Tin có việc trong ba đời là vì thật có chứng cứ. Nghiệp nhà
quay về nơi tâm chớ nên khinh mạn. Ý chỉ nhiệm mầu ấy có đủ
trong kinh luận, nếu chẳng xem lại trong đó thì cũng rất khó
thuật lại mà xưng tán. Chỉ e rằng có những người còn chưa
được vững chắc nên tôi lược nói lại đôi điều ở đây mà khuyên
nhủ đó thôi.
Ban sơ, khi bốn trần và năm ấm phân tách hữu hình; sáu
thuyền và ba xe chuyên chở muôn loại chúng sanh. Hết thảy
các hạnh đều quy về lẽ không, hết thảy các môn tu đều là
việc thiện. Biện tài trí huệ há chỉ có bảy kinh? Trăm họ
rộng lớn lắm thay, dẫu có trí sáng như Nghiêu, Thuấn, Châu,
Khổng cũng không kịp được!
Hai đạo trong ngoài vốn là một thể, dần dần thành khác đi,
chỗ sâu cạn chẳng đồng. Kinh điển đạo Phật dạy Năm giới cho
người mới học, cũng là phù hợp với kinh sách Nho giáo nêu
lên Ngũ thường. Nhân cũng chính là không giết hại, nghĩa
cũng chính là không trộm cắp, lễ cũng chính là không tà dâm,
trí cũng chính là không uống rượu, tín cũng chính là không
nói dối.
Cho đến như những việc săn bắn, giết chóc, vì là tánh nết
lâu ngày của dân, không thể nhất thời dứt được, nên khiến
cho bớt dần đi, đừng lạm dùng quá lắm. Như thế mà lại cho
rằng Châu công, Khổng tử là nghịch với thuyết Phật, há chẳng
sai lầm lắm sao?
Người đời kích bác đạo Phật, nhìn chung không ngoài năm điều
này:
1. Cho rằng những việc ở ngoài cõi thế cùng những việc thần
hóa vô phương là những chuyện viễn vông, không thật.
2. Cho rằng những việc lành, dữ, họa, phước hoặc sự báo ứng
chưa đến là những việc dối trá, lừa phỉnh.
3. Cho rằng hạnh nghiệp của tăng ni phần nhiều chẳng trong
sạch, thuần khiết, thường là dối trá, gian tà.
4. Cho rằng đạo Phật lãng phí vàng bạc, châu báu, làm giảm
bớt những sự đóng góp công quỹ nên có hại cho nước nhà.
5. Cho rằng dẫu có nhân duyên, quả báo lành dữ cũng chẳng
cần phải khó nhọc khổ sở, vì việc làm của ta trong đời này
chỉ có lợi cho kẻ khác ở đời sau, vì khi tái sanh đã là một
người khác rồi!
Nay tôi sẽ lần lượt giải thích tất cả năm điều ngờ vực ấy.
Về điều thứ nhất, phàm những sự vật xa xôi, to lớn, há có
thể đo lường được sao? Điều mà người nay được biết không gì
xa và lớn hơn trời đất. Trời là do khí tích tụ, đất là do
khối tích tụ, mặt trời là tinh của khí dương, mặt trăng là
tinh của khí âm, các vì sao là tinh của muôn vật. Đó là theo
sự sắp xếp của nhà Nho. Dù vậy, có biết bao điều trong vũ
trụ mà chúng ta vẫn không sao hiểu biết hết được.
Đất vẫn là chất nặng và rắn, chìm xuống thành khối dày, thế
mà đào xuống đất thì gặp mạch nước, hóa ra đất lại nổi trên
nước? Sông suối lớn nhỏ hàng trăm dòng đều xuôi chảy về
biển, vì sao biển chẳng đầy tràn? Thủy triều lên xuống có
chừng mực là do đâu vậy? Trời đất bao la rộng lớn, tại sao
phân vạch bờ cõi chỉ chú trọng riêng có Trung Hoa là chính?
Chẳng phải còn có các nước Hung Nô, nước Hồ ở phía tây, nước
Việt ở phía đông, nước Điêu Đề, nước Giao Chỉ nữa đó sao?
Lấy đó mà xét, còn có rất nhiều việc mà không bao giờ ta
hiểu cho hết được. Há nên dùng việc tầm thường của người mà
suy lường hết ngoài vòng vũ trụ hay sao? Chỗ tin nhận của
người phàm chỉ là do tai nghe, mắt thấy mà thôi. Ngoài những
điều tai nghe, mắt thấy thì tất cả đều nghi ngờ!
Nhà Nho mô tả về trời, thường dùng nhiều nghĩa. Hoặc cho đó
là hỗn, hoặc là cái, hoặc là tuyên, hoặc là an, thảy đều do
dùng trí suy diễn mà biết, chẳng phải dùng mắt thấy, tai
nghe. Vì sao có thể tin lời ức đoán của phàm phu mà không
thấu hiểu ý nghĩa mầu nhiệm của bậc Đại thánh, lại cho rằng
không có số thế giới nhiều như cát sông Hằng, không có số
kiếp nhiều như số hạt bụi nhỏ? Xưa ông Trâu Diễn đời Chiến
quốc luận về chín châu, nói rằng người ở miền núi chẳng tin
loài cá có thể lớn như cây đại thụ, còn người sống ở vùng
biển lại chẳng tin rằng có những cây lớn bằng loài cá to.
Hán Võ đế không tin là có loại keo dùng nối được dây cung
đứt, Ngụy Văn đế chẳng tin rằng có thể dùng lửa mà giặt vải
chống lửa. Người Hồ nhìn thấy vải lụa, chẳng tin rằng do con
tằm ăn lá dâu, nhả tơ mà dệt nên. Xưa ở Giang Nam, người ta
chẳng tin có tấm trướng long chiên chứa được ngàn người;
trên miền Hà Bắc, dân chúng chẳng tin có chiếc ghe chở đến
muôn hộc! Thế mà tất cả những điều ấy đều có thật.
Các pháp sư, nhà ảo thuật thường làm được những chuyện dị kỳ
như bước vào lửa, đi trên lưỡi dao sắc... biến hóa ra vật
này, vật khác. Sức người thường còn làm được như vậy, huống
chi là sự thần thông cảm ứng, chẳng thể suy lường như lọng
báu che ngàn dặm, như tòa báu rộng trăm do-tuần, như hóa
thành cõi Tịnh độ, như đột nhiên mọc lên tháp báu?
Về điều thứ hai, nên biết những sự thành tín hay hủy báng dù
nhỏ nhặt cũng đều có ảnh hưởng. Tai nghe mắt thấy những việc
như vậy đã có rất nhiều. Nhưng đôi khi vì sự thành tín chưa
đủ sâu xa, vì nghiệp duyên chưa đủ cảm ứng nên chưa thấy
được. Hoặc có khi xảy ra vào lúc khác, muộn màng hơn, nhưng
rốt cuộc thì mọi hành vi đều sẽ có quả báo. Làm thiện thì
phước đến, làm ác thì họa theo, tất cả học giả trong thiên
hạ đều nói như vậy, đâu chỉ riêng trong kinh điển Phật giáo
mà gọi là hư vọng?
Những việc như Hạng Thác, Nhan Hồi chết yểu, Bá Di, Nguyên
Hiến phải chịu đói lạnh, Đạo Chích, Trang Kiêu được hưởng
phước thọ, vua Tề Cảnh, tướng Hoàn Khôi được cường thịnh,
giàu sang,nếu muốn thấu hiểu được thì cần phải rõ biết những
nghiệp đời trước, vì do đó mới chiêu cảm quả báo đời sau.
Bằng như thấy người làm thiện bỗng chịu tai họa, kẻ làm ác
lại gặp phước lành, rồi đem lòng oán trách cho rằng trời đất
chẳng công minh, chẳng hóa ra vua Nghiêu, vua Thuấn nói bậy,
các vị Châu, Khổng dạy sai? Vậy còn biết tin vào đâu mà lập
thân?
Về điều thứ ba, nên biết xưa nay những người làm ác thì
nhiều, người làm lành rất ít, như vậy lẽ nào lại đòi hỏi tất
cả mọi người đều phải trong sạch, tinh khiết cả hay sao?
Người đời khi thấy hàng danh tăng đức hạnh thì bỏ qua mà
không nói đến, còn gặp những kẻ phàm tăng tục nết thì sanh
lòng hủy báng, chê bai. Hơn nữa, người học nếu không chuyên
cần, há đổ lỗi cho khoa giáo hay sao? Hàng tăng sĩ học kinh
luật nào có khác chi nhà Nho học Kinh Thi, kinh Lễ? Những
lời dạy trong kinh Thi, kinh Lễ đều là để giúp người trở nên
chân chánh, thế mà người học chẳng có ai được hoàn toàn cả!
Cũng vậy, giới luật nhà Phật là để giúp người xuất gia tu
sửa, nhưng lẽ nào lại chẳng có ai phạm vào? Những người làm
quan, dù không đủ đức độ vẫn cầu được bổng lộc tước vị,
huống chi hàng tăng lữ hủy cấm, đâu lẽ từ chối sự cúng
dường? Cho nên, đối với giới hạnh cũng không khỏi có kẻ hủy
phạm. Nhưng một khi đã mặc áo cà-sa là được tính vào hàng
tăng lữ, chỉ tính trong khoảng một năm trai giới, tụng trì
kinh luận thì so với những người thế tục cũng đã là hơn xa
rồi vậy.
Về điều thứ tư, nên biết kinh luận Phật giáo dạy rất nhiều
đường tu tập mà xuất gia chỉ là một trong số đó thôi. Nếu
người có lòng thành hiếu, lấy nhân huệ làm gốc, như ông
Tu-đạt, ông Lưu Thủy, thì chẳng cần cắt tóc cạo râu, há phải
bán hết ruộng vườn mà tạo tháp miếu, bỏ cả nhà cửa mà làm
tăng ni hay sao? Chỉ vì không có sự tiết chế, quản lý, để
cho những ngôi chùa phi pháp dựng lên, hại mất chỗ cày cấy
của dân, để cho những thầy tăng không hạnh nghiệp vào đó
trốn thuế sưu của Nhà nước. Nhưng đó đâu phải là chủ ý của
đấng Đại giác.
Lại nữa, việc cầu đạo là giải thoát thân mình, phát triển
kinh tế là việc của Nhà nước. Trong hai đường ấy không thể
đồng thời thực hiện. Như bề tôi theo giúp vua thì phải bỏ mẹ
cha, con hiếu lo việc nhà thì bỏ việc nước. Mỗi người phải
chọn đường riêng của mình. Nho giáo cũng có những người
chẳng lòn cúi bậc vương hầu, giữ tiết khí cao thượng. Các vị
danh sĩ cũng có kẻ nhường ngôi vua, từ quan chức, lánh thế
tục vào sống trong rừng núi, lẽ nào cũng cho rằng những bậc
ấy là trốn sưu thuế, có tội với xã hội hay sao?
Nếu có thể khai hóa cho dân, độ cho tất cả đều vào đạo
tràng, như vua Hướng Khư ở cõi Diệu Lạc, thì tự nhiên đất
nước sẽ được sung túc, giàu có vô tận, cần chi những mối lợi
nhỏ mà buộc người tu phải lo việc làm ruộng, nuôi tằm?
Về điều thứ năm, nên biết rằng hình thể dù chết mà tinh thần
vẫn còn. Người đời khi đang sống nghĩ đến kiếp sau thấy
dường như chẳng có sự liên hệ, phụ thuộc. Nhưng đến khi chết
rồi thì đối với kiếp trước cũng gần gũi tựa như già với trẻ,
sớm với chiều.
Trong cuộc sống đôi khi cũng thấy có thần hồn hiện ra trong
mộng tưởng, hoặc giáng đồng thiếp, hoặc cảm ứng vợ con hay
tôi tớ, đòi hỏi việc cúng kính... những việc như vậy chẳng
phải là ít. Những kẻ đời nay nghèo hèn, bệnh hoạn, khốn khổ,
đều tự trách mình đời trước chẳng tu phước nghiệp. Theo lẽ
đó mà luận, há chẳng nên lo việc tu hành tinh tấn hay sao?
Như khi ta sanh ra con cháu, chỉ là tự nhiên mà có giữa
khoảng trời đất này, nào có liên quan gì đến ta mà lại yêu
thương, bảo bọc, lo kiến tạo nền móng để lại. Huống chi phần
tinh thần của chính mình lại muốn bỏ đi hay sao?
Kẻ phàm phu ngu muội, chẳng thấy đời vị lai, nên nói rằng
thân sanh ở đời sau với đời này là khác nhau. Nếu được có
thiên nhãn sẽ thấy rằng mỗi một giây phút tiếp nối nhau đều
có sự sống liên tục, đời này truyền sang đời khác, chẳng bao
giờ dứt, chẳng phải là đáng sợ lắm sao?
Lại nữa, người quân tử sống trong đời quí ở chỗ biết bỏ thân
mình mà theo lẽ phải, giúp ích cho xã hội. Giữ việc nhà thì
muốn cho gia đình thịnh vượng, giúp việc nước thì muốn cho
đất nước an lành. Xét lại, những kẻ tôi tớ, thê thiếp, quần
thần, dân chúng đối với mình có quan hệ gì mà mình phải vì
họ cần khổ tu đức? Lẽ nào đó cũng là các bậc thánh nhân như
Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng bỏ phí mất sự an lạc của thân
mình đó sao?
Một người tu hành đạo Phật tế độ cho bao nhiêu kẻ thoát khỏi
nhiều đời tội lụy! Hãy nghĩ kỹ mà xem. Nếu những ai còn phải
lo liệu việc đời, gầy dựng nhà cửa, chẳng bỏ vợ con, chưa
thể xuất gia, thì hãy thường tu giới hạnh, lưu tâm đọc tụng
kinh diển, lấy đó làm chỗ hướng đến cho đời sau. Thật rất
khó được sanh làm người, vậy chớ nên bỏ luống qua!
Người quân tử của đạo Nho còn xa việc bếp núc, thấy con thú
sống chẳng nỡ làm nó chết, nghe tiếng nó kêu la thì không ăn
thịt nó. Cao Sài, Chiết Tượng tuy chưa biết đạo Phật nhưng
đều không giết hại. Đó là người có nhân, dụng tâm một cách
tự nhiên. Muôn loài sanh linh thảy đều tham tiếc mạng sống,
cho nên mình phải cố gắng tránh việc giết hại. Những kẻ ưa
thích làm việc giết hại, khi lâm chung thì quả báo hiện ra,
rồi về sau con cháu còn phải chịu tai ương. Những trường hợp
như vậy nhiều không kể xiết, dưới đây chỉ tạm ghi ra một số
trường hợp:
Gần đây có người thường lấy lòng trắng trứng gà hòa với nước
mà gội đầu cho mượt tóc. Suốt đời không biết đã dùng đến
biết bao nhiêu là trứng gà. Đến lúc sắp chết bỗng nghe trong
mái tóc có tiếng gà con kêu chíp chíp.
Lại ở Giang Lăng có người họ Lưu làm nghề bán canh lươn. Về
sau sanh ra một đứa con, đầu mặt như lươn, từ cổ trở xuống
mới là hình người.
Quan thái thú quận Vĩnh Gia là Vương Khắc. Một hôm có người
đem biếu một con dê. Vương Khắc bày tiệc mời khách đến ăn
thịt dê. Khi ấy, sợi dây buộc con dê bị sút ra, dê chạy tới
trước một người khách, quì xuống, lạy hai lần và chun vào
núp trong áo của người ấy. Nhưng người ấy không nói gì, cũng
không xin cứu mạng dê. Liền đó, nhà bếp bắt lấy con dê, làm
thịt mang lên đãi khách. Người khách ấy vừa nuốt một miếng
thịt vào miệng thì hơi nóng lan ra khắp thân thể, làm đau
đớn vô cùng. Người ấy rên la hồi lâu, phát thành tiếng kêu
như dê rồi chết!
Đời Hiếu Nguyên nhà Lương, tại Giang Châu có quan huyện lệnh
Vọng Thái. Khi có loạn Lưu Kính Cung, dinh quan huyện bị đốt
cháy, quan phải tạm trú ở một ngôi chùa. Dân trong vùng đem
bò và rượu đến làm lễ. Quan huyện lệnh sai người buộc con bò
vào cột chùa, dẹp hết tượng Phật, sắp đặt bàn ghế làm chỗ
ngồi tiếp khách và ăn uống trước chánh điện. Lúc chưa bị
giết, con bò bỗng sút dây chạy thẳng tới thềm mà lạy. Quan
huyện lệnh cả cười, sai quân bắt đi làm thịt. Ăn uống no say
rồi, liền nằm dưới bức rèm mà ngủ. Chừng tỉnh dậy, thấy
trong mình phát ngứa, móng tay cào gãi những mụt chỗ kín,
nhân đó phát thành bệnh cùi, đau đớn kéo dài hơn mười năm
rồi chết.
Dương Tư Đạt làm quan thái thú quận Tây Dương, nhằm lúc có
loạn Hầu Cảnh (548 - 552), lại thêm nắng hạn mất mùa, dân
đói khổ đi ăn trộm lúa trong ruộng. Tư Đạt sai một viên bộ
khúc đem quân giữ lúa, bắt được kẻ trộm liền chặt cánh tay
và giết hơn mười người. Về sau, viên bộ khúc ấy sanh ra một
đứa con trai không có cánh tay.
Đời nhà Tề có người nhà giàu xa xỉ, thích ăn thịt bò, nhưng
phải tự tay giết bò thì ăn mới ngon. Đến khoảng ba mươi tuổi
bỗng mắc bệnh nặng, nhìn thấy cả bầy bò kéo đến. Liền đó,
khắp cả người như bị dao đâm, kêu gào mà chết.
Cao Vĩ quê ở Giang lăng, theo tôi vào sống ở nước Tề nhiều
năm, thường đến châu U, vào trong đầm lạch mà bắt cá. Về sau
bị bệnh, thường thấy có bầy cá cắn xé mình, cảm thấy đau đớn
cho đến chết.