Những giao tiếp hằng ngày với người thân quanh ta có thể là niềm hạnh phúc vô biên, nhưng cũng có thể là nỗi đau ngấm ngầm hủy hoại mọi niềm vui có được trong cuộc sống của chúng ta. Trong lá thư tuần này, chúng tôi xin được chia sẻ một vài nội dung liên quan đến chủ đề này.
Thật vậy, trong 24 giờ của một ngày, thời gian tiếp xúc nhiều nhất và gần gũi nhất luôn được ta dành cho những người thân của mình. Có thể đó là cha, mẹ, anh chị em trong gia đình, hoặc vợ, chồng, con cái... Những người thân này là một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, và chúng ta luôn ước ao làm được những gì tốt nhất cho họ.
Nhưng cuộc sống thường không diễn ra theo cách như chúng ta mong muốn. Nếu bạn không gặp phải bất ổn nào trong giao tiếp với những người thân quanh mình, hẳn bạn phải là người may mắn nhất trên thế gian này. Nhưng nếu bạn cũng giống như bao nhiêu con người trần tục khác, thì thường là sẽ có một số bất ổn nào đó trong sự giao tiếp với một hoặc nhiều người thân của mình. Và việc giải quyết những bất ổn với các mối quan hệ “sát sườn” này thường không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, việc tạo dựng quan hệ hài hòa và tốt đẹp với những người thân quanh mình lại chính là một trong những phạm vi mà chúng ta có thể vận dụng hiệu quả sự tu dưỡng. Hay nói cách khác, thông qua mối quan hệ giao tiếp mỗi ngày với những người thân mà chúng ta có thể vận dụng và chứng tỏ được năng lực tu tập của mình.
Khi ta gặp sóng gió trong cuộc đời, những người thân quanh ta thường luôn là chỗ dựa vững chắc, là nguồn an ủi giúp ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng chính những người thân ấy lại thường là những người có khả năng nói ra với ta những lời cay độc nhất, xúc phạm nhất, bởi họ có thể hiểu thấu mọi điều về bản thân ta hơn bất kỳ ai khác. Dù là ưu điểm hay nhược điểm, chính những người thân của ta mới là người hiểu về ta sâu sắc nhất. Và chính vì thế, một khi những người ấy “nổi giận” với ta thì không một ai khác có thể làm ta đau đớn nhiều hơn họ.
Nhưng điều quan trọng nhất trong những quan hệ này thường là ta có rất ít lựa chọn. Những quan hệ với người thân là những quan hệ cố định và ta chỉ có thể nỗ lực cải thiện, làm cho tốt hơn, chứ không thể tùy tiện chấm dứt hay thay đổi như đối với bạn bè hay những mối quan hệ khác trong cuộc đời. Ngay cả đối với quan hệ vợ chồng mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay sẵn sàng thay đổi như “thay áo”, thì nếu suy xét kỹ đến những ràng buộc cùng con cái, chúng ta cũng sẽ thấy rằng việc duy trì và cải thiện quan hệ vẫn phải là ưu tiên hàng đầu để tránh những hệ lụy dài lâu cho con cái khi quan hệ hôn nhân đổ vỡ.
Như vậy, khi phải sống chung với một người thân nào đó khó tính hoặc thậm chí là ngang ngược, chúng ta phải làm thế nào? Dưới đây chúng tôi chia sẻ một vài nhận thức hy vọng có thể vận dụng được trong một vài tình huống.
Nói một cách tổng quát, các mối quan hệ với người thân quanh ta thường rơi vào một trong ba trường hợp sau đây:
1. Trường hợp lý tưởng nhất – và thường chỉ có trong mơ ước – ta có thể sống hài hòa tốt đẹp với mọi người thân mà không có bất ổn nào.
2. Trường hợp thông thường hơn là bất ổn xảy ra với một hoặc nhiều người thân, trong một số trường hợp, với tần suất nhiều hoặc ít, và với những nỗ lực hòa giải đúng hướng của chúng ta thì các bất ổn đó sẽ được giải quyết. Các mối quan hệ trở lại bình thường hoặc tốt đẹp hơn.
3. Trường hợp xấu nhất không ai mong muốn là bất ổn thường xuyên xảy ra và chúng ta luôn thất bại trong mọi nỗ lực hòa giải. Hệ quả là ta phải chịu đựng những bất ổn đó hết lần này đến lần khác.
Như đã nói trên, ta có rất ít lựa chọn trong việc né tránh các quan hệ với những người thân, và vì thế cách tốt nhất vẫn là phải học cách “sống chung với lũ”.
Trong trường hợp thứ nhất, quý vị sẽ có thể vui mừng và tự hào với niềm hạnh phúc hiếm có của mình, bởi không mấy ai trong cuộc đời này được như thế. Tuy nhiên, ngay cả trong cuộc sống hạnh phúc hài hòa với tất cả người thân như thế, quý vị vẫn nên nhớ rằng việc gìn giữ lâu dài những tình cảm ấy là điều phải được quan tâm thường xuyên. Một người bạn của tôi lập gia đình đã hơn 20 năm và tâm sự rằng chỉ mới gần đây anh ta mới nhận ra và biết trân quý những đóng góp lớn lao của vợ mình cho gia đình, như chăm sóc con cái, thu xếp vén khéo mọi chuyện trong gia đình v.v... Anh ta nói rằng, trước đây anh vẫn luôn cho rằng vợ anh phải làm những việc ấy là chuyện đương nhiên, không có gì đáng nói. Từ khi anh nhận biết được những khó khăn và nỗ lực của vợ mình trong công việc gia đình, anh mới bắt đầu biết quý trọng và thương yêu vợ mình theo cách hoàn toàn khác với trước kia. Và hệ quả tất yếu là vợ anh cũng cảm nhận ngay được điều ấy, nên hạnh phúc gia đình được vun đắp ngày càng tốt đẹp hơn.
Hầu hết chúng ta đều đã và đang nhận được sự chăm sóc, thương yêu từ những người thân quanh ta, nhưng ta lại rất thường lãng quên không nhớ đến, thậm chí không hề nhận biết và trân quý những đóng góp của họ. Chúng ta xem đó là những chuyện lẽ đương nhiên phải vậy mà thậm chí không hề nghĩ đến việc phải biết ơn về điều đó, nói gì đến việc đền đáp! Đó là điều bất hợp lý và rất không nên làm. Nếu bạn không sớm nhận biết khuynh hướng này thì rất có thể một ngày nào đó, chính sự vô tâm sẽ trở thành nguyên nhân khiến bạn không còn gìn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp với người thân của mình.
Trường hợp thứ hai là trường hợp mà hầu hết chúng ta thường rơi vào. Ta luôn có một hoặc nhiều bất ổn với một hoặc nhiều người thân nào đó. Có thể do những nguyên nhân xung đột cụ thể, nhưng cũng có thể chỉ đơn giản là do tính khí không hợp nhau. Đây chính là trường hợp mà ta có rất “nhiều việc để làm”, bởi thường thì những bất ổn này được giảm nhẹ đi hay trở nên tồi tệ hơn phần lớn là do sự ứng xử của ta. Nếu biết nghĩ đến và trân trọng những tình cảm mà người thân đã dành cho ta, cũng như những sự chăm sóc, gắn bó mà từ lâu ta đã nhận được, thì thường là cường độ của mọi căng thẳng đều có thể được giảm nhẹ đi.
Trong xung đột với một người anh chẳng hạn, nếu bạn nghĩ đến từ những ngày thơ ấu anh trai bạn đã từng thương yêu, chăm sóc và bảo vệ cho bạn như thế nào, thì những mâu thuẫn trong hiện tại sẽ dễ dàng được hóa giải ngay. Ngược lại, nếu bạn chỉ chú tâm vào những mâu thuẫn của hiện tại, bạn sẽ thấy ra ngày càng nhiều lý do để tức giận, để bảo vệ cho sự “hợp lý” của mình. Và như thế, tất nhiên là xung đột chỉ có thể ngày càng gay gắt hơn mà thôi.
Nói tóm lại, trong trường hợp thứ hai này, bạn hãy luôn nhớ đến “bề dày lịch sử” trong mối quan hệ với người thân của mình. Khi nghĩ đến những điều tốt đẹp, gắn bó trong quá khứ, những điều khó chịu hoặc thậm chí sai lầm trong hiện tại đều có thể được cảm thông và tha thứ một cách dễ dàng hơn.
Trong trường hợp thứ ba, bạn thật “vô phước” phải thường xuyên xung đột với một hoặc nhiều người thân của mình, và nguyên nhân có vẻ như không phát xuất từ những sai lầm của bạn. Trong trường hợp này, bạn càng “ấm ức” thì sự khó chịu, căng thẳng càng tăng thêm trong quan hệ. Thay vì vậy, bạn nên nhìn thật sâu vào bản chất của sự việc để thấy rằng khi ta không thể quyết định được gì trong sự việc thì cách tốt nhất là phải học biết cách tha thứ và chấp nhận.
Nhìn từ một góc độ khác, tỷ phú Bill Gates từng nói rằng: “Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất.” (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.) Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV còn sâu sắc hơn nữa khi dạy rằng bạn phải biết ơn những người đối nghịch với bạn, bởi họ là những vị thầy dạy bạn về đức nhẫn nhục.
Nếu chúng ta có thể nghĩ về những người thân đang gây khốn khổ cho mình bằng sự khó chịu hoặc ngang ngược của họ như là những cơ hội để ta tu dưỡng và rèn luyện đức tính nhẫn nhục, ta sẽ thực sự biết ơn họ nhiều hơn là chán ghét. Bằng việc thay đổi nhận thức theo cách này, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong những mối quan hệ thường xuyên xung đột với người thân của mình.
Tất nhiên, ở đây cần nhấn mạnh là chúng ta đã có những nỗ lực thích đáng như trong trường hợp thứ hai vừa nêu trên nhưng hoàn toàn thất bại và phải chấp nhận xếp những mâu thuẫn loại này vào trường hợp thứ ba. Và bởi vì chúng ta không ai có thể chọn lựa những người thân của mình, nên cho dù phải chịu đựng tính khí khó chịu của một người nhiều đến mức nào đi chăng nữa, hãy luôn nhớ rằng người ấy vẫn là người thân của bạn.
Cầu mong cho tất cả quý vị đều tự xét thấy mình đang ở trong trường hợp thứ nhất hoặc thứ hai, nhưng cho dù rơi vào trường hợp thứ ba, với một sự tu dưỡng và tâm từ bi rộng mở, chắc chắn quý vị vẫn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều so với việc khởi tâm bực tức hoặc căm ghét ngay chính những người thân của mình.