Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về điều tâm niệm thứ tám trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指). Điều tâm niệm thứ tám nói rằng: Thí đức bất cầu vọng báo (施德不求望報), và sau đó có phần giải thích: Đức vọng báo tắc ý hữu sở đồ (德望報則 意有所圖) Lại giải thích thêm rằng: Ý hữu đồ tất hoa danh dục dương (意有圖必華名欲揚). Hòa thượng Trí Quang dịch điều tâm niệm này sang tiếng Việt là: “Thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân mà ý có mưu đồ.”
Hiểu sát theo nguyên ngữ thì việc “thí đức” là làm những chuyện gây tạo phúc đức, trong đó không hẳn chỉ có việc thi ân cho người khác, mà là bao gồm tất cả những chuyện tốt đẹp, lợi mình lợi người. Vì thế, chữ “báo” theo sau cũng không chỉ giới hạn trong sự báo đáp của người được ta giúp đỡ, thi ân, mà hàm nghĩa rộng hơn là tất cả những phước báo tốt đẹp mà người làm điều thiện sẽ được hưởng.
Cũng có thể hiểu rằng khi ta làm bất kỳ việc tốt đẹp nào thì điều tất nhiên là sẽ có người khác được hưởng lợi, vì thế cũng xem như đã thi ân với người, và sự báo đáp mà ta mong cầu là đến từ người được ta giúp đỡ. Tuy nhiên, cách hiểu này có phần hẹp nghĩa hơn so với nguyên tác muốn nói, vì việc “thí đức” vốn rộng lớn hơn, và trong nhiều trường hợp khi sự lợi lạc là rộng khắp đến nhiều người thì sẽ không thể đề cập đến một đối tượng hàm ân cụ thể. Ví như người bỏ tiền xây một cây cầu ở miền quê, hàng ngàn người sẽ được lợi lạc khi qua lại, nhưng chắc chắn sẽ không ai nghĩ đến sự báo đáp trực tiếp từ những người sử dụng cây cầu. Theo một tâm lý thực tế hơn, người “thí đức” theo cách này nếu có cầu mong sự báo đáp thì đó chính là nghĩ đến những quả báo tốt đẹp mà anh ta sẽ được hưởng trong tương lai. Vì thế, trọn câu này có thể dịch sát nghĩa là: “Gieo trồng phúc đức không mong được báo đáp, vì như thế là trong lòng có sự mưu tính.”
Thực ra, tâm lý “mong cầu báo đáp” được đề cập ở đây là một điều khá tinh tế và không dễ phân biệt rõ. Khi người làm việc phúc đức mà lòng tin chắc vào những kết quả tốt đẹp trong tương lai thì không nên xem đó là mong cầu báo đáp. Bởi nếu không nghĩ đến điều này thì người ấy có phần rất dễ rơi vào chỗ chưa tin sâu nhân quả. Với người đã tin sâu nhân quả thì chuyện “nhìn nhân biết quả” đã trở thành điều tất yếu mà không thể xem là mong cầu, vì là tất yếu phải như vậy. Tuy nhiên, cái ranh giới mong manh giữa nhận biết nhân quả với mong cầu báo đáp sẽ rất dễ dàng bị vượt qua, mà chỉ dấu báo hiệu chính là ở phần giải thích thêm trong nguyên tác: “Lòng có mưu tính thì nuôi lớn thêm danh tiếng hảo.” (Ý hữu đồ tất hoa danh dục dương.)
Thật ra, ở cương vị phàm phu như hầu hết chúng ta thì việc khởi tâm làm điều hiền thiện, phúc đức thường không ra ngoài hai trường hợp. Thứ nhất, muốn tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mình, quyết chí hướng thượng để thoát khỏi những nỗi khổ đau vì tham lam, sân hận, si mê... Thứ hai, muốn có được một đời sống tương lai tốt đẹp hơn so với hiện tại, nhờ vào những nhân lành phúc đức được gieo trồng vào lúc này.
Đa số chúng ta hẳn rơi vào trường hợp thứ hai. Cho dù ta có mong cầu được báo đáp hay không thì niềm tin chắc chắn vào tương lai tốt đẹp vẫn chính là động lực thúc đẩy ta làm việc thiện lành phúc đức. Không có niềm tin ấy, điều tất nhiên là không ai có thể chấp nhận khó nhọc hoặc thậm chí đôi khi nguy hiểm để làm việc nhân đức.
Rơi vào trường hợp thứ nhất như trên là một số rất ít những người đã có nhân duyên nhiều đời tu tập theo hướng xuất thế. Đối với họ, những hạnh phúc thế gian đã không còn sức cám dỗ lôi cuốn, vì họ nhận chân ra được những khổ đau luôn ẩn tàng phía sau. Do đó, con đường hướng đến của họ là thoát ly mọi khổ não chứ không phải đi tìm một trạng thái “nhiều vui ít khổ”. Từ động lực này, họ tu tập các hạnh lành, làm mọi điều phước thiện chỉ duy nhất vì một mục đích là để tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mình. Bởi có như vậy họ mới có thể vươn lên và tiến tới trên con đường tu đạo xuất thế. Những vị này tất nhiên sẽ chẳng bao giờ khởi tâm mong cầu khi làm việc phước đức.
Nhưng như đã nói, đa số chúng ta là rơi vào trường hợp còn lại. Một khi ta làm việc phước thiện thì hoặc là được thúc đẩy bởi niềm tin vào nhân quả và mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, hoặc với một động lực thô thiển hơn là mong cầu sự báo đáp cho những điều tốt đẹp đã làm. Thật ra, trong cả hai trường hợp này thì kết quả tốt đẹp vẫn là điều tất nhiên sẽ đến, nhưng mức độ “lợi nhuận” mà ta có được là hoàn toàn khác xa nhau. Đây mới chính là ý nghĩa sâu xa trong lời khuyên của điều tâm niệm thứ tám này.
Về mặt tâm lý, ta thấy nguyên bản Hán văn đã chỉ ra khá chính xác tâm trạng của đa số người khi thực hiện những điều phước thiện. Một khi khởi sinh ý niệm mong cầu báo đáp, lập tức một phản xạ tính toán, so sánh sẽ được kích hoạt ngay, nhằm giúp ta xác định xem sự việc có đáng để “bỏ công” thực hiện hay không. Nói theo từ ngữ trong bản văn thì đó là sự “mưu tính”, và một khi trong lòng có sự mưu tính thì cái hư danh “hơn người” của mỗi chúng ta sẽ ngay lập tức được vuốt ve, nuôi lớn. Cái hư danh này rất tinh tế, khó thấy, nhưng tác hại thì lại vô cùng, vì nó tiềm tàng mọi điều xấu xa có thể khởi sinh trong tương lai. Một người khi làm từ thiện có thể hoàn toàn không mong đợi nhận lại bất kỳ lợi ích vật chất nào, nhưng lại có thể ngấm ngầm tức giận khi người được giúp đỡ có thái độ thiếu thiện cảm hoặc thậm chí chỉ là đã không... cảm ơn về sự giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp khác, người làm việc tốt tuy không mong cầu được báo đáp, nhưng lại âm thầm quảng bá, truyền rộng những điều mình làm để mong cho được nhiều người biết đến. Tất cả những hành vi này chung quy cũng chỉ là vì chịu sự thúc đẩy của cái gọi là “hư danh” mà thôi.
Điều mà chúng ta ít khi lưu ý đến là chính sự chạy đuổi theo “hư danh” như thế sẽ dễ dàng bóp chết mọi niềm vui trong sáng của chúng ta khi làm được những việc tốt lành. Bởi trong lòng ta trĩu nặng những lo nghĩ về sự “mưu tính” đánh bóng tên tuổi bản thân mình, nên không còn chỗ cho sự phát sinh những niềm vui trong sáng vốn rất tự nhiên và nhẹ nhàng sinh khởi mỗi khi ta làm được điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời.
Vì thế, kinh Kim Cang đã vô cùng sâu sắc khi dạy rằng: “Bồ Tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí.”
Tâm đã không vướng bận vào hình sắc, âm thanh, mùi vị... thì làm gì còn có chỗ cho hư danh khởi sinh, thôi thúc? Do đó mà người thực hiện hạnh bố thí sẽ giữ được bản tâm trong sáng tròn đầy, chỉ biết mỗi một việc là đang tu dưỡng hoàn thiện chính mình, không còn quan tâm đến những giá trị hư dối của thế gian.
Thế nhưng, đó là chuyện của hàng Bồ Tát. Còn “phàm phu chi nhân” như chúng ta thì trong thực tế là không mấy ai có thể thực sự đi theo đúng con đường xuất thế như vậy. Giữa chốn bụi trần, khi mọi cảm thọ vẫn còn mạnh mẽ, âm thanh hình sắc vẫn còn nhiều tác động, thì việc khởi tâm bố thí nói riêng, hay làm việc phước đức tốt đẹp nói chung, lẽ nào lại có thể xem là vô ích?
Cho nên, chúng ta cũng không nên lớn tiếng chê trách người khác khi thấy họ làm việc phước thiện mà mong cầu báo đáp hoặc chạy theo hư danh. Tất nhiên như thế là không hoàn hảo, nhưng vẫn còn tốt đẹp hơn nhiều so với những kẻ suốt đời chỉ biết bo bo hám lợi, không một chút tiền tài công sức đóng góp vào việc chung hay làm công ích xã hội. Vấn đề ở đây là, điều tâm niệm thứ tám không nhằm giúp ta dựa vào đó để chê trách những người chưa hoàn hảo, mà nó chỉ là dạy cho ta biết thế nào là hoàn hảo mà thôi. Như trong kinh Kim Cang, đức Phật có dạy: “Nếu Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường.”
Điều khác biệt ở đây chính là ở chỗ khi ta có thể làm việc phước đức với tâm trong sáng không mong cầu, không vướng mắc, thì tự nhiên kết quả đạt được của việc làm ấy, phước đức của hành vi ấy, sẽ là “chẳng thể suy lường”, hay nói cách khác là sẽ lớn lao vô cùng tận.
Ngược lại, những kẻ phàm phu cho dù có thể tránh được những tâm niệm thô như mong cầu sự báo đáp từ người được giúp đỡ, nhưng rất khó lòng dứt hẳn được sự “mưu tính” khi nghĩ đến những kết quả tốt đẹp ngày sau, những phước báo trong tương lai. Mà như thế tức là đã có vướng mắc, đã có mong cầu, không thể đạt được phước báo vô lượng. Nhưng đó là sự thật đối với hầu hết chúng ta, nên cần có sự nhìn rõ, chấp nhận, mới có thể tự mình tu dưỡng tốt hơn.
Hiểu được điều này, chúng ta sẽ tránh cho mình được tâm trạng mặc cảm khi nhận ra những mong cầu hay thôi thúc tinh tế mỗi lúc ta làm một điều gì tốt đẹp, phước thiện. Điều tất nhiên là cần phải luôn tỉnh giác để không chạy theo hư danh hoặc mong cầu báo đáp từ người được giúp đỡ, nhưng cũng không vì thế mà băn khoăn tự trách khi nhận ra mình chưa thực sự “vô cầu”.
“Gieo trồng phúc đức không mong được báo đáp” là một tâm trạng vô cùng cao quý, thoát tục. Tuy mỗi chúng ta đều không dễ đạt đến, nhưng nó lại như ngọn hải đăng luôn sáng ngời giúp định hướng cho ta trong cuộc đời này. Chúng ta cần hiểu rõ rằng, mỗi khi phát tâm làm được một điều gì tốt đẹp, lợi ích cho người khác, nếu trong tâm ta càng gần với trạng thái “vô cầu”, không vướng mắc, thì lợi lạc thực sự mà việc ấy mang lại, cả vật chất lẫn tinh thần, chắc chắn sẽ càng lớn lao hơn. Ngược lại, càng chịu sự thôi thúc bởi những toan tính mong cầu, bởi những “mưu tính” dù hết sức tinh tế, thì sự lợi lạc từ hành vi phước thiện của ta cũng sẽ theo đó mà suy giảm, nhỏ nhoi hơn. Với điều tâm niệm thứ tám này, chắc chắn chúng ta sẽ không còn lầm đường lạc lối trong việc tu tạo phước đức, mà mỗi một việc làm với sự tỉnh giác suy ngẫm về điều tâm niệm này đều sẽ có giá trị giúp ta tu dưỡng tự thân để ngày càng trở nên hoàn thiện, tốt đẹp hơn.