Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lá thư hằng tuần năm 2017 »» Lá thư hằng tuần năm 2017 »»
Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ về điều tâm niệm cuối cùng trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指). Trong nguyên bản Hán văn chép rằng: Bị ức bất cầu thân minh (被抑不求申明), và sau đó có phần giải thích: Tồn nhân ngã tất oán hận tư sinh (存人我必怨恨滋生。) Lại giải thích thêm rằng: Thụ ức năng nhẫn, nhẫn ức vi khiêm, ức hà thương ngã. (受抑能忍。忍抑為謙。抑何 傷 我。) Hòa thượng Thích Trí Quang đã dịch điều tâm niệm này sang tiếng Việt là: “Oan ức không cần biện bạch, vì làm như vậy là hèn nhát mà oán thù càng tăng thêm.”
Dịch nghĩa như thế thật dễ hiểu, nhưng có phần thoát xa ý nghĩa của nguyên ngữ, và do đó cũng không thực sự là những gì bản văn muốn nói. Chúng ta sẽ thử phân tích ý nghĩa nguyên tác để có một cái nhìn rõ nét hơn, từ đó có thể hiểu và thực hành điều tâm niệm này theo sát với ý nghĩa của nguyên tác hơn.
Trước hết, hai chữ “bị ức” (被抑) chỉ tình trạng bị đè nén, áp chế, tất nhiên là từ người khác. Đúng là “ức” thường đi đôi với “oan” trong “oan ức” (冤抑) với ý nghĩa bị áp chế, đè nén vì một lý do sai lệch, vô lý, không do lỗi của mình, thường do sự hiểu lầm, hiểu sai của người khác. Tuy nhiên, ý nghĩa này không tự có trong chữ “ức”. Việc hiểu “ức” thành “oan ức” có thể do hai chữ “thân minh” (申明) đi theo sau nó như sẽ đề cập dưới đây.
Chữ “thân” (申) ở đây có nghĩa là bày tỏ, nói ra điều gì. Vì thế, “thân minh” (申明) có nghĩa là bày tỏ, nói ra điều gì cho rõ ràng, minh bạch, để mọi người đều hiểu rõ. Có lẽ vì ý nghĩa phân trần, bày tỏ này mà Hòa thượng Trí Quang cho rằng chữ “ức” trước đó hàm nghĩa “oan ức”. Tuy nhiên, người bị áp chế, đè nén vì bất kỳ lý do gì khi xét thấy không hợp lý cũng đều có khuynh hướng muốn phân trần, giải bày cùng người khác, không nhất thiết đó phải là một sự oan ức, hàm nghĩa bị hiểu lầm. Do đó, xét kỹ thì chữ “oan ức” đã giới hạn ý nghĩa của chữ “ức” trở nên hạn hẹp hơn, vì oan ức chỉ là một phần trong rất nhiều phạm vi áp chế, đè nén khác mà một người có thể phải gánh chịu.
Lại xét tiếp đến hai chữ “bất cầu” (不求) thì ý nghĩa của chúng là “không mong cầu, không mong muốn” chứ không phải là “không cần”. Khi chúng ta không mong cầu một điều gì, không có nghĩa là ta không cần đến điều đó. Trên tinh thần tu học, quý vị có thể hướng đến một đời sống tri túc, đơn giản không mong cầu tiền bạc của cải, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là quý vị có thể sống mà không cần đến tiền bạc. Đó là hai chuyện khác nhhau.
Trong thực tế, nếu chúng ta bị áp chế, đè nén bởi một người hay một thế lực nào đó, thì việc sử dụng các giải pháp ôn hòa như giải thích, biện minh là cần thiết nếu có thể giúp xóa bỏ đi tình trạng này. Tuy nhiên, ta vẫn có thể làm điều đó mà không khởi tâm mong cầu, không có sự thúc bách nhất thiết phải đạt được kết quả. Và đó mới chính là ý nghĩa của lời khuyên trong điều tâm niệm này.
Lấy ví dụ, khi quý vị làm việc trong một bộ phận mà người đứng đầu có định kiến sai lầm, nhận thức không đúng về quý vị, do đó mà ông ta đã cố ý chèn ép, gây bất lợi rất nhiều cho công việc của quý vị. Trong trường hợp đó, nếu có thể trực tiếp trao đổi, giải thích để xóa tan đi những hiểu lầm về nhau, tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn, chắc chắn sẽ là điều ai cũng mong muốn. Như vậy, ta không thể nói là “không cần biện bạch”, vì thật ra điều đó là rất cần.
Nhưng phải biện bạch, phân trần, giải thích như thế nào, đó mới là vấn đề. Theo lời khuyên của điều tâm niệm này, sự biện bạch, giải thích ở đây nên được phát khởi trên tinh thần vô cầu, không mong cầu. Chỉ có như vậy, bản thân ta mới tránh được những định kiến ngược lại đối với người đang áp chế, chèn ép ta.
Lý do mà bản văn đưa ra để giải thích cho lời khuyên này là: Tồn nhân ngã tất oán hận tư sinh (存人我必怨恨滋生。) Có nghĩa là: “Còn phân biệt giữa người khác và ta thì tất yếu phải tăng thêm oán hận.” Và đây mới là nguyên nhân chính yếu của vấn đề. Chính sự phân biệt “người khác” và “cái ta” là nguyên nhân dẫn đến mọi tư tưởng, lời nói cũng như việc làm mang tính vị kỷ, vun vén cho bản thân mình. Và vì thế, cũng chính sự phân biệt “nhân ngã” này là nguyên nhân dẫn đến sự oán hận người khác khi họ không chăm lo đúng mức cho “cái tôi” của mình, lại cũng là nguyên nhân khiến ta sẵn sàng gây tổn hại cho người khác, tạo ra những mối oán hận của người khác đối với mình.
Người Phật tử học lý “vô ngã” từ lời Phật dạy thì khi cố gắng làm tất cả các việc thiện, không thể làm với động lực mang lại danh lợi cho chính mình. Cũng từ việc học hiểu lý “vô ngã”, chúng ta phải nhận biết rằng không hề có một “cái ta” thực sự đáng để ta phải dành hết mọi sự quan tâm, thậm chí sẵn sàng đạp lên những tổn hại của người khác để bảo vệ cho nó. “Cái ta” mà ta đang vun vén, yêu quý đó, cũng chỉ là một thực thể giả hợp từ nhân duyên mà thôi.
Cho nên, khi một người tu tập chưa hàng phục được bản ngã, chưa dứt trừ được tập khí phân biệt “nhân ngã” dẫn đến sự đối xử phân biệt giữa ta và người khác, thì sự tăng thêm những mối oán hận trong đời cũng là điều tất nhiên, nhất là khi có sự va chạm, mâu thuẫn giữa “ta” và “người khác”.
Bởi vậy, lời khuyên ở đây là nếu muốn giải quyết triệt để tận gốc của vấn đề, ta phải hiểu ra được nguyên nhân của nó chính là từ chỗ “tồn nhân ngã”, nghĩa là việc duy trì và nuôi dưỡng một quan niệm sai lầm phân biệt giữa “ta” và “người khác”.
Khi ta đã dẹp bỏ được chấp ngã, có thể khởi tâm bình đẳng trong sự ứng xử với người khác, thì dù có bị người khác áp chế cũng không sinh tâm oán hận, mà có thể khách quan xem xét vấn đề để tìm ra giải pháp thích hợp. Chính vì vậy mà dù có bị chèn ép, áp chế, cũng không mong cầu sự biện bạch, giải thích, có thể tùy duyên ứng xử với người, không khởi tâm oán hận, ghét bỏ. Đây cũng chính là ý nghĩa “không hận diệt hận thù” như trong kinh Pháp cú đã dạy.
Thử hình dung khi có sự áp chế, chèn ép mà ta khởi tâm mong cầu biện bạch, giải thích, thì một khi giải pháp ấy không đạt được kết quả gì, chẳng phải là ta sẽ sinh tâm oán hận hoặc bực dọc, phiền não nhiều hơn hay sao? Nếu ngay từ đầu đã không khởi tâm mong cầu, thì sự việc có thể tùy duyên ứng xử, cho dù có kết quả tốt đẹp hóa giải được mọi việc cũng tốt, mà không đạt kết quả như ý ta vẫn có thể giữ được tâm an ổn.
Cho nên, để hiểu sát với nguyên văn, điều tâm niệm này cần được dịch là: “Bị áp chế không mong cầu biện giải, vì chưa dứt trừ nhân ngã chỉ làm cho oán hận tăng thêm.”
Phần giải thích sâu hơn cho biết: Thụ ức năng nhẫn, nhẫn ức vi khiêm, ức hà thương ngã. (受抑能忍。忍抑為謙。抑何 傷 我。) Tạm dịch: “Bị áp chế mà có thể nhẫn chịu, sự nhẫn chịu đó giúp ta [có đức] khiêm hạ, vậy nên áp chế cũng không thể làm ta tổn hại gì.”
Chữ “khiêm” (謙) trong “nhẫn ức vi khiêm” chỉ sự khiêm hạ, nhún nhường, tự nhận phần kém cỏi về mình và khởi tâm kính trọng người khác. Đây là đức tính căn bản để dẹp bỏ sự kiêu ngạo, ngã mạn, và là đức tính chỉ có thể đạt được khi ta học hiểu được lý “vô ngã”, không còn quá cố chấp và xem trọng “bản ngã” của riêng mình. Xét như vậy thì ý nghĩa này rất khác biệt và không liên quan gì đến sự “hèn nhát”.
Phần giải thích này chính là nêu rõ hơn ý nghĩa “tu trong nghịch cảnh”, lấy sự nhẫn nhục, chịu đựng những áp chế của người khác để rèn luyện đức khiêm hạ, bẻ dẹp lòng kiêu mạn. Người tu tập nếu có thể xem sự áp chế, bức bách của người khác đối với mình chỉ như phương tiện giúp mình rèn luyện thêm đức nhẫn nhục và khiêm hạ, thì sự áp chế, bức bách ấy làm sao có thể gây tổn hại đến mình?
Tất nhiên, cần phải hiểu ý nghĩa tổn hại ở đây được xét về mặt tinh thần là chính chứ không phải những tổn hại về thể chất. Nếu xét về sự tổn hại tinh thần, thì một khi bị người khác áp chế, tâm lý tự nhiên là sẽ sinh tâm oán hận, bực tức. Khi sự áp chế tiếp tục kéo dài, nhiều tâm trạng phiền não cũng sẽ dần dần sinh khởi, kể cả những ý niệm xấu ác nhằm phản kháng lại sự áp chế. Trong thực tế, chính những tâm hành phiền não như thế mới là tổn hại lớn lao mà sự áp chế có thể gây ra cho chúng ta. Tuy nhiên, với một tâm thế nhẫn nhục và xem thường mọi sự áp chế, có thể sẵn lòng nhận chịu và xem đó như bài học rèn luyện tính khiêm hạ cho mình, thì rõ ràng những tâm hành phiền não sẽ không thể dựa vào đâu để sinh khởi được.
Đến đây cần nhấn mạnh lại sự khác biệt giữa “không cần biện bạch” với “không mong cầu biện bạch”. Một đàng là không quá xem trọng, một đàng là bất cần. Ý nghĩa “bất cần” thật ra là không thực tiễn và cũng không hợp lý, nhưng ý nghĩa “không mong cầu” chính là một sự thể hiện của nguyên tắc “tùy duyên”. Khi sự áp chế đến với chúng ta mà có thể tùy duyên nhẫn chịu, thì cho dù có thể hóa giải được hay không ta cũng đều có thể đủ sức để tiếp tục sẵn sàng chịu đựng mà không bị thương tổn về mặt tinh thần. Và đây mới là ý nghĩa thực sự trong lời khuyên được rút ra từ điều tâm niệm thứ mười: “Bị áp chế không mong cầu biện giải, vì chưa dứt trừ nhân ngã chỉ làm cho oán hận tăng thêm.”
Mong sao những chia sẻ trên đây có thể mang lại được ít nhiều lợi lạc cho người đọc.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.105.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập