Có người hỏi rằng: “Thế gian có kẻ chấp vào công án, dạy
người theo đó công phu, chỉ cốt tham thiền ngộ đạo, chẳng
nguyện vãng sanh Tịnh độ. Pháp ấy thế nào?”
Đáp rằng: “Người căn tánh sáng suốt, trí huệ cao sâu có thể
thật tham thật ngộ. Nhưng có đôi chút sai sót liền rơi vào
chỗ sai lầm rất lớn.”
Hỏi: “Làm sao biết là sai lầm?
Đáp rằng: “Sai lầm là ở chỗ nếu như chưa chứng ngộ thì vẫn
trôi lăn trong cõi luân hồi, chẳng bằng việc trì giới niệm
Phật tu hành, chắc chắn sẽ được thẳng đường về Tịnh độ.
“Này thiện tri thức! Ta chẳng ngăn việc tham thiền, chỉ sợ
người không niệm Phật mà thôi! Vì sao vậy? Tham thiền ngộ
đạo là việc khó, niệm Phật vãng sanh là việc dễ.
Người xưa nói rằng: “Chỗ cốt yếu của việc tham thiền là thấu
rõ lý sanh tử, trong trăm người chưa có được vài ba người
đạt đến. Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, muôn người đều thành
tựu.” Cho nên nói rằng: “Tu thiền mà không tu Tịnh độ, mười
người có đến chín người lạc đường.” Chẳng đúng như vậy sao?
Huống chi việc tham thiền và niệm Phật đều không ngăn trở
lẫn nhau. Nay xin nêu rõ sự khó dễ của hai phép tu thiền và
Tịnh độ.
Tám mươi bốn ngàn pháp môn, thâu tóm lại không qua một câu
Nam mô A-di-đà Phật; một ngàn bảy trăm công án, cũng không
qua một câu Nam mô A-di-đà Phật. Vì sao vậy? Trong pháp niệm
Phật có nhanh, có chậm, có lý ngày nay, có tích ngày xưa.
Bậc trí huệ thượng căn có thể ngay tức thời thấy tánh thành
Phật. Những kẻ trung bình và thấp kém chưa thể siêu thoát
tức thời, nhưng nương nhờ sức Phật cũng sẽ được vãng sanh.
Cho nên phép niệm Phật vượt hơn tất cả các pháp môn. Như lấy
niệm Phật làm công án, công đức so với tất cả các công án,
công đức khác vượt trội hơn đến trăm ngàn muôn ức lần. Vì
sao vậy? Vì nếu công đức như nhau thì chư Phật ba đời, mười
phương đã không cần phải tán thán đức Phật A-di-đà, và trong
vô số kinh điển cũng chẳng cần chỉ bày phép tu để được về
cõi Tịnh độ phương tây. Há chẳng nghe rằng các đời Tổ sư ai
ai cũng đều niệm Phật hay sao? Cho đến các bậc danh hiền đời
nay, người người cũng đều niệm Phật. Dầu tăng hay tục, dầu
nam hay nữ, hết thảy đều niệm Phật. Nếu các pháp môn đều như
nhau, sao chẳng nêu riêng biệt? Hãy xem, hết thảy những
người tu hành, dù theo pháp môn nào, khi mở miệng cất tiếng
cũng đều niệm một câu A-di-đà Phật. Vì sao vậy? Nên biết
rằng nguyện lực của đức Phật A-di-đà là vô biên, cho nên chỉ
xưng, chỉ niệm riêng một danh hiệu của ngài.
Hãy nghe bài kệ tán Phật rằng:
Ba đời, mười phương Phật,
A-di-đà bậc nhất.
Bốn mươi tám nguyện độ sinh,
Tòa sen chín phẩm hàm linh nương về.
Do đó suy ra thì công án niệm Phật thật là vượt hơn hết thảy
các công án khác.
Lại nói, chín mươi sáu phái ngoại đạo đều vì muốn thoát sanh
tử mà tu hành, nhưng đều không được giải thoát. Vì sao vậy?
Đều do gặp phải những vị thầy ngu tối, đem pháp chánh giảng
giải thành pháp tà, đem pháp Phật thuyết thành pháp ma.
Người sai lầm như thế rất nhiều. Tự mình đã sai lầm, lại còn
dẫn dắt người khác phải sai lầm theo. Quả thật là:
Người mù dắt lối kẻ đui,
Cùng nhau rơi xuống hầm sâu lửa tràn!
Có lần đức Như Lai dạy ngài Mục-kiền-liên rằng: “Ví như muôn
con sông cùng chảy, có nhiều cây gỗ nổi trôi theo dòng nước,
dù trước dù sau cũng chẳng biết gì đến nhau, nhưng hết thảy
đều quy tụ về biển cả. Người thế gian cũng vậy, dầu có những
kẻ giàu sang sung túc, thảy đều chẳng khỏi những nỗi khổ
sanh, già, bệnh, chết. Chỉ vì chẳng tin kinh Phật nên chẳng
được sanh về nơi ngàn cõi Phật. Vì thế ta nói rằng cõi Phật
A-di-đà là dễ đến, dễ được, nhưng vì người ta chẳng chịu tu
hành để được vãng sanh, ngược lại đi thờ phụng chín mươi sáu
phái ngoại đạo, nên ta nói rằng những kẻ ấy là không có mắt,
không có tai!”
Hơn nữa, trong các sách Vãng sanh truyện và Cao tăng truyện
có ghi lại những trường hợp kẻ hiền người ngu đều được vãng
sanh, xưa nay đều có, thảy đều lìa bỏ nơi uế trược này mà về
cõi nước thanh tịnh, sanh ra trong ao thất bảo, lìa được nỗi
khổ ở trong bào thai, siêu phàm nhập thánh, đắc đạo chứng
chân, không phải trải qua vô số kiếp mà được thành quả Phật.
Há chẳng phải là nhờ nương sức Phật khó nghĩ lường đó sao?
Như muốn vĩnh viễn siêu thoát sanh tử luân hồi, hưởng vui
Niết-bàn, thì không pháp nào hơn được pháp môn vãng sanh.
Vì sao vậy? Cõi Ta-bà uế trược, hội đủ các nỗi khổ nên cầu
đạo khó thành, còn nơi Tịnh độ, hội đủ các điều lành nên dễ
lên hàng Bất thối. Người xưng niệm danh hiệu Phật, chư Phật
hộ niệm vãng sanh; người phát tâm Bồ-đề, nhờ đức Di-đà chiếu
soi càng thêm tinh tấn. Bồ-tát, La-hán cùng làm bạn; cây
rừng, chim nước thảy đều niệm Phật. Bên tai thường nghe diệu
pháp, trong lòng dứt sạch tham sân. Khoái lạc vô cùng, thọ
mạng không dứt.
Một khi sanh qua cõi ấy liền được địa vị Bất thối, nào phải
như trong cõi trời người, trước mắt biết bao điều trái
nghịch. Trên đường tu tập Quyền thừa, căn lành hiếm khi được
trọn vẹn. Ba bậc hiền chưa vào Thập địa còn chưa hiểu đạo
nên mất niệm; Xá-lỵ-phất trụ ở địa vị thứ sáu còn gặp duyên
ác mà thối tâm. Cho nên trong hội Pháp Hoa có năm ngàn người
lui ra. Trong kinh Bảo Tích, kẻ thất đạo cũng rất nhiều. Xem
như lúc Phật còn tại thế mà còn như vậy, huống chi đời nay
lại chẳng thế sao? Cho nên biết rằng, người tu hành trong ba
thừa trải vô số kiếp mà công hạnh không thành; còn trong
pháp môn niệm Phật chỉ như búng móng tay đã được địa vị Bất
thối.
Vì thế, sanh về Tịnh độ chỉ có tiến mà không lùi, quyết định
sẽ thành Phật. Cho nên trong kinh A-di-đà có dạy rằng:
“Những chúng sanh sanh về cõi Cực Lạc đều là bậc
A-bệ-bạt-trí.” A-bệ-bạt-trí nghĩa là địa vị Bất thối.
Than ôi! Kẻ mới phát tâm, lòng tin còn cạn cợt, nếu chẳng
nương nhờ sức Phật giúp thêm, thật khó mà tu hành tiến tới.
Phật A-di-đà có lời nguyện sâu, hết thảy những ai có duyên
đều được tiếp độ.
Này các vị! Ngay từ khi đức Phật tổ vừa lập đạo, còn chỉ bày
pháp môn niệm Phật, huống chi những người tu thiền đời nay
lại chẳng tin việc vãng sanh Tịnh độ hay sao?
Người tu Tịnh độ vốn chẳng hề ngăn ngại việc tham thiền, sao
kẻ tham thiền lại chê bỏ pháp Tịnh độ mà chẳng tu?