Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
QUYỂN 29
TRẦN CAO VÂN VÀ
VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI
 
Có một người ở làng Tư Phú
Phủ Điện Bàn thuộc xứ Quảng Nam
Thấy quân Pháp quá tham tàn
Dấy binh tụ nghĩa vạch đường đánh Tây
 
Trần Cao Vân một tay uyên bác
Hệ tư tưởng rất được đời ưa
"Trung thiên Dịch Thuyết" bấy giờ
Gieo mầm Cách Mạng vào cho dân mình 
 
Cùng Thái Phiên liên minh lập đảng
Qui tụ quân Cách mạng dưới tay
Việt Nam Quang Phục lập ngay
Vạch ra kế hoạch đánh Tây diệt thù
 
Họ nhắm vào vị vua yêu nước
Cài người vào đến được kinh đô
Giả làm tài xế cho vua
Cùng vua : lãnh đạo diệt đồ ngoại bang
 
Vua Duy Tân nóng lòng được sớm
Hội kiến cùng với nhóm Thái Phiên
Cao Vân giả lão chèo thuyền
Doanh Châu đảo nhỏ dập duềnh nước khua
 
Hồ Tịnh Tâm sen vừa vào hạ
Nắng hanh vàng đã quá giữa trưa
Phiên, Vân diện kiến đức vua
Làm sao chuyển đổi cơ đồ nước Nam ?
 
Khi mạn đàm tình hình thế giới
Biết rằng Tây tất phải lo toan 
Tăng cường phòng tuyến phía Đông
Nghe đâu quân Đức tấn công mặt này
 
Tính : thực dân nay mai thất bại
Hỏi : làm sao giữ mãi Đông Dương ?
Ta nhân cơ hội sẵn sàng
Ngàn năm một thuở : bẻ tan xích xiềng !
 
Người trong nước tuyên truyền chống 
Pháp
Rỉ tai ngầm khắp các đội quân
Nhất là trong đám lính sang 
Âu Châu, đỡ đạn cho phường giặc Tây
 
Khuya mồng hai, một giờ, trời sáng
Lê Cảnh Vận sẽ bắn thần công
Báo cho dân, lính hợp đồng
Nhất tề nổi dậy xung phong chiếm đồn
 
Truớc , phải dồn giặc vào thế bí
Chiếm xong rồi ta sẽ phát binh
Riêng vua tạm phải di hành
Vào vùng Quảng Ngãi lập thành chiến khu
 
Theo kế hoạch, đanh vào Mang Cá :
Trứ, Chương, Hà đột phá trung tâm
Khải, Hàn, Trinh đánh Tòa Khâm
Cao Vân hộ giá men đường Quan San
 
Áo đỏ sẫm, vai quàng bảo kiếm
Chít khăn đen, lưng quấn dải vàng
Theo hầu : tay nỏ Côn Quang
Bốn tên thị vệ, lên đường : vua đi !
 
Bến Thương Bạc, nửa khuya về sáng
Trên trường thành lấp lánh sao đêm
Sông Hương nước vỗ mạn thuyền
Lòng vua cứng lại quay nhìn hoàng cung
 
Buồn một nỗi vô cùng thấm thía
Đất nước chừ tứ phía ngoại xâm
Ruộng vườn mất, dân hờn căm
Bởi quân cướp nước dã tâm quá chừng
 
Sông Lợi Nông thuyền rồng vừa đến
Nguyễn đình Trứ bái kiến đức vua
Không ai có thể nào ngờ
Tên này phản bội báo cho kẻ thù
 
Việc khởi nghĩa bấy giờ bại lộ
Thuyền chở Người tới ở Hà Trung
Rời thuyền lên núi Ngũ Phong
Quanh co dốc đá, đồi thông quay về
 
Làng Ngũ Tây thuộc thôn An Cựu
Nằm kề bên dãy núi Thiên An
Dừng chân tạm với các quan
Nhưng Tây nghe được đón đường bắt vua
 
Charles điện thoại cho Tòa Khâm Sứ
Báo Toàn Quyền vào xử việc ngay
Bởi y chẳng thể chuyển lay
Trước lời tuyên bố của ngài Duy Tân
 
Trước thất bại vì quân phản bội
Vua bị bắt cùng với các quan
Thái Phiên và cả Cao Vân
Đề, Siêu cũng bị tống giamvào tù
 
Thực dân Pháp dự trù hành quyết
Chúng đem ra giết chết bốn người
Để hòng dọa nạt, ra oai
Để hòng dập tắt dân đòi tự do
 
Những tử tù hiên ngang dõng dạc
Giữa pháp trường lên án thực dân
Điểm tên, chỉ mặt từng thằng
Buôn dân, bán nước, manh tâm hại người
 
Cửa An Hòa, nơi bày bãi chém
Bọn thực dân giải đến mấy người
Cao Vân vẫn nở nụ cười
Phất tay viết lại cho đời mấy câu :
 
"Anh hùng đế cục hưu thành bại
Công luận thiên thu phó sử biên"
Mấy lời tâm huyết lưu truyền
Ngàn năm gương đó vẫn nguyên giữa đời
 CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC
 
Lúc bấy giờ khắp nơi trong nước
Nhiều phong trào của các sĩ phu 
Ngấm ngầm thành lập chiến khu
Tích trữ lương thực, dự trù quân trang
 
Tụi thực dân vào lăng Tự Đức
Tìm kho tàng báu vật thời xưa
Chúng đào tận đến quách vua
Dân tâm xao xuyến thâm thù giặc Tây
 
Để trấn an, giặc bày diệu kế
Cho dựng nhà Khai Trí, mị dân
Nam Phong nguyệt báo canh tân
Viết bài xã luận nói gần, nói xa
 
Với mục đích gian tà, lừa bịp
Đánh đồng lên : Pháp Việt đề huề
Ru dân, nhằm để dễ bề
Đặt nền thống trị, rẽ chia giống nòi
 
Trương biểu ngữ "Rồng Nam phun bạc"
Hô "Đánh đổ Đức tặc", mở màn
Mười kỳ quốc trái rêu rao
Đền ơn mẫu quốc viết vào Nam Phong
 
Lũ còng lưng làm bồi cho giặc
Tư tưởng hèn gieo rắc trong dân
Bọn này lặng lẽ phá thầm
Phong trào cứu quốc thêm phần khó khăn
 
Đất miền Nam đã thành thuộc địa
Biến Sài Gòn theo vẽ Tây phương
Nhà thờ, trại lính, sở Đoan
Xây thêm dinh thự, mở đường giao thông
 
Viện Pasteur cử ông Calmettre
Nghiên cứu gia về cách lên men
Sản xuất một số vaccin
Đậu mùa, bệnh dại, thuốc tiêm chích ngừa
 
Ông gợi ý nên đưa nguồn lợi
Từ trong tay các hội người Hoa
Sản xuất rượu đế mạch nha
Tiền thu thêm được dôi ra rất nhiều
 
Ông Yersin men theo đường bộ
Từ Khánh Hòa lên tới Lâm Viên
Tìm ra Đà Lạt Cao Nguyên
Hoàng triều cương thổ thuộc quyền thực dân
 
Hai ông này có công mang đến
Nền y khoa ở tận Tây Phương
Đặt nên nền móng nơi đây
Tìm ra kỳ được thuốc hay cần dùng
 
Lũ giặc Pháp tung quân bốn phía
Chiếm lần hồi toàn cõi Đông Dương
Văn minh kỹ thuật chủ trương
Cho dân bánh vẽ, quên đường chống Tây
 
Chúng cũng bày ra trường Cao đẳng
Lập Hội Đồng Tư Vấn loè dân
Cũng cho báo chí rần rần
Phô trương dân chủ bất phân lập trường
 
Bọn "hót Tây" cũng chường ra mặt
Cũng nhi nhô coi rất chướng tai
Chung quy một lũ tay sai
Việt gian, mọt nước bọn này sâu dân
 
Vua Duy Tân sau lần thất bại
Bị bắt về giam tại đề lao
Mấy lần Khâm sứ ra vào
Tìm lời dụ dỗ ngọt ngào với vua
 
Hồ Đắc Trung, thượng thư Bộ Học
Được Nam Triều ủy thác xử vua
Dẫu thân mang án tử tù
Cao Vân lén gởi mật thư ra ngoài
 
"Trung là ai ? Cân đai võng lọng
Cố làm cho thánh thượng sanh toàn"
Mấy lời tâm huyết trối trăn
Gởi quan Chánh Án phải bằng cách sao
 
Tụi thực dân lại trao cho sẵn
Xử nhà vua bản án tử hình
Nhưng khi tuyên án, thình lình
Vị quan già ấy lại truyền tha vua
 
Quả bất ngờ với tên Khâm Sứ
Bàng hoàng thêm cả lũ tay sai
Chúng bèn hạ lệnh giam ngay
Quan ngài Chánh Án vào thay chỗ Người
 
Vua bị đày ra vùng hải đảo
Đông Châu Phi, ở thấu Denis
Ba mươi năm sống cách ly
Nhưng lòng luôn vẫn hướng về quê hương
 
Việc ném bom lan tràn khắp nước
Đó là điềm báo trước cho quân
Thực dân cùng với Việt gian 
Là giờ báo tử cũng đang đến gần
 
Lũ thực dân lồng lên như thú
Chúng lục sùng bắt bớ lung tung
Việt gian , điễm chỉ hết lòng
Bắt người tra khảo vô cùng dã man
 
Để đánh trả, xuống đường khủng bố
Ở Thái Bình bom nổ giết ngay
Một tên tuần phủ "chẳng may"....
Hotel Hà Nội chất đầy xác Tây
 
Ở Nghệ An có tay đầu xứ
Tụ nghĩa binh hùng cứ một phương
Lựa thời đột kích, đón đường
Đánh cho giặc Pháp cuống cuồng thất kinh
 
Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế
Huỳnh Thúc Kháng cùng Nguyễn Tiểu La
Bị quân giặc Pháp đày xa
Côn Lôn lao lý, lệ nhòa, máu dân
 
Ở trong Nam có Phan văn Quế
Tự xưng mình hoàng đế Xích Long
Nghe đâu có luyện phép gồng
Dựng cờ khởi nghĩa tấn công giặc thù
 
Ở Sài Gòn cũng như Chợ Lớn
Tám quả bom mô phỏng kiểu Tây
Được đem cài sẵn nơi đây
Gần bên dinh thự, nối dây giựt mìn
 
Việc bại lộ, giặc tìm bắt bớ
Giam họ Phan khám Lớn Sài Gòn
Kêu tù bản án chung thân
Phá tan sào huyệt ở gần Hóc Môn
 
Vây khám Lớn, quyết tâm giải thoát
Đánh nhà đèn, đồng loạt xung phong
Nghĩa quân thề chết một lòng
Giải vây chủ tướng thoát vòng lao đao
 
Cuộc khởi nghĩa cho dù thảm bại
Nhưng tiếng thơm dội mãi ngàn năm
Những người vị quốc vong thân
Là gương nhắc nhở cho dân hiểu rằng
 
Không gì quý cho bằng độc lập
Không gì hơn dân tộc phồn vinh
Đuổi đi lũ giặc viễn chinh
Cởi ách nô lệ, chính quyền giành ngay
 
Ông đội Cấn vốn tên Trịnh Đạt
Người cầm đầu cách mạng chống Tây
Cùng Lương ngọc Quyến giúp tay
Phất cờ khởi nghĩa lựa ngày khởi binh
 
Chọn Thái Nguyên : địa bàn nổi dậy
Cùng quân dân chiếm lấy đề lao
Tấn công trại lính phá rào
Đập tan xiềng xích tròng đầu dân ta
 
Với quân số hơn ba trăm lính
Chỉ một tuần chiếm lĩnh khắp nơi
Giặc đưa tiếp viện ngàn người
Phản công đè bẹp đánh lui quân mình
 
Dũng nghĩa binh rút về Tam Đảo
Để tạm thời nương náu nơi đây
Lựa thời phục kích bao vây
Dần dần lực cạn, càng ngày càng suy
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học