Có người hỏi: “Nữ giới niệm Phật có được sanh về Tịnh độ
chăng?”
Nhất nguyên đáp: “Sao ông nói vậy? Chim vẹt, chim sáo niệm
Phật còn được vãng sanh, huống chi con người?”
Lại hỏi: “Nữ giới có mười điều thua kém, làm sao có thể được
vãng sanh? Một là lúc sanh ra cha mẹ không vui mừng. Hai là
khi nuôi nấng không dành cho những món ngon quý. Ba là trong
lòng thường sợ sệt người khác. Bốn là khiến cha mẹ phải lo
lắng việc cưới gả. Năm là phải xa lìa khi cha mẹ còn sống.
Sáu là phải sợ sệt tánh khí chồng thay đổi. Bảy là phải mang
thai và sanh nở, là việc rất khó khăn. Tám là lúc nhỏ phải
chịu sự quản chế khắt khe của cha mẹ. Chín là khi đã trưởng
thành phải chịu sự cấm chế của chồng. Mười là đến tuổi già
phải chịu sự nặng lời của con cháu. Từ khi sanh ra cho đến
cuối đời, nữ giới luôn thiếu sự tự do.
“Nữ giới lại có năm điều chướng ngại. Một là không thể làm
Phạm Thiên vương, hai là không thể làm Đế Thích, ba là không
thể làm Ma Vương, bốn là không thể làm Chuyển luân Thánh
vương, năm là không thể làm Phật. Như vậy thân nữ sao có thể
mau chóng thành Phật được?”
Nhất Nguyên đáp: “Nếu luận về hình tướng, quả thật có những
điều như vậy. Nhưng luận về sự cốt yếu của bản tánh thì
không có những việc ấy. Thời Phật tại thế có vị Long nữ mới
8 tuổi nhưng trí huệ đầy đủ, căn cơ nhanh nhạy, thành Phật
chỉ trong chốc lát. Vậy lẽ nào việc thành Phật lại do nơi
hình tướng nam, nữ, già, trẻ hay sao?
“Trong Thiền tông có rất nhiều người thuộc nữ giới mà ngay
trong đời này cũng rõ được tâm, thấy được tánh, làm thầy làm
tổ, huống chi là việc vãng sanh sau khi đã bỏ thân này?
“Nếu ông cố chấp cho cái hình tướng nữ giới là thật, quả là
rất không thông đạt lý tánh. Người không thông đạt lý tánh
mới chính là nữ nhân; như nắm hiểu được chỗ cốt yếu của bản
tánh thì thật là không có nam nữ.
“Kinh Đại Bát Nê-hoàn dạy rằng: ‘Như có người nam không biết
rằng thân mình tự có tánh Như Lai, dù thế gian gọi người ấy
là nam nhưng Phật nói rằng hạng người ấy là nữ. Như có người
nữ biết được rằng thân mình tự có tánh Như Lai, dù thế gian
gọi người ấy là nữ nhưng Phật nói rằng người ấy là nam.’
“Sách Tông kính lục nói: ‘Thân tứ đại này nhìn vào có những
hình tướng sanh, diệt, nam, nữ; nhưng tánh linh giác thật
không có những hình tướng sanh, diệt, nam, nữ.’
“Như nay ông nhận hiểu tánh ấy thì gọi là được tuổi thọ lâu
dài, cũng gọi là tuổi thọ đồng với Như Lai, cũng gọi là đạt
được tâm Niết-bàn mầu nhiệm.
“Lại nói: ‘Nếu có tâm thức thì hết thảy đều thành Phật.’ Cho
nên, hiện nay đang đi đó là Phật đi, đang ngồi đó chính là
Phật ngồi. Nên nói rằng: ‘Y báo và chánh báo địa ngục A-tỳ
đều sẵn có trong tự tâm bậc thánh, pháp thân chư Phật chưa
từng lìa khỏi một niệm phàm phu.’
“Bùi Tướng quốc nói: ‘Những loài có khí huyết khí ắt có nhận
biết. Nếu có nhận biết ắt là đồng thể.’ Đó chính là: ‘Hết
thảy những loài có linh tánh biết cử động đều sẵn đủ tánh
Phật. Huống chi là nữ giới?”
Người kia lại hỏi: “Đã sẵn có tánh Phật, sao những loài có
linh tánh biết cử động không thành Phật, lại ở mãi trong
luân hồi chịu khổ?”
Nhất Nguyên đáp: “Chỉ vì lúc trước làm người vướng chấp hình
tướng, mê lấp chân tánh, ngược với chánh giác mà hợp theo
sáu trần, tạo ra mọi thứ ác nghiệp, nên nay phải đọa vào
loài vật mà chịu khổ.
“Hãy tạm gác lại việc của những loài có linh tánh biết cử
động, đến như những kẻ hiện nay được mang thân người còn
chẳng chịu ăn chay giữ giới, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, lại
có thể giáo hóa loài khác thành Phật được sao?”
Người kia lại hỏi: “Có những bậc thiện tri thức thấy nữ giới
ăn chay, giữ giới, niệm Phật liền nguyện cho người nữ ấy qua
đời sau được chuyển làm nam thân để tu hành. Việc ấy thế
nào?”
Nhất Nguyên đáp: “Những người như thế chỉ lạm xưng là tri
thức, vì họ thật không hiểu biết lý lẽ, quả là rất si mê.
“Kinh Duy-ma có đoạn: ‘Xá-lỵ-phất hỏi một vị thiên nữ rằng:
Sao không chuyển đổi thân nữ?
“Thiên nữ đáp: Từ mười hai năm qua tôi vẫn cầu cái tướng nữ
nhân mà không được, lấy gì mà chuyển đổi? Ví như có một nhà
ảo thuật tạo ra một cô gái ảo. Nếu có người hỏi: Sao không
chuyển đổi thân nữ? Vậy câu hỏi của người ấy có chính đáng
chăng?
“Xá-lỵ-phất đáp: Không, sự ảo hóa không có hình tướng nhất
định, lấy gì mà chuyển đổi?
“Thiên nữ nói: Tất cả các pháp cũng đều như vậy, vốn không
có hình tướng nhất định. Sao lại hỏi việc không chuyển đổi
thân nữ?
“Liền đó, thiên nữ dùng sức thần thông khiến cho Xá-lỵ-phất
hóa thành hình thiên nữ, còn thiên nữ lại hóa thành
Xá-lỵ-phất, rồi hỏi: Sao không chuyển đổi thân nữ?
“Xá-lỵ-phất trong hình tướng thiên nữ đáp rằng: Nay tôi
chẳng biết vì sao lại hóa làm thân nữ.
“Thiên nữ nói: Như Xá-lỵ-phất có thể chuyển đổi thân nữ ấy
thì tất cả nữ nhân cũng đều có thể chuyển đổi thân nữ. Như
Xá-lỵ-phất vốn chẳng phải là nữ mà hiện ra thân nữ, tất cả
nữ nhân cũng đều như vậy, tuy hiện ra thân nữ nhưng chẳng
phải là nữ. Cho nên Phật dạy rằng tất cả các pháp vốn thật
không có nam nữ.
“Dứt lời, thiên nữ lại thâu lại sức thần thông, Xá-lỵ-phất
hiện thân trở lại như cũ.
“Như vậy, trong tánh chân như lẽ nào lại có tướng nam, tướng
nữ hay sao? Huống chi trong kinh Pháp Hoa có chép việc nữ
nhân được sanh về thế giới Cực Lạc, lẽ nào không phải vậy
sao?
“Lại như trong Vãng sanh truyện có chép việc nữ nhân vãng
sanh Tây phương, số nhiều không kể xiết!
“Bậc trí thức vì sao lại không hiểu biết?”