Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Quy nguyên trực chỉ »» 4. Luận về Tam giáo một cách công bằng »»

Quy nguyên trực chỉ
»» 4. Luận về Tam giáo một cách công bằng

Donate

(Lượt xem: 6.453)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Quy nguyên trực chỉ - 4. Luận về Tam giáo một cách công bằng

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Tại Trung Hoa có Tam giáo. Từ vua Phục Hy vạch ra tám quẻ mà Nho giáo khởi thủy; từ đức Lão tử soạn ra Đạo đức kinh mà Đạo giáo khởi thủy; từ Hán Minh đế mộng thấy người vàng mà Phật giáo khởi thủy. Đó là sự tuần tự xuất hiện của Tam giáo tại Trung Hoa.

Về đại thể, Nho giáo lấy sự chánh trực mà lập giáo; Đạo giáo lấy chỗ tôn kính mà mở đạo; Phật giáo lấy sự quan trọng lớn lao nhất mà dạy người.

Nếu xét ở những điểm như chuộng đức hiếu sanh, ghét sự giết hại, thì cũng đồng với một đức nhân; đối đãi với người khác như với chính mình, thì cũng đồng một lẽ công bằng; kiềm chế sân hận, giảm bớt tham muốn, ngăn ngừa những sự lỗi lầm, sai trái, thì cũng đồng một nghĩa giữ gìn phẩm hạnh, tu sửa thân tâm. Nổ tiếng sấm lớn giữa đám người điếc, hiện mặt trời sáng giữa đám người mù, thì cũng là đồng một phong hóa vậy.

Theo chỗ đại lược mà nói thì lý lẽ trong thiên hạ không ngoài hai đường thiện ác, mà chủ ý của Tam giáo cũng không ngoài việc khiến cho người ta theo về đường thiện. Cho nên Hoàng đế Hiếu Tông ngự chế bài Nguyên đạo biện có đoạn rằng: “Dùng Phật giáo mà tu sửa tâm, dùng Đạo giáo mà tu sửa thân, dùng Nho giáo mà tu sửa cách ứng xử với đời.” Như vậy thật là biết tâm, biết thân, biết ứng xử. Trong ba điều ấy, chẳng nên bỏ điều nào mà chẳng tu sửa. Và trong ba đạo ấy, lẽ nào có thể bỏ đi một đạo nào?

Cư sĩ Vô Tận soạn bài Hộ pháp luận có nói rằng: “Nho giáo chữa bệnh da thịt, Đạo giáo chữa bệnh huyết mạch, Phật giáo chữa bệnh xương tủy.” Thật là biết da thịt, biết huyết mạch và biết xương tủy vậy. Trong ba thứ ấy, chẳng nên bỏ thứ nào mà chẳng liệu trị. Và trong ba đạo ấy, lẽ nào có thể bỏ đi một đạo nào mà không thực hành?

Nho giáo giữ cho cang thường ngay thẳng, nhân luân sáng tỏ; lễ, nhạc, hình, chánh, bốn phép ấy đều có được không sai lệch; trời đất, muôn vật phân rõ trật tự, sanh trưởng tốt đẹp. Thật có công với thiên hạ lớn thay! Cho nên Tần Thủy Hoàng muốn bỏ đạo Nho mà rốt cùng đạo Nho không thể bỏ!

Đạo giáo dạy người dùng đức trong sạch rỗng rang mà ngăn giữ lấy mình, luôn giữ sự khiêm cung, nhún nhường, trừ hết những thói tật rối ren, lộn xộn từ lâu ngày mà theo về cảnh giới vô vi tịch mịch. Thật là rất có ích cho sự giáo hóa người đời! Cho nên Lương Võ Đế muốn trừ Đạo giáo mà rốt cùng Đạo giáo chẳng bị trừ!

Phật giáo dạy người dứt bỏ vẻ ngoài hoa mỹ mà đạt đến sự thành thật, lìa sự giả dối mà quay về chân chánh, nhờ gắng sức tu tập mà đạt đến chỗ an nhiên tự tại, nhờ được lợi mình mà đạt đến chỗ ích lợi cho kẻ khác. Thật là chỗ cho người đời quay nương dựa vững chắc thay! Cho nên ba vua Võ muốn diệt Phật mà rốt cùng Phật chẳng bị diệt!

Đời Tùy, Lý Sĩ Khiêm trong bài Tam giáo luận có viết: “Phật là mặt trời, Đạo là mặt trăng, Nho là năm ngôi sao sáng. Trên bầu trời phải có đủ ba loại ánh sáng ấy, không thể thiếu một. Trong thế gian phải có đủ Tam giáo, không thể thiếu một. Tuy có chỗ hơn kém khác nhau, nhưng đâu có thể vì thiên lệch chẳng dung mà phế bỏ được sao?

Nhưng vì người đời tâm ý khác nhau, quan điểm khác nhau, nên kẻ mộ Đạo giáo thì bảo rằng Phật chẳng đáng tôn kính như Đạo, còn kẻ theo Phật lại nói rằng Đạo chẳng lớn lao như Phật, rồi nhà Nho tự mình hành xử theo lẽ chánh trực, lại bài xích cả Đạo giáo và Phật giáo mà cho là dị đoan. Chuyện thị phi phải quấy chỉ tổ làm rối loạn lòng người, dù qua trăm ngàn năm cũng vẫn như vậy mãi!

Nay tôi muốn phân biện cho rõ những lẽ này, quyết chẳng đem lòng riêng tư mà luận, chẳng đem lòng yêu ghét mà luận, chỉ lấy tâm công bằng mà cứu xét những chỗ thành tựu cao nhất của mỗi đạo, như vậy mới có thể làm cho hết thảy những thành kiến vốn có đều tan rã như băng tuyết dưới nắng.

Chỗ thành tựu cao nhất là nói đến chỗ kết quả cuối cùng đạt được. Trong thiên hạ, mỗi sự việc đều có chỗ thành tựu cao nhất. Chân lấm tay bùn là việc của người làm ruộng, đến khi lúa thóc đầy bồ, đó là chỗ thành tựu cao nhất của người làm ruộng. Lặn lội đường xa, dầm sương dãi năng là việc của người đi buôn, đến khi vàng bạc đầy đủ, đó là chỗ thành tựu cao nhất của người đi buôn.

Tam giáo cũng vậy. Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đều có những chỗ thành tựu cao nhất của mỗi đạo. Dựa vào chỗ thành tựu cao nhất mà xét chỗ hơn kém thì không cần biện luận cũng có thể thấy rõ ngay.

Chỗ giáo hóa của đạo Nho, từ một người mà đến một nhà, từ một nhà cho đến một nước, từ một nước cho đến khắp bốn biển, rồi đầy khắp sáu phương, có thể gọi là giữ gìn khuôn thước mà thi hành rộng rãi. Còn như ở ngoài bốn biển, sáu phương thì làm sao? Thuyết của Nho giáo dạy rằng: tận cùng hai phương đông, tây là bốn biển. Nên chỗ xa nhất chẳng qua chỉ là bốn biển, biết đến đó thì ngừng chứ không còn chỗ nào xa nữa. Chỗ biết của nhà Nho là như vậy đó.

Cho nên, kẻ học Nho thì tu tâm dưỡng tánh, theo đường nhân nghĩa, thuần giữ trọn theo lẽ đạo, làm một con người hoàn toàn tốt đẹp, rồi từ đó mới thực hành công việc, dựng lập sự nghiệp, có thể dốc sức giúp vua, làm lợi ích muôn dân, khiến cho quốc gia được an ổn, nước nhà được hưng thịnh, giúp ích xã tắc, giúp việc giáo hóa muôn dân mà dốc sức vì sự thái bình, đem trọn cuộc đời để thành tựu sự nghiệp, lưu danh trong sử sách. Chỗ thành tựu cao nhất của nhà Nho đến đó là cùng. Tăng tử nói: “Lấy cái chết làm mốc cuối cùng, chẳng phải là xa lắm sao?” Cho nên nhà Nho xem cái chết là cuối cùng rồi vậy.

Chỗ thuyết dạy của Đạo giáo thì từ nơi tự thân mà cảm thông được tận chốn mịt mù, từ nơi nhân gian mà vượt thấu đến cõi trời cao, từ chốn núi rừng hang hố mà lần cho đến cõi mịt mù giăng bủa, lầu gác cao vời, có thể gọi là siêu phàm nhập thánh. Còn như ở ngoài cõi trời đất vạn vật thì sao? Thuyết của Đạo giáo dạy rằng: “Lớn đến khắp cõi trời, nhỏ như hạt bụi.” Vậy thì chỗ lớn nhất chẳng qua cũng là khắp cõi trời, nghĩa là cũng có giới hạn, mà ngoài cái giới hạn ấy thì không còn biết đến nữa. Chỗ thuyết dạy của Đạo giáo là như vậy.

Cho nên, kẻ học Đạo thì tinh thần chuyên nhất, chỗ động chỗ hợp đều không hình tích, vươn đến chỗ trong sạch, ít ham muốn, bỏ điều cũ, tiếp thu điều mới, tích lũy công hạnh, có thể ra khỏi xác phàm, bay lượn trên không trung, sai khiến quỉ thần làm mưa làm gió, giúp theo tạo hóa mà làm nên những việc huyền diệu, tuổi thọ vô cùng, khoái lạc tự tại. Chỗ thành tựu cao nhất của Đạo giáo đến đó là cùng. Bởi vậy, kinh Huỳnh đình nói: “Sống lâu, nhìn lâu cho đến bay lượn được.” Cho nên, chỗ thành tựu cao nhất của Đạo giáo là đạt đến sự sống lâu.

Theo Phật giáo, một đức Phật xuất hiện thì lấy Tam thiên đại thiên thế giới làm một cõi giáo hóa. Nay chỉ tách riêng một thế giới mà nói. Trong một thế giới có núi Tu-di từ mặt biển mà vươn lên cao khỏi chín từng mây. Mặt trời, mặt trăng xoay quanh lưng núi mà phân ra ngày đêm. Bốn phía núi Tu-di có bốn châu. Phía đông là châu Phất-vu-đại; phía tây là châu Cồ-da-ni, phía nam là châu Diêm-phù-đề, phía bắc là châu Uất-đan-việt.

Trong bốn châu lớn ấy, mỗi châu đều có ba ngàn châu nhỏ. Thế giới này là chính châu Diêm-phù-đề, và nước Trung Hoa là một trong ba ngàn châu của cõi Diêm-phù-đề phía nam này vậy. Đức Thích-ca đản sanh ở Thiên Trúc là khoảng trung tâm của châu này.

Bốn phía núi Tu-di, lên đến gần mặt trời, mặt trăng là cảnh giới của bốn vị Thiên vương. Trên nữa là cảnh giới của vị Đế-thích. Lại trên nữa, giữa chốn hư không xán lạn tự nhiên có bốn tầng trời, đều có mây bao phủ. Hết thảy những cảnh giới vừa kể đều thuộc về một cõi, gọi chung là Dục giới. Lên cao hơn nữa có mười bảy tầng trời, gọi chung là Sắc giới. Lại cao hơn nữa, giữa chốn hư không vô biên có bốn tầng trời, gọi chung là Vô sắc giới.

Trong ba cõi ấy, tất cả chúng sanh đều phải chịu sanh, già, bệnh, chết, như vậy là một thế giới. Một ngàn thế giới như thế tạo thành một Tiểu thiên thế giới; một ngàn Tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới, tức là gồm một trăm vạn thế giới. Lại một ngàn Trung thiên thế giới tạo thành một Đại thiên thế giới, tức là gồm một trăm ức thế giới. Vì theo thứ lớp hình thành có ba bậc nên gọi là Tam thiên Đại thiên thế giới, nhưng thật ra chỉ là một Đại thiên thế giới mà thôi.

Như vậy, trong một Đại thiên thế giới có trăm ức núi Tu-di, trăm ức mặt trời, mặt trăng, trăm ức Bốn cõi thiên hạ. Nếu như dùng một trăm vạn xâu tiền nhỏ, cứ mỗi thế giới chỉ đặt một đồng tiền nhỏ, thì phải dùng hết một trăm vạn xâu tiền ấy mới đặt trọn hết một Đại thiên thế giới. Đó là một cõi giáo hóa của một đức Phật vậy.

Khi mỗi một đức Phật xuất hiện thì trong trăm ức thế giới cũng có trăm ức hóa thân Phật đồng thời xuất hiện. Cho nên, kinh Phạm Võng chép rằng:

Một hoa trăm ức cõi,
Mỗi cõi một Thích-ca.
Đều ngồi cội Bồ-đề,
Thảy đồng thành Phật đạo.

Như vậy, trăm ngàn ức thân Phật Lô-xá-na, trăm ngàn ức Phật Thích-ca, thảy đều tiếp độ chúng sanh nhiều như số hạt bụi nhỏ. Như vậy gọi là trăm ngàn ức hóa thân của Phật. Dùng trăm ngàn ức hóa thân ấy mà hóa độ trăm ngàn ức thế giới, trong đó có các loài sanh ra từ bào thai, sanh ra từ trứng, sanh ra từ chỗ ẩm thấp, hoặc do biến hóa mà sanh ra, gồm đủ các loài không có chân, có hai chân, bốn chân, hoặc nhiều chân, hoặc các loài có hình sắc, không hình sắc; hoặc có tư tưởng, không tư tưởng, cho tới loài chẳng phải có cũng chẳng phải không có tư tưởng, thảy đều được hóa độ. Đó là chỗ giáo hóa của đạo Phật.

Cho nên, người học Phật hiểu được rằng năm uẩn đều là không, thanh lọc sáu căn cho thanh tịnh, xa lìa Mười điều ác, tu hành Mười điều thiện, quán xét Bốn chỗ nhớ nghĩ, thực hành Bốn chánh cần, trừ bỏ Sáu mươi hai tà kiến nên không còn chỗ cho những điều sai lệch, lầm lẫn. dứt hẳn Chín mươi tám điều sai sử nên phiền não không thể làm rối loạn. Thường cẩn trọng giữ gìn ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Thường tu tập hành trì Bốn tâm vô lượng và sáu pháp ba-la-mật.

Trong thời gian tu học thường vì pháp mà quên cả thân mạng, như có thể lột da làm giấy, chích máu làm mực để viết kinh; chặt tay, gieo mình mà tham thỉnh, không chút sợ hãi, nghi ngờ. Hoặc vì chúng sanh mà quên thân mình, như chịu đau đớn mà cắt thịt cho chim ưng; xả bỏ mạng sống, đem thân nuôi cọp đói; cũng chẳng hề lo lắng, sợ sệt. Đối với các thứ như tiền tài, trân bảo, thành quách, cõi nước, vợ con... đều vất bỏ như đôi dép xấu; đối với thân thể, tay chân, đầu mắt, tủy não... đều xả bỏ như xác ve lột ra. Từ đời này sang đời khác, trải qua trăm, ngàn, vạn, ức kiếp mà tâm chẳng thối chuyển, lại ngày càng tinh tấn hơn. Nhờ đó mà trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp được trọn vẹn kết quả, muôn đức hạnh đầy đủ.

Người tu tập thành tựu thì lìa khỏi bốn sự vướng mắc, dứt hẳn trăm điều sai lệch, thông đạt vô số pháp môn, đắc nhập vô số tam-muội, thành tựu Năm căn, Năm sức, đầy đủ Ba sự thông suốt, Ba sự sáng tỏ, hiển bày trọn vẹn Bốn trí, Ba thân, chứng đắc Sáu thần thông, đủ Năm thứ mắt, được Bốn biện tài không ngăn ngại nên diễn thuyết vô cùng; chứng nhập Bốn phần như ý nên được thần thông tự tại. Hiện tại thường ở trong Tám chỗ thù thắng, Tám cảnh giới giải thoát, sẵn có đầy đủ Bốn pháp không sợ sệt và Bốn pháp nhiếp phục. Thành tựu Tám thánh đạo, Mười tám pháp chẳng chung cùng với Ba thừa. Có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, pháp thân trang nghiêm vi diệu! Đối với các kiếp quá khứ, vị lai nhiều như số hạt bụi cát, thảy đều rõ biết; đối với các cõi thế giới trong hiện tại nhiều như số hạt bụi cát, trong đó có vô số tâm chúng sanh cũng nhiều như số hạt bụi cát, thảy đều rõ biết.

Trọn thành Mười hiệu chói sáng, được tôn kính; cao vút vượt ngoài Ba cõi. Đó là bậc trời trên các vị trời, bậc thánh trên các vị thánh. Đó là bậc Vô thượng pháp vương, bậc Chánh đẳng Chánh giác, vượt qua phương tiện, thành tựu đủ Mười sức, trở lại cứu độ hết thảy chúng sanh trong cõi pháp giới. Chỗ thành tựu cao nhất của đạo Phật là như vậy.

Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Đức Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời.” Đại sự nhân duyên đó là rộng độ cho tất cả chúng sanh đều đắc đạo. Nói chung, đại nguyện lớn lao đó là: quyết sẽ cùng với hết thảy chúng sanh chứng đắc quả Vô thượng Niết-bàn.

Cho nên, muốn biện luận về Tam giáo, chẳng nên đem lòng riêng tư mà luận, chẳng nên đem lòng yêu ghét mà luận. Chỉ nên lấy tâm công bình mà cứu xét chỗ thành tựu cao nhất của mỗi đạo. Như vậy ắt sẽ biết rằng: người đời học theo Nho giáo, kết quả cuối cùng không ngoài sự nghiệp công danh; kẻ học theo Đạo giáo, kết quả cuối cùng không ngoài việc được sống lâu. Còn người đời học theo đạo Phật, kết quả cuối cùng có thể dứt hẳn vòng luân hồi, đạt đến Niết-bàn, rộng độ khắp thảy chúng sanh đều thành Chánh giác. Như vậy, chỗ hơn kém giữa Tam giáo há chẳng đã thấy rõ ràng lắm sao?

Cho nên tôi thường dùng cách nói thí dụ rằng: Chỗ thực hành của Nho giáo chỉ giới hạn trong một nước. Chỗ thực hành của Đạo giáo chỉ giới hạn trong hai cõi trời, người. Còn chỗ thực hành của Phật giáo thì cùng khắp hư không, khắp cả Pháp giới.

Lại nữa, Nho giáo ví như cai trị trong một gia đình, ảnh hưởng không ra khỏi tường rào. Đối với việc bên ngoài tường rào thì chẳng thể tạo được ảnh hưởng gì. Đạo giáo ví như cai trị trong một ấp, ảnh hưởng không ra ngoài đường biên giới bốn phía. Đối với việc bên ngoài biên giới ấy thì không thể khống chế được nữa. Phật giáo ví như cai trị khắp bốn biển, như vị vua đứng đầu trong thiên hạ, cùng trời cuối đất không ai không là thần dân, lễ nhạc chinh phạt đều do lịnh vua ban ra. Đó là chỗ bàn về chỗ rộng hẹp của Tam giáo.

Kẻ học đạo Nho chết rồi thì hết, nên sự nghiệp không quá trăm năm. Kẻ học Đạo cầu được sống lâu, sự nghiệp cũng không quá ngàn vạn năm. Kẻ học Phật dứt đường sanh tử, lặng lẽ an nhiên thường còn, nên trải qua vô số kiếp nhiều như số hạt bụi cát, không bao giờ cùng tận.

Nho giáo ví như ngọn đèn nhỏ chiếu sáng trong một đêm, qua đêm rồi thì cạn dầu, đèn tắt. Đạo giáo ví như ngọn đèn trăm năm do vua A-xà-thế làm ra để soi sáng xá-lỵ Phật, qua hết trăm năm thì đèn cũng tắt. Phật giáo ví như mặt trời sáng tỏ, soi chiếu muôn đời, lặn ở phương tây lại mọc ở phía đông, tuần hoàn chẳng dứt. Đó là bàn về chỗ lâu mau của Tam giáo.

Trên đây chỉ là lược nói sơ qua chỗ đại ý về Tam giáo, nhưng cũng đã thấy được rõ ràng đầy đủ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống thiền


Lược sử Phật giáo


Giải thích Kinh Địa Tạng


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.133.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...