Chúng ta đã bàn qua về giới, định và tuệ như một nguyên tắc phổ quát được áp dụng cho mọi phương thức tu tập trong Phật giáo, không phân biệt tông phái. Bởi cho dù hành giả có tu tập theo bất kỳ tông phái nào, cũng không thể đi ngược lại hay bỏ qua các yếu tố căn bản này. Hơn thế nữa, đây là những yếu tố xuyên suốt, hiện diện từ buổi đầu học Phật cho đến khi thành tựu viên mãn mọi pháp môn, với các tầng bậc, mức độ khác nhau mà thôi.
Tuy nhiên, ngoài việc nắm hiểu được nguyên tắc phổ quát đó để có thể chắc chắn không lầm đường lạc lối trong sự tu tập, chúng ta còn cần phải hiểu thêm một cách khái quát về các tiến trình từ cạn đến sâu, từ thấp đến cao của con đường tu tập, để không cảm thấy nản lòng khi chưa đạt được tiến bộ, và cũng không quá tự mãn khi chưa thực sự tiến xa. Như người xưa thường nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Người tu tập nếu không tự biết được về năng lực hoặc những thành tựu thực tế của chính mình, ắt sẽ dẫn đến những hành xử không thích hợp, hoặc là quá tự ti mặc cảm dẫn đến chán nản, hoặc quá phóng đại những gì đã đạt được dẫn đến tự cao tự đại. Những khuynh hướng như thế đều là sự chướng ngại cho con đường tu tập.
Một cách khái quát nhất, con đường tu tập của chúng ta thường phải trải qua những giai đoạn chính như sau đây.
Giai đoạn trước nhất là giai đoạn bước đầu tiếp cận với Phật pháp, phát khởi niềm tin. Đây là giai đoạn tìm hiểu, học hỏi và củng cố niềm tin, nên trong thực tế người học Phật tuy có nhận được phần nào lợi ích cũng không phải là lớn lắm. Thậm chí đối với một số người thì giai đoạn “học việc” này dường như có rất ít tiến triển trong sự chuyển hóa đời sống. Người học Phật trong giai đoạn này thường tìm hiểu lời Phật dạy qua lời giảng của các bậc thầy, hoặc tự mình đọc kinh, niệm Phật, ăn chay, đi chùa, sám hối... cũng như thực hiện nhiều nghi thức kính lễ khác bằng vào niềm tin vừa phát khởi của mình.
Do những hiểu biết về Phật pháp còn chưa sâu sắc, thói quen cũ còn nặng nề, nên phần lớn Phật tử trong giai đoạn này thường tu tập không thường xuyên mà phụ thuộc vào những giai kỳ nhất định. Chẳng hạn, có người bắt đầu tập thói quen đến chùa vào các ngày rằm, mồng một; có người ăn chay kỳ khoảng 4 hoặc 6, cho đến 10 ngày mỗi tháng; một số người khác có thể tham gia các khóa tu Bát quan trai giới mỗi tháng một, hai lần. Thường là trong hạn kỳ tu tập đó thì người Phật tử cố gắng để kiểm soát tự thân, kiềm chế các thói xấu, buông bỏ bớt những triền phược trong cuộc sống v.v... nhưng họ lại ít khi thực hành được gì nhiều trong những ngày còn lại. Chẳng hạn, có người vào ngày ăn chay hoặc đi chùa thì nỗ lực để cư xử ôn hòa hơn, nhẫn nhục nhiều hơn trước những va chạm với người khác v.v... nhưng khi qua ngày hôm đó rồi thì lại “chứng nào tật nấy”, không thấy chuyển biến gì nhiều. Ngay cả những hiểu biết về Phật pháp như Bát chánh đạo, Tứ diệu đế... thì người Phật tử trong giai đoạn này cũng chỉ tiếp cận như một thứ lý thuyết giáo khoa, ít khi có được những cảm nhận hoặc ứng dụng thực sự trong đời sống.
Mặc dù theo những mô tả như trên thì sự lợi ích của việc tu tập chưa được nhiều, nhưng thật ra đây lại chính là giai đoạn “ươm mầm” cực kỳ quan trọng. Vì thế, nếu người tu tập hiểu được như vậy thì cho dù tự nhận biết những tiến triển chậm chạp của mình cũng sẽ không nản chí, mà trái lại càng phải nỗ lực tu tỉnh nhiều hơn. Mặc dù có không ít người thường dựa vào sự tiến triển chậm chạp của người Phật tử trong giai đoạn này để kích bác, chê bai, chẳng hạn như họ có thể công khai chế giễu những người đi chùa hoặc ăn chay, niệm Phật nhưng chưa bỏ được tánh khí nóng nảy, tham lam hoặc lười nhác... Những sự kích bác, chê bai như thế là hoàn toàn không hợp lý và không nên để tâm nhiều làm chướng ngại con đường tu tập.
Chúng tôi thường so sánh giai đoạn này với giai đoạn còn đi học của một học sinh. Chẳng hạn, học sinh được dạy những công thức toán học, và sau đó được yêu cầu giải những đề toán được cho sẵn trong sách giáo khoa. Hầu hết những nỗ lực trong giai đoạn này không mang lại lợi ích thiết thực nào ngoài việc đào luyện tri thức cho chính học sinh ấy. Tuy nhiên, đây lại chính là nền tảng căn bản để ngày sau ta mới có được những kỹ sư, kiến trúc sư, khoa học gia... thực sự đóng góp cho đời. Cũng vậy, người học Phật trong giai đoạn đầu tuy chưa thể ngay lập tức chuyển hóa chính mình hoặc mang đến lợi lạc cho người khác, nhưng thực tế là họ đang chuẩn bị cho mình những vốn liếng cần thiết cho những đóng góp, chuyển biến lớn lao sau này. Việc tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, sám hối... của người Phật tử trong giai đoạn này dưới mắt nhìn của người khác thì có vẻ như chẳng mang lại được lợi ích thiết thực nào, nhưng trong thực tế lại âm thầm nuôi dưỡng những hạt giống từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục... trong tâm thức, làm nền tảng cho mọi bước tiến về sau.
Nói một cách ngắn gọn, trong giai đoạn này thì môi trường tu tập và đời sống thực tiễn vẫn có vẻ như là hai cảnh giới hoàn toàn cách biệt. Người tu tập bước vào mỗi cảnh giới và hành xử theo thói quen từ nhiều đời của mình, cố gắng cho phù hợp với môi trường chung quanh mà chưa có được nhiều sự tự chủ.
Giai đoạn tiếp theo được xác định khi người tu tập bắt đầu có được sự ứng dụng thực tế những điều học được từ Phật pháp vào đời sống của chính mình. Ranh giới giữa đời và đạo được thu hẹp dần, vì người tu tập ý thức được rằng việc tu tập không thể chỉ giới hạn trong khuôn viên ngôi chùa mình đến hoặc chỉ ngắn ngủi trong một ngày ăn chay. Thông qua việc ứng dụng những hiểu biết về Phật pháp của mình vào cuộc sống, người tu tập bắt đầu chuyển hóa dần được những thói quen xấu, giảm nhẹ dần những trói buộc, khổ đau cho chính mình.
Trong giai đoạn này, nhờ có sự ứng dụng thực tế, người Phật tử ngày càng hiểu sâu sắc hơn những lời Phật dạy và cũng đồng thời có được khả năng tự điều chỉnh những nhận thức sai lệch của mình qua những hiểu biết có được từ thực tiễn. Đây chính là giai đoạn mà người tu tập cảm nhận được ngày càng nhiều hơn những lợi lạc từ Phật pháp, giúp thay đổi nhận thức tự thân cũng như cách suy nghĩ, hành xử trong cuộc sống. Mặc dù vậy, sự cọ xát thực tế giữa những lời dạy trong Kinh điển với đời sống muôn mặt cũng làm nảy sinh nhiều xung đột, rất khó khăn để có thể nhận hiểu một cách đúng đắn những lời Phật dạy và áp dụng trong muôn vàn những hoàn cảnh khác nhau. Người tu tập thường phải đứng trước những tình huống lựa chọn không dễ dàng, thậm chí đôi lúc có thể nản lòng vì không vượt qua được. Lấy một ví dụ đơn giản nhất như về giáo lý nhân quả, sự vận hành phức tạp và đa dạng của nhân quả trong đời sống thường làm cho người học Phật vấp phải nhiều khó khăn trong việc nhận hiểu đúng, bởi có nhiều lúc những gì họ thấy được dường như mâu thuẫn, đi ngược lại với nhân quả. Phải giải thích thế nào khi có những kẻ xấu ác luôn sống nhởn nhơ sung túc cho đến cuối đời, lại có không ít người hiền lương, tử tế lại liên tục gặp hết tai họa này đến tai họa khác, thậm chí có thể chết trong nghèo khó hoặc tủi nhục? Nếu chưa có được những cảm nhận thực sự từ nhân quả mà chỉ dựa vào những nguyên lý theo kiểu như toán học, người tu tập sẽ có lắm lúc không tránh khỏi rơi vào hoang mang, ngờ vực.
Hoặc lấy một ví dụ khác cũng có thể đã từng xảy ra với không ít người. Khi một con rắn bò vào nhà (nhất là những Phật tử ở vùng quê), cách hành xử thông thường là người ta sẽ tìm mọi cách để đánh chết ngay. Thế nhưng đối với người học Phật thì vừa là phạm giới sát, lại vừa là đi ngược với khuynh hướng từ bi, bình đẳng với chúng sinh. Và thế là mâu thuẫn nảy sinh, và có lắm khi người Phật tử cố gắng làm đúng lời dạy của Phật bằng cách xua đuổi rắn ra khỏi nhà, thì trong tâm lại dấy lên sự bất an vì lo lắng nó có thể quay vào một lúc nào đó để làm hại con cái hay những người thân của mình trong nhà...
Những xung đột, dằn vặt giữa đúng và sai, nên hay không nên, giữa đời và đạo... dường như chính là những thử thách khó vượt qua nhất của người tu tập. Giá như chỉ phải nghĩ đến lời Phật dạy vào những lúc ngồi tụng kinh niệm Phật trong chùa, và quên sạch đi vào những lúc sống lăn lộn giữa cuộc đời, thì có lẽ những xung đột như thế sẽ không xảy ra. Nhưng nếu tu tập Phật pháp theo cách đó thì sẽ chẳng mang lại được lợi ích gì cho bản thân và người khác cả.
Tuy vậy, một thực tế mà người tu tập cần biết để không nản lòng thối chí, đó là những thử thách dằn vặt như trên sẽ giúp người tu tập ngày càng trở nên sáng suốt hơn, hiểu biết về đạo Phật thực sự sâu sắc hơn. Và những hiểu biết đó mới là sự nhận thức đúng đắn, xác thật trong đời sống, chứ không chỉ là những lý thuyết đơn thuần như khi vừa tiếp cận qua lời kinh, tiếng kệ.
Phần lớn trong chúng ta sẽ dừng lại tu tập trong giai đoạn thứ hai này một thời gian rất lâu, và nếu có đủ sự nỗ lực cũng như những nhân duyên cần thiết như sự chỉ dạy của các bậc thầy, sự dẫn dắt của các bậc thiện hữu tri thức... thì một lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra được rằng mình đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn thứ ba.
Giai đoạn thứ ba này được mô tả một cách ngắn gọn và khái quát qua câu: “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp.” Bởi đó là lúc người tu tập dần dần nhận ra được rằng: Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Phật pháp không chỉ nằm yên trong những trang kinh, trong những buổi giảng pháp hay những thời pháp đàm cùng thiện hữu tri thức. Phật pháp được biểu hiện bàng bạc và rộng khắp ở mọi nơi, trong cả những thuận duyên cũng như nghịch duyên từ cuộc sống. Đối với người tu tập vào lúc này, mỗi một điều quan sát được từ đời sống, mỗi một bất ổn nảy sinh, hoặc mỗi một sự kiện, biến cố xảy đến cho mình... đều trở thành những bài học Phật pháp, đều bộc lộ rõ tinh thần, ý nghĩa những lời dạy của đức Phật trong Kinh điển. Chẳng hạn, khi một người thân qua đời mà chúng ta tận mắt chứng kiến rồi tham dự tang lễ, đó sẽ là một bài học lớn về tính chất vô thường luôn rình rập trong cuộc sống. Không một trang sách, một bài giảng nào có thể nói lên được nhiều và rõ ràng về lý vô thường bằng một sự kiện như thế. Và trong thực tế, khi đã có được một nhận thức đầy đủ như trong giai đoạn này, thì ngay cả những mẩu chuyện vụn vặt hằng ngày có khi cũng trở thành những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa đạo vị.
Chúng ta sẽ không đề cập nhiều đến giai đoạn tiếp theo, bởi đối với hầu hết chúng ta thì đó còn là mục tiêu hướng đến hơn là một nỗ lực thực hành trong hiện tại. Đó chính là khi người tu tập có thể vận dụng sự tu tập của mình để chuyển hóa môi trường sống chung quanh, “biến nhân gian thành Tịnh độ”, như kệ ngôn số 98 trong kinh Pháp cú dạy rằng:
Làng mạc hay rừng núi,
Thung lũng hay đồi cao,
La Hán trú chỗ nào,
Đất ấy thật khả ái.
Qua cách nói ẩn dụ này, chúng ta cần hiểu rằng hết thảy mọi môi trường sống khác nhau, dù thuận hay nghịch, dù tốt hay xấu đối với những kẻ phàm phu như chúng ta, thì đối với vị chứng đạo trong giai đoạn này đều có thể biến nơi đó thành một môi trường sống an lành, hạnh phúc đối với họ.
Khái quát về bốn giai đoạn tu tập như trên cũng chỉ là một nỗ lực nhằm vạch ra những nét cơ bản nhất, giúp người mới tu tập dễ dàng xác định rõ được con đường đang đi và sẽ đi của mình để vững vàng thêm ý chí mà thôi. Tất nhiên, trong thực tế thì cảm nhận hay nhận thức của mỗi người có thể sẽ có nhiều khác biệt chi ly hơn nữa, và việc mô tả cho đầy đủ chắc chắn sẽ là điều không thể được. Tuy nhiên, với sự nhận hiểu căn bản và khái quát về tiến trình tu tập như thế, chúng ta sẽ có thể có được một nhận thức đúng đắn, thích hợp hơn về con đường tu tập của chính bản thân mình, cũng như qua đó xác định được mình thực sự đang ở vào giai đoạn nào để có thể có những nỗ lực thích hợp trong sự tu tập.
Mong sao những chia sẻ trên đây sẽ mang lại được ít nhiều lợi lạc cho mọi người.