Chị Đặng Thị Vân sinh năm 1954, tại Thành Phố Huế. Cha tên Đặng Văn Nghĩa, mẹ là Nguyễn Thị Đóa. Chị có tất cả chín anh em và đứng thứ Hai trong gia đình.
Thuở bé vì em đông, chị phải phụ giúp bố mẹ chăm lo công việc nhà, nên chỉ học đến lớp 2 trường làng.
Chị có tính hiếu thảo, lòng rộng rãi, rất mực siêng năng, sức nhẫn nại phi thường.
Năm 1975, cả gia đình di cư vào Nam. Ban đầu đến Phụng Hiệp, bốn tháng sau, dời về Cống Mới, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Lúc này, chị vừa tròn 20 tuổi.
Ba năm sau, chị kết hôn với anh Nguyễn Thành Lực, sinh được bốn người con, hai trai, hai gái.
Hằng ngày, chồng đi làm mướn; chị ở nhà lo việc nội trợ. Năm 1982, anh đi xa, biền biệt tin tức. Chị cố tìm, nhưng tìm mãi không gặp nên đành phải tự xoay sở bằng nghề chiên bánh tiêu và bánh cam, bán để nuôi con, vì lúc ấyđứa Út chưa đầy 2 tuổi.
Hơn một năm sau, anh chồng trở về, có được nghề mộc nên đi cất nhà mướn. Cũng vì vậy, mà anh chè rượu nhiều hơn, bôn ba bươn bả nhiều hơn… Càng làm cho chị buồn khổ nhiều hơn! Hệt như tâm tình của một sư ni:
“Hỡi ôi! Ngao ngán cái ách còng,
Tạo chi lố nhố ẩm- bế- bồng.
Đau khổ quá nhiều đâu đẹp dạ,
Niềm vui chút xẻo chả hài lòng.
Tất bật đêm ngày nào ngơi nghỉ,
Quay quầng tâm tưởng tợ cuồng phong.
Mộng đời ngắm nghía chao ôi! Chán!
Chán ngán. Ối chao! Cái ách còng!”
Với bản tính nhẫn nhường, chịu khó nên chị chẳng mấy quan tâm đến số phận lênh đênh của bản thân mình, mà chỉ mong các con được nên người, mơ ước các con có được tương lai tươi sáng.
Có lẽ, hoàn cảnh bất như ý này kéo dài hơn suốt 10 năm, đã giúp cho mầm Bồ Đề Tâm thuở quá khứ, đột nhiên khởi phát trong chị. Chị cảm nhận sâu sắc về nỗi khổ của kiếp người. Mọi thứ trên trần đời đều mong manh, đều tạm bợ… Có đó rồi mất đó, như khói mây khi tụ khi tán, như bèo bọt lúc hợp lúc tan…
“Hoa sớm nở
rụi tàn
khi chiều đến.
Mới thanh xuân
mấy chốc
bệnh già rồi.
Gẫm
đời người
đâu khác
cánh bèo trôi.
Vô lượng kiếp cuộn tròn
trong
bể khổ!”
Năm 2006, chị mắc bệnh thận, xương sống thường đau nhức ê ẩm.
Năm sau, chị phát nguyện trường chay, dự định đi nấu cơm Tổ Từ Thiện ở Bệnh Viện tại Thành Phố. Nhưng duyên may không đủ nên ước mộng chẳng thành, chay lạt cũng chỉ được hơn một năm.
Bệnh trước chưa hết, kế đó, chuyển sang bệnh dạ dày. Dây dưa mãi cho đến đêm 29 tháng 11 năm 2008 hạ sườn bên phải của chị sưng đau dữ dội, khó bề kham nhẫn.
Khi đến Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán là “Ung thư gan” thời kỳ chót, và cho biết thêm mạng sống chẳng còn bao lâu. Thuốc giảm đau khi tiêm vào lại phản tác dụng. Ăn uống bất cứ thứ gì vào, chị cũng đều mữa hết ra.
Hay tin, người em gái thứ Út là Đặng Thị Mỹ Dung đến thăm và động viên chị nên buông xả muôn duyên, chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Chị đồng ý, liền xin xuất viện về nhà đồng đạo tại xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt để an dưỡng vào ngày mùng 5 tháng 12 năm 2008.
Thời gian trước, chị thường thích xem các đĩa Phật Pháp. Nhưng thích nhất vẫn là Quyển Khuyến Thiện, hâm mộ nhất là cô “Nắm giò heo” (Nghịch Duyên) vãng sanh. Ngoài ra, chị thường có cảm giác khi đến chùa, am hay chỗ nào có nhiều người tu tập thì tâm hồn thơ thới, an lạc lạ kỳ.
Từ ngày 6 tháng 12 năm 2008, chị bắt đầu nhai cơm gạo lứt, phối hợp với đắp thuốc Nam và uống thuốc Bắc, đồng thời nhờ chư đạo hữu cầu nguyện.
Vài hôm sau, bệnh tình thuyên giảm rất nhiều, cơn đau cũng bớt rõ rệt.
Hằng ngày, đều có bạn đạo đến thăm hỏi, sách tấn, giảng giải thêm về lý nhân quả báo ứng, về sự thống khổ của kiếp luân hồi, về lợi ích của sự niệm Phật, về bi nguyện độ sanh của Đức Từ Phụ A Di Đà; liên hữu còn hướng dẫn chị phát nguyện sám hối, phát nguyện vãng sanh Tây Phương, kể chuyện vãng sanh, đọc chuyện vãng sanh, mở đĩa về vãng sanh… Chị rất khát ngưỡng, chăm chú lắng nghe, tỏ lời cám ơn khi các thiện tri thức ra về. Chị đã:
“Quyết giữ vững lòng son với Phật,
Quyết tu cầu giải thoát trần gian.
Đạo tâm tinh tấn một đàng,
Nhiệm mầu được thấy Tây Phang được kề.”
Chị dõng mãnh nỗ lực hành trì, câu Phật hiệu nối liền, ít khi gián đoạn.
Ba mươi tám ngày trôi qua, bệnh lần chuyển nặng, chị bắt đầu ngưng ăn, chỉ uống được một ít nước. Những cơn đau thần sầu quỉ khóc thường xảy ra vào giữa đêm, nên chư đồng đạo thay ca hộ niệm.
Hộ niệm đến ngày thứ 7, vào lúc 1 giờ 30 phút đêm 20, rạng ngày 21 tháng 1 năm 2009 chị đã trút hơi thở cuối cùng, sau cơn đau kinh hồn 3-5 phút. Chị hưởng dương 55 tuổi.
Trước đó hai tiếng đồng hồ, một liên hữu đến bên cạnh an ủi, khích lệ, khai thị và còn thỉnh cầu:
- “…Chừng nào chị vãng sanh, chị phải để lại cho chúng em một nụ cười làm chứng tín nghen!”
Lời thỉnh cầu này cũng chỉ là lặp lại nhiều lần, ở những ngày trước đó.
Nghe xong, dù đang đau đang mệt, chị cũng gật đầu rồi cười nhe hàm răng trắng phếu lộ ra ngoài. Lúc mất, miệng chị hả rất to, mọi người vẫn tiếp tục hộ niệm, sau 3 giờ, miệng chị từ từ ngậm lại nhưng không kín, lưu lại “ một nụ cười tuyệt vời hy hữu!”
Sáng ra, khi hay tin chị qua đời, thân nhân và đồng đạo tấp nập đến hộ niệm cho đến trưa. Cũng trong thời gian này, người ta phát hiện bà già chồng bên nhà bếp tức tửi khóc than kể lể:
- “Trời ơi! Con dâu tui, không biết nó còn nắm níu cái gì hông, mà cái đầu nó nóng quá trời!”
Những người xung quanh, có vị biết được chút ít đạo lý, bèn giải thích cho bà nghe. Hiểu ra, bà mới biết chắc chắn, con dâu mình đã được vãng sanh.
(Thuật theo lời Đặng Thị Mỹ Dung, em gái của cô
và Ban Hộ Niệm)