Pháp môn Niệm Phật Tam-muội cũng gọi là Nhất hạnh Tam-muội.
Có nghĩa là, người tu tập pháp môn này khi đã hiểu được ý
chỉ sâu xa và có thể gìn giữ sự nhất tâm thì chẳng còn noi
theo một hạnh nguyện nào khác, chỉ một lòng nhớ nghĩ đến cõi
thế giới Cực Lạc, một lòng niệm tưởng đến đức Phật A-di-đà
mà thôi. Người ấy biết rằng, thân mình với Tịnh độ không
phải là hai, lòng nhớ nghĩ và niệm tưởng cũng chỉ là một.
Được như vậy mới gọi là Nhất hạnh như vừa nói trên.
Tuy gọi là một hạnh duy nhất, nhưng người tu hành cũng phải
nhờ vào vô số các pháp thế gian và xuất thế gian, tu tập hết
thảy các công đức để hỗ trợ cho đường tu thì hạnh nguyện
vãng sanh mới mau chóng được thành tựu. Vì thế, tất cả các
hạnh nguyện đều là chỗ tu tập của pháp môn Tịnh độ, không có
đường hướng nào khác. Gọi là Nhất hạnh, cũng ví như muôn
dòng nước chảy vào biển, đều gọi tên chung là biển. Cũng
vậy, vì muôn điều thiện cùng quy về một mối nên gọi là Nhất
hạnh.
Vì nghĩa ấy nên các pháp như niệm xứ, chánh cần, căn, lực,
giác, đạo, tứ hoằng, lục độ, hết thảy đều là hạnh Tịnh độ.
Cho đến những việc lành hết sức nhỏ nhặt, hoặc là niệm Phật
với tâm tán loạn, thậm chí chỉ một lần xưng danh hiệu Phật,
một lần chắp tay cung kính, một lần lễ bái, một lần tán
thán, một lần chiêm ngưỡng, cho đến dâng cúng một nén nhang,
một chén nước, một cành hoa, một ngọn đèn, hoặc chỉ một lần
cúng dường, dùng một món cúng dường, hoặc chỉ khởi một niệm
tu tập, cho đến mười niệm, hoặc chỉ phát tâm làm được một
việc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí
huệ... hết thảy những căn lành ấy đều hồi hướng về Cực Lạc.
Nhờ duy trì được nguyện lực nên sớm muộn gì cũng đều được
vãng sanh đúng như trong kinh đã dạy. Ví như thuở xưa, có
người đem một giọt nước nhỏ gửi vào biển lớn, nguyện cho
giọt nước ấy chẳng hoại, chẳng mất, chẳng biến đổi, chẳng
khô cạn. Tuy trải qua nhiều đời mà giọt nước ấy vẫn còn
nguyên. Người ấy sau khi trải qua nhiều kiếp vẫn nhận lại
được giọt nước nguyên vẹn như khi gửi vào, không hề hoại
mất, không hề khô cạn. Người đã đem một chút căn lành nhỏ
nhoi hồi hướng về Cực Lạc, cũng giống như người kia gửi giọt
nước vào biển lớn, tuy trải qua nhiều đời nhiều kiếp nhưng
căn lành ấy không hề hoại mất, không hề khô kiệt, chắc chắn
thế nào cũng sanh về Cực Lạc.
Huống chi những việc như chánh kiến, tà kiến, Đại thừa, Tiểu
thừa, hữu lậu, vô lậu, loạn tâm hay định tâm làm việc thiện,
các pháp quán tưởng, trí huệ... thảy đều gọi là Nhất hạnh,
thảy đều sẽ được vãng sanh, chỉ trừ những kẻ tin nhận ngoại
đạo mà thôi.
Cho nên nói rằng: “Chỉ cần có lòng tin chắc, quyết không bị
dối gạt.” Trong kinh lại dạy rằng: “Những ai xưng niệm một
lần Nam-mô Phật, đều sẽ thành Phật đạo.” Rất đáng tin sâu
lời ấy. Nhưng đối với những ai chưa khởi lòng nhân, chưa làm
các việc lành, thân tâm chưa điều phục, chưa có sự cảm ứng
thì chớ vội nói ra như vậy.
Bởi vậy, trong suốt một đời đức Phật Thích-ca đã nói ra vô
lượng tam-muội, vô lượng pháp giải thoát, vô lượng hạnh
nguyện và các pháp tổng trì tương ứng nhau, cùng vô lượng
pháp môn, nhưng chỉ riêng có pháp niệm Phật là thâu gồm tất
cả vào trong, hết thảy đều đầy đủ. Như biển lớn kia dung
chứa tất cả các dòng nước chảy vào mà tánh biển vẫn không
thêm, không bớt; như hạt ngọc như ý đặt trên tòa cao làm
thỏa mãn tất cả ước nguyện của chúng sanh mà thể chất của
ngọc vẫn không hao tổn. Phép Niệm Phật Tam-muội này cũng
vậy, có thể thâu nhiếp tất cả, bao gồm đầy đủ tất cả.
Vì nghĩa ấy nên khi xưa đức Thế Tôn đã rất nhiều lần đem
phép Niệm Phật Tam-muội này mà dạy cho tất cả chúng hội.
Trong chúng hội ấy có rất nhiều người lắng nghe rồi vâng
theo, đều thuộc hàng đại căn như Bồ Tát Văn-thù, hoặc các vị
thánh hiền trong Ba thừa và Tám bộ thiên long, thảy đều hết
lòng tin theo. Đến khi pháp Phật truyền sang Đông độ, có vị
đại nhân ở núi Lô sơn xiển dương giáo hóa, người người tin
tưởng làm theo, ào ạt như gió lướt trên ngọn cỏ! Khắp thiên
hạ đều hướng về, ai ai cũng ngợi khen pháp ấy.
Từ Phật đến nay đã hơn hai ngàn mấy trăm năm, có biết bao
bậc thánh hiền, những vị cao tăng, những bậc danh nho cự
phách, cùng những giới sĩ, nông, công, thương, những hạng
đàn ông, đàn bà hèn kém, cho đến những kẻ nô tỳ, quan
hoạn... hoặc tự mình tu tập, khuyên người tu tập, hoặc soạn
văn, hoặc phát thệ nguyện, trân trọng chánh pháp như vật
báu, coi khinh thân mạng như hạt bụi, gặp nạn chẳng sợ, gặp
chết chẳng lo, xả thân lập hạnh, đem hết sức mình tu tập
pháp môn niệm Phật. Những người như thế thật nhiều
không kể xiết!
Lại có những người thấy kẻ khác tu tập mà hoan hỷ vui theo,
hoặc tin tưởng nương theo, cho đến những người noi theo đức
độ người tu mà đem hết lòng thành của mình ra niệm Phật, số
ấy lại càng đông đảo, quả thật là nhiều như sao đêm, như cát
bụi, số nhiều lại càng nhiều hơn.
Lại có những người niệm Phật mà nửa tin nửa ngờ, do dự chẳng
quyết. Thế mà họ cũng được sanh về Cực Lạc, nơi những vùng
biên địa Nghi thành, huống chi đối với những người có lòng
tin chân chánh, tu hành chân chánh, phát nguyện chân chánh,
lẽ nào còn có chỗ nghi hay sao? Những người vãng sanh được
ghi lại trong sách truyện chỉ là một phần nhỏ trong muôn vạn
trường hợp. Từ xưa tới nay, số người đã nương nhờ ơn Phật mà
được vãng sanh thật không có giấy bút nào, không miệng lưỡi
nào có thể kể ra cho xiết!
Nếu như muốn tu tập các pháp môn khác, chỉ là nhờ vào sức
lực của tự tâm mình, nhưng nếu có sự thối chuyển, ắt vướng
phải nạn ách của chúng ma. Chỉ duy nhất một pháp môn niệm
Phật này, nương nhờ sức Phật, tu tập ắt được thành tựu,
không còn trở lại vướng vào nghiệp ma, mãi mãi không thối
chuyển, chắc chắn được vãng sanh!