Có người hỏi: “Người đời muốn theo việc tu tập cũng nhiều,
nhưng phát nguyện ăn chay chẳng giống nhau. Có người phát
nguyện ăn chay ba năm, có người trọn một năm, có người
nguyện ăn chay tháng giêng, tháng năm, tháng chín, lại có
người ăn chay tháng giêng, tháng bảy, tháng mười; hoặc có kẻ
ăn chay trong ngày Phật đản; hoặc có người ăn chay mỗi tháng
mười ngày, hoặc sáu ngày; lại cũng có người ăn chay vào các
ngày rằm, mồng một, hoặc mồng tám, mười tám và hai mươi tám.
Trong số những người phát nguyện ăn chay như thế, có nhiều
người trước khi bắt đầu ăn chay lại giết súc vật hoặc mua
thịt về làm tiệc trước lúc ăn chay, no say thỏa thích một
bữa để hôm sau bắt đầu ăn chay. Rồi đến khi kỳ hạn phát
nguyện ăn chay còn chưa dứt, lại làm việc giết hại súc vật
hoặc mua thịt về chuẩn bị làm tiệc phá trai. Việc ấy thế
nào?”
Đáp: “Sự phát tâm như vậy tất nhiên là tốt đẹp. Chỉ vì không
hiểu rõ lý chân thật, không biết rằng việc ăn chay chính là
vì để tránh giết hại sanh mạng. Sao vậy? Phước chưa tu mà đã
phạm tội trước, việc thiện chưa tròn mà việc ác lại tăng
thêm? Những kẻ hành động rối loạn xằng bậy như vậy sao có
thể gọi là trai giới? Đừng nói chẳng được công đức mà e là
còn thêm tội lỗi. Nếu có thể hết lòng ăn chay niệm Phật lâu
ngày, chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh độ. Bằng chẳng như
vậy, phải chịu luân hồi như cũ. Rồi trong những kiếp sắp tới
sẽ phải trải qua đủ điều tội, phước, khổ, vui.
“Vì sao vậy? Khi phải chịu khổ não, hoạn nạn, ấy là quả báo
của tội giết hại. Khi được hưởng phước lộc, vui vẻ, đó là
quả báo của việc ăn chay làm thiện. Nếu ông chẳng tin lời
ta, có thể tự nghiệm thấy trước mắt có bốn hạng người khác
nhau. Có hạng người được hưởng đủ phước lộc và sống lâu; có
hạng người được hưởng phước mà không sống lâu; có hạng người
không được hưởng phước nhưng sống lâu; và có hạng người
chẳng được hưởng phước, cũng chẳng được sống lâu.
Người kia thưa rằng: “Tôi có chỗ chưa rõ về bốn hạng người
ấy, xin thầy dạy cho.”
Đáp: “Trong đời này, người được hưởng đủ phước lộc và sống
lâu là nhờ đời trước đã bố thí và trai giới. Người được
hưởng phước mà không sống lâu là vì xưa kia có bố thí nhưng
chẳng tránh việc giết hại. Người không được hưởng phước
nhưng sống lâu là vì thuở trước có trì trai mà chẳng làm
việc bố thí. Kẻ chẳng được hưởng phước, cũng chẳng được sống
lâu là do đời trước tham lam, keo lận và giết hại chúng
sanh.”
Lại nói: “Chỗ nghi ngờ ấy đã dứt, xin hỏi thêm một việc nữa.
Ở đời có những kẻ tu công đức để cầu sống lâu, hoặc có những
kẻ làm Phật sự cầu siêu độ vong linh, nhưng trước khi làm
công quả lại nghĩ rằng vì cầu thỉnh người giúp việc cho mình
nên phải giết gia súc lấy thịt, bày tiệc rượu thết đãi. Sau
đó, khi công quả chưa rồi lại nói bậy là đóng cửa an thần,
lại giết mổ gia súc và bày tiệc rượu nữa. Việc ấy thế nào?”
Đáp: “Thật đáng thương xót, đau đớn thay cho những kẻ mê
muội ấy! Ví như có người bị máu làm dơ mình, lại dùng máu để
rửa thì có sạch được chăng? Những người ấy không biết lẽ
nhân quả nên ngược lại càng làm tăng thêm tội lỗi và khổ não
cho cả người sống lẫn người chết.
“Cho nên, trong tập thơ của Hàn Sơn và Thập Đắc có bài nói
rằng:
Hôm trước vừa làm chay,
Hôm sau giết súc vật.
Một đường lên cõi lành,
Trăm nẻo xuống địa ngục.
“Than ôi! Công đức của việc ăn chay chưa được một phần, mà
tội giết hại đã đủ trăm phần! Làm như vậy thì sao có thể đạt
được lợi ích, sao có thể khiến cho cho người sống được hưng
thịnh, người chết được siêu độ? Nếu thật tu công quả thì đến
rượu cũng không được phá giới mà uống, huống chi lại còn làm
việc giết hại, ăn thịt?
“Về lẽ nhân quả liên quan đến kinh Kim Quang Minh, có tích
xưa kể lại rằng: ‘Triều Nam Tống, vào khoảng niên hiệu Thiệu
Hưng (1131 - 1161), ở đất Hoài Âm có một người con gái nhà
dân nghèo qua đời. Nghèo khó không lấy gì làm tuần thất, bà
mẹ liền cắt mái tóc đem bán được sáu trăm đồng tiền, định
dùng thỉnh Tăng đến làm Phật sự siêu độ cho con. Bỗng có năm
thầy tăng đi ngang qua, bà liền ra rước vào nhờ tụng kinh
siêu độ. Ban đầu, các thầy đùn đẩy mãi cho nhau, chẳng ai
chịu nhận, hồi lâu mới có một thầy đồng ý. Bà lão chạy sang
các nhà hàng xóm, hỏi mượn được một bộ kinh Kim Quang Minh.
Thầy tụng kinh xong, hồi hướng và tựu trai rồi đi.
“Trên đường gặp lại bốn thầy tăng trước đó, cả năm người
cùng vào quán rượu mà ngồi. Bỗng nghe ngoài cửa có tiếng kêu
lớn rằng: ‘Thầy tăng vừa mới tụng kinh, xin đừng uống rượu!’
Thầy tăng liền hỏi: ‘Ai đó?’ Liền nghe có tiếng khóc và đáp
rằng: ‘Tôi là đứa con gái đã chết vừa được thầy tụng kinh
siêu độ. Tôi bị trầm luân sa đọa, nay nhờ công đức khóa kinh
của thầy mà được thoát tội siêu sanh. Bây giờ nếu thầy uống
rượu, phá trai giới, ắt tôi sẽ bị đọa lạc như trước.’ Nói
xong liền biến mất. Thầy tăng hổ thẹn, ra đi. Về sau, cả năm
thầy tăng ấy đều nghiêm trì trai giới, niệm Phật tham thiền,
đều được đắc quả, chứng Bồ-đề, làm bậc sáng suốt lỗi lạc
trong hai cõi trời, người.
“Ôi! Đó quả thật là một hồn ma mà độ được năm thầy tăng.
Nhân quả đã rõ rệt như vậy, há nên ăn thịt uống rượu hay
sao? Nếu chẳng trai giới tinh ngiêm, công quả cũng thành ra
vô ích!