Anh Đồng Văn Hòn sinh năm 1951, là anh ruột thứ Hai của Đồng Văn Hảo.
Tính tình của anh chân thật, hiền hậu và hiếu thuận.
Lúc lên 22 tuổi, anh kết hôn với chị Phạm Thị Mai, xin được một người con nuôi tên Đồng Thị Diễm. Hai vợ chồng sống bằng nghề làm ruộng, nuôi vịt, suốt lúa… Khi chưa phát tâm tu, anh ăn nhậu dữ lắm! Đến chừng quày đầu hướng thiện thì cũng tinh tấn dữ lắm!.
Năm 2000, anh ngã bệnh, đưa đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán là “khối u dạ dày”, liền phẫu thuật. Bốn năm sau, bệnh tái phát, phẫu thuật lần thứ hai tại Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, thời gian nằm viện là 21 ngày.
Đang độ thanh xuân, có mấy ai biết dừng lại những thú vui, những đam mê, những đắm nhiễm của thế trần để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm giá trị đích thực của cuộc sống, hầu hướng đến hạnh phúc chân thật của kiếp nhân sinh.
Thế nên, bệnh khổ vẫn là một cơ duyên may mắn nhứt! Nó giúp chúng ta thể hội lời Phật dạy một cách rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, giúp chúng ta thân chứng hương vị an lạc và đạt được tự do tuyệt đối, trong cõi đời, vốn phù du, đầy tang thương khổ lụy này!
Suốt tháng năm dài bệnh hoạn, chư liên hữu ghé thăm an ủi, nhắc lại gương hạnh của thân phụ, giảng giải Phật Pháp, khích lệ tu hành. Đột nhiên, anh giật mình tỉnh ngộ, phát tâm trường chay, tinh tấn lễ Phật sám hối, khẩn thiết niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Lúc ấy, khoảng giữa năm 2004.
Khi thấy anh quá ư ốm o gầy mòn, có thể “ra đường gió bay”, chị vợ ngậm ngùi xúc cảm, khuyên nên dùng mặn trở lại để có sức khỏe, anh khẳng khái hạ một câu xanh rờn:
- “Thà bỏ xác chớ không bỏ cuộc!”
Đúng theo tinh thần từ bi mà Đức Phật Thầy Tây An đã dạy:
“Thịt thà xương máu tanh hôi,
Cỏ cây rau cải cũng rồi bữa ăn.
Đức từ bi lòng hằng thể hiện,
Không sát sanh lòng thiện ta còn.
Lạt chay tuy chẳng ngọt ngon,
Còn hơn thú vị cơm choan máu hồng.”
Trọn ngày, trừ thời khóa lễ bái trì niệm ra, anh miệt mài xem kinh đọc sách, khuyên nhắc gia quyến nỗ lực tu hành. Bởi xét thấy xác thân tạm bợ này dơ bẩn, chứa nhóm vô vàng khổ đau sầu hận:
“Mang xác thúi không làm thẹn tủi,
Còn đem tâm đắm đuối say mê.”
Nên anh dốc lòng ước nguyện sanh về Cực Lạc. Anh tin tưởng tuyệt đối vào 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Nhứt là nguyện thứ 18:
- “Nếu chúng sanh trong mười phương thế giới, nghe danh hiệu ta, khởi tâm tin ưa, nguyện sanh về nước ta. Khi lâm chung niệm danh hiệu ta, từ một niệm cho đến mười niệm, nếu chẳng được sanh về cõi nước của ta, ta thề chẳng thành Phật”.
Nhờ chứng kiến: cha, em và mẹ vãng sanh nên anh càng thêm hăng hái. Thấy vị nào ra đi cũng tỉnh táo tươi vui, thanh thản nhẹ nhàng. Rất khác với thường nhân: phùng mang trợn mắt, mê mê sảng sảng khi trút hơi thở cuối cùng! Do vậy, sự tu của anh chỉ chuyên một hướng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sám hối lỗi lầm quá khứ, nhứt quyết nguyện về Tịnh Độ. Như lời nhắn nhủ của cổ nhân:
“Lòng thệ với lòng:
Sám lỗi trước,
Hối lỗi sau,
Cố công mài dũa thì thau ra vàng.
Phù dung sớm nở tối tàn,
Đời người như giọt sương tan đầu cành.
Sanh rồi tử,
Tử rồi sanh,
Nổi chìm bể khổ sao đành cam tâm.
Phen này chẳng để lỡ lầm,
Hồng Danh sáu chữ tay cầm trong tay.
Nhứt tâm quyết ngự Liên Đài,
Chí thành tu ắt có ngày được lên.
Hư nên ở một chữ bền!”
Sau đám tang mẹ (ngày 19 tháng 3 năm 2006) ba ngày, niềm bi cảm trào dâng, sức khỏe của anh bỗng nhiên đột quỵ. Dù thế, câu niệm Phật càng khắng khít thêm hơn. Những ngày gần cuối đời, cơn bệnh hành hạ anh mỗi lúc một dữ dội.
Chiều mùng 5 tháng 7 năm 2006 trong cơn mê sảng, anh vừa nói, vừa lấy tay chỉ trỏ:
- “Nó…! Nó…! Đông dữ lắm, Sen ơi! Nó xúm lại lôi kéo chân tao.”
Người em gái liền nhắc:
- “Thôi! Anh ráng niệm Phật đi!”
Anh đáp:
- “Tao niệm không được! Nó đánh tao… Mà đánh tới mày nữa…!
Mọi người xung quanh đồng thanh niệm Phật. Được một hồi, anh tỉnh và khỏe lại bình thường. Đến 2 giờ khuya anh nói:
- “Sen ơi, Sen! Thầy về kìa! Em thấy hông?”
Cô em đáp:
- “Hông…! Ở đâu?”
Anh nói:
- “Thầy đứng gần cửa đó!”
Người em gái nói:
- “Thầy về độ anh, cho anh sáng suốt, hết bệnh. Thôi, anh ráng niệm Phật đi!”
Anh liền gật đầu.
Người em gái chạy đi thắp hương các ngôi thờ cúng, rồi tiếp tục đứng bên giường hộ niệm.
Sáng lại, cũng như mọi ngày, chị đi bán bánh mì ngoài đầu cầu, anh qua mái chái (phòng bên) dùng một ít cháo, rồi nằm nghỉ.
Đến 7 giờ 30 phút, thấy vợ đi bán về, anh liền bảo:
- “Bà ơi! Bà thay quần áo cho tui đi!”
Chị đáp:
- “Hừng sáng, làm cái gì thay quần áo! Hồi tối thay rồi, làm cái gì thay nữa!”
Anh nói:
- “Thôi mà…! Thay quần áo cho tui sạch sẽ đi!”
Khi thay xong, chị dọn cơm nhưng anh cho biết rằng, đang mệt nên anh nằm nghỉ, không ăn. Chị đành phải dùng một mình. Khi ăn chưa hết chén cơm, nghe tiếng anh gọi:
- “Bà qua kêu Ba Sen và Năm Hót qua niệm Phật! Chắc tui đi! Tui mệt dữ lắm mệt rồi… Đi kêu Chiến và Bảy Bé lại hộ niệm cho tui!”
Chị thấy anh quá tỉnh, quá khỏe nên cũng bỏ qua. Một hồi, anh lồm cồm ngồi dậy, hỏi:
- “Bà cho hay chưa?”
Chị đáp:
- “Chưa! Cô Ba thức hồi khuya tới giờ, để cổ ngủ, chớ ông kêu hoài sao?”
Anh nói:
- “Chèn ơi! Kêu qua niệm Phật giùm đi, bà ơi! Hổng êm đâu. Tui đi à!”
Chị cũng không đi vì không bao giờ tin rằng, lúc này, chồng mình sắp chết. Bèn ngồi bên cạnh, nói:
- “Thì thôi, để tui niệm Phật cho ông!”
Hai ông bà đang ngồi niệm được một lúc. Kế đó, người em trai bước qua, anh liền bảo:
- “Hót ơi! Niệm Phật tiếp anh!”
Nói xong, anh liền nằm xuống. Các chị em ở gần hay được, xúm lại hộ niệm, anh nhép môi niệm theo. Chẳng bao lâu, anh nhẹ nhàng qua đời, lúc đó 9 giờ 30 phút sáng, ngày mùng 6 tháng 7 năm 2006. Anh hưởng dương 55 tuổi.
Đến giờ nhập mạch, đỉnh đầu của anh vẫn còn ấm nóng, các khớp xương đều mềm mại, gương mặt tươi sáng lạ thường. Sự vãng sanh của anh, đã làm nhiều người phát tâm tinh tấn tu hiền.
(Thuật theo lời: Mai - Sen - Loan)