Trong thời gian vài ba năm trở lại đây, cơn sốt “thế giới ảo” hầu như đã lên đến đỉnh điểm khi những điều kiện hỗ trợ cho nó ngày càng trở nên dễ dàng hơn: điện thoại thông minh giá rẻ, đường truyền tốc độ cao, cước phí truy cập ngày càng thấp hơn, thậm chí rất dễ dàng để tiếp cận những điểm truy cập miễn phí... Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất phải kể đến chính là sự phát triển và hoàn thiện của mạng xã hội Facebook. Trong khi thế giới các website chỉ dành cho phần lớn người quảng bá thông tin mang tính chuyên nghiệp, còn các blog miễn phí cũng chỉ dành cho những ai có ít nhiều khả năng viết lách, thì mạng xã hội Facebook dường như lại thích hợp với tất cả mọi người. Bởi tham gia Facebook không đòi hỏi nhiều chuyên môn, hiểu biết, cũng không đòi hỏi trình độ viết lách cao, vì người tham gia chỉ cần bộc lộ “như chính mình” mà thôi. Và có lẽ đó cũng chính là điểm thu hút mạnh mẽ nhất của mạng xã hội này.
Gần đây không ít các bài viết, bài thuyết giảng được lan truyền rộng đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều về những tác hại của Facebook đối với thế hệ trẻ, thậm chí đã có người đề cập đến cả những tác hại với các vị tăng ni còn trẻ tuổi. Những điều cảnh báo này là thiết thực, và chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra những điểm tiêu cực mà Facebook đang tạo ra cho những người tham gia “thế giới ảo”.
Tuy nhiên, Facebook có thực sự “đáng ghét” và “đáng sợ” như nhiều người đã lên tiếng phê phán và cảnh báo? Câu trả lời tùy thuộc vào góc nhìn của người nhận định. Trong thực tế, Facebook chỉ là một công cụ, và việc sử dụng công cụ đó như thế nào là tùy thuộc vào người sử dụng chứ không thể đổ lỗi cho bản thân công cụ ấy.
Để đánh giá một công cụ là tốt hay xấu, chúng ta chỉ nên xét đến khả năng mà nó có thể giúp ta thực hiện công việc. Facebook là một công cụ giao tiếp xã hội, và nó đã giúp ta thực hiện rất tốt công việc này. Khi tham gia Facebook, biên giới địa lý hầu như bị xóa bỏ hoàn toàn, vì những người ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có thể tức thời giao tiếp, tức thời gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí là nhìn thấy được nhau. Như vậy, những tác hại mà Facebook mang lại như chúng ta đang nhìn thấy, sự thật chỉ là do ta đã sử dụng công cụ giao tiếp tuyệt vời này một cách sai lầm, không đúng đắn. Ngay cả công cụ giao tiếp gần gũi nhất với tất cả chúng ta là lời nói, nếu như được sử dụng một cách từ hòa nhã nhặn thì sẽ luôn mang mọi người đến gần nhau hơn, nhưng nếu sử dụng một cách thô lỗ cộc cằn thì tất nhiên là sẽ tạo ra nhiều sự thù oán, căm ghét... Chính vì vậy, trong lá thư tuần này chúng tôi sẽ không đề cập đến mặt tác hại của Facebook, vì đã có quá nhiều người nói đến, mà sẽ nêu lên một số điểm tích cực, lợi ích lớn lao mà chúng ta có thể nhận được từ Facebook. Tất nhiên, những điều này chỉ có được khi chúng ta biết sử dụng Facebook theo cách đúng đắn và thích hợp. Vì thế, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến việc sử dụng Facebook như thế nào để giảm tác hại và khai thác tối đa phần lợi ích.
Trước hết, Facebook giúp quý vị dễ dàng kết nối với các thành viên trong gia đình cũng như bè bạn ở khắp nơi trên thế giới mà vẫn bảo vệ được những thông tin riêng tư. Facebook làm được điều này bằng cách cho phép bạn phân loại bạn thân, người quen, hoặc đưa vào một danh sách phân loại cụ thể nào đó. Bằng cách này, bạn có thể chia sẻ riêng với người trong gia đình những điều mà bạn bè không thể xem được, hoặc cũng có thể chia sẻ những điều trong công việc với nhóm đồng nghiệp đã chọn lọc và không cho phép những người khác nhìn thấy. Tai họa “rò rỉ” thông tin riêng tư của hầu hết người sử dụng Facebook thường là do họ không biết hoặc không chú ý đến chức năng phân loại này.
Vì thế, trước khi đưa một thông tin lên Facebook, quý vị cần xác định rõ là mình đang muốn chia sẻ với những ai và phải chắc chắn rằng những người khác ngoài đối tượng được chia sẻ không thể nhìn thấy những thông tin này.
Lợi ích thứ hai của Facebook là cung cấp cho chúng ta một nguồn thông tin phong phú và gần như vô tận. Ngày nay, ngoài những cá nhân tham gia Facebook chỉ để giao tiếp, còn có rất nhiều nhóm, tổ chức giáo dục, hội đoàn, trường học, cơ quan truyền thông... cũng tham gia vào Facebook và lập ra các Fanpage nhằm quảng bá thông tin. Chính từ những nguồn thông tin công cộng (public) này, vốn không qua bất kỳ hệ thống kiểm duyệt nào, mà chúng ta có thể tiếp cận được thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ. Để xem được thông tin từ Fanpage của một nhóm hay tổ chức nào đó, quý vị chỉ cần truy cập vào trang đó và bấm thích trang (Like). Hơn thế nữa, thông qua tương tác bạn bè, kể cả những bạn bè của quý vị cũng có thể xem thấy những thông tin phổ biến trên trang đó. Điều này nói lên rằng, khi lập một Fanpage – thật dễ dàng vì ai cũng có thể làm được – quý vị cần lưu ý sự khác biệt là thông tin đưa lên đó sẽ mang tính công cộng, tiếp cận với nhiều người, khác với thông tin trên trang cá nhân của quý vị là có thể kiểm soát các đối tượng tiếp cận. Để phân biệt, quý vị có thể quan sát sự khác biệt ở hai trang dưới đây:
- Trang cá nhân: https://web.facebook.com/nhavannguyenminh
Khi truy cập trang này, quý vị sẽ được yêu cầu đăng nhập Facebook nếu chưa đăng nhập. Vànếu chưa có tài khoản, quý vị nên tạo ngay một tài khoản Facebook vì điều đó dễ dàng và không tốn kém gì cả, trong khi nó mang lại nhiều lợi ích chứ không chỉ toàn là tác hại như nhiều người đang lo sợ. Ngoài ra, ngay cả khi đã đăng nhập Facebook rồi thì quý vị cũng vẫn chỉ xem được những thông tin public mà thôi, còn những thông tin nào dành cho bạn bè thì quý vị lại cần phải kết bạn với chủ nhân rồi mới có thể xem được. Sự giới hạn của trang Facebook cá nhân là như thế.
- Trang Fanpage: https://web.facebook.com/rongmotamhon
Trang này hoàn toàn không có những giới hạn như trên. Chẳng hạn, quý vị không cần đăng nhập vẫn có thể xem được thông tin đăng tải trên trang. Tuy nhiên, nếu quý vị quan tâm đến trang và bấm nút Thích trang (Like page) hoặc Theo dõi (Follow) thì thông tin cập nhật trên trang ấy sẽ xuất hiện ở bảng tin mỗi lần quý vị đăng nhập Facebook, và do đó quý vị sẽ dễ dàng nhìn thấy hơn mà không phải truy cập vào trang đó.
Bài học cần rút ra từ những hiểu biết trên là quý vị cần hết sức thận trọng trong việc kết bạn với ai đó trên Facebook, vì điều đó đồng nghĩa với việc quý vị đồng ý chia sẻ những thông tin dành cho bè bạn với người đó và ngược lại bản thân quý vị cũng sẽ đồng ý tiếp cận với những thông tin do người ấy đăng tải.
Quý vị cũng cần phải thận trọng trong việc bấm nút Thích trang (Like Page) vì điều đó có nghĩa là quý vị chấp nhận tiếp cận với những thông tin mà trang đó đăng tải.
Tục ngữ có câu: “Chọn bạn mà chơi”, và điều này cũng hoàn toàn đúng trong môi trường Facebook. Nếu quý vị kết bạn không chọn lựa thì chẳng mấy chốc trang cá nhân của quý vị sẽ là nơi hội tụ của vô số những thông tin rác rưởi, độc hại hoặc chí ít cũng là vô bổ. Nếu biết chọn lọc kỹ, quý vị sẽ được tưởng thưởng bằng những giây phút bổ ích và thư giãn mỗi lần vào Facebook.
Hệ quả của bài học trên là quý vị cần biết cách sửa sai ngay khi có thể, bằng việc hủy kết bạn với bất kỳ người nào đăng tải những thông tin “rác rưởi”. Bằng cách đó, quý vị sẽ thanh lọc được những gì hiển thị nơi không gian của mình trên Facebook. Và do sự “đồng thanh tương ứng”, những bạn bè đồng cảm, cùng quan điểm sẽ dần dần tìm đến với quý vị, để cùng nhau tạo thành một sân chơi bổ ích, một trang giao tiếp lợi lạc thay vì là một cỗ máy “ngốn thời gian” vô ích.
Lợi ích thứ ba của Facebook là nó giúp quý vị chia sẻ dễ dàng những thông tin bổ ích và lợi lạc đến với nhiều người, một cách hoàn toàn miễn phí. Khi quý vị gặp được bất kỳ thông tin bổ ích nào, quý vị có thể dễ dàng chia sẻ (share) nó với tất cả những bạn bè, người quen của mình, nhằm mang lại lợi lạc lớn lao cho nhiều người. Tất nhiên, nếu sử dụng chức năng này một cách không chọn lọc và vô trách nhiệm, thì quý vị sẽ có thể trở thành người tiếp tay lan truyền những tin tức sai lệch hoặc góp phần làm nhiễm độc môi trường “thế giới ảo”. Và điều đó sẽ gây tác hại cho rất nhiều người. Vì thế, để tận dụng được lợi ích này, quý vị cần phải dành thời gian đọc và hiểu được lợi ích của một thông tin trước khi quyết định chia sẻ nó, thay vì liên tục “share” bất kỳ thông tin nào có được. Trong thực tế, một người thường chia sẻ những thông tin bổ ích sẽ mặc nhiên tạo ra được uy tín đối với những người được chia sẻ, và điều đó khuyến khích họ đọc tất cả những gì do quý vị gửi đến.
Trong thời gian khoảng một năm qua, Fanpage Rộng Mở Tâm Hồn đã chia sẻ hàng chục ngàn bài viết, sách Phật học, Kinh điển... đến với hàng ngàn độc giả khắp mọi nơi. Thông qua đó, hàng ngàn người thích trang lại tiếp tục chia sẻ các bài viết hoặc kinh sách này đến với bạn bè của họ, và nhờ đó mà sức lan tỏa của Giáo pháp càng trở nên rộng khắp hơn. Lợi ích mang lại từ những chia sẻ này là không thể phủ nhận, và nó được mang lại chỉ qua việc sử dụng Facebook một cách thích hợp, đúng đắn chứ không cần phải tốn kém chi phí, tiền bạc gì cả. Để tham gia vào công việc chia sẻ, quảng bá này, quý vị chỉ cần làm một thao tác đơn giản là bấm nút thích trang và sau đó chọn những bài viết, kinh sách có ý nghĩa lợi lạc để chia sẻ với bạn bè, người quen của mình. Rất nhiều người sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia dễ dàng của quý vị.
Ngoài ra, trong thời gian qua chúng ta cũng dễ dàng thấy được là các video thuyết giảng được phát trực tiếp trên Facebook đã mang lại lợi ích vô cùng lớn lao, vì nó giúp cho những người không có điều kiện đến tham dự trực tiếp vẫn có thể theo dõi được nội dung thuyết giảng. Hơn thế nữa, thay vì chỉ có thể nghe qua một lần, việc phát trên Facebook với chức năng lưu trữ còn cho phép chúng ta nghe lại các bài giảng thích hợp với mình nhiều lần để có thể nắm hiểu được hết ý nghĩa trong đó.
Những lợi lạc như vừa nêu trên là món quà quý giá có được từ công nghệ thông tin hiện đại và chúng ta phải biết ơn các nhà phát triển Facebook thay vì luôn phê phán, chỉ trích họ. Nhưng để có được những lợi ích như trên thì ngoài việc biết cách sử dụng thích hợp và đúng đắn, điều quan trọng không kém là quý vị cũng cần phải có sự điều độ về thời gian trong việc sử dụng Facebook. Mỗi ngày (hoặc vài ba ngày)
chỉ nên dành một khoảng thời gian thích hợp cho Facebook nhằm tiếp nhận thông tin và chia sẻ thông tin, đừng bao giờ xem đó là một nơi “trốn tránh” cuộc đời thật hay một môi trường giải trí miễn phí mà quý vị có thể tiêu tốn tất cả thời gian vào đó. Ngoài việc phải mất đi quá nhiều thời gian, việc sống trong “thế giới ảo” quá lâu thường sẽ biến quý vị thành một người “bất thường” với những thay đổi nhất định trong cuộc sống thật. Và điều nguy hiểm nhất đã được nhiều người thừa nhận là việc sử dụng Facebook với thời gian quá lâu có thể gây... nghiện. Do đó, quý vị cần phải luôn ý thức được những lợi ích của Facebook và chỉ đến với nó để khai thác những lợi ích này, nhưng đồng thời cũng phải luôn cảnh giác với những tác hại sẽ có khi sử dụng Facebook không thích hợp.
Hy vọng qua những chia sẻ trên đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn khách quan và đúng thật hơn về những gì mạng xã hội Facebook đã và đang đóng góp vào đời sống cộng đồng. Và chỉ như thế chúng ta mới có thể tận dụng được những ưu thế và lợi ích của công cụ giao tiếp này.