Về đời nhà Đường, ở thành Lạc Dương, chùa Võng Cực, có một
vị tăng hiệu Thích Huệ Nhật, vốn người họ Tân quê ở Đông
Lai. Ngài xuất gia và thọ giới Cụ túc vào khoảng triều vua
Đường Trung Tông (705-707), sau gặp ngài Nghĩa Tịnh Tam
Tạng, tiếp nhận được giáo pháp Nhất thừa sâu xa nhất.
Ngài Huệ Nhật trong lòng thường tưởng mộ, quyết đi đến Thiên
Trúc. Ngày kia đối trước tượng Phật phát lời thệ nguyện, lên
đường sang Tây Vực. Ban đầu nương thuyền vượt biển, trong
khoảng ba năm đã trải qua hầu hết các nước miền Đông Nam hải
như Côn Lôn, Phật Thệ, Sư Tử Châu... Vượt qua nhiều nước,
cuối cùng mới đến được Thiên Trúc, ngài đến lễ bái các thánh
tích và tìm kiếm thu thập các bản kinh văn tiếng Phạn. Ngài
cũng đi khắp nơi tham bái các bậc thiện tri thức. Trong suốt
13 năm tìm cầu học hỏi giáo pháp, chỉ mong muốn được làm lợi
ích cho muôn người!
Rồi ngài chống gậy lên đường về. Đường xa thăm thẳm một bóng
một mình, vượt qua bao núi tuyết, bao xóm làng hẻo lánh. Đi
được 4 năm dài, trải qua không biết bao nhiêu sự khổ nhọc,
đau đớn, sanh ra chán ngán cõi Diêm-phù này, bèn tự than
rằng: “Có đất nước nào, thế giới nào chỉ có vui mà không có
khổ? Có pháp môn nào, hạnh nguyện nào có thể mau chóng được
gặp Phật?” Ngài lại đem việc ấy đi hỏi khắp các vị học giả
trên toàn cõi Thiên Trúc. Ai nấy đều ngợi khen pháp môn Tịnh
độ, vừa phù hợp với lời Phật dạy, vừa mau chóng đạt đến kết
quả, chính là con đường có thể tu tập chỉ trong một đời, dứt
bỏ thân này ắt được vãng sanh về Thế giới Cực Lạc, tự mình
được phụng sự đức Phật A-di-đà.
Nghe được những lời ấy rồi, ngài Huệ Nhật cúi đầu vâng lãnh.
Rồi ngài liền đi dần lên phía bắc Ấn Độ, đến nước Kiện-đà-la
(Gandhra). Về phía đông bắc kinh đô nước này có một ngọn núi
lớn. Trên núi có tượng đức Bồ Tát Quán Âm, đã có nhiều người
chí thành cầu thỉnh được thấy Bồ Tát hiện thân. Ngài Huệ
Nhật bèn khấu đầu làm lễ trước tượng Bồ Tát trọn bảy ngày,
lại phát nguyện tuyệt thực đến chết nếu không được thấy Bồ
Tát hiện thân. Đến ngày thứ bảy, khi trời còn chưa sáng, đức
Quán Âm bỗng hiện ra thân hình màu vàng rực giữa không
trung, chiều cao hơn một trượng, ngồi trên tòa sen báu, đưa
tay phải xuống xoa đầu Huệ Nhật dạy rằng:
“Ông muốn truyền pháp lợi mình lợi người, chỉ có một pháp
hướng về cõi Phật A-di-đà ở phương Tây mà thôi. Nên khuyên
người niệm Phật, tụng kinh, hồi hướng phát nguyện vãng sanh.
Khi được về cõi ấy, được gặp ta và đức Phật A-di-đà, được
lợi ích lớn. Ông nên tự biết rằng pháp môn Tịnh độ vượt hơn
tất cả các hạnh nguyện khác.”
Dạy như thế rồi, bỗng dưng biến mất. Ngài Huệ Nhật tuyệt
thực đã đến lúc sắp bỏ mạng, nhưng vừa nghe xong những lời
ấy bỗng trở nên khỏe mạnh, liền thẳng đường leo qua núi ấy,
nhắm hướng đông mà đi. Đường ngài đi trải qua hơn 70 nước,
tính thời gian từ khi đi cho đến lúc về tới Trung Hoa là 18
năm (701-719). Niên hiệu Khai Nguyên thứ 7 đời vua Đường
Huyền Tông (719), ngài về tới Trường An. Ngài dâng lên hoàng
đế những kinh tượng mang về được từ Ấn Độ. Sau, ngài cũng
khai ngộ cho hoàng đế, được ban tứ hiệu là Từ Mẫn Tam Tạng
Sanh Pháp sư.
Suốt đời ngài tinh cần tu tập pháp môn Tịnh độ, có soạn bộ
sách Vãng sanh Tịnh độ tập lưu truyền ở đời. Lời dạy của
ngài cùng với các vị Thiện Đạo và Thiếu Khương, tuy khác
thời đại nhưng chỗ giáo hóa đều như nhau.
*
Niên hiệu Đại Lịch thứ 2 đời Đường Đại Tông (767), có Đại sư
Pháp Chiếu trụ trì chùa Vân Phong tại Hoành Châu. Ngài siêng
cần tu học không hề giải đãi, luôn lấy sự khuyên người niệm
Phật làm việc gấp rút, khẩn thiết.
Đã hai lần trong Tăng đường, ngài nhìn vào bát cháo thấy
hiện ra thắng cảnh ở Ngũ Đài. Trong thắng cảnh ấy lại hiện
ra một ngôi chùa, có bảng vàng đề mấy chữ “Chùa Đại Thánh
Trúc Lâm”.
Từ đó, ngài Pháp Chiếu đem lòng khát ngưỡng, muốn đến Ngũ
Đài chiêm bái. Tại chùa Hồ Đông ở Hoành Châu, ngài 5 lần lập
đạo tràng niệm Phật, phát nguyện được thấy Đại Thánh.
Ngày 13 tháng 8, niên hiệu Đại Lịch thứ 4 (769), ngài khởi
hành. Đến ngày mồng 5 tháng 4 năm sau thì vừa tới huyện Ngũ
Đài. Từ xa, ngài nhìn về phương nam thấy nơi chùa Phật Quang
có mấy đạo hào quang trắng sáng tỏa lên. Qua hôm sau thì đến
chùa Phật Quang, thấy quang cảnh y hệt như trước đây nhìn
thấy trong bát cháo, không khác chút nào!
Đêm hôm ấy, vừa qua canh tư, ngài Pháp Chiếu nhìn thấy một
đạo hào quang từ trên ngọn núi phía bắc bay xuống chiếu vào
trong chùa. Ngài vội vào chùa thưa hỏi chúng tăng: “Hào
quang ấy là điềm gì, lành hay dữ?” Có một vị tăng đáp rằng:
“Đó là hào quang không thể nghĩ bàn của đức Đại Thánh,
thường giác ngộ cho những ai có duyên lành.”
Ngài Pháp Chiếu nghe như vậy rồi liền chỉnh đốn oai nghi,
theo hướng hào quang mà thẳng đường lên chùa. Đi về hướng
đông bắc chừng 50 dặm, quả nhiên gặp một ngọn núi. Dưới núi
có khe nước, phía bắc khe nước có một cửa đá. Có hai đồng tử
mặc áo xanh, khoảng tám, chín tuổi, dung mạo đoan chánh,
đang đứng trước cửa. Một người xưng tên là Thiện Tài, một
người là Nan-đà.
Đôi bên gặp nhau bày tỏ sự vui mừng, cùng theo lễ hỏi han
nhau. Rồi hai người ấy dẫn Pháp Chiếu vào cửa, cùng đi về
hướng bắc khoảng 5 dặm thì tới. Nơi đây có một tòa lầu cửa
vàng, khi đến tận cửa thì mới biết đó là một ngôi chùa.
Trước chùa có một bảng vàng lớn đề mấy chữ: “Chùa Đại Thánh
Trúc Lâm”. Quang cảnh nơi ấy vuông vức mỗi bề chừng 20 dặm,
có 120 viện, thảy đều có bảo tháp trang nghiêm. Mặt đất toàn
là vàng ròng, lại có ao nước chảy, có hoa trái, cây cối mọc
đầy bên trong.
Pháp Chiếu vào chùa, bước vào trong giảng đường nhìn thấy
đức Văn-thù bên phía tây, đức Phổ Hiền bên phía đông. Hai vị
Bồ Tát ấy đều ngự trên tòa sư tử, tiếng thuyết pháp nghe rất
rõ ràng, vang dội. Hai bên đức Văn-thù có hơn muôn vị Bồ Tát
theo hầu, còn chung quanh đức Phổ Hiền cũng có vô số vị Bồ
Tát.
Pháp Chiếu tiến tới trước hai vị Bồ Tát, lễ lạy rồi thưa hỏi
rằng: “Con là phàm phu sanh nhằm đời mạt pháp, cách Phật đã
xa, tri thức hèn kém, nghiệp chướng nhơ nhớp lấp sâu nên
tánh Phật không do đâu mà hiển bày! Phật pháp mênh mông, con
thật không biết phải tu tập pháp môn nào là cốt yếu. Cúi xin
hai vị Đại Thánh vì con phá sạch chỗ nghi ngờ.”
Đức Văn-thù đáp rằng: “Nay chính là lúc ông nên tu pháp môn
niệm Phật. Trong tất cả các môn tu hành, không có pháp môn
nào vượt hơn pháp niệm Phật và cúng dường Tam bảo. Đó là
đồng thời tu phước lẫn tu huệ. Chỉ có hai pháp tu đó là con
đường thẳng tắt nhất, cốt yếu nhất. Vì sao vậy? Như ta đây
trong đời quá khứ chính nhờ quán tưởng Phật, niệm Phật và
cúng dường mà nay đạt được trí tuệ giải thoát hiểu biết tất
cả. Cho nên, tất cả các pháp Bát-nhã Ba-la-mật, thiền định
thâm sâu, cho đến hết thảy chư Phật đều là sanh ra từ pháp
môn niệm Phật. Nên phải biết rằng, pháp môn niệm Phật là vua
trong tất cả các pháp. Ông nên thường xuyên niệm tưởng đấng
Vô thượng Pháp vương, không lúc nào gián đoạn.”
Pháp Chiếu lại hỏi: “Nên niệm như thế nào?”
Đức Văn-thù dạy: “Về hướng tây của thế giới này có đức Phật
A-di-đà. Nguyện lực của đức Phật ấy không thể nghĩ bàn. Ông
nên thường niệm danh hiệu ngài, đừng cho gián đoạn. Sau khi
mạng chung chắc chắn sẽ được vãng sanh, mãi mãi không còn
thối chuyển.”
Nói xong, hai vị Đại Thánh cùng đưa tay vàng xoa lên đỉnh
đầu Pháp Chiếu, ban lời thọ ký rằng: “Ông nhờ tu tập pháp
môn niệm Phật mà không bao lâu nữa sẽ được chứng quả Bồ-đề
Vô thượng Chánh đẳng. Nếu có những thiện nam, tín nữ nào
muốn mau thành Phật thì không gì bằng tu pháp môn niệm Phật,
chắc chắn sẽ được nhanh chóng thành tựu quả Bồ-đề Vô
thượng.”
Dứt lời, hai vị Đại Thánh lại thay nhau đọc kệ. Pháp Chiếu
được nghe rồi lấy làm vui mừng phấn chấn, lòng nghi dứt
sạch, bèn lễ lạy rồi lui ra.
Hai câu chuyện trên đều có ghi chép trong Tống Cao tăng
truyện, được đưa vào Đại tạng kinh, bản Đại Chánh tân tu,
thuộc quyển 50, số hiệu 2061. Đây chỉ nêu việc chính, còn
những chi tiết nhỏ không quan trọng xin lược bớt.