Anh Đồng Văn Hảo sinh năm 1956, tại ấp Phụng II, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Cha tên Đồng Văn Lễ, mẹ là Lê Thị Mạnh. Anh có hết thảy sáu anh em và đứng thứ Tư trong gia đình.
Ngay thuở ấu niên, anh đã có tính hiếu thuận, hiền hòa, giàu lòng nhân ái và chân thật.
Năm lên 14 tuổi, một hôm, ông Hai Quắn nói với anh:
- “Con xin Ba, cho bác dẫn đi núi một chuyến cho biết!”
Sau khi được sự chấp thuận của cha, anh nói với mẹ:
-“Má đi chợ mua cho con bốn con lươn, nấu canh hai con, còn hai con gộng lại. Chừng nào con đi núi về sẽ dùng!”
Mấy ngày sau, khi viếng non xong trở về, anh đem hai con lươn còn lại đi thả; phát tâm trường chay, quyết chí tu hành.
Anh đình chỉ học phổ thông, ghi danh lần lượt dự các khóa học do Ban Phổ Thông Giáo Lý tổ chức tại Tân Tây, rồi đến chùa Vạn Phước ở Trà Uối và Hội Quán ở xã Thuận Hưng, tất cả đều thuộc địa bàn huyện Thốt Nốt.
Năm 1977, mặc dù tiếp giúp cha mẹ việc đồng án ruộng rẫy, anh vẫn hăng say tham gia các công tác từ thiện xã hội, nồng nhiệt: bắt cầu, bồi lộ, cất nhà… Do tính tình nhu thuận, rộng rãi giống hệt như cha và mẹ của mình, nên anh đi đâu, ai ai cũng đều thương yêu quí mến.
Có lần, mẹ bảo đi ruộng tưới khổ qua. Đi được nửa đường, gặp nhà người đang lợp, anh phóng vào làm tiếp tới tối mới về, quên bẳng công chuyện của mình!... Hễ thấy vợ chồng ai lớn tiếng cự cãi là anh nhảy vào dịu dàng phân giải, làm êm đẹp đôi đàng.
Nói chung, về mặt đối nhân xử thế của anh, vô cùng khéo léo và rất chân tình.
Còn phần trở lại đời sống tâm linh, anh siêng năng nghiên cứu đọc học nội điển, cũng siêng năng tham vấn Phật pháp với bậc tiền bối lão thành, bởi vì thân phụ vốn là người đức hạnh nên các thiện trí thức thường lui tới viếng thăm.
Đường hướng tu của anh: lấy hiếu thuận lễ nghĩa làm nồng cốt, làm nền tảng cho việc hành thiện tích đức, hồi hướng Tây Phương. Song song với việc tinh cần chí thành lễ bái và trì câu Lục Tự ra, anh còn triệt để nghiêm trì giới hạnh, gìn giữ oai nghi. Vì thế, các bạn đồng tu thảy đều kính nể.
Như có lúc đang lui cui lao tác, bất chợt có bạn đạo của chị mình đến nhà, anh lập tức chạy vào trong, mặc y phục đoan trang tề chỉnh.
Sự công phu hành trì của anh âm thầm như thế, trải suốt hơn 20 năm.
Vào giữa năm 1994, bụng anh đau ê ẩm dây dưa. Lúc đầu ít, anh điều trị qua loa không mấy chú ý, dần dà mỗi lúc tăng thêm. Đến cuối tháng 5 năm 1995 vào Bệnh Viện Đa Khoa An Giang điều trị, nhưng không thuyên giảm. Thân nhân đưa đi Thành Phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ chẩn đoán là “Khối u đại tràng.” Vì phát hiện quá trễ, bệnh đã tới giai đoạn nguy ngập. Biện pháp xử lý đành phải phẫu thuật và đem cả hậu môn ra ngoài.
Một tháng nằm viện điều trị, sau đó ra về. Lúc nầy, sức khỏe của anh suy sụp rõ rệt. Thế nhưng, tín tâm nguyện tâm cầu sanh An Dưỡng Quốc thì kiên cố và tha thiết hơn xưa, sự hành trì thì hăng hái và mạnh mẽ thêm hơn. Điều này rất thích hợp với lời khuyên:
“ Là Phật tử cho kham chí nguyện,
Tất nhiên là toàn thiện đường tu.
Xác phàm mà chẳng phàm phu,
Tây Phương ký hiệu diêm phù rút tên.”
Căn bệnh quái ác, hoành hành anh dữ dội bằng những cơn đau tàn khốc hãi hùng, nhất là một tháng trước khi mất. Nhiều đồng đạo cùng thân quyến vây quanh, xoa chà đấm bóp để chia sẻ với anh. Có điều đáng khâm phục là, anh rất hoan hỉ trả nghiệp, chẳng hề rên siết than phiền.
Anh nói:
- “Cũng có phước cho tui, tuy bị bệnh hoạn kéo dài mà vẫn tỉnh táo niệm Phật, chớ mê thì khổ biết mấy...!
Kiếp trước, chắc mình tạo nghiệp ác nặng quá, nên giờ mới như vầy! Nguyện kiếp nầy trả cho hết để sớm được vãng sanh...!”
Đôi lúc, đang đau, có bạn tu đến, anh bật dậy, tươi cười niềm nỡ chào hỏi, dường như chẳng có đau đớn gì cả. Đúng như câu:
“Bụi trần tuy bao phủ,
Son sắt vẫn một lòng.
Mây qua trăng lại tỏ,
Sóng lặng biển hườn trong.
A Di không ngớt tưởng,
Đà Phật vẫn hằng mong.
Nguyện sanh về Cực Lạc,
Chẳng thích ở trần hồng”
Thời gian này, anh thường thì thầm căn dặn với chị:
- “Ráng nghe, chị Ba! Chị ở lại, ráng lo chăm sóc cho má! Ráng khuyên má lo tu! Ráng khuyên má lo niệm Phật...!”
Vào khoảng 20 tháng 1 năm 1996 thấy thể trạng của anh cạn kiệt, người chị đề nghị hộ niệm, anh nói:
- “Thôi, bây giờ còn sớm lắm, chị Ba! Chừng nào gần tới, em sẽ cho chư đồng đạo hay!”
Ngày 24, anh nhờ người thân dời chỗ nằm của mình từ nhà sàn gác phía sau ra nhà trước, đồng thời mời bạn tu đến nhà để lên chương trình hộ niệm.
Hộ niệm suốt hai đêm, đến 5 giờ 30 sáng ngày 26 tháng 1 năm 1996 anh bảo mọi người ngưng, ra ngoài nghỉ xả hơi một tí, để gia quyến thay y phục cho mình.
Khi tất cả đều ra ngoài, người chị bưng ly nước định cho anh uống, anh nói:
- “Thôi, chị Ba ơi! Bây giờ, mà còn uống gì nữa. Lo niệm Phật. Em mệt nhiều lắm, sắp sửa đi rồi! “
Khi thay đồ xong, chư đồng đạo trở vào tiếp tục hộ niệm, anh nói:
- “Chị Ba! Chị rút chiếc gối ôm ra đi! Em nằm theo kiểu Đức Phật Thích Ca!”
Người chị y lời, anh nằm nghiêng, tự đưa hai chân thẳng ra và chồng lên nhau theo lối “Kiết Tường” , hai tay chấp lại, rồi niệm Phật. Niệm Phật được khoảng hơn 5 phút, anh thở ba hơi thở mạnh, rồi an lành vãng sanh. Lúc đó, đúng 6 giờ sáng ngày 26 tháng 1 năm 1996. Anh hưởng dương 40 tuổi.
Âm thanh niệm Phật hiệu của chư liên hữu vang dội không ngừng cho đến giờ nhập mạch, khi xem thấy gương mặt anh rạng rỡ, trong thế nằm vô cùng trang nghiêm hy hữu, ai ai cũng xôn xao nơi lòng, nỗi mừng vui và niềm kính phục. Đặc biệt là các khớp xương đều mềm mại và đỉnh đầu hãy còn ấm nóng.
Hay tin anh mất nhiều người (nhứt là những người không tu) rơi lệ. Dường như, họ tiếc thương…! Dường như, họ đã mất đi một cái gì quí giá lắm!!!
(Thuật theo lời: Mai – Sen – Loan)