven, all the gods of the worlds of desire and colour accompany him and see him off and greatly praise the Bodhisattva. From the wind generated by their mouths, the earth shakes.
"Also, the Bodhisattva becomes the elephant king of men, and this elephant king is called " naga king" . When the naga enters the womb, all the naga kings under the ground are afraid and frightened. So the great earth shakes in six ways. Because of this, we say inconceivable.
"When the Bodhisattva-mahasattva enters the womb, he knows how long he has to be therein and when he will comes out. He knows the father and mother, and is not defiled by filth. All this obtains as in the case of the knot of hair and the blue-coloured gem of Devendra. Because of this, we say inconceivable.
"O good man! It is the same with the Great Nirvana Sutra, which is inconceivable. For example, this is as with the eight things which are inconceivable. What are the eight? They are: 1) by degrees the deepness increases; 2) it is deep and the bottom is difficult to gain; 3) sameness obtains as in the case of the salty taste [of the ocean, which is everywhere salty]; 4) the tide does not exceed the boundary line; 5) there are various storehouses of treasure; 6) a great-bodied being lives therein; 7) no dead bodies are to be found there; 8) all rivers and great rains flow in, but the volume of water neither increases nor decreases.
"O good man! We say that the deepness gradually increases. Here, there are three things, namely: 1) the power of beings’ wealth; 2) the fair wind which carries things well, and 3) the river water enters, and there are three kinds of non-increase and non-decrease. It is the same with this all-wonderful Great Nirvana Sutra, too. There are eight inconceivablenesses.
"First, there is the gradual deepening such as of the five silas, the ten silas, the 250 silas, the Bodhisattva silas. And there are the fruitions of the srotapanna, sakrdagamin, anagamin, arhat, pratyekabuddha, Bodhisattva, and unsurpassed Bodhi. This Nirvana Sutra speaks of these teachings. Hence, gradual deepening. This is the gradual deepening.
"Second, the greatly difficult has a bottom. The Tathagata-World-Honoured one is birth- lessness and deathlessness. There is no attaining of unsurpassed Enlightenment. There is no turning of the Wheel of Dharma. He does not feed, does not receive, and does not give. Hence, we say "the Eternal, the Bliss, the Self, and the Pure". Beings all have the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is not material form, and yet is not away from material form. It is not feeling, not perception, not volition, and not consciousness. Nor is he [i.e. Buddha] segregated from consciousness. This is to always see. The cause of revealing is no cause of doing. Those from the srotapanna up to pratyekabuddha will all gain unsurpassed Enlightenment. Also, there is no defilement that can be named and no place to exist, and there is not illusion. So, we say " Eternal" . Hence, " deep"
"Also, there is the " Eternally Deep" . This is what we encounter in the sutra, which at times states as [speaks of] the Self and at times as the non-Self; or at times it goes as [designates] the Eternal, or as the non-Eternal; or, at times, as the Pure, or at times as the Impure; or at times, it goes as Bliss, and at times as Suffering; or at times, as the Void, or at times as the Non-Void; at times, all is "is", or at times all is "is-not"; or at times, all are the three vehicles, or at times one vehicle; or at times, as the five skandhas, the Buddha-Nature, the vajra- samadhi, and the Middle Path; or the Suramgama Samadhi, the 12 links of interdependence,” and Paramartha-satya”. Loving-kindness and Compassion come about equally to all beings. It is the highest knowledge, faith, the power that knows all sense-organs. He speaks about the Wisdom of things. Possessing the Buddha-Nature, no fixedness is spoken of. Thus, " deep" .
"Third, we have the sameness of the saltiness of taste. All beings possess the Buddha- Nature and ride in one vehicle; what there is is one Emancipation. What there is is the one cause and the one fruition. The taste is the same amrta [ambrosia - Immortality]. “All will attain the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure”. This is the sense in which we speak of "one taste" .
"Fourth, the tide does not cross the boundary line. In this, many prohibitions suppress the bhiksus. There are eight impure things which they must not keep. It is as when stated that my disciple well upholds, recites, copies, expounds and discriminates this all-wonderful Great Nirvana Sutra and that he does not transgress against it, even if it meant losing his life. That is why we say that the tide does not overstep the boundary line.
"Fifth, we say that there are various storehouses of treasure. This sutra is one that contains uncountable treasures. These are the four remembrances, the four efforts, the four at-willnesses, the five sense-organs, the five powers, the seven Bodhi elements, and the Noble Eightfold Path. Also, they are such as the child’s actions, the holy actions, the pure actions, and the heavenly actions. These are all the good expedients and the Buddha-Nature of all beings. There are such as the virtues of the Bodhisattva, the virtues of the Tathagata, the virtues of the sravaka, and the virtues of the pratyekabuddha; there are such as the six paramitas, the countless samadhis, and the innumerable Wisdoms. Hence, we say " treasure-house" .
"Sixth, this refers to where the Great-Body Being lives. We say "Great-Body Being". Because of the fact that the Buddha and Bodhisattva have great Wisdom, we say "great being". Because of the greatness of their body, the greatness of their mind, of the great adornment, of the great subjugation which they perform, of their great expedients, of their great sermons, of their great power, of the greatness of the number of people, of the greatness of their miracles, of their Great Loving-Kindness, of their being Eternal and Unchanging, of the fact that all beings are unhindered, of the fact that all beings are taken in, we say "where the Great-Body Being resides".
"Seventh, we say that no dead body stays [there]. The dead body is none other than the icchantika, the four grave offences, the five deadly sins, slandering the vaipulya, delivering sermons wrongly or unlawfully. The person stores up the eight impure things; he wilfully uses what belongs to the Buddha and the Sangha; he does what is unlawful [i.e. against Dharma] in the presence of the bhiksus and bhiksunis [monks and nuns]. These are the dead bodies. The Great Nirvana Sutra is away from any such. That is why we say that there remains no dead body there.
"Eighth, we have what does not increase and what does not decrease. We say this because there is no boundary line and no beginning and no end, being non-form, non-action, being Eternal, not being born, and not dying. As all beings are all-equal, as all beings are of the same nature, we say that there is no increase and no decrease. Thus, like the great ocean, this sutra possesses eight inconceivablenesses."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! You the Tathagata say that birthlessness and deathlessness are what is deep. Now, with all beings there are four [types of] birth, namely: 1) egg-born, 2) embryo-born, 3) moisture-born, and 4) transformed existence [spontaneous, immediate rebirth, e.g. as a god]. Man is fully possessed of these four kinds of birth. The cases of Bhiksus Campalu and Upacampalu are good examples. The mother of the rich man, Mekhala, that of the rich man, Nyagrodha, and the mother of Panjara are of the 500 egg-born [varieties]. Know that even among humans, too, there are cases of egg-born [persons]. As to those moisture-born, it is as the Buddha states. Once in the past, as a Bodhisattva, I was born as King Head-Born and King Hand-Born. This was as in the case of the women, Amra and Kapitha. Know that there is also the case of birth by moisture. At the time of the beginning of the world, all beings appear as transformed births [i.e. spontaneously]. The Tathagata-World- Honoured One gains the eight unmolestednesses. Why does he not appear as a transformed birth?"
The Buddha said: " O good man! All beings appear through the four types of birth. When Holy Dharma is gained, one can no more be born as before in such forms as egg-born or moisture-born. O good man! The beings at the beginning of the world all appear in transformed states. At that time, the Buddha does not appear in the world. O good man! When one becomes sick and has pain, one seeks a doctor and medicine. The beings at the time of the beginning of the world gain birth in transformed states [i.e. spontaneously]. Though they are possessed of defilement, [their] illness does not as yet manifest. For this reason, the Tathagata does not appear in the world. The beings at the time of the beginning of the world do not have such receptacles as body and mind. On this account, the Tathagata does not appear in the world.
"O good man! The Tathagata’s caste, relatives and parents are superior to those of beings. Because of this surpassing [quality], people believe in whatever is said about Dharma. For this reason, the Tathagata does not gain birth through moisture. O good man! With all beings, the father makes the karma of his son, and his son that of his father. If the Tathagata gains the moisture type of birth, there is no father and no mother. With no father and mother, how might people be made to do all good deeds? Because of this, the Tathagata does not gain a body by transformation. O good man! In the Wonderful Dharma of the Buddha, there are two protections. One is in and the other out. The in is the observing of the precepts, and the out is the relatives and kindred. If the Buddha-Tathagata gained a transformed body, there could not be any protection from without. For this reason, the Tathagata does not gain a transformed body.
"O good man! Humans gain arrogance from caste. To destroy that kind of haughtiness, he [Buddha] takes a noble birth, not gaining a transformed body. O good man! The Tathagata-
World-Honoured one has a true father and mother. The father was Suddhodana, and the mother Maya. Regarding this, all beings say that they were phantoms. How could he gain a transformed body? If his body was one of transformation, how could he gain a transformed body? Gaining a transformed body, how could there be anything such as the dissolution of his body and the presence of the sarira [body-relics]? To increase fortune and virtue, he makes his body go into dissolution and makes offerings. Because of this, the Tathagata does not gain a transformed body. No Buddhas ever show themselves in transformed births. Why should I alone gain a transformed body?"
Then, Bodhisattva Lion's Roar folded his hands, and prostrating himself upon the ground, with his right knee on the ground, he praised the Buddha:
"The Tathagata is a ball of innumerable virtues!
I cannot now well explain [this]. I now,
For beings’ sake, speak but a part.
Have pity and give ear to what I say.
Beings move about in the gloom of ignorance,
And suffer from a hundred pains.
The World-Honoured One thoroughly cuts them off.
Hence, the world says that he is Great Loving-Kindness.
Beings go and come back,
Like a rope of birth and death;
And with indolence and delusion There is no peace and no bliss.
The Tathagata truly gives people peace And thus eternally cuts The rope of birth and death.
The Buddha truly gives people peace and bliss And has no greed regarding the bliss he [himself] has.
For beings’ sake he undergoes penance.
Hence, people make offerings to him.
Seeing others suffering pain, his body shakes.
When he is in hell, he feels no pain.
For the sake of the beings, he undergoes great pain.
For this reason, none can supercede [him];
None can recount. The Tathagata,
For beings’ sake, practises penance And accomplishes it and is perfect In the six paramitas.
His mind is not moved even by evil winds And is superior to all great ones.
Beings always care for peace and bliss,
But do not know how to effect the cause thereof.
The Tathagata teaches [beings] to practise well,
Like unto the compassionate father Who loves his only son.
The Buddha sees beings’ illness of defilement And grieves over it, just as a mother does Who sees her son sick.
He always thinks how he can cut out the illness.
Because of this, his body belongs to others.
All beings enact all the causes of suffering.
Their minds are upside down and take such to be bliss.
The Tathagata tells us of the bliss and sorrow that are true.
So we say "Great Compassion".
All worlds are shelled in by ignorance
And no beak of Wisdom can easily break this asunder.
The Tathagata’s beak of Wisdom can well do this.
Hence, we say "Greatest Person".
The Three Times do not well hold him;
No name or no temporary name does exist.
And the Buddha knows the profoundest meaning of Nirvana.
So we call him the "Great Awakened One".
The river of " is" twirls around And beings get drowned.
Their eyes are blinded by ignorance,
So that they cannot easily extract their own Self out.
The Tathagata saves his own Self and also saves others.
Hence the Buddha is called the " great master mariner" .
He is well versed in the cause and result of all things And in the way to annul these.
He always gives medicine to beings’ illnesses.
Hence we call him the "Great Doctor".
The tirthikas speak of twisted views and of penance And say that these call in bliss unsurpassed.
The Tathagata speaks of the True Way of bliss And enables beings to gain ease and bliss.
The Tathagata-World-Honoured One destroys the twisted views of life And shows beings the right path to take.
Anyone who follows this path will gain ease and bliss.
Hence we call the Buddha the "Guide".
It is not that what one does,
Not that what others do,
It is no doing together;
It is not without a cause.
The pain about which the Tathagata speaks Surpasses what the tirthikas profess.
He is accomplished and perfect In sila, samadhi, and Wisdom
And teaches beings this Dharma.
When giving, He has no jealousy or stinginess.
Hence we call the Buddha the "Unsurpassed Compassionate One". Whatever is not done and whatever has no causal relations,
And he gains the causeless and result-less recompense.
Because of this, all wise persons
Praise the Tathagata for what he does for no returns.
Always journeying together
With the indolence of the world at large,
He himself is not defiled by indolence.
That is why we say inconceivable.
The eight things of the world cannot defile him.
The Tathagata-World-Honoured One sees neither enemy nor friend.
So his mind is always impartial.
I give a Lion’s Roar, and truly roar out all the Lion’s Roars of the world."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.140.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập