Tiến trình tu tập thực sự chính là việc sửa chữa những sai lầm (tu) và rèn luyện, phát triển những công hạnh tốt (tập). Và trên tiến trình tu tập đó, một trong những thử thách chúng ta thường xuyên đối mặt và vượt qua chính là sự buông xả. Từ một góc độ nào đó, cũng có thể nói sự buông xả là một khía cạnh rất quan trọng trên con đường tu tập. Nếu quý vị tự thấy mình đã trải qua nhiều năm tu tập nhưng khi xét đến những gì đã buông xả được lại chẳng có gì đáng nói, thì có thể là quý vị đã tu tập hoàn toàn chệch hướng, hoặc là sự tu tập của quý vị trong thực tế đã chẳng có tiến triển gì cả.
Những gì cần buông xả? Tất nhiên, trước hết là những thói hư tật xấu làm hại đến bản thân mình và người khác. Lấy ví dụ, nếu quý vị nghiện thuốc lá, điều đó không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính bản thân mình, mà đồng thời cũng gây hại cho những người chung quanh khi hít phải khói thuốc lá một cách thụ động, không mong muốn. Sự độc hại của thuốc lá đã được chứng minh quá rõ ràng qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học nên không cần phải bàn cãi thêm. Vì thế, nếu chúng ta đang mắc phải thói quen xấu này thì thách thức đầu tiên trên đường tu tập hẳn là phải buông bỏ nó. Nếu quý vị viện dẫn bất kỳ lý do nào để biện minh cho sự bám chấp vào thói quen xấu này mà không nỗ lực buông bỏ, thì điều đó cho thấy quý vị đã không hề xác định được đường hướng tu tập, hoặc là sự tu tập của quý vị chưa có được chút nội lực tích cực nào đủ để vượt qua thử thách này.
Tương tự, rượu bia và các chất gây nghiện khác cũng là đối tượng cần buông bỏ.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên tế nhị và ranh giới phân biệt cũng khó khăn hơn khi xét đến những thói quen tưởng như vô hại. Ví dụ như thói quen uống một ly cà phê hoặc tách trà vào buổi sáng có thể được xem là hết sức bình thường và chẳng gây hại gì cả. Vậy chúng ta có cần buông bỏ không? Câu trả lời là có. Một khi đã trở thành thói quen “không thể bỏ”, thì bất kỳ thói quen nào cũng sẽ trở thành một sợi dây trói buộc và sai xử chúng ta. Khi rơi vào những hoàn cảnh không thể đáp ứng được thói quen của mình, quý vị sẽ dễ dàng trở nên khó chịu, bực dọc hoặc cau có với người khác. Đó chính là vì ta đang bị thói quen của mình sai xử, thôi thúc. Trong trường hợp này, đối với một người không biết tu tập có thể không thấy là tai hại, nhưng với sự quán chiếu của người tu tập tỉnh giác thì những thói quen vô hại này lại cũng chính là nguyên nhân gây phiền não trong nhiều trường hợp.
Vì thế, đối với những thói quen loại này, chúng ta cần phải luôn luôn tỉnh giác để kiểm soát được chúng. Quý vị có thể uống một tách trà mỗi sáng nhưng đừng bao giờ để cho thói quen ấy trở thành nguyên nhân khiến quý vị cảm thấy khó chịu hay thôi thúc đòi hỏi lúc thiếu vắng. Đó chính là cách để buông bỏ và kiểm soát những thói quen loại này.
Việc buông bỏ các thói quen xấu vốn không dễ dàng, vì đó là ta đang chiến đấu chống lại những khuynh hướng tiêu cực trong chính bản thân ta. Tuy nhiên, việc tự mình nhận biết được những thói quen xấu dường như còn khó khăn hơn nữa. Một người có thói quen nói xấu người vắng mặt mỗi khi vui chuyện thường hiếm khi tự mình nhận biết được thói xấu này. Thậm chí, nếu có ai đó thật lòng chỉ ra cho họ cũng chưa hẳn họ đã chấp nhận mình có thói xấu ấy. Vì thế, trong sự tu tập buông xả thì việc thường xuyên tự quán chiếu bản thân để nhận biết những khiếm khuyết của mình cũng là một công việc hết sức quan trọng.
Trong cuộc sống thường ngày, nếu có nỗ lực quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy ra được rất nhiều điều cần buông xả. Sử dụng chính những thành tựu trong tiến trình buông xả dần những thói quen của mình làm thước đo kết quả tu tập là một phương thức vô cùng hiệu quả và chính xác. Bởi một người tu tập dù tinh tấn lâu năm nhưng khi đối diện với những điều cần buông xả lại không thể vượt qua thì chắc chắn không thể nói rằng sự tu tập của người ấy có kết quả.
Đức Phật đã thị hiện sự buông xả vĩ đại nhất trên con đường tìm đạo khi từ bỏ cả gia đình, vương vị, vợ đẹp, con thơ... Và chính nhờ có sự buông xả đó mà hôm nay ta mới có được những hướng dẫn sáng suốt trên đường tu tập.
Đức vua Phật tử Trần Nhân Tông cũng là một tấm gương buông xả khi từ bỏ ngôi vua để đi theo con đường tu tập, trở thành vị khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Các vị xuất gia tu hành chân chánh là những tấm gương buông xả vì cuộc đời họ không bám víu vào bất kỳ điều gì cả. Nhưng nếu có những ai làm ngược lại khuynh hướng này thì đó cũng chính là thước đo để ta nhận biết về công hạnh tu tập của họ.
Người khéo buông xả là người không để mình dính mắc, bám luyến vào bất kỳ một thói quen, một sự ham thích hay thôi thúc nào. Khi sống được như thế, chúng ta dần trở nên con người tự do tự tại, có thể quyết định chọn lựa mọi hành vi ứng xử của mình hoàn toàn dựa trên trí tuệ tỉnh giác mà không bị thôi thúc bởi tham lam, sân hận hay bất kỳ thói quen xấu nào.
Khéo buông xả là điều kiện đầu tiên để hoàn thiện bản thân mình. Nếu ta luôn bám chặt vào những thói quen xấu đã mắc phải và xem đó như bản tính tự nhiên cố định của mình, thì ta sẽ không dựa vào đâu để có thể trở thành một người tốt hơn. Và cũng chính vì điều này, sự tu tập buông xả của bản thân ta luôn là tấm gương sáng, là bài học quý giá và hiệu quả cho con cháu chúng ta. Khi quý vị không thể tự mình từ bỏ những thói quen xấu như nói dối, nói lời thô ác, nặng nề, chắc chắn quý vị không thể dựa vào đâu để răn dạy con cháu mình tránh xa những thói xấu đó. Ngược lại, cho dù quý vị có thể không quan tâm, nhưng chính những hành vi và lời nói của quý vị sẽ dần dần được rập khuôn phản chiếu trong hành vi và lời nói của con cháu mình. Vì thế, sự lợi ích của tu tập không chỉ là để hoàn thiện bản thân chúng ta, mà nó luôn có hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến những người thân, con cháu quanh ta nữa.