Cô Nguyễn Thị Cúc sinh năm 1942, cư ngụ xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hiền Cư, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Luyến. Cô có cả thảy sáu chị em và đứng thứ ba trong gia đình. Nghề nghiệp làm ruộng.
Năm lên 21 tuổi, cô thành hôn với ông Phạm Văn Chiêu, sinh được một trai, hai gái. Tính tình của cô từ hòa, chân thật và nhẫn nại mọi khó khăn.
Thời gian đang mang thai sắp sanh lần thứ ba, cô bỗng giác ngộ Phật Pháp, nhận ra rằng kiếp người ngắn ngủi tạm bợ, mong manh, đầy giả dối, đầy tang thương, đầy khổ đau và hệ lụy:
“Sấu còn biết muốn thành rồng,
Người sao không dạ ước mong siêu phàm.
Mang xác thúi không làm thẹn tủi,
Còn đem tâm đắm đuối say sưa.
Chẳng lo hành đạo sớm trưa,
Đổi thân sen báu thơm tho lâu dài.
Sao lại chịu sống ngày thống khổ,
Không lo tìm kiếm chỗ thanh nhàn.
Xuống lên trên cõi thế gian,
Ăn cay uống đắng muôn ngàn kiếp qua.
Sao chẳng chịu xét ra cho kỹ,
Chán thói đời dối mị gạt mình.
Nào danh nào lợi nào tình,
Làm mồi để nhử cho mình mắc câu.”
Hoặc là:
“Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng.”
Thế nên, cô đã dần dần thuyết phục ông chồng đồng phát tâm trường chay, đồng giữ tịnh giới, tu hạnh giải thoát. Nhưng chỉ được hơn một năm, chồng cô thoái tâm, cô bèn xin chồng cho mình rời khỏi gia đình để thực hiện trọn vẹn ý nguyện ban đầu.
Các bạn bè của chồng cô, đề nghị với anh rằng:
- “Anh nên để cho chỉ đi đi! Vài bữa, chỉ ẳm con trở về năn nỉ anh chớ gì! Anh mà ngăn cản chỉ, chỉ sẽ làm eo… “héo phách” lắm!”
Nhiều người nói như thế anh bèn nghe theo. Vì xét thấy một người phụ nữ với ba đứa con dại, không nhà cửa, không tài sản, không…mọi thứ!... Thì cái ăn cái mặc lo đã không kham thì còn sức lực và tâm lực đâu… để mà… tính chuyện …tu… với… hành!
Cái ngày mà cô dắt hai cháu và bồng đứa con tám tháng tuổi ra đi, để cho chồng có vợ khác, mọi người đứng nhìn theo, ôi thôi… chật cả một khúc đường! Quả thật, đây là chuyện hiếm lạ nhất từ xưa đến nay, mà… chỉ có người có tín tâm kiên định lắm, mới có thể thực hiện nổi một quyết định “phi thường và táo bạo” như thế nầy! Lúc ấy, cô 27 tuổi.
Từ đó, cô phải một mặt buôn tảo bán tần, làm thuê, làm mướn để nuôi con; một mặt duy trì thời khóa lễ niệm sớm tối, luôn chí thành âm thầm nguyện cầu Ân Trên Trời Phật chứng minh và gia hộ. Thân tuy khốn đốn, nhọc nhằn nhưng tâm hồn cô nghe có niềm an lạc, vì cô tin chắc rằng: “vạn sự khởi đầu nan”, mà “qua cơn mưa thì trời sẽ sáng!”
Trải qua thời gian khá dài, sự chân thật tu hành của cô đã làm cảm động ông già chồng, ông mới cho cô năm công đất để sinh sống. Lần sau, ông lại cho thêm ba công nữa khi thấy cô đã bán hết số đất đã cho đợt đầu. Những ngày gần cuối đời, gia sản của ông đã suy sụp, cô bèn lần lượt bán hết số đất mà ông đã cho cô đợt sau để lo thang thuốc cho ông nên cô được thân quyến bên chồng quý mến, khâm phục.
Đầu tiên, cô đưa các con sang cồn Cả Nam, nơi mà có nhiều am cốc của những người tu. Ở đây vài năm thì chuyển về nhà cô Tư Lường để thuận tiện cho các con đi học. Sau cùng thì về lại gia đình cha mẹ ruột, riêng cô thì ở chung với người chị thứ Hai chuyên tu, cách đó khoảng nửa cây số, đối diện với chùa An Hòa Tự cho đến ngày mãn phần.
Năm 2002 cô bị bệnh, thân quyến và đồng đạo đưa cô đến nhiều bệnh viện như: Bệnh Viện Tri Tôn, Bệnh Viện Da Liễu Cần Thơ, Bệnh Viện Trung Tâm Chỉnh Hình, Bệnh Viện Việt Pháp Thành Phố Hồ Chí Minh … nhưng các bác sĩ đều phải bó tay vì chẩn đoán cô bị bệnh “Sơ Cứng Bì”, thuộc loại nan y, không có thuốc trị.
Tự biết mình mạng sống không thể kéo dài được nên cô đã khẩn thiết hành trì, sức khỏe tuy suy yếu nhưng tinh thần cô thì càng kiên định và dõng mãnh, công phu bái sám, tịnh niệm mỗi ngày ba thời không hề biếng trễ. Đúng như lời răn dạy của Cổ Đức:
“Núi to bao đục mãi có ngày thông,
Đạo khổ mấy cố công tu sẽ đắc.
Giống sanh tử nếu không đem gieo rắc,
Mầm thế gian không thể mọc được đâu.
Đường vãng sanh Cực Lạc một lòng cầu,
Kiếp thống khổ bao lâu rồi cũng khỏi.
Trên đường đạo phải tinh thần cứng cỏi,
Chinh phục đời để theo dõi lòng tin.
Chữ Di Đà luôn trấn ở tâm mình,
Như Tam Tạng đi thỉnh kinh thuở trước.”
Và:
“Lấy sức mạnh tinh thần chóng chỏi,
Rán vượt qua cho khỏi rừng mê.
Một lần nầy dứt sự ủ ê,
Muôn kiếp tới hưởng bề khoái lạc.
Phật có nói rằng câu giải thoát,
Bằng đức tin siêu việt phàm phu;
Mong ra ngoài như kẻ tử tù,
Được thế chẳng bao lâu đắc đạo.”
Thời gian êm ả trôi qua, đến ngày 23 tháng 3 năm 2008, sức khỏe của cô yếu dần, bạn đồng tu đến thăm, bèn đề nghị:
- “Thôi, để chúng em hộ niệm cho chị!”
Cô trả lời:
- “Tôi còn tự niệm được! Tôi chưa đi bây giờ đâu! Đến ngày 30 tới, tôi mới về Phật!”
Mọi người đồng ý. Cô Bảy Sang liền nói:
- “Vậy thì sáng 30, chúng tôi sẽ đến tiễn đưa chị!”
Người chị thứ Hai của cô chen vào:
- “Nói vậy chớ đi cái gì! Cô Ba cổ còn khỏe lắm!”
Sáng ngày 30 đúng hẹn, đồng đạo đến hộ niệm. Cô yêu cầu:
- “Quý vị niệm ba câu cho tôi niệm ba câu với!”
Thế rồi, kẻ mạnh người đau thay đổi nhau luân phiên cùng niệm lớn tiếng. Đến 12 giờ trưa mà sức khỏe của cô vẫn bình thường, thần sắc vui vẻ, tươi tỉnh. Cô Út Lam nói:
- “Bữa nay ngày 30, mà tôi có thấy gì đâu…! Vì người gần chết tôi biết…!”
Ai cũng thấy cô bình thường, không có dấu hiệu gì sắp sửa chết cả, nên đồng nhau từ giã ra về. Mọi người về chưa được bao lâu thì cô bắt đầu lên cơn mệt, khi ấy cô nằm ngửa, xuôi thẳng chơn tay, miệng vẫn đang nhép môi niệm Phật. Các con cô liền chạy cho cô Hai Tuyết, cô Tư Không, cô Hai Đưng và đồng đạo hay.
Khi mọi người tề tựu xung quanh hộ niệm được một lúc thì cô an tường trút hơi thở cuối cùng, nét mặt hết sức hân hoan, rạng rỡ, lúc đó khoảng 2 giờ 30 phút chiều. Nhằm ngày 30 tháng 3 năm 2008, cô hưởng thọ 66 tuổi.
(Thuật theo lời cô Hai Tuyết và cô Tư Quang, chị em của cô)