Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 12 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần hai »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 12 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần hai

Donate

(Lượt xem: 11.210)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 12 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần hai

Lại nữa, thiện nam tử! Thánh hạnh của Đại Bồ Tát là quán sát thân này từ đầu đến chân, trong đó duy chỉ toàn là những thứ như tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, các thứ dơ nhớp, da, thịt, gân, xương, tỳ, thận, tim, phổi, gan, mật, ruột, dạ dày, hai tạng sanh và thục, các cơ quan đại, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng, nước mắt, những lớp mỡ, da mỏng bọc ở ngoài mỡ, tủy xương, mủ, máu, não, các mạch từ não cho đến ngón chân cái...

“Trong khi Bồ Tát chuyên tâm quán sát như vậy, liền suy xét rằng: ‘Trong những thứ đó có gì là ngã? Cái ngã thuộc về ai? Nó nằm ở chỗ nào? Cái gì thuộc về ngã?’

“Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: ‘Bộ xương là ta chăng? Lìa bộ xương là ta chăng?’

“Lúc bấy giờ, Bồ Tát liền loại bỏ da và thịt, chỉ quán xét riêng bộ xương trắng. Lại suy xét rằng: ‘Màu sắc của xương có khác nhau như xanh, vàng, trắng... cho đến [xám tro] như màu lông chim câu. Tướng trạng của xương như vậy cũng chẳng phải là cái ngã. Vì sao vậy? Cái ngã đó chẳng phải xanh, vàng, trắng cho đến [xám tro] như màu lông chim câu.’

“Khi Bồ Tát chú tâm quán tưởng như vậy liền dứt trừ được sự ham muốn đối với hình sắc.

“Bồ Tát lại xét nghĩ rằng: ‘Bộ xương này do nhân duyên mà sanh. Nhân nơi xương bàn chân mà chống chịu xương mắt cá; nhân nơi xương mắt cá mà chống chịu xương ống chân; nhân nơi xương ống chân mà chống chịu xương đầu gối; nhân nơi xương đầu gối mà chống chịu xương đùi; nhân nơi xương đùi mà chống chịu xương mu; nhân nơi xương mu mà chống chịu xương chậu; nhân nơi xương chậu mà chống chịu xương sống; nhân nơi xương sống mà chống chịu gân cốt; lại nhân nơi xương sống mà phía trên có xương cổ; nhân nơi xương cổ mà chống chịu xương hàm; nhân nơi xương hàm mà chống chịu bộ răng, trên hết lại có xương sọ; lại nhân nơi xương cổ mà chống chịu xương vai; nhân nơi xương vai mà chống chịu xương cánh tay; nhân nơi xương cánh tay mà chống chịu xương cổ tay; nhân nơi xương cổ tay mà chống chịu xương bàn tay; nhân nơi xương bàn tay mà chống chịu xương ngón tay.’

“Khi Đại Bồ Tát quán xét như vậy, thấy hết thảy những xương hiện có trong thân đều [là những phần] tách rời riêng biệt [kết hợp trong sự phụ thuộc lẫn nhau]. Quán xét được như vậy rồi liền dứt trừ ba thứ ham muốn: một là ham muốn nhan sắc, hai là ham muốn dáng vẻ, ba là ham muốn xúc chạm.

“Khi Đại Bồ Tát quán xương màu xanh, liền thấy cõi đất này về bốn phương đông, tây, nam, bắc và bốn phương kế cận, hai phương trên, dưới, thảy đều có tướng màu xanh.

“Cũng như màu xanh, khi quán những màu vàng, trắng, xám cũng đều như vậy.

“Khi Đại Bồ Tát thực hiện phép quán như vậy, từ khoảng giữa hai chân mày liền phóng ra những hào quang xanh, vàng, trắng, xám... Trong mỗi loại hào quang ấy, Bồ Tát đều nhìn thấy có hình Phật. Thấy như vậy rồi, liền tự hỏi rằng: ‘Như thân này là do những nhân duyên bất tịnh hòa hiệp mà thành, sao lại có thể ngồi, dậy, đi, đứng, co lại, duỗi ra, cúi xuống, ngẩng lên, nhìn xem, nháy mắt, ho hen, khóc lóc, vui cười...? Ở trong thân ấy không có chủ, vậy ai sai khiến như vậy?’ Tự hỏi như vậy rồi, hình tượng chư Phật trong hào quang kia bỗng nhiên không còn nữa.

“Bồ Tát lại nghĩ rằng: ‘Hoặc giả thức là ngã chăng, cho nên khiến chư Phật chẳng vì ta mà thuyết dạy?’ Lại quán thức này lần lượt sanh diệt, dường như dòng nước chảy, cũng không phải ngã.

“Bồ Tát lại xét nghĩ rằng: ‘Nếu thức không phải ngã thì hơi thở ra vào có lẽ là ngã chăng?’ Lại xét rằng: ‘Hơi thở ra vào đó chính là tánh gió, mà tánh gió ấy cũng nằm trong bốn đại. Trong bốn đại ấy, cái nào là ngã? Đất chẳng phải ngã, nước, lửa, gió lại cũng chẳng phải ngã.’

“Bồ Tát lại nghĩ rằng: ‘Trong thân này hết thảy đều không có cái ngã. Chỉ có tâm như cơn gió hòa hiệp với các nhân duyên mà hiện ra đủ mọi thứ hành vi, sự việc. Cũng ví như những thứ do sức thần chú, ảo thuật tạo thành, lại cũng ví như cái đàn không hầu, tùy theo ý người chơi mà phát ra âm thanh. Cho nên thân này là không trong sạch như vậy, do các nhân duyên giả hợp mà thành.

“Vậy do nơi đâu mà sanh ra tham dục? Nếu bị người khác nhục mạ, lại do nơi đâu mà sanh sân khuể? Thân này của ta chứa 36 thứ, thảy đều là hôi thối, không trong sạch, vậy do nơi đâu có người bị mạ nhục?’ Nếu nghe tiếng mạ nhục, liền suy xét rằng: ‘Do nơi tiếng nào thấy được sự mạ nhục?’ Liền xét trong mỗi tiếng riêng rẽ không tiếng nào có thể thấy được sự mạ nhục. Nếu mỗi tiếng không thể thấy sự mạ nhục, thì nhiều tiếng hợp lại cũng không thể thấy sự mạ nhục. Vì nghĩa ấy mà không nên sanh tâm sân hận.’

“Nếu người khác đánh đập mình, cũng nên xét rằng: ‘Sự đánh đập đó, do đâu mà sanh?’ Lại xét rằng: “Do có tay người, dao gậy, và thân ta nên mới có cái gọi là đánh đập. Nay vì duyên cớ gì ta lại nổi giận với người khác? Chính do cái thân này của ta tự chuốc lấy tai hại ấy. Do cái thân năm ấm mà ta thọ lãnh, cũng ví như nhân cái đích mới có mũi tên bắn trúng. Thân ta cũng thế, bởi có thân nên mới có sự đánh đập. Nếu ta không nhẫn chịu, tâm ắt phải tán loạn. Nếu tâm tán loạn, ắt phải mất chánh niệm. Nếu mất chánh niệm, ắt không thể quán xét ý nghĩa thiện và bất thiện. Nếu không thể quán xét ý nghĩa thiện và bất thiện, ắt sẽ làm việc ác. Do tạo nhân duyên ác, ắt phải đọa vào những cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

“Bấy giờ, Bồ Tát đã quán xét như vậy rồi liền được Bốn niệm xứ. Đạt được Bốn niệm xứ rồi, ắt sẽ được trụ ở địa vị Kham nhẫn. Đại Bồ Tát trụ ở địa vị ấy rồi, ắt có thể nhẫn chịu đối với sự tham dục, sân khuể, ngu si, cũng có thể nhẫn chịu đối với những sự lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng, chí rận, gió mạnh, sự xúc chạm hung dữ, mọi thứ dịch bệnh, người ác khẩu chửi mắng hay đánh đập, hành hạ... Mọi khổ não về thân tâm đều có thể nhẫn chịu được tất cả. Vì thế nên gọi là trụ ở địa vị Kham nhẫn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát chưa được trụ ở địa vị Bất động, trong khi giữ giới thanh tịnh, có nhân duyên gì có thể phá giới chăng?”

“Thiện nam tử! Bồ Tát chưa được trụ ở địa vị Bất động, khi có nhân duyên có thể phá giới.”

Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn, đó là những nhân duyên gì?”

Phật bảo Ca-diếp: “Nếu Bồ Tát biết là dùng nhân duyên phá giới thì có thể khiến người khác thọ trì và ưa chuộng, ngưỡng mộ kinh điển Đại thừa, lại có thể khiến người khác đọc tụng thông suốt, sao chép trọn quyển kinh, vì người khác mà thuyết giảng rộng, không còn thối lui đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì vì những việc [lợi lạc] như vậy, vị Bồ Tát có thể phá giới. Lúc ấy, Bồ Tát nên nghĩ rằng: ‘Ta thà đọa vào địa ngục A-tỳ để chịu tội trong một kiếp hoặc một kiếp giảm, nhưng nhất thiết phải [dùng phương tiện] khiến cho những người như vậy không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Ca-diếp! Vì nhân duyên ấy, vị Bồ Tát ma-ha-tát có thể hủy phạm giới thanh tịnh.”

Lúc ấy, Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát giữ gìn, bảo vệ những người như vậy, khiến họ không còn thối chuyển đối với tâm Bồ-đề, thì không có lý nào vì sự [phương tiện] hủy phạm giới hạnh thanh tịnh như vậy mà phải đọa vào địa ngục A-tỳ.”

Bấy giờ, Phật ngợi khen Văn-thù-sư-lợi rằng: “Lành thay, lành thay, đúng như ông vừa nói đó! Ta nhớ lại thuở xưa, ở cõi Diêm-phù-đề này ta làm một vị Đại quốc vương tên là Tiên Dự, thường ái mộ, tưởng nhớ, kính trọng kinh điển Đại thừa. Lòng vua thuần thiện, không có những điều thô ác, tật đố, tham lam keo kiệt; miệng vua thường nói ra những lời thân ái, hiền lành, thường đem thân bảo vệ che chở những kẻ bần cùng, cô độc, thường làm việc bố thí, tinh tấn, không hề lười nhác.

“Thuở ấy không có Phật, Thanh văn, Duyên giác ra đời. Ta vì ái mộ kinh điển Phương đẳng Đại thừa nên trong 12 năm lo phụng sự các thầy bà-la-môn, cung cấp mọi sự cần dùng. Qua 12 năm, việc cúng dường đã xong, ta bèn nói rằng: ‘Nay các thầy nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Có thầy bà-la-môn nói: ‘Đại vương! Tánh Bồ-đề ấy vốn là không có, kinh điển Đại thừa cũng vậy. Sao đại vương lại khiến cho con người và vạn vật đồng như hư không?’

“Thiện nam tử! Thuở ấy, trong lòng ta tôn trọng Đại thừa nên vừa nghe thầy bà-la-môn ấy phỉ báng kinh Phương đẳng như vậy, ta liền giết chết ngay.

“Thiện nam tử! Nhân duyên là như vậy, mà từ ấy đến nay ta không hề đọa vào địa ngục.

“Thiện nam tử! Nhờ sự ủng hộ, giữ gìn kinh điển Đại thừa mới có được thế lực vô lượng như vậy.”

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Ca-diếp! Còn có Thánh hạnh gọi là Tứ thánh đế. Khổ, Tập, Diệt, Đạo gọi là Tứ thánh đế.

“Ca-diếp! Khổ là tướng bức bách. Tập là tướng có sức sanh trưởng. Diệt là tướng tịch diệt. Đạo là tướng Đại thừa.

“Lại nữa, thiện nam tử! Khổ là tướng hiện ra. Tập là tướng chuyển đổi. Diệt là tướng dứt trừ. Đạo là tướng có năng lực dứt trừ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Khổ đó, có ba tướng khổ là tướng khổ vì sự khổ, tướng khổ vì các hành và tướng khổ vì hoại diệt. Tập, là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Diệt, là dứt trừ hết thảy hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Đạo là tu tập giới, định, huệ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Pháp hữu lậu có hai loại: pháp có nhân và pháp có quả. Pháp vô lậu cũng có hai loại: pháp có nhân và pháp có quả. Quả của pháp hữu lậu gọi là khổ. Nhân của pháp hữu lậu gọi là tập. Quả của pháp vô lậu gọi là diệt. Nhân của pháp vô lậu gọi là đạo.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có tám tướng gọi là khổ. Đó là: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, yêu mến phải lìa xa là khổ, oán ghét phải gặp nhau là khổ, mong cầu không được là khổ, năm ấm bạo phát là khổ.

“Vì phát sanh tám tướng khổ nên gọi là tập. Chỗ không có tám pháp khổ ấy gọi là diệt. Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ba chỗ niệm, tâm đại bi, đó gọi là đạo.

“Thiện nam tử! Sanh là tướng xuất hiện. Có năm loại: một là vừa mới xuất hiện, hai là đã thành hình, ba là ngày càng phát triển lớn lên, bốn là ra khỏi thai, năm là sanh ra thành chủng loại.

“Những gì là già? Già có hai loại: một là già đi trong từng giây phút, hai là già lúc cuối đời. Lại có hai loại: một là già trong khi tăng trưởng, lớn lên; hai là già trong khi hoại diệt. [Những trạng thái] như vậy đều gọi là già.

“Thế nào là bệnh? Đó là nói bốn đại như bốn con rắn độc không hòa hợp nhau. Lại có hai loại bệnh: một là bệnh nơi thân, hai là bệnh nơi tâm. Thân bệnh có năm loại: một là do nước, hai là do gió, ba là do sức nóng, bốn là do nhiều nguyên nhân lẫn lộn, năm là do nguyên nhân từ bên ngoài.

“Bệnh do nguyên nhân từ bên ngoài có bốn loại: một là do gắng gượng làm những việc vượt quá sức mình, hai là do sơ ý té ngã, ba là do dao gậy, gạch đá, bốn là do các loài quỷ mỵ vướng mắc.

“Tâm bệnh cũng có bốn loại: một là phấn khích, hai là khiếp sợ, ba là lo buồn, bốn là ngu si.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bệnh của thân tâm thường có ba loại. Những gì là ba? Một là do nghiệp báo, hai là do không lìa xa được những [tác động] đối nghịch xấu ác, ba là do thời tiết thay đổi.

“[Từ đó] sanh ra sự phân biệt [các bệnh] theo nhân duyên, tên gọi, cảm thọ. [Phân biệt bệnh theo] nhân duyên là như các thứ bệnh [trúng] phong, [bệnh nhiễm nước] v.v... [Phân biệt bệnh theo] tên gọi là như bệnh tâm muộn (trong lòng buồn bực) bệnh sưng phổi, bệnh thượng khí (hơi đưa lên), bệnh ho nghịch, bệnh khiếp nhược, bệnh kiết lỵ... [Phân biệt bệnh theo] cảm thọ là như bệnh nhức đầu, bệnh đau mắt, bệnh tay chân nhức mỏi... Như thế đều gọi chung là bệnh.

“Những gì gọi là chết? Chết nghĩa là xả bỏ cái thân đang có. Xả bỏ cái thân đang có, cũng có hai trường hợp: một là do thọ mạng đã hết mà chết, hai là do nhân duyên bên ngoài mà chết.

“Thọ mạng đã hết mà chết lại có ba loại: một là thọ mạng đã dứt nhưng phước đức chưa dứt, hai là phước đức đã dứt nhưng thọ mạng chưa dứt, ba là cả phước đức và thọ mạng đều dứt hết.

“Do nhân duyên bên ngoài mà chết cũng có ba trường hợp: một là chẳng phải số phần của mình nhưng tự hại mà chết, hai là bị kẻ khác hại chết, ba là cùng chết với kẻ khác.

“Lại có ba loại chết: một là chết phóng dật, hai là chết phá giới, ba là chết mạng căn hư hoại.

“Sao gọi là chết phóng dật? Nếu có người phỉ báng [các kinh] Phương đẳng Đại thừa, Bát-nhã ba-la-mật, đó gọi là chết phóng dật.

“Sao gọi là chết phá giới? Hủy phạm những giới cấm mà chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại chế định. Đó gọi là chết phá giới.

“Sao gọi là chết mạng căn hư hoại? Xả bỏ thân năm ấm. Đó gọi là chết mạng căn hư hoại.

“Như vậy gọi rằng chết là nỗi khổ lớn lao!

“Những gì gọi rằng yêu mến phải lìa xa là khổ? Những vật mình yêu mến bị phá hoại, lìa tan. Những vật mình yêu mến bị hư hoại, lìa tan cũng có hai trường hợp: một là ở cõi người, năm ấm bị hư hoại, hai là ở cõi trời năm ấm bị hư hoại. Năm ấm mà người ta và chư thiên yêu mến, phân biệt, kể đếm ra có vô số chủng loại. Như vậy gọi rằng yêu mến phải lìa xa là khổ.

“Sao gọi rằng oán ghét phải gặp nhau là khổ? [Đó là khi] những gì mình không yêu mến lại phải cùng tụ họp một nơi.

“Những gì mình không yêu mến lại phải cùng tụ họp một nơi cũng có ba trường hợp. Đó là: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ba cảnh khổ ấy, phân biệt kể đếm ra có đến vô số chủng loại. Như vậy gọi rằng oán ghét phải gặp nhau là khổ.

“Sao gọi rằng mong cầu không được là khổ? Mong cầu không được là khổ cũng có hai trường hợp: một là đặt niềm hy vọng, mong cầu mà không thể được; hai là tốn công gắng sức rất nhiều nhưng chẳng được kết quả. Như vậy đều gọi rằng mong cầu không được là khổ.

“Sao gọi rằng năm ấm bạo phát là khổ? Cái khổ năm ấm bạo phát ấy là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ yêu mến phải lìa xa, khổ oán ghét phải gặp nhau, khổ mong cầu mà chẳng được. [Những nỗi khổ này đều có căn bản phát sanh từ sự tụ họp, xung khắc và tan rã của năm ấm nên] như vậy gọi rằng năm ấm bạo phát là khổ.

“Ca-diếp! Do nơi sanh là căn bản mà có bảy thứ khổ kia, từ khổ già cho đến khổ năm ấm bạo phát.

“Ca-diếp! Sự già yếu không phải tất cả đều có. Như Phật và chư thiên nhất định không có sự già yếu. Còn trong nhân loại thì không nhất định: kẻ có, người không.

“Ca-diếp! Trong Ba cõi, có thọ thân thì không ai là không có sanh, nhưng tướng già thì không nhất định. Cho nên sanh là căn bản của tất cả. Chúng sanh ở thế gian vì sự điên đảo che lấp trong tâm nên tham đắm tướng sanh, ghê sợ những tướng già, chết. Ca-diếp! Bồ Tát không phải như thế, quán xét từ tướng sanh ra ban đầu đã thấy chỗ tai hại rồi!

“Ca-diếp! Như có một cô gái kia vào nhà kẻ khác. Cô gái ấy đoan chánh, vẻ mặt và hình tướng đều rất đẹp, lại còn dùng chuỗi ngọc tốt để trang điểm trên thân. Chủ nhà nhìn thấy cô liền hỏi rằng: ‘Cô tên họ gì? Là người của ai?’ Cô gái đáp rằng: ‘Tôi đây chính là Công Đức Đại Thiên.’ Chủ nhân lại hỏi: ‘Cô đến đây để làm gì?’ Cô gái đáp: ‘Những nơi tôi đến đều có thể được ban cho đủ các loại vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái, kẻ hầu người hạ...’ Chủ nhà nghe xong sanh lòng vui mừng, phấn khích vô cùng, liền nói rằng: ‘Nay tôi có phước đức nên khiến cô đến nhà tôi.’ Người ấy liền đốt hương, rảy hoa cúng dường, cung kính lễ bái.

“Lúc ấy, ngoài cửa lại có một cô gái khác hình dạng xấu xí, áo quần rách nát, dơ bẩn, da thịt nứt nẻ, sắc diện già nua, nhợt nhạt... Chủ nhà thấy vậy lại hỏi rằng: ‘Cô tên họ gì? Là người của ai?’ Cô gái đáp rằng: ‘Tôi tên là Hắc Ám.’ Lại hỏi: ‘Vì sao cô có tên là Hắc Ám?’ Cô gái đáp: ‘Những nơi tôi đi đến, có thể làm cho mọi thứ của cải, đồ quý trong nhà ấy đều hao tổn, suy giảm.’ Nghe xong, chủ nhà liền cầm dao bén nói rằng: ‘Nếu cô không đi ngay ta sẽ giết chết cô.’ Cô gái đáp rằng: ‘Ông thật quá ngu si, chẳng có chút trí huệ.’ Chủ nhà hỏi: ‘Sao lại gọi là ngu si, không có trí huệ?’ Cô gái đáp: ‘Người ở trong nhà ông đó là chị của ta. Chị ấy với ta thường cùng đi với nhau. Nếu ông đuổi ta, cũng là đuổi chị ấy.’

“Chủ nhân trở vào nhà hỏi Công Đức Thiên rằng: ‘Bên ngoài có một cô gái nói là em của cô, có thật vậy chăng?’ Công Đức Thiên nói: ‘Thật là em tôi. Tôi với cô em đó thường đi chung với nhau, chưa từng xa lìa. Đến ở nơi nào thì tôi thường làm việc tốt, em tôi thường làm việc xấu, tôi thường làm lợi ích, em tôi thường gây suy giảm, tổn hao. Nếu yêu mến tôi, cũng phải yêu mến em tôi. Như cung kính tôi, cũng phải cung kính em tôi.’

“Chủ nhà liền nói: ‘Nếu có việc tốt lẫn xấu như vậy thì tôi đây không cần cả hai, các cô cứ tùy ý mà đi đi.’ Bấy giờ, hai cô gái cùng đưa nhau đi, định trở về chỗ cũ. Chủ nhà thấy họ đi rồi, trong lòng vui vẻ, phấn khích vô cùng.

“Lúc ấy, hai cô gái cùng đi với nhau, đến một nhà nghèo kia. Người nhà nghèo ấy nhìn thấy hai cô rồi, trong lòng vui vẻ, liền thỉnh mời rằng: ‘Từ nay trở đi xin hai cô cứ ở lại nhà tôi.’ Công Đức Thiên nói: ‘Trước đây chúng tôi vừa bị người khác đuổi đi. Cớ sao ông lại thỉnh mời cả hai chúng tôi ở lại?’ Người nhà nghèo đáp rằng: “Nay cô nghĩ đến tôi, tôi vì cô mà cũng cung kính cô kia. Cho nên tôi thỉnh mời cả hai cô cùng ở lại nhà tôi.’

“Ca-diếp! Bồ Tát ma-ha-tát cũng như thế, chẳng nguyện sanh lên cảnh trời, vì có sanh tất phải có già, bệnh, chết. Vì vậy nên dứt hết, chưa từng khởi lòng yêu mến. Những kẻ phàm ngu chẳng biết chỗ tai hại của già, bệnh, chết nên ham thích cả hai pháp sống và chết.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như có đứa trẻ dòng bà-la-môn, đang lúc quá đói, thấy ở trong đống phân người có một trái am-la liền đưa tay nhặt lấy. Người có trí thấy vậy, quở trách rằng: ‘Cậu là người dòng bà-la-môn thanh tịnh, sao lại nhặt trái dơ trong đống phân?’ Đứa trẻ ấy nghe xong, thẹn đỏ mặt, đáp rằng: ‘Tôi thật không ăn, chỉ muốn lấy rửa cho sạch rồi ném bỏ.’ Người có trí kia liền bảo nó rằng: ‘Mày thật quá ngu si, nếu định ném bỏ thì trước đó chẳng nên nhặt lấy.’

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, đối với cái sanh, chẳng thọ cũng chẳng bỏ, như người có trí kia quở trách đứa trẻ. Những kẻ phàm phu ưa sống ghét chết, như đứa trẻ kia nhặt trái rồi lại vứt đi.

“Lại nữa Ca-diếp! Ví như có người mang nhiều thức ăn đủ các màu sắc, hương vị, đến chỗ ngã tư đường để bán. Có người từ xa đến, đói kém suy nhược, thấy cơm và thức ăn có đủ các màu sắc, hương vị liền dừng lại, hỏi rằng: ‘Đây là những món gì?’ Người chủ nói: ‘Đây là những thức ăn ngon nhất, có đủ màu sắc, hương vị. Như ai ăn vào thì được hình sắc tốt đẹp, có sức mạnh, trừ được đói khát, được gặp chư thiên. Chỉ có một điều tai hại là phải chết.’ Người ấy nghe rồi liền nghĩ rằng: ‘Nay tôi chẳng cần hình sắc, sức mạnh, gặp chư thiên, cũng chẳng muốn chết.’ Liền hỏi rằng: ‘Nếu ăn vào phải chết, vậy nay ông mang bán những thức ăn này làm gì?’ Người chủ thức ăn đáp rằng: ‘Người có trí chẳng bao giờ chịu mua, duy có những kẻ ngu không hiểu việc ấy, trả cho tôi nhiều tiền, vì tham mà ăn.’

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng như thế, chẳng nguyện sanh lên cõi trời, được hình sắc tốt, sức mạnh, gặp chư thiên. Vì sao vậy? Vì những việc ấy cũng chẳng khỏi các sự khổ não. Những kẻ phàm ngu, tùy chỗ sanh ra đều đem lòng tham mến. Là vì không thấy được những sự [khổ là] già, bệnh, chết.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây có độc, rễ nó có thể làm chết người, thân nó cũng có thể làm chết người, cho đến vỏ cây, hoa, trái, hạt... thảy đều có thể làm chết người. Thiện nam tử! Trong 25 cảnh giới hiện hữu, tùy chỗ thọ sanh mà thọ nhận năm ấm cũng vậy, hết thảy đều có thể làm chết người.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như phẩn dơ, dù nhiều hay ít cũng đều hôi thối. Thiện nam tử! Sự sanh ra cũng vậy, dù cho sống lâu đến tám vạn năm, hoặc chỉ được mười tuổi cũng đều là chịu khổ.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cái hầm nguy hiểm, bên trên có cỏ che phủ, bên cạnh mép hầm lại có nhiều cam lộ. Như ai ăn được chất cam lộ ấy thì sống đến ngàn năm, trừ tuyệt các bệnh, an ổn khoái lạc. Những kẻ phàm ngu vì tham ăn món ấy, không biết là phía dưới có cái hầm rất sâu, liền đi tới để lấy, bất ngờ trượt chân, sa xuống hầm mà chết. Người trí đã biết nên lìa bỏ, lánh xa.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, cho đến những món ăn ngon nhất ở cõi trời còn chẳng tham muốn, huống gì món ăn ở cõi người? Kẻ phàm tục cho đến ở nơi địa ngục còn nuốt lấy những hòn sắt nóng, huống chi những món ăn ngon thịnh soạn ở cõi trời, cõi người, làm sao có thể không [tham] ăn?

“Ca-diếp! Bởi những thí dụ ấy, và còn vô số thí dụ khác nữa, nên biết rằng sự sanh ra thật là nỗi khổ rất lớn.

“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự sanh ra là khổ.

“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét già là khổ? Sự già nua có thể khiến cho người ta phải bị ho hen, khí nghịch đưa lên; có thể làm tiêu mất sức mạnh, trí nhớ; làm mất đi tuổi thanh niên tráng kiện, sự khoái lạc, ngạo mạn tự cao, an ổn thỏa chí; làm cho lưng còng, chậm chạp biếng nhác, bị người khác khinh chê.

“Ca-diếp! Ví như trong hồ nước có đầy hoa sen nở ra đẹp đẽ, tươi tắn, trông rất đáng ưa thích. Bỗng gặp khi trời đổ cơn mưa đá xuống, phá hoại tất cả. Thiện nam tử! Cái già cũng thế, có thể phá hoại sắc đẹp tuổi thanh xuân!

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như vua kia có một vị quan trí tuệ, khéo biết cách dùng binh. Có một vua khác đối địch, chống lại. Vua liền sai vị quan có trí tuệ ấy đi đánh phạt. Vị quan bắt được vua kia đem về nộp lên. Cảnh già cũng như thế, bắt lấy cái sắc đẹp tráng kiện đem nộp cho vua chết.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cái trục xe gãy không thể dùng vào việc gì. Cái già cũng vậy, không thể dùng vào việc gì được nữa.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như một nhà rất giàu, có nhiều của cải, vật quý, vàng bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não... Nếu giặc cướp vào nhà ấy có thể cướp giật làm cho mất sạch. Thiện nam tử! Sắc đẹp và tuổi thanh xuân tráng kiện cũng vậy, thường bị giặc cướp là cái già cướp mất.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như người nghèo tham ăn món ngon, tham mặc vải lụa tốt, tuy hy vọng như vậy nhưng không có được. Thiện nam tử! Cái già cũng vậy, tuy có lòng tham muốn thọ hưởng giàu có, vui sướng, thỏa thích trong năm món dục, nhưng không thể được.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như con rùa ở trên cạn, thường nhớ nghĩ đến nước. Thiện nam tử! Người ta cũng thế, đã bị khô héo vì già yếu thì lòng thường nhớ nghĩ đến năm món dục đã thọ hưởng thời trai trẻ.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như mùa thu có hoa sen, ai cũng muốn nhìn ngắm, đến khi héo tàn, ai cũng chán chê. Thiện nam tử! Sắc đẹp tuổi xuân cũng vậy, ai nấy đều ưa thích. Đến khi già yếu thì ai cũng chán chê.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cây mía ép lấy nước rồi thì không còn vị ngọt. Thiện nam tử! Sắc đẹp tuổi xuân cũng vậy, khi bị cái già ép đến rồi thì không còn [thực hiện được] ba việc: một là xuất gia, hai là đọc tụng [kinh điển], ba là ngồi thiền.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như mặt trăng tròn, ban đêm sáng nhiều, còn ban ngày không được vậy. Thiện nam tử! Người ta cũng như vậy, lúc tuổi thanh xuân dáng vẻ nghiêm trang, hình mạo to khỏe; đến lúc già thì suy yếu, hình dung khô héo, tiều tụy.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như một vị vua thường dùng chánh pháp trị nước chăn dân, lòng dạ chân thật, không tà vạy, giàu đức từ bi, thường thực hành bố thí. Bấy giờ bị nước địch phá hoại, vua trôi dạt trốn tránh, cuối cùng đến một nước khác. Nhân dân nước ấy thấy vua liền sanh lòng thương xót, thảy đều nói rằng: ‘Đại vương thuở xưa trị nước theo chánh pháp, muôn dân khỏi sự oan uổng, vì sao trong sớm chiều đã trôi dạt tới đây?’ Thiện nam tử! Người ta cũng thế, khi bị sự già yếu làm cho bại hoại rồi, thường ca ngợi những việc đã làm vào thuở tráng niên.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cây đèn cháy được nhờ nơi dầu thắp. Khi dầu sắp hết thì đèn không thể cháy được lâu. Thiện nam tử! Người ta cũng như thế, chỉ nhờ nơi loại dầu tráng niên. Khi dầu tráng niên đã hết, ngọn đèn già yếu làm sao còn cháy được lâu?

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như con sông khô cạn không thể làm lợi ích cho loài người, loài phi nhân, cho đến các loài chim, thú... Thiện nam tử! Người ta cũng vậy, bị cái khô cạn của tuổi già rồi thì không thể làm lợi ích bất cứ công việc nào cả.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cây cao đứng cạnh mé sông, nếu gặp gió lớn ắt phải ngã nhào. Thiện nam tử! Người ta cũng như vậy, đứng ven bờ nguy hiểm là cảnh già, khi gió chết thổi tới, tất không đứng vững nữa được.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như chiếc xe bị gãy trục, không thể chở đồ. Thiện nam tử! Kẻ già rồi cũng vậy, không thể học hỏi bất cứ pháp lành nào.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như đứa trẻ con, bị mọi người xem thường. Thiện nam tử! Kẻ già cũng vậy, thường bị hết thảy mọi người khinh chê, xem thường.

“Ca-diếp! Vì những thí dụ ấy và vô số thí dụ khác, nên biết rằng sự già nua thật là nỗi khổ rất lớn.

“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, quán sự già là khổ.

“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét bệnh là khổ? Gọi là bệnh đó, có thể làm mất hết mọi sự an ổn, vui sướng, ví như mưa đá làm tổn hại lúa mạ.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như người có kẻ thù, trong lòng thường lo buồn mà ôm lấy sự sợ sệt. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh lại cũng như vậy, vì sợ bệnh khổ nên trong lòng thường lo buồn.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như có người [thanh niên] tướng mạo đẹp đẽ tuấn tú, hoàng hậu [trông thấy] động lòng yêu thương, sai người ép buộc gọi đến để cùng làm việc mây mưa. Bấy giờ vua bắt được liền sai người khoét một con mắt, cắt một lỗ tai, chặt đứt một tay và một chân. Lúc ấy, người này hình dung đổi lạ, ai nấy đều chê ghét. Thiện nam tử! Người ta cũng như thế, trước thời dung mạo đoan nghiêm, tai mắt đầy đủ, đến khi đã bị bệnh khổ vây quanh bức bách thì mọi người đều ghét bỏ, chê bai.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như những loại cây chuối, cây tre, cây lau, cây sậy, con la, khi có trái hoặc có con thì phải chết. Thiện nam tử! Người ta cũng thế, có bệnh thì phải chết.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như vua Chuyển luân, vị đại thần cầm quân thường ở phía trước, còn vua đi phía sau. Lại như vua cá, vua kiến, vua ốc, vua trâu cùng vị thương chủ thì đi phía trước, trong khi cả đoàn đều theo sau, không hề rời bỏ. Thiện nam tử! Vua chết cũng thế, thường theo sau vị đại thần là bệnh, chẳng hề rời bỏ. Cũng như các vị vua cá, vua kiến, vua ốc, vua trâu cùng vị thương chủ, vua bệnh thường đi trước và đoàn chết luôn theo sau.

“Ca-diếp! Nhân duyên của bệnh là khổ não, lo rầu, buồn nản, thân tâm chẳng yên, hoặc bị kẻ oán thù, giặc cướp bức bách, làm hại, phá hoại phao nổi, rút bỏ cầu cống, cũng có thể cướp mất căn bản chánh niệm, lại có thể phá hoại sắc đẹp, sức mạnh, sự yên vui của tuổi tráng niên, trừ bỏ lòng hổ thẹn, có thể làm cho thân tâm trở nên nóng nảy, bứt rứt.

“Bởi những thí dụ ấy và vô số những thí dụ khác, nên biết rằng bệnh khổ là nỗi khổ rất lớn.

“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét bệnh là khổ.

“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự chết là khổ? Gọi là chết đó, là có thể đốt cháy, tiêu diệt.

“Ca-diếp! Như nạn lửa nổi lên có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ cảnh trời Nhị thiền sức lửa chẳng tới. Thiện nam tử! Lửa chết cũng vậy, có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, thế lực nó chẳng tới.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như nạn lụt nổi lên, tất cả đều bị cuốn trôi, nhấn chìm, chỉ trừ cảnh trời Tam thiền, sức nước chẳng tới. Thiện nam tử! Trận lụt chết cũng thế, nó cuốn trôi, nhấn chìm tất cả, chỉ trừ Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như nạn gió bão nổi lên, có thể thổi bay tất cả, làm cho tiêu tan, diệt mất, chỉ trừ cảnh trời Tứ thiền, sức gió chẳng tới. Thiện nam tử! Cơn bão chết cũng thế, nó thổi bay mất hết thảy mọi vật đang có, chỉ trừ Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Cảnh trời Tứ thiền đó, do nhân duyên gì mà gió không thể thổi, nước không thể trôi, lửa không thể cháy?”

Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Cảnh trời Tứ thiền đó, trong ngoài đều dứt sạch hết thảy mọi lỗi lầm, tai họa. Thiện nam tử! Chỗ lỗi lầm tai họa ở cảnh trời Sơ thiền là bên trong có giác quan, bên ngoài có nạn lửa. Chỗ lỗi lầm tai họa ở cảnh trời Nhị thiền là bên trong có sự vui mừng, bên ngoài có nạn lụt. Chỗ lỗi lầm tai họa ở cảnh trời Tam thiền là bên trong có hơi thở gấp, bên ngoài có nạn gió bão.

“Thiện nam tử! Cảnh trời Tứ thiền đó, trong ngoài đều dứt sạch hết thảy mọi lỗi lầm, tai họa. Cho nên các nạn [gió, nước, lửa đều] không thể tới. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như thế, nhờ trụ yên ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn cho nên mọi lỗi lầm, tai họa trong ngoài đều dứt sạch. Vì vậy nên vua chết chẳng tới được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như chim kim sí có thể nuốt vào và tiêu hóa hết thảy những loài rồng, cá, vàng, bạc cùng mọi vật báu khác, chỉ trừ chất kim cang là không thể tiêu hóa. Thiện nam tử! Cái chết cũng như chim kim sí kia, có thể nuốt vào và tiêu hóa tất cả chúng sanh, nhưng không thể tiêu được vị Bồ Tát ma-ha-tát trụ yên nơi Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như ven bờ sông có các loại cây cỏ, gặp trận nước lụt tràn qua, thảy đều trôi dạt, bị cuốn vào biển cả, chỉ trừ cây dương liễu, nhờ cây ấy mềm dẻo. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh lại cũng như thế, thảy đều cuốn theo dòng nước trôi vào biển chết, chỉ trừ Bồ Tát trụ nơi Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như [vị lực sĩ cõi trời là] na-la-diên có thể khuất phục hết thảy các lực sĩ khác, chỉ trừ cơn gió lớn mà thôi. Vì sao vậy? Vì không có chướng ngại. Thiện nam tử! Cái chết cũng như vị na-la-diên kia, có thể khuất phục hết thảy chúng sanh, chỉ trừ Bồ Tát trụ nơi Đại thừa Đại Bát Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì không có chướng ngại.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như có người kia đối với kẻ mình oán thù căm ghét lại giả làm ra vẻ thân thiện, thường theo đuổi như bóng với hình, rình rập chờ lúc thuận tiện để giết. Nhưng kẻ oán thù ấy thật cẩn thận, phòng bị chắc chắn, nghiêm ngặt, làm cho người kia không thể nào giết được. Thiện nam tử! Cái chết cũng như người có oán thù kia, thường rình rập chúng sanh, chờ dịp để giết, chỉ không giết được vị Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị Bồ Tát này không bao giờ lười nhác, buông thả phóng túng.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như [khi trời] thình lình đổ xuống trận mưa lớn bằng chất kim cang, ắt sẽ làm hư hoại mọi loài cây thuốc, cây cối nơi rừng núi, đất, cát, ngói gạch, sỏi đá, vàng, bạc, lưu ly, hết thảy mọi vật, chỉ không thể làm hư hoại chất kim cang thật. Thiện nam tử! Cái chết cũng như trận mưa kim cang kia, có thể phá hoại tất cả chúng sanh, chỉ trừ bậc Bồ Tát kim cang trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như chim kim sí, có thể ăn thịt cả loài rồng, chỉ không thể ăn thịt những chúng sanh nào đã thọ Tam quy y. Thiện nam tử! Cái chết cũng như chim kim sí kia, có thể ăn được hết thảy vô lượng chúng sanh, chỉ trừ vị Bồ Tát trụ ở ba phép định. Những gì là ba phép định? Đó là [các pháp]: không, vô tướng và vô nguyện.

“Lại nữa, Ca-diếp! Như con rắn độc ma-la, những ai đã bị nó cắn thì dù có thần chú, thuốc hay mầu nhiệm nhất cũng không cứu chữa được! Chỉ có tinh chú A-kiệt-đa mới có thể chữa khỏi. Nọc độc của cái chết cũng vậy, hết thảy mọi phương thuốc đều vô hiệu! Chỉ trừ sức chú thuật của Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như có người bị vua giận, nếu biết dùng lời dịu ngọt, hiền hòa cùng với của cải, vật quý mà dâng lên vua thì có thể thoát tội. Thiện nam tử! Cái chết chẳng giống như vua kia, cho dù có đem lời dịu ngọt, cùng với tiền tài, trân bảo mà dâng lên, cũng chẳng thoát được.

“Thiện nam tử! Người nhận lấy cái chết tức là đang ở nơi tai nạn nguy hiểm mà không có chút tiền của, lương thực nào; phải đi đến chỗ xa xôi diệu vợi mà không có bạn đồng hành, đi suốt ngày đêm mà chẳng biết đâu là bờ bến, sâu thẳm, u ám, chẳng có ánh đèn, không có cửa vào nhưng thật có xứ sở; tuy không có chỗ đau nhưng không thể điều trị, đi lại không ai ngăn cản nhưng rốt cùng không thể thoát; không có chỗ phá hoại nhưng ai thấy cũng buồn lo, căm giận; chẳng phải là hình sắc dữ tợn nhưng khiến người sợ sệt; lộ rõ bên mình mà không thể hay biết.

“Ca-diếp! Vì những thí dụ ấy và vô số thí dụ khác, nên biết rằng sự chết thật là nỗi khổ rất lớn. Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự chết là khổ.

“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự yêu mến phải lìa xa là khổ? Nỗi khổ phải lìa xa chỗ yêu mến đó có thể là căn bản của mọi nỗi khổ, như bài kệ ta thuyết đây:

“Yêu mến sanh lo buồn,
Yêu mến sanh sợ hãi,
Nếu lìa bỏ yêu mến,
Còn lo gì, sợ gì?”

“Do nhân duyên ái luyến, ắt phải sanh ra lo rầu, khổ não. Do lo rầu, khổ não, ắt phải khiến cho chúng sanh trở nên già yếu. Khổ vì phải lìa xa chỗ yêu mến là nói khi mạng sống đã hết. Thiện nam tử! Do nơi sự biệt ly mà có thể phát sanh đủ mọi khổ não nhỏ nhặt khác. Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt nói rõ.

“Thiện nam tử! Vào thời quá khứ, người ta sống lâu vô lượng. Bấy giờ, ở thế gian có một vị vua tên là Thiện Trụ. Vua ấy từ lúc còn thơ ấu, lớn lên làm thái tử lo việc cai trị, cho đến lúc lên ngôi vua, cả thảy là tám vạn bốn ngàn năm. Bấy giờ, trên đỉnh đầu vua bỗng mọc lên một bướu thịt. Bướu ấy mềm nhuyễn như bông đâu-la-miên, loại bông mềm nhuyễn nhất thế gian. Bướu dần dần lớn lên nhưng không đau nhức chi cả. Khi đủ mười tháng, bướu ấy tự vỡ, sanh ra một bé trai hình dung kỳ lạ, đoan chánh chẳng ai sánh bằng, hình sắc dáng vẻ phân biệt rõ ràng, bậc nhất trong nhân loại. Vua cha lấy làm vui sướng, đặt tên [cho đứa con kỳ lạ ấy] là Đỉnh Sanh.

“Về sau, vua Thiện Trụ đem việc nước mà giao phó cho Đỉnh Sanh, rồi lìa bỏ cung điện, vợ con, quyến thuộc, vào núi học đạo tu hành trọn tám vạn bốn ngàn năm.

“Một hôm, nhằm ngày rằm, Đỉnh Sanh ở trên lầu cao, tắm gội thọ trai. Bỗng đâu từ phương đông có một bánh xe báu bằng vàng hiện ra. Bánh xe ấy có một ngàn cây nan hoa và có đủ các bộ phận, tự nhiên hình thành mà không phải do bàn tay thợ làm ra. Bánh xe ấy hiện ra rồi lại tự nhiên bay đến trước mặt vua Đỉnh Sanh.

“Đại vương Đỉnh Sanh liền nghĩ rằng: ‘Từ trước, ta từng nghe những vị tiên nhân đạt được Ngũ thông nói rằng: Nếu vị vua dòng sát-đế-lợi, nhằm ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội thọ trai, có bánh xe báu bằng vàng có một ngàn cây nan hoa và có đủ các bộ phận, tự nhiên hình thành mà không phải do tay thợ làm ra, tự nhiên bay đến ứng hầu, nên biết rằng vua ấy sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương.’

“Vua lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên thử xem.’ Vua liền lấy tay trái nâng bánh xe vàng ấy lên. Kế đó, tay mặt cầm lư hương, quỳ xuống phát lời nguyện rằng: ‘Nếu bánh xe vàng này là thật, chẳng phải hư dối, thì xin hãy tự đi một đường như những bánh xe của các vị Chuyển luân Thánh vương trong quá khứ đã đi.’

“Vua phát nguyện xong, bánh xe bằng vàng ấy liền bay lên hư không, đi khắp mười phương và trở về trụ nơi bàn tay trái của vua. Lúc ấy, vua Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng phấn khích, liền nói rằng: ‘Nay ta chắc rằng sẽ làm được Chuyển luân Thánh vương.’

“Sau đó chẳng lâu, lại có con bạch tượng quý báu hiện ra, hình dung đoan nghiêm như hoa sen trắng, chân, ngà và vòi voi đều chấm đất. Vua Đỉnh Sanh liền nghĩ rằng: ‘Từ trước, ta từng nghe những vị tiên nhân đạt được Ngũ thông nói rằng: Nếu vị vua dòng sát-đế-lợi, nhằm ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội thọ trai, có bạch tượng quý báu hình dung đoan nghiêm như hoa sen trắng, chân, ngà và vòi voi đều chấm đất, hiện ra ứng hầu, nên biết rằng vua ấy sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương.’

Vua lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên thử xem.’ Vua liền nâng lư hương, quỳ xuống phát lời nguyện rằng: ‘Nếu bạch tượng quý báu này là thật, chẳng phải hư dối, hãy đi một đường như những bạch tượng của các vị Chuyển luân Thánh vương trong quá khứ đã đi.’

“Vua phát nguyện xong, bạch tượng ấy liền ra đi từ sáng đến chiều, đủ khắp tám phương, đến tận bờ biển cả, rồi trở về đứng ở chỗ cũ. Lúc ấy, vua Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng thích ý, liền nghĩ rằng: ‘Nay ta chắc sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương.’

“Sau đó chẳng lâu, lại có con ngựa báu màu xanh biếc tuyệt đẹp, lông đuôi màu vàng ròng [hiện đến]. Đỉnh Sanh thấy vậy rồi, lại nghĩ rằng: ‘Từ trước ta từng nghe những vị tiên nhân đạt được Ngũ thông nói rằng: Nếu có vua Chuyển luân, vào ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội thọ trai, bỗng có con ngựa quý màu xanh biếc tuyệt đẹp, lông đuôi màu vàng ròng, hiện đến ứng hầu, nên biết rằng vua ấy tức là Thánh vương.’

“Vua lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên thử xem.’ Vua liền nâng lư hương, quỳ xuống phát nguyện rằng: ‘Nếu ngựa quý màu xanh biếc này là thật, chẳng phải hư dối, hãy đi một đường như những ngựa quý của các vị Chuyển luân Thánh vương trong quá khứ đã đi.’ Vua phát lời nguyện ấy rồi, ngựa quý liền ra đi từ sáng tới chiều, đi khắp tám phương, đến tận bờ biển cả, rồi trở về đúng chỗ cũ. Lúc ấy, Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng phấn khích, liền nói rằng: ‘Nay ta chắc rằng sẽ được làm bậc Chuyển luân Thánh vương.’

“Sau đó chẳng bao lâu, lại có một mỹ nhân hình dung đoan chính, xinh đẹp bậc nhất, không cao không thấp, chẳng trắng chẳng đen. Từ các lỗ chân lông trên thân cô lại tỏa ra mùi hương chiên-đàn, trong miệng bay ra mùi thơm như hoa sen xanh. Mắt cô có thể nhìn xa đến một do-tuần, tai cũng có thể nghe xa, mũi cũng có thể ngửi xa đến như vậy. Lưỡi cô lớn rộng, khi thè ra có thể che trùm cả khuôn mặt, hình thể da dẻ mịn màng xinh đẹp, có màu như đồng đỏ. Mỹ nhân ấy lại thông minh sáng suốt, đối với chúng sanh thường nói lời êm dịu. Khi cô dùng tay sờ vào áo vua, liền có thể biết được thân vua đang an vui hay có bệnh, lại có thể biết được trong lòng vua đang nghĩ đến những điều gì. Lúc ấy, vua Đỉnh Sanh lại nghĩ rằng: ‘Nếu có người mỹ nhân khéo biết được trong lòng vua, ấy là báu vật vô giá.’

“Rồi sau đó chẳng bao lâu, trong cung vua tự nhiên xuất hiện hạt châu ma-ni quý báu, có màu xanh thuần như lưu ly, lớn bằng bắp đùi người, có thể ở trong chỗ tối chiếu ra ánh sáng xa đến một do-tuần. Nếu khi trời đổ mưa, hạt mưa lớn như trục bánh xe, hạt châu ấy có thể hóa ra cây lọng quý che khắp một do tuần, chẳng để cho hạt mưa nào có thể rơi xuống trong khoảng ấy. Bấy giờ, Đỉnh Sanh lại nghĩ rằng: ‘Như vua Chuyển luân mà được hạt châu này, ắt phải là Thánh vương.’

“Sau đó chẳng bao lâu, lại có vị quan Chủ tạng thần tự nhiên xuất hiện. Vị ấy có nhiều của cải trân bảo, giàu có vô lượng, kho báu đầy tràn, không thiếu món chi. Vị ấy có cặp mắt nhìn thấu suốt bên dưới lòng đất, thấy được kho tàng ẩn khuất ở mọi nơi, tùy ý vua cần dùng bao nhiêu, vị ấy đều có thể liệu kiếm được đủ cho vua dùng.

“Lúc ấy, Đỉnh Sanh lại muốn thử xem. Vua liền cùng ngồi thuyền với vị Chủ tạng thần ấy đi ra biển cả, bảo rằng: ‘Nay ta muốn có những món trân bảo lạ.’ Nghe xong, vị Chủ tạng thần liền lấy hai bàn tay mà khuấy nước biển. Lúc ấy, nơi mười đầu ngón tay của vị ấy bỗng xuất hiện mười kho báu, người dâng lên Thánh vương và tâu rằng: ‘Đại vương cần những thứ chi, xin tuỳ ý dùng. Còn dư bao nhiêu, xin trả lại biển cả.’ Lúc ấy, Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng phấn khích vô cùng, lại nói rằng: ‘Nay ta chắc chắn rằng ta sẽ là Chuyển luân Thánh vương.’

“Sau đó chẳng bao lâu, lại có vị quan Chủ binh thần tự nhiên xuất hiện. Vị này dũng mãnh thao lược, mưu trí bậc nhất, khéo biết sử dụng cả bốn loại quân. Khi nhận trách nhiệm chiến đấu, ắt Thánh vương xuất hiện. Nếu không nhận trách nhiệm chiến đấu, liền rút lui chẳng hiện. Đối với những người chưa khuất phục, có thể làm cho khuất phục, đối với những người đã khuất phục, có thể đủ sức bảo vệ, giữ gìn.

“Bấy giờ, vua Đỉnh Sanh nghĩ rằng: ‘Nếu vua Chuyển luân được quân đội quý báu này, chắc chắn phải là Chuyển luân Thánh vương.’

“Một hôm, Chuyển luân Thánh vương Đỉnh Sanh hỏi các đại thần rằng: ‘Các khanh nên biết là cõi Diêm-phù-đề này đã được an ổn, phồn thạnh. Nay trẫm có đủ bảy món báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’

“Các quan tâu lên rằng: ‘Đại vương, Phất-bà-đề ở phương đông chưa qui thuận uy đức của ngài, nên đến đó thảo phạt.’

“Lúc ấy, Thánh vương cùng với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay lên hư không mà đến cõi Phất-bà-đề ở phương đông. Ở châu ấy, nhân dân thảy đều vui lòng qui thuận.

“Vua lại hỏi các đại thần rằng: ‘Châu Diêm-phù-đề và châu Phất-bà-đề đã được an ổn, phồn thạnh, nhân dân thảy đều qui thuận. Trẫm có đủ bảy báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’

“Các quan lại tâu rằng: ‘Đại vương, Cồ-đà-ni ở phương tây hãy còn chưa quy thuận đức lớn của ngài.’ Lúc ấy, Thánh vương với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay trên hư không mà đến Cồ-đà-ni ở phương tây. Khi vua ngự tới đó rồi, nhân dân cõi ấy cũng quy phục đức lớn của ngài.

“Vua lại hỏi các đại thần rằng: ‘Châu Diêm-phù-đề, châu Phất-bà-đề và châu Cồ-đà-ni nay đều được an ổn, phồn thạnh, nhân dân thảy đều quy thuận. Trẫm có đủ bảy báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’

“Các quan tâu rằng: “Đại vương! Uất-đan-việt ở phương bắc hãy còn chưa qui thuận.”

“Lúc ấy, Thánh vương với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay lên hư không mà đến châu Uất-đan-việt ở phương bắc. Khi vua ngự tới đó rồi, nhân dân ở cõi ấy đều vui lòng qui thuận đức lớn của ngài.

“Vua lại phán với các đại thần rằng: ‘Bốn cõi thiên hạ đều được an ổn, phồn thạnh, nhân dân thảy đều qui thuận đức lớn của ta. Ta có đủ bảy báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’

“Các quan đáp rằng: ‘Thánh vương! Ở cõi trời Ba mươi ba mạng sống của chư thiên rất lâu dài, an ổn, khoái lạc. Chư thiên ở đó thân hình đoan nghiêm không chi sánh bằng. Cung điện mà họ ở, giường ngủ, ghế ngồi đều toàn bằng bảy món báu. Họ dựa vào phước lực cõi trời nên chưa chịu đến quy hóa. Nay có thể đến đó mà làm cho họ khuất phục.’

“Lúc ấy, Thánh vương lại cùng với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay lên hư không, lên tới cung trời Đao-lợi, nhìn thấy một cái cây màu xanh lục. Thánh vương liền hỏi các đại thần rằng: ‘Đó là màu sắc gì vậy?’ Đại thần đáp rằng: ‘Đó là màu sắc của cây ba-lợi-chất-đa-la. Chư thiên ở cõi trời Đao-lợi này, trong ba tháng mùa hạ thường vui chơi dưới cội cây ấy.’

“Lại thấy màu trắng dường như mây bạc, vua hỏi đại thần rằng: ‘Đó là màu sắc gì vậy?’ Đại thần đáp: ‘Là màu sắc của Thiện pháp đường. Chư thiên ở Đao-lợi thường họp nhau trong đó, luận bàn việc ở cõi trời và cõi người.’

“Lúc ấy vị Thiên chủ Thích-đề-hoàn-nhân biết rằng vua Đỉnh Sanh đã đến ở bên ngoài, bèn ra nghinh tiếp. Gặp nhau rồi, nắm tay cùng lên Thiện pháp đường, phân chỗ mà ngồi.

“Lúc ấy, hai vua hình dung tướng mạo y hệt như nhau, duy chỉ cặp mắt có phần hơi khác nhau thôi. Ngay lúc ấy, Thánh vương khởi ý nghĩ rằng: ‘Nay ta có nên từ bỏ ngôi vua kia mà ở lại đây làm Thiên vương chăng?’

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ Đế-thích thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại thừa, lại vì người khác mà mở mang, chỉ bảo, phân biệt giảng nói, chỉ đối với nghĩa lý sâu xa chưa thông đạt đến mức cùng tột mà thôi. Nhờ sức nhân duyên của việc thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà phân biệt giảng rộng [kinh điển Đại thừa] nên có oai đức rất lớn.

“Thiện nam tử! Vì Đỉnh Sanh đối với Đế-thích sanh khởi lòng xấu ác nên liền bị đọa lạc, [lập tức] rơi trở lại cõi Diêm-phù-đề, ôm lòng nhớ tưởng sự chia lìa giữa cõi người và cõi trời mà phát sanh khổ não rất lớn. Sau lại mắc bệnh nặng, liền phải bỏ mạng.

“Đế-thích lúc bấy giờ tức là Phật Ca-diếp sau này, còn Chuyển luân Thánh vương thuở ấy tức là tiền thân của ta.

“Thiện nam tử! Nên biết rằng cái khổ yêu mến phải chia lìa đó thật là khổ lớn. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát còn nhớ tới những nỗi khổ vì chia lìa ấy trong các đời quá khứ của mình, huống chi Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn mà chẳng quán xét nỗi khổ yêu mến phải chia lìa trong đời hiện tại này sao?

“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự khổ vì oán ghét phải gặp nhau? Thiện nam tử! Vị Bồ Tát ma-ha-tát ấy nhìn thấy ở các cõi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cõi người, cõi trời, thảy đều có sự khổ vì oán ghét phải gặp nhau.

“Ví như người ta xét thấy những cảnh trói giam, gông cùm nơi lao ngục là khổ lớn, Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như vậy, xét thấy tất cả muôn loài thọ sanh trong năm đường đều là nỗi khổ lớn vì phải gặp gỡ người mình oán ghét.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có một người kia thường sợ sự gông cùm, xiềng khóa của kẻ oán thù, bèn lìa bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, trân bảo, sản nghiệp mà trốn đi xa. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như vậy, vì sợ sệt sanh tử bèn tu hành trọn vẹn sáu pháp ba-la-mật, vào nơi Niết-bàn.

“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn quán xét việc oán ghét phải gặp nhau là khổ.

“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hành kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn quán xét việc mong cầu không được là khổ? Nói mong cầu đó là mọi thứ đều dốc lòng cầu. Dốc lòng cầu có hai trường hợp: một là cầu pháp lành, hai là cầu pháp chẳng lành. Pháp lành chưa đạt được là khổ, pháp chẳng lành chưa dứt bỏ được là khổ.

“Đó là lược nói qua về năm ấm bạo phát là khổ. Ca-diếp! Đó gọi là Khổ đế.”

Lúc ấy Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa nói về cái khổ năm ấm bạo phát, nghĩa ấy không thích hợp. Vì sao vậy? Trước đây Phật có nói với Thích-ma-nam rằng: ‘Nếu hình sắc là khổ thì hết thảy chúng sanh chẳng nên cầu hình sắc. Nếu có người cầu, tức không gọi là khổ.’

“Lại như Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Có ba loại cảm thọ: cảm thọ khổ, cảm thọ vui, và cảm thọ không vui không khổ.’

“Lại như trước đây Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Nếu có người biết tu hành theo pháp lành, ắt được hưởng sự vui thích.’

“Lại như Phật có dạy: ‘Trong thiện đạo có sáu sự xúc chạm tạo ra vui thích, như mắt thấy hình sắc đẹp liền sinh lòng vui thích. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý đối với các pháp tốt đẹp tương ứng cũng vậy.’

“Như Phật có thuyết kệ rằng:

“Giữ giới ắt được vui,
Thân không chịu các khổ,
Giấc ngủ được yên ổn,
Khi thức lòng vui vẻ.
Như lúc lãnh áo cơm,
Tụng tập rồi kinh hành,
Cô độc nơi rừng núi,
Như vậy là vui nhất!
Nếu đối với chúng sanh,
Ngày đêm thường tu từ,
Nhân đó thường được vui,
Vì không tổn hại ai.
Ít muốn, biết đủ, vui,
Nghe nhiều rõ biết, vui,
La-hán không đắm chấp,
Cũng gọi là được vui.
Bồ Tát ma-ha-tát,
Rốt cùng đến bờ kia,
Mọi việc đã làm xong,
Gọi là vui bậc nhất.

“Bạch Thế Tôn! Như trong các kinh nói về tướng vui thích, ý nghĩa là như vậy. Nay như Phật vừa nói đó, làm sao phù hợp với nghĩa ấy?”

Phật dạy Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông thật khéo hỏi Như Lai nghĩa ấy! Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh khi chịu ít khổ hơn liền sanh ra tư tưởng trái ngược cho là vui sướng. Cho nên tướng khổ mà hôm nay ta thuyết dạy so về căn bản cũng không khác biệt.”

Lúc ấy Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Như Phật dạy rằng chúng sanh khi chịu ít khổ hơn liền sanh ra tư tưởng cho là vui sướng, vậy thì những sự ít khổ khác như già, bệnh, chết, yêu mến phải lìa xa, mong cầu không được, oán ghét phải gặp nhau, năm ấm bạo phát, lẽ ra cũng đều có chỗ vui sướng.

“Bạch Thế Tôn! Sanh nơi thấp kém, đó là nói Ba cảnh dữ. Sanh nơi trung bình, đó là nói cõi người. Sanh nơi cao quý, đó là nói cõi trời. Như có người lại hỏi: ‘Nếu khi được ít vui lại sanh ra tư tưởng cho là khổ, được vui sướng trung bình sanh ra tư tưởng cho là không khổ không vui, được vui sướng nhiều liền sanh ra tư tưởng cho là vui sướng.’ Vậy phải trả lời như thế nào?

“Bạch Thế Tôn! Như nói khi chịu ít khổ hơn mà sanh ra tư tưởng cho là vui sướng, con chưa từng thấy có người nào sắp phải chịu đánh ngàn lần mà khi bị đánh một lần đầu lại sanh ra tư tưởng vui sướng! Nếu chẳng sanh tư tưởng ấy, sao nói rằng khi chịu ít khổ hơn liền sanh ra tư tưởng vui sướng?”

Phật bảo Ca-diếp: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Vì nghĩa ấy nên không có cái tư tưởng vui sướng. Vì sao vậy? Cũng như người kia, sắp phải chịu đánh một ngàn lần, nhưng vừa chịu đánh xong một lần liền được giải thoát. Lúc đó, người ấy liền sanh tư tưởng vui sướng. Cho nên biết rằng, [người ấy] đối với việc không vui sướng mà sai lầm sanh ra tư tưởng vui sướng.”

Ca-diếp nói: “Bạch Thế Tôn! Người ấy không phải vì chịu đánh một lần mà phát sanh tư tưởng vui sướng, chính là vì được thoát [khỏi những lần còn lại] nên sanh ra tư tưởng vui sướng.”

Phật dạy: “Ca-diếp! Cho nên ngày xưa ta vì Thích-ma-nam mà dạy về sự vui sướng trong năm ấm, chẳng phải lời hư dối.

“Ca-diếp! Có ba sự cảm thọ và ba sự khổ. Ba sự cảm thọ là: cảm thọ vui sướng, cảm thọ đau khổ, cảm thọ không vui không khổ. Ba sự khổ là: khổ vì sự khổ, khổ vì các hành và khổ vì sự hư hoại.

“Thiện nam tử! Cảm thọ đau khổ đó là [chịu đựng đủ] ba sự khổ: khổ vì sự khổ, khổ vì các hành và khổ vì sự hư hoại. Còn hai cảm thọ kia là khổ vì các hành và khổ vì sự hư hoại.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy nên giữa chốn sanh tử thật có cảm thọ vui sướng. Bậc Đại Bồ Tát thấy rõ tánh thật của khổ đau và vui sướng chẳng hề lìa nhau nên mới dạy rằng: ‘Tất cả đều là khổ.’

“Thiện nam tử! Giữa chốn sanh tử thật không có gì là vui sướng. Chỉ vì chư Phật, Bồ Tát tùy thuận thế gian nên dạy rằng có vui sướng.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu chư Phật và Bồ Tát tùy thuận thế tục mà nói thì đó có phải là hư vọng chăng? Như Phật có dạy: ‘Tu hành điều thiện, ắt hưởng quả báo vui sướng; giữ giới thì được an vui, thân không chịu khổ; cho đến làm xong mọi việc thì đó là sự vui sướng tột bực. Những kinh như vậy nói về sự cảm thọ vui sướng, có phải là hư dối chăng? Nếu là hư dối, thì chư Phật Thế Tôn tu đạo Bồ-đề trong vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp lâu xa, đã lìa bỏ sự nói dối, nay lại nói ra như vậy là ý nghĩa gì?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như trên đã nói, bài kệ giảng về những cảm thọ vui sướng tức là căn bản của đạo Bồ-đề, lại cũng có thể nuôi lớn quả vị Chánh đẳng chánh giác. Bởi nghĩa ấy nên trước đây trong kinh ta có nói về tướng vui sướng như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như ở thế gian, những thứ cần đến trong đời sống có thể là nguyên nhân của vui sướng, nên gọi đó là vui sướng. Những thứ ấy là: sắc đẹp phụ nữ, rượu ngon, món ăn thịnh soạn, vị ngọt, lúc khát gặp nước uống, lúc lạnh gặp lửa ấm, áo quần, vòng chuỗi, voi ngựa, xe cộ, tôi trai tớ gái, vàng bạc, lưu ly, san hô, chân châu, kho lẫm lúa thóc... Những thứ như vậy là chỗ cần đến của thế gian, có thể là nguyên nhân của vui sướng, cho nên gọi là vui sướng.

“Thiện nam tử! Những thứ như vậy lại cũng có thể sanh ra đau khổ. Do người phụ nữ mà làm cho người đàn ông sanh ra những sự đau khổ, lo buồn, than khóc, cho đến bỏ mạng. Do nơi rượu ngon, món ăn thịnh soạn... hết thảy các thứ cho đến kho lẫm lúa thóc... mà làm cho người ta sanh mối lo lắng buồn phiền lớn. Vì nghĩa ấy, hết thảy đều là khổ, thật không có tướng vui sướng.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát đối với tám nỗi khổ, biết rõ là khổ nên không có khổ.

“Thiện nam tử! Hết thảy hàng Thanh văn, Bích-chi Phật chẳng biết nguyên nhân của vui sướng. Vì những người như vậy nên ở trong chỗ ít khổ mà nói là có tướng vui sướng. Chỉ có Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn mới có thể rõ biết nguyên nhân của đau khổ và nguyên nhân của vui sướng như vậy.

Chapter Nineteen: On Holy Actions

Also, next, O good man! The holy actions of the Bodhisattva-mahasattvas are what they do in observing the body from head to foot. And these are: hair, nails, teeth, impurities, dirt, skin, flesh, sinews, bones, spleen, kidneys, heart, lungs, liver, intestines and stomach, i.e. stomach and large intestines, faeces, urine, spittle, tears, fat, membrane, marrow, pus, blood, skull, and all the veins. When the Bodhisattva thus observes things, who [here] can be the Self, or to whom can the Self belong? Where does it live and who can belong to the Self? Also, he thinks: "Is the bone the Self? Or is what is other than bone the Self?" The Bodhisattva then meditates, and excludes the skin and flesh. What he sees is white bone. He also thinks: " The colour of bone is various: blue, yellow, white, dove-colour." Thus what the bone displays is not "I". Why not? Because the Self is not blue, yellow, white or dove-colour. As the Bodhisattva meditates thus, with full mind, he is away from all desire for what is physical. Also, he thinks: " Such bone comes about from causal relations [causal constellations, causal concatenations]. The foot- bone supports the ankle-bone; the ankle-bone supports the calf-bone; the calf-bone supports the knee-bone, the knee-bone supports the thigh-bone; the thigh-bone supports the rump-bone; the rump-bone supports the loin-bone; the loin-bone supports the backbone; the backbone supports the rib-bones. Also, the backbone supports the bone of the nape; the bone of the nape supports the chin-bone [jaw]; the chin-bone supports the canine and other teeth. And above that there is the skull. Also, the bone of the nape supports the shoulder-blade; the shoulder-blade supports the bone of the upper arm; the bone of the upper arm supports the bone of the lower arm; the bone of the lower arm supports the wrist-bone; the wrist-bone supports the finger-bone. When the Bodhisattva-mahasattva thus meditates, all the bones of the body dispart [separate out]. Having thus meditated, the Bodhisattva cuts off the three desires: for facial form, for bodily form, and for minor touches.

"When the Bodhisattva-mahasattva thus meditates on the blue bones, he sees the earth look all blue to the east, west, south, north, up and down, and the four corners. The same is the case with the meditations on the colours of yellow, white, and dove as with the meditation on the colour blue. When the Bodhisattva-mahasattva thus meditates, from his brow issues forth the fragrance of the colours of blue, yellow, white, and dove-colour. The Bodhisattva sees in each of the lights the form of the Buddha. Having seen the Buddha, he asks: "Something such as this body of mine comes about from a combination of impurities. How could we sit and stand, walk and stop, bend and look up, see and wink, pant and breathe, grieve and weep, be happy and laugh? There is none that rules over [the body]. What causes things to be thus?" As he thus thinks, all the Buddha figures disappear from the lights. Also, he thinks: "Or consciousness might be my Self. That is why the Buddhas will not speak to me." Again, as he meditates on consciousness, he sees that things gradually disappear, as in the case of running water. So, this is not one's Self. Also, he thinks: "Now, this in-and-out breathing of mine is nothing but of the nature of the wind. The nature of the wind is nothing but one of the four great elements. Which of the four great elements can be my Self? The natures of water, fire and wind, too, are not my Self." Also, he thinks: "With this body of mine, there is nothing that could be called Self. Only the causal relations of the wind of mind join things together and there are various works and things. For example, this is as in the case of charms or tricks, or the sound of the harp that comes out followoing the wind of the mind of the one who plays. Thus is this body impure. Various causal relations join together and things go thus. For what might we have greed? If one bears ill-speaking, how could there arise anger? It would seem that the 36 things [i.e. the 36 defilements that a human body possesses] of my body are nothing but what is impure and defiled. Where can there be one who has to bear ill-speaking? When one is spoken ill of, one may well think: "Whose voice is it that thus speaks ill of [me]? No one’s voice can be the one that speaks ill of [me]. If one person does not speak ill, the same applies to many voices. For this reason, one should not get angry." When other persons come and beat one up, one should think: " From where comes this beating?" Also, one might think: " When hands, the sword or staff come into contact with my body, we say that we get beaten. How could we ever get angry at others? This shows that I myself have invited the sin of my own accord. This comes from the fact that I have this body of the five skandhas. This is as in the case of a target which an arrow can hit, and there comes about [such] hitting. The same is the case with this body of mine. As I have a body, there is [the possibility of] a beating. If I do not bear down [upon it], my mind will break up. If my mind gets dispersed, I shall lose my right mind. If I lose my right mind, I may not be able to see what is good and what is not. If I cannot distinguish good and not-good in a thing, I shall do evil. Evil done will take one to the realms of hell, animals and hungry ghosts."

"The Bodhisattva-mahasattva, having done this meditation, attains the four remem-brances. As he gains the four remembrances, he now can live in the forbearance soil [“bhumi”]. As the Bodhisattva-mahasattva attains this state, he bears down upon greed, anger and ignorance; also, he is able to stand the cold, heat, hunger, thirst, mosquitoes, gadflies, fleas, lice, storms, impure meals [meals made impure by being touched by others’ hands], illness, plague, ill-speaking, abuse, beatings, and slashings with thorns. He will bear down upon all the pains and worries of the body. That is why we say that he lives in the forbearance soil."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! When the Bod- hisattva as yet does not dwell in the immovable soil, but upholds purity, could he, if the occasion arose, break the precepts or not?" " O good man! When the Bodhisattva has not yet attained the state of the immovable soil, he may well break the precepts when the occasion arises."

Kasyapa said: "So it is, indeed! O World-Honoured One! Who can be such a person?" The Buddha said to Kasyapa: " The Bodhisattva may have occasion to transgress against the precepts if he knows that he can indeed make others possess the Mahayana sutras, make them like them, understand, copy and expound them widely to others, and make them attain unsurpassed

Enlightenment and not retrogress from it. On such an occasion, he may well transgress the precepts. At that time, the Bodhisattva will think: "Even though I may fall into Avichi Hell for a kalpa or less and may have to expiate my sin there, I shall surely make this person attain unsurpassed Enlightenment and not retrogress therefrom" . O Kasyapa! In such circumstances, the Bodhisattva-mahasattva may transgress against the purity of the precepts."

Then Bodhisattva Manjushri said to the Buddha: "Any Bodhisattva who takes in such persons, protects them, and makes them aspire to Enlightenment and makes them not retrogress from it and who, for this purpose, transgresses against the precepts, cannot fall into Avichi Hell." At that, the Buddha praised Manjushri, saying: "Well said, well said! I recall that in days gone by I was born in Jambudvipa as a great king named Senyo. He loved the Mahayana sutras and respected them. He was pure and good, and there was no coarseness in him; no jealousy, no stinginess could find any room inside him. What issued forth from him was loving words, words that spoke of good. He always protected the poor and the lonely; with him there was no end of giving and of making effort. At that time, there was no Buddha, no sravakas and pratyekabuddhas. I, at that time, loved the Mahayana vaipulya sutras. For 12 years I served the Brahmins, catering fully to their needs. After that, when giving and peace had been gained, I said: "O you teachers! You should now aspire to unsurpassed Enlightenment." The Brahmins said: " O great King! There is no such thing as the nature of Enlightenment; the same is the case with the Mahayana sutras. O great King! How is it that you wish to make us equal to the Void" ? O good man! I, at that time, greatly respected Mahayana. I heard the Brahmins slandering the vaipulya. Having heard this, I did away with my life. O good man! I have never once fallen into hell because of this [i.e. despite this]. O good man! When we accept and protect the Mahayana sutras, we have innumerable virtues.

"Also, next, O Kasyapa! There are also [other] holy actions. These are the Four Noble Truths, which are: Suffering, the Cause [of Suffering], the Extinction [of Suffering], and the Way [to the Extinction of that Suffering]. O Kasyapa! Suffering is oppressive circumstance. The cause of suffering contains the phases of growth and expansion. Extinction is the phase of quietness and annihilation, the Way is Mahayana. Also, next, O good man! Suffering is what actually stands before one; the cause is a phase of change; extinction is exclusion; the Way is what we can well exclude. Also, next, O good man! Suffering has three phases [modes], which are: 1) suffering-suffering, 2) the suffering of what is made, and 3) the suffering of breaking away [i.e. disintegration, separation from what one likes]. The cause of suffering relates to the 25 existences. The Way relates to the precepts, meditation, and Wisdom. Also, next, O good man! Of “asravas” [defilements], there are two kinds, which are: cause and result. “Anasrava” [non-defilement - the absence of desire, " becoming" and ignorance] is of two kinds, which are: cause and result. The result of “asrava” is suffering; the cause of “asrava” is “samudaya” [=cause of suffering, which = “trishna”, craving]. The result of “anasrava” is extinction [of suffering] and the cause of “anasrava” is the Way.

"Also, next, O good man! There are eight modes of suffering, which are: 1) the suffering of being born, 2) the suffering of ageing, 3) the suffering of illness, 4) the suffering of death, 5) the suffering of parting from what one loves, 6) the suffering of encountering what one hates, 7) the suffering of not being able to obtain what one desires, and 8) the suffering of the burning urges of the skandhas. The cause of these eight modes of suffering is [called] “samudaya”. Where these eight sufferings do not exist, that is extinction. The ten powers, the four fearlessnesses, the three mental states, and Great Compassion are the Way.

"O good man! Birth is emergence, of which there are five kinds: 1) first coming, 2) end of coming, 3) growing, 4) emerging from the womb, and 5) actual birth with characteristics.

"What is ageing? This has two aspects: 1) hourly ageing and 2) physical ageing. Again, there are two kinds: 1) increasing ageing and 2) extinguishing and breaking ageing. Thus do things stand with ageing.

"What is illness? By illness is meant the non-conforming [non-harmonisation] of the poisonous serpents of the four great elements, which is of two kinds: 1) illness of the body and

2) illness of the mind. In illness of the body, there are five kinds of cause, which are: 1) water, 2) wind, 3) heat, 4) various diseases, and 5) illnesses from external causes. Illnesses from external causes comprise: 1) unremitting labour, 2) forgetfulness, misdemeanours, and degeneration, 3) sword, staff, tiles, stones, and 4) devils and phantoms. Illness of the mind is also of four kinds, which are: 1) unbounded joy [manic state], 2) fear, 3) anxiety, and 4) ignorance. Also, next, O good man! Of illness of body and mind, there are three kinds. What are the three? These are: 1) karma results, 2) being unable to segregate oneself from what is evil, and 3) change resultant from the course of time. All such as causal relations, the categorical nature, and differences in feeling call forth illnesses. Causal relations refer to such illnesses as of wind, etc., the categorical nature refers to swellings in [as a result of] worry, coughs by dizziness, and soft [loose] bowels due to mental surprise, differences in feeling refers to headaches, pains in the eys, hands, feet, etc. Such are illnesses.

"What is death? By death is meant the relinquishing of the carnal body which one has been given. In relinquishing the body which one has received, there are two kinds, which are: 1) death through the expiration of life [i.e. from one’s life naturally coming to an end] and 2) death from external causes. In death through expiration of life, there are three kinds, which are: 1) ending of life, which, however, is not the ending of fortune; 2) ending of wealth, which, however, is not the ending of life; 3) ending of both fortune and life. There are three kinds of death from external causes, which are: 1) unnatural suicide, 2) death caused by others, and death from both causes. Also, there are three kinds of death, which are: 1) death from indolence, 2) death from violating the precepts, and 3) death from severing the life-root. What is death from indolence? If one slanders the Mahayana-vaipulya-prajnaparamita, this is death from indolence. What is death from violating the precepts? When one breaches the prohibitions laid down by the Buddhas of the past, future and present, this is violating the precepts. What is death from severing the life-root? Forsaking the body of the five skandhas is death from severing the life-root. That is why we say that death is great suffering.

"What is the suffering of parting from what one loves? What one loves breaks up and becomes dispersed. There are two kinds of parting from what one loves, which are: 1) breaking- up of the five skandhas of a human and 2) breaking-up of the heavenly world. If we count up the kinds of five skandhas of the things of heaven and earth, they are innumerable. This is the suffering of parting from what one loves.

"What is the suffering of encountering what one hates? There are masses of things which one does not love, which come together. In such massings together of what one does not love, there are three kinds, which are the realms of hell, hungry ghosts, and animals. Such three are innumerable, even though we may try to enumerate them. Such is the suffering of encountering what one hates to encounter.

"What is the suffering of not being able to gain what one desires? There are two kinds of this suffering of not being able to gain what one desires to have, which are: 1) desiring something, but not being able to get it, and 2) the result that does not come about, even after much effort, which is the case of suffering from not being able to get what one desires to have.

"What is the suffering of the burning urge of the five skandhas? The suffering of the burning urge of the five skandhas refers to the suffering of birth, the suffering of ageing, the suffering of illness, the suffering of death, the suffering of parting from what one loves, the suffering of encountering what one hates, and the suffering of not being able to gain what one wishes to have. That is why we speak of the suffering of the burning urge of the five skandhas.

"O Kasyapa! The root of life has these seven kinds of suffering. This extends from the suffering of ageing to the suffering of the burning urge of the five skandhas. O Kasyapa! This does not mean that ageing comes to all. It definitely does not come to the Buddha and the gods. With man, it is indefinite: it may exist or it may not. O Kasyapa! Those who exist in the three worlds have life. Ageing is not always definite. That is why the root rests in life. O Kasyapa! The men of the world are upside down, which fact beclouds their minds. They cling to what obtains in life and hate ageing and death. It is otherwise with the Bodhisattva. When he first looks at birth, he already sees illness.

"O Kasyapa! There was once a woman, who came into the house of another. She bore herself spendidly. She looked beautiful and her body was adorned with necklaces of various stones. The master of the house saw her and asked: " What is your name? To whom do you belong?" The woman answered: "I am Gunamahadevi". The man of the house asked: "What do you do wherever you go?" The devi answered: "Wherever I go, I give people various things such as gold, silver, beryl, crystal, pearl, coral, lapis lazuli, agate, elephants, horses, vehicles, male or female servants, messenger boys." On hearing this, the man of the house felt extremely pleased: "Now, fortune is on my side. That is why you are in my house." He burnt incense, strew flowers, made offerings, and worshipped her. Also, outside the gate, he encountered a woman, ugly and mean, whose clothes were tattered, torn, defiled by fat and were dirty. Her skin was chapped and she looked pale and white. On seeing her, he asked: "What is your name? To whom do you belong?" The woman answered: "My name is "Darkness." He asked further: "Why "Darkness?" The woman answered: "Wherever I go, the wealth of that house disappears." Hearing this, the man brandished a sharp sword and said: "Go away! If you don’t, I will kill you." The woman said: "You are a fool and lack wisdom." The man asked: "Why am I a fool, and why do I lack wisdom?" The woman answered: " The woman in your house is my elder sister. I always accompany her. If you drive me away, she will leave you." The master of the house entered the house and asked Gunadevi: "Outside the house there is a woman who says that she is your sister. Is this true?" Gunadevi said: "She truly is my sister. I am always accompanied by her, in going and coming; we never part. Wherever I am, I always do good and she always does evil. I give benefit and she loss. If you love me, love her also. If you respect me, respect her too." The man at once said: "If there have to be both, good and evil, I won’t have either. Go on your way, both of you!" Then the two women went to where they had been before. When they had left for where they had first been, the man of the house was glad and greatly rejoiced. Then the two women went to a poor man’s hut. On seeing them, the man invited them in and said: "Henceforth stay in my house." Gunadevi said: "We were driven away. Why do you invite us to come in?" The poor man said: "You now think of me. I respect your sister because of you. So, I allow both of you to come in." The situation is like this. O Kasyapa! It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. He does not desire to be born in heaven. Being born means that there, too, there are ageing, illness and death. So he abandons both; he is not minded to receive them. Common mortals and the ignorant do not realise the ills of ageing, illness and death. So they greedily seek birth and death.

"Also, next, O Kasyapa! The child of a Brahmin, oppressed by hunger, picks up a mango fruit which is lying in excrement. A man who knows what is what sees this and reproaches the child: " You who come from a Brahmin family and whose blood is pure! Why do you pick up that dirty fruit which was lying in excrement?" The child flushes, after being so reprimanded. Then he replies: "I do not want to eat this, to tell you the truth. I just wanted to wash it and throw it away." The wise man says: "What you say does not make any sense. If you wanted to throw it away, what was the good of picking it up in the first place?" The situation is like this. O good man! It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. There is no receiving and no abandoning [with him] from the very beginning. This is as in the case of the wise man who reproaches the Brahmin child. The case of the common mortal who prays for life and hates death is similar to that of the child who picks up the fruit and later abandons it.

"Also, next, O Kasyapa! For example, there is a man who spreads out utensils filled with food at a crossroads; the colour, fragrance and taste are perfect. And he wishes to sell them. A man comes from a far-off place and is hungry and wasted. He is taken with the perfect colour, fragrance and taste. He points to the food and asks: "What food is this?" The man selling the food says: "This is the best of food; it has colour and fragrance. If one eats it, one’s physique and strength will increase. It indeed does away with hunger, and one [who eats it] will certainly see heaven. But there is a snag. That is, that one has to die!" On hearing this, the man says to himself: "I may not need any physical strength to see heaven, and also I don’t care for death." And he says: "If I eat this food, I will die. How can you sell this food here at all?" The food-seller says: "He who is wise does not buy it at all. Only the ignorant do not know this. They give me a lot and greedily eat this food." So might he say. The same is the case with the Bodhisattva-mahasattva. He does not wish to be born in heaven. He does not wish to have [a powerful] physique and strength, and to see all the devas. Why not? Because he knows that they are not removed from all worries there. Common mortals and the ignorant greedily devour wherever there is life to be lived, since they do not see ageing, sickness and death.

"Also, next, O Kasyapa! For example, there is a poisonous tree, the root of which will certainly kill a man. So, too, the branches, trunk, knots, bark, leaves, flowers and fruit. O good man! Also, wherever the 25 existences obtain, it is the case with the five skandhas. Death always follows them.

"Also, next, O Kasyapa! It is like the defilement of excrement, which gives off a horrible smell, no matter how small the amount is. O good man! The same with life. Whether one gains a life of 8,000 years or as little as 10 years, suffering accompanies it all the same.

"Also, next, O Kasyapa! As an example: a precipice is fully overgrown by grass. And on the edge of the precipice, there is a lot of amrta [ambrosia]. If one eats it, one will live for 1,000 years. This will do away with disease for good, and all will proceed in peace. Common mortals and the ignorant greedily covet the taste and forget about the great pit that awaits them down below. They advance forwards, but unfortunately lose their footing, fall into the pit and die. But the wise know how things stand; they do not come near. Instead, they keep away. O good man! The same with he Bodhisattva-mahasattva. He does not care for the wonderful dishes of heaven. How could he care for those of man? Common mortals swallow an iron ball in hell. How could he desire to receive the all-wonderful dishes of the world of humans or of heaven? O Kasyapa! You will certainly be able to know from this and all other innumerable parables that this life is really nothing but a thing of great suffering. O Kasyapa! This is how a Bodhisattva sees the suffering of life, abiding in what is said in the Mahayana Great Nirvana Sutra.

"O Kasyapa! How does the Bodhisattva, abiding in this Mahayana Great Nirvana Sutra, see the suffering of ageing? Age truly does call forth coughs and dizziness. It diminishes courage [spirit], memory, positive steps forward, manhood, joy, pride, high-brow [height], peace, and unmolestedness [freedom]. Age indeed brings with it back swellings, forgetfulness and lassitude, and is looked down upon by others. O Kasyapa! A pond is full of lotuses, with their flowers wide open and with freshness filling all around. All is lovely. But if hail comes, all will be destroyed. It is like that. O good man! Ageing is thus. It destroys manhood and beauty. Also, next, O Kasyapa! A king has a wise minister who is well up in military tactics. An enemy king rises against him. The king sends this minister to go and conquer the enemy king. This king is taken prisoner, and the minister returns home and sees the king. The case is thus. The same with ageing. It takes prisoners of one’s manhood and brilliancy [alertness of mind] and hands them over to the king of death. Also, next, O Kasyapa! It is as in the case of a rich man who owns such various tresures as gold, silver, lapis lazuli, crystal, agate, red pearl and carnelian. But when robbers come and steal them, nothing more remains behind. O good man! It is the same with manhood and brilliancy. The thief, old age, always comes and plunders [everything]. Also, next, O Kasyapa! For example, a poor man greedily covets beautiful dishes and soft clothes. He seeks to possesss such, but cannot. O good man! The case is the same with ageing too. A greedy mind covets wealth and the satisfaction of the five [sense] desires, but it cannot [find satisfaction]. Also, next, O Kasyapa! It is like the tortoise on dry land that always thinks of water. O good man! The same is the case with human beings. Dried up with emaciation and age, the mind always thinks back to the pleasures of the five desires which one enjoyed in the prime of one’s life. Also, next, O Kasyapa! It is as in the case of the autumn moon which, though looked up to by all the lotus flowers, is looked down upon when it wanes in its yellow. O good man! The same is the case with the prime of life and youthful colours. Though loved by all, all look down upon [one] when old age comes. Also, next, O Kasyapa! The same is the case with sugar cane. When it is pressed, what remains behind has no taste. The same regarding the prime of life and youthful colours. When old-age presses down on one, nothing remains of the three tastes, which are: 1) the taste of renunciation, 2) the taste of recitation, and 3) the taste of dhyana [meditation]. Also, next, O Kasyapa! This is as in the case of a night of the full moon, when there is an abundance of light, but in the daytime there is not. O good man! The same with human beings. In the prime of life, one looks splendidly austere; one’s form and face are rare and grand, but as one grows old, one becomes weaker and one’s godliness of form dries up. Also, next, O Kasyapa! As an example: there is a king who governs the land with just law and reigns over his subjects. He is upright and honest; nothing about him is devious. He has compassion and loves to give. Then, the enemy comes and overruns the land. The king flees and goes to another country. The people of the other country see this and have pity and say: "O great King! In days gone by, you reigned over a kingdom, basing yourself on right law and doing no crooked thing to anyone. How is it that you had to leave your country and come to this one?" It is like this. O good man! The same with human beings. When age comes and one once gets broken down [by it], one can only praise what obtained when one was in the prime of one’s life. Also, next, O Kasyapa! It is, for example, like the wick of a lamp, which depends solely on grease and oil. When the grease and oil have gone, the power of the lamp does not endure long. The same with human beings. One depends on the oil of manhood. When the oil of manhood is spent, how long can the wick of weak old age give out light? Also, next, O Kasyapa! For example, a dried-up river cannot benefit humans, non-humans, flying birds or running beasts. The same with human beings. Dried up by old age, man cannot be of use for any [kind of] work. Also, next, O Kasyapa! For example, it is as with a tree hanging over the edge of a precipice. If a storm comes, it is sure to come toppling down. O good man! The same with the human being. If the storm of old age comes to the precipice of old age, nothing can check the force. Also, next, O Kasyapa! It is as with a broken shaft, by which no heavy burden can be borne. O good man! The same with old age. No good thing can be of any benefit to one. Also, next, it is as with a child who is slighted. O good man! Age, too, does thus. All people always make light of, and neglect, one [when one is old]. O Kasyapa! Know from this and all other innumerable and boundless parables that old age is truly great suffering. O Kasyapa! That is why the Bodhisattva studies the Mahayana Great Nirvana Sutra and meditates on the suffering of old age.

"O Kasyapa! How does a Bodhisattva-mahasattva study the Mahayana Great Nirvana Sutra and meditate on the suffering of illness? So-called illness destroys all peace and joy. For example, it is as with the hail and rain that destroy the young buds of cereal. Also, it is as in the case of a person against whom someone has a grudge: that person’s mind is always apprehensive and fearful. O good man! The same with all beings. They always fear the suffering of illness and are apprehensive. Also, next, O Kasyapa! There is a man who looks glorious and austere. The king’s consort, due to sensual desire, means to have him. Letters arrive, and pressed by her, he has intercourse [with her]. The king catches him, cuts away one of each eye, ear, hand and leg. The appearance of this person changes. People dislike and slight him. O good man! The same applies to the human being. A person may have a good set of ears and eyes. But caught and pressed by illness, people will slight him. Also, next, O Kasyapa! For example, the plantain, bamboo, reed, and mule have to die when they have offspring. O good man! The same with human beings. From illness, they have to die. Also, next, O Kasyapa! The main body of soldiers and ministers of a chakravartin always go in front and lead the way, and the chakravartin follows. Likewise, the kings of fish, ants, whelks, cows, and head merchants go before and the others all follow and never part [from them]. Also, next, O good man! The same with the chakravartin of death. He always follows his subjects, illnesses, and never parts [from them]. The same with the kings of fish, ants, whelks, cows, and merchants. Always they are followed by the subjects of death. O Kasyapa! The causal relations of illness are worry, apprehension, suffering, and uneasiness in body and mind. One may be attacked by someone bearing ill-will, the floating bag may get rent, or the bridge may be dug away, so that the foundations of life will be endangered. Or the prime of life and bright complexion, vitality, peace, repentance may be destroyed or may disappear, or the body and mind may get burnt out. One can indeed see from this parable and from innumerable, boundless other parables how great the pain of illness is. All this is to show how the Bodhisattva-mahasattva studies this Mahayana Great Nirvana Sutra and meditates on the suffering of illness. "

"O Kasyapa! How does the Bodhisattva study the Mahayana Great Nirvana Sutra and meditate on the suffering of death? We say " death" , because it thoroughly burns out and annuls things. O Kasyapa! It is as when a fire burns out everything, except that it cannot exclude the second dhyana. O good man! The same is the case with the fire of death. It burns out everything, excepting the Bodhisattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana. Because the strength [of the Bodhisattva] reaches this stage. Also, next, O Kasyapa! If a flood comes, all sinks under the water, excepting the third dhyana, which it cannot make away with. O good man! The same is the case with the water of death, which submerges everything, except for the Bodhisattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana.

"Also, next, O Kasyapa! A storm blows up, scatters and destroys everything, excepting the fourth dhyana, which its power cannot reach. O good man! The same is the case with the wind of death. It destroys all that one has, except for the Bodhisattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Why is it that the wind cannot blow away, the flood cannot wash away, and the fire cannot burn out the fourth dhyana?" The Buddha said: " O good man! This comes from the fact that in the fourth dhyana there does not remain a speck of sin, in or out of it. The first dhyana has sin and illness in it. Within, it has enlightened meditation, but outside, there is fire. The second dhyana has sin and illness in it. Within, there is joy; but outside, it has the sufferings of the flood. The third dhyana has sin and illness in it. Within, it has asthma and, outside, the sufferings from the wind. O good man! The fourth dhyana has, within and without, no sin or illness at all. Because of this, no calamity can reach it. O good man! The same is the situation with the Bodhisattva-mahasattva. He peacefully abides in the Mahayana Mahaparinirvana, and all sins and illness come to an end. Because of this, the king of death cannot reach him. Also, next, O good man! For example, the garuda indeed devours all nagas, fish, and all treasures such as gold and silver, except for the diamond. The same with the garuda of death. It indeed devours and does away with all beings, except for the Bodhisattva-mahasattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana, whom it cannot make away with. Also, next, for example, all grass and trees are swept down to the great sea if the volume of water increases in size and if the ravaging increases, except for the bitter willow and the willow, since these are soft and pliant. O good man! The same is the case with all beings. All follow and get into the sea of death, excepting the Bodhisattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana and whom it cannot do away with. Also, next, O Kasyapa! Narayana beats all wrestlers, except the great wind. Why? Because of unhiunderedness. O good man! The same is the case with the Narayana of death. He indeed conquers all beings, except the Bodhisattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana. Why? Because of unhinderedness. Also, next, O Kasyapa! There is a person who deceives and feigns friendliness, though entertaining enmity. He always follows others, just as a shadow does its object, and looks for a chance to kill them. But the person to whom enmity is borne is wary and stubborn, so that no opportunity for being killed is provided. O good man! The same is the case with the enemy of death. It always looks for a chance to kill beings, excepting the Bodhisattva-mahasattva who abides in the Mahayana Mahaparinirvana. Why?

Because this Bodhisattva is not indolent. Also, next, O Kasyapa! For example, suddenly a great storm arises, carrying storm and rain of adamantine force, by which all medicinal trees, all trees, forests, sand, tiles, stones, gold, silver and beryl get crushed, except for the true treasure of the diamond. O good man! The same is the case with the adamantine rain of death. It wholly destroys beings, except for the Bodhisattva of adamantine mind who abides in the Mahayana Mahaparinirvana. Also, next, O Kasyapa! It is like the garuda that devours all nagas, excepting those who take refuge in the Three Treasures. O good man! The same is the case with the garuda of death that truly devours all innumerable beings, except the Bodhisattva who dwells in the three dhyanas. What are the three dhyanas? These are those of the Void, of formlessness, and desirelessness. Also, next, O Kasyapa! If one is bitten by a Mara-viper, no good charm or medicine of any superior quality can have any power to heal [one], except for the charm of agasti, which indeed cures [one]. It is the same with a person caught by the poison of death. No medical treatment is of any help, except for the case of the Bodhisattva charm of the Mahayana Mahaparinirvana. Also, next, there is a man who has aroused the anger of a king. But should he present treasures to the king with gentle words, he might well gain the king’s pardon. The case is like this. O good man! The case of the king of death is not like that. One may offer money or wealth in a gently spoken manner, but no release will ensue.

"O good man! Now, death is a precipice where there is no guaranty of life. The way to it is far. One may walk day and night, and there is no end of walking. The path of gloom hangs on [oppresses] one and there is no light. There is no gate through which one may enter, and there is a place that exists. No place of pain exists, but there is no means of cure. There is nothing that bars the way. Once in, there is no getting out. There is nothing to break, but what meets one’s eyes is nothing but what is sorrowful and poisonous. It has no bad colour, but people are afraid. It sits close to one. But one cannot know or feel where it is. O Kasyapa! You may know from this and from innumerable and boundless other parables that life and death are great suffering to a person. O Kasyapa! This is how a Bodhisattva practises the Way by [means of] the Mahayana Great Nirvana Sutra and how he meditates on death."

"O Kasyapa! How does a Bodhisattva abide in the teaching of the Mahayana Great Nirvana Sutra and meditate on the suffering of parting from what one loves? The suffering of parting from what one loves is the root suffering of all sufferings, about which it is said:

"From craving one gains apprehension;
From craving one gains fear.
If the greedy mind is done away with,
Why does one need to feel apprehension or fear any more?"

Through the causal relations of craving comes about the suffering of apprehension. From the suffering of apprehension, beings become weak and old. The suffering of parting from what one loves accompanies one to the end of one’s life. O good man! As a result of parting, various minor sufferings arise. I shall clearly explain this for your good.

"O good man! In ages past, humans had an immeasurably long life. At that time, there was a king called "Good-Abiding". This king, at that time, was a child. As a prince, he attended to the business of the state. Then he became king. At that time, a human being’s life lasted 84,000 years. Then, on top of his head a pimple appeared. It looked like a cotton “tula” or soft “karpasa” [cotton]. This grew bigger by the day. But he did not worry one whit about it. After ten months, this boil broke open and a child was born. His form was well proportioned and nothing was as wonderful as this. His colour and form were clear, and the child was the foremost amongst humans. His father, the king, was glad and named him "Head-Born". Then King Good-Abiding handed over the government of the state to this Head-Born, and abandoning the royal palace, his wife, children and relatives, he entered the forest and studied the Way and lived for 84,000 years. Then Head-Born, fifteen days after his birth, was given the rite of abhiseka [annointing] on a high building. And to the east was the treasure wheel of gold [one of the seven treasures which a chakravartin is said to possess]. The wheel had 1,000 spokes and was perfect in its hub. It was not one made by an artisan, but one that had come about naturally. The great king, Head-Born, thought: "In ages past, I heard what was said by a rishi who was accomplished in divine powers. If a Kshatriya king gets bathed [baptised], receives the rite of purification on top of a high building; if the number of spokes of the golden wheel is not one too few, and if the hub is correctly set, and if it is not one made by an artisan, but one arisen naturally, one may know that this indicates a king who will become a chakravartin." He also said to himself: "I shall now try [it out]. I shall hold the wheel in my left hand, and my right hand will hold the incense burner, and I shall place my right knee on the ground and take my vows: [If this wheel is genuine and not false, I pray that things will be as in the olden days regarding what accrues to a chakravartin]." When he vowed thus, this treasure wheel of gold flew up and went in all the ten directions, and came back to the left hand of Head-Born. Then he rejoiced unendingly. Also, he said: "I shall now surely become a chakravartin."

"Then, not long after, there came to him a treasure-elephant, which looked grand and grave like a white lotus, and whose seven limbs stood firmly upon the ground. Seeing this, Head-Born thought to himself: " In days gone by, I heard a rishi who possessed the five powers say that if a chakravartin receives the abhikseka rite on a high building on the fifteenth day after his birth, and if there is an elephant whose seven libs stand [firmly] upon the ground, this indicates - one should know - a sacred king." Also, he thought: "I shall now try [it out]." He held the incense burner in his left hand, placed his right knee on the ground and vowed: " If this treasure-elephant is not false, let all proceed as in the olden days." When this vow had been taken, this white treasure-elephant travelled from morning till evening in the eight directions, and gaining the boundary line of the great sea, came back and sat as it was meant to sit. Then King Head-Born was greatly and inexpressibly pleased. Also, he said: " I am definitely now a chakravartin."

"Then, not long afterwards, a treasure horse came, whose colour was bright blue and who had a golden-coloured hairy tail. Head-Born, on seeing it, thought to himself: " In days gone by, I heard a rishi who had the five powers say that when a chakravartin, fifteen days after [his birth], sits on a high building and receives the rite of abhiseka, and if a treasure horse comes whose colour is bright blue and whose hairy tail is of the colour of gold, we should know that this is a sacred king." Also, he thought to himself: "I shall now test it out." He took up the incense burner, placed his right knee on the ground and vowed: " If this horse is genuine and not false, let all happen as is proper regarding a chakravartin." After he had thus uttered his prayer, the blue horse travelled from morning to evening in the eight directions and having gained the boundary line of the great sea, came back and remained where it was supposed to remain. Then Head-Born was greatly pleased and rejoiced inexpressibly. Also, he said: " Now I am definitely a chakravartin."

"Then, not long afterwards, there appeared a treasure woman whose form was all perfect and most beautiful. She was not tall, not short; not white, nor black. From all the pores of her skin wafted the fragrance of sandalwood; she smelled sweet and clear [fresh], and looked like a blue lotus. Her eyes could see as far as a yojana. The same with her ears’ hearing ability and her nose’s smelling power. Her tongue was so big that, when it stretched out, it thoroughly covered her face. Her form and colour were delicate as leaves of copper. Her mind and consciousness were transparent, and she had great wisdom. Always gentle were the words which she spoke to all beings. When this woman’s hand touched the king’s robes, it could see through the course of illness [whether illness was present] and what the king was thinking. Then Head-Born again thought: "If this woman can read the king’s mind, this is a treasure-woman?"

"Then, not long after, there appeared a mani [jewel, gem] which was of pure blue beryl. It resembled the hub of a wheel, and in the gloom its radiance extended for one yojana in distance. If it happened to rain cats and dogs, the power of that mani was so great that it could well have served as a parasol and covered a space one yojana in extent, and not a drop of the heavy rain would have passed through. Then Head-Born thought to himself: "If the chakravartin obtains this mani, this is the sign of a sacred emperor."

"Then, not long afterwards, there spontaneously appeared a treasure minister, whose wealth was so great that it could not be counted. His storehouse was full and was lacking in nothing. The power of his eyes, which was the fruit of his personal virtue, was able to penetrate all the wealth hidden under the earth. Whatever the king desired to have, the minister could answer his need. Head-Born again resolved to test things out. He sailed forth on a boat in the sea and said to the treasure-minister: "I now desire to have something rare." The minister stirred up the surface of the water with both his hands. The ten tips of his fingers [then] held all [sorts of] treasure. Presenting these to the king, he said: "Please use these as you will and throw away what is left over." Head-Born was delighted and rejoiced inexpressibly. And he thought to himself: "I now surely am a chakravartin."

"And not long after that, there spontaneously appeared an army general. He was brave and strong and pre-eminent in tactics, knowing well the four armies [the four military forces of 1) elephants, 2) horses, 3) chariots, and 4) infantry]. Should there be anyone who could stand battle, this was shown to the holy king; one not worthy of it was made to draw back and not to come about [come near, attack]; any not yet conquered was conquered; anyone already conquered was well protected. Then Head-Born thought to himself: " If this general possesses the treasure of military prowess, I must certainly be a chakravartin."

"Then the chakravartin, Head-Born, spoke to his ministers: "You should know that this Jambudvipa is peaceful and prosperous. I now have the seven treasures and 1,000 sons. What more should I do?" All the ministers answered: "Yes, indeed, O great King! Purvavideha [i.e. one of the four lands of the Sumeru cosmos, the one which is situated to the east] is not yet at peace. You should now go [there]." Then the king flew through the air to Purvavideha with all his retinue of seven treasures. The people of that land were glad and became his subjects.

"And he said to his ministers: " Jambudvipa and Purvavideha are at peace, prosperous and vigorous. All has been subjugated. The seven treasures are perfect and the thousand children are full [complete]. What more do I need to do?" All the ministers answered: "Yes, indeed, O great King! Aparagodaniya [i.e. a land to the west of Mount Sumeru] is not yet under your banner." Then the sacred king flew through the air to Aparagodaniya with all his seven treasures. When he reached there, the people of that land all came under his banner.

"And he said to his ministers: "My Jambudvipa, Purvavideha and Aparagodaniya are at peace. The people are rich and vigorous. All have been subjugated. The seven treasures are all perfect and the thousand children are full. What more do I need do?" All the ministers said: "Yes, indeed, O great King! Uttarakuru [i.e. a land to the north of Mount Sumeru] is not yet under your banner." Then the sacred king flew through the air to Uttarakuru, taking all his seven treasures with him. When the king reached there, the people of that land rejoiced and came under his banner.

"And he said to his ministers: "My four lands are now at peace. The people are vigorous. All have come under my banner; the seven treasures have been obtained, and the thousand children are full. What more do I need to do?" All the ministers said: "Yes, indeed, O sacred King! The people of Trayastrimsa Heaven enjoy long life. They are at peace. The form of those devas is splendid and incomparable. The palace where they live and their benches, chairs and bedsteads are of jewels. They sit on these and enjoy celestial happiness. They have not yet come to pay homage. You should now go and bring them under your banner." Then the king flew through the air, taking all the retinue of his seven treasures with him, and went up to the top of Trayastrimsa Heaven. There he saw a tree, the colour of which was blue and green. The sacred king, having seen it, asked his minister: " What is this thing of this colour?" The minister made answer: "This is a tree called “paricitra”. All the devas of Trayastrimsa Heven, in the three months of summer, always amuse themselves under this tree." Also, he saw a thing white like a cloud. Again he asked his minister: "What is this, of this colour?" "This is called the "Hall of Good Dharma". All the devas of Trayastrimsa Heaven always gather here and discuss what obtains in the worlds of humans and gods." Then Shakrodevanamindra, the chief of the gods, saw that King Head-Born was outside the hall. He went out and welcomed him. Having met him, he took the king’s hand and entered the Hall of Good Dharma and shared his seat. Then, the two looked the same in form and countenance, with no difference. Only by winks [small gestures] could one tell them apart. Then the sacred king thought to himself: "Would it not be right for me now to abdicate the throne and come and become King of this heaven?" O good man! At that time, Shakra was holding the Mahayana sutras in his hand, reciting and expounding them to others. Only he was now so proficient in their depths of meaning. But because of this reciting, upholding, expounding and promulgating of the sutras to others, there is great virtue. O good man! This Head-Born entertained ill-will towards Shakra. Because of this depravity, he had to return to this Jambudvipa and part from the humans and devas he had loved, and had a greatly troubled mind. That Shakra at the time was Buddha Kasyapa, and the chakravartin was I. O good man! Know that the suffering of parting from what one loves is great suffering. O good man! The Bodhisattva-mahasattva remembers [is mindful of] all such cases of suffering due to parting from what one loves. How could it be otherwise when the Bodhisattva, abiding in the teaching of the Mahayana Great Nirvana Sutra, meditates on the real suffering of parting from what one loves?

"O good man! How does a Bodhisattva practise the Way of the Mahayana Great Nirvana Sutra and meditate on the suffering of encountering what one hates to see? O good man! This Bodhisattva-mahasattva sees that this suffering of encountering what one hates exists in the realms of hell, animals, hungry pretas, humans and heaven. It is like a person who is bound up in prison feeling great sorrow as he sees his fetters, chains and handcuffs. The same with the Bodhisattva-mahasattva. He sees all living beings of the five realms as being the objects of great suffering concomitant with encountering what is hateful. Also, next, O good man! It is like a person who, fearing the fetters, chains and handcuffs of someone who has feelings of enmity towards him, abandons his parents, wife, children, relatives, rare jewels and his own profession and flees to distant places. O good man! It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. He fears birth and death, fully practises the six paramitas and enters Nirvana. O Kasyapa! This is how a Bodhisattva practises the Way of the Mahayana Mahaparinirvana and meditates on the suffering of encoutering what one hates.

"O good man! How does a Bodhisattva practise the teaching of the Mahayana Maha- parinirvana and meditate on the suffering of not gaining what one desires to have? "Seeking to have" is to have all that exists. There are two kinds of seeking to possess. One is seeking to have what is good to have, and the other is seeking to have what is not good. There is suffering if what is good is not gained, and suffering if what is not good is not removed. Stated simply, this is the suffering of the burning urge of the five skandhas. O Kasyapa! This is the truth of Suffering."

Then Bodhisattva-mahasattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The suffering of the burning urge of the five skandhas does not mean this. Why not? In days past, the Buddha said to Kolita [one of the five bhiksus]: "If “rupa” [form, matter] is suffering, do not seek “rupa”; if “rupa” is something to be sought, it is not suffering." The Buddha said to all bhiksus that there are three feelings [“vedana”], which are: 1) the feeling of suffering, 2) the feeling of bliss, and 3) the feeling of non-suffering and non-bliss. The Buddha said to all the bhiksus before that if one practises Wonderful Dharma, one will encounter bliss. Also, the Buddha said that in good realms one gains six blisses of touch. The eye sees beautiful things. This is bliss. The same with the ear, nose, tongue, body, and mind which feels pleasure. The Buddha said in a gatha:

"To accord with the precepts is bliss.
One’s body does not suffer from sorrow.
Sleep gives one peace.
Awake, the mind is glad.
When one receives clothing and food,
Recites, walks about, and lives alone In mountains and forests,
This is the greatest bliss.
To beings, day and night,
One is compassionate, and this Gives one unending bliss.
Because this does not cause suffering to others.
It is bliss to seek little and be satisfied;
It is bliss to hear much [of the Dharma]
And to disseminate it; arhathood With no clinging in one's mind Is also the experience of bliss.
The Bodhisattva-mahasattva finally Reaches the yonder shore.
Whatever is done gains one an end.
This is the greatest of bliss."

"O World-Honoured One! The meaning of bliss as stated in all the sutras is thus. How might what the Buddha says now be in accordance with this?" The Buddha said to Kasyapa: "Well said, well said, O good man! You do well to ask the Tathagata this question. O good man! All beings, even when in the deepest depths of suffering, willingly entertain the thought of bliss. Because of this, there is no difference [there] from the thought of suffering about which I now speak."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "You say that one gains bliss even amidst the deepest depths of suffering. If so, this must mean that the lowest point in birth, the lowest point in old age, the lowest point in illness, the lowest point in death, the lowest point in the suffering of parting from what one loves, the lowest point in the suffering of not being able to gain what one desires, the lowest point in the suffering of encountering what one hates, and the lowest point in the suffering of the burning urge of the five skandhas may be said to possess bliss. O World-Honoured One! The lowest grade of birth is none but the three unfortunate realms; the middle grade of birth means human life, and the highest of births is that of heaven. If there is a man who asks, " Is it true that one gains the thought [experience] of suffering in the lowest state of bliss, the thought of non-bliss and non-suffering in the middle state of bliss, and in the highest state of bliss the thought of bliss?" , how should we answer this? O World-Honoured One! We might well say that one gains the thought of bliss when in the lowest state of suffering. But we see that one who has to receive 1,000 punishments does not yet, at the first stage of the lowest suffering, gain the thought of bliss. But if not, how can we say that we gain the thought of bliss in the lowest stage of suffering?" The Buddha said to Kasyapa: " It is thus, it is thus! It is just as you say. Because of this, there can be no occasion on which there comes about the thought of bliss. Why not? If a man who is to have 1,000 punishments is able to escape those punishments after receiving just one of the least of them, that person will, at that instant, gain the thought of bliss. Hence, we should know that the thought of bliss arises in circumstances in which there is no ground for it."

Kasyapa said: "O World-Honoured One! That person does not gain the thought of bliss in the lowest [state of suffering]. It is from emancipation that he gains the thought of bliss." "O Kasyapa! Because of this, in times gone by, I spoke about the bliss of the five skandhas to Kolita. It was true, not false."

"O Kasyapa! There are three feelings: 1) the feeling of bliss, 2) the feeling of suffering, and 3) the feeling of non-suffering and non-bliss. The three sufferings are: 1) suffering-suffering [bodily pain], 2) suffering of what is made [suffering arising out of phenomena changing], and 3) suffering of disintegration [mental pain caused by destruction]. O good man! The feeling of suffering is based on these three sufferings, which are those of suffering-suffering, the suffering of what is made, and the suffering of disintegration. The other two feelings are the suffering of what is made and the suffering of disintegration. O good man! Because of this, there is in birth and death really the feeling of bliss. The Bodhisattva-mahasattva says that all is suffering, because the intrinsic nature and the outer expressions of suffering and bliss do not part. Truth to tell, there is no bliss in birth and death. It is only in order to accord with the ways of the world that all Buddhas and Bodhisattvas say that there is bliss."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! All Buddhas and Bodhisattvas speak [thus] in order to acord with the ways of the world. Is this not false? The Buddha said:

"One who does good harvests bliss;
One who upholds the precepts and abides in peace
Does not harvest suffering.
All others are likewise.
This is the greatest of bliss."

"Are the feelings of bliss which the sutras speak of all false or are they not? If false, how are we to explain the fact that the All-Buddha-World-Honoured One, already long ago, innumerable hundred thousand million billion nayuta asamkhyas of kalpas in the past, practised the Way of Enlightenment and did away with false speech, and that he now says this? Why?" The Buddha said: " O good man! The gatha cited above referring to the feeling of bliss constitutes the root concept of Enlightenment. Also, it well nurtures unsurpassed Enlightenment over a long course. That is why the phases of bliss are spoken about in the sutras. O good man! For example, what supports life forms all the causes of bliss. So, we say bliss. These are such as female beauty, abandoning one’s self to intoxicating drinks, beautiful dishes and sweets, drinking water when thirsty, and having fire when cold; clothing, necklaces, elephants, horses, vehicles, servants, pages, gold, silver, beryl, coral, pearls, storehouses, and rice. All such things that pertain to the world form the cause of bliss. This is bliss. O good man! [But] even such things can call forth suffering, too. From a female, a man’s suffering comes about. Apprehension, sorrow, weeping, loss of life, intoxicating drinks, sweets, and storehouses do also call forth suffering. Because of this, all is suffering; there can be no phase of bliss. O good man! The Bodhisattva-mahasattva takes it that the eight sufferings possess no suffering. O good man! All sravakas and pratyekabuddhas do not know the cause of bliss. To such persons, he [the Tathagata] says that the lowest of suffering also contains a phase of bliss. Only the Bodhisattva, abiding in the Mahayana Mahaparinirvana, is able to know the causes of suffering and bliss."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Phúc trình A/5630


Quy Sơn cảnh sách văn


Vào thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.249.96 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...