Đức Phật dạy rằng, bản chất của cuộc đời này về tổng thể là một khối tương quan mật thiết chi phối lẫn nhau của tất cả các yếu tố nhân duyên cấu thành. Vì thế, chúng ta sống trong cuộc đời, thực tế là sống trong mối quan hệ chằng chịt giữa bản thân ta với gia đình, bạn bè thân hữu, cộng đồng xã hội, đất nước, nhân loại... Mỗi chúng ta không thể đi tìm hạnh phúc cho riêng mình vượt ngoài các mối quan hệ đó. Hơn thế nữa, hạnh phúc thực sự chỉ có thể có được khi ta biết khéo léo cải thiện những mối quan hệ giữa bản thân với mọi người quanh ta.
Nói theo cách khác, cuộc sống của chúng ta giữa cuộc đời này là một tiến trình liên tục cho đi và nhận lại, từ lúc ta sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Mở mắt chào đời là ta đã bắt đầu nhận được sự chăm sóc dưỡng nuôi từ cha mẹ; lớn lên một chút, ta sống được là nhờ có sự đóng góp công sức và quan tâm chăm sóc của bao người quanh ta, trực tiếp cũng như gián tiếp. Và trong suốt cuộc đời, ta vẫn luôn phải nhận sự giúp đỡ của người khác để có thể tồn tại, dù chỉ là trong ý nghĩa ta không thể nào trực tiếp làm ra tất cả các yếu tố vật chất cần thiết cho đời sống. Cơm ăn, áo mặc, thuốc men trị bệnh, vật dụng thường ngày... mọi thứ đều có người khác làm ra sẵn sàng để ta sử dụng. Thử tưởng tượng, nếu không có tất cả những thứ ấy, cuộc sống này của chúng ta sẽ khó khăn biết bao!
Nhưng đổi lại những gì đã nhận được, một người sống tốt phải là một người luôn có những đóng góp cho cuộc đời trong khả năng của mình. Dù là một công nhân, nông dân, kỹ sư, thầy giáo hay bác sĩ... chúng ta cũng sẽ mang tất cả khả năng của mình ra để cống hiến cho cuộc đời, cho sự lợi lạc của những người quanh ta. Và như thế, đổi lại việc ta sử dụng thành quả của mọi người khác mới hợp tình hợp lý.
Trong mối quan hệ cho đi và nhận lại như thế, một số người thường hình dung sự cống hiến của cá nhân mình như một nỗ lực để "trả nợ đời". Theo cách nghĩ đó, chúng ta nợ cha mẹ công sinh thành dưỡng dục, nợ người công nhân dệt ra tấm vải may áo quần, nợ thầy cô giáo cho ta kiến thức ban đầu, nợ người nông dân một nắng hai sương làm ra lúa gạo... và nói chung là nợ nhân quần xã hội đã cho ta có được mọi tiện nghi đời sống...
Với cách nghĩ này, chúng ta luôn nỗ lực sống tốt, cống hiến hết sức mình cho gia đình, cho xã hội, vì nếu không như thế ta sẽ trở thành một người mắc nợ mà không trả. Điều đó sẽ đi ngược với những chuẩn mực đạo đức mà ta đã được đào luyện từ thuở nhỏ. Cho nên, một quan điểm như thế sẽ giúp ta luôn tự kiềm chế mình không sống buông thả theo những ham muốn tầm thường, để có thể sống tốt và cống hiến được nhiều hơn cho cuộc đời.
Đức Phật dạy chúng ta nhìn rõ mối quan hệ cho đi và nhận lại như thế, nhưng không quan niệm đó là một sự "trả nợ". Thay vì vậy, ngài dạy chúng ta xem đó là sự trả ơn. Đạo Phật chỉ ra 4 ơn nặng nhất (tứ ân) là ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn đất nước và ơn Tam bảo. Nỗ lực cống hiến một đời của chúng ta cần hướng về sự báo đáp các ơn này. Vì thế, tông chỉ người tu Phật thường được nêu ra trong câu: "Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường."
Có gì khác nhau giữa trả ơn và trả nợ như chúng ta vừa nói trên? Khác biệt ở đây là tâm lý của chúng ta trong cuộc sống. Tâm lý của người trả nợ là một tâm lý bị thúc bách, không thể không làm, và do đó đi kèm theo nó thường là sự căng thẳng, áp chế. Ngược lại, tâm lý của người trả ơn là một tâm lý tự nguyện, hoan hỷ, mong muốn thực hiện, và do đó đi kèm theo nó là sự cố gắng, nỗ lực trong niềm vui mà không hề có sự thúc bách hay áp lực nào.
Khi quan niệm rằng những cống hiến của chúng ta là để trả nợ đời, bản thân ta sẽ rất khó có được niềm vui sống khi còn "chưa xong nợ". Và vì thế, ta sẽ dễ dàng đánh mất đi những giá trị quý giá mà cuộc sống mang lại. Đức Phật dạy rằng "thân người khó được", nên cuộc sống này là một giá trị quý giá mà ta đang có, không gì có thể thay thế được. Cho dù ta vẫn luôn nỗ lực hết sức mình để "trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường", nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là ta phải quên đi niềm vui sống của chính bản thân mình. Từng giây phút trôi qua là từng giây phút mà thời gian được sống của ta đang mất dần đi, ta cần phải luôn ý thức điều đó để biết trân quý từng giây phút còn lại. Chúng ta cần phải sống như thế nào để vừa xứng đáng với giá trị làm người, đền đáp được những thâm ân mình đã nhận, nhưng đồng thời cũng phải tận hưởng được những giá trị quý báu nhất mà cuộc sống mang lại.
Cách nhìn nhận về một vấn đề có thể làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Một người vợ đảm đang chăm sóc gia đình với niềm vui của sự hy sinh cống hiến, tuy có thể hết sức nhọc nhằn nhưng sẽ không hề cảm thấy bực dọc, khó chịu vì sự nhọc nhằn đó. Ngược lại, nếu những công việc hằng ngày được người phụ nữ thực hiện với cảm giác mình bị nô lệ, phụ thuộc vào gia đình và không thể trốn tránh những công việc ấy, thì cuộc sống sẽ ngay lập tức nhuốm màu đen tối và tâm trạng người ấy sẽ hết sức nặng nề, khổ sở.
Cũng vậy, khi dâng hiến cả cuộc đời mình cho một lý tưởng nào đó, chúng ta có thể trải qua vô vàn gian khó mà vẫn không hề kêu ca oán thán, nhưng nếu vì bạo lực cường quyền mà phải gánh chịu khó khăn khổ não, thì ngoài nỗi đau thể xác, ta còn bị nhấn chìm trong sự uất ức, căm hờn.
Cuộc đời của mỗi chúng ta luôn là một chặng đường dài với rất nhiều gian khó, thử thách. Nếu có thể sống với lý tưởng, tâm nguyện phụng sự tha nhân như một sự đền đáp và hy sinh, cống hiến, chúng ta sẽ tìm được niềm vui sống ngay trong những công việc phụng sự của mình. Ngược lại, cho dù ta vẫn làm nhiều việc tốt mang lại lợi ích cho tha nhân, nhưng với tâm trạng nặng nề của người "mắc nợ phải trả" thì ta sẽ đánh mất đi cơ hội để tận hưởng cuộc sống quý giá này.