Lá thư tuần này đặc biệt được chuẩn bị ngay trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, sau đó được viết và gửi đi tại Bắc Ninh khi chúng tôi lưu trú tại một nhà nghỉ ở đây. Căng thẳng và áp lực công việc trong suốt tuần do nhiều công việc đồng thời phải giải quyết khiến chúng tôi chợt nhớ đến nhiều giai đoạn trước đây, những lúc mà công việc quá nhiều thường khiến chúng tôi ít khi có được giấc ngủ ngon.
Nhưng thật ra những lúc ấy lại chính là lúc chúng ta cần ngủ thật say ngon để có thể hồi phục lại sức lực đã mất đi qua công việc. Điều này nghe ra thật hợp lý nhưng lại dường như rất ít người trong chúng ta làm được. Càng căng thẳng nhiều với áp lực công việc, chúng ta càng khó dỗ giấc ngủ ngon. Và để thay đổi thói quen này thật ra cũng không dễ dàng chút nào, chỉ có điều đây chắc chắn là một điều có thể làm được.
Và thật ra, cũng không chỉ vào những lúc công việc quá căng thẳng thì khuynh hướng này mới tác động đến chúng ta. Ngay trong những lúc nhịp điệu công việc hết sức bình thường, chúng ta vẫn rất thường chịu ảnh hưởng của thói quen xấu này, chỉ có điều là với mức độ nhẹ hơn nên ta ít khi lưu tâm nhận biết. Mặc dù vậy, khuynh hướng này có thể được nhận biết qua hai thói quen sau đây:
1.Tiếp tục công việc đang làm, tất nhiên là trong ý tưởng, ngay cả sau khi đã lên giường ngủ. Với những người làm công việc trí não thì khuynh hướng này càng rõ rệt hơn, nhưng những loại hình công việc khác vẫn có thể được ta tiếp nối qua sự hình dung, tưởng tượng.
2. Hướng tâm về giai đoạn tiếp theo của công việc, nhưng phần lớn là bằng những phóng tưởng theo suy nghĩ của mình, và những phóng tưởng này thường tiếp nối tương tục nhau cho đến khi ta đi vào giấc ngủ một cách mệt mỏi thay vì là an tĩnh, thoải mái.
Ở mức độ thông thường, với mức độ làm việc không quá căng thẳng, hai thói quen nói trên được ta âm thầm nuôi dưỡng mà không hay biết, nhưng trong thực tế chúng làm cho ta ít khi có được những giấc ngủ say ngon, bởi đầu óc ta không thực sự được nghỉ ngơi, buông thư trong giấc ngủ.
Và chính sự nuôi dưỡng những thói quen trên qua thời gian đã làm cho ta ngày càng trở nên quen thuộc hơn với chúng, đến mức chỉ thấy như đó là một điều hết sức bình thường mà không bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi.
Từ sự tập nhiễm hai thói quen trên, nên mỗi khi áp lực công việc tăng cao vượt mức bình thường thì chúng ta cũng đồng thời phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ chúng. Và kết quả sẽ là những giấc ngủ chập chờn hiếm hoi, cho đến nghiêm trọng hơn là những đêm thức trắng, trong khi trong thực tế thì ta đang rất cần phải ngủ ngon để hôm sau có thể tiếp tục làm tốt những công việc đang thời điểm rất cần giải quyết.
Vì thế, việc đối phó với những đêm mất ngủ như thế không phải là việc có thể tức thời giải quyết khi ta đã thực sự đối mặt, bởi đó là kết quả của sự lệch hướng trong một thời gian kéo dài. Cách đối phó hợp lý và hiệu quả là phải ngăn chặn chúng ngay trong những lúc bình thường, không có áp lực công việc, hay nói khác hơn là ta cần nhận biết những thói quen xấu như trên và dần dần từ bỏ, thay đổi khác đi bằng chính nếp sống thường nhật của mình.
Thói quen thứ nhất, tiếp tục công việc khi đi ngủ, là một quán tính thông thường theo kiểu quả bóng đang lăn không thể dừng ngay lại. Vì thế, để thay đổi thói quen này, trước hết ta cần nhận biết được nó. Chỉ cần có sự chú tâm tỉnh thức, ngay khi những ý tưởng liên quan đến công việc đang làm khởi lên vào lúc đã nghỉ ngơi, ta sẽ nhận biết ngay. Tiếp đến, ta cần một thói quen hợp lý để đối trị, bằng cách tạo điều kiện cho dòng tư tưởng hướng về công việc có thể dừng hẳn lại, hay nói khác đi là làm cho quả bóng phải từ từ dừng hẳn lại. Ngồi yên trong tư thế thoải mái và theo dõi hơi thở chừng 5 phút có thể là một cách trị liệu tốt, vì nó tạo một khoảng ngắt trong dòng tư tưởng đang liên tục sinh khởi của chúng ta. Quý vị cũng có thể kết hợp hành trì bất kỳ pháp môn nào mình đang tu tập vào thời điểm này để đạt kết quả tương tự. Niệm Phật, trì chú hoặc thậm chí lễ bái trước bàn thờ Tam bảo trước khi đi ngủ đều có thể tạo ra kết quả làm dừng lắng dòng tư tưởng của ta sau một ngày làm việc.
Về thói quen thứ hai, hướng tâm về tương lai để “nhìn trước” những việc sẽ làm lại là một biểu hiện của lòng tham. Chúng ta không hài lòng, không chấp nhận với những gì mình đạt được sau khi đã nỗ lực trước đó, và vì thế ta luôn mong muốn làm được nhiều hơn, đạt được nhiều hơn vào ngày mai, bằng cách này hoặc cách nọ... Và như thế, hoàn toàn không cố ý nhưng chúng ta đang bắt đầu thử qua hết cách này đến cách khác trong ý tưởng của mình, trong khi thực tế đôi khi chẳng có suy tưởng nào trong lúc ấy có thể thực sự mang ra áp dụng cả. Điều chắc chắn mà ta đạt được lại là một sự căng thẳng không đáng có vì trí não đã không được buông xả, nghỉ ngơi đúng lúc.
Để đối phó với thói quen này, chúng ta cần quán chiếu về tính chất vô nghĩa của mọi suy tưởng hướng đến tương lai, bởi đơn giản chỉ vì tương lai chưa hề hiện hữu và ta hoàn toàn không thể nắm bắt được. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.” Những tâm không thể nắm bắt đó lại chính là những tâm mà chúng ta luôn theo đuổi, và vì thế mà không mang lại được bất kỳ kết quả tích cực nào. Khi quán chiếu theo hướng này, những phóng tưởng hướng về tương lai của chúng ta sẽ dần dần bị ngăn chặn, không lôi cuốn được sự theo đuổi kéo dài, và vì thế chúng tất yếu cũng sẽ dần dần nguội lạnh, diệt mất đi.
Trong thực tế, cho dù có lưu tâm muốn thay đổi những thói quen trên, chúng ta cũng không dễ gì nhất thời thay đổi được ngay. Tuy nhiên, chính sự nhận biết và nỗ lực thay đổi của chúng ta là tiền đề cho những thay đổi tốt đẹp dần dần sẽ đến, và tu tập là một con đường kiên trì chỉ mang lại kết quả cuối cùng khi chúng ta quyết tâm không bỏ cuộc. Hiểu được điều này, chúng ta mới có thể dần dần hướng đến một cuộc sống tự do tự tại, không bị sự chi phối nặng nề từ ngoại cảnh. Khi ấy, ta sẽ không còn bị vắt kiệt sức lực vì những đêm mất ngủ hoàn toàn vô ích, mà thay vì vậy ta sẽ đạt được hiệu quả công việc cao nhất bằng những nỗ lực thiết thực của mình.