Trong đời có những kẻ chuyên tu tham thiền, luôn nói rằng
chỉ riêng tâm này là Tịnh độ, ngoài ra không còn Tịnh độ nào
khác, tự tánh vốn là Di-đà, ngoài ra chẳng có Di-đà nào
khác.
Nói như vậy đều là sai lầm. Vì sao vậy? Lời ấy rất cao siêu,
chỉ e nói được mà chẳng dễ gì đạt tới. Cõi Tịnh độ bên
phương tây, không còn tham, luyến, sân, si. Tâm chúng ta
hiện nay, liệu có thể thật không tham, luyến, sân, si hay
chăng? Cõi Tịnh độ bên phương tây, chuyện ăn mặc chỉ nghĩ
đến là có, muốn tĩnh lặng thì tĩnh lặng, muốn đi thì đi.
Chúng ta thì nghĩ đến chuyện mặc mà chẳng có áo, nên rét
buốt làm cho khổ não; nghĩ đến chuyện ăn mà chẳng có cơm,
nên đói khát làm cho khổ não; muốn tĩnh lặng mà chẳng được
tĩnh lặng, nên sự xáo động làm cho khổ não; muốn đi mà chẳng
đi được, nên những trói buộc làm cho khổ não. Như thế mà nói
rằng chỉ riêng tâm này là Tịnh độ, thật chẳng dễ đạt tới.
Đức Phật A-di-đà, phước huệ gồm đủ, thần thông quảng đại,
biến địa ngục làm hoa sen dễ như trở bàn tay, nhìn khắp các
thế giới vô tận dường như trước mắt. Chúng ta nghiệp chướng
nặng nề, tự thân còn lo phải đọa địa ngục, huống chi có thể
biến ra hoa sen được sao? Chuyện xảy ra cách vách còn không
thấy được, huống chi thấy khắp các thế giới vô tận hay sao?
Như thế mà nói rằng tự tánh vốn là Di-đà, thật chẳng dễ đạt
tới.
Người tu thiền đời nay, sao có thể quên Tịnh độ mà chẳng tu?
Sao có thể bỏ Phật Di-đà mà chẳng muốn thấy? Kinh Đại
A-di-đà dạy rằng: “Trong mười phương có vô số Bồ Tát vãng
sanh về cõi Phật A-di-đà.” Các vị Bồ Tát còn muốn vãng sanh,
chúng ta sao lại chẳng muốn? Liệu ta có thể hơn được các vị
Bồ Tát hay sao? Theo như lời ấy thì cái lý “duy tâm Tịnh độ,
tự tánh Di-đà” thật là rộng lớn nhưng không trọng yếu, cao
siêu mà chẳng cần thiết. Những kẻ tu hành chưa chứng ngộ,
lầm lạc rất nhiều.
Nay xin kể ra đôi chuyện để làm chứng cứ.
Thiền sư Thanh Thảo Đường tái sanh là Tăng Lỗ công, thiền sư
Triết Lão tái sanh chịu nhiều lo âu, khổ não, Cổ Trưởng lão
tái sanh sa vào phú quí, ni sư trì kinh Pháp Hoa lại sanh
làm kỹ nữ nhà quan. Đó đều là những người chẳng tin Tây
phương, nên phải trôi lăn trong luân hồi mà chịu khổ não.
Nếu họ tu trì pháp môn Tịnh độ, chắc chắn đã được dự hàng
Thượng phẩm thượng sanh! Chỉ tại chẳng tin, thành ra xấu tệ.
Chi bằng đứng trên đất thật, trì tụng tu hành, ắt được thẳng
sanh về Tịnh độ, thoát khỏi luân hồi. Như vậy, sánh với lời
nói hư vọng chẳng thiệt kia, xa nhau như trời với đất!
Hoặc có kẻ hỏi rằng: “Tham thiền vẫn khó thấy tánh, còn học
đạo tiên thì sao?”
Đáp rằng: “Chẳng tu Tịnh độ mà muốn học đạo tiên, đó là bỏ
hòn ngọc đẹp trước mắt để đi tìm thứ đá giả ngọc mà chưa
chắc có. Thật sai lầm lắm thay! Vì sao vậy? Kinh Lăng Nghiêm
dạy rằng: Có mười hạng tiên, thảy đều sống được ngàn muôn
tuổi. Nhưng khi tận số phải trở lại luân hồi, chưa từng hiểu
được chân tánh, cho nên cũng đồng với sáu đường chúng sanh
mà thành ra bảy đường, vẫn là trong vòng luân hồi vậy.
Người đời học đạo tiên, muôn người chẳng thành được một.
Nhưng dù có thành, cũng chẳng thoát luân hồi. Vì lẽ bám chấp
vào hình thần, nên chẳng bỏ được. Nhưng hình thần đó cũng là
vọng tưởng do chân tánh hiện ra, chẳng phải chân thật. Cho
nên thơ Hàn Sơn nói rằng:
Cho dù tu được thành tiên,
Khác nào như giữ xác chết.
Chẳng bằng người học Phật tự rõ lẽ sống chết, không gì trói
buộc được.
Trong khoảng mấy trăm năm nay, người học đạo thành tiên duy
chỉ có Chung Ly và Lữ công mà thôi. Nhưng người theo học
Chung Ly và Lữ công, đâu phải chỉ có ngàn muôn người? Chỉ
những người mà ta quen biết, số ấy cũng đã chẳng ít, nhưng
rốt cuộc thảy đều chết mất, vùi thân dưới ba tấc đất! Đó là
uổng phí tâm lực bình sanh, rốt lại chẳng ích gì cả. Há
chẳng nghe chuyện Đồng Tân ném kiếm chém Hoàng Long, trở lại
bị Hoàng Long hàng phục đó sao? Đến khi gặp được thiền sư
Hoàng Long, Đồng Tân mới ngộ được chân tánh và hiểu đạo, đọc
kệ rằng:
Bỏ bầu, bỏ túi, đập đàn bể,
Chẳng tham vàng bạc nhiều vô kể.
Từ gặp Hoàng Long được chỉ dạy,
Mới hay từ trước đã sai đường.
Lại chẳng nghe chuyện pháp sư Đàm Loan đời Hậu Ngụy hay sao?
Trước nhận được mười quyển kinh tiên nơi Đào Ẩn Quân, tỏ ra
hớn hở tự đắc, cho rằng có thể đạt tới địa vị thần tiên. Sau
gặp ngài Bồ-đề Lưu-chi, thưa hỏi rằng: “Đạo Phật có thuật
trường sanh chăng? Người tu có thể trừ bỏ sự già, chết được
chăng?”
Ngài Bồ-đề Lưu-chi đáp rằng: “Sống hoài không chết là đạo
Phật của ta.” Liền đưa cho bộ kinh Thập lục quán và nói
rằng: “Ngươi nên tụng đọc kinh này, thì chẳng còn phải sanh
trong ba cõi, chẳng còn đi vào sáu đường, những cuộc thăng
trầm, họa phước, thành bại đều chẳng động tới mình, đời sống
dài lâu không cùng. Cho nên, đó là thuật trường sanh của đạo
ta vậy.”
Đàm Loan tin sâu lời dạy của thầy, bèn đốt kinh tiên mà
chuyên tu kinh Thập lục quán, cả những khi thời tiết thay
đổi hay thân có tật bệnh cũng không biếng trễ. Vua Ngụy cảm
vì chí cao thượng của ông, lại khen ông tự mình tu hành và
giáo hóa cho đời, lưu truyền rất rộng, nên ban hiệu là Thần
Loan.
Ngày kia, pháp sư bảo đệ tử rằng: “Mọi cảnh khổ địa ngục
phải biết sợ, chín phẩm vị tịnh nghiệp phải lo tu.” Rồi dạy
đệ tử lớn tiếng niệm Phật A-di-đà. Ngài Thần Loan quay mặt
về hướng tây, nhắm mắt, cúi đầu mà tịch. Lúc ấy, tăng chúng
và cư sĩ đều nghe có tiếng nhạc vi diệu từ phương tây đến,
giây lâu mới ngừng.
Theo đó mà xét thì pháp môn Tịnh độ rất là thẳng tắt. Như
phép thần tiên, có được điều chi thì giấu kín mà chẳng
truyền, bảo rằng tiết lậu thiên cơ có tội. Còn pháp môn nhà
Phật thì chỉ e truyền ra chẳng được rộng, những muốn độ hết
chúng sanh mới thôi. Đó là từ bi rộng lớn, chẳng dễ suy
lường, chẳng phải đạo thần tiên có thể so sánh được.