Bà Tô Vân Liên sinh năm 1915, tại Trung Quốc. Bà theo gia đình chồng di dân qua Việt Nam lúc 19 tuổi (1934).
Bà tính tình chất phác hiền hậu, chỉ một lòng săn sóc gia đình sao cho yên ổn hạnh phúc. Từ lúc tạo đời sống ở Việt Nam, gia đình ngụ tại Tân Định, Sài Gòn. Bà luôn hy sinh tất cả để nuôi dạy các con nên người, bản thân bà không màng hưởng thụ một thứ gì ngon tốt. Bà lại không than thở, chẳng khoe khoang hay bày tỏ cho người khác biết. Nhờ vậy mà các con bà đều trưởng thành tốt đẹp.
Vào năm 1978, bà được người con gái du học tại Đài Loan bảo lãnh. Cư ngụ tại Đài Loan 8 năm, bà lại được bảo lãnh sang Úc. Bà còn có một người con trai tại Mỹ, một người con trai ở Pháp và một trai, hai gái ở Việt Nam. Ở Úc, hai người con gái bà đã ổn định gia đình. Gia đình bà theo Đạo Khổng, chỉ thờ ông bà, tu nhân tạo phước. Đến khi trú ngụ tại Úc năm 1986, bà vẫn chưa hiểu gì về Đạo Phật. Sau này vào năm 1991, hai người con gái có dẫn mẹ đi chùa lễ Phật, nhưng cũng chỉ cầu an, cầu phước lộc, cầu cho tai qua nạn khỏi mà thôi. Mãi tới năm 1997, nhân duyên nghe băng giảng và diện kiến Pháp Sư Tịnh Không, vị Đại Sư chuyên hoằng dương Tịnh Độ, bấy giờ hai cô con gái bà mới thật sự chuyên tu pháp môn Tịnh Độ. Nhờ vậy, bà được quy y với pháp danh Diệu Âm và biết niệm Phật, chính thức trở thành Phật tử.
Những dịp không đến chùa, gia đình con gái bà cùng các bạn đạo tổ chức tu tại nhà, như thế làm bà cảm thấy pháp tu niệm Phật thật gần gũi. Nhắc nhở bà thường xuyên niệm Phật, lại nhờ có máy, bà luôn mở và thầm niệm theo.
Đầu năm 1998, bà lâm bệnh; khi được bác sĩ khám, mới hay bà bị ung thư phổi. Gia đình cố gắng mọi phương tiện trị liệu cho bà. Tuy nhiên, với bà không cảm thấy lo lắng, sợ sệt. Bà tự nhận rằng với tuổi 83 là đã quá thọ rồi, nên bà vẫn vui vẻ sinh hoạt, đi lại bình thường, bà còn tin tưởng sâu chắc vào thệ hải độ sanh của Đức Từ Phụ A Đi Đà, càng lúc càng khẩn thiết niệm Phật hơn, chẳng biết rằng, mình đang mang bệnh. Khoảng 4 tháng sau, ngày 19 tháng 5 năm 1998, đi tái khám thì dấu vết chứng bệnh ung thư phổi tự nhiên biến mất. Dịp này làm cho hai cô con gái vô cùng vui mừng và xin được dẫn bà đi du lịch, thăm lại bà con thân thích.
Đầu năm 1999, bà lại được tái khám, lần này bệnh tái phát trở lại và có phần nguy kịch. Nhưng với bà thật lạ, bà chẳng thay đổi, lộ vẻ gì của một người đang mang bệnh nặng, vẫn ăn uống ngủ nghỉ bình thường. Gia đình con cháu khi săn sóc thường hỏi:
- “Má có đau không?”
Bà đáp:
- “Không! Chỉ mệt thôi”
Vì biết bà hiểu Phật Pháp khá hơn, đã niệm Phật tha thiết, tuổi lại thọ, còn tỉnh táo sáng suốt, nên các con đã bày tỏ, kể rõ hiện tình bệnh trạng cho bà nghe. Phản ứng của bà không một chút gì sợ hãi, bà chỉ nghĩ mình chẳng thấy đau đớn gì, cần phải lo chi! Do đó, ngày 22 tháng 2 năm 1999, bà bảo con gái đi đình lại chích thuốc (thuốc giảm đau, cầm chừng trong thời gian chờ đợi) như đã được định ngày. Nhân đó, cô Trân (con bà) có hỏi tình trạng của mẹ, thì bác sĩ cho biết, theo bệnh trạng như thế, sẽ chỉ còn vài tháng mà thôi. Bấy giờ, bà vẫn niệm Phật như thường lệ, các con bà lại cùng tâm niệm với bà, nhất tâm hướng về Đức Phật A Di Đà để nguyện bà sớm được vãng sanh ra đi nhẹ nhàng.
Còn khoảng hai tháng trước khi lâm chung, bà sốt sắng lau dọn nhà cửa sạch sẽ như đón biết trước ngày ra đi, bà nói:
- “Mai mốt tao đi rồi ít có ai lo dọn dẹp”
Đến lúc này, bà vẫn khỏe, đi lại như người không bệnh, chỉ có điều hơi mệt hơn trước, chứ không đau đớn gì; điều này thật lạ vì bệnh ung thư nào trước ngày chết cũng hành hạ bệnh nhân đau đớn dữ dội. Tiếp theo một tháng sau, bà lại đưa tiền dành dụm của mình hơn 1.000 đồng cho con cháu mua máy quay phim, việc này như để chuẩn bị trong ngày ra đi của bà.
Tuần lễ nữa trôi qua, đúng vào ngày lễ Tốt Nghiệp Khóa Học Tiếng Hoa của đứa cháu trai, bà lại được mời tham dự. Đến trường dự lễ, chỉ có gia đình là biết bà bệnh, người ngoài không một ai biết. Nhìn ảnh chụp bà đang bắt tay vui vẻ với cô giáo trong ngày lễ hôm ấy, chắc sẽ không ai ngờ, một người đang mang chứng bệnh nan y đến thời kỳ nặng nhất lại có thể trông khỏe và tươi tỉnh như thế!
Thật sự, bà thỉnh thoảng cũng có đau và cơn đau chỉ thấy rõ vào ngày 26 tháng 12 năm 1999, nên trong ngày đó, các con đã cho bà uống 6 viên panadol. Vì rõ ràng bộ phận bên trong phổi đã hoàn toàn hư hoại; tuy thế, bà cho biết là khi phát lên cơn đau thì bà niệm Phật và tự dưng giảm được cơn đau.
Bà còn tinh tấn tham dự khóa tu niệm Phật một tuần lễ, do nhóm cư sĩ tổ chức tại nhà. Trong lúc này hai cô con gái bà hơi lo, vì sức khỏe bà đã kém nhiều. Sợ bà mất ngay khi chưa tròn khóa tu; như vậy, sẽ làm dang dở cho các vị đồng tu vì phải lo cho bà. Tình cảnh này chắc bà đã dự biết trước. Gần cuối khóa tu, bà không tham dự trọn ngày được nên phải chở bà về nhà, chỉ xin tham dự 1, 2 tiếng. Ở nhà bà vẫn niệm Phật không ngừng.
Ngày 30 tháng 12 năm 1999, vào lúc 2 giờ sáng, thấy bà có phần mệt nhiều, gia đình quyết định đưa bà vào nhà thương khám, vì lo lắng sợ bệnh hành bà đau. Hơn nữa, người con rể là bác sĩ từ Đài Loan gọi điện thoại qua khuyên đưa bà vào bệnh viện, sợ để ở nhà bệnh sẽ hành bà. Tuy vậy, các con cháu gần bà, vẫn cảm thấy bà dù mệt nhưng vẫn tỉnh táo, nên chỉ mong rằng, vào bệnh viện tạm xoa dịu cơn đau, hoặc có thể xác đoán ngày giờ cuối cùng thôi, chứ không nên để ở bệnh viện sẽ trở ngại việc vãng sanh. Tâm niệm các con bà cũng là tâm niệm của bà. Việc này cho thấy các con cùng tâm niệm mong ước đưa bà về Tịnh Độ, nên luôn luôn trong tư thế sẵn sàng lo cho bà. Tâm niệm chung như thế khiến chiêu cảm ra những điều lành suông sẻ, như khi đưa bà vào bệnh viện đã không thông báo trước, cũng không phải là tình trạng khẩn cấp, vậy mà không biết sao, hôm ấy không đợi ai, bà được đưa thẳng đến bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ khám xong, liền cho hay nước trong người bà đã ngập qua phổi, tình trạng thật nguy cấp. Thế là nước được rút ra gần 2 lít, nhưng bác sĩ xem lại chẳng bớt hơn được bao nhiêu. Phần bà thì cảm thấy khỏe lại. Bác sĩ hỏi bà muốn ở lại hay về. Bà trả lời là muốn về.
Cùng trong ngày 30, bà được đưa về nhà, bà đi lại tự nhiên, ăn được sáu múi cam, rồi đi tắm và vào phòng thờ niệm Phật. Bà ngồi ghế đưa tay lần chuỗi, hai cô gái niệm Phật chung với bà. Không tham dự khóa niệm Phật được, ba mẹ con niệm ngay tại nhà, cũng thật tinh tấn thanh tịnh.
Năm giờ sáng ngày 31 tháng 12 năm 1999, chỉ còn 4 tiếng đồng hồ nữa là mãn khóa niệm Phật, bà vẫn khỏe, hai người con hỏi bà có muốn đến tham dự lễ hồi hướng mãn khóa không. Ban đầu bà nói đi, nhưng rồi sau, bảo chỉ một người con đi hồi hướng thôi, còn một ở lại với bà.
Xong buổi lễ hồi hướng, cả ban niệm Phật cùng đến thăm và trợ niệm cho bà. Biết bà có lẽ không còn bao lâu nữa sẽ ra đi, tất cả đồng thanh chí tâm hộ niệm; bà cũng nhép miệng niệm theo (lúc này bà đã không còn lần chuỗi nữa). Đột nhiên, mọi người thấy bà chấp hai tay lại, mặt mày sáng ra có vẻ thành khẩn lắm. Thấy thế, mọi người đều đứng dậy trang nghiêm niệm càng tha thiết hơn. Được một hồi, bà để tay xuống và như nằm dưỡng tĩnh. Trong lúc bà có hành động lạ như vậy, cô Hương con gái bà nhìn thấy gương mặt mẹ sáng hực ra như có ánh sáng vàng chiếu vào vậy. Sau này, hỏi ra có thêm một vị trong ban hộ niệm cũng thấy giống cô. Tất cả mọi người còn lại thì thấy mặt bà tươi tỉnh. Khoảng thời điểm này, mọi người đều xác nhận không có ánh sáng mặt trời lọt vào phòng.
Tối hôm đó, mọi người trong ban cũng đồng trở lại trợ niệm cho bà. Gia đình cũng có gọi bác sĩ Mạch Ảnh Lang tới thăm, bác sĩ hỏi bà mệt không, bà gật đầu, nhưng hỏi có đau không thì bà lắc đầu.
Hôm sau ngày 1 tháng 1 năm 2000, các người con vẫn niệm Phật cho bà, và Ban hộ niệm vẫn đến trợ lực. Trong Ban Hộ Niệm, một vị đứng mang hình Phật đưa lên hơi cao, bà liền ra dấu hạ xuống thấp hơn. Có người cảm thấy bà sắp đi vì mệt nhiều, nên xin phép bà hạ ghế dựa thấp xuống để bà nằm. Bà không muốn, chỉ chịu tư thế hơi ngã người mà thôi. Hình như, bà muốn giữ thân trang nghiêm trước giờ ra đi theo Phật!
Niệm được một hồi, tự nhiên, hai mắt bà mở ra vừa trong lại thật sáng; bà lại nhóm người lên muốn đứng dậy. Hình như, bà đang bắt gặp điều gì! Rồi bà từ từ dịu người xuống, miệng vẫn động môi niệm Phật, đôi mắt cũng từ từ nhắm lại, nhẹ nhàng ra đi trong sự trang nghiêm thanh tịnh hòa theo tiếng niệm Phật không ngừng. Lúc đó là 9 giờ 23 phút tối, ngày 1 tháng 1 năm 2000. Bà hưởng thọ 83 tuổi.
Có vài người tới trễ, vào lúc bà sắp ra đi miệng còn máy động. Họ bước vào đúng lúc liền xá chào bà, rồi quay sang bàn Phật cùng cất tiếng niệm. Đến một hồi, họ xoay lại nhìn bà, ngỡ bà ngủ; nào ngờ, người khác cho hay là bà ra đi ngay lúc họ vừa xá chào.
Mọi người tiếp tục hộ niệm khẩn thiết hơn. Niệm đến gần nửa đêm, cô Trân con gái bà cảm thấy chưa bao giờ chứng kiến buổi niệm Phật kỳ diệu tuyệt hay như vậy, dù cô đã tham dự nhiều khóa niệm Phật thật trang nghiêm. Cảm kích như thế, cô bèn lui ra tìm băng cassette, thâu giữ âm thanh hiếm quý này. Cùng lúc đó, cô Hương, con gái bà lại nghe hình như có tiếng nhạc đâu đó hòa theo tiếng niệm Phật, lại thấy cô Trân đang loay hoay với máy thâu cassette, tưởng em mình đang phát băng niệm Phật có đệm nhạc. Trong tâm cô vừa ngạc nhiên, vừa khó chịu vì sao đang niệm Phật tha thiết như vậy, lại để băng vào làm gì!
Sau này, hỏi ra mới rõ, cô Hương đã nghe được âm thanh nhạc điệu lạ lùng và cô là người duy nhất nghe được. Điều lạ nữa, dù niệm Phật lâu như vậy, mà mọi người không cảm thấy chút gì là mệt, dường như còn khỏe người ra. Họ còn nói, như có gió mát thổi vào phòng khiến ai nấy thật sảng khoái mát mẻ, mặc dù lúc này là đang mùa nóng bức ở Úc.
Ban hộ niệm thay phiên hộ niệm đến gần 8 tiếng đồng hồ, rồi hồi hướng ra về. Riêng trong gia đình vẫn tiếp tục hộ niệm cho đến sáng hẳn ngày hôm sau. Tính ra cũng gần 12 giờ niệm Phật, và nhục thân của bà vẫn được giữ yên trong tư thế hơi ngã người vào ghế.
Sau đó, bác sĩ Lang đến ký giấy lần cuối. Bấy giờ, hai cô con gái cùng một người cháu và một Phật tử trong Ban hộ niệm mới di chuyển thân bà, để lau tắm chuẩn bị việc tang sự. Lạ thay, toàn thân bà vẫn mềm mại như người sống! Hai cô con gái thật sửng sốt, liền nghĩ vậy là mẹ mình đã được vãng sanh rồi nên mới có hiện tượng này nhưng nếu đầu mẹ còn ấm nóng thì mới thật sự chắc ăn. Thế là, họ thật vui mừng biết bao, khi chính tay cảm giác hơi ấm trên đầu bà vẫn còn lưu lại dù đã chết sau 12 tiếng đồng hồ.
Việc vui mừng như thế đến nỗi khiến nhân viên nhà quàn phải kinh ngạc. Họ hỏi:
- “Sao nhà có người mất lại vui được như vậy!”
Cô Hương và Trân cười và thì thầm nhỏ với mẹ:
- “Chúng con hẹn, sẽ gặp lại mẹ ở Tây Phương Cực Lạc!”
**************
Lúc bà đã mang thân bệnh, có lần các con nhắc vui với bà:
- “Hồi ở Trung Hoa khổ, di dân qua Việt Nam sướng được một chút, lại di dân qua Đài Loan sướng hơn chút nữa, rồi qua Úc thì sướng hơn nữa! Bây giờ mẹ không biết sẽ di dân ở đâu! Thôi thì mẹ di dân lên đất Phật chắc là sướng nhất rồi!”
Bà cười và nói:
- “Đúng rồi, lần này phải di dân lên Cực Lạc!”
Bà còn nói đùa:
- “Má có đi rồi thì báo cho bà con ở Việt Nam biết là má chỉ di dân thôi chứ không có chết”.
Các con lại nhắc cho bà nghe câu chuyện một người mất ở Đài Loan, vị đó biết là nếu mất ngày thường, sẽ khó cho người đến thăm viếng nên lựa ngày nghỉ để mất. Đề nghị bà chọn ngày nghỉ mà đi cho mọi người thuận tiện đến trợ niệm và thăm viếng thì tốt lắm! Quả thật bà ra đi ngày 1 tháng 1 năm 2000, đúng vào ngày nghỉ Tết cuối năm, nên tất cả gia đình thân hữu đều đến tiễn đưa bà.
Sự ra đi nhẹ nhàng và mầu nhiệm như thế, khiến các con nghĩ rằng, chắc chắn mẹ sẽ để lại cái gì đó làm vật kỷ niệm cho con cháu. Họ mạnh dạn thưa với nhân viên nhà quàn, xin nán việc nghiền nát xương cốt của bà sau khi hỏa thiêu, để tìm thấy vật để lại của mẹ.
Quả thật, sau đó đã thu được rất nhiều Xá Lợi.
(Thuật theo lời cô Hương và Trân)
(Trích: Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi – Tịnh Hải sưu tập)