Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta đang sống luôn tràn ngập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Bất kể là trong lãnh vực nào, chúng ta ngày nay thường luôn gặp phải khó khăn trong việc chọn lọc thông tin nhiều hơn là tìm kiếm thông tin. Không cần phải là người nổi tiếng, nếu quý vị đăng lên Facebook một thông tin nào đó được nhiều người quan tâm, ngay lập tức sẽ có hàng trăm người tiếp cận, và khi những người này tiếp tục chia sẻ với bạn bè của họ, hiệu ứng lan tỏa sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân và đạt đến con số hàng triệu lượt xem không khó lắm.
Sự lan tỏa dễ dàng của thông tin có điểm tích cực là kết nối mọi người với nhau, dễ hiểu và cảm thông nhau qua những thông tin được biết về nhau. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời tạo ra sự dễ dãi và hời hợt trong chia sẻ thông tin, khi những người sử dụng không quan tâm đúng mức đến những nội dung chia sẻ, và do đó trong một chừng mực nhất định có thể góp phần làm lan tỏa những thông tin tai hại.
Nếu chúng ta hình dung được phương thức lan tỏa thông tin trên các mạng xã hội nói chung như Facebook, Google Plus, Twitter... ta sẽ thấy rằng hiệu quả tác động của chúng đến toàn xã hội vô cùng mạnh mẽ. Và bởi vì mỗi người tham gia vào trong toàn mạng lưới thông tin khổng lồ này đều là một chủ thể đưa tin cũng như người nhận tin, nên vai trò của mỗi người có thể nói là bình đẳng như nhau. Hiệu quả tác động sẽ tùy thuộc vào cách mà chúng ta tham gia chia sẻ thông tin trong toàn hệ thống đó. Một bài viết nhẹ nhàng khuyến khích nuôi dưỡng lòng thương yêu khi đến với hàng ngàn người đọc sẽ góp phần làm cho xã hội trở nên an ổn, tốt đẹp hơn. Ngược lại, một thông tin gây bất an, kích thích bạo lực... sẽ có ảnh hưởng hoàn toàn ngược lại. Và do đó, sự tốt lên hay xấu đi của môi trường thông tin chung này luôn có sự đóng góp của tất cả những người tham gia.
Mặt khác, mạng xã hội không phải là nguồn thông tin duy nhất. Ngày nay, chỉ cần một chiếc smart phone trong tay, một máy tính bảng hay một laptop là chúng ta có thể tiếp cận với hàng núi thông tin như một thư viện di động khổng lồ. Google Search phục vụ hoàn toàn miễn phí và cung cấp cho ta thông tin liên quan về mọi lãnh vực, nhiều đến mức không ai có thể đọc lướt qua được hết. Ngoài ra, chỉ cần chọn một vài website tin tức tiêu biểu, ta cũng đã có thể theo dõi diễn tiến khắp nơi trên thế giới với sự cập nhật hầu như liên tục.
Tuy nhiên, nguồn thông tin khổng lồ được cung cấp dễ dàng như vậy cũng không thể là điều kiện duy nhất giúp ta trở nên người thông thái, bởi những thông tin đó chỉ là điều kiện hỗ trợ mà thôi. Khả năng chọn lọc và xử lý thông tin của mỗi người mới quyết định việc tiếp nhận nguồn thông tin đó là có lợi hay không, và thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể là tai hại nữa.
Trong một môi trường phức tạp và đa dạng như vậy, người khôn ngoan phải luôn học biết cách chọn lọc thông tin trước khi tham gia vào cuộc chơi lớn đầy thách thức này. Trước hết, ta phải biết đề kháng lại với sự cám dỗ của óc tò mò đối với những thông tin lạ (và thường là tin vịt), vì chúng có thể dắt dẫn ta tiêu phí hàng giờ trên Internet để rồi cuối cùng chẳng được gì khác hơn là những ý tưởng rác rưởi, vô bổ... Cần xác định rõ ràng ta đang cần thiết hoặc tìm kiếm những thông tin gì, và sau đó tự giới hạn mình chỉ tìm đọc những thông tin thực sự có liên quan mà thôi.
Tiếp đến, trong rừng thông tin có được từ những kết quả tìm kiếm, cũng cần phải biết chọn ra những nguồn tin đáng tin cậy, đừng dễ dàng đặt niềm tin vào tất cả những gì mình đọc thấy. Hầu hết những người chia sẻ thông tin trên Internet đều không thực sự chịu trách nhiệm về nguồn tin của họ, do đó ta phải tự chịu trách nhiệm về sự tin cậy của mình đối với bất kỳ nguồn tin nào.
Ngược lại, nếu như mỗi ngày ta đều để mất đi hàng giờ trên các mạng xã hội chỉ để đọc chuyện riêng tư của người khác, hoặc chia sẻ những cảm xúc cá nhân nhỏ nhặt, những câu chuyện tào lao chẳng liên quan gì đến ai... thì đó là ta đang góp phần làm cho “đống rác” Internet càng trở nên đồ sộ hơn, nhảm nhí hơn, và do đó cũng là gây khó khăn nhiều hơn cho những người đang đi tìm các thông tin bổ ích đích thực. Ngay cả khi ta nghĩ rằng những thông tin mình đang chia sẻ là hoàn toàn vô hại, thì chỉ riêng sự vô ích của nó đối với cộng đồng cũng đã là một điều tai hại đáng nói rồi.
Cuối cùng, một khi ta có được những thông tin bổ ích, đã qua sự trải nghiệm của bản thân để thấy rằng chúng thực sự hữu ích cho cuộc sống, thì điều rất nên làm là hãy nỗ lực chia sẻ những thông tin ấy đến với càng nhiều người càng tốt. Cho dù ta không có nhiều tiền bạc, vật chất để chia sẻ với nhiều người, nhưng việc chia sẻ những thông tin hữu ích cũng sẽ giúp cho mọi người được lợi lạc không kém.
Nỗ lực của mỗi người chúng ta đều luôn đóng góp một phần nhất định trong việc hoàn thiện môi trường thông tin trên Internet, và những gì ta làm được sẽ từng ngày mang lại lợi ích cho chính bản thân ta cũng như mọi người quanh ta. Khi sử dụng đúng hướng, những tiến bộ công nghệ thông tin của nhân loại ngày nay chính là phương tiện tuyệt vời nhất giúp ta có cơ hội đóng góp, làm lợi ích cho cộng đồng. Ngược lại, nếu chỉ biết sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu theo một cách dễ duôi, thiếu chọn lọc, ta sẽ không ngừng gây tác hại đến chính bản thân ta, con cháu hoặc người thân của ta, và thậm chí cũng là đang góp phần gây hại cho toàn thể cộng đồng. Trở thành một người có ích hay một tên phá hoại, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách thức suy nghĩ và tham gia của chúng ta trong hệ thống thông tin không biên giới của thời hiện đại này.
Lần tới đây, trước quyết định tìm đọc hay chia sẻ một thông tin nào đó với mọi người trên Internet, hy vọng quý vị sẽ có sự suy xét và cân nhắc kỹ những khía cạnh lợi hại như vừa nêu trên.