Anh Nguyễn Thành Ghi sinh năm 1971, cư ngụ tại xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cha là ông Nguyễn Văn Viên, mẹ là bà Nguyễn Thị Hố, hai ông bà có tất cả sáu người con và anh Ghi đứng thứ Ba trong gia đình.
Nhờ hấp thụ truyền thống của Tổ Tiên, cha mẹ đã sớm qui hướng Phật Pháp nên năm 15 tuổi, cả gia đình phát tâm trường chay, anh cũng phát tâm theo. Công khóa thường ngày, anh lễ sám hai thời sáng tối, sau đó, anh ngồi niệm Phật vài mươi phút. Anh thường xem quyển: Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ.
Năm 25 tuổi, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Búp, sinh được hai gái, một trai. Tính tình anh rất tốt, nói ít cười nhiều luôn vui vẻ, lối xóm và chư đồng đạo ai ai cũng đều quí mến. Anh hăng hái tham gia các việc từ thiện xã hội, mỗi lần ba mẹ vợ đi cứu trợ miền ngoài, anh đều ủng hộ. Có một lần nọ, trong nhà hết tiền, anh cũng đi hỏi mượn bạn bè để đóng góp vào. Láng giềng cần gì, anh đều tận tình giúp đỡ.
Năm 32 tuổi, anh về sống bên ba mẹ vợ vì hai ông bà chỉ có đứa con gái duy nhất. Ba năm sau, anh đi khai mở đất mới, xa nhà vất vả, không ai nấu nướng, ăn uống kham khổ, vợ anh lại bận lo cho các con còn thơ dại, nên năm 35 tuổi, anh xin với ba mẹ dùng lại chay kỳ và nguyện sau nầy, khi đất đai thành phảnh, anh dùng chay trường trở lại.
Anh làm ruộng ở xã Vĩnh Gia, các việc từ thiện, chưa tới mùa gặt lúa, anh đã hứa trước. Anh thường ủng hộ: cất nhà trẻ, các Ban Trị Sự, tổ nấu cháo ở các bệnh viện… Anh có sắm một chiếc tắc-ráng đổ sẵn dầu, nếu như ai có bệnh hoạn hoặc các việc cấp bách anh sẵn sàng chở giúp. Trước lúc xảy ra tai nạn hơn một tháng, đêm nào anh cũng mở máy phát sám kệ nghe cho tới sáng.
Ngày 28 tháng 10 năm 2010 lúc 10 giờ, trên đường từ xã Vĩnh Gia đi đến chợ Châu Đốc để mua thuốc hạ phèn lúa. Khoảng hơn 11 giờ trưa, đến ngã tư vào chợ, thì bất ngờ, có một thanh niên say rượu chạy chiếc xe Wave Trung Quốc đâm ngay vào phuột xe của anh, anh bị té nhào bất tỉnh. Người dân xung quanh xúm lại, thấy trong túi áo của anh rơi ra một chiếc máy điện thoại di động, liền lượm lên, gọi báo cho gia đình hay rồi cấp tốc chuyển anh xuống Bệnh Viện Tri Tôn, dọc đường anh đã tắt hơi nhưng mọi người vẫn đưa anh vào bệnh viện để bác sĩ khám nghiệm tử thi. Kết quả cho biết, anh đã bị gãy cổ cút, khi làm thủ tục xong, thân nhân chở xác anh về.
Về tới nhà khoảng 8 giờ tối, sắc mặt anh xanh xao khó coi, gia đình mời Ban Hộ Niệm đến khai thị, trợ niệm cho anh liên tục, đến 11 giờ trưa hôm sau gương mặt anh đổi lại bình thường. Khi thân quyến tựu hội đầy đủ, gia đình mới làm lễ nhập liệm, cầu nguyện di quan và đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhằm ngày 29 tháng 10 năm 2010. Anh hưởng dương 39 tuổi.
Nhờ ba mẹ ruột và ba mẹ vợ của anh hiểu biết Phật Pháp, lợi ích của sự trợ niệm nên mời Ban Hộ Niệm Liên Xã ở Vĩnh Xương. Mỗi tuần thất là khoảng vài chục người đến cộng tu trọn ngày, cứ luân phiên chia giờ niệm Phật rồi lạy Phật sám hối và khai thị cho anh tại bàn vong.
Mẹ vợ và vợ cũng khai thị cho anh mỗi ngày, gia đình còn thu băng một đoạn trích trong quyển Khuyến Thiện của Ngài Vô Danh Cư Sĩ, kể về tám nỗi khổ ở cõi Ta Bà, và tám niềm vui nơi miền Tây Phương Cực Lạc để phát tại bàn vong mỗi ngày, đồng thời máy niệm Phật cũng mở liên tục không gián đoạn. Mỗi đêm, người vợ và hai con đều tụng kinh Địa Tạng để hồi hướng cho anh.
Ngày tuần thất thứ nhất, cô Hai ở cùng xóm đi cầu nguyện về bị té xe. Tối lại, cô chiêm bao thấy anh về hỏi thăm cô đi cầu nguyện cho con về bị té có sao không, anh còn bảo cô Hai xuống nhà kêu vợ anh cho gạo và mở cốp xe lấy cho cô tiền vì từ khi xảy ra tai nạn cho tới giờ, tiền anh cất trong xe vẫn còn y nguyên, chưa ai phát hiện.
Tuần thất thứ ba, người anh họ làm ruộng giáp ranh, xạ lúa bị thưa, thấy bên anh mạ dầy nên mướn mấy cô qua tuyển một số. Tối lại, có một cô trong nhóm, chiêm bao thấy anh về quở trách: “Sao cô lại nhổ đạp lúa của tôi!”. Người anh mượn chai thuốc sâu cũng thấy anh về đòi lại. Ba mẹ và vợ biết được anh còn tiếc của, chưa buông xả nên mới làm thêm nhiều công đức như: cúng dường Tam Bảo ở chùa các nơi, bố thí gạo, ấn tống kinh sách, phóng sanh… trong mỗi tuần thất để hồi hướng và cầu nguyện cho anh sớm được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Đến tuần thất thứ năm, cô Tám Đâu ở lối xóm, khi xả ca hộ niệm, vào khoảng 12 giờ trưa, cô ra nằm nghỉ ở phía trước nhà, mới vừa chợp mắt thì cô thấy hình Đức Phật A Di Đà từ bàn vong của anh bay ra sáng ánh.
Gần đến tuần thất thứ bảy, cô Út Hà người cùng xóm với anh, (sống hạnh xuất gia, tu chung thất với một bạn đạo) cô nằm chiêm bao thấy anh và hai người bạn, cả ba thân tướng đều hết sức trang nghiêm, gương mặt tràn đầy hoan hỉ, báo cho cô biết là anh đã được vãng sanh về cõi Phật.
Sáng ra đúng ngày tuần thất thứ bảy cô liền tường thuật điềm mộng cho mẹ vợ của anh hay. Do vậy anh Bảy trưởng Ban Hộ Niệm, đến trước bàn vong khấn nguyện:
- “Đệ Ghi ơi! Nghe những giấc mộng của đồng đạo kể lại là điềm rất tốt, đệ được về cõi Phật. Đoàn hộ niệm của chúng tôi cũng thành tâm trợ niệm, hồi hướng công đức mà sao không thấy triệu chứng gì hết. Nếu thật sự đệ được vãng sanh, thì ngày nay là tuần thất cuối, đệ hãy báo cho đoàn biết!”
Một lát sau, trong lúc hộ niệm, Cô Năm đang ngồi bên chiếc giường đặt gần bàn vong, bỗng thấy nơi di ảnh của anh xẹt ra một luồng ánh sáng. Cô liền kể cho anh Bảy nghe. Vì anh Bảy không thấy nên anh đến bàn vong, nguyện thêm một lần nữa. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, nơi ảnh của anh tại bàn vong, cũng xẹt ra một luồng ánh sáng như trước, lần này mọi người đều trông thấy. Từ đó trở đi, không ai còn thấy anh về báo mộng lần nào nữa cả.
(Thuật theo lời ông Nguyễn Văn Chậm, bà Ngô Thị Bưng, Nguyễn Thị Búp, ba, mẹ vợ và vợ của anh)