Có người hỏi rằng: “Tự tánh Di-đà vốn sẵn đủ, chỉ một tâm
này chính là Tịnh độ hiện thành. Như vậy cần gì phải niệm
đức Phật kia để cầu sanh về cõi nước của ngài? Nếu niệm Phật
để cầu vãng sanh, hóa ra lại bỏ chỗ gần trong gang tấc mà
cầu về chốn xa xôi cách đây đến mười vạn ức cõi, chẳng phải
sai lầm lắm sao?
Nhất Nguyên này đáp: “Ông tuy nói ra lời duy tâm nhưng chưa
thấu đạt lẽ duy tâm. Thật là si mê lắm thay!
“Phải biết rằng: Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không
có tâm. Các quốc độ của chư Phật trong mười phương, từ hư
không cho đến vô số cảnh tượng, thảy đều là ở trong tự tánh
của chúng ta, há lại có pháp ở ngoài tâm hay sao?
“Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: ‘Hư không sanh trong tánh giác
chỉ như chút bọt nổi trên mặt biển.’ Lại dạy rằng: ‘Hết thảy
hư không mười phương sanh trong tâm, chỉ như một áng mây
điểm giữa bầu trời xanh bao la.’ Xét theo lẽ ấy thì mười vạn
ức cõi há gọi là xa xôi hay sao?
“Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: ‘Trong một câu gồm cả pháp giới
không cùng tận; trong một mảy lông chứa trọn cõi thế giới mà
không chật chội.’ Lý Trưởng giả nói: ‘Thế giới không cùng
tận, với ta cũng không cách một mảy lông. Xưa nay mười đời,
trước sau không lìa ý niệm hiện tại.’ Như vậy, cách nhau
mười vạn ức cõi há gọi là xa xôi hay sao?
“Thuở xưa, đồng tử Thiện Tài đi một bước trong lỗ chân lông
của Bồ Tát Phổ Hiền mà vượt qua các cõi thế giới Phật nhiều
như số hạt bụi nhỏ, không thể nói hết. Lại đi tiếp nhiều
bước cũng vượt qua số thế giới như thế, trải qua vô số kiếp
cũng nhiều như thế, vẫn không biết được chỗ tận cùng của một
lỗ chân lông ấy! Thế thì mười vạn ức cõi có đáng gì!
“Vậy phải biết rằng cái lý duy tâm vừa nói kia so với cái lý
duy tâm của ông có giống nhau chăng, hay là khác nhau?”
Người kia lại hỏi: “Đạo xưa nay không khác, lẽ nào có phân
hai sao?”
Đáp: “Đã biết như vậy, sao lại cố hạn cuộc cái lý duy tâm ấy
vào trong gang tấc? Cùng khắp pháp giới đâu chẳng là duy
tâm?
“Xét lời ông nói đó chỉ là tùy theo lời nói của tôi, thật
chẳng có chỗ tri thức của riêng ông. Nếu ông thấu hiểu được
cái lý tâm nhiệm mầu sáng suốt, hẳn đã không rơi vào chỗ sai
lệch cạn kiệt, cũng chẳng cố chấp cho rằng pháp tham thiền
là đúng, cũng chẳng chê bỏ pháp niệm Phật mà cho là sai.
“Nên biết rằng, tham thiền vốn do nơi tâm, niệm Phật cũng do
nơi tâm. Tham thiền là để thoát khỏi sanh tử; niệm Phật cũng
để thoát khỏi sanh tử. Tham thiền, niệm Phật cũng đồng một
lý. Nếu nói niệm Phật là không đúng, thì tham thiền cũng là
sai. Cái lý tham thiền, niệm Phật đã không rõ biết, mà lý
duy tâm cũng bế tắc, sao dám dối xưng là ngộ được lý duy
tâm?
“Chỗ duy tâm của Tịnh độ là thường vắng lặng sáng tỏ. Người
thật sự đạt đến chỗ vắng lặng sáng tỏ ấy thì không nắm giữ
bên này, cũng chẳng vướng mắc bên kia; nơi nào cũng là Tây
phương, chốn nào cũng là Tịnh độ; có thể hóa mặt đất thành
vàng ròng, biến dòng sông thành sữa ngọt; nói ra mỗi lời đều
trọn vẹn, thực hành mỗi việc đều là Phật sự. Đạt đến cảnh
giới ấy, chỉ riêng có Phật mới rõ biết mà thôi, ngoài ra
chẳng còn ai biết được.
“Kinh Pháp Hoa dạy rằng:
Hàng Bồ Tát bất thối.
Nhiều như cát sông Hằng.
Cùng hết lòng dốc sức.
Cũng không thể rõ biết.
“Chỉ riêng Phật với Phật mới đủ sức rõ biết, huống chi bọn
chúng ta đây chỉ là những kẻ phàm phu thấp kém?
“Nếu đạt đến cảnh giới vắng lặng sáng tỏ ấy thì không còn
một pháp nào có thể chứng đắc, làm gì có Tịnh độ để sanh về?
Chẳng những không có Tịnh độ, mà tự tâm cũng không thể chứng
đắc. Chỗ không chứng đắc này cũng không thể chứng đắc, huống
chi lại có thể chấp rằng tự tánh vốn Di-đà, ngay nơi tâm này
là Tịnh độ hay sao?
“Vì thế, tuy mỗi người đều có tự tánh Di-đà, ngay nơi tâm
này là Tịnh độ, nhưng nếu chưa đạt đến cảnh giới ấy thì
không thể nói ra lời ấy.
“Nay tôi hỏi lại ông: Ông có nhìn thấy cõi thế giới Ta-bà
này là vàng ròng với hoa sen bằng bảy báu hay chăng? Hay là
một cõi toàn hầm hố, đá gạch, gai gốc? Thấy hết thảy những
cảnh giới Lục đạo, Tứ sanh, Tam đồ, Bát nạn đều là chỗ chư
Phật hưởng sự an vui hay chăng? Hay là những chốn chúng sanh
chịu khổ?
“Cõi nước của đức Phật A-di-đà kia là không thể nghĩ bàn,
hào quang chiếu sáng không thể nghĩ bàn, thọ mạng dài lâu
không thể nghĩ bàn, đức từ bi không thể nghĩ bàn, nguyện lực
không thể nghĩ bàn, trí huệ không thể nghĩ bàn, Tam-muội
không thể nghĩ bàn, biện tài không thể nghĩ bàn, phân thân
không thể nghĩ bàn, thuyết pháp không thể nghĩ bàn, cứu độ
chúng sanh không thể nghĩ bàn; y báo và chánh báo đều trang
nghiêm, mọi sự đều đầy đủ.
“Như các ông hiện nay có được đầy đủ như vậy hay chưa? Nếu
chưa thì hãy mau mau chí thành lễ Phật, niệm Phật cầu sanh
Tịnh độ. Vì sao vậy? Nếu ôm giữ sự mê muội sai lệch mà tu
hành thì khác nào người què đi bộ, mỗi ngày không quá một
hai dặm dường. Còn như lễ Phật, niệm Phật cầu vãng sanh, ví
như kẻ cưỡi thuyền xuôi theo dòng nước, lại thêm sức gió
thổi xuôi, chỉ trong giây lát vượt qua ngàn dặm. Lại như kẻ
hèn yếu đi theo vua Chuyển luân, chỉ trong một ngày đêm đi
khắp bốn cõi thiên hạ; đó chẳng phải nhờ sức mình, mà là nhờ
sức của vua Chuyển luân. Lại như người lâm nạn ở cửa quan,
nếu tự mình không đủ sức ra khỏi, ắt phải cậy người có thế
lực cứu giúp. Lại như kẻ khuân vác vật nặng, nếu tự mình
không làm nổi ắt phải mượn nhiều người giúp sức mới có thể
dời đi được. Lễ Phật, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ cũng giống
như vậy.
“Thiền sư Vĩnh Minh Thọ có nói rằng: ‘Chỉ một pháp thiền
định là gốc của Bốn biện tài, Sáu thần thông, chính là nhân
duyên bỏ phàm theo thánh. Chỉ thâu nhiếp được tâm niệm một
đôi lúc cũng đáng gọi là việc lành cao cả, nhưng cần phải
sáng tỏ những lúc nặng nề u ám, rõ biết hơi thở ra vào.’
“Cho nên kinh dạy rằng: ‘Như lúc ngồi thiền mà mê muội u ám,
cần phải đứng dậy đi quanh lễ Phật, niệm Phật, hoặc chí
thành sám hối để hóa trừ nghiệp chướng nặng nề. Cần phải
sách tấn thân tâm, chớ nên cố chấp riêng một pháp môn mà cho
đó là cứu cánh.
“Có kẻ niệm Phật tụng kinh mà được giải thoát; có người lễ
Phật sám hối mà được giải thoát. Có kẻ nhờ thấy hào quang
Phật mà được giải thoát; có người nhờ cúng dường Tam bảo mà
được giải thoát. Có kẻ chiêm ngưỡng hình dung Phật mà được
giải thoát; có người lại nhờ tô vẽ tượng Phật mà được giải
thoát. Có kẻ nhờ bố thí, làm lành mà được giải thoát; có
người khuyên người khác niệm Phật mà được giải thoát. Có kẻ
tránh việc giết hại, thường làm việc phóng sanh mà được giải
thoát; có người nhờ hết lòng nghe pháp mà được giải thoát.
“Thế mới biết rằng, giáo pháp mênh mông như tấm lưới phủ
khắp không cùng tận, nhưng vừa khi thấu rõ liền quay về được
cội nguồn chân thật. Các pháp môn tu tập nhiều vô số như cát
bụi, nhưng dù theo pháp môn nào cũng đều được giải thoát. Ví
như kẻ đi đường xa, lấy sự đến nơi làm mục đích, chẳng cần
quan tâm đến những đoạn đường đi qua mà gượng phân khó dễ.
“Cho nên, kinh Pháp Hoa dạy rằng: ‘Cho đến kẻ dùng tâm tán
loạn mà niệm Phật, nhỏ giọng tán thán, hoặc dùng ngón tay mà
vẽ hình Phật, đùn cát làm tháp Phật, cũng lần hồi chất chứa
được công đức, cuối cùng đều thành Phật đạo.’ Huống chi
những người một lòng sáng suốt, tu tập đầy đủ muôn đức hạnh
lại chẳng thành Phật hay sao?
“Này các vị! Nếu muốn thấu rõ đạo lý tu hành trọn vẹn và
nhanh chóng, nên xem qua hai bộ kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.
Nếu không tu hành trọn vẹn, thật chỉ uổng xưng mình là Phật
tử!
“Cho nên, ngài Từ Mẫn Tam Tạng có dạy rằng: ‘Theo lời Phật
dạy, người tu thiền định chân chánh là chế phục tâm ý vào
một nơi, niệm niệm nối nhau không dứt, lìa khỏi sự hôn muội
tán loạn, giữ tâm một cách bình đẳng. Như bị cơn buồn ngủ
che lấp, cần phải tự sách tấn chuyên cần niệm Phật tụng
kinh, lễ bái đi quanh tượng Phật, tụng kinh thuyết pháp,
giáo hóa chúng sanh, muôn hạnh đều làm đủ không bỏ sót. Hết
thảy những chỗ tu hành thiện nghiệp đều hồi hưỡng cầu được
vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Nếu có thể tu tập thiền định
được như vậy thì đúng là pháp thiền định do Phật dạy, phù
hợp với chánh pháp, trở thành bậc nêu gương dẫn dắt chúng
sanh, được chư Phật ấn chứng.
“Hết thảy pháp Phật đều không có sự khác biệt, thảy đều
nương theo chỗ nhất như mà thành bậc giác ngộ chân chánh rốt
ráo. Tất cả các pháp đều dạy rằng: ‘Niệm Phật là nhân lành
chân chánh của Bồ-đề’, sao có thể mê lầm khởi sanh tà kiến?
“Đời nay có một hạng người si mê lầm lạc, kinh điển giáo
pháp không hiểu rõ, cửa huyền diệu chẳng thấu qua, nhân quả
không biết, tội phước chẳng sợ. Thế mà cũng ra vẻ người cao
cả, lên mặt thiện tri thức! Đạo lý tu hành trọn vẹn không
thông đạt, chỉ dạy người ngậm miệng không nói, khiến cho kẻ
hậu học như đui, như điếc, ai nấy đều sa vào chỗ vướng mắc
thức tình phân biệt.
“Những kẻ ấy thấy người khác lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh,
giảng pháp, rộng làm đủ mọi điều lành thì phản bác chê bai,
bảo đó là tu hành chấp tướng, càng cầu lại càng xa, không
bằng giữ lấy một mối niệm, chẳng cần gắng sức mà tự thân
hiện thành Di-đà, cần chi phải cầu sanh về cõi Tịnh độ
phương khác?
“Hạng người như vậy thật đáng thương hại đau xót, cũng thật
đáng chê cười. Vì nghe nói thì rất hay, nhưng hiểu thì chưa
thật hiểu. Những kẻ phàm phu căn tánh chậm lụt mà tu pháp
tham thiền, nếu chẳng rơi vào mê muội chìm đắm thì cũng là
tán tâm rối loạn. Trong một ngày chẳng biết được bao nhiêu
là vọng tưởng, bao nhiêu là chỗ bế tắc mê muội. May ra được
đôi lúc mạnh mẽ, rồi cũng trở lại hiện khởi ý thức. Sau khi
ra khỏi thiền định, lại đeo bám phụ thuộc ngoại cảnh, nhiễm
trước trần lao như xưa. Miệng bàn những chuyện thị phi,
trong lòng chưa dứt sự yêu ghét.
“Những người tham thiền như vậy, đừng nói là chờ đến khi đức
Di-lặc ra đời mới mong được sáng rõ, mà dầu cho một ngàn đức
Phật có ra đời cả rồi cũng chưa có ngày được hiểu thấu. Sao
có thể nói rằng tự thân hiện thành Di-đà, cần chi phải cầu
sanh về Tịnh độ? Những kẻ đui mù ấy, khác nào như dân thường
dám tự xưng là quốc vương, tự mình chuốc lấy họa tru diệt!
“Lại có một hạng ngu si, tuy đến thiền đường tham học nhưng
chẳng rõ biết đường lối cách thức, chẳng trừ bỏ ba độc tham,
sân, si; thấy kẻ khác hơn mình thì sanh lòng ganh ghét; tự
mình không làm được nhưng chẳng biết mừng thay cho kẻ khác;
không học hỏi trong phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, cũng không
học sách Vạn thiện đồng quy, chẳng biết Tám cửa vào đạo giải
thoát của bậc thánh, trở lại ngăn cản người khác lễ Phật,
niệm Phật; ngăn cản người khác tụng kinh, giảng pháp; ngăn
cản người khác cúng Phật, trai Tăng; ngăn cản người khác xây
chùa, tạc tượng; ngăn cản người khác bố thí kết duyên; ngăn
cản người khác rộng tu các điều lành. Hạng người ngỗ nghịch
ấy, chỉ mượn áo Phật mà mặc, trộm cơm Phật mà ăn, thật là
bọn Ma vương, ngoại đạo, gieo hạt giống địa ngục.
“Kìa như Pháp sư Vân Quang, có tài thuyết pháp, thường nhập
thiền định, mỗi khi nhập định chẳng còn biết đến năm tháng,
trong đời thật ít có. Chỉ vì chưa dứt được tham sân mà phải
đọa làm con trâu chạy rông khắp chốn. Huống chi bọn chúng ta
đây, khi tham thiền còn mê muội chìm đắm, tán tâm rối loạn,
sao dám trở lại khinh chê người lạy Phật, niệm Phật?
“Lại như ông Uất-đầu-lam-phất, căn tánh lanh lợi thông minh,
chế phục được phiền não, thần trí đã lên đến cảnh trời Phi
phi tưởng, là người hiếm có trong chốn nhân gian. Chỉ vì
chưa dứt tình chướng ngại, sau phải đọa làm giống chồn bay.
Ngăn ngại với cảnh bên ngoài còn như vậy, huống chi là ngăn
cản người khác lạy Phật, niệm Phật?
“Xem như Tỳ-kheo Thiện Tinh, có tài thuyết giảng đủ Mười hai
bộ kinh, chứng quả Tứ thiền. Chỉ vì thân cận bạn tà, vướng
mắc cố chấp vào lẽ không, nói bậy là không có Phật, không có
Pháp, không có Niết-bàn, về sau phải sanh vào địa ngục A-tỳ.
Chúng ta nghe chuyện ấy há chẳng rùng mình khiếp sợ, mau mau
sám hối đi sao?
“Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói rằng:
Chấp vào lẽ không,
Bác lý nhân quả,
Trong chốn mịt mù tự chuốc họa.
Bỏ có lấy không chẳng khỏi bệnh,
Khác nào tránh nước sa vào lửa!
“Chính là nghĩa ấy vậy.
“Kinh dạy rằng:
Chư Phật thuyết pháp không,
Vì độ người chấp có.
Nếu lại chấp vào không,
Chư Phật chẳng độ được.
Lại dạy rằng:
Thà chấp vào pháp có,
Lớn như núi Tu-di.
Chẳng nên chấp pháp không,
Dù nhỏ như hạt cải.
“Vì sao vậy? Thuở xưa có tỳ-kheo Tịnh Mạng tu tập theo chánh
kiến. Nhờ dâng hoa cúng Phật liền được thọ ký. Lại có một
tỳ-kheo khác tên là Pháp Hạnh, tuy chứng đắc Tứ thiền nhưng
theo tà kiến, vướng mắc nghiêng lệch theo lẽ không, lại gièm
pha Pháp sư Tịnh Mạng rằng: “Tịnh Mạng nhận hoa, chẳng biết
mang đi cúng dường, chỉ tự mình thọ hưởng.” Vì một lời nói
ấy mà trải qua sáu vạn kiếp, mỗi khi sanh ra đều không có
lưỡi!
“Phật dạy: ‘Lấy mắt dữ nhìn người phát tâm Bồ-đề, sẽ bị quả
báo không có mắt. Dùng miệng dữ chê bai người phát tâm
Bồ-đề, sẽ bị quả báo không có lưỡi.’
“Như ai cố chấp nghiêng lệch theo lẽ không mà tự cho là
phải, chê bai người tu các hạnh lành mà cho là sai trái, kẻ
ấy sẽ đọa địa ngục nhiều đến trăm ngàn kiếp. Vì sao vậy? Vì
đoạn dứt hạt giống Phật.
“Kinh Pháp Hoa dạy rằng:
Như người tâm tán loạn.
Dù mang một cành hoa.
Cúng dường trước tượng Phật.
Sau gặp vô số Phật.
“Lẽ nào đó lại là lời hư dối hay sao?
“Kinh Tượng pháp quyết nghi có đoạn dẫn lời Phật dạy: Như có
người thấy người khác tu phước và bố thí cho kẻ bần cùng,
lại chê bai rằng: Đó là kẻ tà mạng, tìm cầu lợi danh. Thật
người xuất gia cần gì bố thí? Chỉ tu nghiệp thiền định trí
huệ, cần chi những việc lộn xộn vô ích ấy? Kẻ nào có ý
tưởng, lời nói như vậy, ắt là quyến thuộc của ma. Khi mạng
chung phải đọa địa ngục, chịu nhiều khổ não. Sau khi ra khỏi
địa ngục lại đọa làm ngạ quỉ liên tiếp qua năm trăm kiếp,
rồi sanh ra làm kiếp chó. Hết kiếp làm chó lại trải qua năm
trăm kiếp phải làm kẻ nghèo hèn, chịu nhiều nỗi khổ. Vì sao
vậy? Vì đời trước thấy người khác bố thí chẳng sanh lòng tùy
hỷ.
“Lại trong kinh Hộ khẩu có kể chuyện một ngạ quỉ kia, hình
trạng xấu xa ghê gớm, ai trông thấy cũng phải khiếp sợ. Toàn
thân quỷ có lửa dữ bốc ra, giống như một đám lửa; trong
miệng lại có giòi bọ bò ra, nhiều không biết bao nhiêu mà
kể; máu mủ dầm dề, mùi tanh hôi bay thấu ra xa. Ngạ quỷ ấy
kêu la, khóc lóc thảm thiết, chạy qua chạy lại bên này bên
kia, chẳng lúc nào được đứng yên.
“Lúc ấy, ngài La-hán Mãn Túc nhìn thấy hỏi rằng: ‘Đời trước
ngươi phạm tội gì mà nay phải thọ khổ như vậy?’
“Ngạ quỉ đáp: ‘Thuở trước tôi làm sa-môn, nói một lời ác
ngăn trở người khác tu thiện, nên nay phải chịu cảnh khổ như
thế này, chẳng biết làm sao thoát ra! Từ nay về sau tôi thà
lấy dao cắt lưỡi mình đi chứ không dám ngăn trở người khác
làm việc lành nữa! Khi Tôn giả trở về cõi Diêm-phù-đề, nên
đem hình trạng của tôi mà răn nhắc các vị tỳ-kheo, dạy các
đệ tử: Nếu thấy người khác tu tập hạnh lành, dầu nhỏ như sợi
tóc mảy lông, cũng nên vui mừng tán trợ, đừng chê bai cản
trở. Từ khi tôi bị đọa làm thân quỉ tới nay, đã vài ngàn
muôn kiếp thọ khổ. Dẫu cho thoát khỏi thân quỉ, lại phải sa
vào địa ngục!’ Nói xong mấy lời ấy, ngạ quỉ lại khóc lóc,
gieo mình xuống đất.
“Ai nghe chuyện ấy mà chẳng thấy lạnh mình? Chỉ nói ra một
lời ác, bao kiếp phải làm thân ngạ quỉ chịu khổ! Chúng ta há
chẳng sợ tội hay sao mà dám làm chuyện quấy bậy? Đối với
việc lành, dầu nhỏ nhặt như sợi tóc mảy lông, cũng không
được chê bai bài bác, huống chi lại dám ngăn cản người khác
lạy Phật, niệm Phật hay sao? Phật dạy: ‘Ngăn cản người khác
tu thiện, tội ấy không thể tránh khỏi.’
Hàng Bồ Tát Đẳng giác ví như mặt trăng đêm mười bốn, nghĩa
là vẫn còn một phần vô minh chưa dứt hết, nhỏ yếu như làn
khói mỏng, cũng nhờ vào việc lễ Phật, sám hối để được trọn
vẹn quả Vô thượng Bồ-đề. Huống chi chúng ta đây, nghiệp nặng
phàm phu còn trói buộc, sao lại dám khinh chê việc lạy Phật,
niệm Phật hay sao? Cho đến đức Phật còn chẳng bỏ qua chút
phước xỏ kim, kẻ phàm phu há nên khinh chê việc lạy Phật,
niệm Phật?
“Thuở xưa, đức Thế Tôn Thích-ca miệng xưng tán đức Phật
Phất-sa, thân lễ bái đức Phật Phất-sa, như vậy trong suốt
bảy ngày bảy đêm, liền tức thời vượt qua chín kiếp tu tập.
Sao có thể nói đó là vướng mắc nơi hình tướng tìm cầu mà xa
đạo? Sao có thể nói rằng lạy Phật không thành Phật?
“Xưa có ba ngàn đức Phật khi còn là người phàm, kết bạn tu
học, một lúc cùng nhau xưng niệm, lễ bái năm mươi ba đức
Phật, nhờ đó mà cùng lúc thành đạo. Ba ngàn đức Phật xưa đã
như vậy, chư Phật trong mười phương cũng như vậy. Người đời
nay sao chẳng bắt chước đó mà tu hành, lại dám khinh chê
việc lạy Phật, niệm Phật?
“Vua A-xà-thế phạm vào Năm tội nghịch, sau nhờ biết lễ Phật
sám hối, liền được diệt tội, chứng quả. Ông Kiều-phạm-ba-đề
đời trước làm thân con bò, chỉ vì tìm theo chỗ có cỏ và nước
uống mà đi quanh về bên phải một ngôi tinh xá, nhân đó được
thấy thân tướng tốt đẹp của Phật, sáng rực như vàng ròng,
liền sanh ra một niệm hoan hỷ, nhờ đó về sau được chuyển
kiếp làm người và tu hành chứng đạo. Loài vật còn được vậy,
huống chi con người lạy Phật, niệm Phật lại chẳng thành Phật
hay sao?
“Thuở xưa có hai vị Thiên đế thọ mạng nơi cõi trời sắp dứt,
biết trước rằng một vị sẽ đầu thai làm lừa, một vị sẽ đầu
thai làm heo. Cả hai đều lo sợ chẳng yên, tìm đến lễ Phật
cầu cứu. Phật dạy hai vị qui y Tam bảo, liền được thoát khỏi
nạn khổ kia. Về sau, hai vị ấy tin kính Tam bảo, tinh cần tu
tập, chứng được đạo quả.
“Kinh Đại Bát Niết-bàn dạy rằng: ‘Ai nghe được hai tiếng
Thường trụ thì trong bảy kiếp khỏi đọa địa ngục.’ Huống chi
là công đức của việc lễ bái, niệm Phật? Như vậy, đối với Tam
bảo có thể nói là:
Nghe danh, thấy tướng, diệt vô số tội,
Lễ niệm, qui y, tăng vô lượng phước.
“Há chẳng nên vâng theo lời Phật Tổ hay sao? Há nên làm
những chuyện sai quấy hay sao?
“Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: ‘Lễ Phật một lạy thì từ
gối cho chí đỉnh đầu, mỗi một hạt bụi là một ngôi vị Chuyển
luân vương. Lại còn được mười công đức:
1. Được thân tướng tốt đẹp, tiếng nói trong trẻo;
2. Lời nói ra được người khác tin cậy.
3. Sống giữa đại chúng không sanh tâm lo sợ.
4. Được chư Phật hộ niệm.
5. Có đủ oai nghi lớn.
6. Được mọi người thân cận, tùng phục;
7. Được chư thiên yêu mến, kính trọng;
8. Có đủ phước đức lớn;
9. Sau khi mạng chung sẽ được vãng sanh;
10. Mau chóng chứng đắc Niết-bàn.
“Chỉ một lạy còn được công đức như vậy, huống chi là nhiều
lạy?
“Kinh Pháp Hoa dạy rằng:
Như có người lễ bái.
Cúng dường trước tượng Phật
Bằng cách chắp hai tay.
Hoặc đưa một tay lên
Hoặc cúi đầu cung kính.
Sẽ gặp vô số Phật.
Rồi tự thành Phật đạo.
Rộng độ khắp chúng sanh.
“Lẽ nào đó lại là lời hư dối hay sao?
“Trong kinh Thập lục quán có nói: ‘Chí thành niệm một tiếng
Nam-mô A-di-đà Phật diệt được tội nặng trong tám mươi ức
kiếp sanh tử... Những kẻ phạm vào Năm tội nghịch, Mười điều
ác, lúc lâm chung chỉ niệm được mười lần Nam-mô A-di-đà Phật
cũng được vãng sanh Tịnh độ.’ Huống chi những người ăn chay
niệm Phật lâu năm?
“Thuở xưa, Trương Thiện Hòa suốt đời giết bò, đến khi lâm
chung thấy tướng địa ngục hiện ra. Bỗng gặp một thầy tăng
dạy niệm Phật A-di-đà. Niệm chưa dứt mười lần, đã được thấy
Phật đến tiếp dẫn, vãng sanh Tịnh độ. Há chẳng phải là sức
Phật khó lường đó sao?
“Kinh Địa Tạng dạy rằng: ‘Nếu có người vào lúc mạng chung
được nghe danh hiệu một đức Phật, danh hiệu một đức Bồ Tát,
hoặc một câu kinh, một bài kệ, liền được sanh về cảnh giới
tốt đẹp, thoát mọi khổ não.’
“Này các vị! Chỉ được nghe thôi mà có nhiều lợi ích như thế,
huống chi là công đức của việc trì niệm?
“Kinh dạy rằng: ‘Như có người đem vật tứ sự rất tốt mà cúng
dường cho tất cả các vị A-la-hán và Phật Bích-chi trong khắp
cõi Tam thiên Đại thiên thế giới này, công đức ấy cũng không
bằng người chắp tay xưng danh Phật một lần. Công đức xưng
danh Phật nhiều hơn gấp trăm ngàn vạn ức lần, dầu cho có
dùng bao nhiêu cách tính toán, tỷ dụ cũng không nói hết.’
“Công đức xưng danh Phật một lần còn vậy, huống chi là niệm
hoài chẳng dứt?
“Kinh Pháp Hoa dạy: ‘Những ai đã một lần xưng niệm Nam-mô
Phật, về sau đều sẽ thành Phật đạo.’ Lẽ nào lại là lời hư
dối hay sao?
“Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: ‘Người lớn tiếng niệm
Phật tụng kinh sẽ được mười công đức:
1. Trừ được sự buồn ngủ;
2. Khiến thiên ma kinh sợ;
3. Tiếng niệm vang khắp mười phương;
4. Dứt mọi sự khổ trong Ba đường ác;
5. Âm thanh từ ngoài chẳng vào được;
6. Lòng không tán loạn;
7. Dũng mãnh, tinh tấn;
8. Chư Phật hoan hỷ;
9. Tức thời chứng đắc Tam-muội;
10. Được vãng sanh Tịnh độ.
“Nhờ niệm Phật tụng kinh mà được thành Phật, há nên cho đó
là vướng mắc nơi tướng mà tìm cầu hay sao? Há nên khinh chê
đó là việc nhỏ mọn hay sao?
“Vào thuở xa xưa, trong hàng cao tăng sáng suốt, có nhiều vị
chuyên trì kinh Hoa Nghiêm, hoặc chuyên trì kinh Pháp Hoa,
hoặc chuyên niệm Phật A-di-đà, thảy đều được vãng sanh Tịnh
độ, thẳng tới quả vị Phật. Há có thể cho rằng tụng kinh niệm
Phật là việc nhỏ nhặt, là vướng mắc nơi hình tướng hay sao?
“Xưa có người đàn bà muốn trì tụng kinh A-di-đà mà không
thuộc, chỉ niệm mãi bốn câu:
Hoa sen xanh thơm.
Hoa sen trắng thơm.
Hoa trên cây thơm.
Quả trên cây thơm.
“Nhờ công đức niệm bốn câu lệch lạc ấy mà được vãng sanh
Tịnh độ, huống chi người tụng đọc thông suốt trọn bộ kinh mà
chẳng được vãng sanh hay sao?
“Pháp sư Đàm Dực vốn đời trước làm thân chim trĩ, nhờ nghe
một vị tăng tụng kinh Pháp Hoa, liền được chuyển kiếp làm
người, xuất gia tu hành chứng đạo. Huống chi tự mình tụng
kinh thuyết pháp lại chẳng thành Phật được sao?
“Xưa có một con vẹt và hai con sáo học nói, niệm câu Phật
hiệu A-di-đà, nhờ đó mà được vãng sanh Tịnh độ. Loài vật còn
như thế, huống chi con người niệm Phật lại chẳng được vãng
sanh hay sao?”
Người kia lại hỏi rằng: “Ngài nói việc vãng sanh đó, có gì
làm bằng cứ hay chăng?”
Nhất Nguyên này đáp rằng: “Ông không biết sao, trong bài kệ
phát nguyện của đức Phật A-di-đà có nói rằng:
Vào khi ta thành Phật,
Danh vang khắp mười phương.
Người, trời vui được nghe,
Đều sanh về cõi ta.
“Lại cũng nói rằng:
Địa ngục, quỷ, súc sanh,
Đều sanh về cõi ta.
“Lẽ nào đó lại là lời hư dối hay sao?
“Sách Kim cang khoa nghi dạy rằng: ‘Con chồn còn nghe pháp
nơi ngài Bách Trượng, loài ốc còn biết giữ gìn bảo vệ kinh
Kim cang, mười ngàn con cá nghe danh hiệu Phật sanh về cõi
trời; năm trăm con dơi được nghe pháp đều thành bậc thánh
hiền, con trăn nghe bài sám được sanh về cõi trời, con rồng
nghe pháp mà ngộ đạo. Loài vật kia còn có thể nhận hiểu,
giác ngộ, huống chi con người sao chẳng biết hồi tâm?
“Có kẻ mê say việc ăn uống mà uổng phí một đời; có người tu
hành nhưng lầm lạc, không tỉnh ngộ ý đạo. Những người như
vậy, há có thể cho rằng giảng kinh thuyết pháp là việc nhỏ,
là vô ích hay sao? Chẳng thấy trong kinh Pháp Hoa có dạy
rằng: ‘Những ai nghe được dù chỉ một bài kệ trong kinh này,
đều chắc chắn sẽ được thành Phật. Những ai được nghe Chánh
pháp, đều đã thành tựu đạo Phật. Không có một người nào được
nghe Chánh pháp mà không thành Phật.’ Lẽ nào đó lại là lời
hư dối hay sao?
“Ôi! Loài vật nghe pháp còn được chứng quả, huống chi loài
người lễ Phật, tụng kinh, giảng pháp, rộng tu các việc lành
mà chẳng thành Phật hay sao?
“Nay tôi xin đơn cử một số trường hợp để trừ dứt sự nghi ngờ
của các ông. Ngài Phổ Am xem kinh Hoa Nghiêm mà ngộ đạo,
ngài Vĩnh Gia đọc kinh Niết-bàn được sáng rõ tâm ý; ngài
Khuê Phong xem kinh Viên Giác được khai thông tâm ý; ngài
Trí Giả tụng kinh Pháp Hoa thấy hội Linh Sơn chưa dứt! Lợi
ích như thế, há có thể khinh chê giáo pháp được sao?
“Kinh Pháp Hoa dạy rằng: ‘Như người bố thí cúng dường cho
tất cả chúng sanh trong bốn trăm ngàn a-tăng-kỳ thế giới,
mãi cho đến khi những chúng sanh ấy đều được chứng đắc quả
A-la-hán, dứt hết phiền não, vào sâu trong thiền định, thảy
đều được thần thông tự tại, đầy đủ tám môn giải thoát. Như
thế cũng không bằng công đức của người thứ năm mươi được
nghe lặp lại một bài kệ trong kinh Pháp Hoa mà khởi lòng vui
theo. Công đức của người này nhiều hơn gấp trăm ngàn vạn ức
lần. Được nghe một câu kệ, khởi lòng vui theo mà công đức
còn không thể nghĩ bàn, huống chi là trì tụng trọn bộ kinh?
“Trong bài phú Hoa nghiêm cảm ứng có đoạn: ‘Người nào được
nghe bảy tiếng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thì
không còn đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và a-tu-la.’
Huống chi là công đức trì niệm kinh?
“Thuở xưa, có một vị tăng chuyên trì kinh Hoa Nghiêm. Một
hôm, Thiên đế đặc biệt tìm đến thỉnh trai. Pháp sư được mời
lên Thiên cung, ngồi nhập định. Giây lát, có năm trăm vị
La-hán từ trên không bay đến, tụ tập trước điện. Sư muốn
xuống tòa nghênh tiếp, nhưng Thiên đế thưa rằng: Dụng ý trai
tăng hôm nay chỉ một mình ngài thôi, chỉ là tiện dịp nên
thỉnh cả năm trăm vị La-hán. Ngài trì kinh Hoa Nghiêm là
cảnh giới của Phật, lẽ đâu vì hàng tiểu thánh mà xuống tòa
hay sao? Vị tăng ấy thọ trai xong liền bay được lên không
trung, ngay lúc ấy được thoát phàm, chứng thánh.
“Lại có một vị tăng khác cũng thọ trì kinh Hoa Nghiêm. Thiên
đế đang đánh nhau với A-tu-la, đặc biệt thỉnh ngài lên tòa
tụng kinh. Ngài bay lên không trung mà đến, liền khiến cho
Thiên đế chiến thắng, A-tu-la hoảng sợ chạy trốn vào một lỗ
trống bên trong ngó sen. Thiên đế mừng vui, muốn dâng lên
ngài món thuốc trường sanh. Sư quở trách rằng: ‘Phật đạo vô
thượng chẳng chịu tu, dùng thuốc trường sanh há lại khỏi
chết hay sao?’
“Như vậy, lẽ nào có thể cho rằng tụng kinh là việc nhỏ nhặt
hay sao?
“Sách Tây vực ký có chép rằng: ‘Một vị tăng người Thiên Trúc
cầm quyển kinh Hoa Nghiêm trên tay, sau đó xối nước rửa tay,
nước ấy chảy trôi một con kiến. Con kiến chết, liền được
sanh lên cõi trời.
“Vào thời đức Phật còn tại thế, trong ao Ca-la có một con
hến, nghe Phật thuyết pháp rồi cũng được sanh lên cõi trời.
“Như vậy, lẽ nào có thể cho rằng đọc kinh giảng pháp là vô
ích hay sao? Niệm Phật lại chẳng sanh về Tịnh độ hay sao?
“Nay xin dẫn thêm mấy câu để làm bằng chứng, dứt hẳn sự nghi
ngờ. Kinh dạy rằng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở
khắp các cõi trong mười phương, mỗi vị đều ở nơi thế giới
của mình, hiện tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả thế giới Tam
thiên Đại thiên, nói ra lời chân thật, cùng nhau xưng tán
đức công đức không thể nghĩ bàn của đức Phật A-di-đà, cũng
như cõi nước trang nghiêm thù thắng của ngài.
“Các vị Đại Bồ Tát trong mười phương còn niệm danh hiệu đức
Phật A-di-đà, nguyện được sanh về thế giới của ngài, huống
chi là hạng phàm phu ngu muội như chúng ta?
“Vào thời đức Phật còn tại thế, có các ngài Văn-thù, Phổ
Hiền. Sau khi Phật diệt độ, có các ngài Mã Minh, Long Thọ.
Trên hội Hoa Nghiêm có Tỳ-kheo Đức Vân, trên hội Lăng Nghiêm
có Bồ Tát Thế Chí. Tại Đông độ này có các vị tổ sư như Viễn
Công, Pháp Trí... các vị pháp sư như Từ Ân, Thiếu Khương,
Hoài Cảm, Thảo Đường, Cô Sơn, Tông Thán, Nghĩa Uyên, Viên
Biện Thâm... các vị đại sư như Tỉnh Thường, Trung Quốc...
các vị thiền sư như Hoài Ngọc, Đạo Xước, Nguyên Tín, Vạn
Niên Nhất, Trương Lô Trạch, Thiên Y Hoài, Viên Chiếu Bổn,
Vĩnh Minh Thọ... các vị hòa thượng như Đạo An, Thiên Như Duy
Tắc, Thiện Đạo... các vị luật sư như Đại Trí, Trung Phong...
Lại còn có Quốc sư Phổ Ứng, Tông chủ Phổ Độ Ưu Đàm, Sám chủ
Từ Vân và mười tám vị đại hiền núi Lư Sơn.
“Các vị Phật, Tổ và tri thức kể trên đều tu hành pháp môn
này, lại còn đem ra giáo hóa muôn người. Chúng ta sao chẳng
học theo cách tu trì ấy, nguyện sanh về Thế giới Cực Lạc?
Các vị Phật, Tổ và tri thức ấy lẽ nào chẳng thấu rõ pháp môn
thiền định hay sao? Lẽ nào là hạng phàm phu căn tánh chậm
lụt hay sao? Lẽ nào là hạng vướng chấp nơi hình tướng mà tìm
cầu hay sao?
“Xưa nay có biết bao bậc tôn túc, bao nhiêu vị danh hiền,
thảy đều niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, cầu sanh Tịnh độ!
Huống chi chúng ta chỉ là hạng phàm ngu thấp kém?
“Than ôi! Nay sanh vào thời xấu ác có đủ năm sự uế trược, tu
học các pháp môn khác đều khó thành tựu, duy có pháp môn
niệm Phật cầu vãng sanh là con đường thẳng tắt nhất mà thôi!
Những kẻ không biết đến pháp môn này, thật đáng thương thay!
Nếu đã biết mà chẳng tu theo, lại càng đáng thương hơn nữa!
“Ôi! Tôi nay nhọc lòng nói mãi, chẳng mong gì khác hơn là
cầu cho mọi người đều biết đau đớn xét nghĩ đến cuộc sanh
tử, mau mau niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.
“Nếu có thể tu tập cả pháp môn thiền định kèm theo, khai ngộ
về bổn tánh, khác nào như gấm thêm hoa, cũng không đi ngoài
mục đích. Còn như không đủ sức sáng tỏ, hãy nương theo
nguyện lực của Phật, cũng được vãng sanh. Đã vãng sanh về
cõi Phật rồi, còn lo gì không ngộ đạo?
“Sau khi được gặp Phật A-di-đà, mới biết rằng cả ba pháp tu
thiền, niệm Phật và tu tâm đều giống như nhau; các pháp quán
về lẽ không, về sự hư dối và pháp trung quán đều dung thông
không ngăn ngại.
“Đã đạt thấu lý viên dung, mới biết rằng niệm mà không niệm,
sanh mà không sanh, tu mà không tu, chứng mà không chứng,
thuyết mà không thuyết, không thuyết mà thuyết, sự tức lý,
lý tức sự, tướng là không tướng, không tướng là tướng, vô
lượng là một, một là vô lượng, Phật tức là ta, ta tức là
Phật, Phật thuyết pháp tức là ta thuyết pháp, ta thuyết pháp
tức là Phật thuyết pháp.
“Như vậy, mũi ta cũng là mũi Phật, mặc tình thở ra hít vào.
Quả như đạt đến cảnh giới ấy, mới tin rằng lời của Nhất
Nguyên này hôm nay chẳng phải là dối trá.”