Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
 
QUYỂN 7


TRẦN NHÂN TÔNG (1278 - 1293)

 
Trần Nhân Tông con bà Thiên Cảm
Là cháu ngoại Từ Thiện Đại Vương
Xiển dương sự nghiệp trùng hưng
Nhân từ hòa nhã, hết lòng vì dân
 
Người cũng đã hai lần chiến đấu
Và hai lần chiến thắng quân Nguyên
Xứng danh là đấng vua hiền
Có công đánh dẹp giữ yên cõi bờ
 
Để đo đạc vua ban thước gỗ (1280)
Khắp mọi miền một cỡ mà thôi
Pháp đình xử án đúng, sai
Đặt ra "kiểm pháp" biết ngay rõ ràng(1280)
 
CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG NGUYÊN MÔNG
LẦN THỨ HAI NĂM 1285
 
Năm Nhâm Ngọ, Bình Than đại hội (1280)
Vua bàn kế phòng thủ, phản công 
Khánh Dư, phó tướng được phong (1282)
Quốc Toản còn nhỏ nên không được bàn
 
Lòng hổ thẹn, sôi gan tuổi trẻ
Tay anh hùng bóp vỡ quả cam
Trở về chiêu mộ ngàn quân
"Phá cường địch, báo hoàng ân" quyết thề
 
Thuyền tiểu tướng xông lên mũi sóng
Bóng cờ vàng lồng lộng gió bay
Quân Nguyên trông thấy chạy dài
Nam quân thắng lợi kể ngay phút đầu
 
Lễ tấn phong Đại vương Quốc Tuấn (1283)
Làm tiết chế thống lĩnh toàn quân
Duyệt binh ở tại bến Đông
Truyền nơi xung yếu phải cần chỉnh trang
 
Điện Diên Hồng bốn phương về họp(1284)
Để toàn dân cùng góp một lời
Ý dân biểu hiện ý trời
Là Hòa hay Chiến muôn người cùng hô
 
Một tiếng hô ta thề quyết chiến :
Với kẻ thù quyết đánh một phen
Toàn dân cùng một lời nguyền
Thề rằng phải đuổi quân Nguyên ra ngoài
 
Trần Di Ái được sai đi sứ(1281)
Đến nước người thì lại phản vua
Đem theo quân giặc trở về
Sài Thung Nguyên sứ coi bề hung hăng
 
Lại nghe rằng Toa Đô sửa soạn
Năm mươi vạn tiến thẳng phương Nam (1282)
Giả vờ hỏi tội Nam Man
Thực ra là để mượn đường xâm lăng
 
Trần Hưng Đạo điều quân các lộ (1284)
Ở Hải Đông , cửa ngõ Vân Trà
Theo thuyền vượt biển ngang qua
Vào nơi Ba Điễm Sơn Trà cực Nam
 
Tướng Mông Cổ vào năm Nhâm Ngọ (1282)
Là Toa Đô đổ bộ Chiêm Thành
Chiến thuyền cùng với thủy binh
Tấn công thành gỗ vây quanh Đồ Bàn(1283)
 
Pháo ba cần cản đường quân giặc
Dựa thế rừng vây chặt Nguyên Mông
Giằng dai đã mấy tháng ròng
Giặc Nguyên đang ở thế cùng cạn lương
 
Vờ giả hàng, chúa Chiêm sai sứ
Bảo rằng thưa : Quốc chủ đến sau
Nay sai Bảo Thoát sang chầu
Chế Mân thế tử sẽ hầu vào sau
 
Một mặt khác, vua cầu cứu viện (1282)
Cử sứ sang Đại Việt, Bồ Đà
Lân bang Chân Lạp cũng qua
Liên minh hợp lại để mà chống Nguyên
 
Cứu nước Chiêm trong cơn nguy biến
Vua nhà Trần gởi viện binh sang (1284)
Hai mươi vạn lẻ mấy ngàn
Năm trăm thuyền chiến lên đàng cứu nguy
 
Giặc Nguyên Mông đang lo nơm nớp
Đợi viện binh trong lúc thế cùng
Quân Chiêm, Đại Việt phản công
Toa Đô bí thể buộc lòng lui quân (1284)
 
Hốt Tất Liệt điều quân để đánh
Bảo Toa Đô phải lánh dưỡng binh
Vào đất Ô Lý, Chiêm Thành (1284)
Tạm thời ẩn nấp sẽ truyền lệnh sau
 
Xuống chiếu giao lấy người phụ tá
Cho con mình thế tử Thoát Hoan
Lên đường tiến chiếm phương Nam 
Lập ra kế hoạch ăn loang vết chàm
 
Quân xâm lược chia làm ba cánh (1285)
Mũi tiến công là cánh Tư Minh
Vân Nam là cánh viện binh
Toa Đô từ hướng Chiêm Thành đánh lên
 
Theo kế hoạch truyền liền mật lệnh
Cùng một lúc ba mũi tiến công
Vạn Kiếp nhanh chóng chiếm xong (1285)
Vượt sông qua đánh Thăng Long tức thời
 
Giặc chiếm ngay kinh thành bỏ trống
Đốc đại quân tổng tấn công ta
Đà Mạc giặc đã tràn qua
Bắt Trần Bình Trọng đưa ra dụ hàng
 
"Nếu thuận theo : làm vương đất Bắc
Bằng không thì, sẽ giết làm gương"
"Ta thà là quỷ nước Nam
Còn hơn phản quốc làm vương xứ người"
 
Giặc tức quá giết người khí tiết
Sai quân về đem tiếp viện thêm
Toa Đô từ dưới đánh lên
Kẹp quân ta giữa ba bên bốn bề
 
Vua sai Dương ra đi xin hoãn (1285)
Xin cầu hòa, cốt được bãi binh
Để làm dịu bớt tình hình
An Tư công chúa hiến mình dâng cho(1285)
 
Trước thế nước nguy cơ bại trận
Trần Nhân Tông hỏi vặn Đại Vương :
"Thế nào !" - Hưng Đạo tâu rằng :
"Chặt đầu thần trước, sẽ hàng giặc sau"
 
Chương Hiến Hầu ra hàng quân giặc
Chiêu Quốc Vương bắt chước theo sau
Ích Tắc, Lê Diểu cùng nhau
Đem theo gia thuộc ra đầu Toa Đô
 
Trần Nhật Duật, thái sư Quang Khải
Cùng lên đường quay ngược về kinh
Tây kết, Quốc Tuấn dàn binh
Cắt đức liên lạc vây quanh kẻ thù
 
Cửa Hàm Tử thừa cơ tập kích
Cùng Triệu Tung đánh địch chạy dài
Trần Thông, Quốc Toản dương oai
Chương Dương thừa thắng đuổi ngay khỏi thành
 
Quân Thoát Hoan bỏ thành trốn chạy
Để lại gần hết thảy binh lương
Bị quân Hưng Đạo chắn ngang
Gặp ngay Quốc Toản cắt đường rút lui
 
Đến Vạn Kiếp tìm nơi xoay trở 
Bắc cầu phao tạm đỡ qua sông
Cầu phao lại gãy nửa chừng
Giặc Nguyên chết đuối vô cùng thảm thương
 
Ta phục kích dọc đường giặc chạy
Quân chúng còn chỉ mấy ngàn binh
Rút về theo hướng Tư Minh
Thoát Hoan chạy đến Vĩnh Bình gặp ngay
 
Hưng Vũ Vương con trai Hưng Đạo
Chận trên đường cầm giáo chắn ngang
Ống đồng giặc giấu Thoát Hoan
Tìm phương tẩu thoát chạy sang bên Tàu
 
Ùn ùn sau quân Nguyên tán loạn
Tướng Lý Hằng trúng phải mũi tên
Tên đâm mà chẳng chết liền
Cõng về đến ải, Lý bèn tắt hơi
 
Một cánh khác rút lui theo hướng
Về Phù Ninh tạm đóng giữa đường
Bị quân Hà Đặc đánh luôn
Tàn quân Mông Cổ tìm đường thoát thân
 
Ở Tây Kết quân Trần vây hãm
Tổng quản Nguyên thế cạn đầu hàng
Toa Đô chi xiết bàng hoàng
Cánh quân thủy bộ lại càng rối ren
 
Ô Mã Nhi leo thuyền chạy lẹ
Còn Toa Đô lại bị chém đầu
Tiểu Lý cố gắng theo sau
Biết rằng khó thoát, kéo nhau ra hàng
 
Cuộc xâm lăng thế là thất bại
Hai vua Trần trở lại Thăng Long
Quan dân, binh lính một lòng
Cùng chung ý chí chung lưng diệt thù
 
Khúc khải hoàn thiên thu còn đó
Thái bình tu nỗ lực nước non
Chương Dương cướp giáo hãy còn
Nghe trong Vạn Cổ dậy hồn núi sông
 
Tự đáy lòng tướng Trần Quang Khải
Làm bài thơ để lại như sau :
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
 
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
Bốn câu mà đến ngàn năm
Vẫn còn phản phất chiến công vang lừng
CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG NGUYÊN MÔNG
LẦN THỨ BA NĂM 1287
 
Dù thất bại giặc Mông chưa bỏ (1286)
Mộng xâm lăng, còn cố phục thù
Sứ sang bàn bạc : trả tù
Nhân cơ hội đó thăm dò nước ta
 
Vua xuống chiếu kiểm tra hộ khẩu
Để điều nghiên hiểu thấu dân tình
Hưng Đạo : vua giao việc binh
Đại Vương Đức Việp cho quyền Quốc sư (1287)
 
Hốt Tất Liệt phong cho thế tử (1286)
Nắm trọn quyền quân thứ binh lương
Quân chia ba đạo lên đường
Khâm Châu tập kết sẵn sàng vượt sông
 
Ngày Bính Ngọ, Thoát Hoan vừa đến (1287)
Ở Lộc Bình thẳng tiến Đông, Tây
Ào ào chỉ có bốn ngày
Khắp vùng Vạn Kiếp đã đầy quân Nguyên (1288)
 
Cánh Vân Nam dưới quyền Tây Hạ
Sáu nghìn quân cũng đã sẵn sàng
Vượt qua Bạch Hạc, Phú Lương
Hội quân Vạn Kiếp mở đường thọc sâu
 
Ô Mã Nhi, Khâm Châu vượt biển
Với năm trăm thuyền chiến dàn quân
An Ban đánh bạt quân Trần
Hai quân thủy, bộ giặc gần gặp nhau
 
Đến điểm hẹn mặt sau Vạn Kiếp (1288)
Giặc Nguyên Mông xảo quyệt ranh ma
Xây thành đắp lũy để mà
Biến thành cứ địa vào ra dễ dàng
 
Sai Lưu Uyên đem quân đánh tới
Lấn chiếm vùng quanh núi Chí Linh
Dựng lều che trại, đắp thành
Làm kho dự bị để dành chứa lương
 
Lương cướp được trên đường sục sạo
Bốn mươi ngàn thạch gạo của dân
Tạm thời cứu vãn nuôi quân
Chờ Trương Văn Hổ đã gần tháng qua(1288)
 
Ở Thăng Long quân ta thất thế (1288)
Bỏ kinh thành rút đến Hám Nam
Bày binh bố trận cọc ngầm
Đợi khi quân giặc ăn dần hết lương
 
Nơi Vạn Kiếp đặc đương nao núng
Còn vua Trần : Trúc Động điểm quân
Khi ẩn, khi hiện như thần
Khiến cho tướng giặc bội phần lo âu
 
Chiến tranh để tiêu hao kẻ địch
Giặc yếu dần co xích gần nhau
Gióng cờ phía trước đánh sau
Đánh cho đất thảm, trời sầu mới thôi
 
Ban đêm giặc chẳng rời khỏi trại
Đợi sáng trời mới lại ra quân
Thiếu ăn, quân số hao dần
Đúng ngày Nhâm Ngọ rút quân chạy về
 
Khí thế giặc bốn bề tan rã
Lo phận mình tướng tá đòi lui
Thoát Hoan chán nản ngậm ngùi
Tiến lên chẳng nổi thối lùi không xong
 
Ba năm trước ống đồng tháo chạy (1285)
Nỗi hận này còn cháy trong tim
An Tư công chúa trước rèm (1284)
Lần này e chết nơi miền đất xa (1288)
 
Giặc muốn rút đường qua trắc trở
Đám tàn binh lại ở thế cùng
Trần kênh vách núi lưng chừng
Dưới sâu vực thảm, cây rừng chắn ngang
 
Bạch Đằng Giang còn vang thuở trước (1288)
Hàng cọc ngầm đáy nước trồi lên
Đâm xuyên ván thủng chiến thuyền
Thuyền úp, giặc chết ngửa nghiêng sóng dồi
 
Trương Ngọc chết Mã Nhi bị bắt (1288)
Tích Lê Cơ xin được đầu hàng
Quân nhu bỏ lại đầy đường
Quân ta thu được mấy ngàn thuyền lương
 
Giặc Mông Cổ cùng đường đại bại
Bạch Đằng Giang làm bãi chôn quân
Vua Nguyên căm giận bội phần
Ba lần xâm lược, ba lần trắng tay
 
Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ
Hoan Diễn còn kia chục vạn quân
Là lời nhắn của vua Trần
Dành cho lủ giặc hung tàn Nguyên Mông
 
Hốt Tất Liệt vô cùng giận dữ
Đày con mình thế tử Thoát Hoan (1289)
Dương Châu đất trích dặm ngàn
Chung thân chốn ấy khó toan trở về
 
Cuối tháng ba quay về chốn cũ (1288)
Cả kinh thành bị phá tan hoang
Đền đài kể cả Chiêu Lăng
Âm hồn phản phất hương tàn nam giao
 
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ diện kim âu
Non sông ngàn thuở về sau
Chiến công Mậu Tý (1288) đi vào sử xanh 
 
Vua xuống chiếu giảm thêm thuế má
Lệnh truyền ra đại xá cho dân
Cử ngay phái bộ sứ thần (1288)
Sang Nguyên xin được giải phân mọi điều
 
Ô Mã Nhi vâng theo giao ước(1289)
Trao trả về lại nước Trung Hoa
Đời vay có lại có qua
Dùi thuyền , chết đuối cũng là oan khiên
 
Vua Thánh Tông trong niềm cảm hứng
Viết bài thơ đến tận hôm nay
Đọc lên như ngỡ bên tai ….
Chiến công hiễn hách của người năm xưa
 
Cảnh thanh u , vật diệc thanh u
Thập nhất tiên châu , thử nhất châu
Bách bộ sơn ca, cầm bách thiệt
Thien hàng nô bộc quất thiên đầu
 
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thủy hữu thu hàmthiên hữu thu
Tứ hãi dĩ thanh trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng tích niên du
 
Theo chiếu vua định công dẹp giặc (1289)
Kết án loài phản trắc, nước đôi
Ghi ơn công trạng từng người
Trung Hưng Thực Lục vua sai vẽ hình (1289)
 
Trong chiến tranh người Nam kẻ Bắc
Cũng có người theo giặc xin hàng
Đến khi đất nước bình an
Nhân bắt hòm biểu xin hàng trước kia
 
Thượng hoàng sai đốt đi tất cả (1289)
Để yên lòng những kẻ phản vua
Định công luận tội lựa cho
Mỗi người mỗi cảnh mà chưa được dùng
 
Năm Canh Dần, đầu xuân xuống chiếu(1290)
Đánh Ai Lao áp đảo Nam Di 
Cất quân chinh phạt thị uy
Lân bang kiếp vía man di xin chừa
 
Gặp nạn đói mở kho chẩn cấp(1290)
Thuế dân đinh bỏ bớt đi nhiều
Thăm dân để biết dân kêu
Lấy quan văn học để điều tới nơi
Thuật dùng người khó ai bằng được
Lấy công bằng làm thước mà đo
Lấy nhân lấy nghĩa mà cho
Sửa sai phép nước trước giờ còn đang ... (1292)
 
Xuống chiều rằng hễ làm văn tự (1292)
Thì chép thành hai thứ bản sao
Của người một bản ta trao
Người kia giữ một ịn vào làm tin
 
Việc xữ phạt nghiêm minh đúng luật
Dân được quyền thắc mắc điều chi
Trống đình , quan phải lắng nghe
Tiếng dân khiếu nại phải ghi rỏ ràng
 
Trong cuộc chiến vì dân giữ nước
Có nhiều người dáng được lưu danh
Như là con của Yên sinh
Đại Vương Quốc Tuấn điều binh diệt thù
 
Vua phong cho Quốc công tiết chế(1283)
Thống lĩnh quân tìm kế bày mưu
Chọn binh , quân hiệu hổ phù
Chỉ huy , tác chiến dể hồ mấy ai
 
Cho ra đời Binh Gia Yếu Lược
Sách đầu giường cho các tướng quân
Hịch tướng sĩ một ánh văn
Là lời tuyên chiến viết bằng máu xương :
1-Ta thường nghe : Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao đế, Do Vu chìa lưng chịu giáo che chở cho Chiêu Vương, Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ. Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước. Kỉnh Đức, một chàng tuổi trẻ thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây, Thế Sung, Cảo Khanh một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa khí, bỏ mình vì nước, đời nào không có ? giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được !

Các người con nhà võ tướng, không hiểu văn nghĩa nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi những chuyện xưa ta không nói đến nữa. Nay ta chỉ kể chuyện Tống, Nguyên mới đây.

Vương Công Kiên là người thế nào ? Tì tướng của ông là Nguyễn văn Lập lại là người thế nào ? Mà giữ thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu, đuờng đường chống với quân Mông khá đông đến hàng trăm vạn, khiến cho nhân dân đời nay còn đợi ơn sâu ! Cốt Đài Ngột Lang là người thế nào ? Tì tướng của ông là Xích Tu lại là người thế nào ? Mà xông vào chỗ lam chướng xa xôi nghìn trùng, đánh bại được quân Nam Chiếu trong vài tuần khiến cho quân trưởng đời Nguyên, đến nay còn lưu tiếng tốt !

2- Huống chi ta cùng các người sinh phải thời loạn lạc lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường. Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng thamkhông cùng, giả hiệu Vân Nam vương mà thu bạc vàng để vét của kho có hạn.Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau ?

Ta thường tới bửa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.

3- Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. Cách đối đãi so với Vương Công Kiên, Cốt Đãi Ngột Lang ngày trước cũng chẳng kém gì.

Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo việc làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang, thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh, dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quí ngàn vàng khôn chuộc. Vả lại, vợ bíu con ríu, việc quân cơ trăm sự ích chi, tiền của tuy nhiều khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy khoẻ khôn đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ, tacùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào ! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các người cũng mất, chẳng những gia quyến của ta bị tan mà vợ con các ngươi cũng khốn, chẳng những xã tắc tổ tông ta bị dày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khõi mang tên là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không ?

4- Nay ta bảo thật các ngươi : Nên nhớ câu "đặt mồi lửa vào dưới đống củi" là nguy cơ, nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm răn sợ. Huấn luyện quân sĩ, tập được cung tên khiến cho người ngươì giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rửa thịt Vân Nam vương ở Cảo Nhai. Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc của các ngươi cũng đời đời hưởng thụ, chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão, chẳng những tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm, chẳng những thân ta kiếp này đắc chí mà đến các người trăm năm về sau tiếng vẫn lưu truyền, chẳng những danh hiệu của ta không bị mai một mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ dẫu các ngươi không muốn vui vẻ, phỏng có được không ?

5- Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là "Binh thư yếu lược". Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta thì mới phải đạo thần chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.

Vì sao vậy ? Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi sau đây sau khi giặc đã dẹp yên muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa ? Ta viết ra bài hịch này để các người biết bụng ta.

Bài hịch đó cũng là tuyên bố
Cho mọi người thấy rõ toàn dân
Chung lưng đoàn kết quây quần
Quyết tâm sắc đá đánh tan giặc ngoài
 
Có nhiều người trở thành danh tướng
Như Yết Kiêu , Dã Tượng , Khắc Chung
Đỗ Hành , Man trưởng một lòng 
Tất Năng , Quang Khải cùng chung chiến hào
 
Trần Quang Khải cầm đầu chính phủ (1271)
Theo Thánh Tông đánh lũ Nguyên Mông
Một người học thức uyên thâm
Biết nhiều tiếng nói sắc dân ít người
 
Để lại đời tập thơ Lạc Đạo
Lời khẩu khí in dấu chiến công
Vì dân phục vụ hết lòng
Trông coi việc nước chẳn mòng việc riêng
 
Trần Khánh Dư nắm quyền thủy lộ
Dù không ưa vua cứ tin dùng
Phục kích đánh trận Vân Đồn
Bắt nguyên tướng giặc , thuyền lương khí tài 
 
Bài đề tựa do tay Dư viết
Cho Vạn Kiếp tông bí truyền thư
Đó là binh pháp trận đồ
Của Trần Hưng Đạo soạn cho các nhà
 
Dư cũng nhà đầu cơ có hạng
Tính tình thì sống sượng tham lam
Đã cùng công chúa thông dâm
Đầu cơ tích trử món hàng Ma Lôi
 
Biết bao người anh hùng tử sĩ
Góp máu đào sá kể lưu danh
Sẳng sàng xông trận hy sinh
Bọc thây da ngựa hiến mình vì dân.
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học