Có một khuynh hướng mà hầu hết mọi người thường rơi vào là khi theo đuổi một việc gì, ta luôn mong muốn sao cho chỉ phải bỏ ra ít công sức nhất nhưng phải đạt được hiệu quả sâu rộng nhất, tốt đẹp nhất.
Đi vào siêu thị, ta luôn muốn chọn mua những thứ rẻ nhất mà tốt nhất. Thuê mướn nhân công, ta muốn họ phải làm cho ta thật nhiều việc khó nhọc nhưng với đồng lương rẻ nhất. Chọn mua các vật dụng cho gia đình, ta luôn muốn có những thứ nào tốt nhất, bền nhất nhưng với giá thấp nhất! Ngẫm kỹ lại, cái khuynh hướng mong muốn như thế chẳng phải là hết sức vô lý hay sao? Tuy nhiên, chỉ vì mọi người ai ai cũng nghĩ như thế, ai ai cũng muốn như thế, nên cái khuynh hướng vô lý này lại dường như đã trở thành một lối suy nghĩ hết sức bình thường đối với hết thảy mọi người.
Và chính từ lối suy nghĩ “hết sức bình thường” (nhưng vô lý) này, nên chúng ta mỗi ngày đều tiếp xúc với những mẩu quảng cáo cũng hết sức vô lý nhưng lại thấy là hoàn toàn bình thường, như “mua một tặng một”, “giảm 50% giá bán” v.v... Hãy thử nghĩ mà xem, nếu một nhà sản xuất chỉ có thể thu lại được 50% số tiền họ dự kiến khi bắt đầu sản xuất một món hàng, liệu họ có thể tiếp tục làm ăn khấm khá và phát triển được chăng? Vì thế, sự thật ở đây là chỉ vì để đáp ứng cái mong muốn vô lý của mọi người, nên trong hầu hết trường hợp thì các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ... đã làm một việc rất đơn giản là nâng giá bán lên gấp đôi rồi sau đó tuyên bố giảm một nửa hoặc “mua một tặng một”. Và khi đó, người mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ sẽ có được cái ảo giác mừng vui và thỏa mãn vì đã mua được với “giá rẻ nhất” đúng như mong muốn.
Điều đáng buồn là không chỉ trong việc mua sắm mỗi ngày, mà chúng ta còn mang cả cái khuynh hướng vô lý đó vào con đường tu tập! Chúng ta hoang phí vài ba chục năm dài sống buông thả theo dục vọng, rồi chỉ qua vài ba tháng ngắn ngủi đến với một đạo trường nào đó hoặc tự mình nỗ lực tu tập tại gia, chúng ta lại phiền lòng vì sao chưa thấy những thành quả chuyển hóa tốt đẹp như mong muốn! Chúng ta dành hơn nửa đời người để bon chen, trôi dạt trong cuộc sống với đầy những mánh khóe, lừa lọc phải đối phó mỗi ngày, rồi chỉ ghé lại cửa chùa trong một vài năm ngắn ngủi, ta lại băn khoăn tự hỏi sao vẫn chưa thấy lòng nhẹ nhàng thanh thoát! Chúng ta chôn vùi nhiều năm trong vô số những niềm tin mông muội vô căn cứ của thế gian, rồi chỉ sau khi đọc qua một vài quyển kinh Phật, ta lại thất vọng vì sao mình chưa thấu suốt được con đường giác ngộ!
Nhiều người trong quý vị khi đọc qua những dòng trên đây có thể sẽ nghĩ ngay rằng người viết đã quá cường điệu hóa vấn đề chứ không mấy ai lại có những suy nghĩ và khuynh hướng vô lý đến thế. Tuy nhiên, chúng tôi không nói ra những điều này nhằm mục đích phân biện đúng sai hay bảo vệ cho một luận điểm của riêng mình. Chúng tôi chỉ muốn nói lên một sự thật mà chính bản thân chúng tôi trên con đường đến với đạo Phật cũng đã từng vấp phải. Trong từng mức độ khác nhau, hoặc lộ liễu đến mức dễ thấy hoặc tinh tế đến độ khó nhận biết, nhưng cái khuynh hướng mong cầu vô lý kia nó hầu như hiện diện ở tất cả chúng ta, bởi một lý do vô cùng đơn giản: nó chính là biểu hiện của lòng tham. Và khi chúng ta bước vào con đường tu tập không có nghĩa là chúng ta đã ngay lập tức trở thành một vị thánh, cho nên việc ta mang nguyên vẹn cái lòng tham ấy vào con đường tu tập cũng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng chúng ta không chỉ ra những điều như trên để tự trách hay phê phán chính mình. Chúng ta cần nhận rõ sự thật ấy chỉ vì nó có thể cản trở con đường tu tập của chúng ta. Nó có thể khiến ta nản lòng thối chí sau vài ba năm tu tập, bởi cái cảm giác không được đáp ứng những điều mình mong đợi, mà không nhận ra được sự thật là những công sức tu tập ta vừa bỏ ra đó hãy còn quá nhỏ bé so với những bụi trần phiền não mà ta đã tự nguyện mang vào người trong biết bao nhiêu năm qua. Cũng vậy, với bao nhiêu thành kiến, định kiến mê lầm trong suốt một đời lăn lộn giữa trần tục, liệu ta có thể hy vọng thông suốt được giáo lý Phật-đà chỉ qua việc đọc vài ba quyển sách hoặc đi nghe dăm bảy lần thuyết giảng? Vấn đề của hầu như tất cả chúng ta là phải chấp nhận sự thật đó, phải thấy rằng con đường tu tập chuyển hóa tự tâm hay hoàn thiện bản thân là một con đường dài, đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, nhẫn nại. Tất nhiên là chúng ta sẽ từng bước giảm nhẹ được khổ đau và phiền não trên con đường tu tập, nhưng nếu ta luôn muốn có được những thành quả “tốt nhất mà rẻ nhất” thì chắc chắn đó chỉ là điều không tưởng mà thôi.
Trở lại với những vấn đề sống chết của đời người, hay những gì sẽ đến với ta sau khi chết, đó hoàn toàn không phải những vấn đề đơn giản. Nhiều ngàn năm triết học và tôn giáo của Ấn Độ cổ xưa đã từng nghiền ngẫm và vẫn hoàn toàn bế tắc cho đến khi Đức Phật ra đời. Sự giác ngộ hoàn toàn của Ngài đã mang lại nhiều nhận thức mới, cách hiểu mới về nhân sinh cũng như về vạn hữu. Vì thế, việc đạo Phật bác bỏ nhiều luận thuyết của các tôn giáo, triết thuyết khác cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu như những luận thuyết ấy đã giải quyết được các vấn đề bất ổn của đời người, thì Đức Phật đâu cần phải ra đời và thuyết giảng giáo pháp? Các tôn giáo khác đều thừa nhận một đấng sáng thế, một vị chúa tể, Phạm thiên... tạo ra thế giới và con người. Đạo Phật bác bỏ điều đó. Các tôn giáo khác đều mặc nhiên thừa nhận có một linh hồn trường tồn vĩnh cửu để lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Đạo Phật bác bỏ điều đó.
Tuy nhiên, Đức Phật đã bác bỏ các luận thuyết của ngoại đạo như thế nào, đã thuyết giảng như thế nào về linh hồn, về tâm thức con người cũng như về vòng xoay của sinh tử luân hồi, chắc chắn không thể là chuyện mỗi người có thể nắm hiểu thông suốt qua việc đọc vài ba tập sách hay thậm chí qua vài ba năm tu tập. Đó là những vấn đề lớn của cả đời người, của cả nhân loại, và chúng ta nhất thiết phải có những nỗ lực tương xứng mới có thể nhận hiểu được. Cho nên, vấn đề quan trọng và thiết thực nhất đối với mỗi chúng ta không phải là theo đuổi sự am tường hay uyên bác về giáo lý đạo Phật, mà là phải nhận hiểu đúng thật về những gì trong phạm vi đang tu tập của chính bản thân mình, để từng ngày từng ngày luôn có thể nỗ lực tu tập đúng hướng. Khi chúng ta đã tu tập đúng hướng thì những thành quả tốt đẹp của tương lai chắc chắn dù không mong cầu cũng sẽ dần dần có được.