Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 18 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần bốn »»
Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là chỗ mà thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ nhưng chính là chỗ Bồ Tát thấy, biết, hiểu rõ? Đó là nói sáu niệm xứ. Những gì là sáu? Đó là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm cõi trời.
“Thiện nam tử! Thế nào là niệm Phật? Như Lai, Ứng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn thường không biến đổi, có đủ Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Đại Sư tử hống, gọi là bậc Đại Sa-môn, Đại Bà-la-môn, Đại tịnh, rốt ráo đến bờ bên kia, không ai có thể vượt hơn được. Ngài có vô kiến đỉnh, không có sự sợ sệt, không bị kinh động, duy nhất không ai sánh cùng, tự mình giác ngộ không thầy dạy, có trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ lớn, trí tuệ sắc bén, trí tuệ sâu xa, trí tuệ giải thoát, trí tuệ không chung cùng, trí tuệ rộng khắp, trí tuệ rốt ráo, trí tuệ như vật báu thành tựu. Giữa loài người, ngài là voi chúa, trâu chúa, rồng chúa, là bậc trượng phu, là hoa sen, hoa phân-đà-lỵ. Ngài là bậc thầy dẫn dắt người đời, là vị đại thí chủ, là bậc thầy dạy Đại pháp. Vì ngài rõ biết pháp, rõ biết nghĩa, rõ biết thời cơ, biết đủ, biết tự ngã, biết đại chúng, rõ biết đủ mọi tâm tánh của chúng sanh, rõ biết căn cơ lanh lợi, chậm lụt hoặc trung bình, thuyết giảng pháp trung đạo, nên được tôn xưng là Đại Pháp sư.
“Sao gọi là Như Lai? Như những điều mà chư Phật quá khứ đã thuyết giảng là không biến đổi. Thế nào là không biến đổi? Chư Phật quá khứ vì hóa độ chúng sanh nên thuyết giảng Mười hai bộ kinh. Như Lai cũng thế, nên gọi là Như Lai.
“Chư Phật Thế Tôn do nơi sáu pháp ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười một pháp không mà tiến đến Đại Niết-bàn. Như Lai cũng thế, nên xưng hiệu Phật là Như Lai.
“Chư Phật Thế Tôn vì chúng sanh nên tùy nghi phương tiện khai mở, chỉ bày Ba thừa, đời sống kéo dài vô lượng, không thể tính kể. Như Lai cũng thế, nên xưng hiệu Phật là Như Lai.
“Sao gọi là Ứng? Các pháp thế gian đều là thù oán. Đức Phật ứng hiện phá hoại các pháp ấy, nên gọi là ứng. Bốn ma là kẻ thù của Bồ Tát. Chư Phật Như Lai trong khi còn tu hạnh Bồ Tát có thể dùng trí tuệ mà phá trừ bốn ma, cho nên gọi là ứng. Lại nữa, ứng gọi là lìa xa. Trong khi tu hạnh Bồ Tát nên lìa xa vô lượng phiền não, nên gọi là ứng. Lại nữa, ứng gọi là vui. Chư Phật quá khứ trong khi tu hạnh Bồ Tát, tuy trải qua vô số kiếp vì chúng sanh chịu các khổ não nhưng không lúc nào không vui, vẫn thường được vui. Như Lai cũng thế, nên gọi là ứng.
“Lại nữa, hết thảy người và chư thiên thường nên dùng mọi thứ hương hoa, vòng chuỗi, cờ phướn, kỹ nhạc mà [dâng lên] cúng dường [Phật], nên gọi là ứng [cúng].
“Sao gọi là Chánh biến tri? Chánh gọi là không điên đảo. Biến tri là đối với bốn pháp điên đảo không có chỗ nào không thông đạt. Lại nữa, chánh gọi là khổ hạnh, biến tri là biết rằng nhân nơi việc khổ hạnh quyết định phải có quả khổ.
“Lại nữa, chánh gọi là ở trong thế gian, biến tri là cuối cùng biết chắc được việc tu tập pháp trung đạo, đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, chánh gọi là có thể tính đếm, đo lường, so sánh. Biến tri là không thể tính đếm, đo lường, so sánh. Cho nên xưng hiệu Phật là Chánh biến tri.
“Thiện nam tử! Thanh văn, Duyên giác cũng có biến tri mà cũng không có biến tri. Vì sao vậy? Biến tri đó, gọi là năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới; Thanh văn, Duyên giác cũng được rõ biết tất cả nên gọi là biến tri.
“Thế nào là không biến tri? Thiện nam tử! Giả sử người trong Hai thừa trải qua vô lượng kiếp chỉ quán riêng một sắc ấm cũng không thể rõ biết tường tận. Vì nghĩa ấy nên Thanh văn và Duyên giác không có biến tri.
“Sao gọi là Minh hạnh túc? Minh gọi là được quả lành vô lượng. Hạnh gọi là chân đi. Quả lành đó là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chân đi đó là giới và tuệ. Nhờ nơi giới và tuệ là chân đi mà đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế gọi là Minh hạnh túc.
“Lại nữa, minh gọi là chú, hạnh gọi là tốt lành, túc gọi là quả. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Chú gọi là giải thoát. Tốt lành gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Quả gọi là Đại Bát Niết-bàn. Vì thế gọi là Minh hạnh túc.
“Lại nữa, minh gọi là ánh sáng, hạnh gọi là nghiệp, túc gọi là quả. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Ánh sáng gọi là không buông thả phóng túng, lười nhác. Nghiệp gọi là sáu pháp ba-la-mật. Quả gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, minh gọi là ba sự sáng suốt. Một là sự sáng suốt của Bồ Tát, hai là sự sáng suốt của chư Phật, ba là sự sáng suốt của vô minh. Sự sáng suốt của Bồ Tát là Bát-nhã Ba-la-mật. Sự sáng suốt của chư Phật là Phật nhãn. Sự sáng suốt của vô minh là rốt cùng hết thảy đều là không. Hạnh là trong vô lượng kiếp vì chúng sanh mà tu các nghiệp lành. Túc là thấy rõ tánh Phật. Vì nghĩa ấy nên gọi là Minh hạnh túc.
“Sao gọi là Thiện thệ? Thiện gọi là cao, thệ gọi là không cao. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Cao, đó là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Không cao, đó là tâm Như Lai. Thiện nam tử! Nếu tâm là cao thì chẳng gọi là Như Lai. Vì thế nên tôn xưng Như Lai là Thiện thệ.
“Lại nữa, thiện gọi là thiện tri thức, thệ là quả của thiện tri thức. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Thiện tri thức là người mới phát tâm. Quả tức là Đại Bát Niết-bàn. Như Lai không bỏ chỗ phát tâm từ lúc ban đầu, đạt được Đại Niết-bàn. Vì thế nên tôn xưng Như Lai là Thiện thệ.
“Lại nữa, thiện là tốt đẹp, thệ là có. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Tốt đẹp là thấy được tánh Phật. Có, gọi là Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Tánh của Niết-bàn vốn thật là không có, Chư Phật Thế Tôn nhân nơi thế gian mà nói rằng có. Thiện nam tử! Ví như người thế gian thật không có con mà nói là có; thật không có đạo mà nói là có. Niết-bàn cũng vậy, nhân nơi thế gian mà nói là có. Chư Phật Thế Tôn thành tựu Đại Niết-bàn nên tôn xưng là Thiện thệ.
“Thiện nam tử! Vì sao gọi là Thế gian giải? Thiện nam tử! Thế gian đó là năm ấm, giải là rõ biết. Chư Phật Thế Tôn rõ biết năm ấm nên gọi là thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian gọi là năm món dục, giải gọi là không vướng mắc. Vì không vướng mắc vào năm món dục nên gọi là thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian giải là nói vô lượng vô số thế giới về phương đông mà hết thảy Thanh văn, Duyên giác đều không thấy, không biết, không hiểu rõ, nhưng chư Phật thấy, biết, hiểu rõ tất cả. Về các phương nam, tây, bắc và bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng đều như vậy. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian là hết thảy phàm phu, giải là rõ biết nhân quả thiện ác của phàm phu. Đó không phải là chỗ biết của Thanh văn, Duyên giác, chỉ Phật mới có thể rõ biết. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian là hoa sen, giải là không bị nhiễm ô. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Hoa sen tức là Như Lai, không bị nhiễm ô là Như Lai chẳng bị tám pháp của thế gian làm nhiễm ô. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian giải là tên gọi của chư Phật, Bồ Tát. Vì sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát thấy rõ thế gian nên gọi là thế gian giải. Thiện nam tử! Như nhân việc ăn uống mà có mạng sống, nên gọi việc ăn uống là mạng sống. Chư Phật, Bồ Tát cũng vậy, thấy rõ thế gian nên gọi là Thế gian giải.
“Vì sao gọi là Vô thượng sĩ? Thượng sĩ là dứt trừ. Không có chỗ dứt trừ gọi là vô thượng sĩ. Chư Phật Thế Tôn không có phiền não nên không có chỗ dứt trừ. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Lại nữa, thượng sĩ là tranh giành kiện tụng, vô thượng sĩ là không có tranh giành kiện tụng. Như Lai không có tranh giành kiện tụng. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Lại nữa, thượng sĩ là lời nói có thể hoại mất, vô thượng sĩ là lời nói không thể hoại mất. Lời nói của Như Lai, hết thảy chúng sanh đều không thể phá hoại. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Lại nữa, thượng sĩ là bậc đứng trên người khác, vô thượng sĩ là không có ai đứng trên. Ba đời chư Phật rốt cùng không có ai vượt hơn được. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Thượng là mới, sĩ là cũ. Chư Phật Thế Tôn thể nghiệm Đại Niết-bàn, không mới không cũ. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Vì sao gọi là Điều ngự trượng phu? Tự mình là trượng phu, lại điều phục các trượng phu khác. Thiện nam tử! Nói là Như Lai, thật chẳng phải trượng phu, cũng chẳng phải không trượng phu, nhân việc điều phục trượng phu nên xưng Như Lai là trượng phu.
“Thiện nam tử! Hết thảy kẻ nam, người nữ, nếu ai có đủ bốn pháp thì được gọi là trượng phu. Những gì là bốn pháp? Một là gần gũi bậc thiện tri thức, hai là có thể nghe pháp, ba là suy xét ý nghĩa, bốn là y theo lời dạy mà tu hành. Thiện nam tử! Cho dù là nam hay nữ, có đủ bốn pháp ấy thì gọi là trượng phu.
“Thiện nam tử! Nếu là nam tử mà không đủ bốn pháp ấy thì chẳng được gọi là trượng phu. Vì sao vậy? Tuy mang thân trượng phu nhưng chỗ làm cũng đồng như loài súc sanh.
“Như Lai điều phục hết thảy nam nữ, cho nên xưng hiệu Phật là Điều ngự trượng phu.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như việc cưỡi ngựa thường có bốn cách. Một là chạm vào lông, hai là chạm vào da, ba là chạm vào thịt, bốn là chạm vào xương. Tùy theo chỗ chạm vào mà ngựa tuân theo ý người cưỡi. Như Lai cũng thế, dùng bốn phép mà điều phục chúng sanh.
“Một là giảng pháp sanh ra, khiến họ nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Hai là giảng pháp sanh ra và già yếu, chúng sanh liền nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông và da ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Ba là giảng pháp sanh ra, già yếu và bệnh tật, chúng sanh liền nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông, da và thịt ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Bốn là giảng pháp sanh ra, già yếu, bệnh tật và chết đi, chúng sanh liền nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông, da, thịt và xương ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Thiện nam tử! Người cưỡi ngựa điều khiển ngựa không chắc chắn có kết quả. Thế Tôn điều phục chúng sanh thì chắc chắn không sai dối. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Điều ngự trượng phu.
“Vì sao gọi là Thiên nhân sư? Thầy dạy có hai hạng, một là thầy dạy việc lành, hai là thầy dạy việc ác. Chư Phật, Bồ Tát thường dùng pháp lành dạy bảo chúng sanh. Những gì là pháp lành? Đó là nói thân, miệng, và ý đều lành. Chư Phật, Bồ Tát dạy bảo chúng sanh rằng: ‘Thiện nam tử! Các người nên lìa xa nghiệp bất thiện của thân. Vì sao vậy? Vì ác nghiệp của thân thật có thể lìa xa, nhờ đó được giải thoát. Vì thế nên ta dùng pháp ấy để dạy bảo các người. Nếu như ác nghiệp không lìa xa mà có thể được giải thoát thì ta chẳng bao giờ dạy các người phải lìa xa. Nếu chúng sanh đã lìa xa ác nghiệp mà đọa vào ba đường ác, đó là chuyện vô lý.’ Nhờ lìa xa ác nghiệp mà thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được Đại Niết-bàn. Vì thế nên chư Phật, Bồ Tát thường đem pháp ấy mà giáo hóa chúng sanh. Về miệng và ý cũng là như vậy. Cho nên tôn xưng Phật là bậc thầy cao quý nhất.
“Lại nữa, thuở trước ta chưa thành đạo, hiện nay đã thành đạo rồi. Ta đem chỗ thành tựu đạo ấy vì chúng sanh mà thuyết giảng. Thuở trước chưa tu hạnh thanh tịnh, hiện nay đã tu hành thành tựu, liền đem chỗ tu hành của mình mà thuyết giảng với chúng sanh. Tự mình phá tan vô minh, lại vì chúng sanh mà phá tan màn vô minh cho họ. Tự mình được mắt trong sạch, lại vì chúng sanh phá trừ sự mù lòa, khiến họ được con mắt trong sạch. Tự mình rõ biết hai lẽ chân thật, lại vì chúng sanh mà thuyết giảng hai lẽ chân thật ấy. Tự mình đạt được sự giải thoát, lại vì chúng sanh mà thuyết giảng pháp giải thoát. Tự mình vượt qua dòng sông lớn sanh tử không bờ bến, lại làm cho hết thảy chúng sanh cũng đều vượt qua được. Tự mình đạt được đức không sợ sệt, lại giáo hóa chúng sanh khiến họ không còn sợ sệt. Tự mình Niết-bàn, lại vì chúng sanh thuyết diễn Đại Niết-bàn. Vì thế nên tôn xưng Phật là bậc thầy cao quý nhất.
“Thiên, đó là ban ngày. Ở cõi trời ngày dài đêm ngắn, vì thế nên gọi là thiên. Lại nữa, thiên là không sầu não. Thường thụ hưởng khoái lạc, vì thế nên gọi là thiên. Lại nữa, thiên là đèn sáng. Phá được sự tối tăm u ám, làm cho sáng rõ, vì thế nên gọi là thiên. Lại cũng phá được sự tối tăm của nghiệp xấu ác mà được nghiệp lành, sanh lên cõi trời, vì thế nên gọi là thiên.
“Lại nữa, thiên là tốt lành. Nhờ tốt lành nên được gọi là thiên. Lại nữa, thiên là mặt trời. Bởi có ánh sáng, nên gọi là thiên. Vì những nghĩa như vậy nên gọi là thiên.
“Nhân là có thể suy xét nhiều ý nghĩa. Lại nữa, nhân là thân và miệng đều nhu nhuyễn. Lại nữa, nhân là nói sự kiêu mạn, lại cũng là có thể phá trừ kiêu mạn.
“Thiện nam tử! Tuy Phật là bậc thầy dạy cao quý nhất của tất cả chúng sanh, nhưng trong kinh gọi là bậc Thiên nhân sư. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Trong các loài chúng sanh, duy chỉ có chư thiên và nhân loại là có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, có thể tu Mười nghiệp lành, có thể chứng đắc các đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích-chi và quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thiên nhân sư.
“Vì sao gọi là Phật? Phật là tỉnh giác, rõ biết. Tự mình đã tỉnh giác, rõ biết, lại có thể giúp cho kẻ khác tỉnh giác, rõ biết. Thiện nam tử! Ví như có người tỉnh giác, rõ biết có kẻ trộm, thì kẻ trộm ấy không thể làm gì được. Bồ Tát ma-ha-tát có thể tỉnh giác rõ biết hết thảy vô lượng phiền não. Khi đã rõ biết rồi, khiến cho các phiền não không thể làm gì được. Vì thế nên gọi là Phật. Vì đã tỉnh giác rõ biết, nên không còn sanh, già, bệnh, chết. Do đó gọi là Phật.
“Sao gọi là Bà-già-bà? Bà-già là phá trừ; bà là phiền não. Vì phá trừ phiền não nên gọi là Bà-già-bà; lại vì có thể thành tựu được các thiện pháp; lại vì có thể giảng rõ ý nghĩa các pháp; lại vì có công đức lớn, không ai hơn được; lại vì có danh tiếng lớn truyền khắp mười phương; lại vì có thể ra ơn lớn bố thí đủ mọi thứ; lại vì trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đã trừ bỏ nữ căn; vì các lẽ ấy nên tôn xưng hiệu Phật là Bà-già-bà.
“Thiện nam tử! Dù là nam hay nữ mà có thể niệm tưởng đến Phật như thế thì trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm, ngày, đêm, sáng, tối đều thường được thấy Phật Thế Tôn.
“Thiện nam tử! Vì sao gọi là Như Lai, Ứng, Chánh biến tri... cho đến Bà-già-bà, có vô lượng công đức và danh xưng lớn như thế? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đã từng cung kính cha mẹ, hòa thượng, các bậc thầy, thượng tọa, trưởng lão. Trong vô lượng kiếp thường vì chúng sanh mà thực hành bố thí, giữ bền giới cấm, tu tập nhẫn nhục, chuyên cần thực hành tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, cho nên ngày nay mới được thân kim cang với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
“Lại nữa, từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp Bồ Tát đã từng tu tập các pháp căn bản: tín, niệm, tinh tấn, định, tuệ, cung kính cúng dường các bậc sư trưởng, thường vì sự lợi ích trong Chánh pháp, chẳng vì món lợi ăn uống. Bồ Tát nếu được gìn giữ Mười hai bộ kinh, khi tụng đọc vẫn thường vì chúng sanh mà khiến cho được giải thoát, an ổn, khoái lạc, chẳng bao giờ vì bản thân mình.
“Vì sao vậy? Bồ Tát thường tu tâm xuất thế gian cùng với các tâm xuất gia, tâm vô vi; không có tâm tranh tụng, không có tâm nhiễm bẩn, không có tâm trói buộc, không có tâm nắm giữ vướng mắc, không có tâm che lấp, không có tâm đắm chấp lẽ không, không có tâm sanh tử, không có tâm nghi ngờ, không có tâm tham dục, không có tâm sân khuể, không có tâm ngu si, không có tâm kiêu mạn, không có tâm uế trược, không có tâm phiền não, không có tâm khổ; [đầy đủ các] tâm vô lượng, tâm quảng đại, tâm hư không, tâm không; không có tâm không, không có tâm không điều phục, không có tâm không phòng hộ, không có tâm không che giấu, không có tâm thế gian; [đầy đủ các] tâm thường định, tâm thường tu, tâm thường giải thoát, tâm không báo trả, tâm không mong cầu, tâm nguyện lành, tâm không nhầm lẫn, tâm nhu nhuyễn, tâm không trụ, tâm tự tại, tâm vô lậu, tâm đệ nhất nghĩa, tâm chẳng thối lui, tâm vô thường, tâm chánh trực, tâm không nịnh hót, tâm thuần thiện; không có tâm [phân biệt] nhiều ít, không có tâm ương ngạnh, không có tâm phàm phu, không có tâm Thanh văn, không có tâm Duyên giác, [chỉ có những] tâm khéo rõ biết, tâm rõ biết giới, tâm rõ biết giới sanh ra, tâm rõ biết sự trụ yên nơi giới, tâm rõ biết sự không trói buộc vào giới.
Vì những lẽ ấy nên ngày nay được Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Đại bi, Ba niệm xứ, thường, lạc, ngã, tịnh. Cho nên được tôn xưng là Như Lai... cho đến Bà-già-bà. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát niệm Phật.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát niệm Pháp? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát suy xét chỗ thuyết pháp của chư Phật là mầu nhiệm nhất, cao cả nhất. Do nơi pháp ấy có thể khiến chúng sanh được hưởng quả trong hiện tại. Chỉ riêng Chánh pháp ấy không có thời tiết, là chỗ thấy của con mắt pháp chứ chẳng phải mắt thường, không thể dùng các thí dụ mà so sánh: không sanh ra, không xuất hiện; không trụ, không diệt; không khởi đầu, không kết thúc; vô vi, vô số. Vì kẻ không nhà mà tạo nên nhà cửa, vì kẻ không có chỗ nương về mà tạo ra chỗ nương về, vì kẻ không có ánh sáng mà tạo ra ánh sáng, vì kẻ chưa đến được bờ bên kia mà khiến cho đến được bờ bên kia, vì chỗ không có hương thơm mà tạo ra hương thơm vô ngại; ở chỗ không thể trông thấy mà trông thấy rõ ràng, không động chuyển, không dài ngắn, mãi mãi dứt trừ các thú vui mà được niềm vui an ổn, chỗ rốt ráo nhiệm mầu; chẳng phải sắc hay dứt trừ sắc nhưng cũng là sắc... cho đến chẳng phải thức hay dứt trừ thức nhưng cũng là thức; chẳng phải nghiệp hay dứt trừ nghiệp, chẳng phải gút mắc hay dứt trừ gút mắc, chẳng phải vật hay dứt trừ vật nhưng cũng là vật; chẳng phải giới hay dứt trừ giới nhưng cũng là giới; chẳng phải hiện hữu hay dứt trừ hiện hữu nhưng thật hiện hữu; chẳng phải nhập hay dứt trừ nhập nhưng cũng là nhập; chẳng phải nhân hay dứt trừ nhân nhưng cũng là nhân; chẳng phải quả hay dứt trừ quả nhưng cũng là quả; chẳng phải hư, chẳng phải thật, dứt trừ hết thảy chỗ thật nhưng cũng là thật; chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, mãi mãi dứt trừ sanh diệt nhưng cũng là diệt; chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, dứt trừ hết thảy tướng nhưng cũng là tướng; chẳng phải dạy bảo, chẳng phải không dạy bảo nhưng cũng là bậc thầy; chẳng phải sợ sệt, chẳng phải an ổn, thường dứt trừ hết thảy sự sợ sệt nhưng cũng là an ổn; chẳng phải nhẫn, chẳng phải không nhẫn, thường dứt trừ mãi mãi sự không nhẫn nhưng cũng là nhẫn; chẳng phải dừng, chẳng phải không dừng, thường dứt trừ hết thảy sự dừng lắng nhưng cũng là dừng; hết thảy chỗ cùng tột của pháp đều có thể dứt trừ mãi mãi; hết thảy phiền não đều thanh tịnh; không tướng trạng, mãi mãi thoát khỏi các tướng trạng; là chỗ an trụ rốt ráo cho vô lượng chúng sanh; có thể diệt trừ hết thảy những ngọn lửa sanh tử mãnh liệt; chính thật là chỗ chư Phật dạo chơi dừng bước, thường không biến đổi. Đó gọi là Bồ Tát niệm Pháp.
“Thế nào là niệm Tăng? Chư Phật và các vị thánh tăng y theo Chánh pháp mà an trụ, nhận giữ Chánh pháp, tùy thuận tu hành, không thể nhìn thấy, không thể nắm giữ, không thể phá hoại, không thể nhiễu hại, không thể nghĩ bàn; là ruộng phước tốt đẹp của hết thảy chúng sanh. Tuy là ruộng phước nhưng không thọ nhận, không nắm giữ; thanh tịnh không cấu uế, vô lậu, vô vi, rộng khắp vô cùng; tâm điều hòa nhu nhuyễn, bình đẳng không phân biệt, không rối ren hỗn loạn, thường không biến đổi. Đó gọi là niệm Tăng.
“Thế nào là niệm giới? Bồ Tát suy xét thấy rằng thật có giới luật, không phá [giới], không sơ suất [đối với giới], không hoại [mất giới], không làm hỗn tạp [giới]. Tuy [giới] không hình sắc nhưng có thể hộ trì; tuy không thể xúc chạm, đối đãi nhưng khéo tu phương tiện có thể được trọn đủ, không lỗi lầm; chư Phật, Bồ Tát thường khen ngợi. Đó là nhân của kinh Đại Phương đẳng Đại Niết-bàn này.
“Thiện nam tử! [Bồ Tát xem giới luật] ví như mặt đất lớn, tàu thuyền, vòng chuỗi, muôn dân, biển cả, nước tro, nhà cửa, đao kiếm, cầu cống, thầy thuốc, thuốc hay, thuốc a-già-đà, ngọc báu như ý, chân, mắt, cha mẹ, bóng mát... không ai cướp lấy, không thể nhiễu hại, lửa không thể đốt cháy, nước không thể làm trôi, là nấc thang để bước lên núi lớn, là cây cờ báu nhiệm mầu của chư Phật, Bồ Tát. Nếu trụ ở giới luật này thì chứng được quả Tu-đà-hoàn; ta cũng có phần nhưng không cần đến. Vì sao vậy? Nếu ta được quả Tu-đà-hoàn ấy thì không thể rộng độ hết thảy chúng sanh. Nếu ai trụ ở giới này thì đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; ta cũng có phần và đó là chỗ mong muốn của ta. Vì sao vậy? Nếu đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ta sẽ vì chúng sanh mà rộng thuyết pháp nhiệm mầu để cứu vớt, bảo hộ. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát niệm giới.
“Thế nào là niệm thí? Bồ Tát ma-ha-tát quán xét sâu xa rằng việc bố thí chính là nhân của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chư Phật, Bồ Tát đều thân cận, tu tập hạnh bố thí như vậy. Ta cũng thân cận, tu tập hạnh bố thí như vậy. Nếu không mở rộng lòng bố thí thì không thể trang nghiêm cho Bốn bộ chúng. Bố thí tuy rốt ráo không thể dứt trừ mọi sự trói buộc, nhưng có thể phá trừ những phiền não trong hiện tại. Do nhân duyên bố thí nên thường được sự ngợi khen, xưng tụng của chúng sanh ở vô số thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng.
“Bồ Tát ma-ha-tát khi bố thí món ăn cho chúng sanh, sẵn sàng thí cả thân mạng. Do quả báo của việc bố thí nên khi thành Phật thường không biến đổi. Do việc bố thí sự vui mừng nên khi thành Phật thường được an vui. Bồ Tát khi bố thí luôn cầu tài vật đúng theo như pháp, chẳng lấy của người kia mà thí cho người này. Vì thế nên khi thành Phật được Niết-bàn thanh tịnh. Bồ Tát khi bố thí luôn khiến chúng sanh chẳng cầu mà được, nên khi thành Phật được chân ngã tự tại. Do nhân duyên bố thí khiến cho kẻ khác được sức lực, nên khi thành Phật liền được Mười sức. Do nhân duyên bố thí khiến cho kẻ khác được nói, nên khi thành Phật được Bốn pháp không ngăn ngại. Chư Phật và Bồ Tát tu tập hạnh bố thí này làm nhân Niết-bàn. Ta cũng tu tập hạnh bố thí như vậy làm nhân Niết-bàn. Giảng rộng ra thì cũng như trong kinh Tạp hoa đã nói.
“Thế nào là niệm cõi trời? [Bồ Tát thường nghĩ rằng:] ‘Có các cõi trời Tứ thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Nếu có đức tin thì được sanh ở cõi trời Tứ thiên vương, ta cũng có phần; nếu có trì giới, đa văn, bố thí, trí tuệ thì được sanh ở từ cõi trời Tứ thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, ta cũng có phần, nhưng đó không phải những chỗ mong muốn của ta. Vì sao vậy? Từ cõi trời Tứ Thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng đều là vô thường. Vì là vô thường nên phải chịu sanh, già, bệnh, chết. Vì nghĩa ấy nên ta không mong muốn. Ví như trò ảo hóa [chỉ có thể] dối gạt người ngu si, chẳng phải chỗ mê chấp của người có trí tuệ. Nói như trò ảo hóa, đó là từ cõi trời Tứ Thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Nói người ngu si, đó là hết thảy những kẻ phàm phu.
“Ta không đồng với những kẻ phàm phu ngu si. Ta từng nghe có cõi trời Đệ nhất nghĩa, đó là nói chư Phật, Bồ Tát thường tồn không biến đổi. Vì là thường tồn nên không có sanh, già, bệnh, chết. Ta vì chúng sanh mà tinh cần cầu được cõi trời Đệ nhất nghĩa. Vì sao vậy? Cõi trời Đệ nhất nghĩa có thể khiến chúng sanh dứt trừ phiền não, cũng như cây như ý. Nếu ta có đức tin... cho đến có trí tuệ, ắt sẽ có thể đạt được cõi trời Đệ nhất nghĩa ấy, sẽ vì chúng sanh mà phân biệt giảng rộng về cõi trời Đệ nhất nghĩa.’ Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát niệm cõi trời.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát, chẳng phải thế gian. Đó là chỗ mà thế gian không biết, không thấy, không hiểu nhưng là chỗ thấy, biết, hiểu rõ của Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Nếu đệ tử của ta [có ai] cho rằng việc thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết Mười hai bộ kinh cũng không có gì khác biệt với việc thọ trì, tụng đọc, sao chép, giải bày giảng thuyết kinh Đại Niết-bàn, như vậy là không đúng. Vì sao vậy?
“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn là tạng rất sâu kín của hết thảy chư Phật Thế Tôn. Vì là tạng rất sâu kín của chư Phật nên là cao trổi hơn hết. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên kinh Đại Niết-bàn là hết sức kỳ lạ, đặc biệt, không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Con cũng biết rằng kinh Đại Niết-bàn này là rất kỳ lạ, đặc biệt, không thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Chúng tăng cũng không thể nghĩ bàn. Bồ-đề, Đại Bát Niết-bàn của Bồ Tát cũng không thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn! Vì nghĩa gì lại nói rằng Bồ Tát là không thể nghĩ bàn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát không có người dạy bảo mà có thể tự mình phát tâm Bồ-đề. Khi phát tâm rồi liền chuyên cần tu tập tinh tấn. Ví như có bị lửa dữ thiêu đốt toàn thân cũng chẳng hề cầu cứu, buông bỏ lòng nhớ nghĩ Chánh pháp. Vì sao vậy? Bồ Tát ma-ha-tát thường tự nghĩ rằng: ‘Ta trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, hoặc ở những cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, cõi trời, từng bị ngọn lửa phiền não trói buộc thiêu đốt, nhưng chưa từng được một pháp quyết định. Pháp quyết định đó, chính là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ta vì A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì chẳng bao giờ tiếc giữ thân tâm, mạng sống. Ta vì A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên dù cho thân thể có nát tan thành bụi nhỏ cũng không bao giờ buông bỏ sự chuyên cần tinh tấn. Vì sao vậy? Lòng chuyên cần tinh tấn tức là nhân của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vị Bồ Tát như thế, khi chưa thấy A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề còn chẳng tiếc thân mạng, huống chi khi đã được thấy. Vì thế nên Bồ Tát là không thể nghĩ bàn!
“Lại nữa, không thể nghĩ bàn là nói việc Bồ Tát ma-ha-tát thấy được vô số tội lỗi trong vòng sanh tử, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể theo kịp. Tuy biết trong vòng sanh tử có vô số tội lỗi, nhưng [Bồ Tát] vì chúng sanh mà vẫn ở trong đó nhận chịu khổ não chứ không chán nản xa lìa. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.
“Bồ Tát ma-ha-tát vì chúng sanh nên tuy ở tại địa ngục nhận chịu các khổ não mà vẫn vui thích như đang ở cảnh Thiền thứ ba. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Ví như vị trưởng giả thấy nhà mình bị cháy liền vội ra khỏi nhà. Những đứa con của ông còn ở lại sau, chưa thoát ra khỏi đám cháy. Bấy giờ, vị trưởng giả biết rõ sự nguy hại của lửa, nhưng vì các con nên quay vào cứu, bất kể nguy hiểm. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, tuy biết trong vòng sanh tử có nhiều tội lỗi ác hại, nhưng vì chúng sanh mà ở lại trong đó không nhàm chán. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Có vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ-đề, thấy trong vòng sanh tử có nhiều sự lầm lỗi, ác hại nên sanh lòng thối lui, chỉ làm Thanh văn hoặc Duyên giác. Nếu Bồ Tát nào nghe được kinh này thì không bao giờ thối lui hay để mất tâm Bồ-đề mà làm Thanh văn, làm Phật Bích-chi. Vị Bồ Tát như vậy dù chưa bước đến thềm địa vị ban sơ là Bất động địa nhưng lòng bền chắc, quyết không thối lui hay để mất tâm Bồ-đề. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Nếu có người nói: ‘Tôi có thể lội qua biển cả.’ Lời nói ấy có thể nghĩ bàn được chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Lời nói như vậy hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Nếu là con người lội qua được, đó là không thể nghĩ bàn; nếu là loài a-tu-la lội qua được, đó là có thể nghĩ bàn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta không nói a-tu-la, chính là đang nói về con người.”
Bồ Tát Ca-diếp nói: “Bạch Thế Tôn! Trong loài người cũng có thể nghĩ bàn hoặc không thể nghĩ bàn. Thế Tôn! Người có hai hạng, một là thánh nhân, hai là phàm phu. Nếu là phàm phu thì không thể nghĩ bàn, nếu là bậc hiền thánh thì có thể nghĩ bàn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta đang nói về phàm phu, chẳng nói bậc thánh nhân.”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu là phàm phu thì [lời nói ấy] thật không thể nghĩ bàn!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Người phàm phu thật ra không thể lội qua biển cả; nhưng vị Bồ Tát như vậy thật có thể vượt qua biển lớn sanh tử, cho nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Như có người dùng sợi tơ của ngó sen mà treo núi Tu-di, việc ấy có thể nghĩ bàn được chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn, không thể!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát chỉ trong khoảnh khắc có thể tính lường hết thảy sanh tử, [còn khó hơn cả việc ấy]. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thường quán sanh tử là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, nhưng vì chúng sanh mà phân biệt diễn thuyết là thường, lạc, ngã, tịnh. Tuy thuyết giảng như vậy nhưng chẳng phải tà kiến. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Như có người vào nước chẳng bị cuốn trôi, vào lửa chẳng bị đốt cháy, việc như vậy thật không thể nghĩ bàn. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, tuy ở trong sanh tử nhưng chẳng bị sanh tử não hại. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Con người [nhập thai] có ba hạng: hạng cao, hạng trung bình và hạng thấp.
“Những người hạng thấp khi mới nhập bào thai nghĩ rằng: ‘Nay ta đang ở trong nhà xí, nơi quy tụ của mọi thứ dơ nhớp, như ở trong cái xác chết, như ở giữa những gai góc, là nơi hết sức tối tăm, u ám.’ Khi vừa ra khỏi bào thai lại nghĩ rằng: ‘Nay ta ra khỏi nhà xí, ra khỏi chỗ quy tụ của mọi thứ dơ nhớp... cho đến ra khỏi nơi hết sức tối tăm, u ám.’
“Những người hạng trung bình khi mới nhập bào thai nghĩ rằng: ‘Nay ta vào giữa rừng cây, giữa dòng sông trong sạch, giữa phòng ốc, nhà cửa. Khi ra khỏi bào thai, cũng nghĩ là ra khỏi những nơi ấy.
“Những người hạng cao khi mới nhập bào thai nghĩ rằng: ‘Nay ta bước lên cung điện, nhà lớn, ở giữa chốn rừng hoa, cưỡi ngựa, cưỡi voi đi lên núi cao. Khi ra khỏi bào thai, cũng nghĩ là ra khỏi những nơi ấy.
“Bồ Tát ma-ha-tát khi mới nhập bào thai tự biết là nhập bào thai, khi ở trong bào thai tự biết là ở trong bào thai, khi ra khỏi bào thai tự biết là ra khỏi bào thai, chẳng bao giờ sanh lòng tham muốn hay sân hận, nhưng vẫn chưa bước đến thềm địa vị ban sơ là Bất động địa. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Thật không thể dùng thí dụ để so sánh với A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Cũng như không thể dùng thí dụ để so sánh với tâm, nhưng những điều đó đều có thể giảng nói được. Bồ Tát ma-ha-tát không có thầy để thưa hỏi, thọ học, nhưng vẫn có thể đạt được pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi được pháp ấy rồi, lòng không tham tiếc, keo lận, thường vì chúng sanh mà giảng thuyết. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát có các pháp là: thân lìa xa miệng chẳng lìa xa, miệng lìa xa thân chẳng lìa xa, hoặc chẳng phải thân, chẳng phải miệng nhưng cũng lìa xa.
“Thân lìa xa là nói việc lìa xa sự giết hại, trộm cướp, dâm dục. Đó gọi là thân lìa xa miệng chẳng lìa xa.
“Miệng lìa xa là nói việc lìa xa sự nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác độc, nói lời vô nghĩa. Đó gọi là miệng lìa xa thân chẳng lìa xa.
“Pháp lìa xa mà chẳng phải thân, chẳng phải miệng là nói việc lìa xa sự tham lam, sân khuể, tà kiến. Thiện nam tử! Đó gọi là chẳng phải thân, chẳng phải miệng nhưng cũng lìa xa.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát chẳng thấy có pháp nào là thân, là nghiệp cùng với người lìa bỏ, nhưng quả thật có sự lìa bỏ. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn. Đối với miệng cũng là như thế.
“Thiện nam tử! Do nơi thân mà lìa thân, do nơi miệng mà lìa miệng, do nơi sự sáng suốt mà lìa xa là chẳng phải thân, chẳng phải miệng. Thiện nam tử! Thật có sự sáng suốt ấy nhưng không thể khiến cho Bồ Tát lìa xa. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Không một pháp nào có thể hoại mất hay tạo tác. Tánh thật của các pháp hữu vi là sanh diệt đổi khác, cho nên sự sáng suốt ấy không thể lìa xa.
“Thiện nam tử! Sáng suốt không thể phá trừ, lửa không thể đốt cháy, nước không thể cuốn trôi, gió không thể lay động, đất không thể ôm giữ, sanh không thể làm cho sanh ra, già không thể làm cho già đi, trụ không thể làm cho trụ lại, hoại không thể làm cho hoại mất, tham không thể làm cho tham đắm, sân không thể làm cho sân hận, si không thể làm cho ngu si, đều do nơi tánh thật của các pháp hữu vi là sanh diệt đổi khác. Cho nên Bồ Tát ma-ha-tát chẳng bao giờ nghĩ: ‘Ta dùng sự sáng suốt này phá trừ phiền não.’ Nhưng tự nói rằng: ‘Ta phá trừ phiền não.’ Tuy nói như vậy nhưng chẳng phải là hư dối. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch rằng: “Thế Tôn! Nay con mới biết rằng Bồ Tát ma-ha-tát là không thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Chúng tăng, kinh Đại Niết-bàn với người thọ trì, Bồ-đề, Niết-bàn là không thể nghĩ bàn!
“Bạch Thế Tôn! Pháp Phật vô thượng còn bao lâu nữa sẽ dứt mất?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu trong các đệ tử ta còn có người có thể thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết nghĩa lý kinh Đại Niết-bàn cho đến năm hạnh: Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Bệnh hạnh, Anh nhi hạnh, được chúng sanh cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường bằng mọi cách, thì nên biết rằng lúc ấy pháp Phật còn chưa dứt mất.
“Thiện nam tử! Như kinh Đại Niết-bàn được lưu hành đầy đủ, rộng khắp, vào lúc các đệ tử của ta có nhiều kẻ hủy phạm giới cấm, làm mọi điều ác, không thể tin kính kinh điển như thế này. Bởi không tin nên họ không thể thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết ý nghĩa, không được mọi người cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường; [người khác] thấy người thọ trì kinh này liền khinh chê, phỉ báng rằng: ‘Ông là ngoại đạo, chẳng phải đệ tử Phật.’ Nên biết rằng vào lúc ấy pháp Phật sắp dứt mất.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Chính con trong khi theo hầu bên Phật có được nghe rằng: ‘Chánh pháp của Phật Ca-diếp trụ thế bảy ngày rồi dứt mất. Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Ca-diếp có kinh này chăng? Nếu có, vì sao nói là dứt mất? Còn nếu không có kinh này, sao Thế Tôn lại dạy rằng kinh Đại Niết-bàn là tạng sâu kín của [tất cả] các đức Như Lai?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Lời ta nói trước đây chỉ có Văn-thù-sư-lợi hiểu được nghĩa. Nay ta sẽ thuyết giảng lần nữa, ông hãy hết lòng lắng nghe.
“Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn có hai pháp: một là pháp thế gian, hai là pháp đệ nhất nghĩa. Pháp thế gian ắt có hư hoại, dứt mất. Pháp đệ nhất nghĩa không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; hai là thường, lạc, ngã, tịnh. Vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh ắt có hư hoại, dứt mất; thường, lạc, ngã, tịnh không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là pháp hàng Nhị thừa gìn giữ, hai là pháp hàng Bồ Tát gìn giữ. Hàng Nhị thừa gìn giữ ắt có hư hoại, dứt mất; hàng Bồ Tát gìn giữ thì không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là bên ngoài, hai là bên trong. Pháp bên ngoài ắt có hư hoại, dứt mất; pháp bên trong không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là hữu vi, hai là vô vi. Pháp hữu vi ắt có hư hoại, dứt mất; pháp vô vi không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là có thể được, hai là không thể được. Pháp có thể được ắt có hư hoại, dứt mất; pháp không thể được không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là pháp chung cùng, hai là pháp không chung cùng. Pháp chung cùng ắt có hư hoại, dứt mất; pháp không chung cùng không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là ở cõi người, hai là ở cõi trời. Ở cõi người thì có hư hoại, dứt mất; ở cõi trời không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là Mười một bộ kinh, hai là kinh Phương đẳng. Mười một bộ kinh ắt có hư hoại, dứt mất; kinh Phương đẳng không có hư hoại, dứt mất.
“Thiện nam tử! Nếu như đệ tử của ta còn thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết kinh điển Phương đẳng, cung kính cúng dường, tôn trọng, tán thán, nên biết rằng lúc ấy pháp Phật không dứt mất.
“Thiện nam tử! Ông vừa hỏi ta rằng: Đức Như Lai Ca-diếp có kinh này hay không? Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn là kho tàng sâu kín của tất cả chư Phật. Vì sao vậy? Chư Phật tuy có Mười một bộ kinh, nhưng trong đó không thuyết dạy về tánh Phật, về thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai, về việc chư Phật Thế Tôn không bao giờ dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn. Vì vậy nên kinh này gọi kho tàng sâu kín của Như Lai. Vì là chỗ mà Mười một bộ kinh không nói đến nên gọi là kho tàng.
“Như người kia có bảy món quý báu, không mang ra dùng, đó gọi là kho tàng. Thiện nam tử! Người ấy sở dĩ tàng trữ những vật đó, là vì việc tương lai. Những gì là việc tương lai? Đó là khi gặp những lúc như lúa gạo đắt đỏ, quân giặc xâm chiếm đất nước, hoặc gặp vua bạo ác thì dùng [tài sản ấy] để chuộc lấy mạng sống. Hoặc khi đường sá đi lại khó khăn, tiền bạc khó kiếm thì sẽ lấy ra mà tiêu dùng.
“Thiện nam tử! Kho tàng sâu kín của chư Phật Như Lai cũng giống như vậy, chính là vì những tỳ-kheo xấu ác đời vị lai. Họ chứa trữ những vật bất tịnh, họ nói với Bốn chúng rằng Như Lai đã buông bỏ hết tất cả mà vào Niết-bàn, họ tụng đọc những sách thế gian, chẳng cung kính Kinh điển của Phật. Khi những việc xấu ác ấy xảy ra ở thế gian, Như Lai vì muốn trừ dứt những việc ác ấy, khiến người ta lìa xa bọn kiếm sống tà vạy, mưu cầu lợi dưỡng, liền diễn thuyết kinh này. Nếu vào lúc ấy kho tàng sâu kín là Kinh điển này lại diệt mất chẳng hiện ra, nên biết rằng pháp Phật ắt là dứt mất.
“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn là thường còn, không biến đổi. Vì sao ông lại cật vấn rằng vào thời Phật Ca-diếp có kinh này hay không? Thiện nam tử! Vào thời Phật Ca-diếp, chúng sanh ít tham dục, nhiều trí tuệ, các vị Đại Bồ Tát đều điều hòa nhu thuận, dễ giáo hóa, có oai đức lớn, được phép tổng trì không quên mất, như voi chúa lớn. Thế giới thanh tịnh, hết thảy chúng sanh đều biết rằng Như Lai không bao giờ dứt hết tất cả để vào Niết-bàn, mà là thường trụ, không biến đổi. [Vì thế,] tuy có kinh điển này nhưng không cần diễn thuyết.
“Thiện nam tử! Đời nay chúng sanh nhiều phiền não, ngu si, mừng giận, không có trí tuệ, nhiều sự nghi ngờ, căn bản lòng tin không vững chắc, thế giới không thanh tịnh. Hết thảy chúng sanh đều cho rằng Như Lai là vô thường, biến đổi, dứt hết tất cả để vào Đại Bát Niết-bàn. Vậy nên Như Lai [cần phải] diễn thuyết kinh này.
“Thiện nam tử! Pháp của Phật Ca-diếp thật cũng không dứt mất. Vì sao vậy? Vì là thường còn không biến đổi.
“Thiện nam tử! Nếu có những chúng sanh thấy ngã là vô ngã, thấy vô ngã là ngã; thấy thường là vô thường, thấy vô thường là thường; thấy lạc là vô lạc, thấy vô lạc là lạc; thấy tịnh là bất tịnh, thấy bất tịnh là tịnh; thấy diệt là bất diệt, thấy bất diệt là diệt; thấy tội là không tội, thấy không tội là tội; thấy tội nhẹ là nặng; thấy tội nặng là nhẹ; thấy thừa là chẳng phải là thừa, thấy chẳng phải thừa là thừa; thấy đạo là chẳng phải đạo, thấy chẳng phải đạo là đạo; thật là Bồ-đề thấy chẳng phải Bồ-đề, thật chẳng phải Bồ-đề thấy là Bồ-đề; thấy khổ là chẳng phải khổ, thấy tập là chẳng phải tập, thấy diệt là chẳng phải diệt, thấy thật là chẳng thật; thật là Thế đế thấy là Đệ nhất nghĩa đế, thật là Đệ nhất nghĩa đế thấy là Thế đế; thấy quy là chẳng quy, thấy chẳng quy là quy; thật lời của Phật mà gọi là lời của ma, thật là lời của ma lại cho là lời Phật; vào thời đại như vậy, chư Phật mới thuyết diễn kinh Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Thà nói rằng vòi con muỗi hút cạn biển cả chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng dùng dây trói được cơn gió mạnh chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng dùng miệng thổi tan nát núi Tu-di chứ không thể nói rằng pháp Như Lai dứt mất. Thà nói rằng từ nơi lửa than khư-đà-la sanh ra hoa sen chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng thuốc a-già-đà trở thành thuốc độc chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng mặt trăng có thể làm cho nóng, mặt trời có thể làm cho lạnh, chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng Bốn đại đều mất đi tính chất riêng chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất!
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi nhưng chưa có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu; đức Phật Thế Tôn ấy liền vào Niết-bàn, nên biết rằng Chánh pháp sẽ không trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu; tuy Phật vào Niết-bàn, nên biết rằng Chánh pháp sẽ còn trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, tuy có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, nhưng không có hàng cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật; đức Phật liền vào Niết-bàn. Như vậy, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật; tuy Phật vào Niết-bàn, nên biết rằng Chánh pháp sẽ còn trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, tuy có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp, nhưng những đệ tử của ngài vì tham lợi dưỡng mà diễn thuyết kinh pháp, chẳng vì cầu Niết-bàn. Đức Phật ấy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp; hàng đệ tử của ngài khi diễn thuyết kinh pháp không vì tham lợi dưỡng, chỉ vì cầu Niết-bàn. Đức Phật ấy tuy diệt độ, nên biết rằng Chánh pháp sẽ còn trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, tuy có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp, nhưng những đệ tử của ngài thường tranh giành kiện tụng, tranh nhau chuyện phải quấy. Đức Phật ấy vào Niết-bàn rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp; hàng đệ tử của ngài tu phép hòa kính, không tranh phải quấy, cùng tôn trọng lẫn nhau. Đức Phật ấy tuy vào Niết-bàn nhưng nên biết rằng Chánh pháp của ngài còn trụ lâu chẳng mất.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, tuy có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật, hàng đệ tử của ngài vì Đại Niết-bàn mà diễn thuyết pháp, tôn trọng lẫn nhau, chẳng khởi lên việc tranh giành kiện tụng, nhưng lại chứa giữ những thứ bất tịnh, tự khen ngợi mình rằng: ‘Ta được quả Tu-đà-hoàn’... cho đến quả A-la-hán. Đức Phật ấy vào Niết-bàn rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật, hàng đệ tử của ngài vì Đại Niết-bàn mà diễn thuyết pháp, khéo tu pháp hòa kính, tôn trọng lẫn nhau, không chứa giữ hết thảy những thứ bất tịnh, cũng không tự nói rằng: ‘Ta được quả Tu-đà-hoàn’... cho đến quả A-la-hán. Đức Thế Tôn ấy tuy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp sẽ trụ lâu ở thế gian.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu... cho đến không chứa giữ hết thảy những thứ bất tịnh, cũng không tự nói là đắc quả Tu-đà-hoàn... cho đến quả A-la-hán, nhưng mỗi người đều chấp giữ chỗ thấy biết của mình, nói ra đủ mọi thuyết khác nhau, như nói rằng: ‘Trưởng lão! Chư Phật có chế định từ Bốn tội nghiêm trọng cho đến Bảy pháp dứt sự tranh cãi, vì chúng sanh nên có khi ngăn cấm, có khi khai mở. Mười hai bộ kinh cũng là như thế. Vì sao vậy? Phật biết rằng thời tiết ở mỗi cõi nước đều khác nhau, chúng sanh chẳng đồng, có lanh lợi, có chậm lụt. Vì thế nên Như Lai hoặc ngăn cấm, hoặc khai mở, khi nói là nhẹ, khi nói là nặng. Thiện nam tử! Ví như lương y vì trị bệnh mà cho uống sữa, cũng vì trị bệnh mà cấm uống sữa. Bệnh nóng nhiệt thì cho uống, bệnh hàn lạnh thì cấm uống. Như Lai cũng vậy, quán xét căn bệnh phiền não của mỗi chúng sanh, có khai mở cũng có ngăn cấm. Trưởng lão! Chính tôi từng theo Phật nghe được nghĩa như vậy. Chỉ có tôi biết nghĩa, các ông không thể biết. Chỉ có tôi hiểu luật, các ông không thể hiểu. Tôi rõ biết các kinh, các ông không thể rõ biết.’ Đức Phật ấy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu... cho đến không nói rằng: ‘Ta đắc quả Tu-đà-hoàn.’... cho đến quả A-la-hán. Cũng không nói rằng: ‘Chư Phật Thế Tôn... vì chúng sanh mà ngăn cấm hoặc khai mở. Trưởng lão! Chính tôi từng theo Phật nghe được ý nghĩa như vậy, Chánh pháp như vậy, giới luật như vậy.’ [Ngược lại, họ thường bảo nhau rằng:] ‘Trưởng lão! Chúng ta nên y theo Mười hai bộ kinh của Như Lai. Nếu ý nghĩa đúng như vậy, chúng ta nên thọ trì. Nếu không đúng như vậy, chúng ta nên loại bỏ.’ Đức Phật Thế Tôn ấy tuy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp sẽ trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Vào lúc Chánh pháp sắp dứt mất, sẽ có những đệ tử Thanh văn hoặc nói là có thần, hoặc nói là vô thần; hoặc nói có thân trung ấm, hoặc nói không có thân trung ấm; hoặc nói có Ba đời, hoặc nói không có Ba đời; hoặc nói có Ba thừa, hoặc nói không có Ba thừa; hoặc nói tất cả đều có, hoặc nói tất cả đều không; hoặc nói chúng sanh có khởi đầu, có kết thúc; hoặc nói chúng sanh không có khởi đầu, không có kết thúc; hoặc nói Mười hai nhân duyên là pháp hữu vi, hoặc nói các nhân duyên ấy là pháp vô vi; hoặc nói Như Lai có bệnh khổ, hoặc nói Như Lai không bệnh khổ; hoặc nói Như Lai không cho phép tỳ-kheo ăn mười loại thịt. Những gì là mười? Đó là thịt người, thịt rắn, thịt voi, thịt ngựa, thịt lừa, thịt chó, thịt sư tử, thịt heo, thịt chồn, thịt khỉ. Ngoài ra những loại thịt khác đều cho phép ăn. Hoặc nói là hết thảy các loại thịt đều không cho phép ăn. Hoặc nói rằng tỳ-kheo không làm năm việc. Những gì là năm? Đó là không buôn bán các thứ: loài vật còn sống, vũ khí, rượu, sữa đặc, dầu mè. Ngoài ra đều cho phép làm. Hoặc họ nói rằng tỳ-kheo có năm chỗ không được vào. Những gì là năm? Đó là: nơi giết mổ súc vật, nơi mua bán dâm, quán rượu, cung vua, nhà của người thuộc hạng chiên-đà-la. Ngoài ra những nơi khác đều được phép vào. Hoặc nói rằng tỳ-kheo không được mặc áo lụa kiêu-xa-da, ngoài ra các thứ vải khác đều cho phép. Hoặc nói Như Lai cho phép tỳ-kheo thọ nhận và chứa trữ y phục, thức ăn, giường nằm, giá trị mỗi thứ mười muôn lượng vàng, hoặc nói là không cho phép. Hoặc nói Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, hoặc nói Niết-bàn chính là dứt hết phiền não trói buộc, không còn pháp nào khác, gọi là Niết-bàn; ví như dệt sợi lại thì gọi là áo, khi áo rách nát gọi là không áo, thật không có một pháp riêng biệt gọi là không áo. Thể của Niết-bàn cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy, trong số các đệ tử của ta, người thuyết giảng Chánh pháp thì ít, kẻ thuyết tà pháp thì nhiều; người thọ nhận Chánh pháp thì ít, kẻ thọ nhận tà pháp thì nhiều; người thọ nhận lời Phật thì ít, kẻ thọ nhận lời của ma thì nhiều.
“Thiện nam tử! Bấy giờ ở nước Câu-thiểm-di có hai hạng đệ tử: một là hạng A-la-hán, hai là hạng phá giới. Những đồ chúng phá giới có năm trăm người, số đồ chúng A-la-hán là một trăm. Những kẻ phá giới nói rằng: ‘Như Lai đã dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn. Chính tôi từng theo Phật nghe được nghĩa như vậy. Bốn tội nghiêm trọng do Như Lai chế định, giữ theo cũng được, phạm vào cũng không có tội. Nay tôi cũng đã đắc quả A-la-hán, được Bốn trí không ngăn ngại. Nhưng A-la-hán cũng phạm vào Bốn tội nghiêm trọng ấy. Nếu Bốn tội nghiêm trọng quả thật là tội thì A-la-hán lẽ ra không bao giờ phạm vào. Khi Như Lai còn tại thế nói rằng phải kiên tâm giữ giới, nhưng khi vào Niết-bàn thì buông bỏ tất cả.’
“Khi ấy các tỳ-kheo A-la-hán sẽ đáp rằng: ‘Trưởng lão! Các ông không nên nói rằng Như Lai dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn. Tôi biết rằng Như Lai là thường còn, chẳng biến đổi. Dù khi Như Lai còn tại thế hay sau khi Phật nhập Niết-bàn, việc phạm vào Bốn tội nghiêm trọng vẫn có tội như nhau. Nếu nói A-la-hán phạm vào Bốn tội nghiêm trọng, thật không đúng nghĩa. Vì sao vậy? Bậc Tu-đà-hoàn còn không phạm những giới cấm ấy, huống chi là A-la-hán? Nếu trưởng lão nói mình là A-la-hán, thì A-la-hán không bao giờ nghĩ rằng: Ta đắc quả A-la-hán. A-la-hán chỉ nói pháp thiện, chẳng nói pháp bất thiện. Những gì trưởng lão nói chỉ toàn là không đúng pháp. Nếu ai đã được xem Mười hai bộ kinh đều biết chắc rằng trưởng lão không phải A-la-hán.
“Thiện nam tử! Khi ấy đồ chúng tỳ-kheo phá giới liền cùng nhau giết chết các vị tỳ-kheo A-la-hán. Thiện nam tử! Bấy giờ Ma vương nhân khi cả hai chúng tỳ-kheo ấy sanh tâm sân hận liền làm hại tất cả sáu trăm tỳ-kheo ấy. Lúc ấy, những kẻ phàm phu cùng nhau than tiếc rằng: ‘Buồn thay cho pháp Phật đã đến lúc diệt mất!’ Nhưng Chánh pháp của ta thật không diệt mất.
“Bấy giờ, trong nước ấy có mười hai muôn Đại Bồ Tát khéo giữ pháp ta. Như vậy, sao có thể nói rằng pháp ta diệt mất? Khi ấy trong cõi Diêm-phù-đề không có một tỳ-kheo nào là đệ tử của ta. Ma Ba-tuần dùng lửa lớn đốt cháy tất cả kinh điển hiện có. Nếu có kinh điển nào còn sót lại thì những người bà-la-môn liền cùng nhau trộm lấy, đi khắp nơi mà thu góp, nhặt nhạnh rồi đưa vào trong kinh điển của họ. Vì lẽ ấy nên khi Phật chưa ra đời, những vị Bồ Tát kém cỏi đều nhẹ dạ tin theo lời lẽ của những người bà-la-môn. Tuy những người bà-la-môn nói rằng: ‘Chúng tôi có trai giới’ nhưng thật ra thì những kẻ ngoại đạo đều không có. Tuy những kẻ ngoại đạo cũng nói rằng họ có ngã, lạc, tịnh, nhưng thật ra họ không hiểu được ý nghĩa của ngã, lạc, tịnh. Chính từ trong pháp Phật họ lấy ra được một chữ, hai chữ... một câu, hai câu... rồi nói rằng: ‘Kinh điển của chúng tôi có những nghĩa như vậy.’”
Lúc ấy, khi Phật dạy những lời như vậy rồi, ở thành Câu-thi-na, giữa hai cây sa-la mọc sóng đôi có vô số người nghe được, thảy đều cùng nhau than tiếc rằng: “Than ôi! Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng!”
Bồ Tát Ca-diếp liền bảo đại chúng: “Xin các vị đừng sầu não khóc lóc. Thế gian chẳng phải là trống rỗng, [vì] Như Lai là thường tồn, không biến đổi. Pháp, Tăng cũng vậy.”
Khi đại chúng nghe được lời ấy rồi liền ngưng không than khóc nữa. Hết thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
"Also, next, O good man! What is that which all the world does not know, see, or realise, and which the Bodhisattva knows, sees, and realises? This is the six thinkings. What six? These are: 1) thinking of the Buddha, 2) thinking of Dharma, 3) thinking of the Sangha, 4) thinking of shila, 5) thinking of dana [charitable giving], and 6) thinking of the devas.
"O good man! What is thinking of the Buddha? This is saying that the Buddha, who is the Tathagata, Alms-Deserving, All-Enlightened One, All-accomplished One, Well-Gone, All-Knower, Best Trainer, Teacher of Gods and Humans, Buddha and World-Honoured One is eternal and does not change, possessed of the ten powers, the four fearlessnesses, uttering the lion’s roar, and is a great sramana and a great Brahmin. His great pureness ultimately carries a person to the other shore. No one supercedes him, and none can see the top of his head. There is no fear, no being frightened, and no moving [with him]. One and alone, none to accompany him, and none to teach him, he is perfectly awake in all such treasures of knowledge as quick-acting knowledge, great knowledge, bright knowledge, deep knowledge, emancipation knowledge, unshared knowledge, widely-suffusing knowledge, and ultimate knowledge. He is, of men, the elephant king, the cow king, the naga king, the strongest male, the white lotus, and the best trainer. He is the great giver, the great teacher of Dharma. As he knows Dharma, he is called "teacher of Dharma". He is called the teacher of Dharma because he knows the meaning, because he knows the [apt] time, because he knows how to be contented, because he knows by himself, because he knows the masses [of beings], because he knows the various natures of beings, because he knows, of all natures, the sharp, the dull, and the medium, and because he speaks of the Middle Path.
"Why do we say “Tathagata”? Because he does not change, as already taught by all Buddhas in the past. Why does he not change? All Buddhas in the past, in order to succour beings, delivered the twelve types of scripture. The same with the Tathagata. So we say "Tathagata". The All-Buddha-Tathagata comes from the six paramitas, the 37 factors leading to Enlightenment, the 11 shunyatas, and enters Great Nirvana. The same is the case with the Tathagata, too. That is why he is called the Buddha and the Tathagata. The All-Buddha- Tathagata enacts expedients as he wills for the sake of beings, and opens up the three vehicles. His life is infinite and boundless. The same is the case with the Tathagata too. That is why the Buddha is called the Tathagata.
"Why is he called " one worthy of the offerings made him" ? Whatever is of the world is the enemy. As the Buddha has to crush this out, he is called "one who answers" [i.e. one who answers the challenges of Mara]. Now, the four Maras are the enemies of the Bodhisattva. The All-Buddha-Tathagata, when still a Bodhisattva, thoroughly vanquished the four Maras through Wisdom. Hence, " one who answers" . Also, next, " to answer" means " to segregate" . While a Bodhisattva, he segregated himself from innumerable defilements. Hence, " to answer" . Also, next, "to answer" means "bliss". All Buddhas in the past, as Bodhisattvas and for innumerable asamkhyas of kalpas, underwent all kinds of suffering, and yet there was no "non-bliss" to the end, but always "bliss". The same was the case with the Tathagata. Hence, "to answer". And also, all humans and devas offer him various kinds of incense, flowers, garlands, flying and hanging banners, and music. Hence, " to answer" .
"Why do we say “sho-henji” [“samyaksambuddha”]? "Sho" means "not upside-down"; "henji" means that there is nothing in the four inversions that he does not know. And also, "sho" means "penance". We say "henji". By virtue of penance, one knows that sorrowful fruits definitely arise therefrom. And also, "sho" is the middle path in secular life. "Henji" means that as one definitely practises the Middle Path, one attains unsurpassed Enlightenment. And, also, "sho" connotes that it is possible to count, weigh, and tell out [describe, proclaim]; "henji" means that it is not possible to count, weigh, and tell out. That is why the Buddha is the "All-Enlightened One". O good man! With the sravakas and pratyekabuddhas, there are cases where they have henji or where they do not. How so? "Hen" means the "five skandhas", "twelve spheres", and "eighteen realms". And the sravakas and pratyekabuddhas can also gain henji. Hence, "to know all-pervadingly". What is "not knowing all-pervadingly"? O good man! The two vehicles cannot know rupa [body, form] all through, even if they meditate on it for innumerable kalpas. Hence, there can be no case where the sravakas and pratyekabuddhas can know all the way through.
"What is “myo-gyo-soku” [“vidyacaranasampanna”]? Myo means to gain innumerable good fruits, and gyo means leg. Good fruit means unsurpassed Enlightenment, and leg means shila and Wisdom. Riding on the legs of shila and Wisdom, one gains unsurpassed Enlightenment. Hence, myo-gyo-soku. And also, myo means to charm, gyo means good, and soku fruit. O good man! This is what the world thinks it means. To charm means emancipation; good means unexcelled Enlightenment; the fruit refers to Mahaparinirvana. Hence, myogyosoku. And also, myo means light, gyo action, and soku fruition. O good man! This is the meaning which the world accepts for these terms. Light relates to non-indolence, action to the six paramitas, and fruition to unsurpassed Enlightenment. And also, myo means three brightnesses, which are: 1) Bodhisattva brightness, 2) all-Buddha brightness, and 3) ignorance-destroying brightness. The Bodhisattva brightness is the paramitas; the all-Buddha brightness is the Buddha-eye; ignorance-destroying brightness is the ultimate Void. By action is meant that one performs all kinds of good actions over innumerable kalpas for all beings. Foot [soku] betokens "clearly seeing the Buddha-Nature". Hence, we say myogyosoku.
"What does “zen-zei” [“sugata” - "well-gone"] mean? Zen means high, and zei means not high. O good man! This is what the world takes it to mean. High relates to unsurpassed Enlightenment, and not high to " Tathagata mind" . O good man! Anyone whose mind is high is not called "Tathagata". That is why the Tathagata is called zenzei. And also, good [zen] connotes "good teacher of the Way". "Zei" is the fruition of the good teacher of the Way. O good man! This is what the world takes it to mean. Good teacher of the Way means the first budding of Bodhichitta [Enlightenment Mind]. Fruition is none other than Great Nirvana. The Tathagata, not abandoning the first budding of the mind, arrives at Great Nirvana. For this reason, the Tathagata is the " well-gone" . And also, zen indicates " to like" , and zei indicates " is" . O good man! This is as the world takes the meaning. " To like" refers to seeing the Buddha-Nature, and " is" is Great Nirvana. O good man! The nature of Nirvana is not really " is" . The All-Buddha says " is" when he is addressing the world at large. O good man! For example, a person does not have a son, but people say that he has. Though, in truth, they have no " Way" , they say that they do. The same is the case with Nirvana. Because of standing on this ground of the world at large, we say "is". The All-Buddha-World-Honoured One attains Great Nirvana. Hence, " well-gone" .
"What do we mean by “seken-ge” [“lokavid” - knowledge, understanding of the world]? "Seken" denotes the five skandhas, and "ge" means "to know". The All-Buddha-World- Honoured One thoroughly knows the five skandhas. Hence, "understanding the world well". Also, " world" means the " five desires" , and " ge" " non-clinging" . When one does not cling to the five desires, this is "one who well understands the world". We say "world". All the sravakas and pratyekabuddhas, as numerous as asamkhyas of countries in the east, do not see and know. But all Buddhas know all, see all, and understand all. So is it with the countries in the south, west, north, the four corners, and the lands up and down. Thus the Buddha is one who knows the world. Also, "world" refers to "all beings"; "to know" relates to the good and bad causes and effects of all beings. This is not something that can be known by sravakas and pratyekabuddhas. The Buddha alone knows. That is why we say that the Buddha is the "All-Knower". Also, the world is " lotus" , and " to know" means " not to get defiled" . O good man! This is what the world takes things to be. " Lotus" is the Tathagata; " not getting defiled" means that the Tathagata does not get defiled by the eight things of the world [possibly: profit, weakening, destruction, honour, praise, slandering, suffering, and bliss]. Hence, we call the Buddha the "All-Knower". Also, all Buddhas and Bodhisattvas are called "All-Knowers". Why? Because of the fact that all Buddhas and Bodhisattvas see the world. Hence, "All-Knower". O good man! This is as when one gains life from food, as a result of which we call food " life" . The same is the case with all Buddhas and Bodhisattvas. As they know the world, they are called "All-Knowers".
"Why do we say “mu-joshi” [“anuttara” - the "unsurpassed one"]? "Joshi" means "to cut". One who does not need to cut anything is the unsurpassed one. So the Buddha is the unsurpassed one. Also, "joshi" means "quarrel". The unsurpassed one has no quarrel. The Tathagata has no quarrel. So the Buddha is the unsurpassed one. And "joshi" means that the words can be destroyed. The word, "mujoshi", is not one that can be destroyed. Beings cannot destroy what the Tathagata says. So, the Buddha is the unsurpassed one. Also, "joshi" means "top seat" [“sthavira” - an honorific, meaning "aged", "old", "venerable"]. "Mujoshi" means that there is no seat that is higher. No one surpasses the Buddhas of the Three Times. So, we call the Buddha the " unsurpassed one" . " Jo" is " new" , and " shi" " old". The All-Buddha- World-Honoured one dwells in Great Nirvana, and there is no talking of new or old. So, we call the Buddha the "Unsurpassed One".
"Why do we say “jogo-jobu” [“purusadamyasarathi” - "trainer of men/ persons"]? Being a man himself, he trains men. O good man! The Tathagata is no man, and is not no-man. As he perfects man, the Tathagata is called a man. If any man or woman is perfect in four things, such a one is a man [human]. What four? These are: 1) [being] a good teacher of the Way, 2) listening well, 3) thinking well, and 4) practising the Way well as told. O good man! If any man or woman fails in these four things, he or she is not a human. Why not? Because, though the body is that of a human, the action is that of an animal. The Tathagata trains and breaks in men and women. For this reason, the Buddha is called the "the best trainer". Also, next, O good man! There are four ways of breaking in a horse. These are to touch: 1) its hair, 2) its skin, 3) its flesh, and 4) its bone. By touching, the trainer’s will is carried out. It is the same with the Tathagata. Beings get broken in in four ways. First, he speaks of birth, and beings accept the Buddha’s words. This is like the driver touching the hair, by which his will is carried out. Second, he speaks of birth and death, and beings accept the Buddha’s words. This is as when the hair and skin are touched, by which the trainer’s will is carried out. Thirdly, he speaks of birth, old-age, and illness, and beings accept the Buddha’s words. This is like touching the hair, skin and flesh, by which the trainer’s will is carried out. Fourthly, he speaks of birth, old-age, illness, and death, and the Buddha’s words find acceptance. This is as when the trainer’s will is carried out as his hand touches the hair, skin, flesh, and bone. O good man! There is nothing definite when a trainer breaks in a horse. When the Tathagata-World-Honoured One subdues beings, this is definite and there is nothing lacking. Hence, we say that the Buddha is the best trainer.
"Why is he the “tenninshi” [“sastadevamanusyanam” - teacher of gods and humans]? Of teachers, there are two kinds. One teaches what is good, and the other teaches what is bad. All Buddhas and Bodhisattvas teach all beings what is good. What is good? It is what is good of body, mouth and mind. All Buddhas and Bodhisattvas teach beings and say: "O good man! You should segregate yourself from the evil actions of the body. Why? Because one ought to segregate oneself from evil actions and attain emancipation. For this reason, I teach you this Dharma. If it were the case that you could not segregate yourself from evil actions and attain emancipation, I would not, to the end, teach you to segregate [yourself from evil]. It can never come to pass that any being should segregate himself from evil actions and [then] fall into the three unfortunate realms. Through segregation, one achieves unexcelled Enlightenment and attains Great Nirvana. So, all Buddhas and Bodhisattvas always teach beings this Dharma. It is the same with the situation of the mouth and mind. Hence, the Buddha is the unsurpassed teacher. Also next: before, I was not Enlightened, but now I am. With what [I have] gained, I teach beings. I did not practise pure actions from the very beginning, but now I do so practise. With what I have practised, I address beings. Having done away with ignorance, I also do away with the ignorance of [other] beings. I have myself gained the pure eye and enable beings to dispel the gloom, and give them the pure eye. I know of two truths and also speak to beings about the two truths. On gaining emancipation, I speak to them about this Dharma of emancipation. Crossing the boundless great ocean of birth and death, I likewise enable beings to cross it. Having myself gained fearlessness, I teach and make them fearless. Having myself gained Nirvana, I speak to beings of Great Nirvana. That is why I am the Buddha and the unsurpassed teacher. Heaven is daytime. Up in heaven, the day is long and the nights short. Hence, heaven. And, also, heaven has no apprehension. Hence, what there is is pleasure. So we say heaven. And also, heaven is a lamp. It thoroughly dispels the gloom and makes things very bright. Hence, heaven. Also, it thoroughly destroys the gloom of evil actions, giving one good actions, by which one gets born in heaven. Hence, heaven. And also, heaven is felicity. Due to felicity, we also say heaven. Also, heaven is day. The day has light. So we call the day heaven. Hence, heaven. Man feels much obligation. And also, man has softness [gentleness] in body and speech. Also, man is arrogant. Also, man thoroughly destroys arrogance. O good man! Although the All-Buddha is the unsurpassed great teacher, in the sutras he is also styled the teacher of gods and humans. Why? O good man! Of all beings, only devas and humans can well aspire to unsurpassed Enlightenment, practise the ten good deeds, and attain the fruits of the shrotapanna, sakrdagamin, anagamin, and arhat, and attain unsurpassed Enlightenment. Hence, the Buddha is the teacher of heaven and earth."
"Why do we say “Buddha”? He is awake. Himself awake, he also thoroughly awakens others. O good man! For example, if one is aware that there is a robber present, the robber can do nothing. It is the same here. The Bodhisattva-mahasattva is awake to all the innumerable defilements. Being awake to all defilements, he makes all defilements unable to do anything. Hence, the Buddha. On account of this awakening, he is birthless, ageless, disease-less, and deathless. Hence, the Buddha.
"We say “bagaba” [“bhagavat” - " Lord" ]. " Baga" means " to destroy" ; " ba" means "defilement". As he crushes defilements, he is called “bhagavat”. He is also so called because he well accomplishes Wonderful Dharma; because he well comprehends all teachings [dharmas]; because he possesses great virtues and towers above all others; because he has great fame, being known in all ten directions; because he variously makes great offerings; because, innumerable asamkhyas of kalpas ago, he did away with the female quality.
"O good man! Any person, man or woman, who thus thinks of the Buddha, always sees the Buddha-World-Honoured One, while walking, standing, sitting, lying in bed, day or night, in the brightness or in the gloom.
"Why do we say "Tathagata, Alms-deserving, and All-Enlightened One, down to Bhagavat" and give him so many epithets of innumerable virtues? O good man! The Bodhisattva, for innumerable long kalpas past, has respected his parents, the honoured ones [“upadhyaya” - the Buddhist teacher responsible for rites, rules and discipline in a monastic community], all teachers, sthaviras and elders [“ayusmat” - "long-lived" ones], and has always, over innumerable kalpas, practised - for beings’ sake - dana, observed the moral precepts, practised forbearance, made effort, practised meditation, attained Wisdom, and has been full of great loving-kindness and compassion, and is perfect in sympathetic joy and equanimity. Because of this, the Bodhisattva now has the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. And also, the Bodhisattva, for innumerable asamkhyas of kalpas, has practised effort, faith, mindfulness, meditation, Wisdom [the “panca-indriya” - the five "sense-organs" or roots], has respected and made offerings to teachers and elders, always caring for the good of Dharma and for food. The Bodhisattva holds, reads, and recites the twelve types of scripture, and for the sake of all beings works for emancipation, peace, and happiness, not caring a whit for his own. Why? Because the Bodhisattva always cultivates the mind [mental attitude, mental state] to flee the world, to renounce home life, [he cultivates] the non-created mind, the mind of non-disputation, nondefilement, non-binding, non-clinging, uncoveredness, and the non-indefinable mind, the mind of non-birth-and-death, non-greed, non-anger, non-ignorance, non-arrogance, non-defilement, nonillusion, non-suffering, the infinite mind, the large mind, the mind of the All-Void, the vacant mind, the non-vacant mind, the non-trained mind, the non-protected mind, the non-covered mind, the non-secular mind, the mind that is eternally in meditation, the ever-practising mind, the ever-emancipated mind, the mind that seeks non-recompense, the desireless mind, the mind that desires to do good, the non-speaking mind, the softened mind, the non-abiding mind, the unmolested [free, unrestricted] mind, the impermanence mind [mind aware of the impermanence of phenomena], the honest mind, the non-flattering mind, the mind of pure good and the mind that does not care for more or less [i.e. contented mind], the non-hard mind, the mind not of the common mortal, the non-sravaka mind, the non-pratyekabuddha mind, the good-knowing mind, the boundary-knowing mind [mind that knows that an existence has its own boundary line], the mind that knows the world of birth and death, the mind that knows the eternal world, the mind of the unmolested world. Because of this, he now has the ten powers, the four fearlessnesses, great compassion, the three mental states, and the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. That is why we can say "Tathagata" down to "Bhagavat". This is the Bodhisattva-mahasattva’s way of thinking of the Buddha.
"How does the Bodhisattva-mahasattva think of Dharma? O good man! The Bodhisattva-mahasattva thinks: "The Dharma spoken of by all Buddhas is all-wonderful and best." Grounding themselves in this Dharma, beings arrive at the fruition of the present life. Only this Wonderful Dharma knows no time. What the Dharma-Eye sees is not that of the fleshly eye. And no analogy can gain comparison “[express it]”. Dharma is not something that is born, and it does not die; it abides not, nor does it die away. There is no beginning and no ending. It is not created and is not countable “[cannot be reckoned or calculated]." To the homeless, it becomes his home; to the refugeless and homeless, it is a refuge. To one with no light, it is light. To one not yet arrived at the other shore, it enables him to reach the other shore; to one who has no fragrance, it becomes unhindered fragrance. It cannot be seen. It does not move; it does not turn. Parting eternally from all pleasures, what there is is peace and bliss. It is the Ultimate and the All-Wonderful. It is not matter [“rupa”] and is cut off from matter. And yet it is matter. The same applies down “[all the skandhas]” to consciousness. And it is not consciousness and is cut off from consciousness. And [yet] it is consciousness. It is not action and is cut off from action. It is not binding, nor severing from bonds. It is no substance and is cut off from substance, and yet, it is substance. It is not the world and is cut off from the world, and yet, it is the world. It is not "is" and is cut off from "is", and yet, it is " is" . It is not " entering" and is cut off from " entering" , and yet, it is " entering" . It is no cause and is cut off from cause, and yet, it is cause. It is no result and is cut off from result. It is not false and not true, and is cut off from all that is true, and yet, it is the true. It is not something born, and it does not die, and it is long cut off from birth and extinction, and yet, it is extinction. It has no form that can be seen and is not non-form, and is cut off from all that can be seen, and yet, it is form. It is no teaching and is not no teaching, and yet, it is the teacher. It is no fear and no peace, and is cut off from all fear, and yet, it is peace. It is not patience [“ksanti”] and is not non-patience, and is long away from non-patience, and yet it is patience. It is not tranquillity [“samatha”], is not non-tranquillity, is cut off from all tranquillity, and is yet tranquillity. It is the top [“murdhana”] of all dharmas, and cuts itself away from all defilements. It is pure, has no form to conform to, and is away from all forms. It is the last station of all innumerable beings. It is cut off from the blazing flames of all births and deaths. This is where all Buddhas come to play. It is the Eternal, and there is no change. This is the Bodhisattva’s thinking of Dharma."
"In what way does the Bodhisattva "think of the Sangha"? All Buddhas and all holy priests live in accordance with Dharma and obediently practise the Dharma which is straight. One cannot see it, catch hold of it, destroy it, or cause harm to it. It cannot be conceived of and is a good field of weal [“punya-ksetra” - a field of merit, blessings] for all beings. Though it is a field of weal, there is no having it in hand [grasping hold of it]. All is pure and undefiled; it is non-”asrava” and non-created; it is vast and boundless. The mind is trained and soft, is all-equal, and is undivided. There is no madding. All is eternal and unchanging. This is how to think of the Sangha.
"How does the Bodhisattva think of shila [the moral precepts]? The Bodhisattva thinks: "There is shila. It is not [to be] transgressed against. It is non-”asrava”, cannot be destroyed, and is not mixed up. Though it has no form or colour, it can be protected. Though there is nothing [about it] that can be touched or felt, one can certainly effect a means and be perfect in it. Nothing is lacking. It is what all the Buddhas and Bodhisattvas praise. This is the cause of the vaipulya and Great Nirvana." O good man! As an example, all such things as the great earth, ships, garlands, great family-clans, the great ocean, ash water, houses, swords, bridges, good doctors, wonderful medicine, agada, cintamani [wish-fulfilling jewel], legs, eyes, parents’ gentle attitude: all such things cannot be plundered or have harm caused them. Fire cannot burn them nor water wash them away. Such is a flight of steps that leads up to high mountains or a great hanging banner of all Buddhas and Bodhisattvas. Abiding in this shila, one attains the [level of] shrotapanna. I know that I can, but I do not. Why not? Because if I attain this shrotapanna, I cannot save all beings. If I am to abide in this shila and attain supreme Enlightenment, I, too, can [do this]. This is what I desire to have. Why? If I gain supreme Enlightenment, I will indeed be able to speak about All-Wonderful Dharma and succour beings. This is the Bodhisattva-mahasattva’s way of thinking of shila.
"How do we think of dana [charitable giving]? The Bodhisattva-mahasattva meditates deeply on this dana, which is the cause of unsurpassed Enlightenment. [He thinks]: "All Buddhas and Bodhisattvas perform such dana. I, too, will befriend and practise it." If it is not performed, one cannot adorn the four classes of people of the Sangha. Though giving does not cut away defilements to the [very] end, it certainly extirpates those of the present. By reason of giving, all the beings of the ten directions, as numerous as the sands of innumerable, boundless numbers of Ganges, always praise [such giving]. When the Bodhisattva-mahasattva gives food to beings, he gives out life. “As a recompense for this dana, he always is and does not change when he attains Buddhahood.” “As he bestows bliss, peace visits him when he attains Buddhahood. When the Bodhisattva gives, he seeks things in the correct way; he never spoils others through his giving. “Because of this, when he attains Buddhahood, he is blessed with the purity of Nirvana. When the Bodhisattva gives, he so contrives things that beings do not ask and yet are given “[what they need]”. As a result of this, on the morning of Buddhahood, he attains the Sovereign Self [aisvarya-atman; i.e. the autonomous, free and unrestricted Self]. By giving, he gives strength to others. Because of this, when Buddhahood arrives, he gains the ten powers. Through giving, he enables others to gain words [the words of the scriptures]. By means of this, when Buddhahood comes, he gains the fourfold unhindered knowledge. All Buddhas and Bodhisattvas practise this giving and gain the cause of Nirvana. I, too, will practise giving and engender the cause of Nirvana. This is as was said in the vaipulya “Zoke” [i.e. possibly the “Gandavyuha Sutra”].
"What is thinking of heaven? There are such places as the four guardians’ heaven and the thoughtlessness-non-thoughtlessness heaven. If one has faith, one gains the heaven of the four guardians of the earth. I, too, can be born there. If shila, erudition, giving, and Wisdom gain one the four guardians’ heaven and the thoughtlessness-non-thoughtlessness heaven, I, too, can be born there. But I do not desire to get born. Why not? Impermanence reigns there in the four guardians’ heaven and [also in] the thoughtlessness-non-thoughtlessness heaven. Due to impermanence, there exist birth, ageing, illness, and death. For this reason, I do not desire to be born there. This is similar to phantoms’ possibly cheating the ignorant but not the wise. The four guardians’ heaven and the thoughtlessness-non-thoughtlessness heaven are analogous to a phantom. The ignorant is the common mortal, but I am not a common mortal. I once heard of the “Paramartha” heaven. This refers to the fact that the Buddhas and Bodhisattvas are eternal and do not change. Because of the Eternal, there is no birth, ageing, illness, or death. I will make effort and seek - for beings’ sake - “Paramartha” Heaven. Why? Because “Paramartha” Heaven can decidedly enable beings to cut off the “asravas”, as in the case of the tree of the mind, which one can certainly bend as one wills. If I have faith down to Wisdom, I can certainly gain this “Paramartha” Heaven, and for the sake of beings, one may well think and speak about this “Paramartha” Heaven. This is the Bodhisattva-mahasattva’s thinking about heaven. O good man! This is how we say that the Bodhisattva is not of the world. The world does not know, see, and realise. But the Bodhisattva knows, sees, and realises.
"O good man! My disciples might say that there is no difference between holding, reciting, copying, and speaking about the 12 types of scripture and holding, reciting, copying, expatiating upon and expounding the Great Nirvana Sutra. But this is not so. Why not? O good man! Great Nirvana is what is closely guarded by the All-Buddha-World-Honoured One. As it is the deepest and most closely guarded of all the sutras of all the Buddhas, we call it superior. O good man! For this reason, this is a sutra most rare and special, and one difficult to conceive of."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I also know that this Great Nirvana Sutra is the most rare, most special, and is inconceivable, that the Buddha, Dharma and Sangha are inconceivable, and that the Bodhisattva, Enlightenment, and Great Nirvana are also inconceivable. O World-Honoured One! Why is it that we say that the Bodhisattva is also inconceivable?"
"O good man! Though none teaches, the Bodhisattva-mahasattva well aspires to En-lightenment. Having aspired, he practises and makes effort. Even if a great fire were to burn his body and his head, he would not abandon his intention of seeking emancipation and his thinking of Dharma. Why not? Because the Bodhisattva-mahasattva always thinks to himself: "For innumerable asamkhyas of kalpas, I lived in the realms of hell, hungry ghosts, and animals, amongst humans and gods, and was burnt by the fire of defilement and, until now, was not able to gain one definite Dharma. Definite Dharma is none other than unsurpassed Enlightenment. I do not care about my body and mind, if it is for unsurpassed Enlightenment. I might well pound my body and mind into motes if it be for unsurpassed Enlightenment, but I shall not cease practising the Way and making effort. Why not? Because the spirit of practising the Way and making effort is none other than the cause of unsurpassed Enlightenment." O good man! The Bodhisattva has not yet seen unsurpassed Enlightenment and does not mind sacrificing his body and life for it thus; how could it be otherwise if he has seen it? That is why the Bodhisattva is inconceivable.
"Also, we say inconceivable. We say so because the Bodhisattva-mahasattva sees the countless number of ills connected with birth and death, and this is not what sravakas and pratyekabuddhas can do. Though aware of the countless ills of birth and death, he does not entertain the least desire to flee from the pains which he suffers - and this for the sake of beings. Hence, we say inconceivable. Just for the sake of beings, the Bodhisattva-mahasattva might suffer all the pains of hell, and yet, for him this is nothing other than feeling the bliss of the third dhyana [“tritiya-dhyana” - a meditative absorption characterised by equanimity, alertness, awareness, and a feeling of wellbeing]. For this reason, too, we say inconceivable. O good man! As an illustration, a fire starts up in the house of a rich man. He sees this and comes out of the house. His children are left behind and are not free [safe] from the fire. The rich man thinks of the danger from the fire. He goes back and tries to save his children, forgetting all about the danger to himself. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. He knows all about the ills of birth and death. But he faces them and does not mind the danger to himself, just for the benefit of [other] beings. Hence, we say inconceivable.
"O good man! Innumerable minds aspire to Bodhichitta [the resolve to gain Enlightenment]. But seeing all the evils of birth and death, the mind pulls back. Some become sravakas and some pratyekabuddhas. But the Bodhisattva, when he hears this sutra, never loses his Bod- hichitta and does not become a sravaka or pratyekabuddha. Thus, although the Bodhisattva has not yet risen to the state of the immovable first “bhumi” [stage of Bodhisattvic development], his mind is firmly set and knows of no retardation. Hence, we say inconceivable. O good man! A person might say: "I shall float on the great sea [of suffering] and save [beings]." Can we believe such a statement?" "O World-Honoured One! Such a statement may well be believed, or may not. How so? If it means to say that a human is doing the crossing, this is unthinkable. If it means to say that an asura is, this may well be thought of." "O good man! I do not speak of an asura. I only speak of the human being." "O World-Honoured One! Even amongst humans, there are those who can be thought of and those who cannot. O World-Honoured One! There are two kinds of human. One is the sage and the other a common mortal. The common mortal is not to be thought of; the sage can be." "O good man! I am only speaking of the common mortal, not of the sage." "O World-Honoured One! One such as a common mortal cannot be thought of [in this connection]." "O good man! A common mortal cannot cross the great sea. But this Bodhisattva can indeed cross the great sea of birth and death. For this reason, we say inconceivable. O good man! Is it possible to think of covering Mount Sumeru with the threads [fibres] of a lotus root?" "No is the answer, O World-Honoured One!" "O good man! The Bodhisattva-mahasattva can, in the flash of a moment, count all the births and deaths of all beings. Hence, we say inconceivable."
"O good man! The Bodhisattva-mahasattva has already, over innumerable asamkhyas of past kalpas, meditated on birth and death, impermanence, selflessness, non-bliss, and the impure, and yet, for the benefit of beings, discriminates and speaks about the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. Though he speaks thus, this is no twisted view. Hence, inconceivable. O good man! Imagine getting into water and the water cannot drown you; imagine stepping into a great fire, and the fire cannot burn you. We cannot ever conceive of such a thing. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. Although he is in birth and death, no worry and harm can be caused him. Hence, inconceivable.
"O good man! There are three kinds of men, namely: 1) top, 2) middle, and 3) low. He of the low level thinks as he enters the womb: "I am now living in the privy, a place where dirty things turn up, between corpses, amidst thorns and bushes, and in great darkness." And also, when he first emerges [from the womb], he thinks: "I am now coming out of the privy, out of all these dirty and evil places, and out of great darkness." The man of the middle type thinks [as he enters the womb]: "I am now entering a forest where there are fruit trees, rivers of pure water, rooms, and houses." When he emerges [from the womb], he also says likewise. The man of the top rank thinks: " I am now up on top of a grand building and in a flowery forest. I am riding on horses and elephants and going up high mountains." It is the same when he comes out [from the womb]. The Bodhisattva-mahasattva, when entering, realises that he is now entering the womb; while in the womb, he knows that he is now in the womb; when coming out, he knows that he is coming out. He does not possess a mind of desire or anger, and yet, he has not gained the stage of the first “bhumi”. Hence, he is inconceivable. O good man! Supreme Enlightenment cannot be expressed in parables [similes, analogies]. O good man! Neither can the mind be explained by similes and parables. And yet, all has to be explained. The Bodhisattva-mahasattva has no teacher to ask and no place to learn, and yet he attains supreme Enlightenment. After having attained it, he does not think in a stingy way, but always speaks about Dharma for the benefit of beings. Hence, inconceivable. O good man! The Bodhisattva-mahasattva is segregated from the body and is not the mouth; nor is he the mouth, and is not the body. He is neither body nor mouth, and yet there is segregation. We say that he is segregated from the body. This means that he is far removed from killing, stealing, and lust. This is why we say that he is segregated from the body and is not the mouth. We say that there is segregation from the mouth. [This means that] he is segregated from lies, double-tongue, ill-speaking, and meaningless words. This is why we say that he is segregated from the mouth, but not from the body. We say that he is away from the body and mouth. This means to say that he is remote from greed, jealousy, anger, and distorted views. O good man! This is why we say that he is segregated from both body and mouth. O good man! The Bodhisattva-mahasattva is none but the body and action of the one Dharma, and is far away from master [from being a master], and yet is not away from it. Hence, inconceivable. The same with the mouth, too. O good man! His body parts from the body, and his mouth from the mouth; and Wisdom parts from non-body and non-mouth. O good man! There is no case where the one Dharma destroys and creates. The nature of a created thing comes out differently and dies out differently. Hence, Wisdom cannot be segregated. O good man! Wisdom cannot destroy it [i.e. the nature of a created thing], fire cannot burn it, water cannot wash it away, the wind cannot move it, the earth cannot hold it, birth cannot give it birth, age cannot make it old, abiding cannot make it stay, breaking up cannot break it away, greed cannot covet it, anger cannot be angry with it, and ignorance cannot fool it. This is because of the fact that the nature of a created things calls forth different births and different deaths. To the end, the Bodhisattva-mahasattva does not entertain the thought that Wisdom crushes out defilement. And yet he says: "I crush out defilement." Though he speaks thus, this is not false. Hence, inconceivable."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I have now for the first time come to know of the inconceivability of the Bodhisattva-mahasattva, the inconceivability of Buddha, Dharma and Sangha, of the Great Nirvana Sutra, of the person who holds [upholds] it, and of Enlightenment and Nirvana."
"O World-Honoured One! The life span of the unsurpassed Buddhist teaching must be far and near. When does it end?"
"O good man! Now, the Great Nirvana Sutra has five actions, which are: 1) holy action, 2) pure action, 3) heavenly action, 4) illness action, and 5) child’s action. If my disciples uphold, recite, copy, and speak about it, beings will respect it, make much of it, praise it, and make various offerings. Know that the Buddhist teaching [in these circumstances] will not die out. O good man! If when the Great Nirvana Sutra perfectly circulates amongst the people, but all my disciples violate shila, do all manner of evil, and do not believe in this sutra, because of their disbelief they will not uphold, recite, copy and explain the meaning, and [so] they will not be able to be looked up to by the people and no offerings will be made to them. They will see those who uphold shila and will look down upon them, saying: "You are of the group of the six masters [six contemporary teachers of the Buddha’s day] and are not the Buddha’s disciples." Know that [in these circumstances] it will not be long before the Buddha’s teaching dies out."
Bodhisattva Kasyapa said further to the Buddha: "O World-Honoured One! I was once personally taught by you: " The teaching of Buddha Kasyapa lived but seven days and then died out". O World-Honoured One! Did Tathagata Kasyapa leave any kind of sutra behind? If there was anything like that [left behind], how can we say that it died out? If not, how can we say that the Great Nirvana Sutra is closely guarded by all Buddhas?"
The Buddha said: "O good man! I said above that only Manjushri could understand. I shall now repeat it again. Listen carefully, listen carefully! O good man! There are two laws [dharmas] of the All-Buddha-World-Honoured One, namely those of: 1) secular [understanding] and 2) “Paramartha-satya” [Ultimate Truth]. The secular law dies out, but not that of “Paramartha-satya”. Also, there are two kinds. One is of the non-Eternal, non-Self, non-Bliss, and the non-Pure; the other is that of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. “The non-Eternal, non-Self, non-Bliss, and the non-Pure die out, but the Eternal, Bliss, Self, and the Pure do not.” “Further, there are two kinds. One is of the two vehicles, and the other is what the Bodhisattva possesses. What the two vehicles possess breaks apart and dies out, but what the Bodhisattva possesses does not. Also, there are two kinds. One is external, and the other internal. The external breaks up and dies, but the internal does not. Also, there are two kinds. One is the created and the other the non-created. The created is subject to dissolution and dies out, but the non-created does not. Also, there are two kinds. One is that which can be had in hand [grasped hold of], and the other is that which cannot. What can be had in hand is subject to dissolution and dies out, but what cannot be had in hand does not decay and die out. Further, there are two kinds. One is what goes together with others and the other is what does not go together with others. What goes together with others [a composite thing] decays and dies out, whereas the one that does not go together with others does not decay and die out. Also, there are two kinds. One is what obtains amongst men, and the other is what obtains in heaven. What obtains amongst men breaks up and dies out, and what obtains in heaven does not break up and die out. Also, there are two kinds, one is the eleven types of scripture, and the other is the vaipulya sutras. The eleven types of scripture break up and die out, but the vaipulya does not break up and die out. O good man! If my disciples possess, recite, copy, expound, respect, make offerings to, highly regard and praise the vaipulya sutras, know that then the Buddhist teaching will not die out.
"O good man! You ask: "Did Tathagata Kasyapa possess this sutra or not?" O good man! The Great Nirvana Sutra is the [most] closely guarded [sutra] of all Buddhas. Why? All Buddhas possess the eleven kinds of sutra, but these do not speak about the Buddha-Nature. These do not say: "The Tathagata is the Eternal, Bliss, Self, and the Pure; he does not ultimately enter Nirvana." For this reason, we call this sutra the closely guarded store. As the eleven types of sutras do not say this [i.e. that the Buddha is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure], we speak of " store" . It is as when men do not take out the seven treasures, we speak of " storing" . O good man! The reason why this person stores and keeps [things] is for the days to come. What is something for the days to come? So-called cereal is precious. Robbers come and overrun the country, or a person may have to live under a bad king or may have to use this [cereal] to ransom his life. If the roads are bad and wealth is hard to obtain, he will takes this out and use it. O good man! It is the same with the closely guarded store of the All-Buddha-Tathagata, too. All the evil bhiksus of days to come will store up impure things and say to the four classes of the Sangha that the Tathagata does after all enter Nirvana. They will read what circulates in the secular world and will not respect the Buddhist sutras. When such evils appear in the world, the Tathagata desires to make away with all evils, wrong living, and profit-seeking, and he delivers this sutra. Know that when the closely guarded store of this sutra dies out, the Buddhist teaching, too, will die out. O good man! The Great Nirvana Sutra is eternal and does not change. How could you speak ill of it and say: "Was there this sutra at the time of Buddha Kasyapa?" O good man! At the time of Buddha Kasyapa, all people were less greedy and had much Wisdom. It was very easy to teach the Bodhisattvas, as they were soft and malleable. They had great virtue; all was held well and tight. They were like great elephant kings. The world was clean; beings knew that the Tathagata would not ultimately enter Nirvana and that he was the Eternal and Unchanging. Though this sutra existed, there was no need to preach it."
"O good man! The beings of this age have a great deal of defilement. They are ignorant, forgetful, and have no Wisdom. They doubt much, cannot gain faith, and the world is defiled. All people say that the Tathagata is impermanent, that he changes, and that in the end he enters Nirvana. For this reason, the Tathagata delivers this sutra. O good man! Buddha Kasyapa's teaching also does not end indeed. Why not? Because it is Eternal and Unchanging. When there are beings who see the Self as non-Self, non-Self as the Self, the Eternal as non-Eternal, the nonEternal as the Eternal, Bliss as non-Bliss, non-Bliss as Bliss, the Pure as non-Pure, the non-Pure as the Pure, that which does not end as that which ends, that which ends as non-ending, sin as non-sin, venial sin as grave sin, grave sin as venial sin, vehicle as non-vehicle, the non-vehicle as a vehicle, the Way as non-Way, non-Way as the Way, what truly is Enlightenment as nonEnlightenment, what truly is non-Enlightenment as Enlightenment, Suffering as non-Suffering, the Cause of Suffering as not the Cause of Suffering, Extinction as non-Extinction, the True as non-True, what really is secular as “Paramartha-satya”, “Paramartha-satya” as secular, the refuge as non-refuge, the genuine Buddha-word as Mara's words, what are truly Mara's words as the Buddha-word - at such a time all Buddhas deliver this sermon of the Great Nirvana Sutra.
"O good man! One could sooner say that the proboscis of a mosquito could reach to the bottom of the great ocean than that the Tathagata’s teaching becomes extinct. One could sooner say that one can bind the great wind with a rope than that the Tathagata’s teaching becomes extinct. One could sooner say that one can blow away Mount Sumeru with one’s breath and break it into pieces than that the Tathagata’s teaching will become extinct. One could sooner say that amidst the fire of khadira [acacia catechu] the lotus will bloom, than that the Tathagata’s teaching becomes extinct. One could sooner say that agada is poison than that the Tathagata’s teaching becomes extinct. One could sooner say that the moon can be heated up and the sun made cool, than that the Tathagata’s teaching will get extinguished. One could sooner say that the four great elements will lose their qualities, than that the Tathagata’s teaching will become extinct.
"O good man! If the Buddha appears in the world, attains unsurpassed Enlightenment, but his disciples do not gain the depths of meaning, and if the Buddha-World-Honoured One is to enter Nirvana, know that this teaching will not live long in the world. Also, next, O good man! If the Buddha first appears, attains unsurpassed Enlightenment, and all his disciples gain the depths of meaning, know that this teaching will live long, even if the Buddha enters Nirvana.
"Also, next, O good man! The Buddha first appears in the world, attains unsurpassed Enlightenment, and his disciples may gain the depths of meaning; but if there are no lay dana- patis [alms-givers] who respect the Buddha’s teaching, and if the Buddha enters Nirvana, know that this teaching will not survive long. Also, next, O good man! If the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and all his disciples gain the depths of menaing, and if there are many faithful lay danapatis, who respect the Buddha’s teaching, and the Buddha enters Nirvana, then, the Buddha’s teaching will live long.
"Also, next, if the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and all the disciples gain the depths of meaning; also, if there are faithful lay danapatis who look up to the Buddha’s teaching and many disciples of the Buddha who speak about the Buddha’s teaching; but if they do [all this] for profit and not for Nirvana, know that the teaching will not live long when the Buddha dies.
"Also, next, O good man! When the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and there are many disciples who gain the depths of meaning; also, there are faithful lay danapatis who respect the Buddha’s teaching, and all the disciples preach the doctrine not for profit, but for Nirvana, and the Buddha enters Nirvana - know that this teaching will survive long.
"Also, next, O good man! If the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Nirvana, and all the disciples gain the depths of meaning; and if there are faithful lay danapatis who look up to the Buddha’s teaching, but all the disciples dispute, saying this and that, and the Buddha enters Nirvana - know that this teaching will not survive long.
"Also, next, O good man! If the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and there are disciples who gain the depths of meaning; also, if there are faithful lay danapatis who respect the Buddha’s teaching, and all the disciples practise the teaching of peace and harmony and do not dispute [with one another], but respect one another; and if the Buddha enters Nirvana - know that this teaching will live long and not die out.
"Also, next, O good man! If the Buddha appears in the world, attains unsurpassed Enlightenment, and there are disciples who gain the depths of meaning; also, if there are faithful lay danapatis who respect the Buddha’s teaching, and all the disciples preach the teaching of Great Nirvana; if they respect one another and do not quarrel [amongst themselves], and yet they store up impure things, and praise themselves, saying: "I have now attained the [level of] shrotapanna up to arhatship" - know, too, that if the Buddha dies, this teaching will not survive long in the world.
"Also, next, O good man! If the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and if all the disciples gain the depths of meaning, and there are also faithful lay danapatis who respect the Buddha’s teaching; and if all the disciples preach the doctrine of Great Nirvana, living in harmony and with respect for one another, and not storing up impure things and not saying that they will attain [the level] of shrotapanna up to arhatship, and if the Buddha-World-Honoured One dies - know that this teaching will live long.
"Also, next, O good man! If the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and all the disciples do not store up impure things and do not say that they will attain the [level of] shrotapanna up to arhatship; yet if they have clinging to their own views and variously say: "O Elders! The four grave offences, down to the seven ways of adhikarana-samatha [the seven ways of making away with disputes], which all Buddhas have instituted, are accorded with or enlarged upon. It is the same with the twelve types of sutra. Why? Because the Buddha knows that land and time differ and that there are differences in the qualities of beings. For this reason, the Tathagata prohibits or opens out [allows], and there are differences between light [venial] and heavy [grave sin]. O Elders! This is as in the case of a good doctor who, when someone is ill, either allows or does not allow milk, and says " yes" to fever and " no" to cold. The same is the situation with the Tathagata. He sees the root of illness of all beings’ defilements, and either says "yes" or prohibits. O Elders! I directly heard the Buddha say; [I alone know the meaning and not you; I alone know shila and not you; I alone know the sutras and not you]." If the Buddha dies, know that this teaching will not live long. O good man! If the Buddha first appears in the world and attains unsurpassed Enlightenment, and if there are many disciples who do not say: "I have attained the [level of] shrotapanna up to arhatship", nor do they say: "All Buddhas, for the sake of beings, either prohibit or allow [the same thing]. O Elders! I myself have directly heard from the Buddha about the meaning, the Dharma, and shila. O Elders! One should take one’s stand on the twelve types of sutra of the Tathagata. If they are right, I uphold them; if not, I do away with such." If the Buddha-World-Honoured-One enters Nirvana, know that his teaching will live long.
"O good man! When my teaching dies out, there may be sravaka disciples who will say that there is a conscious Self or that there is not; or that there is or is not an in-between existence [between death and re-birth]; or that there are or are not the Three Times, that there are or are not the three vehicles, that all is is or is not " is" , that there are beginnings and endings to beings, that the twelve links of interdependent arising are created things or that causality is uncreated, that the Tathagata has illness and pain or does not have any such thing, or that the Tathagata does not allow bhiksus the ten kinds of meat. What are these ten? They are: [the flesh of] man, serpent, elephant, horse, mule, dog, lion, boar, fox, and monkey. They say that he allows all other kinds, or that he does not. Or the bhiksu does not possess five things. What are the five? They are: 1) domestic animals, 2) sword, 3) liquor, 4) cheese powder , and 5) sesame oil. They say that these are not sold, but that all other things are permitted. Or that a bhiksu is not allowed to enter the five kinds of house. What are the five? They are those of: 1) butchers, 2) prostitutes, 3) bars, 4) royal palaces, and 5) candalas. Or they say that other houses can be entered. They say that silk cloth [“kauseya”] is not permitted, all others being permitted. Or they say that the Tathagata allows all bhiksus to possess clothing, food and bedding worth a hundred thousand in gold, or that he does not. Or they say that Nirvana is the Eternal, Bliss, Self, and the Pure, or that Nirvana is the ending of defilement, which, differently expressed, is Nirvana. For example, woven cloth is clothing; with tattered clothing, we say non-clothing, which is not a name for a different thing from clothing, and we say " non-clothing" . They say that the body of Nirvana is not like that, either. O good man! At that time, there are few who speak correctly, and many who present false views. Few are those who uphold the right view and many are those who are grounded in false views. Few are those who uphold the Buddha-word, and many are those who are grounded in Mara’s laws.
"O good man! At the time, there were two disciples in the state of Kausambi. One was an arhat, and the other violated the precepts. There were 500 of those who violated the precepts, and 100 arhats. Those who violated the precepts said: "The Tathagata surely enters Nirvana. We heard directly from him how the [prohibition on] the four grave offences instituted by the Buddha may well be accorded with or transgressed, and there will not be any sin. We have now attained arhatship and have the fourfold unhindered knowledge. And even the arhat also commits the four offences. If the law of the four offences is true and sin ensues, the arhat would not have committed them. While the Buddha was still in life, there was strict obseving, but on his entering Nirvana, all is abandoned all in all." Thus did they say. The [arhat] bhiksu said: " O Elders! Do not say that the Tathagata definitely enters Nirvana. What I know is that the Tathagata is Eternal and does not change. There is no change in sin depending on whether one transgresses during the Buddha’s lifetime or after his entering Nirvana, if one commits the four grave offences. This is not so. Why? How could those of the stage of shrotapanna infringe the precepts? You say that you are an arhat. With an arhat, no thought such as that he has now arrived at the stage of an arhat comes to his mind. The arhat speaks about good Dharma, but not not that which is evil. O Elders! What you say is all wrong. If you look into the 12 types of sutra, you will definitely see that you are no arhat." O good man! Then, at that time, all the bhiksus who had violated the precepts did away with the life of that arhat. O good man! At that time, King Mara, his mind enraged by the angered mind of the two groups of bhiksus, killed those 600. Then all common mortals said: "Woe is the day! The Dharma of the Buddha has now come to an end!" And yet, my Dharma did not end there. At that time, there were 12 hundred thousand great Bodhisattvas who strictly upheld my Dharma. How could one say that my Dharma ended? At that time, in Jambudvipa, not one bhiksu was my disciple. At that time, the Papiyas [Mara, the devil], burnt all the sutras in a great fire. Then, there remained some unburnt fragments, which all the Brahmins stole away and, collecting these here and there, added them to their own texts. For this reason, all petty [lesser] Bodhisattvas, when there is as yet no Buddha, generally believe in the words of the Brahmins. These Brahmins may say that they have shila. But, truth to tell, the Brahmins do not. All tirthikas may say that they have Bliss and Purity, but truth to tell, they do not understand the signification of the Self, Bliss, and the Pure. They just take up one or two words, or one sentence or two, and say say that there are such and such things stated in their sutras."
Then, in the castle town of Kusinagara, between the twin sal trees, the innumerable, boundless asamkhyas of bhiksus, on hearing this, all said: " The world is empty, the world is empty!"
Bodhisattva Kasyapa said to all the bhiksus: "O you! Do not be apprehensive and sad, do not weep, for a while. The world is not empty. The Tathagata is Eternal; he changes not. Thus, too, are Dharma and Sangha."
Then, the great congregation, on hearing these words, ceased weeping and all aspired to unsurpassed Awakening.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.200.165 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập