Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lá thư hằng tuần năm 2017 »» Lá thư hằng tuần năm 2017 »»
Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ về điều tâm niệm thứ chín trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指). Trong nguyên bản Hán văn chép rằng: Kiến lợi bất cầu triêm phân (見利不求霑分), và sau đó có phần giải thích: Si tâm động tất ác lợi hủy kỷ (癡心動必惡利毀己。) Lại giải thích thêm rằng: Thế lợi bản không, dục lợi sinh não, lợi mạc vọng cầu. (世 利 本空。欲利 生惱。利莫妄求。). Có lẽ vì muốn cho dễ hiểu nên Hòa thượng Trí Quang đã dịch các ý này sang tiếng Việt là: “Thấy lợi thì đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động.”
Hai chữ “triêm phân” có nghĩa là “tham gia chia phần”, như nói “lợi ích quân triêm” (利益均沾) nghĩa là đôi bên đều được chia phần lợi ích. Vì thế, “bất cầu triêm phân” ở đây hiểu sát nghĩa là không mong cầu được tham gia chia phần trong điều lợi ích đó. Tâm lý thông thường của hầu hết chúng ta là mỗi khi thấy ra được một điều gì có lợi thì đều muốn bản thân mình được tham gia chia phần. Tất nhiên, với một người có đạo đức, tu dưỡng, thì mong muốn ấy sẽ lập tức được “xét lại” xem có phù hợp với các chuẩn mực đạo đức hay không? Nếu là một mong cầu không chính đáng, ắt người ấy sẽ lập tức từ bỏ, nhưng nếu xét thấy là “chính đáng”, là phù hợp với đạo đức, thì chuyện theo đuổi để được “chia phần” lại thường được xem là tất nhiên, là hợp tình hợp lý.
Nhưng lời khuyên ở đây đặc biệt không đề cập đến việc muốn “tham gia chia phần” đó là hợp lý hay không hợp lý, mà nhắc nhở chúng ta một sự thật rằng khi sự tham muốn lợi ích khởi lên thì cũng là lúc tâm si mê động khởi, và do đó mà những lợi ích xấu ác sẽ hủy hoại bản thân ta.
Hơn thế nữa, bản văn còn đi sâu chi tiết hơn khi chỉ rõ: “Thế lợi bản không”, nghĩa là bản chất những lợi ích thế tục vốn là rỗng không, không chân thật. Bản chất không thật này thể hiện rõ ràng ở sự bấp bênh “sớm còn tối mất” mà không một giá trị vật chất nào tránh khỏi. Thế nhưng, cho dù chúng bấp bênh không thật như thế, sự mong cầu tham muốn đối với chúng lại thực sự làm khởi sinh phiền não trong lòng ta: “Dục lợi sinh não.” Thấy rõ được sự thật đó nên lời khuyên ở đây là: “Lợi mạc vọng cầu” (Dù thấy lợi cũng chớ nên vọng cầu.) Hai chữ “vọng cầu” nhắc nhở chúng ta một sự thật là sự mong cầu của ta chưa hẳn - và thường không - mang đến kết quả, cho nên đó chỉ là một sự mong cầu ảo vọng mà thôi.
Tóm gọn các ý nghĩa vừa bàn qua như trên, ta có thể tạm dịch điều tâm niệm này thật đầy đủ là: “Thấy điều lợi đừng mong chia phần, vì tâm tham lam thì si mê nổi dậy, điều lợi xấu sẽ hủy hoại tự thân mình.”
Tham lam, sân hận và si mê là ba tâm độc hại, gây nhiều khổ đau cho bản thân ta và người khác. Chúng không hiện khởi độc lập, riêng rẽ mà luôn có sự tương quan, chèo kéo lẫn nhau. Những kẻ ngu si thường không bao giờ có đủ sáng suốt để kiềm chế sự tham lam hay sân hận, nhưng người sáng suốt đến đâu mà một khi đã “mờ mắt” bởi lòng tham cũng đều trở thành ngu muội. Lòng sân hận cũng vậy, nó đốt cháy sự khôn ngoan của bất cứ ai, khiến họ hành xử như kẻ hoàn toàn không trí tuệ. Đây đều là những thực tế có thể quan sát thấy dễ dàng trong cuộc sống. Chưa từng thấy ai trong cơn nóng giận bộc phát mà có thể giữ được sự bình tĩnh cần thiết, đừng nói gì đến chuyện sáng suốt cân nhắc thiệt hơn. Cũng vậy, những thất bại trong quyết định kinh doanh phần lớn cũng xuất phát từ sự chi phối của lòng tham. Càng tham muốn mãnh liệt thì người ta càng thiếu sáng suốt trong việc đưa ra quyết định, và do đó sai lầm là điều rất dễ phạm vào. Cho nên, “tâm tham lam thì si mê nổi dậy” là một nguyên tắc thực tế chi phối bất kỳ ai. Và muốn tránh được sự chi phối tai hại này, cách hữu hiệu nhất là “thấy điều lợi đừng mong chia phần”.
Một khi có thể tỉnh táo trước bất kỳ mối lợi nào, ta sẽ giữ được sự sáng suốt vốn có của mình để cân nhắc và đưa ra những quyết định hành xử thích hợp. Thật ra, bản thân những điều lợi ích tự chúng không mang tính chất xấu hoặc tốt. Quan điểm tránh xa mọi lợi ích là một quan điểm cực đoan. Nếu có thể đạt được lợi ích một cách sáng suốt và chân chánh, thì lợi ích đó sẽ giúp ta làm được nhiều điều lợi ích khác, mang đến niềm vui cho bản thân và mọi người quanh ta, như vậy thì đâu có gì sai trái?
Một người khôn ngoan sẽ biết vận dụng đúng điều tâm niệm này bằng cách luôn tỉnh táo trước mọi cơ hội kiếm được lợi ích, mà trước hết là đừng bao giờ mong muốn được chia phần với tất cả những món lợi mà mình nhìn thấy được. Điều đó là vô lý, ảo vọng và tai hại. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng trước bất kỳ cơ hội kiếm lợi nào, và ai tận dụng được cơ hội đó một cách chân chánh, minh bạch, người ấy sẽ thu được phần lợi ích mà không có gì sai trái cả. Kiếm lợi như thế không phải là “mong muốn chia phần”, mà là dựa vào năng lực bản thân mình để tận dụng cơ hội mà cuộc đời (hay nhân duyên) mang đến. Và hơn nữa, khi đã có lợi rồi thì người khôn ngoan sẽ luôn biết cách sử dụng nguồn lợi ấy như thế nào để càng lợi mình lợi người hơn nữa, bởi vì họ luôn thấu hiểu rằng bản chất những giá trị vật chất vốn là không bền vững, là giả tạm, nên cách duy nhất để giữ lại được chúng chính là chuyển sang thành những giá trị chân thật như lòng nhân ái, sự cảm thông chia sẻ... Khi giá trị vật chất được sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để “cứu khổ ban vui” cho người khác, nó không còn là những giá trị giả tạm nữa mà được chuyển thành những giá trị cao quý, chân thật, vì niềm vui và sự giảm nhẹ khổ đau cho mọi chúng sinh là điều có thật trong cuộc đời, là mục tiêu tu tập của người học Phật.
Vì thế, không nên hiểu lầm về điều tâm niệm này như là một lời khuyên tránh xa mọi nguồn lợi thế tục. Điều đó vừa bất khả thi, vừa đẩy chúng ta vào một tâm trạng tiêu cực, vô tâm với cuộc đời này. Cách hiểu đúng là phải luôn tỉnh giác trước mọi cơ hội kiếm lợi và không để cho “tâm tham lam nổi dậy”. Biểu hiện thông thường nhất của tâm tham lam đó chính là ý muốn “được chia phần” trong bất kỳ mối lợi nào, cho dù ta không thể lý giải được vì sao. Ngược lại, việc nhận biết được một cơ hội kiếm lợi và có những quyết định hành xử đúng đắn, thích hợp để biến cơ hội đó thành hiện thực, thì có thể đó cũng chính là một cơ hội để ta làm lợi mình lợi người, giúp ta thực hành tôn chỉ “cứu khổ ban vui” cho người khác. Điểm cốt yếu cần nhận rõ ở đây là chính cái tâm lý “mong muốn chia phần” mỗi khi thấy lợi luôn là động lực khơi dậy tâm tham lam; và sự tham lam đó khiến ta trở nên si mê, không còn sáng suốt, chỉ biết hành động theo sự thúc giục của lòng tham, của nguồn lợi bất chính. Và đó chính là điểm khởi đầu cho sự hủy hoại mọi công đức, giá trị nhân cách cũng như phẩm chất đạo đức mà ta đã khổ công gìn giữ, tích lũy từ lâu.
Người xưa thường nói: “Cá chết vì tham mồi, người chết vì tham lợi”, cũng không ra ngoài ý nghĩa này. Giữ được sự tỉnh giác và sáng suốt trước mọi cám dỗ vật chất là điều không dễ dàng, nhưng đó lại là điều bắt buộc phải luôn tâm niệm nếu ta không muốn rơi vào cạm bẫy của lòng tham, bởi kết quả sẽ luôn là sự tổn hại tồi tệ nhất cho mọi giá trị tinh thần và đạo đức mà ta đã có được.
Điều giải thích đáng chú ý của bản văn còn nằm ở câu: “Thế lợi bản không, dục lợi sinh não, lợi mạc vọng cầu.” Chỉ khi hiểu được bản chất của những lợi ích thế tục vốn là không bền chắc, giả tạm, ta mới có thể giữ được sự tỉnh táo sáng suốt trước những cám dỗ của nó. Bản thân người viết đã từng chứng kiến một câu chuyện thương tâm khi người mẹ già vừa qua đời còn chưa an táng thì con cái đã hùng hổ tranh nhau phân chia gia sản, chỉ vì đối với họ đó là những giá trị quá to lớn, cho dù chính bản thân mỗi người bọn họ cũng đã sở hữu không ít những tài sản kếch sù. Họ làm thế chính là vì cái tâm lý “thấy lợi muốn chia phần”. Nhưng họ không hề biết rằng tất cả những giá trị vật chất họ đang nhìn thấy đó, tưởng chừng như rất thật, rất cụ thể, thì lại là những giá trị hoàn toàn vô nghĩa mà không ai trong bọn họ có thể mang theo sau hơi thở cuối đời. Hơn thế nữa, không ai có thể đảm bảo rằng chúng sẽ luôn ở lại với họ mà sẽ không ra đi theo cách này hoặc cách khác... Chỉ cần một trong các đứa con của họ mắc bệnh nan y chẳng hạn, thì bấy nhiêu tài sản đó sẽ dễ dàng chuyển hóa tất cả thành chi phí thuốc men và phẫu thuật, để rồi cả gia đình sẽ rơi vào trắng tay trong một sớm một chiều... Những điều đó đều có thể xảy ra mà không ai biết trước được.
Nhưng trong khi chạy theo những giá trị bấp bênh giả tạm, những người con tranh chấp nhau ấy đã trở thành những con người máu lạnh, vô đạo đức khi trơ lỳ trước cái chết của người mẹ già, chỉ còn quan tâm tới mối lợi mà họ nghĩ mình cần phải được chia phần. Kẻ đứng ngoài sáng suốt hẳn ai ai cũng cười chê điều đó, nhưng nếu không luôn có sự tâm niệm trong lòng, một khi những điều tương tự xảy đến với chúng ta thì sao... Ai mà biết được?
Cho nên, “thế lợi bản không” là điều mà chúng ta phải luôn suy ngẫm. Có nhận thức rõ ràng được điều này thì mới có thể thản nhiên đối diện với mọi cám dỗ vật chất. Bằng không, những giá trị vật chất lớn lao bao giờ cũng sẽ là những sự thôi thúc, thu hút sự chú ý và tham muốn của chúng ta đến độ khó lòng kiểm soát được.
Giá trị vật chất vốn không thường tồn, nhưng một khi khởi tâm tham muốn chúng thì phiền não lập tức khởi sinh. Đó là điều ta cần thấy rõ để ngăn ngừa từ lúc chưa sinh khởi. Tai hại của những hành vi thúc đẩy bởi tâm tham lam thì ai trong chúng ta cũng đều rõ biết, nhưng tai hại do những phiền não khởi sinh từ sự tham muốn đó lại là điều ẩn tàng khó thấy. Một khi tâm tham đã khởi, nó sẽ dần dần kéo theo trong ta nhiều tâm niệm phiền não khác như sự lo lắng, sự nôn nao, sự bất mãn, sự oán giận, sự bực tức... Tùy theo diễn tiến khác biệt của tình huống có cho phép ta giành được mối lợi mình đang tham muốn đó hay không mà đủ loại tâm trạng phiền não sẽ theo nhau sinh khởi, khiến ta không còn bất kỳ một phút giây an ổn, thanh thản nào nữa cả.
Và chính vì những tổn hại như vừa kể trên, nên lời khuyên khôn ngoan nhất cho tất cả chúng ta chính là “thấy điều lợi đừng mong chia phần”.
Mong sao những chia sẻ trên đây có thể mang lại được ít nhiều lợi lạc cho người đọc.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.239.0 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập