Điều tâm niệm thứ năm trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指) nói rằng: Mưu sự bất cầu dị thành (謀事不求易成), và giải thích là: Sự dị thành tắc chí thành khinh mạn (事易成則志成輕慢).
Cả hai câu này được Hòa thượng Trí Quang gồm chung để dịch thành một ý là: “Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường, kiêu ngạo.”
Chữ mưu (謀) trong Hán văn mang nghĩa là tính toán, sắp xếp, lên kế hoạch trước để thực hiện một điều gì. Vì thế, lời khuyên ở đây là một sự chuẩn bị tâm lý trước khi vào việc. Chúng ta đều biết, một tâm lý được chuẩn bị tốt có thể góp phần đáng kể cho thành công của sự việc. Có thể hiểu ý điều tâm niệm thứ năm này là: “Mưu tính sự việc không mong dễ thành, vì việc dễ thành ắt chí hướng thành khinh mạn.”
Thật ra, trong thực tế thì mỗi khi mưu tính thực hiện một điều gì, tất cả chúng ta đều mong cho được dễ dàng thuận lợi, không ai mong muốn gặp phải khó khăn trở ngại. Thế nhưng, điều quan trọng cần thừa nhận ở đây là, những mong muốn như thế thường rất hiếm khi trở thành hiện thực. Trở ngại trong công việc là điều tất yếu xảy ra, mà trong hầu hết trường hợp còn có thể là những trở ngại ngoài dự tính. Do đó, nếu từ đầu ta đã khởi tâm mong cầu mọi việc dễ dàng thành tựu, thì hệ quả tất nhiên của điều đó là ta sẽ không thực sự sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trở ngại khi chúng xảy đến. Một sự chuẩn bị tâm lý như thế trước khi đối mặt với khó khăn thường là một bất lợi lớn lao chứ không phải là thuận lợi. Ngược lại, khi đã lường trước mọi khó khăn trở ngại, chúng ta sẽ sẵn sàng đối phó, vượt qua, và nếu khó khăn không thực sự xảy ra thì sự thành tựu lại càng dễ dàng hơn chứ không có gì bất lợi.
Đây là một thực tế rất quan trọng. Các vận động viên trước khi tham gia thi đấu cũng đều được chuẩn bị tâm lý phải vượt qua nhiều chướng ngại, thách thức. Họ tuyệt đối không được xem thường những khó khăn trong thi đấu cũng như các đối thủ của mình. Một tâm lý dể duôi khi bước vào thi đấu nhất định sẽ phải trả giá đắt bằng sự thất bại không đáng có. Ngược lại, một tâm lý chuẩn bị đối mặt với khó khăn thường giúp ta đến gần với chiến thắng hơn.
Mặt khác, tâm lý kiêu căng, xem thường người khác bao giờ cũng là một chướng ngại che mờ trí phán đoán của chúng ta trước hiện thực. Dưới mắt nhìn của một người kiêu ngạo thì mọi đối thủ đều có vẻ như tầm thường, không đáng sợ, ngay cả khi họ là những người có năng lực vượt trội. Với sự che chướng của lòng kiêu ngạo, ta khó lòng nhìn ra được những điểm ưu việt nơi người khác, càng không thể đánh giá đúng về những khó khăn chướng ngại mà mình sẽ phải vượt qua. Kết quả tất yếu của điều này là khả năng ứng phó của ta sẽ giảm sút rất nhiều khi thực sự đối mặt với khó khăn, và do đó mà tỷ lệ thành công hay chiến thắng cũng không thể khả quan.
Điều rất thường xảy ra trong thực tế là chính những cơ hội thành công dễ dàng sẽ nuôi lớn trong lòng ta khuynh hướng kiêu căng, xem thường người khác. Cho nên, khi ta nói “Thất bại là mẹ thành công” thì điều đó cũng hàm ý ngược lại, rằng những thành công dễ dàng có thể là nguyên nhân đưa ta đến thất bại trong tương lai. Vì sao vậy? Chính là vì khuynh hướng kiêu căng, xem thường người khác đã được khởi sinh và nuôi dưỡng từ những cơ hội thành công quá dễ dàng.
Như vậy, chúng ta nên hiểu điều tâm niệm thứ năm này như một lời khuyên về sự chuẩn bị tâm lý thích hợp thay vì là một phương thức đối phó với khó khăn trở ngại. Và tâm lý thích hợp đó chính là sự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khó khăn thách thức, để có thể nỗ lực thực hiện tốt nhất trong khả năng hiện có của mình. Và quan trọng hơn nữa, chính tâm lý thích hợp này sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa sự sinh khởi và phát triển của lòng kiêu mạn ngay cả khi mọi việc ta làm đều được thành tựu một cách dễ dàng. Thất bại trong mưu tính sự việc trước mắt chỉ là tác hại nhất thời, mà việc nuôi lớn khuynh hướng kiêu căng xem thường người khác lại là mối nguy hại lâu dài về sau. Điều thú vị là theo phân tích ở đây, để có thể ngăn ngừa, hạn chế cả tác hại nhất thời cũng như mối nguy hại lâu dài về sau, ta chỉ cần ghi nhớ thực hiện theo điều tâm niệm này: “Mưu tính sự việc không mong dễ thành.”
Trong phần tiếp theo của bản Hán văn còn giải thích thêm một hàm ý sâu xa hơn nữa. Bản văn chép rằng: “Chí khinh mạn tất xưng ngã hữu năng.” (Trong lòng khinh mạn thì nghĩ rằng mình thật có tài năng. - 志輕慢必稱我有能) Và một đoạn sau đó nói tiếp: “Lượng sự tùy tâm, thành sự tùy nghiệp, sự bất do năng.” (Lo lường sự việc là do trong lòng ta, thành tựu sự việc tùy thuộc nghiệp duyên, nên sự thành tựu ấy chẳng phải chỉ riêng do năng lực của mình.” - 量事從心, 成事 隨業, 事不由能)
Cách lý giải ở đây khá rõ ràng, không còn gì phải nghi ngờ. Khi có khuynh hướng kiêu căng xem thường người khác, thì dù muốn dù không ta cũng chắc chắn sẽ rơi vào chỗ tự đề cao năng lực của bản thân mình. Và như một vòng luẩn quẩn, càng đề cao năng lực bản thân mình, ta lại càng nuôi lớn sự kiêu căng xem thường người khác. Ảo tưởng này sớm muộn gì cũng sẽ bị phá tan đi bởi những thất bại đau đớn, nặng nề đang chờ đợi ta ở phía trước, bởi sự kiêu căng không bao giờ là một lợi thế trong công việc, mà chỉ có thể là nguyên nhân đẩy ta đến gần hơn với thất bại mà thôi.
Bản văn đưa ra một cách nhận thức về sự việc để có thể đối trị với khuynh hướng nguy hại này: “Lo lường sự việc là do trong lòng ta, thành tựu sự việc tùy thuộc nghiệp duyên, nên sự thành tựu ấy chẳng phải chỉ riêng do năng lực của mình.” Những ai chưa thực sự hiểu được giáo lý nhân duyên, nghiệp quả trong đạo Phật sẽ rất dễ rơi vào cách hiểu sai lầm cho rằng đây là một nhận thức mang tính tiêu cực. Nhưng hãy nhìn mọi sự việc một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy ngay rằng đó là một nhận thức đúng thật, hoàn toàn thực tế. Người xưa thường nói: “Luận anh hùng bất phân thành bại” chẳng phải cũng là một ý như vậy đó sao? Ngay cả khi ta có đủ khả năng vượt trội tưởng chừng như có thể hoàn thành sự việc một cách hết sức dễ dàng, thì trong thực tế sự việc ấy có thành tựu hay không lại còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố tác động khác. Ngược lại, có những người tưởng như chẳng có mấy chút thực tài, nhưng lại liên tục gặt hái hết thành công này đến thành công khác, dường như chỉ hoàn toàn nhờ vào hoàn cảnh thuận lợi, thật chẳng khác nào như tục ngữ thường nói “Chó ngáp táp nhằm ruồi”.
Nói như thế là để nhận ra một thực tế rằng sự việc thành tựu không chỉ hoàn toàn do nơi năng lực của bản thân ta. Sự việc dù lớn hay nhỏ cũng đều là một thực trạng có liên quan đến nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác. Nếu tất cả những điều kiện, hoàn cảnh đều bất lợi, cho dù ta có tài năng vượt trội cũng không thể nào đạt được thành công. Cũng giống như người nông dân giàu kinh nghiệm, có sức lao tác khổ nhọc, nhưng gặp khi mưa nắng thất thường hoặc trời khô hạn thì vụ mùa cũng không thể nào thu hoạch được như ý muốn. Ngược lại, với kẻ lười nhác chỉ làm qua quýt cho xong việc, nhưng gặp khi mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi, nên dù không khó nhọc mà vẫn được bội thu. Những thực tế trái ngược như vậy quả thật không phải là hiếm thấy trong cuộc sống.
Và nhận thức đúng thật như thế sẽ giúp phá trừ đi khuynh hướng kiêu mạn rất dễ phát sinh trong lòng ta mỗi khi có được sự thành công dễ dàng. Khi hiểu được tài năng của bản thân ta chỉ là một trong các yếu tố đóng góp vào sự thành tựu của sự việc, ta sẽ không quá tự mãn về năng lực bản thân. Thay vì vậy, ta sẽ nhận thức một cách khách quan hơn về những yếu tố thuận lợi đã giúp ta thành tựu sự việc, và những hiểu biết này sẽ mang lại kinh nghiệm quý giá cho ta trong tương lai. Khi lòng kiêu ngạo được phá trừ và bài học kinh nghiệm được bồi đắp, đó sẽ là những nguyên nhân thiết thực bảo đảm cho sự thành công tiếp tục trong tương lai.
Một sự việc còn chưa thực hiện thì điều tất nhiên là không ai có thể biết trước được sẽ gặp khó khăn hay dễ dàng, nhưng việc chuẩn bị một tâm lý thích hợp và một nhận thức đúng đắn như trên là điều hoàn toàn có thể làm được. Khi chúng ta luôn ghi nhớ trong lòng điều tâm niệm thứ năm này thì những khó khăn trong cuộc sống sẽ không làm ta thối chí, mà những thuận lợi dễ dàng cũng không làm cho ta trở nên kiêu mạn khinh người. Đây cũng chính là một nguyên tắc vàng trong thuật xử thế của ông cha ta ngày xưa, đã được đưa vào câu tục ngữ quen thuộc: “Thắng không kiêu, bại không nản.” Do đó, điều quan trọng trên đường đời không phải là những kết quả thắng thua, thành bại, mà chính là cần phải luôn ghi nhớ tâm niệm:
“Mưu tính sự việc không mong dễ thành.”