Cư sĩ Nguyễn Văn Luông sinh năm 1947, cư ngụ tại ấp Thạnh Lộc I, xã Trung An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Cha tên Nguyễn Văn Thành, mẹ là cụ bà Lê Thị Dinh. Anh đứng thứ Hai trong gia đình và có tất cả sáu người em.
Thuở nhỏ, học hành chỉ mới lớp 3 trường làng.
Khi năm lên 21 tuổi, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Mềm, sinh được sáu đứa con, ba trai, ba gái.
Anh có lối sống đơn giản, ăn mặc bình dị. Tính tình thuần hậu hiền lành, thương yêu hết thảy các em, hòa nhã đối với tất cả mọi người, nên ai ai cũng cảm mến. Anh rất siêng năng cần mẫn, quanh năm suốt tháng miệt mài với thửa ruộng luống cày.
Do vì cha mẹ và người thân phát tâm quy kính Tam Bảo, anh cũng hưởng ứng làm theo. Đồng thời hướng dẫn vợ con cùng trường chay tu niệm, lánh dữ làm lành, cầu sanh Tịnh Độ, lúc ấy, vào khoảng cuối thập niên 70.
Những dịp nhàn rỗi anh thường xem kệ giảng, và dẫu bận công chuyện mấy công khóa sớm chiều không hề bỏ sót. Đúng như lời của Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa đã từng chỉ dạy:
“…Ngày hai thời lẳng lặng công phu.
Việc chi dầu quá cần cù,
Cũng nhân vài khắc tập tu nguyện cầu.
Khi rảnh việc đồng sâu chợ búa.
Đem sám kinh tự của Thầy ban,
Đọc cho thông thuộc đôi hàng.
Ngâm nga trong lúc thanh nhàn băn khoăn.”
Mặc dù mưu kế sinh nhai chộn rộn, anh vẫn thường thăm viếng cha mẹ, cung dưỡng những món lạ vật ngon, ít khi vắng thiếu. Phù hợp với lời chỉ dạy của các bậc tiền bối:
“Con ơi! Càng biết đạo mồi,
Càng làm đẹp đẽ hạnh ngôi con người.
Ở ăn quy củ trong đời,
Trong thời thuận thảo ngoài thời hòa vui.
Nhớ ơn cha mẹ dưỡng nuôi,
Thì không thể trở nên người con hư.
Trọn câu tử hiếu phụ từ,
Đó là căn bản đạo người xưa nay.”
Thể lực của anh rất tốt, suốt năm này qua tháng nọ ít khi bệnh, nếu có cũng chỉ cảm gió sơ sài mà thôi.
Mãi đến đầu xuân năm 1996, anh nghe trong người tứ đại bất hòa, bèn đạp xe đi tìm thầy thuốc lo bề chữa trị. Sau rốt, đến bác sĩ Huệ ở Thốt Nốt xét nghiệm, phát hiện khối u ở gan vào thời kỳ thứ III.
Sức khỏe bắt đầu tụt dần, nhưng tinh thần anh vẫn an nhiên, trong khi vợ con đều bàng hoàng kinh sợ.
Anh thường nằm trên ghế bố, bệnh hành ngặt mình bằng những cơn đau nóng dữ dội, rất khó chịu, không thể diễn tả được. Mỗi cơn thường kèm theo xuất mồ hôi dầm dề, khi qua cơn thì hơi khỏe lại một tí, có thể gắng gượng tới lui. Giai đoạn này, công phu hành trì của anh càng thêm khẩn thiết, ý nguyện vãng sanh mãnh liệt thêm hơn. Do vì:
“Biển trần kiếp tạm nổi trôi,
Không tu khổ mãi chẳng đời nào yên.
Sanh ra trong cõi trần duyên,
Người nào cũng bị não phiền chẳng không.
Không ai trăm việc vừa lòng,
Mà ai cũng có não nồng nọ kia.
Dục tâm óc ách như đìa,
Đem thân ra để làm bia đạn trần.
Biết rằng rốt cuộc bỏ thân,
Nhưng mà các dục vọng trần không buông.
Quên rằng tài vật dư muôn,
Bỏ thân tài vật bỏ luôn đâu còn.
Chết thân tan rã lần mòn,
Nhưng bao tội lỗi hồn còn đeo mang.
Xác tan nhưng tội không tan,
Đầu thai trở lại thế gian trả đền.
Vì mê nên kiếp trước quên,
Hay đâu ăn trước nay đền trả sau.
Trả đền hoặc chậm hoặc mau,
Đã vay không một người nào trốn qua.
Chúng sanh nơi cõi Ta Bà,
Sao không nghĩ tới để mà tu thân.
Nếu không trốn khỏi tử thần,
Dù đeo đắm cuộc hồng trần luống công.
Cuối cùng cũng phủi tay không,
Đâu bằng tu niệm để hòng siêu sanh.
Đem lòng tham muốn lợi danh,
Đổi ra lòng muốn tu hành quí hơn.
Lợi danh sẽ mất theo thân,
Tu hành sẽ cứu hồn thăng Phật đài.
Càng nhiều tham vọng trần ai,
Càng làm cho kiếp đọa đày đấy thôi.
Hồng trần là cõi bạc vôi,
Nó không chung thỉ với người nào đâu”.
Nên:
“ Đường vãng sanh Cực Lạc một lòng cầu,
Kiếp thống khổ bao lâu rồi cũng khỏi.”
Vợ con anh vô cùng khổ tâm, vô cùng lo lắng, nên khuyên anh dùng mặn để nâng cao hiệu quả điều trị theo lời thầy thuốc yêu cầu. Khi vắng mặt chị và mấy cháu, người em gái bên cạnh bèn nhắc nhở:
- “Anh Hai à! Anh phải tự giác! Cũng như là… đời mình trước sau gì cũng phải chết, mình phải giữ cái Đạo để mà đi, anh đừng có ăn mặn nghen!”
Anh khẳng khái trả lời:
- “Anh hổng có ăn đâu, em đừng sợ!”
Lúc nầy, thân nhân đặt bàn hương án, bà con đồng đạo rất đông đảo đến cầu nguyện. Mặt khác, vợ anh cũng mua chim cá phóng sanh, hồi hướng cho anh. Đồng thời, cha mẹ ruột, cha mẹ vợ và các em của anh thường ở gần sách tấn và trợ niệm hàng ngày.
Khoảng 10 ngày sau, vào ngày 18, thấy anh mệt nhiều thân quyến bắt đầu thay phiên túc trực hộ niệm liên tục. Vào giữa khuya đêm 22, trong cơn đau dữ dội, anh chợt đọc lên hai câu trong quyển Khuyến Thiện:
“Gần hấp hối tâm thần xao xác,
Trí vẩn vơ kinh sợ vô cùng.”
Rồi tiếng niệm Phật của anh nhỏ dần nhỏ dần, sau đó ngưng hẳn, mọi người xung quanh lớn tiếng xưng to Thánh Hiệu. Mãi đến 6 giờ sáng, anh an tường trút hơi thở cuối cùng. Nhằm ngày 23 tháng 1 năm 1996. Anh hưởng dương 49 tuổi.
Lúc ấy, có một số người ở xa ngoài đồng thấy nhà anh chói sáng, họ ngỡ là nhà cháy.
Cuộc trợ niệm vẫn tiếp tục duy trì đến 9 giờ, khám nghiệm toàn thân, thì chỉ có đỉnh đầu hãy còn nóng ấm. Đặc biệt là gương mặt thật tươi-sáng-đẹp. Chư đồng đạo đều lộ sắc hân hoan, chia sẻ niềm vui vô biên với người đã sanh sang cõi Tịnh.
(Thuật theo lời cô Tám Chờ em gái của anh)