Một hôm, Nhất Nguyên đang đóng cửa ngồi yên tịnh, bỗng có
mấy người cư sĩ đến gõ cửa hỏi rằng: “Nhân duyên ba hội Long
Hoa như thế nào, xin thầy chỉ bày cho.”
Nhất Nguyên hỏi lại: “Vì sao các ông đến hỏi tôi việc này?”
Cư sĩ nói: “Chúng tôi từ nhỏ đã thường ăn chay niệm Phật,
nguyện đến thắng hội Long Hoa sẽ chứng quả Bồ-đề. Vì thế mới
hỏi về việc này.”
Nhất Nguyên cười đáp rằng: “Nếu các ông cầu sanh Tịnh độ thì
hỏi như vậy muộn quá, còn như cầu sanh vào hội Long Hoa thì
hỏi câu ấy sớm quá.”
Cư sĩ hỏi: “Thế nào gọi là sớm với muộn?”
Nhất Nguyên đáp: “Ví như ngay hôm nay thành Phật, muốn làm
hóa chủ cõi Lạc bang cũng đã là muộn rồi, sao còn mong muốn
điều ấy? Huống chi còn phải đợi cho hết kiếp luân hồi, há
chẳng phải muộn quá hay sao?
“Còn đức Phật Di-lặc, phải đợi năm mươi sáu ức vạn năm mới
giáng sanh tại hội Long Hoa, há chẳng là hỏi việc ấy sớm quá
hay sao?
“Các ông đã biết ăn chay niệm Phật, chỉ nên ngay trong đời
này cầu sanh Tịnh độ, mau chóng chứng quả Bồ-đề, vì sao phải
đợi cho đến hội Long Hoa sau này?”
Cư sĩ thưa rằng: “Chúng tôi thường nghe nhiều người nói về
hội Long Hoa, nên mới theo đó mà phát nguyện như vậy.”
Nhất Nguyên nói: “Chẳng cầu Tịnh độ mà cầu Long Hoa, cũng
chẳng biết còn phải chịu bao nhiêu nỗi khổ xoay vần nữa,
phát nguyện như thế thật không phù hợp.”
Cư sĩ nói: “Chúng tôi nhờ ơn thầy trừ dứt chỗ nghi ngờ, từ
nay xin theo con đường tắt cầu sanh Tịnh độ.”
Nhất Nguyên nói: “Chỉ cần có lòng tin chắc, quyết không bị
dối gạt.”
Cư sĩ thưa: “Không biết chúng tôi có thể may mắn được nghe
thầy chỉ dạy về pháp cầu sanh Tịnh độ hay chăng? Hơn nữa,
chúng tôi cũng mong được nghe về ba hội Long Hoa.”
Nhất Nguyên đáp: “Nếu nói thật đủ thì nhiều việc rườm rà,
còn lược bớt đi thì thiếu phần nghĩa lý. Nay tôi sẽ dựa theo
một bản kinh do Pháp sư La-thập dịch để trình bày với mọi
người.
“Kể từ khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sanh, con người có
tuổi thọ trung bình là 100 tuổi. Lấy đó làm mốc để tính tới,
cứ qua 100 năm thì giảm bớt 1 tuổi, giảm dần như vậy cho đến
khi tuổi thọ trung bình của con người chỉ còn 30 tuổi. Khi
ấy con người chỉ cao chừng 3 thước. Bấy giờ sẽ có nạn đói
khởi lên.
“Lại tiếp tục giảm dần cho đến khi đời sống con người chỉ
còn 20 tuổi, cao khoảng 2 thước. Bấy giờ sẽ có dịch bệnh
khởi lên.
“Lại tiếp tục giảm mãi cho đến khi đời sống con người chỉ
còn 10 tuổi, cao khoảng 1 thước. Bấy giờ sẽ có nạn binh đao
khởi lên.
“Như trên vừa kể là biến tướng của ba tai kiếp nhỏ. Sau ba
tai kiếp này, chỉ còn lưu lại được 10.000 người, gồm cả nam
lẫn nữ, cùng trốn vào trong núi sâu để lưu lại giống nòi.
Vào lúc ấy, con gái chỉ 5 tuổi thì lấy chồng. Đó là thời kỳ
kiếp giảm đạt đến mức thấp nhất.
“Rồi bắt đầu kể từ đó, cứ qua 100 năm thì tuổi thọ trung
bình của con người lại tăng thêm 1 tuổi. Tăng dần như vậy,
cho đến lúc đời sống con người là 84.000 tuổi. Đó là thời kỳ
kiếp tăng đạt đến mức cao nhất.
“Sau khi đạt đến mức cao nhất rồi, lại cứ qua 100 năm thì
giảm bớt 1 tuổi. Giảm dần như vậy cho đến lúc đời sống con
người còn 80.000 tuổi, đức Phật Di-lặc mới đản sanh tại kinh
thành nước Sí-đầu-mạt, trong một gia đình đại bà-la-môn.
Người cha tên là Tu-phạm-ma (Thiên Tịnh), người mẹ tên là
Phạm-ma Bạt-đề (Tịnh Diệu). Đức Di-lặc tuy ở trong bào thai
nhưng chẳng khác gì giữa chốn Thiên cung, không bị trần cấu
che lấp, tự nhiên hóa sanh, thân cao 32 trượng, ngực rộng 10
trượng, mặt dài 5 trượng, có đủ 84.000 tướng tốt và vẻ đẹp
chói sáng rực rỡ. Chúng sanh được nhìn chẳng bao giờ thấy
chán.
“Tại nước ấy có vị vua Chuyển luân tên là Nhương-khư, rộng
làm Mười nghiệp lành, dạy dỗ nhân dân, mọi người đều được
cảm hóa, ai ai cũng khâm phục. Tuổi thọ của người dân thảy
đều được 80.000 tuổi, thân cao 16 trượng, tướng mạo đoan
nghiêm, không có ai xấu xa thô kệch. Con gái đến 500 tuổi
mới lấy chồng.
“Vào thời ấy, đời sống không có mọi tai nạn, không có những
nỗi khổ vì nóng, lạnh. Nhà không cần đóng cửa, không có nạn
trộm cướp. Y phục tự nhiên hóa hiện, chẳng cần phải khó nhọc
làm ra. Vàng bạc, bảy báu chứa đầy kho, chẳng ai thèm ngó
đến. Đất đai bằng phẳng, không có gò nổng, hầm hố. Trên đất
mọc lên những cây cối hình như con rồng vàng, trên hình rồng
ấy trổ ra hoa, vì vậy nên gọi thời ấy là thắng hội Long Hoa.
“Cảnh giới mà nhân dân được thọ hưởng khi ấy giống như ở
Thiên cung Tự tại hoặc như trên cảnh trời Đao-lỵ. Chỉ có ba
điều làm cho người ta không được hưởng trọn vẹn khoái lạc:
một là sự ăn uống, hai là sự bài tiết tiêu hóa, ba là sự già
yếu.
“Mỗi khi cần đi tiêu thì tự nhiên mặt đất sẽ nứt ra, đi tiêu
xong thì đất khép lại, và có hoa sen màu đỏ mọc lên làm tiêu
mất sự hôi hám.
“Khi con người sắp mạng chung thì tự đi đến nơi nghĩa địa.
Sau khi chết, thần thức liền sanh lên cõi trời, không đọa
vào các đường ác. Vì sao vậy? Vì nhân dân cõi ấy đều tu Mười
nghiệp lành, nên đều được sanh lên cõi trời.
“Tại pháp hội đầu tiên của đức Phật Di-lặc, có 96 ức người
chứng quả A-la-hán, 36 vạn chư thiên, loài người và các loài
khác trong Tám bộ chúng phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại có
nhiều vị chứng được bốn thánh quả của Ba thừa.
“Tại pháp hội thứ nhì, có 94 ức người chứng quả A-la-hán, 64
ức chư thiên, loài người và các loài khác trong Tám bộ chúng
phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại có nhiều vị chứng được bốn
thánh quả của hàng Nhị thừa.
“Tại pháp hội thứ ba, có 92 ức người chứng quả A-la-hán, 34
ức chư thiên, loài người và các loài khác trong Tám bộ chúng
phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại có nhiều vị chứng được bốn
thánh quả của hàng Nhị thừa.
“Đức Phật Di-lặc trụ thế 60.000 năm, thuyết pháp cứu độ
chúng sanh. Sau khi ngài nhập Niết-bàn, Chánh pháp cũng trụ
thế trong thời gian 60.000 năm. Rồi đến thời Tượng pháp cũng
kéo dài trong thời gian 60.000 năm.
“Về ba hội Long Hoa, chỉ nói sơ lược như trên. Còn những
nghĩa lý mầu nhiệm khác thì ghi chép đầy đủ trong kinh, ở
đây không thể nói hết.”
Những người cư sĩ lại thưa hỏi: “Việc ba tai kiếp nhỏ và ba
hội Long Hoa đã được nghe rồi. Xin phiền tôn sư chỉ bày cho
biết về sự tướng đại kiếp, tiểu kiếp cùng với ba tai kiếp
lớn.”
Nhất Nguyên nói: “Được, tôi sẽ nói đây, các ông nên lắng
nghe cho rõ. Về tiểu kiếp thì khi nãy đã có nói sơ qua. Giờ
sẽ nói thêm cho tường tận, rõ ràng hơn.
“Kể từ khi tuổi thọ con người là 10 tuổi mà tính tới, cứ qua
100 năm lại tăng thêm 1 tuổi, tăng dần mãi cho đến khi tuổi
thọ con người được 84.000 tuổi là mốc cuối cùng của kiếp
tăng. Từ đó, cứ qua 100 năm lại giảm bớt 1 tuổi, giảm dần
mãi cho đến khi tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi là mốc
cuối cùng của kiếp giảm. Trọn một chu kỳ tăng và giảm như
vậy gọi là một tiểu kiếp. Hai tiểu kiếp như vậy gọi là một
trung kiếp. Trải qua đủ 4 giai đoạn thành, trụ, hoại, không,
mỗi giai đoạn đều kéo dài 1 trung kiếp, gọi là một đại kiếp.
“Khi mỗi một đại kiếp sắp dứt thì khởi lên nạn lửa cháy, làm
hư hoại đến tận cảnh trời Sơ thiền. Sau 7 lần xảy ra nạn lửa
cháy thì có 1 lần xảy ra nạn nước lụt, làm hư hoại đến tận
cảnh trời Nhị thiền. Như vậy, sau 49 lần xảy ra nạn lửa cháy
tức là đã có 7 lần xảy ra nạn nước lụt. Lại tiếp tục có 7
lần xảy ra nạn lửa cháy nữa, mới có 1 lần xảy ra nạn gió
bão, làm hư hoại đến tận cảnh trời Tam thiền.
“Hết thảy có 56 lần xảy ra nạn lửa cháy làm hư hoại đến cảnh
trời Sơ thiền, 7 lần xảy ra nạn nước lụt làm hư hoại đến
cảnh trời Nhị thiền, và 1 lần xảy ra nạn gió bão làm hư hoại
đến cảnh trời Tam thiền. Tổng cộng quãng thời gian này là 64
đại kiếp, trong đó xảy ra đủ ba tai kiếp lớn. Sự tướng trước
sau là như vậy.
“Nên người xưa có nói rằng:
Chư thiên chẳng khỏi năm tướng suy.
Tam thiền còn nạn gió bão lay.
Dẫu tu đến cảnh Phi phi tưởng.
Chẳng bằng về được chốn xưa nay.
“Về chốn xưa nay, đó là nói đến cảnh giới Tịnh độ phương
Tây. Nếu người không tu Tịnh độ thì sẽ phải xoay vần ngang
dọc trong chốn Tứ sanh, Lục đạo, không thoát ra khỏi ba tai
kiếp lớn và ba tai kiếp nhỏ, thác ở nơi này lại sanh ra nơi
kia, mãi mãi luân chuyển chịu khổ vô cùng!”
Cư sĩ thưa rằng: “Nghe lời thầy giảng giải, thật nên sớm tu
Tịnh độ để ra khỏi vòng khổ não.”
Nhất Nguyên nói: “Nay tôi đã chỉ rõ cho các ông, các ông
cũng nên đem những điều đã nghe mà khuyên bảo, chỉ bày cho
người khác, để cho tất cả đều được sanh về Tịnh độ.”
Cư sĩ thưa: “Xin kính cẩn vâng theo lời thầy dạy, sẽ truyền
bá pháp môn này ra khắp nơi.” Rồi cùng nhau lễ bái tạ ơn và
lui về.