Anh ruột thứ Hai của ông Võ Văn Hên tên là Võ Văn Phải. Vì cha mẹ đều mất sớm, ông Hai phải làm lụng vất vả, lo gánh vác gia đình, nuôi dưỡng một đàn em dại. Vì vậy, ông Hai thất học, chỉ biết một chữ ký và tên của mình mà thôi.
Ông Hai tính nết hiền hậu, thật thà, nói chuyện nhỏ nhẹ, dịu dàng. Cư xử với mọi người đều từ hòa, nhân hậu.
Mấy mươi năm bon chen trong xã hội để tạo nên chén cơm manh áo, quả thật quá đỗi vất vả nhọc nhằn. Cuộc sống đầy khổ đau và tạm bợ giúp ông tỉnh ngộ chơn lý, thể hội sâu sắc hơn về thực chất của một kiếp người:
“Mới thấy đó mày xanh tóc sậm,
Bỗng nhiên rồi đầu tẩm sương mai.
Mắt lờ tai điếc lạ thay,
Da dùn má cóp chơn tay mỏi lần.
Ma bịnh đến tử thần lẽo đẽo,
Cướp thây người vội kéo ra đi.
Mủi lòng tử biệt sinh ly,
Vợ con thân thuộc li bì nhỏ sa.
Thân người sống thịt da tươi tốt,
Khi chết rồi gân cốt lạnh tanh.
Bao nhiêu bã lợi mồi danh,
Cũng không rờ nắm giựt giành với ai.
Dầu tiền bạc lầu đài muôn dặm,
Khi chết rồi cũng nắm tay không.
Chẳng đem một cắc một đồng,
Chỉ ôm tội phước trong lòng mà thôi.”
Ông trường chay tu hành rất sớm, con cháu không ai còn nhớ rõ là năm tháng nào. Khi các em đã yên thân, yên bề, ông Hai không lập gia đình, sống một mình, chuyên tu trong căn nhà nhỏ, cạnh gia đình người em thứ Bảy (Võ Văn Hên).
Ngoài kinh tế tự túc bằng cách trồng trọt vài thứ trên mảnh vườn nhỏ ra, hết thảy mọi thứ đều nhờ em cháu trợ cấp. Vả lại, ông Hai rất tri túc, ăn mặc đơn giản đạm bạc, nên nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho đời sống hằng ngày chẳng là bao. Nhờ vậy, sự tu rất thuận lợi dễ dàng.
Ông Hai thường khuyến nhắc con cháu tu hành, thấy ai tu được, ông mừng ghê lắm.
Mặc dù kém chữ nghĩa nhưng nhận thức về Phật pháp của ông vô cùng sâu sắc. Liên hữu Tư Đậm hay ghé để trao đổi đạo lý vì mến kính hạnh đức của ông. Thỉnh thoảng, ông Hai Quắn- bạn tâm giao- thường lui tới viếng thăm, ăn chung ngủ chung, bàn luận chuyện tu hành với ông rất tương đắc.
Khi tuổi hạc càng lên cao, công phu của ông Hai càng thâm hậu tinh thuần. Mỗi ngày ngoài bốn thời lễ lạy ra, ông dồn hết sức lực vào việc niệm Phật cầu vãng sanh, khuyến tấn những em cháu có duyên cố gắng tu hành, còn mọi chuyện dường như, ông chẳng còn để lại trong tâm.
Đầu tháng 7 năm 1994, ông Hai lên cơn mệt, thân nhân đưa đi bệnh viện chữa trị. Bác sĩ ở Cần Thơ chẩn đoán là “Tim thòng”, khuyên nên đưa cụ về, đừng nên phẫu thuật vì cụ đã quá già rồi.
Về nhà, ông Bảy sắc thuốc Nam cho ông uống, bệnh tình tạm yên ổn đôi phần. Lúc này, ông ngồi niệm Phật nhiều hơn vì nằm khó thở nên rất mệt.
Ngày mùng 10 tháng 9 năm 1994, khoảng 8, 9 giờ tối, ông Hai nằm được, nằm ngửa nghe khỏe, cảm thấy thoải mái. Ông Hai nói với ông Bảy:
- “Tao niệm Phật tới chừng nào mòn mỏi, đuối rồi … thì mày niệm tiếp sức cho tao!”
Đêm ấy con cháu đều đi vắng chỉ có ông Bảy và bà Bảy bên cạnh săn sóc, hộ niệm cho ông.
Ông Hai niệm Phật tới khuya, âm thanh yếu lần rồi dứt hẳn, nhẹ nhàng qua đời. Lúc đó, đúng 11 giờ khuya, ngày mùng 10 tháng 9 năm 1994. Ông hưởng thọ 79 tuổi.
Hay tin ông Hai mất, con cháu và đồng đạo tới hộ niệm. Đến trưa khi nhập mạch, mọi người khám nghiệm thấy đỉnh đầu của ông còn nóng trong khi toàn thân đều lạnh.
♣♣♣♣♣♣
Hiện thời, người niệm Phật rất đông nhiều, mà người vãng sanh thì quá ít ỏi. Lý do là hai chữ “hiếu thuận” không làm được, nếu có làm thì cũng qua loa sơ sài, hay phô trương hình thức, chứ không tận tâm tận lực thực hiện. Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy, ông Hai đã dùng hết quãng đời thanh xuân, son trẻ của mình để hoàn thành bổn phận huynh trưởng. Đây quả thật là một tấm gương hết sức quí báu, đáng để cho chúng ta noi theo. Một liên hữu trong Ban Hộ Niệm đã cảm kích, kính tặng ông mấy câu thơ:
“Cung kính dâng Người một nén hương,
Lòng nguyện với lòng: Gắng noi gương.
Đạo nhân cố sức làm chân thật,
Hồi hướng Tây Phương ắt thuận đường.”
(Thuật theo lời Võ Văn Sáu- con của ông Bảy, và cháu của ông Hai)