Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
QUYỂN 24
CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN 
CỦA NGHĨA QUÂN MIỀN NAM
Cả miền Nam sục sôi máu lửa
Dân căm hờn cháy cả tâm can
 
Cùng nhau đánh đuổi thực dân
Tầm vong giáo mác tòng quân lên đường
Đất Gò Công có Trương Công Định
Cù lao Rồng nức tiếng Thủ Khoa
 
Phạm Liên dũng lược tài ba
Lại thêm Trương Huế theo cha diệt thù
Thủ khoa Huân cầm đầu kháng chiến
Người Định Tường , nổi tiếng khắp nơi
 
Ra tay đánh Pháp tơi bời
Bị đưa an trí bên trời Phi Châu
Đến vào đầu tháng tư Ất Hợi (1875)
Phe nghĩa quân tiến thối lưỡng nan
 
Pháp đang cố sức dụ hàng
Vẫn không lay chuyển sắt son anh hùng
Giặc chém ông ở gần Phú Kiết
Cả miền Nam thương tiếc biết bao
 
Vén tay để lại mấy câu :
 
Hạn mã giang san vị quốc cừu
Chỉ nhân binh bại tứ thân hưu
Anh hùng mạc bả dinh du luân
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu
 
Vô bố dĩ kinh Hồ Lỗ phách
Bất hàng cam đoạn tướng giang đầu
Dương niên Tho-Thủy lưu ba luyến
Long đảo thu phong khởi mộ sầu
 
Thân văn Nhiếp đứng đầu chống Pháp
Lễ Giáng sinh Cai Lậy công đồn
Cái Môn, Bà Vát, Trà Côn
Tổng Thu, Tổng Cầy, Cầu Vồng lừng danh
 
Từ Bến Thành, Trà Vinh, Vĩnh Trị
Qua Cổ Chiên, Tây Thủy, Hậu Giang
Rạch Gầm, Cần Giuộc, Trung Lương
Nghĩa quân nổi dậy diệt phường ác ôn 
 
Trương Công Định anh hùng chống Pháp
Ơiên Hòa lại gặp Phan Trung
Dấy binh đóng ở Gò Công
Thuyền ghe khí giới binh đông vạn người
 
Ông cho người phục kích lính ngụy
Giết chỉ huy đại úy Barbé
Đánh đồn như thế chẻ tre
Tân An, Cần Giuộc răn đe ngụy quyền
 
Tướng Bonard cho thuyền vây bủa
Khu Bình Xuân chặn cửa Gò Công
Sa cơ thất thế cuối cùng
Giặc bắt giết chết anh hùng nghĩa quân (1864)
 
Thiên Hộ Dương bạn Trương Công Định
Trấn cả vùng Cao Lãnh, Cái Thia
Pháp cho tướng Grandière
Đưa quân truy quét dẹp phe bưng biền
 
Nguyễn Trung Trực còn là Quản Lịch
Mới nghe tên, quân địch khiếp hồn
Tân Uyên phục kích công đồn
Hải quân pháo hạm chìm luôn giữa giòng
 
Đất Kiên Giang vẫn còn ghi dấu
Chiếm sạch thành đoạt lấy súng Tây
Giận ông, giặc Pháp giận lây
Sai Huỳnh Công Tấn bắt ngay mẹ người
 
Vì thương mẹ trong tay lũ quỷ
Ông đành lòng giải thể nghĩa quân
Đem mình nạp lũ thực dân
Đền ơn báo hiếu trung quân với đời :
 
"Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa (?)
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên" 
 
Huỳnh Công Tấn và Trần Bá Lộc
Trần Tử Ca cùng bọn Việt gian
Chạy theo lũ giặc tham tàn
Nặng lòng mẫu quốc chẳng màng chi dân
 
Đỗ Hữu Phương thăng dần Tổng đốc
Là một người đã giúp thực dân
Cho người lùng sục nghĩa quân
Đón bắt Trương Huế ở gần Long An
 TÌNH HÌNH XÃ HỘI 
VÀ BIẾN CỐ Ở BẮC KỲ
 
Ở trong Nam là phần thuộc Pháp
Ngoài Bắc Kỳ loạn lạc khắp nơi
Pierre Lê Phụng dụ người
Nổi lên làm loạn bên ngoài Sơn Tây
 
Giặc thời nay, Cờ Vàng Cờ Trắng
Quân Tàu Ô với đảng Cờ Đen 
Cướp bóc quấy phá Quảng Yên
Lạng Sơn cát cứ , chiếm miền Tuyên Quang 
Vùng biên giới ở gần Trung Quốc
Bọn Thổ phỉ càng lúc càng đông
Cao Bằng có giặc Ngô Côn
Giặc Nùng giặc Thổ quân hơn mấy ngàn
 
Nguyễn Tri Phương rồi Trương Công Định
Ông Ích Khiêm, Đô Thống, Trọng Bình
Được vua giao việc điều binh 
Tìm phương ổn định tình hình rối ren
 
Nguyễn Tri Phương sau đêm thất thủ
Được triệu hồi điều phái ra Trung
Lãnh phần quân vụ bổ sung
Vạch phương phòng thủ trong vùng Quãng Nam
 
"Mọi" vách đá ở gần Quảng Ngãi
Thường thường hay nhiễu hại nhân dân
Nguyễn Thân dược lệnh cầm quân
Ra sức chiêu dụ dần dần vỗ yên
 
Ở Thừa Thiên , có nhiều biến cố
Việc xây lăng , lựa chổ khởi công
Tốn hao tiền bạc của chung
Người dân không thuận tán đồng ý vua
 
Vùng Vạn Niên đất xưa Hương Thủy
Mạch long giao địa lý tuyệt vời
Khiêm Cung được đặt vào nơi
Thâm sơn u tịch khó người tìm ra
 
Vua xem qua nhiều tờ đồ án
Cho công trình xây dựng Khiêm Lăng
Kiến trúc quy hoạch khoanh vùng
Đào hồ Thủy Tạ xây vòng thành Nam
 
Tháng mười hai cuối năm Giáp Tý
Hương Tập mưu định thí giết vua
Không may mưu lộ phải thua
Bị đem trảm quyết ngăn ngừa loạn sau
 
Hai năm tiếp vào đầu tháng tám
Có Đoàn Trưng dấy loạn Chày Vôi
Cùng em Ái, Trực mấy người
Cúc làm nội ứng giả vờ sắc vua
 
Vào Cấm Điện cướp đồ khí giới
Giặc tràn qua gần tới Tả Sương
Vô nhà Duyệt Thị dương dương
Hồ Oai ra cản giữa đường gặp quân
 
Đoàn Tư Trực gươm phăng một nhát
Tai Hồ Oai rách toạc một bên
Trưng mời xa giá rước lên
Đưa con Hường Tập nắm quyền hoàng gia
 
Cuộc chính biến trên đà thắng lợi
Trực chưa chi đã vội hân hoan
Hồ Oai, Lê Sĩ nhân toan
Đâm ngay Tư Trực một gươm chết liền
 
Quân tạo phản thất kinh khiếp hải
Trước tình hình tiến thoái lưỡng nan 
Dân phu rối loạn tan hàng
Bị quân thị vệ dể dàng dẹp tan
 
Cuộc chính biến làm vua thức tỉnh
Xét lại nhiều quyết định từ xưa

Chọn người kế vị ngôi vua
Tìm cách đánh bại mưu đồ ngoại xâm 
 
Nguyễn Trường Tộ uyên thâm Hán học
Lê gót theo giám mục Gauthier
Xuất dương tìm kế ra đi
Đem điều quan sát chép ghi rõ ràng
 
Dâng lên vua điều trần lý thuyết
Những vấn đề giải quyết ba hoa
Duy tân rằng lợi nước nhà
Cho mau bắt kịp người ta với mình
 
Ở Cái Mơn có Trương Vĩnh Ký
Là một người trí thức theo Tây
Thực thi chính sách đường xa
Dùng chữ quốc ngữ trong trường phổ thông
 
Làm thông ngôn cho đoàn Sứ bộ
Sang Tây phương trao đổi ngoại giao
Trở về sau đó ít lâu
Chuyên tâm dịch thuật sách Tàu, chữ Nôm
 
Pháp đã chiếm nhiều phần đất nước
Đất Nam kì xâm lược từ lâu
Bắc kì thôn tính mưu sâu
Bourayne thuyền chiến khởi đầu tiến vô
 
Năm Nhâm Thân (1873) tên Đồ Phổ Nghĩa
Đem thương thuyền dựa vía giặc Tây
Mượn đường mua bán qua đây
Vân Nam, Hà Nội vẽ ngay hải trình
 
Phan Đình Bình cùng quan Khâm Mạng
Gọi Dupuis đàm phán giao thương
Cấm không cho chở đi đường
Gạo thóc, đạn dược, súng trường, quân trang
 
Jean Dupuis chẳng màng khuyến cáo (1872)
Vẫn cho thuyền chạy thấu Vân Nam (1873)
Quân ta ra lệnh bắt giam
Những tên ngang ngạnh công nhân trên tàu
 
Jean Dupuis bắt đầu làm loạn
Kéo lên bờ sửa soạn tấn công
Bắt đi mấy lính hộ phòng 
Hai viên quan lại giam chung một buồng
PHÁP CHIẾM THÀNH HÀ NỘI (1873)
 
Trong khi đó giặc đang kiếm cớ
Gọi Garnier đang ở Trung Hoa
Tuần dương hạm Pháp kéo qua
Hai bên thương thuyết tìm ra giải trình
 
Đang thương thuyết thình lình giặc nổi
Vây hãm thành gởi tối hậu thư
Tri Phương viết lệnh gởi cho
Phải mau bẻ gãy mưu đồ của Tây
 
Cửa Đông Nam giặc vây dày đặc
Tấn công thành đại bác nổ vang
Cư dân sửng sốt bàng hoàng
Còn quan Khâm Mạng bị thương ở đùi
 
Thành đã rơi vào tay giặc Pháp 
Dùng luật rừng trấn áp quan quân
Cho người lùng sục trong dân 
Bắt giam nghĩa sĩ để ngăn chống ngầm
 
Phò mã Lâm mặc dù trúng đạn
Gục trên thành tay vẫn cầm gươm
Tướng quân cũng đã bị thương
Chối từ băng bó vết thương trên đùi (1873)
 
Nguyễn Tri Phương ngậm ngùi vận nước
Trước địch quân nhả thuốc nhịn ăn
Ba mươi tháng Chạp (1873) trối rằng :
"Một đời vì nước quyết quên thân mình"
 
Pháp lấy xong được thành Hà Nội
Bèn xuất quân tiến tới Trung Châu
Hưng Yên, Phủ Lý tóm thâu
Ninh Bình, Nam Định lọt vào bọn Tây
 
Hautefeuille Hải quân Thiếu úy
Chiếm Hải Dương như thế trở tay
Giáo dân Phát Diệm theo Tây
Vui mừng thoát cảnh khốn cùng trước kia
 
FRANCIS GARNIER TỬ THƯƠNG
 
Hoàng Kế Viêm được chia trấn thủ
Làm Tiết Chế Quân Vụ Bắc Kì
Cờ Đen cướp biễn xin về 
Cho Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy bọn này
 
Quân Nam triều rút lui trấn giữ
Giặc Cờ Đen cố nhử bọn Tây
Vu vơ mấy phát đạn bay
Dụ cho quân Pháp rời ngay khỏi thành
 
Quân Cờ Đen thu binh trốn chạy
Pháp đuổi theo ra tới ngoại ô 
Đến chân cầu Giấy thì vừa 
Lọt vào thòng lọng bất ngờ của ta
 
Trận phục kích thật là diệu kế
Ta , bấy giờ ở thế thượng phong
Garnier trúng đạn tử vong(1876)
Làm cho quân giặc vô cùng lo âu
 
Quân ta đã từ lâu yếu thế
Nhưng trận này khống chế giặc Tây
Dupré Thống Đốc lên thay (1873)
Liền sai sứ giả trình bày với ta
 
Philastre thanh tra đại úy
Theo lệnh Tây đến Huế điều đình
Cùng ta giải quyết tình hình
Sao cho đừng để tranh giành về sau
 
SỰ THAY ĐỔI 
TRONG VIỆC BANG GIAO VỚI PHÁP
HÒA ƯỚC GIÁP TUẤT 1874
 
Năm Giáp Tuất ký vào hòa ước (1874)
Hăm hai điều định được như sau :
Đặt chức lãnh sự ra vào
Ưu tiên thương mãi ngoại giao nước ngoài
 
Nguyễn Văn Tường Khâm Sai chánh sứ
Được triều đình cắt cử nghị thương
Còn Krant đại diện Tây dương (1874)
Buộc ta cắt đất để nhường cho Tây
 
Từ Giáp Tuất (1874) tới nay năm Ngọ(1882)
Pháp và ta đã tỏ bình yên
Sứ thần trao đổi hai miền
Khâm sứ Philastre giữ quyền ngoại giao (1876)
 
Ông Philastre mặc dầu người Pháp
Nhưng lại thích học tập Hán văn 
Biết ông hiện tại đang cần
Vua sai thầy cử dạy giùm ông ta
 
Việc giao hảo giữa ta và Pháp
Đã trở nên hòa hợp nhiều hơn
Vấn đề trao đổi ngoại thương
Được đem bàn bạc luận cương rõ ràng
 
Việc truyền đạo có phần cởi mỡ
Giáo sĩ nay giúp đỡ khá nhiều
Để dân thóat cảnh đói nghèo (1868)
Văn Điền mật tấu mấy điều yên dân 
 
Chính phủ Pháp tặng tuần dương hạm(1876)
Cùng khí tài súng đạn cho ta
Vua sai Tham tá đi qua
Nhận về năm chiếc tuần tra dọc bờ
 
Năm Mậu Dần (1878) cấp cho Hà Nội
Trăm khẩu súng quà gởi của Tây
Để cho hai nước từ đây
Giử niềm hòa khí lâu dài hai bên
 
Bộ Ngự chế có thêm mấy quyển
Vịnh sử Nam những chuyện xa xưa (1877)
Luật hình vua lại truyền đưa
Gởi cho Khâm sứ làm quà của ta
 
Vua sai qua xã giao thăm viếng (1881)
Một tháng hay hai tháng một lần
Có khi tại cửa Ngọ Môn 
Giao hòa yến tiệc đãi đằng sứ Tây
 
Nguyễn Thành Ý được sai đi Pháp (1877)
Đấu xảo đưa các loại thổ nghi
Lấy thêm đồ đệ đem đi (1879)
Toulouse ở lại học nghề động cơ
 
Lại chọn người tuyển cho sang Pháp (1879)
Sang nước Anh quan sát xứ người (1870) (1881)
Mua tàu của Đức năm rồi (1872)
Bang giao với Ý, tiếp người phương Tây (1879)

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học