Chân như bổn tánh là cái thể hoàn toàn chân thật, không một
mảy may hư vọng, sẵn có từ khi cha mẹ còn chưa sanh ra, cũng
gọi là bổn lai diện mục. Thiền tông gọi đó là Chánh pháp
nhãn tạng; Liên tông gọi là Bổn tánh Di-đà. Khổng tử gọi là
thiên lý. Lão tử gọi là cốc thần. Kinh Dịch gọi là thái cực.
Tên gọi tuy khác mà kỳ thật cũng đồng như nhau.
Tánh ấy rỗng không mà linh diệu, vắng lặng mà mầu nhiệm. Từ
thuở trời đất chưa phân đã có cái lý ấy rồi. Trải qua nhiều
kiếp như số hạt bụi nhỏ cũng chẳng mất; dầu cho thế giới có
hư hoại cũng chẳng thay đổi.
Tổ sư dạy rằng: “Có một vật hiện hữu trước cả trời đất, vắng
lặng cô tịch không hình tướng, thường làm chủ mọi hiện
tượng, không thay đổi theo bốn mùa.” Chính là nghĩa của chân
như bổn tánh vậy.
Than ôi! Người ta chẳng biết gìn giữ cái chân tánh tự nhiên
sẵn có của mình nên bị buộc trói vào cái thể xác vật chất do
bốn món đất, nước, lửa, gió hợp thành. Đang khi thọ lấy hình
hài đã bị âm huyết và trược khí làm cho mê tối thể tánh bổn
nhiên thanh tịnh. Đến lúc sanh ra đời lại mê say, điên đảo
với năm món dục, sáu trần cảnh, nên đối với cái thiên chân
sẵn có càng thêm mờ mịt! Vì thế, Phật dạy tám muôn bốn ngàn
pháp môn đều nhằm dắt dẫn người đời bỏ vọng về chân. Trong
đó, pháp môn thẳng tắt và dễ thực hành hơn hết là pháp môn
niệm Phật. Người tu tập pháp này, lòng không tán loạn thì
tam-muội hiện tiền. Đó là trở về với bổn tánh vậy.
Đức Khổng tử dạy người kiềm chế lòng tham muốn của riêng
mình để trở lại với thiên lý. Chỗ tham muốn của riêng mình
đã dứt sạch thì thiên lý tự sẽ lưu hành.
Đức Lão tử dạy người ta bỏ lòng tham muốn, giữ yên thần trí,
đó chính là cốc thần không hư hoại. Cốc là nghĩa rỗng không,
thần là nghĩa linh diệu. Cốc thần nghĩa là rỗng không linh
diệu không mê tối. Đó chính là cái chân tánh không thể hủy
diệt.
Kinh Thư dạy rằng: Do thành thật mà được sáng suốt, đó gọi
là tự tánh; do sáng suốt mà được thành thật, đó gọi là chỉ
dạy. Cho nên, thành thật ắt được sáng suốt, sáng suốt ắt
được thành thật. Chỉ người chí thành trong thiên hạ mới thấu
hiểu được tự tánh. Thấu hiểu được tự tánh thì thấu hiểu được
tánh của người khác. Thấu hiểu được tánh của người khác thì
thấu hiểu được tánh của muôn vật. Thấu hiểu được tánh của
muôn vật thì biết được rằng tánh của thánh nhân với phàm phu
cũng đồng một thể.
Kinh Kim Cang dạy rằng: “Pháp này bình đẳng, không có sự cao
thấp.” Nói “pháp này” là chỉ cho bổn tánh. Bổn tánh ấy ví
như kim cương, là vì nó rắn chắc, không thể hư hoại. Nói
“không có sự cao thấp” là vì, trên từ chư Phật, Bồ Tát, dưới
cho đến các loài sâu bọ, côn trùng thảy đều có tánh Phật,
cho nên nói là bình đẳng.
Tâm kinh dạy rằng: “Không thêm không bớt.” Chân tánh ấy ở
nơi bậc thánh cũng không thêm, ở nơi phàm phu cũng không
bớt, cho nên nói là “không thêm không bớt”.
Nho giáo cũng dạy rằng: “Muôn loài có sự sống, thảy đều có
đủ một khí thái cực.” Đó cũng là lý chân như bổn tánh vậy.
Than ôi! Thánh, phàm, người, vật vốn đồng một tánh. Chỉ bởi
mê, ngộ mà khác nhau; chỉ tại nhiễm ô hay thanh tịnh mà
thành phân biệt! Cho nên mới có thánh, có phàm, có người, có
vật. Như vậy thì đối với các loài vật, lẽ nào lại nên giết
để ăn thịt hay sao? Ngày nay nếu giết nó mà ăn, ngày sau ắt
nó cũng sẽ giết mình mà ăn lại. Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng:
“Người chết làm dê, dê chết làm người, ăn nuốt lẫn nhau.” Lẽ
nào trốn tránh được sao?
Có kẻ nói rằng: “Trời sanh muôn vật là để nuôi người. Nếu
mình chẳng giết đi mà ăn, thì cầm thú ngày càng nhiều biết
làm sao mà trị?”
Đáp rằng: “Bởi số người giết vật ăn thịt quá nhiều, cho nên
phải đọa làm vật cũng nhiều. Nếu người ta chẳng giết hại,
chẳng ăn thịt, thì khỏi bị cái nạn phải lần hồi thường mạng.
Vì sao vậy? Nếu mọi người khắp thế giới đều giữ theo trai
giới, tự nhiên chẳng còn ăn thịt. Không ăn thịt thì không
còn giết hại. Không giết hại thì không phải sa đọa. Khi ấy,
địa ngục sẽ hóa thiên đường, phàm phu cũng thành Phật
Thánh.”
Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Bậc tỳ-kheo giữ giới không làm
chết cây cỏ, huống chi là đối với loài hữu tình! Hữu tình là
các loài vật sẵn có tánh Phật, vô tình là các loại cỏ cây,
ngói sỏi. Theo đó mà suy ra thì hết thảy các loài vật có
mạng sống, dầu lớn, dầu nhỏ cũng chẳng nên giết hại.
Các người nên chín chắn chuyên tâm niệm Phật, thấu rõ cội
nguồn chân thật. Nếu tu tập đến mức tự mình thấu suốt tất
cả, muôn pháp hiển bày trước mắt, đó gọi là kiến tánh thành
Phật, vượt thoát luân hồi. Chỉ cần một niệm sai lệch chậm
chạp thì muôn kiếp phải chìm trong biển khổ. Có thể nói
rằng: “Mở lông từ đó được, thành Phật cũng do đây.”