Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 28: KHUYÊN HƯỞNG THỌ DỤC LẠC THẾ GIAN
(Phần 3)
Bấy giờ Bồ-tát bảo nhà vua:
-Như lời nói của Đại vương: “Nhân giả Tỳ-kheo thân thể mềm mại, chẳng nên ở trong rừng núi vắng vẻ hiu quạnh, nằm ngồi ngủ nghỉ trên thảm cỏ.” Đại vương phải biết, khi Ta còn trong cung dùng các loại giường quý báu, mặc tình nằm ngồi trên đó, nay đã nhàm chán vứt bỏ đi xuất gia. Tại sao như vậy? Đại vương nên biết, thân này yếu ớt suy thoái vô thường, không phải vật bền chắc, là pháp hoại diệt, có đó rồi bị vứt đi nơi nào đấy, giống như khối đất, như nhau không khác. Lại nữa, này Đại vương, như người có trí đã vất bỏ thây ma, có thể lượm lại hay không? Nếu lấy trở lại, hoàn toàn không có việc như vậy.
Lại nữa, này Đại vương, như lời nói của ngài, nếu đối với Ta có lòng thương mến thì nên tùy hỷ, chớ nên trách Ta: “Khất thực độ nhật, là việc chẳng nên làm.” Đại vương nên biết, nếu thương mến Ta, chớ có nói như thế! Tại sao? Vì nay Ta muốn vượt qua biển khổ hoạn nạn sinh, già, bệnh, chết, mỗi bước đi vào đạo. Bởi vậy, Ta chọn lấy đời sống Tỳ-kheo, vì muốn cầu quả tịch diệt an lạc, muốn đời vị lai diệt trừ tất cả hoạn nạn, cho nên cần phải mặc ca-sa hoại sắc.
Đại vương nên biết, nếu có người ở hiện tại được phước đức thọ quả báo ngũ dục, nên yêu mến say đắm, những hạng người này thật đáng thương xót! Nếu có người trong đời hiện tại, không đạt được tâm tịch tĩnh an lạc, nhất định trong đời vị lai chịu các khổ báo. Những chúng sinh này thật đáng thương xót!
Lại nữa, này Đại vương, Ta nay kinh sợ các khổ của phiền não, nên xả tục xuất gia, muốn cầu Niết-bàn chân thật tịch tĩnh. Giả sử Ta được cung trời Đế Thích cũng chẳng ham muốn, huống là quả báo thấp hèn ở nhân gian.
Rồi Ngài nói kệ:
Ta bị trúng tên phiền não bắn
Cần tìm cao tịch diệt để trị
Ví dù có được cung Đế Thích
Ta cũng không ham huống vương vị.
Bồ-tát lại nói:
-Đại vương phải biết, như lời nói ở trước của Đại vương: “Phàm tất cả người thế gian sống phải thủ lợi thích hợp với ba độ tuổi.” Theo ý Ta xét thì, đó không phải là lợi ích chân thật. Tại sao? Vì cầu được nhiều tiền của, có được rồi một ngày kia cũng phải hết. Mong muốn thì thêm mong muốn, không khi nào biết đủ, cầu pháp mới là lợi ích chân thật. Pháp lợi có cạn sâu, tất cả có năm công đức, Ta quyết phải tìm cầu.
Rồi Ngài nói kệ:
Sinh già bệnh chết nếu không còn
Chân thật trượng phu là thế ấy
Tình đời tham dục mưu tài lợi
Ta lìa tài sắc chỉ mong pháp.
Bồ-tát lại nói:
-Đại vương phải biết, theo lời nói ở trước của Đại vương: “Nhân giả chưa đến tuổi già, chính đang độ thiếu niên, cần phải lãnh ngôi vua trị vì thiên hạ, thọ hưởng thú vui ngũ dục.” Ta chẳng phải vậy. Vì sao? Nếu thời thiếu niên luôn luôn như vậy, thì lẽ ra tất cả thiếu niên không già, lẽ ra tất cả chúng sinh ở mọi cảnh giới „ thường xuyên không bị tử thần lôi kéo nên tuổi thọ của chúng sinh không nhất định. Do vậy, người trí đã cầu pháp giải thoát tịch tĩnh - chẳng nên thọ lãnh ngôi vua vui chơi ngũ dục. Do đó, trong tất cả ba giai đoạn thiếu niên, trung niên hoặc tuổi già chỉ cầu mong pháp giải thoát sớm thành tựu, như cầu giải thoát hay cầu thiền định, chẳng được trễ nãi chần chừ, cần phải siêng năng tu tập, để sớm hoàn tất.
Lại nữa, này Đại vương, như lời nói vừa rồi của Đại vương: “Nên theo pháp nhà thiết lễ cúng tế, lập hội bố thí, thì ở vị lai sẽ được các phước báo tùy theo ý muốn.” Đại vương phải biết, Ta không cầu những thú vui như vậy. Nếu các khổ não đến bức xúc tha thiết cầu được sự an lạc thì không phải an lạc chân thật. Kẻ phàm phu ở thế gian muốn cầu quả báo ở đời sau mà trong hiện tại giết hại các sinh mạng để cúng tế chư Thiên, thần lửa.... Đây là điều vô cùng phi lý. Tại sao phi lý? Nếu người làm việc từ thiện, thì chẳng nên làm tổn hại đến tánh mạng sinh vật. Giả sử sát hại sinh vật để cúng tế chư Thiên, thần lửa..., được quả báo an lạc, thường tồn thì cũng chẳng nên sát hại sinh mạng dùng vào việc cúng tế, huống nữa các quả báo an lạc đó đều là vô thường hư hoại, bị tận diệt, đâu phải là pháp chân thật.
Lại nữa, này Đại vương, phàm người muốn thực hiện pháp giải thoát, thì không cầu tự lợi, dù không tu hành, dù không trì giới, dù không thiền định, cũng còn không nên tổn hại tánh mạng kẻ khác để cầu quả báo lợi ích đời vị lai. Các phàm phu tại thế gian đem việc sát sinh, giả sử có được quả báo an lạc, đó cũng là việc bất thiện. Vì cớ sao? Vì không có từ tâm, mà lại mong cầu đời vị lai được quả báo thiện, hoàn toàn không có việc như vậy.
Rồi Ngài nói kệ:
Giả sử người đời tại thế gian
Giết hại sinh mạng mong an lạc
Trí giả cho là điều bất thiện
Huống cầu đời sau được trời người.
Lúc bấy giờ vua Tần-đầu-sa-la nước Ma-già-đà nghe Bồ-tát nói những lời như vậy, lấy làm ngạc nhiên, với điều chưa từng có, với lòng từ bi, ở trước Bồ-tát tán thán:
-Cao quý thay! Cao quý thay! Sa-môn Cù-đàm có công đức lớn, tu hành khổ hạnh khó tu, ở trong thế gian mà xả bỏ tất cả dục lạc. Thưa Nhân giả Tỳ-kheo, Ngài từ đâu bỗng nhiên xuất hiện đến đây? Sinh quán nơi nào? Thuộc dòng họ gì? Quý danh của song thân là gì? Danh hiệu là chi?
Thưa thế rồi Đại vương chí tâm lắng nghe. Lúc ấy Bồ-tát chánh tâm nhìn thẳng, ôn tồn bảo:
-Đại Vương phải biết, cách đây về phương Bắc dưới chân Tuyết sơn, có một vùng đất rộng lớn tên là Thích chủng, kinh đô của Thích chủng là Ca-tỳ-ca-la Bà-tô-đô (nhà Tùy dịch Huỳnh đầu cư xứ), Đại vương cai trị thành này là Tịnh Phạn vương, là phụ vương của Ta, Ta là con của Ngài. Mẫu hậu tên là Ma-da (nhà Tùy dịch là Huyễn), còn tên Ta là Tất-đạt-đa (nhà Tùy dịch là Thành Lợi).
Vua Tần-đầu nghe Bồ-tát nói những lời như vậy, buồn bã khóc lóc rơi lệ giây lâu, rồi gạt lệ tâu:
-Tỳ-kheo thật hy hữu, đã sinh trong nhà đại tộc, làm sao đi đứng sống một mình trong rừng thú dữ độc hại, không an ổn đáng sợ hãi này. Rừng này không tốt lại vui sống một mình, không có bạn hữu, làm sao Ngài có thể đi đứng, nằm ngồi an toàn cho được!
Bồ-tát bảo vua Tần-đầu:
-Này Đại vương, ngài phải biết, Ta nay đối với các loài cầm thú độc hại, không kinh hãi sợ sệt, dầu chúng có đến đây cũng không động một sợi lông của Ta. Đại vương phải biết, Ta nay chỉ sợ sinh già bệnh chết đến đây bức xúc Ta, ngoài ra đối với các loài ác thú trong rừng Ta không kinh sợ. Ta sống một mình không có bạn bè mà tự an vui.
Đại vương phải biết, cảnh già thật đáng sợ. Lý do vì sao? Vì khi cảnh già đến, nó cướp mất sức cường tráng khỏe mạnh của thời thiếu niên, thân hình khô gầy, lưng còm không thể đi được. Thử hỏi ai muốn thấy cảnh như vậy. Đó là điều thật đáng sợ!
Lại nữa, này Đại vương, bệnh hoạn nó đến, đó là điều đáng sợ. Lý do tại sao? Đang khi khỏe mạng mà bất chợt mai chiều lâm bệnh, “ đau nhức trằn trọc rên rỉ, khi khỏe mạnh sắc diện như hoa, sức lực dồi đào tươi thắm, bỗng nhiên tiều tụy, buồn phiền khổ não, nằm ngồi ngủ nghỉ chẳng an, đang lúc này có ai thay thế được cho ta? Nằm trên giường gối, sức không theo ý muôn. Do vì vậy, bệnh là điều thật đáng sợ!
Lại nữa, này Đại vương, chết là điều thật đáng sợ. Tại sao? ịNgày chết đến làm giảm tuổi thọ của ta, bỗng nhiên đến cướp đi sự sống, tuy có sức thống trị bốn châu thiên hạ, có kim luân đánh dẹp giặc thù, có bảy báu hướng đạo, có dao bén binh hùng cũng không thể ngăn chận được, khi bị nó tranh giành cướp đoạt. Vì lý do này, chết là điều con người thật lấy làm đáng sợ.
Lúc ấy vua Tần-đầu-sa-la lại hỏi Bồ-tát:
-Thưa Đại thánh Thái tử, Ngài đang cần thứ gì?
Bồ-tát trả lời:
-Này Đại vương nước Ma-già, Ta chỉ cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi chứng quả rồi Ta sẽ chuyển pháp luân vô thượng. Ta chỉ cầu mong như vậy mà thôi.
Vua Tần-đầu lại bạch Bồ-tát:
-Thưa Đại thánh Thái tử, theo tôi nhận thấy tâm Nhân giả dũng mãnh, siêng năng tinh tấn, quyết định sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ và quyết định sẽ chuyển pháp luân vô thượng.
Hay thay Thái tử, tôi được gặp Nhân giả! Hay thay Thái tử, tôi nghe được tên Nhân giả! Hay thay Thái tử, Nhân giả đã khéo xuất gia, Nhân giả con dòng họ Thích, tôi từ nay sẽ luôn luôn phụng thờ Nhân giả.
Thưa Đại thánh Thái tử, ngày nay tôi thỉnh Nhân giả luôn luôn ngày nào cũng đến cung điện chúng tôi. Tôi nguyện thường được gặp Ngài, bốn sự cần dùng của Nhân giả tôi nguyện cúng dường không chút thiếu hụt.
Khi vua Tần-đầu nói lời tán thán như vậy rồi, Bồ-tát bảo:
-Đại vương phải biết, Ta nay chẳng bao lâu sẽ rời chỗ này đi đến các phương khác.
Đại vương nghe Bồ-tát nói như vậy, chắp tay bạch:
-Thưa Đại thánh Nhân giả, mong rằng những sở nguyện gì của Ngài không bị các ma làm chướng ngại, những pháp giải thoát mà Ngài đang tìm sớm được thành tựu. Thưa Nhân giả họ Thích, mong rằng sau khi Ngài chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tôi nguyện được thân cận Nhân giả cung kính cúng dường; gặp Nhân giả rồi, liền đúng như pháp làm đệ tử Thanh văn của Ngài.
Rồi Đại vương nói kệ ca ngợi:
Ta, Tần-đầu chắp tay khen ngợi
Nguyện cầu Thái tử mau thành đạo
Nếu đã thành tựu, Ngài nhớ lời
Rủ lòng từ bi thương chúng sinh.
Bồ-tát nghe kệ rồi, bảo Đại vương:
-Hay thay lời nguyện của Đại vương! Lời nguyện của Ta và sự mong ước của Đại vương cả hai đều tốt đẹp.
Vua Tần-đầu chắp tay nhất tâm đảnh lễ bạch Bồ-tát:
-Hay thay Thái tử, Ngài có thể cho tôi sám hối, do tôi vô trí đã não loạn Đại thánh. Thái tử đã lìa ái dục nên cho ngũ dục là bất tịnh, còn tôi mang tâm ái nhiễm nên cho là trong sạch. Cúi xin Đại thánh lượng thứ bỏ qua tội này.
Bồ-tát vui vẻ mỉm cười, bảo vua Tần-đầu:
-Hay thay Đại vương! Đúng như vậy. Ta nay thọ sự sám hối thanh tịnh của Đại vương, nguyện Đại vương được an lạc ít bệnh, ít buồn phiền, giữ gìn thân tâm chớ nên phóng dật, thường làm điều lành xa lánh điều ác. Được như vậy Đại vương sẽ an ổn, hưởng nhiều thiện lợi.
Khi ấy vì quan tâm đến vua Tần-đầu-sa-la, Bồ-tát tùy căn cơ, y theo nghĩa lý các pháp tuyên dương giảng dạy khiến nhà vua hoan hỷ, rồi rời khỏi chỗ ngồi đi đến các nơi khác.
Vua Tần-đầu đảnh lễ dưới hai chân Bồ-tát, nhiễu quanh ba vòng, rồi đứng yên nhìn về hướng Bồ-tát ra đi một lúc. Sau đó, nhà vua rời núi Bàn-trà trở lại hoàng cung.
Có kệ:
Bồ-tát hứa với vua Tần-đầu
Khi Ta thành đạo sẽ độ vua
Nghĩ về Đại thánh, vua hoan hỷ
Chốc lát rời non về nước mình. Phẩm 29: TINH TẤN TU KHỔ HẠNH
(Phần 1)
Bấy giờ Bồ-tát ra khỏi rừng nơi núi Bàn-trà-bà ung dung hướng về thành Già-da. Đến nơi, Ngài muốn nhiếp phục thân tâm diệt trừ các niệm ác, nên lên núi Già-da-thi-lê-sa (nhà Tùy dịch Tượng đầu). Ngài tìm một chỗ bằng phẳng trải thảm cỏ an tọa dưới một gốc đại thọ. Lúc đó, trong tâm Bồ-tát suy nghĩ về ba thí dụ, đều là việc hy hữu trong thế gian, chưa từng nghe nói, chưa từng xem thấy, chưa từng chứng biết. Ba thí dụ đó là gì?
Một, có những Sa-môn, Bà-la-môn, tuy thân không hành dục nhưng dục ái, dục não, dục nhiệt, dục chấp trong tâm ý họ vẫn chưa diệt hết, chưa đắc chánh định, vẫn còn tướng ngã, chỉ tu tập về thân. Những vị ấy luôn chịu khổ não, ý không hoan hỷ, tâm không đạt đến an lạc, không có được tri kiến, không chứng pháp thượng nhân, cũng không đạt đến chỗ vô úy. Trong số họ, tuy không còn tướng ngã, không chỉ tin về thân, không cảm thọ khổ não nhưng ý không cảm thọ, không có hỷ lạc nên không có tri kiến để chứng pháp thượng nhân, đến chỗ vô úy. Như có người lấy cây tươi ướt và phẩn ướt, để trên mặt nước cọ sát để lấy lửa. Có người từ nơi khác đến người này xin lửa. Nhưng người này từ nơi cây tươi ướt phẩn ướt ở trên mặt nước ra sức cọ sát có thể ra lửa cho người kia hay không? Nếu có lửa để cho là điều hoàn toàn phi lý. Lửa đã không xuất hiện thì người xin lửa làm gì có lửa. Đúng như vậy, như vậy, nếu có Sa-môn Bà-la-môn tuy không hành dâm dục... cho đến không có tri kiến, chứng pháp. Đây là ví dụ thứ nhất, thế gian chưa từng có cũng chưa từng nghe.
Hai, có những Sa-môn, Bà-la-môn, cấm chế thân không hành dâm dục, nhưng ý tham, phiền não, chấp trước về dục họ chưa diệt hết, chưa được chánh định, vẫn còn tướng ngã, chỉ tu chứng về thân, không còn khổ não nhưng không có hỷ lạc, không có tri kiến để chứng pháp thượng nhân, đạt đến vô úy. Trong số họ, tuy không còn tướng ngã, không chỉ tu chứng về thân, không còn khổ não nhưng tâm ý chưa hỷ lạc, không có tri kiến để chứng pháp thượng nhân, đến chỗ vô úy. Như có người muốn được có lửa, lấy cây tươi ướt cọ xát trên mặt đất, lại có người đến người này xin lửa. Người dùng cây tươi ướt cọ xát trên đất để tìm lửa, có thể có lửa cho người kia hay không? Nếu có lửa để cho là điều hoàn toàn phi lý. Đúng như vậy, như vậy, Các Sa-môn Bà-la-môn, tuy không hành dâm dục... cho đến không có tri kiến, để chứng pháp. Đây là ví dụ thứ hai, ở thế gian chưa từng nghe.
Lúc bấy giờ Bồ-tát suy nghĩ nói ví dụ thứ ba: Nếu các Sa-môn hay Bà-la-môn, tuy tiết chế thân không hành dâm dục, đối với các ái dục, lửa dục, não dục và tâm say đắm dục họ tiêu diệt hoàn toàn, được chánh định. Những hàng Sa-môn và Bà-la-môn này đã được tự lợi và còn lợi tha, trong tâm hoan hỷ an lạc, có đủ tri kiến để chứng được pháp thượng nhân và đạt được chỗ vô úy. Ví như có người muốn tìm lửa, họ dùng cây khô, cỏ khô và phẩn khô để trên đất cọ xát. Có người hướng về người này xin lửa, người này chỉ dùng ít công phu liền có được lửa, đem cho người kia. Đúng như vậy, như vậy, nếu có Sa-môn Bà-la-môn hành động lìa dục, đối với các tâm ái dục, não dục, lửa dục đều bị tiêu diệt hết, cho đến... được pháp thượng nhân, đến chỗ vô úy. Đây là ví dụ thứ ba của Bồ-tát, tự ý suy nghĩ phát sinh, đều là việc thế gian chưa từng nghe thấy.
Lúc ấy Bồ-tát lại xuống núi Thi-lê-sa thuộc thành Già-da đi đến thôn Ma-già-đà, lần hồi đi hỏi thăm mọi người: “Ở xứ này có công đức gì đáng làm? Có phi pháp nào nên đoạn diệt? Ta muốn cầu cảnh định tịch diệt tối thượng, để nói lên âm thanh vi diệu.” Cứ như vậy, Ngài tiến về trước đến một thôn ở phía Nam thành Già-da, thôn này tên Ưu-lâu-tần-loa. Sau khi đến thôn này rồi, vào buổi sáng Bồ-tát mặc y phục vào thôn đến nhà người thợ gốm, xin được một bình bát. Sau khi được bình bát, Ngài bưng bình đi theo thứ lớp khất thực trong làng. Khi đi ngang qua nhà một trưởng giả chủ thôn này, tên là Nan-đề-ca (nhà Tùy dịch Tự Hỷ), đến trước nhà, Ngài yên lặng đứng một bên. Trưởng giả Nan-đề-ca (Tự Hỷ), chủ làng này có một ái nữ tên là Tu-xà-đa (nhà Tùy dịch Thiện Sinh) dung nhan kiều diễm khả ái vô cùng, được người bấy giờ ưa chuộng chiêm ngưỡng dung nhan. Nàng Thiện Sinh từ xa trông thấy Bồ-tát bưng bình bát đứng yên lặng biết ý muốn khất thực. Thiện Sinh vừa thấy bỗng nhiên từ hai nhũ hoa tự nhiên chảy sữa. Khi ấy, nàng hỏi Bồ-tát.
-Thưa Nhân giả tối thượng, Ngài con ai? Họ tên là chi? Quý danh là gì? Cha mẹ ở đâu? Đang muốn tìm cầu thứ gì? Nhân giả có thần biến gì, mà tôi vừa trông thấy Nhân giả một lần, tự nhiên hai nhũ hoa của tôi ra sữa.
Bồ-tát đáp:
-Này chị Thiện Sinh, tên Ta là Tất-đạt-đa, tên này do cha mẹ Ta ban cho. Ngày nay, Ta muốn cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khi chứng quả này rồi Ta sẽ chuyển pháp luân vô thượng.
Khi nàng Thiện Sinh vừa nghe như vậy, lấy bình bát từ tay Bồ-tát, đi vào nhà đựng đầy thức ăn uống cơm canh ngon ngọt, cùng đủ các thứ bánh trái cây. Nàng mang bình bát đầy trở ra, quỳ gối dâng cho Bồ-tát, miệng thưa thế này:
-Nhân giả tối thượng, tôi nguyện luôn luôn được cúng dường Nhân giả có bốn thứ nhu cầu: y phục, đồ ăn uống, đồ nằm ngủ và thuốc thang, tất cả đều đầy đủ, cúi xin Nhân giả từ bi nhận lấy. Tôi nhận xét quý danh của Ngài do cha mẹ ban cho, lại thấy Nhân giả dũng mãnh tinh tấn, chí tâm chuyên chú, nhất định sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, quyết định sẽ chuyển pháp luân, chắc chắn không còn nghi ngờ. Nếu khi Nhân giả thành đạo Bồ-đề, sẽ đến nhà tôi nhận sự cúng dường, độ thoát cho tôi, tôi sẽ làm đệ tử Thanh văn của Ngài.
Bồ-tát đáp:
-Này chị Thiện Sinh, sẽ được theo với nguyện của người.
Bồ-tát nhận vật thực xong, bỏ đi nơi khác Khi Bồ-tát nhận vật thực từ nhà Thiện Sinh, rồi đi đều chỗ vắng lặng, y như pháp mà thọ thực. Thọ thực xong Ngài đi kinh hành, lần lần đi đến một xứ nọ, đất đai bằng phẳng cảnh trí thanh tịnh hữu tình, thích thú tâm người du ngoạn. Rừng cây um tùm cành lá sum suê có đầy hoa quả nặng trĩu, đủ các dòng suối sông rạch ao hồ, nước trong sạch hương vị thơm tho ngọt ngào, chảy ngang dọc, không thiếu gì cả. Các dòng nước, không cạn không sâu lặng yên trong suối, dễ lội dễ múc. Trong rừng không có các trùng độc thú dữ, ngược lại đây có các loại cầm thú hiền lành xinh đẹp. Nơi này cách làng chẳng gần chẳng xa, nếu đến đó khất thực không khó nhọc, không bị thiếu hụt, nơi đây đường đi bằng phẳng, không cao thấp, dễ đi, dễ lội. Nếu như có người đến đây cầu lợi ích tối thắng thì vô thượng, dễ được dễ thành, mau thành tựu, chứng đắc đạo quả. vả lại, nơi này tuyệt nhiên không có các loài muỗi mòng rắn rít bọ cạp, lại không ồn ào, ban ngày ít người lai vãng làm phiền nhiễu, ban đêm dứt bặt tiếng động, yên tĩnh thanh nhàn, khí hậu ấm mát điều hòa, gió mưa hợp thời tiết, đáng làm nơi để lắng tâm tu tập thiền định. Lại thuở xưa có một tiên vua tên là Già-da (nhà Tùy dịch là Tượng) cư ngụ trong đây. Đây là thành cũ tiên vua thuở trước ở.
Khi Bồ-tát thấy cảnh trí như vậy, suy nghĩ: “Địa thế nơi đây bằng phẳng vuông vức, ý trông thấy biết là chỗ được mọi người ưa thích, cho đến... là chỗ có thể tu tập thiền định. Nếu như có kẻ trượng phu muốn trừ các nghiệp, cầu lợi ích vô thượng tối thắng, thì nơi đây đủ điều kiện để cư trú. Ta muốn dẹp trừ các ác nghiệp, tu tập thiện căn, cần phải dừng chân nơi đây, ngồi tại chỗ này, cầu đạo Bồ-đề quyết được thành tựu.”
Bồ-tát suy nghĩ như vậy rồi, liền trải tấm thảm cỏ trên mặt đất để tu tập thiền định. Sau khi an tọa, Bồ-tát suy nghĩ muốn cho tất cả chúng sinh đang tu tập các khổ hạnh cầu đạo giải thoát. Những khổ hạnh đó là: Hoặc có người đứng treo hai tay, để xả bỏ tất cả sự việc hữu vi thế gian. Hoặc có những hạng người tu tập khổ hạnh như: Khi khất thực họ không nhận vật thực lấy ra từ miệng chum, hoặc khi khất thực họ không nhận vật thực lấy ra từ trong miệng bát nhỏ, có người không nhận vật thực từ giữa hai con dê, có người không nhận vật thực từ người nơi phân dơ, có người không nhận vật thực nơi người chống gậy, không nhận vật thực của người cầm đao gậy. Đó là những trường hợp họ biết chỗ rõ ràng. Khi biết có người đàn bà bất tịnh đến họ chẳng nhận vật thực nơi người ấy, hoặc khi biết đàn bà có chửa cũng không nhận vật thực nơi người này, hoặc họ không nhận vật thực nơi nhà biết có người hành nghề bất tịnh, hoặc họ không nhận vật thực nơi người say rượu, hoặc khi có hai người đang ăn họ cũng không nhận vật thực nơi người này. Khi các người khổ hạnh này ăn, nếu có chó đến họ không ăn; hoặc trên thức ăn có ruồi nhặn hay muỗi bất tịnh dơ bẩn bay đến họ cũng chẳng ở nơi đó mà ăn; hoặc có người cất tiếng kêu: “Đến đây ta sẽ cho người đồ ăn.”, họ cũng không thọ lãnh; hoặc có người xướng lên: “Người đứng đó ta sẽ cho vật ăn.”, họ cũng không nhận vật thực nơi người này; hoặc có người xướng lên: “Ta đang làm món ăn để bố thí người hãy đợi đấy.”, họ cũng không nhận lấy vật ăn nơi người này; hoặc có người chết nên làm thức ăn, họ cũng không nhận lãnh; hoặc có người cho đồ cúng tế chư Thiên còn thừa, họ cũng không nhận lãnh; hoặc vật thực có đường cát, đường cục... cũng không nhận lãnh; hoặc vật thực có bơ dầu... họ cũng không nhận lãnh; hoặc trong vật thực có bơ sữa..., họ cũng không nhận lãnh; hoặc trong vật thực có cá và các loại thịt, họ cũng không nhận lãnh; hoặc trong vật thực có hành tỏi và các mùi gia vị cay hôi nồng nặc, họ cũng không nhận lãnh; hoặc họ chỉ nhận vật thực một nhà vừa đủ ăn một miếng; hoặc họ nhận vật thực hai nhà chỉ đủ ăn hai miếng cho đến họ nhận vật thực bảy nhà lại ăn bảy miếng rồi nghỉ; hoặc một ngày họ chỉ ăn một bữa; hoặc một ngày ăn hai lần, hay một ngày rưỡi mới ăn, hoặc họ trải qua ba ngày, họ chỉ ăn một bữa; hoặc một ngày họ chỉ ăn một ít; hoặc hai ngày họ chỉ ăn một ít; hoặc cho đến bảy ngày họ chỉ ăn một ít; hoặc họ chỉ ăn rau; hoặc họ chỉ ăn hột cỏ dại; hoặc họ chỉ ăn cành cây non; hoặc họ chỉ ăn bơ; hoặc họ chỉ ăn cành cây Ca-ni-ca-la; hoặc họ chỉ ăn toàn phân dê; hoặc họ chỉ ăn toàn phân trâu; hoặc họ chỉ ăn toàn bã mè; hoặc họ ăn trái cây; hoặc họ ăn tất cả loại rễ cây; hoặc họ ăn ngó sen; hoặc họ ăn tất cả nhánh ngọn non của các loại cỏ.
Hoặc họ lại chỉ uống nước để sống; hoặc họ dùng theo số vật thực được nhiều ít để sống; hoặc họ học cách ăn cỏ như loài dã thú để sống; hoặc họ có lúc đứng sừng sững mãi giữa trời; hoặc họ ngồi yên một chỗ không xê dịch; hoặc tứ chi họ chống xuống đất dùng miệng táp đồ ăn; hoặc họ chỉ mặc y phục bằng cỏ, hoặc họ dùng vải bỏ nơi mộ địa làm y phục; hoặc họ mặc y phục bằng các loại cỏ; hoặc họ dùng y phục bằng tơ lụa cũ Kiêu-sa-da; hoặc họ dùng vỏ cây'ị đào trắng làm y phục; hoặc họ dùng cỏ râu rồng làm y phục; hoặc họ dùng da súc vật làm y phục; hoặc họ dùng da súc vật đã cũ làm y phục; hoặc họ dùng lông thú làm y phục; hoặc họ dùng da thú phá rách làm y phục; hoặc họ dùng vải vứt bỏ làm y phục.
Hoặc có người để lõa hình nằm trên gai; hoặc có người nằnn trên tấm ván; hoặc có người nằm trên Ma-ni; hoặc có người nằm trên cây tròn; hoặc có người nằm nơi gò mả; hoặc có người nằm nơi gò mối giống như rắn ở; hoặc có người nằm trên đất trống.
Hoặc có người thờ nước; hoặc có người lại thờ lửa; hoặc có người nhìn theo mặt trời di chuyển; hoặc có người đứng giơ hai cánh tay; hoặc có người ngồi chồm hổm; hoặc có người dùng cát đất, bụi than thoa vào mình, đứng thẳng người; hoặc có người búi tóc, đầu, mặt, mắt mũi không tắm rửa, hai tay nắm chặt; hoặc có người nhổ tóc; hoặc có người nhổ râu.
Hoặc có đạo thờ thần như thần suối, thần ao, thần giếng, thần sông, thần kênh, thần khe, thần đất, thần cây, thần rừng, thần núi, thần đá, thần Dạ-xoa, La-sát, La-hầu A-tu-la vương, Bà-lê A-tu-la vương, Tỳ-chất-đa-la, Diệm-bà-lê A-tu-la vương... hoặc thờ sao Tuế, hoặc thờ Tiên nhân Dược Vương; hoặc thờ Tiên nhân Bà-la-đọa; hoặc thờ Tiên nhân Cù-đàm; hoặc có người thờ Tỳ-sa-môn Thiên vương; hoặc có người thờ chư Thiên Đồng tử; hoặc thờ Tự tại thiên; hoặc lại thờ mặt trời; hoặc lại thờ mặt trăng; hoặc lại thờ chư Thiên Na-la-diên, hoặc thờ Đế Thích; hoặc thờ Phạm thiên; hoặc thờ Tứ đại Thiên vương hộ thế. Thờ các thần như vậy để được hoan hỷ, rồi theo đó cầu nguyện để được mãn nguyện, đều cầu giải thoát.
Bồ-tát quán sát sự cầu giải thoát của họ sai lạc như vậy, Ngài biết rồi phát tâm tu rất khổ hạnh cực khổ đáng sợ.
Có kệ:
Bồ-tát đi đến sông Ni-liên
An tọa bên bờ tâm thanh tịnh
Thấy hàng ngoại đạo tu sai lạc
Nên tu đại khổ giáo hóa người.
Lúc bây giờ Bồ-tát an tọa, ngậm miệng hai hàm răng khít vào nhau, lưỡi co lên đụng nứu răng, nhiếp tâm nhất niệm, chuyên chánh quán sát tư duy thế này. Buộc tâm tại một chỗ, điều phục thân tâm. Khi hai hàm răng khít với nhau, lưỡi đụng vào nứu, nhiếp tâm buộc niệm tu tập, lúc đó mồ hôi nách tuôn ra. Bồ-tát biết mồ hôi nách tuôn ra như vậy, Ngài lại càng phát tâm dũng mãnh tinh tấn, tâm không còn vướng mắc, cũng không tán loạn, tâm trụ trong vắng lặng, tập trung bất động. Thân, khẩu, ý hết sức khổ như vậy, đều không lay động. Lúc ấy Bồ-tát lại có ý nghĩ: “Ta có thể nhập vào chánh định Bất động.”
Khi ấy Bồ-tát không còn dùng miệng thở ra, rồi dùng mũi hít vào nữa, miệng và mũi không hoạt động, thì lúc đó trong hai lỗ tai phát ra tiếng gió lớn, tiếng gió này giống như tiếng động lớn phát ra do khuây mạnh trong chum to để thành lạc. Đúng như vậy, đúng như vậy. Bồ-tát không cho hơi thở ra vào nơi mũi và miệng, lúc đó nơi hai lỗ tai phát ra tiếng hơi gió, cũng làm như vậy...
Ngài nghĩ: “Ta nay đã phát tâm tinh tấn, không còn nơi đắm nhiễm, bỏ cả giải đãi mới được khổ hạnh tối thắng, việc làm hết sức khó làm như vậy.” Rồi Ngài tư duy: “Ta có thể nhập vào chánh định' Bất động.”
Khi thân, khẩu, ý của Bồ-tát đã được tịch định rồi, Ngài không cho hơi thở ra vào nơi miệng mũi và hai lỗ tai, tất cả đều bít kín. Miệng, mũi và tai đều được vắng lặng, thì hơi thở ở bên trong rất mạnh vì không thoát ra được, nên nó xung lên đảnh đầu, giống như một lực sĩ hết sức dũng kiện cầm một chiếc búa thật bén bổ vào não người khác. Đúng như vậy, như vậy do hơi thở Bồ-tát không thoát ra nơi miệng, mũi và hai tai được, dồn ép bên trong quá mạnh, nên nó xung lên đảnh, giống như tiếng búa đánh vào não.
Bồ-tát lại nghĩ: ‘Ta nay đã phát tâm tinh tấn, không còn đắm nhiễm xả bỏ giải đãi..., cho đến hết sức khổ hạnh, khổ hạnh tối thắng như đây” Suy nghĩ rồi Bồ-tát nhập vào chánh định Bất động.
Lúc bấy giờ Bồ-tát lại đình chỉ tất cả hơi thở từ miệng, lỗ tai và đảnh đầu không cho thoát ra. Do vì ngăn chận không cho thoát ra, nên hơi khí bên trong rất cường thịnh, nó xoay chuyển đập mạnh vào hai bên hông, giống như kẻ đồ tể hay con của đồ tể làm nghề giết trâu, bọn đồ tể hoặc cầm kiếm nhọn hoặc cầm dao bén mổ bụng rồi mổ hai bên hông trâu. Đúng như vậy, như vậy, vì Bồ-tát không cho khí thở thoát ra, nên khí thở bên trong cường thịnh, xuyên phá giữa hai bên hông tạo ra âm thanh cũng lại như vậy. Bồ-tát tư duy như vậy rồi, lại phát tâm tinh tấn đạt đến khổ hạnh tối thắng và suy nghĩ: “Ta nhập vào chánh định Bất động.”
Khi ấy Bồ-tát ngăn chận không cho hơi thở ra nơi miệng, mũi và lỗ tai, do đó hơi khí ở bên trong cường thịnh, ví như hai nhà đại lực sĩ, mỗi người nắm lấy mỗi tay của một kẻ yếu đuối ném vào hầm lửa lớn, thân người này hoặc bị lửa đốt cháy rám. Đúng như thế, như thế, Bồ-tát do hơi thở bên trong không thoát ra được, thân chịu sự nóng bức, cũng lại như vậy. Suy nghĩ như vậy rồi, Bồ-tát lại phát tâm tinh tấn, không còn đắm chấp gì cả, xả bỏ giải đãi, tâm không tán loạn, được chánh niệm, tất cả được vắng lặng. Thân, khẩu và ý đều được chánh định. Đây là khổ hạnh tối thượng, vô cùng kỳ diệu.
Lúc bấy giờ có hàng chư Thiên từ thượng giới xuống, thấy Bồ-tát khổ hạnh như vậy, họ cùng nhau bảo:
-Ngày nay Thái tử Tất-đạt-đa đại trí đã chấm dứt cuộc sống.
Lại có một nhóm Thiên tử khác trong chư Thiên đó nói với nhau:
-Thái tử Tất-đạt-đa ngày nay Ngài chưa chết, chỉ gần chết thôi.
Lại có các Thiên tử khác nói:
-Thái tử Đại thánh Tất-đạt-đa hiện tại chưa chết, sau này cũng không chết. Vì cớ sao? Vì Thái tử là bậc A-la-hán, phàm A-la-hán có hạnh như vậy, chẳng có gì lạ.
Lúc ấy Bồ-tát ở trong rừng thanh vắng, dụng tâm tu khổ hạnh, tức thành vĩ đại khổ hạnh. Lúc bấy giờ dân chúng ở xóm làng bốn phía, cùng đến nơi Bồ-tát đang ngồi, họ thấy Bồ-tát tu khổ hạnh vĩ đại như vậy, đều nói:
-Vị Sa-môn này tu khổ hạnh vĩ đại.
Do đó nên gọi Bồ-tát là Đại Sa-môn. Danh từ Đại Sa-môn để chỉ cho Bồ-tát được khởi xướng từ đây cũng vì lý do này.
Bồ-tát lại tư duy thế này: “Ở trong thế gian có những Sa-môn hay Bà-la-môn hạn chế sự ăn uống để lập hạnh đều giữ lấy sự thanh tịnh. Những hạng người đó, họ chỉ ăn lúa mạch bằng cách hoặc nấu cơm lúa mạch hoặc nấu tấm lúa mạch mả ăn, hoặc dùng lúa mạch biến chế thức ăn để nuôi thân. Hoặc lại có người ăn mè đen, hoặc ăn cháo, hoặc ăn đậu nhỏ, hoặc ăn đậu lớn, cho đến có người chỉ ăn toàn cơm đậu lớn, hoặc nước đậu lớn, hoặc bã đậu lớn, biến chế các thức ăn bằng đậu lớn để nuôi thân. Hoặc có Sa-môn hay Bà-la-môn tuyệt thực để kiến lập tịnh hạnh. Ta nay cũng có thể tuyệt thực để tu khổ hạnh.” Trong tâm Bồ-tát tư duy như vậy.
Lúc bấy giờ có chư Thiên ẩn thân đến chỗ Bồ-tát bạch:
-Mong Đại thánh Nhân giả chẳng nên suy nghĩ đến việc tuyệt thực như vậy. Tại sao? Nếu Nhân giả ngày nay tuyệt thực để lấy đó làm pháp môn tu hành, thì chư Thiên chúng tôi sẽ đem những thức ăn thượng vị đến, cho vào trong các lỗ chân lông của Nhân giả, để cho tánh mạng của Nhân giả được tồn tại, lại để thân thể của Nhân giả khỏi bị suy giảm.
Bồ-tát nghe lời nói của chư Thiên như vậy, lại tư duy thế này: “Ta đã công bố với tất cả mọi người là ta hoàn toàn không ăn các thực phẩm, mà ngày nay chư Thiên ẩn thân đem thức ăn thượng vị cõi trời đến, cho vào lỗ chân lông ta, để mạng ta còn sống. Như vậy có phải ta đại vọng ngữ dối gạt mọi người.”
Ngài nghĩ như vậy, rồi lại bảo chư Thiên:
-Này chư Thiên, tuy các người có lòng tốt, nhưng việc đó không nên làm.
Bồ-tát ngăn chư Thiên không được thực hiện ý đồ đó, rồi mỗi ngày chỉ ăn một loại khác nhau; hoặc một hột mè đen, hoặc một hột gạo, hoặc một hột đậu nhỏ, hoặc một hột đậu lớn, hoặc một hột đậu xanh, hoặc một hột đậu đỏ, hoặc một hột mạch lớn.
Bấy giờ, cách tụ lạc ấy không xa, có một Bà-la-môn tên Tư-na-da-na thuộc dòng họ tôn quý. Bà-la-môn này được vua Tần-đầu nước Ma-già phong cho một tụ lạc gần bên tụ lạc Ưu-lâu-tần-loa. Bà-la-môn này khi được phong ấp, đặt tên là Tư-na-da-na. Lại có một Bà-la-môn khác tên Đề-bà, sinh sống ở thành Ca-tỳ-la, do kinh doanh nên thường đến ở trong thành Tư-na-da-na vài ngày làm khách.
Bấy giờ, Bà-la-môn Đề-bà vì kinh doanh việc khác nên đi đến khu rừng Bồ-tát đang ở. Thấy Bồ-tát đang thực hành khổ hạnh tối thượng, Bà-la-môn này biết ngay và nói:
-Đây là Thái tử TâVđạt-đa ở nước ta, đã tu hành khổ hạnh vĩ đại như vậy.
Thấy Bồ-tát hành khổ hạnh như vậy, ông ta rất hoan hỷ. Thấy Bà-la-môn Đề-bà hướng về mình với tâm hoan hỷ, Bồ-tát bảo ông ta:
-Đại Bà-la-môn, ông có thể cho Ta một ít lương thực để nuôi sống không? Như là đậu nhỏ chín, nước canh đậu lớn, đậu xanh, đậu đỏ... để Ta ăn duy trì mạng sống.
Bà-la-môn ấy với tâm hạn hẹp, thấy biết cạn cợt, không có ý rộng lớn, muốn làm việc bố thí, làm đúng theo lời này, nói với Bồ- tát:
-Thái tử Đại thánh, thức ăn này tôi có thể cung cấp đủ.
Bà-la-môn ấy trong sáu năm từng ngày đem thức ăn như trên dâng cho Bồ-tát. Hằng ngày, Bồ-tát nhận thức ăn này, ăn theo pháp để nuôi thân thể. Bồ-tát chỉ đưa bàn tay ra nhận riêng từng ngày, được một phần rất ít, ăn để sống, như là tiểu đậu chín, nước canh đậu đỏ... Như vậy, Bồ-tát ăn rất ít tùy theo số lượng trên tay nhận được và ăn nước đậu.
Bồ-tát do ăn những thức ăn như vậy, thân thể gầy còm, hơi thở yếu ớt, giống như ông già tám chín mươi tuổi suy nhược hoàn toàn không còn khí lực, tay chân không còn cử động theo ý muốn. Đúng như vậy, như vậy, các xương tay chân Bồ-tát chỉ còn dính liền với nhau cũng như vậy.
Sức lực Bồ-tát ra thế này, là do giảm sự ăn uống chỉ còn quá ít lại siêng khổ hạnh, da dẻ toàn thân nhăn nheo, như quả bầu đắng còn non cắt cuống phơi ở ngoài trời, bị nắng thiêu đốt sắc héo vàng, do quả bầu chưa già nên tóp khô, da nhăn nheo, tự rạn nứt ra từng mảnh như đầu lâu. Đúng như vậy, như vậy, xương đầu Bồ-tát cũng lại như vậy không khác. Do vì ăn quá ít, hai cặp mắt Bồ-tát sâu thẳm, cặp con ngươi thụp sâu vào trong giống như nước đáy giếng, trông thấy như hai ngôi sao. Đúng vậy, đúng vậy, mắt Bồ-tát trông kỹ mới thấy cũng như vậy.
Lại nữa, vì ăn quá ít nên xương sườn hai bên hông giãn cách xa nhau, chỉ còn da bọc lấy xương, giống như những sườn nhà nơi chuồng trâu hay chuồng dê.
Lúc bấy giờ 10 mục đồng chăn trâu, dê và ngựa trong làng lui tới khu rừng này, thấy Bồ-tát tu khổ hạnh như vậy, thấy rồi đều cho rằng việc thật hy hữu, tâm rất hoan hỷ, thường lai vãng cúng dường Bồ-tát.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.2.5 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.