Ông Đồng Văn Lễ sinh năm 1919, tại Long Xuyên. Thân phụ là cụ ông Đồng Văn Ngữ, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Phải. Ông có tất cả là chín anh em và đứng thứ Tư trong gia đình.
Khi trưởng thành, ông kết hôn với bà Lê Thị Mạnh, sanh được sáu người con, bốn trai, hai gái. Gia đình cư ngụ tại ấp Phụng II, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Quanh năm, chuyên nghề ruộng rẫy làm phương kế sinh nhai.
Ông có đức tính bao dung từ hòa, cần kiệm và giàu lòng thương người, giúp người. Hiếu hạnh của ông được xếp vào hàng mẫu mực, hiếm có đời nay.
Suốt thuở niên thiếu trôi qua, nhờ hấp thụ truyền thống gia đình, ông đã biết kính tin Tam Bảo, ăn chay kỳ, sớm chiều lễ Phật, ưa đọc kinh sách Thánh Hiền.
Khi 51 tuổi (1968), ông chính thức phát tâm trường chay, nỗ lực tu hành. Ngoài bốn thời lễ niệm mỗi ngày, ông còn tích cực tham gia các công tác từ thiện xã hội, lo cứu giúp kẻ cơ bần từ gạo lúa cho đến của cải, bạc tiền… Đồng thời, ông cũng khuyên gọi mọi người chuyên lo làm lành và niệm Phật.
Có lần đi Châu Đốc về, khi đến nhà chỉ còn chiếc quần xà-lỏn, vì mọi thứ ông đều biếu tặng cho người túng thiếu.
Một tối nọ, thấy ông ngồi trên giường niệm Phật, bà liền hỏi:
- “Sao tối rồi mà ông hổng giăng mùng, để muỗi cắn vậy?”
Ông đáp:
- “Hồi sáng, tui cuốn cho người ta rồi?”
Bà hỏi tiếp:
- “Sao ông hổng nói với tui hay, để tui đưa cái khác đem cho?”
Ông nói:
- “Cho bà hay, bà cho mùng cũ, tội nghiệp người ta!”
Đối với gia quyến, ông ôn hòa, vừa nghiêm nghị răn dạy từ cái ăn cái mặc cho đến đối nhân xử thế. Đặc biệt, là yêu quí sinh mạng các loài vật, và cần kiệm dùng sài để có dư ra, hầu giúp đỡ người khác, bởi vì họ đang khốn đốn hơn mình… Con cháu đều kính nể, vâng lời.
Mỗi lần mẹ bệnh, ông đều đích thân chăm sóc. Mẹ ngủ trên giường, ông trải chiếu ngủ ở dưới. Các con lấy làm lạ, hỏi lý do, ông đáp:
- “Nằm ở đó, khuya lỡ Tía có ngủ quên, Nội con bước xuống, Tía cũng hay được!”
Khi dùng cơm, ông ở bên cạnh mẹ trọn buổi, tự tay gấp thức ăn cho bà, vừa quan sát, vừa ân cần hỏi han ngon dở, mặn lạt thể nào để đáp ứng kịp thời. Lỡ bận công việc, ông bảo thân quyến phải làm y như thế.
Ông đối xử rất bình đẳng bên mình cùng bên vợ, không nghiêng không lệch. Những dịp đi xa về, món ngon vật lạ mà ông mua cho mẹ bao nhiêu thì phần dành cho nhạc mẫu cũng bấy nhiêu.
Ông thường khuyến khích con cháu, bạn bè cố gắng nỗ lực tu thân hành thiện. Đem Phật pháp giáo huấn gia tộc. Những lúc nhàn rỗi, chúng thường tụm năm tụm ba bàn chuyện bông lông, ông dịu dàng khuyên nhắc:
- “Các con đừng nên lãng phí thời gian, nói chuyện qua lại một hồi, cười xà thì hết, lợi ích gì đâu! Sao không ráng lo niệm Phật!”
Vì mến mộ hạnh tu của ông nên các thiện trí thức thường xuyên lui tới để bàn luận Phật Pháp, sách tấn hành trì. Ông Hai Quắn là bạn đồng tu tri âm tri kỷ với ông, thường cùng ông đi các nơi khuyên nhắc mọi người niệm Phật tu hiền, làm lành lánh dữ, nhất là bỏ dị đoan tà kiến, chân chánh tu hành.Ông Hai đã cư ngụ ở nhà của ông gần hai mươi năm trời đăng đẳng, ông cùng bà vợ đã lo lắng, săn sóc cho ông bạn đạo nầy suốt thời gian bệnh cho tới lúc mất, vào buổi trưa ngày 14 tháng 12 năm 1983. Ngày ra đi, ông Hai rất vui vẻ nói nói cười cười và không quên đưa tay chào đồng đạo đúng như lời mà ông đã hứa từ trước!.
###
Có nhiều cụ già bệnh đến giai đoạn chót, tự biết không qua khỏi, đều đốc thúc con cháu phải đi mời cho bằng được ông Tư Lễ đến hộ niệm cho mình.
Suốt mấy mươi năm trường công phu tu hành của ông đại để là như vậy.
Cả quãng đời cần mẫn làm ăn, xăng xái giúp đời, đến năm 67 tuổi (1986) thể lực của ông bắt đầu suy kém. Con cháu đòi đưa đi bệnh viện chữa trị, ông không cho, mời bác sĩ về nhà, ông cũng cự tuyệt. Không cần uống một viên thuốc Tây nào cả, chỉ uống thuốc Thầy ( 5 thứ lá cây), và thỉnh nước cúng trên bàn Phật, an tâm niệm Phật, một lòng một dạ cầu mong sớm được vãng sanh mà thôi! Cố gắng làm theo lời dạy:
“Thành lòng nước lã nên hồ,
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban.”
Bệnh tình của ông không nặng nề gì cho mấy, các khớp tay khớp chân thường mỏi nhức, ngũ tạng lục phủ mòn hao dần dần, hơn một năm ông mới qua đời.
Trọn khoảng thời gian bệnh, công phu thường nhật so với trước kia, dường như không có gì thay đổi. Sự tinh tấn lễ bái trì niệm, thời khóa răn rắc chưa từng trễ sót.
Quả thật, đây là tấm gương đáng để cho hàng hậu học noi theo! Cần phải:
“Nuôi trong lòng một chữ bền,
Mọi điều chi cũng làm nên như thường.
Việc chi nếu nửa đường lại bỏ,
Dù là điều rất nhỏ cũng hư.
Tu hành cũng giống thế ư,
Không đi đến cuối thì người ra ma.”
Ngày mùng 3 tháng 3 năm 1987 ông cho gọi các con đến rồi dặn:
- “Tía, trước khi chết, Tía hổng có ham các con ở lại lo giàu nghèo, tiền bạc gì hết trơn…!
Các con từ lớn tới nhỏ, lo tu hiền, ăn chay, niệm Phật là Tía mừng...!”
Thấy sức khỏe ông nguy ngập, người nhà đề nghị đặt bàn cầu an và mời chư đồng đạo đến hộ niệm. Ông cản lại, nói:
- “Còn sớm lắm! Chừng nào gần tới, Tía sẽ cho hay!”
Đến 6 giờ sáng ngày mùng 6 tháng 3 năm 1987 ông bảo con gái thứ Ba rằng:
- “Sen ơi! Con tắm rửa thay quần áo cho Tía, lo đặt bàn và mời đồng đạo đến, kẻo không kịp. Tía sắp sửa đi rồi!”
Khi thân nhân đã thay y phục, bạn đồng tu đã tề tựu chật cứng cả nhà. Ông bảo mang thuốc Thầy ra cho ông uống. Uống xong chén thuốc, chương trình hộ niệm bắt đầu.
Niệm được một lát, ông an tường vãng sanh, gương mặt hết sức tươi vui, sáng đẹp lạ thường. Lúc ấy, đúng 7 giờ sáng ngày mùng 6 tháng 3 năm 1987. Ông hưởng thọ 68 tuổi.
Cuộc trợ niệm vẫn được duy trì mãi đến giờ nhập mạch. Sau đó, khám nghiệm tử thi thì thấy đảnh đầu hãy còn ấm nóng.
*************
Điều hết sức lạ lùng, là:
Lúc lễ an táng, được tiến hành trong ngày. Thân nhân đang chọn lựa chỗ chôn, vì diện tích đất thổ cư quá khiêm nhường, đất ruộng lại quá xa, không còn chỗ nào thuận tiện cả, sân nhà hơi trống nhưng vẫn hẹp. Bàn tán tới lui xong, tất cả mọi người quyết định chọn trước sân. Khi bắt đầu khởi công đào, thì một vị láng giềng tốt bụng nhà đối diện bên kia rạch đề nghị, nên đem sang bên ấy chôn.
Khi qua xem vị trí, thì bất giác các con ông giật mình, nhớ lại giấc mộng của cha mình ba hôm trước.
Ba ngày trước, ông kể rằng:
- “Tía nằm mơ. Tía thấy Thầy nắm tay Tía bước một bước qua con sông, đi đến một miếng đất. Thầy bẻ một nhành cây cắm xuống khoảng trống giữa hai ngôi mộ, rồi nói với Tía: Nữa con về nằm ở đây ...!”
Thế là nơi an táng cho nhục thân của ông xảy ra đúng y như điềm mộng diệu kỳ mà ông đã bảo trước.
…………***********………….