Hầu hết chúng ta khi nói đến chuyện tu tập thì thường nghĩ ngay đến các vị xuất gia. Người cư sĩ tại gia, nhất là những người còn trẻ, cho dù có sự nỗ lực tu tập cũng thường có tâm lý ngại ngùng khi có ai gọi mình là người tu, có lẽ vì họ nghĩ mình không xứng đáng.
Thật ra, ý nghĩa của hai chữ tu tập cũng rất đơn sơ, không quá cao xa như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu chúng ta hiểu tu là sửa chữa, tập là làm quen với những gì chưa thông thuộc, thì tu tập chính là công việc mà chúng ta phải thực hiện mỗi ngày cho đến suốt đời, bất kể chúng ta có là tín đồ của một tôn giáo nào hay không. Bởi theo khuynh hướng chung thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều mong muốn bản thân mình ngày càng tốt đẹp hơn, và đó chính là động lực cũng như nhu cầu buộc chúng ta phải không ngừng tu tập.
Trong đời sống thường nhật, ngay cả những công cụ làm việc của chúng ta, trải qua thời gian cũng phải tu sửa mới có thể sử dụng tốt. Nhà cửa, đường sá... lâu ngày không tu sửa cũng sẽ hư hỏng, xuống cấp. Đời sống tinh thần của chúng ta lại càng quan trọng hơn nữa, thường xuyên bị những cám dỗ, thôi thúc của các tâm hành xấu ác như tham lam, sân hận... làm cho hư hỏng. Nếu không thường xuyên tu tập, chắc chắn chúng ta sẽ ngày càng trở nên người xấu xa hơn, đáng sợ hơn. Nếu nhận thức được điều này, chúng ta mới thấy được sự tu tập là cần thiết như thế nào trong cuộc sống.
Và như vậy, tu tập không nhất thiết có nghĩa là phải đến chùa hay phải sống cách biệt với người đời. Mặc dù những môi trường cách biệt, yên tĩnh có thể giúp cho sự tĩnh tâm tu tập được dễ dàng hơn, nhưng ý nghĩa thực tế nhất của sự tu tập lại chính là ngay trong đời sống thường nhật của mỗi chúng ta. Nhờ có ý muốn tu tập chúng ta mới có được khả năng nhìn lại chính mình, thấy được những điểm chưa tốt để sửa chữa, thấy được những điều không phải để bỏ dần đi. Không có ý hướng tu tập thì cho dù bản thân ta khiếm khuyết, xấu xa đến mức nào đi nữa, ta cũng không có khả năng tự biết được điều đó. Đây chính là lý do vì sao những người xấu ác rất dễ lún sâu vào tội lỗi ngày càng nặng nề hơn mà không hề nghĩ đến chuyện cải hối. Chỉ có năng lực của sự tu tập đúng hướng mới có thể giúp ta làm được điều đó.
Nhưng phải tu tập như thế nào? Trong thực tế, việc tìm được một phương thức đúng đắn, một con đường tu tập hiệu quả để đi theo cũng không phải là điều dễ dàng. Các khái niệm về chuẩn mực hay hay luân thường đạo lý thường mơ hồ và được diễn giải khác nhau ở mỗi người hay mỗi cộng đồng. Tuy nhiên, người Phật tử rất may mắn khi có được những tiêu chuẩn rất đơn giản, dễ hiểu nhưng vô cùng chính xác để thiết lập cho mình một con đường tu tập hiệu quả. Đó chính là năm giới của người cư sĩ tại gia mà đức Phật đã chế định. Xin mời quý vị tìm hiểu chi tiết về năm giới ở đây.
Chỉ cần thường xuyên giữ theo năm giới một cách nghiêm cẩn, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thiện được bản thân mình. Hơn thế nữa, năm giới có thể mang đến cho chúng ta cuộc sống an vui, giảm thiểu đến mức thấp nhất mọi xung đột với môi trường chung quanh, và đồng thời cũng khuyến khích ta ngày càng gieo cấy được nhiều hơn những nghiệp lành.
Người Phật tử giữ theo năm giới thì không nói dối. Chỉ riêng một điều này thôi đã có thể là một cuộc cách mạng vĩ đại không chỉ cho cá nhân chúng ta mà còn là cho cả nhân quần xã hội. Bạn bè dối gạt nhau là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến xung đột. Vợ chồng dối gạt nhau thì hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Lối xóm láng giềng dối gạt nhau thì tình cảm không còn. Trong một xã hội mà mọi người thường xuyên nói dối, chắc chắn niềm tin vào nhau sẽ không còn và cuộc sống luôn phải đề phòng lẫn nhau sẽ không thể nào an vui, hạnh phúc. Cuối cùng, khi các chính trị gia, các nhà cầm quyền thường xuyên nói dối với người dân, thì xã hội đó chắc chắn sẽ không bao giờ có thể phát triển tốt đẹp, bởi những khuyết điểm và sai lầm sẽ luôn bị che lấp thay vì nêu ra để khắc phục, sửa chữa. Vì thế, có thể nói mà không sợ sai lầm rằng xã hội nào có nhiều sự dối trá nhất sẽ luôn là một xã hội tồi tệ nhất và nếu không từ bỏ sự dối trá thì sẽ không có hy vọng gì cải thiện.
Người Phật tử giữ theo năm giới cũng sẽ không uống rượu. Chỉ riêng một điều này thôi cũng có thể mang lại hạnh phúc và tránh được khổ đau cho hàng triệu gia đình. Rượu bia dẫn đến vô số các tệ nạn, các hành vi xấu xa do không tự kiểm soát được lý trí, và trong số đó thường được nhắc đến nhiều nhất là lái xe gây tai nạn. "Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho hay, trong 4 ngày nghỉ lễ (29/4 - 2/5/2017) cả nước xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, khiến 98 người tử vong; 90 người bị thương." Và nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông luôn được ghi nhận là do có uống rượu bia trước khi lái xe! Gần 200 con người tử vong và thương tật chỉ trong 4 ngày, đồng nghĩa gần 200 gia đình sẽ gánh chịu khổ đau mất mát suốt đời không thể nào bù đắp. Nếu mọi người đều giữ giới không uống rượu, điều này hẳn đã không xảy ra hoặc ít nhất cũng sẽ được hạn chế.
Người Phật tử giữ giới cũng sẽ không trộm cắp hoặc tìm phương cách bất chính để chiếm hữu tài sản của người khác. Chỉ riêng điều này thôi cũng có thể mang lại chuyển biến hết sức lớn lao cho toàn xã hội. Con người trải qua bao thế hệ đều làm khổ nhau cũng vì lòng tham. Tài sản thất thoát do bị chiếm đoạt bởi những phương cách bất chính lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta cần để có một cuộc sống vừa đủ. Một gia đình nghèo ở thôn quê VN chỉ cần khoảng 5 triệu VND mỗi tháng đã có thể sống vô cùng hạnh phúc, nhưng mỗi vụ tham nhũng được công bố trên báo chí có thể lên đến vài ba ngàn tỷ đồng! Sẽ hạnh phúc cho xã hội biết bao nếu mọi người đều giữ giới này, vì như thế sẽ không còn tham nhũng.
Trên bình diện cá nhân, việc từ bỏ ý niệm tham lam muốn chiếm hữu tài sản của người khác sẽ giúp chúng ta có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn, đối trị được với nhiều cám dỗ trong cuộc sống. Nhờ đó, ta có thể hoàn thiện bản thân mà không sa ngã vào những con đường bất chính.
Người Phật tử giữ giới cũng sẽ không tà dâm, không tơ tưởng những chuyện trăng hoa gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đời sống tình dục lành mạnh có tiết chế sẽ giúp bảo vệ cả sức khỏe lẫn hạnh phúc gia đình, đảm bảo nuôi dạy tốt con cái. Giới này như một tấm áo giáp bảo vệ chúng ta luôn chống lại được sự sa đọa do thôi thúc của tham dục.
Người Phật tử giữ giới cũng sẽ không giết hại, không làm bất cứ điều gì gây thương tổn đến đời sống của người khác hay mọi sinh vật khác. Cuộc sống sẽ bình an biết bao nếu mọi người đều biết tôn trọng sự sống, không làm tổn thương đến nhau. Hơn thế nữa, môi trường quanh ta cũng sẽ không bị tàn hại bởi những sự giết chóc, tàn phá phi lý chỉ vì lòng tham lam của con người. Mỗi ngày có hàng triệu sinh linh bị giết hại một cách đau đớn để cung cấp miếng ăn cho con người, đó cũng chỉ vì có những người không hề biết đến điều giới này!
Cho nên, người Phật tử thọ trì được năm giới cấm này là một sự may mắn rất lớn lao, bởi đó là con đường tu tập trước hết và trên hết. Nhiều bạn trẻ thao thức tìm đến tôi để hỏi về con đường tu tập giải thoát, nhưng khi tôi nói về năm giới cấm này thì các bạn thường ngỡ ngàng, bối rối. Đó là vì các bạn luôn nghĩ tu tập giải thoát phải là vấn đề gì đó rất cao siêu, rất phức tạp, chỉ những bậc đại sư trí tuệ mới hiểu được để chỉ dạy cho chúng ta. Vâng, tôi không phủ nhận còn có vô số pháp môn cao siêu phải tu tập hành trì nếu các bạn muốn đạt đến sự giác ngộ viên mãn như đức Phật, nhưng trước hết và trên hết, các bạn phải thấu hiểu và thọ trì thật nghiêm cẩn năm giới cấm này. Không giữ theo năm giới, thì dù có tu tập theo pháp môn nào, có tụng đọc bao nhiêu kinh điển cũng chỉ là xây nhà trên cát mà thôi.
Và con đường tu tập đơn sơ nhưng căn bản là giữ theo năm giới thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể làm theo, cũng có thể vận dụng ngay vào cuộc sống thường nhật của mình. Nhưng dù đơn sơ đến thế, đây vẫn là con đường mà chúng ta phải nương theo đến suốt cuộc đời, bởi như tôi đã nói, tu tập là một tiến trình không bao giờ dừng nghỉ.