Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 21 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười - Phần một »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 21 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười - Phần một

Donate

(Lượt xem: 13.185)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 21 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười - Phần một

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Thiện nam tử! Nếu có vị Đại Bồ Tát nào tu hành kinh Đại Niết-bàn này sẽ được mười công đức không thể nghĩ bàn, không cùng chia sẻ với hàng Thanh văn và Phật Bích-chi, khiến người nghe đến đều phải kinh ngạc quái lạ, chẳng phải trong chẳng phải ngoài, chẳng phải khó chẳng phải dễ, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải pháp thế gian, không có tướng mạo, thế gian không có được!

“Những gì là mười công đức? Trong công đức thứ nhất có năm điều. Những gì là năm? Một là nghe được những điều không [thể] nghe. Hai là được nghe rồi có thể làm lợi ích. Ba là có thể trừ dứt lòng nghi hoặc. Bốn là tâm sáng suốt ngay thẳng không tà vạy. Năm là có thể biết được ý nghĩa sâu kín của Như Lai. Đó là năm điều [trong công đức thứ nhất].

“Thế nào là nghe được những điều không [thể] nghe? Đó là nói những ý nghĩa hết sức sâu kín như: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; Phật, Pháp, chư Tăng không có gì khác nhau; tánh tướng của Tam bảo là thường, lạc, ngã, tịnh; hết thảy chư Phật đều không dứt tất cả để nhập Niết-bàn mà luôn thường còn, không biến đổi.

“Niết-bàn của Như Lai chẳng phải có, chẳng phải không; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu; chẳng phải sắc, chẳng phải không sắc; chẳng phải tên gọi, chẳng phải không tên gọi; chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng; chẳng phải có, chẳng phải không có; chẳng phải vật, chẳng phải không vật; chẳng phải nhân, chẳng phải quả; chẳng phải chờ đợi, chẳng phải không chờ đợi; chẳng phải sáng, chẳng phải tối; chẳng phải xuất, chẳng phải không xuất; chẳng phải thường, chẳng phải không thường; chẳng phải dứt, chẳng phải không dứt; chẳng phải khởi đầu, chẳng phải kết thúc; chẳng phải quá khứ, chẳng phải tương lai, chẳng phải hiện tại; chẳng phải các ấm, chẳng phải không các ấm; chẳng phải các nhập, chẳng phải không các nhập; chẳng phải các giới, chẳng phải không các giới; chẳng phải mười hai nhân duyên, chẳng phải không mười hai nhân duyên.

“Các pháp như vậy là hết sức sâu kín, từ trước [vị Bồ Tát ấy] chưa từng nghe được mà nay có thể nghe được.

“Lại nữa, không [thể] nghe đó [cũng] là nói tất cả kinh sách của ngoại đạo, như bốn bộ luận Tỳ-đà, luận Tỳ-già-la, luận Vệ-thế-sư, luận Ca-tỳ-la, cùng tất cả những chú thuật, y phương, kỹ nghệ, nhật thực, nguyệt thực, tinh tú vận chuyển, sách địa lý, sấm ký... Những thứ kinh sách ấy, từ trước chưa từng nghe được ý nghĩa sâu kín, nay ở trong kinh Đại Niết-bàn này đều được [nghe] biết rõ.

“Lại nữa, trong Mười một bộ kinh, trừ kinh Tỳ-phật-lược, cũng không có nghĩa sâu kín như thế này. Nay nhân nơi kinh này mà được biết những nghĩa ấy. Thiện nam tử! Đó gọi là nghe được những điều không [thể] nghe.

“Thế nào là nghe rồi có thể làm lợi ích? Những ai có thể nghe và tin nhận kinh Đại Niết-bàn này ắt đều có thể rõ biết đầy đủ những nghĩa rất sâu của hết thảy kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Ví như người đàn ông hay đàn bà khi nhìn vào tấm gương sáng sạch liền thấy được rõ ràng hình sắc, dáng vẻ của họ. Kinh Đại Niết-bàn cũng như tấm gương sáng, vị Bồ Tát cầm gương ấy liền thấy rõ được ý nghĩa rất sâu của kinh điển Đại thừa. Lại như người ở trong nhà tối cầm cây đuốc lớn liền soi thấy rõ hết thảy mọi vật. Kinh Đại Niết-bàn cũng như cây đuốc, Bồ Tát cầm đuốc ấy liền thấy được ý nghĩa sâu xa khó hiểu của Đại thừa. Lại như khi mặt trời hiện ra, có cả muôn ngàn tia sáng, ắt có thể soi rõ cả những chỗ tối tăm trong rừng núi, khiến hết thảy mọi người đều thấy được mọi vật ở xa. Mặt trời trí tuệ thanh tịnh Đại Niết-bàn này cũng vậy, soi rõ những chỗ sâu xa kín đáo của Đại thừa, khiến cho người theo Hai thừa có thể từ xa nhìn thấy Phật đạo. Vì sao vậy? Vì có thể nghe và tin nhận kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này.

“Thiện nam tử! Nếu có vị Bồ Tát ma-ha-tát nào nghe và tin nhận kinh Đại Niết-bàn này, liền biết được tên gọi của hết thảy các pháp. Nếu có thể sao chép, tụng đọc thông suốt, vì người khác mà giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt rõ biết được nghĩa lý của hết thảy các pháp.

“Thiện nam tử! Người nghe và tin nhận kinh này chỉ biết được tên gọi, không biết được ý nghĩa. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt có thể biết được nghĩa.

“Lại nữa, thiện nam tử! Người vừa nghe qua kinh này, tuy biết rằng tự mình có tánh Phật nhưng không thể thấy được. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt có thể thấy được tánh Phật.

“Người nghe qua kinh này tuy có nghe tên gọi pháp bố thí nhưng không thể thấy pháp Bố thí Ba-la-mật. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong đó, ắt có thể thấy được pháp Bố thí Ba-la-mật. Cho đến pháp Trí tuệ Ba-la-mật cũng vậy.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nếu có thể nghe được kinh Đại Niết-bàn này ắt rõ biết các pháp và ý nghĩa của pháp, đầy đủ hai đức không ngăn ngại, đối với các sa-môn, bà-la-môn, hoặc chư thiên, ma, Phạm thiên, hết thảy các loài trong thế gian đều không có sự sợ sệt; [có thể] mở mang chỉ bày, phân biệt Mười hai bộ kinh, diễn thuyết ý nghĩa không chút sai lệch; không nghe nơi người khác mà có thể tự rõ biết, đến gần quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Đó gọi là nghe rồi có thể làm lợi ích.

“Thế nào là có thể trừ dứt lòng nghi hoặc? Lòng nghi có hai loại, một là nghi tên gọi, hai là nghi ý nghĩa. Người nghe qua kinh này dứt được lòng nghi về tên gọi. Người suy xét ý nghĩa kinh này dứt được lòng nghi về ý nghĩa.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có năm mối nghi. Một là nghi việc Phật có chắc chắn nhập Niết-bàn hay không? Hai là nghi việc Phật có thường trụ hay không? Ba là nghi việc Phật có phải chân lạc hay không? Bốn là nghi việc Phật có phải chân tịnh hay không? Năm là nghi việc Phật có phải chân ngã hay không? Người nghe qua kinh này liền dứt trừ mãi mãi mối nghi về việc Phật nhập Niết-bàn. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh thì mãi mãi dứt trừ được cả bốn mối nghi kia.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có ba việc nghi. Một là nghi việc có thừa Thanh văn hay không? Hai là nghi việc có thừa Duyên giác hay không? Ba là nghi việc có Phật thừa hay không? Người nghe qua kinh này, cả ba việc nghi ấy liền dứt sạch. Nếu sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét ý nghĩa trong kinh, ắt có thể biết rõ rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những chúng sanh không được nghe kinh Đại Niết-bàn này thì trong lòng có nhiều sự nghi hoặc, như là thường hay vô thường; lạc hay bất lạc; tịnh hay bất tịnh; ngã hay vô ngã; mạng hay chẳng phải mạng; chúng sanh hay chẳng phải chúng sanh; rốt ráo hay không rốt ráo; hoặc đời khác, hoặc đời đã qua, hoặc có, hoặc không, hoặc khổ, hoặc chẳng phải khổ; hoặc tập, hoặc chẳng phải tập; hoặc diệt, hoặc chẳng phải diệt; hoặc đạo, hoặc chẳng phải đạo; hoặc pháp, hoặc chẳng phải pháp; hoặc thiện, hoặc chẳng phải thiện; hoặc không, hoặc chẳng phải không. Ngay khi được nghe kinh này, những sự nghi hoặc như thế ắt đều dứt sạch.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như có người không được nghe kinh này, trong lòng lại có đủ mọi sự nghi hoặc, như là: Sắc có phải là ta hay chăng? Thọ, tưởng, hành, thức có phải là ta hay chăng? Là con mắt có thể nhìn thấy, hay bản ngã nhìn thấy? Cho đến là thức có thể nhận biết, hay bản ngã nhận biết? Là sắc thọ báo hay bản ngã thọ báo? Cho đến là thức thọ báo, hay bản ngã thọ báo? Là sắc đi đến một đời sống khác, hay bản ngã đi đến đời sống khác? Cho đến là thức cũng nghi hoặc như vậy. [Lại nghi về việc] pháp sanh tử có khởi đầu, có kết thúc; hay là không có khởi đầu, không có kết thúc? Người được nghe qua kinh này rồi thì những sự nghi hoặc như thế cũng đều được dứt hẳn.

“Lại có người nghi ngờ rằng: những kẻ nhất-xiển-đề, kẻ phạm bốn giới cấm nặng, tạo năm tội nghịch, phỉ báng kinh Phương đẳng, những kẻ như vậy có tánh Phật hay không có tánh Phật? Người được nghe qua kinh này rồi thì những sự nghi hoặc như thế đều được dứt hẳn.

“Lại có người nghi rằng: Thế gian là giới hạn hay không giới hạn? Có các thế giới mười phương hay không có các thế giới mười phương? Người được nghe qua kinh này rồi thì những sự nghi hoặc như thế cũng đều được dứt hẳn.

“Như vậy gọi là có thể dứt trừ lòng nghi hoặc.

“Thế nào là tâm sáng suốt ngay thẳng không tà vạy? Nếu trong lòng có nghi ngờ ắt chỗ thấy biết không chân chánh. Hết thảy người thế gian nếu không được nghe kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này thì chỗ thấy biết đều sai lệch, tà vạy. Cho đến hàng Thanh văn, Phật Bích-chi, chỗ thấy biết cũng đều sai lệch.

“Thế nào gọi là chỗ thấy biết sai lệch, tà vạy của tất cả người thế gian? Trong chỗ hữu lậu mà thấy có thường, lạc, ngã, tịnh; đối với Như Lai mà thấy là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã; thấy có chúng sanh, mạng sống, chỗ thấy biết, cho rằng có cõi trời phi hữu tưởng phi vô tưởng là Niết-bàn; thấy vị trời Tự tại có Tám thánh đạo, có chấp có, chấp đoạn diệt. Những chỗ thấy như vậy gọi là sai lệch, tà vạy. Bồ Tát ma-ha-tát nếu nghe được kinh Đại Niết-bàn này, tu tập và thực hành Thánh hạnh ắt dứt trừ được những chỗ thấy sai lệch, tà vạy như vậy.

“Thế nào gọi là chỗ thấy biết sai lệch, tà vạy của hàng Thanh văn, Duyên giác? Họ thấy Bồ Tát từ cung trời Đâu-suất xuống, cưỡi voi trắng giáng thần vào thai mẹ, có cha là Tịnh-phạn, mẹ là Ma-da ở thành Ca-tỳ-la. Ngài ở trong thai đủ mười tháng rồi sanh ra. Khi ngài sanh ra chưa rơi xuống đất thì có Đế-thích đón lấy giữa hư không, có hai vị Long vương là Nan-đà và Bạt-nan-đà phun nước tắm. Đại quỷ thần vương là Ma-ni-bạt-đà cầm lọng báu đứng hầu phía sau. Thần đất hóa ra hoa đỡ dưới chân ngài. Ngài đi theo đủ bốn hướng, mỗi hướng bảy bước. Khi đến Thiên miếu, các tượng chư thiên đều đứng dậy nghinh tiếp. Vị tiên A-tư-đà bế ngài lên xem tướng. Xem tướng xong liền sanh lòng buồn đau thảm thiết, tự đau xót rằng mình sắp qua đời, không được thấy Phật đạo hưng thịnh.

“[Họ cũng thấy] Bồ Tát theo thầy học sử sách, toán pháp, bắn tên, cưỡi ngựa, địa lý, sấm ký, các môn kỹ nghệ. Ngài ở trong cung có sáu mươi ngàn cung nữ để giúp vui. Ngài ra khỏi thành dạo chơi quán sát, đến vườn Ca-tỳ-la, trên đường gặp người già yếu cho đến vị sa-môn mặc pháp phục mà đi. Khi trở về trong cung, ngài thấy hình thể và dung mạo của các cung nữ dường như những bộ xương khô, cung điện hiện có chẳng khác gì gò mộ trong bãi tha ma. Ngài nhàm chán, muốn xuất gia, giữa đêm liền vượt thành tìm đến chỗ những vị đại tiên nhân như các ông Uất-đà-già, A-la-la... nghe dạy về cảnh giới của thức và cảnh giới phi hữu tưởng phi vô tưởng. Nghe như vậy rồi, ngài quán sát kỹ những cảnh giới ấy, thấy cũng là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, liền từ bỏ mà đến dưới cội cây tu khổ hạnh đủ sáu năm.

“Sau đó biết rằng khổ hạnh như thế không thể thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Bồ Tát liền đi đến sông A-lợi-bạt-đề tắm rửa sạch sẽ, rồi thọ nhận món cháo sữa do cô gái chăn bò phụng hiến. Dùng cháo xong, ngài đến ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, phá ma Ba-tuần, thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ở thành Ba-la-nại, ngài vì năm vị tỳ-kheo mà Chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên, cho đến khi tại thành Câu-thi-na này thị hiện Niết-bàn.

“Những chỗ thấy như vậy của hàng Thanh văn, Duyên giác gọi là sai lệch, tà vạy.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát, nghe và thọ nhận kinh Đại Niết-bàn này ắt được dứt trừ những chỗ thấy biết như vậy. Nếu có thể sao chép, đọc tụng kinh này thông suốt, vì người khác giảng nói, suy xét nghĩa kinh, ắt được chỗ thấy biết ngay thẳng, không sai lệch, tà vạy.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này biết rõ rằng: Từ vô lượng kiếp đến nay, đức Bồ Tát chẳng hề giáng thần từ cung Đâu-suất vào thai mẹ, cho đến cũng không có việc nhập Niết-bàn tại thành Câu-thi-na này. Đó gọi là chỗ thấy biết ngay thẳng của hàng Bồ Tát ma-ha-tát.

“[Thế nào là] có thể hiểu được ý nghĩa sâu kín của Như Lai? Đó là [những ý nghĩa về] Đại Bát Niết-bàn; là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, [nhưng phải] sám hối bốn giới cấm nặng, trừ bỏ lòng chê bai giáo pháp, dứt hết năm tội nghịch, trừ bỏ tâm bất tín, sau đó mới chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Như vậy gọi là những ý nghĩa rất sâu xa kín đáo.

“Này thiện nam tử! Vì sao gọi là ý nghĩa rất sâu xa? Tuy biết chúng sanh thật không có tự ngã, nhưng nghiệp quả trong tương lai không hề dứt mất. Tuy biết rằng năm ấm tan rã trong đời này, nhưng nghiệp lành nghiệp dữ đều chẳng mất. Tuy có các nghiệp nhưng không có người tạo tác; tuy có chỗ đến nhưng không có người đi đến; tuy có sự trói buộc nhưng không có người bị trói buộc; tuy có Niết-bàn nhưng không có người nhập Niết-bàn. Đó gọi là ý nghĩa rất sâu kín.”

Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như con hiểu nghĩa Phật đã dạy về chỗ nghe và không nghe thì không phải như thế! Vì sao vậy? Nếu pháp là có, liền phải xác định là có; nếu pháp là không, liền phải xác định là không. Cái không lẽ ra chẳng sanh, cái có lẽ ra chẳng diệt. Như có nghe tức là nghe; không nghe tức là không nghe, vì sao nói rằng nghe được những điều không [thể] nghe?

“Bạch Thế Tôn! Nếu không thể nghe, đó là không nghe; nếu đã nghe rồi, xét cho cùng cũng là không nghe. Vì sao vậy? Vì đã nghe rồi [nên hiện nay không nghe]! Vì sao nói rằng nghe được những điều không [thể] nghe?

“Ví như có người đi, khi đến rồi ắt là không đi, khi đang đi ắt là không đến. Cũng như khi đã sanh rồi là không có sự sanh, [nếu] không sanh cũng không có sự sanh. Khi đạt được rồi là không [còn gì để] được, [nếu] không đạt được cũng là không được. Khi nghe rồi là không [còn sự] nghe, [nếu] không nghe [cũng] là không nghe, [ý nghĩa] đều là như vậy!

“Bạch Thế Tôn! Nếu không nghe [cũng là] nghe thì tất cả chúng sanh chưa có Bồ-đề lẽ ra phải có, chưa được Niết-bàn lẽ ra phải được, chưa thấy tánh Phật lẽ ra phải thấy. Vì sao [Như Lai] nói rằng hàng Bồ Tát ở Mười trụ địa tuy thấy tánh Phật nhưng chưa [thấy] được rõ ràng?

“Thế Tôn! Nếu không nghe [cũng là] nghe, Như Lai trong quá khứ từng được nghe [Chánh pháp] từ nơi ai? Nếu là được nghe, sao trong kinh A-hàm Như Lai nói rằng không có thầy dạy?

“Nếu không nghe [là] không nghe mà Như Lai thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì tất cả chúng sanh không nghe [là] không nghe, lẽ ra cũng đều thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề! Nếu Như Lai chưa nghe kinh Đại Niết-bàn này mà thấy được tánh Phật, thì tất cả chúng sanh chưa nghe kinh này lẽ ra cũng phải thấy được tánh Phật!

“Bạch Thế Tôn! Phàm là hình sắc thì hoặc có thể thấy, hoặc không thể thấy. Âm thanh cũng vậy, hoặc có thể nghe, hoặc không thể nghe.

“Đại Niết-bàn này chẳng phải hình sắc, chẳng phải âm thanh, sao lại nói rằng có thể thấy, có thể nghe?

“Bạch Thế Tôn! Quá khứ đã dứt rồi nên không thể nghe, tương lai chưa đến nên cũng không thể nghe. Vào lúc đang nghe trong hiện tại cũng không gọi là nghe, vì vừa nghe rồi thì âm thanh liền diệt mất, nên xét cho cùng là không thể nghe!

“Đại Niết-bàn này cũng không thuộc về quá khứ, tương lai, hiện tại. Nếu không thuộc về quá khứ, tương lai, hiện tại thì không thể thuyết giảng. Nếu không thể thuyết giảng ắt là không thể nghe! Vì sao [Như Lai] nói rằng Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này nghe được những điều không [thể] nghe?”

Lúc ấy, đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông biết rõ rằng tất cả các pháp dường như ảo hóa, như tia lửa lóe ra, như cảnh thành quách biến hóa, như hình vẽ trên mặt nước, lại cũng như bọt sóng, bọt nước, như thân cây chuối, rỗng không chẳng thật, chẳng phải mạng sống, chẳng phải ta, không khổ không vui, đồng như chỗ thấy biết của hàng Bồ Tát ở Mười trụ địa.”

Lúc ấy, giữa đại chúng bỗng trong khoảnh khắc xuất hiện ánh hào quang rực rỡ. Trong ánh hào quang ấy, không phải màu xanh lại thấy là xanh, không phải màu vàng lại thấy là vàng, không phải màu đỏ lại thấy là đỏ, không phải màu trắng lại thấy là trắng, không có hình sắc lại thấy là hình sắc, không phải sáng tỏ lại thấy là sáng tỏ, không phải sự thấy mà lại nhìn thấy.

Bấy giờ, đại chúng thấy hào quang ấy rồi, thân tâm đều khoái lạc, như vị tỳ-kheo nhập phép thiền định Sư tử vương.

Đại Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi liền bạch Phật: “Thế Tôn! Nay ánh hào quang này là do ai phát ra?”

Lúc ấy, đức Như Lai lặng thinh chẳng nói.

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi: “Do nhân duyên gì mà có ánh hào quang này chiếu soi đại chúng?”

Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi lặng thinh chẳng đáp.

Lúc ấy, Bồ Tát Vô Biên Thân lại hỏi Bồ Tát Ca-diếp: “Ánh hào quang hôm nay là của ai vậy?”

Bồ Tát Ca-diếp lặng thinh chẳng đáp.

Bồ Tát Tịnh Trụ Vương Tử lại hỏi Bồ Tát Vô Biên Thân: “Do nhân duyên gì mà trong đại chúng có ánh hào quang này?”

Bồ Tát Vô Biên Thân lặng thinh chẳng đáp.

Cứ như vậy, năm trăm vị Bồ Tát lần lượt hỏi nhau, nhưng chẳng ai trả lời!

Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi: “Do nhân duyên gì mà trong đại chúng có ánh hào quang này?”

Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi đáp: “Bạch Thế Tôn! Hào quang ấy gọi là trí tuệ. Trí tuệ tức là thường trụ; pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi do nhân duyên gì có hào quang ấy?

“Hào quang ấy gọi là Đại Niết-bàn. Đại Niết-bàn tức là thường trụ, pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi do nhân duyên gì có hào quang ấy?

“Hào quang ấy tức là Như Lai. Như Lai tức là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?

“Hào quang ấy gọi là đại từ đại bi. Đại từ đại bi gọi là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?

“Hào quang ấy tức là nghĩ nhớ đến Phật. Nghĩ nhớ đến Phật gọi là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?

“Hào quang ấy là đạo không chung cùng với hết thảy hàng Thanh văn, Duyên giác. Đạo chẳng chung cùng với Thanh văn, Duyên giác tức là thường trụ. Pháp thường trụ không do nhân duyên, sao Phật lại hỏi nơi nhân duyên?

“Bạch Thế Tôn, thật cũng có nhân duyên. Đó là nhân dứt trừ vô minh liền thắp sáng được ngọn đèn A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Phật dạy: “Văn-thù-sư-lợi! Nay ông chớ nên đi vào ý nghĩa rốt ráo sâu xa nhất của các pháp, hãy theo ý nghĩa chân thật [tương đối] của thế gian mà giảng nói về [hào quang] ấy.”

Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Thế Tôn! Về phương đông của thế giới này, trải qua số thế giới nhiều như số cát của hai mươi sông Hằng, có một thế giới Phật tên là Bất Động. Nơi ở của đức Phật tại thế giới ấy hai bề ngang dọc đều rộng đủ mười hai ngàn do-tuần. Mặt đất nơi cõi ấy bằng bảy báu, không có các loại đất đá; bằng phẳng, mềm mại, không có hầm hố. Cây cối nơi ấy đều do bốn món báu tạo thành. Hoa quả um tùm tươi tốt, mùa nào cũng có. Chúng sanh ngửi được mùi thơm của hoa thì thân tâm an lạc như vị tỳ-kheo vào cảnh thiền thứ ba.

“Bao quanh cõi ấy lại có ba ngàn con sông lớn, nước sông mầu nhiệm, có đủ tám vị. Chúng sanh tắm trong nước sông ấy liền được vui vẻ khoái lạc, như vị tỳ-kheo vào cảnh thiền thứ hai. Các sông ấy có rất nhiều đủ mọi loại hoa như hoa ưu-bát-la, hoa ba-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lợi, hoa hương, hoa hương loại lớn, hoa vi diệu hương, hoa thường, các loại hoa không cần tất cả chúng sanh che chở, bảo vệ.

“Hai bên bờ sông cũng có đủ các loại hoa như hoa a-đề-mục-đa-già, hoa chiêm-bà, hoa ba-trá-la, hoa bà-sư-la, hoa ma-lợi-ca, hoa ma-lợi-ca loại lớn, hoa tân-ma-lợi-ca, hoa tu-ma-na, hoa do-đề-ca, hoa đàn-nậu-ca-lợi, hoa thường, các loại hoa không cần tất cả chúng sanh che chở, bảo vệ. Đáy sông đầy cát bằng vàng, có bốn bậc thang đi lên bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê đủ màu. Có nhiều loài chim tụ tập vui đùa trên bờ sông.

“Lại có vô số cọp, sói, sư tử và các giống thú dữ, chim dữ, nhưng chúng nhìn nhau hiền hậu và thương nhau như mẹ con.

“Trong thế giới ấy không có một người nào phạm các điều trọng cấm hoặc phỉ báng Chánh pháp, cũng không có những kẻ nhất-xiển-đề, không có năm tội nghịch.

“Thế giới ấy điều hòa thích hợp, không có những nỗi khổ vì nóng, lạnh, đói, khát. Không có những mối tham dục, giận tức, lười nhác buông thả, ghen ghét ganh tỵ. Không có mặt trời, mặt trăng, ban ngày, ban đêm, không phân biệt thời tiết, giống như ở cõi trời Đao-lợi, cõi trời thứ hai trong Dục giới.

“Nhân dân ở thế giới ấy đều có hào quang, hết thảy đều không có lòng kiêu mạn. Tất cả đều là những vị Đại sĩ Bồ Tát, đều đã chứng đắc thần thông, đầy đủ công đức lớn, lòng tôn trọng Chánh pháp, nương theo Đại thừa, yêu mến nghĩ nhớ đến Đại thừa, ham thích Đại thừa, trân trọng gìn giữ Đại thừa. Thảy đều thành tựu trí tuệ lớn lao, được phép Đại tổng trì, trong lòng thường thương xót tất cả chúng sanh.

“Đức Phật nơi ấy hiệu là Mãn Nguyệt Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Tùy nơi an trụ mà ngài tuyên giảng Chánh pháp, chúng sanh ở cõi ấy thảy đều được nghe.

“Đức Phật ấy đã vì Đại Bồ Tát Lưu Ly Quang mà tuyên giảng kinh Đại Niết-bàn này. Ngài dạy: ‘Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát ma-ha-tát có thể tu hành kinh Đại Niết-bàn thì đối với những điều không [thể] nghe đều có thể nghe được.’

“Đại Bồ Tát Lưu Ly Quang thưa hỏi Phật Mãn Nguyệt Quang Minh cũng không khác với câu hỏi của Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương ở cõi này.

“Phật Mãn Nguyệt Quang Minh liền dạy Bồ Tát Lưu Ly Quang rằng: ‘Thiện nam tử! Về phương tây của thế giới này, cách đây số cõi Phật nhiều như số cát của hai mươi sông Hằng, có một thế giới tên là Ta-bà. Cõi ấy có nhiều núi đồi gò nổng, đất cát đá sỏi, gai góc và chông độc đầy dẫy khắp nơi, thường có những nỗi khổ vì đói, khát, nóng, lạnh.

“Nhân dân ở cõi ấy không biết cung kính hàng sa-môn, bà-la-môn, cha mẹ, thầy dạy; họ tham đắm những việc không đúng pháp, ưa muốn những việc không đúng pháp, tu hành theo tà pháp, chẳng tin vào chánh pháp, tuổi thọ ngắn ngủi. Có những kẻ làm việc gian trá bị phép vua trừng phạt. Những vị vua tuy có đất đai cai trị nhưng không thấy thỏa mãn, nhìn sang nước của vua khác mà sanh lòng tham muốn rồi khởi binh đánh nhau, người chết oan rất nhiều. Bậc vua chúa làm việc không đúng pháp như thế, các vị thiện thần ở bốn cõi trời không có lòng hoan hỷ, cho nên giáng xuống nạn hạn hán, lúa thóc mất mùa, nhân dân nhiều bệnh tật, khổ não vô cùng.

“Nơi cõi ấy có đức Phật hiệu là Thích-ca-Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Vì lòng đại bi thuần hậu, thương xót chúng sanh nên ngài ở tại thành Câu-thi-na, trong rừng có cây sa-la mọc sóng đôi mà giảng rộng với đại chúng kinh Đại Niết-bàn này.

“Cõi ấy có vị Bồ Tát tên là Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương, cũng thưa hỏi về việc này giống như lời ông hỏi. Nay đức Phật Thích-ca Mâu-ni sắp trả lời câu hỏi ấy, ông mau đến đó, tự nhiên sẽ được nghe.’

“Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Lưu Ly Quang nghe vậy rồi liền cùng với tám vạn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát sắp đến đây, cho nên trước hết hiện ra điềm lành. Do nhân duyên ấy mà có ánh hào quang này. Như thế gọi là nhân duyên, cũng không phải nhân duyên.”

Lúc ấy, Bồ Tát Lưu Ly Quang cùng tám vạn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát, thảy đều cầm phướn, lọng, hương hoa, chuỗi anh lạc, các món kỹ nhạc, tốt đẹp thù thắng hơn nhiều lần so với các món đã được cúng dường [ở pháp hội này] trước đây. Tất cả cùng đến thành Câu-thi-na, chỗ hai cây sa-la mọc sóng đôi, mang các thức cúng dường dâng lên phụng hiến Phật, cúi đầu và mặt lễ bái sát chân Phật, chắp tay cung kính đi nhiễu quanh theo chiều bên phải ba vòng. Lễ kính xong, các vị đều ngồi sang một bên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi các vị Bồ Tát kia: “Thiện nam tử! Các ông đến đây như vậy là có [sự] đi đến hay không có [sự] đi đến?”

Bồ Tát Lưu Ly Quang thưa: “Bạch Thế Tôn! Có đi đến cũng chẳng đến; không đi đến cũng chẳng đến. Chúng con quán xét trong nghĩa này hoàn toàn không có việc đến đây.

“Bạch Thế Tôn! Nếu các hành là thường, cũng không có việc đến đây; nếu là vô thường, lại cũng không có việc đến đây. Nếu người thấy có tánh chúng sanh thì có việc đến hay không đến. Chúng con nay không thấy có tánh nhất định của chúng sanh, làm sao nói rằng có việc đến hay không đến?

“Kẻ có lòng kiêu mạn liền thấy rằng có đi, có đến; người không có lòng kiêu mạn ắt không có đi, không có đến.

“Người chấp giữ các hành thì thấy rằng có đi, có đến; người không chấp giữ các hành ắt không có đi, không có đến.

“Nếu thấy rằng đức Như Lai dứt hết tất cả mà nhập Niết-bàn, ắt là có đi, có đến; nếu thấy đức Như Lai không dứt hết tất cả mà nhập Niết-bàn thì không có đi, không có đến.

“Không nghe biết tánh Phật ắt là có đi, có đến; người nghe biết được tánh Phật thì không có đi, không có đến.

“Nếu thấy hàng Thanh văn và Phật Bích-chi có Niết-bàn, ắt là có đi, có đến; nếu không thấy Thanh văn và Phật Bích-chi có Niết-bàn thì không có đi, không có đến.

“Nếu thấy hàng Thanh văn và Phật Bích-chi là thường, lạc, ngã, tịnh, ắt là có đi, có đến; nếu người không thấy như vậy thì không có đi, không có đến.

“Nếu thấy Như Lai không có thường, lạc, ngã, tịnh, ắt là có đi, có đến; nếu thấy Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, ắt là không có đi, không có đến.

“Bạch Thế Tôn! Xin hãy tạm gác việc đó lại. Nay con có chỗ muốn thưa hỏi, xin Như Lai rủ lòng thương xót cho phép con được hỏi.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông cứ tùy ý mà hỏi, nay chính là lúc thích hợp. Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết. Vì sao vậy? Chư Phật thật khó gặp, cũng như hoa ưu-đàm. Chánh pháp cũng vậy, rất khó được nghe. Trong Mười hai bộ kinh, kinh Phương đẳng lại càng khó được nghe hơn hết. Cho nên phải hết lòng lắng nghe và nhận lãnh.”

Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Lưu Ly Quang được Phật cho phép và ân cần răn dạy, liền bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn lại nghe được những điều không [thể] nghe?”

Bấy giờ, đức Như Lai ngợi khen rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông muốn thấu triệt kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn sâu rộng như biển lớn này, lại gặp được ta có thể khéo léo giảng thuyết. Nay ông đang bị trúng mũi tên độc nghi ngờ, ta là vị đại lương y có thể khéo nhổ mũi tên ấy ra. Ông đối với tánh Phật chưa được sáng rõ, ta có ngọn đuốc trí tuệ có thể vì ông soi sáng. Nay ông muốn vượt qua dòng sông lớn sanh tử, ta có thể vì ông làm vị đại thuyền sư. Ông đối với ta sanh ý tưởng xem như cha mẹ, ta đối với ông cũng có lòng thương như con đẻ. Nay lòng ông ham muốn Chánh pháp, lại gặp được Như Lai có nhiều của quý, sắp ban cho ông.

“Hãy lắng nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Và hãy suy xét cho rõ. Ta sẽ vì ông mà phân biệt phân biệt giảng thuyết.

“Thiện nam tử! Nay ông muốn được nghe pháp thật là đúng lúc. Nếu được nghe pháp rồi nên sanh tâm cung kính, tin theo, hết lòng lắng nghe và nhận lãnh, tôn trọng cung kính. Đối với Chánh pháp đừng tìm chỗ lỗi lầm, đừng nhớ nghĩ những sự tham dục, sân khuể, ngu si. Đừng xét tìm những chỗ tánh nết tốt xấu của người thuyết pháp. Được nghe pháp rồi đừng sanh lòng kiêu mạn. Đừng vì sự cung kính, danh dự hay lợi dưỡng; hãy vì sự cứu độ thế gian, vì lợi ích của món cam lộ Chánh pháp. Cũng đừng sanh ý nghĩ rằng: ‘Ta được nghe pháp rồi, trước tiên sẽ tự độ mình, sau đó mới độ người khác. Trước tiên sẽ giải thoát cho mình, sau đó mới giải thoát cho người khác. Trước tiên sẽ tự an ổn cho mình, sau đó mới làm an ổn người khác. Trước tiên sẽ tự mình có Niết-bàn, sau đó mới khiến cho người khác được Niết-bàn.’

“Đối với Phật, Pháp và Chư tăng nên sanh ý tưởng bình đẳng như nhau. Đối với cuộc sanh tử nên sanh ý tưởng cho là hết sức khổ não. Đối với Đại Niết-bàn, nên sanh ý tưởng là thường, lạc, ngã, tịnh.

“Trước hết nên vì người khác, sau đó mới vì bản thân mình. Nên vì Đại thừa, đừng vì hai thừa Thanh văn và Duyên giác. Đối với tất cả các pháp nên không có chỗ trụ, cũng đừng chuyên chấp vào tướng trạng của tất cả các pháp. Đối với các pháp đừng sanh lòng tham muốn. Thường sanh những ý tưởng rõ biết pháp, thấy pháp.

“Thiện nam tử! Nếu ông có thể giữ tâm như vậy mà hết lòng nghe pháp thì có thể gọi là nghe được những điều chưa nghe.

“Thiện nam tử! Có các trường hợp là: không nghe [cũng là] nghe, không nghe [là] không nghe, nghe [cũng là] không nghe và nghe [là] nghe.

“Thiện nam tử! Cũng giống như các trường hợp không sanh [cũng là] sanh, không sanh [là] không sanh, sanh [cũng là] không sanh và sanh [là] sanh; hoặc như không đến [cũng là] đến, không đến [là] không đến, đến [cũng là] không đến và đến [là] đến.”

[Bồ Tát Lưu Ly Quang thưa hỏi:] “Bạch Thế Tôn! Thế nào là không sanh [cũng là] sanh?”

[Phật dạy:] “Thiện nam tử! [Khi Bồ Tát] trụ yên nơi lý chân thật của thế gian, lúc [thị hiện] vừa ra khỏi bào thai, đó gọi là không sanh [cũng là] sanh.”

[Lại hỏi:] “Còn thế nào là không sanh [là] không sanh?”

[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Đại Niết-bàn này không hề có tướng sanh, đó gọi là không sanh [là] không sanh.”

[Lại hỏi:] “Thế nào là sanh [cũng là] không sanh?”

[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Theo lẽ chân thật [tương đối] của thế gian thì lúc chết đi gọi rằng sanh [cũng là] không sanh.”

[Lại hỏi:] “Còn thế nào gọi rằng sanh [là] sanh?”

[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Hết thảy phàm phu đều thuộc về trường hợp sanh [là] sanh. Vì sao vậy? Vì sự sanh này nối tiếp sự sanh kia, không hề gián đoạn. Hết thảy các pháp hữu lậu trong từng giây phút đều sanh ra, nên gọi rằng sanh [là] sanh.

“Hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ tư thì sanh [cũng là] không sanh. Vì sao vậy? Vì sanh ra một cách tự do tùy ý nên gọi rằng sanh [cũng là] không sanh.

“Thiện nam tử! Như vậy gọi là những pháp trong [Phật pháp]. Còn thế nào là những pháp ngoài [Phật pháp]? Đó là các trường hợp chưa sanh [cũng là] sanh, chưa sanh [là] chưa sanh, sanh [cũng là] chưa sanh và sanh [là] sanh.

“Thiện nam tử! Ví như hạt giống chưa nảy mầm, được có đủ bốn đại hòa hợp, được người ra công chăm sóc, sau đó mới sanh ra mầm. Như vậy gọi rằng chưa sanh [cũng là] sanh.

“Thế nào gọi là chưa sanh [là] chưa sanh? Ví như hạt giống bị hỏng, cùng với hạt giống chưa gặp đủ điều kiện nhân duyên. Các trường hợp như vậy gọi rằng chưa sanh [là] chưa sanh.

“Thế nào là sanh [cũng là] chưa sanh? Như hạt nảy mầm rồi nhưng không tăng trưởng. Như vậy gọi rằng sanh [cũng là] chưa sanh.

“Thế nào gọi rằng sanh [là] sanh? Như hạt giống nảy mầm thì mới tăng trưởng, nếu không nảy mầm thì không tăng trưởng. Tất cả pháp hữu lậu cũng đều như thế. Như vậy là những trường hợp sanh [là] sanh của các pháp ngoài [Phật pháp].”

Đại Bồ Tát Lưu Ly Quang bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Các pháp hữu lậu nếu như có sanh thì [sự sanh] đó là thường chăng? Hay là vô thường?

“Nếu sự sanh là thường thì các pháp hữu lậu ắt không có sự sanh. Nếu sự sanh là vô thường thì các pháp hữu lậu ắt phải là thường.

“Bạch Thế Tôn! Nếu cái sanh có thể tự sanh ra, thì sự sanh không có tự tánh. Nếu có thể sanh ra cái khác thì do nhân duyên gì không sanh ra vô lậu?

“Bạch Thế Tôn! Nếu trong khi chưa sanh mà có sự sanh, vì sao đến nay mới gọi là sanh? Nếu khi chưa sanh mà không có cái sanh, sao chẳng nói rằng hư không là sanh?”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! [Những điều như] không sanh [cũng là] sanh là không thể thuyết giảng; sanh [là] sanh cũng không thể thuyết giảng. [Các trường hợp] sanh [là] không sanh cũng không thể thuyết giảng; không sanh [là] không sanh cũng không thể thuyết giảng!

“Sự sanh cũng không thể thuyết giảng; sự không sanh cũng không thể thuyết giảng. Nhưng vì có nhân duyên nên có thể thuyết giảng.

“Thế nào là không sanh [là] sanh không thể thuyết giảng? [Cái] không sanh đó gọi là sanh, làm sao còn có thể thuyết giảng? Vì sao vậy? Vì cái không sanh đó đã sanh rồi.

“Thế nào gọi rằng sanh [là] sanh không thể thuyết giảng? Vì sanh [là] sanh nên có sự sanh; vì sanh [là] sanh nên có sự không sanh. [Như vậy] cũng là không thể thuyết giảng.

“Thế nào là sanh [là] không sanh không thể thuyết giảng? [Có sự] sanh nên gọi tên là sanh, sự sanh không tự nó sanh ra nên không thể thuyết giảng.

“Thế nào gọi rằng không sanh [là] không sanh cũng không thể thuyết giảng? Không sanh đó gọi là Niết-bàn. Niết-bàn không sanh ra nên không thể thuyết giảng. Vì sao vậy? Vì nhờ tu tập theo Chánh đạo mà được Niết-bàn [chứ không có sự sinh ra].

“Thế nào là sự sanh cũng không thể thuyết giảng? Vì [tuy nói là có] sự sanh [nhưng vốn thật] là không.

“Thế nào là sự không sanh cũng không thể thuyết giảng? Vì [tuy nói là không sanh nhưng thật] có sự chứng đắc.

“Thế nào là vì có nhân duyên nên có thể thuyết giảng? Vì có mười pháp nhân duyên làm nhân cho sự sanh ra. Vì nghĩa ấy nên cũng có thể thuyết giảng.

“Thiện nam tử! Nay các ông chớ nên nhập phép Không định rất sâu xa. Vì sao vậy? Vì đại chúng nơi đây căn tánh chậm lụt.

“Thiện nam tử! Sự sanh ra của các pháp hữu vi cũng là thường, [nhưng] vì sự tồn tại [của chúng] không thường nên sự sanh ra đó cũng là vô thường.

“Sự tồn tại của các pháp hữu vi cũng là thường, [nhưng] vì sanh [tiếp nối] sanh, [liên tục biến đổi] nên sự tồn tại [của chúng] cũng là vô thường.

“Sự biến đổi cũng là thường, [nhưng] vì pháp là vô thường nên sự biến đổi cũng là vô thường.

“Sự hoại diệt cũng là thường, [nhưng] vì vốn [từ chỗ] không mà nay thành có nên sự hoại diệt cũng là vô thường.

“Thiện nam tử! Do nơi thật tánh [mà nói] thì sự sanh ra, tồn tại, biến đổi, hoại diệt thảy đều là thường. [Nhưng] vì trong từng khoảnh khắc luôn tiếp nối nhau diệt mất nên không thể nói là thường. Vì Đại Niết-bàn này có công năng trừ dứt [các pháp ấy], nên gọi [chúng] là vô thường.

“Thiện nam tử! Các pháp hữu lậu khi chưa sanh ra vốn sẵn có tánh sanh, nên sự sanh mới có thể sanh ra. Các pháp vô lậu vốn không có tánh sanh, nên sự sanh không thể sanh ra. Cũng như lửa sẵn có tánh [cháy], gặp đủ điều kiện ắt sẽ bùng cháy. Mắt sẵn có tánh thấy, nhân có đủ các điều kiện như hình sắc, ánh sáng, tâm thức nên [có sự] thấy.

“Pháp sanh ra của chúng sanh cũng là như vậy, do sẵn có tánh [sanh], gặp đủ [các điều kiện] nhân duyên, nghiệp lực, cha mẹ hòa hợp, liền có sự sanh ra.”

Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Lưu Ly Quang cùng tám mươi bốn ngàn vị Bồ Tát ma-ha-tát nghe pháp ấy rồi liền vọt lên hư không, cao bằng bảy cây đa-la, cung kính chấp tay bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con nhờ ơn Như Lai ân cần dạy bảo, nhân nơi kinh Đại Niết-bàn mà lần đầu tiên nhận hiểu được ý nghĩa nghe được những điều không [thể] nghe, lại cũng giúp cho tám mươi bốn ngàn vị Bồ Tát ma-ha-tát hiểu sâu được sự sanh, không sanh... của các pháp.

“Bạch Thế Tôn! Nay con đã hiểu rõ, trừ dứt mọi sự nghi ngờ. Nhưng trong hội này còn có một vị Bồ Tát tên là Vô Úy muốn thưa hỏi, xin Phật rủ lòng thương cho phép vị ấy được thưa hỏi.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vô Úy: “Thiện nam tử! Ông cứ tùy ý chất vấn, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết.”

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Úy cùng với tám mươi bốn ngàn vị Bồ Tát đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh trang y phục, rồi quỳ xuống chắp tay bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng sanh ở cõi này cần phải thực hiện những nghiệp lành nào để được sanh về cõi Phật Bất Động kia? Bồ Tát ở cõi này làm thế nào để được thành tựu trí tuệ, thành bậc oai dũng vượt trội trong loài người; có oai đức lớn, tu tập đầy đủ các hạnh, tâm trí sáng suốt nhanh lẹ, vừa nghe qua liền có thể hiểu rõ?”

Đức Thế Tôn liền nói kệ đáp rằng:

Không giết hại chúng sanh,
Giữ theo mọi giới cấm,
Tin pháp Phật nhiệm mầu,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Không cướp đoạt tiền tài,
Thường bố thí khắp cả,
Xây chùa khắp bốn phương,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Không dan díu vợ người,
Không tham dâm vợ mình.
Cúng dường bậc trì giới,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Chẳng vì mình, vì người,
Mưu cầu lợi, khủng bố.
Chỉ nói lời chân thật,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Chớ nghịch hại người lành,
Lìa xa mọi kẻ ác,
Thường nói lời hòa hợp,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Như các vị Bồ Tát,
Dứt bỏ lời nói độc,
Chỉ nói lời dễ nghe,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Ngay cả lúc đùa vui,
Cũng nói khi thích hợp,
Nói năng thường thận trọng,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Thấy người được tài lợi,
Lòng cũng mừng vui theo,
Không khởi lòng ganh ghét,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Chẳng gây sự phiền giận,
Thường khởi lòng thương yêu,
Chẳng tìm cách làm ác,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Tà kiến phủ nhận thí,
Không cha mẹ, xưa nay.
Chẳng thấy biết như vậy,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Đào giếng trên đường vắng,
Trồng cây trái rừng sâu,
Cúng dường người khất thực,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Cúng dường Phật, Pháp, Tăng,
Một nén hương, ngọn đèn,
Hoặc chỉ một cành hoa,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Dù chỉ do sợ hãi,
Hoặc cầu lợi, cầu phước,
Mà sao chép kinh này,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Nếu vì cầu phúc lộc,
Dù chỉ trong một ngày,
Tụng đọc kinh điển này,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Nếu vì đạo Vô thượng,
Trong suốt một ngày đêm,
Thọ trì tám trai giới,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Những kẻ phạm cấm giới,
Hoặc chê bai Đại thừa,
Chớ chung đụng, gần gũi,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Bố thí người bệnh tật,
Dù chỉ một trái cây,
Vui vẻ mà thăm nom,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Không đoạt của bố thí,
Khéo giữ vật cúng Phật,
Quét dọn nơi chùa tháp,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Tạo tượng và tháp Phật,
Dù nhỏ như ngón tay,
Thường khởi lòng hoan hỷ,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Nếu vì kinh điển này,
Mang thân thể, tài vật,
Cúng dường người thuyết pháp,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Nếu nghe rồi sao chép,
Thọ trì và tụng đọc,
Nghĩa sâu kín Phật dạy,
Ắt sanh cõi Bất Động.

Lúc ấy, Bồ Tát Vô Úy bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nay con đã biết được những nghiệp duyên tốt đẹp để sanh về cõi Bất Động.

“Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương vì thương xót khắp cả chúng sanh nên đã có lời thưa hỏi. Nếu Như Lai giảng thuyết việc ấy ắt có thể làm lợi ích, an lạc cho loài người và chư thiên cùng các loài a-tu-la, càn-thát-bà, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền bảo Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đối với việc này ông nên hết lòng lắng nghe. Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết. Có những trường hợp: vì có nhân duyên nên chưa đến [là] không đến; vì có nhân duyên nên đến [cũng là] không đến; vì có nhân duyên nên không đến [cũng là] đến; vì có nhân duyên nên đến [là] đến.

“Do nhân duyên gì mà chưa đến [là] không đến? Thiện nam tử! Nói không đến đó là nói kẻ phàm phu chưa đến được Đại Niết-bàn vì có những sự tham dục, sân khuể, ngu si; vì các nghiệp thân, miệng chẳng trong sạch; vì nhận lãnh hết thảy những vật bất tịnh, phạm bốn tội nặng, chê bai phỉ báng kinh Phương đẳng, làm kẻ nhất-xiển-đề dứt mất lòng tin, phạm vào năm tội nghịch. Vì những nghĩa ấy nên [họ] chưa đến [là] không đến.

“Thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà không đến [cũng là] đến? Không đến đó gọi là Đại Niết-bàn. Vì nghĩa gì mà [nói là] đến [được Đại Niết-bàn]? Đó là vì đã dứt hẳn tham dục, sân khuể, ngu si và những nghiệp ác của thân, của miệng; vì không nhận lãnh hết thảy những vật bất tịnh; vì không phạm vào bốn tội nặng; vì không chê bai phỉ báng kinh Phương đẳng; vì không làm kẻ nhất-xiển-đề đoạn dứt niềm tin; vì không tạo năm tội nghịch. Vì những nghĩa ấy nên gọi là không đến [cũng là] đến.

“Hàng Tu-đà-hoàn tuy chưa đến nhưng trải qua tám vạn kiếp thì đến; hàng Tư-đà-hàm trải qua sáu vạn kiếp thì đến; hàng A-na-hàm trải qua bốn vạn kiếp thì đến; hàng A-la-hán trải qua hai vạn kiếp thì đến; hàng Phật Bích-chi trải qua một vạn kiếp thì đến. Vì nghĩa ấy nên gọi là không đến [cũng là] đến.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên gì mà đến [cũng là] không đến? [Chỗ] đến đó gọi là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Tất cả chúng sanh thường bị vô lượng phiền não trói buộc, che lấp, không ra khỏi được sự luân chuyển đến đi trong các cảnh giới ấy, như cái bánh xe quay tròn mãi, nên gọi đó là [chỗ] đến. Hàng Thanh văn, Duyên giác và các vị Bồ Tát đều đã vĩnh viễn dứt trừ [sự luân chuyển trong các cõi ấy] nên gọi là không đến. Nhưng vì muốn hóa độ chúng sanh nên thị hiện vào trong đó, cũng gọi là đến. [Vì nghĩa ấy nên nói rằng đến cũng là không đến.]

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên gì mà đến [là] đến? [Chỗ] đến đó tức là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Hết thảy phàm phu, từ Tu-đà-hoàn cho đến A-na-hàm, vì nhân duyên phiền não nên gọi rằng đến [là] đến [chỗ ấy].

“Thiện nam tử! [Về ý nghĩa] nghe được những điều không [thể] nghe cũng là như vậy. Có các trường hợp không nghe [cũng là] nghe, không nghe [là] không nghe, nghe [cũng là] không nghe và nghe [là] nghe.

“Thế nào là không nghe [cũng là] nghe? Thiện nam tử! Không nghe đó, gọi là Đại Niết-bàn. Vì sao [nói là] không nghe? Vì không phải pháp hữu vi, vì không phải âm thanh, vì không thể thuyết giảng. [Nhưng] vì sao cũng là nghe? Vì nghe được các danh xưng [của Đại Niết-bàn] như là thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nghĩa ấy nên gọi rằng không nghe [cũng là] nghe.”

Lúc ấy, Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật có nói, Đại Niết-bàn không thể nghe được, vì sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh là có thể nghe được?

“Vì sao vậy? Thế Tôn! Người dứt trừ phiền não gọi là đạt được Niết-bàn, chưa dứt trừ thì gọi là không đạt được [Niết-bàn]. Vì nghĩa ấy nên tánh của Niết-bàn trước vốn là không mà sau thành có. Nếu pháp thế gian trước vốn là không mà nay thành có ắt phải gọi là vô thường. Ví như các loại bình chứa... trước vốn là không, sau lại thành có, đã có rồi sau lại [hư hoại] thành không, nên gọi là vô thường. Niết-bàn nếu cũng như thế thì sao lại nói là thường, lạc, ngã, tịnh?

“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Thường thì hết thảy những việc do nhân duyên tu tập [trang nghiêm] mà thành đều gọi là vô thường. Niết-bàn nếu cũng như thế thì lẽ ra là vô thường. Là những nhân duyên gì [thành tựu Niết-bàn]? Đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp ba-la-mật, bốn tâm vô lượng; là pháp quán tưởng tướng xương trắng, là pháp quán đếm hơi thở, là sáu niệm xứ, là phân tích chia chẻ sáu đại... Những pháp như vậy đều là nhân duyên tạo thành Niết-bàn, cho nên [Niết-bàn] gọi là vô thường.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Sự hiện hữu gọi là vô thường. Nếu như Niết-bàn là hiện hữu, thì lẽ ra phải là vô thường. Như trước đây Phật có dạy trong kinh A-hàm: ‘Hàng Thanh văn, Duyên giác, các đức Phật Thế Tôn đều có Niết-bàn.’ Do nơi nghĩa ấy nên [Niết-bàn] gọi là vô thường.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các pháp có thể nhìn thấy được gọi là vô thường. Như trước đây Phật có dạy: ‘Người nào thấy được Niết-bàn ắt đoạn trừ hết thảy phiền não.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Ví như hư không, đối với hết thảy chúng sanh đều bình đẳng không chướng ngại, nên gọi là thường. Nếu Niết-bàn là thường và bình đẳng, vì sao chúng sanh lại có kẻ được, người không được? Niết-bàn nếu là như thế, đối với chúng sanh không bình đẳng như nhau, ắt không thể gọi là thường.

“Thế Tôn! Ví như có trăm người cùng oán hận một người. Nếu kẻ bị oán hận ấy bị hại, ắt có nhiều người được vui. Nếu như Niết-bàn là pháp bình đẳng thì khi một người đạt được, lẽ ra cũng có nhiều người được; khi một người dứt trừ những sự trói buộc, lẽ ra cũng có nhiều người được dứt trừ. Nếu không phải như vậy, làm sao gọi là thường?

“Ví như có người cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi vị quốc vương hay vương tử, cha mẹ, sư trưởng... người ấy ắt được sự lợi dưỡng. [Việc] như vậy không gọi là thường. Niết-bàn cũng giống như vậy nên không gọi là thường. Vì sao vậy? Như Phật trước đây trong kinh A-hàm có dạy A-nan rằng: “Nếu ai thường cung kính Niết-bàn thì người ấy dứt trừ được phiền não trói buộc, thọ hưởng niềm vui vô lượng.’ Do nơi nghĩa ấy nên không gọi là thường.

“Bạch Thế Tôn! Nếu trong Niết-bàn có những danh xưng như thường, lạc, ngã, tịnh thì không gọi là thường. Còn như không có [những danh xưng ấy] thì [Niết-bàn] làm sao có thể thuyết giảng?”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Thực thể của Niết-bàn chẳng phải trước là không mà sau thành có. Nếu thực thể của Niết-bàn là trước không sau có thì ắt không phải pháp vô lậu thường trụ. Dù có Phật hay không có Phật thì tánh và tướng [của Niết-bàn] vẫn là thường trụ, chỉ vì chúng sanh bị phiền não che lấp nên không thấy được Niết-bàn, liền nói là không có. Hàng Bồ Tát ma-ha-tát dùng giới, định, tuệ, chuyên cần tu sửa trong tâm, khi dứt hết phiền não rồi liền thấy được Niết-bàn. [Vì thế] nên biết rằng Niết-bàn là pháp thường trụ, chẳng phải là trước vốn không mà sau thành có; vì thế nên gọi [Niết-bàn] là thường.

“Thiện nam tử! Ví như dưới giếng nước trong căn nhà tối, có đủ bảy báu. Người ta cũng biết là có, nhưng vì tối nên không nhìn thấy. Người khôn ngoan khéo biết phương cách liền thắp lên ngọn đèn lớn, mang đến soi sáng, thấy được tất cả. Người ấy đối với việc đó không hề nghĩ rằng: ‘Nước và bảy món báu trước là không mà nay thành có.’

“Niết-bàn cũng như thế, vốn luôn sẵn có, chẳng phải đến nay mới có. Vì phiền não tối tăm nên chúng sanh không thấy. Bậc Như Lai trí tuệ lớn lao khéo dùng phương tiện, thắp lên ngọn đèn trí tuệ, khiến cho các vị Bồ Tát thấy được Niết-bàn, thường, lạc, ngã, tịnh. Vì thế, người có trí tuệ đối với Niết-bàn không nên nói rằng trước vốn là không mà nay mới có.

“Thiện nam tử! Ông nói rằng do nhân duyên tu tập [trang nghiêm] mà được thành tựu Niết-bàn, nên [Niết-bàn] là vô thường. Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy?

“Thiện nam tử! Thực thể của Niết-bàn là chẳng phải sanh ra, chẳng phải xuất hiện, chẳng phải chân thật, chẳng phải hư dối; không do sự tạo tác các nghiệp mà sanh, [nên] không phải là pháp hữu lậu, hữu vi.

“Niết-bàn cũng không phải nghe, không phải thấy; không sa đọa, không chết mất; không phải tướng riêng biệt, cũng không phải tướng tương đồng. Niết-bàn cũng không đi qua, không trở lại; không phải quá khứ, tương lai hay hiện tại; không phải duy nhất cũng không phải nhiều; không dài, không ngắn, không tròn, không vuông, không sắc nhọn, không tà lệch; không phải có tướng, cũng không phải không có tướng; không phải tên gọi, không phải hình sắc; không phải nhân, không phải quả; không phải ta và vật của ta.

“Vì những nghĩa ấy nên Niết-bàn là thường còn không hề biến chuyển, thay đổi. [Nhưng] phải dùng sự tu tập các pháp lành trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp để trang nghiêm tự thân rồi sau mới thấy được Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như dưới lòng đất có [mạch] nước đủ tám vị nhưng chúng sanh chẳng ai lấy được. Người có trí tuệ liền ra công đào xuyên qua đất, lấy được [mạch] nước ấy. Niết-bàn cũng giống như thế.

“Ví như người mù không thấy được mặt trời, mặt trăng. Nhờ thầy thuốc điều trị rồi liền thấy được. Nhưng mặt trời, mặt trăng ấy không phải trước vốn là không mà nay thành có. Niết-bàn cũng thế, từ trước vẫn tự sẵn có, không phải đến nay mới có.

“Thiện nam tử! Ví như người có tội, bị trói giữ trong ngục tù, lâu lắm mới được thả ra. Khi trở về nhà liền thấy được cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc. [Cha mẹ, anh em... đó thật không phải trước vốn là không mà nay thành có.] Niết-bàn cũng là như thế.

“Thiện nam tử! Ông nói rằng Niết-bàn là do nhân duyên mà được nên lẽ ra phải là vô thường. Điều này cũng không đúng. Vì sao vậy?

“Thiện nam tử! Có năm loại nguyên nhân. Những gì là năm? Một là nguyên nhân sanh ra, hai là nguyên nhân hòa hợp, ba là nguyên nhân tồn tại, bốn là nguyên nhân tăng trưởng, năm là nguyên nhân bên ngoài.

“Thế nào là nguyên nhân sanh ra? Nguyên nhân sanh ra tức là các thứ nghiệp phiền não [trong tâm], các loại hạt giống cây cỏ bên ngoài. Những thứ ấy gọi là nguyên nhân sanh ra.

“Thế nào là nguyên nhân hòa hợp? Như tâm thiện với tâm thiện cùng hòa hợp; tâm bất thiện với tâm bất thiện cùng hòa hợp, tâm vô ký với tâm vô ký cùng hòa hợp. Đó gọi là nguyên nhân hòa hợp.

“Thế nào là nguyên nhân tồn tại? Như nhờ có những cây cột chống giữ bên dưới nên mái nhà không sập; núi sông, cây cối, nhờ có mặt đất chống giữ nên mới đứng vững; trong thân chúng sanh có bốn đại với vô lượng phiền não nên mới tồn tại. Đó gọi là nguyên nhân tồn tại.

“Thế nào là nguyên nhân tăng trưởng? Như nhờ có các điều kiện quần áo, thức ăn uống... nên chúng sanh mới tăng trưởng. Như các hạt giống ngoài trời nếu không bị lửa thiêu cháy, không bị chim ăn mất... thì mới được tăng trưởng. Như các vị sa-môn, bà-la-môn nhờ nương theo hòa thượng, thiện tri thức mà được tăng trưởng. Như con nhờ cha mẹ mà được tăng trưởng. Đó gọi là nguyên nhân tăng trưởng.

“Thế nào là nguyên nhân [khác] từ bên ngoài? Ví như nhờ có thần chú nên ma quỷ, chất độc đều không thể làm hại; như nhờ vị quốc vương nên không có giặc cướp; như hạt nảy mầm nhờ các điều kiện: đất, nước, độ ẩm, không khí...

“Như để làm ra món bơ sữa thì cần phải có nước, sự khuấy đảo, công người làm, đó là nguyên nhân [khác] bên ngoài. Như ánh sáng, hình sắc... là nguyên nhân bên ngoài của nhãn thức. Như tinh huyết cha mẹ là nguyên nhân bên ngoài của chúng sanh. Như các điều kiện thời tiết đều gọi là nguyên nhân bên ngoài.

“Thiện nam tử! Thực thể của Niết-bàn chẳng phải do năm loại nguyên nhân như vậy mà thành, sao lại nói rằng Niết-bàn là vô thường?

“Thiện nam tử! Lại có hai loại nguyên nhân, một là nguyên nhân tạo thành, hai là nguyên nhân làm rõ. Như các dụng cụ vòng, dây... của người thợ làm đồ gốm, đó gọi là nguyên nhân tạo thành. Như đèn, đuốc... soi sáng những vật trong chỗ tối, đó gọi là nguyên nhân làm rõ.

“Thiện nam tử! Đại Niết-bàn không do nhân tạo thành mà có, chỉ do nhân làm rõ [để thấy được]. Nhân làm rõ Niết-bàn là ba mươi bảy pháp trợ đạo, sáu pháp ba-la-mật... Đó gọi là nguyên nhân làm rõ, [vì nhân đó mà thấy được Niết-bàn.]

“Thiện nam tử! Bố thí là nhân Niết-bàn, chẳng phải là nhân Đại Niết-bàn. Pháp Bố thí ba-la-mật mới được gọi là nhân Đại Niết-bàn. Ba mươi bảy phẩm là nhân Niết-bàn, chẳng phải là nhân Đại Niết-bàn. Vô lượng vô số pháp trợ Bồ-đề mới được gọi là nhân Đại Niết-bàn.”

Bấy giờ, Bồ Tát ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Bố thí thế nào không gọi là Bố thí ba-la-mật? Bố thí thế nào gọi là Bố thí ba-la-mật? Tương tự cho đến Bát-nhã ba-la-mật, thế nào không gọi là Bát-nhã ba-la-mật? Thế nào gọi là Bát-nhã ba-la-mật? Thế nào gọi là Niết-bàn? Thế nào gọi là Đại Niết-bàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Hàng Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Phương đẳng Đại Bát Niết-bàn không nghe đến bố thí, không thấy có bố thí, không nghe đến Bố thí ba-la-mật, không thấy có Bố thí ba-la-mật, cho đến không nghe Bát-nhã, không thấy có Bát-nhã, không nghe Bát-nhã ba-la-mật, không thấy có Bát-nhã ba-la-mật; không nghe đến Niết-bàn, không thấy có Niết-bàn, không nghe đến Đại Niết-bàn, không thấy có Đại Niết-bàn.

“Bồ Tát ma-ha-tát tu hành Đại Niết-bàn, thấy biết pháp giới, hiểu rõ tướng chân thật vốn là không, không có vật sở hữu, không có các tướng tri giác hòa hợp; đạt đến chỗ thấy được các tướng vô lậu, tướng không tạo tác, tướng như ảo hóa, tướng như hơi nắng nóng, như cảnh thành biến hóa mà có, tướng rỗng không.

“Khi Bồ Tát thấy được những tướng như vậy thì không còn có tham, sân, si; không nghe, không thấy. Đó gọi là tướng chân thật của Bồ Tát ma-ha-tát.

“Bồ Tát trụ yên nơi tướng chân thật liền tự biết phân biệt: đây là bố thí, đây là Bố thí ba-la-mật, cho đến đây là Bát-nhã, đây là Bát-nhã ba-la-mật; đây là Niết-bàn, đây là Đại Niết-bàn...

“Thiện nam tử! Thế nào là bố thí, không phải [Bố thí] ba-la-mật? Thấy có người đến xin rồi sau mới cho, đó gọi là bố thí, không phải [Bố thí] ba-la-mật. Nếu người không đến xin mà tự mình mở rộng lòng cho, đó gọi là Bố thí Ba-la-mật.

“Nếu thường bố thí theo thời gian [có gián đoạn], đó cũng gọi là bố thí, không phải [Bố thí] ba-la-mật. Như tu tập trong tâm lúc nào cũng bố thí, đó gọi là Bố thí Ba-la-mật.

“Nếu bố thí cho người khác rồi sanh lòng tiếc nuối, đó gọi là bố thí, không phải là [Bố thí] ba-la-mật. Bố thí rồi không hề tiếc nuối, đó gọi là Bố thí ba-la-mật.

“Hàng Bồ Tát ma-ha-tát quán xét rằng giữ lấy tài vật thì sanh ra bốn điều lo sợ: một là sợ vua quan thu mất, hai là sợ giặc cướp lấy mất, ba là sợ nước lụt cuốn mất, bốn là sợ nạn lửa thiêu mất. [Quán xét như vậy rồi] liền hoan hỷ bố thí cho kẻ khác, đó gọi là Bố thí ba-la-mật.

“Nếu bố thí mà mong cầu được báo đáp thì gọi là bố thí, không phải [Bố thí] ba-la-mật. Bố thí không mong cầu báo đáp, đó gọi là Bố thí Ba-la-mật.

“Nếu bố thí vì sự khiếp sợ, vì cầu được danh tiếng, lợi dưỡng, vì cầu cho phép nhà truyền nối chẳng dứt, vì mong cầu năm món dục ở cõi trời, hoặc vì lòng kiêu mạn, vì muốn hơn kẻ khác, vì tình quen biết, vì cầu được báo đáp... [những cách bố thí như vậy] đều chỉ giống như sự đổi chác nơi chợ búa mà thôi!

“Thiện nam tử! Như người trồng cây là vì muốn có bóng mát, vì muốn được hoa quả, hoặc để có cây gỗ. Nếu người tu hành bố thí theo những cách như vậy thì gọi là bố thí, không phải là [Bố thí] ba-la-mật.

“Bồ Tát ma-ha-tát tu hành pháp Đại Niết-bàn này không thấy có người bố thí, không thấy có người thọ nhận [vật bố thí], không thấy có tài vật bố thí; không thấy có thời điểm thích hợp hay không thích hợp [để bố thí]; không thấy [người nhận bố thí] là phước điền hay không phải phước điền; không thấy có nhân, không thấy có duyên, không thấy có quả báo; không thấy có người tạo tác, không thấy có kẻ thọ nhận; không thấy là nhiều, không thấy là ít; không thấy là trong sạch hay không trong sạch; không khinh thường người thọ nhận, không khinh thường thân mình hay tài vật; không thấy có người thấy hay người không thấy; chẳng phân biệt mình và người khác; chỉ vì pháp thường trụ Phương đẳng Đại Bát Niết-bàn nên tu hành bố thí. Vì lợi ích hết thảy chúng sanh nên thực hành bố thí. Vì dứt trừ phiền não của tất cả chúng sanh nên thực hành bố thí. Vì chúng sanh nên thực hành việc bố thí mà không thấy có kẻ thọ nhận, có người bố thí và tài vật bố thí.

“Thiện nam tử! Như người rơi xuống biển sâu, ôm lấy xác chết mà được thoát nạn. Bồ Tát ma-ha-tát tu pháp Đại Niết-bàn thực hành việc bố thí cũng vậy, giống như người ôm lấy xác chết kia.

“Thiện nam tử! Như người bị nhốt trong ngục kín, cửa nẻo kiên cố, chỉ có một lỗ trống nơi nhà xí, liền chui theo lỗ ấy mà thoát ra, không còn bị giam cầm. Bồ Tát ma-ha-tát tu pháp Đại Niết-bàn thực hành việc bố thí cũng vậy, [giống như người chui theo lỗ trống ở nhà xí kia.]

“Thiện nam tử! Như người thuộc dòng quý tộc, gặp nạn khủng bố cấp bách, không có chỗ nương cậy, phải nương theo kẻ hạ tiện dòng chiên-đà-la [để thoát hiểm]. Bồ Tát ma-ha-tát tu pháp Đại Niết-bàn thực hành việc bố thí cũng vậy, [giống như người quý tộc nương theo kẻ hạ tiện kia].

“Thiện nam tử! Như người có bệnh, vì muốn dứt bệnh khổ, được an vui, nên phải uống loại thuốc nhơ nhớp. Bồ Tát ma-ha-tát tu pháp Đại Niết-bàn thực hành việc bố thí cũng vậy, [giống như người bệnh phải uống loại thuốc nhơ nhớp kia].

“Thiện nam tử! Như người bà-la-môn gặp lúc cơm gạo đắt đỏ, vì sự sống nên phải ăn thịt chó. Bồ Tát ma-ha-tát tu pháp Đại Niết-bàn thực hành việc bố thí cũng vậy, [giống như người bà-la-môn bất đắc dĩ phải ăn thịt chó kia].

“Thiện nam tử! Trong Đại Niết-bàn, những việc như vậy từ vô lượng kiếp tới nay, không [thể] nghe mà được nghe. Về việc giữ giới luật và Trì giới ba-la-mật, cho đến bát-nhã và Bát-nhã ba-la-mật, ta đã giảng rộng trong kinh Hoa nghiêm.

Chapter Twenty-Seven: Bodhisattva Highly-Virtuous King

Then the Buddha said to Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly-Virtuous King: "O good man! Any Bodhisattva-mahasattva who practises this great Nirvana Sutra will gain ten virtues. He is not on the same level as the sravaka or pratyekabuddha. This is beyond knowing. Any person who hears this will be surprised. It is neither in nor out, neither difficult nor easy. It is neither outer expression nor non-expression. It is neither secular nor has it any form to represent it. It is not what one comes across in the world.

"What are the ten? The first contains five. What are the five? 1) One who has not heard this can hear it well, 2) having heard it, there is benefit, 3) it well cuts away doubt, 4) the mind of Wisdom is straight and has no bends, 5) one knows the closely-guarded store of the Tathagata. These are the five. How do we hear what we have not heard? This refers to the depths of the closely-guarded doctrine. All beings have the Buddha-Nature. There is no discrimination between Buddha, Dharma and Sangha. The nature and characteristics of the Three Treasures are the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. All Buddhas do not, to the very end, enter Nirvana, and are Eternal and Unchanging. The Nirvana of the Tathagata is: not " is" and not "is-not", not that which is created and not that which is not created, not something leakable [defiled] and not something unleakable [undefiled], not matter and not non-matter, not name and not non-name, not phenomenal and not non-phenomenal, not "is" and not "not-is", not substance and not non-substance, not cause and not result, not opposite and not non-opposite, not brightness and not darkness, not appearing and not non-appearing, not eternal and not non-eternal, not disruption and not non-disruption, no begininning and no non-beginning, no past, no future, and no present, no skandha and no non-skandha, no [sense-] sphere and no non-sphere, no [sense-] realm and no non-realm, no 12 links of interdependence and no non-12- links-of-interdependence. All such categorical items are of a nature deep and fine in implication. One can hear what one has not heard before. Also, there are yet things which do not reach one's ear, which are all the sutras of the tirthikas, i.e. the four Vedas, the vyakaranas, the sutras of the Vaisesikas and Kapilas, the works referring to charms, medical arts, handicrafts, the eclipses of sun and moon, the changes in the cycles of the constellations, books and prophecies. In none of these do we hear anything of what is secret. Now, we come to see this in this sutra. Also, there are the eleven types of sutra from which the vaipulya is excluded. And we see no deep and secret things stated there. But such we come to know from this sutra. O good man! That is why we say that we hear what we have not heard before.

"We say that we gain benefit when we hear. If we listen to this great Nirvana Sutra, we come to know all about the depths of what is said in all the vaipulya Mahayana sutras. For example, this is like a mirror, in which a man or woman can clearly see colour and form. It is the same with the great Nirvana Sutra. The Bodhisattva takes this up and clearly sees through all the depths of things stated in the Mahayana sutras. Also, this is like one with a great torch, who is able to see all in a dark room. It is the same with the torch of the Nirvana Sutra. The Bodhisattva takes this up and gains the depths of what is said in the Mahayana sutras. Also, it is like the sun. When it appears, thousands of lights shine over the mountains and gloomy places, and man can clearly see what is far off and distant. It is the same with the pure light of Wisdom of this Great Nirvana. It shines upon all the depths of Mahayana, enabling those of the two vehicles to see the Buddhist teaching. How? Because one hears the all-wonderful doctrine of this Great Nirvana Sutra. O good man! If the Bodhisattva-mahasattva listens to this Great Nirvana Sutra, he will come to know all about the names and letters of all things. If he writes, copies, recites, and explains it extensively to others, and thinks about the meaning, he will know all the significations of all things. O good man! One who hears knows only the name, but not what it signifies. If one truly writes, copies, holds, recites and explains it widely to others, and thinks of the meaning, then one can well know the signification. Also, next, O good man! One who hears this sutra hears that there is the Buddha-Nature, but he cannot easily see it. But if one indeed writes, copies, recites, explains it widely to others and thinks carefully about the meaning, such a one can well see it. A person who listens to this sutra hears about dana, but does not yet see danaparamita. If one indeed writes, copies, recites, explains it widely to others and thinks of the meaning, such a person will well see danaparamita. The same applies to prajnaparamita. O good man! If the Bodhisattva listens well to this Great Nirvana Sutra, he will come to know of Dharma and its meaning; he will become perfect in the two unhinderednesses and will not be afraid of any sramanas, Brahmins, devas, Maras, Brahma, or any of the world. He will expound the 12 types of sutra. There is nothing that differs. Not following and listening to others, he indeed knows and approaches unsurpassed Enlightenment. O good man! That is why we say that we listen and arrive at benefit.

"We say that a person cuts away doubt. Of doubt there are two kinds. One is doubting the name, and the other is doubting the meaning. A person who listens to this sutra does away with the mind that doubts the name; a person who thinks of the meaning cuts away the mind that doubts the meaning. Also, next, O good man! Of doubt, there are five kinds. One is doubting and wondering whether the Buddha truly enters Nirvana or not. The second is doubting whether the Buddha is Eternal or not. The third is doubting and wondering whether the Buddha is true Bliss or not. The fourth is doubting whether the Buddha is truly Pure or not. The fifth is doubting and wondering whether the Buddha is the True Self or not. When one listens to this sutra, one eternally segregates one’s self from these four doubts. Also, next, there are three kinds of doubt. First, one doubts whether there is the sravaka or not. Secondly, one doubts whether there is the pratyekabuddha or not. Thirdly, one doubts whether there is the Buddha Vehicle or not. Any person who listens to this sutra eternally excises his self from these three doubts, and no doubt remains. If one writes, copies, recites, and explains it widely to others, and thinks of the meaning, one comes to realise that all beings possess the Buddha- Nature. Also, next, O good man! Any person who does not hear this Great Nirvana Sutra will have much doubt regarding: eternal or non-eternal, bliss or non-bliss, pure or non-pure, Self or non-Self, life or non-life, being or non-being, ultimate or non-ultimate, the other world or the past world, is or nothingness, suffering or non-suffering, cause of suffering or non-cause- of suffering, Way or non-Way, extinction or non-extinction, Dharma or non-Dharma, good or non-good, or Void or non-Void. Any person who hears this sutra will eternally make away with such doubts. Also, next, O good man! Any person who does not hear such a sutra will have various doubts, such as: If matter is the Self? If feeling, perception, volition, or consciousness is the Self? If the eye indeed sees? If the self indeed sees?... down to if consciousness indeed knows? If the Self indeed knows? If matter indeed suffers from karmic results?... down to if consciousness suffers from karmic results? If the Self suffers from karmic results? If matter goes to the other world? If the Self goes to the other world?... down to if consciousness goes to the other world? And such as if the law of birth and death has beginning and end? If it has no beginning and end? Any person who hears this sutra will eternally do away with these kinds of doubt. Or there may be a person who might entertain doubt as to whether the icchantika, those who have committed the four grave offences, those who have enacted the five deadly sins, and those who have slandered Dharma have the Buddha-Nature or not? Any person who hears this sutra eternally does away with all such doubts. Or a person may doubt and wonder if there is a limit to the world or not? Or if there are the ten directions or not? Any person who hears this sutra will eternally do away with any such doubts. This is why we say that it indeed eternally does away with the doubting mind.

"We say that the mind of Wisdom is straight and without bends. If the mind doubts, what is seen cannot be straight. If all beings do not hear this all-wonderful Great Nirvana Sutra, what is seen becomes twisted. This applies down to sravakas and pratyekabuddhas, whose views must also be twisted. Why do we say that what all beings see is twisted? They see the Eternal, Bliss, Self, and the Pure in what is leakable, and impermanence, suffering, impurity, and the non-Self in the Tathagata, and they think that beings have life, and knowing, and seeing. They construe Nirvana as thoughtlessness-non-thoughtlessness, and construe Isvara as having the Noble Eightfold Path. What there is there is the "is" and the "not-is", and all such twisted views. If the Bodhisattva hears this Great Nirvana Sutra and practises the Noble Path, he can make away with all such twisted views. What are the twisted views of the sravakas and pratyekabuddhas? These are thinking that the Bodhisattva descends from Tushita Heaven, that he rides on a white elephant, that he finds himself in the womb of a mother, that the father’s name was Suddhodana, and the mother’s Maya, that for ten full months he was at Kapilavastu, and was born, that when born and not yet touching the earth Sakrodevendra takes him up, and the naga kings, Nanda and Upananda, shoot out water and bathe him, that the great demon, Manibhadra, holds a gem parasol and stands behind him, that the earth-god holds flowers on which the child places his feet, that he takes seven steps in the four directions, and is satisfied, that as he goes to the temple of the devas, the devas come out and welcome him, that Asita picks him up and prophesies, that having seen the signs he is all sorrow and says: " Woe that I will not be blessed with witnessing the rise of the Buddhist teaching" , that he goes to a teacher where he learns writing, reckoning, archery, reading omens, and handicrafts, that living in the royal harem he plays with the 60,000 maids and enjoys himself, that he comes out of the castle and finds himself in the Kapila garden, that on the way he sees an aged man and also a sramana going along the roadside, garbed in a priestly robe, that he returns to the royal palace, where he sees the bodies of the females of the palace looking like white bones, that all the palatial building were now no more to him than graves, that he despises these and renounces home, that at night he slips out of the castle, that he sees such great rishis as Udrakaramaputra and Aradakalama and hears from them about consciousness-boundlessness and thoughtlessness-non-thoughtlessness. Having heard and meditated upon these, he sees that all things are non-eternal, suffering, nonpure, and non-Self. He abandons these, practises penance under a tree and, after six years, sees that penance does not bring him unsurpassed Enlightenment. Then he bathes himself in the waters of River Hiranyavati [Nairanjana] and takes some milk-cooked porridge from the hands of a pasture woman. After taking this, he goes to the Bodhi Tree, where, crushing Marapapiyas, he attains unsurpassed Enlightenment; [then] at Varanasi he turns the Wheel of Dharma and sees that, here at Kusinagara, he enters Nirvana. All such are the twisted views of sravakas and pratyekabuddhas. O good man! The Bodhisattva-mahasattva, when he hears and understands the Great Nirvana Sutra, immediately cuts away all such views. And as he writes, copies, recites, understands, explains to others and thinks about the meaning, he becomes straight-minded and makes away with twisted views. O good man! As the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of this Great Nirvana Sutra, he comes to see clearly that the Bodhisattva had never for innumerable kalpas descended from Tushita Heaven into a motherly womb and entered Nirvana at Kusinagara. This is the right view of a Bodhisattva-mahasatttva.

"We say that we well gain the deep meaning of the Tathagata. This is none other than Parinirvana. All beings possess the Buddha-Nature. They repent of the four grave offences, make away with the mind which slanders Dharma, put an end to the five deadly sins, and do away with the icchantika [within themselves]. Then they can attain unsurpassed Enlightenment. This is what is meant by the extremely deep and closely-guarded thought. Also, next, O good man! What do we mean by the extremely deep meaning? Beings know that there is no such thing as self. Even so, they cannot make away with the karma fire of the days to come. Though they know that the five skandhas die out here, the karma of good and evil does not die out. Though there are all the actions of karma, there are now no doers. Though there are places to go, there is none who goes [there]. Though there is binding, there is no one who is bound. Though there is Nirvana, there is no one who has to die out. That is what is meant by the deepness of meaning."

Then Bodhisattva All-Shiniing Highly-Virtuous King said to the Buddha: "O World- Honoured One! It is difficult for me to arrive at the meaning of what the Buddha says regarding "hearing" and "non-hearing". Why? Because if Dharma is "is", what there must be [there] must be "is"; if it is "not-is", what there must be [there] is "is-not". Nothing can come from nothing; what "is" cannot die out. What is heard must be what is heard. If it is not heard, what there is is what one has not heard. How can one say that what one has heard is what one has not heard? O World-Honoured One! What one cannot hear is what one has not heard. If one has heard it, there is no more of hearing [no longer any yet-to-be-heard]. Why not? Because one has already heard it. How can one say that what one has heard is what one has not heard? For example, this is similar to the case where when a person who has gone has come, he is not gone; if he has gone, he has not come. If one is born, there is no being born; if not born, there is no being born. When something has been gained, there is no longer any gaining [of that]. If it is not gained, there is no gaining. If not heard, there is no more of hearing; if not heard, there is no hearing any more. The case is like this.

"O World-Honoured One! A person might say that he has heard what he has not heard. As all beings have not yet gained Enlightenment, this can well be had [can well happen]. When Nirvana has not yet been gained, one may well gain it. When the Buddha-Nature has not yet been seen, one might well see it. How can one say that the Bodhisattva of the stage of the ten “bhumis” sees the Buddha-Nature, but is not yet quite clear in [his seeing of] it? O World- Honoured One! One may well say that non-hearing is hearing. O Tathagata! From whom did you once hear in the past? If it is said that you did hear, how could you say in the Agamas that you had no teacher? If having not heard is not heard, and if the Tathagata did attain unsurpassed Enlightenment, beings' not having heard must mean the attaining of unsurpassed Enlightenment. O Tathagata! If one can see the Buddha-Nature even without having heard this Great Nirvana Sutra, all beings must also be able to see it, even though they have not heard it.

"O World-Honoured One! Colour is both visible and not visible. The same with sound. It is either audible or non-audible. This Great Nirvana is neither colour nor sound. How can one say that one can well see or hear [it]? O World-Honoured One! If the past is what is already gone, it is not audible. As the future has not yet arrived, one cannot hear it. One can say that one hears now, but one cannot say that one has heard. When heard, the voice dies out and one cannot possess it any longer. This Great Nirvana is not of past, future, or present. If not of the Three Times, there can be no explaining. If inexpressible, there can be no hearing. How can we say that the Bodhisattva practises the teaching of this Great Nirvana Sutra and say that he hears what he has not heard?"

Then the Buddha, praising Bodhisattva All-Shining Highly-Virtuous King, said: "Well said, well said! You now know well that all things are like phantoms, flames, a gandharvan castle, a picture on the surface of water, and also like foam and plantain trees, which are empty and contain nothing therein. All have no life, no Self, no suffering, and no bliss. This is similar to the case of the Bodhisattva of the stage of the ten “bhumis”, who knows and sees things."

Then, of a sudden, there flashed out over the congregation a great light. It was not blue, and yet it was blue; not yellow, and yet it was yellow; not red, and yet it was red; not white, and yet it was white; not a colour, and yet there was colour [there]; not bright, and yet it was bright; not visible, and yet it was visible. Then, the great congregation, on encountering this light, felt their bodies and minds all joy and happiness. This was as with a bhiksu who now dwells in the “Lion-King Dhyana”.

Then Bodhisattva Manjushri said to the Buddha: "O World-Honoured One! Who emits this light now?" Then the Tathagata was silent and said nothing. Bodhisattva Kasyapa also asked of Manjushri: "Why does this light shine upon us?" Manjushri was silent and did not reply. Then Bodhisattva Boundless-Body also asked Bodhisattva Kasyapa: "Whose is this light?" Bodhisattva Kasyapa was silent and said nothing. Bodhisattva Pure-Abode Prince asked Bodhisattva Boundless-Body: "Why does this great light appear to all this great congregation?" Bodhisattva Boundless-Body was silent and said nothing. So did it go with the 500 Bodhisattvas. Though asked, there was none there who made reply.

Then the World-Honoured One asked Manjushri: "Why is there this light over this great mass of people?" Manjushri said: "O World-Honoured One! We call this light Wisdom. Wisdom is what eternally is. The Dharma Eternal has no causal relations. Why do you, the Buddha, ask me about this light? This light is the Tathagata. The Tathagata is Eternal. The Dharma Eternal is not grounded on causal relations. How does it come, then, that the Tathagata asks me for the reason?

"This light is Great Loving-Kindness and Great Compassion. Great Loving-Kindness and Great Compassion are Eternal. The Dharma Eternal is not grounded on causal relations. Why does the Tathagata ask me about causal relations? This light is the meditation on the Buddha. The meditation on the Buddha is the Dharma Eternal. The Dharma Eternal is not erected upon the path of causal relations. Why should the Tathagata ask me about causal relations? This light is the Way that does not obtain with any sravakas or pratyekabuddhas. The Way that does not obtain with sravakas and pratyekabuddhas is Eternal. The Dharma Eternal is not built upon the path of causal relations. Why does the Tathagata ask me about causal relations? By doing away with ignorance, one gains the burning flame of unsurpassed Enlightenment."

The Buddha said: "O Manjushri! Do not enter into the all-wonderful depths of the “Paramartha-satya” of all dharmas. Explain things by means of secular truth." Manjushri said: "O World-Honoured One! To the east, beyond worlds as numerous as the sands of 20 Ganges, is a world called " Acala" . The site where the Buddha of that country resides is extensive and all-equal and is as large as 12,000 yojanas lengthwise and crosswise. The ground is made of jewels and has no earth or stones. All is flat and soft, and there are no ditches or pits. All the trees are made of the four gems, namely, gold, silver, beryl, and crystal. Flowers and fruits are in abundance, and there is no time when these are not present. As people come into contact with the flowers and their fragrance, their body and mind experience peace and bliss, which can be likened to a bhiksu sitting in the third dhyana. And there are 3,000 great rivers that surround the land. The water is delicate and wonderful and is perfect in the eight tastes. The people who bathe in it experience joy and bliss comparable to the state of a bhiksu in the second dhyana. The rivers contain various flowers, such as the utpala, padma, kumuda, pundarika, the fragrant, the greatly fragrant, the wonderfully fragrant, the nitya, and the bloom that unhinderedly protects all beings. Also, on both banks are numerous flowers, such as the atimuktaka, campaka, pataliputra, varsika, mallika, mahamallika, simmallika, sumana, yukthika, dhanika, nitya, and the bloom that unhinderedly protects all beings. The river-bed is of golden sand, and there are flights of stairs on the four sides, made of gold, silver, beryl, and crystal of mixed colours. Numerous birds fly over these. Also, there live many tigers, wolves, lions, and all kinds of evil birds and beasts [there], all of whom, however, regard one another with the mind of a baby. There is in that land no one who carries out the grave offences, nor are there those who slander Dharma, nor are there any icchantikas, nor those who have committed the five deadly sins. The land is good and fit, so that there is no cold or heat, and no sufferings from famine or thirst; no greed, anger, indolence or jealousy reign there; there is no talk of sun and moon, no day and night, and there are no seasons; all obtains as in Trayastrimsa Heaven. The people of that land shine and have no arrogance in their mind. All are Bodhisattva- mahasattvas; all possess divine powers and great virtues, and their minds look up to Wonderful Dharma. They ride in the Mahayana, love the Mahayana, die for, and protect, the Mahayana. They are accomplished in great Wisdom, are perfect in the Mahayana, and always pity all beings. The Buddha of that land is Tathagata-Full-Moonlight, who is an Alms-Deserving, AllEnlightened One, an All-Accomplished One, a Well-Gone, an All-Knower, an Unsurpassed One, Best Trainer, and Teacher of Gods and Humans, a Buddha-World-Honoured One. He delivers sermons where he resides. And there is not a single land that cannot indeed hear [them]. He delivers a sermon on the Great Nirvana Sutra to Bodhisattva Vaiduryaprabha. "O good man! If a Bodhisattva-mahasattva thoroughly practises the Way of the Great Nirvana Sutra, those who cannot actually hear can also hear." This Bodhisattva-mahasattva Vaiduryaprabha questions

Buddha Full-Moonlight as Bodhisattva All-Shining Highly-Virtuous King [questions me]. All is the same, and there is nothing different.

"Buddha Full-Moonlight said to Bodhisattva Vaiduryaprabha: "O good man! Far out to the west, beyond as many lands as sands of 20 Ganges, there is a land called "Saha". In that, there abound mountains, hills, mounds, sand, gravel, thorns, and poisonous thorns. There are always the sufferings of hunger, thirst, cold, and heat [there]. The people of that land do not respect sramanas, Brahmins, parents, teachers, or elders. They greedily cling to unlawful acts, practise wrong actions, and do not believe in Wonderful Dharma. Their life is short. Those who cunningly cheat others are cured [punished] by the king. The king possesses territories, but is not satisfied. He covets what others possess. He calls forth wars and fights, and many meet with untimely deaths. As the king acts thus, the four guardians of the earth and good devas cannot have an easy mind. So calamities and famines come about, and the five cereals do not grow well. People suffer from illnesses and suffering goes on unendingly. There lives a Buddha [there] called Tathagata Shakyamuni, an Alms-Deserving, an All-Enlightened One, an All-Accomplished One, a Well-Gone, an All-Knower, an Unsurpassed One, Best Trainer, Teacher of Gods and Humans, and a Buddha-World-Honoured One. All-compassionate and kind-hearted towards all beings, he is delivering sermons on the Great Nirvana Sutra to all beings, at Kusinagara, between the sal trees. There is a Bodhisattva there called All-Shining Highly-Virtuous King. Already he asks about this and nothing differs [here] from what you ask. The Buddha is now answering. Make haste and go there! You will hear [things] yourself." O World-Honoured One! That Bodhisattva Vaiduryaprabha, on hearing this, is coming with 84,000 Bodhisattva-mahasattvas. Hence this premonition. Because of this, we have this light. That is why. And yet it is not why."

Then Bodhisattva Vaiduryaprabha arrived, accompanied by 84,000 Bodhisattvas and bearing, along with various banners and parasols, incense, flowers, garlands, and various kinds of music, double that which had gone before. All came to Kusinagara, between the sal trees. Offering what they had brought to the Buddha, they touched his feet with their heads, folded their hands together, paid homage, and thrice walked around the Buddha. Having paid homage, they sat down to one side.

Then the World-Honoured one asked that Bodhisattva: " O good man! Have you arrived or not?" Bodhisattva Vaiduryaprabha said: "O World-Honoured One! "Arrived" is not "come", and " not arrived" is also not " come" . As I think of this, there is no coming at all. O World- Honoured One! Even if all things were eternal, it would also be not "come"; even if it is " non-eternal" , there is no coming. If one thinks that man has a nature, there is coming and no coming. I now do not see any eternally fixed nature in beings. How can I say " to have come" or " not to have come?" With an arrogant person, there can be going and coming; with one without arrogance, there can be no coming and going. With one who is leaving, there can be talk of going and coming; with one without the leaving mind, there is no talk of going and coming. If one thinks that the Tathagata ultimately enters Nirvana now, there is going and coming; if one does not think that the Tathagata ultimately enters Nirvana, there can be no going and coming. If one does not hear of the Buddha-Nature, there can be going and coming; with one who hears of the Buddha-Nature, there can be no going and coming. With one who thinks that there is Nirvana with the sravakas and pratyekabuddhas, there is going and coming; with one who does not see any entering into Nirvana with the sravakas and pratyekabuddhas, there can be no going and coming. If one sees the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure with the sravakas and pratyekabuddhas, there is going and coming; if not, there is no going and coming. If one views the Tathagata as not the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, there is going and coming; if one sees the Eternal, Bliss, Self, and the Pure with the Tathagata, there cannot be any going and coming. O World-Honoured One! Leave this matter as it is for the present. I desire to ask more. Please condescend to give ear to me!"

The Buddha said: "O good man! Ask as you wish to ask. It is now time. I shall now makes things clear and explain them to you. Why? Because it is hard to encounter a Buddha, as it is difficult to come across the blooming of the udumbara. It is the same with Dharma. It is difficult to hear it. Of the 12 types of sutra, the hardest to hear is the vaipulya. For this reason, listen with undivided attention."

Then Bodhisattva-mahasattva Vaiduryaprabha obtained permission and also admonition. And he said to the Buddha: "O World-Honoured One! How can a Bodhisattva-mahasattva practise the Great Nirvana Sutra? I wish to hear what I have not heard before."

Then the Tathagata praised him, saying: "Well said, well said, O good man! You now desire to cross the sea of the Great Nirvana of Mahayana. And you rightly encounter my sermon. I shall now become a great doctor and thoroughly extract the poisonous arrows of diverse doubt. You are not yet clear as to the Buddha-Nature. I possess the torch of Wisdom and shall well enlighten you. You now desire to cross the great river of birth and death. I shall now become a mariner for you. You see in me the parent, and I see in you the small child. Your mind is now dying for the treasures of Wonderful Dharma. I have much and can stand giving. Listen clearly to me, listen clearly to me! Bethink yourself well! I shall now make things clear and explain them to you. O good man! It is now time for you to hear Dharma. Having heard it, believe it and gain a respectful mind. Listen with all your mind; venerate what you have heard. Do not seek to pick out something wrong in Wonderful Dharma! Think not of greed, anger, and ignorance. Think not of good and bad or of the caste of the priest. Having heard Dharma, be not arrogant. Do not do things for honour, fame, or profit. Make effort to save the world, and for the interest of sweet Dharma. Also, do not be worried in mind. Hear Dharma, save yourself, and then save others. First, understand yourself, and let others understand. First, ease yourself, and then ease others. First, gain Nirvana yourself, and then let others gain it. See with an equal mind Buddha, Dharma and Sangha. See birth and death as great suffering. See in Great Nirvana the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. First act for others, and then for your own self. Act for Mahayana and not for the two vehicles. Do not cling to anything. Do not cling to the characteristics of any thing. Do not be greedy towards anything. Always try to understand and see Dharma. O good man! If you give ear to Dharma with such an attitude, this is how one hears what one has not heard before.

"O good man! There is a hearing, when one has not heard; there is a non-hearing when one has heard; there is a hearing when one has heard. O good man! There is a birth, without being born; there is no being born, without being born; there is no being born, having been born; there is a being born, having been born. Similarly, there is an arriving, not having arrived; there is no arriving, not having arrived; there is no arriving, having arrived; there is an arriving, having arrived."

"O World-Honoured One! What is being born, not having been born?"

"O good man! Abiding peacefully in secular truth, one first comes out of the womb. This is being born, having not yet been born."

"What is not being born, not having been born?"

"O good man! This Great Nirvana has no aspect of being born. This is not being born, having not been born."

"What is not being born, having been born?"

"O good man! Death comes in secular truth. This is not being born, having once been

born."

"What is being born, having been born?"

"O good man! All common mortals are those who are born by having been born. Why? Because there is no disruption in being born and being born, and because all leakings [defilements] follow moment upon moment. This is being born, having been born. The Bodhisattva of the four abodes [“bhumis”] is no being born, having been born. Why? Because he is unmolested in being born. This is a non-being-born, having been born. O good man! This is what obtains within the Buddhist teaching."

"What are: being born, having not yet been born; not yet being born, having not yet been born; not being born, having been born; and being born, having been born, as said in other teachings?"

"O good man! Let us take the case of a seed. When it is not yet born, the great elements conjoin, man acts, and it first burgeons out into a bud. This is being born, having not yet been born."

"What is not being born, having not yet been born?"

"For example, the case of a dead seed and its not meeting with the [necessary] conditions is that of "not born, having not been born."

"What is not born, having been born?"

"This is as when the seed has shot forth its bud, but there is no growth. This is a case of not born, having been born?"

"What is being born, having been born?"

"This is as with the growing of the bud. If what is born does not grow, there is no increase. All such aspects of the leakable [i.e. the defiled] are cases of being born, having been born, as stated in the categories of other teachings."

Bodhisattva-mahasattva Vaiduryaprabha said to the Buddha: "O World-Honoured One! If it is the case that any being is born in what is leakable, is it eternal or non-eternal? If what is born is eternal, then there cannot be any being born in what is leakable. If being born is non-eternal, what is leakable must be the eternal. O World-Honoured One! If what is born can well be born by itself, there cannot be any nature of its own. If it can well call forth another life, why can it not call forth the unleakable [i.e. that which is undefiled]? O World-Honoured One! If there is life when not yet born, how can we speak of being born? When there is no life when not yet born, why do we not call space life?"

The Buddha said: " Well said, well said, O good man! " Born, not having been born" is inexpressible; " born, having been born" is inexpressible; " not born, having been born" is inexpressible; " not born, not having been born" is also inexpressible; being born is also inexpressible; not being born is also inexpressible. As there are causal relations, we can well explain [things].

"How is it that being born, not having been born is inexpressible?

"Not born is born. How can we explain? Why? Because of the fact that there is being

born.

"How is it that what is born is born is inexpressible?

"For there is the being born because what is born is born; for there is not being born because being born is born. Hence, inexpressible.

"Why is being born is not being born inexpressible?

"What is born is called born; being born does not come about by itself. Hence, inex-pressible.

"Why is not born, not having been born inexpressible?

"Not being born is Nirvana. As Nirvana is not being born, it is inexpressible. Why? Because one gains it by practising the Way.

"Why is being born inexpressible?

"Because being born is emptiness itself.

"Why is not being born inexpressible?

"Because there is the possibility of gaining it.

"Why is it expressible for causal reasons? "Because the ten causal relations can constitute the cause of being born. Hence, it is possible to explain.

"O good man! Do not get into the deepest depths of the All-Void dhyana. Why not? Because the great mass of people is dull.

"O good man! In what is created, birth is eternal. As it lives in the non-eternal, birth too is non-eternal.

"Abiding, too, is eternal, because being born is being born. Abiding is also non-eternal.

"Difference [i.e. change], too, is eternal. As the law [a dharma] is non-eternal, difference is also non-eternal.

"Breaking up [dissolution] is also eternal. Because it is originally empty, but now exists. Hence, breaking up is also non-eternal.

"O good man! Being born, abiding, difference, and breaking up are all eternal. As there is extinction moment after moment, one must not say eternal. As this Great Nirvana is disrupted and dies out, we say non-eternal. O good man! Whatever is defiled already has the nature of being born, when it is not yet born. For this reason, being born comes about. What is undefiled has from the beginning no nature of being born. Hence, being born cannot come about.

"The original quality of fire calls forth fire when conditions so arise.

"The eye has the nature of seeing and sees by colour, light, and mind. The same applies to the being born of beings. As there is the original nature, it can come about, meeting with the causal relations of karma and by the coming together of the parents, which is life."

Then Bodhisattva Vaiduryaprabha and the 84,000 Bodhisattva-mahasattvas, on hearing this sermon, jumped for joy and remained suspended in the sky seven talas high. With respect and folding their hands, they said to the Buddha: "O World-Honoured One! Having been enlightened by the Tathagata in kindly ways, I now understand what one hears and what one does not hear of Great Nirvana. Also, the 84,000 Bodhisattvas have gained the depths of the being born and the not being born of all things. O World-Honoured One! I now understand all and have done away with all doubts. But among the Bodhisattvas congregated here, there is one called "Fearless". He respectfully desires to ask a question. Please deign to answer."

Then the World-Honoured One said to Bodhisattva Fearless: "O good man! Ask whatever you desire to ask. I shall now state things clearly to you."

Then Bodhisattva Fearless, along with his 64,000 Bodhisattvas, stood up from their seats, put their robes in order, prostrated themselves on the ground and said to the Buddha: " O World- Honoured One! How can the people of this world act and gain birth in that immovable world? By what Wisdom can the Bodhisattva of the land become the elephant king of all men? How can he possess great virtues and practise the Way, and how, with the sharpest of Wisdom, can he understand what he hears?"

Then the World-Honoured One said in a gatha:

"One who does not injure
The life of beings and strongly
Upholds the prohibitions,
And who learns the Buddha's all-wonderful teaching
Gains birth in the land immovable.
Not stealing the wealth of others,
And always giving to all others,
And erecting the catur-desa1, One gains birth in the land immovable.
Not raping others’ women,
Not acting unduly towards one’s own wife,
And giving bedding to those who uphold sila,
One gains birth in the land immovable.
Not seeking profit for one’s own Or for others’ sake,
Not having fear, and guarding one’s own mouth,
Not telling lies, one will thus Be born in the land immovable.
Not hurting a good teacher of the Way,
Keeping evil kindred at a distance,
And using gentle words, one gains Birth in the land immovable.
Like all Bodhisattvas, one segregates One’s self from evil speech,
And people desire to hear what one says.
Such a person will gain birth In the land immovable.
Even in a joking way,
No untimely word is used,
And one always speaks at the apt time.
Such a person will gain birth In the land immovable.
One is always glad when one sees Others gaining benefit and one has No jealous mind. Such a person will Gain birth in the land immovable.
One causes no worries to others,
Is ever compassionate,
And never enacts evil as a means.
Such a person gains birth in the land immovable.
If not evil in mind,
Not saying that there can be no dana,
No parents, no past, and no future,
And if one does not hold such a view of life,
One gains birth in the land immovable.
On the wayside of a wide and extensive stretch of land,
One digs a good well, plants fruit trees,
And makes gardens and always gives food to those who beg. Such a person gains birth in the land immovable.
If one offers a fragrant lamp or a flower To the Buddha, the Dharma, and the Sangha,
One gains birth in the land immovable.
If out of fear, or for profit, or for blessings A person writes even a gatha of this sutra,
Such a one will gain birth In the land immovable.
If, even for profit, a person in a day Recites this sutra, that person will gain Birth in that land immovable.
If one, for the sake of the unsurpassed Way,
For a day or night upholds the eight pure actions,
One gains birth in the land immovable.
If one does not sit together with those
Who commit the grave offences
And reproaches those who slander the vaipulya,
One gains birth in the land immovable.
If one gives even a piece of fruit To one who is suffering from illness
And looks upon such a person with happy and sweet looks,
Such a one will gain birth in the land immovable.
If one does not spoil [defile] the priestly robe,
Guards well the things that belong,
Or are offered to, the Buddha, and sweeps
The ground where the Buddha and the Sangha live,
Such a person will gain birth in the land immovable.
If one makes statues that are big And erects Buddhist stupas as large And if one is glad at heart,
Such a person gains birth in the land immovable.
If one, for this sutra,
Gives one's self or wealth to those who preach,
Such a one gains birth In the land immovable.
If one gives ear to,
And copies, the undisclosed store of all Buddhas,
Upholds and recites it,
Such a person gains birth In the land immovable."

Then Bodhisattva-mahasattva Fearless said to the Buddha: "O World-Honoured One! I now see that by what I do I gain birth in that land. If the Tathagata will condescend to explain what Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly-Virtuous King asks for the sake of all beings, this will benefit and give peace to all such as humans, gods, asuras, gandharvas, garudas, kimnaras, mahoragas, and others."

Then the World-Honoured One said to Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly- Virtuous King: " Well said, well said! O good man! Listen well with all your mind. I shall now explain it to you in detail. By causal relations, there can be one not yet arrived, by not arriving; by causal relations, there is one arrived, not arriving; by causal relations, there can be one who has not yet arrived, having already arrived; by causal relations, there can be one who is arrived, having already arrived. How is there one who is not yet arrived, by not arriving?

"O good man! Now, "non-arriving" is Nirvana. Common mortals are not yet arrived, because of greed, anger, and ignorance, because their bodily and oral actions are impure, because a person receives all impure things, because he commits the four grave offences, because he slanders the vaipulya, because of his being an icchantika, because of his enacting the five deadly sins: for all these reasons, a person is one who is not yet arrived at " non-arriving" .

"O good man! How is one arrived, having not yet arrived? Non-arriving is Great Nirvana. Why is one arrived? Because one eternally cuts away greed, anger and ignorance, and all evil actions of body and mouth; because one does not receive impure things; because one does not perform the four grave offences; because one does not slander the vaipulya sutras; because one does not become an icchantika, and because one does not commit the five deadly sins. For these reasons, we say that one arrives, having not yet arrived. Now, the srotapanna arrvies after 80,000 kalpas, the sakrdagamin arrives after 60,000 kalpas, the anagamin after 40,000 kalpas, and the arhat after 20,000 kalpas, and the pratyekabuddha after 10,000 kalpas. For this reason, we say that one has arrived, while not yet having arrived.

"O good man! How is a person arrived, having already arrived? "To arrive" corresponds to the 25 existences. All beings are always overshadowed by innumerable defilements and bonds, which come and go, never parting, as with a rotating wheel. This is arriving. Sravakas, pratyek- abuddhas and all Bodhisattvas are eternally segregated from these. Hence, " non-arriving" . To succour beings, manifestation is enacted amidst them. Hence, " having arrived".

"O good man! Why do we say having arrived by having arrived? " To arrive" relates to the 25 existences. Such are the things of defilement of all common mortals, srotapannas, up to anagamins. Thus we say having arrived, having arrived.

"O good man! The same applies to what one has heard and what one has not heard. These are the instances of " hearing, not having heard" , " not hearing, having not heard" , " not hearing, having heard" , and " hearing, having heard" .

"What is " hearing, not having heard" ? O good man! " Not hearing" is Great Nirvana. Why " not hearing" ? Because of not being created, because it is not a sound, because it cannot be explained. Why " hearing" ? Because one can hear the names, which are the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. Hence, "hearing, not having heard."

Then Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly-Virtuous King said to the Buddha: "O World-Honoured One! You, the Buddha, say that Great Nirvana cannot be heard. How is it that the Eternal, Bliss, Self, and the Pure cannot be heard? Why not? O World-Honoured One! You say that a person who has made away with defilement is one who has attained Nirvana. One not yet cut free from defilement is one who has not yet gained it. Thus the nature of Nirvana is " what originally was, is not now" . If what applies in the world is " what originally was, is not now" , this is the non-Eternal. It is as with a pot, which is what originally was, but is not now, and what once was which now returns to not-is, and which is the non-Eternal. If Nirvana is thus, how could we speak of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure? Also, next, O World-Honoured One! What can arise by adorning is non-Eternal. If Nirvana is such, it must be non-Eternal. What are the causal relaitons? The 37 elements assisting towards Enlightenment, the six paramitas, the four limitless minds, physiognomical forecasting, the anapana, the six thinkings all crush the six great elements. All these items constitute the cause and condition to call forth Nirvana. Hence, non-eternal. Also, next, O World-Honoured One! Whatever is "is" is non-Eternal. If Nirvana is "is”, Nirvana must be non-Eternal. This is what obtains in the agamas, in which you said that the sravaka, pratyekabuddha, and the All-Buddha-World- Honoured One all have Nirvana. Hence, non-Eternal. Also, next, O World-Honoured One!

Whatever is visible is non-Eternal. This is as when the Buddha said before that one who can see Nirvana can well cut away defilement. Also, next, O World-Honoured One! For example, this is like space, which does not molest [hinder] any beings. So, we say Eternal. If Nirvana is Eternal, why are there those who gain and who do not gain? If Nirvana is thus and is partial with beings, how can we call it Eternal? O World-Honoured One! For example, 100 people have an enemy. If this enemy is made away with, all have peace. If Nirvana is impartial, this must mean that if one gains it, many must gain it. If one person cuts off bondage, many persons must be able to cut off bondage. If things are not thus, how can there be the Eternal? For example, a man respects, makes offerings to, honours and praises the king, prince, his parents, teachers and elders, and there is benefit. This is not Eternal. The same is the case. Why? You, the Buddha, said in the agama to Ananda: "If one truly respects Nirvana, one cuts off bondage and perfects immeasurable bliss." So, we do not say Eternal. O World-Honoured One! If there are such as the Eternal, Bliss, Self, and the Pure, we cannot call Nirvana Eternal. If there are no such, how can we explain the matter?"

Then the World-Honoured One spoke to Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly- Virtuous King: " The true quality of Nirvana is not that of something that originally was not but now is. If Nirvana were what originally was not but now is, it could not be anything unleakable [undefiled] and Eternal. The nature and characteristics of the phenomenal Buddha and the noumenal Buddha are Eternal and all-abiding. As defilements spread over beings, they cannot see Nirvana. And they say that is does not exist. As the Bodhisattva makes effort and cultivates his mind with sila, meditation, and Wisdom, and excises defilement, he sees it. Know that Nirvana is what is Eternal. It is not what originally was not but now is. So, we say Eternal.

"O good man! There is a dark room, in which there is a well where there are seven different treasures. Though one knows that they are there, since it is dark, one cannot see them. One who is wise knows the means. He lights a big lamp, carries this [into the room], illuminates the place, and sees all. Now, this person does not think that there were orginally no water and seven treasures, but he thinks that they were there. It is the same with Nirvana. It is not that it originally was not but happens to come about now. Due to the darkness of defilement, beings do not see it. The Great WIsdom, the Tathagata, puts into effect the best expedients, lights the lamp of Wisdom, and enables all Bodhisattvas to see the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure of Nirvana. Thus the wise must not say that Nirvana is what originally was not, but now is.

"O good man! You say that Nirvana is made by adornment and that it must be non-Eternal. But this is not so. Why not? O good man! The body of Nirvana is not one that is born, that departs, that is actual, or that is false. It is not one worked out [bodied forth]. It is not defiled, not what is created. It is not hearing, nor anything visible, not something fallen: it is no death. It is not a different phase of phenomena, nor is it of the same form. It is no going and no returning. It is no past, no future, and no present. It is not one, not many, not long, not short, not round, not square, not pointed, not bent. It is no phenomenon, no mental image, no name, no matter, no cause, no result, no self, and not what one possesses. For this reason, Nirvana is Eternal and enduring, and does not change. Because of this, one practises good for innumerable asamkhyas of kalpas, one adorns ones's own self, and then one can see.

"O good man! As an example: there is an underground water of eight tastes, and yet no one can get at it. One who is wise devises a means, digs, and gets to it. The case is the same with Nirvana. For example, a blind person cannot see the sun or moon. But when a good doctor effects a cure, he can then see. And it is not that the sun and moon have come about but now. It is the same with Nirvana. It has already existed by itself, and it is not that it is something that happens to come into existence now.

"O good man! A man commits a crime and is chained up in a prison house. After a long time, he is released. Coming back home, he now sees his parents, brothers, wife, children and relatives. The case is the same with Nirvana.

"O good man! You say that Nirvana is non-Eternal due to causal relations. But this is not so. Why not?

"O good man! There are five kinds of cause. What are the five? They are: 1) cause of birth, 2) cause of harmonisation, 3) cause of being as it is, 4) cause of growth, and 5) cause of far out [indirect].

"What is the cause of birth? It is based on karma, defilements, etc., and all such seeds of the external category as plants and grass. These are the causes of birth.

"What is the cause of harmonisation? This is none other than the harmonisation between good and the good mind, non-good and the non-good mind, indefinable [“avyakrta”] and the indefinable mind. This is the cause that can be talked of as harmonisation.

"What is the cause of being as it is? Due to the pillars, the roof does not fall down. The mountains, rivers and trees rest on the great earth. And they can be as they are and stand. Man possesses, within, the four great elements, an innumerable and unending number of defilements. And beings continue to exist. This is the cause of being as it is.

"What is the cause of growth? Clothes, food and drink enable beings to grow. The seed of the external category is not burnt out or eaten up by birds. Hence, growth. The sramanas and Brahmins grow by depending upon the honoured ones [“upadhyaya”], the good teachers of the Way, etc. Or it is like a child that grows up by depending upon its parents. This is the cause of growth.

"What is the cause that is far out? For example, through charms, no demons or poison can cause one harm. Depending and relying on kings, there can be no robbers. Budding rests upon earth, water, fire, and wind. This is as when churning and a person become the far-out [distant, ultimate] cause of butter, or bright colour the far-off cause of consciousness, or dead bodies of parents the far-off cause of beings. Such as the seasons, too, become far-off causes.

"O good man! The body of Nirvana is not one that comes about from these five causes. How could one say that it arises from a cause of the non-Eternal?

"Also, next, O good man! There are two causes. One is the cause of doing and the other that of enlightening. It is as with the rope of the potter’s wheel. This is the cause of doing. A lamp illuminates things in the darkness. This is the cause of enlightening. O good man! Great Nirvana does not come about from the cause of doing. It only follows the cause of enlightening. By the cause of enlightening is meant such as the 37 elements of the Way assisting to Enlightenment and the six paramitas. These constitute the cause of enlightening.

"O good man! Dana [generous giving] is the cause of Nirvana, but not the cause of Great Nirvana. Danaparamita [perfected giving] is the cause of Great Nirvana. The 37 elements can be the cause of Nirvana, but not of Great Nirvana. The innumerable asamkhyas of assisting elements can be the cause of Great Nirvana."

Then, Bodhisattva-Mahasattva All-Shining Highly Virtuous King said to the Buddha: "O World-Honoured One! In what way can dana not be danaparamita, and in what way can dana be danaparamita? And also, in what way can prajna [Wisdom] not be prajnaparamita, and in what way can it be so called? In what sense do we speak of Nirvana and of Great Nirvana?"

The Buddha said: " O good man! When the Bodhisattva-mahasattva practises the Vaipulya-Mahaparinirvana, he does not hear or see dana; nor does he hear or see danaparamita. Nor does he hear or see prajna; nor does he hear or see prajnaparamita. Nor does he hear or see Nirvana. Nor does he hear or see Great Nirvana. When the Bodhisattva-mahasattva practises Great Nirvana, he knows and sees the universe and he realises that the real state is all-void and that there is nothing that one possesses, and that there is nothing that has any mode of harmonisation or perception. And what he gains is such a phase [state of realisation] as the unleakable [i.e. undefiled], non-doing, the phantomic, the burning flame of the hot season, and the all-empty phase of a gandharvan castle. Then the Bodhisattva sees such a phase and has no greed, malevolence and ignorance. He does not hear or see. This is what we mean when we say that the Bodhisattva-mahasattva himself knows that this is dana, this danaparamita, this prajna, this prajnaparamita, this Nirvana, this Great Nirvana.

"O good man! What is dana, and what is not danaparamita? One sees one who begs, and one gives. This is giving, but not paramita. When there is none that begs, but one opens up one’s heart and gives of one’s own accord, this is danaparamita. One gives according to the time. This is giving, but not paramita. One practises eternal giving - this is danaparamita. One gives to others and later regrets it. This is giving, but not paramita. One gives and does not regret it. This is danaparamita.

"The Bodhisattva-mahasattva gains four fears in things. To the king, robber, water and fire, he is pleased to give. This is danaparamita. If one gives, expecting a return, this is giving, but not danaparamita. If one gives, but does not look for any recompense, that is danaparamita. One gives when one fears; one gives for fame and profit, for a family legacy, for satisfying the five desires in heaven, for pride, for the pride of being superior to others, for knowledge, for recompense in the life to come, all of which is like doing trade.

"O good man! This is like a person who plants trees to gain cool shade and flowers, fruit and wood. If one practises such giving, this is giving, but not any paramita.

"The Bodhisattva-mahasattva who practises Great Nirvana does not see giver, recipient, or thing given, nor time given, nor any field of blessings nor non-field of blessings, nor any cause, condition, result, doer, receiver, nor many nor less in number, nor purity nor non-purity. He does not belittle the recipient, himself, or the thing given. He does not care about who sees or who does not see. He makes no distinction between himself and others. He only practises dana for the sake of the Eternal Dharma of the vaipulya Mahaparinirvana. He gives to benefit all beings. He gives to cut off the defilements of all beings. He practises dana without seeing giver, recipient, or thing given.

"O good man! As an example: a man falls into the great sea, but as he holds on to a dead body, he is indeed able to be saved. When the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana and performs dana, things are as in the case of the dead body.

"O good man! There is a man, for example, who is shut up in prison. The gate is strongly guarded, but there is a hole in the privy. Through this, he gains an unhindered place [i.e. his freedom]. So does it obtain with the Bodhisattva-mahasattva as he practises Great Nirvana and performs giving.

"O good man! This is, for example, like unto a nobleman who has fear, feels unsafe, and has no one upon whom to rely, and who asks for help from the hand of a candala. So does it stand with the Bodhisattva-mahasattva when he practises Great Nirvana.

"O good man! This is like the situation of a sick person, who, in order to eliminate the pain of illness, partakes of what is unclean. So do things stand with the Bodhisattva when he practises Great Nirvana and performs giving.

"O good man! If the Brahmins come across a rise in the price of cereals, they will partake of dog’s meat, for the sake of their life. It is the same with the Bodhisattva when he practises Great Nirvana and performs giving. O good man! Nothing like this relative to Great Nirvana has been heard for innumerable kalpas past, and yet we hear it. As for sila, silaparamita, prajna, and prajnaparamita, things are as stated in the Avatamsaka Sutra.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới cội Bồ-đề


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Cảm tạ xứ Đức

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.118.36 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...