Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 1 - Phẩm THỌ MẠNG - Thứ nhất – Phần một »»
Chúng tôi được nghe đúng như thế này: Vào lúc đức Phật đang ở tại thành Câu-thi-na, quê hương của tộc họ Lực-sĩ, bên bờ sông A-lỵ-la-bạt-đề, trong rừng cây Sa-la Song thọ.
Bấy giờ, chung quanh đức Thế Tôn có tám mươi ức trăm ngàn vị đại tỳ-kheo cùng tụ hội theo hầu. Vào ngày rằm tháng hai, lúc Phật sắp vào Niết-bàn, liền dùng thần lực phát ra âm thanh rất lớn. Âm thanh ấy vang dội khắp nơi, lên đến tận cõi trời Hữu đỉnh. Mỗi loài chúng sanh đều nghe hiểu được âm thanh của Phật bằng ngôn ngữ của mình, cùng hiểu như nhau rằng:
“Hôm nay đức Như Lai, bậc xứng đáng nhận sự cúng dường của muôn loài, bậc luôn thương xót, che chở cho chúng sanh như con một của ngài là La-hầu-la, bậc làm chỗ nương nhờ, trú ẩn cho tất cả chúng sanh, bậc Đại Giác Thế Tôn sắp vào Niết-bàn. Tất cả chúng sanh, ai còn có điều nghi hoặc, hôm nay nên đến thưa hỏi Ngài, là lần thưa hỏi cuối cùng.”
Lúc ấy vừa rạng sáng, đức Thế Tôn từ nơi khoảng giữa hai lông mày phóng ra nhiều loại hào quang, có đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, mã não. Hào quang ấy chiếu sáng khắp cõi thế giới tam thiên đại thiên của đức Phật Thích-ca, cho đến khắp cả mười phương cũng đều được chiếu sáng như vậy.
Khắp các cõi thế giới, những chúng sanh trong sáu đường khi được hào quang ấy chiếu lên thân thể thì tất cả phiền não, tội lỗi đều được tiêu trừ. Hết thảy chúng sanh nhìn thấy hào quang và nghe âm thanh của Phật, lòng rất đau buồn, cùng nhau cất tiếng bi ai than khóc:
“Than ôi! Đấng cha lành của chúng ta! Đau đớn thay! Khổ não thay!”
Hết thảy đều vò đầu đấm ngực mà khóc la; lại có những kẻ run rẩy cả thân hình, nghẹn ngào khóc không thành tiếng. Lúc ấy, khắp mặt đất, núi non, biển cả thảy đều chấn động.
Bấy giờ, tất cả chúng sanh bảo nhau rằng: “Chúng ta nên cố dằn lòng, đừng quá buồn khổ. Hãy mau đến chỗ đức Như Lai ở thành Câu-thi-na, quê hương của tộc họ Lực-sĩ, đảnh lễ ngài và kính bạch rằng: Chúng con xin khuyến thỉnh Như Lai đừng nhập Niết-bàn, ngài nên trụ thế cho trọn một kiếp hoặc một kiếp giảm.”
Rồi mọi người lại nắm tay nhau, cùng nói rằng: “Thế gian sắp trống rỗng! Phước của chúng sanh hết rồi! Các nghiệp bất thiện sẽ ngày càng nhiều hơn ở thế gian! Mọi người hãy nhanh chân lên, nhanh lên! Chẳng bao lâu nữa đức Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.”
Mọi người lại than vãn rằng: “Thế gian sắp trống rỗng! Thế gian sắp trống rỗng! Từ nay chúng ta không còn ai là người cứu hộ, không còn ai để kính ngưỡng, chúng ta sẽ trở nên bần cùng, côi cút, trong chốc lát đã phải xa lìa đấng Vô thượng Thế Tôn! Như có điều chi nghi hoặc, chúng ta còn biết thưa hỏi với ai?”
Lúc ấy, có vô số các vị đệ tử lớn như: Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, Tôn giả Bạc-câu-la, Tôn giả Ưu-ba-nan-đà... Các vị đại tỳ-kheo như vậy, khi gặp hào quang của Phật chiếu đến thì run rẩy cả thân hình, xúc động mạnh mẽ không sao tự kiềm chế được, tinh thần bấn loạn, sầu muộn mê muội, lớn tiếng khóc than, sanh ra khổ não muôn phần!
Lại có tám trăm vạn tỳ-kheo, thảy đều là bậc A-la-hán, tâm đã được tự tại, đã làm xong việc cần làm, lìa khỏi các phiền não, điều phục các căn, như loài rồng lớn có oai đức lớn, thành tựu trí tuệ Không, được sự lợi ích cho bản thân. Như rừng chiên-đàn có nhiều cây chiên-đàn vây quanh, như chúa sư tử có nhiều sư tử vây quanh, những vị thành tựu được vô lượng công đức như vậy đều là những đệ tử chân chánh luôn theo hầu quanh Phật.
Vừa lúc tảng sáng, mặt trời vừa mọc, các vị tỳ-kheo ấy rời khỏi chỗ ở của mình. Đang khi súc miệng, chải răng bằng nhành dương, các vị gặp hào quang của Phật chiếu đến liền bảo nhau rằng: “Mọi người nên súc miệng, rửa tay nhanh nhanh lên!” Vừa nói xong thì khắp thân thể các vị đều sởn ốc, lông trên người dựng ngược, máu hiện dưới da, đỏ như hoa ba-la-xa, nước mắt đượm tròng, buồn đau sầu khổ vô cùng. Nhưng vì muốn lợi ích và an lạc cho chúng sanh, vì muốn thành tựu hạnh Không bậc nhất của Đại thừa, làm rõ bày giáo pháp phương tiện sâu kín của Như Lai, vì muốn các môn thuyết pháp không bị dứt mất, vì muốn điều phục hết thảy chúng sanh, nên các vị ấy liền nhanh chóng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, đi quanh Phật trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính rồi lui xuống ngồi sang một bên.
Lúc ấy, lại có bà Câu-đà-la, tỳ-kheo ni Thiện Hiền, tỳ-kheo ni Ưu-ba-nan-đà, tỳ-kheo ni Hải Ý, cùng với sáu mươi ức các vị tỳ-kheo ni, tất cả đều là các bậc Đại A-la-hán, các lậu đã dứt, tâm được tự tại, đã làm xong việc cần làm, lìa khỏi các phiền não, điều phục các căn, như những vị đại long vương có oai đức lớn, thành tựu trí tuệ Không. Cũng vào lúc tảng sáng, khi mặt trời vừa mọc, khắp thân thể các vị đều sởn ốc, lông trên người dựng ngược, máu hiện dưới da, đỏ như hoa ba-la-xa, nước mắt đượm tròng, buồn đau sầu khổ vô cùng. Nhưng cũng vì muốn lợi ích và an lạc cho chúng sanh, vì muốn thành tựu hạnh Không bậc nhất của Đại thừa, làm rõ bày giáo pháp phương tiện sâu kín của Như Lai, vì muốn các môn thuyết pháp không bị dứt mất, vì muốn điều phục hết thảy chúng sanh, nên các vị ấy liền nhanh chóng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, đi quanh Phật trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính, rồi lui xuống ngồi sang một bên.
Trong chúng tỳ-kheo ni, lại có những vị tỳ-kheo ni đều là bậc Bồ Tát, như rồng giữa loài người, đều đạt tới địa vị thứ mười là địa vị rốt ráo của Bồ Tát, trụ yên ở cảnh giới bất động, các vị vì muốn giáo hóa chúng sanh nên thị hiện thân nữ, thường tu tập Bốn tâm vô lượng, đạt được sức tự tại, có thể hóa hiện làm Phật.
Lúc ấy, lại có chư Đại Bồ Tát nhiều như số cát một sông Hằng, như rồng giữa loài người, đều đạt tới địa vị thứ mười là địa vị rốt ráo của Bồ Tát, trụ yên ở cảnh trí bất động, tùy phương tiện mà hiện thân, trong số đó các ngài Bồ Tát Hải Đức, Bồ Tát Vô Tận Ý... là những bậc đứng đầu. Các ngài thảy đều đem lòng kính trọng Đại thừa, trụ yên nơi Đại thừa, hiểu sâu Đại thừa, ưa thích Đại thừa, bảo vệ gìn giữ Đại thừa. Các ngài khéo tùy thuận tất cả thế gian, có phát nguyện rằng: “Đối với những chúng sanh chưa được cứu độ, sẽ khiến cho được cứu độ.”
Trong vô số kiếp đã qua, các ngài từng tu trì giới hạnh trong sạch, khéo giữ việc hành trì, giải thoát cho những người chưa được giải thoát, nối tiếp hạt giống Tam bảo không để dứt tuyệt. Trong đời vị lai, các ngài sẽ quay bánh xe Pháp, dùng sự trang nghiêm tốt đẹp để tự trang nghiêm mình. Các ngài đều thành tựu vô lượng công đức như vậy, yêu thương tất cả chúng sanh như con một của mình.
Cũng vào lúc tảng sáng, khi mặt trời vừa mọc, khắp thân thể các ngài đều sởn ốc, lông trên người dựng ngược, máu hiện dưới da, đỏ như hoa ba-la-xa, nước mắt đượm tròng, buồn đau sầu khổ vô cùng. Nhưng cũng vì muốn lợi ích và an lạc cho chúng sanh, vì muốn thành tựu hạnh Không bậc nhất của Đại thừa, làm rõ bày giáo pháp phương tiện sâu kín của Như Lai, vì muốn các môn thuyết pháp không bị dứt mất, vì muốn điều phục hết thảy chúng sanh, nên các ngài liền nhanh chóng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, đi quanh Phật trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính, rồi lui xuống ngồi sang một bên.
Lúc ấy, lại có những ưu-bà-tắc, nhiều như số cát hai sông Hằng, là những người thọ trì Năm giới, trọn vẹn oai nghi của người tu tại gia. Trong số ấy, có ưu-bà-tắc Oai Đức Vô Cấu Xưng Vương, ưu-bà-tắc Thiện Đức là những vị đứng đầu. Các vị ưu-bà-tắc này thích quán sát sâu xa các pháp môn đối trị như là: khổ đối với vui, thường đối với vô thường, tịnh đối với bất tịnh, ngã đối với vô ngã, thật đối với không thật, quy y đối với không quy y, chúng sanh đối với phi chúng sanh, thường còn đối với không thường còn, an ổn đối với không an ổn, hữu vi đối với vô vi, đoạn đối với bất đoạn, Niết-bàn đối với không phải Niết-bàn, tăng thượng đối với không tăng thượng...
Các vị ấy thường ưa thích quán sát các pháp môn đối trị như vậy, lại cũng thích nghe pháp Đại thừa cao trổi nhất. Được nghe rồi liền có thể giảng thuyết cho kẻ khác nghe. Các vị ấy khéo giữ giới hạnh trong sạch, khao khát ngưỡng mộ Đại thừa. Khi đã được đầy đủ, lại có thể làm cho những người đang khao khát ngưỡng mộ cũng được đầy đủ như mình. Những vị ấy khéo thâu nhiếp và giữ lấy trí tuệ cao trổi nhất, ưa thích Đại thừa, bảo vệ gìn giữ Đại thừa, khéo tùy thuận tất cả thế gian. Những vị ưu-bà-tắc ấy hóa độ những những người chưa được hóa độ, giải thoát những người chưa được giải thoát, nối tiếp hạt giống Tam bảo chẳng để cho dứt tuyệt. Ở đời vị lai, các vị sẽ quay bánh xe Pháp, sẽ dùng sự trang nghiêm tốt đẹp mà tự trang nghiêm mình, lòng thường vui thích sâu xa nơi giới hạnh thanh tịnh. Tất cả đều có thể thành tựu những công đức như vậy. Đối với chúng sanh đều sanh lòng đại bi, yêu thương tất cả như con một của mình, không có sự phân biệt.
Cũng vào lúc tảng sáng, khi mặt trời vừa mọc, vì muốn dự lễ trà tỳ đức Như Lai, ai nấy đều mang theo cả muôn bó củi thơm như chiên-đàn, trầm thủy, ngưu đầu chiên-đàn, thiên mộc hương... Từ nơi mỗi cây gỗ thơm ấy đều tỏa chiếu ánh sáng thất bảo vi diệu, như những bức họa tô điểm nhiều màu. Nhờ sức thần của Phật nên có đủ những màu đẹp như xanh, vàng, đỏ, trắng... chúng sanh đều ưa nhìn. Những cây gỗ ấy lại được tẩm vào nhiều loại hương thơm nữa như hương cỏ uất kim, hương trầm thủy, hương keo...
Người ta lại rảy nhiều thứ hoa để thêm trang nghiêm, như hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ. Ở trên đầu những cây gỗ thơm lại treo những lá phan ngũ sắc mềm mại, mịn màng và tốt đẹp, dường như vải lụa cõi trời, như vải kiêu-xa-da, vải sô-ma, lụa nhiều màu.
Người ta lại dùng xe báu mà chở những cây gỗ thơm ấy. Từ những chiếc xe báu tỏa chiếu rất nhiều ánh hào quang màu xanh, vàng, đỏ, trắng... Gọng xe, trục xe đều là bảy báu làm thành. Mỗi xe đều thắng bốn ngựa, mỗi ngựa đều có sức chạy nhanh như gió. Trước mỗi đầu xe có treo 50 bức màn thật đẹp bằng bảy báu, có lưới bằng vàng che phủ phía trên. Mỗi xe báu lại có 50 cái lọng quý tuyệt đẹp.
Trên mỗi xe còn treo những dây hoa như hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ. Những hoa ấy có cánh hoa bằng vàng ròng, đài hoa bằng kim cương. Giữa đài hoa có nhiều con ong màu đen bay đến tụ tập vui thích, phát ra những âm thanh vi diệu, diễn giải những lý vô thường, khổ, không, vô ngã. Trong âm thanh ấy cũng kể lại sự hành đạo của Phật trước kia, khi còn là Bồ Tát. Lại có rất nhiều các thứ ca múa kỹ nhạc, đàn tranh, sáo địch, không hầu, ống tiêu, đàn sắt, trống phách... Trong tiếng nhạc lại phát ra những lời này: “Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sắp trống rỗng!”
Phía trước mỗi chiếc xe có những vị ưu-bà-tắc nâng hương án bằng bốn thứ báu. Trên những hương án ấy có nhiều thứ hoa như hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ, lại có hương uất-kim và các thứ hương xông khác có mùi thơm vi diệu nhất.
Vì muốn cúng dường Phật và chư tăng, các vị ưu-bà-tắc cũng bày biện đầy đủ các món ăn, tất cả đều được nấu bằng củi thơm chiên-đàn, trầm thủy, và bằng nước tám công đức. Các món ăn ấy đều thơm ngon, đủ sáu mùi vị: đắng, chua, ngọt, cay, mặn và lạt. Lại có ba đặc tính là nhẹ mềm, tinh khiết và đúng theo pháp.
Sắp đặt mọi thứ trang nghiêm như vậy rồi, những vị ưu-bà-tắc ấy liền đi đến quê hương của tộc họ Lực-sĩ, nơi rừng cây Sa-la Song thọ. Những vị ấy lại dùng cát vàng mà rải khắp trên mặt đất, dùng vải ca-lăng-già, vải khâm-bà-la và vải lụa nhiều màu mà phủ trên cát, bao trùm một vùng rộng 12 do-tuần, và cũng vì Phật và chư tăng mà chuẩn bị các tòa sư tử bằng bảy thứ báu. Tòa ấy cao lớn như núi Tu-di, trên các chỗ ngồi đều có giăng che trướng báu, có treo những xâu chuỗi ngọc rủ xuống. Trên những cây sa-la đều có treo nhiều lá phướn và lọng che cực kỳ đẹp đẽ. Lại đem hương tốt bôi lên thân cây và đem nhiều thứ hoa quý mà rải trong khoảng giữa các cây sa-la.
Những vị ưu-bà-tắc ấy, thảy đều phát nguyện rằng: “Trong tất cả chúng sanh, như có điều gì thiếu thốn: cần ăn ta sẽ cho ăn, cần uống ta sẽ cho uống, cho đến cần đầu, mắt ta sẽ bố thí cho đầu, mắt... Tùy ý cần vật chi, ta đều cung cấp đủ cả. Trong khi làm việc bố thí như vậy, ta lìa khỏi lòng tham dục, giận hờn, lòng độc địa nhơ bẩn, không còn ý nghĩ cầu sự phước lạc ở đời, chỉ mong được quả bồ-đề trong sạch và cao trổi nhất mà thôi.”
Những vị ưu-bà-tắc ấy đã trụ yên nơi đạo bồ-đề rồi, lại phát khởi ý niệm rằng: “Hôm nay Như Lai thọ nhận bữa cơm của chúng ta rồi sẽ nhập Niết-bàn.” Niệm tưởng như vậy rồi, khắp thân thể các vị đều sởn ốc, lông trên người dựng ngược, máu hiện dưới da, đỏ như hoa ba-la-xa, nước mắt đượm tròng, buồn đau sầu khổ vô cùng!
Các vị ấy đem theo đủ các món cúng dường, dùng xe quý mà chở gỗ thơm, cờ phướn, lọng quý, đồ ăn thức uống, nhanh chóng đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật. Rồi đem các món ấy mà cúng dường đức Như Lai, đi quanh cung kính cả trăm ngàn vòng, cất tiếng kêu khóc, đau xót cảm động cả trời đất! Thảy đều đấm ngực mà khóc than, lệ tuôn như mưa! Họ lại bảo nhau rằng: “Khổ thay! Này các vị! Thế gian sẽ trống rỗng! Thế gian sẽ trống rỗng!” Liền đó, các vị ấy đến phủ phục trước đức Như Lai và bạch rằng: “Xin Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Thế Tôn biết là chưa phải lúc nên lặng thinh chẳng nhận. Các vị thỉnh cầu như vậy đến ba lần, nhưng Phật vẫn không nhận. Sở nguyện không thành, các vị ưu-bà-tắc lấy làm bi ai áo não, lẳng lặng đứng yên một chỗ. Ví như người cha lành chỉ có một đứa con, bỗng mang bệnh mất đi, khi đem thi hài đứa con an táng rồi trở về nhà, trong lòng bần thần dã dượi, ưu sầu khổ não. Các vị ưu-bà-tắc ấy cũng ưu sầu khổ não như vậy. Các vị ấy bèn đem những món cúng dường đặt tại một chỗ, rồi lui xuống lẳng lặng ngồi sang một bên.
Lúc ấy, lại có các vị ưu-bà-di nhiều như số cát ba sông Hằng. Đó là những người thọ trì năm giới, trọn vẹn oai nghi của hàng phụ nữ tu tại gia. Có những vị như ưu-bà-di Thọ Đức, ưu-bà-di Đức Man, ưu-bà-di Tỳ-xá-khư... tám vạn bốn ngàn vị đứng đầu như vậy. Tất cả đều đủ sức gánh vác, ủng hộ, giữ gìn Chánh pháp. Vì cứu độ vô lượng trăm ngàn chúng sanh nên các vị thị hiện thân nữ. Các vị thường chê bỏ cuộc sống gia đình, tự quán tưởng thân thể như loài rắn có bốn thứ độc. Thân này thường bị vô số côn trùng đục khoét. Thân này hôi thối, nhơ nhớp, lòng tham dục là nhà lao giam hãm, trói buộc nó. Thân này đáng chán ghét, khác nào như con chó chết. Thân này chẳng trong sạch, từ nơi chín lỗ thường chảy ra những chất dơ nhớp. Thân này như một thành ấp, phía ngoài là lớp da, che phủ những thứ máu, thịt, gân, xương bên trong; tay và chân ví như lầu canh, vọng gác để ngăn ngừa quân địch; mắt như cửa thông ra ngoài; đầu như cung điện, tâm như vua ngự trong đó. Cái thân như thành ấp ấy, chư Phật Thế Tôn đều dứt bỏ.
Kẻ phàm ngu thường mê đắm cái thân này. Tham dâm, nóng giận, ngu si là bọn la-sát ngừng nghỉ và trú ngụ trong đó. Thân này không bền chắc, chỉ như lau sậy, như hoa y-lan, như bọt nước, như thân cây chuối. Thân này là vô thường, chẳng lúc nào ngưng biến đổi, như tia chớp, như thác nước, như ngọn lửa ma trơi. Thân này lại như lằn vạch xuống nước, vừa vạch xong thì mặt nước đã liền như cũ. Thân này rất dễ hư hoại, như cây cao lớn mọc sát ven sông. Thân này chẳng lâu dài, như miếng mồi ngon của loài chồn, sói, chim chí, chim kiêu, diều hâu, ó, quạ, chim khách, chó đói... Ai là người có trí mà lại ưa thích thân này chăng? Ví như có thể đem hết nước biển cả mà chứa vào dấu chân con bò, nhưng cũng không thể nào nói ra hết được những nỗi vô thường, nhơ nhớp, xấu xa, hôi hám của thân này! Ví như có thể vò nát trái đất này và bóp nhỏ lại bằng trái táo, rồi dần dần thu nhỏ như hạt đình lịch, cho đến như một hạt bụi cực nhỏ, nhưng cũng không thể nói hết những lỗi lầm, tai hại của thân này! Bởi vậy, nên xả bỏ nó đi như khạc bỏ đờm dãi.
Bởi nhân duyên ấy, các vị ưu-bà-di thường tu tâm mình bằng các pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện. Các vị rất thích thưa hỏi và vâng lãnh kinh điển Đại thừa. Được nghe rồi, các vị cũng có thể giảng thuyết cho kẻ khác nghe. Các vị giữ gìn bổn nguyện, chê trách thân nữ rất đáng lo sợ và chán ngán, vốn tánh không bền chắc. Lòng thường tu tập phép quán tưởng chánh đáng như vậy, phá dứt được vòng sanh tử không bờ bến. Các vị khao khát, ngưỡng mộ Đại thừa, khi đã được đầy đủ, các vị lại có thể làm cho những người đang khao khát ngưỡng mộ cũng được đầy đủ như mình. Các vị rất ưa thích Đại thừa, bảo vệ, giữ gìn Đại thừa. Tuy thị hiện thân nữ nhưng thật ra các vị đều là Bồ Tát. Các vị khéo tùy thuận tất cả thế gian, cứu độ những người chưa được cứu độ, giải thoát những người chưa được giải thoát, nối tiếp hạt giống Tam bảo chẳng để cho dứt tuyệt. Ở đời vị lai, các vị sẽ quay bánh xe Pháp, dùng sự trang nghiêm rất tốt đẹp mà tự trang nghiêm mình, giữ gìn giới cấm một cách kiên cố. Các vị thành tựu được những công đức như vậy. Đối với chúng sanh, các vị sanh lòng đại bi, bình đẳng yêu thương tất cả đồng như con một của mình.
Cũng vào lúc tảng sáng, khi mặt trời vừa mọc, các vị ưu-bà-di ấy bảo nhau rằng: “Hôm nay chúng ta phải đến rừng cây Song thọ.” Các vị đem theo những thức cúng dường nhiều hơn cả các vị ưu-bà-tắc như đã kể trên. Đi đến chỗ Phật, các vị đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh cung kính cả trăm ngàn vòng rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Nay vì Phật và chư tăng, chúng con đã sắm sửa các món cúng dường. Xin Như Lai thương xót, nhận cho sự cúng dường của chúng con.”
Đức Như Lai lặng thinh chẳng nhận. Sở nguyện không thành, các vị ưu-bà-di lấy làm buồn bã, bèn lui xuống đứng sang một bên.
Lúc ấy, lại có những người thuộc tộc họ Ly-xa ở thành Tỳ-da-li, kẻ nam người nữ, kẻ lớn người nhỏ, cùng với vợ con, quyến thuộc, cùng quyến thuộc của các vua trong cõi Diêm-phù-đề, tất cả nhiều như số cát bốn sông Hằng. Vì cầu pháp, họ khéo tu giới hạnh, đầy đủ các oai nghi, thắng phục được những kẻ theo tà phái hủy hoại Chánh pháp. Họ thường bảo nhau rằng: “Chúng ta nên đem vàng bạc, tài sản thế gian mà làm cho cam lộ, kho báu sâu kín của Chánh pháp vô tận được tồn tại lâu dài ở đời. Nguyện cho chúng ta thường được tu học. Nếu có kẻ phỉ báng Chánh pháp của Phật, ta nên chặn dứt ngay những lời lẽ của họ.” Họ lại có nguyện rằng: “Nếu có những người xuất gia hủy phá giới cấm, chúng tôi sẽ buộc họ phải trở lại thế tục mà làm hạng tôi tớ. Còn như những vị có thể gắng sức hộ trì Chánh pháp, chúng tôi sẽ kính trọng, hầu hạ như cha mẹ. Nếu có chúng tăng thường tu theo Chánh pháp, chúng tôi sẽ vui vẻ tán trợ, giúp cho chư tăng ấy được thêm sức mạnh.”
Các vị ấy thường thích nghe kinh điển Đại thừa. Được nghe rồi, cũng có thể nói rộng ra cho người khác nghe. Các vị đều thành tựu công đức như vậy. Tên của các vị là: Ly-xa Tịnh Vô Cấu Tạng, Ly-xa Tịnh Bất Phóng Dật, Ly-xa Hằng Thủy Vô Cấu Tịnh Đức... Các vị ấy bảo nhau rằng: “Hôm nay, chúng ta nên nhanh chân đến chỗ đức Phật.” Rồi các vị liền chuẩn bị đầy đủ các thứ cúng dường. Mỗi người trong họ Ly-xa đều chuẩn bị tám mươi bốn ngàn thớt voi lớn, tám mươi bốn ngàn cỗ xe báu thắng bằng bốn ngựa, tám mươi bốn ngàn hạt bảo châu minh nguyệt. Còn có những bó củi bằng cây thiên mộc, chiên-đàn, trầm thủy, mỗi thứ cũng đủ số tám mươi bốn ngàn. Phía trước mỗi thớt voi đều có cờ báu, phướn, lọng. Những cái lọng nhỏ nhất chu vi ngang dọc cũng choán trọn một do-tuần. Những lá phướn ngắn nhất, bề dài cũng đến ba mươi hai do-tuần. Những cây cờ thấp nhất cũng cao đến trăm do-tuần. Mang theo những thức cúng dường như vậy, các vị ấy đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng cung kính rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Hôm nay, vì Phật và chư tăng, chúng con chuẩn bị các món cúng dường. Xin Như Lai đem lòng thương xót, thọ nhận sự cúng dường của chúng con.”
Như Lai lặng thinh không nhận. Sở nguyện không thành, những người họ Ly-xa lấy làm sầu não. Nhờ sức thần của Phật, họ rời khỏi mặt đất, bay lên cao đến bảy cây đa-la và đứng lặng giữa hư không.
Lúc ấy, lại có những vị đại thần, trưởng giả, nhiều như số cát năm sông Hằng, đều là những người kính trọng Đại thừa. Nếu có những kẻ học theo thuyết khác phỉ báng Chánh pháp, những vị ấy đều đủ sức thắng phục như mưa đá làm hư gãy cây cỏ. Trong số các vị ấy có trưởng giả Nhật Quang, trưởng giả Hộ Thế, trưởng giả Hộ Pháp là những vị đứng đầu. Các vị ấy chuẩn bị những thức cúng dường nhiều gấp năm lần so với những thứ vừa nói trên, cùng nhau đi đến rừng Sa-la Song thọ, cúi đầu lạy sát chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng cung kính, rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Hôm nay vì Phật và chư tăng, chúng con đã sửa soạn các món cúng dường. Xin Như Lai thương xót, thọ nhận sự cúng dường của chúng con.”
Như Lai lặng thinh chẳng nhận. Sở nguyện không thành, các vị trưởng giả lấy làm sầu não. Nhờ sức thần của Phật, họ đều rời khỏi mặt đất, bay lên cao đến bảy cây đa-la và đứng lặng giữa hư không.
Lúc ấy lại có vua thành Tỳ-xá-ly cùng phu nhân, hậu cung và quyến thuộc, cùng với các vua trong cõi Diêm-phù-đề như vua Nguyệt Vô Cấu... và nhân dân các thành ấp, làng mạc, nhiều như số cát sáu sông Hằng, trừ ra vua A-xà-thế là vắng mặt. Mỗi vị vua đều có quân đội uy nghiêm đủ bốn hạng quân, sắp đến chỗ Phật. Mỗi vua có một trăm tám mươi muôn ức nhân dân và quyến thuộc. Các chiến xa đều thắng bằng voi hoặc ngựa. Voi có sáu ngà, ngựa có thể chạy nhanh như gió. Những thức cúng dường bày ra nhiều gấp sáu lần so với những thứ vừa nói trên. Trong số lọng quý, những cái nhỏ nhất chu vi ngang dọc cũng chiếm trọn 8 do-tuần. Những lá phướn ngắn nhất cũng dài đến 16 do-tuần. Những cờ quý, nhỏ thấp nhất cũng đến 36 do-tuần.
Các vua ấy đều đã vững vàng trong Chánh pháp. Các vị khinh ghét tà pháp, kính trọng Đại thừa, hết sức ưa thích Đại thừa. Các vị thương yêu chúng sanh đồng như con một của mình. Những thức ăn uống mà các vị đem theo tỏa hương thơm ra quanh đó đến 4 do-tuần. Cũng vừa lúc tảng sáng, khi mặt trời vừa mọc, các vua ấy mang theo rất nhiều thức ăn ngon ngọt bậc nhất, đến chỗ Phật nơi rừng Sa-la Song thọ, bạch rằng: “Thế Tôn! Nay vì Phật và chư tỳ-kheo tăng, chúng con đã chuẩn bị mọi thức cúng dường. Xin Như Lai rủ lòng thương xót, nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên cũng không nhận. Sở nguyện không thành, các vua ấy lấy làm sầu não, bèn lui xuống đứng sang một bên.
Lúc ấy lại có những vị phu nhân của các vua, nhiều như số cát bảy sông Hằng, chỉ trừ phu nhân của vua A-xà-thế. Vì độ chúng sanh, các vị ấy thị hiện mang thân nữ, nhưng thường quán xét các hạnh của thân. Các vị tu tâm bằng những pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện. Trong số các vị ấy, phu nhân Tam Giới Diệu, phu nhân Ái Đức là những vị đứng đầu. Các vị phu nhân ấy, thảy đều đã vững vàng trong Chánh pháp, thọ trì giới cấm, đầy đủ oai nghi, thương yêu chúng sanh đồng như con một của mình. Các vị nói với nhau rằng: “Hôm nay chúng ta phải nhanh chóng đến chỗ đức Thế Tôn.”
Các vị phu nhân ấy chuẩn bị những thức cúng dường nhiều gấp bảy lần so với những thứ vừa nói trên, như: hương, hoa, cờ báu, vải lụa, lọng, phướn, những thức ăn uống ngon bậc nhất. Những lọng báu nhỏ nhất, chu vi ngang dọc cũng đến 16 do-tuần. Những lá phướn ngắn nhất cũng đến 36 do-tuần. Những cây cờ báu nhỏ, thấp nhất cũng đến 68 do-tuần. Hương thơm từ thức ăn thức uống tỏa ra quanh đó đến 8 do-tuần. Các vị đem theo mọi thức cúng dường như vậy, đến chỗ Như Lai, cúi lạy sát chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng cung kính, rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Chúng con chuẩn bị mọi thức cúng dường này để dâng lên Phật và chư tỳ-kheo tăng. Xin Như Lai rủ lòng thương xót, nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng này của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh chẳng nhận. Bấy giờ, sở nguyện không thành nên các vị phu nhân trong lòng sầu não, vò đầu bứt tóc, đấm ngực kêu khóc lớn tiếng như có đứa con yêu vừa chết. Rồi các vị lui xuống đứng yên một bên.
Lúc ấy lại có các vị thiên nữ, nhiều như số cát tám sông Hằng. Trong số ấy, thiên nữ Quảng Mục là bậc đứng đầu, lên tiếng nói rằng: “Này các chị! Hãy nhìn cho kỹ! Hãy nhìn cho kỹ! Các hàng đại chúng kia đã chuẩn bị đủ mọi thức cúng dường tốt đẹp để cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng. Chúng ta cũng nên làm như vậy, chuẩn bị nghiêm trang những thức cúng dường thật tốt đẹp để cúng dường Như Lai. Đức Như Lai sau khi thọ nhận sẽ nhập Niết-bàn. Thưa các chị! Rất khó mà gặp Phật ra đời. Được cúng dường đức Phật lần cuối cùng lại càng khó hơn! Nếu Phật nhập Niết-bàn, thế gian này sẽ trống rỗng!”
Các vị thiên nữ ấy ưa thích Đại thừa, muốn nghe pháp Đại thừa. Được nghe rồi, các vị cũng có thể giảng thuyết rộng cho người khác nghe. Các vị khao khát ngưỡng mộ Đại thừa. Khi đã được đầy đủ lại có thể làm cho những người đang khao khát ngưỡng mộ cũng được đầy đủ như mình. Các vị bảo vệ, gìn giữ Đại thừa. Nếu có kẻ học theo các pháp khác rồi đem lòng ganh ghét Đại thừa, các vị đủ sức đả phá và tiêu diệt tà kiến của họ, như mưa đá làm hư hoại cây cỏ. Các vị hộ trì giới hạnh, đầy đủ oai nghi. Các vị khéo tùy thuận tất cả thế gian, cứu độ những kẻ chưa được cứu độ, giải thoát những kẻ chưa được giải thoát. Ở đời vị lai, các vị sẽ quay bánh xe Pháp, nối tiếp hạt giống Tam bảo chẳng để cho dứt tuyệt. Các vị tu học Đại thừa, dùng sự trang nghiêm tốt đẹp mà tự trang nghiêm mình. Các vị thành tựu vô lượng công đức như vậy, có lòng từ bình đẳng, đối với tất cả chúng sanh đều xem như con một của mình.
Cũng vào lúc tảng sáng, mặt trời vừa mọc, các vị thiên nữ ấy đem theo nhiều thứ gỗ thơm cõi trời, vượt xa các loại gỗ thơm có ở cõi người. Hương thơm từ những gỗ thơm ấy bay ra có thể làm mất đi mọi thứ xấu xa, hôi hám ở cõi người. Các vị cũng đem theo những cỗ xe trắng có che lọng trắng, kéo bằng bốn con ngựa bạch, trên xe có giăng màn trướng màu trắng, bốn bên mỗi bức trướng đều có treo những chuông vàng. Lại có đủ các loại hương, hoa, cờ báu, lọng, phướn, những thức ăn ngon bậc nhất, các thứ kỹ nhạc, đều bày giăng nơi tòa sư tử. Bốn chân của tòa sư tử toàn bằng ngọc lưu ly xanh. Phía sau mỗi tòa đều có giường nằm bằng bảy món báu, phía trước lại có một án nhỏ bằng vàng. Lại dùng bảy món báu mà làm thành những cây đèn, và dùng mọi thứ châu báu mà làm ánh sáng đèn. Những đóa hoa trời vi diệu rải khắp trên mặt đất nơi ấy.
Các vị thiên nữ chuẩn bị mọi thức cúng dường rồi, trong lòng xúc cảm đau đớn, nước mắt chan hòa, khổ não vô cùng. Nhưng vì muốn lợi ích và an lạc cho chúng sanh, vì muốn thành tựu hạnh Không bậc nhất của Đại thừa, làm rõ bày giáo pháp phương tiện sâu kín của Như Lai, vì muốn các môn thuyết pháp không bị dứt mất, nên các vị ấy liền đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, đi quanh Phật trăm ngàn vòng cung kính, rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, các vị thiên nữ trong lòng sầu não, lui xuống đứng yên một bên.
Lúc ấy, lại có các vị long vương ở bốn phương, nhiều như số cát chín sông Hằng. Trong hàng long vương ấy, long vương Hòa-tu-kiết, long Vương Nan-đà, long Vương Bà-nan-đà là những vị đứng đầu. Cũng vào lúc tảng sáng, khi mặt trời vừa mọc, các vị long vương chuẩn bị những món cúng dường gấp bội phần so với của loài người và chư thiên. Các vị ấy đem đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng, rồi bạch rằng: “Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, các vị long vương trong lòng sầu não, ngồi sang một bên.
Lúc ấy lại có các vua quỷ thần, nhiều như số cát mười sông Hằng. Trong các vua ấy, vua Tỳ-sa-môn là vị đứng đầu. Họ bảo nhau rằng: “Các vị! Hôm nay nên nhanh chóng đến chỗ Phật ngự.” Rồi họ chuẩn bị các thức cúng dường nhiều gấp bội phần so với của các vị long vương vừa nói trên, mang đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, đi quanh Phật trăm ngàn vòng cung kính, rồi bạch rằng: “Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh chẳng nhận. Sở nguyện không thành, các vị vua quỷ thần trong lòng sầu não, lui lại ngồi sang một bên.
Lúc ấy, lại có các vị vua của loài chim cánh vàng, nhiều như số cát 20 sông Hằng. Trong đó, chim chúa Hàng Oán là vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài càn-thát-bà, nhiều như số cát 30 sông Hằng. Trong đó, vua Na-la-đạt là vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài khẩn-na-la, nhiều như số cát 40 sông Hằng. Trong đó, vua Thiện Kiến là vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài ma-hầu-la-già, nhiều như số cát 50 sông Hằng. Trong đó, vua Đại Thiện Kiến là vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài a-tu-la, nhiều như số cát 60 sông Hằng. Trong đó, vua Siểm-bà-lỵ là vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài đà-na-bà, nhiều như số cát 70 sông Hằng. Trong đó, vua Vô Cấu Hà Thủy và vua Bạc-đề-đạt-đa là những vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài la-sát, nhiều như số cát 80 sông Hằng. Trong đó, vua Khả Úy là vị đứng đầu. Các vị này đã lìa bỏ tâm ác độc, mãi mãi chẳng còn ăn thịt người. Đối với sự oán ghét, các vị sanh lòng từ bi. Hình tướng của họ vốn xấu xí, nhưng nhờ sức thần của Phật, thảy đều trở nên đoan chính.
Lại có các vị vua của loài thần cây trong rừng, nhiều như số cát 90 sông Hằng. Trong đó, vua Nhạo Hương là vị đứng đầu.
Lại có các vị vua của loài trì-chú, nhiều như số cát một ngàn sông Hằng. Trong đó, vua Trì-chú Đại Huyễn là bậc đứng đầu.
Lại có loài quỷ mỵ tham sắc, nhiều như số cát một ức sông Hằng. Trong đó, vua Thiện Kiến là vị đứng đầu.
Lại có các vị thể nữ trên cõi trời, nhiều như số cát một trăm ức sông Hằng. Trong hàng thể nữ ấy, các cô Lam-bà, Uất-bà-thi, Đế-lộ-triêm, Tỳ-xá-khư là những vị đứng đầu.
Lại có các vị quỷ vương dưới mặt đất, nhiều như số cát ngàn ức sông Hằng. Trong đó, Bạch Thấp vương là vị đứng đầu.
Lại có các vị thiên tử trên các cõi trời, nhiều như số cát ngàn muôn ức sông Hằng, cùng các vị Thiên vương và bốn Thiên vương [ở bốn phương]...
Lại có các vị thần gió ở bốn phương, nhiều như số cát mười vạn ức sông Hằng. Các vị ấy thổi trên các cây, làm cho những hoa nở đúng mùa và không đúng mùa đều rơi rải khắp rừng cây Sa-la Song thọ.
Lại có các vị thần lo việc mây mưa, nhiều như số cát mười muôn ức sông Hằng. Thảy đều phát sanh ý nghĩ này: “Như Lai sắp nhập Niết-bàn. Đến lúc thiêu nhục thân ngài, chúng ta sẽ làm mưa để rưới tắt lửa. Khi ấy, đại chúng đang lúc phiền muộn nóng nảy, chúng ta sẽ làm cho tất cả đều được mát mẻ.”
Lại có các vị voi chúa lớn, nhiều như số cát 20 sông Hằng. Trong số ấy, voi chúa La-hầu, voi chúa Kim Sắc, voi chúa Cam Vị, voi chúa Hám Nhãn, voi chúa Dục Hương là những vị đứng đầu. Các vị kính trọng Đại thừa, ưa thích Đại thừa, biết rằng còn chẳng bao lâu Phật sẽ buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn, nên các vị mang theo vô số những hoa sen thơm đẹp đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, rồi lui xuống đứng sang một bên.
Lại có các vị sư tử chúa, nhiều như số cát 20 sông Hằng. Trong đó, chúa Sư Tử Hống là bậc đứng đầu. Các sư tử ấy ban phát cho tất cả chúng sanh đức không sợ sệt, đều mang theo nhiều hoa quả đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui xuống đứng sang một bên.
Lại có các vị vua của loài chim và các loài chim như: chim phù, chim nhạn, uyên, ương, se sẻ, càn-thát-bà, ca-lan-đà, sáo, két, câu-si-la, bà-hi-già, ca-lăng-tần-già, kỳ-bà-kỳ-bà... nhiều như số cát 20 sông Hằng. Các loài chim ấy đều mang theo hoa quả đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui xuống đứng sang một bên.
Lại có những trâu, bò, dê... nhiều như số cát 20 sông Hằng, cùng đến chỗ Phật, tuôn ra những loại sữa ngon ngọt thơm tho. Sữa ấy chảy đầy khắp các mương rãnh, hầm hố trong thành Câu-thi-na, có đủ các màu sắc, hương thơm và vị ngọt. Sau khi hiến sữa, tất cả đều lui xuống đứng sang một bên.
Lại có các vị thần tiên trong khắp bốn cõi thiên hạ, nhiều như số cát 20 sông Hằng, do vị tiên Nhẫn Nhục đứng đầu. Các vị ấy mang theo hoa thơm và trái ngọt đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, đi quanh Phật ba vòng cung kính rồi bạch rằng: “Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, các vị thần tiên ấy trong lòng sầu não, lui xuống đứng sang một bên.
Lại có tất cả những con ong chúa trong cõi Diêm-phù-đề, trong đó có ong chúa Diệu Âm dẫn đầu, mang theo đủ các loại hoa đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, bay quanh Phật một vòng cung kính rồi lui xuống tránh sang một bên.
Lúc ấy, tất cả tỳ-kheo và tỳ-kheo ni trong cõi Diêm-phù-đề đều tụ hội lại, chỉ trừ hai chúng của Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và của ngài A-nan.
Lại có các quả núi ở khoảng giữa thế giới và trong cõi Diêm-phù-đề, nhiều như số cát vô số sông Hằng. Trong các núi ấy, núi chúa Tu-di là đứng đầu. Những núi ấy trang nghiêm, rừng rú sum suê, cây cối tươi tốt, cành nhánh san sát che bóng mặt trời. Các thứ hoa thơm lạ nở đầy khắp núi. Suối chảy như rồng uốn khúc, nước trong sạch, thơm tho. Chư thiên, loài rồng, thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già và các vị thần tiên chú thuật, thảy đều xướng họa đàn ca khắp nơi trong núi. Các thần núi ấy cũng đi đến chỗ Phật ngự, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui xuống đứng sang một bên.
Lại có các thần bốn biển cả và các thần sông nhiều như số cát vô số sông Hằng. Các vị ấy có oai đức lớn, đủ phép thần túc lớn. Các vị chuẩn bị những thức cúng dường nhiều gấp bội so với những thứ vừa nói trên. Hào quang nơi thân các vị thần ấy và ánh đèn sáng soi khi các vị múa hát làm cho không còn ai có thể nhìn thấy mặt trời, mặt trăng. Các vị dùng hoa chiêm-bà rảy trên sông Hy-liên, cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi lui xuống đứng sang một bên.
Bấy giờ, toàn cảnh rừng cây sa-la ở thành Câu-thi-na đều đổi sang màu trắng như bạch hạc. Trên hư không tự nhiên có những nhà cửa, lầu gác bằng bảy báu, chạm hình khắc chữ và thêu dệt đường nét rõ ràng, có các món báu bao quanh theo những lan can. Phía dưới các nhà cửa, lầu gác ấy lại có suối nước, ao tắm. Trong ấy có những hoa sen đẹp và thơm tho nhất nở rộ khắp nơi, giống như cõi Uất-đan-việt ở phương bắc, lại cũng giống như vườn Hoan Hỷ ở cung trời Đao-lợi.
Lúc ấy, ở khoảng giữa rừng cây sa-la cũng có đủ mọi sự trang nghiêm vui thích như vậy. Các hàng chư thiên, người và a-tu-la đều thấy rõ tướng Niết-bàn của Như Lai, thảy đều cảm động, đau xót, ưu sầu chẳng vui.
Lúc ấy, bốn vị thiên vương và Đế-thích bảo nhau rằng: “Các ngài hãy xem kìa! Chư thiên, loài người và a-tu-la đều thiết lễ cúng dường rất lớn, đều muốn cúng dường đức Như Lai lần cuối cùng. Chúng ta cũng nên cúng dường như vậy. Nếu chúng ta được cúng dường Phật lần cuối cùng, chúng ta sẽ thành tựu hạnh bố thí một cách trọn vẹn và dễ dàng.”
Lúc ấy, bốn vị thiên vương chuẩn bị các thức cúng dường nhiều gấp bội so với những thứ vừa nói trên. Các vị đem theo những hoa mạn-đà-la, hoa ca-chỉ-lâu-già, hoa mạn-thù-sa, hoa tán-đa-ni-ca, hoa ái lạc, hoa phổ hiền, hoa thời, hoa hương thành, hoa hoan hỷ, hoa phát dục, hoa hương túy, hoa phổ hương, mỗi thứ đều có đủ hai loại cỡ nhỏ và cỡ lớn; cùng với các hoa thiên kim diệp, hoa long, hoa ba-lị-chất-đa, hoa câu-tỳ-đà-la... Các vị lại mang theo đủ các thức ăn ngon bậc nhất đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật. Hào quang của các vị ấy chiếu ra làm cho không còn ai có thể nhìn thấy mặt trời, mặt trăng. Các vị mang đến những lễ vật ấy, đều muốn cúng dường Phật.
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, Đế-thích và chư thiên buồn đau khổ não, lui xuống đứng sang một bên.
Cho đến chư thiên ở cõi trời thứ sáu trong Dục giới cũng chuẩn bị các thức cúng dường. Những thức cúng dường đem đến sau lại dần dần tăng nhiều hơn những thứ đã đem đến trước, như: cờ báu, lọng, phướn... Lọng báu nhỏ nhất cũng che trùm Bốn cõi thiên hạ. Lá phướn ngắn nhất cũng bao quanh được bốn biển. Cờ nhỏ thấp hơn hết cũng từ mặt đất lên tới cõi trời Tự tại. Gió nhẹ thổi động những lá phướn, phát ra âm thanh vi diệu. Chư thiên mang theo những thức ăn ngon nhất đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi bạch rằng: “Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, chư thiên ấy trong lòng sầu não, lui xuống đứng sang một bên.
Các vị chư thiên từ cõi trời Phạm thiên trở lên cho đến cõi trời Hữu đỉnh đều đến tụ họp. Lúc ấy, vua Đại Phạm thiên và chư thiên ở cõi trời ấy phóng hào quang từ nơi thân thể mình ra, chiếu khắp Bốn cõi thiên hạ và Dục giới của loài người với chư thiên. Do ánh sáng ấy, không còn ai trông thấy được mặt trời, mặt trăng. Các ngài đem theo cờ báu, lọng và phướn bằng lụa. Lá phướn ngắn nhất cũng treo từ trời Phạm thiên xuống tới giữa những cây sa-la. Các vị đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi bạch rằng: “Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, chư thiên ở cõi Phạm thiên trong lòng sầu não, lui xuống đứng sang một bên.
Lúc ấy, vua Tỳ-ma-chất-đa của loài a-tu-la cùng với vô số a-tu-la và tất cả quyến thuộc thảy đều hội họp. Hào quang nơi thân các vị ấy trội hơn cả hào quang của chư thiên ở cảnh trời Phạm thiên. Các vị ấy đem theo cờ báu, lọng và phướn bằng lụa. Những chiếc lọng nhỏ nhất cũng che trùm cả ngàn thế giới. Các vị ấy đem theo thức ăn ngon ngọt bậc nhất đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi bạch rằng: “Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh không nhận. Sở nguyện chẳng thành, các vị a-tu-la trong lòng sầu não, lui xuống đứng sang một bên.
Lúc ấy, Ma vương Ba-tuần ở Dục giới cùng với quyến thuộc, các thể nữ cõi trời và vô số chúng ma đến mở cửa địa ngục, bố thí nước thanh tịnh, nhân đó bảo rằng: “Nay các người không thể làm được điều gì cả, chỉ nên chuyên tâm niệm tưởng đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... tùy tâm hoan hỷ chuẩn bị các thức cúng dường lần cuối cùng. Nhờ đó, các người sẽ được sự an vui lâu dài.”
Lúc ấy, ma Ba-tuần dẹp bỏ hết đao kiếm và vô số các món khổ độc ở địa ngục; lửa đang cháy bùng rất mạnh bỗng bị mưa lớn làm cho tắt hẳn. Nhờ oai thần của Phật, Ma vương lại phát tâm rằng: “Xin cho quyến thuộc của ta đều bỏ hết đao kiếm, cung nỏ, áo giáp, trượng, xà mâu, giáo sóc, câu móc dài, chùy sắt, rìu, búa, vòng đánh, dây trói...” Rồi Ma vương và quyến thuộc đem theo những thức cúng dường trội hơn tất cả những thứ mà loài người và chư thiên đã mang đến. Lọng nhỏ nhất cũng che trùm cả một trung thiên thế giới. Tất cả đều đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi bạch rằng: “Nay chúng con ưa thích Đại thừa, muốn gìn giữ bảo vệ Đại thừa. Bạch Thế Tôn! Như có kẻ nam người nữ lòng lành vì muốn cúng dường, hoặc vì sợ sệt, hoặc vì dối gạt kẻ khác, hoặc vì của cải lợi lộc, hoặc vì nương theo người khác mà nhận lãnh pháp Đại thừa này, dù là chân thật hay dối trá, lúc đó chúng con cũng vì người ấy mà dứt trừ sự sợ sệt, thuyết ra câu chú này:
“Trác chỉ, trá sá la trác chỉ, lô ha lệ, ma ha lô ha lệ, a la già la, đa la tá ha!
“Chú này có thể làm cho những kẻ mất hồn, những kẻ sợ sệt, những người thuyết pháp đều chẳng gián đoạn Chánh pháp. Chúng con vì muốn hàng phục ngoại đạo, gìn giữ tự thân, bảo vệ Chánh pháp, bảo vệ Đại thừa nên thuyết ra chú này. Những ai có thể trì chú này, hình tượng hung dữ không làm cho họ sợ. Nếu đến nơi đồng không, đầm vắng, chỗ nguy hiểm, cũng chẳng sanh tâm sợ sệt. Cũng khỏi bị những nạn như nước, lửa, sư tử, cọp, chó sói, trộm cướp, phép vua luật nước...
“Bạch Thế Tôn! Nếu ai trì được chú này thì dứt hết mọi nỗi lo sợ kể trên. Thế Tôn! Chúng con sẽ bảo hộ người trì chú ấy như cái mu rùa bảo hộ toàn thân con rùa.
“Bạch Thế Tôn! Hôm nay, chúng con không đem lòng nịnh hót mà nói ra việc ấy. Đối với người trì chú này, chúng con sẽ đem hết lòng thành mà giúp thêm sức mạnh cho người ấy. Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con.”
Lúc ấy, đức Phật bảo Ma vương Ba-tuần rằng: “Ta không thọ nhận những thức ăn uống do ông cúng dường. Nhưng vì muốn làm an lạc cho tất cả chúng sanh, cho Bốn bộ chúng nên ta chấp nhận thần chú mà ông vừa thuyết đó.”
Nói rồi, đức Phật lặng thinh không nhận cúng dường. Ma vương thỉnh cầu đến ba lần, Phật vẫn không nhận. Lúc ấy, sở nguyện chẳng thành, Ma vương Ba-tuần trong lòng sầu não, lui xuống đứng sang một bên.
Lúc ấy, vua trời Đại Tự tại cùng với vô số quyến thuộc và chư thiên ở cõi trời của ngài cũng chuẩn bị những thức cúng dường bao trùm hơn tất cả những thức cúng dường của vua Phạm thiên, Đế-thích, bốn Thiên vương Hộ thế và của tám bộ trời người với hàng phi nhân. So với những thức cúng dường này, những thức cúng dường của Phạm thiên và Đế-thích chỉ như chấm mực đen đặt cạnh các loại ngọc quý, không thể tỏa sáng được. Những lọng báu nhỏ nhất của các vị cũng có thể che trùm trọn cõi tam thiên đại thiên thế giới.
Các vị mang theo mọi thức cúng dường như vậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, đi quanh Phật vô số vòng cung kính rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Những lễ vật mà chúng con muốn cúng dường đây thật là nhỏ nhen, chỉ giống như lễ vật của con muỗi mang đến cúng dường chúng con; lại cũng giống như người đem một bụm nước giữa hai bàn tay mà đổ xuống biển cả; như ánh sáng một ngọn đèn nhỏ mà góp vào ánh sáng của trăm ngàn mặt trời; như trong mùa xuân, mùa hạ, các loài hoa đều tươi tốt, lại có người cầm một đóa hoa để làm tăng thêm số hoa; như lấy hạt đình lịch để làm cho núi Tu-di to lớn thêm! Những việc làm như vậy há có ích gì cho biển cả, cho ánh sáng mặt trời, cho đám hoa và cho núi Tu-di kia đâu?
“Bạch Thế Tôn! Lễ vật mà chúng con phụng hiến hôm nay cũng ít oi, nhỏ bé như vậy. Dầu cho đem tất cả hương, hoa, kỹ nhạc, phướn, lọng trong toàn cõi tam thiên đại thiên thế giới mà cúng dường Như Lai, cũng chẳng gọi là đủ. Vì sao vậy? Vì Như Lai đã thường vì chúng sanh mà chịu mọi khổ não trong các đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vậy xin Như Lai rủ lòng thương xót, nhận cho sự cúng dường của chúng con.”
Lúc ấy, về phương đông cách cõi Ta-bà này vô số thế giới nhiều như số cát của vô số con sông Hằng, nhiều như số hạt bụi cực nhỏ, có một cõi Phật tên là Ý Lạc Mỹ Âm. Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hư Không Đẳng, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.
Bấy giờ, đức Phật Hư Không Đẳng bảo vị đại đệ tử lớn nhất của ngài rằng: “Thiện nam tử! Hôm nay ông nên sang thế giới Ta-bà ở phương tây. Ở cõi ấy có Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Còn không bao lâu nữa đức Phật ấy sẽ nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ông nên mang theo cơm gạo thơm của thế giới này. Cơm ấy thơm tho ngon ngọt, ăn vào sẽ được an ổn. Có thể dùng món cơm này phụng hiến đức Phật ấy, ngài dùng xong sẽ nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Các ông đều nên kính lễ đức Phật ấy và thỉnh cầu ngài giảng rõ cho những chỗ còn chưa rõ [trong Chánh pháp].”
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Vô Biên Thân vâng lời dạy của Phật Hư Không Đẳng, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, đi quanh Phật ba vòng cung kính theo tay mặt, rồi dẫn theo vô số các vị Bồ Tát từ cõi thế giới ấy cùng đến thế giới Ta-bà. Đúng lúc ấy, trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này, khắp mặt đất chấn động theo sáu cách. Bấy giờ, đại chúng gồm tất cả những vị đi theo Phạm Vương, Đế-thích, Tứ Thiên vương, Ma vương Ba-tuần, Ma-hê-thủ-la bỗng thấy mặt đất chấn động như vậy thì lông trên mình đều dựng ngược, cổ họng và lưỡi khô khan, sanh lòng sợ sệt, run rẩy... Tất cả đều muốn phân tán đi bốn phương. Khi nhìn lại thân mình, các vị thấy chẳng còn hào quang và oai nghi phước đức đều đã mất hết.
Lúc ấy Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, bảo đại chúng rằng: “Chư thiện nam tử! Các vị đừng hoảng sợ. Vì sao vậy? Về phương đông cách cõi Ta-bà này vô số thế giới nhiều như số cát của vô số sông Hằng, nhiều như số hạt bụi cực nhỏ, có một cõi Phật tên là Ý Lạc Mỹ Âm. Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hư Không Đẳng, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... đủ mười danh hiệu. Ở cõi ấy có một vị Bồ Tát tên là Vô Biên Thân, cùng với vô số Bồ Tát muốn đến cõi này cúng dường đức Như Lai của chúng ta. Do oai đức của các vị Bồ Tát ấy nên đã làm cho hào quang nơi thân các vị không hiện ra được nữa. Vậy các vị nên sanh lòng hoan hỷ, chớ nên sợ sệt.”
Bấy giờ, đại chúng của đức Phật Thích-ca nhìn xa về phương đông đều thấy được đức Phật Hư Không Đẳng và đại chúng của ngài, ví như nhìn vào tấm gương mà thấy rõ chính mình.
Liền đó, ngài Văn-thù-sư-lợi lại bảo đại chúng: “Nay các vị đã thấy rõ đức Phật kia [ở phương đông] và đại chúng của ngài, cũng như thấy đức Phật Thích-ca nơi đây. Nhờ oai thần của Phật, các vị sẽ được nhìn thấy cả vô số chư Phật ở chín phương khác.”
Bấy giờ, đại chúng đều bảo nhau rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sắp trống rỗng! Thế gian sắp trống rỗng! Còn không bao lâu Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.”
Ngay lúc ấy, ai nấy trong đại chúng đều nhìn thấy Bồ Tát Vô Biên Thân và quyến thuộc của ngài. Nơi thân Bồ Tát ấy, mỗi lỗ chân lông đều xuất hiện một đóa hoa sen lớn. Mỗi hoa sen chứa bảy muôn tám ngàn thành ấp. Mỗi thành ấp đều rộng lớn vuông vức bằng đô thành Tỳ-da-ly; tường trong, tường ngoài và những hào sâu đều xây đắp bằng bảy báu xen lẫn nhau, những cây quý đa-la mọc lên có thứ tự, gồm bảy lớp. Trong thành ấy nhân dân phồn thạnh, an ổn, phong phú, vui vẻ. Những lầu canh đều được làm bằng vàng ròng. Ở mỗi lầu canh có những cây bằng bảy báu mọc thành rừng, hoa trái tươi tốt, gió nhẹ thổi lay động, phát ra âm thanh vi diệu. Âm thanh ấy hòa nhã như nhạc trời. Nhân dân trong thành nghe được âm thanh ấy lấy làm khoái lạc, sung sướng vô cùng. Trong những hào vây quanh thành chứa đầy nước ngọt, thơm tho và trong vắt như lưu ly. Trên mặt nước có những chiếc thuyền bằng bảy báu. Những người ngồi thuyền, hoặc đi du ngoạn hay tắm rửa, cùng nhau vui hưởng sự khoái lạc vô cùng.
Lại có vô số những hoa sen đủ màu, như hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ. Những hoa ấy đều lớn như bánh xe. Dọc theo bờ hào có nhiều vườn tược. Mỗi cảnh vườn có ao năm suối. Trong ao ấy lại cũng có các loại hoa sen: hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ. Những hoa ấy cũng lớn như bánh xe, hương thơm lan tỏa rất đáng ưa thích. Nước dưới ao trong sạch, chạm vào có cảm giác hết sức mềm mại. Những loài chim phù, chim nhạn, uyên ương đều bay đến dạo chơi nơi ấy. Trong mỗi cảnh vườn tược có nhiều cung điện nhà cửa. Mỗi cung điện nhà cửa ngang dọc vuông vức choán trọn bốn do-tuần. Những tường trong và tường ngoài đều xây bằng bốn món báu là vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Các cửa sổ trên tường đều bằng vàng ròng, có lan can bao quanh. Mặt đất toàn là các thứ ngọc và đá quý, có trải cát bằng vàng. Trong nhiều cung điện nhà cửa lại có suối nước và ao tắm bằng bảy báu. Bên ao có thang mười tám bậc để lên xuống, toàn bằng vàng ròng. Có những cây chuối bằng vàng diêm-phù-đàn, giống như vườn Hoan Hỷ ở cung trời Đao-lợi.
Mỗi thành ấy đều có tám mươi bốn ngàn vị vua. Mỗi vị đều có vô số phu nhân và thể nữ, cùng nhau vui hưởng mọi sự thích thú, vui sướng. Ngoài ra, nhân dân ở đó cũng vậy, mỗi người đều ở tại chỗ của mình mà tận hưởng cuộc sống sung sướng. Chúng sanh trong những thành ấy chẳng nghe tiếng gì khác ngoài những âm thanh diễn giảng pháp Đại thừa cao trổi nhất.
Trong mỗi hoa sen đều có tòa sư tử. Các tòa sư tử ấy có bốn chân bằng ngọc lưu ly xanh, trên tòa có trải vải lụa mịn màng, rất đẹp, là loại tốt nhất trong Ba cõi. Trên mỗi tòa đều có một vị vua ngự và giáo hóa chúng sanh bằng pháp Đại thừa, hoặc có những chúng sanh đang sao chép, thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại thừa, tu hành theo đúng như kinh dạy và lưu truyền rộng rãi như vậy.
Lúc ấy, Bồ Tát Vô Biên Thân làm cho vô số chúng sanh được nghỉ ngơi an ổn rồi, sau đó mỗi người đều tự dứt bỏ cuộc vui thế sự, than thở rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sắp trống rỗng! Còn không bao lâu đức Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.”
Bấy giờ, Bồ Tát Vô Biên Thân cùng vô số các Bồ Tát vây quanh đã thị hiện sức thần thông như vậy rồi, liền mang đến đủ các thức cúng dường nhiều vô số, cùng với những thức ăn uống thơm tho, ngon ngọt bậc nhất. Nếu ai ngửi được hương thơm của những thức ăn ấy thì mọi sự ô nhiễm phiền não đều dứt sạch. Nhờ sức thần thông của Bồ Tát ấy, tất cả đại chúng đều được nhìn thấy sự biến hóa: Bồ Tát Vô Biên Thân hiện thân lớn vô biên, đồng như hư không, ngoài chư Phật ra thì không ai có thể thấy được thân của Bồ Tát cao lớn đến mức nào.
Lúc ấy, Bồ Tát Vô Biên Thân cùng quyến thuộc chuẩn bị những thức cúng dường trội hơn tất cả những thứ đã nói trước, rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, chắp tay cung kính bạch rằng: “Thế Tôn! Nguyện đức Như Lai rủ lòng thương xót nhận cho bữa cơm cúng dường của chúng con.”
Đức Như Lai biết là chưa phải lúc nên lặng thinh chẳng nhận. Ba lần thưa thỉnh như vậy, Phật vẫn không nhận. Sở nguyện chẳng thành, Bồ Tát Vô Biên Thân cùng quyến thuộc liền lui xuống đứng sang một bên.
Lại ở các cõi Phật về phương nam, phương tây, phương bắc cũng có vô số vị Bồ Tát Vô Biên Thân mang theo những thức cúng dường trội hơn những thức cúng dường đã nói trước, cùng đi đến chỗ Phật, cuối cùng cũng đều lui xuống đứng sang một bên như vậy.
Bấy giờ, tại vùng đất an lành ở rừng Sa-la Song thọ, trong khoảng chu vi hai mươi hai do-tuần, đại chúng tụ họp đầy kín không còn chỗ trống. Lúc ấy, những tòa ngồi của các vị Bồ Tát Vô Biên Thân và quyến thuộc từ bốn phương đến chỉ nhỏ bé như mũi dùi, mũi kim, như những hạt bụi cực nhỏ. Chư Đại Bồ Tát từ các cõi Phật mười phương nhiều như số hạt bụi cực nhỏ cũng đều đến nhóm họp, và tất cả đại chúng ở khắp cõi Diêm-phù-đề cũng đến nhóm họp. Chỉ còn thiếu hai chúng của Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và của ngài A-nan, với vua A-xà-thế và quyến thuộc. Ngoài ra, cho đến những loài rắn độc mà mắt nhìn cũng đủ làm chết người, những loài bọ hung, rắn đất, bò cạp và 16 loại chuyên làm ác nghiệp, tất cả cũng đều tụ hội. Các vị thần đà-na-bà, a-tu-la đều bỏ những tư tưởng xấu, khởi sanh lòng từ, đối với nhau như cha, mẹ, chị em. Các chúng sanh trong cõi tam thiên đại thiên thế giới cũng đều sanh lòng từ đối với nhau như thế, chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề.
Lúc ấy, nhờ oai thần của Phật, trong khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới mặt đất bỗng trở nên mềm mại, không có những gò nổng, đất cát, sỏi đá, gai góc, cỏ độc... các món báu đơm kết làm cho xinh đẹp, dường như thế giới Cực Lạc ở phương tây của đức Phật A-di-đà. Đại chúng thảy đều thấy rõ các thế giới của chư Phật trong mười phương, nhiều như những hạt bụi cực nhỏ, ví như người ta nhìn vào tấm gương thấy được chính mình, ai nấy đều thấy các cõi Phật một cách rõ ràng như vậy.
Lúc ấy, từ nơi khoảng giữa hai chân mày đức Như Lai phóng ra hào quang năm sắc. Hào quang ấy sáng rực rỡ, bao trùm cả đại hội, khiến cho hào quang nơi thân của mỗi vị trong đại hội đều chẳng hiện ra được. Hào quang của Phật sau khi đã phóng ra rồi, liền theo nơi miệng của ngài mà quay trở vào.
Bấy giờ, chư thiên, loài người, a-tu-la và hết thảy chúng hội nhìn thấy hào quang của Phật quay trở vào trong miệng ngài, thảy đều lấy làm sợ hãi, rùng mình rởn ốc, nói rằng: “Hào quang của Như Lai phóng ra rồi lại quay trở vào, không thể không có nhân duyên, ắt là việc cần làm của Phật trong mười phương đã xong, đây là tướng trạng cuối cùng ngài sắp nhập Niết-bàn. Khổ thay! Khổ thay! Tại sao chỉ trong chốc lát đức Thế Tôn đã buông bỏ bốn tâm vô lượng, chẳng nhận sự cúng dường của loài người và chư thiên? Ánh sáng của mặt trời trí tuệ từ nay dứt mất! Con thuyền Chánh pháp vô thượng hôm nay sắp chìm mất! Ôi! Đau đớn thay! Khổ não thay cho thế gian!”
Ai nấy đều đứng dậy, đấm ngực kêu la, khóc lóc bi ai, tay chân run rẩy, không tự kiềm chế được, máu tươi ứa ra từ các lỗ chân lông trên người họ, rơi vấy đầy trên mặt đất.
Thus have I heard. At one time, the Buddha was staying at Kusinagara in the land of the Mallas, close to the river Ajitavati, where the twin sal trees stood. At that time, the great bhiksus [monks] as many as 80 billion hundred thousand were with the Blessed One. They surrounded him front and back. On the 15th of the second month, as the Buddha was about to enter Nirvana, he, with his divine power, spoke in a great voice, which filled the whole world and reached the highest of the heavens. It said to all beings in a way each could understand: "Today, the Tathagata [i.e. Buddha] the Alms-deserving and Perfectly Awakened One, pities, protects and, with an undivided mind, sees beings as he does his [son] Rahula. So, he is the refuge and house of the world. The greatly Awakened Blessed One is about to enter Nirvana. Beings who have doubts may all now put questions to him."
At that time, early in the morning, the World-Honoured One emitted from his mouth rays of light of various hues, namely: blue, yellow, red, white, crystal, and agate. The rays of light shone all over the 3,000 great-thousand Buddha lands. Also, the ten directions were alike shone upon. All the sins and worries of beings of the six realms, as they were illuminated, were expiated. People saw and heard this, and worry greatly beset them. They all sorrowfully cried and wept: "Oh, the kindest father! Oh, woe is the day! Oh, the sorrow!" They raised their hands, beat their heads and breasts, and cried aloud. Of them, some trembled, wept, and sobbed. At that time, the great earth, the mountains, and great seas all shook. Then, all of them said to one another: " Let us for the present suppress our feelings, let us not be greatly smitten by sorrow! Let us speed to Kusinagara, call at the land of the Mallas, touch the feet of the Tathagata, pay homage and beg: "O Tathagata! Please do not enter Parinirvana, but stay one more kalpa [aeon] or less than a kalpa." They pressed their palms together and said again: "The world is empty! Fortune has departed from us beings; evil things will increase in the world. O you! Hurry up, go quickly! Soon the Tathagata [i.e. Buddha] will surely enter Nirvana." They also said: " The world is empty, empty! From now on, no one protects us, and we have none to pay homage to. Poverty-stricken and alone! If we once part from the World-Honoured One, and if doubts arise, whom are we to ask?"
At that time, there were many of the Buddha's disciples there, such as Venerable Ma- hakatyayana, Vakkula, and Upananda. All such great bhiksus, when they saw the light, shook and were greatly stirred, so much so that they could not hold themselves well. Their minds became muddled, and chaos ruled. They cried aloud and displayed variegated grief. There were present, at that time, 8 million bhiksus. All were arhats [saints]. They were unmolested [unlimited] in mind and could act as they willed. They were segregated from all illusions, and all their sense-organs were subdued. Like great naga [serpent] kings, they were perfect in great virtue. They were accomplished in the wisdom of the All-Void and perfect in the attainments of their own [in inner attainments]. They were like the sandalwood forest with sandalwood all around, or like a lion king surrounded by lions. They were perfect in all such virtues. They were the true sons of the Buddha. Early in the morning, when the sun had just risen, they were up from their beds in the places where they lived and were about to use their toothbrushes, when they encountered the light that arose from the Buddha's person. And they said to one another: "Hurry up with bathing and gargling, and be clean." So did they say, and their hair stood on end all over their body, and their blood so ran that they looked like palasa flowers. Tears filled their eyes, which expressed great pain. To benefit and give peace to beings, to establish the Transcendent Truth of the All-Void of Mahayana, to reveal what the Tathagata had by expediency latently taught so that all his sermons would not come to an end, and to subjugate the minds of all beings, they sped to where the Buddha was. They fell down at the Buddha’s feet, touched them with their heads, walked around him a 100 thousand times, folded their hands, paid homage, stepped back and sat on one side.
At that time, there were present such women as Kuddara and such bhiksunis [nuns] as Subhadra, Upananda, Sagaramati, and 6 million bhiksunis. They were all great arhats. All "’asravas"’ [inner defilements] having been done away with, they were unmolested in mind and could act as they willed. They were parted from all illusion and all their sense-organs were subdued. Like great nagas, they were perfect in virtue. They were accomplished in the Wisdom of the All-Void. Also, early in the morning, after the sun had just risen, their hair stood on end all over their body and their blood so ran through their vessels that they looked like palasa flowers. Tears filled their eyes, which bespoke great sorrow. They desired to benefit beings, to give peace and bliss, and establish the Transcendent Truth of the All-Void of Mahayana. They meant to manifest what the Tathagata had by expediency latently taught, so that all his sermons would not disappear. In order to subjugate the minds of all beings, they sped to where the Buddha was, touched his feet, walked around him a 100 thousand times, folded their hands, paid homage, stepped back and sat on one side.
Of the bhiksunis, there were again those who were the nagas of Bodhisattvas and humans. They had attained the ten stages [of Bodhisattvic development], where they abided unmoved. They were born as females so as to teach beings. They always practised the four limitless minds [of loving-kindness, compassion, sympathetic joy, and equanimity], thereby attaining unlimited power and acting well in place of the Buddha.
At that time there were also Bodhisattva-mahasattvas [great Bodhisattvas] who were as plentiful as the sands of the river Ganges and who were all nagas of men, attaining the level of the ten stages and abiding there unmoved. As an expedient, they had gained life as men and were called Bodhisattvvas Sagaraguna and Aksayamati. Such Bodhisattva-mahasattvas as these headed the number. They all prized Mahayana, abided in it, deeply understood, loved and protected it, and well responded to the call of the world. They took vows and each said: "I shall pass those who have not yet attained the Way to the other shore [i.e. of salvation]. Already over innumerable past kalpas, I have upheld the pure precepts [of morality] and acted as I should have acted. I made the unreleased gain the Way so that they could carry over the seed of the Three Treasures [i.e. Buddha, Dharma, Sangha]. And in the days to come, I shall turn the wheel of Dharma [i.e. teach Buddhism], greatly adorn myself, accomplish all innumerable virtues, and see beings as one views one’s only son." They likewise, early in the morning, encountered the light of the Buddha. All their hair stood on end, and all over their body their blood so ran that they looked like palasa flowers. Tears filled their eyes, which spoke of great pain. Also to benefit beings, to give bliss, to manifest what the Tathagata had out of expediency latently taught, and to prevent the sermons from dying out, and to subjugate all beings, they sped to where the Buddha was, walked around him 100 thousand times, folded their hands, paid homage, stepped back and took their seats on one side.
At that time, there were present upasakas [lay followers of Buddha] who were as many as the sands of two Ganges. They had accorded with the five precepts, and their deportment was perfect. These were such upasakas as Untainted-Virtue-King, Highly-Virtuous and others, who headed their number. They deeply cherished the thought of combating such opposites as: sorrow versus bliss, eternal versus non-eternal, pure versus non-pure, self versus non-self, real versus not-real, taking refuge versus not taking refuge, beings versus non-beings, always versus not- always, peace versus non-peace, created versus non-created, disruption versus non-disruption, Nirvana versus non-Nirvana, augmentation versus non-augmentation, and they always thought of combating such opposites of the Dharma elements as stated above.
They also always loved to listen to the unsurpassed Mahayana, acted upon what they had heard and desired to teach others. They upheld well the untainted moral precepts and prized Mahayana. Already they were well contented within themselves and they made others feel well contented who prized Mahayana. They imbibed the unsurpassed Wisdom very well, loved and protected Mahayana. They accorded well with the ways of the world, passed those who had not yet gained the Way to the other shore of life, emancipated those not yet emancipated, and protected the seed of the Three Treasures so that it would not die out and so that, in days to come, they could turn the wheel of Dharma, adorn themselves greatly, deeply taste the pure moral precepts, attain accomplishment in all such virtues, have a great compassionate heart towards all beings, being impartial and not-two, and see all beings just as one views one’s own only son.
Also, early in the morning when the sun had just risen, in order to cremate the Tathagata’s body, people each held in their hands tens of thousands of bundles of such fragrant wood as sandalwood, aloes, goirsa sandalwood, and heavenly wood, which had annual rings and heart and which all shone out in the wonderful hues of the seven treasures. For example, the various hues were like painted colours, all of which wonders having arisen out of the power of the Buddha, and which were blue, yellow, red, and white. These were pleasing to beings’ eyes. All the wood was thickly smeared with such various incense as saffron, alo wood, sarjarasa, etc. Flowers were strewn as adornments, such as the utpala [blue lotus], kumuda, padma [red lotus] and pundarika [white lotus]. Above all the fragrant wood were hung banners of five colours. They were soft and delicate, like such heavenly veils as kauseya cloth, ksuma, and silken twill. All these fragrant woods were laden onto bejewelled wagons, which shone in such various colours as blue, yellow, red, and white. The thills and spokes were all inlaid with the seven treasures. Each of these wagons was drawn by four horses, which ran like the wind. In front of each wagon stood 57 hanging ensign plants, over which were spread thin nets of true gold. Each wagon had 50 wonderful bejewelled parasols, each having on it the garlands of utpala, kumuda, padma, and pundarika. The petals of these flowers were of pure gold, and the calyxes were of diamond. In the flowers was many a black bee, which gathered there, played and amused themselves, sending forth wonderful music. These spoke of non-eternal, sorrow, All-Void, and non-Self. Also, this sound spoke of what the Bodhisattva originally does. Dances, singing, and mask dances went on, and such musical instruments were played as the "’cheng"’, the flute, harp, "’hsiao"’ and "’sho. "’And from the music arose a voice, which said: "Oh, woe is the day, woe the day! The world is empty!" In front of each wagon stood upasakas who were holding bejewelled tables, which were laden with various flowers such as the utpala, kumuda, padma, pundarika, and such various incense as kunkuma and others, and fumigating incense, which were all wonderful. They carried in various utensils, to prepare meals for the Buddha and the Sangha. The cooking was done with sandalwood and aloe wood as fuel, done up with the water of eight virtues. The dishes were sweet and beautiful in six tastes: bitter, sour, sweet, hot, salty, and plain. Also the virtues were three: 1) light and soft, 2) pure, and 3) true to cuisine. Equipped with such things, they sped to the land of the Mallas, to the sal forest. They also strew sand all over the ground, spreading kalinga and kambala cloths and silken cloths on it. Such covered all about, for a space of 12 yojanas [yojana= 15-20 kilometres]. For the Buddha and the Sangha, they erected simhasana seats [lions’ seats], which were inlaid with the seven treasures. The seats were as high and large as Mount Sumeru. Above these seats were hung bejewelled screens. Garlands of all kinds hung down, and from all the sal trees also hung down wonderful banners and parasols. Wonderful scents were dispersed amongst the trees and various wonderful flowers were set in between. The upasakas all said to one another: "O all beings! If you feel the need, meals, clothing, heads, eyes, limbs and everything awaits you; all will be yours." While giving, greed, anger, defilement, and poisonous [states of] mind fled; no other wish, no thought of any other blessing or pleasure was entertained. Their minds were bent solely upon the unsurpassed, pure Bodhi-mind [Enlightenment mind]. All these upasakas were well established in the Bodhisattvic state. They also said to themselves: " The Tathagata will now take our dishes and enter Nirvana." As they thought this, all their hair stood on end; all over their body their blood so ran that their bodies looked like palasa flower. Tears filled their eyes, expressing great pain. Each carefully carried in the utensils of the meals on bejewelled wagons. The incense wood, banners, bejewelled parasols, and meals were all sped to where the Buddha was. They touched the feet of the Buddha, made offerings to the Buddha on these, walking around him 100 thousand times. They cried aloud. The earth and heaven melted in sympathy and shook. They beat their breasts and cried. Their tears ran like rain. And they said to one another: "O you! Woe is the day! The world is empty, is empty!" They threw their bodies to the ground before the Tathagata and said to him: "O Tathagata! Please have pity and accept our offerings!"
The World-Honoured-One, aware of the occasion, was silent, and did not take [their offerings]. Thrice they beseeched him, but their supplications went unheard. Failing in their purpose, the upasakas were sad and sat silently. This was as in the case of a compassionate father who has but an only son. This son, of a sudden, becomes ill and dies. The cremation over, the father goes back home and is sunk in great grief. The same was the case with all the upasakas, who wept and were grief-stricken. With all their utensils positioned in a safe place, the upasakas stepped back and sat silently on one side.
At that time, there were upasikas [female lay followers] present, as many as the sands of three Ganges, who were perfect in the five precepts and in deportment. They included such as Ayusguna, Gunamalya, and Visakha who headed the 84,000 and could well protect the True Dharma. In order to carry over innumerable 100 thousand beings to the other shore, they were born as females. They severely checked their own selves in the light of household laws and meditated on their own persons. Like the four vipers [the four great elements of earth, air, fire and water], this carnal body is ever pecked at and supped by innumerable vermin. It smells ill and is defiled. Greed binds. This body is hateful, like the carcass of a dog. This body is impure, from which nine holes leak out defilements. It is like a castle, the blood, flesh, spine, bone and skin forming the outer walls and the hands and legs serving as bastions, the eyes as gunholes, and the head as donjon. The mind-king [citta-raja] is seated within. Such a carnal castle is what the All-Buddha-World-Honoured One abandons and what common mortals and the ignorant always love and cling to. Such rakshasas [flesh-eating demons] as greed, anger and ignorance sit within. This body is as frail as reed, eranda [foul-smelling "recinus communis" plant], foam, and plantain. This body is non-eternal and does not stay stable even for a second. It is like lightning, madding water, and a mirage. Or it is like drawing a picture on water, which no sooner done than disappears. This body breaks just as easily as a big tree hanging over a river precipice. It does not last long. It is pecked at and devoured by foxes, wolves, owls, eagles, crows, magpies and hungry dogs. Who with a good mind finds joy in such a carnal self? One might sooner fill a cow's footprint with water than fully explain the non-eternal, the non-pure, the ill-smell and defilement of this body; or one could sooner split the great earth and crush it into the size of a pickpurse [weed] seed or even the size of a dust-mote, but never could one fully explain the wrongs and ills of this body. This being so, one ought to discard it like tears or spittle. Because of this, all upasikas train their mind in such dharmas as the Void, formlessness and desirelessness. Thus they very much desire to inquire into and abide in the teaching of the Mahayana sutras. Having listened, they expound them to others. They guard and uphold their vows and deprecate the female form. It is much to be detested and is by nature not unbreakable. Their mind thus ever rightly sees things and crushes the endless wheel of birth and death. They look to Mahayana and are themselves well nourished by it. They feed the minds of those who prize it. They greatly cherish, defend and protect it. Though female in form, they are, truth to tell, none but Bodhisattvas. They accord well with the ways of the world and help those who have not yet gained the other shore and emancipate those not yet emancipated. They uphold the heritage of the Three Treasures, so that it will not die out and so that they can turn the wheel of Dharma in the days to come. They greatly adorn their own persons, living ever true to the prohibitions and accomplishing such virtues. Their compassionate heart extends towards all beings. They are impartial and not-two, just as one would regard one’s only son. They also, early in the morning when the sun had just risen, said to one another: " Let us hasten today to the forest of the twin trees!" The upasikas’ utensils were twice as many. They took these to where the Buddha was, touched his feet, walked around him 100 thousand times and said: "O World-honoured One! We have with us here meals for the Buddha and the Sangha. O Tathagata! Please have pity and accept our offerings!" The Tathagata was silent and did not take [the offerings]. Their supplication not met, all the upasikas were sad. They stepped back and sat down on one side.
At that time, the Licchavis of Vaisali Castle were present and others as numerous as the sands of four Ganges, who were males, females, big and small, wives and children, relatives, and those of the kings of Jambudvipa [India]. Seeing the Way, they were true to the prohibitions and perfect in deportment. They crushed out the people of other teachings who acted against the Wonderful Dharma. They always said to one another: " We shall have stores of gold and silver for the service of upholding the sweet and endless depths of the Wonderful Dharma, so that it will flourish. Let us hope always to learn Dharma. We shall draw out the tongues of those who slander the Buddha’s Wonderful Dharma." They also prayed: "Should there be any bhiksu who transgresses against the prohibitions, we shall turn him back to secular life and have him for labour; if anyone abides in the Wonderful Dharma, we shall esteem and serve him as we do our parents. If priests well practise the Wonderful Dharma, we shall participate in their joy and support them, so that they will increase." They were always glad to lend an ear to the Mahayana sutras. Having listened, they widely expounded to others what they had heard. All were accomplished in such virtues. They included such Licchavis as [the following persons]: Pure-and- Untainted-Store, Pure-and-Non-Indulgent, Ganges-Water-of-Pure-and-Untainted-Virtue. All of these said to themselves: "Let us now speed to where the Buddha is!" Various were their utensils of offerings. Each Licchavi had 84,000 elephants all decorated, along with 84,000 four- horse wagons of treasures, 84,000 bright moon gems. There were also bundles of fuel such as heavenly wood, sandalwood, and aloes, all to the number of 84,000. In front of each elephant hung bejewelled hanging ensigns, banners and parasols. Even the smallest of parasols was as wide as one yojana crosswise and lengthwise. Even the shortest of the banners measured 32 yojanas. And the lowest of the bejewelled hanging-ensigns was 100 yojanas high. With these objects of offerings, they went to where the Buddha was, touched his feet, walked around him 100 thousand times and said to him: "O World-Honoured One! We are now here with offerings for you, the Buddha, and the Sangha. Please have pity and accept ours!" The Tathagata was silent and did not accept [the offerings]. Not having gained what they desired, the Licchavis were all sad. By the Buddha’s power, they were raised up into the sky seven talas high, where they remained in silence.
At that time, there were, further, ministers and rich laymen as numerous as the sands of five Ganges. They prized Mahayana. If there were any of other teachings slandering the Wonderful Dharma, they would crush such down just as hail and rain do grass and plants. They were Sunlight, World-Protecting, and Dharma-Protecting. These headed their number. Five times as many were their utensils as those who had preceded them. They carried these to the forest of the twin sal trees, touched the Buddha’s feet, walked around the Buddha 100 thousand times, and said: "O World-Honoured One! We have brought you and the Sangha utensils of offerings. Please have pity and accept our [gifts]!" The Tathagata was silent and did not accept [them]. Their wish not granted, the rich elders were sad. By the Buddha’s divine power, they were raised up seven talas from the ground into the sky, where they remained in silence.
At that time, there were present the King of Vaisali and his consort, the people of the harem, and all the kings of Jambudvipa, excepting Ajatasatru and those of the castle town and villages of his kingdom. They included such as King Taintless-as-the-Moon and others. They took along with them the four military forces [of elephants, horses, infantry and chariots] and desired to go to where the Buddha was. Each king had people and relatives as many as 180 million billion. The chariots and soldiers were drawn by elephants and horses. The elephants were six-tusked and the horses ran like the wind. Their adornments and utensils of offerings were six times as many as those which had preceded them. Of all the bejewelled parasols, even the smallest filled a diameter of 8 yojanas. The smallest of the banners measured 16 yojanas. All these kings abided peacefully in the Wonderful Dharma and detested twisted laws [teachings]. They esteemed Mahayana and felt deep joy in it. They loved beings as one loves an only son. The fragrance of the meals and drinks which they were holding filled the air for four yojanas all around. They too, early in the morning when the sun had just risen, carried forth all these sweet dishes and went to the forest of twin sal trees where the Tathagata was and said: "O World-Honoured One! We wish to offer these to the Buddha and Sangha. Please have pity, O Tathagata! and accept our final offerings!" The Tathagata, aware of the occasion, would not take [the offerings]. Their wishes unanswered, all these kings were sad. They stepped back and took their seats on one side.
At that time, there were the consorts of the kings as numerous as the sands of seven Ganges, excepting those of King Ajatasatru. So as to save beings, they manifested as females. They always were mindful of their bodily actions and perfumed their minds with the dhar- mas of the Void, formlessness and desirelessness. They included such as the ladies Wonderful- Three-Worlds and Virtue-Loving. All consorts such as these abided peacefully in the Wonderful Dharma and observed the prohibitions and were perfect in their deportment. They behaved towards beings as one does to one's only son. They all said: " Let us all speed to where the World-Honoured One is." The offerings of these royal consorts were seven times as many as those that had preceded them, and these were: incense, flowers, bejewelled hanging-ensigns, silken cloths, banners, parasols, and the best meals and drinks. Even the smallest of the bejewelled parasols measured 16 yojanas. The lowest of the bejewelled hanging-ensigns measured 68 yojanas. The fragrance of the meals and drinks filled an area of eight yojanas all around. Bearing all these offerings, they went to where the Tathagata was. They touched his feet, walked around him 100 thousand times, and said to the Buddha: "O World-Honoured One! We have with us offerings for the Buddha and the bhiksus. Please have pity and accept our final offerings!" The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [the offerings]. Their requests ungranted, all the consorts were sad. They pulled out their hair, beat their breasts and wailed as though a compassionate mother had newly lost her only son. They stepped back, and sat silently to one side."
"At that time, there were also devis [goddesses] as numerous as the sands of eight Ganges. Virupaksa headed their number and said: "O sisters! See clearly, see clearly! The best offerings of all these beings are for the Tathagata and the bhiksus. We ought to be serious and make offerings to the Tathagata with all such wonderful utensils as these. He will partake of our offerings and enter Nirvana. O sisters! It is hard to encounter the appearance into the world of the All-Buddha-Tathagata. It is also difficult to make the last offerings. Should the Buddha enter Nirvana, the world will become empty." All these heavenly females loved Mahayana and desired to hear it. Having heart it, they expounded it widely to [other] people. Much prizing Mahayana, they also satisfied those who were dying for it. They protected Mahayana very well. If there were any of other teachings who opposed or were jealous of Mahayana, they severely crushed them out, just as hail does grass. They were observant of the prohibitions and their deportment was perfect. They accorded well with the world, passed across those who had not yet gained the other shore, and turned the wheel of Dharma. They upheld the heritage of the Three Treasures so that it would not die out. They studied Mahayana and greatly adorned themselves. Perfect in all these virtues, they loved beings equally, just as one would love one’s only son. They also, early in the morning when the sun had just risen, all took up incense of heavenly wood twice as great in number as those of the human world. The fragrance of all this incense blew away all bad human smells. Their wagons had white roofs and were pulled by four horses. Each wagon had curtains, and on each of the four corners were hung golden bells. Of diverse kind were the incense, flowers, the hanging-ensigns, banners, parasols, wonderful dishes, and mask dances. There were simhasanas [lion thrones], the four legs of which were of pure blue beryl. Behind the simhasanas were couches inlaid with the seven treasures. In front of each couch was an arm-rest of gold. The tree of light was of the seven treasures, and various gems served as lamps. Wonderful flowers were spread on the ground. And having made their offerings, all these devis were sad at heart. Tears welled up and great was their sorrow. In order to benefit beings and make them happy, they had accomplished the unsurpassed practice of the All-Void of Mahayana and they purposed to reveal the Tathagata's undisclosed teaching of expediency. And in order to prevent the various sermons from dying out, they came to where the Buddha was, touched his feet, walked around him 100 thousand times, and said to the Buddha: "O World-Honoured One! Please accept our final offerings." The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. All these devis, their wishes unanswered, were sad. They stepped back, took their seat on one side, and sat [there] silently.
At that time, there lived various naga kings in the four quarters, as many of them as sands of nine Ganges. They were Vasuki, Nanda, and Upananda, who headed up their number. All these naga kings too, early in the morning when the sun had just risen, took up their utensils of offerings, as numerous as those of man and heaven. Carrying these to where the Buddha was, they touched his feet, walked around him 100 thousand times, and said to him: "O Tathagata! Please accept our final offerings." The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. All the naga kings, their wishes not met, were sad. They stepped back and sat to one side.
At that time, there were demon kings as numerous as the sands of ten Ganges. Vaisravana headed their number. They said to one another: "Let us all hasten to where the Buddha is!" Carrying with them various things of offering, twice as many as those of the naga kings, they went to where the Buddha was, touched his feet, walked around him 100 thousand times, and said to him: "O Tathagata! Please have pity and accept the last of our offerings!" The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept. Their wishes unfulfilled, they felt sad, stepped back, and sat on one side.
At that time, there were also garuda [mythical bird] kings, as numerous as the sands of 20 Ganges. King Victor-over-Resentment headed their number.
Also, there were gandharva [demigod musician] kings, who were as numerous as the sands of 30 Ganges. King Narada headed their number.
Also, there were kimnara [celestial singer and dancer] kings there, as numerous as the sands of 40 Ganges. King Sudarsana headed their number.
Also, there were mahoraga [snaked-headed beings] kings, who were as numerous as the sands of 50 Ganges. King Mahasudarsana headed their number.
Also, there were asura [contentious, titanic demon] kings, who were as numerous as the sands of 60 Ganges. King Campalu headed their number.
Also, there were danavat [abounding in gifts] kings, who were as numerous as the sands of 70 Ganges. King Water-of-the-Untainted-River and Bhadradatta headed up their number.
Also, there were rakshasa [carnivorous demon] kings, who were as numerous as the sands of 80 Ganges. King Fearful headed their number. Abandoning evil, he did not devour men; even amidst resentment, he showed compassion. His form was ugly to look at, and yet looked right and austere, due to the power of the Buddha. Also, there were forest kings there, who were as numerous as the sands of 90 Ganges. King Music-and-Odour headed their number.
Also, there were dharani [magic spell]-possessing kings, who were as numerous as the sands of 1,000 Ganges. King Great-Vision-of-Dharani-Upholding headed their number.
Also, there were lustful pretas [ghosts] there, who were as numerous as the sands of 100 thousand Ganges. King Sudarsana headed their number.
Also, there were lustful devis, who were as numerous as the sands of 10 million Ganges. Heavenly-Blue-Wet, Sad-Wet-Corpse, Imperial-Way-Wet and Visakha headed up their number.
Also, there were the preta kings of the earth there, who were as numerous as the sands of a billion Ganges. King Whitely-Wet headed there number.
Also, there were princes, heavenly guardians, and the four guardian angels of the earth, as numerous as the sands of 10 million-billion Ganges.
Also, there were the vayus of the four quarters, as numerous as the sands of 10 million- billion Ganges. These called forth seasonal and unseasonal flowers upon the trees and strewed them between the twin sal trees.
Also, there were as many principal gods of cloud and rain present as the sands of 10 million-billion Ganges, who said to themselves: "When the Tathagata enters Nirvana, we shall call forth rain at the time of the cremation and extinguish the fire. Should there by anyone who feels hot and moans, we shall make the air cool."
Also, there were greatly fragrant elephant kings there, as numerous as the sands of 20 Ganges. They included Rahuhastin, Suvarnavarnahastin, Amrtahastin, Blue-Eye Elephant, Fragrance-desiring Elephant, who headed up their number. They respected and loved Ma- hayana. As the Buddha was about to enter Nirvana, each took up innumerable, boundless, beautiful lotus flowers and came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, stepped back, and sat down to one side.
Also there were lion kings there, as numerous as the sands of 20 Ganges. King Lion’s Roar headed their number. To all beings they gave fearlessness. Bearing various flowers and fruits, they came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, stepped back, and sat on one side.
Also, there were the kings of flying birds there, as numerous as the sands of 20 Ganges. They included lapwings, wild geese, mandarin ducks, peacocks, and all such birds, and gandhar- vas, karandas, mynahs, parrots, kokilas, wagtails, kalavinkas, jivamjivakas, and all such birds, bearing flowers and fruit, came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, stepped back, and sat to one side.
Also, there were buffaloes, cows, and sheep present, who were as numerous as the sands of 20 Ganges, who all came to the Buddha and gave forth wonderfully fragrant milk. All this milk filled the ditches and pits of Kusinagara Castle. The colour, fragrance and taste [of this milk] was all perfect. This done, they stepped back and sat down to one side.
Also, there were present rishis [sages] from the four lands, who were as numerous as the sands of 20 Ganges. Ksantirsi headed their number. Carrying flowers, incense and fruit, they came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, walked around him three times, and said to him: "O World-Honoured One! Please have pity and accept our final offerings!" The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. At this, their wish unanswered, all the rishis were sad. They stepped back and sat on one side.
There were [also] present all the kings of the bees of Jambudvipa [India]. Wonderful- Sound, the King of bees, headed their number. They brought in many flowers, came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, walked around him once, stepped back, and sat down to one side.
At that time, the bhiksus [monks] and bhiksunis [nuns] of Jambudvipa were all gathered together, excepting the two venerable ones, Mahakasyapa and Ananda. Also, there were [stretches of] space in between the worlds as numerous as the sands of innumerable asamkhyas [infinitudes] of Ganges, as well as all the mountains of Jambudvipa, of which King Mount Sumeru headed their number. Grand were the adornments of the mountains. Old and luxuriant were the bushes and forests, and the branches and leaves were fully grown, so that they hid the sun. Various were the wonderful flowers which bloomed all around and were beautiful. The grand springs and streams were pure, fragrant, and transparent. Devas, nagas, gandharvas, asuras, garudas, kimnaras, mahoragas, rishis, charmers, actors, dancers and musicians filled the place. All these heavenly ones of the mountains and others came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, stepped back, and sat on one side.
Also, there were present the gods of the four great seas and of the rivers, who were as numerous as the sands of asamkhyas of Ganges and who all had great virtues and heavenly feet. Their offerings were twice as many as those who had preceded them. The lights that emanated from the bodies of these gods and those of the mask dancers so eclipsed the light of the sun and the moon that they were hidden and could not be seen any more. Campaka flowers were strewn upon the waters of River Hiranyavati. They came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, stepped back, and sat down on one side.
At this time, the forest of sal trees of Kusinagara changed colour and looked like white cranes. In the sky, a hall of seven treasures spontaneously appeared. Detailed decorations were engraved [upon it]. There were balustrades all round, with gems studded into them. Down [round] the buildings were streams and the bathing places of ponds, where wonderful lotuses floated. It looked as if one were in Uttarakuru, in the pleasance of Trayastrimsa Heaven. That is how things were in the sal forest, the adornments all lovely and wonderful. The devas, asuras and others all witnessed the scene of the Tathagata's entering Nirvana, and were sunk in sorrow, sad and woebegone."
"Then the four guardian angels of the earth and Sakrodevendra said to one another: "See! All devas, human beings, and asuras are making preparations and intend to make their final offerings to the Tathagata. We, too, shall do the same. If we can make our final offerings, it will not be hard to be perfect in danaparamita [perfected giving]." At that time, the offerings of the four guardian angels of the earth were twice as many as those that had preceded them. They carried in their hands all such flowers as mandara, mahamandara, kakiruka, makakakiruka, manjusaka, ma- hamanjusaka, santanika, makasantanika, loving, greatly-loving, samantabhadra, mahasamantab- hadra, time, great time, fragrant castle, greatly-fragrant castle, joy, great joy, desire-calling, great desire-calling, fragrant-intoxicating, greatly-fragrant-intoxicating, all-fragrant, greatly-all- fragrant, heavenly-golden leaves, nagapuspa, paricitra, kovidara, and also, carrying wonderful dishes, they came to where the Buddha was and touched his feet with their heads. All the light of these devas outshone the light of the sun and moon, so that these could not be seen. With these utensils, they intended to make offerings to the Buddha. The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. Their wishes not granted, the devas were sad and worried, and they stepped back, and sat to one side.
At that time, Sakrodevendra and the beings of Trayastrimsa Heaven carried up the vessels of their offerings, which were twice as many as those that had preceded them. The flowers which they carried were equally as many. Wonderful was the fragrance, very lovely to smell. They carried the victory hall, Vaijayanta [palace of Sakrodevendra], and many small halls and came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, and said to him: " O World-Honoured One! We greatly love and protect Mahayana. O Tathagata! Please accept our dishes." The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their dishes]. Shakra [Indra, chief of the gods] and all the devas, their wishes not fulfilled, were sad. They stepped back and sat on one side.
The offerings of those up to the sixth heaven increased in size one after the other. There were bejewelled hanging-ensigns, banners, and parasols. Even the smallest of the bejewelled parasols covered the four lands; the smallest of the banners covered the four seas; even the shortest of the hanging-ensigns reached Mahesvara's heaven. Soft breezes blew and sweet sounds arose. Carrying up the sweetest of dishes, they came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, and said to him: "O World-Honoured One! Pray, O Tathagata! have pity and accept our last offerings!" The Tathagata, aware of the occasion, was silent, and did not accept [their offerings]. Their wishes not answered, all the devas were sad. They stepped back, and sat to one side."
All the devas up to the highest heaven were gathered there. At that time, Great Brahma and other devas put forth light which shone over the four lands. To the men and devas of the world of desire, the lights of the sun and moon were all hidden. They had bejewelled hanging-ensigns, banners and parasols of coloured silk. Even the smallest banner which hung on Brahma’s palace came down to where the sal trees stood. They came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, and said to him: "O World-Honoured One! Pray, O Tathagata! have pity and accept our last offerings." The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. At this, the devas, their wishes unfulfilled, were sad. They stepped back and sat on one side.
At that time, Vemacitra, the king of asuras, was present with innumerable great relatives. The light that shone [here] was brighter than that of Brahma. He had bejewelled hanging- ensigns, banners, and parasols. Even the smallest banner covered a thousand worlds. Carrying the sweetest dishes, they came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, and said to him: "Pray, O Tathagata! have pity and accept our last offerings!" The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. Their wishes were not answered, so all the asuras were sad. They stepped back and sat on one side.
At that time, Marapapiyas [the Devil] of the world of desire with all his kindred demons and domestic females, and with his innumerable people, opened the gates of hell, sprinkled about pure water, and said: "You now have nothing to do. Only think of the Tathagata, the Alms-deserving, and the All-Enlightened One, take part in joy, and offer your last offerings. You now shall have a long night of peace." Then, Marapapiyas made away with all the big and small swords and the poison and pain of hell. He had rain fall and extinguish the burning fire. Through the Buddha’s power, he gained this state of mind. He made all his kindred demons throw away their big and small swords, bows, crossbows, armour, arms, halberds, shields, long hooks, metal hammers, axes, war chariots, and lassoos. What offerings they had were twice as many as those of man and heaven. Even the smallest of the parasols covered the middle-thousand world. They came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, and said to him: " We now love and protect Mahayana. O World-Honoured One! Men and women in the world may, for the purpose of making offerings, out of fear, for reasons of cheating others, for profit, and for following others, accept this Mahayana, whether all of it is true or not true. We shall, then, in order to make away with the fear of such ones, enunciate the following dharani [spell]: "Taki, tatarataki, rokarei, makarokarei, ara, shara, tara, shaka".... We chant this dharani, for the sake of those who have lost their courage, who may be entertaining fear, who preach for others, who pray that the Dharma shall not die out, who desire to crush out the tirthikas [deluded believers, non-Buddhists], for protecting one’s own self, for protecting the Wonderful Dharma, and for protecting Mahayana. Armed with this dharani, one [need] have no fear of a mad elephant, or when crossing wildernesses, marshy lands, or any precipitous places; there can be no fear of water, fire, lions, tigers, wolves, robbers, or kings. O World-Honoured One! Armed with such a dharani, none will have fear. We shall protect the person who has such a dharani, and he will be like a tortoise who guards his six limbs inside his shell. O World-Honoured One! We do not say this just to flatter. In truth, we will make things such that one armed with such a dharani will augment his power. Only we pray, O Tathagata! have pity and accept our last offerings." Then, the Buddha said to Marapapiyas: "I do not accept your offerings; I already have your dharani. This is to make all beings and the four classes of people of the Sangha rest in peace." So saying, the Buddha fell into silence and did not accept Marapapiyas’ offerings. Thrice Marapapiyas asked the Buddha to accept them, but the Buddha would not. At this, his wishes unanswered, Marapapiyas was sad, and stepped back, and sat on one side.
At that time, there was present Mahesvararaja with his innumerable kindred and other devas. They carried in their vessels of offerings, which were far more than those of Brahma and Indra, and those of the guardian angels of the earth, men and devas, the eight beings, and non-humans. The preparations which Sakrodevendra had made looked like black against white as when the white of horse-shoe shell is taken up for comparison, and all glory disappears. Even the smallest of the bejewelled parasols covered the 3,000 great-thousand worlds. Carrying such vessels of offerings, they came to where the Buddha was, touched his feet with their heads, walked around him innumerable times, and said to him: "O World-Honoured One! What paltry things we now have with us may [be] equal to offerings made us by mosquitoes and sawflies, to a man throwing a scoop of water into the great ocean, or to trying to assist with a small light that of 100 thousand suns, or trying, in spring and summer when there are so many flowers, with just a single flower to add to the glories of all the flowers, or to the splendour of Mount Sumeru with just a pickpocket seed. How could there be any augmenting of the great ocean, of the brightness of the sun, of all the flowers, and of Sumeru? O World-Honoured One! What little we carry in [to you] here may well be likened to this. We could indeed offer you incense, flowers, mask dances, banners, and parasols of the 3,000 great-thousand worlds, but these are still not worthy of mention. Why not? Because you always undergo pains in the unfortunate realms of hell, hungry pretas, and animals. Because of this, O World-Honoured One! Please have pity and likewise accept our offerings."
Now, in the east, there is a Buddha-land, as many lands far out as the sands of uncountable, innumerable asamkhyas of Ganges, one called Easy-in-Mind-and-Beautiful-in-Sound, and the Buddha [there] is called Equal-to-the-Void, the Tathagata, Alms-deserving, the AllEnlightened One, the All-accomplished One, the Well-gone, the All-knower, the Unsurpassed One, the Best Trainer, the Teacher-of-Heaven-and-Earth, and the Buddha-World-Honoured- One. At that time, the Buddha spoke to his foremost great disciple: " Go now to the land in the west, called "’saha"’ [Endurance - i.e. our world of hardship!] There is a Buddha in that land called Tathagata Shakyamuni, who is the Alms-deserving, the All-Enlightened One, the All-accomplished One, the Well-gone, the All-knower, the Unsurpassed One, the Best Trainer, the Teacher-of-Heaven-and-Earth, and the Buddha-World-Honoured-One. He will enter Parinir- vana before long. O good man! Carry to him the fragrant dishes of this world, the ones fragrant and beautiful, which give peace. Offer this to him. Having taken this, he will enter Parinirvana. O good man! Also, bow before the Buddha, put questions to him, and do away with whatever doubt you have." Then, the Bodhisattva-mahasattva of boundless body, at that, stood up from his seat, touched the Buddha’s feet with his head, walked around the Buddha three times, took with him innumerable asamkhyas of Bodhisattvas, left that country and came to this land of Saha [endurance]. At this, the 3,000 great-thousand worlds shook in six ways, the hair of those congregated there - Brahma, Indra, the four guardian angels of the earth, Marapapiyas, and Mahesvara - at this great shaking of the great earth stood up on end, and their throats and tongues dried up in fear. They were so frightened that they shook and wanted to flee in all directions. As they looked at their own bodies, their light was lost, and gone was all their divine appearance. Then, Dharmarajaputra Manjushri stood up and spoke to those congregated there: "Good people! Do not fear, do not be afraid! Why not? To the east, as many as the sands of innumerable, uncountable asamkhyas of Ganges away, there is a land called Easy-in-Mind- and-Beautiful-in-Sound. The Buddha’s name in that land is Tathagata-Equal-to-the-Void, the Alms-deserving, the All Enlightened One. He possesses the ten epithets of the Buddha. There is a Bodhisattva there, of boundless body. Accompanied by innumerable Bodhisattvas, he desires to come here and make offerings to the Tathagata. By the power of that Buddha, your body now does not shine out. So, gladden yourselves; do not fear!" Then, those congregated saw far off a great number of people from that Buddha whom they saw as though they were their own forms reflected in a mirror. Then, Manjushri said to those congregated there: "You now see the people of that Buddha just as you see the Buddha himself. By the Buddha’s power, you can clearly see all the innumerable Buddhas of the nine other Buddha countries." At that, the people congregated there said to one another: "Oh, woe is the day, woe the day! The world is empty. The Tathagata will before long enter Parinirvana."
"Now, all the people saw the Bodhisattva of boundless body and his retinue. And they saw that from each pore of the skin of this Bodhisattva there sprung a great lotus, each containing 78 castle towns. Crosswise and lengthwise, each castle was Vaisali Castle. The castle walls and moats were studded with the seven treasures. There were bejewelled avenues of seven rows of tala trees. The people [there] were active, peaceful, rich, and it was comfortable to live in that land. Each castle was of Jambunadasuvarna. Each had in it the trees of the seven treasures. The growths were luxuriant, and rich were the flowers and fruits. Soft breezes blew, emitting sweet sounds, as of heavenly music. The people of the castle, hearing these sounds, felt great pleasure. The moats were filled with wonderful water. It was pure and fragrant and looked like true beryl. On the water, boats of the seven treasures could be seen. People were riding on these. They bathed and enjoyed themselves. Thus there was no end of pleasure. Also, there were lotuses of various colours, such as the utpala, kumuda, padma and pundarika. These looked like great wheels seen crosswise and lengthwise. Above the moats were many gardens. In each were five ponds, in which there were again such flowers as the utpala, kumuda, padma, and pundarika, which resembled great wheels, seen crosswise and lengthwise. They were fragrant and pleasing. The water was pure and soft to the touch. On this could be seen lapwings, wild geese, and mandarin ducks floating. Garden houses of gems were there, each of which was rightly square crosswise and lengthwise, filling an area seven yojanas square. All the walls were made of four treasures: gold, silver, beryl, and crystal. All around were windows, lattice-windows, and handrails of true gold. The ground was of turkistan dwarf and covered in golden sand. In this palace were many streams, springs, and bathing ponds of the seven treasures. Each side-wall had 18 ladder-steps of gold. The plantain was the Jambunadasuvarna and resembled the pleasance of Trayastrimsa Heaven. Each of these castles accommodated 80 thousand kings and each king had with him innumerable consorts and female attendants. All were amusing themselves and were pleased and happy. The same applied to the people who were amusing themselves where they lived. The people [there] heard no teachings other than unsurpassed Mahayana. On each flower was a simhasana, each leg made of beryl. On each seat was spread a white soft silken cloth. The cloth was wonderful, unsurpassed in all the three worlds. On each seat was sat a king, preaching Mahayana to his people. Some were holding books in their hands, reciting, and practising the Way. Thus Mahayana sutras became pupularised. The Bodhisattva of boundless body allowed innumerable people to walk thereabouts, pleased with themselves and abandoning worldly pleasures. All said: "Woe is the day, woe the day! The world is empty. The Tathagata will soon enter Parinirvana."
Then, the Bodhisattva of boundlesss body, followed by innumerable Bodhisattvas and with wonderful divine power, carried out innumerable and various containers of offerings filled with wonderfully fragrant sweet dishes. On encountering the fragrance of these meals, all the taints of illusion died out. Because of the Bodhisattva’s divine power, the people saw all such transformations. The size of this Bodhisattva of boundless body was limitless and like space. Excepting the Buddha, none indeed could see the bodily size of this Bodhisattva. The offerings of this Bodhisattva of boundless body were double those that had preceded them and they came to where the Buddha was. They touched the Buddha’s feet, folded their hands, paid him homage, and said: "O World-Honoured One! Please have pity and accept our offerings." The Tathagata, aware of the occasion, was silent and did not accept [their offerings]. Three times they asked, but he would not accept. So the Bodhisattva of boundless body and his retinue stepped back and sat on one side. The same was the case with the Bodhisattvas of boundless body of all the Buddha-lands to the south, west and north. They carried in offerings twice as many as those which had preceded them. They came to where the Buddha was, stepped back, and sat on one side. All proceeded in this manner.
Then, there did not remain a space left in the auspicious ground of weal between the sal trees and within 32 yojanas square which was not full of people. At that time, all the space around the persons of the Bodhisattva of boundless body and his retinue who were gathered there from the four quarters looked [merely] like the point-size of a mote, or awl or needle. All the great Bodhisattvas of all the innumerable Buddha lands of the ten directions were gathered together there. In addition, all the people of Jambudvipa were assembled there, except for the pair, Mahakasyapa and Ananda, and also Ajatasatru and his retinue, and the poisonous serpents that harm people, the dung-beetles, haly-vipers, scorpions, and the doers of evil of sixteen kinds. The danavats and asuras had all forsaken their evil designs and had become compassionate-minded. Like fathers, mothers, older and younger sisters, all the people of the 3,000 great-thousand worlds came together and spoke to one another with the same compassionate heart, except for the icchantikas [those most spiritually alienated from Dharma].
Then, by the power of the Buddha, the 3,000 worlds became soft to the touch. There were [no longer] any hills, sand, gravel, thistles or poisonous plants there, but all was [instead] adorned with various treasures as in the case of the Western Paradise of peace and happiness of Buddha Amitayus. At that time, all those congregated there saw the innumerable number of Buddha lands as though seeing their forms reflected in a mirror. The same was the case when they saw the lands of all the Buddhas.
The light that issued from the Tathagata’s face was fivefold in colour, and it shone and covered all the great congregation, so that it blotted out the light that came out of the body. Having done this, it again turned back to the Buddha, back to him through his mouth. Then, the heavenly beings and all those congregated there, asuras and others, became greatly afraid, as they saw the Buddha’s light entering him through his mouth. Their hair stood on end. And they said: "The light of the Tathagata, having appeared, goes back and enters [him again]. This is not without reason. This indicates that the Buddha has done what he intended to do in the ten directions and now will enter Nirvana as his last act. This must be what it mean to indicate to us. Woe is the world, woe the world! Why is it that the World-Honoured One so forsakes the four limitless minds and does not accept the offerings of man and heaven? The light of Wisdom is now going out eternally. The unsurpassed boat of Dharma is now sinking. Ah, the pain! Woe is the world!" They held up their hands, beat their breasts, and sorrowfully cried out and wept. Their limbs shook, and they did not know how to support themselves. Blood came from their bodies and ran over the ground."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.71.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập