Bản tánh hiền thiện của chúng ta
Chúng ta đã thấy rằng, tình trạng hiện nay của chúng ta là một vòng lặp lại của những khổ đau không ngừng. Chúng ta cũng xác định được những nguyên nhân của tình trạng đó là vô minh và tâm hành phiền não do vô minh tạo ra, và các hành vi thúc đẩy bởi những khuynh hướng đó. Giờ đây, có thể ta sẽ tự hỏi: “Liệu những con người si mê, tham luyến và sân hận có bao giờ đạt đến quả Phật chăng? Có phương pháp nào để vượt thoát ra khỏi luân hồi hay chăng? Và nếu có, thì phương pháp đó là gì?”
Đúng vậy, việc tự mình vượt thoát ra khỏi vòng luân hồi khổ đau là hoàn toàn có thể. Chúng ta có thể đạt đến một trạng thái hỷ lạc dài lâu, khi đó ta có khả năng tận dụng mọi phẩm tính tốt đẹp của mình vì sự lợi lạc cho mọi chúng sinh. Điều này có thể thực hiện được là vì trong mỗi chúng ta đều sẵn có tánh Phật, là phẩm tính hiền thiện bất hoại của chúng ta. Thêm vào đó, ta hiện có thân người quý báu, mang đến cho ta cơ hội để hiển lộ tánh Phật của mình. Đây sẽ là chủ đề của hai chương sách tiếp theo.
Bạn có bao giờ đứng trên ngọn núi và nhìn lên một bầu trời trong sáng không mây? Cảm nhận về khoảng không gian, sự yên tĩnh và trong sáng đó thật tuyệt vời và đầy cảm hứng. Nhưng khi nhìn lên bầu trời từ một điểm đứng giữa thành phố, tầm nhìn của ta bị giới hạn bởi những tòa nhà chọc trời bao quanh, và ta không thể nhin thấy bầu trời vì có những đám mây và khói bụi ô nhiễm che khuất. Về phía bầu trời, không có gì thay đổi cả. Bầu trời ấy vẫn luôn trong trẻo, rỗng không và ngập tràn ánh sáng. Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn thấy như vậy. Tầm nhìn của ta bị thu hẹp và bầu trời bị che khuất bởi những đám mây, cột khói.
Bản chất của tâm ta cũng tương tự như vậy. Xét cho cùng thì tâm luôn thanh tịnh và vô nhiễm. Những đám mây ngăn che không cho ta nhìn thấy bản chất thật sự của tâm thức chính là những tâm hành phiền não như tham luyến, sân hận và si mê, cùng với các chủng tử tạo thành từ những hành vi được thực hiện bởi ảnh hưởng của chúng.
Bầu trời và những đám mây không phải cùng một thực thể. Chúng không hề kết hợp theo cách không thể chia tách. Những đám mây và khói bụi ô nhiễm chỉ là những chướng ngại tạm thời, có thể được xua tan đi để làm hiển lộ bầu trời trong sáng, rỗng không. Tương tự, những tâm hành phiền não và chủng tử của những hành vi tạo tác bởi chúng không phải là bản chất rốt ráo của tâm thức chúng ta. Chúng có thể được thanh lọc và dứt trừ vĩnh viễn để giúp ta nhận thức và hòa nhập được với bản thể mênh mông rộng lớn của chính mình.
Làm sao ta biết rằng những tâm hành phiền não và các chủng tử nghiệp không phải là bản chất của tâm thức chúng ta? Lấy ví dụ, nếu sân hận là bản chất của tâm thức ta, thì lẽ ra lúc nào ta cũng sân hận. Nhưng sự thật không phải vậy, vì cơn giận của ta đến rồi đi, không tồn tại mãi. Các chủng tử nghiệp cũng không phải bản chất của tâm thức ta, vì chúng có thể được tịnh hóa và loại trừ.
Liệu ta có thể trừ bỏ vĩnh viễn tâm sân hận được chăng? Vâng, điều đó là có thể, vì sân hận chỉ là một tâm thức không chân thật, một khuynh hướng dựa trên nhận thức sai lầm. Sân hận khởi sinh khi ta gán ghép những tính chất tiêu cực lên người khác hay sự vật. Do chúng ta nhận hiểu sai lầm về thực trạng nên thấy có vẻ như nguy hại đến ta. Đắm chìm trong những phóng tưởng của chính mình, chúng ta nhầm lẫn cho rằng đó là những tính chất của người khác, và rồi nổi giận với những gì mà chính ta đã gán ghép, áp đặt lên cho họ. Bi kịch ở đây là, ta không hề tỉnh táo nhận biết được tiến trình này và tin tưởng một cách sai lầm rằng cái con người thô lỗ vô cảm chỉ có trong nhận thức của ta đó là thực sự hiện hữu ngoài đời!
Thông qua sự tu tập phát triển trí tuệ, ta đạt đến trình độ nhận ra được rằng, kẻ thù bên ngoài kia chính là một sự phóng chiếu cường điệu hóa xuất phát từ tâm thức sai lầm của chính ta. Khi ấy, sự sân hận của ta sẽ tự nhiên dứt trừ, bởi trí tuệ và sự sân hận si mê không thể đồng thời tồn tại.
Những tâm hành phiền não như sân hận, đố kỵ và kiêu mạn đều dựa trên nền tảng mê lầm của những phóng chiếu sai lệch, và do đó có thể được xóa bỏ. Những phẩm tính hiền thiện như lòng yêu thương và bi mẫn đều có nền tảng chắc thật, vì chúng giúp ta thừa nhận những phẩm tính tốt đẹp mà mọi chúng sinh khác đều sẵn có. Vì thế, những khuynh hướng như thế này có thể gắn kết lâu dài trong dòng tâm thức của chúng ta. Hơn thế nữa, chúng có thể được phát triển không giới hạn.
Tất cả chúng sinh đều sẵn có khả năng để trở thành một vị Phật, vì mỗi chúng ta đều có hai thể dạng tánh Phật. Một là bản thể rốt ráo của tâm thức, chính là cách thức hiện hữu của tâm thức ta. Thể dạng này là chân không của tánh Phật, là sự vắng bặt mọi vọng tưởng trong tâm. Thể dạng thứ hai là diệu hữu của tánh Phật, là những tính chất thuộc phạm trù quy ước của tâm, những phẩm tính của tâm thức ta.
Bản thể rốt ráo của tâm thức được gọi là Phật tính tiềm tàng, giống như hư không trống rỗng, mênh mông và thanh tịnh. Điều đó có nghĩa là, bản thể rốt ráo của tâm ta không có mọi vọng tưởng. Trong bản thể ấy không hề có những phóng tưởng sai lầm về sự thường hằng hay phi duyên khởi. Tâm thức ta không hề sẵn có tự tính tự tồn. Điều này sẽ được giải thích trong chương về trí tuệ.
Bản thể rốt ráo của tâm ta không bị ô nhiễm bởi các tâm hành phiền não. Bản thể ấy là vô thủy vô chung. Không gì có thể hủy diệt nó. Không ai có thể tách rời bản thể ấy ra khỏi chúng ta. Bản thể rỗng rang của tâm thức là vốn quý sẵn có của ta. Biết được điều này ta sẽ có sự tự tin, vì ta sẵn có khả năng để trở thành một vị Phật.
Hiện nay, tánh Phật sẵn có của ta đang bị che mờ bởi những tâm hành phiền não. Khi ta loại trừ được những tâm hành phiền não ấy bằng cách tu tập theo Giáo pháp, tánh Phật của ta sẽ hiển lộ ngày càng rõ rệt hơn.
Thể dạng thứ hai của tánh Phật là tiềm năng tu tiến để thành Phật. Tiềm năng này bao gồm những tính chất theo quy ước của tâm - sự sáng suốt và nhận biết - cùng với những trạng thái tâm hiền thiện, chẳng hạn như lòng bi mẫn.
Tâm thức là một thực thể vô hình dạng, không tạo thành từ các nguyên tử hay chất liệu vật chất. Tâm là sáng suốt vì nó có thể tự quán chiếu làm rõ chính nó hay làm sáng rõ các đối tượng. Tâm nhận biết vì nó có khả năng nhận thức hay lĩnh hội đối tượng.
Sân hận và từ bi đều là những trạng thái của tâm, và do đó cũng là sáng suốt và nhận biết. Bản chất sáng suốt và nhận biết này là một trong những tiềm năng thành tựu Phật quả của chúng ta. Tuy nhiên, sân hận tự nó không phải là một phần trong khả năng thành Phật của chúng ta, vì sân hận là dựa trên những nhận thức sai lầm có thể được xóa bỏ.
Ngược lại, lòng bi mẫn không dựa trên những phóng tưởng sai lầm và vì thế có thể được phát triển không giới hạn. Tương tự, những trạng thái tâm khác với sự nhận thức đúng thật về sự vật - chẳng hạn các tâm thương yêu, nhẫn nhục, tin cậy, vô tham, vị tha, hoan hỷ, tinh tấn... - cũng có thể gia tăng không giới hạn. Những phẩm tính hiền thiện này hiện đang sẵn có trong ta và sẽ phát triển khi ta tu tập theo Chánh pháp. Khi sự tu tập được thành tựu viên mãn, ta trở thành một vị Phật và những phẩm tính này sẽ chuyển thành tâm thức của vị Phật ấy. Vì lý do đó, những phẩm tính này cũng được gọi là tánh Phật đang thành.
Ngài Pháp Xứng (Dharmakirti), bậc thánh và luận sư Ấn Độ nổi tiếng, đã nói:
Bản chất của tâm là thanh tịnh trong sáng.
Những che chướng chỉ là tạm thời.
Ngài Pháp Xứng khẳng định lại khả năng thành Phật của chúng ta bằng việc xác quyết rằng bản chất của tâm là thanh tịnh trong sáng. Điều này có hai ý nghĩa, tương ứng với hai thể dạng của tánh Phật. Thứ nhất, tâm thanh tịnh trong sáng trong ý nghĩa là tâm rỗng rang vắng bặt mọi vọng tưởng. Khi trí tuệ của ta trực nhận được bản tâm thanh tịnh trong sáng này, vắng bặt mọi hiện hữu tự tồn, thì chúng ta sẽ có khả năng xóa bỏ tận gốc rễ mọi tâm hành phiền não.
Thứ hai, tâm chúng ta thanh tịnh trong sáng là vì tự thể sáng suốt và nhận biết của tâm luôn tồn tại. Những tâm hành phiền não và chủng tử nghiệp không thể pha tạp với tính chất sáng suốt nhận biết này của tâm. Hay nói cách khác, cơn giận không phải là ta, những tính chất bất thiện không phải là ta. Những che chướng này đều có thể đoạn trừ.
Bàn về tánh Phật là một đề tài rất thâm áo, nên bước đầu ta có thể không hiểu hết được. Nhưng ta có thể có một cảm nhận về tiềm năng nội tại và phẩm tính tốt đẹp sẵn có trong ta. Tánh Phật của ta chỉ tạm thời bị che chướng bởi những đám mây của sân hận, tham luyến và các tâm hành phiền não khác. Khi ta bắt đầu loại bỏ những đám mây che chướng này, thật nghĩa của hai thể dạng tánh Phật [nói trên] sẽ dần dần hiển lộ rõ hơn. Mật điển Hevajra dạy rằng:
Chúng sinh hữu tình đều là những vị Phật,
Nhưng bị che chướng bởi những nhiễm ô tạm thời.
Khi nhiễm ô được dứt trừ, chúng sinh là Phật.
Câu đầu tiên không có nghĩa rằng chúng ta hiện nay đã là Phật, vì nếu như thế hẳn ta sẽ là những vị Phật vô minh! Câu này chỉ có nghĩa là chúng ta hiện sẵn có hai thể dạng tánh Phật. Khi chúng ta dứt trừ mọi che chướng trong dòng tâm thức của mình, dòng tương tục tâm thức hiện nay của ta sẽ chuyển hóa thành tâm Phật.
Như vậy, đạo Phật đưa ra quan điểm hết sức tích cực và lạc quan về cuộc sống và về bản chất con người. Mỗi chúng ta đều sẵn có những hạt giống của sự toàn thiện, của tánh Phật và khả năng tu tiến thành Phật; và những hạt giống này không bao giờ bị mất đi hay diệt mất. Không có lý do gì để chúng ta cảm thấy vô vọng và đơn độc. Bởi vì tánh Phật luôn hiện hữu trong ta, ta luôn sẵn có một nền tảng cho sự tự tin và những khát vọng tích cực.
Hiện nay, tánh Phật tiềm tàng trong ta bị bao phủ bởi những đám mây của tâm hành phiền não và các chủng tử nghiệp. Đôi khi tánh Phật được ví như tổ mật bị vây kín bởi những con ong hung dữ, hay như thoi vàng chôn kín trong rác rưởi. Những con ong và rác rưởi ấy cũng giống như các tâm hành phiền não và chủng tử của nghiệp, chỉ là những che chướng tạm thời.
Làm thế nào ta loại trừ được những che chướng ấy? Đó là bằng cách tu tập theo con đường đã được đức Phật chỉ dạy: nuôi dưỡng từ bi và trí tuệ. Trí tuệ nhận biết tánh Không giúp ta nhận hiểu được tánh Phật tiềm tàng của mình, vốn là trống không vắng bặt mọi vọng tưởng. Từ bi là một khuynh hướng thực tiễn ước muốn cho tất cả mọi người đều thoát khỏi những điều kiện khổ đau, bất toại nguyện. Việc phát khởi quyết tâm vượt thoát vòng khổ đau không ngừng này là bước đầu tiên trên đường tu tập. Bước đầu này là sự chuẩn bị cho việc phát triển từ bi và trí tuệ, nhờ đó giúp cho tánh Phật của ta được hiển lộ. Chúng ta có thể học được những phương pháp thanh lọc và phát triển tâm thức thông qua việc nghiên cứu Giáo pháp của đức Phật.