Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
 
QUYỂN  8
 TRẦN ANH TÔNG HOÀNG ĐẾ 
(1293 - 1314)
 
Thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế (1293)
Vào tháng ba, Quý Tỵ cuối xuân
Hưng Long niên hiệu tân quân
Bắt ngay vào việc điều quân biên phòng
 
Giặc động binh ở vùng biên giới
Sứ Lương Tằng đã tới Thăng Long
Đem thư cùng chiếu sắc phong
Dụ rằng cho gọi Anh Tông sang chầu
 
Vua ta giao Tử Kỳ đi sứ
Qua Trung Nguyên giữ mối bang giao
Nói rằng lấy cớ bị đau
Nên không đi được sang chầu vua Nguyên
 
Hốt Tất Liệt, tháng giêng tạ thế (1294)
Nên mưu đồ về việc xâm lăng
Phải đành bỏ cuộc giữa chừng
Tử Kỳ lại được Thành Tông trả về
 
Luật nhà Trần mỗi khi đánh bạc
Kẻ bất tuân bị phạt tới cùng
Có quan thượng phẩm Nguyễn Hưng
Bị vua đánh chết để răn mọi người
 
Quân Ai Lao thường hay quấy nhiễu
Đã bốn lần thanh tảo Man Di
Phạm Ngũ Lão : hai lần đi
Một lần Trương Hiển chết vì khi quân
 
Trương Hiễn vốn tướng quân Mông Cổ
Đã đầu hàng , xin ở nước ta
Vua ban tước phẫm lụa là
Tuyễn vào quân đội , điều ra biên phòng
 
Hiển tử trận được phong Minh Tự
Đưa cho vào thờ ở Thái Thường
Tỏ lòng với kẻ hiền lương 
Ban cấp chu đáo khói hương từ đường
 
Xuống chiếu cho sĩ nhân được biết (1299)
Ôn luyện bài để kịp kỳ thi
Định ra mũ áo nhung y
Cho quan văn võ phân chia tỏ tường (1300)
 
Lệnh vua ban soát tù các trại (1301)
Thả ngay ra kẻ tội hàm oan
Và cho thông báo rõ ràng
Về cách thi cử, biểu chương thế nào
 
Về phép thi khởi đầu Ám Tả
Kế đến là kinh nghĩa, kinh thi
Đề thơ, theo luật, phú ghi
Thứ ba : Chế chiếu , biểu quy thư đồ
 
Kỳ thứ tư là thi đối sách
Hỏi luận đề về bảy khoa riêng
Mạc Đĩnh Chi đậu trạng nguyên
Bùi Mộ bảng nhãn ghi danh từng người
 
Nguyễn Trung Ngạn đổ ngay hoàng giáp(1304)
Đổ khoa này hơn khoảng ba trăm
Đương thời gọi Ngạn thần đồng
Cũng tay xuất chúng nằm chung bảng vàng
 
Rước về làng , vinh qui bái tổ
Cho ba người ra cửa Long Môn
Để cho dân chúng được dòm
Những người giỏi nhất nước Nam bấy giờ
 
Nguyễn sĩ Cố làm thơ quốc ngữ
Khởi đầu cho thơ phú sau này
Là người có óc khôi hài
Được vời vào giảng những bài Ngũ kinh
 
Còn người nữa nức danh kim cổ
Là Đĩnh Chi tướng mạo khó xem
Có lần đi sứ sang Nguyên
Vì tài ứng đối vua Nguyên muốn dùng
 
Năm Kỷ Hợi Thượng Hoàng lên núi (1299)
Chốn thiền môn một cõi am mây
Pho kinh tràng hạt trên tay
Đầu Đà khổ hạnh ngày ngày tịnh tâm
 
Núi Yên Tử, lan rừng mấy đóa
Chim hót mừng bên Ngọa Vân Am
Phù sinh ảo ảnh ngàn năm
Phất phơ khóm trúc, thì thầm suối reo
 
Bỏ việc đời, men theo hành đạo 
Đất Chiêm Thành một dạo dừng chân (3001)
Thượng Hoàng gặp gỡ Chế Mân
Trong lòng muốn gả Huyền Trân cho chàng 
 
Năm Bính Ngọ, vừa tròn tháng sáu
Phái đoàn Chiêm làm lễ rước dâu
Thớt voi, kiệu rước quân hầu
Cung nhân, cờ quạt trước sau đàng hoàng
 
Vua Chế Mân dâng châu Ô Lý
Làm lễ vật dẫn cưới Huyền Trân
Nhữ Hài cử đến coi dân
Đổi thành Thuận , Hóa thuộc phần đất ta
 
Chế Đa Da là con công chúa
Sai sứ thần báo tử về kinh
Tháng năm vua của Chiêm Thành
Trong cơn bạo bệnh thình lình tử vong
 
Vua sai ông Đặng Vân cùng với
Trần Khắc Chung qua tới nước Chiêm
Lựa lời biện bạch đưa linh
Để đem công chúa xuống thuyền hồi loan (1306)
 
Một mưu toan nhắm vào triều đại
Rằng công chúa cùng với Khắc Chung
Trên thuyền họ đã tư thông
Lênh đênh cả mấy tháng ròng trước khi…
 
Nếu tính kỷ chi li mới thấy 
Thì Huyền Trân lúc ấy mới sinh
Thời gian hậu sản đang hành
Đớn đau , bầm dập gập gềnh sóng xô …. 
 
Vào mùa thu , Thượng hoàng thánh hóa ( 1308 )
Ngài đã băng ở Ngọa Vân Am 
Đem về táng ở Long Hưng
Phải dùng đến khúc Long Ngâm dẫn đường
 
Mười năm sau Chế Mân tạ thế
Huệ Võ Vương đánh chiếm Chiêm Thành
Lao vào một cuộc viễn chinh
Trên đường nam tiến quên tình thông gia
 
Đoàn nhữ Hài vượt qua tới trước
Dùng quỷ kế dụ bắt Chiêm Vương ( 1312 )
Đem về giam ở Gia Lâm
Nam sau vương chết lể tang trà tỳ (1313 )
 
Dân Chiêm Thành trong khi chạy loạn
Chế Đà A trốn đến Qua Oa
Người thì mất mẹ chết cha
Lạc luôn Thế tử con bà Huyền Trân
 
Vua Anh Tông cầm cương trị nước
Người thông minh mực thước nhân hòa
Việc triều luôn duyệt xem qua
Truyền ngôi vào giữa tháng ba Giáp Dần (1314 )
 
Thơ để lại "Thủy Vân tùy bút"
Lúc băng hà sai đốt hết đi
Đến khi long thể lâm nguy
Nhà sư Phổ Huệ nằn nì xin vua
 
Ngài gạt phăng vì sư nói đến
Chuyện tử sinh ảnh hưởng tới ngài
Sư chưa chết , tại sao hay ?
Không nên nói đến chuyện này với ta
 TRẦN MINH TÔNG ( 1314 - 1329 )
 
Nối nghiệp cha là thái tử Mạnh
Đổi niên hiệu Đại Khánh năm đầu ( 1314 )
Triều đình sắp đặt trước sau
Đề phòng hạn hán vua giao từng người (1315 ) 
 
Với bề trên một đời tôn kính 
Đối kẻ dưới được tiếng nhân hòa
Một người trung hậu lo xa
Trong yên, ngoài phục quốc gia thái bình
 
Vua biết đem văn minh nối tiếp
Làm rạng danh cơ nghiệp người xưa
Tiếng đồn vang thuở bấy giờ
Tiếc rằng không biết mưu người giết oan 
 
Năm Mậu Ngọ Đại vương Quốc Chẫn ( 1318 )
Chỉ huy quân đi đánh Chiêm Thành
Túc hầu Tất Kiến hy sinh
Sau nhờ Ngũ Lảo tung binh chận đường
 
Phạm Ngũ Lảo người làng Phù Ứng
Từng nỗi danh đại tướng đánh Nguyên
Giúp vua bình định nước Chiêm
Một người phóng khoáng dụng binh như thần
 
Ông có làm bài thơ để lại :
Bốn câu thôi ; Khí khái trượng phu
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân kỳ hổ khí thôn ngưu
 
Nam nhi vị liểu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
Lời thơ vào cỏi thiên thu
Như lời nhắn nhủ gởi cho những người
 
Thuật dùng người theo tài của họ
Đó là cách chỉ có đời Trần
Tùy theo trách nhiệm đảm đương
Mà giao chức vụ cho quan trong triều
 
Quan trong triều như là Phạm Mại
Đổ thiên Hư , Phạm Ngộ , Đỉnh Chi
Nhữ Hài , Lê Quát , Lê Duy
Hán Siêu , Sư Mạnh và nhiều người hay
 
Trần Thì Kiến cũng tay tầm cở
Lê Cư Nhân , Nguyễn Dử giúp vua
Xiễn dương văn học bấy giờ
An sinh xã hội , hiến mưu giúp đời
 
Trần Khắc Chung một người khôn khéo
Lại về phe vu cáo giành ngôi
Nghe theo Văn Hiến để rồi
Tâu vua giết bậy, hại người trung quân
 
Trần Khắc Chung vốn giòng họ Đỗ 
Vì có công được đổi họ Trần
Thăng quan tiến chức lên dần
Có công đem được Huyền Trân trở về
 
Bọn quan lại chia bè kết đảng
Chúng bắt đầu lũng đoạn nhà vua
Hán Siêu, Hài, Ngạn theo hùa
Khắc Chung, Văn Hiến mưu đồ việc riêng
 
Tướng Đại Niên là người Đại Việt
Năm Bính Dần lãnh việc đánh Chiêm ( 1326 )
Giao tranh cả mấy tháng liền 
Cuối cùng bại trận phải đành lui quân
 
Để công bằng sửa sang luật pháp
Phạt nặng người cưỡng đoạt ruộng tư
Với người giả mạo văn từ
Chặt đứt ngón trái cho chừa thói gian
 
Đối với ruộng mà đang ngậm sữa
Việc kiện thưa sẽ xử như sau 
Người cày được một nửa đầu
Nửa phần còn lại ngày sau sẽ bàn (1323)
 
Vào mùa hạ tháng năm Tân Dậu (1321)
Vụ lúa Chiêm , bắp đậu được mùa
Năm sau củng được bội thu
Nhân dân an lạc ấm no thái bình
 
Đồng tiền kẽm ban hành trong nước
Dùng bán buôn đổi chác trong dân
Năm sau xuống chiếu lại rằng :
Bỏ đồng tiền kẽm thay bằng tiền khoen
 
Một vụ án do tên Trần Phẩu
Được dựng lên vu cáo Đại Vương
Vương là em ruột Thượng Hoàng
Định làm phản loạn mưu toan chiếm quyền
 
Năm Mậu Thìn đem ra xét xữ
Cả trăm người đều có liền can
Đa số họ đã kêu oan
Riêng phần Quốc Chẩn biệt giam , giết liền
 
Quan nhà Nguyên tranh chấp biên giới
Vua sai Bang Hiến tới Nam Kinh
Lựa lời tranh biện phân minh
Để cho hai nước tình hình bớt căn
TRẦN HIẾN TÔNG ( 1329 - 1341 )
 
Năm Kỷ Tỵ (1329), Hiến Tông lên thế
Thay cha mình hoàng đế Minh Tông
Hoc rành nẫy mực cầm cân
Xiễn dương đất nước cho dân , cho người 
 
Vua lên ngôi mới vừa mười tuổi
Và băng hà ở tuổi hăm ba
Ngự chầu việc nước có cha
Điều hành chính sự nước nhà giùm con
 
Ở dưới đời Hiến Tông Hoàng đế
Có mấy điều đáng kể như sau :
Một là đi đánh Ai Lao
Hai lần xung trận, và thua một lần (1334)
 
Chỉ huy quân, Nhữ Hài đốc tướng (1335)
Bị phục binh hai hướng giáp công
Tiết La, giặc ém bên sông
Nhữ Hài bị nhử lọt vòng bao vây
 
Khi giao chiến Nhữ Hài chết đuối
Đó nhằm năm AᴠHợi đầu thu(1335)
Quân ta trận đó thua to
Năm sau rút hết trở về kinh sư
 
Đổ thiên Hư xin theo đánh địch 
Lâm bệnh nặng bị chết giửa đường
Thượng hoàng làm lấy tiếc thương
Sắc cho dùng nhạc Thái Thường nghi tang(1335)
 
Cho lập kho dùng sàn chứa thóc (1337)
Phòng đói nghèo chẩn cấp cho dân
Lại sai xét xử việc quân
Thải hồi những kẻ sâu dân , biếng làm (1337)
 
Trần Nhật Duật thọ gần bảy bảy(1330)
Được tin dùng trải bốn đời vua
Một người nổi tiếng giao du
Với người ngoại quốc bấy giờ ít ai
 
Làm tể tướng vua sai tiếp khách
Tiếng nước ngoài kiến trác với nhau
Ngũ cung, biến tấu đôi câu
Thi, thư, vũ nhạc dạy đào uốn tay
 
Ông cũng người hiền tài đức hạnh
Chưa bao giờ thấy đánh gia nô
Lại đem đức hiếu nhân từ
Trước răn kẻ dưới dặn dò quan binh
 
Trần Khánh Dư đã từng phó tướng
Cũng lìa đời vào khoảng cuối thu (1339)
Là năm lịch đổi theo vua
Lung linh khảo nghiệm định giờ chẳng sai
 
Vua khen Dư có tài trí lược
Nhưng là người không có nhân tâm
Dám cùng công chúa thông dâm(1282)
Đầu cơ tích trữ, tham lam quá chừng (1287)
 
O⮧ từng nói : "Chim ưng là tướng
Vịt là dân chả đáng bận tâm
Nuôi vịt là để chim ăn
Có gì lạ lạ mà bàn tới lui !"
 
Vua giận lắm tước ngay chức tước
Đuổi về nhà làm đứa bán than
Nhân lúc thuyền ngự đi ngang
Vua thương cảnh ấy cho làm việc quân (1282)
 
TRẦN DỤ TÔNG ( 1341 - 1369 )
 
Vừa Tân Tý (1341) vua băng năm đó
Thượng Hoàng cho em nhỏ Hiến Tông
Tên là Trần Hạo nối dòng
Đổi ra niên hiệu Thiệu Phong năm đầu (1341)
 
Mẹ Hiến Từ, cha là Trần Mạnh
Vua Dụ Tông bị bệnh liệt dương (1339)
Loạn luân với chị trên giường (1351)
Vì Trâu Canh đã dâng phương thuốc này
 
Cha bên cạnh chỉ bày việc nước
Việc triều chính coi được êm xuôi
Đến khi cha đã qua đời (1357)
Trổ mòi dâm loạn ăn chơi hết điều
 
Cũng năm đó Hán Siêu, Trung Ngạn
Bộ Hình Thư biên soạn vừa xong
Dâng vua cùng với sách phong
HOÀNG TRIỆU ĐẠI ĐIỂN để dùng mai sau
 
Từ Nhâm Ngọ (1345) đến sau năm Dậu
Những đổi thay ghi dấu thế này "
Có năm hạn hán lâu ngày (1343)
Có năm lụt lội vỡ đài sạt đê(1359)
 
Dân đói kém coi bề khốn đốn (1343, 1344 , 1345) 
Tên Bảo Vy lấy trộm áo vua (1347)
Giặc thì nổi dậy lu bù (1343)
Năm nào cũng có mất mùa , hạn to
 
Vua xuống chiếu soát tù giảm tội
Lập đồn điền đặt sở khuyến nông
Duyệt quân, tảo giặc, an dân
Đánh tan Ngô Bệ ở gần núi Yên (1345)
 
Những năm đó Trung Nguyên loạn lạc
Giặc nổi lên trộm cướp nhiễu nhương
Hữu Lượng đánh với Nguyên Chương
Xưng hùng xưng Bá xưng Vương bên Tàu
 
Đảo Vân Đồn thuyền vào cập bến
Người bốn phương kéo đến bán buôn(1347)
Bồ Đồ rồi lại Tiểu Nhân (1348)
Tặng đồ Diêu Biến lại dâng lụa là (1349)
 
Nước Đại Oa cống chim trĩ đỏ (1349)
Người Vân Đồn mò trộm ngọc trai
Mùa xuân Đinh Dậu, tháng hai(1357)
Thượng hoàng băng ở cung đài Bảo Nguyên
 
Trần Minh Tông nhường quyền hăm tám
Hăm tám năm có lắm nhiêu phong
Cuối đời viết : Giới am Ngâm
Xét mình trong cõi hồng trần : CÓ - KHÔNG
 
Nước Chiêm Thành cướp dân Dĩ Lý (1361)
Vua nhà Minh sai sứ hiếu thông (1359)
Rồi Trần Hữu Lượng xin quân (1360)
Mà vua thì vẫn bình chân như thường
 
Vua ra lệnh thân vương, công chúa (1362)
Dâng các trò tạp hí để xem
Trò nào hay quá thì đem
Dạy cho cung nữ lập riêng một đoàn
 
Tổ truyện tuồng là Ly uyên Cát (1362)
Người lập ra gánh hát đầu tiên
Diễn trò cho mọi người xem
Có đào, có kép áo xiêm đủ điều
 
Áo quần thêu, đánh đàn thổi sáo
Phấn son tô, đội mão mang râu
Truyện xưa, tích cũ muôn màu
Tuồng Tây Vương Mẫu diễn lâu chẳng nhàm
 
Vua say mê, mãi ham tuồng cổ
Việc triều đình bỏ cả cho quan
Gọi người giàu có trong làng (1362)
vào cung đánh bạc, nhàn quan một lần
 
Lấy đất gần bên bờ Tô Lịch (1362)
Sai tư nô lên vĩa trồng hành
Trồng rau, trồng tỏi, trồng chanh
Lại làm thêm quạt vào thành bán chơi
 
Để có người vào nơi quán các
Thi học trò đối trát vài câu
Hỏi sang văn nghệ, cô đầu(1363)
Gọi người uống rượu bày trò mua vui
 
Lại đào hồ khai ngòi dẫn nước(1363)
Xếp đá thành một cõi núi non
Thông, tre, cỏ lá, hoa thơm
Chim muông cá cảnh một hòn giả sơn
 
Sống buông thả ngày càng sa đọa
Đêm rong chơi có bữa quên về(1364)
Rượu đào chạm cốc tới khuya
Say mất ấn kiếm chỉ vì tắm sông
 
Trần Dụ Tông chơi bời trác táng
Chơi tới cùng vong mạng chẳng hay
Chơi mà đất lở trời say
Lại truyền ngôi đế vào tay người ngoài
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học