Như chỉ thấy rằng niệm là niệm, sanh là sanh, ấy là chỗ sai
lệch của kẻ chấp thường; còn như thấy rằng không niệm là
không niệm, không sanh là không sanh, ấy là chỗ lầm lẫn của
kẻ tà kiến. Như có thể niệm mà không niệm, sanh mà không
sanh, đó mới là nghĩa lý chân thật cao tột nhất.
Cho nên, xét theo chân lý thật tánh thì không có một mảy
trần nào thọ lấy; trên chẳng có chư Phật để xưng niệm, dưới
cũng chẳng có Tịnh độ để vãng sanh! Việc trong cửa Phật
chẳng bỏ pháp nào, nhưng muốn thâu nhiếp các căn phải nhờ
phép niệm Phật Tam-muội. Vì quay về nguồn cội, cốt yếu phải
mở mang chỉ bảo pháp môn vãng sanh.
Vì thế mà cả ngày niệm Phật nhưng chẳng trái với không niệm,
rõ ràng vãng sanh nhưng chẳng trái với vô sanh. Cho nên,
phàm thánh cương vị khác nhau nhưng có thể cảm ứng giao hòa
mối đạo, hai phương đông tây chẳng hề qua lại nhưng thần
thức đi về cõi tịnh. Cho nên, kinh A-di-đà dạy rằng: “Như
những kẻ nam, người nữ có lòng lành, nghe giảng nói về Phật
A-di-đà, bèn chuyên tâm niệm danh hiệu ngài, hoặc một ngày,
hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày,
hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, tâm không tán loạn. Người ấy
khi lâm chung liền có đức Phật A-di-đà cùng với các vị thánh
chúng hiện ra trước mắt. Khi mạng chung tâm không điên đảo,
liền được sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.”
Than ôi! Những kẻ lòng tin nông cạn, ngang ngạnh nghi ngờ,
chê bai chẳng tin lời thành thật của chư Phật, chẳng tin sự
vãng sanh về Tịnh độ, há chẳng mê lầm lắm sao?
Như tin lời Phật, được sanh về Tịnh độ, thì không còn bị
ràng buộc bởi nghiệp duyên, cho đến lửa nạn trong kiếp cũng
chẳng thiêu đốt được. Dứt được tám nỗi khổ cõi người, tránh
khỏi năm tướng suy cõi trời. Đối với các đường dữ, tai còn
không nghe nhắc đến tên, huống là có thật?
Kinh A-di-đà dạy rằng: “Nơi cõi ấy chúng sanh không có những
sự khổ não, chỉ hưởng các điều vui sướng, nên gọi là Cực
Lạc.”
Nay đem cõi Ta-bà đối chiếu so sánh với cõi Cực Lạc: Ở cõi
này, thân thể là máu thịt, sanh ra thì phải khổ. Ở cõi kia,
do hoa sen hóa sanh, không có sự khổ vì sanh.
Ở cõi này, thời tiết đổi thay, già suy ngày càng đuổi đến. Ở
cõi kia, chẳng có sự thay đổi nóng lạnh, không có sự khổ vì
già.
Ở cõi này, bốn đại khó điều hòa, sanh ra nhiền bệnh hoạn. Ở
cõi kia, hình thể biến hóa thơm sạch, không có sự khổ vì
bệnh.
Ở cõi này, sống đến bảy mươi tuổi đã là ít có, vô thường
nhanh chóng. Ở cõi kia, đời sống dài vô lượng, không có sự
khổ vì chết.
Ở cõi này, những người thân thuộc yêu thương, có luyến ái là
có biệt ly. Ở cõi kia, không cha mẹ vợ con, không có sự khổ
vì ly biệt.
Ở cõi này, những người cừu địch hiềm thù, oán ghét nhau mà
có lúc vẫn phải gần nhau. Ở cõi kia, tụ hội toàn những kẻ
hiền lành, không có sự khổ vì phải gần kẻ mình oán ghét.
Ở cõi này, khốn khổ vì đói rét, tham cầu chẳng bao giờ thỏa
ý. Ở cõi kia, đồ ăn đồ mặc cho đến trân châu, bảo vật đều
tùy chỗ cần dùng mà tự hiện ra.
Ở cõi này, hình hài xấu xa nhơ nhớp, sáu căn thường khiếm
khuyết. Ở cõi kia, tướng mạo đoan trang nghiêm chỉnh, thân
thể chói sáng rực rỡ.
Ở cõi này, trôi lăn chìm nổi trong sanh tử. Ở cõi kia, vĩnh
viễn được phép Vô sanh.
Ở cõi này, gò đống hầm hồ, gai gốc thành rừng, núi đất núi
đá, dơ nhớp dẫy đầy. Ở cõi kia, vàng ròng làm đất, cây báu
ngất trời, lầu cao bảy báu, hoa nở bốn mùa.
Ở cõi này, đức Thích-ca đã nhập Niết-bàn nơi rừng Sa-la song
thọ, đức Di-lặc chưa đản sanh ở hội Long Hoa. Ở cõi kia, đức
Phật A-di-đà đang làm Giáo chủ, hiện thời thuyết pháp.
Ở cõi này, kính ngưỡng các vị Quán Âm và Thế Chí. Ở cõi kia,
được cùng hai vị ấy kết làm bạn tốt.
Ở cõi này, tà ma ngoại đạo khuấy rối những bậc tu hành chân
chánh. Ở cõi kia, đức Phật giáo hóa gom về một mối, dứt sạch
tà ma ngoại đạo.
Ở cõi này, ma sắc quỉ dâm mê hoặc người tu hành. Ở cõi kia,
chánh báo trong sạch, chẳng có nữ nhân.
Ở cõi này, thú dữ, quỉ ma quấy rộn tiếng tà. Ở cõi kia, chim
nước với cây rừng đều nói pháp mầu.
So sánh giữa hai cõi, cảnh duyên khác nhau rất xa. Mà những
chỗ vượt trội của Lạc Bang thật là vô cùng, không thể kể ra
hết được.
Vì thế mà trong các kinh điển Đại thừa, không kinh nào không
chỉ về Tịnh độ. Các vị hiền nhân đời trước cho đến các bậc
thánh về sau, hết thảy đều tự mình phát nguyện vãng sanh.
Cho nên, muốn độ người thì trước phải nên tự mình niệm Phật.
Than ôi!
Người không lo xa.
Ắt có nạn gần.
Thân người mất đi.
Muôn kiếp khó được.
Cho nên thôi thúc hết thảy đại chúng, ai nấy đều nên niệm
Phật A-di-đà, trăm, ngàn cho tới muôn ngàn tiếng. Hồi hướng
cùng một duyên, nguyện sanh về Tịnh độ.
Gắng cầu Thắng hội Liên trì, đất vàng pháp sáng, dìu dắt lấy
nhau ắt mãn nguyện ấy. Ví như bơi thuyền xuôi nước, lại thêm
sức người chèo lái, dù đường xa muôn dặm, chẳng nhọc sức
cũng tới nơi!
Mùa đông năm Nguyên Hựu thứ tư, Tông Trạch này nằm mộng thấy
một người đội khăn đen, mặc áo trắng, chừng ba mươi tuổi,
dung mạo thanh tú, cử chỉ khoan thai, chắp tay vái Tông
Trạch này mà thưa rằng: “Tôi muốn vào hội Di-đà, xin ngài
ghi tên tôi.” Tông Trạch này liền lấy ra cuốn sổ Liên hoa
Thắng hội, cầm bút hỏi rằng: “Ngài tên chi?” Người ấy đáp
rằng: “Tôi tên Phổ Huệ.” Tông Trạch ghi tên xong, người ấy
lại nói: “Tiện thể cũng xin ghi tên anh tôi.” Tông Trạch này
hỏi rằng: “Anh ngài tên chi?” Đáp rằng: “Tên là Phổ Hiền.”
Nói xong, liền biến mất.
Tông Trạch này tỉnh giấc, tìm hỏi những vị đạo đức cao niên,
đều nói rằng: Ở phẩm Ly thế gian trong kinh Hoa Nghiêm có
tên hai vị Đại Bồ Tát ấy. Tông Trạch nghĩ rằng: “Người Phật
tử làm Phật sự, tuyên dương pháp Phật giúp vào việc giáo
hóa, ắt có thánh hiền ngầm giúp. Vậy thì người dự Hội này,
há phải duyên nhỏ hay sao? Nay tôn hai vị Đại Bồ Tát đứng
đầu trong Hội này.
Than ôi! Bậc Đại Thánh còn tôn sùng pháp Tịnh độ, huống chi
hạng phàm phu đang tu pháp tham thiền, há lại nên khinh
thường mà bỏ qua hay sao?